Bài tập cá nhân hình sự modul 2

Bài 8: Với ý định chiếm đoạt tài sản của người khác, lợi dụng đêm tối M lén vào nhà ông D khi cả nhà đang ngủ say để lấy chiếc xe đạp mới mua. Khi đang dắt xe ra cửa thì hành vi của M bị ông D phát hiện. Ông D hô mọi người bắt giữ M và nắm đuôi chiếc xe đạp kéo lại không cho M dắt đi. M dùng chân đạp vào ngực ông D làm cho ông ngã đập đầu xuống sàn nhà (thương tích không đáng kể). Sau khi đạp ông D, M tiếp tục dắt xe ra ngoài đường nhưng thấy mọi người nghe tiếng kêu cứu đang đổ xô lại nên y phải bỏ lại chiếc xe trong ngõ. Hỏi: 1.Xác định hành vi của M? (3 điểm) 2.Giả sử chiếc xe đạp có giá trị 1.500.000 đồng thì M có phạm tội không? (1 điểm) 3.Giả sử ông D bị M đạp ngã xuống sàn và chết thì tội danh của M được xác định như thế nào? (3 điểm).

doc5 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3141 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bài tập cá nhân hình sự modul 2, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Bài 8: Với ý định chiếm đoạt tài sản của người khác, lợi dụng đêm tối M lén vào nhà ông D khi cả nhà đang ngủ say để lấy chiếc xe đạp mới mua. Khi đang dắt xe ra cửa thì hành vi của M bị ông D phát hiện. Ông D hô mọi người bắt giữ M và nắm đuôi chiếc xe đạp kéo lại không cho M dắt đi. M dùng chân đạp vào ngực ông D làm cho ông ngã đập đầu xuống sàn nhà (thương tích không đáng kể). Sau khi đạp ông D, M tiếp tục dắt xe ra ngoài đường nhưng thấy mọi người nghe tiếng kêu cứu đang đổ xô lại nên y phải bỏ lại chiếc xe trong ngõ. Hỏi: 1.Xác định hành vi của M? (3 điểm) 2.Giả sử chiếc xe đạp có giá trị 1.500.000 đồng thì M có phạm tội không? (1 điểm) 3.Giả sử ông D bị M đạp ngã xuống sàn và chết thì tội danh của M được xác định như thế nào? (3 điểm). Bài Làm 1. Xác định hành vi của M “Với ý định chiếm đoạt tài sản của người khác, lợi dụng đêm tối, M lén vào nhà ông D khi cả nhà đang ngủ say để lấy chiếc xe đạp mới mua”. Tình tiết trên cho thấy, M đã có ý định chiếm đoạt tài sản của người khác, cụ thể là chiếc xe đạp mới mua của nhà ông D. Để thực hiện ý định của mình, M đã lợi dụng đêm tối lén lút vào nhà ông D để lấy chiếc xe đạp đó. Như vậy, ban đầu M đã thực hiện hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản. Hành vi của M được thực hiện bằng hình thức mà hình thức đó có khả năng không cho phép chủ tài sản (ông D) biết có hành vi chiếm đoạt khi hành vi này xảy ra. Ý thức chủ quan của M là lén lút bởi khi thực hiện hành vi chiếm đoạt, M có ý thức che giấu hành vi đang thực hiện của mình (lợi dụng đêm tối lén vào nhà ông D khi cả nhà đang ngủ say). Khi bị ông D phát hiện và ngăn cản, M đã dùng vũ lực: “dùng chân đạp vào ngực ông D làm cho ông ngã xuống sàn nhà”. Như vậy, để đạt được mục đích là lấy bằng được chiếc xe đạp, M đã thực hiện cả hành vi dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản của ông D. Trong trường hợp trên, M đã chiếm được tài sản bằng thủ đoạn không phải là cướp mà bằng thủ đoạn trộm cắp nhưng ngay sau đó đã bị phát hiện, M đã tấn công lại người ngăn cản (ông D) bằng những thủ đoạn của tội cướp nhằm giữ bằng được tài sản vừa chiếm đoạt trước đó. Theo quan điểm truyền thống và thực tiễn xét xử từ trước đến nay coi trường hợp này là trường hợp chuyển hóa từ trộm cắp tài sản thành cướp tài sản. Đối tượng của hành vi của M trong vụ án trên là chiếc xe đạp mới mua của nhà ông D. Chiếc xe đạp là một tài sản thuộc sở hữu của ông D. Về khách thể, hành vi của M xâm phạm tới quan hệ sở hữu. Đồng thời, hành vi dùng vũ lực đối với ông D của M còn xâm phạm quan hệ về nhân thân. Lỗi của M trong vụ án trên là lỗi cố ý trực tiếp. Khi thực hiện hành vi, M biết mình có hành vi dùng vũ lực đối với người khác và M mong muốn hành vi đó có thể đè bẹp, làm tê liệt sự chống cự của ông D, để có thể thực hiện được mục đích chiếm đoạt chiếc xe đạp của mình. Mục đích của M là chiếm đoạt chiếc xe đạp (và mục đích giữ chiếc xe đạp vừa chiếm đoạt được cũng là dạng đặc biệt của mục đích chiếm đoạt tài sản). Như vậy, hành vi của M đã đáp ứng các dấu hiệu của tội cướp tài sản được quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1999, (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Về mặt khách quan, tội cướp tài sản bao gồm có 3 dạng hành vi là: hành vi dùng vũ lực, hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc, hành vi làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được. Hành vi dùng vũ lực là hành vi (hành động) mà người phạm tội đã thực hiện, tác động vào cơ thể của nạn nhân như: đấm, đá, đạp...Hay nói một cách khái quát là hành vi dùng sức mạnh vật chất nhằm chiếm đoạt tài sản. Hành vi dùng vũ lực có thể làm cho nạn nhân bị thương tích, bị tổn hại đến sức khỏe hoặc bị chết nhưng có thể chưa gây ra thương tích đáng kể (chưa có tỷ lệ thương tật). Hành vi dùng chân đạp vào ngực ông D của M nhằm giữ bằng được tài sản là chiếc xe đạp là hành vi dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản, thuộc dấu hiệu về mặt khách quan của tội cướp tài sản. Kết luận, hành vi của M là hành vi dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản. 2. Giả sử chiếc xe đạp có giá trị 1.500.000 đồng thì M có phạm tội không? Nếu chiếc xe đạp có giá trị 1.500.000 đồng thì M vẫn phạm tội cướp tài sản. Bởi tội cướp tài sản không quy định về định lượng giá trị tài sản bị chiếm đoạt là yếu tố CTTP. Mặt khác đối với tội cướp tài sản, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm(tội cướp tài sản có CTTP hình thức). Hậu quả của tội phạm chỉ là dấu hiệu định khung hình phạt hoặc chỉ là tình tiết để xem xét khi quyết định hình phạt. 3. Giả sử ông D bị M đạp ngã xuống sàn và chết thì tội danh của M được xác định như thế nào? Nếu hậu quả xảy ra là thiệt hại về tính mạng thì cần phân biệt hai trường hợp: Trường hợp người phạm tội giết người nhằm chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội (tội giết người và tội cướp tài sản); Nếu người phạm tội không có ý định giết người mà chỉ có ý định cướp tài sản nhưng chẳng may người bị hại bị chết thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản với tình tiết định khung tăng nặng ( điểm a Khoản 4 Điều 133 BLHS năm 1999). Trong vụ án trên, hậu quả chết người đã xảy ra, cần xác định hành vi của M thuộc trường hợp nào trong hai trường hợp nêu trên. Xem xét các tình tiết thuộc mặt chủ quan, cụ thể, là M có ý định tước đoạt sinh mạng của D hay không? Để đánh giá được chính xác vấn đề này, cần căn cứ vào hành vi khách quan, công cụ, cách thức sử dụng công cụ, phương tiện...Thực tế diễn biến của những hành vi do M thực hiện cho thấy: Ban đầu, với ý định chiếm đoạt tài sản, M đã lén vào nhà ông D nhằm lấy chiếc xe đạp. Tuy nhiên, khi đang dắt xe ra cửa thì hành vi của M bị ông D phát hiện, ông D hô mọi người bắt giữ M và nắm đuôi chiếc xe đạp kéo lại không cho M dắt đi. M dùng chân đạp vào ngực ông D làm cho ông ngã đập đầu xuống sàn nhà và sau đó M tiếp tục dắt xe ra ngoài đường. Như vậy, những tình tiết trên cho thấy, M lén vào nhà ông D không nhằm mục đích giết người mà nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, cụ thể là chiếc xe đạp. Vì hành vi của M bị ông D phát hiện nên M đã dùng chân đạp vào ngực ông D nhằm ngăn cản sự chống cự của ông. M đã thực hiện hành vi dùng vũ lực bằng cách đạp chân vào ngực ông D. M không dùng một công cụ , một hình thức khác nguy hiểm đến tính mạng như dùng dao đâm, chém... Do vậy, M không cố ý tước đoạt sinh mạng của ông D mà chỉ cố ý giữ tài sản cướp. M mong muốn hành vi đó đè bẹp sự chống cự của ông D nhưng không mong muốn hậu quả chết người xảy ra. M cố ý về hành vi dùng vũ lực đối với ông D để giữ tài sản chiếm đoạt nhưng vô ý với hậu quả chết người. Trong trường hợp trên, M phạm tội cướp tài sản với tình tiết định khung tăng nặng được quy định tại điểm a Khoản 4 Điều 133 BLHS năm 1999 “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người” Danh mục tài liệu tham khảo. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật hình sự Việt Nam,(tập 1 và tập 2), Nxb. CAND, Hà Nội, 2009. Đinh Văn Quế, Bình luận khoa học Bộ luật hình sự Việt Nam (bình luận chuyên sâu), tập 2, Nxb.TP. Hồ Chí Minh. Đỗ Đức Hồng Hà, “Việc định tội danh đối với các trường hợp phạm tội gây hậu quả chết người”, Tạp chí kiểm sát, số 20/2006. Trương Quang Vinh, “Các tội xâm phạm sở hữu trong BLHS năm 1999”, Tạp chí luật học, số 4/2000. Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi năm 2009).

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docBài tập cá nhân hình sự modul 2.doc