Bài tập tuần số 2: Môn luật Tố tụng hình sự - Đề số 15

Đề số 15: Những khẳng định sau đúng hay sai, tại sao? a/ Viện kiểm sát là một trong những chủ thể có quyền khởi tố vụ án hình sự. b/ Trong tố tụng hình sự, Giám đốc thẩm, Tái thẩm là một cấp xét xử. 1/ Cơ sở pháp lí: Khoản 1 Điều 13 Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân: "Khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra, Viện kiểm sát nhân dân có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: 1. Khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can; yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố hoặc thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can .".

doc5 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 5846 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bài tập tuần số 2: Môn luật Tố tụng hình sự - Đề số 15, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BỘ TƯ PHÁP TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI -------***------- BÀI TẬP TUẦN SỐ 2 MÔN: LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ Đề số 15: Những khẳng định sau đúng hay sai, tại sao? a/ Viện kiểm sát là một trong những chủ thể có quyền khởi tố vụ án hình sự. b/ Trong tố tụng hình sự, Giám đốc thẩm, Tái thẩm là một cấp xét xử. Họ và tên: Đỗ Diệp Đan Linh Khoa: Luật Quốc tế và kinh doanh quốc tế Lớp: QT 33B Mã số sinh viên: QT33B031 Hà Nội – 2011 I. Khẳng định: "Viện kiểm sát là một trong những chủ thể có quyền khởi tố vụ án hình sự" là ĐÚNG 1/ Cơ sở pháp lí: Khoản 1 Điều 13 Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân: "Khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra, Viện kiểm sát nhân dân có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: 1. Khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can; yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố hoặc thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can...". Điều 13 BLTTHS: "Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố vụ án và áp dụng các biện pháp do Bộ luật này quy định để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội. Không được khởi tố vụ án ngoài những căn cứ và trình tự do Bộ luật này quy định". 2/ Giải thích: Pháp luật hiện hành qui định rõ ràng về thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự của Viện kiểm sát trong những trường hợp: - Thứ nhất, khi thấy quyết định không khởi tố vụ án của Cơ quan điều tra, cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, lực lượng cảnh sát biển, đơn vị bộ đội biên phòng, cơ quan hải quan và cơ quan kiểm lâm không có căn cứ thì Viện kiểm sát huỷ bỏ quyết định không khởi tố đó và ra quyết định khởi tố vụ án. - Thứ hai, trong trường hợp Hội đồng xét xử yêu cầu khởi tố vụ án. Thẩm quyền khởi tố vụ án thuộc về Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp. Viện kiểm sát có vai trò và trách nhiệm rất quan trọng là thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc khởi tố vụ án hình sự, bảo đảm mọi tội phạm được phát hiện phải bị khởi tố, việc khởi tố vụ án là có căn cứ và hợp pháp. Nghị quyết số 08/NQTW ngày 2/1/2002 của Bộ chính trị đã đặt ra yêu cầu: "Viện kiểm sát các cấp thực hiện tốt chức năng công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp. Hoạt động công tố phải được thực hiện ngay từ khi khởi tố vụ án và trong suốt quá trình tố tụng nhằm bảo đảm không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội, xử lý kịp thời những trường hợp sai phạm của những người tiến hành tố tụng làm nhiệm vụ..." Kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn khởi tố - điều tra vụ án hình sự thể hiện chức năng của Viện kiểm sát; trong đó quyền khởi tố vụ án hình sự đôi khi trở thành một biện pháp để đảm bảo thực hiện chức năng này. Tại Điều 13 BLTTHS cũng qui định cụ thể vấn đề này, như vậy, Viện kiểm sát là một trong những chủ thể có trách nhiệm, cũng là có quyền khởi tố vụ án hình sự. 3/ Một số vấn đề thực tiễn: Thực tiễn những năm qua cho thấy, Viện kiểm sát đã cố gắng thực hiện tốt chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp trong khởi tố - điều tra vụ án hình sự góp phần có hiệu quả trong đấu tranh, phòng ngừa tội phạm. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động của VKS vẫn còn có những hạn chế trong việc thực hiện chức năng của mình, như: Vẫn để xảy ra tình trạng hồ sơ vụ án phải trả để điều tra bổ sung nhiều, vẫn còn nhiều người bị bắt, khởi tố, điều tra oan, sai. Theo số liệu thống kê của Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong năm 2000: Trong cả nước có 92/ 8850 người bị lạm dụng bắt khẩn cấp; Cơ quan điều tra và VKS đã đình chỉ 362 vụ án vì không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm, trong số bị can bị đình chỉ thì có 1939 người bị áp dụng biện pháp tạm giam; trong thời gian từ 1/12/2001 đến 31/11/2002 trong cả nước có 1925 vụ/ tổng số 49684 vụ án VKS các cấp phải trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung ... Hiện nay, theo BLTTDS 2005 và BLTTHC 2002, viện kiểm sát không còn quyền khởi tố vụ án hành chính và vụ án dân sự. Điều này để cơ quan này có điều kiện tập trung làm tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Mặt khác, do đã bỏ chức năng “kiểm sát chung”, Viện kiểm sát sẽ không có đủ điều kiện phát hiện các vi phạm pháp luật cũng như thu thập tài liệu, chứng cứ kèm theo làm căn cứ để khởi tố vụ án dân sự, hành chính. Tuy nhiên đối với các vụ án hình sự, với tính chất đặc biệt quan trọng, tính nguy hiểm cao nhằm không để lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội. Từ đó còn nhấn mạnh vai trò to lớn của Viện kiểm sát trong công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm, điều đó yêu cầu Viện kiểm sát cần phải thực hiện hiệu quả quyền-trách nhiệm của mình. II. Khẳng định: "Trong tố tụng hình sự, Giám đốc thẩm, Tái thẩm là một cấp xét xử" là SAI 1/ Cơ sở pháp lí: Điều 20 BLTTHS: " 1. Toà án thực hiện chế độ hai cấp xét xử: Bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật này. Bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn do Bộ luật này quy định thì có hiệu lực pháp luật. Đối với bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật. 2. Đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới thì được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm." Điều 230 BLTTHS Tính chất của xét xử phúc thẩm, Điều 272 BLTTHS Tính chất của giám đốc thẩm, Điều 290 BLTTHS Tính chất của tái thẩm. 2/ Giải thích: Pháp luật Việt Nam công nhận nguyên tắc hai cấp xét xử (cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm), một vụ án hình sự đã được xét xử ở cấp sơ thẩm có thể được xét xử lại một lần nữa ở cấp phúc thẩm. Giám đốc thẩm, tái thẩm là hoạt động “xét” chứ không “xử”, đây là những thủ tục đặc biệt xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật (khi phát hiện có: vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án => giám đốc thẩm; có tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà Toà án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó => tái thẩm). Do phụ thuộc vào các yếu tố định tính trên (nghiêm trọng và cơ bản) nên thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm phụ thuộc rất nhiều vào nhận định chuyên môn của các cơ quan có thẩm quyền đề nghị thực hiện các thủ tục này. Giám đốc thẩm, tái thẩm được định nghĩa là hoạt động “xem xét”, không được định nghĩa là hoạt động “xử”. Rõ ràng, khi nói đến hoạt động giám đốc thẩm; tái thẩm, nhà làm luật không dùng khái niệm “xét xử”. VD: người ta không gọi là “xét xử giám đốc thẩm”, điều này là hợp lý về mặt học thuật, bản chất của hoạt động giám đốc thẩm là xem xét (xét) tính hợp pháp của trong quy trình hành động của nội bộ hệ thống tư pháp, chứ không phải phán quyết (xử) về quyền và nghĩa vụ của đương sự. Chính vì giám đốc thẩm không phải là hoạt động xét xử, thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm chỉ là không chấp nhận kháng nghị, y án hoặc hủy án. Hội đồng giám đốc thẩm không có quyền sửa án, tức ra phán quyết về quyền lợi trực tiếp của đương sự. Tóm lại, Giám đốc thẩm và tái thẩm không phải là một cấp xét xử. 3/ Một ví dụ thực tiễn: Vụ án của Thiếu tướng Trần Văn Thanh - nguyên Chánh thanh tra Bộ Công an, nguyên Giám đốc Công an Đà Nẵng. - Vụ án này đã được xét xử sơ thẩm tại TAND TP. Đà Nẵng, bản án hình sự sơ thẩm ngày 7/8/2009 tuyên phạt bị cáo Trần Văn Thanh 18 tháng tù treo về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. - Ông Trần Văn Thanh đã gửi đơn kháng cáo tới Tòa phúc thẩm, Tòa án nhân dân Tối cao tại Đà Nẵng, Viện phúc thẩm Viện kiểm sát nhân dân Tối cao tại Đà Nẵng và Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng, để kháng cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số 16/2009/HSST ngày 7/8 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng. Trong đơn kháng cáo, ông Trần Văn Thanh đề nghị Tòa phúc thẩm, Tòa án nhân dân Tối cao tại Đà Nẵng tiến hành xét xử theo thủ tục phúc thẩm, hủy bản án sơ thẩm, đình chỉ vụ án và tuyên bố không phạm tội theo khoản 2, Điều 107, Bộ luật Tố tụng hình sự. Tòa án nhân dân Tối cao tại Đà Nẵng đã xét xử lại trong phạm vi những vấn đề kháng cáo, kháng nghị đối với bản án; đây là một cấp xét xử nên thủ tục mở phiên tòa phúc thẩm cũng giống như mở phiên tòa sơ thẩm và được quy định trong chương XXIV của BLTTHS 2003. Nhưng đây là phiên tòa xét xử lại vụ án mà cấp sơ thẩm đã xử nên chắc chắn có những điểm khác so với phiên tòa sơ thẩm: trước khi tiến hành xét hỏi thì một thành viên trong Hội đồng xét xử phải trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm, nội dung kháng cao, kháng nghị… - Sau khi xét xử phúc thẩm, bị cáo Trần Văn Thanh có nhiều đơn kêu oan đề nghị (thông báo bằng văn bản cho những người có quyền kháng nghị) nhằm xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Với một số căn cứ, Viện KSND Tối cao cho rằng, không đủ cơ sở kết luận Trần Văn Thanh có hành vi phạm tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Từ đó, ngày Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm của Toà phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng và bản án hình sự sơ thẩm của TAND TP. Đà Nẵng đối với Trần Văn Thanh. Điểm cần chú ý ở đây là thủ tục này không phải là một cấp xét xử thứ ba. Một vụ án chỉ có hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, đây là một thủ tục đặc biệt để tòa án cấp trên kiểm tra tính hợp pháp trong hành động của tòa án cấp dưới nên hoạt động này chỉ xem xét khía cạnh áp dụng pháp luật trong hoạt động tố tụng mà không tập trung vào nội dung cụ thể của vụ việc tranh chấp. Chính vì vậy, về nguyên tắc, hoạt động giám đốc thẩm dân sự tập trung vào việc xem xét quá trình áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng, thay vì tập trung vào những nội dụng chi tiết của vụ tranh chấp. Giám đốc thẩm là hoạt động xem xét bản án do một Tòa án ban hành, chứ không phải xét xử một vụ án do người dân khiếu kiện./. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ luật tố tụng hình sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2003; 2. Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân 3. Giáo trình luật tố tụng hình sự Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb. CAND, Hà Nội, 2007, 2008; 4. Giáo trình luật tố tụng hình sự Việt Nam, Khoa luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, 2001; 5. Kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn khởi tố - điều tra vụ án hình sự của Viện kiểm sát, Luận án Tiến sĩ Luật học; 6. Một số vấn đề lý luận chung về các giai đoạn tố tụng, Lê Cảm- Khoa luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Tạp chí in, số 02/2004; 7. Một số vấn đề về hoạt động tư pháp và kiểm soát hoạt động tư pháp ở nước ta hiện nay, Trần Văn Độ, 2003.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docBài tập tuần TTHS khẳng định Đ S.doc
Luận văn liên quan