Bi kịch con người

1. Kiếp làm người có phải: Nước mắt chúng sinh nhiều hơn bốn biển? Đó là thảm kịch của cuộc đời mà Đức Phật Thích Ca đã nhận chân ra sau khi vi hành ra khỏi cung điện đầy vàng bạc châu báu, gấm vóc xa hoa, đồ ăn thức uống sơn hào hải vị của vua cha. Cuộc đời là một tấn thảm kịch ! . Bằng một trái tim lạc quan hào hùng có lẽ bạn muốn chối bỏ thực tại đầy yếm thế đó chăng? Bạn hãy thử hình dung cuộc đời ngắn ngủi của con người bị kẹt giữa bao cuộc tranh sát tương tàn: biết bao kẻ ăn mày đói rách, biết bao kẻ lang thang cơ nhỡ không chốn nương thân đi giữa cuộc đời nhung lụa, và bất hạnh đến từ đâu? Mỗi ngày có bao nhiêu câu lạc bộ làm quen được mở ra, mà con người vẫn sống trong cô đơn, thờ ơ, lãnh đạm và ghẻ lạnh đến hoang phế cả tâm hồn, biết bao đôi lứa bước tới cửa hạnh phúc của cuộc đời lại nhanh nhảu bước ra từ cửa ly hôn của toà án? Biết bao trại ấp từ thiện được lập nên mà những đứa bé mồ côi đói khát mù chữ vẫn đứng tần ngần ngoài cổng ngước nhìn lên những hàng chữ đổ son cho tấm lòng quảng đại của con người? Biết bao cuộc hội thảo về tình thân ái bằng hữu được khai mạc, vậy mà con người vẫn nhìn nhau bằng con mắt đố kỵ hằn học, giăng bẫy và cảnh giác lẫn nhau? Biết bao sách vở, giáo lý , kinh điển bàn về tâm hồn cao thượng công chính của con người, vậy mà loài người vẫn tiếp tục là nạn nhân cho các vụ bắn giết bạo hành phi pháp lý và lề luật con người? . Còn, còn nhiều lắm những đau khổ và phi lý . biết bao chiếc cáng cứu thương chạy thục mạng đến dưới nòng đại bác để hứng lấy những thương binh bê bết máu? Đó là những đau khổ của ngoại cảnh. Nỗi đau khổ này nằm ngoài cung điện của vua cha Đức Phật Thích Ca, nhưng những người sống trong nhung lụa giữa bốn bức tường cung điện có được bao nhiêu? Và chính họ, nàng hầu, người ở có thoát được khổ đau của nhung gấm, mấy viên hoạn quan liệu có sống cuộc đời toàn vẹn khi bị người ta khai tử cái chủng giống của mình? Rồi tận cùng những chủ thể sung sướng được chăm ẵm và kẻ hầu người hạ, đức vua, hoàng hậu, thái tử, công chúa, quan lại có hạnh phúc không khi mà càng sướng thì họ càng lo chết và lo giữ ngai vàng, nỗi lo cứ canh cánh trong lòng suốt đời, nó liên lỉ miệt mài đục ruỗng cuộc đời đầy quyền lực từ kinh thành đến biên ải nhưng bất lực của họ. Tại sao họ bất lực? Bởi như những kẻ hèn hạ khốn khó, họ buộc phải là chủ nhân của bốn thứ cẩm nang: SINH, LÃO, BỆNH, TỬ. Bởi vậy mọi người từ tôn ông đến thằng hèn, từ hoàng đế cao sang đến kẻ thị dân thấp cổ bé họng đều trở thành chúng sinh của đau khổ, của nước mắt. Đức Phật nói:

docx9 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3065 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bi kịch con người, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Bi kịch con người 1. Kiếp làm người có phải: Nước mắt chúng sinh nhiều hơn bốn biển? Đó là thảm kịch của cuộc đời mà Đức Phật Thích Ca đã nhận chân ra sau khi vi hành ra khỏi cung điện đầy vàng bạc châu báu, gấm vóc xa hoa, đồ ăn thức uống sơn hào hải vị của vua cha. Cuộc đời là một tấn thảm kịch ! ... Bằng một trái tim lạc quan hào hùng có lẽ bạn muốn chối bỏ thực tại đầy yếm thế đó chăng? Bạn hãy thử hình dung cuộc đời ngắn ngủi của con người bị kẹt giữa bao cuộc tranh sát tương tàn: biết bao kẻ ăn mày đói rách, biết bao kẻ lang thang cơ nhỡ không chốn nương thân đi giữa cuộc đời nhung lụa, và bất hạnh đến từ đâu? Mỗi ngày có bao nhiêu câu lạc bộ làm quen được mở ra, mà con người vẫn sống trong cô đơn, thờ ơ, lãnh đạm và ghẻ lạnh đến hoang phế cả tâm hồn, biết bao đôi lứa bước tới cửa hạnh phúc của cuộc đời lại nhanh nhảu bước ra từ cửa ly hôn của toà án? Biết bao trại ấp từ thiện được lập nên mà những đứa bé mồ côi đói khát mù chữ vẫn đứng tần ngần ngoài cổng ngước nhìn lên những hàng chữ đổ son cho tấm lòng quảng đại của con người? Biết bao cuộc hội thảo về tình thân ái bằng hữu được khai mạc, vậy mà con người vẫn nhìn nhau bằng con mắt đố kỵ hằn học, giăng bẫy và cảnh giác lẫn nhau? Biết bao sách vở, giáo lý , kinh điển bàn về tâm hồn cao thượng công chính của con người, vậy mà loài người vẫn tiếp tục là nạn nhân cho các vụ bắn giết bạo hành phi pháp lý và lề luật con người? ... Còn, còn nhiều lắm những đau khổ và phi lý... biết bao chiếc cáng cứu thương chạy thục mạng đến dưới nòng đại bác để hứng lấy những thương binh bê bết máu? Đó là những đau khổ của ngoại cảnh. Nỗi đau khổ này nằm ngoài cung điện của vua cha Đức Phật Thích Ca, nhưng những người sống trong nhung lụa giữa bốn bức tường cung điện có được bao nhiêu? Và chính họ, nàng hầu, người ở có thoát được khổ đau của nhung gấm, mấy viên hoạn quan liệu có sống cuộc đời toàn vẹn khi bị người ta khai tử cái chủng giống của mình? Rồi tận cùng những chủ thể sung sướng được chăm ẵm và kẻ hầu người hạ, đức vua, hoàng hậu, thái tử, công chúa, quan lại có hạnh phúc không khi mà càng sướng thì họ càng lo chết và lo giữ ngai vàng, nỗi lo cứ canh cánh trong lòng suốt đời, nó liên lỉ miệt mài đục ruỗng cuộc đời đầy quyền lực từ kinh thành đến biên ải nhưng bất lực của họ. Tại sao họ bất lực? Bởi như những kẻ hèn hạ khốn khó, họ buộc phải là chủ nhân của bốn thứ cẩm nang: SINH, LÃO, BỆNH, TỬ. Bởi vậy mọi người từ tôn ông đến thằng hèn, từ hoàng đế cao sang đến kẻ thị dân thấp cổ bé họng đều trở thành chúng sinh của đau khổ, của nước mắt. Đức Phật nói: Bể khổ mênh mông sóng lụt trời Khách trần chèo một chiếc thuyền trôi Thuyền ai ngược gió hay xuôi gió Xét lại cùng trong biển thẳm thôi (Phật học phổ thông) (1) Cuộc đời đầy rẫy đau khổ sao vẫn đáng sống? Đức Phật vẫn sống giữa trần ai để chứng ngộ đạo và truyền dạy chúng sinh mong cứu rỗi cuộc đời. Một Socrate vẫn hoan hỉ uống bát thuốc độc trong vui hưởng cái chết thanh thản đẹp đẽ của mình, đến mức Nietzsche phát ghen tỵ khi thốt lên: Không! Bát thuốc độc không được trao cho Socrate, mà chính Socrate trao mình cho thuốc độc. Một Đức Chúa Jesus chọn cái chết đầy bi hùng thảm khốc trên thánh giá. Một Ju-đa lẳng đi cái gói tiền bán Chúa để tậu lấy cái chết sám hối của mình. Một Gandhi chân trần áo thụng đi giữa những nòng súng bạo hành đầy rẫy của cuộc đời. Và giản dị hơn, chúng ta hãy thử nhìn vào cuộc đời bình dị, một gã si tình vẫn đang đi đến chỗ hẹn với người yêu bằng một trái tim dạt dào thổn thức; một cô gái vùi mặt vào hai bàn tay ướt đẫm nước mắt trong nỗi đau khổ về mối tình tuyệt vọng của mình, nàng cự tuyệt không cho ai lôi nàng ra khỏi những hàng lệ chua xót đau đớn. Leo Tolstoi đã nói thật chí lý: “Nỗi đau khổ lớn nhất là bắt một người đang đau khổ không được đau khổ nữa”. Người đau khổ muốn được cào xé mình trong nỗi đau riêng có - họ muốn được nhức nhối trong nỗi đau của mình, và liệu nỗi đau đó có là hạnh phúc? Bởi nỗi éo le đó của kiếp làm người nên có bao nhiêu cách nhìn về cuộc đời. Dostoievski đã tôn vinh về cuộc đời rằng: “ Dù người ta có nói gì về cuộc đời đi nữa, tôi vẫn thấy, những gì mà con người có được ở trần gian này thật chẳng có gì hơn nổi.” Nước mắt ư? Một đôi tình nhân có tận hưởng những giọt nước mắt không? Và nước mắt có cao quí hơn giữa kiếp làm người khi mà nó trở thành tài sản riêng có của loài người? Và những hàng lệ liệu có giúp cho cuộc đời trở nên ý nghĩa và huyền nhiệm? Gã tình nhân thổn thức đến tan nát cõi lòng dưới gốc me chua đợi mà người tình không đến, nỗi thổn thức đó của gã có đáng có không? Một cô nàng khóc hết nước mắt đón đợi người yêu, nước mắt đó liệu chẳng giúp ích gì để xây lên nụ cười rạng ngời cuống quít của nàng khi nghe bước chân chàng bước dồn ngoài cửa? Một dân tộc cải hoán sự ươn hèn của mình bằng một cuộc hy sinh đầy máu, liệu cuộc huyết chiến đó chẳng đem lại nổi một niềm kiêu hãnh hùng tráng nào? Vậy bất chấp sự đau khổ đầy rẫy khắp nơi cuộc đời vẫn đáng yêu, đáng sống lắm. Sartre nói: “Cuộc sống yêu như thể đất thịt này !” (La vie est aimable comme la terre charnelle). 2. Cố hương và chốn lưu đầy Vâng! Cuộc đời vẫn đáng yêu da diết như mối tình bình dị của chúng ta. Nhưng đó là tình yêu ở trần gian này, mặt đất này. Tình yêu đó khiến chúng ta say mê ngây ngất vui hưởng hạnh phúc, song nó không thể phong thánh cho cuộc đời trần tục còn nhiều bi luỵ của chúng ta. Vẫn còn đó đổ nát, hằn thù và cô quả! Vẫn còn đó mảnh đất đầy sẹo thuốc súng, gươm đao và chém giết! Vẫn còn đó thái độ nơm nớp trong bóng đêm lừa phỉnh giả trá và phi đạo lý! Vẫn còn đó những tâm hồn ích kỷ chỉ định đánh lưới hay nô lệ hoá tha nhân! Vẫn còn đó tha nhân không phải là người bạn tình mà là kẻ nô bộc thí thân trong cuộc tranh chiến cũng như hoan lạc! Vậy cuộc đời đáng sống không phải nó đã là chốn thiên đường của công lý, đạo hạnh và bác ái, mà nó đáng sống bởi vì con người vừa sống vừa khát vọng cứu rỗi đời sống thực tại còn trầm luân đau xót và thô lậu. Bởi thế trước hết chúng ta hãy khước từ cả cái nhìn bi quan coi cuộc đời là bể khổ, nhưng cũng khước từ cả cái nhìn lạc quan coi cuộc đời là thiên đường. Không! Chúng ta muốn nhìn cuộc đời như thực tại về nó. Heidegger nói: “Thế giới mình sống vừa là cố hương vừa là chốn lưu đầy, vừa là thiên đường vừa là hoả ngục” (2). Thế giới là cố hương bởi nó là đất mẹ của con người; nó là chốn lưu đầy bởi là tấn tuồng đau khổ suốt dòng lịch sử của con người: nào nạn hồng thuỷ, hạn hán, núi lửa, nào thập tự chinh, chiến tranh thế giới thứ nhất, chiến tranh thế giới thứ hai... Song trước hết thế giới là chốn lưu đầy bởi ở đó kiếp người mỏng manh yếu ớt như một đoá phù du, Pascal nói: “Con người là một hạt bụi bay theo gió, một giọt nước trong biển cả. Thế giới không cần lay động mấy cũng đủ làm cho con người chịu thiệt. Một làn gió độc thổi vào, một tia nắng xuyên qua cửa sổ, đủ làm con người nguy đến tính mạng.” Kiếp người là vậy đó! Một làn gió thoang thoảng cũng khiến chúng ta phải mắc chứng phế quản rồi lao phổi, một con nhện Phi châu cắn cũng đủ làm ta phải chết, một đám vi trùng động cỡn lên có thể xơi gọn buồng gan của ta, một con rắn chẳng cần hào phóng lắm cái nọc độc nhỏ nhoi của nó cũng khiến cuộc đời chúng ta phải luỵ hệ, rồi một con sư tử, một con cá sấu, một con sói... tất cả đều có thể đo ván cuộc sống của chúng ta. Đó là chưa nói đến những chứng bệnh hiểm nghèo như phong cùi, ung thư, sida, những đại hoạ thiên tai như mưa sa bão táp, nứt vỏ địa cầu... Đó là thế giới mà con người bị đặt vào đấy, nó làm sao có thể yên ổn sống nổi giữa muôn vàn tai hoạ luôn dập dình bao quanh như vậy. Epitecte một triết gia đã cảnh tỉnh con người ngay từ thời cổ đại: “Hỡi bạn hãy nhớ bạn là diễn giả của tấn bi kịch mà tạo hoá đã đặt cho bạn”. Thiên nhiên không chỉ là một vũ trụ hiểm hóc luôn rình rập thân phận nhỏ bé khốn khổ của con người, thiên nhiên còn phô ra bộ mặt hùng vĩ vô biên của nó nhằm dồn đuổi con người đến tận cùng sự thách đố, đó là điều kiện bất lợi gian nan cho con người, song chính điều kiện đó đã thử thách tôi luyện con người trở nên can trường hơn. Con người đã vượt thắng và tôn vinh chính mình nhờ trải qua cuộc giằng co cam go với thiên nhiên. Saint Exupery nói: “Thiên nhiên cho chúng ta biết nhiều hơn sách vở, bởi thiên nhiên kháng cự lại chúng ta. Con người tự khám phá ra mình khi họ phải so đọ với trắc trở”. Khi so đọ với trắc trở con người nâng cao chính mình. Bởi vậy giữa vũ trụ bao la, con người không chịu cam lòng sống thân phận yếu hèn của kẻ bị hà hiếp, mà con người vượt lên để biến thân phận bi thảm của nó thành một bi hùng kịch nhờ sẵn lòng quả cảm giao đấu với thiên nhiên. Con người mở đường khai sơn phá thạch, đào hào đắp đê ngăn lũ, đắp đập ngăn biển, khai quang những cánh rừng rình mò rập rạp, khơi thuỷ nhập điền... Khi thiên nhiên càng ngày càng lùi xa cái ranh giới bịt bùng hỗn mang đầy đe doạ của nó, vào lúc con người tưởng có thể khá yên tâm sống dưới mái nhà yên bình được tạo dựng từ hai bàn tay của mình, thì thảm hoạ khác hiện ra, thảm hoạ con người phải làm mồi cho con người. Đây chính là thân phận thống khổ giằng co suốt kiếp người, con người chưa thoát khỏi thảm kịch thiên nhiên lại rơi vào thảm kịch xã hội. Những cá nhân nhỏ bé như một sợi tơ mỏng mảnh phải nằm trọn trong guồng quay của cỗ máy quyền lực xã hội khổng lồ. Con người chiếm lĩnh lẫn nhau, chém giết lẫn nhau, hành hạ lẫn nhau, bóc lột lẫn nhau và thủ miếng lẫn nhau. Con người bị biến thành miếng mồi xâu xé của các thế lực, các xu hướng chính trị, các tôn giáo, các phong trào, các vùng đất cát cứ lãnh thổ... Con người không được sống yên ổn theo nhân tính của nó nữa, mà nó buộc phải sống theo hoàn cảnh mà xã hội đã chụp úp lên nó. Cuộc đời là một bi kịch éo le thống khổ của con người, bởi lẽ con người chỉ là con người khi nó tự do, nhưng dường như nó không thể làm chủ nhân ông cho cuộc đời của nó, ngược lại nó phải làm mồi cho hoàn cảnh thiên nhiên và xã hội. Jasper nói: “Con người là con người của hoàn cảnh” (L’homme est en situation) (3). Còn Sartre thì đã tìm cách lý giải sự thất trận của bản tính nhân loại trước xã hội như: “Chúng tôi đồng ý là không có một bản chất nhân loại, nói cách khác, mỗi thời đại nảy nở theo những định luật biện chứng và con người tuỳ thuộc vào thời đại chứ không tuỳ thuộc vào bản chất nhân loại.” 3. Bi kịch hóa bi hùng kịch Nỗi thống khổ của con người không chỉ nằm trong mối tương quan yếm thế và bé mọn của thân phận nó trước thiên nhiên và xã hội, mà từ trong thẳm sâu bản tính của mình con người là một nỗi buồn đày ải dai dẳng khôn nguôi. Đạo Phật cho rằng: con người đau khổ ngay từ lúc sinh ra, bởi thế những hài nhi đã cất tiếng khóc như một lời chào trước thảm cảnh cuộc đời. Hàng tỉ hài nhi đã ra đời, vậy mà chẳng có hài nhi nào lại ngây ngô mỉm cười trước cuộc hiện sinh yểu mệnh đầy chông gai của nó. Con người là hiện hữu đau khổ tự thân suốt cả kiếp người, bởi con người là hữu tinh thần. Đó là nỗi đau dày vò vô hạn định của nó: “Con người là một giấc mộng tàn tạ” ( Sartre ). Cuộc đời người, cái kiếp làm người lúc thăng lúc trầm, lúc lên voi lúc xuống chó, hoan hỉ như ngày cưới chẳng tầy gang, còn đau khổ như ngày tháng lê thê buồn tẻ của cuộc đời chất đầy nhục nhằn chua xót và uất hận ấy thường được con người gọi là định mệnh - một định mệnh ba chìm bảy nổi chín lênh đênh hệ luỵ đầy nước mắt. Tại sao có định mệnh ấy? Hegel nói: “Định mệnh, đó chính là con người” ( Le destin c’est ce que l’homme est). Tại sao con người lại chính là định mệnh thống khổ của nó? Bởi vì con người là tự do, nó tự do xây lên định mệnh của mình đầy cam go thống khổ. Bạn hãy nhìn một bầy ong: có bao giờ ong chúa vì thiện cảm tư tình riêng với anh ong thụ giống nào đó mà ân ái nhiều hơn không? Và trong khi những chú ong giống đang ân ái hoan hỉ cùng ong chúa, thì những chú ong chiến lại phải mải miết lao vào cuộc chiến với một con bê đến phá tổ, chúng chiến đấu đến đứt nọc mà chết; và liệu có nổi một lần đám ong chiến la lên với ong chúa rằng: tại sao những kẻ khác thì đang hưởng lạc thú còn chúng tôi thì lại phải chết? Không! Tất cả mọi bổn phận đều được những con ong thực thi một cách riêng rẽ vẹn toàn. Sẽ không có một con ong nào lẩn trốn cuộc chiến đấu, cũng như chẳng có chú ong thợ nào ma lanh nứng đực lủi sang buồng của nàng ong chúa, chẳng có chú nào bị lôi ra toà, chẳng có chú nào bị giết vì ghen tuông. Đó là một thí dụ trong muôn vàn thí dụ của tự nhiên. Loài vật không có định mệnh, bởi chúng tự thủ tiêu tự do của chúng khi an phận sống theo lề luật thiên nhiên. Còn con người, nó khát tự do! Nó là hữu tinh thần! Nó là định mệnh thống khổ, bởi vì: “Sự phiêu lưu của vũ trụ khởi sự bằng mộng và gặt hái cái đẹp bi tráng” ( White Head ). Con người luôn luôn mơ mộng để rồi vỡ mộng, đó là tất yếu bởi lẽ đôi chân của con người không có cách chi lấp đầy những khoảng cách hun hút xa vời vợi của mộng mơ. Như một kẻ hành hương lên đường đi tìm đền thánh ở nước Trời, con người cứ đi mãi, nó chẳng bao giờ đến được đền thánh đó, nhưng nó vẫn cứ đi bởi vì nó khao khát gặt hái những vết sẹo bi tráng của cuộc hành trình cứu rỗi tâm hồn. Vỡ mộng là nỗi đau khổ dày vò khôn nguôi trong tâm hồn con người, bởi lẽ con người chẳng bao giờ chịu ngừng nghỉ mộng mơ của nó. Vỡ mộng là một bi kịch sát cánh với con người, bởi con người luôn thai nghén mộng mơ của nó, và nó chẳng bao giờ lảng tránh nỗi đau khổ vỡ mộng bằng cách chấm dứt mộng mơ. Bởi vậy mà Jean T. Desanti nói: “Đau khổ là yếu tính của tinh thần” ( Malheur est essence de l’esprit). Con người là đau khổ bởi con người là tinh thần, mà tinh thần thì chẳng bao giờ ngừng nghỉ khát vọng tự do, cũng như suy tư vọng tưởng. Tự do là một thách đố cam go với vũ trụ và với chính con người! Nó là đau khổ! Suy tư vọng tưởng là vỡ mộng, là đau khổ! Nhưng dấn bước thêm vào cuộc đời đổ nát vỡ mộng của mình, con người còn trở nên nỗi đau rên xiết âm ỉ nhức nhối hơn nhiều, khi nó trở thành kẻ so đọ cũng như thèm khát nỗi đau của tâm hồn nó. Con người yêu đau khổ như một gã trai can trường yêu trận mạc, như kẻ si tình thèm khát sự dâng hiến và thổn thức dày vò, như cô gái đang yêu được khóc nấc lên giữa hai bờ vai rung bần bật của mình, như những kẻ tham thiền thích ngồi lên đinh, như Đức Phật Thích Ca muốn ngồi trơ xương dưới gốc bồ đề, như Chúa Jesus thèm đóng đanh trên thánh giá. Con người yêu cả giấc mộng yêu cả sự vỡ mộng của nó, nó yêu cả hạnh phúc và đau khổ. Và con người như Rimbaud nói: “Cuối cùng tôi khám phá ra sự hỗn loạn của tâm trí tôi là thiêng liêng”. Con người là một bản trường ca đau khổ của hữu thân xác bị đẩy ra khỏi vòng tay ẵm nựng ấm áp của mẹ hiền, của hữu tinh thần quằn quại trăn trở trên nẻo đường vỡ mộng, và cuối cùng là của nỗi buồn không thể hoá thành bất tử. Bởi vậy Sartre có lý khi nói: “Sống là đau bệnh một thời gian dài”. William Faulkner thì cho rằng con người là nỗi đau song hành với thời gian, ông nói: “Con người là tổng số những nỗi bất hạnh của hắn. Người ta có thể nghĩ rằng nỗi bất hạnh một ngày kia sẽ kết liễu bằng cách mòn mỏi đi, nhưng lúc đó chính thời gian lại trở thành nỗi bất hạnh của ta.” (4). Kiếp người là khổ đau! Đã đành vậy. Nhưng tại sao con người vẫn vui sống và khát vọng? Tại sao con người lại không chịu ngã xuống chết rục trong kiếp đoạ đầy gian nan thống khổ? Goethe nói một câu thật chí lý: “Nghèo không nhục mà xấu hổ vì nghèo mới nhục”. Cũng vậy, con người ý thức được nỗi khổ đau trọn kiếp người nhưng không phải để cam lòng qui phục đầu hàng, mà để vượt lên lướt thắng những đau khổ của trần gian với khát vọng hoàn tất sự nghiệp làm người bi tráng của mình. Con người không chấp nhận sự an bài của định mệnh, như một kẻ can trường tha thiết tự do, con người chỉ chấp nhận cuộc thách thức của định mệnh, bởi vì: “Có khả năng chấp nhận sự thách đố là một điều kiện để có đời sống tự do” ( Mounier ). Bởi không tránh được đau khổ cũng như không tránh được già lão bệnh tật dần dà con người đã dám tiếp cận với đau khổ, làm quen với đau khổ, và cuối cùng còn tiêm phòng đau khổ vào tâm hồn để ngăn ngừa sự đổ nát tan hoang đến tuyệt vọng của tâm hồn khi gặp phải sự gieo cấy đau khổ của định mệnh khắc nghiệt. Nietzsche nói: “Bi kịch trước hết là phương thuốc phòng ngừa, một cuộc trồng độc chống lại định mệnh không thể tránh khỏi” (5). Và bất hạnh bịt bùng bao quanh số phận nhỏ bé của con người, con người đã dùng quyền tự do của nó để lựa chọn bất hạnh như một hạnh phúc. Đó là một thái độ mới, thái độ dấn thân quả cảm của con người nhằm hoá giải cơn đau định mệnh. Kierkegaard nói: “Lựa chọn bất hạnh, chính nó cũng xứng đáng để lựa chọn” ( Choisis le desespoir qui est lui meme un choix). Chúng ta thử xem! Chẳng phải Đức Phật đã rời bỏ cung điện giầu sang phú quí để dấn thân vào cát bụi cuộc đời mong tìm chân lý, với Ngài cát bụi hay vàng son là hạnh phúc? Chẳng phải mỗi năm có hàng nghìn con người từ bỏ cuộc đời êm ấm ở gia đình vượt dãy núi Hymalaya đến giam mình trong những tu thất ngập chìm trong băng tuyết phủ, liệu đó có phải hạnh phúc mà họ muốn chọn? Tổng thống Linh-côn khi còn niên thiếu đã đi bộ suốt bốn mươi dặm đường để mượn mỗi cuốn sách, vậy ngài chọn cái gì: nỗi vô minh hay chặng đường gian nan vất vả? Những con thuyền vượt đại dương mênh mông lên Bắc Cực hay xuống Nam Cực, những con người bị bỏ đói hàng năm trời lấy dao đẽo gỗ ra ăn, những con thuyền ra đi chẳng trở về, nhưng tại sao có những con người vẫn hăm hở tình nguyện leo lên những con thuyền mới đang nóng lòng kéo neo hướng về Nam Cực? Và mọi người kể rằng, khi nhà thơ Byron định viết một trường ca mới về chàng Odyssey, chẳng có cách nào khác, ông buộc phải giằng chàng Odyssey ra khỏi vòng tay ấm áp của bà vợ Pê-lê-nốp duyên dáng và xinh đẹp, chàng lại hăm hở đóng thuyền để lao vào cuộc phiêu lưu lênh đênh trùng khơi ác hiểm mong tái hiện lại bi kịch hùng tráng của chàng; còn nàng Pê-lê-nốp chắc hẳn phải sửa soạn khăn áo, đóng lại khung cửi sẵn lòng bước vào một sự nghiệp chờ đợi mới. Con người không sợ đau khổ bởi lẽ con người khao khát sự nghiệp làm người hơn là hạnh phúc. Hạnh phúc ư? Nó có thể khiến con người trở nên lười nhác, bại hoại và ươn hèn. Còn sự nghiệp làm người và bi kịch làm người lại giúp con người tinh chế chắt lọc chính mình. Con người muốn trở nên thanh tao cao nhã và thông thái hơn là hạnh phúc. Con người không lẩn trốn đau khổ bởi lẽ: “Những bi kịch cảm động nổi tiếng đã đóng vai trò thanh lọc những đam mê” ( White Head ) (6). 4. Cứu rỗi Đức Phật Thích Ca cho rằng: “Đau khổ lớn dẫn đến giác ngộ lớn”. Chúng ta nên viết tiếp câu của Ngài là: Giác ngộ lớn dẫn đến cứu cánh lớn. Theo Đức Phật thì con người có nhiệm vụ phải chống lại hạnh phúc cũng như đau khổ, bởi lẽ nếu không chống lại đau khổ con người sẽ rơi vào tuyệt vọng không muốn sống nữa, còn nếu chỉ đơn thuần khát mãi hạnh phúc con người sẽ trở nên bại hoại, suy đồi và suy nhược. Theo đó thì con người cần phải hiên ngang đi giữa đau khổ và hạnh phúc. Chúa Jesus cũng dạy: “Phải bất khuất khi chiến bại, phải khiêm nhường khi chiến thắng”. Khi chiến thắng hãy khiêm nhường! Bởi đó là thái độ cao ngạo của kẻ khiêm tốn muốn bước tới cao hơn trong vinh quang của cuộc đời! Còn thất bại ư? Có hề hấn gì! Đó mới là thái độ của kẻ can trường chẳng hề biết tuyệt vọng trong kiếp làm người, và chỉ với thái độ như vậy kẻ đó mới đủ khả năng tái thiết lại cuộc đời. Chúng ta đừng có coi những lời dạy của Chúa Jesus hay Phật Thích Ca là: Rằng hay thì thật là hay Ngẫm ra lại thấy xa bay cõi trần Chúng ta hãy nghe những con người ở thế gian nói về cuộc đời! Raymond Offner nói: “Đau khổ làm cho con người trở thành khôn ngoan sáng suốt hơn hạnh phúc”. Nếu bạn muốn phản bác điều đó, bạn hãy ngắm nhìn trí khôn của những cậu ấm cả thời niên thiếu chỉ quấn váy mẹ mong được nũng nịu, ăn ngon, rồi lớn lên cậu ta chỉ quấn váy vợ mong hưởng thú điền viên, cơm dẻo canh ngọt và hơi ấm nữ nhi. Không! bạn và tôi, chúng ta khát vọng nhìn ra cuộc đời lồng lộng: có phải thế giới Hy Lạp đã uống lấy nền văn minh Ba-bi-lon nhờ cuộc vượt biển của A-lec-xan-đơ đại đế! Người Mông Cổ đã mở rộng quan năng thế giới của mình nhờ những vó ngựa oai hùng ào ạt rong ruổi từ Đông sang Tây! Napoleon đã làm vang danh nước Pháp bằng cuộc điều binh khắp châu Âu của một lực lượng lục quân hào hoa quả cảm! Còn những con người phiêu lưu khí phách can trường khác: không có Ma-gien-lăng thì làm sao con người biết được quả đất hình tròn! Không có Mác-cô Pô-lô thì thế giới phương Tây vẫn tiếp tục đóng cửa để tự thị về nền văn minh không có phương Đông của mình! Không có A-mê-ri-cain, không có Cô-lôm-bô thì chắc gì ngày nay thế giới đã mở sang châu Mỹ! Gian khổ, bi kịch dường như là mảnh đất gieo cấy niềm vui sống của con người, bởi ở đó con người được dấn thân, được hành động, và cuối cùng được tôn vinh chính mình: “Hãy tìm trong nỗi phiền muộn niềm vui sống và lý do để tôn vinh chính cuộc sống” ( Trouver dans la l’inquietude presente la joie de vivre et la raison de s’exalter soi-meme) - (Jean T. Desanti ). Vượt lên cả cuộc dấn thân nhằm hoá giải hoặc hoán cải đau khổ, con người còn chủ động sáng thế ra tiếng cười để quên đi tiếng khóc ngay từ khi nó mở mắt chào đón bi kịch cuộc đời. Con người đã cười, đã học cười để chống lại nỗi chua xót thống khổ của định mệnh. Nietzsche kêu: “Tôi phong thánh tiếng cười, hỡi những con người siêu đẳng hãy học cười”. Và Nietzsche đã tuyên xưng cho mình một ý chí vượt thoát đau khổ để xây lên một người hùng siêu việt, một con người vứt bỏ mọi hoạn nạn đau khổ của cuộc đời để cất cánh về siêu việt. Ông nói: “Đối với tôi điều đáng bận tâm không phải con người đồng loại, con người nghèo khổ, con người hoạn nạn, hình ảnh mà tôi tha thiết nhất là về một siêu nhân.” Đối với Andre Gide thì con người buộc phải là một người hùng dám ngoi ra khỏi địa ngục đen tối của định mệnh: “Tôi không thể thán phục nhiều một tâm hồn không bao giờ biết tới xao xuyến bất an; nhưng tôi thán phục hơn hết kẻ nào chế ngự được nó và tìm thấy lại an bình thăng bằng, bên ngoài cái địa ngục mà không có gì nơi hắn còn tồn tại ngoại trừ sự thấu hiểu vô cùng tinh tế và vô cùng phong phú về con người, về những khả năng của con người. Để có thể vẽ thật khéo cái địa ngục đó, chính mình phải thoát ra cái đã” (7). Đau khổ là định mệnh không thể tránh khỏi mà theo Charle Werner thì đau khổ còn chiếm lĩnh vị trí cao quí tất yếu như mẹ đẻ của hạnh phúc, bởi lẽ chẳng có sự hạ sinh nào không thai nghén trong vận động đau đớn. Ông nói: “Để đảm bảo cho lạc thú vĩnh cửu của tạo vật... cần xác quyết tính vĩnh cửu của ý chí sống, sự vĩnh hằng của đau khổ sản sinh sáng tạo, tất cả đều cần thiết” ( Pour assurer le plaisir eternel de la creature... affirmation eternelle de la volonte de vivre, l’eternite des douleurs de l’enfantement, sont de toute necessite ) (8). Hạnh phúc của con người là thứ hạnh phúc được hun đúc từ ngọn lửa sáng tạo, chứ không phải thứ hạnh phúc được an bài. Và sáng tạo là một sự nghiệp dấn thân cam go của con người chứ không phải một cuộc nghỉ ngơi hoan hỉ. Con người chấp nhận đau khổ như bà mẹ sung sướng mang thai hạnh phúc, bởi vậy mà: Bất chấp cuộc đời là một bi kịch gian nan thống khổ! Bất chấp cuộc đời là cõi trầm luân chua xót tràn đầy nước mắt! Bất chấp cuộc đời là một định mệnh ngang trái dày vò cay đắng! “Bất chấp thời gian chết chóc và mục nát, chúng ta tất cả vẫn còn đoàn tụ” (Schopenhauer ). Bất chấp mọi đau khổ, bất chấp bi kịch của thân phận làm người, con người vẫn sống, vẫn còn đoàn tụ! Bởi con người biết tự cứu rỗi lấy mình.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docxBi kịch con người.docx
Luận văn liên quan