Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra - Lý luận và thực tiễn

I. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO NGUỒN NGUY HIỂM CAO ĐỘ GÂY RA. 1. Khái niệm nguồn nguy hiểm cao độ, bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. 2. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại. 3. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra: II. TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO NGUỒN NGUY HIỂM CAO ĐỘ GÂY RA 1. Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra 1. 1. Có thiệt hại xảy ra. 1.2. Thiệt hại do chính nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. 1.3. Có mối quan hệ nhân quả giữa hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ và thiệt hại xảy ra. 1.4. Lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. 2. Xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra: III. THỰC TIỄN ÁP DỤNG QUI ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO NGUỒN NGUY HIỂM CAO ĐỘ GÂY RA. 1. Những bất cập, vướng mắc còn tồn tại: 2. Phương hướng hoàn thiện. C. KẾT LUẬN

doc15 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 6470 | Lượt tải: 5download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra - Lý luận và thực tiễn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
A.  LỜI MỞ ĐẦU Hiện nay, với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, số lưọng máy móc, thiết bị hiện đại mang tính tự động hóa cao được sử dụng ngày một nhiều, cùng với đó kéo theo tai nạn gia tăng ảnh hưởng đến an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của mọi người. Những sự vật mà hoạt động của chúng luôn tiềm ẩn khả năng gây thiệt hại được gọi là nguồn nguy hiểm cao độ. Trong xã hội, khi quyền, lợi ích bị xâm phạm đều có khuynh hướng đòi hỏi một sự bồi thường nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người bị thiệt hại. Trong các quy định của BLDS về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Điều 623 về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là loại trách nhiệm phát sinh cho người sở hữu, chiếm hữu nguồn nguy hiểm cao độ khi hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại cho những người xung quanh. Trong bài tập học kỳ dưới đây, em xin đi trình bày nội dung “Một số vấn đề về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra” để từ đó có thể hiểu thêm về những quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định trong Bộ luật dân sự 2005. Đây là một vấn đề khó, nên bài viết này của em cũng không tránh được những thiếu sót, hạn chế. Em rất mong được sự giúp đỡ, góp ý của thầy cô để bài viết thêm phần hoàn thiện hơn.      Em xin chân thành cảm ơn! B. NỘI DUNG I. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO NGUỒN NGUY HIỂM CAO ĐỘ GÂY RA. 1. Khái niệm nguồn nguy hiểm cao độ, bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. ·        Nguồn nguy hiểm cao độ. Điều 623, BLDS 2005 quy định: “Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ , chất cháy, chất độc , chất phóng xạ, thú dữ và nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định....” Như vậy, điều 623, BLDS 2005 cũng như hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2006/NQ – HĐTP không đưa ra khái niệm nguồn nguy hiểm cao độ mà chỉ liệt kê các đối tượng được coi là nguồn nguy hiểm cao độ. Tuy nhiên, qua quy định trên, ta có thể hiểu: “Nguồn nguy hiểm cao độ là những vật chất nhất định do pháp luật quy định luôn tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại cho con người, con người không thể kiểm soát được một cách tuyệt đối”. Trên thực tế, việc xác định nguồn nguy hiểm cao độ không chỉ căn cứ vào khái niệm nguồn nguy hiểm cao độ tại Điều 623 Bộ luật dân sự mà còn phải căn cứ vào các văn bản, các quy định khác có liên quan. ·        Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Cũng theo điều 623, BLDS 2005 thì:   - Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác. - Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây: a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. - Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại. Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại. Như vậy, có thể hiểu một cách khái quát bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là trách nhiệm của chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp nguồn nguy hiểm cao độ và do hoạt động tự thân của nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại cho người khác, phải bồi thường thiệt hại kể cả trong trường hợp chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp nguồn nguy hiểm cao độ không có lỗi. Có thể nói, những qui định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong Điều 623 này đã phần nào đáp ứng được những yêu cầu đặt ra trong việc bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người bị thiệt hại. 2. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại.  Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cũng là một trường hợp cụ thể của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Do vậy mà các nguyên tắc trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cũng xuất phát từ những nguyên tắc chung đó. Theo Điều 605 BLDS năm 2005 việc bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra phải tuân theo các nguyên tắc sau: Thứ nhất, thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Việc bồi thường xuất phát từ nguyên tắc công bằng, thiệt hại bao nhiêu thì mức bồi thường sẽ là bấy nhiêu. Và việc bồi thường phải kịp thời cho người bị thiệt hại nhằm khắc phục tình trạng về tài sản của người bị thiệt hại, tạo điều kiện cho họ khắc phục tài sản khi bị thiệt hại. Thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra bao gồm những chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại. Thứ hai, người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình. Điều này nhằm tạo ra tính khả thi trong việc thực hiện bồi thường thiệt hại trên thực tế. Vì có rất nhiều trường hợp mà khi mức thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của người liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, thì họ không thể thực hiện việc bồi thường cho chủ thể kia do không đủ tài chính để chi trả. Thứ ba, khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường. Việc thay đổi mức bồi thường sẽ căn cứ vào yêu cầu của các bên và thực tế cần phải sự thay đổi mức bồi thường và do Tòa án xác định. Mức bồi thường có thể tăng hoặc giảm tùy theo việc xác định đó. 3. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra: Chủ thể bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra có thể là cá nhân hoặc pháp nhân, tổ chức. Tuy nhiên Bộ luật dân sự chỉ quy định tại Điều 606 về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân mà không quy định năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các chủ thể khác. Do vậy, có thể mặc nhiên hiểu các chủ thể khác gây thiệt hại sẽ được coi là có năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Căn cứ vào điều 606 BLDS 2005 thì năng lực chịu trách nhiệm bồi thường bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra của cá nhân bao gồm: Thứ nhất, người đủ từ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ phải tự bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Bằng tài sản của chính mình. Thứ hai, người từ đủ 15 tuổi đến 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại bằng tài sản của mình. Nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình. Thứ ba, người dưới 15 tuổi là chủ thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đó, theo đó cha mẹ của chủ thể có trách nhiệm bồi thường trong độ tuổi này có tư cách bị đơn dân sự trước tòa án. Nếu tài sản của cha, mẹ của người ở độ tuổi này mà không đủ tài sản để bồi thường mà người con chưa thành niên có tài sản riêng thì lấy tài sản của người con đó để bồi thường phần còn thiếu đó. Người trong độ tuổi này là chủ thể có trách nhiệm trong việc bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thì không phải bồi thường mà trách nhiệm bồi thường thuộc về cha, mẹ của người đó. Quy định này nhằm để bảo vệ lợi ích chính đáng cho người bị thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. II. TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO NGUỒN NGUY HIỂM CAO ĐỘ GÂY RA 1.     Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra 1. 1. Có thiệt hại xảy ra. Thiệt hại được hiểu là những tổn thất thực tế được tính thành tiền, do việc xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, tài sản của cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra không bao gồm thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. Bởi nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại là do sự hoạt động của các phương tiện cơ giới, do vậy những thiệt hại gây ra cho người bị thiệt hại là tài sản, sức khỏe, tính mạng. Hơn nữa, do tính chất nguy hiểm “cao độ” nên nguồn nguy hiểm cao độ có thể gây thiệt hại cho bất kỳ ai. Có thể là chính chủ sở hữu, người đang chiếm hữu, vận hành hay cả những người không có liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ… Ví dụ: xe ô tô đang vận hành thì bị hỏng phanh làm tất cả mọi người trên xe đều bị tai nạn, thú đang biểu diễn trong rạp xiếc thì nhảy ra gây thiệt hại cho khán giả... Do vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ được đặt ra khi nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại cho những “người xung quanh” - là những người khi xảy ra thiệt hại không có quan hệ đến nguồn nguy hiểm đó nhằm để bảo vệ quyền được bồi thường cho những người này. 1.2. Thiệt hại do chính nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Ngay tên của điều luật, Điều 623 BLDS 2005 đã xác định: “Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra”. Do đó cần xác định rõ: Thiệt hại do chính nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, nếu thiệt hại liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ mà không phải do tự thân nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh thông thường. Đối với phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp thì chỉ được coi là nguồn nguy hiểm cao độ khi “đang hoạt động”. Ví dụ: xe ô tô dừng đỗ trên đỉnh dốc nhưng theo quán tính trượt xuống chân dốc gây thiệt hại; thú dữ chết thối rữa gây dịch bệnh…Còn trường hợp thiệt hại xảy ra khi nguồn nguy hiểm cao độ đang ở trạng thái “tĩnh” thì không thể coi là thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Tuy nhiên, trong nguồn nguy hiểm cao độ luôn luôn tiềm ẩn những rủi ro nhất định có thể xảy ra nên có những sự kiện bất ngờ mà con người không thể biết trước và phòng tránh được. Ví dụ: Do mưa làm cho cột điện bị nhiễm điện, người nào không biết đi qua đó bị nhiễm điện chết. Trong trường hợp này thiệt hại xảy ra là do sự kiện bất ngờ, bất khả kháng chứ không phải do hành vi của con người gây ra và con người cũng không sao kiểm soát và phòng ngừa hiệu quả hết được. Vì thế không phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. 1.3. Có mối quan hệ nhân quả giữa hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ và thiệt hại xảy ra. Việc xác định mối quan hệ nhân quả giữa sự hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ và thiệt hại xảy ra có ý nghĩa pháp lý quan trọng vì nó là bằng chứng để xác định có hay không có trách nhiệm dân sự của chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ. Đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì hành vi trái pháp luật được coi là nguyên nhân và thiệt hại được coi là hậu quả. Về mặt nguyên tắc, hành vi trái pháp luật phải có trước và thiệt hại có sau. Như vậy, để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thì tự thân sự hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ là nguyên nhân trực tiếp gây thiệt hại. Ví dụ: hệ thống tải điện bị đứt dây điện nên gây ra chết người, một chiếc xe có động cơ đang hoạt động bị mất phanh, gẫy trục xe, nổ lốp... Còn trong trường hợp người sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ mà có lỗi trong việc sử dụng chúng đã gây ra thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại không phải do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Ví dụ: Anh A đèo chị B đi từ Ninh Bình lên Hà Nội bằng xe máy. Trên đường đi, anh A phóng xe với tốc độ rất cao. Bống dưng có một con chó chạy qua đường nên anh A đã phanh gấp để tránh. Tuy nhiên, do đang đi với tốc độ nhanh lại phanh đột ngột nên xe bị đứt phanh, gây thiệt hại cho một số người đi đường khác. Như vậy, trong tình huống này xét về nguyên nhân thì do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là chiếc xe nhưng không do sự hoạt động tự thân của nó gây ra mà do lỗi của người điều khiển. Vì thế trách nhiệm bồi thường ở đây không phải do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. 1.4. Lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra phát sinh ngay cả khi chủ sở hữu hay người sử dụng nguồn nguy hiểm không có. Theo khoản 3 Điều 623 BLDS qui định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thì: “Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại ngay cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây: a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có qui định khác” Dấu hiệu quan trọng nhất để xác định trách nhiệm này là hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ chính là nguyên nhân trực tiếp, là yếu tố quyết định dẫn đến thiệt hại. Hoạt động gây thiệt hại của nguồn nguy hiểm cao độ có thể hoàn toàn không có lỗi của con người (như xe đang chạy trên đường bất ngờ nổ lốp trước dẫn đến đổi hưởng đột ngột gây thiệt hại) hoặc cũng có thể có một phần lỗi của người quản lý, điều khiển, tuy nhiên lỗi ở đây chỉ đóng vai trò thứ yếu đối với thiệt hại (như trước khi xuống dốc, lái xe không kiểm tra lại phanh; lốp mòn nhưng chưa thay do chủ quan nghĩ rằng xe vẫn vận hành tốt…). Nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi, do hành vi của người điều khiển nguồn nguy hiểm cao độ thì không áp dụng trách nhiệm này. 2. Xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra: Căn cứ vào khoản 2 Điều 623 Bộ luật dân sự 2005 và Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/07/2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra có thể được áp dụng với các chủ thể sau: - Chủ sở hữu; - Người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ; - Người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ. Việc xác định ai trong số các chủ thể trên phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể. Điều 165 BLDS 2005 quy định Nguyên tắc thực hiện quyền sở hữu, theo đó: “Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”. Khi có thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, trước tiên người ta nghĩ đến nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc tôn trọng và bảo vệ lợi ích chung, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, vậy, trách nhiệm bồi thường trước hết được đặt ra cho chủ sở hữu, trừ trường hợp chủ sở hữu chứng minh được trách nhiệm thuộc về người khác. Vì thế, khi xác đinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra chúng ta có thể xem xét ở các trường hợp sau: Thứ nhất, chủ sở hữu đang trực tiếp chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ. Theo khoản 1 điều 623 BLDS 2005 thì: “...Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.” Quy định này đòi hỏi chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ, người được trông coi, chiếm hữu, sử dụng, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ phải tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật trong từng trường hợp, điều kiện và hoàn cảnh cụ thể. Như vậy, pháp luật cũng đã quy định rất chi tiết nghĩa vụ của chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ. Vì vậy, nếu nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại cho người khác trong trường hợp chủ sở hữu đang trực tiếp chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ. Thứ hai, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu (mượn, thuê), sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ. Theo khoản 2 điều 623 BLDS 2005 thì trong trường hợp này, người người được chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ giao chiếm hữu (mượn, thuê), sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ sẽ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Những thỏa thuận khác ở đây không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Ví dụ: thỏa thuận cùng nhau liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.... Thứ ba, trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại. Ví dụ: Đêm ngày 10/5/2011, B bẻ khóa và lấy trộm chiếc xe máy của A. Trên đường tẩu tán, chiếc xe đột nhiên bị hỏng phanh nên đã đâm và gây thiệt hại cho người đi đường. Trong trường hợp này anh B là người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ tức chiếc xe trái pháp luật nên phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại, mặc dù anh A là chủ sở hữu chiếc xe đó. Thứ tư, trường hợp chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại. Ví dụ: Anh A là chủ chiếc xe máy SH. Ngày 11/11/2011, anh A cho con trai là B (chưa có bằng lái xe) sử dụng chiếc xe đó. Trên đường đi xe máy chẳng may nổ lốp nên B mất tay lái và gây thiệt hại cho người khác. Trong trường hợp này anh A đã có lỗi để cho B điều khiển xe trong trường hợp cấm (theo điều 8 luật giao thông đường bộ thì điều khiển xe cơ giới không có giấy phép lái xe là hành vi bị cấm). Vì thế A và B phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Như đã phân tích ở trên, người chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường ngay cả khi không có lỗi. Tuy nhiên, trong những trường hợp sau thì trách nhiệm bồi thường được loại trừ (theo quy định tại khoản 3 điều 623 BLDS 2005). + Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại. Ví dụ: Xe ô tô đang chạy nhưng vẫn lao vào để tự tử... + Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. III. THỰC TIỄN ÁP DỤNG QUI ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO NGUỒN NGUY HIỂM CAO ĐỘ GÂY RA. 1. Những bất cập, vướng mắc còn tồn tại: Thứ nhất, đó là vấn đề xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trên thực tế, việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là một trong những vấn đề hết sức khó khăn và phức tạp, đặc biệt là việc hiểu và vận dụng không được thống nhất. Cụ thể sự nhầm lẫn giữa bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra và bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra khá phổ biến. Lí do của sự nhầm lẫn đó là khái niệm “thú dữ” trong nguồn nguy hiểm cao độ và khái niệm “súc vật” chưa rõ ràng và cụ thể. Ví dụ: một con gấu đã được thuần hóa và nuôi trong gia đình người dân. Trong một lần có một em bé đến cạnh chuồng gấu chơi và cho nó ăn. Bỗng dưng con gấu gầm lên và cào em bé bị thương. Vậy trong trường hợp này trách nhiệm bồi thường thiệt hại được xác định là gì? Thứ hai, trong khoản 1 Điều 623, ngoài những loại nguồn nguy hiểm cao độ đã được liệt kê, còn có những loại nguồn nguy hiểm cao độ khác theo quy định của pháp luật. Trong thực tế có những sự vật chưa từng được pháp luật quy định là nguồn nguy hiểm cao độ nhưng nếu có đầy đủ tính chất của nguồn nguy hiểm cao độ thì có được coi là nguồn nguy hiểm cao độ không? Ví dụ: hoạt động gây thiệt hại của xe đạp điện, xe máy có dung tích xi lanh dưới 50 cm3 (khái niệm “phương tiện giao thông vận tải cơ giới” trong các văn bản hiện nay không quy định những phương tiện này là nguồn nguy hiểm cao độ), ong bò vẽ, rắn độc… Thứ ba, theo quy định của pháp luật thì thú dữ gây thiệt hại để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra phải đang chịu sự quản lý của một chủ thể nhất định, nếu không có sự quản lí (ở môi trường tự nhiên, thiên nhiên hoang dã) thì trách nhiệm bồi thường không phát sinh, mặc dù tài sản này thuộc sở hữu của Nhà nước. Như vậy, trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ trong tự nhiên gây thiệt hại như thú dữ trong rừng tấn công gây thiệt hại cho người đi rừng thì sẽ không ai phải chịu trách nhiệm bồi thường. Đây cũng được xem là một bất cập trong các qui định của pháp luật, qua đó đặt ra vấn đề đối với nhà nước là cần phải có những biện pháp hợp lý hơn trong việc quản lý tài nguyên thiên nhiên để bảo vệ quyền lợi của nhân dân. Thứ tư, trong thực tế còn xảy ra trường hợp thiệt hại xảy ra vừa do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra vừa do lỗi cố ý của người bị thiệt hại, vậy thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ thuộc về ai? Ví dụ: A vì có chuyện buồn nên có ý định tự tử. Ngày 12/2/2009, A cố tình lao vào 1 chiếc xe ô tô để tự tử. Không may, lúc chiếc xe cách A khoảng 5m thì bị đứt phanh. Vì thế người tài xế không thể điều khiển được chiếc xe nên đã lao thằng vào A. A chết. Vậy trong trường hợp này thì ai là người phải chịu trách nhiệm bồi thường? 2. Phương hướng hoàn thiện. Mặc dù Bộ luật dân sự (như Điều 623 BLDS) và các văn bản hướng dẫn thi hành bộ luật này (như Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP) đều dành ra những quy định riêng về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, tuy nhiên vẫn còn nhiều quy định bất cập, gây ra những tranh cãi, quan điểm khác nhau trên thực tế áp dụng. Vì vậy, cần có những phương hướng, giải pháp được đề ra để hoàn thiện hơn các qui định này của pháp luật. Thứ nhất: Về khái niệm thế nào là nguồn nguy hiểm cao độ. Trong qui định của Điều 623 BLDS, chưa có một khái niệm cụ thể về thế nào là nguồn nguy hiểm cao độ mà chỉ liệt kê những nguồn nguy hiểm cao độ vì vậy không đầy đủ, thậm chí không thống nhất với các quy định trong các văn bản pháp luật khác. Vì vậy cần xác định tiêu chí chung để thế nào thì được coi là nguồn nguy hiểm cao độ. Ngoài ra theo thời gian cũng có thể bổ sung thêm các loại nguồn nguy hiểm cao độ để phù hợp với tình hình thực tế. Thứ hai: Về điều kiện áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Như đã phân tích ở trên, một trong những điều kiện để nguôn nguy hiểm cao độ phát sinh là khi tự thân nó gây thiệt hại. Đây là một điều kiện rất quan trọng, tuy nhiên luật lại không nói chi tiết vấn đề này. Thực tiễn cho thấy khi xét xử, nhiều trường hợp cứ thấy thiệt hại có liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ là áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, bất kể nguyên nhân gây thiệt hại là do con người hay do tự thân nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Vì vậy, cần có quy định rõ ràng về việc trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra chỉ phát sinh khi thiệt hại là do sự tác động tự thân của nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Thứ ba, Pháp luật cần bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với những thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ trong tự nhiên gây ra cho các chủ thể khác; Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp cơ quan Nhà nước chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ thuộc sở hữu của các cá nhân, tổ chức để phục vụ lợi ích công cộng như: trưng dụng, tạm giữ… C. KẾT LUẬN Nhìn chung, trong các trường hợp cụ thể về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là một trường hợp khá phổ biến trong đời sống. Bởi các nguồn nguy hiểm cao độ luôn luôn tiềm ấn những mối nguy hiểm mà con người nhiều khi không thể khống chế và kiểm soát hết được. Vì vậy, qui định của pháp luật về vấn đề này là hết sức thiết thực, mặc dù còn những hạn chế và những bất cập cần phải hoàn thiện hơn. Nhưng qui định này đã phần nào bảo vệ được lợi ích của người bị thiệt hại đồng thời nâng cao trách nhiệm của chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp nguồn nguy hiểm cao độ.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docBồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra - lý luận và thực tiễn.doc