Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một chế định pháp lý quan trọng trong việc xác định trách nhiệm bồi thường đối với các chủ thể có hành vi vi phạm, gây thiệt hại cho người khác, vấn đề xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại được thực hiện thông qua việc xác định lỗi, tuy nhiên trong một số trường hợp yếu tố lỗi chỉ là thứ yếu, không phải là yếu tố quan trọng, quyết định đến việc truy cứu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra là một trong những nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà không cần yếu tố lỗi, lỗi không phải là điều kiện quyết định. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ (NNHCĐ) gây ra là loại trách nhiệm đặc biệt, nó phát sinh ngay cả khi chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp không có lỗi, tuy nhiên hiện nay cách hiểu và áp dụng quy định này nhiều khi thiếu sự thống nhất, bài viết sau đây sẽ làm rõ hơn vấn đề này.

doc22 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3382 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Mục lục A ĐẶT VẤN ĐỀ Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một chế định pháp lý quan trọng trong việc xác định trách nhiệm bồi thường đối với các chủ thể có hành vi vi phạm, gây thiệt hại cho người khác, vấn đề xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại được thực hiện thông qua việc xác định lỗi, tuy nhiên trong một số trường hợp yếu tố lỗi chỉ là thứ yếu, không phải là yếu tố quan trọng, quyết định đến việc truy cứu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra là một trong những nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà không cần yếu tố lỗi, lỗi không phải là điều kiện quyết định. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ (NNHCĐ) gây ra là loại trách nhiệm đặc biệt, nó phát sinh ngay cả khi chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp không có lỗi, tuy nhiên hiện nay cách hiểu và áp dụng quy định này nhiều khi thiếu sự thống nhất, bài viết sau đây sẽ làm rõ hơn vấn đề này. B.GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ 1. VẤN ĐỀ CHUNG VỀ TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG 1.1 Khái niệm Trách nhiệm bồi thường thiệt hại (BTTH) ngoài hợp đồng Trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng được quy định tại Điều 307 BLDS về trách nhiệm BTTH nói chung và chương XXI về trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, trong cả hai phần này đều không nêu rõ khái niệm trách nhiệm BTTH mà chỉ nêu lên căn cứ phát sinh trách nhiệm, nguyên tắc bồi thường, năng lực chịu trách nhiệm…Trách nhiệm BTTH làm phát sinh nghĩa vụ bồi thường và từ nghĩa vụ BTTH tạo ra quan hệ nghĩa vụ tương ứng với khái niệm nghĩa vụ quy định tại điều 281 BLDS: “Nghĩa vụ dân sự là việc mà theo quy định của pháp luật thì một hoặc nhiều chủ thể (gọi là người có nghĩa vụ) phải làm một công việc hoặc không làm một công việc vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (gọi là người có quyền)” từ quy định này có thể khái niệm về nghĩa vụ BTTH: “Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại là một loại quan hệ dân sự trong đó người xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp của người khác mà gây thiệt hại phải bồi thường những thiệt hại do mình gây ra” Giáo trình luật dân sự Việt Nam, tập 2 ,Nxb CAND, Trường Đại học Luật Hà Nội,Tr 257 Như vậy, có thể hiểu trách nhiệm BTTH là một loại trách nhiệm Dân sự mà theo đó thì khi một người vi phạm nghĩa vụ pháp lý của mình gây tổn hại cho người khác phải bồi thường những tổn thất mà mình gây ra. 1.2. Đặc điểm của trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng Là một loại trách nhiệm pháp lý nên ngoài những đặc điểm của trách nhiệm pháp lý nói chung thì trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng còn có những đặc điểm: Về cơ sở pháp lý: Trách nhiệm BTTH là một loại trách nhiệm Dân sự và chịu sự điều chỉnh của pháp luật Dân sự. Khi một người gây ra tổn thất cho người khác thì họ phải BTTH và BTTH chính là một quan hệ tài sản do Luật Dân sự điều chỉnh và được quy định trong BLDS ở Điều 307 và Chương XXI và các văn bản hướng dẫn thi hành BLDS. Về điều kiện phát sinh: trách nhiệm BTTH chỉ đặt ra khi thoả mãn các điều kiện đó là: Có thiệt hại xảy ra, có hành vi vi phạm nghĩa vụ dân sự (nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc ngoài hợp đồng), có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại với thiệt hại xảy ra, có lỗi của người gây thiệt hại (không phải là điều kiện bắt buộc). Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt trách nhiệm BTTH có thể phát sinh khi không có đủ các điều kiện trên điển hình là các trường hợp BTTH do tài sản gây ra. Về hậu quả: Trách nhiệm BTTH mang đến một hậu quả bất lợi về tài sản cho người gây thiệt hại, khi một người gây ra tổn thất cho người khác thì tổn thất đó được tính bằng tiền hoặc phải được pháp luật quy định là một đại lượng vật chất nhất định nếu không sẽ không thể thực hiện được việc bồi thường. Do đó, những thiệt hại về tinh thần mặc dù không thể tính toán được nhưng cũng sẽ được xác định theo quy định của pháp luật để bù đắp lại tổn thất cho người bị thiệt hại. Về chủ thể bị áp dụng trách nhiệm: Ngoài người trực tiếp có hành vi gây thiệt hại thì trách nhiệm BTTH còn được áp dụng cả đối với những chủ thể khác đó là cha, mẹ của người chưa thành niên, người giám hộ của người được giám hộ, pháp nhân đối với người của pháp nhân gây ra thiệt hại, trường học, bệnh viện trong trường hợp người chưa thành niên… 1.3.Điều kiện phát sinh trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng.:             Theo quy định tại Điều 604 BLDS năm 2005 và nghị quyết của hội HĐTP TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS 2005 về BTTH ngoài hợp đồng thì trách nhiệm BTTH chỉ xảy ra :             1.3.1.Phải có thiệt hại xảy ra.             Thiệt hại về vật chất bao gồm: Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm quy định tại Điều 608 BLDS; thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm( khoản 1 Điều 609 BLDS); thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm (khoản 1 Điều 610 BLDS); thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm (khoản 1 Điều 611 BLDS).             Thiệt hại do tổn thất về tinh thần của cá nhân là do sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm mà người bị thiệt hại hoặc do tính mạng bị xâm phạm mà người thân thích của nạn nhân phải chịu đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, bị giảm sút hoặc mất uy tín, bị bạn bè xa lánh do bị hiểu nhầm... Thiệt hại do tổn thất về tinh thần của tổ chức được hiểu là do danh dự, uy tín bị xâm phạm, tổ chức đó bị giảm sút hoặc mất đi sự tín nhiệm, lòng tin... vì bị hiểu nhầm.             1.3.2.Phải có hành vi trái pháp luật: Hành vi trái pháp luật là những xử sự cụ thể của con người được thể hiện thông qua hành động hoặc không hành động trái với các quy định của pháp luật.             1.3.3. Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật: Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại. Khi xác định quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và hậu quả xảy ra cần phải xác định những đặc điểm sau:Phùng trung Tập - Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng về tài sản,sức khỏe, tính mạng, Nxb Hà nội Thứ nhất là tính thời gian trong quan hệ nhân quả: Hành vi được coi là nguyên nhân phải diễn ra trước hậu quả. Thứ hai là tính hiển nhiên trong quan hệ nhân quả: Tính hiển nhiên phản ánh mối quan hệ bản chất của sự vật, sự việc trong những điều kiện nhất định, vận động, phát triển theo xu hướng nhất định phải như thế này mà không phải thế kia Thứ ba là tính khách quan trong quan hệ nhân quả : tồn tại độc lập với ý thức của con người, con người không thể tùy tiện xóa bỏ nó.             1.3.4.Phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại:             Cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc không mong muốn, nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra. Vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.             1.4. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại            Khi giải quyết tranh chấp về BTTH ngoài hợp đồng, cần phải thực hiện đúng nguyên tắc BTTH quy định tại Điều 605 BLDS thì “Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. 2. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình. 3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường” 1.5. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại Khi áp dụng quy định tại Điều 606 BLDS về năng lực chịu trách nhiệm BTTH, cần chú ý xác định đúng tư cách đương sự trong từng trường hợp, cụ thể: - Trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 606 BLDS thì người gây thiệt hại là bị đơn dân sự, trừ khi họ mất năng lực hành vi dân sự; - Trong trường hợp quy định tại đoạn 1 khoản 2 Điều 606 BLDS thì cha, mẹ của người gây thiệt hại là bị đơn dân sự; - Trong trường hợp quy định tại đoạn 2 khoản 2 Điều 606 BLDS thì người gây thiệt hại là bị đơn dân sự và cha, mẹ của người gây thiệt hại là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; - Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 606 BLDS thì cá nhân, tổ chức giám hộ là bị đơn dân sự. 2.TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO NGUỒN NGUY HIỂM CAO ĐỘ GÂY RA Sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật, những thành tựu mới của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã làm thế giới ngày càng văn minh, hiện đại hơn. Tuy nhiên, kéo theo đó là sự gia tăng các tai nạn mang tính khách quan nằm ngoài sự chi phối, điều khiển của con người, đe dọa tới sự an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản… của các chủ thể trong xã hội. Có những sự vật như máy móc, phương tiện, hệ thống điện, dây chuyền sản xuất trong nhà máy… bản thân hoạt động của nó luôn tiềm ẩn khả năng gây thiệt hại cho môi trường xung quanh. Mặc dù con người luôn tìm mọi cách kiểm soát, vận hành nó một cách an toàn nhưng vẫn có những thiệt hại khách quan bất ngờ có thể xảy ra nằm ngoài sự kiểm soát đó. Trong khoa học pháp lý xuất hiện thuật ngữ “nguồn nguy hiểm cao độ” để chỉ những sự vật như vậy. Bồi thường thiệt hại do NNHCĐ gây ra là loại trách nhiệm đặc biệt bởi lẽ thiệt hại xảy ra không phải do hành vi và do lỗi của con người mà do hoạt động của những sự vật mà hoạt động của chúng luôn tiềm ẩn khả năng gây thiệt hại. Mặc dù chủ sở hữu, người chiếm hữu NNHCĐ có thể không có lỗi đối với thiệt hại nhưng để bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người bị thiệt hại, pháp luật vẫn buộc họ có trách nhiệm bồi thường. Theo đó “Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra được hiều là trách nhiệm của chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp nguồn nguy hiểm cao độ và do sự hoạt động tự thân của nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại cho người khác, phải bồi thường thiệt hại kể cả trong trường hợp chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp nguồn nguy hiểm cao độ không có lỗi” Phùng trung Tập - Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng về tài sản,sức khỏe, tính mạng, Nxb Hà nội,Tr 259 2.1 .Cơ sở pháp lý của trách nhiệm bồi thường thiệt hại do NNHCĐ gây ra Trách nhiệm BTTH do NNHCĐ gây ra có cơ sở pháp lý từ những quy định chung thuộc chương XXI về trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng, và được quy định chi tiết, cụ thể tại điều 623 về BTTH do NNHCĐ gây ra, đã đề cập đến khái niệm NNHCĐ, chủ thể chịu trách nhiệm BTTH, nguyên tắc bồi thường, năng lực BTTH... Trách nhiệm BTTH do NNHCĐ gây ra còn được quy định tại mục III nghị quyết của hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao số 3/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS 2005 về BTTH ngoài hợp đồng. 2.2. Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra 2.2.1. Có hoạt động gây thiệt hại trái pháp luật của nguồn nguy hiểm cao độ Thiệt hại liên quan đến các loại nguồn nguy hiểm rất đa dạng và do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, chỉ áp dụng trách nhiệm BTTH do NNHCĐ gây ra khi thỏa mãn hai dấu hiệu sau: Thứ nhất: Những sự vật được coi là NNHCĐ phải đang trong tình trạng vận hành, hoạt động như: phương tiện giao thông vận tải cơ giới đang tham gia giao thông trên đường; cháy, chập hệ thống tải điện; nhà máy công nghiệp đang hoạt động… Trường hợp thiệt hại xảy ra khi NNHCĐ đang ở trạng thái “tĩnh” – không hoạt động thì không thể coi là thiệt hại do NNHCĐ gây ra, ví dụ: xe ô tô dừng đỗ trên đỉnh dốc nhưng theo quán tính trượt xuống chân dốc gây thiệt hại. Thứ hai:  thiệt hại phải do chính sự tác động của bản thân NNHCĐ hoặc do hoạt động nội tại, “tự thân” của NNHCĐ gây ra. Xuất phát từ lý do này mà pháp luật qui định: “Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật”. Cần phân biệt thiệt hại “do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra” với thiệt hại “do hành vi trái pháp luật của con người gây ra có liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ”. Thiệt hại do NNHCĐ gây ra là thiệt hại do “tự thân” NNHCĐ gây ra thiệt hại, không có tác động của con người, yếu tố lỗi có thể được loại trừ. Ví dụ: xe ô tô đang vận hành thì bị nổ lốp, mất phanh, gãy trục…gây thiệt hại, còn thiệt hại có liên quan đến NNHCĐ là thiệt hại do hành vi trái pháp luật của con người, có tác động của con người, việc gây thiệt hại này có liên quan đến NNHCĐ, ví dụ: lái xe phóng nhanh vượt ẩu gây tai nạn, say rượu bia điều khiển xe gây tai nạn…Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử đã có sự nhầm lẫn trong việc xác định trách nhiệm BTTH do NNHCĐ gây ra khi người áp dụng không phân biệt được “thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra” và thiệt hại “liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ”. Nhiều trường hợp khi áp dụng pháp luật cứ thấy có hành vi trái pháp luật của con người gây thiệt hại, hành vi gây thiệt hại có liên quan đến NNHCĐ lại được xác định là thiệt hại do NNHCĐ gây ra. Việc xác định thiệt hại là do “tác động của người” hay “tác động của vật” có ý nghĩa quan trọng khi xác định trách nhiệm BTTH, bởi vì nó liên quan đến trách nhiệm hình sự của người gây thiệt nếu đó là hành vi trái pháp luật liên quan đến NNHCĐ. Bên cạnh đó, trách nhiệm BTTH do NNHCĐ gây ra cũng loại trừ các trường hợp thiệt hại xảy ra do lỗi cố ý của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng, tình thế cấp thiết (Theo Điều 623 Bộ luật dân sự). Nói tóm lại, trách nhiệm BTTH do NNHCĐ gây ra là trách nhiệm đối với sự kiện gây thiệt hại trái pháp luật của bản thân NNHCĐ chứ không phải thiệt hại do hành vi của con người gây ra. 2.2.2. Có mối quan hệ nhân quả giữa hoạt động gây thiệt hại trái pháp luật của nguồn nguy hiểm cao độ và thiệt hại xảy ra Đây là mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại với sự “tự thân” gây thiệt hại của NNHCĐ. Như đã phân tích ở trên, thiệt hại xảy ra thì phát sinh trách nhiệm bồi thường, tuy nhiên để có thể phát sinh trách nhiệm BTTH do NNHCĐ gây ra thì thiệt hại xảy ra phải trực tiếp do bản thân NNHCĐ gây thiệt hại. Nếu thiệt hại do hành vi trái pháp luật của con người gây ra mà có liên quan đến NNHCĐ thì không áp dụng Điều 623 để giải quyết mà đây là trường hợp BTTH ngoài hợp đồng thông thường do hành vi trái pháp luật của con người gây ra. Điều kiện này đòi hỏi hoạt động của NNHCĐ là nguyên nhân tất yếu, nguyên nhân có ý nghĩa quyết định dẫn đến thiệt hại và thiệt hại xảy ra là kết quả của hoạt động “tự thân” của NNHCĐ. Khi xác định trách nhiệm BTTH, điểm mấu chốt quan trọng là xác định thiệt hại đó do nguyên nhân nào gây ra và nguyên nhân đó có dẫn đến hậu quả không. 2.2.3. Điều kiện lỗi đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra Theo quan điểm cổ điển, trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng chỉ đặt ra khi có điều kiện lỗi. Lỗi là một trong bốn điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường. Chỉ khi nào một người do lỗi của mình mà gây thiệt hại, xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của người khác thì mới phải bồi thường. Cơ sở để người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường là họ phải chứng minh lỗi của người gây thiệt hại. Điều kiện này trong nhiều trường hợp thực tế là không thể thực hiện được khi thiệt hại xảy ra không phải do lỗi của ai cả. Khuynh hướng xác định trách nhiệm bồi thường dựa trên yếu tố lỗi nhiều khi không bảo đảm được quyền lợi cho nạn nhân trong khi việc bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại là một đòi hỏi cấp thiết và chính đáng. Để bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ nạn nhân chống lại việc gây ra tai nạn, có quan điểm cho rằng trách nhiệm BTTH trong một số trường hợp có thể phát sinh mà không cần điều kiện lỗi. Thực tế cho thấy các tai nạn mang tính khách quan nhiều khi nằm ngoài sự chi phối, điều khiển của con người ngày càng gia tăng cùng với sự phát triển của công nghiệp hóa, cơ giới hóa. Bồi thường thiệt hại do NNHCĐ gây ra là một trong những trường hợp đặc biệt, theo đó, trách nhiệm bồi thường phát sinh khi không cần xem xét đến điều kiện lỗi. Khoản 3 Điều 623 Bộ luật dân sự quy định “Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi”. Dấu hiệu quan trọng nhất để xác định trách nhiệm này là hoạt động của NNHCĐ chính là nguyên nhân trực tiếp, là yếu tố quyết định dẫn đến thiệt hại. Hoạt động gây thiệt hại của NNHCĐ có thể hoàn toàn không có lỗi của con người (như xe đang chạy trên đường bất ngờ nổ lốp trước dẫn đến đổi hướng đột ngột gây thiệt hại) hoặc cũng có thể có một phần lỗi của người quản lý, điều khiển, tuy nhiên lỗi ở đây chỉ đóng vai trò thứ yếu đối với thiệt hại (như trước khi xuống dốc, lái xe không kiểm tra lại phanh; lốp mòn nhưng chưa thay do chủ quan nghĩ rằng xe vẫn vận hành tốt…). Nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi, hành vi của người điều khiển NNHCĐ thì không áp dụng trách nhiệm BTTH do NNHCĐ gây ra. 2.2.4. Xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra Bồi thường thiệt hại do NNHCĐ gây ra là một dạng bồi thường thiệt hại cụ thể do vậy về nguyên tắc thiệt hại phải bồi thường gồm: thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm quy định tại điều 608, 609, 610 BLDS 2005 Thiệt hại về tài sản là thiệt hại về vật chất tính toán được. Theo đó thiệt hại do tài sản bị xâm hại được bồi thường gồm: tài sản bị mất, bị hủy hoại, bị hư hỏng; lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm: chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe, chức năng bị mất, giảm sút; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm: gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết; chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; bồi thường tổn thất về tinh thần cho những người thân thích ở hàng thừa kế thứ nhất. 2.3. Chủ thể bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra Căn cứ vào khoản 2 Điều 623 BLDS 2005 và Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/07/2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS 2005 về BTTH ngoài hợp đồng, trách nhiệm BTTH do NNHCĐ gây ra có thể được áp dụng với các chủ thể sau: - Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Chủ sở hữu đang chiếm hữu, sử dụng NNHCĐ là đang thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, quản lý NNHCĐ, nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội; khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ NNHCĐ. - Người được chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định của pháp luật phải BTTH do NNHCĐ gây ra, trừ trường hợp giữa chủ sở hữu và người được giao chiếm hữu, sử dụng có thoả thuận khác không trái pháp luật, đạo đức xã hội. Trong trường hợp chủ sở hữu NNHCĐ giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng NNHCĐ không theo đúng quy định của pháp luật mà gây thiệt hại, thì chủ sở hữu phải BTTH. Ví dụ: Chủ sở hữu biết người đó không có bằng lái xe nhưng vẫn giao quyền chiếm hữu, sử dụng cho họ mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu phải BTTH. Về nguyên tắc chung chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp NNHCĐ phải BTTH do NNHCĐ gây ra cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây: Thiệt hại xảy ra là hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại. Ví dụ: Xe ô tô đang tham gia giao thông thì bất ngờ có người lao vào xe để tự tử và hậu quả là người này bị chết. Trong trường hợp này chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp xe ô tô đó không phải BTTH. Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Cần chú ý là trong trường hợp pháp luật có quy định khác về trách nhiệm BTTH do NNHCĐ gây ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết thì trách nhiệm BTTH được thực hiện theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật đó. - Người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật NNHCĐ phải BTTH do NNHCĐ gây ra, nếu chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp không có lỗi trong việc để NNHCĐ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật (đã tuân thủ các quy định về bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng NNHCĐ theo đúng các quy định của pháp luật). Nếu chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp có lỗi trong việc để NNHCĐ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới BTTH do NNHCĐ gây ra. - Nếu chủ sở hữu NNHCĐ đã giao NNHCĐ cho người khác mà gây thiệt hại thì phải xác định trong trường hợp cụ thể đó người được giao NNHCĐ có phải là người chiếm hữu, sử dụng NNHCĐ hay không để xác định ai có trách nhiệm BTTH. Việc xác định ai trong số các chủ thể trên phải chịu trách nhiệm BTTH do NNHCĐ gây ra phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể. Khi có thiệt hại do NNHCĐ gây ra, trước tiên người ta nghĩ đến nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc tôn trọng và bảo vệ lợi ích chung, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, vì vậy, trách nhiệm bồi thường trước hết được đặt ra cho chủ sở hữu, trừ trường hợp chủ sở hữu chứng minh được trách nhiệm thuộc về người khác. Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/07/2006 của HĐTP TANDTC Hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS 2005 về BTTH ngoài hợp đồng mặc dù đã đưa ra được một số ví dụ cụ thể mang tính chất hướng dẫn về vấn đề này nhưng lại chưa đưa ra được các quy định mang tính chất khái quát chung. Theo đó, chủ sở hữu NNHCĐ có thể chuyển giao quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản thông qua hai hình thức sau: Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ chuyển giao nguồn nguy hiểm cao độ theo nghĩa vụ lao động. Trong trường hợp này, người được chuyển giao NNHCĐ là những người làm công, ăn lương, được giao chiếm hữu, sử dụng NNHCĐ để thực hiện nhiệm vụ mà người chủ lao động giao cho. Giữa chủ sở hữu NNHCĐ và người được giao chiếm hữu, sử dụng NNHCĐ có mối quan hệ lao động, được xác lập qua tuyển dụng hoặc ký kết hợp đồng lao động. Mặc dù người lao động là người đang thực tế chiếm hữu, sử dụng NNHCĐ nhưng hoàn toàn dưới sự quản lý, điều hành của chủ sở hữu NNHCĐ và vì lợi ích của chủ sở hữu nên phải coi đây giống như trường hợp chủ sở hữu NNHCĐ đang trực tiếp chiếm hữu, sử dụng, theo đó, chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm khi tài sản của mình gây thiệt hại. Tuy nhiên cũng cần lưu ý một số trường hợp biệt lệ sau: Thứ nhất:  Người được giao chiếm hữu, sử dụng NNHCĐ theo nghĩa vụ lao động nhưng thiệt hại xảy ra không phải trong lúc người đó thực hiện nhiệm vụ mà người sử dụng lao động giao cho thì ai sẽ bồi thường. Ví dụ: A là lái xe cho công ty vơi nhiệm vụ chở hàng hóa đến kho bãi của công ty, tuy nhiên vào ngày chủ nhật, A lấy xe chở người thân đi chơi, giữa đường xe gãy trục đâm vào người khác, ở đây A dùng xe không phải phục vụ lợi ích của công ty nên A phải chịu trách nhiệm BTTH. Thứ hai: Giữa người lao động và người sử dụng lao động có thỏa thuận người lao động phải chịu mọi trách nhiệm khi NNHCĐ gây ra thiệt hại. Ví dụ: B là lái xe Taxi của Công ty X. B đóng cổ phần vào Công ty X và được giao 1 xe Taxi. Giữa B và Công ty có ký thỏa thuận B phải chịu mọi trách nhiệm khi xe của mình gây thiệt hại. Thỏa thuận này không trái pháp luật, đạo đức xã hội, cũng như không nhằm trốn tránh việc bồi thường. Tuy nhiên, nếu buộc người bị thiệt hại đòi người lái xe phải bồi thường trong trường hợp tự thân NNHCĐ gây ra là tương đối khó khăn. Người lái xe chỉ là người đang thực hiện một hoạt động của công ty, mang lại lợi nhuận cho công ty, dưới sự giám sát, điều hành của công ty. Vì vậy, để bảo đảm được lợi ích cho người bị thiệt hại, bảo đảm thiệt hại được bồi thường nhanh chóng, cần xác định công ty phải bồi thường với tư cách chủ sở hữu. Còn thỏa thuận giữa lái xe và công ty là thỏa thuận bên trong nhằm đề cao trách nhiệm của người lái xe, đồng thời là cơ sở pháp lý để công ty yêu cầu lái xe thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ được chuyển giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng theo một giao dịch dân sự. Chủ sở hữu có thể chuyển giao quyền chiếm hữu, sử dụng NNHCĐ cho chủ thể khác thông qua hợp đồng: mượn, thuê, cầm cố, gửi giữ… tài sản hoặc ủy quyền cho người khác quản lý tài sản của mình. Đây là những hợp đồng dân sự được xác lập trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận, vì vậy sự cam kết thỏa thuận được coi như pháp luật đối với các bên. Trách nhiệm BTTH do NNHCĐ gây ra trước tiên căn cứ vào sự thỏa thuận đó. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận ai phải chịu trách nhiệm bồi thường thì áp dụng nguyên tắc chung của pháp luật, bên mượn, thuê, nhận cầm cố, nhận gửi giữ, được ủy quyền quản lý tài sản là những người chiếm hữu, sử dụng tài sản có căn cứ pháp luật, vì vậy họ có các quyền và nghĩa vụ pháp lý nhất định. Trường hợp NNHCĐ gây thiệt hại khi đang thuộc quyền chiếm hữu, quản lý của họ, họ bị coi là có lỗi trong việc quản lý, sử dụng và phải BTTH. - Trường hợp NNHCĐ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật, theo khoản 4 điều 623 BLDS 2005 phân định thành 2 trường hợp: + Nếu chủ sở hữu, người được giao chiếm hữu NNHCĐ hoàn toàn không có lỗi trong việc để NNHCĐ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì họ không phải BTTH do NNHCĐ gây ra. Chủ sở hữu, người chiếm hữu NNHCĐ sẽ không có trách nhiệm bồi thường nếu họ chứng minh được đã tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ trong việc bảo quản, trông giữ, sử dụng NNHCĐ theo quy định của pháp luật. + Trường hợp chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp NNHCĐ cũng có lỗi trong việc để NNHCĐ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường cùng người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật. 3. Thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật để giải quyết bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra Trên thực tế việc hiểu và áp dụng trách nhiệm BTTH trong một số trường hợp có nhiều điểm không thống nhất, gây khó khăn trong việc BTTH cho người bị thiệt hại, sau đây là một ví dụ điển hình: Ngày 31/12/2008, một sợi cáp điện loại A95 trên đường dây 0,4 KV thuộc lưới điện trung hạ áp ở thôn Ngân Điền, xã Sơn Hà bỗng dưng bị đứt, rơi xuống trước sân nhà của vợ chồng ông bà Nguyễn Thanh Sang - Đặng Thị Chi, 46 tuổi, ở ven đường QL25. Và điều chẳng lành đã xảy ra khi đứa cháu nội gần 3 tuổi của chủ nhà là Nguyễn Lê Shan chạy ra sân, vướng phải đoạn dây cáp đứt nên bị điện giật. Thấy đứa cháu lâm nạn, bà Chi hốt hoảng chạy tới nắm tay đứa trẻ kéo ra, nhưng hậu quả cả hai bà cháu đều tử vong vì điện. Sau khi xảy ra vụ việc, Công an huyện Sơn Hoà đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, tử thi và thu thập các dấu vết có liên quan. Qua đó được biết đường dây điện trung hạ áp 22/0,4KV và trạm biến áp T306 được Nhà nước đầu tư thi công xây dựng từ giữa tháng 8/1999, sau gần nửa tháng đã nghiệm thu đưa vào sử dụng. Hợp tác xã quản lý và kinh doanh điện Sơn Hà là đơn vị được giao đảm nhiệm quản lý, vận hành hệ thống đường dây tải điện nêu trên. Tại Công văn số 411/TB-CAH ngày 21/7/2009 của Công an huyện Sơn Hoà xác định vụ đứt dây cáp điện đã gây ra hậu quả chết người, nhưng đây là sự cố tai nạn xảy ra ngoài ý muốn, không có lỗi trực tiếp của người nào, kể cả nhân viên trực tiếp quản lý và vận hành lưới điện. Theo đó, ngày 31/7/2009, UBND xã Sơn Hà lập biên bản giải quyết khiếu nại của ông Nguyễn Thanh Sang theo hướng từ chối thanh toán các khoản chi phí mai táng hai nạn nhân Đặng Thị Chi và Nguyễn Lê Shan. Theo cách giải quyết này có thể nói việc UBND xã Sơn Hà không bồi thường thiệt hại là trái với quy định của pháp luật, vì theo nguyên tắc chung được pháp luật quy định thì chủ sở hữu NNHCĐ phải BTTH, tuy nhiên ở đây UBND xã Sơn Hà cũng như hợp tác xã quản lý và kinh doanh điện Sơn Hà trốn tránh nghĩa vụ BTTH cho người bị hại là trái với quy định của pháp luật. Thông qua các vụ án vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông có thể thấy trong các vụ án vi phạm quy định về điều khiển NNHCĐ gây thiệt hại cho cá nhân không có trường hợp nào người gây thiệt hại được giảm mức bồi thường mặc dù khoản 2 điều 605 quy định “người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường …” do vậy có thể nói quy định tại khoản 2 điều 605 chỉ có thể áp dụng trong trường hợp gây thiệt hại cho nhà nước, vì vậy để tăng tính khả thi của pháp luật nên chăng cần sửa lại quy định tại khoản 2 điều 605 Về nội dung, nhìn chung việc BTTH theo đúng quy định của pháp luật, tuy nhiên vẫn còn một số bản án thiếu thống nhất hoặc quyết định chưa đúng, thậm chí còn mâu thuẫn nhau cụ thể: Theo quy định của pháp luật thì chủ phương tiện giao thông đường bộ (một bộ phận của NNHCĐ) phải bồi thường thiệt hại do phương tiện giao thông gây ra, các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức và phương thức bồi thường, nhưng thực tiễn giải quyết BTTH trong các vụ án giao thông hiện nay phổ biến là lái xe phải BTTH, chủ phương tiện mặc kệ cho lái xe tự giải quyết thiệt hại. Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của người được bồi thường bởi thực tế chủ phương tiện (người thực tế phải bồi thường và có điều kiện hơn) thì lại đứng ngoài cuộc, vì vậy nên có cách hiểu và áp dụng thống nhất chủ thể phải chịu trách nhiệm BTTH nhẳm bảo đảm lợi ích của người bị thiệt hại, năng cao tính khả thi của pháp luật Ngoài ra việc hiểu như thế nào là chủ sở hữu đã giao NNHCĐ cho người khác chiếm hữu có trường hợp chưa đúng nên quyết định chủ thể phải bồi thường nhiều khi không chính xác , theo đó “đã giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác chiếm hữu, sử dụng một cách hợp pháp” là trường hợp chủ sở hữu đã NNHCĐ cho người khác chiếm hữu, sử dụng hợp pháp thông qua hợp đồng cho thuê, cho mượn để người đó sử dụng NNHCĐ vì lợi ích của bản thân chứ không phải vì lợi ích của chủ sở hữu, trường hợp giao tay lái cho người khác điều khiển phương tiện giao thông đường bộ để phục vụ chủ phương tiện và được đại diện chủ sở hữu đồng ý thì chủ phương tiện vẫn phải BTTH, tuy nhiên vẫn có nơi nhận thức không rõ vấn đề này. Ví dụ sau là một trường hợp cụ thể: Nguyễn khắc T và Cà văn B là 2 lái xe của 1 đơn vị thuộc bộ chỉ huy quân sự tỉnh S, Cà văn B được giao nhiệm vụ điều khiển xa ô tô zin 130 về Việt Trì, do thượng uý Trần thế D chỉ huy xe và Nguyễn khắc T đi nhờ về thăm gia đình , khi xe ô tô đi hết đoạn cao tốc Thăng Long- Nội Bài rẽ vào quốc lộ 2 thì B giao tay lái cho T. T điều khiển xe chạy đến địa phận thôn Thạch Lỗi, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội thì gây tai nạn làm chết 2 người, bị thương 1 người (mất 57% sức khỏe) và hư hỏng nặng 1 xe mô tô, tai nạn xảy ra hoàn toàn do lỗi của T, tòa sơ thẩm xử phạt T về tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông vận tải và buộc T phải BTTH với lý do B đã giao NNHCĐ cho T chiếm hữu, sử dụng, mặc dù theo quy định của pháp luật thì bộ chỉ huy quân sự tỉnh S phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Bản án trên đã bị tòa án cấp phúc thẩm hủy phần dân sự để xét xử lại theo hướng buộc bộ chỉ huy quân sự tỉnh S phải BTTH. 4. Một số vấn đề và kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra Mặc dù BLDS và các văn bản hướng dẫn thi hành bộ luật này (như Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP) đều dành ra những quy định riêng về trách nhiệm BTTH do NNHCĐ gây ra, tuy nhiên vẫn còn nhiều quy định bất cập, gây ra những tranh cãi, quan điểm khác nhau trên thực tế áp dụng. Thứ nhất: Về khái niệm thế nào là NNHCĐ, khái niệm NNHCĐ được quy định trong Khoản 1 Điều 623 BLDS theo hướng liệt kê, vì vậy không đầy đủ, thậm chí không thống nhất với các quy định trong các văn bản pháp luật khác. Theo Khoản 1 Điều 623, ngoài những NNHCĐ đã được liệt kê trong điều này, còn có những loại NNHCĐ khác theo quy định của pháp luật. Trong thực tế có những sự vật chưa từng được pháp luật quy định là NNHCĐ nhưng nếu có đầy đủ tính chất của NNHCĐ thì có được coi là NNHCĐ không, ví dụ: ong bò vẽ, rắn độc, chó dại, trâu điên…vì vậy, khi xem xét sự vật gây thiệt hại có phải là NNHCĐ hay không, cần căn cứ vào tính chất của sự vật đó như: mức độ nguy hiểm; khả năng kiểm soát của con người đối với sự vật; quy định của pháp luật liên quan đến việc trông giữ, sử dụng. Đối với trường hợp chó dại, trâu điên gây thiệt hại tới tính mạng, sức khỏe, tài sản của con người, mặc dù rất nguy hiểm nhưng đây là những động vật đã được thuần hóa, không còn mang tính chất hoang dã, không thể coi là “thú dữ”. Trong khi đó, ong bò vẽ, rắn độc mặc dù không phải là “thú dữ” (theo định nghĩa trong từ điển) nhưng phải coi là NNHCĐ vì đây là loại động vật còn mang tính hoang dã, chưa được thuần hóa và có tính chất nguy hiểm lớn. Vì vậy, việc xác định một vật có được coi là NNHCĐ hay không phải căn cứ vàoquy định của pháp luật và tính chất của sự vật đó. Nguồn nguy hiểm cao độ không chỉ bao gồm những sự vật được liệt kê tại Điều 623 BLDS mà còn bao gồm những sự vật khác mà hoạt động của chúng luôn chứa đựng khả năng gây thiệt hại cho môi trường xung quanh, con người không thể hoàn toàn kiểm soát được nguy cơ gây thiệt hại. Đối với NNHCĐ, pháp luật thường có những quy định nghiêm ngặt trong việc trông giữ, vận hành, sử dụng, vận chuyển… chúng để tránh gây thiệt hại. Khoản 1 điều 623 BLDS quy định phương tiện giao thông vận tải cơ giới, nhưng như thế nào là phương tiện giao thông vận tải cơ giới thì chưa được giải thích rõ ràng. Trong luật giao thông đường bộ đã liệt kê một loạt phương tiện giao thông vận tải cơ giới, tuy nhiên không chỉ có xe cơ giới đường bộ mới là phương tiện giao thông đường bộ mà xe máy chuyên dùng (xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp) cũng có thể tham gia giao thông đường bộ. Do vậy phương tiện giao thông vận tải cơ giới không bao gồm xe máy chuyên dùng và những xe không vận tải khi các xe này tham gia giao thông mà gây thiệt hại thì có thể áp dụng điều 623 được không ? theo quy định thì không được nhưng thực tế vẫn áp dụng vì nếu không thì không có căn cứ pháp luật để giải quyết BTTH. Để hạn chế bất cập này cần quy định rõ phương tiện giao thông vận tải cơ giới bằng cách thay cụm từ “phương tiện giao thông vận tải cơ giới” bằng cụm từ “phương tiện giao thông vận tải cơ giới và xe máy chuyên dùng”. Vì vậy không nên định nghĩa NNHCĐ theo hướng liệt kê mà chỉ cần xác định tiêu chí chung để được coi là nguồn nguy hiểm cao độ. Thứ hai: Về điều kiện áp dụng trách nhiệm BTTH do NNHCĐ gây ra. Hiện nay chưa có quy định cụ thể: khi nào áp dụng trách nhiệm BTTH nói chung và khi nào áp dụng trách nhiệm BTTH do NNHCĐ gây ra dẫn đến có những cách hiểu và áp dụng không thống nhất trên thực tế. Thực tiễn cho thấy khi xét xử, nhiều trường hợp cứ thấy thiệt hại có liên quan đến NNHCĐ là áp dụng trách nhiệm BTTH do NNHCĐ gây ra, bất kể nguyên nhân gây thiệt hại là do con người hay do tự thân NNHCĐ gây ra. Thậm chí, Nghị quyết 03/2006 còn đưa ra ví dụ để hướng dẫn cho trường hợp chủ sở hữu, người chiếm hữu NNHCĐ không phải BTTH do NNHCĐ gây ra trong trường hợp: “Xe ô tô đang tham gia giao thông theo đúng quy định của pháp luật thì bất ngờ có người lao vào xe để tự tử và hậu quả là người này bị thương hoặc bị chết”. Ví dụ này có thể dẫn đến cách hiểu loại trừ trường hợp người bị thiệt hại cố ý lao vào xe ô tô tự tử thì mọi thiệt hại do xe ô tô gây ra đều áp dụng trách nhiệm BTTH do NNHCĐ gây ra, cách hiểu như vậy rõ ràng là không phù hợp. Vì vậy, cần có quy định rõ ràng về việc trách nhiệm BTTH do NNHCĐ gây ra chỉ phát sinh khi thiệt hại là do sự tác động tự thân NNHCĐ gây ra.  Thứ ba: theo quy định tại khoản 2 điều 623 quy định “…nếu chủ sở hữu đã giao…”, vậy những người đó là ai?. Để khỏi có cách hiểu khác nhau thiết nghĩ nên hoàn thiện khoản 2 theo hướng thay cụm từ “những người này” thành “người được chủ sở hữu đã giao chiếm hữu, sử dụng”. Ngoài ra cần phân định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm BTTH do NNHCĐ gây ra trong trường hợp chủ sở hữu đã chuyển giao NNHCĐ cho người khác chiếm hữu, sử dụng, cụ thể là trường hợp chuyển giao theo quan hệ lao động và chuyển giao theo quan hệ dân sự như đã phân tích. Cụ thể: Trường hợp NNHCĐ được chuyển giao cho người khác theo nghĩa vụ lao động: Nếu thiệt hại do NNHCĐ gây ra trong quá trình người lao động quản lý, sử dụng NNHCĐ theo nhiệm vụ được giao thì trách nhiệm bồi thường thuộc về chủ sở hữu NNHCĐ. Nếu người được giao quản lý, sử dụng NNHCĐ theo nghĩa vụ lao động nhưng lại sử dụng NNHCĐ vào mục đích khác không theo nhiệm vụ mà gây thiệt hại thì họ phải tự chịu trách nhiệm. Trường hợp NNHCĐ được chuyển giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng theo một giao dịch dân sự. Trách nhiệm BTTH do NNHCĐ gây ra trước tiên căn cứ vào sự thỏa thuận giữa các bên khi giao kết hợp đồng. Nếu các bên không có thỏa thuận ai phải chịu trách nhiệm bồi thường thì áp dụng nguyên tắc chung của pháp luật, bên mượn, thuê, nhận cầm cố, nhận gửi giữ, được ủy quyền quản lý tài sản là những người chiếm hữu, sử dụng tài sản có căn cứ pháp luật, vì vậy họ có nghĩa vụ trông coi, quản lý NNHCĐ, không để tài sản mình quản lý gây thiệt hại cho người khác. Trường hợp NNHCĐ gây thiệt hại khi đang thuộc quyền chiếm hữu, quản lý của họ thì họ phải chịu trách nhiệm bồi thường. Thứ tư: Pháp luật cần bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với những thiệt hại do NNHCĐ trong tự nhiên gây ra cho các chủ thể khác; Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp cơ quan Nhà nước chiếm hữu, sử dụng NNHCĐ thuộc sở hữu của các cá nhân, tổ chức để phục vụ lợi ích công cộng như: trưng dụng, tạm giữ… Tình trạng cột dây điện đổ, dây điện đứt trên các trục đường giao thông gây thiệt hại ; hổ, báo, voi, sư tử ở rừng gây thiệt hại cho nhân dân về tài sản, sức khoẻ, tính mạng…Hiện nay, pháp luật chưa dự liệu được trách nhiệm BTTH trong các trường hợp trên thuộc về chủ thể nào phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường. Đây là "điểm trống" cần phải được " khoả lấp" kịp thời. Tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, thậm chí không xác định được chủ thể chịu trách nhiệm BTTH như ví dụ đã đề cập ở trên. Thiết nghĩ, về nguyên tắc ai được xác định là chủ sở hữu và đang khai thác, sử dụng để hưởng lợi từ tài sản đó phải trực tiếp chịu trách nhiệm BTTH là hợp lý. Thứ năm, liên quan đến việc chuyển giao NNHCĐ, pháp luật dân sự mới chỉ dự liệu những NNHCĐ được chuyển giao thông qua các giao dịch dân sự như thuê, mượn, cầm cố, thế chấp mà chưa dự liệu trường hợp khi chủ sở hữu NNHCĐ giao kết hợp đồng mua bán nhưng chưa hoàn tất thủ tục sang tên nhưng đã sử dụng NNHCĐ, gây thiệt hại cho những người xung quanh thì trách nhiệm lúc này thuộc về người bán hay người mua. Thiết nghĩ, trong trường hợp này phải xem xét đến lỗi của người bán hay người mua trong việc thực hiện thủ tục pháp lý chuyển quyền sở hữu đối với tài sản mua hay là lỗi của cả hai bên. Pháp luật dân sự nên quy định cụ thể về vấn đề này để xác định ai là người phải chịu trách nhiệm BTTH trong từng trường hợp cụ thể Thứ sáu, Vấn đề giải thích luật liên quan đến trách nhiệm bồi thường do NNHCĐ gây ra cũng chưa rõ ràng. Hiện tại Điều 623 BLDS năm 2005 được được hướng dẫn áp dụng tại NQ 03/2006/NQ – HĐTP ngày 8/7/2006, Trong đó có quy định “Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp thì phải liên đới cùng với người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật bồi thường thiệt hại do NNHCĐ gây ra”. Như vậy sự hướng dẫn ( giải thích) cũng chỉ dùng lại ở múc độ rất chung . Thế nào là không tuân thủ, tuân thủ không đầy đủ các qui định về bảo quản, trông dữ…Trong khi đó tại Thông tư số 03-TANDTC ngày 05/04/1983 hướng dẫn giải quyết một số vấn đề bồi thường thiệt hại trong tai nạn ô tô hướng dẫ khá cụ thể: không tuân thủ hoặc tuân thủ không đầy đủ các qui định về bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo qui định của pháp luật được thể hiện: không khoá xe, không tắt máy trước khi rời xe, khoá xe mà vẫn để chìa khoá ở trên xe hoặc không có biện pháp bảo vệ cần thiết. Có thể nói đây là sự giải thích khá cụ thể mặc dù chưa đầy đủ. Để pháp luật phá huy được vai trò điều chỉnh và thực sự đi vào cuộc sống thì qui định chung của pháp luật cần phải được cụ thể hoá bằng các văn bản dưới luật để hướng dẫn thi hành. C.KẾT THÚC VẤN ĐỀ Có thể nói, việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại là một trong những yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo lợi ích của chủ thể bị thiệt hại, trách nhiệm BTTH do NNHCĐ gây ra là một vấn đề cần phải hiểu rõ và hoàn thiện ,cùng với đó là cách áp dụng thống nhất, tránh việc áp dụng tùy tiện làm tổn hại đến quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể trong các quan hệ pháp luật. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ luật dân sự nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam năm 2005 2. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật dân sự Việt Nam ,tập 2,Nxb CADN ,Hà Nội 2006 3. Ts. Phùng Trung Tập,Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng về tài sản, sức khỏe và tính mạng, Nxb Hà Nội, 2009 4. Ts Trần thị Huệ, Ts Vũ thị Hải Yến, ThS Vũ Thị Hồng Yến-Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng-từ quy định đến thực tiễn, Nxb Tư pháp, Hà Nội 2008 5. Ts. Trần thị Huệ - Những bất cập trong qui định của pháp luật về Trách nhiệm do tài sản gây thiệt hại và hướng hoàn thiện. 6. Ts Vũ thị Hải Yến Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra 7. Tập san tòa án nhân dân, số 7/1998 , Trang 12-14 8. Tạp chí tòa án nhân dân, số 2 năm 2003, Trang 8-12 9 Tạp chí kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, số 1/2005 10.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docBồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra Một số vấn đề lý luận và thực tiễn.doc