Cái đói - Chủ đề ám ảnh trong nhiều tác phẩm của Nam Cao

ĐỀ CƯƠNG TỔNG QUÁT. MỞ ĐẦU 1.Lí do chọn đề tài. 2. Lịch sử vấn đề. 3. Mục đích, yêu cầu. 4. Phạm vi đề tài. 5. Phương pháp nghiên cứu. CHƯƠNG 1 CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA CÁC THUẬT NGỮ: CHỦ ĐỀ VÀ CHỦ ĐỀ ÁM ẢNH. 1.1. Khái niệm về tính biểu hiện của chủ đề. 1.1.1. Khái niệm về chủ đề. 1.1.2. Biểu hiện của chủ đề. 1.2. Khái niệm về chủ đề ám ảnh. CHƯƠNG 2 TÁC GIẢ NAM CAO 2.1. Vài nét về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác. 2.1.1. Cuộc đời. 2.1.2. Sự nghiệp sáng tác. 2.2. Quan điểm sáng tác. 2.2.1. Quan điểm sáng tác của Nam Cao trước Cách mạng tháng Tám – 1945. 2.2.2. Quan điểm sáng tác của Nam Cao sau Cách mạng tháng Tám – 1945. 2.3. Nam Cao với làng Đại Hoàng. 2.4. Hai loại đề tài trong sáng tác của Nam Cao. 2.4.1. Đề tài về người nông dân nghèo. 2.4.2. Đề tài về người trí thức tiểu tư sản nghèo. CHƯƠNG 3 CÁI ĐÓI – VẤN ĐỀ BAO TRÙM TRONG NHIỀU TÁC PHẨM CỦA NAM CAO TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM – 1945. 3.1 Cái đói và chết đói – hiện tượng xuyên suốt trong nhiều tác phẩm của Nam Cao. 3.1.1. Cái đói – vấn đề cái ăn và sự tồn tại. 3.1.2. Cái đói và nỗi ám ảnh “chết đói”. 3.1.3. Cái đói và nhân cách, nhân tính con người. 3.2. Tư tưởng “chúng ta phải chống lại nạn đói” trong tác phẩm của Nam Cao. 3.5.1. Vì sao người ta đói? 3.5.2. Con người “rất có thể đáng yêu nếu không đói cơm”. 3.5.3. “Hoàn cảnh đổi, rất có thể là người đổi, tâm tính đổi.” KẾT LUẬN Tài liệu tham khảo. Phụ lục. Nhận xét của giáo viên hướng dẫn. Nhận xét của giáo viên phản biện.

doc72 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 6136 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Cái đói - Chủ đề ám ảnh trong nhiều tác phẩm của Nam Cao, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
như “một người thừa”. Nam Cao đã thể hiện được khá sinh động mối mâu thuẩn giữa những khát vọng chân chính, ý thức sâu sắc về giá trị cuộc sống và nhân phẩm với hoàn cảnh xã hội: “Còn gì đau đớn cho một kẻ vẫn khát khao làm một cái gì nâng cao giá trị đời sống của mình, mà kết cục chẳng làm được cái gì, chỉ những lo cơm áo mà đủ mệt”. Anh suy nghĩ: “Ta đành phí một vài năm để kiếm tiền” nuôi vợ con rồi trở lại với sự nghiệp của mình. Thế nhưng, ước mơ nhỏ bé đó cũng trở nên hảo huyền và đẩy anh vào tình trạng bế tắt. Gánh nặng cơm áo chẳng hề nhẹ đi mà nó cứ nặng thêm mãi: “Đứa con này chưa kịp lớn lên, đứa con khác đã vội ra, mà đứa con nào cũng nhiều đẹn, nhiều sài, quấy rứt, khóc mếu suốt ngày đêm và quanh năm uống thuốc.” Hộ điên người lên vì phải xoay tiền và tất cả những lo lắng tẹp nhẹp này đã phá vỡ những hy vọng và sự nghiệp Hộ. Đồng thời nó phá hoại luôn sự yên tĩnh, thư thái trong tâm hồn Hộ: “Hắn còn điên lên vì con khóc, mà không lúc nào được yên tĩnh để cho hắn viết hay đọc sách. Hắn thấy mình khổ quá, bực bội quá. Hắn trở nên cao có và gắt gỏng. Hắn gắt gỏng với con, với vợ, với bất cứ ai, với chính mình.” Bi kịch luôn diễn ra với gia đình Hộ, từ bi kịch thứ nhất đến bi kịch thứ hai đã biến Hộ thành một người cáo gắt và có lúc anh trào nước mắt vì nỗi khổ của mình. Qua nhân vật Hộ, ta thấy được tấn bi kịch của người trí thức nghèo có lí tưởng trong xã hội cũ. “Trong những truyện viết về nghề văn, “Đời thừa” là truyện đề cập sâu sắc bi kịch của anh nhà văn trong xã hội cũ, một quá trình suy thoái không cưỡng được của người trí thức trước những khó khăn của đời sống; và từ trên cầu trượt đó, anh ta càng rơi vào hai cái chết, hoặc một cái chết hai mặt: thể xác và tinh thần. Cái chết của anh nhà văn trong Hộ đưa tới cái chết của chính bản thân Hộ. Một cái chết về tinh thần. Nhưng đâu phải không ám ảnh một cái chết theo nghĩa đen, cho Hộ, và cả gia đình Hộ” (Phong Lê – Nam Cao người kết thúc vẻ vang trào lưu văn học hiện thực – Nxb Đhqg, HN, 2003, tr 17). Giống như Hộ, Điền trong Trăng sáng cũng không một phút nào “không nghĩ đến tiền. Óc Điền đầy những lo lắng nhỏ nhen. Một đôi khi chợt nhớ lại cái mộng xưa, Điền lại thở dài. Điền tự an ủi: có tiền rồi sẽ viết. Nhưng Điền biết chẳng bao giờ Điền viết nữa, bởi chắc chắn là suốt đời Điền cũng không có tiền”. Thứ thì thấy tương lai mình tối sầm: “Y không còn dám nghĩ đến những thú vui, những hy vọng cao xa. Y chỉ còn dám nghĩ đến cơm áo hàng ngày của vợ con. Giả sử như y không đi dạy học thì sao? Cố nhiên là y sẽ phải ăn nhờ vào cơm vợ, cơm con. Nhưng vợ y sẽ làm gì cho cả nhà đủ gạo ăn? Khổ lắm. Nghĩ là cả nhà y sẽ đói, sẽ chết đói nữa là thường lắm.” Cho nên, dù công việc dạy học chỉ có hai mươi đồng Thứ cũng cố gắng “bám vào cái trường” với hy vọng một ngày nào đó Đích sẽ trao lại cái trường cho anh. Khi đó, cuộc sống của gia đình anh sẽ khá hơn, sẽ không còn khổ nữa.Nhưng đến khi chiến tranh bùng nổ, trường bị đóng cửa, Thứ phải về quê ăn bám vợ. Nghĩ thế Thứ thấy nghẹn ngào, uất ức vô cùng! Bởi rồi đây “y sẽ chẳng có việc gì làm, y sẽ ăn bám vợ! Đời y sẽ mốc lên, sẽ gỉ đi, sẽ mòn, sẽ mục ra, ở một xóa nhà quê. Người ta sẽ khinh y, chính y sẽ khinh y. Rồi y sẽ chết mà chưa làm gì cả, chết mà chưa sống!” Và San trong Sống mòn đã thay họ để tổng kết một cách đầy đủ nhất về sự ám ảnh “chết đói”. San hằn hộc bảo: “- Kiếp chúng mình tức lạ. Sao mà cái đời nó tù túng, nó chật hẹp, nó bần tiện thế! Không bao giờ dám nhìn cao một tý, chỉ lo ăn, lo mặc. Hình như tất cả nguyện vọng, tất cả mong ước, tất cả mục đích của cuộc đời chúng mình, chỉ là mỗi ngày hai bữa. Bao nhiêu tài trí, sức lực, lo tính đều chỉ dung vào việc ấy. Khổ sở cũng vì thế, nhục nhã cũng vì thế, mỏi mòn tài năng, trí óc, giết chết những mong muốn đẹp, những hi vọng cao xa cũng vì thế nốt. Lúc nào cũng lo chết đói, lúc nào cũng làm thế nào cho không chết đói! Như vậy thì sống làm gì cho cực!” Nỗi đau đớn, uất ức đó của những người trí thức cũng chính là nỗi đau của Nam Cao trước hiện thực cuộc sống đói khát. Nỗi ám ảnh “chết đói” từ lâu đã tồn tại trong cuộc sống xã hội, và Nam Cao là người đầu tiên phát hiện ra vỉa hiện thực ấy. Đó là một vỉa hiện thực ở chiều sâu, ở tầng chìm mà trước Nam Cao chưa ai khám phá. Đó chính là lí do vì sao nhiều người cho rằng ông là nhà văn có cảm quan hiện thực sâu sắc. Có thể nói, Nam Cao đã theo đuổi quan niệm nghệ thuật của mình một cách xuất sắc. Ông đã nghe được những “tiếng đau khổ” của những “kiếp lầm than”… Ông đã “khơi những nguồn chưa ai khơi”. Đó không chỉ là những gì ông viết về nỗi ám ảnh “chết đói” mà còn về cái đói, cái chết… nói chung. Riêng với nỗi ám ảnh “chết đói”, nhà văn đã mượn diễn biến nội tâm của nhiều nhân vật trí thức để phân tích, để chứng minh hết sức chi tiết, cụ thể, sắc sảo và thuyết phục về sức tác động dữ dội của ám ảnh “chết đói” trong đời sống xã hội, đặc biệt ở phương diện chi phối, ảnh hưởng đến các giá trị tốt đẹp mà con người vẫn hằng vươn tới. 3.4. Cái đói và nhân cách, nhân tính con người. Cùng với nỗi ám ảnh “chết đói”, mối quan hệ giữa cái đói và nhân cách, nhân tính con người được Nam Cao đặt biệt chú ý. Qua mối quan hệ này, nhà văn đã thể hiện sức hủy hoại dữ dội của cái đói. Cái đói làm tha hóa nhân cách, nhân tính con người. Cái đói là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng “cái chết trong lúc sống”. Biểu hiện của nó là sự “khốn nạn”, “đê hèn”, “ích kỉ”, “tàn nhẫn”,… của con người. Ở đây, khi bàn về mối quan hệ giữa cái đói và nhân cách, nhân tính, qua các hình tượng, nhà văn đi sâu phân tích và chỉ ra những nguyên cớ, những con đường dẫn con người từ cái đói đến với “cái chết trong lúc sống”. Trước hết, qua một số hình tượng, Nam Cao cho rằng con người ta vì quá đói, quá khổ mà trở thành những kẻ hay gắt gỏng, cáu bẳn, thô lỗ, tục tằn. Chỉ tại một con mèo mà vợ chồng anh cu (Con mèo) đánh chửi nhau. Mở đầu truyện, người trần thuật đưa ra những lí do: “Đầu đuôi tại con mèo. Nhưng cũng tại trời bức nữa. Bức không chịu được.” Nhưng đó chỉ là nguyên cớ bên ngoài. Nguyên cớ thực sự biến họ thành những kẻ gắt gỏng, cáu bẳn chính là bởi vì họ quá lam lũ, khổ sở: “Chị cu vừa ở khung cửi xuống. Anh cu vừa ở ruộng về. Hai người cùng mỏi mệt. Hai người cùng bứt rứt. Một người ngồi quạt phành phạch. Một người ngồi gãi cái đầu tổ quạ đến mấy tháng nay chưa gội.” Họ còn quá đói. Bữa tối của họ khi có, khi không: “Cái bữa tối họa hoằn mới có, ấy là khi nào cơm trưa ăn chẳng hết, còn thừa lại. Đủ chia, thì mỗi người làm một vực. Chẳng đủ chia thì nhịn.” Trời càng nóng bứt khiến cho “cái đầu anh càng ngứa dữ. Anh rứt từng mảng tóc đi…” Giữa lúc ấy thì có một chú mèo lại lò dò đến, trèo lên mâm. Anh Cu cười đắc chí. Anh bảo vợ: “- Kìa kìa! Nó lại trèo lên “đầu lâu” kia kìa… Không muốn đuổi nó đi thì cứ để cho nó ăn cả đầu lâu, hoa cái nhà mày đi. Chị cu to tiếng: - Ăn nói như cái đồ cục súc. Được rồi, không khiến đuổi. Để xem nó ăn gì nào? - Thì để đấy. Anh nhìn con mèo, đợi. Nhưng cáu thật, con mèo không ăn gì thật. Thì có gì mà nó ăn? Cả mâm có một bát muối vừng. Nó ngửi một chút rồi vội lảng. Mèo không ưa muối vừng. Anh thầm mong cho nó đút đầu vào cái niêu cơm nguội. Nhưng niêu cơm nguội còn đậy vung.” Bữa cơm của vợ chồng anh cu chẳng có gì ngoài bát muối vừng, cho nên con mèo đã không ăn mà bỏ đi. Vì thế cho nên anh cu “bẽ lắm”, chị vợ thì càng được nước nên “vác cái mặt lên, khinh bỉ chồng”. Trong hoàn cảnh ấy, ta dễ hiểu tại sao anh cu ăn nói như cái đồ cục súc, anh ăn một cách “thô bỉ”: “Anh hất con mèo một cái, nẩy ra tận đằng xa. Rồi anh xúc cơm, rắc muối vừng, ăn. Anh cúi đầu ăn, mặt hầm hầm. Bởi vì anh còn tức lắm. Nhưng càng tức càng ăn khỏe. Tính anh thế. Không ăn, lấy sức đâu mà tức được? Đã tức thì phải ăn. Anh ăn ngoàm ngoàm. Trông thô bỉ quá. Rõ thật cái vẻ của một người cục súc.” Cuộc sống khó khăn, đói khát đã biến anh cu từ một người hiền lành thành một người chồng vũ phu: “Có tiếng đấm đá nhau huỳnh huỵch. Rồi tiếng người đàn bà gào to hơn: - Mày cứ đánh chết bà đi! Mày đánh chết bà xem nào! Mày không đánh chết bà được thì…” Nhân vật Lúng trong Đòn chồng chỉ cần vừa biết vợ mình là một kẻ ăn gian, ăn cắp là đã có thể đánh vợ không thương tiếc: “Hắn nắm lấy cổ y, đẩy y vào cột nhà. Y không khán cự, bởi khán cự thật là vô ích. Hắn cởi cái thắt lưng của y, trói ngang lưng y vào cái cột. Như thế đã tha hồ vững chãi. Nhưng hắn còn muốn vững chãi nhiều hơn nữa. Hắn đặt ngay cái đòn gánh ở bên ngoài cột, dàng hai tay vợ dang ra, lấy sợi dây thừng. Hắn quấn cánh tay vợ vào đòn gánh.” Thế là hắn đánh. Hắn vừa đánh, vừa kể tội. Đánh một chập lại uống, uống rồi lại đánh. Cứ thế mãi. “Đến nỗi vợ hắn tê mông không còn thấy đau.” Vì sao Lúng lại trở thành một người chồng vũ phu như vậy? Có lẽ cũng chỉ vì vợ chồng hắn quá khổ, quá đói: “Chẳng biết y xin ai hay là nhặt đâu được có mỗi một đồng xu. Nếu không xin, không nhặt được, thì hẳn là ăn cắp. Bởi y làm gì mà có xu! Vườn có ba sào, chồng thua bạc cố rồi. Đồ bòn, thức bán không. Đi dệt cửi thuê cho người ta ngày được một hào thì chồng lấy cả một hào, thiếu một đồng xèng nó đánh cho gãy gối. Và nó chẳng đánh thì cũng không dám thiếu; thiếu lấy gì đổ vào mồm? Gạo nước năm nay… Có một hào mà những hai cái miệng ăn, mà lại còn chực thiếu nữa thì có lẽ đến phải đếm mà chia nhau từng hạt.” Như để thuyết minh một cách rõ ràng hơn sự chi phối của cái đói, cái khổ dẫn đến sự thô lỗ, cáu bẳn, tục tằn của con người, nhà văn đã từng mượn suy nghĩ của Điền (Nước mắt) khi nghĩ về sự gắt gỏng của vợ anh: “Hắn thấy vợ hắn không tệ. Thị vốn thương con lắm. Những lúc thị gắt gỏng với con như thế chỉ là những lúc thị sốt ruột quá, lo lắng quá. Cũng như hắn vậy, sao hắn nỡ đem lòng giận thị? Ai chả thế? Người không phải là thánh, sự khổ sở dễ khiến lòng chua chát. Khi người ta lam lũ quá, lại còn lo trăm thứ, thì ai mà bình tĩnh được? Ai mà chả gắt gỏng? Gắt gỏng thì chính mình khổ trước. Không giữ được thì phải bật ra ngoài như vậy. Thật ra có ai muốn cao có làm chi?... Vậy thì vợ hắn gắt lên với hắn lúc nãy cũng chỉ là việc thường thôi.” Mặt khác, cũng chỉ vì mọi người đều khổ nên họ thường nghĩ mình vì người khác mà khổ. Từ đó họ đay nghiến, thô lỗ với nhau. Điền (Nước mắt) đã từng chỉ ra lí do vì sao gia đình ông Phán láng giềng thường xuyên rơi vào cảnh: “Nhà ông chẳng lúc nào yên, đàn trẻ khóc như ri. Mẹ chồng nghiến rứt con dâu, con dâu cãi lại mẹ chồng. Cô em nói mỉa mai.” Đó là vì: “Người nào cũng khổ cả, và người nọ cứ tưởng vì người kia mà khổ” Đây là lí do đã làm cho biết bao người trở nên thô lỗ, làm cho quan hệ gia đình, quan hệ xã hội không còn tình thương yêu mà chỉ còn sự giận dữ, thù ghét. Và điều đáng sợ là họ không nhận thức được điều ấy. Giải quyết thực trạng này, nhà văn cho rằng con người phải nhận thức rõ về nguyên nhân cái khổ của mình, từ đó mới có thể tạo ra sự thông cảm, đồng cảm, thương yêu, tha thứ cho nhau. Nam Cao mong muốn mọi người thông cảm với nhau. Ông kêu gọi mọi người phải biết thương yêu nhau. Thứ (Sống mòn) đã từng day dứt, ân hận về sự tệ bạc, vũ phu của mình đối với người vợ đáng thương, đáng yêu – Liên. Thứ hiểu rằng cuộc sống vợ chồng của họ trở nên căng thẳng chỉ vì họ khổ quá. Vậy thì tại sao họ không biết thương nhau: “Cuộc sống phũ phàng. Đời thì buồn mà kiếp người thì khổ lắm. Đời thứ và đời Liên, không dưng cũng đủ buồn, đủ khổ lắm rồi. Sao họ còn muốn gây buồn, gây khổ cho nhau nữa? Nghĩ thế, Thứ thấy mọi cái đều nhỏ cả, đều không đáng kể. Không một cái tội nào to tát không thể tha thứ. Không một người nào không đáng cho ta tha thứ và an ủi…” Cũng chỉ vì quá khổ, quá đói mà con người ta buộc phải ăn cắp, ăn vụng. Nhiều nhân vật phụ nữ của Nam Cao tạo ra một ấn tượng ghê sợ ở người đọc khi tưởng tượng hình ảnh ăn vụng của họ. Người vợ quê của Hiệp (Sao lại thế này) ăn vụng một cách dị mọ, bẩn thỉu: Cả làng chẳng ai còn không biết vợ Hiệp là một người đủ tật: “đã vụng, đã lười, đã ăn không nên đọi nói không nên lời, lại còn có tính ăn gian: thị chúa đời là hay ăn cắp và ăn vụng. Mà ăn vụng như thế nào? Thị bốc trộm gạo sống cho vào túi để ăn dần. Thị hớt cơm chó thật nhiều rồi bớt lại, giấu đi, để ăn cơm với cả nhà rồi lại lấy ra ăn. Thậm chí đến đổ cám cho lợn ăn mà thị cũng ăn vụng vài bát ngay ở ngoài chuồng lợn được. Ghê tởm quá! Hiệp không thể tưởng tượng trên đời này lại có những hạn đàn bà như thế ấy.” Nhưng thị ăn vụng một cách “ghê tởm” như vậy cũng chỉ vì thị quá đói. Hiệp “chưa bao giờ phải đói. Hắn chưa bao giờ thèm cơm. Hắn không biết rằng mẹ hắn, vợ hắn, và các em hắn ở nhà phải nhịn ăn để lấy tiền cho hắn học hành: mỗi ngày chỉ ăn một bữa thôi, mà mỗi bữa, lệ có mỗi người hai lùm lùm bát.” Vì quá đói mà đàn bà ăn vụng chồng, đàn ông ăn vụng vợ. Người đàn ông – ông Phán láng giềng của Điền (Nước mắt) cũng phải ăn vụng vợ con. Ông cũng chỉ là một người tất yếu sẽ ăn vụng khi: “Ông có năm con, một mẹ già, một vợ một em. Ông mặc những cái áo sờn vai và những cái áo sơ mi nếu không rách cổ thì cũng mạng vá lung tung. Nhà ông chẳng lúc nào yên… Chiều nào cũng tận lúc lên đèn… ông Phán mới về nhà. Ông ngồi cắm mặt, ăn vội vàng mấy bát cơm chẳng nói với ai, chẳng nhìn ai. Rồi rút một cái tăm, ông mải mốt đi nằm để thở một cách hẳn hoi? Bà mẹ vơ lấy ông mà trách móc nọ kia để chì chiết vợ ông. Vợ ông cũng vơ lấy ông mà khóc mếu, đay chì lại mẹ ông. Ông chẳng biết bên ai, chỉ nằm thẳng người ra như kẻ chết rồi, mắt trừng trừng ngó lên trần, nhiều lúc bực tức quá phải giàn giụa nước…” Một buổi chiều đang ngồi trong tiệm ăn “Điền thấy ông lủi thủi bước vào. Ông đến ngồi ở một cái bàn con tận trong một góc phòng, quay mặt vào tường. Ông bảo bồi lấy cho ông năm cái chả bánh đa. Ông ăn rất ngon lành. Ăn xong, ông lại lủi thủi đi ra, nét mặt vô cùng hả hê.” Điền đưa mắt theo dõi ông từng cử chỉ và anh có cảm tưởng như “ông đi ăn vụng vợ, con ở nhà”. Mặc khác, Nam Cao cũng chỉ ra vì sao người ta trở thành những kẻ không có lòng vị tha, chỉ lo vun vén cho mình – trở thành những kẻ ích kỉ. Đó cũng chỉ vì sự đói khổ. Sau bao nhiêu vật vã, Điền (Giăng sáng) chua chát nhận thấy rằng: “Vợ Điền khổ, con Điền khổ, cha mẹ Điền khổ. Chính Điền cũng khổ. Bao nhiêu người nửa, cùng một cảnh ngộ như Điền! Cái khổ làm héo phần lớn những tính tình tươi đẹp của người ta.” Một trong những “tính tình tươi đẹp” bị cái khổ, cái đói “làm héo” đó chính là lòng vị tha. Ở truyện Lão Hạc, nhân vật ông giáo đã từng suy nghĩ: “Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi… Toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương.” Lão Hạc là một người nông dân nghèo, lão làm thuê làm mướn để kiếm sống qua ngày. “Vợ lão chết rồi. Con lão đi bằn bặt. Già rồi mà ngày cũng như đêm, chỉ thui thủi một mình thì ai chả phải buồn? Những lúc buồn, có con chó làm bạn thì cũng đỡ buồn một chút.” Cho nên lão rất yêu thương con chó: “Lão gọi nó là cậu Vàng như một bà hiếm hoi gọi đứa con cầu tự. Thỉnh thoảng không có việc gì làm, lão lại bắt rận co nó hay đem nó ra ao tắm. Lão cho nó ăn cơm trong một cái bát như một nhà giàu. Lão ăn gì lão cũng chia cho nó cùng ăn. Những buổi tối, khi lão uống rượu, thì nó ngồi ở dưới chân. Lão cứ nhắm vài miếng lại gắp cho nó một miếng như người ta gắp thức ăn cho trẻ con.” Mỗi khi nhớ cậu con trai thì lão lại trò chuyện với nó: “- Cậu có nhớ bố cậu không? Hả cậu Vàng? Bố cậu lâu lắm không có thư về. Bố cậu đi có lẽ được đến ba năm rồi đấy… Hơn ba năm… Có đến ngót bốn năm… Không biết cuối năm nay bố cậu có về không? Nó mà về, nó cưới vợ, thì nó giết cậu. Liệu hồn cậu đấy!” Lão yêu thương, chăm sóc cho nó với hi vọng một ngày kia con lão sẽ trở về. Nhưng cuộc đời không buông tha cho lão, nghèo đói không loại trừ lão ra. Lão tâm sự với ông giáo: “Tôi chỉ ốm có một trận đấy thôi. Một trận đúng hai tháng, mười tám ngày, ông giáo ạ! Hai tháng mười tám ngày đã không làm ra được một xu, lại còn thuốc, lại còn ăn… Ông thử tính xem bao nhiêu tiền vào đấy?... Sau trận ốm, lão yếu người đi ghê lắm.” Cho nên: “Những công việc nặng không làm được nữa. Làng mất nghề vè sợi, nghề vải đành phải bỏ. Đàn bà rỗi rãi nhiều. Còn tí việc nhẹ nào, họ tranh nhau làm mất cả. Lão Hạc không có việc.” Lão Hạc già rồi, không thể làm những công việc nặng như lúc trước được nữa. Lão chỉ còn trông vào việc bòn vườn để ăn và dành dụm tiền cho con trai lão. Thế nhưng, trời lại bão. “Hoa màu bị phá sạch sành sanh. Từ ngày bão đến nay, vườn lão chưa có một tí gì bán.” Mà gạo thì cứ “kém mãi đi. Một lão với một con chó, mỗi ngày ba hào gạo, mà gia sự vẫn đói gieo đói dắt…” Lão Hạc đành gạt nước mắt bán “cậu Vàng” cho người ta giết thịt. Vì lão nghĩ: “Cậu ấy ăn khỏe hơn cả tôi ông giáo ạ. Mỗi ngày cậu ấy ăn thế, bỏ rẻ cũng mất hào rưỡi, hai hào đấy. Cứ mãi thế này thì tôi lấy tiền đâu mà nuôi được? Mà cho cậu ấy ăn ít thì cậu ấy gầy đi, bán hụt tiền, có phải hoài không? Bây giờ cậu ấy béo trùng trục, mua đắt, người ta cũng thích…” Để không phải tiêu vào số tiền dành dụm còn lại, mà không phải bán mảnh vườn đi vì đói, lão sang nhà ông giáo để nhờ ông trông hộ mảnh vườn, đợi con lão về thì giao lại cho nó. Vì lão biết trong làng này, ông giáo là “người nhiều chữ nghĩa, lý luận, người ta kiêng nể”. Lão còn nhờ ông giáo giữ dùm số tiền mà lão dành dụm vì “lão già yếu lắm rồi, không biết sống chết lúc nào; con không có nhà, lỡ chết không biết ai đứng ra lo cho được; để phiền cho hàng xóm thì chết không nhắm mắt: lão còn được hai nhăm đồng bạc với năm đồng vừa bán chó là ba mươi đồng bạc, muốn gửi tôi để lỡ có chết thì tôi đem ra, nói với hàng xóm giúp, gọi là của lão có tí chút, còn bao nhiêu đành nhờ hàng xóm cả…” Sau đó, lão tìm được món gì thì ăn món ấy. “Hôm thì lão ăn củ chuối, hôm thì lão ăn sung luộc, hôm thì ăn rau má, với thỉnh thoảng một vài củ ráy, hay bữa trai, bữa ốc.” Cuối cùng lão ăn “bã chó” mà chết, lão chết một cách đau đớn, lão “ vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long song sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, nẩy lên. Hai người đàn ông lực lưỡng phải ngồi đè lên người lão. Lão vật vã đến hai giờ đồng hồ rồi mới chết. cái chết thật là dữ dội.” Cái chết của lão Hạc đã chấm dứt mối nghi ngờ của một số người xung quanh lão, đặc biệt là ông giáo; họ đã hiểu ra dù nghèo đói nhưng lão vẫn trọn vẹn nhân cách tốt đẹp của mình. Cái chết của lão Hạc đau xót bao nhiêu thì cũng chứa chan lòng hy sinh cao thượng bấy nhiêu. Có được đồng nào lão “nhặt nhạnh” để dành cho cậu con trai. Vì lão nghĩ: “Cái vườn là của con ta. Hồi còn mồ ma mẹ nó, mẹ nó có thắt lưng buột bụng, dè sẻn mãi, mới để ra được năm mươi đồng bạc tậu. Hồi ấy, mọi thức còn rẻ cả... Của mẹ nó tậu, thì nó hưởng. Lớp trước nó đòi bán, ta không cho bán là ta có ý giữ cho nó, chứ có phải giữ để ta ăn đâu? Nó không có tiền cưới vợ, phẫn chí bước ra đi, thì đến lúc có tiền để lấy vợ, mới chịu về. Ta bòn vườn của nó, cũng nên để cho nó; đến lúc nó về, nếu nó không đủ tiền cưới vợ thì ta thêm vào với nó, nếu nó có đủ tiền cưới vợ, thì ta cho vợ chồng nó để có chút vốn làm ăn…” Truyện ngắn Lão Hạc gợi cho người đọc bao nỗi xót thương – xót thương cho một kiếp người, cái kiếp mà lão Hạc đã từng nói một cách chua chát: “Kiếp con chó là kiếp khổ thì ta hóa kiếp cho nó để nó làm kiếp người; may ra có sung sướng hơn một chút… Kiếp người như kiếp tôi chẳng hạn!...” Lão Hạc chết, một cái chết đau đớn, vật vã nhưng lại có phần thanh thản. Bởi lẽ, cho đến khi chết, lão vẫn giữ được nhân phẩm của mình, vẫn được làm người lương thiện và thấy được niềm hy vọng mong manh của mình được bấu vúi ở tương lai của đứa con trai. Ngược hoàn toàn với thái độ của ông giáo, vợ ông tỏ ra hết sức nhẫn tâm: “- Cho lão chết! Ai bảo lão có tiền mà chịu khổ! Lão làm lão khổ chứ ai làm lão khổ! Nhà mình sung sướng gì mà giúp lão? Chính con mình cũng đói…” Vì sao người phụ nữ này lại có thái độ như vậy? Nhân vật ông giáo đã lí giải hết sức có lí: “Vợ tôi không ác, nhưng thị khổ quá rồi. Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỉ che lấp mất.” Không chỉ ông giáo, mà Thứ (Sống mòn) cũng cho rằng: “Có cái gì đáng để ý đâu? Khi người ta đói quá.” Hơn cả sự ích kỷ, cái đói còn biến người ta trở thành những kẻ “nhỏ nhen”, “đố kị”. Con người trong cơn đói khát chỉ biết lo cho quyền lợi của mình, và tiến thêm một bước trong quá trình tha hóa nhân cách, nhân tính, người ta không bao giờ muốn người khác hơn mình. Họ tìm cách kéo nhau xuống. Người này hãm người kia sao cho họ kém mình, hoặc cùng lắm là bằng mình. Nét tâm lí này khá phổ biến ở các nhân vật của Nam Cao. Nam Cao gọi sự đố kị, sự nhỏ nhen là “thuốc độc”, là “chất độc”: “ Chừng nào người còn phải giật của người từng miếng ăn thì mới có ăn, chừng nào một số người còn phải giẫm lên đầu những người kia để nhô lên, thì loài người còn phải xấu xa, bỉ ổi, tàn nhẫn và ích kỷ. Chất độc ở ngay trong sự sống. Người nọ, người kia không đáng cho ta ghét. Đáng ghét, đáng nguyền rủa, ấy là cái lối sống lầm than nó đã bắt buộc người ích kỷ, nó đã tạo ra những con người tàn nhẫn và tham lam…” (Sống mòn). Chất độc sẽ ngấm dần vào máu người ta, làm cho người ta ngày càng trở nên cay nghiệt, tàn nhẫn. Nam Cao gọi là “chất độc”, chính là cách gọi hình tượng hóa sức hủy hoại của cái đói, cái khổ đối với “những tính tình tươi đẹp” của con người. Nó là chất độc bởi nó có thể giết chết nhân tính của người ta, biến người ta thành những kẻ “chết trong lúc sống”. Nó làm cho người ta tự kéo nhau xuống bùn, hết dời nọ đến đời kia không ngốc đầu dậy được. Nó làm cho cuộc sống đã xám xịt màu buồn khổ, đói khát càng thêm phần nặng nề. Cuộc sống của con người sẽ chỉ còn là những ngày buồn. Quan hệ giữa mỗi thành viên khác trong cộng đồng chỉ còn sự tranh giành, đay nghiến, cấu xé lẫn nhau. Họ sẽ không thể thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn của sự đói nghèo, ngu dốt. Phản ánh hiện thực này, Nam Cao đã tự khẳng định sự sắc sảo của một cây bút hiện thực bậc thầy. Trong dòng văn học hiện thực phê phán cùng thời với Nam Cao, không có một tác giả nào đề cập đến ảnh hưởng của cái đói, sự nguy hại của cái đói đến nhân cách, tâm hồn con người. 3.5. Tư tưởng “chúng ta phải chống lại nạn đói” Thứ (Sống mòn) đã suy ngẫm rất nhiều về cái đói, cái khổ, kiếp sống mòn, chết mòn của anh, của tất cả mọi người. Từ sự suy ngẫm đó, anh bộc lộ quan điểm: “- Tôi thích làm một việc gì đó ảnh hưởng đến xã hội ngay. Dân mình còn đói khổ, ngu dốt quá. Chúng ta phải chống lại nạn đói và nạn dốt.” Ở phương diện cái đói, tư tưởng “phải chống lại nạn đói” của Thứ chính là tư tưởng của Nam Cao trước vấn đề cái đói, cái ăn đang hằng ngày hành hạ thân xác và trí não của biết bao người cùng khổ. Cụ thể hóa tư tưởng này, Nam Cao đã cho chúng ta thấy nhiều khía cạnh tư tưởng hết sức có lí. 3.5.1. Vì sao người ta đói? Những người đói trong tác phẩm của Nam Cao dường như đã bị đói từ rất lâu. Cái đói, cái nghèo của họ là cái đói, cái nghèo truyền kiếp: “Bà Thứ đã khổ suốt cả một đời. Thuở bé, bố chết mẹ đi lấy chồng, bà đã phải đi làm con nuôi nhà người, cùng với người em. Người ta nuôi, có phải vì hiếm hoi gì đâu, chỉ là cầu lấy việc đó thôi. Nghĩa là đi ở không công. Cái khổ còn biết nói thế nào cho xiết. Lớn lên lấy chồng nghèo. Chồng lại cờ bạc, rượu chè. Cứ vợ làm ra được tý nào, chồng lại phá đi. Vợ chồng đánh, chửi nhau. Rồi nhân một chuyến thua ông chồng cầm cố sạch nhà cửa, ruộng, vườn, bỏ làng đi biệt tích, chẳng bao giờ còn về nữa.” (Sống mòn). Bà ở vậy nuôi con, những mong đời con mình sẽ đỡ khổ hơn, và tuổi già của bà sẽ được an nhàn, thảnh thơi mà hưởng phước bên con cháu. Nhưng mãi đến tuổi về già mà lại vẫn phải lo: “Hết lo ăn, lo mặc, lo tiền thuốc than lúc ốm đau, lại còn lo sao dành dụm được một món tiền vài ba trăm, để lúc chết làm ma, khỏi phải để khổ đến con, đến cháu.” Chính vì thế, chỉ ra được những nguyên cớ sâu xa dẫn họ đến cảnh sống đói khát không phải là một sự nhìn nhận giản đơn. Đây thực sự là một quá trình phân tích hiện thực hết sức sâu sắc. Nam Cao cho rằng người ta đói vì người ta quá dốt. Vì sao dốt lại sinh ra đói? Bởi vì dốt nát sẽ làm cho người ta cam chịu, an phận. Thứ (Sống mòn) cho rằng: “Họ sống dò dẫm, tối tăm, nhút nhát, suốt đời chỉ những sợ cùng lo: mưa nhiều, lo; nắng nhiều, lo; nước lớn, lo; gió to, lo… Họ lo những tai họa của trời, của đất, của sông, họ lo sự nhũng nhiễu của thần, thánh, quỉ, ma; họ lo trộm, cướp ban đêm và những trộm cướp ban ngày. Bất cứ cái gì cũng có thể khiến họ lo, họ sợ. Họ là những người nhẫn nại đến cực độ, luôn luôn nhận mình là con sâu cái kiến, con giun cái dế, ai muốn giẫm lên cũng được; những kẻ bị bốc lột, đè nén, ức hiếp, đánh chửi đã quá quen rồi, nên hầu như không còn biết phẫn uất gì… Nói tóm lại, trong cách sống, trong việc mưu sinh, trong sự giao tiếp của người dưới đối với người trên, của người nọ đối với người kia, chẳng có một chút gì có thể gọi là lạc thú. Bị người ta cưỡi lên đầu, lên cổ hay cưỡi lên đầu lên cổ người ta, thì chẳng qua cũng chỉ là những kẻ dốt nát, ngu muội, bị giam hãm lâu đời trong cái khổ, trong sự tù túng và thối nát.” Vì thế nên, Thứ cho rằng: “Người ta cần biết khổ, cần nhìn nhận rõ rang cái khổ, để tìm cách mà diệt khổ. Nhắm mắt không phải là can đảm, cũng không phải là một phương sách tốt. Cố quên cũng không phải là một phương sách tốt. Sự tìm tòi, sự suy nghĩ sẽ khiến cho nhân loại dần dần hiểu biết, và sự hiểu biết sẽ vạch ra những con đường, sẽ chỉ cho người ta phải làm như thế nào… Y bực tức bảo San: - Tôi cáu vô cùng, cáu mà lại thương, lại chán nản, lại buồn khi thấy những người khổ mà không còn biết rằng mình khổ. Họ cam chịu quá. Họ hầu như tin rằng đời họ không thể còn đổi thay được nữa.” Người ta ngại thay đổi, người ta không dám tìm những “mảnh đất mới”. Thân phận của họ chẳng khác kiếp của những con trâu. Những con trâu đương nhiên là dốt nát, luôn luôn bị ràng buộc bởi một sợi dây thừng và một cái cọc. Nó không dám nhổ cọc, dứt thừng mà đi bởi nó được con người điều khiển. Đau đớn ở chổ, nó biết đằng xa kia có “cỏ ngập sừng” mà vẫn phải quanh quẩn với sự cực khổ ở hiện tại: “Đời họ là một đời tù đày. Nhưng cũng như một con trâu, họ vẫn cắm cúi kéo cày, ăn cỏ, chịu roi. Ở bên kia những cành đồng bùn lầy, là rừng xanh, cuộc sống tự do, cỏ ngập sừng. Con trâu có lẽ cũng biết vậy, nhưng chẳng bao giờ nó dám đi, chẳng bao giờ nó dám dứt sợi dây thừng. Cái gì giữ con trâu lại đồng bằng và ngăn người ta đến một cuộc đời rộng rãi hơn, đẹp đẽ hơn?” Và Thứ đã chỉ ra nguyên nhân mà họ chấp nhận sống một cuộc đời tù đày khổ ải: “Ấy là do thối quen, lòng sợ hãi sự đổi thay, sợ hãi những cái gì chưa tới.” Người ta cam chịu, an phận với thân phận thấp cổ bé họng, con sâu cái kiến của họ. trong trật tự xã hội hay trật tự gia đình, những người thuộc tầng lớp trên có đặc quyền, đặc lợi mà tầng lớp dưới mặc nhiên thừa nhận. Họ không bao giờ dám đặt vấn đề xem xét lại hay thay đổi những quy ước, luật lệ cũ. Có những kẻ đương nhiên được ăn và có những kẻ đương nhiên bị đói. Hiệp (Sao lại thế này) đương nhiên được ăn no, “hắn chưa bao giờ phải đói”. Mẹ Hiệp, vợ Hiệp và các em của Hiệp đương nhiên là phải nhịn đói để có tiền cho Hiệp học hành. Thứ (Sống mòn) đã từng chứng kiến cảnh bà mình, mẹ mình, các em mình đói khát, trong khi riêng mình vẫn có riêng một phần cơm trắng với thức ăn ngon. Thứ thấy khó chịu khi trong mâm y “lại có một đĩa cá kho, còn mâm kia chỉ toàn là rau. Y cau mặt, khẽ trách Liên. Liên chưa kịp trả lời thì bà mẹ y nhận thấy, đã cười và đáp hộ Liên: - Dào ôi! Nhà chẳng có đâu. Chúng tôi ở nhà thì đến cơm không cũng chẳng có mà ăn, còn có tiền đâu mà sắm thức ăn? Mọi khi nó cũng chỉ có rau không. Đây là hôm nay, cụ bá thấy nói con rễ cụ về, sợ con rễ cụ xưa nay chỉ ở tỉnh thành, chịu kham khổ không quen nên bảo vợ mày đem về cho mày một đĩa cá kho đấy chứ!” Bà giả thích như vậy, nhưng Thứ không chịu, anh bảo “lấy một dĩa nữa, xẻ dĩa cá ra, bỏ sang mâm kia một nửa cho bà và các em ăn”. Nhưng “mọi người nhao nhao phản đối”. Cũng như bà, mẹ và các em, vợ Thứ cũng vậy: “Mọi ngày Liên cũng chỉ ăn môt bữa thôi. Nhưng biết chồng từ bé đến nay, chưa phải ăn ngày một bữa bao giờ, bữa trưa y đã lấy thừa ra một suất cơm. Lúc xới cơm, y đã xới ba lượt đầy, lồng lại, cất đi. Đó là buổi tối cho mình Thứ… Thứ thấy vô lí quá.” Thứ cảm thấy đau xót vì sự bất bình đẳng đó. Nhưng bà anh, mẹ anh, vợ anh và các em anh lại không bao giờ dám thay đổi lệ cũ ấy. Những người cha, những người chồng đường hoàng, đỉnh đạt một cách vô liêm sỉ. Họ thỏa mãn sự đói khát của mình trong khi vợ con họ đang phải nhịn đói. Ông bố và ba vị khách trong truyện Trẻ con không được ăn thịt chó là tiêu biểu cho loại người đó: “Ba ông khách ngồi. Chủ nhân chắp hai tay trước ngực, rồi lại đưa tay phải lên đầu gãi, lầm rầm như khấn ông vải về ăn cổ: - Bẩm các cụ, chả mấy khi các cụ có lòng chiếu cố đến chơi nhà chúng cháu…Gọi là có chén rượu nhạt, xin rước các cụ cứ thật thà đi cho. - Ờ! Nghe tiếng “ờ” rất sang rung lên trong cái cổ họng của binh Hựu bắt chước giọng ông chánh Ngạc, cả bốn anh cùng cười. Chủ nhân rót rượu ra hai cái bát. Hai người uống chung một bát. Chúng bắt đầu ăn, uống, tranh nhau nói và cười rung cả mái nhà.” Trong khi đó: “Người mẹ còm cõi và bốn đứa con gầy ốm, quây quần với nhau trong xó bếp.” Bởi vì “trong gia đình này, năm mẹ con thường giống như một bọn dân hèn yếu, cùng chung phận con sâu, cái kiến dưới ách một ông bạo chúa.” Vậy nên, khi họ ăn uống no say rồi, người bố kêu cái Gái dẹp mâm thì mẹ con họ mừng lắm, vì họ nghĩ rằng: “Đợi trên nhà ăn xong, còn thừa thì ta ăn.” Nhưng, “một lát sau, Gái bê mâm xuống. Nó cũng nâng lên ngang mày như cha nó lúc nãy. Các em nó đứng cả lên, chực đu lấy cái mâm. Nó càng nâng cao hơn, mồm thét: - Khoan! Khoan! Kẻo vỡ… Cu Nhớn thét: - Thì bỏ xuống! Gái vênh mặt lên, trêu nó: - Không bỏ. Không cho chúng mày ăn. - Có sợ thành tật không? - Không cho ăn thật đấy. Cu Nhỡ sốt ruột, khoặm mặt lại, vầng nhau với chị: - Làm trò mãi! Có bỏ xuống đây không nào? Gái hạ nhanh mâm xuống đất bảo: - Này, ăn đi. Nó ngẩn mặt nhìn các em, cười the thé. Người mẹ xịu ngay mặt xuống. Trong mâm chỉ còn bát không. Thằng cu con khóc òa lên. Nó lăn ra, chân đập như một người giẫy chết, tay cào xé mẹ. Người mẹ đỏ mũi lên và mếu xệch đi, rưng rức khóc. Cái Gái và cu Nhớn, vu Nhỡ cũng khóc theo.” Đến lúc này, thì mẹ con họ chỉ còn biết ôm nhau mà khóc cho đỡ tủi mà thôi. Chúng ta khó mà quên được tiếng khóc vỡ òa, tức tưởi ấy của mẹ con họ. Đó thực sự là một sự phân biệt vô lí, một sự bất công không thể chấp nhận được. Nhà văn đau đớn khi thấy những kẻ thấp cổ bé họng không bao giờ dám đấu tranh giành lại quyền lợi xứng đáng của mình, và làm cho xã hội công bằng hơn. Nam Cao cho rằng, đấu tranh là hoàn toàn cần thiết và chính đáng. Thứ (Sống mòn) nghĩ về hoàn cảnh bản thân mình và suy rộng ra quan hệ xã hội: “Y không phải lao lực như bất kì ai ở trông nhà. Y lại đã được no mãi rồi, bây giờ có đói một vài bữa cũng không sao, mà có lẽ cũng là sự công bình. Ấy thế mà tại sao y lại cứ cần phải ăn, phải ăn no một mình như vậy. Thứ suy rộng ra và chua chat nhận ra rằng, cái sự buồn cười ấy lại là một sự rất thường, chẳng riêng gì trong một nhà y, mà có lẽ chung cho khắp mọi nơi. Bao giờ và ở đâu thì cũng thế thôi. Thằng nào đã chịu khổ quen rồi thì chịu khổ mãi đi! Mà thường thường những kẻ ăn nhiều nhất, hưởng nhiều nhất thì lại chính là những kẻ không cần ăn một tí nào hoặc không đáng hưởng một li nào cả. Anh chẳng cần phải phích chân, nhích tay làm một việc gì ư? Phần anh tất cả những cái gì ngon lành, béo bổ ở trên đời! Còn cái thằng phu xe nó đang thở hòng hộc vì vừa mới kéo anh qua một quãng đường dài hai lăm cây số ngần kia, nó chỉ đáng hưởng một bữa ba lượt cơm gạo vàng và một cái đầu cá diếc của mụ hàng cơm toét mắt và cạu nhạu. Vô lí quá!...” Chỉ ra sự “vô lí” đó, Nam Cao đã mang đến cho người đọc một tư tưởng hết sức tiến bộ về một sự công bằng – công bằng triệt để. Sự công bằng đòi hỏi phải được thực hiện ở mọi nơi, mọi lúc, trong các quan hệ xã hội và quan hệ gia đình. Tư tưởng công bằng của Nam cao thức tỉnh những kẻ quen cam chịu, quen bị thống trị, quen chịu roi vọt, quen cày bừa… Phải nhận thức rõ về thân phận đáng xấu hổ, nhục nhã của mình, từ đó mà vùng lên đấu tranh. Tư tưởng này làm cho Nam Cao vượt xa các nhà văn hiện thực cùng thời. Ở phương diện tái hiện, khám phá hiện thực xã hội. Nếu Nguyễn Công Hoan chỉ ra những cảnh đời trớ trêu, ngang trái; Ngô Tất Tố tố cáo sự bốc lột, hà hiếp của bọn cường hào, địa chủ - mâu thuẩn giai cấp… thì Nam Cao không chỉ nói về hiện thực đó, mà ông nói một cách sâu sắc hơn. Ông chỉ ra những nguyên cớ bên trong của bản thân những kẻ bị trị đã làm cho họ ngày càng cực khổ, đói khát. Từ đó, ông giúp họ có phương hướng, phương pháp đấu tranh đúng đắng và có hiệu quả. Đó chính là một trong những yếu tố cơ bản tạo nên giá trị tư tưởng nghệ thuật lớn cho tác phẩm của Nam Cao. Mặt khác, người ta đói còn bởi vì người ta quá nhỏ nhen, ti tiện. Họ kìm hãm nhau, kéo nhau xuống bùn, không ai trong họ có thể vượt được lên trước, có thể ngốc đầu lên được. Hơn thế nữa, người ta đói còn bởi vì trong đầu người ta chứa đầy những tư tưởng lệch lạc. Đó là thói quen hà tiện và háo một cái danh hão huyền đến vô lối. Thứ (Sống mòn) cho rằng, họ cả đời dành dụm, chắt bóp từng đồng xèng nhưng “rất có thể vứt ra đôi, ba trăm để được người ta gọi là ông phó”. Họ “luôn luôn tính toán nhưng lại rất nhầm: họ tiếc, không dám giết một con gà cho bố mẹ ăn, nhưng nếu bố mẹ chết đi, lại rất có thể giết đến mấy con bò để làm ma thật lớn”. 3.5.2. Con người “rất có thể đáng yêu nếu không đói cơm”. Đây là một tư tưởng hiện thực quan trọng và rất có ý nghĩa nhân văn mà Nam Cao đã đặt ra qua các tác phẩm của mình. Khi Nam Cao viết về cái đói, một mặt người đọc có thể nhận thấy con người vì cái đói, vì cái ăn mà trở nên vô cùng dị mọ, xấu xí, “ghê tởm”. Không chỉ ở hình thức bên ngoài mà cả trong đời sống tinh thần. Cái đói là đầu mối của hàng loạt những vấn đề nghiêm trọng làm tha hóa con người, biến cuộc sống con người ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Con người trước cái đói có nguy cơ bị vật hóa. Nhưng một mặc khác, nhà văn cũng chứng minh quan niệm rất lạc quan về sự thay đổi của con người: con người rất có thể đáng yêu hơn nếu như họ được ấm no. Trước hết, với những kẻ xấu xí, dị mọ, tầm thường… do bị cái đói hành hạ mà tha hóa, nhà văn thể hiện một thái độ thông cảm sâu sắc. Nam Cao cho rằng họ là những người đáng thương nhiều hơn là đáng giận, đáng trách. Nam Cao qua Thứ (Sống mòn) đã từng quan niệm: “Không một người nào không đáng cho ta thương xót và an ủi”. Đó không phải là một tình thương chung chung. Tình cảm đó xuất phát từ cơ sở hiện thực thuyết phục, từ sự phân tích sắc sảo của trí tuệ. Ở họ vẫn ẩn chứa bao nét đẹp cuộc đời, nhất là người phụ nữ. Nam Cao khác với một số nhà văn lãng mạn cùng thời, họ thường nhìn những người phụ nữ thôn quê theo một cái nhìn mơ mộng và phi thực tế, ông miêu tả họ theo cách riêng của mình. Ông không tô vẽ, không tưởng tượng, mà nhà văn miêu tả họ bằng “đôi mắt” của một người sống bên cạnh họ. Vì sao họ lại thèm khát miếng ăn một cách không bình thường như vậy? Không chỉ ở những tác phẩm có những nhân vật ấy, mà qua nhiều tác phẩm khác, Nam Cao đã chỉ ra nguyên nhân. Họ bị đói cơm. Chính Nam Cao đã từng chỉ ra họ rất có thể đáng yêu nếu không đói cơm: “Chao ôi! Thì ra những cô gái quê rất đẹp, rất hiền, rất ngây thơ kia phần nhiều chỉ nghĩ đến ăn. Họ là những kẻ không mấy được thỏa cơm. Đối với họ, cái ăn có lẽ còn cần hơn cả tình yêu. Tơ đã bán cái xú vơ nia của Hàn đi để ăn bánh đúc chăng? Hàn đỏ mặt lên, hắn thấy hắn đã làm một việc quá buồn cười. Nhưng mà hắn chẳng giận Tơ đâu. Hắn cũng không khinh. Hắn chỉ sáng mắt ra thôi. Điên rồ thay là cái dự định dắt Tơ đi! Bọn trẻ con tưởng rằng, người ta có thể sống bằng tình yêu mà chẳng cần ăn. Hỡi những cô gái quê rất có thể đáng yêu nếu không đói cơm kia.” (Một chuyện xú vơ nia). Cũng chỉ vì họ quá khổ sở, quá đói khát. Họ thường xuyên phải tằn tiện từng hạt gạo, phải nhịn đói để dành cơm, dành tiền cho những kẻ đương nhiên được ăn no. Nam Cao không miêu tả những người phụ nữ bằng cái nhìn châm chọc, đả kích, mà ông miêu tả họ bằng sự thông cảm, đồng cảm cao độ. Nhà văn đã chứng tỏ mình rất hiểu họ. Ông bày tỏ sự chia sẻ của mình với nỗi nhọc nhằn, sự thèm khát ở họ. Qua những nhân vật này, Nam Cao đã bộc lộ quan điểm nghệ thuật của mình một cách sinh động nhất. Vẫn là vấn đề nhìn nhận con người, Nam Cao không thi vị hóa họ, không bóp méo họ mà ông thể hiện họ theo quan điểm hiện thực triệt để: “Người ta không phải là thánh.” Con người là sản phẩm của môi trường, hoàn cảnh. Tính cách con người được quyết định bởi hoàn cảnh. Ít nhiều qua một vài tác phẩm ông còn để lộ thái độ phủ định của mình đối với những quan điểm nhìn nhận con người một cách thơ mộng, ảo tưởng. Điều đó được thể hiện qua sự nhiễu nhại trong một vài tác phẩm. Ngay trong truyện Một chuyện xú vơ nia ta cũng có thể tìm thấy được điều đó. Khi Hàn đi tìm Tơ với cái dự định là sẽ “dắt Tơ đi”. Và “chúng tự do lập gia đình sống với nhau rồi ra sao mặc kệ! Cái dự định ấy, Hàn nghiền ngẫm đã ba tháng trời nay. Hàn quả quyết lắm rồi.” Nhưng, khi anh thấy những cô con gái “lẫng cẫng và gọn ghẽ” ngồi ăn bánh đúc thì anh ái ngại. “Bởi họ ăn ngon lành quá, hăm hở quá, mắt hùm hụp nhìn xuống đất, nhìn xuống chỗ bánh của mình, nhìn chỗ bánh của người khác, của nhà hàng… Hình như họ tính thầm rằng: mình ăn hết chỗ này cũng chưa no… người kia ăn sung sướng hơn mình… giá không tiếc tiền thì mình phải ăn thêm một cái tấm kia, tấm kia… của bà hàng nữa… Chỗ bánh vơi dần. Họ ăn chậm chạp hơn, như kiểu ăn dè. Và đến lúc chỉ còn trơ cái lá không, họ đã buông đũa xuống rồi, còn nghĩ tiếc rẻ thế nào, bê bát nước rêu thừa lên húp một vài húp nữa, rồi mới chống tay vào đầu gối để đứng lên, sau khi đã nhìn cái mẹt của bà hàng với vẻ luyến tiếc…” Sau khi đứng nhìn họ ăn hàng giờ như thế, thì Hàn lại nhớ đến Tơ và nghĩ: “Nếu Tơ của Hàn có đi xem, tất thị cũng ngồi sụp xuống trước một hàng bánh đúc kia. Thị sẽ bảo bà hàng thái cho ba xu bánh đúc và múc một xu riêu. Thị sẽ và, sẽ húp kêu soàn soạt. Và đôi môi thị, đôi môi tròn và đỏ tựa san hô sẽ sườn sượt, nước riêu cá diếc nó chảy xuống cả cái cằm xinh xinh của thị, khiến thị phải lấy cái ống tay áo quệt… Hỡi ôi! Có cái gì là đẹp quá như Hàn vẫn tưởng đâu? Hắn tự nhiên thấy mỏi mệt vô cùng. Hắn ngồi phệt xuống gốc đa. Hắn buồn nôn.” Và tất cả những mơ mộng của Hàn bỗng dưng tan biến, hắn thấy rằng: “Mong manh thay tình yêu bồng bột của tuổi hai mươi! Người ta tưởng có thể chết vì một người, rồi đột nhiên người ta thấy chẳng có nghĩa lí gì đối với lòng mình nữa.” Nhân vật Hàn đã từng vỡ mộng đẹp với Tơ chẳng qua vì anh ta là một con người mơ mộng, ý nghĩ, cảm xúc của anh ta về tình yêu đặc sệt chất tiểu thuyết lãng mạn đương thời: “Hàn nằm gác chân lên cột xem tiểu thuyết. Những tiểu thuyết hồi ấy đua nhau tả những cuộc tình duyên của trai thành thị với gái đồng quê. Vai chủ động đàn bà trong các truyện ấy đều là những cô thôn nữ rất đẹp, rất hiền, rất ngây thơ. Họ khiến Hàn ước ao như ao ước một mớ rau tươi. Bởi vậy khi Hàn ra đánh chó cho Tơ, hắn đã nhìn Tơ rất kỹ. Tình cờ thế nào Tơ là một cô con gái xinh xinh. Thị có đôi mắt bồ câu, cái miệng rất tươi, và đôi má hây hây. Thị bẽn lẽn chào Hàn với một vẻ e lệ đáng yêu. Hàn có cảm giác như hắn đột nhiên đổi khác đi. Hắn tự bảo: “Cuốn tiểu thuyết của đời ta đã bắt đầu…” Và hắn cố tìm một câu rất văn hoa để nói.” Không chỉ thể hiện con người bằng một quan điểm hiện thực triệt để, mà hơn thế, Nam Cao còn đưa ra giải pháp rất thực tế để làm cho con người đáng yêu hơn. Nhà văn cho rằng, để những cô gái quê lam lũ coi chuyện cái ăn còn hơn cả tình yêu trở nên dễ thương hơn không phải cho họ những lời tán tỉnh văn hoa, gán cho họ những hình ảnh tưởng tượng thơ mộng, phi thực tế, mà chính là hãy cho họ được ăn trước đã: “Hỡi những cô gái quê rất có thể đáng yêu nếu không đói cơm kia! Các cô đã dạy khôn Hàn. Bây giờ Hàn mới biết rằng, trước khi đặt những cái hôn lên cái miệng hoa của người yêu, cũng nên nghĩ đến việc đổ cơm vào đấy đã. Cái ý nghĩ có lẽ chẳng được thơ cho lắm, nhưng cuộc sống vốn không tha thứ những cái gì quá thơ. Đúng là “cuộc sống không tha thứ những cái gì quá thơ”, cho nên những kẻ mơ mộng, viễn vong như Hàn cuối cùng đã tự nhận thấy mình là một người tội nghiệp vì vỡ mộng. 3.5.3. “Hoàn cảnh đổi, rất có thể người đổi, tâm tính đổi”. Trong câu chuyện giữa Hiệp, ông Hưng Phú (Sao lại thế này), ông Hưng Phú đã nói với Hiệp: “- Có phải không anh Hiệp? Khi người ta phải bán những cái vuốt ve để sống… Tôi có lạ gì chuyện ấy? Nhưng tôi thích y thì cứ lấy. Cái quá khứ của y, chỉ mình y có quyền quan tâm đến. Đó là một lẽ. Lẽ thứ hai là một cô gái giang hồ với một người đàn bà lương thiện không khác nhau là mấy. Chỉ có những hoàn cảnh khác. Hoàn cảnh đổi, rất có thể là người đổi, tâm tính đổi. Tôi đã tính không sai mấy. Bởi tôi có thể nói mà không phải ngượng, rằng: từ ngày lấy tôi, vợ tôi thật là một người đàn bà không thể trách. Tôi sung sướng lắm.” Chỉ qua một câu đối thoại như vậy thôi, ta có thể xếp nhân vật Hưng Phú vào hạng độc đáo nhất trong các nhân vật của Nam Cao trước Cách mạng tháng Tám. Ông Hưng Phú là người đã bộc lộ một quan điểm sống hoàn toàn mới. Trong các nhân vật của Nam Cao, không riêng Hưng Phú có quan điểm đó. Cái làm cho Hưng Phú trở nên độc đáo, là anh ta đã dám hành động và hành động thành công. Anh ta như người đối mặt, đối thoại với hàng loạt những con người đang u mê trong biết bao đói khát, định kiến, giáo điều mà Nam Cao đã tái hiện và phê phán. “Chỉ có những hoàn cảnh khác. Hoàn canh đổi, rất có thể là người đổi, tâm tính đổi” cũng chính là quan điểm nhìn nhận con người trong mối quan hệ qua lại hoàn cảnh và tính cách của Nam Cao. Nhà văn đã chứng minh cách nhìn nhận ấy của mình qua sự biến đổi của các nhân vật trong các hoàn cảnh khác nhau. Bà Hưng Phú, là vợ của Hiệp trước đây là một người phụ nữ quê kệch, lại “cứng như cái đanh, bẩn thủi và cục mịch”. Đã làm cho Hiệp sợ đến nỗi không dám về quê. Vì mỗi lần về nhà “hắn lại phải thấy một đứa con gái đét đóng, gầy guộc, đầu bù tóc rối, quần áo lôi thôi, mặt ngơ ngác, da xanh bủng, cả ngày chả nói một câu, mà ăn thì thô tục, thì cắm mặt chẳng lúc nào rời cái bát. Mới chỉ trông đã ghét.” Đã vậy, vợ Hiệp lại còn mất nết. Cả làng chẳng ai còn không biết vợ Hiệp “đã vụng, đã lười, đã ăn không nên đọi, nói chẳng nên lời, lại còn có tính gian: thị chúa đời là hay ăn cắp và ăn vụng”. Mà khi sống trong một gia đình quý phái đã trở thành một quý bà lịch thiệp, đáng yêu, đáng kính trọng: “ Bà chủ nhã nhặn và ý tứ. Bà có tư cách của một người quý phái, giao thiệp khéo. Dù ở cùng một nhà, nhưng gặp hắn ở trong vườn hay đi chơi về, hoặc đi ra… bao giờ bà cũng cúi chào. Mỗi sáng, bà sai đem lên phòng hắn một bó hoa tươi cùng với bữa điểm tâm. Và buổi trưa, khi hắn ngủ dậy, bà cho mời hắn xuống căn phòng khách mát rượi hương sen, để uống bia, uống nước chanh, uống trà do chính bà pha, hoặc ăn một món ăn mát do bà làm lấy. Hai người nói chuyện. Bà lễ phép hỏi về sức học từng đứa cháu, hoặc trao đổi với hắn ít nhiều ý kiến về thời tiết, về thời sự, về cuộc sống của dân quê ở chung quanh, về tất cả… Cái tài nói chuyện của bà thật hiếm có. Bà biết vui mà không lơi lả. đứng đắn mà không nghiêm nghị, nhẹ nhàng mà không phù phiếm. Cách trang điểm của bà cũng vậy: đẹp, nhưng nhũng nhặn. Thật là một người đàn bà kiểu mẫu.” Khi Hiệp nhận ra vợ mình, thì anh chua chát nghĩ: “cả một người vợ hư với một người vợ không hư cũng thế, họ gần nhau lắm lắm!... Và hắn chợt thấy trong óc một chân trời vừa hé mở. Một quan niệm mới về người, về cuộc sống. Những ý nghĩ rất lan man về đời…” Hoàn cảnh đổi không chỉ người đổi mà cả tâm tính đổi. Thứ (Sống mòn) đã từng phát biều: “Thời thế đổi, lòng người đổi. Thế kỷ sau sẽ lọc máu cho chúng ta trong trẻo lại.” Thời thế đổi, hoàn cảnh đổi sẽ rột rửa tâm tính cho biết bao kiếp sống đang chìm trong những định kiến, giáo điều; những “nhỏ nhen”, “ích kỉ”, “khốn nạn”, “đê tiện”, biến họ trở thành những con người đáng yêu, có ích cho xã hội; những con người biết thiết tha, biết thương yêu. Với quan điểm tiến bộ trong cái nhìn con người này, Nam Cao đã thổi vào trong đời sống văn học đương thời nói chung và văn học Hiện thực phê phán nói riêng một luồng gió mới. Quan điểm đó mở ra cho những kết cục bế tắt của hiện thực như trong “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan,… một niềm tin mới về khả năng chuyển biến tốt đẹp của con người. Con người “rất có thể đáng yêu nếu không đói cơm” và “hoàn cảnh đổi, rất có thể là người đổi, tâm tính đổi”. Chính là những cơ sở chắc chắn để nhà văn khẳng định tính đúng đắng của tư tưởng: “Chúng ta phải chống lại nạn đói”. Đặt tư tưởng này trong bối cảnh xã hội thực dân phong kiến vô cùng đen tối ngổn ngang, chúng ta càng thấm được tầm cao, độ lớn của trí tuệ, của tư tưởng nghệ thuật mà Nam Cao đã gởi gắm qua các hình tượng của mình. La liệt những người chết đói bên đường Những xác người chưa kịp chôn cất Những người chết chưa kịp chôn cất Xương người chết được cải tán từ những hố chôn tập thể Những người chết đói ở trại Giáp Bát được cải táng về nghĩa trang Hợp Thiện(Hà Nội). Ảnh: Võ An Ninh  Nạn đói năm 1945 Vợ chết rồi, chồng nhìn con, chờ đến lược mình rồi con mình ngã xuống Ảnh về nạn đói năm 45 của Võ An Ninh Nạn đói năm 1945 - Ảnh: Võ An Ninh CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI Thứ Năm, 03/02/2005, 08:24 (GMT+7) Chẳng lẽ chúng ta lãng quên? Nạn đói 1945 làm 2 triệu người VN bị chết  - Ảnh: Võ An Ninh TT - Cả nước đang nhộn nhịp chuẩn bị bắn pháo hoa, treo cờ, mở lễ hội nhân những ngày kỷ niệm lớn trong năm 2005. Tôi nghĩ tại sao chúng ta không làm một điều gì đó để tưởng nhớ đến hơn 2 triệu đồng bào đã khuất trong năm Ất Dậu này. (Thư gửi ông Dương Trung Quốc, TTK Hội Sử học VN, ĐB Quốc hội tỉnh Đồng Nai) Kính thưa ông, Năm nay, cái tên Ất Dậu gợi cho tôi nhớ đến những lời kể của ông bà, cha mẹ tôi về nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu 1945. Sau này đi học cấp I, tôi được biết đã có hơn 2 triệu đồng bào của mình ở miền Bắc bị chết đói vì sự tàn ác của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Hơn 2 triệu người là bao nhiêu? Hình như là gấp bảy lần số người vừa bị chết vì sóng thần ở châu Á, gấp 20 lần số người chết vì hai quả bom nguyên tử do Mỹ thả xuống Nhật năm 1945. Hình như là 1/15 dân số nước ta vào thời kỳ đó. Vừa qua, thảm họa sóng thần ở châu Á cướp đi sinh mạng của gần 300.000 người. Những hình ảnh này đã gây xúc động toàn thế giới. Có lẽ ai cũng bồi hồi khi thấy trên tivi hình ảnh mọi người trên khắp hành tinh ngừng hoạt động một phút để tưởng nhớ những nạn nhân thiệt mạng. Hơn thế nữa, từ nay trở đi, ngày này (26-12) đã được Liên Hiệp Quốc chọn làm ngày sóng thần thế giới. Thảm họa gây cho con người những cái chết khác nhau, nhưng có lẽ chết vì đói là một cái chết thê thảm và đau đớn nhất. Chết từ từ, chứng kiến vợ chồng con cái mình chết từ từ... 60 năm đã trôi qua kể từ ngày ấy. Tôi nhớ cách đây hơn năm năm, một nhà báo đã viết bài trên báo TTCN đề nghị phải có một tượng đài để tưởng niệm những đồng bào đau khổ ấy. Nhưng lời đề nghị bị quên lãng. Tại sao không có một tượng đài, một bộ phim, tóm lại là một cái gì đó để những thế hệ sau ghi nhớ sự kiện này? Tôi tin rằng đồng bào cả nước và trên khắp thế giới sẽ chung tay xây dựng được một tượng đài như vậy.  Tôi ước ao một ngày nào đó, trên đường thiên lý Nam Bắc, khi đi ngang qua tỉnh Thái Bình sẽ có những đoàn xe du lịch ngừng lại để mọi người bước đến mặc niệm bên một tượng đài tưởng nhớ những đồng bào chết đói năm 1945. Nước ta đã xuất khẩu gạo. Càng nghĩ càng thấy thương thay cho đồng bào ta bị chết đói trong đêm dài nô lệ. Ngày 27-1 vừa qua thế giới kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng trại tập trung Auschwitz (Ba Lan), nơi mà trong Chiến tranh thế giới thứ 2 bọn phát xít đã thiêu sống 1,5 triệu người của gần 30 dân tộc. Những thước phim tư liệu đen trắng đầy sống động và ý nghĩa có giá trị hơn vạn lần lời tố cáo và lời nhắc nhở con người để không bao giờ lặp lại thảm kịch này. Cả nước đang nhộn nhịp chuẩn bị bắn pháo hoa, treo cờ, mở lễ hội nhân những ngày kỷ niệm lớn trong năm 2005. Tôi nghĩ tại sao chúng ta không làm một điều gì đó để tưởng nhớ đến hơn 2 triệu đồng bào đã khuất trong năm Ất Dậu này. Vài lời xúc động xin bày tỏ cùng ông tổng thư ký Hội Sử học và bạn đọc Tuổi Trẻ. SƠN TRÀ (Đồng Nai) Phát hiện bức tranh về nạn đói 1945 01/10/08 22:10 | Chủ đề: Văn học Mỹ Thuật | _PRINT | _CLOSEWIN Bức tranh về nạn đói của nhà sưu tập Nguyễn Thái Sơn - Ảnh: T.Son Nạn đói năm Ất Dậu (1945) là một biến cố lớn của dân tộc. Nó hiển hiện trong những tác phẩm lớn của nhiếp ảnh gia Võ An Ninh, trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân... Tuy nhiên, hầu như không thấy nhắc đến các bức tranh về nạn đói này. Thực tế, nhà sưu tập Nguyễn Thái Sơn (ở TP.HCM) có một bức tranh về đề tài này. Nguyễn Thái Sơn cho biết tình cờ anh sưu tập được bức tranh lưu lạc này trong một chỗ bán đồ cổ ở Hà Nội. Bức tranh vẽ bằng bút chì trên giấy, bên dưới không ký tên người vẽ, chỉ có một dòng chữ “Đói 1945”. Bức vẽ mô tả một cô gái đang bị hành hạ bởi cơn đói. Cô gái ngồi với bộ dạng rách rưới, chân tay khẳng khiu, hốc mắt sâu đờ đẫn, ánh mắt và gương mặt như bị che mờ bởi âm u tử khí. Để diễn tả một con người bị cái đói hút kiệt dương khí đến như vậy, bộ dạng gần như một bóng ma, hẳn người vẽ phải là một họa sĩ có kỹ thuật cao và một trái tim thấu cảm nỗi đau của những con người đang bị nạn đói hành hạ.  Nhưng vì sao người vẽ không ký tên vào bức tranh ấy? Anh quên? Hay trước thảm họa của dân tộc, người họa sĩ cảm thấy tên mình nhỏ bé và vô nghĩa, anh cần một chữ gì đó mạnh mẽ hơn để khắc sâu tai họa đó vào trí nhớ. Và chữ ký của anh là dòng chữ “Đói 1945” - như một dấu mốc lịch sử thảm khốc?  Mọi chuyện đều là giả thuyết, nhưng bức tranh vô danh này quả thực là một trong những tư liệu hiếm thấy về nạn đói năm 1945. Nạn đói năm 1945 Bức tranh về nạn đói 1945 Mộ Nam Cao và nhà tưởng niệm ông được xây trên đất trùm Ruyên - Lão Hạc NAM CAO (1917 – 1951)

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docCái đói - Chủ đề ám ảnh trong nhiều tác phẩm của Nam Cao.doc
Luận văn liên quan