Chính sách tiền tệ và việc vận dụng chính sách tiền tệ ở Việt Nam hiện nay

Chính sách tiền tệ là một trong những chính sách kinh tế vĩ mô cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế thị trường vì nó tác động trực tiếp vào lĩnh vực lưu thông tiền tệ, từ đó tác động vào tổng cầu và sản lượng của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy các hoạt động trong nền kinh. Ở Việt Nam, kể từ khi đổi mới đến nay, chính sách tiền tệ đã từng bước được hình thành, hoàn thiện và phát huy tác dụng đưa nước ta thoát khỏi thời kỳ khủng hoảng, phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi mà kinh tế nước ta đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính thế giới thì việc nghiên cứu chính sách tiền tệ và các công cụ của nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cả về mặt lý luận và thực tiễn. Nó sẽ góp phần đưa nền kinh tế nước ta thoát khỏi khủng hoảng và tiếp tục phát triển vững chắc.

doc5 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 13583 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Chính sách tiền tệ và việc vận dụng chính sách tiền tệ ở Việt Nam hiện nay, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỞ ĐẦU Chính sách tiền tệ là một trong những chính sách kinh tế vĩ mô cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế thị trường vì nó tác động trực tiếp vào lĩnh vực lưu thông tiền tệ, từ đó tác động vào tổng cầu và sản lượng của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy các hoạt động trong nền kinh. Ở Việt Nam, kể từ khi đổi mới đến nay, chính sách tiền tệ đã từng bước được hình thành, hoàn thiện và phát huy tác dụng đưa nước ta thoát khỏi thời kỳ khủng hoảng, phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi mà kinh tế nước ta đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính thế giới thì việc nghiên cứu chính sách tiền tệ và các công cụ của nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cả về mặt lý luận và thực tiễn. Nó sẽ góp phần đưa nền kinh tế nước ta thoát khỏi khủng hoảng và tiếp tục phát triển vững chắc. NỘI DUNG I-Chính sách tiền tệ. 1.Khái niệm Chính sách tiền tệ là một chính sách kinh tế vĩ mô được đề ra và thực hiện bởi ngân hàng trung ương nhằm mục tiêu ổn định giá cả, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm trong xã hội. Thực chất chính sách tiền tệ là sự cụ thể hóa những biện pháp nhằm tác động vào mức cung tiền trong nền kinh tế, từ đó ảnh hưởng đến lãi suất trên thị trường. Thông qua vai trò của lãi suất, chính sách tiền tệ tác động vào tổng cầu và sản lượng của nền kinh tế, thúc đẩy các hoạt động trong nền kinh tế nhằm giải quyết các mục tiêu kinh tế vĩ mô đề ra gắn với từng thời kỳ, từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế. 2.Mục tiêu của chính sách tiền tệ. Mục tiêu của chính sách tiền tệ đó chính là ổn định giá cả, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm trong xã hội. Các mục tiêu này có mối quan hệ chặt chẽ, hỗ trợ nhau, không tách rời. Tuy nhiên để đạt được các mục tiêu trên một cách hài hòa thì Ngân hàng trung ương cần phải phối hợp chính sách tiền tệ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác như chính sách tài khóa, chính sách thu nhập, chính sách kinh tế đối ngoại… 3. Các công cụ thực hiện chính sách tiền tệ. Ngân hàng trung ương điều chỉnh mức cung tiền và lãi suất bằng nhiều công cụ khác nhau nhằm tác động vào lượng tiền cơ sở MB và số nhân tiền mM. Trong đó ba công cụ chủ yếu là: nghiệp vụ thị trường “mở”, tỷ lệ dự trữ bắt buộc và lãi suất chiết khấu. Nghiệp vụ thị trường “mở”: Ngân hàng trung ương có thể trực tiếp tác động vào lượng tiền cơ sở MB bằng việc mua bán các chứng khoán. Từ đó mở rộng hay thu hẹp mức cung tiền trong nền kinh tế. Khi mua chứng khoán, ngân hàng trung ương làm tăng MB và do đó làm tăng MS và ngược lại khi bán chứng khoán, ngân hàng trung ương sẽ thu hẹp được mức cung tiền trong nền kinh tế. Thông qua tỷ lệ dự trữ bắt buộc (r), ngân hàng trung ương tác động vào số nhân tiền trong nền kinh tế. Khi tăng r sẽ làm cho R tăng và do đó số nhân tiền giảm xuống, kết quả là MS giảm và ngược lại, muốn tăng MS ngân hàng trung ương sẽ giảm mức r và qua đó làm tăng số nhân tiền. Ngân hàng trung ương cũng có thể tác động đến M thông qua lãi suất chiết khấu, tức mức lãi suất mà ngân hàng thương mại phải trả cho các khoản tiền vay từ ngân hàng trung ương để bù đắp thiếu hụt dự trữ. Lãi suất chiết khấu tăng lên sẽ làm cho ngân hàng thương mại dự trữ nhiều hơn và do đó số nhân tiền giảm, kết quả là mức cung tiền giảm xuống. Trái lại, khi lãi suất chiết khấu thấp sẽ làm giảm tỷ lệ dự trữ thực tế của ngân hàng thương mại và do đó làm cho mức cung tiền tăng. Ngoài ra ngân hàng trung ương còn sử dụng nhiều biện pháp khác để tác động vào MS như trực tiếp quy định lãi suất tiền gửi, tiền vay của ngân hàng thương mại, kiểm soát tín dụng chọn lọc… 4. Chính sách tiền tệ mở rộng và thắt chặt. Chính sách tiền tệ có hai loại: chính sách tiền tệ mở rộng và chính sách tiền tệ thắt chặt. Tùy theo tình hình hoạt động của nền kinh tế và các mục tiêu kinh tế vĩ mô đã được đặt ra trong mỗi thời kỳ phát triển của nền kinh tế xã hội mà ngân hàng trung ương có thể thực hiện một trong hai chính sách đó. Chính sách tiền tệ mở rộng: thực chất là ngân hàng trung ương ở rộng mức cung tiền trong nền kinh tế, làm cho lãi suất giảm xuống qua đó làm tăng tổng cầu, nhờ vậy mà quy mô của nền kinh tế được mở rộng, thu nhập tăng và tỷ lệ thất nghiệp giảm. Để mở rộng được mức cung tiền, thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng, ngân hàng trung ương có thể thực hiện một trong ba cách sau: mua vào trên thị trường chứng khoán, hạ thấp tỷ lệ dự trữ bắt buộc, hạ thấp mức lãi suất chiết khấu, hay thực hiện đồng thời cả hai hoặc ba cách cùng lúc. Khi thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, ngân hàng trung ương tác động nhằm giảm bớt mức cung tiền trong nền kinh tế, làm cho lãi suất trên thị trường tăng lên.Thông qua đó, nó thu hẹp được tổng cầu, làm mức giá chung giảm xuống. Thực thi chính sách này, ngân hàng trung ương sử dụng các biện pháp làm giảm mức cung tiền bằng cách: bán ra trên thị trường chứng khoán, tăng mức dự trữ bắt buộc, hoặc tăng lãi suất chiết khấu, kiểm soát khắt khe đối với các hoạt động tín dụng… Thông thường chính sách tiền tệ thắt chặt được áp dụng khi nền kinh tế có mức tăng trưởng quá cao, nền kinh tế đó đang ở tình trạng “quá nóng”, lạm phát có nguy cơ bùng nổ. Trái lại chính sách tiền tệ mở rộng được áp dụng khi nền kinh tế suy thoái hoặc có mức tăng trưởng quá thấp. II-Việc vận dụng chính sách tiền tệ ở nước ta hiện nay. 1.Sự đổi mới trong chính sách tiền tệ Việt Nam thời gian qua. Khi đất nước chuyển sang cơ chế thị trường thì quá trình thực hiện chính sách tiền tệ ở nước ta cũng được xây dựng và đổi mới. Các công cụ của chính sách tiền tệ được sử dụng một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện Việt Nam ở các giai đoạn cụ thể. Nghiệp vụ thị trường mở được ngân hàng nhà nước chính thức khai trương và đưa vào hoạt động theo phương hướng sử dụng nó như một công cụ điều tiết linh hoạt và có hiệu quả từ ngày 12/7/2000. Tuy nhiên trước khi thị trường mở được chính thức đưa vào vận hành ở Việt Nam, ngân hàng nhà nước đã từng bước tạo lập cơ sở cho nó thông qua việc tổ chức đấu thầu và phát hành các loại tín phiếu đó là : Tín phiếu kho bạc nhà nước do ngân hàng nhà nước phối hợp với kho bạc nhà nước tổ chức đấu thầu từ năm 1996 đến hết năm 1998; trái phiếu ngân hàng nhà nước do ngân hàng nhà nước phát hành từ năm 1995. Công cụ dự trữ bắt buộc: đây là công cụ điều chỉnh gián tiếp mức cung tiền được sử dụng sớm nhất ở Việt Nam (từ 1991). Tỷ lệ dự trữ bắt buộc được ngân hàng nhà nước điều chỉnh qua các năm với các mức khác nhau theo hướng ngày càng hoàn thiện và trở thành công cụ đắc lực của ngân hàng nhà nước Việt Nam trong điều hành chính sách tiền tệ. Lãi suất chiết khấu: ở Việt Nam, cho vay tái chiết khấu đã được sử dụng như là một công cụ của chính sách tiền tệ ngay từ những năm đầu của thời kỳ đổi mới. Tuy vậy, vì chưa hội đủ những điều kiện nên việc áp dụng nó còn giản đơn  làm cho hiệu quả của nó còn nhiều hạn chế. Mặc dù vậy trong những năm gần đây nó đã trở thành công cụ đắc lực góp phần thực hiện tốt các mục tiêu của chính sách tiền tệ quốc gia. Những đổi mới trong chính sách tiền tệ nước ta đã đem lại những thành tựu vô cùng to lớn trong việc ổn định kinh tế vĩ mô. Bằng các công cụ điều tiết, ngân hàng nhà nước đã kiểm soát chặt chẽ khối lượng tiền cung ứng hàng năm qua đó đẩy lùi và kiềm chế lam phát, ổn định sức mua của đồng tiền Việt Nam, ổn định giá cả thị trường, đời sống của người dân được cải thiện. Về tốc độ tăng trưởng kinh tế, việc điều chỉnh các công cụ của chính sách tiền tệ của ngân hàng nhà nước ở các giai đoạn cụ thể đã có vai trò quan trọng ảnh hưởng tới việc huy động và phân bổ nguồn vốn có hiệu quả trong nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế liên tục qua các năm. Từ năm 1997 đến hết năm 2007 GDP nước ta tăng bình quân 7,2%/năm. 2.Vận dụng chính sách tiền tệ ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. a/Chính sách tiền tệ trong năm 2009 Áp lực từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đòi hỏi chính phủ Việt Nam phải có những chính sách kinh tế phù hợp để giảm thiểu tác động của nó. Trong thực tế, Chính phủ Việt Nam đã điều hành các chính sách vĩ mô thời gian qua khá linh hoạt trong những thời điểm nhạy cảm, cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã được tận dụng tối đa cho mục tiêu kích cầu, góp phần giữ vững hệ thống doanh nghiệp và duy trì một môi trường vĩ mô phù hợp. Sau giai đoạn thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát từ nửa cuối năm 2007 đến nửa đầu năm 2008, sang năm 2009 Việt Nam áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng có kiểm soát, giảm lãi suất để kích thích đầu tư và đưa lãi suất về gần với mức lãi suất trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính thế giới. Đi liền với đó là tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng hoạt động hiệu quả, tính thanh khoản được bảo đảm. Không để hệ thống ngân hàng (quốc doanh và cổ phần) mất ổn định. Ngân hàng nhà nước đã thực hiện một loạt các giải pháp nhằm hướng các khoản vốn vay đúng đối tượng, triển khai các giải pháp hạn chế tình trạng thông tin không cân xứng, giảm rủi ro do lựa chọn đối nghịch, tăng tính sẵn sàng cho vay của các ngân hàng. Ngoài việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm lãi suất dự trữ bắt buộc, giảm hệ thống lãi suất chỉ đạo, thực hiện bảo lãnh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất, trong những tình huống khẩn cấp, NHNN đã sử dụng các biện pháp hành chính khống chế trần lãi suất cho vay, kiểm soát chặt việc cho vay hỗ trợ lãi suất, cung ứng thanh khoản cho các ngân hàng có khó khăn thanh khoản, kiểm soát tỷ giá, giảm tình trạng căng thẳng ngoại tệ và ảnh hưởng lan truyền của nó tới mặt bằng lãi suất nội tệ. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và dân cư trong xã hội tiếp cận được với vốn vay của hệ thống ngân hàng theo tinh thần của các gói giải pháp kích cầu của chính phủ cũng như tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại hoạt động ổn định và hiệu quả, ngân hàng nhà nước đã hạ lãi suất chỉ đạo từ 14% xuống 7%, hạ thấp tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ 11% xuống 5%. Trước những diến biến không thuận lợi của thị trường ngoại hối, để tăng nguồn cung và ổn định thị trường, ngân hàng nhà nước đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp như mở rộng biên độ ấn định tỷ giá mua bán USD/VND của các ngân hàng thương mại từ +/-3% lên +/-5% so với tỷ giá bình quân, điều tiết cung cầu ngoại tệ trên thị trường. Kết quả đạt được từ chính sách tiền tệ 2009 đó là kiềm chế lạm phát từ mức 19,98% xuống năm 2008 xuống còn 6,52%, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức 5,2% và chính sách tiền tệ đã góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực thi chính sách tiền tệ trong năm 2009 cũng gặp phải không ít khó khăn. Cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 10,95 tỷ USD, mức thâm hụt ngân sách ở mức 6,5 % GDP buộc ngân sách phải vay nợ nhiều qua đó gây áp lực giảm giá VNĐ. Trên thị trường tiền tệ xuất hiện những bất cập, mâu thuẫn nhau: Tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, VND khan hiếm biểu hiện ở áp lực tăng lãi suất, thanh khoản VND mỏng manh. Sự khan hiếm tiền đồng về mặt lý thuyết là làm cho VND lên giá nhưng chính sách điều tiết vĩ mô thì lãi suất lại thấp (lãi suất cho vay hỗ trợ, trần lãi suất cho vay…) gây áp lực giảm giá VNĐ, đồng thời kích thích nhu cầu sử dụng tiền đồng, gây ra vòng xoáy khan hiếm tiền đồng, gây áp lực cho ngân hàng nhà nước phải cung ứng thêm tiền đồng. Điều này tiếp tục gây áp lực giảm giá VND. Đồng thời, sự biến động mạnh của giá vàng cũng có những tác động bất lợi đến tỷ giá. b/Chính sách tiền tệ trong năm 2010. Nhờ vận dụng chính sách tiền tệ linh hoạt có thể nói những khó khăn nhất đã qua. Nhưng những giải pháp điều hành chính sách tiền tệ năm 2009 sẽ có những tác động tới thị trường 2010, đặc biệt do đặc thù “độ trễ” của chính sách đối với thị trường thường kéo dài.Việc thực thi chính sách tiền tệ năm 2010 sẽ tiếp tục vấp phải những khó khăn phát sinh từ những vấn đề mang tính căn nguyên, đó là thâm hụt thương mại, thâm hụt ngân sách kéo dài, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thấp, nguy cơ lạm phát gia tăng và sự phục hồi chưa chắc chắn của kinh tế thế giới. Đánh giá được những khó khăn trên, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng năm 2010, thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao vai trò của chính sách tiền tệ trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thủ tướng chỉ đạo năm 2010 ngành ngân hàng tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng tốt hơn để góp phần vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế năm 2010. Trong năm 2010, để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu do Quốc hội, chính phủ đề ra và sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng, ngân hàng nhà nước định hướng, mục tiêu và giải pháp lớn về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng như sau: Tập trung hoàn thiện thể chế về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, trọng tâm là hoàn thiện 2 dự thảo Luật Ngân hàng nhà nước và Luật các tổ chức tín dụng đê trình Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 7. Đông thời tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ lãi suất của chính phủ; điều hành chính sách tiền tệ một cách thận trọng, linh hoạt theo nguyên tắc thị trường, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng, kiềm chế lạm phát do Quốc hội đề ra. Bên cạnh đó, thực hiện ổn định thị trường ngoại hối, thị trường vàng trong nước; tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng công tác thống kê, dự báo tiền tệ và cán cân thanh toán quốc tế; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; kiếm soát chặt chẽ nợ quá hạn, đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.. C.KẾT LUẬN Như vậy chính sách tiền tệ đăc biệt là các công cụ của nó có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế thị trường nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng. Việc sử dụng các công cụ đó như thế nào sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển kinh tế ở từng thời điểm cụ thể vì vậy trong quá trình vận dụng các công cụ của chính sách tiền tệ phải tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định song không thể hoàn toàn rập khuôn máy móc mà cần sự sáng tạo, linh hoạt và nhạy bén. Hiện tại chính sách tiền tệ ở Việt Nam vẫn chữa phát huy hết hoặc chưa thể hiện hết vai trò của nó do nhiều nguyên nhân gắn với thực lực của nền kinh tế. Vì vậy bên cạnh sự định hướng đúng đắn của Đảng và Nhà nước cần phải có sự phát triển đồng bộ về năng lực ngân hàng nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại…và nhiều sự phối hợp đồng bộ khác. Hi vọng ràng với những nỗ lực đó, chính sách tiền tệ nước ta sẽ sớm hoàn thiện và phát huy vai trò, đưa nền kinh tế thoát ra khỏi khủng hoảng.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docChính sách tiền tệ và việc vận dụng chính sách tiền tệ ở Việt Nam hiện nay.doc