Đề tài Hiện tượng thần tượng trong giới trẻ việt ngày nay

Thần tượng là một hiện tượng tâm lý tự nhiên và được hình thành từ sự yêu thích, say mê, hoặc sự ấn tượng, ảnh hưởng to lớn tới bản thân người thần tượng. Hiện nay, xu hướng thần tượng của giới trẻ là những người hoạt động trong giới giải trí. Và có thể nói, thần tượng đóng một vai trò khá lớn trong cuộc sống cũng như quá trình hình thành nhân cách của giới trẻ. Đã có rất nhiều trường hợp thần tượng giúp con người có thể vươn tới cái đẹp, có mục đích sống, vun đắp, tưới mát tâm hồn của con người, đặc biệt với giới trẻ thì thần tượng còn là động lực trong học tập. Thế nhưng, một thực tế đáng quan tâm là hiện nay, do sự ảnh hưởng từ hàng loạt bài viết, tin tức mang đậm tính chất chủ quan và tiêu cực của báo chí, truyền thông Việt Nam, trong con mắt của dư luận mà đặc biệt là các vị phụ huynh, hiện tượng thần tượng và văn hóa thần tượng của giới trẻ nước nhà đang bị hiểu theo hướng vô cùng tiêu cực và lệch lạc. Người viết hy vọng bài viết này có thể phần nào mang lại một cái nhìn khách quan hơn, toàn diện hơn về một hiện tượng khá nóng bỏng và đáng nói đến của giới trẻ nước nhà.

doc10 trang | Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 14222 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Hiện tượng thần tượng trong giới trẻ việt ngày nay, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
&œ TIỂU LUẬN HẾT MÔN TÊN MÔN HỌC: PHƯƠNG PHÁP LUẬN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TÊN ĐỀ TÀI: HIỆN TƯỢNG THẦN TƯỢNG TRONG GIỚI TRẺ VIỆT NGÀY NAY HÀ NỘI - NĂM 2012 MỤC LỤC Mở đầu 1 1.Hiện tượng thần tượng 3 1.1Khái niệm thần tượng 3 1.2Đối tượng được thần tượng 3 2.Xu hướng thần tượng của giới trẻ ngày nay 3 2.1Khái quát về xu hướng thần tượng xưa 3 2.2Xu hướng chọn thần tượng của giới trẻ ngày nay 4 2.3Xu hướng thể hiện tình yêu thần tượng 6 3.Ảnh hưởng của hiện tượng thần tượng với giới trẻ ngày nay 8 3.1Ảnh hưởng xấu 8 3.1.1Ảnh hưởng xấu trực tiếp đến cuộc sống 6 3.1.2Ảnh hưởng xấu đến tính cách và con người 9 3.2Ảnh hưởng tốt 10 Kết luận 13 Danh mục tài liệu tham khảo 14 Mở đầu. Trong thời buổi bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, việc nắm bắt những hiện tượng, những xu hướng hay chỉ đơn giản là những cụm từ được nhắc đến hay bàn luận nhiều trong xã hội không còn quá khó khăn như trước kia. Và một trong những hiện tượng nổi bật nhất trong thời gian vừa qua chính là cái gọi là “thần tượng” – hiện tượng xảy ra chủ yếu ở giới trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp cụm từ “thần tượng” nhan nhản trên báo chí, cả báo giấy và báo mạng, trên truyền hình, trên sóng phát thanh và phổ biến hơn cả có lẽ là đời sống thường ngày.Mở bất kỳ một tờ báo, một trang tin tức trực tuyến về xã hội nào đó, nghe một chương trình phát thanh dành cho giới trẻ hay mở một kênh truyền hình dành cho giới trẻ nào đó, thậm chí là cả báo chí hay truyền thông về mảng xã hội thôi, có thể bắt gặp ngay những tiêu đề nóng hổi như “Giới trẻ phát cuồng vì thần tượng”, “Hội chứng teen cuồng thần tượng”, “Hiện tượng thần tượng và những hệ lụy”, “Yêu thần tượng, đúng hay sai?”, cùng vô vàn những dòng tin khác. Và gần đây nhất, nhân sự kiện kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc (1992-2012), hàng loạt sự kiện văn hóa đã được tổ chức cùng với sự tham gia của khá nhiều ngôi sao giải trí nước bạn trong tháng ba vừa qua. Sự kiện này đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông cũng như người dân Việt Nam, đặc biệt là những người trẻ -đối tượng chính của bài viết này. Và ngay từ khi thông tin về các sự kiện này được hé lộ, xuyên suốt cho tới khoảng thời gian này, giới truyền thông Việt Nam đã có hàng loạt bài viết, tin tức, phóng sự liên quan. Và cho tới khi chuỗi sự kiện kết thúc hoàn toàn, truyền thông Việt lại được thêm một chủ đề nóng hổi để bàn tán, đó chính là hiện tượng thần tượng và văn hóa thần tượng của giới trẻ. Hàng loạt bài báo, chủ yếu chỉ trích và phê phán văn hóa thần tượng của giới trẻ, đã được xuất bản, phát hành cũng như cho đăng hàng loạt trên các trang báo mạng, gây xôn xao dư luận trong suốt thời gian vừa qua. Để hiểu rõ hơn về hiện tượng thần tượng trong giới trẻ Việt ngày nay, thay vì những nguồn thông tin cũng như những luồng ý kiến đa phần mang tính chất chủ quan và tiêu cực được giới truyền thông Việt hướng tới, bài viết này sẽ giúp bạn đọc có một cái nhìn khách quan hơn, bao quát hơn về hiện tượng này. Bài viết bao gồm một số phần chính sau đây: 1.Hiện tượng thần tượng 2.Xu hướng thần tượng của giới trẻ ngày nay 3.Ảnh hưởng của thần tượng đối với giới trẻ ngày nay. 1.Hiện tượng thần tượng. 1.1 Khái niệm thần tượng. Theo từ điển tiếng Việt, cụm từ “thần tượng” được định nghĩa như sau: 1,Hình ảnh của người đã chết. 2.Hình một đấng thiêng liêng, được tôn sùng và chiêm ngưỡng : Con bò bằng vàng là thần tượng của người Do Thái. 3.Người hay vật được quý trọng hay tôn sùng một cách say mê : Những nhà độc tài phát xít cho rằng mình là thần tượng của nhân dân. Phạm vi nghĩa của hiện tượng thần tượng được nói đến trong bài chính là định nghĩa cuối cùng “Người hay vật được quý trọng hay tôn sùng một cách say mê.” 1.2 Đối tượng được thần tượng Đối tượng được thần tượng thường là một hay nhiều người sở hữu những tố chất quý báu khiến người khác phải ngưỡng mộ. Tố chất ấy có thể chỉ là vẻ đẹp ngoại hình, cũng có thể là tài năng trong học tập, nghiên cứu, tài năng thiên bẩm trong lĩnh vực nghệ thuật, có thể là tính cách khí chất thanh cao đáng học tập, cũng có thể bao gồm tất cả những thứ ấy cộng lại. Vì thế những người được thần tượng có thể là các vị anh hùng dân tộc, các nhà khoa học, cũng có thể là thầy giáo, cô giáo, các ngôi sao trong lĩnh vực giải trí, thể thao hay bất kỳ người bình thường nào khác. 2. Xu hướng thần tượng của giới trẻ ngày nay 2.1 Khái quát về xu hướng thần tượng xưa Thời xưa, giới trẻ thời ấy - ông cha ta vẫn thầm coi thần tượng của mình là những con người dũng cảm, dám xả thân vì nghĩa, vì dân. Đó là những Lục Vân Tiên Làm ơn há dễ trông người trả ơn Nay đà rõ đặng nguồn cơn Nào ai tính thiệt so hơn làm gì Nhớ câu kiến nghĩa bất vi Làm người thế ấy cũng phi anh hùng Là chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại từng ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân với lý tưởng cao quý đáng ngưỡng mộ mà Người từng chia sẻ với một nhà văn Mỹ: Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường từ hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát ra khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi. Về sau, do thời thế, người ta lại thần tượng những tấm gương vượt khó, những nghị lực phi thường mà điển hình là nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký – người từng được báo chí truyền thông nước nhà ca ngợi hết lời, bị tật hai tay nhưng vẫn dùng đôi chân cầm bút đèn sách bao năm và trở thành một nhà giáo mẫu mực với những đầu sách uy tín trong giới giáo dục. 2.2. Xu hướng chọn thần tượng của giới trẻ ngày nay Và cho đến ngày nay, định nghĩa thần tượng cũng như đối tượng được thần tượng có vẻ đơn giản hơn rất nhiều. Giới trẻ giờ đây có thể thần tượng ngay thầy cô giáo mình, người thân trong gia đình mình, những nhà khoa học nổi tiếng hay những ngôi sao giải trí, thể thao. Và lý do thần tượng cũng vô cùng đa dạng. Có bạn trẻ thần tượng thầy cô giáo mình vì vốn kiến thức uyên sâu, đạo đức nghề nghiệp cũng như lối sống cao quý, có bạn lại thần tượng nhà khoa học nổi tiếng nào đó vì sự cống hiến, đóng góp cho nước nhà, và phần lớn các bạn trẻ ngày nay đang thần tượng những ngôi sao trong làng giải trí (trong và ngoài nước) với vẻ đẹp ngoại hình, tài năng nghệ thuật cũng như vẻ đẹp tâm hồn của họ. Điển hình là một bộ phận lớn các bạn trẻ đang chọn cho mình thần tượng là những ngôi sao trong ngành giải trí Hàn Quốc. Xu hướng này thậm chí đã phát triển thành một làn sóng mạnh mẽ từng được báo chí trong và ngoài nước ưu ái đặt riêng một cái tên “Làn sóng văn hóa Hàn Quốc” – “Hallyu Wave”. Làn sóng thần tượng ấy mạnh tới nỗi khiến nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cũng như các bậc phụ huynh giật mình trước xu hướng thần tượng quá đà các ca sỹ, diễn viên Hàn Quốc của con em mình. Và xu hướng thần tượng ấy cũng đã khiến không ít người phải đặt ra câu hỏi vì sao những con người ấy lại được đông đảo giới trẻ nước ta hâm mộ cuồng nhiệt đến độ được coi là thần tượng. Lý do được họ đưa ra có lẽ sẽ khiến khá nhiều người lớn tuổi phải bất ngờ. Có bạn chỉ thần tượng vì những lý do vô cùng đơn giản, như một bạn có nickname (tên ảo) b0mmieBj trên một diễn đàn dành cho những người hâm mộ nhóm nhạc 2NE1- một nhóm nhạc nữ Hàn Quốc gồm bốn thành viên, đã chia sẻ lý do mình chọn thần tượng “Mình yêu 2NE1 là vì: thành viên 2NE1 khá xinh đẹp và cá tính, nhóm có giọng hát rất hay, MV (phim ca nhạc) của nhóm rất đẹp và tuyệt vời.” Còn Tiến sỹ xã hội học Trịnh Hòa Bình, khi trả lời phỏng vấn báo Người đưa tin, cho rằng: “Giới trẻ hiện nay đang tôn sùng thần tượng một cách mù quáng. Đó là sự không định hướng và chạy theo tâm lý đám đông, Thấy nhiều người thích cái gì thì mình cũng thích, thấy người khác cuồng thì mình cũng cuồng.” Nhưng có lẽ những nhận định của các nhà nghiên cứu xã hội không hẳn lúc nào cũng đúng. Một bạn nữ có thần tượng là nhóm nhạc nam Super Junior đã có những dòng chia sẻ rất dài và rất khác về lý do mình chọn thần tượng. Xin được trích dẫn một vài dòng trong bài viết “Vì sao tôi yêu Super Junior” trên trang cá nhân blogspot của bạn Vì họ tài năng ư? Không đúng, họ không hề là những con người tài năng nhất. Vì họ nổi tiếng ư? Không phải, họ đâu phải là những người nổi tiếng nhất. Vì họ đẹp, họ giàu, họ tốt ư? Tất nhiên là không! Chả ai yêu những cái ấy được lâu dài, vì cái đẹp rồi sẽ dần mất đi theo năm tháng, sự giảu có thì mình cũng có được hưởng đâu, và cái tốt của họ đôi khi chỉ khiến mình đau lòng. Hay vì họ có nhiều người yêu mến, nên mình cũng bon chen cho có bè có hội? Lại càng không! Và tôi chưa bao giờ nói tôi yêu họ vì họ hoàn hảo, vì trong mắt tôi họ chỉ là những con người bằng xương bằng thịt, họ không là thần thánh cũng không là tượng phật để cái gì cũng hoàn hảo trong mắt thế gian. Tôi cũng chưa bao giờ nói tôi yêu họ vì họ đóng phim hay, ca hát tốt, vũ đạo đẹp.. Tôi chỉ yêu họ vì chính họ. Một Super Junior với 13 con người yêu thương nhau, luôn bảo vệ nhau và luôn cố gắng. Và họ có niềm tin ở những người yêu thương họ. Những dòng tâm sự trên của bạn có lẽ cũng chính là để thay cho tâm tư của đại bộ phận các bạn trẻ có thần tượng trong xã hội hiện đại đang lo lắng và có phần cảm thấy bức bối khi tình cảm và thần tượng của mình đang bị xã hội, đặc biệt là truyền thông, lên án một cách không chính xác. 2.2.2 Xu hướng thể hiện tình yêu thần tượng Không chỉ có lý do lựa chọn thần tượng mới đa dạng, phong phú mà đến cách thể hiện tình cảm với thần tượng của các bạn trẻ ngày nay cũng muôn hình vạn trạng. Có bạn chỉ đơn giản là tích cực cập nhật tin tức về thần tượng của mình, quan tâm đến việc thần tượng đi đâu, làm gì, ăn gì, mặc gì.. Cũng có bạn lại “điên cuồng” tới mức sưu tầm các tranh ảnh hay vật dụng có in hình thần tượng, đầu tư tiền bạc sưu tầm đầy đủ các băng đĩa của thần tượng. Và cũng có nhiều bạn lại thể hiện tình cảm với thần tượng bằng cách làm tất cả những điều trên. Không chỉ vậy họ còn tổ chức giao lưu, sinh hoạt giữa những người có cùng niềm đam mê, có cùng thần tượng. Họ tự gọi nhau bằng những cái tên chung, ví dụ như những người thần tượng nhóm Super Junior thì được gọi là ELF, thần tượng nhóm Big Bang thì gọi là VIP, thần tượng nhóm 2NE1 thì gọi là BlackJack. Họ có thể nói về thần tượng ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh, với mọi đối tượng. Họ có thể thao thao bất tuyệt về thần tượng của mình tới hàng giờ đồng hồ mà không biết mệt mỏi. Thế nhưng cơ hội thể hiện tình cảm lớn nhất của họ có lẽ là khi họ có thể gặp mặt trực tiếp những thần tượng của mình. Đặc biệt, như đã nói trong phần mở đầu, khi hàng loạt các sự kiện văn hóa được tổ chức để kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước Việt-Hàn, theo Báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam, “Nhiều bạn đã gom hết tiền tiết kiệm để lùng mua vé với giá cao ngất ngưởng, chờ chực trong nhiều giờ đồng hồ ở sân bay để được đón thần tượng, hay vật vã khóc lóc khi không được gặp..” Còn những bạn may mắn có được cơ hội gặp được thần tượng thì, theo như tác giả An Khê viết trên báo Gia Đình và Xã Hội số ra ngày 19/04/2012, Sau 9 tiếng đồng hồ chờ đợi, khi nhóm Big Bang xuất hiện trên sân khấu, thì cả biển người đứng xem như vỡ òa. Chương trình đã buộc phải tạm dừng trong 30 phút để ổn định trật tự. Bảo vệ phải đưa các khan giả có vấn đề sức khỏe r axe cứu thương hoặc phòng sơ cứu ngay tại nhà thi đấu. Nhiều bạn trẻ ngất xỉu, có bạn máu me chảy đầy mặt do bị chấn thương trong lúc xô đẩy nhưng những nụ cười không thể rạng rỡ hơn, tiếng hò reo, tiếng hét và cả tiếng khóc ngất vì vui sướng khi nhóm nhạc cất lên những ca khúc nổi tiếng như Fantastic Baby, Hands up, Lies, Bad Boy, Tonight, Last Farewell. Thế nhưng, lại một lần nữa, truyền thông Việt chỉ đề cập đến bề nổi của tảng băng chìm. Ngoài những cảnh tượng xấu xí ấy, vẫn còn những hình ảnh rất đẹp về cách mà giới trẻ Việt thể hiện văn hóa thần tượng của mình. Thế nhưng không hiểu tại sao, gần như không có một tờ báo hay kênh truyền hình nào nhắc đến những hình ảnh ấy. Ngoài những trang cá nhân của các bạn trẻ, chỉ có một vài trang báo điện tử hiếm hoi đề cập đến sự thật này. Báo điện tử Ione đã có bài viết lên tiếng thanh minh cho văn hóa thần tượng của giới trẻ: Nhắc lại câu chuyện về buổi biểu diễn Super Show 3 của nhóm nhạc Super Junior tại Bình Dương tháng 5/2011, nhiều người có mặt hôm đó đã được thấy một hình ảnh đẹp của các ELF (tên gọi các bạn là fan của nhóm nhạc này) Việt Nam. Sau buổi biểu diễn, các bạn đã đi xung quanh thu dọn rác gọn gàng. Một bạn khan giả có mặt trong show diễn hôm đó đã kể lại rằng: “Các fan của SuJu ăn uống xong là mỗi người cầm một túi nilon nhặt rác bỏ vào, nhặt rác từ đầu đến cuối. Họ còn nói với nhau “Chúng ta cùng dọn rác nào các bạn!” Trước đó, trong buổi mua vé xem Super Show 3, tuy có cả nghìn fan tụ họp để chờ mua vé nhưng các bạn đều xếp hàng ngay ngắn và trật tự, không để xảy ra tình trạng chen lấn xô đẩy. Xuất phát từ lòng hâm mộ, dĩ nhiên chẳng ai muốn để lại ấn tượng xấu trong lòng thần tượng và từ phí mọi người. Nhóm viết bài này từng có dịp theo chân fan ra tận sân bay đón thần tượng của mình. Từ việc đón 2NE1 cho tới Super Junior, Beast, MBLAQ Big Bang.. Mỗi lần thấy khách nước ngoài bước ra từ phi trường, các bạn đều hô rất to “Welcome to Viet Nam!” một cách vui vẻ và thân thiện. Sự nhiệt tình, yêu mến thần tượng của mình còn khiến các bạn ấy biết cảm ơn tới những người làm công tác hậu cần, trực tiếp chăm sóc thần tượng của mình.Sau khi thần tượng của mình rời khỏi Việt Nam, có những bạn đã quay lại khách sạn nơi thần tượng mình ở để gửi quà cám ơn các chú bảo vệ và nhân viên khách sạn đã làm việc vất vả, thậm chí còn xin lỗi nếu đã có hành động thái quá. Như vậy, lại một lần nữa dư luận không có cơ hội hiểu đúng về những gì mà giới trẻ đang làm để thể hiện văn hóa thần tượng của mình, vì hàng loạt thông tin mang tính tiêu cực và chủ quan của giới truyền thông đang tác động một cách vô cùng lệch lạc tới họ. 3. Ảnh hưởng của hiện tượng thần tượng với giới trẻ ngày nay 3.1 Ảnh hưởng xấu. Nói đến sự ảnh hưởng của hiện tượng thần tượng tới giới trẻ ngày nay, có lẽ tất cả mọi người đều sẽ nghĩ ngay đến những ảnh hưởng xấu. Bởi lẽ vô cùng đơn giản, báo chí truyền thông cũng như các nhà xã hội học đã tốn không ít giấy mực để phê phán cũng như cảnh báo những hệ lụy đến từ hiện tượng này. Bài viết xin đề cập tới một số ảnh hưởng xấu nổi bật nhất. 3.1.1 Ảnh hưởng xấu trực tiếp đến cuộc sống Nếu chỉ dừng lại ở việc yêu thích hay hâm mộ một chút thôi, điều đó có lẽ sẽ không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hàng ngày của các bạn trẻ. Tuy nhiên, một khi sự yêu thích đó đã đạt đến mức độ được gọi là thần tượng thì nó sẽ ảnh hưởng một cách trực tiếp và khá nhiều tới cuộc sống của họ. Ảnh hưởng xấu xí có thể dễ dàng thấy được nhất đó chính là sự tiêu tốn thời gian, công sức cũng như vật chất. Báo điện tử Người Lao động cũng từng nói về vấn đề này: Một bộ phận lớn học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 chăm chỉ theo dõi tin tức của các oppa, unie.. Họ lập diễn đàn, nhóm hội trên mạng để thu nạp thành viên. Những hội này thường xuyên tổ chức các buổi họp mặt và các thành viên xuất hện thường xuyên hơn cả trên lớp học. Để chứng tỏ độ yêu thích thần tượng, những người hâm mộ nhí này ra sức sưu tập, săn lung ly tách, poster, đĩa nhạc … có in hình thần tượng để mang về nhà ngắm. Tốn tiền bạc, công sức để nhớ tưởng những người tận xứ Hàn xa xôi và cả những xứ khác chưa đủ, mỗi khi có một thần tượng nào sang Việt Nam, lập tức các trang mạng lại nhộn nhịp hùn hạp tiền bạc để lên kế hoạch đón tiếp. Cả hội đến san bay đợi chờ hàng tiếng đồng hồ chỉ mong ước được “trông tận tay, day tận mặt thần tượng. Thậm chí, nhiều bạn trẻ bỏ tiền đi máy bay, thuê nhà trọ và ăn bánh mì cầm hơi chờ đợi đến lúc thần tượng xuống máy bay, đi ngang qua. Vì đã có thần tượng, bạn trẻ nào cũng luôn muốn có thể cập nhật tin tức của thần tượng một cách liên tục. Họ luôn muốn biết giờ này, ngày này, thần tượng của mình đang đi đâu, làm gì, ăn gì, mặc gì, đi với ai và vô vàn những thông tin dù nhỏ nhất. Họ cũng muốn hình ảnh thần tượng phải luôn ở bên mình, họ muốn tất cả những thứ đồ vật mình dùng hàng ngày đều phải có hình ảnh của thần tượng, từ quần áo, giày dép, mũ nón, trang sức cho tới đồ dùng học tập và thậm chí là cả chăn ga gối đệm. Và dĩ nhiên, đã thần tượng rồi thì suy cho cùng, ai cũng muốn được gặp mặt trực tiếp, được nhìn thấy thần tượng bằng da bằng thịt. Và tất cả những điều dĩ nhiên ấy sẽ dẫn đến những điều dĩ nhiên khác, đó chính là vấn đề vật chất và chuyện học hành. Để có thể làm được tất cả những điều ấy, cần phải có tiền, thậm chí là rất nhiều tiền. Và chuyện học hành của các bạn đương nhiên cũng sẽ bị ảnh hưởng. Suốt ngày mơ tưởng, chạy theo những hoạt động của các thần tượng, chắc chắn các bạn khó có thể đảm bảo được việc học tập. Đây chính là những ảnh hưởng khá lớn đến cuộc sống hàng ngày của các bạn trẻ. 3.1.2 Ảnh hưởng xấu đến tính cách và con người Trả lời báo Pháp luật Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Mai, Trung tâm Tư vấn và Đào tạo kỹ năng, Viện Nghiên cứu con người bày tỏ quan điểm: “Thực chất thần tượng hóa chính là do “hiệu ứng đám đông”. Việt Nam là một đất nước có nền văn minh lúa nước nên càng coi trọng tính cộng đồng. Nhưng nếu cộng đồng nhiều quá, cá nhân sẽ bị lẫn với cộng đồng và không khẳng định được bản lĩnh của cá nhân.” Không chỉ có vậy, việc thần tượng nếu không biết cách kiểm soát cũng có thể làm ảnh hưởng xấu đến nhân cách, thậm chí suy đồi đạo đức của giới trẻ. Ví dụ như nếu thần tượng không đúng người, nếu ngôi sao được thần tượng có thói hư tật xấu nào đó, những người thần tượng anh ta có thể sẽ vẫn làm theo cho dù biết là sai. Và cách đây hơn hai năm, vào tháng 3 năm 2010, trong khuôn khổ sự kiện âm nhạc nổi tiếng thế giới MTV Exit được tổ chức tại Hà Nội, nhóm nhạc nam Hàn Quốc Super Junior đã lần đầu tới Việt Nam. Và nhiều người đã phải bàng hoàng khi có một nữ sinh viết trên blog cá nhân của mình thế này “Nếu có một ngày thế giới phản bội Super Junior, ELF (tên gọi chính thức của cộng động những người hâm mộ nhóm nhạc này) cũng sẽ phản bội lại cả thế giới. Em sẵn sàng giết bố mẹ nếu không cho em đi xem Suju biểu diễn. Thật vui vì ông bà già cuối cùng cũng đã biết điều và để mình đi..” Nhưng đáng tiếc hơn cả, như Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Mai đã nói, Việt Nam là một nước coi trọng tính cộng đồng. Vì vậy những ảnh hưởng xấu này hoàn toàn có thể “lây lan”, và nếu không kiểm soát được nó sẽ làm hỏng cả thế hệ trẻ Việt. 3.2 Ảnh hưởng tốt Hiện tượng thần tượng của giới trẻ trong mắt dư luận có lẽ vẫn chỉ là những hình ảnh xấu xí, khi mà liên tiếp những hình ảnh, câu chuyện xấu xí của fan cuồng được dư luận lên án, đả kích. Báo chí truyền thông cũng nhân cơ hội đó mà lợi dụng giới trẻ, lợi dụng sự hâm mộ, thần tượng của giới trẻ để viết bài xuyên tạc, đả kích câu khách mua vui. Những điều đó đã khiến nhiều người, trong đó đặc biệt là các bậc phụ huynh, tỏ ra e ngại và có con mắt thiếu thiện cảm với hiện tượng thần tượng. Nhưng thực sự, những gì chúng ta thấy trên mặt báo, cũng như trong phần trên của bài viết, cũng chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Vấn đề nào cũng có hai mặt. Và sự hâm mộ, thần tượng cũng như ảnh hưởng của nó đối với giới trẻ cũng cần được nhìn nhận một cách khách quan, rằng những ảnh hưởng xấu của nó cũng chỉ là một bộ phận nhỏ. Còn có rất nhiều ảnh hưởng tích cực từ thần tượng, còn có rất nhiều bạn trẻ thần tượng một cách tích cực và sống tốt hơn khi có thần tượng. Thần tượng của giới trẻ hiện nay thường là những ngôi sao giải trí được đào tạo bài bản, có tài năng nghệ thuật và có cả những phẩm chất đáng quý. Họ cũng phải học tập, họ cũng phải rèn luyện, thậm chí chịu vô vàn áp lực từ mọi phía. Và trong rất nhiều trường hợp, những phẩm chất đáng quý, những nét đẹp tâm hồn đó của họ lại chính là động lực, là tấm gương cho những người hâm mộ, thần tượng họ. Có một bạn trẻ từng viết một bài rất dài để phản bác lại những chỉ trích, phê phán của báo giới cũng như để mọi người có thể thấy được mặt khác của thần tượng. Bạn đã tâm sự rằng thần tượng đã khiến bạn thay đổi nhiều thứ trong cuộc đời: “Tôi vì họ mà cố gắng, vì những có khăn mà họ từng trải qua mà tự nhủ những trắc trở mình gặp trong cuộc sống chẳng là gì.. Từ tấm gương thần tượng, tôi cũng đã thay đổi cả cách sống và cách ứng xử với cuộc đời. Trước đây tôi hay bực dọc, cáu kỉnh, gắt gỏng, thậm chí buồn nản, mất lòng tin vào cuộc sống. Bây giờ tôi đã hiểu những khó khăn mình gặp phải mới chỉ là rất nhỏ. Tôi nghĩ rằng rất nhiều bạn cũng có tâm trạng giống tôi. Và vì thế chúng tôi vô cùng biết ơn và yêu quý thần tượng của mình.” Không chỉ vậy, tình yêu, mối quan tâm chung đến một hoặc nhiều con người, còn có thể giúp các bạn trẻ xích lại gần nhau. Và tình đoàn kết đầy xúc động ấy cũng là một điều không thể không nhắc tới. Các bạn chia sẻ thông tin về thần tượng, chia sẻ cơ hội gặp thần tượng, giúp đỡ, hỗ trợ nhau thực hiện ước mơ gặp mặt thần tượng. Và thậm chí là cả chung tay mang lại cho bạn khác những tia hy vọng trong cuộc sống. Câu chuyện về bạn Nguyễn Thảo Ngọc, 15 tuổi ở Thanh Hóa là một ví dụ cụ thể. Bạn là một fan của Siwon, thành viên một nhóm nhạc nam đến từ Hàn Quốc và bạn đang phải chống chọi lại căn bệnh ung thư phế quản. Khi biết được điều này, cộng đồng fan của nhóm nhạc tại Việt Nam đã cùng nhau gửi những thông điệp cầu nguyện cho Ngọc và nhắn nhủ tới thần tượng của bạn. Và đáp lại điều đó, anh cũng đã gửi lại lời nhắn đầy yêu thương tới Ngọc “Ngọc yêu quý! Anh rất buồn khi nghe kể về căn bệnh của em. Anh hy vọng lời nhắn này của anh sẽ tiếp thêm hy vọng và nghị lực cho em.” Nhờ vậy, không chỉ có nhiều người Việt Nam mà cả bạn bè quốc tế cũng biết được và lan truyền rộng rãi thông điệp yêu thương để cầu nguyện cho Ngọc. Và hiện giờ, Ngọc đang sống, đang chống chọi lại căn bệnh quái ác cùng với sự yêu thương, quan tâm của đông đảo cộng đồng fan Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế. Câu chuyện trên đây chính là một minh chứng vô cùng cụ thể cho những ảnh hưởng tích cực và ý nghĩa từ hiện tượng thần tượng của giới trẻ Việt Nam. Kết luận: Thần tượng là một hiện tượng tâm lý tự nhiên và được hình thành từ sự yêu thích, say mê, hoặc sự ấn tượng, ảnh hưởng to lớn tới bản thân người thần tượng. Hiện nay, xu hướng thần tượng của giới trẻ là những người hoạt động trong giới giải trí. Và có thể nói, thần tượng đóng một vai trò khá lớn trong cuộc sống cũng như quá trình hình thành nhân cách của giới trẻ. Đã có rất nhiều trường hợp thần tượng giúp con người có thể vươn tới cái đẹp, có mục đích sống, vun đắp, tưới mát tâm hồn của con người, đặc biệt với giới trẻ thì thần tượng còn là động lực trong học tập. Thế nhưng, một thực tế đáng quan tâm là hiện nay, do sự ảnh hưởng từ hàng loạt bài viết, tin tức mang đậm tính chất chủ quan và tiêu cực của báo chí, truyền thông Việt Nam, trong con mắt của dư luận mà đặc biệt là các vị phụ huynh, hiện tượng thần tượng và văn hóa thần tượng của giới trẻ nước nhà đang bị hiểu theo hướng vô cùng tiêu cực và lệch lạc. Người viết hy vọng bài viết này có thể phần nào mang lại một cái nhìn khách quan hơn, toàn diện hơn về một hiện tượng khá nóng bỏng và đáng nói đến của giới trẻ nước nhà. Danh mục tài liệu tham khảo 1. Cổng thông tin điện tử của Đại sứ quán Việt Nam tại Đại Hàn Dân Quốc. 2. Viện Ngôn Ngữ học (tái bản năm 2010), Từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản từ điển Bách Khoa. 3. Nguyễn Đình Chiểu (tái bản năm 2002) , Truyện Lục Vân Tiên, Nhà xuất bản Thanh Niên. 4. Cổng thông tin tư liệu về chủ tịch Hồ Chí Minh. 5. Diễn đàn 2NE1nolza.com. 6. Thanh Hương ( 16/04/2012) Báo Người đưa tin. 7. Trang blog cá nhân myhappiness-sapphireblue. 8. Báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam. 9. An Khê (19/04/2012)Báo Gia Đình và Xã Hội. 10. Báo Người Lao động điện tử. 11. Nhiều tác giả (06/04/2012) Báo Pháp luật Việt Nam. 12. Báo điện tử Vietnamnet. 13. Báo điện tử Ione.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docbia_nckh_9973.doc