Đề tài Phát triển kĩ năng tiếp nhận ngôn bản cho học sinh Tiểu học

MỤC LỤC I. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI II. CƠ SỞ KHOA HỌC 1. Cơ sở lí luận của dạy đọc hiểu cho học sinh tiểu học 1.1. Ý nghĩa của dạy đọc hiểu 1.2. Đặc điểm của văn bản 1.3. Bản chất của quá trình đọc hiểu văn bản 1.4. Tác phẩm văn học với vấn đề đọc hiểu văn bản nghệ thuật II. CƠ SỞ KHOA HỌC 1. Cơ sở lí luận của dạy đọc hiểu cho học sinh tiểu học 1.1. Ý nghĩa của dạy đọc hiểu 1.2. Đặc điểm của văn bản 1.3. Bản chất của quá trình đọc hiểu văn bản 1.4. Tác phẩm văn học với vấn đề đọc hiểu văn bản nghệ thuật 2. Cơ sở thực tiễn của việc dạy đọc hiểu cho học sinh tiểu học 2.1. Khảo sát chương trình SGK Tiếng Việt lớp 5 2.2. Những khó khăn mà giáo viên và học sinh thường gặp trong việc dạy đọc hiểu văn miêu tả lớp 5. III. NHỮNG ĐIỀU CHỈNH NHẰM GIÚP RÈN KĨ NĂNG ĐỌC HIỂU VĂN MIÊU TẢ CHO HỌC SINH LỚP 5 1. Lưu ý để điều chỉnh trên một số bài văn miêu tả lớp 5 2. Bài học giúp luyện đọc hiểu văn miêu tả cho học sinh lớp 5 IV. CÁC TÀI LIỆU THAM KHẢO.

doc39 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 4014 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Phát triển kĩ năng tiếp nhận ngôn bản cho học sinh Tiểu học, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ự hiểu của học sinh mà còn có thể làm các em mất hứng thú đọc. Đồng thời, không chọn được văn bản thích hợp thì chúng ta không thể hình thành được các kĩ năng đọc. Ví dụ, những văn bản thông thường tạo điều kiện để hình thành kĩ năng đọc quét nhằm xác định thông tin cần thiết khi đọc từ điển, thư mục sách, danh sách học sinh, thời khóa biểu, dự báo thời tiết. Kĩ năng đọc lướt để nắm thông tin chung được hình thành khi đọc một số văn bản khoa học ở lớp 4, 5. Như vậy, đọc hiểu là một quá rình có tính khả phân. 1.3.2. Các hành động và kĩ năng đọc hiểu a. Các hành động đọc hiểu Những nghiên cứu gần đây về đọc hiểu cho thấy đọc hiểu là một hoạt động có tính quá trình rất rõ vì nó gồm nhiều hành động được trải ra theo tuyến tính thời gian: - Hành động đầu tiên của quá trình đọc hiểu là hành động nhận diện ngôn ngữ của văn bản tức là nhận đủ các tín hiệu ngôn ngữ mà người viết dùng để tạo ra văn bản. - Hành động tiếp theo là hành động làm rõ nghĩa của các chuỗi tín hiệu ngôn ngữ (nội dung của văn bản và ý đồ tác động của người viết đến người đọc). - Hành động cuối cùng là hành động hồi đáp lại ý kiến của người viết nêu trong văn bản. b. Các kĩ năng đọc hiểu Dạy đọc hiểu là hình thành kĩ năng để tiến hành những hành động đọc hiểu. Tương ứng với các hành động đọc hiểu có các kĩ năng đọc hiểu sau: * Kĩ năng nhận diện ngôn ngữ gồm: - Kĩ năng nhận diện từ mới và phát hiện các từ quan trọng (từ chìa khóa) trong văn bản. - Kĩ năng nhận ra các câu khó hiểu, các câu quan trọng. - Kĩ năng nhận ra các đoạn ý của văn bản: kĩ năng nhận biết cấu trúc của văn bản, nhận ra mối quan hệ giữa các bộ phận trong bài, những chỗ được đánh dấu, nhận biết những phương tiện liên kết văn bản (phép thế, phép nối, phép liên tưởng…) thành một thể thống nhất, nhận biết được kiểu cấu trúc của đoạn (diễn dịch, qui nạp, tổng hợp, song song…). - Kĩ năng nhận ra đề tài văn bản: + Kĩ năng quan sát tên bài, chú ý dựa vào tên bài, các hình vẽ minh họa, sơ đồ (nếu có) để phỏng đoán về nội dung văn bản. + Kĩ năng phán đoán nội dung bài đọc dựa vào kiến thức vốn có về chủ điểm. * Kĩ năng làm rõ nghĩa văn bản gồm: - Kĩ năng làm rõ nghĩa từ: bằng ngữ cảnh, bằng trực quan, bằng đồng nghĩa… - Kĩ năng làm rõ nội dung thông báo của câu. - Kĩ năng làm rõ ý của đoạn. - Kĩ năng làm rõ ý chính của văn bản: + Kĩ năng đọc lướt tìm ý chung của bài, của đoạn để có thể xử lí bài đọc như một chỉnh thể trọn vẹn trước khi đi vào chi tiết. + Kĩ năng khái quát hóa, tóm tắt nội dung đã đọc. - Kĩ năng làm rõ mục đích của người viết gửi vào văn bản, kĩ năng nhận biết những ẩn ý của tác giả. * Kĩ năng hồi đáp văn bản gồm: - Kĩ năng phản hồi, đánh giá tính đúng đắn, tính thuyết phục, hiệu quả của nội dung văn bản. - Kĩ năng phản hồi bằng hành động: + Liên hệ của cá nhân sau khi tiếp nhận nội dung văn bản. + Mô phỏng hình thức của văn bản để tạo lập văn bản mới. - Kĩ năng phản hồi, đánh giá tính hấp dẫn, hiệu quả giao tiếp của hình thức văn bản. Trên đây, chúng ta đã xác định các đặc trung của văn bản – đối tượng tiếp nhận của quá trình đọc hiểu, chỉ ra những căn cứ ngôn ngữ học để xác lập quy rtình đọc hiểu và xác định quy trình này. Việc vận dụng quy trình trên như thế nào vào dạy học Tập đọc phù thuộc rất nhiều vào kiểu loài văn bản và đặc điểm của học sinh tiểu học. Sau đây chúng ta đi vào xem xét các đặc điểm của văn bản văn chương. 1.4. Tác phẩm văn học với vấn đề đọc hiểu văn bản nghệ thuật Trong số các văn bản dùng để dạy đọc hiểu ở trường tiểu học, loại văn bản nghệ thuật có một vị trí đặc biệt không những bởi tầm quan trọng của loại văn bản này mà còn do tỉ lệ văn bản nghệ thuật được đưa vào chương trình rất cao và nhiệm vụ dạy hiểu loại văn bản này phức tạp hơn. Đọc văn bản nghệ thuật, học sinh không chỉ hiểu nội dung văn bản mà còn phải cảm thụ được một loại hình nghệ thuật lấy ngôn ngữ làm chất liệu. Vì vậy, đọc văn bản nghệ thuật thực hiện một nhiệm vụ kép: dạy một kĩ năng tiếng Việt và dạy văn. Từ đây có thể suy ra dạy đọc hiểu văn bản nghệ thuật gồm công việc làm cho học sinh nắm được nội dung của văn bản, mục tiêu của văn bản đồng thời dạy cho học sinh cảm nhận được vẻ đẹp của ngôn từ, hình tượng văn chương làm nên nội dung văn bản. Với nghĩa đó, dạy đọc hiểu văn bản nghệ thuật là dạy tiếp nhận văn học hay còn gọi là dạy cảm thụ văn học. Để dạy đọc hiểu văn bản nghệ thuật, người giáo viên tiểu học phải hiểu rõ đặc trưng văn chương và đặc trưng tiếp nhận văn chương. Lí thuyết tiếp nhận văn học đã chỉ ra ba cấp độ trong tiếp nhận văn học: - Người đọc tri giác, hiểu ngôn từ, tình tiết, cốt truyện, thể loại để có cảm nhận hình tượng trong sự toàn vẹn của các chi tiết, các liên hệ. - Người đọc tiếp xúc với ý đồ sáng tạo của người nghệ sĩ, thâm nhập vào hệ thống hình tượng như là sự kết tinh sâu sắc tư tưởng và tình cảm của tác giả. - Người đọc đưa hình tượng vào đời sống và kinh nghiệm riêng của mình để thể nghiệm, đồng cảm. Cuối cùng nâng cấp lí giải tác phẩm lên cấp quan niệm và tính hệ thống, hiểu được vị trí tác phẩm trong lịch sử văn hóa, tư tưởng, đời sống và truyền thống nghệ thuật. Ba cấp độ trên có điểm tương đồng với ba bước trong quá trình đọc hiểu văn bản và như vậy hiểu văn bản nghệ thuật là hiểu một kiểu văn bản. Tách việc hiểu văn bản nghệ thuật ra khỏi cái chung, khỏi hiểu văn bản là không hợp lí. Đồng thời những đặc trưng của văn bản nghệ thuật cũng cho ta thấy muốn hiểu nó, ngoài bước đi chung còn phải nắm bắt được các đặc điểm riêng của loại văn bản này. Vậy văn bản nghệ thuật là gì và chúng có đặc điểm nào? Văn bản văn học là một tổ chức nghệ thuật gồm từ, câu, đoạn tạo thành một thế giới nghệ thuật mang tính khái quát nhằm phản ánh đời sống và biểu hiện sự cảm nhận trước đời sống của tác giả, nhằm thức tỉnh những thái độ, tình cảm nhất định đối với thực tại đời sống thông qua việc xây dựng nhân vật, không gian, thời gian, qua việc sắp xếp các chi tiết để tạo thành bức tranh đời sống sinh động nhằm biểu hiện quan niệm nghệ thuật về con người của tác giả. Giữa văn bản nghệ thuật và văn bản có những điểm giống nhau: cả hai cùng có tính hoàn chỉnh trên cơ sở liên kết nội dung và hình thức; cả hai cùng nhằm mục đích thông tin; cả hai cùng dùng ngôn ngữ làm phương tiện biểu đạt. Nhưng trên cả ba điểm giống nhau này, giữa hai loại văn bản cũng có chỗ khác nhau: về nội dung thông tin, thông tin trong các văn bản nói chung là thông tin sự vật, hiển ngôn, còn trong văn bản nghệ thuật, tác giả phải tổ chức ngôn ngữ và gửi gắm thái độ của mình để tạo ra thông tin liên cá nhân và hàm ẩn. Về kết cấu, ở văn bản thông thường, kết cấu theo mẫu quy phạm và công chức, còn kết cấu trong văn bản nghệ thuật vô cùng đa dạng, tùy theo loại thể và sự sáng tạo của từng tác giả. Về ngôn ngữ, trong các văn bản khác, ngôn ngữ thường mang tính khái niệm, tính khoa học, tính chính xác và vì thế từ thường được dùng đơn nghĩa. Trong văn bản khoa học có nhiều thuật ngữ. Trong văn bản truyền thông và văn bản hành chính công vụ hay dùng các cụm từ cố định. Ngôn ngữ trong văn bản nghệ thuật mang tính đa nghĩa, tính biểu tượng, tượng trưng, gợi cảm. Chúng ta sẽ làm rõ hơn những sự khác nhau này khi chỉ ra một số đặc trưng của văn học. 1.4.1. Tính nhân văn của văn bản nghệ thuật “Văn học là nhân học”. Nội dung văn bản nghệ thuật chủ yếu nói về con người, tư tưởng, tình cảm, tâm hồn của con người. Dù nhà văn có quan tâm, có miêu tả hiện tượng nào của cuộc sống đi nữa, một cái cây, một cánh rừng, một ngôi chùa, một ngọn núi, một dòng sông, một đêm trăng, một đàn chim, một bầy cá… thì điều mà nhà văn tìm hiểu, điều làm họ ngạc nhiên, xúc động và muốn nói lên để người khác cũng quan tâm, ngạc nhiên, xúc động như mình không phải là bản thân các hiện tượng đó mà là mối liên hệ của chúng với con người, ý nghĩa cuộc sống của con người mà những hiện tượng đó thể hiện, cách nhìn, sự rung động của con người trước những hiện tượng cụ thể và trước cuộc sống. Vì vậy, đoạn văn, câu chuyện, bài thơ có nói về các con vật, về các loại cây… thì cũng là nói về con người. Mà con người thì giàu xúc động, giàu tình cảm và tình yêu. Cũng vì vậy, đích cuối cùng của dạy cảm thụ văn chương không chỉ là cho thấy bài văn đã ghi chép hiện thực gì mà trước hết phải cho thấy bài văn là kết quả của một hành động tự nhận thức, nơi bộc lộ những tình cảm, thái độ của nhà văn trước hiện thực. Không chú ý đến đặc trưng này, nhiều giáo viên đã dạy đọc hiểu văn chương như dạy một bài khoa học thường thức. Họ đem đến cho học sinh cỏ cây, rừng núi, còn nhân vật con người, lòng yêu cỏ cây, vạn vật của họ dường như chẳng bao giờ được động chạm đến. Có cô giáo đã củng cố dặn dò sau khi học bài “Đầm sen” (TV3): “Bài Đầm sen cho ta thấy sen là một thứ cây có nhiều ích lợi: nấu chè, ướp trà, gói cốm nên các em phải biết sử dụng và bảo vệ nó”. Học bài Hành trình của bầy ong (TV5 – T1) có cô giáo đã kết luận: “Bài thơ cho chúng ta biết những con ong rất chăm chỉ, chịu khó làm ra mật ong thơm ngon và bổ để phục vụ con người”. Còn những nghĩ suy của Nguyễn Đức Mậu về cuộc đời lao động cần cù lặng lẽ có ích của con người và có thể liên tưởng mở rộng đến cả lao động sáng tạo không mệt mỏi của người nghệ sĩ chẳng hề được nói đến. Thế thì sao gọi là đọc hiểu thơ. Gần đây trong một giờ thử nghiệm dạy bài Người đi săn và con vượn (câu chuyện của Lep Tônxtôi cho thấy tình mẫu tử đã từng lay động tâm can của biết bao người) thì một cô giáo đã kết luận: Vượn cũng là một loài vật có ích, hiền lành, không làm hại ai nên chúng ta không được giết chúng để bảo vệ môi sinh. 1.4.2. Tính chủ quan của văn bản nghệ thuật Tác phẩm văn chương là nơi người nghệ sĩ bày tỏ thái độ chủ quan của mình, nói lên ước mơ, khát vọng của mình về thế giới, về cuộc sống. Tác phẩm nghệ thuật “là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan”, là con đẻ tinh thần của nhà văn, là sự sáng tạo, là bản thông điệp để nhà văn gửi tâm tình của mình đến bạn đọc. Không nắm được đặc điểm “chủ quan” trong phản ánh, chúng ta đã có những sai lầm đáng tiếc khi dạy đọc văn. Không thấy tính chủ quan này, không hiểu rằng nhà văn đã nhìn thế giới theo lợi ích riêng của mình, theo tình cảm riêng của mình, có những giáo viên đã lấy thước do khoa học khách quan lạnh lùng để rọi vào văn, thậm chí có những nhận xét rất ấu trĩ. Ví dụ có người cho rằng trong câu “Nhựa ngọt, mùi thơm, khí ấm tràn trề” (Sau trận mưa rào – TV5, T1), Huygô nói “nhựa ngọt” (ở đây chỉ nhựa cây), Hồ Phương viết “Một màu xanh non ngọt ngào thơm mát trải ra trên khắp các sườn đồi” để tả đồi cỏ là không đúng vì nhựa cây và cỏ chỉ có vị nhân nhẩn đắng mà thôi (!). Họ quên mất rằng cỏ ở đây được nhìn dưới con mắt và lợi ích của anh Nhẫn – một người chăn bò. Mà nhờ cảm nhận của anh về cỏ như vậy, chúng ta biết anh Nhẫn yêu biết bao nhiêu đàn bò của mình, yêu biết bao nhiêu công việc chăn bò của mình. Chính tính chủ quan, đặc điểm tình cảm, cảm xúc này của tác phẩm nghệ thuật đòi hỏi khi tiếp nhận văn chương, học sinh không chỉ phải hiểu nội dung sự việc của văn bản mà còn phải nắm nội dung liên cá nhân, giá trị biểu hiện, chất trữ tình, tức là thái độ, tình cảm, sự đánh giá sự việc của tác giả, cái làm nên chức năng bộc lộ của văn bản. Không chú ý điều này chúng ta sẽ không hướng dẫn học sinh hiểu được nghĩa liên cá nhân của tác phẩm nghệ thuật. Cả một loạt bài tập đọc như Cây dừa, Cây xoài của ông em, Sầu riêng, Cây đa quê hương, Phượng, Cây gạo, Mùa thảo quả, Rừng phương Nam, Rừng hồi xứ Lạng… đã được dạy như một bộ sưu tập tìm hiểu tự nhiên. Giáo viên chỉ cho học sinh thấy những cây này, rừng này có gì khác cây kia, rừng nọ mà không cho thấy các tác giả đã chất chứa vào đó biết bao tình yêu và cảm xúc. Chẳng hạn với những câu “Rừng cây im lặng quá” (Rừng phương Nam – Đoàn Giỏi.TV4), “Mùa xuân cây gạo gọi đến bao nhiêu là chim” (Cây gạo – Vũ Tú Nam. TV3), các cô giáo thường nêu câu hỏi: Rừng phương Nam như thế nào?” (Đáp án: Rừng phương Nam rất yên tĩnh), “Mùa xuân, cây gạo như thế nào?”(Đáp án: Mùa xuân, cây gạo có rất nhiều chim). Hỏi như thế không sai nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì đọc văn bản nào có khác gì đọc các văn bản khoa học. Như thế có nghĩa là bao nhiêu cách nói của văn chương lại bị đưa về cách nói thường, không văn chương, có nghĩa là giáo viên chỉ đem đến học sinh bộ xương khô khốc, vô hồn, còn những da thịt tốt lành, đẹp đẽ, cái làm cho bài văn khác một bản tin, một bản báo cáo khoa học thì đã bị rũ bỏ sạch. Trong khi đó, biết bao yêu thương và cảm xúc với rừng phương Nam đã được chất chứa trong một từ “im lặng” (chỉ người mới im lặng còn rừng thì yên tĩnh), biết bao yêu thương và cảm xúc với cây gạo được chất chứa trong một từ “gọi”(cây gạo như một con người biết gọi, biết mời mọc chim chóc đến bằng vẻ đẹp của mình). Với những từ im lặng và gọi thật bình thường, hai nhà văn đã thả hồn cho rừng, cho cây, coi chúng như những con người gần gũi và đáng yêu. 1.4.3. Tính biểu trưng, hình tượng, độc đáo khác thường của văn bản nghệ thuật Như đi trong vũ ba lê bằng đầu ngón chân chứ không đi bằng bàn chân như trong đời thường, văn chương phản ánh cuộc sống bằng hình tượng, nó đi tìm cho mình một ngôn ngữ riêng, một cách thể hiện riêng, một cách thức “kí mã” riêng khác với đời thường và khác với các nghệ thuật khác. Chính vì vậy khi tiếp nhận văn chương, học sinh phải tiếp nhận khác với lôgic thông tục của đời thường. Đó là năng lực biết nghe được, đọc được những gì ẩn dưới những chuỗi âm thanh, ẩn dưới các dòng chữ hay chính là năng lực giải mã nghệ thuật. Để giải mã văn chương, phải chú trọng các đặc điểm diễn đạt hàm ẩn, cách nói biểu trưng, tính đa nghĩa, những cách nói hướng đến “gây ấn tượng” khác với ngôn ngữ đời thường. Nếu chỉ biết tư duy “thật thà” theo lối đời thường, ta không thể hiểu được văn. Để giải mã văn chương, phải chú trọng các đặc điểm diễn đạt hàm ẩn, cách nói biểu trưng, tính đa nghĩa, những cách nói hướng đến “gây ấn tượng” khác với ngôn ngữ đời thường. Nếu chỉ biết tư duy “thật thà” theo lối đời thường, ta không thể hiểu được văn. Chẳng hạn khi đọc hai câu thơ “ Con xót lòng mẹ hái trái bưởi đào, Con nhạt miệng có canh tôm nấu khế”, có giáo viên và học sinh thắc mắc tại sao xót lòng lại cho ăn bưởi, như thế chỉ làm cho xót lòng thêm. Trong khi đó, lẽ ra cần phải hiểu rằng hai câu thơ đứng cạnh nhau thường cộng hưởng để nói một cách vừa hình ảnh, cụ thể vừa khái quát một điểu : mẹ lúc nào cũng sẵn sàng chăm sóc con, lo lắng cho con, sẵn sàng làm tất cả những gì con cần. Tương tự như vậy, có người đã thắc mắc, cho rằng Nguyễn Trọng Tạo không thực tế khi viết “ Bề lo sương táp bề phòng chim ăn” (trong bài Quả ngọt cuối mùa) vì chim không ăn cam. Trách như thế là chưa hiểu cách nói của văn chương : Đó chỉ là mượn một hình ảnh để nói chân lý : để giữ lại quả cam cuối mùa vượt thời gian dành phần cho con cháu, người mẹ, người bà ở đây đã phải chống chọi với bao lực lượng thù địch. Và còn một tầng nghĩa nữa sâu xa hơn có thể gợi lên trong suy ngĩ của ai đó : nếu thời gian là liều thuốc thần kì nhất chữa lành bao vết thương đau thì thời gian chính là lực lượng tàn phá hủ diệt ghê gớm nhất. Mẹ già như trái chín cây, như quả cuối mùa, cần phải chống chọi vượt thời gian để giữ được cái thảo thơm của mình dành cho con cháu mãi. Nếu bắt bẻ chuyện chim có ăn cam không làm sao hiểu được hình ảnh thơ vừa thực vừa tượng trưng : Bà như quả chuối chín rồi Càng thêm tuổi tác càng tươi lòng vàng. Rồi cũng như vậy, có người phát biểu còn không nên chọn bài Cái trống trường em của Thanh Hào (TV2 – CT 165 tuần và 2000) vì có chi tiết sai thực tế ở câu thơ “Trống nằm ngẫm nghĩ” mà trống chỉ đứng chứ không nằm. Nói như thế cũng chưa hiểu hết các tư thế treo trống, đặt trống hiện nay ở trong trường học. Nhưng điều đáng nói hơn ở đây là, nói thế là chưa bàn trúng chỗ có văn. Trong câu thơ này, trống đứng, trống nằm đêù không quan trọng. Điều quan trọng là trống “ngẫm nghĩ” – ở đây ám chỉ trống biết suy tư, trống buồn là vì “suốt ba tháng hè” các bạn học sinh nghỉ ở nhà không đi học. Thanh Hào nói chuyện với cái trống, nỗi buồn vui của cái trống để nói lòng yêu trường lớp, nói niềm vui lại được đến trường của các bạn học sinh. Trở lại một ví dụ ở trên, khi Huygo nói về nhựa cây, Hồ Phương nói về cỏ, họ không định đem đến cho chúng ta một mục trong từ điển bách khoa toàn thư về vị của chúng. Họ nói cây và cỏ để nói về lòng yêu thiết tha vạn vật và sự sống, yêu thiết tha công việc của mình. 1.4.4. Văn bản nghệ thuật – nghệ thuật của ngôn từ Văn chương là nghệ thuật của ngôn từ. Nhờ chất liệu ngôn ngữ mà chất nhân văn, tính hình tượng, tính cảm xúc và độc đáo của văn chương còn có những sắc thái riêng mà các nghệ thuật khác không có. Ngôn ngữ văn chương phải chau chuốt, cô đọng, hàm xúc, có tính biểu cảm, tính hình ảnh. Nếu không, nghĩa, tình, lí của văn chương chỉ sẽ là một nắm xương khô. Một tác phẩm văn học có giá trị phải là sự hài hòa của nội dung và hình thức, tình ý chan chứa mà lời lẽ phải dạt dào. Vì vậy, ngoài việc giải mã nghĩa, lí, tình, dạy đọc hiểu văn bản văn chương còn phải cho học sinh tiếp nhận được vẻ đẹp của ngôn từ, vẻ đẹp của cách nói văn chương, khả năng phát hiện được tín hiệu nghệ thuật, và cao hơn nữa là cho các em đánh giá được giá trị của các tín hiệu nghệ thuật trong việc biểu đạt nội dung. Đây cũng chính là nội dung dạy cảm thụ văn học ở trường tiểu học. Sự thống nhất giữa nội dung và hình thức không chỉ hiện ra trong toàn bộ văn bản mà ngay trong từng yếu tố, từng cấp độ của văn bản ở trên tất cả các bình diện: từ vựng, ngữ nghĩa, ngữ pháp. Việc tìm hiểu tác phẩm văn học phải bắt đầu từ việc khám phá văn bản ngôn từ của nó. Không có chìa khóa để mở cánh cửa đi vào cấu trúc ngôn từ của tác phẩm thì chúng ta chỉ có thể đứng ngoài ngôi nhà của văn chương. a). Nói về hình thức của tác phẩm, trước hết đó là phương diện âm thanh, nhạc tính. Nó có vai trò không nhỏ trong tác phẩm văn chương, nhất là trong thơ. Chính âm thanh, nhạc tính đã góp phần rõ rệt để tạo ra giọng văn, giọng thơ mà chúng ta đã có dịp nói đến ở phần đọc diễn cảm. Cũng chính vì vậy, đọc diễn cảm sẽ trở thành một biện pháp để bồi dưỡng năng lực cảm thụ văn học cho học sinh. Đọc diễn cảm sẽ giúp các em tái sản sinh tác phẩm nghệ thuật, để cho các dòng chữ được vang lên. Vì vậy có những bài tập đọc ở tiểu học chỉ cần để học sinh trực tiếp cảm thụ bằng chính giọng đọc, bằng chính nhạc thơ. Nó sẽ giúp HS nâng cao khả năng cảm xúc thẩm mĩ và kích thích các em khám phá cái hay, cái đẹp của văn chương. Tất nhiên những yếu tố âm thanh không tồn tại một cách cô lập mà gắn với hình ảnh, ý nghĩa do lời nói tạo nên. b. Tiếp đó là phương diện từ vựng(1) . Từ ngữ trong văn bản văn chương thường mang tính gợi tả, gợi cảm, chúng “đi lại”, “nhảy nhót” trong tác phẩm. Chính vì thế, trong các bài miêu tả, lớp từ láy được sử dụng rất nhiều. Nhờ có lớp từ tượng hình, tượng thanh mà cảnh người, vật đang gồng gánh hàng họ đi chợ được tả thật là sinh động, hối hả, nhộn nhịp. Một đặc điểm của ngôn ngữ nghệ thuật là sử dụng nhiều biện pháp tu từ. Các biện pháp tư từ thường được sử dụng trong các bài tập đọc ở tiểu học là so sánh, ẩn dụ (so sánh ngầm), hoán dụ, nhân hóa, hòa hợp. Từ những so sánh tả vẻ đẹp của cây dừa với những “Quả dừa – đàn lợn con nằm trên cao”, “Tàu dừa – chiếc lược chải vào mây xanh” để ngợi ca làng quê đất Việt đẹp đẽ, yên bình đến cách so sánh “Con nằm trên lưng là mặt trời của mẹ” trong những câu thơ: Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi Mặt trời của mẹ con nằm trên lưng. (Khúc hát ru – Nguyễn Khoa Điềm – TV4) cho thấy người mẹ đã coi con là mặt trời, là sự sống, là lẽ sống của mình. Có lẽ khó mà tìm được một cách nói nào thể hiện được ý nghĩa của đứa con với cuộc sống của người mẹ, khó mà có cách nói nào nói được lòng mẹ yêu con vô cùng vô tận đến như thế. Cả một loạt so sánh được Ngô Văn Phú sử dụng tả cây rau khúc và chiếc bánh khúc trong bài Chõ bánh khúc của dì tôi (TV3- Tập 1) cho thấy vẻ đẹp của cây rau khúc, sự hấp dẫn của chiếc bánh khúc, trong nó có cả làng quê, hương đồng cỏ nội thật là thú vị. Cây rau khúc rất nhỏ, chỉ bằng một mầm cỏ non mới nhú. Lá rau như mạ bạc, trông như được phủ một lượt tuyết cực mỏng. Những hạt sương sớm đọng trên lá long lanh như những bóng đèn pha lê. ... Những chiếc bánh màu rêu xanh lấp ló trong áo xôi nếp trắng được đặt vào những miếng là chuối hơ qua lửa thật mềm, trông đẹp như những bông hoa. Nhân bánh là một viên đậu xanh giã nhỏ vàng ươm, xen một thỏi mỡ xinh xắn, pha hạt tiêu. Cắn một miếng bánh thì như thấy cả hương đồng, cỏ nội gói vào trong đó. Không giải mã được biện pháp ẩn dụ, ta không thể hướng dẫn học sinh tìm hiều được các bài tập đọc Dừa ơi, Tre Việt Nam, Hành trình của bầy ong, Gửi các vì sao, Ngày em vào đội,... Những cách dùng từ đặc sắc cùng với các biện pháp tu từ đã làm cho lớp ngôn từ nghệ thuật kết lại thành những hình ảnh văn chương lung linh màu sắc tạo nên vẻ đẹp của phần Tập đọc trong bộ SGK tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5. Đó là những hình ảnh “Cọ xoè ô che nắng” rất dễ thương làm râm mát đường em đi học trong bài “Đi học”, hình ảnh “Ngọn tre cong gọng vó. Kéo mặt trời lên cao.” (Luỹ tre) gây ấn tượng bởi sự liên tưởng độc đáo, thú vị. Rồi những “Long lanh lưỡi hái liếm ngang chân trời” (Tiếng hát mùa gặt) cho thấy hình ảnh con người lao động đứng ở tư thế ngang tầm trời đất; “Trời thu thay áo mới. Trong biếc nói cười thiết tha” làm hiện lên gương mặt một đất nước mới dạt dào niềm vui say đắm vì được làm chủ vận mệnh của mình. Rồi “Mái chèo khua bóng núi rung rinh” mới thể hiện được sự xao động của lòng người khi đi thuyền trên hồ Ba Bể cùng với những hình ảnh tượng trưng “Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh” nói về sức sống, sự trường tồn của dân tộc Việt Nam,… c. Về phương diện cú pháp, trước hết nhờ từ ngữ mang nghĩa biểu trưng, mà tác phẩm văn học thường có những cách kết hợp từ bất bình thường, gây ấn tượng, không hề có trong ngôn ngữ đời thường kiểu như: “Sắc màu Việt Nam” (Sắc màu em yêu) “Mùi vị quê hương” (Tình quê hương), “Khúc hát ngọt ngào”, “Tiếng hót làm xanh da trời” (Con chim chiền chiện), “Đôi cánh đẫm nắng trời” (Hành trình của bầy ong). Cấu trúc ngữ pháp thơ không phải lúc nào cũng như cú pháp lời nói thường. Lời thơ được nén lại, nên nhiều khi muốn giải mã câu thơ phải thêm từ ngữ để lấp đầy. Không hiểu đặc điểm cú pháp của thơ, nhiều GV đã không cắt nghĩa đúng. Có cô giáo đã giải nghĩa, “Gió về đưa hương lạ” (Chùm hoa giẻ) là “Gió đưa về một mùi hương không quen”, trong lúc câu thơ phải được hiểu “gió về mang theo mùi hương thơm đến lạ lùng”. Có cô giáo đã dùng rất nhiều lời lẽ, cả hình ảnh trực quan để giải nghĩa “dáng ân cần” trong câu thơ “Nhớ dáng mẹ ân cần mà lặng lẽ” (Mẹ) là cái dáng như thế nào, trong lúc từ ân cần không phải dùng để tả dáng dấp bề ngoài mà câu thơ phải được hiểu “Nhớ dáng mẹ, sự chăm sóc của mẹ…tất cả đều toát ra vẻ ân cần”. Bàn về cú pháp văn chương cần chú ý đến các biện pháp tu từ cú pháp như điệp ngữ, đảo ngữ. Chúng có giá trị nhấn mạnh, gây ấn tượng về sự vật, hiện tượng và cảm xúc. Chẳng hạn, đoạn văn “thoắt cái lá vàng rơi trong khoảnh khắc mùa thu. Thoắt cái trắng long lanh một cơn mưa tuyết trên những cành đào, lê, mận. Thoắt cái, gió xuân hây hẩy nồng nàn với những bông hoa lay ơn màu nhung hiếm quý (Đường đi Sa Pa) có điệp kiểu câu cùng với điệp từ “Thoắt cái” nên đã nhấn mạnh được sự biến đổi mau lẹ và lạ kì của thời tiết và cảnh vật Sa Pa. Cấu trúc câu với trạng ngữ “Ở mảnh đấy ấy” được lặp lại nhiều lần trong đoạn 2 bài Tình quê hương đã nhấn mạnh được sự dồn dập trở về không dứt trong kí ức của những kỉ niệm đã diễn ra trên mảnh đất quê hương, khẳng định một điều là tất cả những gì đã diễn ra trên mảnh đất quê mình tác giả không bao giờ quên được. Biện pháp điệp từ “có” trong khổ thơ đầu của bài thơ Hạt gạo làng ta (TV5) : Hạt gạo làng ta Có vị phù sa của sông Kinh Thầy Có hương sen thơm trong hồ nước đầy Có lời mẹ hát ngọt bùi hôm nay. cho thấy trong hạt gạo chất chứa bao nhiêu tinh tuý của đất trời và sức lao động của con người. d. Nói đến nghệ thuật ngôn từ, nhiều bài văn, bài thơ lại có thành công đặc sắc ở lập luận, cấu tứ. Một đoạn thơ ngắn Nhớ Việt Bắc cũng có cấu trúc rất chặt chẽ với một câu tự nghĩa đầu tiên nêu ý khái quát tạo cho khổ thơ có lập luận diễn dịch “Ta về mình có nhớ ta, Ta về ta nhớ những hoa cùng người.” Hoa ở đây là cảnh Việt Bắc, người ở đây là người Việt Bắc được tất cả các câu còn lại của đoạn thơ theo từng cặp lục bát sóng đôi láy đi láy lại mãi : câu lục nhớ về cảnh Việt Bắc, câu bát nói về người Việt Bắc cùng với điệp từ nhớ, cứ thế cảnh với người, người cảnh điệp lại miên man không dứt trong nỗi nhớ. Ba khổ thơ trong bài Con chim chiền chiện (TV2) cũng được viết rất chặt chẽ : khổ thơ nào cũng dùng hai câu để nói về dáng bay và hai câu nói về giọng hót của con chim sơn ca này. Nhưng khổ thơ sau không phải là sự lặp lại mà phát triển thành khổ thơ trước : đã bay cao càng cao hơn : “bay vút vút cao” đến “chim bay chim sà” và cuối cùng “bay cao cao vút” tiếng hót đã hay càng hay hơn : “Khúc hát ngọt ngào” đến “Chan chứa lời chim ca” và cuối cùng hay đến gây bất thường, đến mức nghe tiếng chim hót ta tưởng như trời xanh hơn, đẹp hơn lên “Tiếng hót làm xanh da trời”. Những bài như Vẽ quê hương, Nghệ nhân Bát Tràng cùng có một điểm chung về cấu tứ : Vừa ca ngợi bức vẽ đẹp, ca ngợi tài hoa của người vẽ - một nghệ sĩ tí hon hay một nghệ nhân, đồng thời ca ngợi vẻ đẹp của quê hương đất nước - nguồn đề tài vô tận của những nghệ sĩ này. Câu thơ “Chị ơi bức tranh. Quê ta đẹp quá!” (Vẽ quê hương) là tiếng reo vui vì biết vẽ và vì sự bất ngờ về vẻ đẹp của quê hương. Còn những gì được khắc lên đất cao lanh “nở đầy sắc hoa” trên đồ gốm Bát Tràng như “cánh cò bay lả bay la”, “luỹ tre đầu xóm”, “cây đa giữa đình”, “con đò lá trúc”, “trái mơ tròn trĩnh”, “quả bóng đung đưa” (Nghệ nhân Bát Tràng) ... đều là hình ảnh thân thương, tươi đẹp của làng quê Việt Nam. Với bài Sắc màu em yêu, Phạm Đình Ân (TV5 – T1) cũng đã tìm được một cách nói sáng tạo, mới mẻ để viết về Tổ quốc, nhân dân. Tác giả đã ngắm nhìn, soi xét, mong muốn từ góc độ của sắc màu : màu đỏ như máu trong tim, như lá cờ Tổ quốc, như khăn quàng đội viên. Rồi đến màu xanh, màu trắng, màu nâu...để cho bài thơ từ từ hiện lên một Tổ quốc gần gũi thân yêu cùng với em bé với những người thân trong gia đình của em là bà, mẹ và chị. Bài Việt Nam của Lê Anh Xuân và Đất nước của Nguyễn Đình Thi đều chọn cấu từ theo hai trục không gian và thời gian để nói về đất nước tươi đẹp và truyền thống của cha ông. Có những bài, đoạn chọn cấu trúc tổng – phân - hợp như Nghe thầy đọc thơ với hình ảnh khái quát ở hai câu đầu “Tiếng thơ đỏ nắng xanh cây” rồi một loạt câu làm rõ ý “nắng đỏ, cây xanh” như thế nào để kết luận, nhắc lại chính ý ban đầu : “Nghe thơ em thấy đất trời đẹp hơn”. Nhờ thế cả bài thơ đã nói một cách hình ảnh sức tác động ghê gớm về tiếng thơ của thầy : chính những lời thầy dạy làm thay đổi cả thế giới xung quanh em, đánh thức em phát hiện ra bao điều đẹp đẽ của cuộc sống quanh mình. Có những bài chọn cách lập luận cộng hưởng từng phần, từng đoạn như Mùa thảo quả ta có dịp nói đến ở trên, có bài chọn trục không gian mà đi suốt sáng, trưa, chiều, tối như Một ngày ở Đê Ba. Có bài lại chọn cách lập luận đối lập giữa các đoạn như bài Sầu riêng, nhấn vào cái tầm thường của vẻ ngoài sầu riêng – cây, cành, lá : Đứng ngắm cây sầu riêng, tôi cứ nghĩ mãi về cái dáng của giống cây kì lạ này. Thân nó khẳng khiu, cao vút, cành ngay thẳng đuột, thiếu cái dáng cong, dáng nghiêng, chiều quằn, chiều lượn của cây xoài, cây nhãn. Lá nhỏ xanh vàng, hơi khép lại, tưởng như lá héo để làm nổi bật hơn, làm người đọc bị bất ngờ hơn bởi hương vị diệu kì, say lòng người của quả sầu riêng. Những bài văn như Tình quê hương, Rừng cọ quê tôi…cũng được các tác giả dồn sức nhiều cho mạch ý : chặt chẽ, toàn diện, dồn nén và tăng tiến, làm cho chủ đề triển khai đầy đủ và phát triển vẹn toàn. e. Vấn đề bút pháp thường ít được nhắc đến khi bàn về dạy đọc hiểu ở Tiểu học. Dù vậy, nhiều khi sự quan tâm đến bút pháp sẽ giúp chúng ta tháo gỡ những vướng mắc khi đọc hiểu một cách dễ dàng hơn. Chẳng hạn, chú trọng đến mạch ẩn dụ xuyên suốt từng bài Gửi các vì sao, Hành trình bầy ong, Vào hè, Dừa ơi, Tre Việt Nam, ta mới không dạy Gửi các vì sao như một bài tả cảnh trời đêm. Bài Hành trình bầy ong không thể dừng lại ở chuyện những con ong chăm chỉ, có ích và cũng không dạy như một truyện ngụ ngôn như dạy bài “Con cáo và tổ ong”. Ta sẽ không dạy Vào hè như bài “Mùa hè” mặc dù đề tài nghe qua có vẻ giống nhau. Ta sẽ không dạy Dừa ơi như bài “Cây dừa”, không dạy Tre Việt Nam như bài “Luỹ tre”, vì “Dừa ơi” là chuyện về quê nội, về đồng bài miền Nam, “Tre Việt Nam” là chuyện về dân tộc Việt. Ví dụ, để tìm hiểu bài Tre Việt Nam, ngay từ đầu ta phải giải mã ẩn dụ này, tìm cho được vế so sánh còn ẩn chìm ở dưới để không mắc sai lầm vụng về như một cô giáo nọ ghi một mục đề lên bảng “Các đặc điểm của tre”, “Tre có đặc điểm gì nữa” để cho HS trả lời đưa ra những kết hợp từ phi lí như “Tre cần cù, chăm chì”, “Tre đoàn kết”, “Tre bất khuất”. Vì thế mà làm thô thiển, không giải mã được bài thơ có chiều sâu triết lí chứa đựng biết bao xao động, ngỡ ngàng, phát hiện lắng sâu trong suy tư của Nguyễn Duy về dân tộc Việt. 2. Cơ sở thực tiễn của việc dạy đọc hiểu cho học sinh tiểu học 2.1. Khảo sát chương trình SGK Tiếng Việt lớp 5 2.1.1. Hệ thống các bài văn miêu tả trong chương trình Tiếng Việt lớp 5 - Trong chương trình Tiếng Việt lớp 5, mỗi tuần có 2 tiết tập đọc. Toàn bộ chương trình xoay quanh 10 chủ đề sau: 1) Việt Nam – Tổ quốc tôi 2) Cánh chim hòa bình 3) Con người với thiên nhiên 4) Giữ lấy màu xanh 5) Vì hạnh phúc con người 6) Người công dân 7) Vì cuộc sống hòa bình 8) Nhớ nguồn 9) Nam và nữ 10) Những chủ nhân tương lai của đất nước - Những bài văn miêu tả trong chương trình tập đọc lớp 5 là: STT TÊN BÀI CHỦ ĐIỂM TRANG 1 Quang cảnh làng mạc ngày mùa Việt Nam Tổ quốc em 10 2 Một chuyên gia máy xúc Cánh chim hòa bình 45 3 Kì diệu rừng xanh Con người với thiên nhiên 75 4 Đất Cà Mau Con người với thiên nhiên 89 5 Chuyện một khu vườn nhỏ Giữ lấy màu xanh 102 6 Mùa thảo quả Giữ lấy màu xanh 113 7 Phong cảnh đền Hùng Nhớ nguồn 68 8 Hội thổi cơm thi ở Đồng Vân Nhớ nguồn 83 9 Tranh làng Hồ Nhớ nguồn 88 10 Tà áo dài Việt Nam Nam và nữ 122 2.1.2. Các dạng bài tập luyện đọc hiểu Kĩ năng đọc hiểu được hình thành qua việc thực hiện một hệ thống bài tập. Những bài tập này xác định đích của việc đọc, đồng thời cũng là những phương tiện để đạt được sự thông hiểu văn bản của học sinh. Có nhiều các phân loại hệ thống bài tập: - Phân loại theo các bước lên lớp, ta có bài tập kiểm tra bài cũ, bài tập luyện tập, bài tập củng cố, bài tập kiểm tra đánh giá. - Phân loại theo hình thức thực hiện: bài tập trả lời miệng, bài tập trải lời viết (tự luận), bài tập thực hành đọc, bài tập trắc nghiệm khách quan. - Phân loại theo mức độ tính độc lập của học sinh, tức là xét đặc điểm hoạt động của học sinh khi giải bài tập, nhất là xét tính độc lập làm việc, ta thấy có những bài tập chỉ yêu cầu học sinh tái hiện chi tiết, có bài tập yêu cầu học sinh giải thích, cắt nghĩa, có bài tập yêu cầu học sinh bàn luận, phát biểu ý kiến chủ quan, sự đánh giá của minh, đòi hỏi học sinh phải làm việc sáng tạo. Theo các chia này có thể gọi tên các bài tập: bài tập tái hiện, bài tập cắt nghĩa, bài tập phản hồi (sáng tạo). - Phân loại theo đối tượng thực hiện bài tập: có bài tập cho cả lớp làm chung, có bài tập dành cho nhóm học sinh, có bài tập dành cho cá nhân, có bài tập cho học sinh đại trà, có bài tập cho học sinh yếu, có bài tập cho học sinh khá, giỏi. Sau đây là các kiểu dạng bài tập dạy đọc hiểu xem xét từ góc độ nội dung: Dựa vào mục đích, nội dung dạy học, các công việc cần làm để tổ chức quá trình đọc hiểu và cách thức hoạt động của học sinh khi giải bài tập, ta có thể phân loại các bài tập (bao gồm cả các câu hỏi) thành các kiểu dạng. Có thể kể ra một số kiểu dạng bài tập đọc hiểu như sau: a. Nhóm bài tập có tính chất nhận diện, tái hiện ngôn ngữ của văn bản Nhóm bài tập này yêu cầu tính làm việc độc lập của học sinh chưa cao. Học sinh chỉ cần nhận diện, ghi nhớ, phát hiện ra các từ ngữ, câu, đoạn, hình ảnh, chi tiết của văn bản. Nhóm này có những kiểu bài tập sau: a1. Bài tập yêu cầu học sinh xác định đề tài của bài Ví dụ: - Dáng vẻ của A-lếch-xây có gì đặc biệt khiến anh Thủy chú ý? (Một chuyên gia máy xúc – TV5 tập 1) - Bé Thu thích ra ban công để làm gì? (Chuyện một khu vườn nhỏ – TV5 tập 1) a2. Bài tập yêu cầu học sinh phát hiện ra các từ ngữ, chi tiết, hình ảnh của bài. Ví dụ: - Mỗi loài cây trên ban công nhà bé Thu có những đặc điểm gì nổi bật? (Chuyện một khu vườn nhỏ – TV5 tập 1) - Tìm những chi tiết cho thấy cây thảo quả phát triển rất nhanh. (Mùa thảo quả – TV5 tập 1) - Tìm những từ ngữ miêu tả cảnh đẹp của thiên nhiên nơi đền Hùng. (Phong cảnh đền Hùng – TV5 tập 2) a3. Bài tập yêu cầu học sinh phát hiện ra nhũng câu quan trọng của bài. Ví dụ: Câu nào thể hiện sự đánh giá của tác giả đối với tranh làng Hồ? (Tranh làng Hồ – TV5 tập 2) a.4. Bài tập yêu cầu học sinh phát hiện ra đoạn thường có dạng: bài này gồm mấy đoạn ? Mỗi đoạn tằ đâu đến đâu? Ví dụ: Bài văn trên gồm có mấy đoạn? (Đất Cà Mau – TV5 tập 1) b. Nhóm bài tập là rõ nghĩa của ngôn ngữ văn bản Đây chính là nhóm bài tập yêu cầu giải nghĩa từ, làm rõ nghĩa của từ, ngữ, câu, đoạn, bài, hình ảnh, chi tiết. Những bài tập này yêu cầu học sinh phải có thao tác cắt nghĩa, biết khái quát hóa và suy ý để rút ra được các ý nghĩa của các đơn vị trong văn bản (hoặc trong tác phẩm). b1. Bài tập yêu cầu giải nghĩa từ ngữ Ví dụ: Hãy chọn một từ chỉ màu vàng trong bài và cho biết từ đó gợi cho em cảm giác gì ? (Quang cảnh làng mạc ngày mùa – TV5 tập 1) b2. Bài tập yêu cầu là rõ nghĩa, ý nghĩa của các câu, đoạn, chi tiết hình ảnh. Ví dụ: Em hiểu câu ca dao sau như thế nào? “Dù ai đi ngược về xuôi Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba.” (Phong cảnh đền Hùng – TV5 tập 2) b3. Bài tập tìm đại ý, nội dung chính của bài Ví dụ - Bài văn thể hiện tình cảm gì của tác giả đối với quê hương ? (Quang cảnh làng mạc ngày mùa – TV5 tập 1) c. Nhóm bài tập hồi đáp Đây là nhóm bài tập đọc hiểu yêu cầu tính độc lập làm việc của học sinh cao nhất. Những bài tập này yêu cầu học sinh nêu nhận xét, đánh giá, bình giá của mình về nội dung, nghệ thuật của văn bản. Những bài tập hồi đáp cũng cho thấy văn bản được đọc đã tác động đến học sinh như thế nào, các em học tập được gì từ nội dung và hình thức, nghệ thuật của văn bản. Những bài tập hồi đáp bao gồm: c1. Nhóm bài tập bình giá về nội dung văn bản Những bài tập này nhằm làm rõ đích của văn bản, hướng học sinh rút ra những bài học bổ ích sau khi đọc văn bản, biết liên hệ với bản thân minh f để có thái độ, hành động, tình cảm đúng đắn. Ví dụ: Em có cảm nhận gì về vẻ đẹp của người phụ nữ trong tà áo dài ? (Tà áo dài Việt Nam – TV5 tập 2) c2. Nhóm bài tập yêu cầu làm rõ, bình giá về nghệ thuật của văn bản Đây là những bài tập yêu cầu học sinh chỉ ra cái hay của việc dùng từ, giá trị của từ ngữ, biện pháp tu từ, hình ảnh trong những bài thơ, bài văn miêu tả. 2.2. Những khó khăn mà giáo viên và học sinh thường gặp trong việc dạy đọc hiểu văn miêu tả lớp 5. Trong quá trình dạy bài đọc hiểu văn miêu tả cho học sinh, nhiều giáo viên tiểu học vì quá coi trọng việc luyện đọc thanh tiếng cho học sinh mà có thể lướt qua khâu đọc hiểu. Trong khi lượng thời gian chỉ có 35-40 phút/tiết, nếu không có sự phân chia hợp lí thì rất có thể dẫn đến tình trạng là học sinh sau khi được luyện đọc thành tiếng và chuyển sang đọc hiểu thì không còn nhiều thời gian. Giáo viên nêu câu hỏi rồi trả lời luôn (tiết kiệm thời gian). Như thế học sinh sẽ không độc lập suy nghĩ để tìm được ý nghĩa của bài. Một khó khăn nữa là có nhiều giáo viên còn hạn chế về trình độ sư phạm, nhất là đối với những giáo viên vùng cao – họ chỉ học lớp cấp tốc rồi đi dạy luôn. vì thế phần nào kiến thức của họ bị hạn chế. Cho nên trong việc dạy đọc hiểu có khi họ lại không hiểu đúng ý của văn bản dẫn đến giảng sai cho học sinh. Chẳng hạn: có giáo viên giải thích “Dòng sông quanh co là dòng sông quặt qua quặt lại”, “Nhấp nhô là giơ lên tụt xuống”... Đối với học sinh, những lỗi mà các em thường gặp phải là: vốn từ ngữ của các em còn thiếu nên các em gặp khó khăn trong việc giải nghĩa từ. Tâm lí các em học sinh thường thích đọc thành tiếng hơn là đọc hiểu, nhất là với những bài thơ. Một nguyên nhân khách quan nữa là hệ thống câu hỏi trong sách giáo khoa, có những câu hỏi không rõ nghĩa dẫn đến khó khăn cho việc học sinh tìm hiểu bài học. III. NHỮNG ĐIỀU CHỈNH NHẰM GIÚP RÈN KĨ NĂNG ĐỌC HIỂU VĂN MIÊU TẢ CHO HỌC SINH LỚP 5 1. Lưu ý để điều chỉnh trên một số bài văn miêu tả lớp 5 Hướng dẫn học sinh luyện đọc hiểu qua một số bài văn miêu tả lớp 5. Bài: Một chuyên gia máy xúc – TV5 tập 1 - Anh Thủy gặp anh A-lếch-xây ở đâu? Anh Thủy gặp A-lếch-xây ở một công trường xây dựng - Dáng vẻ của A-lếch-xây có gì đặc biệt khiến anh Thủy chú ý? Nên sửa câu hỏi như sau: Em hãy tìm những từ ngữ miêu tả dáng vẻ của A-lếch-xây. Các từ ngữ miêu tả dáng vẻ của A-lếch-xây là: Vóc người cao lớn; mái tóc vàng óng ửng lên như một mảng nắng; thân hình chắc và khỏe trong bộ áo xanh công nhân; khôn mặt to, chất phác. Bài: Kì diệu rừng xanh – TV5 tập 1 - Những cây nấm rừng đã khiến tác giả có những liên tưởng thú vị? Tác giả thấy vạt nấm rừng như một thành phố nấm; mỗi chiếc nấm như một lâu đài kiến trúc tân kì; bản thân mình như một người khổng lồ đi lạc vào kinh đô của vương quốc những người tí hon với nhũng đền đài, miếu mạo, cung điện lúp xúp dưới chân. - Những muông thú trong bài được miêu tả như thế nào? Những con vượn bạc má ôm con gòn ghẽ chuyền nhanh như tia chớp. Những con chồn sóc với chùm lông đuôi to đẹp vút qua không kịp đưa mắt nhìn theo. Những con mang vàng đang an cỏ non, những chiếc chân vàng giẫm trên thảm lá vàng. - Vì sao rừng khộp được gọi là “giang sơn vàng rợi”? Rừng khộp được gọi là giang sơn vàng rợi vì có sự phối hợp của rất nhiều sắc vàng trong một không gian rộng lớn. - Hãy nêu cảm nghĩ của em khi đọc đoạn văn trên. Đoạn văn giúp em thấy yêu mến hơn những cánh rừng và mong muốn tất cả mọi người hãy bảo vệ vẻ đẹp tự nhiên của rừng. Bài : Đất Cà Mau - Mưa ở Cà Mau có gì khác thường? Mưa ở Cà Mau là mưa dông: rất đột ngột, dữ dội nhưng chóng tạnh. - Cây cối trên đất Cà Mau mọc ra sao? Cây cối mọc thành chòm, thành rặng: rễ dài, cắm sâu vào lòng đất để chống chọi được với thời tiết khắc ghiệt. - Người Cà Mau dựng nhà cửa như thế nào? Nhà cửa dựng dọc những bờ kên, dưới những hàng đước xanh rì; từ nhà nọ sang nhà kia phải leo trên cầu bằng thân cây đước. - Người dân Cà Mau có tính cách như thế nào? Người Cà Mau thông minh, giàu nghị lực, thượng võ, thích kể và thích nghe những chuyện kì lạ về sức mạnh và trí thông minh của con người. Bài: Chuyện một khu vườn nhỏ – TV 5 tập 1 - Bé Thu thích ra ban công để làm gì? Bé Thu thích ra ban công để được ngắm nhìn cây cối; nghe ông kể chuyện về từng loài cây trồng ở ban công. - Mỗi loài cây trên ban công nhà bé Thu có những đặc điểm gì nổi bật? Cây quỳnh – lá dày, giữ được nước, cây hoa ti gôn thò những cái râu, theo gió ngọ nguậy như những cái vòi voi bé xíu; cây hoa giấy – bị vòi ti gôn quấn nhiều vòng. - Vì sao khi thấy chim về đậu ở ban công, Thu muốn báo ngay cho Hằng biết? Vì Thu muốn Hằng công nhận ban công nhà minh cũng là vườn. ... Bài : Mùa thảo quả – TV5 tập 1 - Thảo quả báo hiệu vào mùa bằng cách nào? Câu hỏi này không cần thiết, vì ngay câu mở đâu của truyện, tác giả đã giới thiệu: Thảo quả trên rừng Đản Khao đã vào mùa. Nên đổi thành câu hỏi: Em hãy tìm các từ ngữ miêu tả mùi hương của thảo quả khi vào mùa. Gió tây lướt thướt bay qua rừng, quyến hương thảo quả đi, rải theo triền núi, đưa hương thảo quả ngọt lựng, thơm nồng vào những thôn xóm Chin San. Gió thơm. Cây cỏ thơm. Đất trời thơm. Người đi từ rùng thảo quả về, hương thơm đậm ủ ấp trong từng nếp áo, nếp khăn. Ở đay tác giả đã dùng các câu ngắn, lặp lại từ thơm để nhấn mạnh hương thơm của thảo quả, hương thơm quyến rũ và có sức lan tỏa trong không gian. - Tìm những chi tiết cho thấy cây thảo quả phát triển rất nhanh. Qua một năm, hạt thảo quả đã thành cây, cao tới bụng người. Một năm sau nữa, mỗi thân lẻ đâm thêm hai nhánh mới. Thoáng cái, thảo quả đã thành từng khóm lan tỏa, vươn ngọn, xòe lá, lấn chiếm không gian. - Hoa thảo quả nảy ra ở đâu? Hoa thảo quả nảy dưới gốc cây. Bài : Phong cảnh đền Hùng – TV5 tập 2 - Bài văn viết về cảnh vật gì, ở nơi nào? Bài văn tả cảnh đền Hùng, cảnh thiên nhiên vùng núi Nghĩa Lĩnh, huyện Lâm Thảo, tỉnh Phú Thọ, nơi thờ các vua Hùng, tổ tiên chung của dân tộc Việt Nam. - Hãy kể những điều em biết về các vua Hùng. Các vua Hùng là những người đầu tiên lập nước Văn Lang, đóng đô ở thành Phong Châu-Phú Thọ. - Tìm những từ ngữ miêu tả cảnh đẹp của thiên nhiên nơi đền Hùng. Có những khóm hải đường đâm bông rực đỏ, những cánh bướm rập rờn bay lượn; bên trái là đỉnh Ba Vì vòi vọi, bên phải là dãy Tam Đảo như bức tường xanh sừng sững, xa xa là núi Sóc Sơn, trước mặt là Ngã Ba Hạc, những cây đại, cây thông già, giếng Ngọc trong xanh,... - Bài văn đã gợi cho em nhớ đến một số truyền thuyết về sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Hãy kể tên các truyền thuyết đó. Truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh Truyền thuyết Thánh Gióng Truyền thuyết về An Dương Vương - Em hiểu câu ca dao sau như thế nào? “Dù ai đi ngược về xuôi Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba.” Câu ca dao nhắc nhở, khuyên răn mọi người: dù đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì thì cũng không được quên ngày giỗ Tổ, không được quên cội nguồn dân tộc. Bài : Hội thổi cơm thi ở Đồng Vân – TV5 tập 2 - Hội thổi cơm thi ở làng Đồng Vân bắt nguồn từ đâu? Hội thổi cơm thi bắt nguồn từ các cuộc trẩy quân đánh giặc của người Việt cổ bên bờ sông Đáy ngày xưa. - Tìm những chi tiết cho thấy thành viên của mỗi đội thổi cơm thi đều phối hợp nhịp nhàng, ăn ý với nhau. Trong khi một thành viên của đội loi việc lấy lửa, những người khác – mỗi người một việc: người ngồi vót những thanh tre già thành những chiếc đũa bông, người giã thóc, người giần sàng thành gạo. Có lửa, ngừoi ta lấy nước, nấu cơm. vừa nấu cơm, các đội vừa đan xem uốn lượn trên sân đình trong sự cổ vũ của người xem. - Tại sao việc giật giải trong cuộc thi là “niềm tự hào khó có gì sánh nổi đối với dân làng? Vì giải thưởng là kết quả của sự nỗ lực, sự khéo léo, nhanh nhẹn thông minh của cả tập thể. Bài : Tranh làng Hồ – TV5 tập 2 - Hãy kể tên một số bức tranh làng Hồ lấy đề tài trong cuộc sống hằng ngày của làng quê Việt Nam. Một số bức tranh làng Hồ lấy đề tài trong cuộc sống hằng ngày của làng quê Việt Nam là: Tranh vẽ lợn, gà, chuột, ếch, cây dừa, tranh tố nữ,... - Kĩ thuật tạo màu của tranh làng Hồ có gì đặc biệt? Kĩ thuật tạo màu của tranh làng Hồ rất đặc biệt: Màu đen không pha bằng thuốc mà luyện bằng bột than của rơm nếp, cói chiếu, lá tre mùa thu. Màu trắng điệp làm bằng bột vỏ sò trộn với hồ nếp, “nhấp nhánh muôn ngàn hạt phấn”. - Tìm những từ ngữ ở hai đoạn cuối thể hiện sự đánh giá của tác giả đối với tranh làng Hồ. Tranh lợn ráy có những khoáy âm dương rất có duyên. Tranh vẽ đàn gà con tưng bừng như ca múa bên gà mái mẹ. Kĩ thuật tranh đã đạt tới sự trang trí tinh tế Màu trắng điệp là một sự sáng tạo góp phần vào kho tàng màu sắc của dân tộc trong hội họa. - Vì sao tác giả biết ơn những người nghệ sĩ dân gian làng Hồ? Vì họ đã sáng tạo nên kĩ thuật vẽ tranh và pha màu tinh tế, đặc sắc. Bài : Tà áo dài Việt Nam – TV5 tập 2 Học sinh hiểu nội dung bài: Sự hình thành chiếc áo dài tân thời từ chiếc áo cổ truyền ; vẻ đẹp kết hợp nhuần nhuyễn giữa phong cách dân tộc tế nhị, kín đáo với phong cách hiện đại phương Tây của tà áo dài Việt Nam ; sự duyện dang, thanh thoát của phụ nữ Việt Nam trong chiếc áo dài. - Chiếc áo dài có vai trò thế nào trong trang phục của phụ nữ Việt Nam xưa? Phụ nữ Việt Nam xưa hay mặc áo dài thẫm màu, phủ ra bên ngoài nhũng lơp áo cánh nhiều màu bên trong. Trang phục như vậy làm cho phụ nữ trỏ nên tế nhị, kín đáo. - Chiếc áo dài tân thời có gì khác so với chiếc áo dài cổ truyền? Áo dài cổ truyền có hai loại: áo tứ thân và áo năm thân. Áo tứ thân được may từ bốn mảnh vải, hai manh sau ghép liền giữa sống lưng, đằng trước là hai vạt áo, không có khuy, khi mặc bỏ buông hoặc buộc thắt vào nhau. Áo năm thân như áo tứ thân, nhưng vạt trước bên trái may ghép từ hai thân vải, nên rộng gấp đôi vạt phải. Áo dài tân thời là chiếc áo cổ truyền được cải tiến, chỉ gồm hai thân vải phía trước và phía sau. Chiếc áo dài tân thòi vừa giữ được phong cách dân tộc tế nhị ; vừa mang phong cách hiện đại phương Tây - Vì sao áo dài được coi là biểu tượng cho y phục truyền thống của Việt Nam Vì phụ nữ Việt Nam trong tà áo dài như đẹp hơn, tự nhiên, mềm mại và thanh thoát hơn. 2. Bài học giúp luyện đọc hiểu văn miêu tả cho học sinh lớp 5 Người giáo viên khi dạy đọc hiểu văn miêu tả cho học sinh cũng cần phải linh hoạt, nắm vững khái niệm chung của thể loại cùng với phương thức cơ bản của nó để cung cấp cho học sinh. Trong giờ dạy đọc hiểu phải chú ý tới 4 vấn đề lớn đó là: a. Học sinh đọc kỹ văn bản, hiểu văn bản theo tư duy nhận thức cá nhận. b. Sự tác động của giáo viên tới học sinh trong giờ đọc hiểu c. Hoạt động ngoại khoá mở rộng tri thức văn học của học sinh. d. Học sinh tích luỹ tri thức và huy động vốn ngôn ngữ, tri thức trong tạo lập văn bản nói và viết. Để hiểu nội dung bài, bản thân học sinh phải chủ động, tích cực, tiếp nhận khám phá văn bản theo hướng: Đọc --> suy nghĩ, tìm tòi, phát hiện --> huy động vốn kiến thức nâng cao cảm thụ cá nhân. Trong quá trình đọc, học sinh sự quan tâm tới các từ khó, các chú thích của văn bản, hiện thực hoá chức năng biểu cảm của ngôn ngữ, tưởng tượng sinh động giúp cho năng lực cảm thụ văn của cá nhân được phát triển và nâng lên. Sự tác động của giáo viên tới học sinh trong giờ đọc hiểu văn bản tự sự.   Để học sinh phát huy năng lực đọc hiểu văn bản và giải quyết những vấn đề các em cảm thấy bất lợi trước đối tượng, giáo viên bằng cách xây dựng được hệ thống câu hỏi để khơi dậy, nuôi dưỡng tính tích cực, chủ động thưởng thức say mê khám phá văn bản của học sinh. Phải đặt ra những câu hỏi kích thích khả năng tự học, tư duy sáng tạo của học sinh nhiều hơn là câu hỏi phát hiện. Câu hỏi đặt ra phải ngắn gọn, rõ ràng, chính xác, gây hứng thú cho học sinh, bám sát mục tiêu bài học và được sắp xếp từ dễ đến khó, tạo điều kiện cho mọi đối tượng có câu trả lời. Khi học sinh gặp khó khăn trong việc trả lời câu hỏi, giáo viên cần có câu hỏi gợi ý. Ngoài hệ thống câu hỏi phát huy tính tích cực học tập của cá nhân, giáo viên có thể tổ chức hoạt động trao đổi thảo luận nhanh trong khi tìm hiểu nội dung của bài tuỳ thuộc vào từng mục, từng phần trong bài học cho phù hợp. Hoạt động ngoại khoá mở rộng tri thức vốn sống thực tế của học sinh. Giáo viên có thể tổ chức học sinh tham quan các địa danh lịch sử gắn với truyện truyền thuyết đã học để các em thấy rõ hơn tính hấp dẫn của câu chuyện. Ví dụ: Phong cảnh đền Hùng, tranh làng Hồ. Nếu có điều kiện, giáo viên cho học sinh tham quan nhưng địa điểm nêu trên thì sẽ tăng hiệu quả của bài học. IV. CÁC TÀI LIỆU THAM KHẢO. 1. Phương pháp dạy học tiếng Việt ở tiểu học – Lê Phương Nga 2. Dạy học tập đọc ở tiểu học – Lê Phương Nga 3. Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 4. Sách giáo viên Tiếng Việt lớp 5 5. Thư viện điện tử.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docPhát triển kĩ năng tiếp nhận ngôn bản cho học sinh Tiểu học.doc
Luận văn liên quan