Đề tài Thẩm quyền xét xử theo sự việc các vụ án hình sự của Tòa án nhân dân cấp huyện

PHẦN MỞ ĐẦU1.Tính cấp thiết của đề tài Thẩm quyền xét xử theo sự việc của Toà án nhân dân (TAND) là một trong những quy định trung tâm của chế định thẩm quyền xét xử của Tòa án. Việc quy định đúng đắn thẩm quyền xét xử theo sự việc các vụ án hình sự (VAHS) của TAND có vai trò quan trọng trong việc thực hiện tốt các nhiệm vụ tố tụng. Đồng thời, thẩm quyền xét xử theo sự việc các VAHS của TAND cũng là cơ sở để xác định thẩm quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng khác, tiết kiệm chi phí cho những người tham gia tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng, Nhà nước và toàn xã hội trong quá trình giải quyết vụ án. Có thể nói thẩm quyền xét xử theo sự việc của TAND luôn là quy định được quan tâm hàng đầu ngay từ khi bắt đầu nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS). Chiến lược cải cách tư pháp đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam khởi xướng từ lâu được coi là nhân tố quan trọng thúc đẩy quá trình xây dựng Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết 08 ngày 2/1/2002 của Bộ chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, và nhất là Nghị quyết 49 ngày 2/6/2006 của Bộ chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã tạo ra sự chuyển biến đồng bộ. Theo đó, đối với công tác xét xử của Tòa án thì tiếp tục “phân định các thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân. Từng bước mở rộng thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp huyện trên cơ sở kiện toàn tổ chức đội ngũ cán bộ cho Tòa án cấp này. Kiện toàn đến đâu mở rộng thẩm quyền xét xử đến đó”. So với BLTTHS năm 1988, BLTTHS năm 2003 về thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện được mở rộng hơn nhiều. Tuy nhiên, BLTTHS năm 2003 vẫn quy định thẩm quyền xét xử sơ thẩm thuộc về cả Tòa án cấp huyện và Tòa án cấp tỉnh. Do vậy, việc xác định thẩm quyền xét xử theo sự việc các VAHS của TAND cấp huyện tạo điều kiện cho việc xác định thẩm quyền xét xử sơ thẩm các VAHS của TAND cấp tỉnh. Thẩm quyền xét xử theo sự việc của TAND cấp huyện được quy định một cách hợp lý, chặt chẽ thì phần lớn tội phạm xảy ra sẽ được xử lý kịp thời, phát huy được tác dụng giáo dục, răn đe, góp phần bảo vệ trật tự xã hội. Thực tế hiện nay, khi thực hiện thẩm quyền xét xử theo sự việc các VAHS của TAND cấp huyện còn có nhiều vướng mắc do nhiều nguyên nhân khác nhau. Những lý do trên đây lập luận cho tính cấp thiết của đề tài mà chúng tôi chọn nghiên cứu. 2. Phạm vi và đối tượng nghiên cứu Thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện theo quy định của BLTTHS năm 2003 bao gồm thẩm quyền xét xử theo đối tượng, theo sự việc, và theo lãnh thổ. Do đó, phạm vi nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu của đề tài này là “thẩm quyền xét xử theo sự việc các vụ án hình sự của Tòa án nhân dân cấp huyện”. Thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND cấp tỉnh, thẩm quyền xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án và thẩm quyền xét xử theo sự việc các VAHS của Tòa án quân sự khu vực không thuộc phạm vi nghiên cứu của đề tài này. 3. Mục đích nghiên cứu Trên cơ sở nghiên cứu các quy định của pháp luật tố tụng hình sự, thực tiễn xét xử của TAND cấp huyện, mục đích nghiên cứu của đề tài là: - Làm rõ khái niệm thẩm quyền xét xử theo sự việc các VAHS của TAND cấp huyện. - Làm rõ những quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành về thẩm quyền xét xử theo sự việc của TAND cấp huyện. - Đánh giá thực tiễn áp dụng những quy định trên, đặc biệt là từ khi áp dụng thẩm quyền mới theo quy định của BLTTHS năm 2003, chỉ ra một số kiến nghị nhằm nâng cao năng lực xét xử của TAND cấp huyện, hoàn thiện các quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thẩm quyền xét xử theo sự việc của TAND cấp huyện. 4. Phương pháp nghiên cứu Trên cơ sở phương pháp luận của đề tài là triết học Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật, những quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về xây dựng Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa, về cải cách tư pháp và nền hành chính quốc gia. Việc nghiên cứu đề tài còn dựa trên thực tiễn xét xử của TAND cấp huyện, khảo sát nghiên cứu các số liệu thống kê về tình hình xét xử, về tổ chức cán bộ của TAND cấp huyện. Ngoài ra, phương pháp nghiên cứu của đề tài còn bao gồm phương pháp so sánh, thống kê, lịch sử, phân tích, tổng hợp . Đề tài nghiên cứu “Thẩm quyền xét xử theo sự việc các vụ án hình sự của Tòa án nhân dân cấp huyện” là một đề tài phức tạp. Tôi xin bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đến các thấy cô giáo và các bạn sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội, đặc biệt là Thạc sĩ Đỗ Thị Phượng đã tận tình chỉ bảo giúp đỡ tôi hoàn thành khoá luận tốt nghiệp này. Lần đầu tiên tiếp cận, làm quen với công tác nghiên cứu khoa học, do hạn chế về tài liệu và khả năng nhận thức của bản thân nên khoá luận khó có thể tránh khỏi những hạn chế nhất định. Vì vậy, rất mong được sự đóng góp ý kiến của các thầy cô giáo, các bạn sinh viên để đề tài nghiên cứu này được hoàn thiện hơn. Tôi xin chân thành cảm ơn!

doc62 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3142 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Thẩm quyền xét xử theo sự việc các vụ án hình sự của Tòa án nhân dân cấp huyện, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
và chất lượng của Thẩm phán TAND cấp huyện qua các giai đoạn khác nhau. Biểu đồ 1: Số lượng Thẩm phán TAND cấp huyện các năm 1998, 2003, 2005 Phân tích biểu đồ trên cho thấy, đội ngũ Thẩm phán TAND cấp huyện đã có những bước tiến dài đáng kể cả về số lượng và chất lượng. Nếu trước năm 1998, tổng số Thẩm phán trong cả nước mới có 2.253 Thẩm phán, đến tháng 6/2003 tăng lên 2.411 Thẩm phán (xem báo cáo tổng kết của TANDTC năm 2003). Con số này là quá ít cho một khoảng thời gian là 5 năm (chỉ tăng thêm có 158 Thẩm phán). Mỗi năm, trung bình cả nước tăng thêm 31 Thẩm phán, và trung bình 2 năm mỗi tỉnh mới được bổ sung thêm 1 Thẩm phán. Thực hiện Nghị quyết 08/2002/NQ - BCT và thi hành BLTTHS năm 2003, Thẩm phán TAND cấp huyện được bổ sung thêm rất nhiều. Chỉ trong khoảng thời gian 1 năm, từ 2003 đến 2004, số lượng Thẩm phán được bổ nhiệm đã lên tới 3.690 Thẩm phán, tăng thêm 1.279 Thẩm phán (xem Nghị quyết số 716/2004/NQ - UBTVQH11). Số lượng Thẩm phán mới được bổ nhiệm bằng một nửa tổng số Thẩm phán trong cả nước năm 2003. Trung bình mỗi TAND cấp huyện được tăng cường thêm từ 2 đến 3 Thẩm phán. Bên cạnh việc bổ sung thêm về số lượng Thẩm phán TAND cấp huyện, trình độ Thẩm phán cũng được nâng cao, nếu như giai đoạn 1993 - 1998 chỉ có 1.336 Thẩm phán (chiếm 59%) có trình độ đại học Luật, còn lại là có trình độ trung cấp, luân huấn, thậm chí có cả Thẩm phán có trình độ sơ cấp hoặc không học (292 Thẩm phán) thì đến tháng 6/2003, số lượng Thẩm phán có trình độ đại học là 1.889 người (chiếm 78%, tăng 19%), không còn Thẩm phán có trình độ trung cấp, sơ cấp, hoặc không học. Đến nay, số lượng Thẩm phán có trình độ đại học đã chiếm khoảng 93%. Ở một số TAND các quận, huyện thuộc thành phố lớn trực thuộc Trung ương, 100% Thẩm phán có trình độ đại học Luật. Ví dụ, ở TAND quận Đống Đa, quận Hai Bà Trưng của thành phố Hà Nội, TAND quận Thủ Đức, quận 1 thành phố Hồ Chí Minh ... Theo báo cáo của TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an và Bộ Tư pháp, tính tới ngày 31/12/2005, biên chế của các Tòa án được tăng thẩm quyền xét xử mới đã được tiếp tục bổ sung kịp thời. Cụ thể, đã bổ sung 271 người (trong đó có 85 Thẩm phán, 186 Thư ký Toà án), các đơn vị có số án tăng nhiều thì bổ sung thêm từ 2 đến 3 Thẩm phán và cán bộ ngành Toà án. Bảo đảm hầu hết mỗi đơn vị được giao thẩm quyền mới có đủ 4 Thẩm phán trở lên. Trong đó, 96% số Thẩm phán và 95% số Thư ký đã có trình độ đại học Luật. Ví dụ, ở một tỉnh miền núi như Sơn La, mặc dù còn nhiều khó khăn và mới chỉ có một đơn vị duy nhất là TAND thị xã Sơn La được thực hiện thẩm quyền mới từ 1/7/2004. Sau khi có quyết định tăng thẩm quyền xét xử, TAND thị xã Sơn La đã được tăng thêm 1 Thẩm phán và 1 biên chế. Số lượng Thẩm phán được tăng lên 6 Thẩm phán đáp ứng yêu cầu chung, đó là mỗi TAND được tăng thẩm quyền xét xử phải đảm bảo có tối thiểu 4 Thẩm phán. Tuy nhiên, về trình độ của Thẩm phán còn thấp hơn yêu cầu chung. Chỉ có 1 Thẩm phán có trình độ Cử nhân Luật hệ chính quy, 3 Thẩm phán là ở hệ tại chức (chiếm 89%), 2 Thẩm phán có trình độ trung cấp Luật hiện đang theo học lớp tại chức Luật. Đối với các Tòa án chưa được tăng thẩm quyền, tính đến tháng 12 năm 2005 là 518 Tòa án cấp huyện. Cũng theo báo cáo của các cơ quan tư pháp Trung ương thì hiện nay Tòa án cấp huyện chưa được tăng thẩm quyền có tổng số biên chế là 4.203 người, trong đó có 1.834 Thẩm phán (trung bình mỗi Tòa án cấp huyện có từ 3 đến 4 Thẩm phán), có 241 đơn vị (chiếm 46%) có số lượng 4 Thẩm phán trở lên. Về trình độ chuyên môn, 91% Thẩm phán và 83% Thư ký TAND cấp huyện chưa được tăng thẩm quyền có trình độ đại học Luật. Như vậy, đội ngũ cán bộ TAND cấp huyện hiện nay đã được củng cố về mọi mặt, cả về số lượng và chất lượng. Sự lớn mạnh của Thẩm phán TAND cấp huyện so với thời gian trước cũng như sự chênh lệch không quá lớn về trình độ chuyên môn, số lượng Thẩm phán giữa các TAND cấp huyện được giao thẩm quyền xét xử mới và TAND cấp huyện chưa được giao thẩm quyền là cơ sở, điều kiện cần thiết và vững chắc để thực hiện thẩm quyền xét xử theo sự việc các VAHS của TAND cấp huyện. Đảm bảo lộ trình thống nhất thẩm thực hiện thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện đến 1/7/2009. Thứ 2, về cơ sở vật chất, điều kiện, phương tiện kỹ thuật làm việc Đối với các TAND cấp huyện được thực hiện thẩm quyền mới, nhìn chung về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của Tòa án đã được quan tâm hơn trước. Một số trụ sở của Tòa án được giao thẩm quyền mới đã được xây dựng mới, một số đang chuẩn bị xây dựng và một số đang chuẩn bị cải tạo, mở rộng trụ sở làm việc. Về phương tiện làm việc, TAND cấp huyện đều được bổ sung các trang thiết bị thiết yếu như phương tiện đi lại, bàn ghế làm việc của cán bộ, bàn ghế hội trường xét xử, thiết bị âm thanh, máy phôtôcoppy, máy vi tính, công cụ hỗ trợ khác... Đặc biệt, việc sử dụng internet để tra cứu, cập nhật thông tin đã bắt đầu được sử dụng. Tuy nhiên, theo đánh giá của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, do một thời gian dài việc kiện toàn cơ sở vật chất cho cơ quan tư pháp, trong đó có TAND cấp huyện chưa được quan tâm đúng mức, nhất là về trụ sở, trang thiết bị làm việc vừa thiếu, vừa kém chất lượng và không đồng bộ, kinh phí phục vụ cho hoạt động của ngành còn hạn hẹp. Vì vậy, mặc dù đã được Nhà nước quan tâm tăng cường đầu tư, nhưng do xuất phát điểm về cơ sở vật chất còn thấp nên chưa đáp ứng được so với yêu cầu, nhiệm vụ của TAND cấp huyện được tăng thẩm quyền. Trụ sở của TAND còn quá chật hẹp. Theo báo cáo của TANDTC, cho đến nay, vẫn còn 56 Tòa án mới chỉ có một phòng xét xử. Tại TAND thị xã Sơn La, tỉnh Sơn La, sau khi được tăng thẩm quyền đã cho cải tạo, sửa chữa, nâng cấp trụ sở và tăng thêm phương tiện, điều kiện làm việc, gồm: tăng thêm 1 hội trường xét xử, bàn ghế xét xử, mua sắm thêm 1 xe máy, 1 máy vi tính, 1 máy phôtô. Đối với các TAND cấp huyện chưa được tăng thẩm quyền, hiện nay còn rất nhiều đơn vị gặp khó khăn. Ở những đơn vị hành chính mới thành lập, trụ sở của TAND cấp huyện còn phải ở nhà tạm hoặc đi thuê trụ sở làm việc, như các TAND huyện Ngọc Hiển, Phú Tân (Cà Mau); TAND huyện Đăkpơ thuộc tỉnh Gia Lai... Nhiều trụ sở được xây dựng từ lâu nay đã bị hư hỏng, xuống cấp. Hiện nay, có gần khoảng 400 trụ sở chỉ có một phòng xử án. Về trang thiết bị phục vụ hoạt động mặc dù đã được cấp nhưng vẫn còn thiếu so với yêu cầu công tác, và đến nay, phần lớn các trang thiết bị này đều đã cũ kỹ, lạc hậu. Tóm lại, những phân tích đánh giá trên cho thấy công tác đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho các Thẩm phán và trang bị cơ sở vật chất, phương tiện, điều kiện làm việc tại các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện nói chung và TAND cấp huyện nói riêng đã được chú trọng phát triển, bảo đảm cho các đơn vị này hoàn thành nhiệm vụ được giao. 3.1.2. Kết quả thực hiện thẩm quyền xét xử theo sự việc các vụ án hình sự của Tòa án nhân dân cấp huyện Từ khi áp dụng các quy định của BLTTHS về thẩm quyền xét xử theo sự việc của TAND cấp huyện, tình hình tội phạm vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Số lượng VAHS mà TAND cấp huyện phải xét xử vẫn tiếp tục tăng cả về tính chất mức độ nghiêm trọng, nhất là các vụ án xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của công dân, đặc biệt là tội phạm về ma tuý, tham nhũng chiếm tỉ lệ cao, các tội phạm xâm phạm sở hữu, an toàn giao thông... chưa có hướng giảm. Đối với Tòa án cấp huyện được thực hiện thẩm quyền mới, theo báo cáo của TANDTC, VKSNDC, Bộ quốc phòng, Bộ công an, đến 31/12/2005, 90 TAND cấp huyện đã xét xử 23.696 vụ/34.037 bị cáo. So với trước khi tăng thẩm quyền đã tăng 5.080 vụ (tăng 21,44%) và tăng thêm 7.932 bị cáo (tăng 23,3%). Về chất lượng xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền mới, trong số 5.043 vụ được xét xử thì có 1.463 vụ án bị kháng cáo, kháng nghị (chiếm 29%). Tòa án cấp phúc thẩm đã sửa án, hủy án đối với 411 vụ (chiếm 8,15%). Từ những phân tích trên đây cho thấy, việc xét xử của TAND cấp huyện được tăng thẩm quyền đối với các VAHS thuộc thẩm quyền xét xử mới là tương đối bảo đảm, số lượng vụ án, bị cáo bị Tòa án phúc thẩm huỷ hoặc sửa chỉ chiếm 8,14% (tương đương với chất lượng xét xử của TAND cấp huyện trước khi thực hiện thẩm quyền theo quy định của BLTTHS năm 2003). Trong đó, các vụ án bị cải sửa là do cấp phúc thẩm phát hiện có tình tiết giảm nhẹ mới (ở cấp sơ thẩm bị cáo không nhận tội, chưa bồi thường thiệt hại... khi lên cấp phúc thẩm đã khai báo ăn năn, hối cải và bồi thường thiệt hại) nên đã được cấp phúc thẩm giảm hình phạt hoặc cho hưởng án treo đối với các bị cáo này. Điều đó đã chứng minh thực tế là lần đầu tiên được xét xử các vụ án theo thẩm quyền mới, một số vụ án chưa được TAND cấp huyện đánh giá hết tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, do vậy còn xử bị cáo hơi nặng. Ví dụ: Ngày 26/5/2006, Cao Mạnh Tiến đi xe máy lên bản Thôn Mòn, Thuận Châu, Sơn La mua hêrôin và hồng phiến của người đàn ông không quen biết hết 4 triệu đồng để sử dụng và mua bán. Trên đường về, Tiến dùng hêrôin chia thành các gói nhỏ nhét vào điếu thuốc lá Sa Pa. Cho 24 viên hồng phiến vào điếu vinataba. Tiến đã sử dụng 3 viên hồng phiến. Số ma túy còn lại bỏ vào túi, giắt vào giá đèo hàng. Trên đường về, Thịnh gọi điện cho Tiến hỏi mua hêrôin, Tiến hẹn Thịnh đến nhà Bua ở phường Chiềng Lề thị xã Sơn La để mua bán. Tại đây, Tiến và Thịnh đã bị Công an bắt quả tang trong khi đang trao đổi. Vật chứng thu được gồm 0,72 gam hêrôin; 18,3 gam methamphetamin (hồng phiến); 86 nghìn đồng. Do có hành vi trên, tại bản án hình sự sơ thẩm số 176/2006/HSST ngày 9/12/2006, TAND thị xã Sơn La đã tuyên bị cáo Cao Mạnh Tiến phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, áp dụng Khoản 2 Điều 194 BLHS năm 1999 xử phạt bị cáo Cao Mạnh Tiến 8 năm tù giam. Bị cáo Tiến kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bản án số 19/2007/HSPT ngày 16/1/2007 đã sửa một phần bản án sơ thẩm, áp dụng khoản 2 Điều 194; điểm p khoản 1 Điều 46 của BLHS sử phạt bị cáo Tiến 7 năm tù giam. Qua việc giải quyết vụ án trên có thể nhận thấy, trong quá trình giải quyết vụ án, TAND thị xã Sơn La đã không xem xét hết các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo quy định tại điểm p khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999 khi bị cáo đã tỏ ra ăn năn, hối cải, khai báo rõ ràng, thành khẩn trong suốt quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa. Mặt khác, nếu quy đổi sang methaphetamin thì tổng số ma túy ở thể rắn trọng lượng bị cáo mua bán là 27,86 gam chỉ là mức khởi điểm quy định tại điểm g khoản 2 Điều 194 BLHS năm 1999. Do vậy, cấp sơ thẩm sử phạt bị cáo 8 năm tù là quá nghiêm khắc. Cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của bị cáo là có căn cứ và việc giảm hình phạt xuống 7 năm tù đối với bị cáo Tiến là phù hợp với tính chất của hành vi phạm tội của bị cáo. Theo báo cáo kết quả giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thực hiện thẩm quyền mới theo quy định của BLTTHS năm 2003 đã nhận xét, so với trước đây, số lượng các VAHS được điều tra, truy tố, xét xử của cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện thực hiện thẩm quyền mới tăng 21,44%. Trong số các vụ án thuộc loại tăng thẩm quyền, chủ yếu tập chung ở một số loại tội như tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma tuý (1.201 vụ chiếm 24%); tội vi phạm các quy định về giao thông đường bộ (512 vụ chiếm 10%); tội cướp giật tài sản (423 vụ chiếm 8,3%)... và tập chung ở các quận, huyện thuộc thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh... Theo thống kê của ngành Toà án, trong một năm rưỡi thực hiện thẩm quyền mới, đơn vị có số lượng án thụ lý cao nhất ở thành phố Hà Nội là TAND quận Đống Đa, quận Hai Bà Trưng; ở thành phố Hồ Chí Minh là TAND quận 1, quận Gò Vấp. Đơn vị có số lượng án hình sự thuộc loại án tăng thẩm quyền ít nhất là TAND thị xã Hà Giang, tỉnh Hà Giang (3 vụ). Trung bình số lượng án hình sự thụ lý sau khi thực hiện thẩm quyền mới tăng bình quân từ 25 đến 30 vụ trong một năm. Đối với các Toà án chưa được thực hiện thẩm quyền mới theo quy định của BLTHS năm 2003, theo báo cáo của VKSNDTC và TANDTC, từ 1/7/2004 đến 31/12/2005, cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện chưa được tăng thẩm quyền đã xét xử 44.119 vụ, nhiều gần gấp đôi số lượng vụ án mà TAND cấp huyện được tăng thẩm quyền. Về chất lượng xét xử, có 8.002 vụ có kháng cáo, kháng nghị (chiếm 18% tổng số án sơ thẩm của TAND cấp huyện chưa được tăng thẩm quyền). Kết quả xét xử phúc thẩm là sửa án và huỷ án là 2872 vụ (chiếm 6,5% tổng số vụ án đã xét xử sơ thẩm). Trong số 46.934 vụ án mà TAND cấp huyện thụ lý còn 1.611 vụ chưa được giải quyết (chiếm 3,4%). Như vậy, so với trước khi có BLTTHS năm 2003 thì hiệu quả, chất lượng xét xử của TAND cấp huyện được tăng lên rõ rệt. Nếu lấy năm 2002 để so sánh thì số vụ án mà TAND cấp huyện xét xử sơ thẩm là 29.639 vụ có 7.139 vụ bị kháng cáo, kháng nghị (chiếm 24%) và số án sơ thẩm bị Toà án phúc thẩm sửa và huỷ chiếm 34,3% (hiện nay chỉ là 26%) so với số án sơ thẩm của cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị. Như vậy, nếu so sánh chất lượng xét xử của các TAND cấp huyện chưa được tăng thẩm quyền tại thời điểm 2004 - 2005 với chất lượng xét xử của TAND cấp huyện trước đó, thì rõ ràng chất lượng xét xử của TAND cấp huyện chưa được tăng thẩm quyền nâng lên nhiều, cụ thể: so với năm 2002, số vụ án bị kháng cáo, kháng nghị của TAND cấp huyện chưa được tăng thẩm quyền giảm hơn so với thời kỳ trước là 6% (từ 24% xuống còn 18%), chất lượng xét xử hiện nay được nâng cao rõ rệt, tỷ lệ số án bị Toà án cấp phúc thẩm sửa hoặc huỷ so với tổng số án đã xét xử sơ thẩm giảm từ 8,2% xuống còn 6,4%. Nếu so sánh chất lượng xét xử của TAND cấp huyện được tăng thẩm quyền và TAND cấp huyện chưa được tăng thẩm quyền, ta thấy, số án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị ở TAND cấp huyện được tăng thẩm quyền (29%) cao hơn TAND cấp huyện chưa được tăng thẩm quyền (18%), số án sơ thẩm bị Toà án cấp phúc thẩm sửa án hoặc huỷ án của TAND cấp huyện được tăng thẩm quyền (8,15%) cũng cao hơn so với TAND cấp huyện chưa được tăng thẩm quyền (6,5%). Như vậy, chất lượng xét xử các VAHS theo thẩm quyền mới ở TAND cấp huyện được tăng thẩm quyền thấp hơn ở TAND cấp huyện chưa được tăng thẩm quyền. Chất lượng xét xử các VAHS theo thẩm quyền mới của TAND cấp huyện tương đương với chất lượng xét xử trước khi thực hiện thẩm quyền theo quy định của BLTTHS năm 2003. Cũng ở các TAND cấp huyện, sau khi BLTTHS năm 2003 có hiệu lực thì thủ tục rút gọn cũng bắt đầu được áp dụng để xét xử các vụ phạm tội khi có đủ các điều kiện luật định. Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính xác về số lượng vụ án được áp dụng thủ tục rút gọn. Trên thực tế, thủ tục này chưa được áp dụng phổ biến, dù không bị hạn chế áp dụng đối với TAND cấp huyện được thực hiện thẩm quyền mới hay không. Tại tỉnh Sơn La, mặc dù có 11 đơn vị cấp huyện, nhưng đến thời điểm này mới chỉ có 3 đơn vị áp dụng thủ tục rút gọn, đó là: thị xã Sơn La, huyện Mộc Châu, huyện Yên Châu, số lượng VAHS được áp dụng thủ tục này để giải quyết cũng không nhiều. Cũng theo phản hồi của các cán bộ làm công tác thực tiễn áp dụng pháp luật cho rằng, có nhiều trường hợp tội phạm thực hiện là tội phạm nghiêm trọng và có đủ điều kiện khác để áp dụng thủ tục rút gọn cũng có thể xem xét áp dụng thủ tục này, cũng có ý kiến cho rằng cần kéo dài thêm thời hạn điều tra... Những ý kiến trên cũng cần được các nhà làm luật nghiên cứu xem xét để có những quy định cho phù hợp. Từ kết quả phân tích trên đây có thể đi đến kết luận, ở nước ta, chất lượng xét xử của TAND cấp huyện được tăng hơn nhiều. Các Tòa án được tăng thẩm quyền, mặc dù phải giải quyết một khối lượng vụ án lớn hơn, tính chất phức tạp hơn nhưng vẫn bảo đảm chất lượng xét xử như khi chưa tăng thẩm quyền. Mặt khác, các đơn vị đang chờ kiện toàn để thực hiện thẩm quyền xét xử mới thì có chất lượng xét xử cao hơn hẳn, được thể hiện ở số lượng án kháng cáo, kháng nghị giảm, cho thấy các đơn vị này đã sẵn sàng để tiếp tục thực hiện việc thống nhất thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện. Đánh giá một cách toàn diện những kết quả đã đạt được từ khi thực hiện BLTTHS năm 2003, ta thấy, việc tăng thẩm quyền làm cho số lượng các VAHS mà TAND cấp huyện xét xử (đặc biệt là ở các TAND cấp huyện được tăng thẩm quyền) tăng lên khoảng 20% số vụ và 23% số bị cáo, nên số án phúc thẩm ở cấp tỉnh cũng tăng đáng kể (11%), trong khi đó số án phúc thẩm của TANDTC lại giảm đáng kể (khoảng 28%), số án để quá hạn ở cấp phúc thẩm giảm 56%. Kết quả trên đã khẳng định chủ trương của Đảng và Nhà nước tăng thẩm quyền cho TAND cấp huyện cũng như cho các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện là đúng đắn, phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp. 3.1.3. Nguyên nhân của những tồn tại khi thực hiện thẩm quyền xét xử theo sự việc các vụ án hình sự của Tòa án nhân dân cấp huyện Đối với các đơn vị chưa được tăng thẩm quyền, nhìn chung số lượng vụ án xét xử phần lớn đều là những vụ án mà bị cáo phạm tội ở khoản 1 hoặc khoản 2, có ít tình tiết định khung. Do vậy, việc đánh giá về tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội để tuyên án đơn giản hơn, không khó xác định. Mặt khác, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của Thẩm phán, cán bộ ngành Toà án cũng như của những người tiến hành tố tụng khác được nâng cao, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị làm việc được trang bị khá đầy đủ, hiện đại. Do vậy, chất lượng xét xử khá cao. Đối với các TAND cấp huyện được tăng thẩm quyền, về chất lượng xét xử, mặc dù không cao bằng TAND cấp huyện chưa được tăng thẩm quyền, nhưng điều này cũng là một tất yếu vì số lượng vụ án mà TAND cấp huyện được tăng thẩm quyền thụ lý và xét xử sơ thẩm sẽ nhiều hơn so với năm trước khi được tăng thẩm quyền (từ 20 đến 30 vụ/năm) và nhiều hơn so với Tòa án cấp huyện chưa được tăng thẩm quyền cả về số lượng, cả về tính chất nghiêm trọng, phức tạp của vụ án. Mặt khác, khi xét xử những tội phạm theo thẩm quyền mới, với khung hình phạt cao hơn, có nhiều tình tiết định khung phức tạp, khó xác định. Việc đánh giá trên thực tế còn có nhiều bất cập, ví dụ: tình tiết phạm tội nhiều lần trong các tội môi giới mại dâm, chứa dâm, tội tàng trữ, vận chuyển mua bán trái phép chất ma tuý... phần lớn số lần phạm tội là do bị cáo khai nhận mà không có căn cứ để xác định. Do vậy, khi bị cáo phản cung sẽ gây khó khăn cho việc đánh giá những tội phạm có cấu thành vật chất. Ví dụ, tội nhận hối lộ, tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, phần lớn là trường hợp thu lợi bất chính lớn đến rất lớn nhưng số tiền thu lợi do bị cáo khai nhận mà cũng không có căn cứ xác định. Bên cạnh đó, việc tăng thẩm quyền dẫn đến các cơ quan tiến hàn tố tụng ở cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đã phải tiến hành điều tra, truy tố, xét xử nhiều loại tội phạm mới mà trước đây chưa từng giải quyết như tội cướp tài sản, tội phá huỷ công trình phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia... Hầu hết các vụ án trên đều có tính chất phức tạp thường gây lúng túng cho quá trình giải quyết vụ án. Bước đầu, do còn chưa quen với các loại án mới về quy mô tội phạm, tính chất mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội,... việc áp dụng mức hình phạt còn nhiều lúng túng nhất định. Thực tế cho thấy, số vụ án phải trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung, các vụ án cần ra hạn điều tra, truy tố, xét xử là khá phổ biến làm cho thời gian giải quyết vụ án kéo dài, án tồn đọng cao. Đồng thời, tại TAND cấp huyện khi xét xử những VAHS theo thẩm quyền mới, việc xác định các căn cứ tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự còn lúng túng và thường áp dụng hình phạt cao hơn đối với các bị cáo so với việc xét xử các vụ án này tại Tòa án tỉnh. Đáng chú ý là vấn đề về nhân thân, họ là thương binh, là thành viên của gia đình liệt sĩ... dù đã có văn bản hướng dẫn cụ thể nhưng Cơ quan điều tra, truy tố, xét xử cấp huyện vẫn chưa xác định đầy đủ, đến khi phúc thẩm mới phát hiện là căn cứ để Tòa án cấp phúc thẩm sửa án. Thực tiễn thực hiện thẩm quyền xét xử mới cũng cho thấy rằng, trong quá trình xét xử các loại án tăng thẩm quyền cũng như chưa tăng thẩm quyền còn bộc lộ một số Thẩm phán và những người tiến hành tố tụng khác về trình độ, năng lực còn hạn chế nên khi điều tra, truy tố, xét xử còn nhiều khó khăn, nhiều trường hợp ra bản án không đúng với tính chất của vụ án. Với những tồn tại trên cho thấy, dù ít hay nhiều thì việc chuyển sang thực hiện thẩm quyền mới ở một số TAND cấp huyện cần phải có một “thời kỳ quá độ” để Toà án cấp này có thể hoàn thiện về mọi mặt đáp ứng toàn diện việc thực hiện thẩm quyền mới. 3.2. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG XÉT XỬ THEO SỰ VIỆC CÁC VỤ ÁN HÌNH SỰ CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP HUYỆN Để nâng cao chất lượng xét xử và tiếp tục thực hiện chủ trương tăng thẩm quyền xét xử cho TAND cấp huyện. Theo chúng tôi cần phải thực hiện tốt các công việc sau đây: 3.2.1. Hoàn thiện các quy định của pháp luật về thẩm quyền xét xử theo sự việc các vụ án hình sự của Tòa án nhân dân cấp huyện Thực tiễn xét xử và với những phân tích, đánh giá đã được trình bày cho thấy việc tăng thẩm quyền xét xử cho TAND cấp huyện là hoàn toàn phù hợp.Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này còn rất nhiều ý kiến khác nhau nhằm tiếp tục bổ sung và hoàn thiện quy định của pháp luật TTHS về thẩm quyền xét xử theo sự việc các VAHS của TAND cấp huyện, cụ thể: Có ý kiến cho rằng cần tiếp tục tăng thẩm quyền cho TAND cấp huyện, cho phép TAND cấp huyện được phép xét xử những tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt áp dụng đối với tội ấy là đến 20 năm tù. Có ý kiến lại cho rằng không nên loại trừ quá nhiều tội thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện. Cần phải nghiên cứu thu hẹp hơn nữa các loại tội không thuộc thẩm quyền của TAND cấp huyện. Nếu có thể chỉ nên quy định TAND cấp huyện có thẩm quyền xét xử sơ thẩm những loại tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và rất nghiêm trọng mà không nên loại trừ ngay vào trong Bộ luật một số loại tội không thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện. Bởi vì, đối với trường hợp TAND cấp huyện ở những địa phương chưa đảm đương được thẩm quyền mới thì về mặt nguyên tắc đã được giải quyết tại khoản 2 Điều 170 BLTTHS năm 2003, theo đó Tòa án cấp tỉnh có thể lấy lên để xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện. Cũng có ý kiến cho rằng cần nên quy định rõ hơn nữa về tính chất những vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện mà Tòa án cấp tỉnh lấy lên để xét xử để tránh tình trạng lạm dụng thẩm quyền hay ỷ lại vào Tòa án cấp trên của TAND cấp huyện… Dù còn nhiều ý kiến khác nhau ở nhiều góc độ khác nhau, nhưng tất cả đều thống nhất ở một điểm là tiếp tục sửa đổi các quy định của pháp luật tố tụng hình sự theo hướng tăng thẩm quyền cho TAND cấp huyện. Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm trên. Sự lớn mạnh cả về cơ sở vật chất, điều kiện phương tiện làm việc, trình độ chuyên môn của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện, đặc biệt là để thực hiện được Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 được khẳng định trong Nghị quyết 49/2005/NQ - BCT về việc thành lập Tòa án khu vực thay thế cho hệ thống Tòa án tổ chức theo địa giới hành chính. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện là một tất yếu khách quan. Sau khi nghiên cứu các quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thẩm quyền xét xử theo sự việc các VAHS của TAND cấp huyện cũng như sự triển khai các quy định đó trên thực tiễn, tham khảo các ý kiến khác nhau của nhiều nhà luật học về vấn đề này, chúng tôi mạnh dạn đưa ra một số ý kiến của mình về việc sửa đổi quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thẩm quyền xét xử theo sự việc các VAHS của TAND cấp huyện như sau: Thứ nhất, có ý kiến cho rằng TAND cấp huyện nên được phép xét xử những VAHS mà mức cao nhất của khung hình phạt áp dụng đối với tội ấy là đến 20 năm tù. Theo chúng tôi, việc tăng thẩm quyền cho TAND cấp huyện là tất yếu, tuy nhiên, với điều kiện cả về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật và trình độ năng lực của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện nói chung và của TAND cấp huyện nói riêng hiện nay có thể chưa đáp ứng được. Bên cạnh đó, việc thực hiện thẩm quyền theo quy định của BLTTHS năm 2003 còn đang được triển khai theo kế hoạch, đến năm 2009 mới đồng loạt thực hiện thống nhất thẩm quyền xét xử này. Hơn nữa, việc thực hiện thẩm quyền này tại nhiều cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện cần phải có “thời kỳ quá độ”, làm quen với công việc mới. Do vậy, trong thời gian này, ít nhất là đến năm 2009 công việc cần phải tiến hành không phải là tiếp tục tăng thẩm quyền cho TAND cấp huyện theo hướng trên mà là tổng kết kinh nghiệm xét xử, nâng cao chất lượng xét xử của các đơn vị cấp huyện để thực hiện tốt thẩm quyền xét xử theo quy định tại Điều 170 của BLTTHS năm 2003. Thứ hai, về việc loại trừ một số tội không thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện. Theo chúng tôi, cần có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hơn. Chúng ta biết rằng, khả năng chứng minh tội phạm không chỉ phụ thuộc vào tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội mà còn phụ thuộc rất lớn vào tính phức tạp của nó. Hiện nay, việc loại trừ một số tội ra khỏi thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện được nhà làm luật căn cứ vào đường lối xử lý và tính chất khách thể của tội phạm ấy (xuất phát từ góc độ hình sự) và tính phức tạp của tội phạm của tội phạm ấy (xuất phát từ góc độ tố tụng hình sự) [17, tr.21]. Do vậy, mặc dù việc mở rộng thẩm quyền xét xử cho TAND cấp huyện nhưng BLTTHS năm 2003 lại đồng thời loại trừ nhiều tội không thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện hơn so với BLTTHS năm 1988. Điều đó dường như là mâu thuẫn khi thực hiện tăng thẩm quyền cho TAND cấp huyện. Hơn nữa, khi xây dựng các khung chế tài cho các tội phạm cụ thể, nhà làm luật đã căn cứ vào tính chất nguy hiểm cho xã hội của từng nhóm tội, của từng tội trong nhóm tội, và chế tài đó đã là căn cứ để xác định thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án. Do vậy, khi hạn chế một số tội không thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện từ góc độ hình sự là không cần thiết. Thứ ba, đối với trường hợp phạm tội có yếu tố nước ngoài (tội phạm được thực hiện ở nước ngoài nhưng thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án Việt Nam hoặc người nước ngoài thực hiện hành vi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam) hiện nay chưa được quy định một cách trực tiếp trong BLTTHS. Nếu theo quy định tại khoản 2 Điều 171 BLTTHS năm 2003, bị cáo phạm tội ở nước ngoài nếu xét xử ở Việt Nam do TAND cấp tỉnh xét xử. Có nghĩa là những tội phạm được thực hiện ở ngoài lãnh thổ Việt Nam bất kể là tội phạm nào đều không thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện mà thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp tỉnh. Riêng thẩm quyền xét xử những tội phạm do người nước ngoài thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 170 thì Tòa án cấp tỉnh xem xét lấy lên để xét xử, tức là đối với những vụ án này có thể do TAND cấp huyện giải quyết (xem Thông tư số 02/1989/TT - TANDTC, VKSNDTC, BTP, BNV hướng dẫn thực hiện thẩm quyền xét xử khi thực hiện BLTTHS năm 1988). Như vậy, quy định về vấn đề này không được thống nhất trong một văn bản cụ thể, nếu so sánh với cách quy định về thẩm quyền giải quyết các vụ án, vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài thì đều được quy định thống nhất cụ thể ngay trong Bộ luật Tố tụng dân sự. Theo chúng tôi, về thẩm quyền xét xử các VAHS có yếu tố nước ngoài cũng nên được quy định ngay trong BLTTHS để tạo sự thống nhất trong các quy định của pháp luật cũng như sự thuận tiện trong khi áp dụng pháp luật. Hiện nay, khi nước ta trở thành thành viên của WTO, chắc chắn trong tương lai không xa, các tội phạm có yếu tố nước ngoài xuất hiện phổ biến. Có ý kiến cho rằng không nên quy định tất cả các trường hợp tội phạm có yếu tố nước ngoài đều thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp tỉnh mà nên cho phép Tòa án cấp huyện có thể xét xử một số tội phạm đơn giản, ít nghiêm trọng phù hợp với việc mở rộng thẩm quyền của TAND cấp huyện khi xét xử các vụ án, vụ việc dân sự, kinh tế, lao động, hôn nhân gia đình… có yếu tố nước ngoài. Nhưng theo chúng tôi, do tính chất của quan hệ pháp luật Hình sự và quan hệ pháp luật tố tụng hình sự là quan hệ mang tính chất công khác với quan hệ trên mang tính chất tư, việc ra bản án xử lý đối với bị cáo thực hiện tội phạm có yếu tố nước ngoài không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của bị cáo mà còn ảnh hưởng đến lợi ích giữa nước ta và các nước khác có liên quan. Do tính chất đặc biệt như vậy, nên quy định chỉ có Tòa án cấp tỉnh mới có thẩm quyền giải quyết những vụ án này. Thứ tư, đối với quy định tại khoản 2 Điều 170 BLTTHS năm 2003 về những vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện mà Tòa án cấp tỉnh lấy lên để giải quyết cần phải có những quy định cụ thể hơn. Việc dựa vào hướng dẫn trong Thông tư 02 ngày 12/11/1989 hướng dẫn thực hiện một số quy định của BLTTHS năm 1988 theo chúng tôi là không phù hợp. Đồng thời, thực tiễn xét xử cũng cho thấy, phần lớn những vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện mà cấp huyện gặp khó khăn trong quá trình giải quyết nên được chuyển lên xét xử là những vụ án phức tạp, có nhiều tình tiết định khung tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khó xác định, ví dụ: phạm tội có tổ chức, chuyên nghiệp, cố tình thực hiện hành vi phạm tội, dùng thủ đoạn xảo quyệt… hoặc những vụ án mà việc giải quyết nó có ảnh hưởng đến tình hình chính trị tại địa phương. Tùy từng khả năng xét xử của từng đơn vị cấp huyện mà Tòa án cấp tỉnh lấy lên để xét xử. Việc loại trừ điểm c khoản 1 Điều 170 BLTTHS năm 2003 là phù hợp bởi vì, nếu vụ án phức tạp về đường lối xử lý cụ thể, về chứng minh vụ án thì tùy vào năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện trên địa bàn tỉnh, Tòa án cấp tỉnh sẽ quyết định lấy vụ án lên để xét xử, tạo ra sự thống nhất trong pháp luật, tạo điều kiện cho TAND cấp huyện có cơ hội được “thử sức” trong những vụ án phức tạp, không “ỷ lại” vào cấp trên và nâng cao năng lực xét xử nhanh chóng. Nếu trong quá trình giải quyết vụ án có sai sót thì Tòa án cấp tỉnh có thể xử lại theo thủ tục phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm, sẽ có giá trị như những bài học về chuyên môn nghiệp vụ giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện rút kinh nghiệm và trưởng thành. Như vậy, theo chúng tôi, thẩm quyền xét xử theo sự việc các VAHS của Tòa án cấp huyện nói chung và TAND cấp huyện nói riêng nên sửa đổi như sau: Điều 170. Thẩm quyền xét xử của Tòa án các cấp 1.Tòa án nhân dân cấp huyện… xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự về những tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng, trừ những tội phạm sau đây: Các tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia; Các tội phá hoại hòa bình chống loài người và tội phạm chiến tranh; Các tội phạm có yếu tố nước ngoài. 2. Tòa án nhân dân cấp tỉnh… xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự không thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện…và những vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện… mà mình lấy lên để xét xử. 3.2.2. Một số biện pháp khác Thứ nhất, kiện toàn cơ cấu, tổ chức của TAND cấp huyện Theo quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2002 thì TAND cấp huyện có một Chánh án, 1 hoặc 2 Phó Chánh án, các Thẩm phán và Thư ký. Trong thực tế, cơ cấu tổ chức của TAND cấp huyện rất đa dạng và phức tạp được hình thành phụ thuộc vào tình hình biên chế, số lượng vụ án giải quyết và đặc điểm tình hình nhân sự tại địa phương. Hiện nay, có một số Tòa án cấp huyện có số lượng biên chế và vụ việc giải quyết tương ứng với biên chế và vụ việc giải quyết của một tỉnh. Ngược lại có một số Tòa án có một vài biên chế và hàng năm cũng chỉ giải quyết một vài chục vụ án các loại. Do sự không đồng nhất về người và việc nêu trên, cơ cấu tổ chức của TAND cấp huyện cũng phải được xác lập cho phù hợp với thực tiễn, nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả xét xử. Tuy nhiên, ở bất cứ Tòa án nào, sự phân định rành mạch, khoa học chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của từng chức danh (Chánh án, Thẩm phán, Thư ký, Bộ máy giúp việc) cũng luôn tạo ra điều kiện tốt để nâng cao chất lượng xét xử của TAND cấp huyện. Khi tăng thẩm quyền xét xử cho TAND cấp huyện, số lượng công việc nhiều, việc bổ nhiệm thêm Thẩm phán, tăng cường biên chế cán bộ ngành Toà án cũng là một đòi hỏi tất yếu khách quan, phấn đấu mỗi TAND cấp huyện được tăng thẩm quyền có trung bình 6 Thẩm phán, các TAND cấp huyện chưa được tăng thẩm quyền tối thiểu có 4 Thẩm phán. Như vậy, chất lượng xét xử mới đảm bảo. Thứ hai, xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh thực hiện nhiệm vụ Năng lực, trình độ của đội ngũ Thẩm phán và cán bộ ngành Toà án là yếu tố có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả thực hiện việc xét xử. Vì thế, cùng với công tác tổ chức, việc xây dựng và quy hoạch cán bộ là vấn đề cấp bách, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII đã chỉ rõ: “xây dựng đội ngũ Thẩm phán, Thư ký Toà án... có phẩm chất chính trị và đạo đức, chí công vô tư, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, bảo đảm cho bộ máy trong sạch, vững mạnh”. Từ thực tiễn công tác đào tạo và sử dụng cán bộ ngành Tòa án ở nước ta những năm vừa qua cũng như kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy, việc đào tạo Luật học ở bậc đại học chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ để giúp cho Thẩm phán có thể chủ động giải quyết công việc một cách hiệu quả. Do vậy, cần phải có những chương trình đào tạo riêng cho Thẩm phán, cần có sự đổi mới cơ bản về công tác đào tạo bồi dưỡng Thẩm phán, thực hiện từng bước tiêu chuẩn hoá cán bộ ở trình độ cao để đội ngũ Thẩm phán của nước ta ngang tầm với yêu cầu đòi hỏi của xã hội. Hiện nay, theo quy định của pháp luật hiện hành thì Thẩm phán TAND cấp huyện phải là người có trình độ Cử nhân Luật, các sinh viên sau khi tốt nghiệp muốn làm Thẩm phán cần phải được tuyển dụng vào biên chế của ngành Toà án, làm Thư ký trong một khoảng thời gian là 4 năm, đi học thêm một lớp đào tạo Thẩm phán thì sẽ có cơ hội được bổ nhiệm làm Thẩm phán TAND cấp huyện. Hiện nay, chất lượng đào tạo tại các cơ sở Luật cũng như các trường đào tạo “nghề” Thẩm phán còn rất nhiều điều phải suy nghĩ. Phương pháp giảng dạy chủ yếu vẫn là giảng viên độc thoại, học viên nghe giảng. Phương pháp kiểm tra kiến thức cũng chủ yếu là tự luận, rất ít môn thi theo hình thức vấn đáp, trắc nghiệm. Phần lớn sinh viên sau khi tốt nghiệp phải mất một khoảng thời gian khá dài 6 tháng, 1 năm, hoặc dài hơn mới làm quen được với công việc. Do vậy, nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy là yếu tố quan trọng quyết định đến trình độ, kỹ năng nghiệp vụ của người Thẩm phán và Cán bộ ngành Toà án. Các chương trình đào tạo Luật cần phải đổi mới theo hướng giáo viên chỉ hướng dẫn gợi mở để rèn luyện khả năng tư duy độc lập cho các sinh viên, học viên và tổng kết việc nhận xét, xử lý tình huống,... Đổi mới phương pháp kiểm tra kiến thức, chuyển dần từ thi tự luận sang thi trắc nghiệm và thi vấn đáp. Bảo đảm cho sinh viên Luật vừa đạt trình độ Cử nhân Luật vừa được cập nhật các kiến thức mới về pháp luật theo hướng chủ động trong quá trình hội nhập quốc tế. Để chuẩn bị một cách tốt nhất về trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của Thẩm phán TAND cấp huyện, bên cạnh việc đào tạo bằng các chương trình học thì còn cần mạnh dạn chủ trương luân chuyển cán bộ, Thẩm phán, thường xuyên tập huấn nghiệp vụ cho Thẩm phán cấp huyện ở vùng sâu, vùng xa. Cần có cơ chế mở trong việc bố trí cán bộ Thẩm phán ở TAND các cấp theo hướng TAND cấp huyện có thể có cả Thẩm phán của TAND cấp trên. Thứ ba, kiện toàn cơ sở vật chất, phương tiện, kỹ thuật làm việc của TAND cấp huyện Cùng với trình độ của Thẩm phán, Thư ký và cán bộ ngành Toà án, một yếu tố cũng đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng lớn đến năng lực xét xử của Tòa án đó là điều kiện vật chất kỹ thuật. Trong thời gian gần đây, mặc dù điều kiện cơ sở vật chất của TAND cấp huyện đã được nâng lên một bước rõ rệt, nhiều trụ sở được xây dựng mới, phương tiện, máy móc phục vụ cho công tác xét xử cũng được trang bị. Tuy nhiên vẫn chưa đồng đều, một số nơi còn quá khó khăn cho việc xét xử. Do vậy, cần tiếp tục đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, trụ sở làm việc của nhiều TAND huyện, quận, thị được cải tạo, sửa chữa và xây dựng mới, phương tiện làm việc và trang thiết bị cần được đầu tư tốt hơn, hệ thống quản lý bằng công nghệ tin học đã bước đầu được khai thác và phát huy tác dụng cần tiếp tục được phổ cập rộng rãi hơn nhất là ở vùng sâu, vùng xa, thực hiện kết nối internet để truy cập thông tin. Thứ tư, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng Việc tăng thẩm quyền cho TAND cấp huyện không chỉ là tăng về số lượng các vụ việc phải thụ lý giải quyết mà quan trọng hơn là tính chất và mức độ yêu cầu của công việc phức tạp hơn. Để đáp ứng được yêu cầu đó, cùng với việc tăng cường số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ ngành Toà án, kiện toàn cơ sở vật chất thì TAND cấp tỉnh cần chỉ đạo TAND hai cấp phối hợp với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát rà soát, xem xét lại quy chế làm việc trong nôị bộ ngành và cơ chế phối hợp liên ngành. Mặt khác, cần tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn tố tụng của TAND cấp trên đối với cấp huyện để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đáp ứng yêu cầu triệt để, kịp thời, đúng pháp luật của quá trình đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm. Việc phân cấp cơ chế phối hợp chặt chẽ trên tinh thần hợp tác và chế ước lẫn nhau theo nguyên tắc tôn trọng, bình đẳng, trách nhiệm. Định kỳ, các cơ quan tiến hành tố tụng cần tổ chức cho các Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán cùng với Hội thẩm nhân dân rút kinh nghiệm. Toà án và Viện kiểm sát cấp tỉnh, thành phố cần tổ chức rút kinh nghiệm giữa Kiểm sát viên và Thẩm phán trong công tác để tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn áp dụng pháp luật. KẾT LUẬN Quá trình nghiên cứu một cách có hệ thống, toàn diện các quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thẩm quyền xét xử theo sự việc các VAHS của TAND cấp huyện, chúng tôi đã đạt được một số những kết quả nhất định. Kết quả đó được thể hiện ở một số nét chính sau: Thẩm quyền xét xử theo sự việc các VAHS của TAND cấp huyện là một trong những quy định quan trọng của pháp luật tố tụng hình sự và có liên quan trực tiếp đến việc xác định thẩm quyền của Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra. Xác định đúng đắn thẩm quyền xét xử theo sự việc các VAHS của TAND cấp huyện còn có ý nghĩa trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, xã hội và của công dân. Chỉ trên cơ sở đánh giá một cách khách quan, toàn diện các căn cứ lý luận và thực tiễn mới có thể xác định thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện chính xác nhất. Vai trò của quy định thẩm quyền xét xử theo sự việc các VAHS của TAND cấp huyện được khẳng định qua sự lớn mạnh và trưởng thành của hệ thống Tòa án cũng như pháp luật tố tụng hình sự trong suốt 60 năm qua. Những quy định này được sửa đổi, bổ sung, thay thế phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam qua từng thời kỳ và có xu hướng ngày càng mở rộng thẩm quyền xét xử theo sự việc các VAHS của TAND cấp huyện. Sửa đổi này là hoàn toàn phù hợp, sát với thực tế và đảm bảo tính khả thi. BLTTHS năm 2003 quy định mới về thẩm quyền xét xử theo sự việc của TAND cấp huyện đã tạo ra một bước tiến dài trong lịch sử phát triển của quy định này. Theo đó, thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện được mở rộng đáng kể. Nhưng do xuất phát từ điều kiện cơ sở vật chất, trình độ của TAND cấp huyện cũng như các cơ quan tiến hành tố tụng khác mà đến năm 2009 thẩm quyền này mới được thực hiện thống nhất trong cả nước. Thực tiễn xét xử cho thấy, việc thực hiện các quy định của pháp luật TTHS về thẩm quyền xét xử theo sự việc của TAND cấp huyện bên cạnh kết quả đạt được, các quy định này cũng dần bộc lộ những hạn chế nhất định. Do vậy, mặc dù quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thẩm quyền xét xử theo sự việc của TAND cấp huyện ngày càng được hoàn thiện. Nhưng trước sự thay đổi lớn của đất nước, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết số 49 ngày 2/6/2005 của Bộ chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, các quy định về thẩm quyền xét xử theo sự việc của TAND cấp huyện cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện. Song song với việc hoàn thiện hệ thống về thẩm quyền xét xử theo sự việc các VAHS của TAND cấp huyện thì cần chuẩn bị một cách tốt nhất về điều kiện cơ sở vật chất, trình độ người tiến hành tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện sẽ là cơ sở để bảo đảm chất lượng xét xử của TAND, đưa các quy định của pháp luật về thẩm quyền xét xử theo sự việc các VAHS của TAND cấp huyện được thực hiện có hiệu quả trên thực tế. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. C.Mac - Ănggen, toàn tập, tập V, NXB Sự thật, năm 1978. 2. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn Quốc lần thứ IX. 3. Nghị quyết Hội nghị lần thứ VIII Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VII. 4. Nghị quyết 08/2002/NQ - BCT ngày 2/1/2002 của Bộ chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới. 5. Nghị quyết số 49/2005/NQ - BCT ngày 2/6/2005 của Bộ chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. 6. BLHS năm 1999. 7. BLTTHS các năm 1988, 2003. 8. Các văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện các quy định của BLTTHS về thẩm quyền xét xử theo sự việc của TAND cấp huyện. 9. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 được sửa đổi, bổ sung năm 2000. 10. Luật Tổ chức TAND năm 2002. 11. Pháp lệnh Tổ chức TAQS năm 2002. 12. Bình luận khoa học BLTTHS Việt Nam năm 2003, NXB Chính trị Quốc gia, năm 2004. 13. Đoanthanhnien.org.vn (tháng 7 năm 2006). 14. Đỗ Gia Thư - Thực trạng đội ngũ Thẩm phán nước ta. Những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm từ quá trình xây dựng, tạp chí Tòa án, số 7/2004. 15. Đỗ Thị Phượng - Một số vấn đề về thủ tục rút gọn trong BLTTHS năm 2003, tạp chí Luật học, đặc san về BLTTHS 2003, tr.58. 16. Hoàng Văn Hạnh (chủ biên) - Các giai đoạn xét xử trong Luật tố tụng hình sự. Những vấn đề lý luận và thực tiễn, đề tài nghiên cứu khoa học, trường Đại học Luật Hà Nội, năm 2003, tr.10. 17. Nguyễn Văn Huyên - Mấy ý kiến về tăng thẩm quyền xét xử cho TAND cấp huyện, tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 9/2003, tr.18, 21. 18. Nguyễn Văn Huyên - Thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án các cấp theo Luật TTHS Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Luật học, năm 2003. 19. Phạm Hồng Hải - Vấn đề hoàn thiện các quan hệ tố tụng hình sự và nâng cao năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện hiện nay, tạp chí Tòa án nhân dân, số 6/2002. 20. Tạp chí Kiểm sát - Chuyên đề về những vấn đề đặt ra từ việc triển khai thực hiện thẩm quyền mới trong tố tụng hình sự và tố tụng dân sự của cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện, số 14/2006. 21. Trần Đại Thắng - Một số vấn đề về tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án cấp huyện, tạp chí Luật học, đặc san về BLTTHS 2003, năm 2004, tr.76, 77, 78. 22. Trường Đại học Luật Hà Nội - Giáo trình Luật TTHS, NXB Công an nhân dân, năm 2006, tr.345. 23. Từ điển Tiếng Việt, Viện ngôn ngữ học thuộc Viện khoa học xã hội, năm 1992. 24. Từ điển giải thích thuật ngữ Luật học hình sự, TTHS, trường Đại học Luật Hà Nội, năm 1999, tr.220. 25. Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc các cơ quan tiến hành tố tụng ở quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thực hiện thẩm quyền mới theo quy định của BLTTHS và Bộ luật Tố tụng dân sự, năm 2006. 26. Báo cáo sơ kết về việc thực hiện tăng thẩm quyền xét xử hình sự của TAND thị xã Sơn La, ngày 15/5/2006. BẢNG TỪ VIẾT TẮT 1.Bộ luật hình sự : BLHS 2. Bộ luật tố tụng hình sự : BLTTHS 3. Tòa án nhân dân : TAND 4. Vụ án hình sự : VAHS MỤC LỤC Phần mở đầu Chương 1: Những quy định chung về thẩm quyền xét xử theo sự việc các vụ án hình sự của Tòa án nhân dân cấp huyện 1.1. Một số khái niệm về thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân 1.2. Cơ sở quy định thẩm quyền xét xử theo sự việc các vụ án hình sự của Tòa án nhân dân cấp huyện 1.3. Sơ lược lịch sử phát triển quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thẩm quyền xét xử theo sự việc của Toà án nhân dân cấp huyện Chương 2: Những quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành về thẩm quyền xét xử theo sự việc của Tòa án nhân dân cấp huyện 2.1. Các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử theo sự việc của Tòa án nhân dân cấp huyện 2.2. Các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử theo sự việc của Tòa án nhân dân cấp huyện mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh lấy lên để xét xử 2.3. Các vụ án hình sự được xét xử theo thủ tục rút gọn của Tòa án nhân dân cấp huyện Chương 3: Thực tiễn áp dụng và một số kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng xét xử theo sự việc các vụ án hình sự của Tòa án nhân dân cấp huyện 3.1. Thực trạng xét xử theo sự việc các vụ án hình sự của Tòa án nhân dân cấp huyện 3.2. Một số kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng xét xử theo sự việc các vụ án hình sự của Tòa án nhân dân cấp huyện Kết luận Danh mục tài liệu tham khảo Trang 1 4 4 9 15 20 20 31 34 37 37 47

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docThẩm quyền xét xử theo sự việc các vụ án hình sự của Tòa án nhân dân cấp huyện.doc
Luận văn liên quan