Đề tài Ứng dụng hiện tượng học thực vật với nghề nuôi ong mật

Hiện tượng học là khoa học nghiên cứu sự sinh trưởng, sinh sản của thực vật trước sự thay đổi khí hậu theo chu kì, việc ứng dụng hiện tượng học đang được quan tâm và chú ý trong các lĩnh vực sản xuất và đời sống, trong đó ứng dụng vào công việc nuôi ong mật đang là một hướng ứng dụng quan trọng và phổ biến, nó mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi ong. Trong tự nhiên mọi hoạt động sống của các loài sinh vật đều có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, thúc đẩy nhau tồn tại và phát triển. Vì vậy con người muốn tác động vào giới tự nhiên theo qui luật của nó thì phải quan sát các hiện tượng về sinh trưởng phát triển của sinh vật để từ đó có những ứng dụng hiệu quả trong trồng trọt, chăn nuôi hay các lĩnh vực khác.

doc24 trang | Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 3320 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Ứng dụng hiện tượng học thực vật với nghề nuôi ong mật, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HUẾ KHOA SINH HỌC TIỂU LUẬN Môn: HIỆN TƯỢNG HỌC THỰC VẬT Đề tài: ỨNG DỤNG HIỆN TƯỢNG HỌC THỰC VẬT VỚI NGHỀ NUÔI ONG MẬT Giáo viên hướng dẫn Tiến sĩ : Lê Thị Trễ Học viên thực hiện: Lê Thị Hiền Lê Tân Phú Võ Quang Trung Lớp: TVk20 Tháng 05 năm 2012 Mục Lục Phần I: Mở đầu Nuôi ong là nghề truyền thống có từ lâu đời ở nước ta. Các sản phẩm từ ong như mật ong, sữa ong chúa, phấn hoa... có giá trị dược liệu và kinh tế cao. Ưu điểm của nghề nuôi ong là không tốn nhiều diện tích, vốn đầu tư ban đầu không lớn và không tốn nhiều nhân lực. Khai thác lợi thế từ thiên nhiên, kết hợp kinh nghiệm dân gian với khoa học kỹ thuật hiện đại, nhiều nông dân đã vươn lên làm giàu bằng hình thức nuôi ong lấy, trong đó không ít người đã trở thành tỷ phú sinh ra từ làng. Ở nước ta nuôi ong đã xuất hiện từ lâu đời với nhiều hình thức khác nhau như: nuôi ong trong hốc cây hoặc hốc đá tự nhiên, nuôi trong thùng... Song, mọi phương thức nuôi ong kể trên đều mang tính chất thô sơ, năng suất thấp. Ngày nay, việc áp dụng kỹ thuật nuôi trong thùng cải tiến có khung cầu di động là một bước tiến nhảy vọt, đưa năng suất mật tăng gấp 5 - 10 lần. Với phương pháp này có thể di chuyển đàn ong theo những mùa hoa nhằm tận dụng nguồn thức ăn từ hoa của các rừng keo, tràm,cà phê, cây ăn quả, cây ngắn ngày... qua đó, đã tiết kiệm được một khoản chi phí rất lớn.. Để có thể di chuyển đàn ong như vậy người nuôi ong phải nắm bắt được những mùa hoa nở ở các vùng miền khác nhau, từ đó di chuyển đàn ong để lấy được phấn hoa và mật hoa tốt nhất, đem lại năng suất chất lượng mật. Chính vì vậy các chu kỳ hiện tượng và hiện tượng nở hoa ở thực vật được xem là một trong những vấn đề chính rất được quan tâm và ứng dụng trong quá trình nuôi ong. Và để có cái nhìn sâu hơn về việc vận dụng hiện tượng học trong quá trình nuôi ong mật, chúng tôi chọn đề tài: “Ứng dụng của hiện tượng học thực vật với nghề nuôi ong mật ” Phần II: Nội dung 1. Hiện tượng học thực vật là gì ? 1.1. Hiện tượng học thực vật Là khoa học nghiên cứu sự sinh trưởng, sinh sản của thực vật trước sự thay đổi khí hậu theo chu kì như: Sự ra lá, rụng lá, sự hình thành và phát triển nụ hoa, quả, quả chín, phát tán hạt giống, thay đổi màu sắc lá ....và những hiện tượng khác trong sự hình thành và biến đổi khí hậu theo mùa. 1.2. Hiện tượng ra hoa ở thực vật Trong thực tế mùa nào cũng có hoa. Mỗi loài thực vật nở hoa vào những thời điểm khác nhau, tùy vào tập tính và đặc tính sinh học của mỗi loài. Hoa chính là cơ quan sinh sản của thực vật có hoa. Khi bắt đầu chuyển sang giai đoạn phát triển, cây tạo khối sơ khởi, rồi tạo nụ hoa, sau một thời gian hoa nở báo hiệu hạt phấn chín và quá trình thụ phấn thụ tinh xảy ra. Hoa nở thường không cùng một lúc, có cái trước, có cái sau, trải dài một vài tuần, có nhiều loài kéo dài vài tháng, hay có loài hoa nở thành 2-3 mùa một năm, để bảo đảm khi hạt chín sẽ đúng vào mùa mưa nhiều, nếu mùa mưa đến trể hay sớm. Thông thường các cây công nghiệp, cây ăn trái có mùa hoa nở tập trung.Thời gian ra hoa còn phụ thuộc vào sự nảy mầm của hạt. Cây phải ra hoa vào mùa nào thì hạt mới có thể nảy mầm tốt và cây con đủ sức sống sót trong mùa hạn. Sự ra hoa của thực vật còn tùy vào thời tiết của mỗi vùng khác nhau, như vùng ôn đới khác vùng nhiệt đới. Đặc biệt là các loài thực vật vùng nhiệt đới ở miền Nam Việt Nam. Mỗi loài cây có mùa ra hoa và tạo quả khác nhau. Cây ăn trái bản địa như xoài, mít, nhãn, chôm chôm, v.v. mà hạt không sống lâu được đều trổ hoa trong mùa Xuân để trái chín vào đầu tới giữa mùa mưa. Hiện tượng ra hoa và hoa nở mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống của thực vật và hiện tượng hoa nở đã hình thành nên mối quan hệ không thể thiếu giữa côn trùng hút mật và cây. 2. Ứng dụng hiện tượng học trong nghề nuôi ong mật Nuôi ong được xem là một nghề đòi hỏi sự khéo léo, dày công chăm bẵm như trẻ nhỏ nhưng cũng không phải là quá khó khăn nếu người làm nghề thực sự ham thích học hỏi và cần nhất là sự cần mẫn như chính loài ong. Không chỉ am hiểu đặc tính của loài ong, người nuôi ong cũng cần phải có sự am hiểu về các loài hoa, mùa hoa nở, mùa con ong đi lấy mật, biết cách luân chuyển đàn ong tìm kiếm những nơi  có nguồn mật hoa dồi dào. 2.1. Một số hiểu biết về loài ong: Loài ong mật Ong là loài côn trùng có tổ chức xã hội cao. Ong sống theo đàn, mỗi đàn đều có ong chúa, ong thợ, ong non,... và có sự phân công công việc rõ ràng. Ong có nhiều loài khác nhau, các loài được con người nuôi để khai thác sản phẩm như mật ong, sáp ong, sữa ong chúa... - Trong đàn ong: + Ong chúa là con ong cái duy nhất trong đàn ong, dài và to hơn các ong đực, ong thợ, cánh ngắn hơn thân, có nhiệm vụ đẻ trứng nhưng không làm ra mật. Ong chúa chuyên đẻ trứng, ấu trùng do trứng nở ra được nuôi bởi ong thợ (các con ong thợ này là các con cái); những ấu trùng này sẽ lớn lên thành ong non và cuối cùng, trong đàn ong còn có ong đực, có số lượng rất ít trong tổ, chúng chết đi sau khi giao phối với ong chúa. + Ong thợ đông nhất, làm đủ mọi việc: lấy mật, nuôi ấu trùng, bảo vệ tổ , thường sống 2- 6 tháng. + Ong đực to hơn ong thợ, làm nhiệm vụ giao phối với ong chúa mỗi khi ong chúa bay ra. Ong đực thường xuất hiện vào mùa hè và chỉ sống 1-2 tháng, sang mùa thu thì bị đuổi ra khỏi tổ mà chết. Trong đề tài này chúng ta đề cập đến loài ong mật: Con ong cho mật thuộc giống Apis (Apis mellifca, Apis cerana Fabr, Apis ligustica, Apis sinensis,...) hoặc các giống Maligona, Trigona,... đều thuộc họ ong (Apidae). Ong mật còn gọi là ong khoái, to con hơn, đốt đau, tổ thường ở các hốc cây, hốc đá... * Nguồn thức ăn: Nguồn thức ăn chủ yếu của ong là mật hoa và hạt phấn. Chính vì vậy thực vật cung cấp hạt phấn và mật hoa là một trong những đối tượng được chú ý và nghiên cứu đối với các nhà nuôi ong về : Thời điểm nở hoa, khoảng thời gian hoa nở nhiều nhất…Từ đó để đưa lại hiệu quả trong việc thu hạt phấn và mật hoa, mang lại năng suất cao trong việc nuôi ong. * Mật ong – sản phẩm tạo thành của ong: Mật ong được tạo thành từ chất ngọt do ong thu thập được trong các bông hoa. Mật ong là hỗn hợp của các loại đường và một số thành phần khác. Dựa vào nguồn mật người ta chia làm 3 loại mật ong: mật ong đơn hoa, mật ong hỗn hợp và mật ong dịch lá. Trong đó mật ong đơn hoa có chất lượng tốt nhất. 2.2 Quá trình tạo mật ong: Ong mật tìm những cây có hoa có chứa mật hoa, hạt phấn đây chính là nguồn thức ăn cho ong mật. Phấn hoa là nguồn protein quý giá đối với đời sống đàn ong. Đàn ong phát triển mạnh hay yếu, nhanh hay chậm chủ yếu dựa vào phấn hoa; phấn hoa là loại thức ăn khó thay thế của ong. Tuy rằng nhiều nước nuôi ong đã sản xuất thức ăn nhân tạo (phấn) nhưng đàn ong phát triển vẫn không bằng phấn hoa tự nhiên. Ong thu phấn hoa có chọn lọc. Phần lớn đàn ong chỉ thu những hạt phấn tốt trên hoa có phấn ngon. Ở nhiều loài thực vật ở bên trong hoa nơi gần gốc của cánh hoa có tuyến tiết mật. Tuyến mật của hoa sâu hoặc nông có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thu mật. Ở một số loài tuyến mật không nằm trong hoa mà nó nằm bên ngoài của hoa và gọi là những tuyến mật ngoài hoa (extrafloral nectaries). Đây là dịch ngọt tiết ra từ tuyến mật ở lá, thân của cây. Ví dụ: đay có đầu ở gân lá, cao su ở gần cuống lá, thông ở kẽ nụ v.v.. Mật ong lấy từ mật hoa thường có hương vị đặc trưng và trong. Mật lá có hàm lượng chất khoáng (nhất là kali) thường cao hơn mật hoa do đó mật lá vẫn được khách hàng nhiều nước ưa thích vì kali có khả năng chống nhiễm xạ. Màu sắc, hương vị của mật hoa kích thích đàn ong mạnh hơn so với mật lá. Tuy nhiên không phải tất cả các loài cây có hoa đều có tuyến mật để hấp dẫn côn trùng. Mật hoa (nectar) sau khi ong thu thập về được ong chế biến lại thành mật ong (honey). Mật ong được dự trữ trong kho chứa mật và người nuôi ong khai thác nguồn mật tại đây. Tuy nhiên, ong cũng sử dụng nguồn mật mà nó chế tạo được do đó người nuôi ong cần phải lấy hết lượng mật này, thay đó bổ sung thay thế bằng lượng nước đường cho đàn ong sử dụng vì đàn ong luôn đòi hỏi nguồn thức ăn để nâng cao sản lượng và chất lượng mật. Việc nuôi ong cố định ở một nơi (stationary) hay nuôi di trú (migratory), người nuôi ong cần phải tìm hiểu về địa điểm bố trí đàn ong ở bên trong hay gần nơi có nhiều cây cho mật (honey plants). Những loài cây cho mật có thể là cây trồng hay cây dại, cây cỏ hay cây bụi, cây trong rừng hay cây ven đường... thời kỳ có nguồn thức ăn cho ong vào những mùa nhất định hay xuyên suốt trong năm. 2.3 Thực vật cho mật hoa và phấn hoa: Một số loài cây cung cấp lượng mật và phấn hoa nhiều khi hoa nở và những loài thực vật này người ta gọi là cây cho mật (honey plants). Bởi vì những loài cây này cung cấp nguồn thức ăn cho ong để quá trình tạo mật ong tốt nhất. Nhiều thực vật sản sinh ra nguồn mật hoa nhưng rất ít hay không có phấn hoa cũng được xem là những loài cây nguồn mật. Những cây khác cho phấn hoa nhiều với chất lượng tốt nhưng có rất ít hay không có mật hoa gọi là những cây cho phấn hoa (pollen plant), những loài cây này đóng vai trò quan trọng cho việc nuôi ong nhất là vào lúc mới xây dựng đàn ong, khi ong cần một lượng lớn protein chứa trong hạt phấn để nuôi sống chúng. Nghề nuôi ong phát triển ở những vùng có những loài cây cho mật và cây cho phấn phát triển mạnh và có mùa nở hoa kéo dài. Nhưng những vùng này không phải luôn dễ dàng tìm thấy. Bởi vậy người nuôi ong cần phải kết hợp những kinh nghiệm của mình trong việc quản lý đàn ong với việc thực hiện di cư đến nơi có nguồn phấn hoa và mật hoa nhiều để cung cấp đầy đủ lượng thức ăn cho ong. Do đó người nuôi ong cần phải biết ngày và khoảng thời gian mùa hoa nở của những loài cây cho mật, những nhân tố môi trường ảnh hưởng đến chúng và có những đánh giá tác động hợp lý với tiềm năng ở từng vùng, ví dụ: số lượng đàn ong cần đặt để sản xuất ở mỗi vùng, khả năng cung cấp mật hoa và phấn hoa của đàn ong. Hiện tượng học ra hoa của những loài này thường thay đổi theo mùa và theo từng vùng. Theo Crane (1990), chỉ có khoảng 16% loài cây trên thế giới làm nguồn thức ăn cho ong mật, tuy nhiên cũng có đến 4000 loài hoa khác nhau cho mật. Những hoa không có mật thường cho lượng phấn hoa khá lớn (theo Luciana Porter Bolland, 2001). Tầm quan trọng của những loài cho mật và phấn hoa khác nhau phụ thuộc sự phong phú của nó trong vùng. Chất lượng mật, phấn hoa và hiện tượng ra hoa của ảnh hưởng đến chu trình nuôi ong. Cây cho mật hoa và phấn hoa ở nước ta khá phong phú. Ở miền Nam cây Cao su là cây có sản lượng mật hoa lớn, sau đó là cây Tràm, Chôm chôm, Nhãn, Cà phê và Dừa, hoa Cúc quỳ, Bông trắng, các cây trong rừng ngập mặn như cây họ mắm Avicennia. Đối với miền Bắc, cây nguồn cho mật hoa và phấn hoa có rải rác trong năm: Vải chua, Vải thiều, Nhãn, Đay, Bạch đàn, Vẹt, Táo, Cỏ lào, Chân chim, Bạc hà v.v... Các cây cho mật hoa ở miền Bắc cho chất lượng mật tốt, mật trong và thơm (trừ Đay) nhưng số lượng cây lại không nhiều và thời tiết không ổn định, địa bàn phân tán cho nên chỉ thích hợp với nuôi ong gia đình có quy mô nhỏ (giống ong nội Apis cerena). 2.4. Lịch nở hoa (loral calendars): Nguồn hoa cung cấp thức ăn tự nhiên cho ong rất dồi dào lại phân bố tại nhiều vùng khác nhau, mỗi loài hoa nở vào một mùa nhất định nào đó. Do đó người nuôi ong cần phải biết được thứ tự thời gian nở hoa, hoa tàn; thời gian và kết thúc vụ mật của các loài cây nguồn mật này ở từng vùng trong năm; nắm chắc lịch nở hoa sẽ bố trí đàn ong mật khớp đúng những mùa mật cao điểm sẽ mang lại năng suất mật ong khá cao. Lịch nở hoa (loral calendars) hay bản đồ nở hoa (flowering – chart) cho nghề nuôi ong là một bảng thời gian cho người nuôi ong biết được ngày gần đúng nhất và khoảng thời gian giai đoạn hoa nở của những cây cho mật và cây cho phấn hoa quan trọng trong vùng. Những người nuôi ong có kinh nghiệm sẽ thu thập được nhiều thông tin qua qua nhiều năm và ghi chép lại làm kinh nghiệm cho những sau. Lịch nở hoa là một trong những công cụ hữu hiệu để mở rộng nghề nuôi ong. Nó có thể giúp cho người nuôi ong biết được nguồn thức ăn mà ong mật cần cung cấp ở đâu, nhờ đó người nuôi có thể quản lý đàn ong của mình theo cách hợp lý nhất. Việc nuôi ong ở bất kỳ một vùng nào đó sẽ không thể phát triển được nếu không hiểu biết về lịch nở hoa và việc di cư khi nuôi ong. Lịch nở hoa đặc biệt cung cấp cho ta biết những vùng miền khác nhau có nguồn thức ăn cho ong, dựa vào đó mà bố trí lộ trình di cư mà đàn ong cho thích hợp nhất. Việc thu thập thông tin để xây dựng lịch nở hoa cho bất kỳ một vùng nào thì không phải khó khăn nhưng tốn khá nhiều thời gian. Nó đòi hỏi phải có một sự quan sát thật kỹ lưỡng và đầy đủ về sự thay đổi theo mùa của hệ sinh thái trong vùng đó, hoạt động kiếm nguồn thức ăn của ong mật, và cả những tập tính trong đàn ong mật. XÂY DỰNG LỊCH NỞ HOA * Khái niệm: Là bảng chỉ ngày và khoảng thời gian hoa nở của các loài cho mật hoa và hạt phấn. * Các bước xây dựng lịch hoa: - Nghiên cứu thành phần loài thực vật cung cấp mật hoa và hạt phấn trong vùng. Xác định mật độ cây ra hoa /dt/cây. - Xác định số lượng tập đoàn ong trong vùng. Theo dõi lượng thức ăn trong tổ thừa hay thiếu. - Theo dõi sự viếng thăm của ong và tần suất viếng thăm của ong. - Theo dõi diễn biến mùa hoa. * Vai trò: -Trên cơ sở xây dụng được lịch hoa, người nuôi ong sẽ biết được thời gian thích hợp để thu mật hoa và phấn hoa. Khi đó họ có thể di chuyển đàn ong tới nơi có nguồn mật dồi dào đúng thời điểm mới đạt được nằn suất cao. -Lịch hoa còn là cơ sở của các ứng dụng khác như thống kê lưu lượng mật của các loài thực vật. 3. Quy trình và kỹ thuật nuôi ong mật 3.1. Phương thức nuôi ong: Nước ta, ong nội (Apis cerana) đã được nuôi từ lâu đời với nhiều hình thức khác nhau. * Nuôi ong theo phương thức cố định: Ong được nuôi trong hốc cây hoặc hốc đá tự nhiên, nuôi trong thùng hoặc trong đó đã có bánh tổ cố định và được đặt theo nhiều tư thế khác nhau. Đây là phương thức nuôi còn thô sơ và năng suất thấp. * Nuôi ong theo phương thức di chuyển: Là phương thức nuôi trong đó các thùng cải tiến có khung cầu di động. Đây là một bước tiến nhảy vọt, đưa năng suất mật tăng gấp 5 - 10 lần. Để nuôi ong thành công và thu được nhiều sản phẩm, cần phải nắm vững và kết hợp hài hoà giữa nhiều yếu tố như : kỹ thuật tạo chúa có chất lượng cao, kỹ thuật nuôi và sử lý đàn ong, các bước đi hoa, phương pháp phòng và trị bệnh... 3.2. Kỹ thuật nuôi ong. Trong quy trình, kỹ thuật nuôi ong, hai vấn đề cần đặc biệt quan tâm là chọn giống ong và kỹ thuật chăm sóc, phòng chữa các loại bệnh cho ong. * Chọn giống ong Việc chọn giống ong ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất mật: giống tốt, con chúa đẻ khỏe thì cho năng suất mật cao. Người tạo giống phải có kỹ năng chọn những đàn ong có các đặc tính mong muốn. Sau đó, để đạt được kết quả cao nhất, họ phải cho ong đực chọn từ đàn bố giao phối với ong chúa tơ tạo từ đàn mẹ. Theo kinh nghiệm và nghiên cứu của các chuyên gia, việc lựa chọn ong làm giống dựa trên 5 đặc tính cơ bản: - Đặc tính hung dữ - Sản lượng mật - Tình trạng ấu trùng - Dịch bệnh - Khả năng dọn vệ sinh trong tổ * Chuẩn bị dụng cụ: - Thùng nuôi ong: để nuôi ong người ta dùng các kiểu thùng gỗ thông dụng tự chế theo cách riêng, nhưng hiện nay là kiểu thùng langtros, có hai cửa sổ để đóng mở, phía trên có nắp đậy để chống mưa nắng. Cửa ra vào của ong phải to và rộng để không ảnh hưởng đến quá trình tạo bầy đàn của ong. Thùng nuôi ong được xem như ngôi nhà chung của đàn ong. Có thùng nuôi ong tốt thì việc nuôi ong sẽ hiệu quả. Tùy vào điều kiện của từng vùng có thể xây dựng thùng nuôi ong phù hợp. Ở miền núi người ta dùng thân cây tròn rỗng ruột để làm thùng nuôi ong, gọi là bộng ong. Cách làm bộng để nuôi ong có mặt tốt là duy trì được sự thân thiện của đàn ong với môi trường tự nhiên, nhưng lại gặp khó khăn nếu tổ chức sản xuất lớn. Tốt nhất là nuôi ong trong thùng cải tiến với khung cầu di động, tiện dụng cho người nuôi ong và cho năng suất mật cao. - Khung cầu: phía bên trong thùng ong  là các cầu ong hay gọi là khung cầu (kèo) có thể tháo ra mở vào để lấy mật, trên khung cầu này ta sẽ đặt vào bánh tổ để cho ong xây tổ. Nuôi ong bằng khung cầu di động là dụng cụ để khai thác mật thuận tiện nhất, cho năng suất mật cao. - Các dụng cụ khác: dụng cụ để khai thác mật thuận tiện nhất, cho năng suất mật cao. 3.2.1. Quy trình và kỹ thuật nuôi ong: 1. Chọn địa điểm đặt đàn ong Nguồn thức ăn chính của ong là mật của các loài hoa. Bởi vậy việc lựa chọn địa điểm đặt đàn ong cần phải dựa trên đặc điểm này. Theo kinh nghiệm, địa điểm đặt đàn ong cần: - Gần nguồn mật phấn hoa  - Không phun thuốc sâu, hóa chất.  - Không có dịch bệnh, ít hoặc không có ong rừng, chim thú hại.  - Địa hình thoáng mát, yên tĩnh, không gần đường giao thông, nhà máy đường, nhà máy hóa chất, nhà máy chế biến hoa quả và không có hồ lớn bao quanh...  Về cách đặt thùng ong, nên kê cao 25 - 30cm so với mặt đất, cách nhau ít nhất 1m, cửa ra vào đặt các hướng khác nhau, chọn nơi khô ráo, thoáng mát như dưới hiên nhà, cạnh gốc cây. Không nên đặt đàn ong trên sân gạch, nền xi măng, nơi qúa ẩm ướt hoặc gần chuồng gia súc, gia cầm. 2. Kỹ thuật chia đàn tự nhiên: Do gần nguồn phấn hoa dồi dào, đàn ong phát triển mạnh. Ngôi nhà của đàn ong trở nên đông đúc, chật chội thì đàn ong sẽ chia đàn tự nhiên làm mất ong và giảm năng suất mật. Vì vậy khi đàn ong phát triển mạnh, người nuôi ong nên chủ động chia và nhân đàn. Ở miền Bắc, ong thường chia đàn vào tháng 3 - 4, một số ít chia vào tháng 10 - 11. Ở miền Nam, ong thường chia đàn vào tháng 10 - 11 và tháng 2 - 4 (đầu và giữa vụ mật).  Cách xử lý chia đàn tự nhiên:  - Trong trường hợp đàn ong ít quân: khắc phục việc chia đàn bằng cách thay ong chúa cũ bằng ong chúa mới vào lúc nguồn hoa phong phú, cho thêm tầng chân, quay mật hoặc chuyển cầu mật cho đàn khác, nới rộng khoảng cách cầu và bỏ vật chống rét ra ngoài, vặt các mũ chúa và cắt bỏ lỗ tổ ong đực.  - Trong trường hợp đàn ong mạnh thì chủ động chia đàn: cần cho ăn đủ, chọn những mũ chúa thẳng dài ở vị trí trống như ở 2 góc và dưới bánh tổ để sử dụng sau khi ong chia đàn mới.  - Đàn ong chia đàn tự nhiên thường ăn no mật và phần đông ong thợ trẻ đang độ tuổi tiết sáp, xây tầng nhanh, nên ngay sau khi ổn định có thể cho đàn ong đó xây tầng chân. Đàn ong gốc chỉ giữ lại 1 mũ ong chúa tốt nhất để thay chúa còn lại cắt bỏ tất cả các mũ chúa đi.  Thường xuyên kiểm tra đàn ong Kỹ thuật chia đàn đòi hỏi sự quan sát, chăm sóc cẩn thận để tạo đàn ong hợp lý về tổ chức và số lượng đàn ong. 3. Phương pháp nhập đàn ong, cầu ong: Nhập ong thợ từ đàn này sang đàn khác nhằm : - Điều chỉnh thế ong cho đồng đều.  - Xử lý các trường hợp: bốc bay, mất chúa, tăng lực lượng xây bánh tổ.  Thao tác nhập đàn ong cần nhẹ nhàng để tránh ong đánh nhau gây tình trạng mất ổn định trong đàn ong và những đàn xung quanh.  a. Các nguyên tắc nhập đàn ong, cầu ong - Nhập vào buổi tối - Nhập đàn ong không có chúa vào đàn ong có chúa -  Nhập đàn ong yếu vào đàn ong mạnh b. Các cách nhập ong Nhập gián tiếp (ngoài ván ngăn): - Khử hoặc tách chúa ở đàn bị nhập trước 6 giờ.  - Đến tối nhấc các cầu định nhập đặt ngoài ván ngăn của đàn ong được nhập.  - Sáng hôm sau nhấc ván ngăn ra ngoài và ổn định cầu mới nhập vào.  Nhập trực tiếp (trong ván ngăn): buổi chiều, tách ván ngăn ra xa, đến tối đặt nhẹ cầu nhập vào hoặc thổi nhẹ cho ong già bay khỏi tổ, còn lại toàn ong non. 4. Phương pháp chia đàn ong Chia đàn nhân tạo nhằm giảm sự chia đàn tự nhiên và tăng số đàn. Có mấy phương pháp chia như sau: a. Chia đàn song song - Sau khi chuẩn bị được ong chúa, mũ chúa, dùng một thùng mới có màu sơn giống với màu thùng cũ của đàn ong định chia.  - Chia đều số cầu, quân nhộng, ấu trùng và thức ăn ra làm đôi, đặt 2 đàn liền nhau.  - Để 2 đàn cách đều vị trí đàn cũ 20 - 30cm. Nếu đàn ong vào nhiều hơn thì nhích xa vị trí cũ, đàn nào vào ít thì nhích gần lại. Dần dần tách 2 đàn ra xa nhau, quay cửa tổ ra 2 hướng.  Nuôi ong cũng như chăm sóc trẻ nhỏ cần có sự cẩn thận và tỉ mỉ Cách chia này có ưu điểm là hai đàn được chia đều, phát triển nhanh, không phải mang ong đi, tiện kiểm tra, chăm sóc. b. Chia dời chỗ Mang thùng mới đến gần đàn cơ bản, tách ra 2 - 3 cầu, chèn lại, rồi chuyển đi cách đó 1km, thường mang ong chúa đã đẻ đi. Nên tiến hành trước vụ mật 40 ngày.  c. Tách cầu ghép thành đàn mới    Khi sắp tới vụ mật, có một số đàn ong mạnh muốn chia đàn tự nhiên, nếu không chia ong sẽ tự chia đàn hoặc đi làm kém. Cần lấy từ các đàn mạnh, mỗi đàn một cầu  nhộng và quân để tách ra hình thành đàn mới, vừa chống chia đàn, vừa tăng sản lượng mật, tăng được số lượng đàn. Ngày đầu chỉ nên lấy 1 cầu, ngày sau lấy 1 cầu của đàn khác và hôm sau lấy thêm 1 cầu của đàn thứ 3. Nếu ong chúa đẻ, đàn ghép sẽ phát triển nhanh. 5. Phòng chữa bệnh cho ong Các loại bệnh trên ong phổ biến nhất là: bệnh thối ấu trùng, ấu trùng túi và bệnh ỉa chảy. Trong quá trình chăm sóc, phát hiện và chữa trị kịp thời các loại bệnh cho ong rất quan trọng, ảnh hưởng đến năng suất lấy mật. Đàn ong khỏe, điều kiện chăm sóc chu đáo, không để nó đói kém, thưa cầu thì sẽ ít bệnh tật. Ong cũng giống như con người nếu không được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt dễ mắc các loại bệnh tật. Khi mắc bệnh thối ấu trùng nặng thì không nên để đông cầu quân và kết hợp dùng các loại thuốc chứ không nên dùng duy nhất kháng sinh. Khi chữa bằng kháng sinh thì cho thêm thuốc bổ để hỗ trợ những con khỏe phục vụ cho đàn ong. Và phương pháp hiệu quả hơn là thay chúa trong thời kỳ ong bệnh sẽ khắc phục nhanh chóng. Mình làm chúa chủ định trước sau đó thay cho mỗi đàn ong mắc bệnh. 6. Phương pháp chống nóng, chống rét cho ong Yêu cầu nhiệt độ trong đàn ong từ 33 - 35 độ C, độ ẩm từ 60 - 80%. Chống nóng cho ong: - Không để đàn ong ở ngoài nắng, không đặt cửa về hướng tây, không để đàn ong chật chội.  - Đặt máng có nước trong thùng ong vào những ngày nóng bức. Thời tiết nắng thì chọn những nơi bóng râm mát đặt đàn ong, Khi nhiệt độ ngoài trời cao (tháng 5, 6) thì có thể dùng vải ướt để lên thùng hoặc đổ nước lạnh dưới đáy thùng.  Chống rét, khô hanh cho ong:  - Điều chỉnh đàn ong trước mùa rét để có thế đàn đông đều, nên kết thúc nhân giống trước 30/11 để có thời gian nâng thế đàn tốt qua mùa đông.  - Cho ăn đầy đủ đến khi có mật vít nắp, nếu thiếu phấn kéo dài phải cho ăn bổ sung.  Đặt đàn ong nơi râm mát, gốc cây để tránh nắng - Dùng rơm, lá chuối khô... làm vật chống rét để ở ngoài ván ngăn hoặc bên trên xà cầu.  - Bịt kín các khe hở của thùng ong, không để cửa tổ quay về hướng bắc.  - Nếu khô hanh quá cho uống nước pha ít muối với tỷ lệ 9/1000.  7. Các vấn đề cần chuẩn bị cho đàn ong vào vụ mật: Mùa hoa nở, cây trái đơm chồi, nảy lộc là mùa con ong đi lấy mật, mùa cho năng suất hiệu quả cao nhất của những người nuôi ong. Bởi vậy việc chuẩn bị đàn ong trước vụ mật là rất cần thiết.  Kết hợp giữa phương pháp dân gian và kỹ thuật khoa học, kinh nghiệm từng vùng, mỗi hộ nuôi ong có những bí quyết riêng để chuẩn bị nguồn lực, điều kiện cho vụ mật. Nghề nuôi ong có những điểm khá đặc biệt. Các hộ nuôi ong không có sự cạnh tranh mà trái lại luôn tương trợ, giúp đỡ nhau. Đặc biệt vào vụ mật, họ có thể lập hội di chuyển đàn ong tới những vùng nhiều hoa để cùng khai thác mật. Đây cũng là nét độc đáo thể hiện thú chơi tao nhã, tinh thần đoàn kết của các hộ nuôi ong. 3.3. Kỹ thuật khai thác - Khai thác phấn hoa: Vào mùa bông chè, cà phê, mắc cỡ ..vv.., nếu  nguồn phấn dồi dào ta có thể tổ chức khai thác phấn hoa: - Dùng một tấm lưới có các lỗ có đường kính 5,7mm chận trước cửa tổ, bên dưới dùng một máng để hứng phấn. Ong đi làm về mang hai hạt phấn ở hai chân sau khi chui vào lỗ của lưới thoái phấn sẽ đễ lại hai hạt phấn ở bên ngoài. Hai hạt phấn này sẽ rơi xuống màng hứng phấn. Trưa hoặc chiều người nuôi ong sẽ gom số phấn này lại. - Khai thác sữa ong chúa: Tổ chức những đàn ong giống như đàn tạo chúa theo phương pháp đàn có chúa. + Di con ấu trùng 1 ngày tuổi vào các nụ (mỗi nụ một con). + Đến ngày thứ 3 lấy các thanh nụ này ra, dùng kẹp gắp bỏ các  ấu trùng, sau đó dùng một thanh nhựa dẹt múc sữa chúa trong các nụ này vào 1 túi nylon có túi lọc bằng vải nylon mịn, lọc lấy sữa chúa, cột chặt túi sau khi vuốt hết không khí ra.  + Lại di con ấu trùng khác vào các nụ này, sau đó bỏ vào thùng và bắt dầu chu kỳ tiếp theo. + Bảo quản sữa chúa ở  -180 C và không có ánh sáng. - Khai thác mật ong: Vào những mùa hoa nở rộ như: Cà phê, cao su, chôm chôm, nhãn .v.v. Người ta đem những đàn ong mạnh (tức những đàn đã đạt đến 10 cầu quân thật đông) đến những vùng có hoa nở rộ để khai thác mật ong. 4.Thực trạng nghề nuôi ong mật ở Việt Nam: * Ứng dụng của hiện tượng học nở hoa ở thực vật trong nghề nuôi ong mật Ở nước ta việc ứng dụng hiện tượng hoa nở để di chuyển đàn ong theo mùa là một trong những phương pháp đang được sử dụng rất phổ biến. Loại mật tốt nhất đó là mật ong đơn hoa: Mật ong thuần túy của một loại hoa nào đó, như: hoa nhãn, chôm chôm, vải thiều,... Thông thường, các cây công nghiệp, cây ăn trái,... có mùa hoa nở tập trung thì người nuôi ong di chuyển đàn ong đến vùng đó vào đúng thời điểm có hoa nở rộ, việc chuyển trại ong đến điểm lấy mật gọi là “di chuyển theo bước hoa”. Tuy nhiên, cái khó nhất gặp phải là kỹ thuật nuôi ong vì nước ta nghề này cũng hiếm. Mỗi lần di chuyển ong phải thực hiện trong đêm, vì thời gian này là đàn ong về tổ ngủ, có như thế ong mới không bị phân tán đàn và bị chết do thay đổi khí hậu đột ngột. Các loài thực vật cung cấp mật và phấn hoa cho việc nuôi ong mật ở nước ta chủ yếu là các cây ăn quả. Các hộ nông dân đã biết cách ứng dụng cá hiện tượng nở hoa của các loài cây ăn quả để tạo ra năng suất cao trong quá trình nuôi ong. Điển hình đó là anh Vũ Đình Năm xã Đức Hạnh, huyện Đức Linh (Bình Thuận), là một trong những hộ nuôi ong thành công nhất ở vùng này, với mô hình nuôi ong lây mật hàng năm gia đình anh cho thu lãi hàng trăm triệu đồng. Hiện nay, gia đình anh đang nuôi 1.000 đàn ong, mỗi đàn ong là 1 thùng, mỗi thùng khoảng 10 cầu ong, mỗi cầu ong có thể thu từ 4 - 8 kg mật ong. Uớc tính trong năm nay, anh có thể thu được khoảng 50 tấn mật với thu nhập khoảng trên 600 triệu đồng, trong đó lãi ròng khoảng 300 triệu đồng. Với giống, có kỹ thuật và vườn cây ăn quả, cây công nghiệp là đàn ong phát triển mạnh. Mùa con ong phát triển cao điểm là từ tháng 9 âm lịch đến Tết, từ Tết cho đến tháng 4 âm lịch là mùa mật. Do đó, để nâng cao sản lượng và chất lượng mật ong, mỗi năm phải di chuyển đàn ong đến những vườn cây khác có nhiều hương hoa từ 5-6 lần. - Vùng Tây Nguyên chỉ trừ 3 tháng giữa mùa mưa, còn lại gần như quanh năm suốt tháng, hàng chục vạn đàn ong đã thực hiện nhiều cuộc thiên di ào ạt với chiều dài hàng trăm km theo những mùa hoa trên khắp vùng miền đất nước, thậm chí sang cả các nước láng giềng. Người ta gọi đó là những mùa đi ong… Theo những  mùa hoa cà phê nở rộ vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3. Từ đầu tháng Hai, hơn 200 đàn ong của ông Diễm đã được đưa lên ô tô để dời đến những vườn cà phê ở xã Ia Châm, cách Pleiku- Gia Lai  chừng 30 km về phía nam. Hoa cà phê Tất cả những người nuôi ong chuyên nghiệp đều thường xuyên liên lạc với nhau, vừa để thông tin giá cả thị trường, vừa dễ sắp xếp các vùng chuyển ong, tránh trùng lặp đưa nhiều đàn ong đến cùng một chỗ. Các tỉnh Tây Nguyên có các hội nuôi ong cấp tỉnh, cấp huyện, không chỉ vậy những người nuôi ong Hưng Yên lại lập ra một bang hội nuôi ong di động. Bang ong đến đâu đều làm đăng kí tạm trú hẳn hoi cho cả ong lẫn người. Người đứng đầu “bang hội” nuôi ong sẽ chịu trách nhiệm thu mua mật ong của các thành viên, thông báo thời điểm di dời đàn ong từ vùng hoa này đến vùng hoa khác, thông báo về diễn biến thời tiết, tình trạng sức khỏe của đàn ong... Sau khi hết mùa hoa cà phê, những người nuôi ong lại tiếp tục lên đường tìm những vùng hoa khác để khai thác mật và phấn hoa. Vào giữa mùa hè họ có thể chuyển ong ra Bắc để lấy mật hoa nhãn, hoa vải ở Hưng Yên, Bắc Giang...rồi sau đó xuống Quảng Ninh để đặt ong trong rừng vẹt, rừng sú ven biển... Những đàn ong tại Tây Nguyên thì có phần thuận lợi hơn vì sau khi hết vụ khai thác mật cà phê, cao su thì họ chỉ thường đi ong xuống vùng thấp hơn như xứ dừa Tam Quan- Bình Định, hay các vùng ở phía đông Tây Nguyên... * Nghề nuôi ong lấy mật ở Thừa Thiên-Huế Ở tỉnh Thừa Thiên-Huế, nghề nuôi ong lấy mật phát triển mạnh và liên tục trong khoảng 4 tháng Hè. Nuôi ong lấy mật là một nghề còn khá mới đối với nông dân tỉnh Thừa Thiên-Huế khi mới phát triển mạnh khoảng 3 năm trở lại đây nhưng đã góp phần quan trọng để tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ nông dân. Phần đông những người làm nghề nuôi ong ở Thừa Thiên-Huế đến từ các tỉnh phía Nam và một số là cư dân địa phương. Hai giống ong được người dân lựa chọn nuôi nhiều nhất là ong nhập từ Australia và Italy. Gia đình ông Trần Văn May ở xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc nuôi 500 tổ ong dưới cánh rừng keo, tràm.  Đây là năm thứ ba liên tiếp, ông May đưa ong từ Tây Nguyên ra Thừa Thiên-Huế nuôi lấy mật nhằm tận dụng nguồn thức ăn từ hoa của rừng keo, tràm, cây ăn quả, cây ngắn ngày... qua đó, đã tiết kiệm được một khoản chi phí rất lớn.  Ông May cho biết, hiện nay, nhiều người chọn giống ong được nhập từ Australia để nuôi. Vì, giống ong nhập từ Australia cho lượng mật gấp hơn 2 lần so với các giống ong nội; đồng thời, hương vị của mật ong Australia cũng được ưa chuộng hơn nên bán được giá cao hơn so với mật của các giống ong khác. Mùa Hè là vụ nuôi ong chính nên một tuần tiến hành lấy mật một lần. Với 500 tổ ong, mỗi đợt lấy mật cho sản lượng khoảng gần 2 tấn. Nếu thời tiết thuận lợi để các loài cây ra hoa nhiều và đàn ong phát triển tốt thì mỗi mùa hè nuôi ong kéo dài 4 tháng sẽ cho doanh thu khoảng 600 trăm triệu đồng. Những nơi được nhiều người nuôi giống ong Australia lựa chọn nhất là vùng miền núi có trồng rừng kinh tế với các loại cây như keo, tràm, cao su...  Tại các địa phương có nhiều rừng keo, tràm như huyện Nam Đông; dọc theo tuyến đường La Sơn; các xã Lộc Sơn, Xuân Lộc, Lộc Bổn... của huyện Phú Lộc; Bình Thành, Bình Điền... của thị xã Hương Trà đã có hàng trăm trang trại, gia trại nuôi ong lấy mật. Với các giống ong nhập từ Italia được phát triển mạnh ở huyện A Lưới, vùng gò núi thị xã Hương Trà... Hình thức nuôi ong phổ biến nhất theo mô hình trang trại hoặc gia trại. Nuôi theo quy mô trang trại thì có từ 500 đến 1.000 tổ ong, còn gia trại thì cũng từ 200 đến 300 tổ ong. Bên cạnh đó, việc thành lập công ty để tổ chức nuôi và xuất khẩu mật ong cũng đem lại hiệu quả cao. Điển hình như Công ty trách nhiệm hữu hạn ong mật Phương Nam đã tổ chức nuôi đến 25 trại ong ở xã Lộc Bổn (Phú Lộc) và xã Bình Điền (Hương Trà). Mỗi mùa, công ty ong mật Phương Nam thu được khoảng 200 tấn mật để xuất khẩu sang thị trường các nước Mỹ, Canada, Nhật Bản... đồng thời, giải quyết việc làm cho hằng trăm lao động địa phương. Phần III: Kết luận Hiện tượng học là khoa học nghiên cứu sự sinh trưởng, sinh sản của thực vật trước sự thay đổi khí hậu theo chu kì, việc ứng dụng hiện tượng học đang được quan tâm và chú ý trong các lĩnh vực sản xuất và đời sống, trong đó ứng dụng vào công việc nuôi ong mật đang là một hướng ứng dụng quan trọng và phổ biến, nó mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi ong. Trong tự nhiên mọi hoạt động sống của các loài sinh vật đều có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, thúc đẩy nhau tồn tại và phát triển. Vì vậy con người muốn tác động vào giới tự nhiên theo qui luật của nó thì phải quan sát các hiện tượng về sinh trưởng phát triển của sinh vật để từ đó có những ứng dụng hiệu quả trong trồng trọt, chăn nuôi hay các lĩnh vực khác. Ứng dụng quan trọng nhất đó là xác định lịch ra hoa của những thực vật cho hoa, những loài này thường ra hoa theo mùa và theo từng vùng. Từ đó các nhà nuôi ong biết để di chuyển đàn ong đến địa điểm có hoa. Nguồn thức ăn chủ yếu của ong là mật hoa và hạt phấn. Chính vì vậy thực vật cung cấp hạt phấn và mật hoa là một trong những đối tượng được chú ý và nghiên cứu đối với các nhà nuôi ong về : Thời điểm nở hoa, khoảng thời gian hoa nở nhiều nhất… Từ đó để đưa lại hiệu quả trong việc thu hạt phấn và mật hoa, mang lại năng suất cao trong việc nuôi ong. Ở Việt Nam việc áp dụng kĩ thuật nuôi ong di chuyển cũng đã có nhiều thành công. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia - 2. 3. Nuôi ong lấy mật - Từ đam mê đến lợi nhuận 4. 5. Posted by Richard Underhill 6. 7. 8. 9. 10. Kỹ thuật nuôi ong nội : 11. 12. Theo báo www.chuyennhanong.com.vn 13. By Everett Oertel, 14.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • doctieu_luan_nuoi_ong_mat_quang_trung__9781.doc
Luận văn liên quan