Giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa và hợp đồng mua bán hàng hóa vô hiệu

Trong một vài năm trở lại đây, Nhà nước đã thực hiện đường lối đổi mới cơ chế kinh tế với sự thừa nhận đa hình thức sở hữu, đa hình thức kinh doanh. Ngày 14- 11- 2005 Quốc hội đã ban hành Luật Thương mại số 36/ 2005- QH 11 quy định về hoạt động thương mại (chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2006, thay thế luật thương mại- 1997) nhằm tạo thành một hành lang pháp lý hoàn chỉnh cho các thương nhân trong hoạt động thương mại. Cũng giống như Luật thương mại 1997, Luật thương mại 2005 cũng quy định khá đầy đủ và chi tiết về mua bán hàng hoá, hợp đồng mua bán hàng hoá. Tuy nhiên để hoạt động thương mại nói chung và hoạt động mua bán hàng hoá nói riêng đi vào chiều sâu, đòi hỏi mỗi thành phần kinh tế, mỗi cá nhân cần phải tìm hiểu, tiếp cận và nhận thức đúng đắn các hoạt động thương mại theo đúng luật, nhằm hạn chế những tổn hại kinh tế không đáng có, để các quy định của luật thương mại thực sự có ích trong cuộc sống, tạo thuận lợi cho mọi chủ thể của hoạt động thương mại.

doc15 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 6765 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa và hợp đồng mua bán hàng hóa vô hiệu, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐẶT VẤN ĐỀ Trong một vài năm trở lại đây, Nhà nước đã thực hiện đường lối đổi mới cơ chế kinh tế với sự thừa nhận đa hình thức sở hữu, đa hình thức kinh doanh. Ngày 14- 11- 2005 Quốc hội đã ban hành Luật Thương mại số 36/ 2005- QH 11 quy định về hoạt động thương mại (chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2006, thay thế luật thương mại- 1997) nhằm tạo thành một hành lang pháp lý hoàn chỉnh cho các thương nhân trong hoạt động thương mại. Cũng giống như Luật thương mại 1997, Luật thương mại 2005 cũng quy định khá đầy đủ và chi tiết về mua bán hàng hoá, hợp đồng mua bán hàng hoá. Tuy nhiên để hoạt động thương mại nói chung và hoạt động mua bán hàng hoá nói riêng đi vào chiều sâu, đòi hỏi mỗi thành phần kinh tế, mỗi cá nhân cần phải tìm hiểu, tiếp cận và nhận thức đúng đắn các hoạt động thương mại theo đúng luật, nhằm hạn chế những tổn hại kinh tế không đáng có, để các quy định của luật thương mại thực sự có ích trong cuộc sống, tạo thuận lợi cho mọi chủ thể của hoạt động thương mại. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề trên, với bài tập nhóm tháng thứ nhất môn Luật Thương Mại 2, nhóm 2 lớp N02 TL1 chúng em xin chọn đề tài: “Giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa và hợp đồng mua bán hàng hóa vô hiệu” với mong muốn được hiểu cũng như làm rõ hơn về vấn đề này. Sau đây là toàn bộ nội dung chính trong bài làm của chúng em. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ I. KHÁI NIỆM CHUNG VỀ HỢP ĐỒNG DÂN SỰ, HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA Chế định hợp đồng là một trong những chế định ra đời sớm nhất trong hệ thống pháp luật. Kể từ khi loài người có hoạt động giao lưu, trao đổi với nhau thì cơ sở cho việc hình thành hợp đồng đã ra đời, cho dù hợp đồng ở thời kỳ đầu tiên này còn ở dạng thô sơ nhất. Về phương diện pháp lý, hợp đồng là một trong những chế định quan trọng nhất trong hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật dân sự và pháp luật kinh doanh. Hợp đồng dân sự Hợp đồng dân sự là khái niệm chung nhất và cũng là cơ bản nhất trong chế định hợp đồng theo pháp luật Việt Nam. Khái niệm hợp đồng dân sự được đề cập tại điều 388 Bộ luật dân sự 2005, theo đó “Hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Qua định nghĩa về hợp đồng dân sự được nêu trong điều luật, có thể thấy, hợp đồng dân sự có những yếu tố cơ bản sau đây: Thứ nhất, hợp đồng dân sự phải có sự tham gia của các bên. Thứ hai, hợp đồng dân sự được hình thành dựa trên cơ sở thỏa thuận và thống nhất ý chí giữa cá chủ thể tham giaquan hệ hợp đồng đó. Thứ ba, hậu quả pháp lý của sự thỏa thuận giữa các bên trong quan hệ hợp đồng là nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ dân sự. Thứ tư, sự thỏa thuận giữa các bên không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như giả tạo, nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa,… Hợp đồng mua bán hàng hóa Quan hệ mua bán hàng hoá được xác lập và thực hiện thông qua hình thức pháp lí là hợp đồng mua bán hàng hoá. Hợp đồng mua bán hàng hóa có bản chất chung của hợp đồng, là sự thoả thuận nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ trong quan hệ mua bán. Dù Luật Thương mại 2005 không đưa ra định nghĩa về Hợp đồng mua bán hàng hóa song có thể các định bản chất pháp lí của Hợp đồng mua bán hàng hóa trong thương mại trên cơ sở điều 428 của Bộ luật Dân sự về hợp đồng mua bán tài sản. Do đó, Hợp đồng mua bán hàng hóa trong thương mại là một dạng cụ thể của HĐMBTS, dù vẫn mang những nét đặc thù riêng. Hợp đồng mua bán hàng hóa có những đặc điểm cơ bản sau đây: Thứ nhất, về chủ thể, hợp đồng mua bán hàng hóa được thiết lập giữa các chủ thể chủ yếu là thương nhân. Thương nhân là chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa có thể là thương nhân Việt Nam hoặc là thương nhân nước ngoài. Bên cạnh chủ thể là thương nhân, các tổ chức, cá nhân không phải là thương nhân cũng có thể trở thành chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa (trong trường hợp các chủ thể chọn Luật thương mại để điều chỉnh hoạt động của mình) Thứ hai, về hình thức, hợp đồng mua bán hàng hóa được thiết lập theo cách thức nào mà cả hai bên thể hiện được sự thỏa thuận mua bán hàng hóa giữa các bên. Theo điều 24 Luật thương mại 2005: “Hợp đồng mua bán hàng hóa được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ th ể. Đối với các loại hợp đồng mua bán hàng hóa mà pháp luật quy định phải dược lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó”. Thứ ba, về đối tượng, hợp đồng mua bán hàng hóa có đối tượng là hàng hóa. Tuy nhiên không thể hiểu theo nghĩa thông thường, hàng hoá là sản phẩm lao động của con người, được tạo ra nhằm mục đích thoả mãn nhu cầu của con người hay chỉ bao gồm máy móc, thiết bị, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, hàng tiêu dùng, các động sản khác được lưu thông trên thị trường, nhà ở dùng để kinh doanh đưới hình thức cho thuê, mua, bán (khoản 3 Điều 5 Luật Thương Mại 1997). Luật Thương mại 2005 quy định : “Hàng hoá bao gồm : a) Tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai; b) Những vật gắn liền với đât đai.” Như vậy, hàng hoá trong thương mại là đối tượng mua bán có thể là hàng hoá hiện đang tồn tại hoặc sẽ có trong tương lai, hàng hoá có thể là động sản hoặc bất động sản được phép lưu thông thương mại và phải loại trừ một số hàng hoá đặc biệt chịu sự điều chỉnh riêng như cổ phiếu, trái phiếu… Thứ tư, về nội dung, hợp đồng mua bán hàng hóa thể hiện quyền và nghĩa vụ cả các bên trong quan hệ mua bán, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận tiền, còn bên mua có nghĩa vụ nhận hàng hóa và trả tiền cho bên bán. II. GIAO KẾT HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA Về mặt lý thuyết, một hợp đồng mua bán có thể được hình thành theo nhiều cách thức khác nhau, theo đó chứng tỏ giữa các bên đã đạt được sự thỏa thuận. Thời điểm giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa là thời điểm mà các bên đã đạt được sự thỏa thuận. Trong quá trình xác lập hợp đồng mua bán hàng hóa, các vấn đề pháp lý cơ bản cần được làm rõ là: (1) Đề nghị giao kết hợp đồng; (2) Chấp nhận đề nghị hợp đồng; (3) Thời điểm giao kết hợp đồng. Những vấn đề này không được Luật thương mại 2005 quy định cụ thể, vì vậy các quy định của BLDS 2005 sẽ được áp dụng đối với việc giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa. Trong thương mại, hợp đồng được giao kết theo các nguyên tắc quy định cho hợp đồng dân sự nói chung. BLDS 2005 có quy định việc giao kết hợp đồng phải tuân thủ theo những nguyên tắc cơ bản, đó là: Tự do giao kết nhưng không trái với pháp luật và đạo đức xã hội. Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng (Điều 389 BLDS 2005). Việc tuân thủ các nguyên tắc giao kết hợp đồng có ý nghĩa quan trọng nhằm đảm bảo sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng phù hợp với ý chí thực của họ, hợp đồng có thể mang lại lợi ích cho các bên đồng thời không xâm hại đến những lợi ích mà pháp luật cần bảo vệ. Khi giao kết hợp đồng trong lĩnh vực thương mại, các bên giao kết phải tuân thủ theo các thủ tục giao kết dưới đây: 1. Đề nghị giao kết hợp đồng mua bán: Đề nghị giao kết hợp đồng có bản chất là hành vi pháp lí đơn phương của một chủ thể, có nội dung bày tỏ ý định giao kết hợp đồng với chủ thể khác theo những điều kiện xác định. Từ quy định của Điều 390 BLDS 2005, có thể định nghĩa đề nghị giao kết hợp đồng trong thương mại là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định cụ thể. Về nguyên tắc, hình thức của đề nghị hợp đồng phải phù hợp với hình thức của hợp đồng. BLDS 2005 không quy định về hình thức của đề nghị hợp đồng, song có thể dựa vào quy định về hình thức của hợp đồng để xác định hình thức của đề nghị hợp đồng, theo đó đề nghị hợp đồng có thể được thể hiện bằng văn bản, lời nói hoặc hành vi cụ thể hoặc kết hợp giữa các hình thức này. Trường hợp pháp luật quy định hình thức của hợp đồng phải bằng văn bản thì hình thức của đề nghị hợp đồng cũng phải bằng văn bản. Đề nghị hợp đồng được gửi đến một hoặc nhiều chủ thể đã xác định. Hiệu lực của nó thông thường do các bên tự ấn định. Trường hợp bên đề nghị không ấn định thời điểm có hiệu lực của đề nghị hợp đồng thì đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực kể từ khi bên được đề nghị nhận được đề nghị đó. Căn cứ xác định bên được đề nghị đã nhận được đề nghị giao kết hợp đồng là khi: Đề nghị được chuyển đến nơi cư trú hoặc trụ sở của bên được đề nghị. Đề nghị được đưa vào hệ thống thông tin chính thức của bên được đề nghị. Bên được đề nghị biết được đề nghị giao kết hợp đồng thông qua các phương thức khác. Bên đề nghị phải chịu trách nhiệm về lời đề nghị của mình. Trong thời hạn đề nghị hợp đồng có hiệu lực, nếu bên được đề nghị thông báo chấp nhận vô điều kiện đề nghị hợp đồng thì hợp đồng hình thành và ràng buộc các bên. Nếu các bên không thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng thì phải chịu các hình thức chế tài do vi phạm hợp đồng theo thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật. Bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể thay đổi hoặc rút lại đề nghị giao kết hợp đồng trong các trường hợp như: Bên được đề nghị nhận được thông báo về việc thay đổi hoặc rút ngắn lại đề nghị trước hoặc cùng với thời điểm nhận được đề nghị. Điều kiện thay đổi hoặc rút ngắn lại đề nghị phát sinh trong trường hợp bên đề nghị có nêu rõ về việc được thay đổi hoặc rút lại đề nghị giao kết hợp đồng thực hiện quyền hủy bỏ đề nghị do đã nêu rõ quyền này trong đề nghị thì phải thông báo cho bên được đề nghị và thông báo này chỉ có hiệu lực khi bên được đề nghị nhận được thông báo trước khi bên được đề nghị trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng. Đề nghị giao kết hợp đồng chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp: bên nhận được đề nghị trả lời không chấp nhận. Hết thời hạn trả lời chấp nhận, thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị có hiệu lực, theo thỏa thuận của bên đề nghị và bên nhận đề nghị trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời. 2. Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng mua bán Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời của bên được đề nghị đối với bên đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị. Thời hạn trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng được xác định khác nhau trong các trường hợp cụ thể như sau: Khi bên đề nghị có ấn định thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực khi thực hiện trong thòi hạn đó. Nếu bên đề nghị giao kết hợp đồng nhận được trả lời khi đã hết thời hạn trả lời thì chấp nhận này được coi là đề nghị mới của bên chậm trả lời. Trong trường hợp thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng đến chậm vì lí do khách quan mà bên đề nghị biết hoặc phải biết về lí do khách quan này thì thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp bên đề nghị trả lời ngay không đồng ý với chấp nhận đó của bên được đề nghị. Khi các bên trực tiếp giao tiếp với nhau, kể cả trường hợp qua điện thoại hoặc qua các phương tiện khác thì bên được đề nghị phải trả lời ngay có chấp nhận hoặc không chấp nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận về thời hạn trả lời. Bên được đề nghị giao kết hợp đồng có thể rút lại thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng. Nếu thông báo này đến trước hoặc cùng với thời điểm bên đề nghị nhận được trả chấp nhận giao kết hợp đồng. 3. Thời điểm giao kết hợp đồng mua bán Về nguyên tắc, hợp đồng được giao kết vào thời điểm các bên đạt được sự thỏa thuận. Thời điểm giao kết hợp đồng được quy định khác nhau phụ thuộc vào cách thức giao kết và hình thức của hợp đồng. Theo quy định của BLDS 2005 – Điều 404, có thể xác định thời điểm giao kết hợp đồng trong kinh doanh theo các trường hợp như sau: - Trường hợp hợp đồng được giao kết trực tiếp bằng văn bản: thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm bên sau cùng kí tên vào văn bản. - Trường hợp hợp đồng được giao kết gián tiếp bằng văn bản (thông quan các tài liệu giao dịch): thời điểm đạt được sự thỏa thuận được xác định theo lý thuyết (tiếp nhận), theo đó hợp đồng được giao kết khi bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng. - Trường hợp hợp đồng được giao kết hợp đồng bằng lời nói: thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng. Các bên có thể sử dụng những biện pháp, chứng cứ hợp pháp để chứng minh việc các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng bằng lời nói. Sự im lặng của các bên được đề nghị đến khi hết thời hạn trả lời cũng có thể là căn cứ xác định hợp đồng đã được giao kết, nếu có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng (khoản 2, điều 404 BLDS). III. HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA VÔ HIỆU 1.Hợp đồng mua bán hàng hóa có hiệu lực Hợp đồng nói chung và hợp đồng mua bán nói riêng có hiệu lực là hợp đồng được pháp luật thừa nhận có giá trị ràng buộc các bên trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ đã được thỏa thuận. Một hợp đồng chỉ được coi là có hiệu lực nếu đồng thời thỏa mãn các dấu hiệu sau: Thứ nhất, các bên phải hoàn toàn tự nguyện khi giao kết hợp đồng; Thứ hai, mục đích và nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội; Thứ ba, chủ thể hợp đồng phải có năng lực hành vi dân sự; Thứ tư, hình thức của hợp đồng phải phù hợp với quy định của pháp luật nếu pháp luật có yêu cầu hợp đồng phải được xác lập bằng một hình thức nhất định. Như vậy, một hợp đồng mua bán hàng hóa mà vi phạm một trong bốn điều kiện trên sẽ bị vô hiệu, nhưng tùy theo sự vi phạm nội dung gì mà sẽ rơi vào vô hiệu tuyệt đối hay vô hiệu tương đối. 2. Hợp đồng mua bán hàng hóa vô hiệu và xử lý hợp đồng vô hiệu Hợp đồng vô hiệu nói chung và hợp đồng mua bán hàng hóa vô hiệu nói riêng là hợp đồng không thỏa mãn đầy đủ các điều kiện có hiệu lực theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên các hợp đồng vô hiệu có sự khác nhau về tính chất và mức độ ảnh hưởng đến các lợi ích mà pháp luật cần bảo vệ. Việc quy định cụ thể các trường hợp hợp đồng vô hiệu có ý nghĩa quan trọng trong việc xử lý một cách hợp lý và hiệu quả các hợp đồng vô hiệu trong các trường hợp khác nhau, bảo vệ lợi ích của các bên trong hợp đồng cũng như lợi ích của các chủ thể có liên quan. Theo quy định của bộ luật dân sự 2005, các trường hợp hợp đồng kinh doanh vô hiệu được áp dụng theo các quy định về giao dịch dân sự vô hiệu nói chung, theo đó một hợp đồng mua bán hàng hóa vô hiệu trong những trường hợp chủ yếu sau: - Vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội: Điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật có nội dung không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng. Biểu hiện cụ thể của vi phạm điều cấm trong hợp đồng là các bên thỏa thuận với nhau để thực hiện những công việc mà pháp luật không cho phép thực hiện như: sản xuất, tiêu thụ hàng giả; mua bán, vận chuyển hàng cấm; cung ứng dịch vụ bị cấm thực hiện; dịch chuyển tài sản trái phép hay những thỏa thuận gây thiệt hại cho lợi ích của người thứ ba…Theo cách hiểu thông thường, nội dung hợp đồng gồm toàn bộ cam kết của các bên được thể hiện dưới dạng điều khoản. Nhưng khi xem xét về nội dung của hợp đồng có vi phạm điều cấm của pháp luật hay không, cần lưu ý điều khoản đối tượng của hợp đồng. Khi nội dung của điều khoản này vi phạm điều cấm của pháp luật làm hợp đồng vô hiệu toàn bộ thì các điều khoản hợp pháp khác của hợp đồng cũng sẽ bị vô hiệu theo. Để xác định nội dung của hợp đồng có vi phạm điều cấm của pháp luật hay không, cần lưu ý các quy phạm cấm đoán trong các văn bản pháp luật. - Vô hiệu do giả tạo: khi các bên giao kết hợp đồng một cách giả tạo nhằm che giấu một hợp đồng khác thì hợp đồng giả tạo vô hiệu, còn hợp đồng bị che dấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp hợp đồng bị che dấu cũng vô hiệu theo quy định của pháp luật. - Vô hiệu do nhầm lẫn: Một bên có lỗi vô ý làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của hợp đồng mà giao kết, thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu bên kia thay đổi nội dung của hợp đồng đó, nếu bên kia không chấp nhận thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu. - Vô hiệu do lừa dối: Lừa dối là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của hợp đồng nên đã giao kết hợp đồng đó. Khi một bên giao kết hợp đồng do bị lừa dối thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu - Vô hiệu do bị đe dọa: đe dọa là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải giao kết và thực hiện hợp đồng nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản của mình hoặc của cha , mẹ, vợ, chồng, con của mình. Khi một bên giao kết hợp đồng do bị đe dọa thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng đó vô hiệu. - Vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình: người có năng lực hành vi dân sự nhưng đã giao kết hợp đồng vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng đó là vô hiệu. - Vô hiệu do vi phạm quy định về hình thức: trong trường hợp pháp luật quy định hình thức hợp đồng là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của hợp đồng trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu. Ngoài ra cần lưu ý về hai vấn đề: hợp đồng vô hiệu do chủ thể không đảm bảo điều kiện về đăng kí kinh doanh và hợp đồng vô hiệu do người đại diện không đúng thẩm quyền ký kết. Mặc dù BLDS 2005 không quy định cụ thể về trường hợp hợp đồng mua bán hàng hóa vô hiệu do chủ thể hợp đồng không đảm bảo điều kiện về đăng kí kinh doanh, song có thể suy ra trường hợp vô hiệu này từ các quy định về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng. Một trong các bên kí kết hợp đồng không có đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật để thực hiện công việc đã thỏa thuận trong hợp đồng sẽ làm cho hợp đồng vô hiệu. Việc không đăng kí kinh doanh để thực hiện công việc đã thỏa thuận trong hợp đồng thể hiện chủ thể hợp đồng không có năng lực chủ thể để thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng trong kinh doanh. Tuy nhiên, đăng kí kinh doanh chỉ đòi hỏi bắt buộc với chủ thể là thương nhân. Vì vậy nếu pháp luật quy định chủ thể trong một hợp đồng mua bán hàng hóa phải có đăng kí kinh doanh mà bên đó không có đăng kí kinh doanh thì hợp đồng đó bị coi là vô hiệu toàn bộ. Để xác định hợp đồng mua bán hàng hóa có bị vô hiệu do một bên không có đăng kí kinh doanh để thực hiện nội dung đã thỏa thuận hay không, cần nghiên cứu kĩ nội dung của hợp đồng mua bán hàng hóa để xem các bên có những nghĩa vụ cụ thể gì? Việc thực hiện các nghĩa vụ đó có phù hợp với đăng kí kinh doanh của từng bên hay không? Những hàng hóa các bên được quyền kinh doanh? Pháp luật dân sự cũng không quy định trường hợp hợp đồng vô mua bán hàng hóa vô hiệu do được kí kết bởi người đại điện không đúng thẩm quyền. Song trường hợp này có thể áp dụng quy định về đại diện và phạm vi đại diện để xác định hiệu lực của hợp đồng. Khi người không có quyền đại diện giao kết, thực hiện hợp đồng, sẽ không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với bên được đại diện, trừ trường hợp được người đại diện hợp pháp của bên được đại diện chấp thuận. Giao dịch do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người được đại diện đồng ý hoặc biết mà không phản đối. Người đã giao dịch với người không có quyền đại diện ( hoặc vượt quá phạm vi đại diện) có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc hủy bỏ giao dịch ( hoặc đối với phần vượt quá phạm vi được đại diệ) đã xác lập và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc không có quyền đại diện và việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch. Phạm vi đại diện cần phải được xác định đối với cả đại diên theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền. Nếu như văn bản ủy quyền là cơ sở cho phép xác định phạm vi đại diện của người đại diện thì quy định pháp luật là cơ sở cho phép xác định phạm vi đại diện của người đai diện theo pháp luật. Tùy thuộc vào mức độ của sự vô hiệu hợp đồng, hợp đồng vô hiệu trong các trường hợp nói trên được phân chia thành: Hợp đồng vô hiệu toàn bộ và hợp đồng vô hiệu từng phần. Hợp đồng vô hiêu toàn bộ là hợp đồng mà tất cả các nội dung của hợp đồng không có giá trị pháp lý, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ và cũng không được hưởng các quyền theo hợp đồng. Hợp đồng vô hiệu từng phần là những hợp đồng có nội dung nào đó vi phạm điều cấm của pháp luật và bị vô hiệu nhưng không làm ảnh hưởng đến các nội dung còn lại của hợp đồng. Cuối cùng khi một hợp đồng vô hiệu thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Nhìn chung, pháp luật các nước đều có quan điểm xử lý rất nghiêm khắc đối với các hợp đồng vô hiệu, đặc biệt là đối với bên chủ thể đã có lỗi trong việc giao kết và thực hiện hợp đồng vô hiệu. Theo BLDS 2005, một hợp đồng bị vô hiệu sẽ không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên từ thời điểm giao kết. Các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu được thực hiện theo quy định sau: + các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì hoàn trả bằng tiền ( trừ trường hợp tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật). + Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại cho bên kia. IV. THỰC TIỄN VỀ VIỆC ÁP DỤNG CÁC QUY PHẠM PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN GIAO KẾT HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA VÀ HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA VÔ HIỆU Trong những năm gần đây, số lượng các vụ việc do Tòa án giả quyết liên quan đến việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu là rất hiếm(mỗi năm tòa án chỉ giải quyết 1 đến 2 vụ liên quan đến hợp đồng vô hiệu) Tại sao các vụ việc liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa vô hiệu lại ít được tòa án giải quyết như vậy? Có thể lý giải như sau, các quy định của pháp luật hiện nay đã hạn chế tối đa các trường hợp hợp đồng thương mại vô hiệu. Đặc biệt là từ khi Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối ca ra Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP ngày 27/5/2003 hướng dẫn một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết một số vụ án kinh tế, đã giới hạn các trường hợp hợp đồng kinh tế bị tuyên bố vô hiệu do yếu tố chủ thể không có đăng kí kinh doanh, do đồng tiền thanh toán, do chủ thể kí không đúng thẩm quyền. Các hướng dẫn trong nghị quyết và BLDS 2005 đã góp phần hạn chế tối đa các trường hợp các bên tham gia hợp đồng lợi dụng những “lỗ hổng” của pháp luật để yêu cầu tuyên bố vô hiệu. Hiện nay các quy định về hợp đồng thương mại vô hiệu được các chủ thể chủ thể tham gia giao kết hợp đồng vận dụng hêt sức linh hoạt vào thực tiễn giao kết các hợp đồng nên hạn chế tối đa các trường hợp hợp đồng thương mại vô hiệu do thiếu hiểu biết pháp luật của các bên chủ thể. Các trường hợp vô hiệu mà thương nhân thường gặp là do không đáp ứng điều kiện kinh doanh và đồng tiền thanh toán không phù hợp với đồng tiền thanh toán không phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối. Tuy nhiên pháp luật nước ta tôn trọng sự thỏa thuận của các bên và tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền tự do kinh doanh nên các khiếm khuyết trên được các chủ thể trong quá trình kinh doanh khắc phục bằng việc được cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh bổ sung và thỏa thuận lại thanh toán bằng đồng Việt Nam hoặc thỏa thuận sử dụng ngoại tệ làm đồng tiền định giá nhưng việc thanh toán vẫn là đồng Việt Nam. Do đó, các vụ việc liên quan đến hợp đồng vô hiệu là không nhiều. Thực tiễn giải quyết các vụ án hợp đồng thương mại vô hiệu, để đưa ra một phán quyết bảo vệ quyền lợi của tất cả các bên chủ thể thẩm phán gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận dụng các quy định của pháp luật. Trong giai đoạn hiện nay khi BLDS 2005 ra đời thay thế hàng loạt các văn bản trước đó điều chỉnh các quan hệ dân sự là pháp lệnh hợp đồng 1989 vẫn còn ảnh hưởng khá lớn trong lĩnh vực kinh tế. Việc giải quyết, các vụ án hợp đồng vô hiệu (được kí kết căn cứ pháp lệnh hợp đồng kinh tế 1989) trong điều kiện áp dụng BLDS 2005 đã gặp nhiều vướng mắc trong thực tế. Nguyên nhân là do những bất cập của các văn bản hợp đồng kinh tế trước đây. V. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NHẰM HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA 1. Kiến nghị về phía cơ quan nhà nước Pháp luật về mua bán hàng hoá nói chung và về hợp đồng mua bán hàng hoá nói riêng theo Luật Thương mại 2005 đã thực sự là cầu nối giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau cũng như các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên hiệu lực của Luật Thương mại 2005 tính đến thời điểm này mới chỉ là hơn một năm. Ưu điểm của nó so với Luật Thương mại 1997 như đã nói ở các phần trước là quá rõ, tuy nhiên những nhược điểm của nó đến thời điểm này khó có thể thấy được. Chúng em mong rằng các cơ quan có thẩm quyền trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn luật này sẽ sáng suốt và nhạy bén để các quy định của Luật Thương mại 2005 thực sự đi vào cuộc sống và là hành lang pháp lý hữu hiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập vào nền kinh tế quốc tế. 2. Kiến nghị đối với công ty 2.1. Đối với cán bộ công nhân viên của Công ty Trong sự phức tạp và đầy những thử thách của nền kinh tế thị trường như ở nước ta hiện nay thì việc nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật nói chung và pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hoá nói riêng cho các cán bộ kinh doanh là thật sự cần thiết. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tránh được những rủi ro không đáng có khi giao kết và thực hiên hợp đồng. Doanh nghiệp tạo điều kiện cho cán bộ công nhân viên của mình được tiếp cận với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định về hợp đồng mua bán hàng hoá. 2.2. Đối với vấn đề căn cứ giao kết hợp đồng Khi Luật Thương mại năm 2005 bắt đầu có hiệu từ ngày 01-01-2006, thì trong giai đoạn hiên nay, nếu Công ty thực hiện giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá với khách hàng thì cần phải căn cứ vào Luật Thương mại 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thương mại 2005. Tránh trường hợp Công ty vẫn quen theo việc căn cứ vào Pháp lệnh hợp đồng kinh tế 1989, nếu làm vậy thì hợp đồng giao kết sẽ không có hiệu lực. 2.3. Vấn đề chủ thể giao kết hợp đồng Trước khi thực hiện việc giao kết hợp đồng Công ty cần tìm hiểu tính chất chủ thể của khách hàng. Nếu thấy khách hàng không đủ tư cách chủ thể để giao kết hợp đồng thì Công ty phải dừng ngay việc giao kết để tiếp tục xác minh. Khi bên khách hàng có đủ giấy tờ xác minh tư cách chủ thể mới tiến hành giao kết. 2.4. Đối với hình thức và nội dung của hợp đồng Theo Luật Thương mại 2005 hình thức của hợp đồng khá đa dạng có thể bằng lời nói, bằng văn bản hay bằng hành vi cụ thể. Tuy nhiên ở Công ty, hình thức kí kết chủ yếu là bằng văn bản, Công ty có thời gian để chuẩn bị các thủ tục. Hợp đồng mua bán hàng hoá ở Công ty có giá trị tương đối lớn do đó hình thức giao kết hợp đồng bằng văn bản là rất đúng, Công ty không nên thực hiện giao kết hợp đồng bằng lời nói. Các nội dung trong hợp đồng của Công ty cần quy định chi tiết và chặt chẽ về vấn đề thanh toán, chuyển rủi ro, chuyển quyền sở hữu và vấn đề giải quyết tranh chấp. Hiện tại Công ty không có vụ tranh chấp nào xảy ra về vấn đề thực hiện hợp đồng mua bán hàng hoá, tuy nhiên việc quy định chi tiết và chặt chẽ các vấn đề trên là hoàn toàn không thừa. Nó sẽ giúp Công ty yên tâm hơn trong thực hiện hợp đồng mua bán hàng hoá và có thể tự bảo vệ mình trước pháp luật. KẾT THÚC VẤN ĐỀ Quá trình đổi mới kinh tế ở nước ta hiện nay đã đạt được những thành tựu nổi bật. Nhưng quá trình đó càng đi vào chiều sâu và bề rộng thì càng bộc lộ rõ những vấn đề mới cần giải quyết. Tự do, năng động, sáng tạo, nhạy bén là thuộc tính khách quan và là yêu cầu của nền kinh tế thị trường, nhưng gắn liền với nó là nguy cơ tự do về Chính phủ, gian lận kinh doanh, thương mại… Hơn nữa, trong  giai đoạn này nước ta đã thực sự hội nhập vào nền kinh tế quốc tế (gia nhập WTO) thì càng cần thiết đòi hỏi Nhà nước phải có một khung pháp lý Thương mại hoàn chỉnh để điều chỉnh các hoạt động đó đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước. Trên đây là toàn bộ bài tập nhóm tháng thứ nhất của chúng em với đề tài: “Giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa và hợp đồng mua bán hàng hóa vô hiệu”. Vì đây là một đề tài khá rộng, có thể tiếp xúc từ nhiều khía cạnh mà khuôn khổ bài tập nhóm tháng có hạn nên có thể bài làm của chúng em không tránh khỏi những thiếu sót. Chúng em rất mong nhận được sự góp ý từ các thầy, các cô để bài làm được hoàn thiện hơn. Chúng em xin chân thành cảm ơn!

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • doc[Thương mại] Giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa và hợp đồng mua bán hàng hóa vô hiệu.doc
Luận văn liên quan