Hoạt động chất vấn của Quốc hội - Thực trạng và giải pháp

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, đại diện cho nhân dân tham gia vào các công việc của nhà nước. Đồng thời các đại biểu Quốc hội cũng được ủy quyền để thay mặt nhân dân giám sát các hoạt động của các cơ quan nhà nước. Chức năng này của Quốc hội được thực hiện thông qua nhiều biện pháp, trong đó có hoạt động chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Trong phạm vi bài viết này em xin được đi sâu vào thực trạng của hoạt động chất vấn trong Quốc hội hiện nay và nêu ra một số giải pháp.

doc9 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 5500 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Hoạt động chất vấn của Quốc hội - Thực trạng và giải pháp, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LỜI MỞ ĐẦU Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, đại diện cho nhân dân tham gia vào các công việc của nhà nước. Đồng thời các đại biểu Quốc hội cũng được ủy quyền để thay mặt nhân dân giám sát các hoạt động của các cơ quan nhà nước. Chức năng này của Quốc hội được thực hiện thông qua nhiều biện pháp, trong đó có hoạt động chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Trong phạm vi bài viết này em xin được đi sâu vào thực trạng của hoạt động chất vấn trong Quốc hội hiện nay và nêu ra một số giải pháp. NỘI DUNG I. Cơ sở lý luận 1. Định nghĩa hoạt động chất vấn Chất vấn là quyền của đại biểu Quốc Hội, đồng thời nó cũng là một hoạt động thể hiện chức năng giám sát của Quốc hội. Trong những phiên trả lời chất vấn, đại biểu Quốc hội nêu ra những câu hỏi về những vấn đề thuộc trách nhiệm của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và yêu cầu những người này trả lời, giải thích trước cơ quan quyền lực nhà nước về những khuyết điểm, những tồn tại trong hoạt động, công tác của cơ quan mà cá nhân đó phụ trách, trả lời về trách nhiệm, về nguyên nhân và biện pháp khắc phục. 2. Bản chất và mục đích của hoạt động chất vấn Về bản chất, chất vấn là một hình thức được Quốc hội áp dụng để giám sát hoạt động của các cơ quan và cá nhân được giao quyền, là sự thể hiện cụ thể, trực tiếp quyền giám sát tối cao của Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội khi thực hiện quyền chất vấn của mình là nhân danh cá nhân với tư cách là người đại diện quyền lực của nhân dân, thay mặt nhân dân yêu cầu cá nhân bị chất vấn trả lời về trách nhiệm pháp lý của cá nhân đó về những việc làm có đúng với chức năng, nhiệm vụ quyền hạn theo luật định hay không. Theo quy định của pháp luật thì chất vấn là quyền của cá nhân đại biểu Quốc hội. Khi thực hiện chất vấn, đại biểu Quốc hội độc lập là người đại diện cho nhân dân, thay mặt nhân dân, nhân danh quyền lực tối cao của nhân dân chứ không phải nhân danh một cơ quan, tổ chức hay Đoàn đại biểu Quốc hội mà mình là thành viên. Đại biểu Quốc hội khi thực hiện hoạt động chất vấn không phải nhằm mục đích thu thập thông tin hay số liệu, mà nhằm làm rõ trách nhiệm của cá nhân có trách nhiệm đối với một số vấn đề nào đó. Đây chính là điểm cơ bản để phân biệt chất vấn với câu hỏi thường. Trên thực tế, chất vấn cũng có thể được thể hiện dưới dạng câu hỏi nhưng mục đích của chất vấn và câu hỏi thường khác nhau. Việc hỏi và yêu cầu trả lời những vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm (hay còn gọi là câu hỏi thường) nhằm thu thập thông tin, số liệu về các vấn đề nào cần biết, trước khi đặt câu hỏi người hỏi hầu như chưa có thông tin về vấn đề mà mình hỏi. Loại câu hỏi thường phụ thuộc vào nhu cầu nắm bắt thông tin của đại biểu Quốc hội chứ không được quy định trong bất kỳ văn bản pháp luật nào và cũng không bị hạn chế đối với bất kỳ đối tượng  nào. Còn đối với chất vấn, trước khi nêu vấn đề, đại biểu Quốc hội phải tìm hiểu rất kỹ và nắm thông tin về vấn đề mà mình cần chất vấn để làm rõ trách nhiệm của cá nhân có thẩm quyền đối với một vấn đề nào đó. Chất vấn được quy định rất rõ trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác, đối tượng chất vấn cũng được chỉ ra cụ thể trong một phạm vi nhất định. Vấn đề chất vấn khi đã được nêu lên theo đúng thể thức của pháp luật, chuyển đến người bị chất vấn thì không còn là mối quan hệ cá nhân giữa người bị chất vấn và người chất vấn mà đã trở thành một hình thức giám sát của Quốc hội. 3. Những quy định về hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội theo pháp luật hiện hành Hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội được quy định cụ thể trong một số văn bản pháp luật như: Hiến pháp (1992), Luật Tổ chức Quốc hội, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội (năm 2003),… Chẳng hạn, tại Điều 98 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Người bị chất vấn phải trả lời trước Quốc hội tại kỳ họp; trong trường hợp cần điều tra thì Quốc hội có thể quyết định cho trả lời trước Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc tại kỳ họp sau của Quốc hội hoặc cho trả lời bằng văn bản”; quy định trên cũng được thể hiện tượng tự trọng Điều 49 Luật Tổ chức Quốc hội. Trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội lại có những quy định cụ thể hơn về hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội. Điều 40 của luật này quy định: “Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Nội dung chất vấn phải ngắn gọn, rõ ràng, có căn cứ và phải liên quann đến nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiêm cá nhân của người bị chất vấn. Chất vấn được thể hiện bằng văn bản hoặc hỏi trực tiếp”. Còn trong Điều 11 bộ luật này đã quy định về quy trình chất vấn và trả lời chất vấn: “Tại kỳ họp Quốc hội việc chất vấn và trả lời chất vấn được thực hiện như sau: Đại biểu Quốc hội ghi rõ nội dung chất vấn, người bị chất vấn vào phiếu ghi chất vấn và gửi đến Chủ tịch Quốc hội để chuyển đến người bị chất vấn. Đoàn thư ký kỳ họp giúp Chủ tịch Quốc hội tổng hợp các chất vấn của đại biểu Quốc hội để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội; Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến danh sách những người có trách nhiệm trả lời chất vấn tại kỳ họp và báo cáo Quốc hội quyết định; Việc trả lời chất vấn tại phiên họp toàn thể Quốc hội được tiến hành theo trình tự sau đây: Người bị chất vấn trả lời trực tiếp, đầy đủ nội dung các vấn đề mà đại biểu Quốc hội đã chất vấn và xác định rõ trách nhiệm, biện pháp khắc phục; Đại biểu Quốc hội có thể nêu câu hỏi liên quan đến nội dung đã chất vấn để người bị chất vấn trả lời. Thời gian trả lời chất vấn, thời gian nêu câu hỏi và trả lời thêm được thực hiện tại Điều 43 của Nội quy kỳ họp Quốc hội; Sau khi nghe trả lời chất vấn, nếu đại biểu Quốc hội không đồng ý với nội dung trả lời thì có quyền đề nghị Quốc hội tiếp tục thảo luận tại phiên họp đó, đưa ra thảo luận tại phiên họp khác của Quốc hội hoặc kiến nghị Quốc hội xem xét trách nhiệm đối với người bị chất vấn. Quốc hội ra nghị quyết về việc trả lời chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn khi xét thấy cần thiết; Người đã trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội bằng văn bản có trách nhiệm báo cáo với các đại biểu Quốc hội bằng văn bản về việc thực hiện những vấn đề đã hứa khi trả lời chất vấn tại kỳ họp tiếp theo”. Ngoài ra còn có rất nhiều quy định khác về hoạt động chất vấn của Quốc hội như Điều 19 và khoản 1 Điều 37 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội; các Nghị quyết, văn bản của Nhà nước có liên quan đến vấn đề này. II. Thực trạng và giải pháp trong hoạt động chất vấn của đại biểu nước ta hiện nay Chất vấn là một trong những hình thức giám sát hiệu quả. Thông qua hoạt động chất vấn, đại biểu Quốc hội thể hiện trách nhiệm của người đại biểu trước nhân dân, nêu lên những vấn đề mà cử tri đang bức xúc, yêu cầu giải quyết. Thông qua xem xét việc trả lời chất vấn, Quốc hội đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác của người bị chất vấn; do tầm quan trọng như vậy nên những phiên trả lời chất vấn trong các kỳ họp Quốc hội luôn được đông đảo nhân dân cả nước theo dõi, qua đó, người dân đã hiểu hơn về thực trạng của hoạt động chất vấn ở nước ta. 1. Thực trạng hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trong các kỳ họp Quốc hội hiện nay Để tìm hiểu thực trạng của hoạt động chất vấn hiện nay em xin nêu ra thực trạng ở 2 kỳ chất vấn gần đây đó là tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII và tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII. a, Những thực trạng tích cực trong hoạt động chất vấn của Quốc hội: Thông qua các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại 2 kỳ họp Quốc hội diễn ra gần đây có thể dễ dàng nhận thấy một không khí dân chủ, thẳng thắn, xây dựng. Hoạt động chất vấn của Quốc hội tiếp tục được đổi mới, chất vấn và trả lời chất vấn thành công tốt đẹp, chất lượng tốt. Đầu tiên, những băn khoăn từ cuộc sống về một số vấn đề kinh tế - xã hội bức xúc như vấn đề về giá xăng, điện, hoạt động của các cơ sở giáo dục đào tạo, vấn đề ùn tắc và tai nạn giao thông,…., cũng như những vấn đề đang đặt ra trong bối cảnh kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, như vấn đề quản lý thị trường vàng, bảo vệ chủ quyền biển đảo, tái cơ cấu nền kinh tế,... đều đã được nêu ra trong các phiên chất vấn. Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII những vị lãnh đạo chịu trách nhiệm về những vấn đề trên như Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Giáo Dục Phạm Vũ Luận, hay Bộ trưởng Bộ tài chính Vương Đình Huệ,… đều đã đăng đàn trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội. Không chỉ được nêu ra mà hầu hết các câu hỏi chất vấn của các vị đại biểu đều được các thành viên Chính phủ trả lời một cách trách nhiệm, thẳng thắn và cầu thị. Một số Bộ trưởng đã đi thẳng vào câu hỏi, thẳng thắn nhận khuyết điểm yếu kém về ngành của mình, trách nhiệm của mình. Có Bộ trưởng tiếp thu ngay, hứa sửa chữa, hoặc hứa xuống hiện trường để kiểm tra thực tế, hoặc hứa sẽ sửa Nghị định, sửa Thông tư liên tịch, có biện pháp giải quyết  ngay. Điều này không chỉ được các vị đại biểu Quốc hội mà còn được chính người dân – những người luôn dõi theo các phiên chất vấn của Quốc hội nhận xét đồng tình. Chẳng hạn như khi nhận xét về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và Bộ trưởng Đinh La Thăng, cử tri Bùi Huy Quang (Tổ 2 phường Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên) cho biết cử tri rất hài lòng về sự thẳng thắn của Bộ trưởng khi nhìn vào các vấn đề do các đại biểu đặt ra: “Chất lượng giáo dục là một vấn đề cả đất nước quan tâm, nhưng giải quyết vấn đề không chỉ do ngành giáo dục mà đòi hỏi sự quan tâm nỗ lực của cả xã hội. Hiện tượng người học quay lưng với trường kém chất lượng đã chứng tỏ trong xã hội hiện đại, trong nền kinh tế thị trường, việc chấp nhận quy luật đào thải, chấp nhận sự cạnh tranh trong giáo dục là điều tất yếu. Việc trả lời chất vấn, đối thoại đã chứng tỏ bản lĩnh và tầm nhìn rộng của một vị Bộ trưởng rất am hiểu các vấn đề liên quan. Điều này tôi rất chia sẻ với 2 vị Bộ trưởng Giáo dục và Giao thông. Có thể nói đây là hai vấn đề lớn của đời sống, ai cũng bình luận được nhưng giải pháp cho vấn đề thì không phải ai cũng nhận thức được". Mặt tích cực thứ hai của những kỳ chất vấn gần đây là Chính phủ, Quốc hội đã tạo điều kiện để các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu, suy nghĩ, chuẩn bị chất vấn những câu hỏi đích đáng và các vị được trả lời chất vấn cũng có điều kiện để chuẩn bị trả lời. Bởi vì có những vấn đề đòi hỏi phải nghiên cứu, phải nắm vững luật, xem chỉ thị, nghị quyết nào, các con số, thế mà còn có những trường hợp còn đang vênh nhau chưa chuẩn xác. Cho nên đây là một vấn đề mà chúng ta sắp tới cần tiếp tục thực hiện. Điểm tích cực tiếp theo là hoạt động hỏi và trả lời nhìn chung đã vào đúng trọng tâm, ngắn gọn hơn, có tranh luận khá liên tục, sôi nổi. Nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nắm bắt sát thực tiễn, lắng nghe kiến nghị của cử tri và nghiên cứu khá sâu để nêu những câu hỏi sắc sảo và theo sát các vấn đề thảo luận để tranh luận, trao đổi đến cùng. Kỹ năng chất vấn và trả lời chất vấn cũng có bước được nâng lên, hầu hết đều không đọc văn bản, hỏi và trả lời đều tập trung hơn theo một số nhóm vấn đề đã được lựa chọn, bước đầu khắc phục được tình trạng tản mạn, dàn trải. Tính tranh luận, đối thoại cao hơn, nhiều vấn đề đưa ra được làm rõ, đi đến cùng. Công tác điều hành thể hiện quyết liệt, linh hoạt, bảo đảm nội dung, hạn chế được sự trùng lắp, hướng nghị trường vào những vấn đề cần tập trung thảo luận. Cũng có lúc, một số bộ trưởng trả lời còn hơi dài dòng nhưng càng về sau nhịp điệu của các phiên chất vấn diễn ra càng sôi động, mang tính tranh luận giữa các đại biểu và bộ trưởng. Ví dụ tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII, Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đã tranh luận lại ý kiến của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng: “Tôi đáp lại ý kiến phát biểu của Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng. Tôi cho cái gì đúng thì phải là đúng, sai là sai… Nhưng bản chất sự việc phải nói ra. Nếu mà vành đai 3 chưa xong chúng ta lại làm 4,5 thì các cụ gọi là "Đâm chuông bỏ vãi", chúng ta phải dứt điểm chứ.Tại sao làm việc này chưa xong chúng ta lại làm việc khác? Tôi cho đấy là cách làm không phù hợp với nhu cầu phát triển hiện đại của chúng ta hiện nay”. Ngoài ra việc Quốc hội cho phép báo chí, truyền hình, phát thanh trực tiếp đầy đủ một số phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn là rất cần thiết và có tác dụng rất tốt. Đây là một kênh nối Quốc hội với cử tri, với nhân dân tạo ra một bầu không khí dân chủ trong xã hội và đưa tin một cách khách quan, giúp cho cán bộ đảng viên, nhân dân, cử tri cả nước hiểu được đầy đủ toàn diện các vấn đề, Quốc hội chúng ta hoạt động như thế nào; gắn Quốc hội với cử tri, với nhân dân; gắn Chính phủ, các cơ quan Nhà nước với cử tri, với nhân dân. b, Những thực trạng còn hạn chế trong hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội: Bên cạnh những mặt tích cực đã nêu ở trên thì hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội nước ta hiện nay vẫn còn tồn tại những thực trạng không tốt cần được khắc phục và sửa đổi. Trong những vấn đề được nêu ra chất vấn có điều đã trả lời được tốt, được đại biểu hài lòng, nhưng vẫn có những điều vì thời gian hoặc vì những vấn đề cụ thể mà các thành viên Chính phủ chưa nắm được thật chi tiết, trọng tâm để trả lời được đầy đủ. Có Bộ trưởng trả lời còn vòng vo, thiếu tính tổng hợp, tập trung khái quát, chưa đi thẳng vào câu hỏi và chưa mạnh mẽ khi nói đến trách nhiệm, khuyết điểm của mình, chưa rạch ròi trách nhiệm cá nhân và tập thể Bộ, ngành hoặc còn thiên về lý do khách quan cũng làm cho đại biểu và cử tri chưa hài lòng. Như tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII đại biểu Quốc hội Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) có nhận xét về phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo Phạm vũ Luận như sau: “Đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, chất vấn của đại biểu Quốc hội đặt ra những vấn đề rất lớn của nền giáo dục hiện nay nhưng trả lời của Bộ trưởng chưa thỏa đáng, nhiều đại biểu Quốc hội chưa hài lòng với trả lời của Bộ trưởng. Đúng giáo dục là vấn đề rất phức tạp. Nhưng Bộ trưởng phải tính bài toán xa hơn, tính bài toán chiến lược của ngành giáo dục như thế nào chứ không nên chỉ nhìn ngắn hạn trước mắt. Không phải đã thanh tra vấn đề này, kiểm tra vấn đề kia thì giáo dục sẽ tốt mà phải tính trong 10 - 15 năm tới nền giáo dục của đất nước này sẽ như thế nào. Rất tiếc là trong phần trả lời của Bộ trưởng, chúng tôi chưa thấy được tư duy của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào”. Điều này còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác, như sự thiếu thời gian, cơ chế chất vấn của Quốc hội chưa cho phép, hoặc khả năng hùng biện của các bộ trưởng. Quỹ thời gian hạn hẹp thì vẫn là vấn đề muôn thuở của phần lớn các cuộc họp quan trọng. Cái vấn đề muôn thuở này góp phần đưa tới việc cơ chế chất vấn của Quốc hội rất khó tạo điều kiện cho những cuộc “đối đáp”, “trao đi đổi lại” nhiều lần: Thường đại biểu hỏi, bộ trưởng đáp, là xong. Rất ít đại biểu truy vấn tiếp được, dù có thể không bằng lòng với câu trả lời. Về phía đại biểu còn tồn tại một số hạn chế là vài vị hỏi dài tới mức… ê a, chung chung, còn phụ thuộc vào giấy hoặc không rõ ý, một số trường hợp còn tản mạn, chưa thật tập trung. Một số vẫn là để tìm kiếm thông tin, chưa phải là chất vấn. Một thành viên của Quốc hội khóa XIII đánh giá 80% câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội không phải là chất vấn. Ông Lê Thanh Vân, thành viên Ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đã thẳng thắn bày tỏ: “Quốc hội là nơi bàn việc nước chứ không phải việc làng, việc xã nên chúng ta phải có lớp bồi dưỡng kỹ năng chất vấn cho đại biểu. Nhiều đại biểu chất vấn dài dòng, lê thê làm cử tri chưa hài lòng”. Điểm chung hạn chế lớn ở các đai biểu là còn quá chừng mực. Rất ít đại biểu truy xét trách nhiệm một cách cụ thể và đến cùng với những vấn đề còn tồn tại. Một vài người đặt câu hỏi sát sườn, diễn đạt gai góc, quyết liệt hơn một chút thì đã được dư luận chú ý, như đại biểu Danh Út, Nguyễn Đăng Trừng, Nguyễn Minh Thuyết, Dương Trung Quốc… Còn một thực trạng đáng buồn nữa trong hoạt động của các phiên chất vấn của Quốc hội là việc có nhiều đại biểu vắng mặt. Trong kỳ họp Quốc hội thứ hai khóa XIII vừa qua, tại những phiên chất vấn hoặc những phiên biểu quyết thông qua nghị quyết quan trọng, số lượng đại biểu vắng mặt lên tới 50. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng số lượng đại biểu vắng mặt, đặc biệt ở những phiên thông qua nghị quyết quan trọng lên tới 10% tổng số. 2. Giải pháp để giúp cho hoạt động chất vấn ngày một hiệu quả: Đầu tiên về cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn, để củng cố và thúc đẩy nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội và tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội thì Quốc hội cần tiếp tục quan tâm một số vấn đề sau đây: Thứ nhất là, cần tiến hành rà soát lại các văn bản pháp luật quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cá nhân, cơ quan có liên quan trong việc triển khai và phục vụ hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn (kể cả tại kỳ họp Quốc hội cũng như tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội). Thứ hai là, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Nội quy kỳ họp Quốc hội, Quy chế hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quy chế hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội hiện hành cho phù hợp với những cải tiến về quy trình, quy mô chất vấn, trả lời chất vấn trong thời gian vừa qua, có lường trước một số vấn đề sẽ nảy sinh từ hoạt động này để có những quy định đón đầu. Thứ ba là, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Thứ tư là, tiếp tục nghiên cứu, rút kinh nghiệm từ thực tế quá trình đổi mới hoạt động chất vấn thời gian qua để có những cải tiến đột phá hơn trong tổ chức hoạt động này. Tạo điều kiện để thường xuyên tổ chức hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại các phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, phiên họp của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Tiếp theo, đó là phải phải nâng cao tinh thần trách nhiệm của các vị đại biểu dân cử, đòi hỏi người đại biểu Quốc hội phải am hiểu, có bản lĩnh, dám hỏi, dám “truy vấn” đến cùng; "đeo bám" nội dung chất vấn qua nhiều kỳ họp nếu chưa được giải quyết dứt điểm. Chính vì vậy, trước khi chất vấn một vấn đề gì, đòi hỏi người đại biểu phải tìm hiểu kỹ, thu thập thông tin và có bằng chứng xác thực. Câu hỏi chất vấn gắn với hậu quả pháp lý nên buộc người trả lời chất vấn phải giải trình rõ đúng, sai và xác định rõ trách nhiệm. Nếu đại biểu chưa đồng tình với việc trả lời chất vấn của các cơ quan nhà nước thì có quyền đề nghị trả lời cụ thể hơn, có thể kiến nghị Quốc hội xem xét trách nhiệm của người được chất vấn. Sau trả lời chất vấn, những "lời hứa" phải thật sự được chú trọng và tăng cường giám sát chặt chẽ thì chất vấn mới thực sự có hiệu quả. Đối với các thành viên Chính phủ tham gia trả lời chất vấn, khi trả lời cần phải cụ thể, rõ ràng, đúng trọng tâm những vấn đề đã được hỏi. Ngoài ra, cần dành thời lượng thích đáng cho phiên chất vấn, trả lời chất vấn và truyền hình trực tiếp nhằm tạo điều kiện để đông đảo cử tri theo dõi giám sát, thẩm định trách nhiệm chính trị của các vị đại biểu Quốc hội và các thành viên Chính phủ góp phần làm cho không khí phiên chất vấn diễn ra nghiêm túc và sinh động hơn. KẾT LUẬN Chất vấn là hoạt động vô cùng quan trọng để duy trì tính dân chủ, vai trò giám sát của nhân dân đối với các hoạt động của Chính phủ. Hoạt động chất vấn ở nước ta hiện nay đang ngày một tốt hơn, phản ánh rõ quyền làm chủ của nhân dân. Chúng ta cùng đặt niềm tin vào những vị đại biểu Quốc hội sẽ hoàn thành tốt nhiêm vụ chất vấn của mình để góp phần làm cho đất nước ngày một vững mạnh, nhân dân thêm tin tưởng vào Chính phủ. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO Giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam – NXB Công an nhân dân năm 2011 Luật Hiến pháp Việt Nam năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) Luật hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2007) MỤC LỤC Trang LỜI MỞ ĐẦU 1 NỘI DUNG 1 I. Cơ sở lý luận 1 1. Định nghĩa hoạt động chất vấn: 1 2. Bản chất và mục đích của hoạt động chất vấn 1 3. Những quy định về hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội theo pháp luật hiện hành 2 II. Thực trạng và giải pháp trong hoạt động chất vấn của đại biểu nước ta hiện nay 3 1. Thực trạng hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trong các kỳ họp Quốc hội hiện nay 3 a, Những thực trạng tích cực trong hoạt động chất vấn của Quốc hội: 3 b, Những thực trạng còn hạn chế trong hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội: 5 2. Giải pháp để giúp cho hoạt động chất vấn ngày một hiệu quả: 6 KẾT LUẬN 7

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docHoạt động chất vấn của Quốc hội - thực trạng và giải pháp.doc
Luận văn liên quan