Luận văn Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh giai đoạn sau 1975

Xét về mặt tâm linh, yếu tố kì ảo có giá trị to lớn đối với tinh thần của con người. Chiến tranh qua đi nhưng nỗi đau mà nó để lại vẫn còn đó chưa thể xóa nhòa. Biết bao người lính đã nằm lại nơi cánh rừng Trường Sơn bạt ngàn, biết bao người vợ mất chồng, mẹ lìa con vẫn đang lặn lội tìm lại hài cốt người thân, và còn đó bao nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần mà người chiến sĩ năm xưa vẫn đang gánh chịu từng ngày. Một khi chiến tranh để lại quá nhiều mất mát và đau thương thì yếu tố kì ảo là một cách để xoa dịu nỗi đau cả thể xác lẫn tâm hồn để con người tiếp tục vững bước trước cuộc sống, để những người mẹ, người vợ sẽ bớt đau buồn hơn khi tin tưởng vào một ngày không xa họ sẽ tìm người thân yêu dù đó chỉ là một nắm xương tàn.

pdf139 trang | Chia sẻ: phamthachthat | Lượt xem: 1438 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh giai đoạn sau 1975, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ơi ấy sẽ có nhiều hồn ma. Rất nhiều những hồn ma lang thang xuất hiện trong tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh. Qua lời tâm sự của người lái xe đồng hành cùng Kiên trong chặng đường tìm kiếm hài cốt những người chiến sĩ đã hi sinh trong chiến tranh “Trông hoang vu thế thôi chứ dưới đất kia người nằm đã đông chật cả rồi. Mà nói chung ở cả cái B3 này đâu đâu chả nhiều ma quỷ. Tôi lái cho đoàn gom xương nhặt hài cốt từ hồi 73 tới giờ mà đã quen nổi với đám hành khách từ trong mồ hiện ra kia đâu. Chẳng đêm nào mà họ không lay mình dậy để chuyện gẫu. Phát khiếp lên được. Đủ loại. Lính cũ. Lính mới. Lính sư 10, sư 2, quân tỉnh đội, quân cơ động 320, đoàn 559. Thỉnh thoảng có các “mộng” tóc dài Đôi khi chen vào vài anh ngụy” [40, 44] ta có thể thấy rằng thế giới tâm linh vẫn đang tồn tại bên cạnh thế giới của sự sống, và người lính lái xe tin vào điều đó. Những linh hồn bơ vơ của những người chiến sĩ đã hi sinh kia vẫn thường hiện về có lẽ bởi họ mang một tâm nguyện nào đó vẫn chưa hoàn thành khi ngã xuống. Họ chết trong vô danh và lặng lẽ. Họ ra đi khi tuổi còn rất trẻ, chết mà chưa một lần được gặp lại người thân (Can là một trường hợp tiêu biểu). Hẳn vì thế mà linh hồn không thể siêu thoát. Và Kiên, trong những chuỗi ngày sau này, anh vẫn thường xuyên bắt gặp những linh hồn lở loét nơi góc cầu thang tối tăm ôm những vết thương đỏ lòm toác hoác bởi đạn bom chiến tranh. Anh cũng thường mơ thấy Can “trở về thì thào ngay bên võng, lặp lại cuộc trò chuyện nhạt nhẽo bên bờ suối chiều hôm nào. Tiếng thì thào chuyển dần thành tiếng nức nở, thành tiếng nấc nghẹn y như là tiếng nước sặc lên trong cổ họng kẻ sắp sửa chết chìm” [40, 26]. Trong Ăn mày dĩ vãng, Hai Hùng cũng đã từng một lần đối diện với hồn ma của những đồng đội đã hi sinh trong một lần ở nghĩa trang. Nếu giải thích theo quan niệm tâm linh, có lẽ do người lính ra đi khi tuổi còn quá trẻ, chết mà không có một nấm mồ, một nén nhang để an ủi vong linh nên họ quay về quấy nhiễu cuộc sống của con người trên dương thế. Nhưng vượt lên trên cả quan niệm tâm linh ấy, khi sử dụng mô-tip hồn người chết trở về, nhà văn muốn thể hiện những dằn xé, trăn trở, cắn rứt trong tâm hồn của những người lính. Trong chiến tranh, từng giờ từng phút người lính phải đối mặt với sinh tử sống còn. Cái chết luôn kề bên. Chỉ cần một chút sơ suất, sinh mạng một người sẽ vĩnh viễn ra đi. Với những người còn sống trở về, nỗi ám ảnh về đạn bom, về cái chết của những người đồng đội vẫn mãi là kí ức kinh hoàng không thể quên. Đó là lý do vì sau mà Kiên (Nỗi buồn chiến tranh) và Hai Hùng (Ăn mày dĩ vãng) vẫn thường trông thấy linh hồn của những người lính, những người đồng đội đã hi sinh . Theo quan niệm tâm linh, người ta tin rằng con người sau khi chết sẽ có thể thực hiện được những việc mà người sống không thể làm. Người lính trong Tiếng chuông chiều đã nhiều lần hiện về cứu giúp một người lính Sài gòn để trả ơn anh ta. Một lần anh đã giúp cho gã lính khỏi phải cắt bỏ đôi chân bị nhiễm trùng bằng cách dùng tay xoa nhẹ vào vết thương; lần khác anh đã giúp hắn thoát chết trong tích tắc khi quả bom bị nổ tung. Ở truyện Mắt ma, nhờ có đôi mắt của Đồng - người bạn đã hi sinh trong chiến tranh - cho, mà Huấn có thể nhìn thấy trước chuyện tương lai, và nói đúng những chuyện quá khứ. Nhưng kể từ đó, anh không giống như những người bình thường khác. Khi anh nhìn mâm cơm cúng bằng đôi mắt ma ấy, con gà mới luộc bỗng nhớt lại, vừa mủn, tanh tanh, nồng nồng không thể ăn. Cho đến nay, ma vẫn còn là một điều bí ẩn đối với nhân loại. Sự bí ẩn của ma vì vậy luôn mang đến cho con người sự sợ hãi xen lẫn tò mò, thích thú. Người xưa thường bảo, đêm tối đi trong những vùng đầm lầy sẽ gặp ma trơi, hay nếu đi đêm một mình ở nơi vắng vẻ sẽ bị ma dẫn đường khiến người ta bị lạc, không tìm được lối ra. Ở truyện Đốm lửa, Ngọc và Mỹ đã gặp những chuyện vô cùng kì lạ. Suốt đêm, hai người bị lạc trong một vùng đầm lầy mà ngày thường họ vô cùng quen thuộc. Trong bóng đêm âm u, rùng rợn chứa đầy sự bất trắc đó, thỉnh thoảng trước mắt hai cô gái là những đốm lửa xanh lập lòe khi ẩn khi hiện. Những đốm lửa xanh khi ẩn khi hiện đó có thể là ma trơi. Ma trơi - theo quan niệm dân gian là một loài ma có hình dạng giống như ngọn lửa nhỏ, có đốm xanh và hay trêu chọc người đi đường. Loài ma này được cho là linh hồn của những đứa trẻ tinh nghịch chết sớm. Do chưa mang nhiều nghiệp chướng nhân gian nên loài ma này không bị đày xuống địa ngục nhưng cũng không đủ duyên phận để siêu thoát. Trong khi chờ để đầu thai vào kiếp khác, những linh hồn tinh nghịch này rong chơi và hù dọa người qua đường. Còn theo giải thích của các nhà khoa học, thật ra chẳng có ma quỷ gì cả. Trong xương và não người có nhiều photpho, sau khi chết, các vi khuẩn sẽ phân hủy xác và sinh ra photphin (PH3) và điphotphin (P2H4). PH3 chỉ có thể bốc cháy trong không khí ở nhiệt độ 150 độ C, tuy nhiên, do có lẫn P2H4 nên cả hai sẽ tự bốc cháy trong không khí ở điều kiện thường. Dù theo quan niệm dân gian hay khoa học đi nữa thì sự xuất hiện đúng lúc và sự dẫn đường của những đốm lửa ấy đã giúp hai cô gái thoát khỏi sự mai phục của bọn địch. Có lẽ chính hồn thiêng của anh bộ đội đã hóa thành những đốm sáng dẫn đường, giúp hai người đồng đội của mình thoát khỏi nguy hiểm. Ngoài ra, trong các tác phẩm viết về chiến tranh sau 1975 còn để cập đến những vấn đề bí ẩn của giấc mơ. Nằm mộng, đó là một hiện tượng thường xảy ra trong giấc ngủ của con người. Các nhà phân tâm học cho rằng giấc mơ là biểu hiện của những ẩn ức bị kìm nén trong tỉnh thức, và nó bộc lộ mạnh mẽ khi con người chìm vào cõi vô thức. Tuy nhiên có những giấc mơ kì lạ mà khoa học dù hiện đại vẫn không thể giải thích được. Đó là những giấc mơ mà người mơ được gặp lại người đã mất, nói cách khác trong những giấc mơ đó, linh hồn người đã khuất trở về báo mộng cho những người còn sống để báo trước một điều sắp xảy ra hoặc giúp người chết hoàn thành một tâm nguyện nào đó. Trong các truyện viết về chiến tranh sau 1975, không hiếm để gặp những giấc mơ như thế. Ở truyện ngắn Mai, linh hồn của cô gái về báo mộng với cha vị trí hài cốt của mình. Trong tác phẩm Đốm lửa, hồn thiêng của anh bộ đội đã trở về báo mộng, giúp cho hai cô gái thoát khỏi sự mai phục của bọn giặc. Hay trong truyện Đồng đội, trong giấc mơ, Biền thấy linh hồn của những người đồng đội đã hi sinh từ lâu trong chiến tranh trở về trách móc, than thở vì những tâm nguyện chưa được người còn sống hoàn thành. Qua lời anh kể “Hôm qua tôi mơ thấy thằng Thái nó về. Nó xin một điếu thuốc bảo dưới ấy lạnh lắm, ngủ không được. Nó trách đồng đội sao không lấy nòng cối lên.” Ta thấy dường như bên cạnh thế giới cõi dương còn là một thế giới cõi âm với nhiều điều bí ẩn. Những linh hồn ở cõi âm ấy vẫn còn lẩn khuất đâu đó và giấc mơ – đó chính là cách để họ giao tiếp với những người còn sống. Có thể nói thế giới tâm linh đầy huyền bí. Bên cạnh niềm tin vào cuộc sống sau cái chết, trong quan niệm dân gian, người ta tin rằng có sự trừng phạt khi con người phạm phải những điều ác. Những việc làm ác dù tinh vi, có thể thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật vẫn khó thể thoát khỏi sự trừng phạt của một thế lực siêu nhiên nào đó bên cạnh con người. Người đàn ông trong Trái tim con rắn đã chết một cách kì lạ, khó hiểu. Suốt đêm trước khi chết, Thuật (tên nhân vật) phải vật vã với những cơn đau khủng khiếp và kì lạ, với một “con rắn” chui ra từ trong lồng ngực mà chỉ ông mới nhìn thấy. Những người còn sống không ai biết lí do vì sao Thuật chết. Họ cho rằng ông chết vì “nhồi máu cơ tim”. Cái chết có vẻ bí ẩn, song nếu hiểu theo quan niệm tâm linh thì đó chính là cái giá mà Thuật phải trả cho những hành động suy đồi đạo đức của chính mình. Cái chết của Thuật trong truyện là một lời cảnh báo sự tha hóa, suy đồi về đạo đức đang giết chết dần những con người mà một thời họ đã có những cống hiến cho Tổ quốc. Trong truyện ngắn Hồn trinh nữ, chàng trai đã không giữ được hạnh phúc của mình. Trong ngày thành hôn, hồn ma của người đàn bà đã đến đòi trả lại mạng sống cho chồng chị ta. Chàng phải trả giá cho những gì mà chàng đã gây ra. Hạnh phúc sẽ vĩnh viễn không bao giờ mỉm cười với chàng và người con gái chàng yêu. Hiện tượng lên đồng, tìm xác cũng được nhắc đến trong các tác phẩm viết về chiến tranh sau 1975. Khi nói về thế giới tâm linh, người ta luôn ám ảnh bởi những câu chuyện về việc chụp được ảnh linh hồn, về thần giao cách cảm, về gọi hồn, lên đồng, nhập hồn, thoát xác. Hiện tại, có những người tìm được hài cốt người thân nhờ những nhà ngoại cảm. Mặc dù còn khá nhiều những tranh luận xung quanh vấn đề tìm hài cốt bằng năng lực ngoại cảm, nhưng tự trong tâm thức, nhiều người vẫn tin rằng đó là cách tốt nhất để họ tìm được người thân đã mất của mình. Ở một số truyện viết về chiến tranh sau 1975, ta dễ dàng tìm thấy những biểu hiện tâm linh ấy như Dây neo trần gian, Đàn sẻ ri bay ngang rừng, Tàn đen đốm đỏ, Mai,. Người con gái trong Dây neo trần gian đã tìm đến bà đồng để nhờ bà giữ lại người đàn ông mà cô yêu nhất ở lại cuộc đời này. Có lẽ đối với cô, đó là cách duy nhất mà cô có thể tin tưởng. Không biết có phải vì cách của bà đồng linh nghiệm hay một sự trùng hợp ngẫu nhiên, cuối cùng cô đã giữ được anh ở lại trần gian. Trong Đàn sẻ ri bay ngang rừng, Diễm và Thản cũng nhờ đến sự giúp đỡ của bà đồng để tìm hài cốt của Nẫm. Nhờ sự có mặt của yếu tố tâm linh mà việc tìm được hài cốt của những người chiến sĩ đã hi sinh trong Tàn đen đốm đỏ, Mai cũng trở nên dễ dàng hơn.  Chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ, song những vết thương mà nó để lại vẫn còn đó với những nỗi đau âm ỉ chưa kịp phai nhòa theo năm tháng. Những người đã hi sinh sẽ mãi mãi không thể nào sống lại để quay về với những người thân yêu. Người còn lại vẫn tiếp tục cuộc sống, nhưng tự đáy lòng - họ vẫn mãi trăn trở, nhớ mong và hi vọng, họ vẫn nuôi hi vọng rằng một ngày nào đó sẽ có phép màu kì ảo đưa người thân quay về với họ. Nói như thế để hiểu, chiến tranh qua đi đã để lại biết bao đau thương và mất mát, việc đưa yếu tố kì ảo vào trong tác phẩm là một cách để xoa dịu những vết thương về cả thể xác lẫn tâm hồn mà chiến tranh để lại cho con người. Tóm lại dù hiểu theo cách nào đi nữa thì khi nói đến tâm linh, bất kì ai cũng nghĩ đến sự tồn tại của một thế giới, mà thế giới này là một thế giới bí ẩn, luôn khiến con người tò mò, khiến con người luôn khao khát tìm hiểu về nó. Thế giới này có thể liên quan đến những thế lực siêu nhiên bên ngoài con người cũng có thể liên quan đến những người đã chết. Cho đến nay, thế giới tâm linh vẫn là một thách thức lớn đối với con người. Hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề: có ma hay không, liệu con người có năng lực ngoại cảm hay không, việc lên đồng, thoát xác là biểu hiện tâm linh hay mê tín, đặc biệt trong giai đoạn khoa học kĩ thuật phát triển, nhiều nhà khoa học cũng bắt đầu quan tâm và đi tìm cách lý giải bằng luận chứng khoa học, song trong tâm thức nhiều người, tâm linh vẫn là một điều gì đó rất thiêng liêng và thần bí mà dù khoa học có phát triển đến đâu chăng nữa cũng không thể giải thích được. Đặc biệt khi trong cuộc sống còn nhiều khó khăn, đau khổ thì việc đặt niềm tin vào thế giới tâm linh là một cách để con người vững vàng trong cuộc sống. . 3.3. Yếu tố kì ảo từ sắc thái thẩm mỹ Trong văn học Việt Nam giai đoạn trước 1975, trước sự khốc liệt của chiến tranh, từng ngày phải đối mặt với sinh tử, sống còn, những người lính cần phải có chỗ dựa vững chắc về mặt tinh thần. Để đáp ứng nhu cầu của thời đại, các tác phẩm văn học giai đoạn này chủ yếu được xây dựng dựa trên cảm hứng anh hùng. “Cái anh hùng” tạo nên những tác động nhất định vào lý tưởng thẩm mỹ trong văn chương. Hình tượng người lính trong các tác phẩm hiện lên sừng sững, kì vĩ, hiên ngang, và luôn phơi phới một tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước- Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.Tất nhiên, sự đau thương, chết chóc cũng có đề cập đến trong các tác phẩm, song đó cũng chỉ làm cái nền để nổi bật lên sự anh dũng của người lính và không khí ngùn ngụt lửa căm hờn, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của đất nước giai đoạn này. Bước sang chặng đường mới, khi cuộc sống con người trở lại bình thường, lý tưởng thẩm mỹ trong các tác phẩm văn học cũng dần thay đổi để đáp ứng với nhu cầu thẩm mỹ mới của thời đại. Những tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh giai đoạn này đã mang nhiều sắc thái thẩm mỹ đa dạng. Một mặt, các tác phẩm vẫn nằm trong dòng chảy ngợi ca khi viết về chiến tranh, những người lính anh hùng vẫn là đối tượng được các nhà văn đề cập đến. Bên cạnh sự phản ánh quen thuộc đó, các nhà văn giai đoạn này cũng bước đầu đi vào mặt trái của tấm huy chương, đề cập đến những góc khuất của chiến tranh để từ đó thấy được bộ mặt thật của nó, thấy được thân phận đau thương của những con người đã qua một thời bom đạn. Một trong những điều làm nên thành công của tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh sau 1975 là việc sử dụng những chi tiết hoang đường, kì ảo. Việc đưa các chi tiết kì ảo vào trong truyện đã góp phần xây dựng nên một bức tranh đa diện nhiều chiều về người lính và về cuộc chiến đã qua, thể hiện sâu sắc những sắc thái thẩm mỹ khác nhau trong tác phẩm. Bảng khảo sát các sắc thái thẩm mỹ trong tiểu thuyết, truyện ngắn Sắc thái thẩm mỹ Tần số xuất hiện (50 truyện) Cái đẹp 3/50 truyện Cái bi 30/50 truyện Cái hùng 3/50 truyện Cái cao cả 1/50 truyện Cái thấp hèn 4/50 truyện Các sắc thái thẩm mỹ đan xen Cái bi – cái đẹp 4/50 truyện Cái bi – cái hùng 2/50 truyện Cái bi – cái hài 3/50 truyện Qua khảo sát có thể thấy rằng, trong những tác phẩm văn xuôi viết về chiến tranh sau 1975, một số tác phẩm vẫn được xây dựng dựa trên cảm hứng anh hùng, ngợi ca. Chủ yếu xuất hiện trong những truyện này là các phạm trù thẩm mỹ: cái đẹp (3/50 truyện), cái hùng (3/50 truyện) và cái cao cả (1/50 truyện). Yếu tố kì ảo trở thành một công cụ đắc lực giúp nhà văn tạo nên hình ảnh đẹp đẽ anh hùng của người lính. Nhờ đó mà hình tượng người lính trở nên hiên ngang, hùng dũng trước mắt người đọc. Đó là anh lính lái xe dũng cảm và đầy tinh thần trách nhiệm (Chuyến xe đêm) vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ trong giây phút hấp hối. Khi bị trúng đạn, và bất tỉnh, người lính ấy vẫn vững tay lái đưa những người trên xe đến một trạm gác an toàn dù đang trong trạng thái hôn mê. Là hình ảnh anh lính lái xe kiên cường (Kim Hà) mặc dù đôi tay đã bị đạn cắt gần như đứt lìa, thế nhưng không biết nhờ phép màu nào mà anh vẫn tiếp tục cầm chắc tay lái đưa người đồng đội đến đơn vị một cách an toàn. Yếu tố kì ảo đã tạo nên hình ảnh một người lính phi thường, đẹp đẽ mà một người bình thường có lẽ không thể nào thực hiện được. Hay như người chiến sĩ du kích trong truyện ngắn Đốm lửa, tuy đã bị địch giết hại, song hồn thiêng của anh vẫn trở về giúp hai người đồng đội của mình an toàn thoát khỏi sự mai phục của bọn địch. Trong tác phẩm Hồn trúc, giữa trận chiến sinh tử, quân ta bị địch bao vây khắp nơi, điều kì lạ đã xảy ra. Trong lúc đối diện với hiểm nguy, tiếng sáo trúc lạ lùng vang lên giữa bốn bề đạn bom cùng tiếng ca của chị Bốn đã tạo nên một vẻ đẹp kì ảo. Tiếng ca thều thào của chị “tiến lên đường, tới sa trường, ta xứng danh là cảm tử quân” hòa lẫn vào âm thanh trầm bỗng, ngân vang của tiếng sáo vút cao đã át cả tiếng bom và làm thay đổi tình thế căng thẳng lúc bấy giờ. Nó tạo nên một sức mạnh để những đợt xung kích của quân ta trở nên mạnh mẽ hơn và khí thế của địch chùng xuống với “những hàng tù binh dài dằng dặc”. Hơn bao giờ hết, nghĩa vụ, trách nhiệm cao hơn những lợi ích và mong muốn riêng tư của những người Cách mạng. Dù trong lúc nguy nan, cận kề cái chết, thậm chí khi đã hi sinh những người chiến sĩ ấy vẫn quyết tâm làm tròn trách nhiệm với cộng đồng, Tổ quốc.  Những sắc thái thẩm mỹ này xuất hiện không nhiều trong các tác phẩm viết về chiến tranh có yếu tố kì ảo sau 1975. Tuy số lượng không nhiều, song sự xuất hiện các sắc thái thẩm mỹ cái đẹp, cái hùng và cái cao cả đã góp phần tạo nên những bức chân dung những người lính anh hùng, quả cảm - Những người sẵn sàng hi sinh xương máu, hạnh phúc riêng tư của mình để chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Song song với việc tạo dựng những hình ảnh đẹp đẽ, kì vĩ, những nhà văn giai đoạn này cũng chú ý đi sâu vào những tấn bi kịch cá nhân của những người chiến sĩ. Đó là cuộc đời riêng đầy những nỗi bất hạnh mà chiến tranh đã để lại trên thể xác cũng như trong tâm hồn của họ. Cái bi vì vậy cũng trở thành một yếu tố không thể thiếu trong các tác phẩm. Nó tạo nên một bức tranh toàn vẹn, đa diện, nhiều chiều hơn về cuộc chiến đã qua. Chiến tranh ngày càng lùi xa nhưng những nỗi đau mà nó để lại vẫn không thôi ám ảnh trong đời sống của mỗi con người. Với những người lính đã từng tham gia chiến trận thì chiến tranh vẫn mãi là một kí ức buốt nhói không thể xóa nhòa. Qua yếu tố kì ảo, những bi kịch cá nhân càng hiện rõ trong từng trang viết. Các tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh sau 1975, sắc thái bi xuất hiện khá nhiều (30/50 truyện). Trong những tác phẩm viết về chiến tranh sau 1975, nhiều nhà văn đã sử dụng mô-tip giấc mơ để đưa người đọc từng bước khám phá những bí ẩn trong tâm lý nhân vật - một thế giới riêng với một chuỗi những bi kịch, những buồn đau mà người ngoài khó thể nhận biết được. Trước hết đó là bi kịch của hai người phụ nữ với khát khao cháy bỏng được làm vợ, làm mẹ, được gặp lại người chồng thân yêu của mình (Hai người đàn bà xóm Trại). Chiến tranh đã mang hai anh ra đi và không bao giờ trả họ về cho hai người phụ nữ đáng thương ấy. Đã bao lần họ thấy hai anh trở về và để lại cho họ một đứa con, nhưng cuối cùng đó chỉ là một giấc mơ. Những giấc mơ khắc khoải nỗi chờ mong, chất chứa niềm hi vọng về một ngày đoàn tựu vẫn thường xuyên hiện hữu trong tác phẩm càng khiến nỗi đau thêm đắng lòng, buốt nhói. Ở truyện Người sót lại của Rừng Cười, những giấc mơ về quá khứ chiến tranh thường xuất hiện trong giấc ngủ của Thảo. Chiến tranh đã lùi xa, song những kỉ niệm đau thương mà nó gây ra mãi mãi là một vết thương không bao giờ có thể lành. Nỗi ám ảnh về những tháng ngày sống giữa cánh rừng Trường Sơn khốc liệt với “những dòng nước khe màu xanh đen thớ lợ” đã vặt trụi mái tóc của năm cô thanh niên xung phong, nỗi ám ảnh về cái chết của bốn người đồng đội thân yêu, về những tháng ngày mà sự khốc liệt của núi rừng, của chiến tranh, sự thiếu thốn hơi ấm của đôi tay người đàn ông đã biến năm cô gái trở thành những con vượn người luôn trở đi trở lại trong những giấc mơ của Thảo. Những kí ức buốt nhói, đau lòng ấy không bao giờ có thể phai nhòa theo năm tháng. Vì thế mà những giấc mơ của cô đem lại cho người đọc cảm giác xót xa, thương cảm. Đến với Những giấc mơ có thực, một lần nữa người đọc cảm nhận được những khát khao hạnh phúc đang được kìm nén trong tâm hồn của người phụ nữ bất hạnh. Đó là bi kịch của một người phụ nữ mà chiến tranh đã lấy đi của chị tất cả những gì tốt đẹp nhất. Tuổi trẻ, sức khỏe, tình yêu của chị đã vĩnh viễn nằm lại giữa núi rừng Trường Sơn năm nào. Cả lòng kiêu hãnh của chị cũng đã bị chiến tranh tước lấy. Để lại trong hiện tại là một người phụ nữ với xác thân tàn tạ, héo mòn với những giấc mơ chất chứa khát vọng hạnh phúc không thể trở thành hiện thực. Chiến tranh, không chỉ người ra đi, mà người ở lại, không chỉ là người còn sống mà người đã chết cũng canh cánh, trăn trở bởi những nỗi niềm riêng. Trong các truyện viết về chiến tranh sau 1975, bên cạnh mô-tip giấc mơ, các tác giả cũng sử dụng mô-tip hồn người chết trở về để thể hiện những nỗi bi kịch, những nỗi đau của con người. Trong Bến trần gian, yếu tố kì ảo có thể giúp linh hồn của một người lính trở về quê hương chứ không thể trả lại sinh mệnh cho anh. Qua bao nhiêu năm, vượt qua biết bao chặng đường để có thể gặp lại người thân, nhưng cuối cùng Lăng đành phải ngậm ngùi ra đi bởi giờ đây anh chỉ là một hồn ma. Giữa người và ma dù sao cũng là hai thế giới khác biệt. Người mẹ già sau bao năm chờ đợi đứa con, giờ cũng đành chấp nhận hiện thực là đứa con của mình đã chết. Dù đau đớn những bà cũng đành nén lại mà khuyên đứa con hãy ra đi. Nỗi đau của người mẹ; nỗi buồn tủi, ngỡ ngàng của người con khi biết được thực tế đau xót khiến tác phẩm nhuốm một nỗi buồn. Cái bi trở thành âm hưởng chủ đạo của tác phẩm. Ở truyện Vùng sáng của kí ức, chị Bưởi và anh Tính yêu nhau, họ chưa kịp tổ chức lễ cưới thì anh phải đi lính và đã hi sinh, Qua lời tâm sự của chị với đứa em “đêm nào anh ấy cũng về với chị. Chị vui anh ấy cũng biết, chị buồn anh ấy cũng biết Chị chẳng đi lấy chồng đâu. Chị trọn đời, trọn kiếp với anh ấy”, người đọc cảm thấy chua xót cho số phận của những người con gái sinh ra trong chiến tranh. Cái hạnh phúc giản dị của một người con gái vĩnh viễn đã bị mất đi bởi chiến tranh. Dù người chồng sắp cưới hằng đêm có trở về với chị thì đó cũng chỉ là một hồn ma. Niềm hạnh phúc thật sự đã khép lại mãi mãi trước mắt chị. Tác phẩm vì vậy trở nên bi thiết hơn, người đọc không khỏi đắng lòng trước cái hạnh phúc ảo mà chị đang cố chấp nhận. Bên cạnh việc dùng mô-tip giấc mơ, mô-tip hồn người chết trở về, các nhà văn cũng sử dụng nhiều dạng thức kì ảo khác nhau để nhấn sâu vào cái bi kịch cá nhân của con người trong chiến tranh. Truyền thuyết về loài vạc sành (Tiếng vạc sành) có tiếng kêu xé lòng gợi nhắc đến số phận bi thương của một người lính. Chiến tranh đã lấy đi của anh một gia đình hạnh phúc, và trả lại cho anh một hình hài đáng sợ gương mặt không còn nguyên vẹn. Mang niềm đau hồn anh hóa thành con vạc, hằng đêm, với gương mặt xấu xí, anh ẩn mình trong các lùm cây kêu “tọc tọc” ròng rã từ lúc chạng vạng đến sáng để gọi vợ con. Tiếng kêu đau đớn của loài vạc sành phải chăng là tiếng kêu bi thương của người lính mà hạnh phúc của anh đã bị chiến tranh tước đoạt.  Đến với những tác phẩm này, người đọc cảm nhận được những mất mát, đau thương mà chiến tranh đã để lại cho con người. Đó không chỉ là nỗi đau về thể xác mà còn là những thương tổn về mặt tinh thần. Mỗi người một nỗi đau riêng, nhưng họ có cùng một điểm chung đó là không thể có được niềm vui, niềm hạnh phúc như những người bình thường khác. Trong tận sâu đáy lòng họ vẫn mong được hạnh phúc, thỏa mãn những khát vọng rất thực, rất con người nhưng thật tế họ vẫn sống trong nỗi cô đơn, vẫn chịu đựng nỗi đau dày vò theo năm tháng. Nhờ yếu tố kì ảo mà những bi kịch về khát khao được hạnh phúc và cuộc sống hiện tại đầy đau khổ càng trở nên sâu sắc và xúc động hơn. Ngoài ra, ở những tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh sau 1975, người đọc có thể dễ dàng tìm thấy những tác phẩm có sự kết hợp, đan xen các sắc thái thẩm mỹ. Mặc dù là sự kết hợp của nhiều sắc thái, song âm hưởng chủ đạo của các tác phẩm này chủ yếu vẫn là cái bi. Theo bảng khảo sát, cái bi xuất hiện trong hầu hết các truyện đan xen sắc thái thẩm mỹ này: Cái bi – cái đẹp (4/50 truyện), Cái bi – cái hùng (2/50 truyện), Cái bi – cái hài (3/50 truyện) Sự kết hợp giữa cảm hứng anh hùng và cái bi cũng góp phần tạo nên sự kì vĩ, đẹp đẽ của người lính. Đó là hình ảnh Bạch Điệp trong tác phẩm Bướm trắng. Khi bị trúng hai quả rốc-két của giặc, cô vẫn tiếp tục hóa thân thành con bướm trắng với đôi cánh rách nát chỉ lối dẫn đường cho những chuyến xe ra trận. Cô trở thành vị thần Hộ mệnh, đấng cứu tinh cho những người lính lái xe vượt Cổng Trời Trường Sơn trong những năm địch bắn phá ác liệt. Tác phẩm là một sự kết hợp hài hòa giữa cái bi và cái hùng. Yếu tố kì ảo đã góp phần xây dựng hình ảnh đẹp đẽ, kì vĩ của người nữ thanh niên xung phong anh hùng. Tuy nhiên âm hưởng chủ đạo của tác phẩm vẫn là cái bi. Phép màu đã giúp Bạch Điệp hóa thân thành bướm, để cô được tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ của mình, thế nhưng đó lại là một con bướm với đôi cánh rách nát bởi đạn bom. Dù đã hóa kiếp thành bướm, song Bạch Điệp vẫn từng ngày chịu đựng những cơn đau bởi những vết thương do đạn bom chiến tranh. Và sau này, khi được Xuân Sinh dùng máu nối lại sinh mệnh, Bạch Điệp đã sống lại, tuy nhiên di chứng mà chiến tranh để lại vẫn mãi mãi là một vết thương không thể lành. Phép màu không thể trả lại cho Bạch Điệp cơ thể lành lặn như một người phụ nữ bình thường. Có lẽ vì thế mà cô chỉ sinh cho anh toàn bướm và bướm. Với lòng yêu thương và cảm thông sâu sắc, tác giả đã dùng phép màu kì ảo để xoa dịu nỗi đau mà chiến tranh đã gây ra cho con người, để cái chết không còn là rào cản chia cắt những lứa đôi yêu nhau. Thế nhưng những di chứng mà chiến tranh đã để lại cho con người là quá lớn. Phép màu kì ảo chỉ có thể xoa dịu chứ không thể hàn gắn được những vết thương ấy. Vì thế mà sự có mặt của yếu tố kì ảo càng khiến người đọc ngậm ngùi, chua xót cho số phận bất hạnh của những con người đã bị chiến tranh tước đoạt tuổi trẻ, tình yêu và hạnh phúc. Yếu tố kì ảo tạo nên sắc thái bi - hùng cho tác phẩm là vì thế. Ngoài những sắc thái thẩm mỹ vừa khảo sát trên, ở các tác phẩm viết về chiến tranh sau 1975 còn xuất hiện cái thấp hèn (4/50 truyện). Điều này đã tạo nên sự khác biệt hoàn toàn giữa các tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh sau 1975 với các tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh trước đây. Thông qua yếu tố kì ảo, những mặt trái, những cái xấu xa, những mặt chưa tốt của những người từng một thời là người chiến sĩ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc hiện ra rõ ràng qua từng trang viết. Ta có thể thấy điều này trong những truyện như:, Con đò và người khách lạ,Trừng phạt, Trái tim con rắn , Ở những truyện mang sắc thái thẩm mỹ này, các tác giả cũng thường sử dụng mô-tip giấc mơ để người đọc cảm nhận được thế giới nội tâm đầy mặc cảm tội lỗi của nhân vật. Thế giới của giấc mơ giống như một chiếc hộp lưu giữ những điều bí mật không thể giãy bày của con người. Đó không chỉ là những khao khát hạnh phúc bị kìm nén mà còn chứa đựng những nỗi niềm băn khoăn, trăn trở, những dằn vặt lương tâm vì những điều không tốt mà mình đã gây ra. Đến với giấc mơ, người đọc có dịp hiểu thêm về những góc khuất mà các tác phẩm viết về chiến tranh trước đây không đề cập đến. Đó là những suy nghĩ ích kỉ, những dục vọng thấp hèn của người lính. Ở tác phẩm Con đò và người khách lạ, trước đây, vì hèn nhát, tham sống sợ chết, Khôi đã bỏ mặc đồng đội của mình. Sau chiến tranh, gặp lại người đồng đội ấy, Khôi không dám thú nhận điều đó mà tìm cách che giấu. Chỉ có trong giấc mơ, những hành động hèn nhát kia mới được phơi bày. Lời Khôi nói trong giấc mơ “Ta có lỗi gì? Ừ, lúc đó tao đã sợ chết nên tao không dám nổ súng vào bọn lính đi tuần, nhưng sau đó tao đã bò vào tìm mày, mày đã bị chúng nó kéo đi rồi Phải tao có tội với mày bởi tao là kẻ hèn nhát, một tên khốn nạn đã bỏ rơi bạn bè trong lúc lâm nguy” cho thấy thêm về một bộ mặt khác của người chiến sĩ. Bên cạnh những người lính anh hùng, quả cảm dám hi sinh vì đồng đội còn là những người lính xuất hiện trong vị thế là một con người bình thường với những sai lầm, những suy nghĩ ích kỉ cá nhân. Bên cạnh đó, những tác phẩm mang sắc thái cái thấp hèn cũng đã đề cập đến một bộ phận những người lính một thời là những con người anh hùng, chiến đấu hi sinh vì Tổ quốc, song khi trở về thời bình họ cũng không thể cưỡng lại sức cám dỗ của quyền lực, vật chất. Bằng mô-tip giấc mơ, một lần nữa người đọc cảm nhận được thế giới nội tâm đầy hối hận của những người lính đã gây nên sai lầm, gây ra những tổn hại đến những người thân, những người đồng đội của mình. Đó là Tuyển trong truyện Trừng phạt. Những mặc cảm về sự sai lầm về tội lỗi đã gây không ngừng trở đi trở lại trong những giấc mơ của ông. Ông không thể có được cuộc sống yên vui, thanh thản bởi những sai lầm đã gây. * Có thể nói những tác phẩm mang sắc thái cái thấp hèn đã mang đến cho người đọc một cái nhìn mới về người lính. Họ không chỉ là những người lính anh hùng mà còn là những con người bình thường, cũng có những sai lầm không thể tha thứ. Sự có mặt của yếu tố kì ảo đã tạo nên một sắc thái mới cho có truyện viết về chiến tranh sau 1975, giúp người đọc có được cái nhìn đa dạng, nhiều chiều về con người, đặc biệt là người lính.  Trước 1975, do đáp ứng nhu cầu sống còn của dân tộc, hầu hết tất cả các tác phẩm đều được xây dựng dựa trên cảm hứng anh hùng ngợi ca. Tuy nhiên sau hòa bình, lý tưởng thẩm mỹ trong các tác phẩm cũng đã dần thay đổi để đáp ứng nhu cầu của thời đại. Vì vậy có thể thấy các tác phẩm văn xuôi viết về chiến tranh sau 1975 khá đa dạng về sắc thái thẩm mỹ. Bên cạnh một số tác phẩm vẫn nằm trong dòng chảy ngợi ca khi viết về chiến tranh ở giai đoạn trước mà người lính anh dũng vẫn là đối tượng trung tâm được nhiều nhà văn đề cập đến. Nhiều tác phẩm đã tập trung thể hiện cuộc sống riêng tư của người lính sau chiến tranh mà âm hưởng chủ đạo là cái bi. Đặc biệt các tác phẩm nhấn sâu vào cái bi kịch cá nhân của họ khi trở về cuộc đời thường. Ngoài ra bên cạnh một số tác phẩm mang cảm hứng ngợi ca, còn xuất hiện thêm những tác phẩm mang cảm hứng phê phán, phơi bày những mặt trái, những điều chưa tốt của người lính. Yếu tố kì ảo trong tác phẩm trở thành công cụ đắc lực để chuyển tải nội dung câu chuyện, giúp việc thể hiện những sắc thái thẩm mỹ trở nên sâu sắc hơn, nhất là trong việc thể hiện những bi kịch cá nhân của người lính. Nhờ đó mà các tác phẩm giúp cho người đọc bước đầu đi vào những mặt trái của tấm huy chương, những góc khuất của chiến tranh để từ đó thấy được bộ mặt thật của nó, thấy được thân phận đau thương của những con người đã qua một thời bom đạn. KẾT LUẬN Trong văn xuôi nghệ thuật sau 1975, các nhà văn sử dụng yếu tố kì ảo làm phương thức khám phá hiện thực, lý giải những bí ẩn của đời sống và thế giới tâm hồn của con người. Tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh giai đoạn này cũng cùng nằm trong xu hướng chung đó. Giống như các tác phẩm văn xuôi hiện đại Việt Nam, những tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh cũng sử dụng những phương thức kì ảo quen thuộc như: hồn người chết trở về, những giấc mơ, những sự việc kinh dị, phi lý và những lời nói, hành động kì lạ của nhân vật. Khi sử dụng các dạng thức tiêu biểu này, các tác giả quan niệm đó không đơn thuần chỉ là một phương thức lạ hóa, “câu khách” thông thường, mà quan trọng hơn là để tập trung thể hiện những góc khuất, những bộ mặt khác nhau của hiện thực chiến tranh; để khám phá, lý giải những ẩn ức bên trong tâm hồn của con người, mà ở đây là những con người từng trải qua một thời đạn bom ác liệt, để từ đó thấy được cuộc sống của họ trong hiện tại. Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh sau 1975 thể hiện tập trung ở các yếu tố tình huống, cốt truyện, nhân vật, không gian và thời gian. Về tình huống trong các truyện này, ở một số truyện ngắn, chúng tôi nhận thấy có sự xuất hiện những tình huống tiêu biểu như: tình huống nhuốm màu sắc hoang đường, kì lạ; tình huống căng thẳng, kịch tính; tình huống mang tính chất ngẫu nhiên. Khi xuất hiện trong cốt truyện, ở nhiều truyện yếu tố kì ảo đóng vai trò biểu tượng, xuất hiện song hành cùng cốt truyện tạo nên một kiểu thêm thắt, gia giảm, đan lồng giữa cái kì ảo và cái thực. Trong một số truyện khác, yếu tố kì ảo tham dự vào diễn biến cốt truyện, tạo nên một thế giới kì ảo thu hút sự chú ý của người đọc. Ngoài ra yếu tố kì ảo cũng xuất hiện ở một số ít truyện có hai cốt truyện đan xen. Tuy nhiên những cốt truyện này chiếm số lượng rất ít và không tạo được dấu ấn đặc biệt. Khi xây dựng hình tượng nhân vật, các tác giả tạo nên một thế giới nhân vật mang màu sắc kì ảo như nhân vật hồn ma, nhân vật dị thường, kì lạ và nhân vật mang màu sắc huyền thoại, cổ tích. Không gian để hồn ma hoặc những điều lạ xuất hiện là không gian chiến trường u ám, đầy rẫy sự chết chóc. Đó có thể là một hang đá, một góc rừng Trường Sơn, một Truông Gọi Hồn âm u đầy những oan hồn, Bên cạnh đó, người đọc cũng thấy những không gian riêng tư của cá nhân: không gian của gian phòng chật hẹp hay không gian của căn nhà nhỏ giữa triền bãi rộng chạy ven đê làng. Ngoài ra trong những tác phẩm còn xuất hiện không gian mộng ảo chất chứa những giấc mơ thầm kín của nhân vật, không gian huyền ảo, ma quái để hồn người chết có thể quay về gặp lại người thân. Cũng giống như những truyện kinh dị thông thường, những hồn ma hoặc những sự việc kì lạ trong truyện chủ yếu xuất hiện vào đêm tối, đặc biệt là vào lúc nửa khuya, khi mọi vật chìm trong bóng đêm tịch mịch. Như vậy bằng yếu tố kì ảo, các nhà văn đã từng bước đưa người đọc khám phá thế giới tinh thần bí ẩn và phức tạp của con người. Thông qua yếu tố kì ảo, hiện thực chiến tranh đa diện, nhiều chiều được tái hiện một cách cụ thể, sinh động qua từng trang viết. Từ đó người đọc sẽ có cách nhìn đúng đắn và toàn diện hơn về nó. Qua yếu tố kì ảo, các nhà văn đã vẽ nên “khuôn mặt thực” của chiến tranh với nhiều góc cạnh khác nhau, có hào hùng nhưng cũng có bi thương, có vinh quang nhưng cũng không kém phần cay đắng, có chiến thắng oai hùng nhưng cũng có cả những mất mát thương đau. Với những người đã từng sống trong chiến tranh thì đó quả thật là một quá khứ không thể lãng quên. Qua đó, các nhà văn muốn gửi đến thế hệ sau những thông điệp: khi nhìn về một thời máu lửa, chúng ta không nên dừng lại ở ánh hào quang rực rỡ chung của cả cộng đồng mà hãy quan tâm đến số phận của từng cá nhân, của từng con người. Hãy đồng cảm, chia sẻ với những mất mát quá lớn mà những người chiến sĩ năm xưa đã và đang gánh chịu từng ngày. Để có được những ngày hòa bình như hiện nay đã có biết bao người phải hi sinh, gánh chịu những niềm đau, những nỗi mất mát không thể bù đắp. Vì vậy chúng ta phải biết trân trọng những thành quả được xây dựng từ máu và nước mắt đó. Qua yếu tố kì ảo, các nhà văn cũng đặt ra những vấn đề nhức nhối của xã hội, đó là sự tha hóa, biến chất, băng hoại đạo đức của một số người đã từng là chiến sĩ, có những cống hiến cho đất nước trong những năm chiến tranh. Các tác phẩm như một lời cảnh tỉnh lương tâm con người, đồng thời nhắn nhủ xã hội cần phải loại trừ những “con sâu” để không làm hoen ố hình ảnh người lính anh dũng ngày nào trong lòng mọi người. Xét về mặt tâm linh, yếu tố kì ảo có giá trị to lớn đối với tinh thần của con người. Chiến tranh qua đi nhưng nỗi đau mà nó để lại vẫn còn đó chưa thể xóa nhòa. Biết bao người lính đã nằm lại nơi cánh rừng Trường Sơn bạt ngàn, biết bao người vợ mất chồng, mẹ lìa con vẫn đang lặn lội tìm lại hài cốt người thân, và còn đó bao nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần mà người chiến sĩ năm xưa vẫn đang gánh chịu từng ngày. Một khi chiến tranh để lại quá nhiều mất mát và đau thương thì yếu tố kì ảo là một cách để xoa dịu nỗi đau cả thể xác lẫn tâm hồn để con người tiếp tục vững bước trước cuộc sống, để những người mẹ, người vợ sẽ bớt đau buồn hơn khi tin tưởng vào một ngày không xa họ sẽ tìm người thân yêu dù đó chỉ là một nắm xương tàn. Trước 1975, do đáp ứng nhu cầu của thời đại, các tác phẩm văn học chủ yếu được xây dựng dựa trên cảm hứng anh hùng, ngợi ca mà cái đẹp và cái cao cả luôn là âm hưởng chủ đạo của tác phẩm. Bước sang chặng đường mới, khi cuộc sống trở lại bình thường, lý tưởng thẩm mỹ trong tác phẩm cũng dần thay đổi. Trong những tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh, bên cạnh cái đẹp, cái cao cả người đọc còn thấy sự xuất hiện của cái bi. Đó là những bi kịch cá nhân của người chiến sĩ khi họ luôn bị ám ảnh, dằn vặt về quá khứ và trở nên lạc lõng giữa cuộc sống thực tại. Ngoài ra, ở một số tác phẩm, ta thấy có sự xuất hiện sắc thái cái thấp hèn. Tuy số lượng không nhiều, song sự xuất hiện của sắc thái thẩm mỹ này góp phần tạo nên một bức chân dung đa dạng, nhiều chiều về người lính. Bên cạnh những chiến sĩ anh hùng, quả cảm chiến đấu hi sinh vì Tổ quốc còn là một bộ phận những người chiến sĩ với những suy nghĩ ích kỉ, thấp hèn. Việc đưa yếu tố kì ảo vào tác phẩm đã góp phần không nhỏ trong việc thể hiện sự đa dạng của các sắc thái thẩm mỹ. Tóm lại, sự xuất hiện của yếu tố kì ảo trong các tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh giai đoạn sau 1975 nằm trong dòng chảy chung của văn học Việt Nam hiện đại. Nó đáp ứng nhu cầu nhận thức lại hiện thực chiến tranh, khám phá bí ẩn của thế giới tinh thần con người. Những thành công của tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh có sử dụng yếu tố kì ảo đã góp phần vào sự thành công chung của văn xuôi kì ảo Việt Nam sau đổi mới đồng thời tạo nên một diện mạo mới cho những tác phẩm viết về đề tài chiến tranh. THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO I. CÁC TÁC PHẨM KHẢO SÁT 1. Vũ Thị Hồng (1994), Những giấc mơ có thực – Hồi ức binh nhì (truyện ngắn chọn lọc 1992-1994), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội. 2. Thái Bá Tân (2001), Bướm trắng – Mười năm truyện ngắn Văn nghệ quân đội (1991-2000), Nxb Văn học, Hà Nội. 3. Nguyễn Quang Thiều (1995), Hai người đàn bà xóm Trại – Năm người đàn bà và bốn người đàn ông (Tập truyện ngắn), Nxb Thanh niên, Hà Nội. 4. Lê Hoài Lương, Tiếng chuông chiều, 5. Phạm Trung Khâu (1994), Tiếng vạc sành – Bến trần gian (Truyện ngắn chọn lọc 1992-1994), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội. 6. Nguyễn Thế Tường (2009), Bàn chân ma – Hồi ức của một binh nhì (Tập truyện ngắn), Nxb Phụ nữ, Hà Nội. 7. Lưu Sơn Minh (1994), Bến trần gian – Bến trần gian (Truyện ngắn chọn lọc 1992-1994), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội. 8. Hoàng Dân (1994), Chiều vô danh – Hồi ức binh nhì (Truyện ngắn chọn lọc 1992-1994), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội. 9. Thanh Quế (2006), Mai – Truyện ngắn hay về chiến tranh, Nxb Văn học, Hà Nội. 10. XuânThiều (2006), Truyền thuyết về quán Tiên, Truyện ngắn hay về chiến tranh, Nxb Văn học, Hà Nội. 11. Phạm Ngọc Tiến (2006), Họ đã trở thành đàn ông, Truyện ngắn hay về chiến tranh, Nxb Văn học, Hà Nội. 12. Kiều Vượng (2006), Hai người trong thành phố, Truyện ngắn hay về chiến tranh, Nxb Văn học, Hà Nội. 13. Cao Duy Thảo (2006), Người đàn bà, Truyện ngắn hay về chiến tranh, Nxb Văn học, Hà Nội. 14. Võ Thị Hảo: 14.1. - (2001), Dây neo trần gian, Mười năm truyện ngắn Văn nghệ quân đội (1991-2000), Nxb Văn học, Hà Nội. 14.2- (2001), Người sót lại của rừng Cười, Mười năm truyện ngắn Văn nghệ quân đội (1991-2000), Nxb Văn học, Hà Nội. 14.3- (2002), Biển cứu rỗi, Truyện ngắn bốn cây bút nữ, Nxb Văn học, Hà Nội. 14.4- (2002), Hồn trinh nữ, Truyện ngắn bốn cây bút nữ, Nxb Văn học, Hà Nội. 15. Nguyễn Quốc Trung (2001), Người bán nhang ở chùa Vĩnh Nghiêm, Mười năm truyện ngắn Văn nghệ quân đội (1991-2000), Nxb Văn học, Hà Nội. 16. Nguyễn Thị Minh Thúy (2000), Đốm lửa - Đêm bướm ma (Tuyển tập truyện ma Việt Nam), Nxb Văn học. 17. Nguyễn Minh Châu (1994) Cỏ lau, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Minh Châu, Nxb Văn học, Hà Nội 18. Tạ Duy Anh (1995), Người thắng trận, Truyện ngắn trên báo văn nghệ (1987- 1995), Nxb Hội nhà văn, Hà Nội 19. Võ Thị Xuân Hà (2006), Đàn sẻ ri bay ngang rừng, Truyện ngắn hay về chiến tranh, Nxb Văn học, Hà Nội. 20. Ngô Tự Lập (2000), Mùa đại bàng - Đêm bướm ma (Tuyển tập truyện ma Việt Nam), Nxb Văn học, Hà Nội. 21. Nguyễn Đông Thức (2000), Trái tim con rắn - Đêm bướm ma (Tuyển tập truyện ma Việt Nam), Nxb Văn học, Hà Nội. 22. Ngô Văn Phú (2000), Cặp bồ với ma - Đêm bướm ma (Tuyển tập truyện ma Việt Nam), Nxb Văn học, Hà Nội. 23. Nguyễn Quang Lập (1997), Vĩnh biệt mười tám con gà trống, Văn nghệ quân đội – truyện ngắn dự thi 1996, Nxb Văn học, Hà Nội. 24. Hồ Tĩnh Tâm, Đồng đội, Văn nghệ 1995, số 29 (18/7). 25. Thái Sinh, Con đò và người khách lạ, Văn nghệ 1995, số 39 (26/9). 26. Y Ban: 26.1 (2005), Mắt ma, Hồn hoa đêm tháp cổ - Truyện ngắn ly kỳ VN, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. 26.2 (1997), Vùng sáng của kí ức, Văn nghệ quân đội – truyện ngắn dự thi 1996, Nxb Văn học, Hà Nội. 27. Trần Văn Thước, Vòm đa xanh, VN/News/Van-xuoi-36.vnqd. 28. Hòa Vang (1996), Tổ tông truyền, Huyền thoại thìa – Sự tích những ngày đẹp trời (Tập truyện ngắn), Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. 29. Lê Minh Hà (2005), Gióng, Văn mới 5 năm đầu thế kỉ, - Hợp tuyển truyện ngắn của những tác giả đang được mến mộ, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. 30. Ma Văn Kháng (1991), Chuyến xe đêm – Truyện ngắn chọn lọc 1975 – 1990, Nxb Văn học, Hà Nội. 31. Đỗ Nhật Minh (2009), Trừng phạt – Tuyển tập truyện ngắn Quán trần gian, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. 32. Phạm Việt Long, Lời nguyền của một bài ca, Văn nghệ 2002, số 48 (30/11) 33. Lê Minh Khuê (2000), Anh lính Tony D - Đêm bướm ma (Tuyển tập truyện ma Việt Nam), Nxb Văn học, Hà Nội. 34. Lê Thành Chơn, Kim Hà, Văn nghệ 2002, số 30 (27/7). 35. Lê Quang Kiếm, Tiên nữ, Văn nghệ 1995, số 28 (15/7). 36. Vũ Hồng (1997), Tiếng chuông trôi trên sông, Văn nghệ quân đội – truyện ngắn dự thi 1996, Nxb Văn học, Hà Nội. 37. Triệu Huấn (1995), Giấc mộng cuối cùng – Cuộc thi truyện ngắn trên báo Văn nghệ 1995, Nxb Văn học, Hà Nội. 38. Trần Huy Quang (2001), Ám ảnh có thật, Mười năm truyện ngắn Văn nghệ quân đội (1991-2000), Nxb Văn học, Hà Nội. 39. Nguyễn Thế Tường (1995), Điều không thể mất – Cuộc thi truyện ngắn trên báo Văn nghệ 1995, Nxb Văn học, Hà Nội. 40. Bảo Ninh (2009), Nỗi buồn chiến tranh, NXB Văn học, Hà Nội. 41. Chu Lai (1995), Ăn mày dĩ vãng, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. 42. Phạm Ngọc Tiến (2008), Tàn đen đốm đỏ, NXB Văn học, Hà Nội. 43. Dương Hướng (2008), Bến không chồng, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. 44. Nguyễn Văn Thông (2000), Hồn trúc - Đêm bướm ma (Tuyển tập truyện ma Việt Nam), Nxb Văn học, Hà Nội. II. SÁCH BÁO – TẠP CHÍ, TÀI LIỆU NGHIÊN CỨU 1. Lê Huy Bắc (2006), “Cái kỳ ảo và văn học huyễn ảo”, Tạp chí nghiên cứu văn học số 8 (414) tháng 8-2006, Viện văn học – Viện khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội. 2. Đặng Anh Đào (2006), “Vai trò của cái kỳ ảo trong truyện và tiểu thuyết Việt Nam”, Tạp chí nghiên cứu văn học số 8 (414) tháng 8-2006, Viện văn học – Viện khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội. 3. Nguyễn Hải Hà (2006), “Cái hoang đường trong văn học Nga thế kỷ XIX”, Tạp chí nghiên cứu văn học số 6 (412) tháng 6-2006, Viện văn học – Viện khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội. 4. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2000), “Từ điển thuật ngữ văn học”, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội. 5. Đào Duy Hiệp (2006), “Cấu trúc cái kỳ ảo trong truyện ngắn Maupassant”, Tạp chí nghiên cứu văn học số 8 (414) tháng 8-2006, Viện văn học – Viện khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội. 6. Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (2004), “Từ điển văn học”, Nxb Thế giới, Hà Nội. 7. Đỗ Đức Hiểu (1993), “Đổi mới phê bình văn học”, Nxb Khoa học xã hội – Nxb Mũi Cà Mau. 8. Lê Nguyên Long (2006), “Về khái niệm cái kỳ ảo và văn học kỳ ảo trong nghiên cứu văn học”, Tạp chí nghiên cứu văn học số 9 (415) tháng 9-2006, Viện văn học – Viện khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội. 9. Phạm Thị Thanh Nga, “Yếu tố kỳ ảo trong truyện ngắn Việt Nam hiện đại từ sau 1975”, nguồn 10. Nguyễn Hải Phong (2008), Yếu tố kỳ ảo trong truyện ngắn Việt Nam hiện đại, Tạp chí dạy và học ngày nay, Trung ương Hội khuyến học Việt Nam số 7.2008. 11. Bùi Thanh Truyền (2006), Sự hồi sinh của yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi đương đại Việt Nam, Tạp chí nghiên cứu văn học số 11 (417) tháng 11-2006, Viện văn học – Viện khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội. 12. Phùng Văn Tửu, Phương thức huyền thoại trong sáng tác văn học, nguồn 13. Phùng Văn Tửu (2006), Những đổi mới trong văn học kỳ ảo thế kỷ XX, Tạp chí nghiên cứu văn học số 5 (411) tháng 5-2006, Viện văn học – Viện khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội. 14. Hồ Sỹ Vịnh, Văn hóa tâm linh - Lý luận và thực tiễn, nguồn 15. Trần Lê Bảo (2009), “Liêu trai” hiện đại Việt Nam - Văn học Việt Nam sau 1975 những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 16. Nguyễn Văn Long (2009), Một số vấn đề cơ bản trong nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam giai đoạn từ sau 1975 - Văn học Việt Nam sau 1975 những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 17. Ngô Tự Lập (1999), Những đường bay của mê lộ (Về văn học kỳ ảo), Tạp chí Sông Hương, số 127 18. Nguyễn Hào Hải, Lại bàn về vô thức, Văn nghệ 1995, số 22, (3/6) 19. Trần Thanh Mại (1961), Những câu chuyện thần linh ma quái (Nhân đọc hai cuốn Việt điện u linh và Lĩnh nam chích quái), Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 2. 20. Bùi Việt Thắng (1999), Bình luận truyện ngắn, Nxb Văn học, Hà Nội. 21. Tzevan Todorov (2007), Dẫn luận về văn chương kỳ ảo, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội. 22. S.Iu. Nekliudov (2007), Những ảnh hưởng của thế giới bên kia trong tín ngưỡng dân gian và văn chương cổ truyền, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 11. 23. Lã Nguyên (2001), Văn học kì ảo – nhìn từ hệ hình thế giới quan, Tạp chí Văn học nước ngoài, số 6. 24. Phùng Văn Tửu (2007), Phương thức huyền thoại trong sáng tác văn học, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 10 25. Phan Cự Đệ (2000), Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Nxb. Giáo dục, Hà Nội. 26. Phùng Hữu Hải, Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Việt Nam hiện đại giai đoạn từ sau 1975 đến nay, nguồn 27. Ngọc Thiện (1990) “Tiểu thuyết hướng nội” trong văn xuôi hiện đại, Tạp chí Văn học, số 6. 28. Nguyễn Minh Châu (1995) Viết về chiến tranh, trong Trang giấy trước đèn, (Tôn Phương Lan biên soạn và giới thiệu), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 29. Nguyễn Thị Ngọc Anh (2008), Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, Luận văn thạc sĩ chuyên ngành ngữ văn, ĐHSP Thái Nguyên. 30. Lê Nguyên Cẩn (2009), Thế giới kì ảo trong Mảnh đất lắm người nhiều ma từ cái nhìn văn hóa – Văn học Việt Nam sau 1975 những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 31. Nguyễn Đăng Mạnh (1996), Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 32. Cao Thị Thu Hoài, Yếu tố kì ảo trong sáng tác Võ Thị Hảo qua tiểu thuyết Giàn Thiêu và tập truyện ngắn Những truyện không nên đọc lúc nửa đêm, Luận văn thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam, ĐHSP Thái Nguyên. 33. Đoàn Cầm Thi, (18/5/2004), Sáng tạo văn học, giữa mơ và điên. Đọc Thoạt kỳ thuỷ của Nguyễn Bình Phương, nguồn www.evan.com.vn. 34. Trần Đình Sử, Lê Bá Hán, Nguyễn Khắc Phi, (2008), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb ĐHQG Hà Nội. 35. Hà Minh Đức (chủ biên), (2000), Lí luận văn học, Nxb Giáo Dục, Hà Nội. 36. Hồ Phương (2008), Có gì mới trong tiểu thuyết đề tài chiến tranh hôm nay – Tuyển tập các bài viết về tiểu thuyết Việt Nam thế kỷ XX, Nxb Giáo Dục, Hà Nội. 37. Phạm Xuân Nguyên (2008), Phân tích tâm lý trong tiểu thuyết – Tuyển tập các bài viết về tiểu thuyết Việt Nam thế kỷ XX, Nxb Giáo Dục, Hà Nội. 38. Bùi Việt Thắng (2008), Mấy nhận xét về tiểu thuyết sau 1975 viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ – Tuyển tập các bài viết về tiểu thuyết Việt Nam thế kỷ XX, Nxb Giáo Dục, Hà Nội. 39. Bùi Việt Thắng (2009), Tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 nhìn từ góc độ thể loại - Văn học Việt Nam sau 1975 những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 40. R. Wellek và A. Warren (2009), Lý luận văn học (Nguyễn Mạnh Cường dịch), Nxb Văn học, Hà Nội. 41. Lê Nguyên Cẩn (1990) Phương thức kì ảo và tính chân thật lịch sử trong tiểu thuyết “Miếng da lừa” của Balzac, TCVH, số 5. 42. Lê Nguyên Cẩn (2002), Cái kỳ ảo trong tác phẩm Balzac, Nxb Đại học Sư Phạm, Hà Nội. 43. Nguyễn Văn Dân (2004), Phương pháp luận nghiên cứu văn học, Nxb KHXH Hà Nội. 44. Phạm Quang Long (2004), Về sự hình thành của chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam, TCVH, số 1 45. Phương Lựu (2001) Tìm hiểu trực giác và vô thức trong tư duy nghệ thuật, TCVH số 31. 46. Trần Thị Mai Nhân (2007), Tìm hiểu phương thức “huyền thoại hóa” trong một số tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới – Huyền thoại và văn học, Nxb Đại học Quốc gia TP HCM. 47. Bích Thu (1996), Những thành tựu của truyện ngắn sau 1975, Tạp chí văn học, số 9. 48. Huỳnh Như Phương (1991), Văn xuôi những năm 80 và vấn đề dân chủ hóa nền Văn học, Tạp chí văn học, số 4. 49. Lê Thị Đức Hạnh (1999), Mấy vấn đề trong văn học hiện đại Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. 50. Nguyễn Thị Bình (2003) Một vài nhận xét về quan niệm hiện thực trong văn xuôi nước ta từ sau 1975, Tạp chí văn học số 4. 51. Hoàng Thị Văn (2009), Yếu tố huyền ảo trong văn xuôi nghệ thuật Việt Nam sau năm 1975, Đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp bộ, trường Đại học SP TPHCM. 52. Phùng Quý Nhâm (1998), Tinh thần phân tích tâm linh – một đặc trưng của chủ nghĩa hiện thực, TCVH, số 4 53. E.M.Meletinsky (2004), Thi pháp của huyền thoại, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 54. Nguyễn Trường Lịch (1997), Huyền thoại và sức sống của huyền thoại trong văn chương xưa và nay, TCVH, số 5. 55. Vũ Minh Đức, Không gian kinh dị trong văn xuôi Nguyễn Tuân trước cách mạng tháng Tám, nguồn 56. Trần Đình Sử, (2000), Thi pháp học, Nxb Văn học.) 57. Lê Thị Hường (1994), Quan niệm về con người cô đơn trong truyện ngắn hôm nay, TCVH, số 2. 58. Hồ Bích Ngọc, (2006), Nguyễn Bình Phương với việc khai thác tiềm năng thể loại để hiện đại hoá tiểu thuyết, Luận văn Thạc sĩ, ĐHSP Hà Nội. 59. Jean Chevalier, Alain Cheerbrant, (1999), Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, Nxb Đà Nẵng, Trường Viết văn Nguyễn Du. 60. Nguyễn Thị Ngọc Anh (2008), “Một số suy nghĩ về sự linh cảm trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương”, Văn nghệ Thái Nguyên, số 17. 61. Phùng Diệu Linh, (2004), Cấu trúc tiểu thuyết Thoạt kỳ thuỷ của Nguyễn Bình Phương, Báo cáo khoa học. 62. Phương Lựu (chủ biên), (2003), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội 63. S. Freud, C.Jung, E.Fromm, R.Assagioli, (2004), Phân tâm học và văn hoá tâm linh, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội. 64. Nguyễn Thị Bình (2007), Tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 – một cái nhìn khái quát, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 2.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfyeu_to_ki_ao_trong_tieu_thuyet_truyen_ngan_viet_ve_chien_tranh_giai_doan_sau_1975_5857.pdf
Luận văn liên quan