Luận văn Yếu tố kì ảo trong văn xuôi trung đại (thế kỉ XV đến thế kỉ XIX)

Sự xuất hiện các yếu tố kì ảo trong văn xuôi trung đại không đơn thuần làm cho tác phẩm li kì hóa. Mượn yếu tố kì ảo, các nhà văn trung đại đã phản ánh được hiện thực cũng như phản ánh nhận thức, tư tưởng về cuộc sống, về xã hội của con người. Hiện thực xã hội thối nát đầy rẫy những tệ lậu từ trên xuống dưới, trong đó cuộc sống người dân hết sức bấp bênh khốn đốn, chiến tranh, đói kém, bọn tu hành làm điều xằng bậy Bên cạnh đó, qua phương thức kì ảo, các nhà văn còn đề cập đến tình yêu đôi lứa và phản ánh khát vọng hạnh phúc của con người. Từ hiện thực được phản ánh đó, nhiều suy nghiệm, triết lí sâu sắc được gửi gắm đến người đọc

pdf115 trang | Chia sẻ: phamthachthat | Lượt xem: 3529 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Yếu tố kì ảo trong văn xuôi trung đại (thế kỉ XV đến thế kỉ XIX), để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
iều tham dục, đem hết sức dân để dựng cung Kim Âu, dốc cạn của kho để mở phố Hoa Nhai, phao phí gấm là, vung vãi châu ngọc kẻ dâng lời ngay thì phải giết, kẻ nói điêu nịnh thì được thưởng, lòng dân động lay”. Hay mượn lời con cáo và con vượn trong Đà Giang dạ ẩm kí, tác giả Nguyễn Dữ còn kịch liệt đả kích hành động bạo ngược của Trần Phế Đế “lẩn quẩn ở công việc săn bắn”, “quanh đầm mà vây, bọc núi mà đốt”, “đương mùa hạ mà giở những công việc khổ dân không phải thời, giầy trên lúa để thỏa cái ham thích săn bắn không phải chỗ”. Những bộ mặt hôn quân vô đạo này khiến người ta nghĩ ngay đến Lê Uy Mục, Lê Tương Dực của thế kỉ XVI. Bên cạnh đó là bọn quan lại tham lam không đáy, nhũng nhiễu và hiếp bức dân làng: tên quốc trụ họ Thân nham hiểm, chúa đục khoét của dân “lúc nào ở cửa cũng rộn rịp người ra vào, vàng bạc châu báu trong nhà chồng chất đầy rẫy”, tên Lý Hữu Chi hung bạo, làm những việc trái phép, dựa vào lũ trộm cướp như tâm phúc, thích sắc đẹp, ham tiền tài, “dâm cuồng chém giết không kiêng dè gì cả” Các tác giả đã nhìn thấy sự thật: bọn quan lại trong thời ông, nhiều kẻ không hề có lý tưởng “trí quân trạch dân”, mà lại dùng thủ đoạn xấu xa trèo lên bậc thang danh vọng để vinh thân phì gia. Bản chất xấu xa của bọn quyền thần trong truyện là tình trạng phổ biến thời bấy giờ. Vua quan thì như thế, còn sĩ phu thì không ít kẻ cũng bị trụy lạc, hư hỏng. Bên cạnh đối tượng phê phán là giai cấp thống trị thì ở những tác phẩm văn xuôi thời kì này, bằng cái kì, cái lạ, các tác giả còn phê phán những con người bình thường trong xã hội. Họ mang trong mình những cái xấu, chính họ chứ không phải ai khác làm đảo lộn thuần phong mĩ tục, những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt từ bao đời: một người cha vì hạnh phúc riêng đang tâm để con cho hổ ăn thịt không hề động lòng, một người anh chơi bời lêu lổng sẵn sàng gán em cho một người luống tuổi để lấy tiền(Lan Trì kiến văn lục) Như vậy, ngoài hiện thực xấu xa của xã hội và sự đê tiện của một lớp người thì bên cạnh đạo Nho, nhiều truyện còn làm rõ bộ mặt tiêu cực của Phật giáo thời kì này. Trong cái xã hội ô trọc đương thời, Phật điện cũng là nơi ẩn nấp của bọn tu hành giả dối, bọn vô lại chuyên nghề trộm cắp hay phường giá áo túi cơm lười biếng. Tên sư Vô Kỷ sống thiếu trung thực, làm chuyện dâm ô trong chùa. Truyện Đào thị nghiệp oan kí (Truyền kì mạn lục) đã miêu tả một cuộc tình duyên say đắm giữa một sư bác và một ả ca kỹ. Đông Triều phế tự lục lại cho ta thấy chân tướng của bọn người ẩn nấp trong chùa. Đó là bọn chuyên ăn cắp “từ gà lợn ngỗng ngan đến cá trong ao, quả trong vườn, phàm cái gì có thể ăn được đều bị mất hết”. Đến cả các thần tượng của Phật giáo cũng là những kẻ sa đọa, tham bổng lộc, vô trách nhiệm (Lưỡng Phật đấu thuyết kí – Thánh Tông di thảo). Nhà văn đã cho thấy rõ: nhà chùa lúc này là nơi hành lạc, chứa chấp những kẻ gian dâm, du đãng. Thầy chùa phần nhiều là những kẻ đầy dục vọng, không theo được lối sống chân tu khổ hạnh nên cũng sa vào những cuộc tình duyên say đắm đầy lạc thú. Ngòi bút miêu tả tài tình của các tác giả đã làm cho hiện thực trở nên sống động hơn, hư hư thực thực – cái thực nhờ cái hư ảo khiến mỗi khi đọc truyện người ta không khỏi thảng thốt, bàng hoàng. Bằng bút pháp của truyền kì, các tác giả đã cho thấy nguyên nhân thúc đẩy sự suy đồi của xã hội phong kiến chính là đồng tiền, quyền lực và những quan niệm nhân sinh có tính chất thị dân. Chính mặt trái của của việc coi của cải, tiền bạc trọng hơn tình nghĩa góp phần tạo nên một xã hội loạn lạc. Nhân vật Trọng Qùy trong Khoái Châu nghĩa phụ truyện vì ham mê cờ bạc mà phải gán vợ cho gã lái buôn ở Đỗ Tam – một tên lái buôn giàu có, quỷ quyệt, dẫn đến cái chết đầy uất ức của nàng Nhị Khanh. Trong Mộc miên thụ truyện, Trình Trung Ngộ là một gã phú thương ở đất bắc, si mê tình ái đến nỗi bỏ mạng. Xương Giang yêu quái lục kể chuyện gã phú thương họ Phạm dùng tiền bạc để mua một cô gái nhỏ, có nhan sắc để làm việc dâm ô. Những tên lái buôn ấy dựa vào thế lực đồng tiền để tác phúc, tác họa, vung vãi bạc vàng để thỏa mãn khoái lạc vật chất. Lối sống của chúng tiêu biểu cho tính chất trụy lạc của tầng lóp thị dân hư hỏng và của cả giai cấp phong kiến đương thời. Đặt nhân vật vào các thế giới ảo, thân phận con người trước các thế lực đen tối được phản ánh rõ nét hơn, giá trị phê phán của tác phẩm càng sâu sắc hơn. Thần thuồng luồng (Long đình đối tụng lục- Truyền kì mạn lục) lợi dụng quyền lực của loài thủy quái mà bắt phu nhân quan Thái thú, nàng Bích Châu (Hải khẩu linh từ lục – Truyền kì tân phả) phải tự quyên sinh, hiến mình cho đô đốc Nam Hải và đó cũng là thân phận tì thiếp cho thần sông Giang Đông Hầu của người đàn bà trong Sông Dùng (Tang thương ngẫu lục). Đồng tiền và thói ham sắc dục cũng khiến cho nhiều người phải trả giá: Trình Trung Ngộ si mê ân ái với hồn ma Nhị Khanh mà bỏ mạng (Mộc miên thụ truyện – Truyền kì mạn lục), gã phú thương họ Phạm bị giảm thọ 10 năm vì ham mê nữ sắc mà bệnh tình điêu đứng (Xương Giang yêu quái lục – Truyền kì mạn lục). Phê phán quyền lực, đồng tiền và cũng qua cuộc kì duyên đó, tác giả Truyền kì mạn lục thẳng thắn phê phán, đả kích lối sống đồi bại của nho sĩ trụy lạc, lái buôn hãnh tiến, đặc biệt là những nho sinh đam mê sắc dục mà bê tha học hành. Nhiều truyện trong Truyền kì mạn lục viết về quan hệ tình dục của nhân vật được xây dựng theo một mô hình chung: nhân vật nam thường là người, còn nhân vật nữ thường là ma. Hình dung nữ sắc có sức mạnh ma quái, coi người con gái đẹp là hồ li tinh, là yêu nghiệt, là rắn báo oán. Mặt khác cuối mỗi truyện lại có lời bình mang tính chất giáo huấn, phê phán lối sống buông thả đầy bản năng và chỉ rõ tác hại của lối sống đó đối với sự thành bại của người đàn ông. Các đôi lứa này thường buông thả trong những cuộc tình hoan lạc ái ân, thường không gắn kết với mục đích hôn nhân. Đó là các truyện Mộc miên thụ truyện, Xương Giang yêu quái lục, Tây viên kì ngộ kí. Có thể cách bình luận đó phản ánh quan niệm của văn hóa xưa cho rằng người phụ nữ đẹp – tượng trưng cho dục vọng bản năng – là đáng sợ như ma quỷ. Nàng Nhị Khanh, chỉ là một hồn ma có những diễn ngôn đầy tính triết lí quan hệ nam nữ và sự hưởng thụ thú vui nhục dục như : “ nghĩ đời người ta chẳng khác gì giấc chiêm bao. Chẳng bằng trời để sống ngày nào, nên tìm lấy những thú vui kẻo một sớm mai chết đi sẽ thành người của suối vàng, dù có muốn tìm cuộc hoan lạc ái ân cũng không thể được nữa”, thậm chí là diễn ngôn đề cập khá trực tiếp, táo tợn về chuyện tình ái nam nữ “nay dám mong quân tử quạt hơi dương vào hang tối, thả khí nóng tới mầm khô, khiến cho tía rụng hồng rơi, được trộm bén xuân quang đôi chút, đời sống của thiếp như thế sẽ không phải phàn nàn gì nữa” (Mộc miên thụ truyện). Hoặc hai cô gái Liễu Nhu Nương và Đào Hồng Nương chỉ là u hồn của hai giống cây liễu và đào đã chủ động nói lên những triết lí hưởng thụ như “nay gặp tiết xuân tươi đẹp, chúng em muốn làm những bông hoa hướng dương, để khỏi hoài phí mất xuân quang” (Tây viên kì ngộ kí) và có quan hệ tình ái với chàng thư sinh Hà Nhân rất mạnh bạo. Những quan niệm sống hưởng lạc đó thật xa lạ quan niệm lành mạnh về cuộc sống và tình yêu của nhân dân. Tác giả lên án, phê phán những quan niệm đồi trụy và khẳng định lại những giáo điều về đức hạnh, tiết nghĩa. Sự phê phán và khẳng định đó xuất phát từ thái độ bảo thủ của Nho giáo nhưng nếu xét về mặt khách quan thì cũng phù hợp với cuộc đấu tranh để giữ gìn phẩm giá con người. Ngoài ra, phê phán lối sống phóng dục bằng việc phủ màu sắc li kì ma quái lên những cuộc tình phóng túng còn là vấn đề thuộc thi pháp của văn học trung đại. Cái ảo ở đây đóng vai trò như là một biện pháp đối phó với sự cấm kị của tư tưởng diệt dục, quả dục đương thời. Trong không gian văn hóa của Nho và Phật, để có thể nói ra cái bản năng tình dục của con người thì những vỏ bọc của sự ma quái là cần thiết. Nó có ý nghĩa là bức bình phong che chắn búa rìu dư luận. Hẳn người đọc cũng nhận ra mục đích kể chuyện về sức mạnh của yếu tố bản năng vốn được xem có ma lực quyến rũ và đáng sợ như ma mãnh mà các tác giả, tiêu biểu là Nguyễn Dữ chuyển tải qua môtip sắc dục này. Bên cạnh đó, thông qua những cuộc tình duyên giữa người với ma, người với tiên, các tác giả còn lên tiếng bênh vực, cổ xúy cho những nhu cầu tình cảm, những khát khao yêu đương trần thế của con người, đặc biệt của người phụ nữ. Dù trong lốt thần tiên hay ma quỷ thì các cô gái trong các chuyện tình ở Mai Châu yêu nữ truyện, Ngư gia chí dị, Từ Thức hôn tiên lục vẫn hiện lên với những cảm xúc chân thực nhất trong tình yêu. Họ cũng là những người phụ nữ rất thủy chung, cao thượng: nàng Ngọa Vân hiếu thuận giàu hi sinh, Nhị Khanh đảm đang, tiết liệt, Lệ Nương, Dương Thị, Thúy Tiêu thủy chung với người yêu, với chồng. Sự hiện diện của họ giữa cõi thế đều là để hưởng hạnh phúc vợ chồng, không khí gia đình đầm ấm mà bất cứ đâu cũng không có được. Các tác giả trung đại đã nói lên được khá trọn vẹn và sâu sắc tiếng nói tâm tình riêng tư của tuổi trẻ đương thời, phản ánh nhu cầu tình cảm bức thiết đòi hỏi phải được giải phóng khỏi lễ giáo khắc nghiệt, có phần thông cảm với khát vọng chính đáng khi miêu tả những cặp trai gái công nhiên yêu nhau, đi lại, giao thiệp, hẹn hò, thề thốt với nhau và khi thể hiện nỗi buồn thương nhớ của những cặp tình nhân phải xa cách nhau. Khát vọng yêu đương là lẽ thường tình của con người nhưng trong xã hội phong kiến nó đâu được dễ dàng chấp nhận. Hôn nhân của trai gái là do cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, quyền chủ động tình yêu chỉ thuộc về người con trai. Những người phụ nữ trung hậu, thủy chung (Túy Tiêu, Nhị Khanh, Vũ Thị Thiết) lại phải chịu một số phận cay nghiệt. Tình yêu mà họ dày công vun xới cuối cùng thường gẫy đổ và thân phận họ bị vùi dập phũ phàng. Họ bao giờ cũng là nạn nhân đau khổ trong xã hội. Vì vậy miêu tả những mối tình đầy tính chất hư ảo ma quái, các tác giả văn xuôi đã làm cuộc đột phá bất ngờ vào tường thành lễ giáo phong kiến khi đồng tình với thế chủ động của người phụ nữ, cổ vũ khát vọng hạnh phúc tình yêu chính đáng của con người. Đó cũng còn là sự khẳng định một vấn đề triết lí nhân sinh: trần thế có sức hấp dẫn kì lạ, chỉ ở trần thế mới có hạnh phúc lứa đôi và hạnh phúc lứa đôi là cuộc sống tự do, vượt khỏi mọi chế định và ràng buộc. Thế nhưng, đưa vào tác phẩm đề tài số phận người phụ nữ trong xã hội bất công, đầy biến loạn, cũng như các tác giả Truyện kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm các tác giả văn xuôi đã phơi bày một thực trạng phũ phàng: người phụ nữ dù sống hết sức biết điều, dù khuôn mình vào đạo tam tòng cũng khó tồn tại được nên họ có thể tìm đâu ra hạnh phúc. Ở nhiều khía cạnh khác nhau, dưới áo khoác của những hồn ma, những yếu tố kì ảo, hư huyền, họ đều ít nhiều tiêu biểu cho truyền thống những người phụ nữ Việt Nam: thủy chung, giàu đức hi sinh. Họ đành chịu cảnh “ngày ở trong chợ, đêm ở ngọn cây” để đi tìm chồng con (Nhị nữ thần truyện- Thánh Tông di thảo), vẫn đảm đang, tiết liệt, yêu thương chồng con, dù âm dương cách biệt vẫn tìm cách khuyên chồng con giữ đức đợi thời, chờ khi “từ miền tây nam xuất hiện vị chân nhân họ Lê” thì theo về giúp nước (Khoái châu nghĩa phụ truyện- Truyền kì mạn lục), vẫn giữ trọn tình mẫu tử thiêng liêng, làm tròn thiêng chức người mẹ cho dù chỉ trong bóng đêm (Sản dị- Lan trì kiến văn lục), hoặc tiết nghĩa, khuyên chồng chịu theo cha đến nhậm chức ở nơi “tử địa lam chướng nghìn trùng” rồi ở nhà một mực thủ tiết thờ chồng, “quyết không mặc áo xiêm của chồng để đi làm đẹp với người khác” khi bị ép gả cho kẻ giàu có Là nạn nhân của tệ phân biệt đẳng cấp, bị ngược đãi họ vẫn giữ trọn tình yêu chung thủy say đắm, lòng nhân ái và khát vọng hạnh phúc cháy bỏng (Báo ân tháp, Tái sinh – Lan trì kiến văn lục). Sử dụng cái kì làm chất liệu nghệ thuật, các nhà văn đã phản ánh cuộc sống sâu sắc hơn, những câu chuyện lạ về loài vật, về ma quỉ thần thánh trở nên quen thuộc hơn, những điều hư ảo mà thấy rất thực. Dưới màu sắc hư ảo, những truyện kể tâm huyết xoay quanh đề tài người phụ nữ của các tác giả tiêu biểu như Nguyễn Dữ, Vũ Trinh, Đoàn Thị Điểm chính là ánh sáng tư tưởng nhân văn sáng ngời mà họ đóng góp vào trào lưu nhân văn trong văn học trung đại. Một hiện thực khác cũng hiện lên không kém phần chân thực là chuyện thi cử, đỗ đạt. Thực trạng suy thoái của xã hội phong kiến thế kỉ XVIII – XIX đã kéo theo sự suy vi của Nho giáo. Mặt tiêu cực nhất thể hiện ở chốn quan trường và tầng lớp nho sinh trí thức. Môtip thi cử ở nhiều truyện mặc dù có dáng dấp của giai thoại và được ẩn sau tấm màn thần bí của những giấc mộng, cầu mộng, lời phán của thầy tướng số hay ân đức của tiền nhân để lại song từ các góc độ khác nhau, chuyện trường thi với tất cả sự thật trần trụi của nó được phơi bày. Nhiều nhân vật trong các truyện kể thật chẳng xứng đáng với danh tiếng, không thể được coi là thánh nhân, quân tử. Đơn giản vì họ không có một chút tư chất nào xứng đáng là tinh hoa của vũ trụ, trời đất ngoài sự may mắn ngẫu nhiên (Nhận ra mẹ đẻ, Trạng nguyên đạo sĩ – Công dư tiệp kí) Nhờ vào may mắn cộng với sự gà mờ của vua và các quan trường mà việc thi văn chương và sự đỗ đạt của nhiều người ở thế kỉ XVIII thành những câu chuyện cười ra nước mắt. Gia đình ông Nguyễn Trật (Tang thương ngẫu lục) được thầy địa lí chỉ cho đất tốt và ông cũng ngang nhiên tuyên bố “tiến sĩ phải học mà có được thì có gì lạ”. Thế nên thầy địa lí bảo đem đốt hết sách vở. Qua các trường nhất trường nhì thì được người quen giúp đỡ, đến trường ba nhặt được mảnh giấy cứ thế chép cũng đỗ. Đến trường thứ tư ông nằm mơ thấy thần nói chữ “gừng”. ông vào thi đem theo gừng. Chiều tối có thí sinh lều bên cạnh đau bụng, ông đem nước gừng đổ cho uống. Rồi người ấy lấy quyển văn của mình chưa đề tên làm vật báo đền. Sau ông đỗ trúng cách. Nhưng việc bị lộ, kết quả kì thi cũng bị bãi bỏ. Cùng với môtip phong thủy, qua các môtip thi đỗ từ giấc mộng, làm việc thiện được trả ơn, các tác giả đã vén bức màn thần bí của những kiểu tiêu cực trong khoa cử. Những cái kì xen lẫn cái thực đã chỉ rõ không phải các vị đại khoa đều có khả năng xứng đáng. Khoa bảng chẳng qua chỉ là phía khuất lấp của cuộc sống đầy phức tạp mà người ta thường cố che giấu. Trong tình hình Nho học suy đồi, những “người mặc áo nhà nho, đeo dải nhà nho thường đổi họ để đi học, thay tên để ra thi”, việc học việc thi cử trở thành bậc thang công danh bám đầy bùn nhơ. Sự đỗ đạt hiển vinh cũng không ngoài mưu lợi ích cá nhân của những ông nghè ông cống. Kẻ sĩ chỉ chuộng hư văn, bo bo mưu lợi cho mình. Hơn nữa, kẻ sĩ lắm khi chạy theo sự hưởng lạc đồi bại. Hà Nhân, người học trò quê ở Thiên Trường lên kinh sư để ăn học, nhưng “bút nghiên nản chí, son phấn tình nồng” vì Hà say sưa yêu dấu hai người con gái. Trong cuộc hoan lạc vụng trộm, Hà đã tán dương những bài thơ đầy khoái lạc vật chất của tình nhân, rồi để tỏ ra vốn là con nhà “thi lễ”, Hà cũng làm thơ đáp lại “sự may mắn” trong cảnh “bướm giỡn, hoa phô” với hai cô gái “trai lơ dâm đãng” đó.(Tây viên kì ngộ kí – Truyền kì mạn lục) Như vậy, lấy cái ảo để nói cái thực, tạo nên một thế giới thực ảo lẫn lộn là một thành công nghệ thuật đáng kể của các tác giả văn xuôi thời kì này. Nhiều vấn đề của hiện thực đương thời được phản ánh trung thực từ những yếu tố kì ảo, hoang đường. 3.1.2. Phản ánh nhận thức, tư tưởng về cuộc sống Sử dụng yếu tố kì ảo như là một thủ pháp nghệ thuật, qua hiện thực được phản ánh, các tác giả còn gửi gắm nhiều suy nghiệm sâu sắc. Trước hết, ta nhìn thấy đó là môt tinh thần dân tộc mạnh mẽ, chẳng hạn ở Truyền kì mạn lục, nhiều truyện bộc lộ rõ tinh thần tự hào và ý chí quật cường của dân tộc. Hạng Vương từ kí kể lại cuộc tranh biện sôi nổi giữa Hồ Tông thốc, sứ giả đời Trần sang sứ Trung Quốc và Hạng Võ, nhân vật bá vương của thời Tần – Hán, trong đó Hồ Tông Thốc đã biện luận hùng hồn, chỉ trích cả Hạng Võ lẫn Lưu Bang, một người chuộng bạo lực, thích tàn sát, một người lại hay xảo trá, thủ đoạn, cả hai đều phi nhân nghĩa, không xứng là bậc vương giả. Tản Viên từ phán sự lục thì vạch trần tội ác của tên tướng giặc Bắc phương – sống đi xâm lược nước người, đến khi bại trận chết, cái hồn hung ác vẫn còn sách nhiễu nhân dân để thỏa lòng tham và xây dựng nên nhân vật Tử Văn, kẻ sĩ chân chính, tiêu biểu cho khí phách dân tộc đã đấu tranh quyết liệt đến cùng để diệt trừ thế lực gian tà ấy. Khoái Châu nghĩa phụ truyện, Lệ Nương truyện phản ảnh cuộc khởi nghĩa Lam Sơn được lòng dân nồng nhiệt; Kim hoa thi thoại kí đầy ý vị tự hào về văn hóa và nhân tài nước Việt Không phải thế giới đầy ma quái rùng rợn trong các truyện thần quái hay thế giới bồng lai thoát tục trong nhiều truyện truyền kì Trung quốc, các thế giới ảo trong văn xuôi trung đại (âm phủ,thủy cung, tiên giới, thiên đình) rất gần với thế giới thực, là diện mở rộng của thế giới thực để qua đó con người nói lên khát vọng về cuộc sống, lí tưởng, về sự công bình. Những nơi ấy cũng có cơ cấu tổ chức như ở cõi thế nhưng khác là, những gì không thể thực hiện được ở trần gian lại có thể thực hiện được ở đây. Mỗi thế giới là biểu tượng của một khát vọng của con người. Thiên đình tương ứng với cõi phúc, âm phủ tương ứng với cõi họa. Thủy cung là thế giới cứu vớt những sinh linh bị thác oan, tiên cảnh là thế giới dành cho lạc thú. Thế giới thủy cung là nơi quan thái thú vạch mặt tên thủy quái háo sắc và cứu phu nhân trở về, là nơi nàng Vũ Nương được phu nhân Long Hầu giúp để tâm hồn được siêu thoát (Long Đình đối tụng lục, Nam Xương nữ tử truyện). Còn âm phủ là nơi trừng trị thích đáng tên tham ô vô lại Lý Hữu Chi (Lý tướng quân truyện – Truyền kì mạn lục). Trong tương quan với dương thế, cõi âm phủ là nơi thực hiện sự công bình và chỉ nơi ấy con người mới có hi vọng tìm thấy công lí. Nơi ấy người chăm học hành thi cử sẽ đỗ đạt chứ không có chuyện đút lót, chạy vạy. Lý tưởng về sự công bằng, thưởng phạt phân minh ấy cũng giải thích cho hiện tượng các nhân vật bị trích giáng hay đầu thai qua nhiều kiếp: người – vật- người hay tiên- người- tiên trong các truyện ở Lan trì kiến văn lục như Ký tam sinh, Ngộ tiền sinh. Nếu cõi âm là nơi phán xét thì thượng giới, cõi tiên là nơi ban thưởng cho người có tài đức trong cuộc đời. Thầy Dương Trạm được thượng đế khen có bụng tốt, biết trọng chữ nghĩa thánh hiền nên khi từ trần được giao việc trông coi thi cử ở Thiên tào (Phạm Tử Hư du thiên tào lục – Truyền kì mạn lục). Là người tiết hạnh nên khi chết rồi, cô gái vợ người chồng dê được hóa thành con ngỗng vàng ngậm cành hoa bay lện trời để mãi được hưởng hạnh phúc với tình yêu (Dương phu truyện – Thánh Tông di thảo). Rõ ràng qua lăng kính của cái kì ảo, nói về những không gian ảo không phải nói chuyện lạ, siêu thực mà chính là nói chuyện con người, chuyện đời thực để nhìn hiện thực sâu sắc hơn, trải thế thái nhân tình hơn. Là không gian đậm chất kì ảo, thế giới mộng cũng là không gian mang ý nghĩa tư tưởng. Ở đó ngoài các nhân vật là tiên, là hồn ma hay những người có phép thần có khả năng đi mây về gió, thì những con người bình thường cũng đôi khi được lạc vào đó để có những phút giây chứng kiến cuộc sống ở thế giới khác mình. Ở đó, con người có được cơ hội tiếp xúc thần linh, thấy “được phép nhiệm màu thần thánh”. Và hơn nữa, đó cũng là nơi mà nhân dân qua nhiều thế hệ có thể gửi gắm vào đó tâm tình thiết tha của mình, cùng với “ thơ và mộng” đối với những người anh hùng, người có công với đất nước; gửi gắm bao ước mơ khát vọng về những điều tốt đẹp cho cuộc sống – những điều nên có và có thể có. Tạo ra những cuộc kì ngộ giữa người với thần, với tiên, để nhân vật lạc vào thế giới của thần tiên chính là điểm gặp gỡ của các tác giả truyện với nhân dân trong tinh thần lãng mạn bay bổng, mong ước cao xa mà rất đỗi bình dị về một cuộc sống sung túc, đẹp đẽ như tiên giới giữa cuộc đời này. Dựng lên những không gian siêu trần còn là cách để con người khám phá bao điều mới lạ, kì thú ở cái “thế giới bên ngoài ta, bên trên ta”, thể hiện khát vọng không cùng về sự tương giao hòa hợp hai cõi âm – dương, tiên – tục. Ở một góc độ nhất định, các yếu tố kì ảo còn giúp các tác giả thể hiện nhiều bài học luân lí để răn dạy, giáo dục con người. Màu sắc hoang đường kì ảo làm mờ đi, mềm đi mục đích giáo huấn muốn gửi gắm. Có thể nhận ra nhiều khía cạnh của mục đích giáo huấn này: qua chuyện cõi âm nói chuyện cõi trần, lấy chuyện xưa nói chuyện nay, lấy thế giới cỏ cây loài vật ngụ ngôn nói về chính sự, để răn lòng người, lấy sự biến hóa đội lốt thử lòng nhân, lấy thế giới thần tiên để răn dạy cương thường, lấy thế giới yêu ma răn dạy kẻ tà dâm, lấy chuyện quỷ thần nhắc nhở tình bằng hữu, lấy sự tương thông trời và người để nảy mầm cái thiệnChính những câu chuyện hết sức hoang đường, huyễn hoặc ấy lại hàm chứa cái chí lí ở bên trong, nhờ vậy sự việc được nói đến, ý nghĩa giáo huấn tránh được sự lộ liễu, trần trụi, nhàm chán. Văn xuôi trung đại với việc sử dụng chất liệu huyền ảo đã chuyển tải nhiều nội dung tư tưởng sâu sắc. Những câu chuyện được kể không dừng lại ở việc ghi chép mà trở thành sản phẩm sáng tạo với tiêu chí trong ảo có lí, trong kì có tình. Suy cho cùng, động cơ sáng tác truyện có tính kì ảo ở đây không nằm ngoài phạm vi tải đạo ngôn chí cũng như lối diễn đạt ngụ ý của nghệ thuật trung đại. 3.2. Kì ảo có ý nghĩa như một thủ pháp nghệ thuật có sức hấp dẫn riêng 3.2.1. Kích thích trí tưởng tượng Con người thường có nhu cầu tưởng tượng. Tưởng tượng giúp họ có thể thăng hoa và lạc quan hơn trong cuộc sống. Nhà nghiên cứu khoa học cần tưởng tượng để lập nên những phát minh vĩ đại. Người nghệ sĩ cần đến tưởng tượng để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Văn học là sân chơi của trí tưởng tượng, bước vào thế giới kì ảo là cách để nhà văn thỏa mãn những khát khao giải phóng cá tính và giải phóng tự do cá nhân của mỗi người. Thế giới ảo còn là nơi để nhà văn cân bằng đời sống tinh thần. Vì thế, trong văn học giai đoạn này, yếu tố kì ảo như một liều thuốc có sức kích thích năng lực tưởng tượng của nhà văn. Đồng thời nó như một phép màu cung cấp cho người đọc một thế giới bay bổng, diệu kì, mở ra một không gian rộng rãi nhiều chiều, kích thích trí tưởng tượng. Bằng đôi cánh tưởng tượng kì ảo, các nhà văn đưa người đọc thoát ra khỏi cõi trần tục để phiêu bồng vào thế giới thơ mộng, huyền bí. Đó là thế giới của thiên đình, thượng đế, tiên cảnh trong Từ Thức hôn tiên lục, Phạm Tử Hư du thiên tào, Bích Câu kì ngộ Hay là thế giới của cõi âm hồn: Mộc miên thụ truyện, Xương Giang yêu quái lục Trong thế giới khác thường kì lạ ấy, những câu chuyện về tình người tình đời được tác giả gửi gắm một cách tài tình thông qua những biến cố, sự kiện của tác phẩm. Đó chính là sức hấp dẫn của truyện kể mà hiệu quả nghệ thuật của nó được tạo ra từ chính khả năng tưởng tượng độc đáo của nhà văn. Yếu tố kì ảo còn tạo ra sự li kì, cuốn hút người đọc vào những câu chuyện hoang đường, mới lạ. Những câu chuyện về phép thuật huyền bí của các thiền sư như Giác Hải, Thông Huyền, hai người cùng trổ tài yểm trừ yêu quái trên tường cung điện: Giác Hải lấy mấy hạt châu gõ vào nóc nhà thì tiếng kêu khóc liền im bặt. Thông Huyền dùng lệnh bài đập vào cột, bỗng thấy hiện ra một bàn tay to tướng lộ ra trên nền nhà, cầm con rắn mối vứt xuống, tiếng yêu quái hết. Mặc dù mang tính chất hoang đường siêu nhiên nhưng chất kì ảo trong truyện làm cho người đọc tin vào điều có thể có thực, điều có thể xảy ra. Bằng khả năng hư cấu, khả năng sáng tạo, các tác giả trung đại đã tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đích thực. Bên cạnh đó các yếu tố kì ảo trong văn xuôi trung đại còn là phương tiện để khám phá thế giới tâm linh huyền bí tồn tại ngay trong cuộc sống con người. Đời sống tâm linh là một phần của đời sống tinh thần. Ở đó con người có niềm tin vào cái thiêng. Và ở đó con người sống với phần tâm linh trong mình và được thư giãn tinh thần, được cởi bỏ phiền muộn lo âu, cầu những điều tốt đẹp cho mình và cho mọi người. Chính vì thế sự có mặt của các yếu tố kì ảo trong văn xuôi trung đại không chỉ thỏa mãn nhu cầu tưởng tượng mà còn thỏa mãn nhu cầu về đời sống tâm linh của con người. Con người phương Đông luôn tin rằng hiện hữu bên cạnh thế giới hằng thường là thế giới của các thế lực siêu nhiên: ma quỷ, thần linh Qua thời gian với sự chuyển biến của lịch sử, xã hội niềm tin ấy có sự thay đổi dần nhưng nó vẫn duy trì cho đến ngày hôm nay. Với người Việt, do sự giao lưu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa lớn như Ấn Độ, Trung Quốc cộng với văn hóa tâm linh bản địa nên có quan niệm phong phú hơn. Nói về thế giới bên kia bao gồm cả thiên đình, âm phủ, tiên giới. Đó là kết quả của việc tích hợp nhiều tôn giáo đặc biệt là Phật giáo và Đạo giáo. Bên cạnh niềm tin vào thế giới thần linh, ma quỷ, đời sống tâm linh còn được thể hiện qua tục thờ cúng. Thờ cúng là một phong tục có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt từ xa xưa. Trong văn học trung đại, tín ngưỡng thờ cúng có mặt trong hầu khắp các tác phẩm như Thánh Tông di thảo, Lan Trì kiến văn lục, Công dư tiệp kí Phong tục này trong văn xuôi trung đại bao gồm: thờ cúng tổ tiên, cúng tế người chết, thờ nhiên thần và thờ nhân thần. Thờ tổ tiên, cúng giỗ cha mẹ là một mĩ tục có từ lâu đời. Tục lệ này thể hiện ở việc thờ phụng lo chu tất vẹn toàn các ngày cúng giỗ của tổ tiên, ông bà. Đó vừa là trách nhiệm vừa là đạo lý của con cháu đối với nguồn cội: nhân vật người chị gái trong Dương phu truyện (Thánh Tông di thảo), chàng Tử Khanh trong Hiếu đễ nhị thần truyện Cúng tế cũng là một tập tục khá quen thuộc trong đời sống tâm linh của người Việt. Đó là nghi lễ thờ cúng hết sức trang nghiêm thể hiện tính nhân đạo và mong muốn giải thoát cho các oan hồn trong quan niệm dân gian. Tâm thức dân gian này được thể hiện trong những tác phẩm như Tây viên kì ngộ ký (Truyền kì mạn lục), Hải khẩu linh từ lục (Truyền kì tân phả). Xuất phát từ tín ngưỡng bách thần, người Việt có tín ngưỡng thờ thần, bao gồm cả phúc thần và nhiên thần. Phúc thần là những vị thần có công đức đối với đời sống nhân dân: thờ Đức thánh Trần ở đền Vạn Kiếp là một minh chứng cho niềm tin ấy. Thờ nhiên thần bắt nguồn từ quan niệm vạn vật hữu linh trong đời sống tâm linh của dân tộc. Niềm tin ấy được hiện hữu trong các tác phẩm như Lan Trì kiến văn lục, Tang thương ngẫu lục – tục thờ thần rắn, thờ thần cây, Điềm báo cũng là một loại tín ngưỡng có thực và khá phổ biến trong đời sống tâm linh người Việt. Hiện tượng điềm báo giúp con người biết trước sự - hay, may – rủi sắp và sẽ xảy ra trong cuộc sống. Đó không phải là sự chiêm đoán mà còn là sự chiêm nghiệm từ thực tế. Trong tác phẩm Đào thị nghiệp oan ký – Truyền kì mạn lục, cơn gió mưa dữ dội giữa đêm ứng với cái chết oan nghiệt của Vô Kị và cũng là điềm dự báo cảnh điêu đứng của gia đình Nhược Chân vì bị hai hồn ma Hàn Than và Vô Kị tác oai tác quái. Hoặc ứng với cái chết định mệnh của Bích Châu khi nàng tự nguyện thác sinh để bảo toàn cho quân cơ nhà vua giữa biển khơi mù mịt là cơn gió dữ dội. Trận gió lốc gian tà ấy còn là sự ứng hiện của đô đốc Nam Hải chực cướp đi sinh mệnh nàng. Đến đời Lê Thánh Tông, linh hồn nàng hiện về qua cơn mưa gió dữ dội báo mộng cho vua trị tội hung thần và phù trợ vua đánh giặc (Hải khẩu linh từ lục – Truyền kì tân phả). Điềm báo còn thể hiện ở chim thú, cỏ cây như niềm tin vào điềm lạ chuột tha lá phủ mặt báo trước con người sẽ gặp nạn – sắp bị hổ đảo (Cọp báo số mệnh người –Công dư tiệp kí). Trong Lê Công Trãi –Tang thương ngẫu lục, cuộc đời oan khiên thảm khốc của Nguyễn Trãi được dự báo trước bởi giọt máu của con rắn nhỏ đúng chữ đại và thấm qua ba tờ giấy trên cuốn sách ông đọc Như vậy, điềm báo chính là sự cảm ứng kì lạ của cơ trời và con người trong mối quan hệ thiên nhân tương dữ. Ngày nay điềm báo vẫn tiếp tục tồn tại trong đời sống tâm linh của con người: đó là niềm tin vào sự linh cảm và lẽ huyền bí nhiệm màu của đất trời vạn vật. Tạo nên xung quanh những nhân vật truyện một bức màn huyền bí của sự báo mộng, mộng mị, hóa kiếp luân hồi các tác giả đã thực sự tạo cho văn chương những huyền thoại có sức sống khỏe khoắn lâu bền. Đồng thời giúp cho người đọc thâm nhập, khám phá thế giới tâm linh, đời sống tâm linh thường trực, bí ẩn một cách dễ dàng. Những giấc mộng, điềm báo, sự linh ứng của phép thuật, sự biến hiện của người, vật và cả khả năng thông linh của người trần với thế giới siêu nhiên là những điều thiêng liêng huyền bí khó lí giải được. Văn học quan tâm nó không nhằm mục đích thuyết phục người ta tin vào tính có thực hoặc chứng minh cho những quan niệm định mệnh, nhân quả mà quan trọng hơn hết là khái quát cuộc sống, tìm về với đời sống tâm linh của người Việt. Các yếu tố kì ảo trong văn học giai đoạn này đóng một vai trò quan trọng trong việc hiển hiện đời sống tâm linh tín ngưỡng của con người. Niềm tin mãnh liệt vào phép nhiệm màu huyền bí của đất trời, thần thánh, của cuộc đời sẽ giúp con người tin tưởng lạc quan và hướng thiện hơn trong cuộc sống. Sức cuốn hút của các yếu tố ấy còn là điểm tựa cho con người tìm về với linh khí núi sông, hồn thiêng giống nòi, với nền văn hóa tín ngưỡng dân tộc giàu bản sắc và cũng là nguồn mạch cho nhiều sáng tác văn học mang tính kì ảo ở các giai đoạn sau. 3.2.2. Khơi dậy sự ham muốn khám phá Trong văn xuôi trung đại, nhiều trường hợp, kì ảo có ý nghĩa như một yếu tố, một thủ pháp nghệ thuật. Yếu tố kì ảo đóng vai trò song hành cùng cốt truyện. Người ta lồng ghép vào cốt truyện những yếu tố kì ảo một cách có ý thức, như một hạt nhân tự sự quan trọng trong kết cấu tác phẩm, tạo nên một kiểu đan lồng giữa cái thực và cái ảo. Sự có mặt của yếu tố kì ảo không phải để kì ảo hóa cốt truyện mà là để tôn tạo và soi sáng hiện thực, góp phần làm cho tác phẩm có dáng vẻ mới lạ và hấp dẫn hơn. Gía trị phê phán của truyện Lưỡng phật đấu thuyết kí của Thánh Tông trở nên sắc nhọn hơn và có hiệu quả hơn chính là nhờ tác giả đã sử dụng bút pháp kì ảo khi dựng truyện. Các bức tượng Phật bằng đất, bằng gỗ và Phật Thích Ca suy nghĩ và hành động như con người: cũng khoác lác, giả dối, vô dụng, trụy lạc. Tác phẩm đạt đến độ độc đáo và súc tích chính là vì đã kết hợp nhuần nhuyễn cái thực và ảo. Cái ảo đã nâng cái thực lên một cấp độ phản ánh cao hơn chính bản thân nó. Hoặc truyện Long đình đối tụng lục, cũng là vấn đề thân phận người dân thường trước những thế lực xã hội đen tối như ở nhiều truyện khác, nhưng với bút pháp kì ảo, việc nhà văn chuyển nó vào môi trường khác – thế giới thủy cung đã làm tăng giá trị phê phán của tác phẩm, làm giàu thêm cốt truyện và khám phá thêm những nét mới trong tâm hồn nhân vật. Chuyển những vấn đề của đời sống hiện thực vào thế giới thần kì, Nguyễn Dữ rõ ràng đã tạo ra một không gian tự do cho sự khám phá, sáng tạo. Bút pháp kì ảo cho phép nhà văn khám phá tâm hồn nhân vật ở một thế giới mới lạ mà nó lạc vào, với một hoàn cảnh và thử thách mới. Trong thế giới đó, nhà văn đã thể hiện được lí tưởng của mình về lẽ công bằng xã hội, nơi cái ác bị trừng phạt, cái thiện cuối cùng chiến thắng – điều mà họ không thể đạt được trong cuộc sống thực tại. Ở Túy Tiêu truyện(Truyền kì mạn lục), tên Trụ quốc họ Thân cuối cùng cũng bị trị tội nhưng vì xa xỉ chứ không vì tội ác mà hắn gây ra. Còn thần Thuồng luồng trong Long Đình đối tụng lục(Truyền kì mạn lục ) đã bị tòa án nghị tội và bị trừng phạt vì tội ác y gây ra. Sự đối lập giữa hai thế giới với ngụ ý phê phán xã hội của tác giả đã đạt được mục đích. Chính cốt truyện cùng với sự có mặt của yếu tố kì ảo đã cuốn hút người đọc, tạo cho họ những khoảng không gian tưởng tượng, liên tưởng. Không khí bí ẩn bao trùm từ đầu đến cuối câu chuyện. Các nhân vật trong truyện của Thánh Tông thường có hành vi và cuộc đời bí hiểm. Như bà già ăn xin trong Phú cái truyện, một người đàn bà góa không gia đình, con cái, sống trong sự ghẻ lạnh của mọi người và cuối cùng chết trong sự cô đơn lạnh lẽo. Thế nhưng sau khi bà ta chết, mọi người mới vỡ lẽ là bà chôn giấu rất nhiều của cải dưới nền nhà: “những chuỗi sâu đều đặn, xanh xanh mà chồng chất lên nhau toàn là tiền kẽm, đếm được hơn 200 chuỗi; những hố đất vùi sâu, do đó mà mục nát toàn là thóc nếp, đem đong được 80 chục bát. Ngoài ra gạo tẻ, thóc tẻ, món nào cũng nhiều như thếAi cũng cho là lạ quá, ngơ ngác nhìn nhau không hiểu mụ hành khất lấy ở đâu ra.” Cô kĩ nữ trong Mai Châu yêu nữ truyện cũng là một nhân vật đầy bí ẩn. Không ai biết cô ta là ai, từ đâu phiêu bạt đến lầu xanh. Cũng như không ai có thể hiểu nỗi những câu hát cũng như tâm trạng của cô. Cô còn có một giọng hát và chơi đàn rất giỏi. Ở nhà hát nhưng cô không chịu tiếp khách vì “hễ có khách làng chơi nào vừa bước chân vào cửa thì gót sen đã quay ngoắt, chỉ để lại hương ngát sau lưng, phòng lan vội trở vào, chỉ còn thấy phất phơ giả yếm”. Khi gặp được Lương Nhân thì vội bước ra nhận là “lang quân”, khóc lóc kể lễ nỗi trần ai, khổ nhục trong 30 năm đợi chờ. Hai người phụ nữ trong Nhị nữ thần truyện cũng có hành trạng khó hiểu. Hàng ngày họ ngồi giữa chợ xem bói, hát những bài hát kì lạ như đang tìm kiếm và chờ đợi một điều gì đó. “Cả chợ chưa ai thấy họ ăn uống ra sao. Hễ mặt trời lặn là họ ra về. Có kẻ hiếu kì dò theo, có ý muốn xem họ trú ngụ nơi đâu, nhưng chỉ được vài bước là chóng mặt ngã lăn, không theo được nữa.” Người vợ cá trong Ngư gia chí dị, công chúa bướm trong Hoa quốc kì duyên, hay cô gái thần trong Nhất thư thủ thần nữ đều là những nhân vật có một quá khứ bí ẩn. Họ đều là thần hoặc bán thần. Nhà văn dẫn dắt người đọc, dần dần hé mở cho họ những bí mật của sự thật. Như vậy, yếu tố kì ảo là một thành tố quan trọng tạo nên ý nghĩa của cốt truyện. Nếu gạt bỏ yếu tố kì ảo, tác phẩm sẽ không có giá trị. Yếu tố kì ảo có tác dụng tạo nên sự hấp dẫn, lôi cuốn mọi sự chú ý về nó buộc người đọc phải suy ngẫm, lí giải. Khi cái thực và cái ảo kết hợp, đan xen lẫn nhau thì ranh giới giữa chúng dường như được thu hẹp. Cái kì ảo không hề tạo ra sự rùng rợn, ma quái, không hướng người đọc vào những câu chuyện hoang đường kì lạ mà tạo nên những kì văn làm cho độc giả yêu thích. Họ không còn quan tâm việc tin hay không tin vào những chuyện lạ mà qua những cái lạ, cái ảo khuyến khích họ phải suy ngẫm, tham gia vào quá trình khám phá hiện thực và tạo nghĩa cho các tác phẩm. Như vậy, chịu ảnh hưởng sâu đậm từ văn học và tín ngưỡng dân gian, các tác giả văn xuôi trung đại đã tạo nên những tác phẩm đậm chất kì ảo, hoang đường. Chính những yếu tố kì ảo đã tạo cho tác phẩm có một vẻ riêng, hấp dẫn, có sức mê hoặc kì lạ. Sức hút của nó đã trở thành điểm tựa, là nguồn mạch cho các sáng tác kì ảo ở giai đoạn sau. Chất liệu kì ảo tiếp tục có mặt trong tác phẩm của các nhà văn hiện đại từ các nhà văn giai đoạn 1930 - 1945 đến các nhà văn thời kì đổi mới. Các nghệ sĩ đã sử dụng yếu tố kì ảo như một thủ pháp nghệ thuật góp vào quá trình đổi mới nghệ thuật văn xuôi hiện đại. Trong đời sống văn học sôi động đầu thế kỉ XX, sự xuất hiện của các tác phẩm kì ảo mang phong cách riêng của nhiều văn nghệ sĩ làm cho văn đàn ngày càng náo nhiệt. Bút pháp truyền kì đời mới của họ đã trở thành món ăn tinh thần đối với thị hiếu chuộng sự mới lạ của độc giả thành thị. Những tác giả và tác phẩm tiêu biểu như Lan rừng, Bóng người trong sương mù (Nhất Linh), Cái đầu lâu, Lưỡi tầm sét (Thế Lữ) Các sáng tác văn học giai đoạn này hướng đến sự diễn đạt mới, cách tư duy văn học đầy sáng tạo để tạo nên sức hấp dẫn cho văn học thời kì đổi mới. Tiếp nối văn học giai đoạn này, giai đoạn văn học 1945- 1975 cũng sử dụng những yếu tố kì lạ như một thủ pháp nghệ thuật thể hiện nội dung yêu nước, ý thức căm thù giặc của những nhà văn yêu nước. Yếu tố kì ảo được xem như là tấm bình phong hữu hiệu để vượt qua được sự kiểm duyệt gắt gao của chính quyền Sài Gòn. Sang giai đoạn sau 1975 mà đặc biệt là văn học từ sau đổi mới, yếu tố kì ảo, hoang đường lại được nhiều tác giả đưa vào tác phẩm của mình. Những giấc mơ, sự báo ứng hiện hồn, không gian huyền thoại, các hình thức giễu nhại đã mở ra cho người đọc những liên tưởng thú vị, kích thích trí tưởng tượng phong phú của con người từ hiện thực cuộc sống. Như vậy, nhìn một cách khái quát yếu tố nghệ thuật này mang lại giá trị thẩm mĩ đích thực cho tác phẩm, chứng tỏ sức sống mãnh liệt của nó trong tiến trình văn học Việt Nam. KẾT LUẬN 1. Luận văn tìm hiểu khái niệm kì ảo trong văn học trên cơ sở những đánh giá, nhận xét, những bài nghiên cứu của nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Việc xác định nội hàm khái niệm kì ảo quả thực không hề dễ dàng. Bởi đây là một khái niệm chưa được thống nhất. Từ những cơ sở lí thuyết và khảo sát một số tác phẩm của văn học kì ảo Việt Nam và nước ngoài, chúng tôi chỉ xem kì ảo như một thủ pháp nghệ thuật được nhiều cây bút vận dụng nhằm đạt được hiệu quả “lạ hoá” cho các tác phẩm và chuyển tải những vấn đề tâm huyết của tác giả về cuộc sống. Bàn về khái niệm văn học kì ảo, tuy có rất nhiều ý kiến khác nhau nhưng chúng tôi đồng tình với quan niệm coi văn học có yếu tố kì ảo là một bộ phận văn học nhận thức và phản ánh cuộc sống từ đặc trưng và thế mạnh của những yếu tố khác lạ, phi thường, đôi khi vượt ra khỏi khả năng nhận thức thông thường của lí trí. Từ những hiểu biết về cái kì ảo và cái kì ảo trong văn học, chúng tôi đi tìm và phần nào xác lập mạch nguồn kì ảo trong văn xuôi trung đại. Trong văn xuôi trung đại, yếu tố kì ảo chủ yếu gắn liền với thể loại văn học truyền kì. Đó là những câu chuyện mang đậm yếu tố siêu nhiên huyền bí: hồn ma, điềm báo, hóa kiếp, bùa phép, những phép thần thông Chính những yếu tố kì ảo, khác thường ấy đã thể hiện một niềm tin thiêng liêng và lòng tôn sùng ngưỡng mộ của con người và thời đại đối với lực lượng ấy. Đồng thời thông qua đời sống tâm linh của mình, của người, các tác giả trung đại còn thể hiện nguyện vọng ước mơ về nhiều vấn đề trong cuộc sống. 2. Yếu tố kì ảo được sử dụng rộng rãi trong nhiều tác phẩm văn xuôi tự sự thời trung đại, biểu hiện tập trung ở các yếu tố cốt truyện, nhân vật, không gian, thời gian. Yếu tố kì ảo có vai trò chi phối trong mối quan hệ với các thành tố của kết cấu tác phẩm. Trước hết, cốt truyện bắt nguồn từ các môtip kì ảo. Các môtip nghệ thuật này được vận dụng rất linh hoạt, sáng tạo, gồm: môtip gặp tiên, môtip quả báo, môtip hoá thân, môtip đầu thai chuyển kiếp, môtip giấc mộng Bên cạnh đó là những tình huống truyện có yếu tố kì ảo. Những tình huống này được xem như một “hạt nhân” quan trọng trong việc gắn kết các nhân vật và tạo sự liền mạch cho cốt truyện. Hệ thống nhân vật được chia làm hai loại. Những nhân vật có yếu tố kì ảo: đây là những con người bình thường, gần gũi trong cuộc sống. Ta có thể bắt gặp họ ở khắp nơi trong đời thực. Thậm chí còn có những con người từng được vinh danh trong chính sử và được nhiều người biết đến như vua Lê Thánh Tông. Sự kì ảo của những nhân vật này là do các lực lượng siêu nhiên đem lại và do ngoại cảnh tác động đến chứ không nằm ở bản chất nhân vật. Qua sự hư cấu, tưởng tượng đó, nhân vật trở nên hấp dẫn và kì bí hơn. Trái lại, loại nhân vật thứ hai - nhân vật kì ảo lại mang tính “phi nhân” đậm hơn. Yếu tố kì ảo nằm trong bản chất nhân vật chứ không phải do ngoại cảnh đem lại. Tuy mức độ đậm nhạt của yếu tố kì ảo ở hai loại nhân vật trên là khác nhau nhưng giữa chúng lại có một điểm chung thống nhất - đó là các dạng thức biểu hiện giống nhau. Cả nhân vật có yếu tố kì ảo và nhân vật kì ảo đều được ảo hoá ở số phận, hoàn cảnh xuất thân, ngoại hình, hành động và các chi tiết nghệ thuật đắt giá. Nhưng dù ở phương diện nào thì tác giả cũng đều sử dụng hai loại chi tiết nghệ thuật để miêu tả, đó là chi tiết phi thường hoá và lạ hoá. Yếu tố kì ảo cũng đã dựng nên một không gian – thời gian nghệ thuật huyền bí, quái lạ. Bằng đôi cánh tưởng tượng, các tác giả dẫn người đọc vào những thế giới siêu nhiên: thiên đình, âm phủ, thủy cung, tiên cảnh Mỗi thế giới lại có quy mô và chức năng khác nhau, thỏa mãn phần nào ước mơ của con người về một xã hội tốt đẹp. Đồng hiện cùng không gian kì ảo là dòng chảy của thời gian biến ảo với sự hư ảo chênh lệch của thời gian, thời gian luân hồi nghiệp báo. 3. Sự xuất hiện các yếu tố kì ảo trong văn xuôi trung đại không đơn thuần làm cho tác phẩm li kì hóa. Mượn yếu tố kì ảo, các nhà văn trung đại đã phản ánh được hiện thực cũng như phản ánh nhận thức, tư tưởng về cuộc sống, về xã hội của con người. Hiện thực xã hội thối nát đầy rẫy những tệ lậu từ trên xuống dưới, trong đó cuộc sống người dân hết sức bấp bênh khốn đốn, chiến tranh, đói kém, bọn tu hành làm điều xằng bậy Bên cạnh đó, qua phương thức kì ảo, các nhà văn còn đề cập đến tình yêu đôi lứa và phản ánh khát vọng hạnh phúc của con người. Từ hiện thực được phản ánh đó, nhiều suy nghiệm, triết lí sâu sắc được gửi gắm đến người đọc. 4. Yếu tố kỳ ảo đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tổ chức cũng như tạo cho tác phẩm cái vẻ riêng, có một sức mê hoặc kì lạ. Trong cấu trúc chỉnh thể của tác phẩm, yếu tố kì ảo góp phần tạo nên những giá trị đặc sắc. Sự song hành và gắn bó hữu cơ của các yếu tố kì ảo với tác phẩm giúp cho câu chuyện trở nên li kì. Yếu tố kì ảo kích thích, phát huy cao độ trí tưởng tượng đồng thời còn thỏa mãn nhu cầu về đời sống tâm linh của con người như niềm tin vào ma quỷ, thánh thần, niềm tin vào điềm báo, mộng báo Sự đan xen giữa thực và ảo trong tác phẩm khiến cho ranh giới giữa chúng như được thu hẹp. Người đọc không còn quan tâm việc tin hay không tin vào những chuyện lạ mà qua những cái lạ, cái ảo khuyến khích họ phải suy ngẫm, tham gia vào quá trình khám phá hiện thực và tạo nghĩa cho tác phẩm. Như vậy, yếu tố kì ảo đã góp một phần quan trọng trong việc tạo nên những thành tựu cho văn xuôi trung đại Việt Nam, nhất là ở thể loại truyền kì. Nó là phương tiện thẩm mĩ, nghệ thuật tạo nên sức hấp dẫn cho câu chuyện và tác phẩm như được khoác thêm chiếc áo sặc sỡ bắt mắt. Mặt khác, sự xuất hiện của yếu tố kì ảo trong văn xuôi trung đại Việt Nam như là bước chạy đà quan trọng để hình thành nên dòng văn xuôi kì ảo Việt Nam hiện đại. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Lại Nguyên Ân (1999), 150 thuật ngữ văn học, Nxb ĐHQG, H 2. Nguyễn Quang Ân, Vũ Ngọc Khánh (biên soạn) (1995), Kho tàng truyện truyền kì Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội. 3. Lê Huy Bắc (2006), Cái kỳ ảo và văn học huyễn ảo, Tạp chí nghiên cứu văn học số 8. 4. Lê Nguyên Cẩn (1999), Cái kì ảo trong tác phẩm của Balzac, Nxb Giáo dục. 5. Đoàn Thị Điểm (2001), Truyền kì tân phả, Nxb Văn học. 6. Nguyễn Huệ Chi (1999), Truyện truyền kì Việt Nam, quyển 1, Nxb Giáo dục. 7. Nguyễn Huệ Chi (1999), Truyện truyền kì Việt Nam, quyển 2, Nxb Giáo dục. 8. Nguyễn Huệ Chi (1999), Truyện truyền kì Việt Nam, quyển 3, Nxb Giáo dục. 9. Nguyễn Huệ Chi, Đỗ Đức Hiểu, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá, Từ điển văn học (bộ mới), Nxb Văn hóa. 10. Nguyễn Huệ Chi (1999), Tìm hiểu các dạng truyện kì ảo trong văn học trung đại và cận đại Đông Tây (in trong những vấn đề lý luận và lịch sử văn học, Viện Văn học). 11. Nguyễn Văn Dân (1999), Nghiên cứu văn học, Lý luận và ứng dụng, Nxb Giáo dục. 12. Nguyễn Đăng Duy (1998), Nho giáo với văn hóa Việt Nam, Nxb Hà Nội. 13. Nguyễn Đăng Duy (1999), Phật giáo với văn hóa Việt Nam, Nxb Hà Nội. 14. Nguyễn Đăng Duy (2001), Đạo giáo với văn hóa Việt Nam, Nxb Hà Nội. 15. Nguyễn Dữ (2001), Truyền kì mạn lục, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 16. Đặng Anh Đào (2006), Vai trò của cái kì ảo trong truyện và tiểu thuyết Việt Nam, Tạp chí nghiên cứu văn học số 8. 17. Phan Cự Đệ (2007), Truyện ngắn Việt Nam – lịch sử - thi pháp – chân dung, Nxb Giáo dục. 18. Lê Qúi Đôn toàn tập, Kiến văn tiểu lục, Tập 2, Nxb Khoa học xã hội 19. Hà Minh Đức, (1999), Những vấn đề lý luận và lịch sử văn học, Viện Văn học. 20. Đoàn Lê Giang (2006), Thời trung đại trong trong văn học các nước khu vực văn hóa chữ Hán, Tạp chí nghiên cứu văn học số 12. 21. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2006), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục. 22. Mai Thanh Hải (2005), Tìm hiểu tín ngưỡng truyền thống Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin. 23. Phùng Hữu Hải (2006), Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Việt Nam từ sau 1975, Tạp chí nghiên cứu văn học. 24. Nguyễn Ngọc Hiệp (2005), Đời sống của nhân vật truyền kì ngoài tác phẩm và trong lòng tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Tạp chí văn học số 5. 25. Nguyễn Văn Huyên (1996), Truyện Việt Nam thế kỉ XIX, Nxb KHXH. 26. Trương Thị Hoa (2011), Loại hình nhân vật trong truyện truyền kì Việt Nam qua ba tác phẩm tiêu biểu: Thánh Tông di thảo, Truyền kì mạn lục, Lan Trì kiến văn lục, Luận văn thạc sĩ văn học. 27. Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án (2001), Tang thương ngẫu lục, Nxb Văn học. Nguyễn Phạm Hùng (1987), Tìm hiểu khuynh hướng sáng tác trong Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ, Tạp chí văn học số 2. 28. Đinh Gia Khánh (2002), Văn học Việt Nam từ nửa đầu thế kỉ X đến nửa đầu thế kỉ XVIII, Nxb Giáo dục. 29. Vũ Ngọc Khánh (2001), Truyện thần linh ma quái và vấn đề giáo dục con người, Tạp chí nghiên cứu văn học số 10. 30. Vũ Ngọc Khánh, Phạm Minh Thảo, (2004), Từ điển Việt Nam văn hóa tín ngưỡng phong tục, Nxb Văn hóa thông tin Hà Nội. 31. Ngô Tự Lập, Những đường bay mê lộ, www.viet- studies.info/Ngotulap-melo.htm. 32. Ngô Tự Lập, Ma với tư cách là nhân vật văn học, www.viet- studies.info/Ngotulap-melo.htm. 33. Ngô Tự Lập (1999), Truyện kỳ ảo thế giới , Nxb Văn học 34. Ngô Tự Lập, Lưu Sơn Minh (1998), Đêm bướm ma, NXB Văn học. 35. Bồ Tùng Linh (1999), Liêu trai chí dị (Nguyễn Huệ Chi nghiên cứu, tuyển chọn, hiệu đính), Văn nghệ, Tp HCM. 36. Nguyễn Trường Lịch (1997), Huyền thoại và sức sống của huyền thoại trong văn chương xưa và nay, Tạp chí nghiên cứu văn học số 5. 37. Lê Nguyên Long,(2006), Về khái niệm cái kì ảo và văn học kì ảo trong nghiên cứu văn học, Tạp chí nghiên cứu văn học số 9. 38. Phương Lựu (chủ biên), Lí luận văn học, Nxb Giáo dục, 2006. 39. Trần Thanh Mại (1961), Những câu chuyện thần linh ma quái, Tạp chí nghiên cứu văn học số 2. 40. E.M.Meletinsky, Thi pháp của huyền thoại (Trần Nho Thìn, Song Mộc dịch), Nxb Đại học quốc gia Hà Nội. 41. Nguyễn Đăng Na (1997), Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, tập 1, truyện ngắn, Nxb Giáo dục, Hà nội 42. Nguyễn Đăng Na (2000), Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, tập 2, kí, Nxb Giáo dục, Hà nội 43. Nguyễn Đăng Na (2001), Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, tập 3, tiểu thuyết chương hồi, Nxb Giáo dục, Hà nội 44. Nguyễn Đăng Na (1997), Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại - những bước đi lịch sử, Tạp chí văn học số 7. 45. Nguyễn Đăng Na (2006), Con đưởng giải mã văn học trung đại Việt Nam, Nxb Giáo dục. 46. Nguyễn Đăng Na (1999), Đặc điểm văn học Việt Nam trung đại – những vấn đề văn xuôi tự sự, Nxb Giáo dục. 47. Bùi Văn Nguyên (1968), Bàn về yếu tố văn học dân gian trong Truyền kì Mạn Lục của Nguyễn Dữ, Tạp chí văn học số 11. 48. Bùi Duy Tân (1994), Khảo và luận một số thể loại tác giả - tác phẩm văn học trung đại Việt Nam, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội. 49. Vũ Thanh (1999), Những biến đổi của yếu tố kì và thực trong truyện ngắn truyền kì Việt Nam, Tuyển tập 40 năm tạp chí văn học, tập 2, Nxb TPHCM. 50. Vũ Thanh, Thể loại truyện kì ảo Việt Nam thời trung đại, Văn học Việt Nam – thế kỉ X đến thế kỉ XIX, những vấn đề lý luận và lịch sử, Trần Ngọc Vương (chủ biên), Nxb Giáo dục, 2005. 51. Trần Thị Băng Thanh (1999), Vũ Trinh và Lan Trì kiến văn lục trong dòng truyện truyền kì Việt Nam, trích trong Những suy nghĩ từ văn học trung đại, Nxb Khoa học xã hội Hà Nội. 52. Phạm Văn Thắm (1996), Nghiên cứu văn bản và đánh giá thể loại truyền kì viết bằng chữ Hán ở Việt Nam thời trung đại, Luận án phó tiến sĩ Ngữ Văn, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà nội. 53. Trần Nho Thìn (2006), Thi pháp truyện ngắn trung đại Việt Nam, Tạp chí Văn học số 9, số 10. 54. Trần Nho Thìn (2003), Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa, Nxb Giáo dục. 55. Ngô Đức Thịnh (2001), Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 56. Tezevan Todorov, Dẫn luận về văn chương kì ảo, (Lê Hồng Sâm, Đặng Anh Đào dịch), Nxb Đại học Sư Phạm (2008) 57. Phùng Văn Tửu (2006), Những hướng đổi mới của văn học kì ảo thế kỉ XX, Tạp chí nghiên cứu văn học số 5. 58. Phùng Văn Tửu (2007), Phương thức huyền thoại trong sáng tác văn học, Tạp chí nghiên cứu văn học số 10. 59. Vũ Trinh, Lan Trì kiến văn lục, Nxb Thuận Hóa, 2005 60. Hồ Nguyên Trừng và các tác giả khác (2001), Nam ông mộng lục và những truyện khác, Nxb Văn học. 61. Bùi Thanh Truyền (2005), Truyện kì ảo trong đời sống văn học Việt Nam đương đại, Tạp chí nghiên cứu văn học 62. Bùi Thanh Truyền (2006), Sự hồi sinh của yếu tố kì ảo trong văn xuôi đương đại Việt Nam, Tạp chí nghiên cứu văn học số 11. 63. Trần Đình Sử, Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Nxb Giáo dục. 64. Trần Đình Sử, Tự sự học (Một số vấn đề lý luận và lịch sử), Nxb Đại học Sư Phạm. 65. Đinh Phan Cẩm Vân (2000), Cái kì trong tiểu thuyết truyền kì, Tạp chí Văn học số 10. 66. Lê Trí Viễn (1996), Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội Hà Nội. 67. Lê Thu Yến, Đoàn Thị Thu Vân, Lê Văn Lực, Phạm Văn Nhu (2003), Văn học trung đại – những công trình nghiên cứu, Nxb Giáo dục. 68. Nhiều tác giả (1992), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục. 69. Viện ngôn ngữ học (2004), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdftvefile_2012_08_21_1215393590_0088.pdf
Luận văn liên quan