Lý luận về hàng hóa sức lao động và vấn đề hoàn thiện thị trường sức lao động ở Việt Nam hiện nay

Nguồn lao động là tài sản quý giá và to lớn của quốc gia; vừa là mục tiêu, tiền đề, vừa là động lực để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Quan tâm đến con người, đặc biệt là giải quyết việc làm, ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động còn thể hiện bản chất, tính ưu việt của chế độ, đồng thời cũng là một trong những vấn đề xã hội nóng bỏng hiện nay. Phần mở đầu:Nguồn lao động là tài sản quý giá và to lớn của quốc gia; vừa là mục tiêu, tiền đề, vừa là động lực để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Quan tâm đến con người, đặc biệt là giải quyết việc làm, ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động còn thể hiện bản chất, tính ưu việt của chế độ, đồng thời cũng là một trong những vấn đề xã hội nóng bỏng hiện nay. Sự thịnh vượng của các quốc gia ngày nay không còn chỉ dựa vào sự giàu có của nguồn tài nguyên thiên nhiên mà được xây dựng chủ yếu trên nền tảng văn minh trí tuệ của con người. Tuy nhiên, việc đào tạo, phát triển và những chính sách đãi ngộ người lao động không phải của nước nào cũng là tiến bộ và hoàn thiện. Thị trường sức lao động của mỗi nước cũng vì thế mà hiện hình và biến động đầy phức tạp. Do đó, việc đề ra những chính sách và giải pháp nhằm bình ổn thị trường đặc biệt này luôn luôn có ý nghĩa thời sự cả về lý thuyết lẫn thực tiễn. Lý luận về loại hàng hoá đặc biệt - sức lao động, Chủ nghĩa Mac -Lenin đã có những luận điểm khoa học, toàn diện và biện chứng. Trên cơ sở đó, tạo tiền đề vững chắc cho việc lý giải và áp dụng vào thực tiễn xã hội những giải pháp nhằm ổn định và phát triển thị trường của loại hàng hoá đặc biệt này cùng những vấn đề liên quan đến nó. Việt Nam trong bối cảnh đổi mới kinh tế dưới sự lãnh đạo của Đảng, vấn đề thị trường hàng hoá sức lao động không chỉ còn là một tiêu thức kinh tế mà còn kiến mang ý nghĩa chính trị. Đặc biệt, đối với một đất nước đang trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và tiến tới hội nhập kinh tế quốc tế thì vấn đề này lại càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Do vậy, bài luận ngoài việc đề cập đến lý luận về hàng hoá sức lao động của Mac còn đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao và hoàn thiện thị trường sức lao động ở Việt Nam hiện nay.

doc13 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 35053 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Lý luận về hàng hóa sức lao động và vấn đề hoàn thiện thị trường sức lao động ở Việt Nam hiện nay, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Phần mở đầu: Nguồn lao động là tài sản quý giá và to lớn của quốc gia; vừa là mục tiêu, tiền đề, vừa là động lực để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Quan tâm đến con người, đặc biệt là giải quyết việc làm, ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động còn thể hiện bản chất, tính ưu việt của chế độ, đồng thời cũng là một trong những vấn đề xã hội nóng bỏng hiện nay. Sự thịnh vượng của các quốc gia ngày nay không còn chỉ dựa vào sự giàu có của nguồn tài nguyên thiên nhiên mà được xây dựng chủ yếu trên nền tảng văn minh trí tuệ của con người. Tuy nhiên, việc đào tạo, phát triển và những chính sách đãi ngộ người lao động không phải của nước nào cũng là tiến bộ và hoàn thiện. Thị trường sức lao động của mỗi nước cũng vì thế mà hiện hình và biến động đầy phức tạp. Do đó, việc đề ra những chính sách và giải pháp nhằm bình ổn thị trường đặc biệt này luôn luôn có ý nghĩa thời sự cả về lý thuyết lẫn thực tiễn. Lý luận về loại hàng hoá đặc biệt - sức lao động, Chủ nghĩa Mac -Lenin đã có những luận điểm khoa học, toàn diện và biện chứng. Trên cơ sở đó, tạo tiền đề vững chắc cho việc lý giải và áp dụng vào thực tiễn xã hội những giải pháp nhằm ổn định và phát triển thị trường của loại hàng hoá đặc biệt này cùng những vấn đề liên quan đến nó. Việt Nam trong bối cảnh đổi mới kinh tế dưới sự lãnh đạo của Đảng, vấn đề thị trường hàng hoá sức lao động không chỉ còn là một tiêu thức kinh tế mà còn kiến mang ý nghĩa chính trị. Đặc biệt, đối với một đất nước đang trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và tiến tới hội nhập kinh tế quốc tế thì vấn đề này lại càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Do vậy, bài luận ngoài việc đề cập đến lý luận về hàng hoá sức lao động của Mac còn đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao và hoàn thiện thị trường sức lao động ở Việt Nam hiện nay. Phần nội dung: A Lý luận về hàng hoá sức lao động của Mac: I.Những khái niệm cơ bản: - Hàng hoá: Là sản phẩm của lao động, nó có thể thoả mãn những nhu cầu nhất định nào đó của con người thông qua trao đổi, mua bán. - Sức lao động: Là toàn bộ các thể lực và trí lực ở trong thân thể một con người, trong nhân cách sinh động của con người, thể lực và trí lực mà con người đem ra vận dụng để sản xuất ra một giá trị sử dụng nào đó. - Thị trường sức lao động (Thị trường lao động): Là một bộ phận của hệ thống thị trường, trong đó diễn ra quá trình trao đổi giữa một bên là người lao động tự do và một bên là người có nhu cầu sử dụng lao động. Sự trao đổi này được thoả thuận trên cơ sở mối quan hệ lao động như tiền lương, tiền công, điều kiện làm việc...thông qua một hợp đồng làm việc bằng văn bản hay bằng miệng. II. Điều kiện để sức lao động trở thành hàng hoá: Trong bất cứ xã hội nào, sức lao động cũng là điều kiện cơ bản của sản xuất. Nhưng không phải trong bất kỳ điều kiện nào, sức lao động cũng là hàng hoá. Sức lao động chỉ có thể trở thành hàng hoá trong những điều kiện lịch sử nhất định sau: - Người lao động phải được tự do về thân thể, làm chủ được sức lao động của mình và có quyền bán sức lao động của mình như một hàng hoá. - Người có sức lao động phải bị tước đoạt hết mọi tư liệu sản xuất và tư liệu sinh hoạt, họ trở thành người “vô sản”. Để tồn tại, buộc người đó phải bán sức lao động của mình để kiếm sống. III. Hai thuộc tính của hàng hoá sức lao động: Như mọi hàng hoá khác, hàng hoá sức lao động cũng có hai thuộc tính: Giá trị và giá trị sử dụng. Tuy nhiên, vì là một loại hàng hoá đặc biệt nên nó cũng có những đặc trưng riêng biệt so với tất cả các loại hàng hoá thông thường khác. Cụ thể: - Giá trị hàng hoá sức lao động: Do thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất và tái sản xuất ra nó quyết định. Nhưng việc sản xuất và tái sản xuất ra sức lao động phải được thực hiện bằng cách tiêu dùng một lượng tư liệu sinh hoạt nhất định về ăn, mặc, ở, học nghề…cho cá nhân. Vì vậy, thời gian lao động xã hội cần thiết để tái sản xuất ra sức lao động sẽ được quy thành thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt ấy. Hay nói cách khác, giá trị hàng hoá sức lao động được đo gián tiếp bằng giá trị của những tư liệu sinh hoạt cần thiết để tái sản xuất ra sức lao động. Có thể xác định được những bộ phận hợp thành lượng giá trị hàng hoá sức lao động: + Giá trị những tư liệu sinh hoạt về vật chất và tinh thần cần thiết để tái sản xuất sức lao động, duy trì đời sống của bản thân người lao động. + Giá trị những tư liệu sinh hoạt vật chất và tinh thần cần thiết để nuôi sống gia đình người lao động. + Chi phí đào tạo người lao động theo yêu cầu của sản xuất. Tuy nhiên, vì là hàng hoá đặc biệt nên giá trị hàng hoá sức lao động khác với giá trị hàng hoá thông thường ở chỗ nó còn bao hàm cả yếu tố tinh thần và lịch sử. Điều có có nghĩa là, ngoài những nhu cầu về vật chất, người lao động còn có những nhu cầu về tinh thần, văn hoá (thưởng thức âm nhạc, giao lưu văn hoá, tiếp nhận thông tin Những…). Nhưng nhu cầu đó lại phụ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử của mỗi nước ở từng thời kỳ, đồng thời, nó còn phụ thuộc cả vào điều kiện địa lý, khí hậu của nước đó. - Giá trị sử dụng của hàng hoá sức lao động: Là công dụng của nó để thoả mãn nhu cầu tiêu dùng sức lao động của người sử dụng lao động. Khác với hàng hoá thông thường – sau quá trình tiêu dùng hay sử dụng thì cả giá trị và giá trị sử dụng đều biến mất theo thời gian thì hàng hoá sức lao động, khi được tiêu dùng, ngoài việc sản xuất ra một loại hàng hoá nào đó, đồng thời lại tạo ra một lượng giá trị mới lớn hơn giá trị của bản thân nó. Phần lớn hơn đó chính là nguồn gốc giá trị thặng dư. IV. Ý nghĩa đặc biệt của việc tìm ra hàng hoá sức lao động trong việc giải quyết mâu thuẫn trong công thức chung của tư bản: Mac chỉ rõ công thức chung của tư bản: T - H - T’ (Tiền ứng ra – Hàng - Tiền thu về). Trong đó, T’=T+∆t. ∆t ở đây chính là giá trị thặng dư. Nhưng giá trị thặng dư là do đâu mà có? Mâu thuẫn trong công thức chung của tư bản chính là ở chỗ, bằng nhiều phép chứng minh, C.Mac đã chỉ ra rằng: “…tư bản (giá trị mang lại giá tị thặng dư) không thể xuất hiện từ trong lưu thông mà cũng không thể xuất hiện ở bên ngoài lưu thông. Nó phải xuất hiện trong lưu thông và đồng thời không phải trong lưu thông.”. Sự mâu thuẫn, tưởng chừng như đậm chất thần bí, khó hiểu trong công thức chung của tư bản - nhờ việc phát hiện ra hàng hoá sức lao động – đã trở nên sáng tỏ. Hàng hoá sức lao động chính là điều kiện để chuyển hoá tiền tệ thành tư bản. Nghĩa là tiền chỉ trở thành tư bản khi nó được sử dụng làm phương tiện để mang lại giá trị thặng dư. Điều đó chỉ thực hiện được khi nhà tư bản tìm được một loại hàng hoá đặc biệt là hàng hoá sức lao động. Với hàng hoá này, một giá trị mới lớn hơn giá trị của chính nó sẽ được tạo ra và bị nhà tư bản chiếm đoạt - giá trị thặng dư. Đây cũng chính là chìa khoá để giải quyết mâu thuẫn trong công thức chung của tư bản. B. Thị trường sức lao động ở Việt Nam hiện nay: I.Hiện trạng thị trường sức lao động ở Việt Nam hiện nay: 1. Thị trường sức lao động trong nước: Năm 1861, để phát triển công nghiệp, nước Mỹ đã chủ trương xóa bỏ chế độ nô lệ, giải phóng sức lao động của con người bằng sự kiện cuộc nội chiến Nam – Bắc. Cuộc chiến kết thúc vào năm 1865, kể từ đó, người lao động được bán sức lao động cho những ai trả giá cao, lương cao. Hàng hóa sức lao động được coi là một bước tiến của nền kinh tế Việt Nam, chỉ mới được chính thức công nhận từ năm 1986. Hàng hóa sức lao động là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế công nghiệp, kinh tế thị trường. a. Số lượng lao động: Theo số liệu thống kê năm 2007, cả nước hiện đang có khoảng 44,2 triệu lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế, văn hóa, xã hội (chiếm 51,76% dân số cả nước). Trong đó, các ngành kinh tế ngoài Nhà nước chiếm 89,1%, kinh tế Nhà nước chiếm 9,3% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 1,6%. Mỗi năm, cả nước có thêm khoảng 2 triệu người tham gia vào thị trường lao động. Lực lượng lao động nước ta khá đông đảo nhưng có sự phân bố rất không đồng đều giữa thành thị và nông thôn; giữa đồng bằng, ven biển và miền núi, Tây Nguyên; không đồng đều giữa cơ cấu lao động trong các ngành kinh tế. c. Trình độ và phẩm chất người lao động (Chất lượng của hàng hóa sức lao động): Nền kinh tế nước ta bước vào thời kỳ mới: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế; cuộc cạnh tranh nhằm duy trì và phát triển đang ngày càng gay gắt. Điều đáng quan tâm là thời kỳ cạnh tranh bằng lao động giá rẻ đã qua, ngày nay, phải cạnh tranh bằng chất lượng lao động. Thế nhưng, theo công bố của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của nước ta (tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái năm 2006) chỉ đạt 1.407USD/người, thấp hơn rất nhiều so với mức năng suất lao động năm 2005 của nhiều nước trong khu vực: Indonesia - 2,650 USD; Thái Lan - 2,721 USD;... Năng suất lao động nước ta còn quá thấp là do nhiều nguyên nhân về cơ cấu kinh tế, về tổ chức và quản lý lao động, nhưng nhìn chung, nguyên nhân chủ yếu là chất lượng của đội ngũ lao động nước ta còn quá kém. Kết quả điều tra lao động - việc làm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cuối năm 2005 cho thấy, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ở nước ta chưa chiếm đến 30%. Trong đó, tỷ lệ người thực sự có tay nghề (lao động kỹ thuật) mới đạt khoảng 15% . Đang có sự mất cân đối lớn giữa tỷ lệ lao động đã được đào tạo Đại học, Trung học và Công nhân kỹ thuật. Nếu như ở trên thế giới, tỷ lệ này trung bình là 1: 1, 3: 5; thì ở Việt Nam là 1 : 1,13 : 0,92. Điều đó cũng có nghĩa là người lao động có kỹ thuật còn quá ít cả về số lượng lẫn chất lượng. Về phẩm chất người lao động, nhiều nhà quản lý nước ngoài nhận xét, lao động Việt Nam cần cù, khéo léo, thông minh, sáng tạo, tiếp thu nhanh kỹ thuật và công nghệ hiện đại nhưng thiếu tính chuyên nghiệp, kỹ năng lao động còn quá thấp, còn duy trì tác phong nông nghiệp trong công việc, thiếu tính đoàn kết, tự mình giải quyết công việc rất tốt nhưng nếu đặt trong một nhóm thì hiệu quả kém đi nhiều… Về đời sống vật chất của người lao động, tại doanh nghiệp, đang còn tồn tại những vấn đề về tiền lương và thu nhập, điều kiện sống của người lao động cần được giải quyết, nhiều hạn chế về an toàn lao động, vệ sinh thực phẩm .... Mấy năm gần đây, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng liên tục (năm 2006 tăng 6,6%; năm 2007 tăng trên 8%), tiền lương thực tế giảm sút, tiền lương danh nghĩa được điều chỉnh quá chậm. Mỗi lần tăng lương chẳng đáng là bao vì chênh lệch giữa các bậc lương chỉ có 5.000 đến 10.000 đồng. Có những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đặt ra định mức lao động quá cao, đơn giá sản phẩm thấp, khiến cho thu nhập của người lao động vẫn quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Quá trình công nghiệp hóa diễn ra mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp mới được thành lập, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng, điều này tạo điều kiện tăng nhanh đội ngũ người lao động kỹ thuật đồng thời đòi hỏi không ngừng nâng cao trình độ của người lao động. Đòi hỏi này lại càng trở nên cấp bách khi Việt Nam đã gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO). d. Thị trường sức lao động và nạn thất nghiệp: Theo bản báo cáo về thông số nhân lực trực tuyến Việt Nam của Vietnamworks.com, thị trường lao động Việt Nam trong những năm gần đây đã xuất hiện những tín hiệu lạc quan. Chỉ số cầu trên thị trường lao động ở quý II/2007 đã đạt 15.025 điểm, tăng 4.475 điểm (142%) so với quý I/2007. Chỉ số cung cũng lên 11.580 điểm, tăng thêm 2.716 điểm (30%) so với quý I/2007. Trong quý II/2007, chỉ số cầu nhân lực của 46 (trong tổng số 56 ngành, nghề) đều tăng. Lĩnh vực sales (bán hàng) dẫn đầu về tốc độ gia tăng chỉ số cầu nhân lực trong các nhóm ngành nghề với 447 điểm; lĩnh vực bán lẻ dẫn đầu danh sách chỉ số cầu theo tỉ lệ với mức tăng 232%. Tiếp theo đó là các lĩnh vực kế toán/ tài chính và công nghệ thông tin/ phần mềm. Các lĩnh vực lao động thời vụ/ lao động hợp đồng giảm 25%, đứng đầu trong danh sách sụt giảm cầu nhân lực theo tỉ lệ. Nguồn lao động trong lĩnh vực da giày giảm 19%. Các lĩnh vực nhà hàng/ dịch vụ ăn uống, nông nghiệp/ lâm nghiệp cũng giảm từ 15-18%. Trong khi đó, với sự bùng nổ nhanh chóng của ngành Ngân hàng cùng với sự ra đời của các ngân hàng mới, lĩnh vực ngân hàng, đầu tư đã vươn lên dẫn đầu tốc độ tăng trưởng trong danh sách cung nhân lực, tăng 245 điểm so với quý I/2007. Tuy cả chỉ số cung và cầu trên thị trường lao động trong những năm gần đây đều tăng nhưng tình trạng thiếu nhân lực có tay nghề vẫn đang tiếp diễn. Theo một số chuyên gia về nhân lực, nguồn nhân lực ở Việt Nam rất nhiều nhưng lại hạn chế rất lớn về chất lượng. Trên thị trường lao động hiện tại, luôn xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực cao cấp và công nhân tay nghề cao, đặc biệt là tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất công nghiệp nằm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số tỉnh, thành lớn. Tỷ lệ lao động thất nghiệp cũng theo đó mà tăng lên do nguồn cung tăng chậm, không đủ đáp ứng cầu và do nhiều nhà quản lý từ chối tuyển dụng người lao động không có tay nghề hoặc tay nghề kém. Năm 2007, tỷ lệ lao động thất nghiệp ở nước ta là 4,64%. Theo dự báo của bộ Lao Động, do khủng hoảng kinh tế, trong năm 2009, sẽ có từ 300 đến 400 ngàn người mất việc làm. 2. Chính sách tiền công, tiền lương tối thiểu đối với người lao động ở Việt Nam hiện nay: - Tiền công: Là hình thức biểu hiện bằng tiền của giá trị sức lao động, hay giá cả của hàng hoá sức lao động, nhưng lại biểu hiện ra bên ngoài thành giá cả của lao động. Tiền công được hình thành theo quy luật thị trường với sức lao động được coi như một hàng hóa được phép tự do mua bán, trao đổi. Lý luận về hàng hoá sức lao động của Mac chính là cơ sở để xây dựng chính sách tiền lương ở Việt Nam hiện nay. Theo nguyên tắc của C.Mác, tiền lương tối thiểu phải đảm bảo tái sản xuất sức lao động, đảm bảo duy trì và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người lao động cùng gia đình họ. Tiền lương cũng được quyết định bởi những quy luật giá cả của tất cả các hàng hoá khác; bởi quan hệ cung – cầu… Sự phân phối tiền lương công bằng, hợp lý hay không sẽ quyết định đến sự tận tâm, tận lực của người lao động đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, tiền lương và thu nhập phải thể hiện được sự công bằng trong phân phối theo kết quả lao động và hiệu suất công tác của mỗi người. a. Về chính sách tiền lương tối thiểu: Ở nước ta, tiền lương tối thiểu được xác định theo nhu cầu tối thiểu, khả năng của nền kinh tế, tiền công trên thị trường sức lao động, chỉ số giá sinh hoạt. Nó là căn cứ để tính các mức lương trong hệ thống thang lương, bảng lương, phụ cấp lương trong khu vực Nhà nước, tính mức lương ghi trong hợp đồng lao động và thực hiện các chế độ khác cho người lao động theo quy định của pháp luật. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, cải cách và đổi mới chính sách tiền lương cho phù hợp sự phát triển của nền kinh tế. Từ khi ban hành Nghị định 235/HĐBT tháng 9/1985 về cải cách tiền lương trong cán bộ công chức, đến đầu năm 1993, Chính phủ đã có 21 lần điều chỉnh tiền lương nhằm tạo sự hài hòa hơn về lợi ích giữa người lao động với người sử dụng lao động là Nhà nước. Trong đó, xác định mức tiền công, tiền lương tối thiểu là căn cứ nền tảng để xác định giá cả sức lao động. Mức lương tối thiểu luôn được điều chỉnh theo sự biến động của giá cả trên thị trường. Trong những năm gần đây, chính sách tiền lương được điều chỉnh khá linh hoạt: Mức tiền lương tối thiểu áp dụng chung từ ngày 1/10/2005 là 350.000 đồng/tháng, từ 01/10/2006 theo Nghị định 94/2006/NĐ-CP là 450.000 đồng/tháng. Dự kiến giai đoạn 2008 – 2012 điều chỉnh từ 450.000 đồng lên 990.000 đồng/tháng (từ ngày 01/01/2008 đã điều chỉnh từ 450.000đồng lên 540.000 đồng/tháng theo Nghị định 166/2007/NĐ-CP ngày 16/11/2007 quy định mức lương tối thiểu chung). b. Về tiền lương tối thiểu trong doanh nghiệp: Đối với các loại hình doanh nghiệp, mức lương tối thiểu là để trả công cho người lao động làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường: - Đối với doanh nghiệp Nhà nước, áp dụng mức thấp nhất bằng tiền lương tối thiểu chung và cao nhất bằng 3 lần mức lương tối thiểu chung, cụ thể là từ 450.000 đến 1.350.000 đồng/tháng. - Đối với doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp hợp tác xã có thuê lao động, doanh nghiệp gia đình có thuê lao động là 450.000 đồng/tháng (từ ngày 01/10/2006). - Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được trả thấp hơn 710.000 đồng đến 870.000 đồng/tháng, tùy theo khu vực, lãnh thổ do Nhà nước quy định. 3. Thị trường xuất khẩu lao động: Những năm gần đây, nhờ mở cửa hội nhập kinh tế thế giới, thị trường xuất khẩu lao động của Việt Nam đang ngày càng sôi động hơn. Năm 2007, đóng góp của xuất khẩu lao động vào GDP là hơn 8,4 triệu USD, chiếm 14,5% GDP. Con số này vào năm 2009 được dự đoán sẽ còn cao hơn nữa. Thị trường xuất khẩu lao động của Việt Nam đang ngày càng mở rộng. Theo Cục quản lý lao động ngoài nước,chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2007, cả nước đã có trên 81.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đài Loan là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất với 25.759 người. Tiếp đó là Ma-lai-xi-a với gần 8.780 người, Hàn Quốc 5.275 người, Nhật Bản 1.769 người… Bên cạnh việc giữ vững thị trường xuất khẩu lao động truyền thống là các nước ở khu vực Đông Nam Á và Châu Á, Việt Nam đã đẩy mạnh hợp tác, liên kết nhằm mở rộng thị trường mới ở khu vực Trung Đông, Châu Phi, Bắc Âu và Bắc Mỹ. Những thị trường có mức thu nhập cao đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của những người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động: Mỹ, Canada, Australia, Czech… Đây là những thị trường có nhu cầu lao động lớn, có chế độ đãi ngộ với lao động ngoài nước như dân bản xứ. Người lao động với những công việc cơ bản như giúp việc nhà, lái xe, phục vụ bàn…ở những nước này có thể nhận được mức lương từ 2.000 đến 6.000USD/tháng. Với những công việc đòi hỏi có kỹ thuật như kỹ sư, y tá, công nhân cơ khí…thì mức lương khoảng từ 5.500 đến 8.500 USD/tháng. Tuy nhiên, đó cũng là những thị trường khó tính vào loại bậc nhất. Yêu cầu khắt khe về ngoại ngữ khiến phần lớn lao động phổ thông trong nước không thể đáp ứng được. II. Nguyên nhân của hiện trạng thị trường sức lao động và những bất cập trong chính sách tiền công, tiền lương ở Việt Nam hiện nay: 1. Nguyên nhân của hiện trạng thị trường sức lao động ở Việt Nam hiện nay: - Thị trường sức lao động Việt Nam đang ngày càng nóng dần, cả chỉ số cung và cầu đều tăng mạnh trong những năm qua. Thị trường xuất khẩu lao động cũng ngày càng mở rộng và thu hút được lượng lao động ngày càng đông đảo. Nguyên nhân chính của những diễn biến lạc quan này là bởi tốc độ phát triển kinh tế của nước ta đang đạt ở mức cao, nhất là sau khi gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO): Mức tăng trưởng kinh tế đạt 8,3% năm 2007 và 8,2% năm 2008. Bên cạnh đó, chính sách mở cửa thị trường của Đảng và Nhà nước đã thúc đẩy tích cực việc hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có trao đổi và hợp tác trong lĩnh vực lao động. Thêm vào đó, sự phát triển thương mại điện tử, sự bùng nổ thông tin và quảng cáo trên internet cũng là nguyên nhân dẫn tới sự tăng trưởng này. - Hiện nay, trình độ người lao động và nạn thất nghiệp đang là hai hạn chế lớn, đáng quan tâm của thị trường hàng hóa sức lao động nước ta. Nguyên nhân của những hạn chế này là do: + Do điều kiện, hoàn cảnh lịch sử của đất nước với nền kinh tế nông nghiệp là chủ đạo, trải qua một thời gian dài dưới ách nô lệ của thực dân, phong kiến và nhiều cuộc chiến tranh…, người lao động Việt Nam mang đậm tác phong nông nghiệp vào sản xuất. Đặc biệt, trước đổi mới năm 1986, sự áp dụng cơ chế quản lý kinh tế kế hoạch, tập trung, quan liêu, bao cấp của Nhà nước đã trở thành tác nhân quan trọng kìm hãm sự phát triển, khiến cho trình độ mà nhất là sức sáng tạo và độc lập của người lao động rơi vào trì trệ. + Lao động nước ta đa số làm việc trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp (chiếm khoảng 45,5% tổng số lao động trong các ngành năm 2007). Lao động chủ yếu xuất phát từ nông thôn, không qua đào tạo, trình độ dân trí thấp, từ đó, ảnh hưởng đến chất lượng lao động. + Vấn đề đào tạo lao động của nước ta còn nhiều hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng, đặc biệt là việc đào tạo nguồn lao động có kỹ thuật. Về số lượng và quy mô, các cơ sở, trung tâm đào tạo việc làm tuy có ngày càng mở rộng hơn nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của lượng lao động tăng nhanh mỗi năm. Về chất lượng đào tạo còn nhiều hạn chế. Phương hướng, nội dung, cách thức đào tạo của nhiều nơi chưa bắt kịp với nhu cầu của thị trường lao động. Có những ngành nghề, thị trường không cần nhiều, nhưng lại đào tạo ồ ạt. Có những ngành nghề, thị trường đòi hỏi người lao động phải có tính chuyên nghiệp cao, thì nội dung đào tạo còn hời hợt. Công tác dự báo để phục vụ cho đào tạo nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. + Dân số tăng nhanh, lượng lao động bổ sung hàng năm khá cao. Trong khi đó, sự yếu kém của nền kinh tế lại kéo theo sự thiếu hụt nguồn cầu lao động, không cung cấp đủ chỗ làm cho lực lượng lao động mới khiến tình trạng thất nghiệp gia tăng. + Chất lượng và trình độ người lao động hạn chế, không đủ sức đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường xuất khẩu lao động làm giảm khả năng phát triển của thị trường này. 2. Những hạn chế, bất cập trong chính sách tiền công, tiền lương: - Tiền lương chưa phản ánh đúng giá cả sức lao động, chưa thực sự gắn với mối quan hệ cung cầu lao động trên thị trường, tốc độ tăng tiền lương nhỏ hơn tốc độ tăng của năng suất lao động. Mức lương tối thiểu còn thấp chưa theo kịp với yêu cầu sinh hoạt cần thiết để tái sản xuất sức lao động và sự phát triển kinh tế – xã hội. - Chính sách tiền lương chưa được đảm bảo cho người lao động, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức sống được bằng tiền lương ở mức trung bình khá trong xã hội; chưa khuyến khích và thu hút được người tài, người làm việc giỏi. Mức lương trung bình của công chức còn thấp so với mức thu nhập trung bình của lao động xã hội. Do vậy đã gây nên sự biến động, dịch chuyển lao động lớn và tỉ lệ lao động bỏ việc, nghỉ việc ngày một tăng. - Hệ thống tiền lương còn quá nhiều thang, bảng lương và khoảng cách giữa các bậc lương nhỏ, tiền lương danh nghĩa tăng nhưng tiền lương thực tế lại giảm sút. Đối với mức lương, bậc lương giữa các loại cán bộ, công chức một số chức danh trong hệ thống chính trị (Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể) đã bộc lộ những bất hợp lý. - Chế độ tiền lương chủ yếu vẫn dựa trên hệ thống phân phối theo việc, gắn cứng tiền lương với hệ số lương tối thiểu như nhau dù có trình độ khác nhau, nên không tạo được động lực làm việc hiệu quả. Đồng thời chưa có sự phân biệt giữa tiền lương tối thiểu của cán bộ công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước với tiền lương tối thiểu của lao động trong khu vực hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra những tác động cản trở, sự chênh lệch về thu nhập giữa các đơn vị có nguồn thu và không có nguồn thu. Các chế độ phụ cấp, bảo hiểm xã hội, an toàn… còn chưa được coi trọng. - Có sự chênh lệch khá lớn về mặt bằng tiền lương, thu nhập giữa các vùng, khu vực thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, giữa lao động có kĩ thuật, có tay nghề với lao động phổ thông giữa các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm và các địa phương khác. Sự phân hoá giàu nghèo giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn và giữa các tầng lớp dân cư tăng nhanh; khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa các tầng lớp nhân dân, giữa các vùng có xu hướng doãng ra, nhất là giữa nông thôn và thành thị. Tỷ lệ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cao hơn nhiều mức bình quân cả nước. Chúng ta có thể thấy, với cố gắng nỗ lực trong công cuộc xoá đói giảm nghèo của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội thì đến cuối năm 2006, tỷ lệ nghèo cả nước còn khoảng 18,1%, giảm trên 3% so với giữa năm 2005, trong đó: Tây Bắc 37,36%; Đông Bắc 28,33%; Đồng bằng sông Hồng 11,64%; Khu 4 cũ 27,51%; Duyên hải miền Trung 19,06%; Tây Nguyên 25,85%; Đông Nam Bộ 7,44%; Đồng bằng sông Cửu Long 15,58%. - Trong các doanh nghiệp nhà nước, cơ chế phân phối tiền lương chưa thực sự theo nguyên tắc thị trường, còn mang nặng tính bình quân. Mức độ chênh lệch về tiền lương, thu nhập giữa các loại lao động không lớn, chưa khuyến khích người có trình độ chuyên môn cao vào khu vực nhà nước. Các doanh nghiệp ngoài nhà nước có tình trạng ép mức tiền công của người lao động, không thực hiện đúng công tác bảo hiểm xã hội… III. Một số giải pháp nhằm bình ổn thị trường sức lao động; phát triển nguồn lao động và hoàn thiện chính sách tiền công, tiền lương ở Việt Nam: 1. Giải pháp bình ổn thị trường sức lao động và phát triển năng lực của nguồn lao động: - Thực hiện phân bố lại dân cư và lao động giữa các vùng bằng việc mở thêm nhiều nhà máy, xí nghiệp, khu chế xuất…tăng cường ở những vùng kinh tế kém phát triển hơn nhằm cân đối lại thị trường lao động để khai thác hết tiềm năng của đất nước. - Các biện pháp kích cầu lao động: + Nhanh chóng được sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước theo hướng cổ phần hóa, tập trung đầu tư theo chiều sâu, hiện đại hóa thiết bị công nghệ, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để phát triển và thu hút lao động. + Thực hiện các chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp, đẩy mạnh dịch vụ. Đặc biệt, chú trọng phát triển mạnh quan hệ kinh tế với nước ngoài bằng nhiều hình thức để tạo nguồn xuất khẩu lao động tại chỗ, tăng đầu tư khai thác, mở rộng xuất khẩu lao động sang các khu vực, thị trường truyền thống và một số thị trường mới; khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn tạo việc làm, ưu tiên vốn vay cho các doanh nghiệp thu hút, sử dụng nhiều lao động. - Nâng cao chất lượng và trình độ người lao động là một giải pháp quan trọng nhằm phát triển nguồn cung cho thị trường hàng hóa sức lao động. Trước hết, cần tập trung phát triển mạnh hệ thống trung học chuyên nghiệp, dạy nghề theo hướng đồng bộ về cơ cấu, ưu tiên các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ cao như năng lượng, vi điện tử, tự động hóa, công nghệ sinh học... Đồng thời, có các chính sách thu hút nhân tài, đãi ngộ giáo viên, cơ chế ưu đãi để khuyến khích các thành phần kinh tế, tổ chức cá nhân tham gia vào công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho người lao động. - Đầu tư xây dựng một trung tâm giao dịch lao động đạt tiêu chuẩn khu vực với trang thiết bị hiện đại. Đây sẽ là đầu mối cung cấp các thông tin đầy đủ nhất về cung - cầu lao động trên thị trường. Ngoài ra, một hệ thống thông tin bao gồm hướng nghiệp dạy nghề; dịch vụ việc làm; thống kê thị trường lao động... cũng sẽ được thiết lập từ thành phố đến từng quận, huyện và xã, phường nhằm cung cấp thong tin về việc làm nhanh chóng và chuẩn xác nhất cho người lao động. - Tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước trong thị trường sức lao động. Theo đó, việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về việc làm, đào tạo nghề và các vấn đề liên quan đến thị trường lao động sẽ được phổ biến sâu rộng tới người lao động. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với  người lao động cũng được đẩy mạnh. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tiền lương, tiền công trên thị trường lao động nhằm thúc đẩy các giao dịch trên cơ sở đó hình thành giá cả thị trường sức lao động, đồng thời điều tiết giám sát tiền lương, tiền công để hạn chế tính tự phát. Công đoàn và các tổ chức đoàn thể cần có vai trò quan trọng trong việc điều tiết thị trường lao động và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động... 2. Giải pháp hoàn thiện chính sách tiền công, tiền lương: “Thị trường sức lao động cũng nằm trong bối cảnh chung của mở cửa hội nhập, sự liên thông ngày càng cao với thị trường khu vực và quốc tế. Do đó, tiền lương phải được coi là giá cả sức lao động, hình thành theo quy luật thị trường. Hệ thống chính sách, pháp luật về tiền lương, tiền công phải sớm hoàn thiện theo nguyên tắc đó; lộ trình điều chỉnh tiền lương và trợ cấp xã hội giai đoạn 2008 - 2012 cần đẩy nhanh hơn, thực hiện tốt hơn đi đôi với kiểm soát lạm phát để bảo đảm thu nhập thực tế ngày càng tăng cho người hưởng lương” (Nghị quyết HN lần 6, BCH TW Đảng khóa X - 03/2008). Theo đó, Việt Nam đang thực hiện một số biện pháp cụ thể nhằm hoàn thiện chính sách tiền công, tiền lương cho người lao động nhằm đảm bảo và từng bước cải thiện đời sống cho họ: - Tăng lương tối thiểu. - Cần thêm những động thái tích cực nhằm kích cầu tiêu dung. - Tăng khoảng cách giữa các bậc liền kề trong bảng lương. - Hoàn thiện chính sách tiền lương, tiền công theo hướng thị trường. - Cần có chế độ, chính sách về tiền lương và phụ cấp đối với cán bộ, công chức cơ sở cho phù hợp sự phát triển kinh tế thị trường. - Tăng cường phối hợp cơ chế 3 bên trong ban hành chính sách tiền lương, hình thành cơ chế thỏa thuận tiền lương. - Cần quy định các nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương để người lao động và người sử dụng lao động có cơ sở xác định tiền lương, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra để đảm bảo quyền lợi của người lao động. - Hoàn thiện môi trường pháp lý, gắn cải cách tiền lương với cải cách kinh tế, tạo sự gắn kết đồng bộ giữa các loại thị trường để thúc đẩy nhau phát triển lành mạnh. - Tăng cường sự quản lý và giám sát của Nhà nước đối với thị trường sức lao động. - Tạo cung lao động đáp ứng thị trường về số lượng, chất lượng và cơ cấu ngành nghề, đặc biệt là tỷ lệ lao động đã qua đào tạo. Tăng cầu lao động thông qua phát triển kinh doanh sản xuất dịch vụ trong các thành phần kinh tế. C. Phần kết luận: Yếu tố con người có ý nghĩa quyết định hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Những chính sách, giải pháp đúng trong phát triển thị trường hàng hóa sức lao động phải dựa trên một cơ sở lý luận vững chãi và phải hướng tới hình thành một nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong thời đại ngày nay. Sự kết hợp hài hòa giữa lý luận về hàng hóa sức lao động của Mac với thực tiễn thị trường sức lao động ở Việt Nam vừa là nhiệm vụ hàng đầu của nền kinh tế lại vừa là mục tiêu quan trọng nhằm phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, phát triển giáo dục toàn diện, xây dựng các cộng đồng dân cư văn minh, phát triển đội ngũ trí thức, đặc biệt là trí thức tinh hoa, có đủ năng lực để thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đóng góp tích cực nhằm hình thành và phát triển “nền kinh tế tri thức” của Việt Nam.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docLý luận về hàng hóa sức lao động và vấn đề hoàn thiện thị trường sức lao động ở Việt Nam hiện nay.doc
Luận văn liên quan