Một số vấn đề về bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường

Đặt vấn đề 2 II. Giải quyết vấn đề .2 1. Lí luận chung về bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường .2 2. Bồi thường thiệt hại về ô nhiễm môi trường theo pháp luật hiện hành 5 3. Thực trạng việc áp dụng bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường . 16 4. Phương hướng hoàn thiện về bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường 18 III. Kết thúc vấn đề 20 Danh mục tài liệu tham khảo 21

docx23 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3619 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Một số vấn đề về bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BỘ TƯ PHÁP TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI *********** BÀI TẬP LỚN HỌC KÌ Môn: Luật dân sự Việt Nam, module 2 Đề bài: Một số vấn đề về bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường. Mục lục: Đặt vấn đề………………………………………………………………2 Giải quyết vấn đề……………………………………………………….2 Lí luận chung về bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường…….2 Bồi thường thiệt hại về ô nhiễm môi trường theo pháp luật hiện hành..5 Thực trạng việc áp dụng bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường…………………………………………………………….……..16 Phương hướng hoàn thiện về bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường……………………………………………………………………18 Kết thúc vấn đề………………………………………………………..20 Danh mục tài liệu tham khảo………………………………………………..21 Đặt vấn đề: Đã từ lâu, ô nhiễm môi trường là cụm từ được người dân quan tâm như một vấn đề trọng điểm. Càng ngày càng có nhiều vụ việc liên quan đến việc làm ô nhiễm môi trường được người dân tố cáo, báo đài phanh phui. Song song với việc phát hiện ra thủ phạm gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, vấn đề bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường cũng rất được chú ý. Bài viết sau xin trình bày một số vấn đề về bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường, qua đó giúp người đọc hiểu hơn về những quy phạm pháp luật liên quan đến bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường và thực tế áp dụng những quy phạm này ở Việt Nam. Giải quyết vấn đề: Lí luận chung về bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường: Môi trường, theo Luật bảo vệ môi trường 2005 “bao gồm các yếu tố tự nhiên và vật chất nhân tạo bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và sinh vật.” Cũng theo khoản 6 điều 3 luật này, “ô nhiễm môi trường là sự biến đổi của các thành phần môi trường không phù hợp với tiêu chuẩn môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến con người, sinh vật.” Hiện nay trên thế giới tồn tại hai quan niệm về thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường. Quan niệm thứ nhất là thiệt hại về môi trường có thể được nhận dạng theo nhiều cách phân tầng khác nhau, từ rộng đến hẹp, từ tổng hợp đến hợp phần, từ môi trường chung đến từng thành phần môi trường cụ thể, song cho dù là tiếp cận ở góc độ và cấp độ nào thì thiệt hại về môi trường đều không bao gồm thiệt hại đối với con người hoặc tài sản, mặc dù chúng có thể là hậu quả trực tiếp của thiệt hại về môi trường. Quan niệm thứ hai là thiệt hại về môi trường không chỉ bao gồm các thiệt hại đến chất lượng môi trường mà còn cả thiệt hại về sức khỏe, tài sản của cá nhân do ô nhiễm môi trường gây nên. Tại Việt Nam, tính từ thời điểm Luật bảo vệ môi trường 2005 được ban hành, thiệt hại do ô nhiễm môi trường được xác định theo quan niệm thứ hai. Theo quy định tại Điều 131 Luật bảo vệ môi trường 2005, có 2 loại thiệt hại: Thứ nhất, thiệt hại đối với môi trường tự nhiên. Đó là sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường, trong đó chức năng, tính hữu ích của môi trường được thể hiện qua ba phương diện chính: môi trường là không gian sinh tồn của con người; môi trường là nơi cung cấp các nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học (kể cả vật liệu, năng lượng, thông tin cần thiết cho cuộc sống và hoạt động của con người); môi trường là nơi chứa đựng và tiêu hủy chất thải do con người thải ra trong các hoạt động của mình. Như vậy, có thể hiểu sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường xảy ra khi: Một là, chất lượng của các yếu tố môi trường sau khi bị tác động thấp hơn so với tiêu chuẩn về chất lượng môi trường; hai là, lượng tài nguyên thiên nhiên bị khai thác, sử dụng lớn hơn lượng được khôi phục (đối với tài nguyên tái tạo) hoặc lớn hơn lượng thay thế (đối với tài nguyên không tái tạo được); ba là, lượng chất thải thải vào môi trường lớn hơn khả năng tự phân hủy, tự làm sạch của chúng. Thứ hai, thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra. Thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ của con người được thể hiện qua các chi phí để cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc, phục hồi các chức năng bị mất của người bị hại và các khoản thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút do bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe có nguyên nhân từ ô nhiễm, suy thoái môi trường. Thiệt hại về tài sản được thể hiện qua những tổn thất về cây trồng, vật nuôi, những khoản chi phí cho việc sửa chữa, thay thế, ngăn chặn và phục hồi tài sản bị thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường gây nên. Còn thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được thể hiện qua sự tổn hại về lợi ích vật chất, sự giảm sút về thu nhập chính đáng mà nguyên nhân là do sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường. Trong mối quan hệ với loại thiệt hại thứ nhất, loại thiệt hại thứ hai luôn được xem là thiệt hại gián tiếp (còn gọi là thiệt hại phái sinh hay thiệt hại thứ sinh) - thiệt hại chỉ xảy ra khi đã có loại thiệt hại thứ nhất. Tuy nhiên, cần lưu ý là giữa thiệt hại đối với môi trường tự nhiên và thiệt hại đối với tài sản, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân không phải luôn luôn và hoàn toàn tách biệt. Trong một số trường hợp thiệt hại về môi trường tự nhiên tại một khu vực nhất định cũng đồng thời là thiệt hại về tài sản, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tại khu vực đó. Ví dụ, sự suy giảm nguồn lợi thủy sinh tại một vùng biển bị ô nhiễm cũng đồng thời là sự giảm sút về thu nhập của ngư dân ở khu vực đó. Điều này dễ dẫn đến sự trùng lặp khi xác định các loại thiệt hại cụ thể do ô nhiễm, suy thoái môi trường gây nên. Xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường là vấn đề không đơn giản ngay cả ở những nước phát triển, nơi mà lý thuyết về lượng giá các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các yếu tố môi trường đã được định hình và củng cố. Theo các nghiên cứu chung của Chương trình môi trường Liên Hợp quốc năm 2000(UNEP), các cách thức xác định thiệt hại môi trường hiện được chia thành các nhóm sau: Một là, việc xác định giá trị tổn thất với môi trường được thực hiện bởi tòa án hoặc các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường. Hai là, xác định thiệt hại theo phương thức quy ra một khoản tiền cố định. Ba là, giao cho các viên chức hành chính hoặc chính quyền địa phương xác định thiệt hại. Bốn là, các phương thức đánh giá khác, điển hình là phương pháp Koch (được sử dụng rộng rãi tại Cộng hòa liên bang Đức trong việc xác định những tổn thất được bồi hoàn đối với cây cối bị hủy hoại). Tại Việt Nam, cả từ phương diện lý luận và thực tiễn đều cho thấy sự mờ nhạt về mảng kiến thức này. Hiện tại, chúng ta mới chỉ đúc rút được đôi chút kinh nghiệm từ thực tiễn tự phát giải quyết các vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tài sản do ô nhiễm môi trường gây nên. Việc xác định thiệt hại đối với môi trường tự nhiên trong một số lần sự cố tràn dầu vẫn phải nhờ đến tư vấn, giúp đỡ của các chuyên gia quốc tế. Để Việt Nam có thể tự chủ  trong việc xác định được thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường gây nên, đặc biệt là thiệt hại đối với môi trường tự nhiên, những nội dung sau đây cần phải được làm sáng tỏ trong các văn bản pháp luật hướng dẫn việc xác định thiệt hại về môi trường: Một là, thành phần môi trường được xác định thiệt hại. Hai là, mức độ thiệt hại được xác định. Ba là, các căn cứ để xác định mức độ thiệt hại. Bốn là, các căn cứ để tính toán thiệt hại. Bồi thường thiệt hại về ô nhiễm môi trường theo pháp luật hiện hành: Cho đến nay, có khoảng vài chục văn bản pháp luật qui định về bảo vệ môi trường: Luật Bảo vệ môi trường 2005 và các văn bản hướng dẫn(Nghị định số 80/2006/NĐ -CP về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 21/2008/NĐ-CP của chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường), Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009(chương XVII, từ điều 182 đến điều 191a), Bộ luật Dân sự 2005 (Điều 624), Luật Tài nguyên nước 1998, chưa kể các đề án bảo vệ môi trường. Trong Bộ luật Dân sự 2005, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi làm ô nhiễm môi trường đã được đề cập. Trước hết, đó là điều 624 với quy định: “Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại, thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp người gây ô nhiễm môi trường không có lỗi”. Tại điều 263 cũng có quy định: “Khi sử dụng, bảo quản, từ bỏ tài sản của mình, chủ sở hữu phải tuân theo các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, nếu làm ô nhiễm môi trường thì phải chấm dứt hành vi gây ô nhiễm, thực hiện các biện pháp để khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại.” Ngoài các căn cứ pháp lý nói trên, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do gây ô nhiễm môi trường còn được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác như Bộ luật Hàng hải 2005, Luật Khoáng sản 1996, sửa đổi bổ sung năm 2005, Luật Tài nguyên nước 1998… Đặc biệt, với việc dành riêng 5 điều cho các quy định về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường (từ điều 131 đến điều 135, mục 2), Luật bảo vệ môi trường 2005 đã thể hiện một bước tiến đáng kể trong quá trình thực hiện hóa việc truy cứu trách nhiệm dân sự đối với các chủ thể có hành vi làm ô nhiễm môi trường. Do quan hệ pháp luật trong lĩnh vực môi trường có thể phát sinh giữa các chủ thể mà không cần đến các cơ sở pháp lý làm tiền đề (như quan hệ hợp đồng hay quan hệ công vụ), nên bồi thường thiệt hại trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ bảo vệ môi trường là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Đây là loại trách nhiệm phát sinh dưới sự tác động trực tiếp của các quy phạm pháp luật mà không cần có sự thỏa thuận trước của các chủ thể. Sự trùng hợp về một số nội dung có liên quan đến quyền và nghĩa vụ bảo vệ môi trường trong các thỏa thuận hay cam kết không làm ảnh hưởng đến căn cứ áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường theo luật định. Ta có thể tiếp cận trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trên các phương diện sau: Thứ nhất, về chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường: Căn cứ vào khoản 5 điều 4 của Luật Bảo vệ môi trường 2005 và điều 624 Bộ luật Dân sự 2005, ở mức độ chung nhất, chúng ta có thể hiểu chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường là tổ chức, cá nhân. Các tổ chức từ khi thành lập đã có năng lực pháp luật, có năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Các tổ chức khi tham gia vào các quan hệ pháp luật môi trường mà có hành vi làm ô nhiễm môi trường dẫn tới gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại bằng tài sản của mình. Các tổ chức có thể là pháp nhân (chẳng hạn, doanh nghiệp Nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, hợp tác xã, các viện nghiên cứu…) hoặc tổ chức khác không phải là pháp nhân (hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh…) Đối với cá nhân, những người đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi đầy đủ thì tự mình phải bồi thường thiệt hại. Trường hợp người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình, nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của họ. Người dưới 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha mẹ thì cha mẹ phải bồi thường thiệt hại toàn bộ. Nếu tài sản của cha mẹ không đủ để bồi thường mà con có tài sản riêng thì lấy tài sản riêng đó để bồi thường phần còn thiếu cho người bị hại. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại mà có cá nhân, tổ chức giám hộ thì cá nhân đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường. Nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình. Nhưng nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường. Trong thực tế đời sống, các chủ thể gây ô nhiễm môi trường chủ yếu là các doanh nghiệp. Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình do không có thiết bị xử lý chất thải, hoặc không tuân thủ các quy định khác về bảo vệ môi trường… các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã làm suy thoái môi trường, ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác. Như vậy, chủ thể “tiềm tàng” chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trước hết là các cơ sở kinh doanh, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Thứ hai, nhiều người cùng gây thiệt hại cũng là tình trạng khá phổ biến trong lĩnh vực môi trường. Luật bảo vệ môi trường 2005 quy định trong trường hợp có nhiều tổ chức, cá nhân cùng gây ô nhiễm môi trường thì cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm phối hợp với các bên liên quan để làm rõ trách nhiệm của từng đối tượng trong việc khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế không dễ dàng xác định chính xác mức độ gây hại đến môi trường của từng đối tượng. Bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau là giải pháp đã được pháp luật dân sự tính đến trong trường hợp này. Tuy nhiên, để đảm bảo sự công bằng trong áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường, có lẽ nếu người gây thiệt hại chứng minh được mức độ mà mình gây thiệt hại đối với môi trường là không đáng kể thì họ chỉ phải bồi thường thiệt hại theo phần tương ứng với mức độ gây hại đó. Nghĩa vụ chứng minh thuộc về đối tượng gây thiệt hại sẽ giúp các tổ chức, cá nhân nâng cao hơn trách nhiệm bảo vệ môi trường cũng như nâng cao năng lực tự bảo vệ mình trong lĩnh vực này. Ngoài ra, cũng cần tính đến tình huống không áp dụng được trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các đối tượng chỉ vì đơn giản thiệt hại môi trường là kết quả của hiện tượng tích tụ và cộng dồn các ảnh hưởng tới môi trường, trong khi từng đối tượng lại tác động không quá mức giới hạn tới môi trường. Thứ ba là điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô mhiễm môi trường. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường thuộc loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Môi trường có thể bị xâm hại từ 2 nhóm nguyên nhân: Một là, các nguyên nhân khách quan tác động đến môi trường không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người, như bão, lũ lụt, động đất, hạn hán... Những trường hợp này không làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường đối với bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Hai là, các yếu tố chủ quan do hoạt động của con người gây ra từ việc khai thác, sử dụng các yếu tố môi trường hay từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác. Đối với những trường hợp này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường phát sinh khi có đủ các dấu hiệu cấu thành trách nhiệm pháp lý dân sự. Theo pháp luật dân sự, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trong đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường phát sinh khi có các điều kiện sau đây: Có thiệt hại xảy ra Đây là điều kiện mang tính chất tiền đề của trách nhiệm bồi thường thiệt hại, bởi mục đích của việc áp dụng trách nhhiệm này là khôi phục tình trạng tài sản, sức khoẻ… cho người bị thiệt hại. Thiệt hại thường là tổn thất thực tế được tính thành tiền do việc xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của cá nhân, tổ chức. Các thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây nên có thể bao gồm những thiệt hại sau đây: Thiệt hại do tài sản, sức khỏe bị xâm phạm hay do tính mạng bị xâm hại. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm có thể là: tài sản bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng, thiệt hại gắn liền với việc thu hẹp hoặc mất những lợi ích gắn liền với việc không sử dụng, không khai thác hoặc bị hạn chế trong việc sử dụng, khai thác công dụng của tài sản; những chi phí để ngăn chặn và khắc phục thiệt hại. Ví dụ: một công ty xả nước thải chưa được xử lý làm cho ruộng lúa, hoa màu của các hộ gia đình bị hại nên năng suất bị giảm đáng kể, hoặc do dầu tràn làm cho các ao hồ bị nhiễm độc, nguồn tài nguyên thuỷ sản như tôm, cá bị chết rất nhiều, hoặc khi nguồn nước và không khí bị ô nhiễm, đồng cỏ bị nhiễm độc do các chất thải của các cơ sở công nghiệp làm cho các gia súc, gia cầm bị ốm, bị chết gây thiệt hại cho nhân dân, các khu du lịch do bị ô nhiễm mà phải đóng cửa dẫn đến bị thất thu và nguồn lợi nhuận bị suy giảm… Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút ; thu nhập thực tế của người bị thiệt hại và người chăm sóc người bị thiệt hại bị mất , bị giảm sút… Thí dụ: khi môi trường sống bị ô nhiễm ( ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất…) sức khoẻ con người bị giảm sút, bị mắc các bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hoá… Những người mắc bệnh phải bỏ ra một khoản tiền chi cho việc khám bệnh, chữa bệnh đồng thời thu nhập của họ bị giảm sút do không tham gia lao động… Thiệt hại do tính mạng bị xâm hại bao gồm chi phí cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết; chi phí mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng. Thiệt hại do tính mạng bị xâm hại có thể xảy ra khi có các sự cố môi trường như tràn dầu, nổ xăng dầu, cháy rừng… Hành vi gây thiệt hại là hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường Những hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường rất đa dạng phong phú. Có thể liệt kê ra ở đây một số loại hành vi tương đối phổ biến: +, Những hành vi vi phạm điều cấm của Luật Bảo vệ môi trường 2005. Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường 2005 nghiêm cấm một số hành vi: Phá hoại, khai thác trái phép rừng, các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác; khai thác, đánh bắt các nguồn tài nguyên sinh vật bằng phương tiện, công cụ, phương pháp huỷ diệt, không đúng thời vụ và sản lượng theo quy định của pháp luật; khai thác, kinh doanh, tiêu thụ, sử dụng các loài thực vật, động vật hoang dã quý hiếm thuộc danh mục cấm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; chôn lấp chất độc, chất phóng xạ, chất thải và chất nguy hại khác không đúng nơi quy định và quy trình kỹ thuật về bảo vệ môi trường; thải chất thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường; các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước; thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí; phát tán bức xạ, phóng xạ, các chất ion hoá vượt quá tiêu chuẩn môi trường cho phép; gây tiếng ồn, độ rung vượt quá tiêu chuẩn cho phép; nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện không đạt tiêu chuẩn môi trường; nhập khẩu, quá cảnh chất thải dưới mọi hình thức; nhập khẩu, quá cảnh động vật, thực vật chưa qua kiểm dịch; vi sinh vật ngoài danh mục cho phép; sản xuất, kinh doanh sản phẩm gây nguy hại cho con người, sinh vật và hệ sinh thái; sản xuất, sử dụng nguyên liệu, vật liệu xây dựng chứa yếu tố độc hại vượt quá tiêu chuẩn cho phép; xâm hại di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên; xâm hại công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường; hoạt động trái phép, sinh sống ở khu vực được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là khu vực cấm do mức độ đặc biệt nguy hiểm về môi trường đối với sức khỏe và tính mạng con người; che giấu hành vi huỷ hoại môi trường, cản trở hoạt động bảo vệ môi trường, làm sai lệch thông tin dẫn đến gây hậu quả xấu đối với môi trường; các hành vi bị nghiêm cấm khác về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. +, Vi phạm các quy định về đánh giá tác động môi trường hoặc các yêu cầu ghi tại phiếu thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. +, Vi phạm các quy định về bảo về nguồn tài nguyên thiên nhiên như các quy định về bảo vệ rừng, khai thác, kinh doanh động vật, thực vật quý hiếm; bảo vệ nguồn đất, bảo vệ đất; vi phạm các quy định về đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên… +, Vi phạm các quy định về vệ sinh công cộng như quy định về vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải; quy định về tiếng ồn, độ rung… +, Vi phạm các quy định về bảo quản và sử dụng các chất dễ gây ô nhiễm; vi phạm các quy định về phòng, chống sự cố môi trường trường trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác vận chuyển dầu khí; trong thăm dò, khai thác hầm mỏ… Yếu tố lỗi của chủ thể gây thiệt hại Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi làm ô nhiễm chỉ được loại trừ trong trường hợp người bị hại có lỗi. Điều này có nghĩa là trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường nếu người bị thiệt hại không có lỗi thì trách nhiệm bồi thường luôn luôn đặt ra đối với người làm ô nhiễm môi trường. Thậm chí, trong một số trường hợp cụ thể trách nhiệm bồi thường thiệt hại không được loại trừ ngay cả khi người gây ô nhiễm môi trường không có lỗi. Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường Thiệt hại thực tế xảy ra là kết quả của hành vi vi phạm pháp luật. Nói một cách khác, hành vi vi phạm pháp luật là nguyên nhân của thiệt hại xảy ra. Trong quá trình xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường cần làm sáng tỏ mối quan hệ này. Thứ tư, là một loại trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường có một số điểm khác với trách nhiệm phát sinh từ nghĩa vụ hợp đồng như sau: - Cơ sở của trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường là các quy định của pháp luật về hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật của chủ thể, không cần có sự thoả thuận trước của các bên. - Trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường việc thực hiện bồi thường thiệt hại sẽ làm chấm dứt nghĩa vụ còn trong nghĩa vụ hợp đồng thì việc bồi thường thiệt hại không làm cho người có nghĩa vụ được giải phóng khỏi trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ một cách thực tế như giao vật, thực hiện công việc… - Trách nhiệm dân sự trong lĩnh vực môi trường chỉ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại chứ không có hình thức phạt vi phạm. - Trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường có trường hợp không có lỗi vẫn phải chụi trách nhiệm, nếu pháp luật có quy định. Thứ năm là tiêu chí xác định ô nhiễm và phương pháp xác định thiệt hại để tính mức bồi thường. Tiêu chí xác định ô nhiễm là các tiêu chuẩn môi trường và tiêu chuẩn chất thải mà dựa vào các tiêu chuẩn đó có thể xác định mức độ ô nhiễm, là mức độ vi phạm các tiêu chuẩn đó, là mức độ ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, đến sinh vật, đến các giá trị thẩm mỹ và thời gian ảnh hưởng. Tiêu chí xác định ô nhiễm được chia làm 4 mức: nhẹ, trung bình, nặng và rất nặng. Sự xác định thiệt hại để tính mức bồi thường được quy định từ điều 131 đến điều 134 Luật bảo vệ môi trường 2005: “Điều 131. Xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường 1. Sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gồm các mức độ sau đây: a) Có suy giảm; b) Suy giảm nghiêm trọng; c) Suy giảm đặc biệt nghiêm trọng. 2. Việc xác định phạm vi, giới hạn môi trường bị suy giảm chức năng, tính hữu ích gồm có: a) Xác định giới hạn, diện tích của khu vực, vùng lõi bị suy giảm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; b) Xác định giới hạn, diện tích vùng đệm trực tiếp bị suy giảm; c) Xác định giới hạn, diện tích các vùng khác bị ảnh hưởng từ vùng lõi và vùng đệm. 3. Việc xác định các thành phần môi trường bị suy giảm gồm có: a) Xác định số lượng thành phần môi trường bị suy giảm, loại hình hệ sinh thái, giống loài bị thiệt hại; b) Mức độ thiệt hại của từng thành phần môi trường, hệ sinh thái, giống loài. 4. Việc tính toán chi phí thiệt hại về môi trường được quy định như sau: a) Tính toán chi phí thiệt hại trước mắt và lâu dài do sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của các thành phần môi trường; b) Tính toán chi phí xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường; c) Tính toán chi phí giảm thiểu hoặc triệt tiêu nguồn gây thiệt hại; d) Thăm dò ý kiến các đối tượng liên quan; đ) Tuỳ điều kiện cụ thể có thể áp dụng một trong những biện pháp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này để tính toán chi phí thiệt hại về môi trường, làm căn cứ để bồi thường và giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường. 5. Việc xác định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường được tiến hành độc lập hoặc có sự phối hợp giữa bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại. Trường hợp mỗi bên hoặc các bên có yêu cầu thì cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường có trách nhiệm tham gia hướng dẫn cách tính toán, xác định thiệt hại hoặc chứng kiến việc xác định thiệt hại. 6. Việc xác định thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do gây ô nhiễm, suy thoái môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật. 7. Chính phủ hướng dẫn việc xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường. Điều 132. Giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường 1. Giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường được thực hiện theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc cơ quan giải quyết việc bồi thường thiệt hại về môi trường. 2. Căn cứ giám định thiệt hại là hồ sơ đòi bồi thường thiệt hại, các thông tin, số liệu, chứng cứ và các căn cứ khác liên quan đến bồi thường thiệt hại và đối tượng gây thiệt hại. 3. Việc lựa chọn cơ quan giám định thiệt hại phải được sự đồng thuận của bên đòi bồi thường và bên phải bồi thường; trường hợp các bên không thống nhất thì việc chọn tổ chức giám định thiệt hại do cơ quan được giao trách nhiệm giải quyết việc bồi thường thiệt hại quyết định. Điều 133. Giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường Việc giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường được quy định như sau: 1. Tự thoả thuận của các bên; 2. Yêu cầu trọng tài giải quyết; 3. Khởi kiện tại Toà án. Điều 134. Bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường 1. Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thực hiện hoạt động bảo hiểm đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường. 2. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường. 3. Tổ chức, cá nhân có hoạt động tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại lớn cho môi trường thì phải mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường.” Định giá thiệt hại là công việc rất phức tạp. Trong nhiều trường hợp các đánh giá về sự thiệt hại chỉ mang tính tương đối. Chúng được coi như các chuẩn mực sơ bộ và thường là những đánh giá thấp so với các thiệt hại thực tế (vì ta không thể nào lường hết được tất cả các thiệt hại). Trong việc định giá thiệt hại cách phân loại mức độ ô nhiễm đóng vai trò quan trọng, nó giúp ta định hướng và ước tính gần với thực tiễn hơn. Thứ sáu, trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường có mối quan hệ nhất định với trách nhiệm khắc phục tình trạng môi trường bị ô nhiễm. Thông thường, trong các quan hệ pháp lý khác có liên quan đến bồi thường thiệt hại, người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường những thiệt hại do mình gây ra và được giải phóng khỏi quan hệ với người bị hại. Nhưng trong lĩnh vực môi trường, người làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thường phải thực hiện đồng thời cả hai biện pháp: Khắc phục tình trạng môi trường bị ô nhiễm và bồi thường thiệt hại về môi trường. Tác dụng chính của biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường là hạn chế, ngăn chặn phạm vi ảnh hưởng, khả năng lây lan ô nhiễm môi trường, đồng thời làm giảm nhẹ những thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra. Tác dụng của bồi thường thiệt hại là bù đắp những tổn thất về người, tài sản và những giá trị sinh thái đã bị mất. Trách nhiệm áp dụng các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường mang tính chất là một biện pháp cưỡng chế hành chính, do người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quyết định, còn bồi thường thiệt hại lại là một loại trách nhiệm dân sự có thể thỏa thuận và xác lập theo ý chí của các bên. Tuy nhiên, trong lĩnh vực môi trường hai loại trách nhiệm có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và trong một số trường hợp có thể thay thế (chuyển hóa) cho nhau, đặc biệt là khi chỉ xuất hiện thiệt hại đối với môi trường tự nhiên mà không xuất hiện thiệt hại đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản của tổ chức, cá nhân. Nếu việc khắc phục tình trạng môi trường bị ô nhiễm, suy thoái do chính người bị hại tiến hành thì những chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại sẽ được tính trong tổng giá trị thiệt hại để đòi bồi thường. Còn trong trường hợp người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã tự mình thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng môi trường bị ô nhiễm thì họ sẽ được giải phóng hoặc giảm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường. Cuối cùng, thời hạn áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường cũng là vấn đề còn nhiều tranh cãi. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời đã trở thành nguyên tắc luật định, song trong lĩnh vực môi trường, do giá trị của các thiệt hại về môi trường thường rất lớn và khó xác định nên trong tuyệt đại đa số các trường hợp việc áp dụng trách nhiệm bồi thường toàn bộ và kịp thời các thiệt hại là điều khó có thể thực hiện được. Pháp luật cần có các quy định mang tính linh hoạt hơn trong lĩnh vực này. Chẳng hạn như người gây thiệt hại đối với môi trường có thể bồi thường một lần hoặc nhiều lần trong khoảng thời gian tối đa một số năm nhất định nào đó kể từ ngày áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Bên cạnh đó, cũng cần cân nhắc đến các quy định về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại. Theo Bộ Luật dân sự 2005 thì thời hạn này là hai năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm. Song cũng cần tính đến trong lĩnh vực môi trường, ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm hại không hoàn toàn trùng khít với ngày phát sinh thiệt hại trên thực tế. Thiệt hại đối với người bị nhiễm chất phóng xạ, nhiễm hóa chất độc hại là những ví dụ điển hình. Nên chăng pháp luật môi trường cần hướng tới việc quy định thời hiệu khởi kiện gắn với ngày mà thiệt hại thực tế xảy ra và cần có khoảng thời gian dài hơn 2 năm. Thực trạng việc áp dụng bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường: Có lẽ, khi nhắc đến hoạt động của một công ty gây ô nhiễm môi trường, khiến người dân nhức nhối trong bao năm qua, người ta sẽ nghĩ ngay đến Vedan. Theo điều tra của các cơ quan chức năng, Công ty Vedan Việt Nam bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1993, trong các lĩnh vực sản xuất bột ngọt, tinh bột biến tính, nước đường, xút, thức ăn chăn nuôi... trên diện tích 120 ha trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Năm 1994, ngay sau khi đi vào hoạt động chính thức, Công ty này đã thải chất thải gây ô nhiễm môi trường trên sông Thị Vải làm thuỷ sản chết hàng loạt. Tiếp theo đó Công ty Vedan Việt Nam đã đề xuất cơ quan chức năng đổ chất thải lên men xuống biển. Tuy nhiên, đề xuất đó đã không được đồng ý, nhưng sau đó Công ty này vẫn cố tình "xả trộm" trong thời gian dài. Mặc dù đã được các cơ quan chức năng cảnh báo song từ năm 2005 đến nay Công ty này vẫn cố tình tái diễn các sai phạm và liên tục bị cơ quan chức năng đóng trên địa bàn và Bộ tài nguyên và môi trường xử phạt... song mọi việc đều như... "nước đổ đầu vịt". Nghiêm trọng nhất là vào năm 2006, cơ quan chức năng đã bắt quả tang và lập biên bản Công ty Vedan Việt Nam có hành vi xả trực tiếp nước thải không qua xử lý vào sông Thị Vải với chỉ số ô nhiễm gấp hàng nghìn lần. Công ty Vedan Việt Nam đã thiết kế hệ thống 4 máy bơm và đường ống kỹ thuật để bơm trực tiếp nước thải ra sông Thị Vải mà không qua hệ thống xử lý nước thải. Đặc biệt hơn, Công ty Vedan đã xây dựng một đường ống bí mật (có đoạn chôn ngầm, có đoạn đi trên mặt đất) ra cầu cảng số 2, chảy vào hai trụ bơm cắm sâu xuống sông Thị Vải (khoảng 7-8m), mở trên mặt cầu cảng một miệng xả hở bằng thép đường kính 20cm… để đổ trực tiếp nước thải thô ra sông Thị Vải. Trung bình mỗi tháng Công ty này thải dung dịch thải sau lên men từ các bể bán âm xuống sông Thị Vải là gần 20 nghìn m3. Ngoài ra, lượng dung dịch thải sau lên men tại các các bồn chứa là 25 nghìn m3/tháng. Có thể nói, kết quả cuộc điều tra đã làm nổi dậy sự phẫn nộ của người dân Đồng Nai nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Báo đài vào cuộc, Chính phủ quan tâm, nhưng sự thật là sau 4 năm kể từ ngày phát hiện ra vụ việc, việc bồi thường thiệt hại của Vedan vẫn chưa hoàn thiện. Sau chuỗi các hoạt động thương lượng nhưng không đạt kết quả, khi mà người dân và chính quyền 3 tỉnh, thành phố đã thống nhất khởi kiện Công ty Vedan ra tòa thì công ty Vedan lại bất ngờ chấp nhận đền bù 100% số tiền yêu cầu bồi thường thiệt hại của nông dân 3 tỉnh, thành: thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai. Tuy nhiên, mức đền bù này cũng không nhận được sự đồng thuận của tất cả người dân, và vẫn có người muốn khởi kiện Vedan ra tòa. Điều đáng nói hơn là, tính đến thời điểm này, tức là sau hơn 3 tháng kể từ ngày Vedan chấp nhận đền bù, tiền vẫn chưa đến được với tay người dân mà vẫn đang mắc kẹt ở các Ủy ban nhân dân, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hội nông dân để tính toán phân chia phần nhận được của mỗi người. Và nếu tính ra, mức đền bù mấy trăm tỉ của Vedan so với thiệt hại cả trăm năm về sau của con sông Thị Vải vẫn chỉ như muối bỏ bể. Qua sự việc này, có thể nhận thấy việc bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường ở Việt Nam ta, tuy đã có các văn bản pháp lí nhưng vẫn còn khó khăn khi áp dụng vào thực tế. Mức thiệt hại chưa được xác định công khai minh bạch, các cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng cũng không tác động được nhiều mà chủ yếu do sự tẩy chay Vedan của thị trường tiêu dùng mà công ty này mới chấp nhận đền bù, hơn thế nữa là sự làm việc quan liêu, tắc trách, không nghĩ đến khó khăn của người dân khi chịu đựng thiệt hại do ô nhiễm môi trường. Thực tế có chuyện cơ quan chức năng: Thanh tra Bộ Tài nguyên và môi trường, UBND tỉnh Đồng Nai cứ tranh cãi chuyện cấm hoạt động những đối tượng vi phạm như Vedan không phải là của mình, thay vì cùng nhau hợp tác, nhờ luật sư, chuyên gia đầu ngành về pháp luật... tư vấn xem chuyện “đóng cửa” đó có được không, trách nhiệm “đóng cửa” là của ai hay của cả hai hay của nhiều nơi nữa để giải quyết thấu đáo. Điều 200 BLDS đã nêu rõ sông ngòi, nguồn nước thuộc hình thức sở hữu Nhà nước. Theo khoản 3, Điều 162 BLTTDS và khoản 2 Nghị quyếtsố 02/2006/HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC (Nghị quyết 02) thì cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ, quyền hạn quản lý lĩnh vực nhất định liên quan đến lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước thì có quyền khởi kiện để bảo vệ lợi ích đó nếu bị xâm hại. Theo Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án thì từ ngày 01/7/2009, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc khởi kiện để bảo vệ các lợi ích đó không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí. Hơn nữa, tại Điều 61 Luật bảo vệ môi trường 2005 đã quy định trong trường hợp có thiệt hại về môi trường, UBND cấp tỉnh nơi xảy ra thiệt hại phải phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức điều tra, đánh giá, mức độ thiệt hại và yêu cầu các đối tượng gây thiệt hại phải bồi thường. Do vậy, nếu không tự thỏa thuận được về bồi thường thiệt hại với Vedan thì cơ quan tài nguyên và môi trường có thẩm quyền cần nhanh chóng xúc tiến việc khởi kiện để tránh việc hết thời hiệu khởi kiện (hết hai năm kể từ khi quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước bị xâm phạm). Tuy nhiên, việc khởi kiện trên thực tế lại là của người dân chứ không phải là của các cơ quan có thẩm quyền như luật quy định. 4. Phương hướng hoàn thiện về bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường: Có thể nói, so với Luật bảo vệ môi trường 1993 và Bộ luật dân sự 1995 thì Luật bảo vệ môi trường 2005 và Bộ luật dân sự 2005 đã có những bước tiến đáng kể trong việc quy định những vấn đề liên quan đến bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường. Nhưng chỉ qua một ví dụ trên, ta đã nhận ra không ít điểm bất cập trên thực tế. Và cần có những phương hướng để hoàn thiện việc bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường này. Thứ nhất, trong khi chờ đợi các nhà làm luật cải cách luật pháp xử lý vi phạm hành chính theo hướng nghiêm khắc hơn, khả thi hơn thì ngay từ bây giờ, các cơ quan chức năng cần phải đổi mới việc xử lý: sử dụng đồng loạt các biện pháp nói trên bên cạnh việc phạt tiền đối với những đối tượng “nói mà không nghe, phạt mà không sợ”, tập trung lực lượng “ra quân” và “tiến công” quyết liệt để làm gương cho các đối tượng khác. Dẫu có thể là trước mắt, việc làm này chỉ mới ở những chỗ trọng tâm, trọng điểm nhưng ít nhiều cũng có tác dụng hạn chế vi phạm. Thứ hai, cần thường xuyên lập các đoàn thanh tra, cảnh sát môi trường để kịp thời phát hiện những hành vi gây ô nhiễm môi trường, để khắc phục hậu quả càng sớm càng tốt. Thứ ba, những thành phần đặc biệt của môi trường như: đất, sông, hồ, ao theo quy định là thuộc sở hữu của nhà nước, vì vậy khi những tài nguyên này bị ô nhiễm, cần có sự tác động thật sự từ phía các cơ quan nhà nước. Thứ tư, cần xử lí nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm môi trường, ngoài phạt tiền để khôi phục lại môi trường, có thể phạt tù để tính răn đe cao hơn. Thứ năm, do xác định thiệt hại, tính toán chi phí thiệt hại và chi phí hạn chế, khắc phục thiệt hại là công việc đòi hỏi chuyên môn sâu, thường những cơ quan chuyên môn mới thực hiện được và phải tốn những khoản chi phí không nhỏ cho việc này. Đó là chưa kể trong nhiều trường hợp, nhất là đối với vụ việc phức tạp phải qua giám định mà cơ sở để giám định lại cần phải có những chứng cứ, thông tin, và nhiều căn cứ khác. Do vậy, thiết nghĩ, không cần đợi đến khi khởi kiện ra tòa, một hoặc các bên đương sự có yêu cầu giám định mới tiến hành giám định tư pháp, UBND tỉnh nơi xảy ra thiệt hại cần chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức điều tra, đánh giá mức độ thiệt hại để người dân lấy đó làm tài liệu để chứng minh thiệt hại. Trong trường hợp phải giám định tư pháp thì cơ quan chức năng miễn phí giám định tư pháp cho các đối tượng nghèo, thuộc diện chính sách. Thứ sáu, người dân phải đối mặt với vấn đề thời hiệu là chỉ được khởi kiện trong vòng hai năm kể từ ngày quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm (Điều 607 BLDS), trong khi đó vấn đề xác định thời hiệu khởi kiện trong thực tế là phức tạp.Theo pháp luật hiện hành thì ngày mà đối tượng xâm phạm quyền lợi hợp pháp của mình là ngày xảy ra vi phạm. Các vi phạm về môi trường và hậu quả của nó thường rất khó phát hiện. Vấn đề là làm sao dễ dàng biết được ngày xảy ra vi phạm để mà tính thời hiệu, nếu như cơ quan không vào cuộc điều tra, phát hiện hành vi vi phạm đó? Có lẽ cần qui định thời hiệu cho những vụ đòi bồi thường thiệt hại về môi trường là hàng chục năm trở lên, thậm chí là không có thời hiệu. Thứ bảy là ở khâu thụ lý đơn khởi kiện, Tòa án chỉ nên yêu cầu nguyên đơn xuất trình tài liệu, chứng cứ ban đầu để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ ( hình ảnh về hành vi vi phạm môi trường và cây cối, tôm cá, chết...,kết luận của cơ quan chức năng nếu có...). Còn giá trị pháp lý của các tài liệu, chứng cứ ấy có hay không, ở mức độ nào thì cần phải qua quá trình giải quyết, lấy lời khai, hòa giải, xét xử mới biết được. Còn nếu ngay từ khi nhận đơn khởi kiện, Tòa án cứ buộc người khởi kiện phảicó các tài liệu chứng cứ đều có giá trị pháp lý thì cần gì đến quá trình tố tụng dài vài tháng, có khi là vài năm? Hơn nữa,về mặt nào đó, việc đòi hỏi này đã “vô tình” tước đi quyền khởi kiện của đương sự mà luật đã định. Cuối cùng, ta cần phổ biến pháp luật để người dân hiểu biết hơn về ô nhiễm môi trường và trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, cũng như các thủ tục pháp lý cần thiết để đòi bồi thường. Kết thúc vấn đề: Bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường tại Việt Nam là vấn đề còn rất mới cả từ phương diện lý luận và thực tiễn. Nhận thức một cách đầy đủ về những nội dung liên quan tới thiệt hại về môi trường, bồi thường thiệt hại về môi trường là yếu tố quan trọng cho việc ban hành và áp dụng trách nhiệm này trong tương lai. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng cho dù chế định này có phát triển đến mức nào, chi phí bỏ ra để xử lý, cải tạo môi trường có lớn đến đâu cũng không thể khắc phục được hết những hậu quả do ô nhiễm, suy thoái môi trường gây ra. Do vậy, xác định thiệt hại đối với môi trường và áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường trong mọi trường hợp đều không phải là mong muốn hàng đầu được áp dụng trong lĩnh vực môi trường. Danh mục tài liệu tham khảo: Giáo trình luật dân sự Việt Nam tập 2. Trường đại học luật Hà Nội. Nhà xuất bản công an nhân dân 2006. Giáo trình luật dân sự Việt Nam tập 2. TS Lê Đình Nghị chủ biên. Nhà xuất bản giáo dục 2010. Bộ luật dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2005. Luật bảo vệ môi trường 2005. Nghị định số 80/2006/NĐ -CP về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Nghị định số 21/2008/NĐ-CP của chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009. Bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường. TS Vũ Thu Hạnh. Tạp chí khoa học pháp luật số 3(40)/2007. Các trang web:

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docxMột số vấn đề về bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường.docx