Thực trạng, nguyên nhân và các giải pháp phòng chống tội cướp tài sản ở địa phương

Phần I Giới thiệu chuyên đề Hoà nhập cùng đất nước trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Thanh Hoá đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong nhiều lĩnh vực. Với tốc độ kinh tế phát triển nhanh, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, tình hình an ninh trật tự xã hội được đảm bảo. Song sự phát triển của nền kinh tế cũng nảy sinh và tồn tại những mặt trái của nó, đó là sự tha hoá trong lối sống, đạo đức, sự xuất hiện một bộ phận thanh thiếu niên có lối sống tiêu cực, lệch lạc về nhận thức, muốn hưởng thụ về vật chất nhưng lại không chịu lao động nên đã dấn thân vào con đường tội phạm. Đặc biệt là sự xuất hiện ngày càng nhiều các tệ nạn xã hội cũng như các hành vi phạm tội như trộm cắp, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản . trong đó cướp tài sản là loại tội diễn ra khá phổ biến trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. Trước tình hình tội phạm nói chung và tội cướp tài sản nói riêng, bên cạnh việc đề cao cảnh giác, chúng ta cần có những biện pháp để ngăn chặn tình hình tội phạm và dần loại trừ hành vi phạm tội đó ra khỏi đời sống xã hội. Để góp phần nhỏ bé của mình vào công tác đấu tranh phòng chống loại tội phạm này, em đã mạnh dạn chọn đề tài "Thực trạng, nguyên nhân và các giải pháp phòng chống tội cướp tài sản ở địa phương" làm bài viết chuyên đề cuối khoá cho mình. Đề tài gồm có 4 phần, trong đó nêu rõ quá trình tìm hiểu thu thập thông tin, phương pháp thu thập và thực trạng của tội cướp tài sản xảy ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, qua đó tìm ra nguyên nhân và các giải pháp phòng chống loại tội phạm này một cách có hiệu quả. Đề tài còn nêu lên một số nhận xét và kiến nghị về hoạt động phòng ngừa của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hoá trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động phòng ngừa tội cướp tài sản trên địa bàn. Là một sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường, do kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn còn hạn chế, việc nghiên cứu thu thập tài liệu còn ở giới hạn nhất định nên chuyên đề không thể tránh khỏi những thiếu sót. Rất mong các thầy cô giáo và các bạn đóng góp ý kiến để chuyên đề của em được hoàn thiện hơn. Phần II I. Quá tRình thu thập, thời gian thu thập, phương pháp thu thập 1. Quá trình thu thập và thời gian thu thập tài liệu Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hoá (gọi tắt là VKS tỉnh) là địa điểm nơi em thực tập. Với vai trò thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, VKS tỉnh Thanh Hoá đã góp phần đảm bảo cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Với sự nỗ lực của toàn đơn vị cùng sự phối hợp với các cơ quan Công an, Toà án nhân dân, cơ quan thi hành án VKS tỉnh đã góp phần không nhỏ trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác, giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ tài sản, sức khoẻ, tính mạng của nhân dân. Vì chọn đề tài "Thực trạng, nguyên nhân và các giải pháp phòng chống tội cướp tài sản ở địa phương" nên ngay từ đầu thời gian thực tập tại VKS tỉnh Thanh Hoá, trên cơ sở những yêu cầu của chuyên đề thực tập, em đã nghiên cứu các hồ sơ vụ án, đọc cáo trạng, đồng thời chú trọng việc thu thập, nắm bắt các thông tin, số liệu về tình hình tội cướp tài sản trên địa bàn tỉnh. Từ đầu tháng 2/2008 là thời gian em nghiên cứu hồ sơ các vụ cướp tài sản của những năm trước trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. Qua nghiên cứu hồ sơ, đọc cáo trạng, em đã nắm bắt được tình hình cụ thể của tội cướp tài sản xảy ra trên địa bàn tỉnh. Đầu tháng 3/2008, được sự cho phép của Viện trưởng VKS tỉnh, em đã qua phòng thống kê lấy số liệu về tội cướp tài sản trong 3 năm 2005, 2006, 2007. Cuối tháng 3/2008, em qua phòng kiểm sát điều tra án kinh tế của VKS tỉnh xin các báo cáo tổng kết của các năm 2005, 2006, 2007 làm cơ sở để viết chuyên đề thực tập.

doc24 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 9331 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Thực trạng, nguyên nhân và các giải pháp phòng chống tội cướp tài sản ở địa phương, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Phần I Giới thiệu chuyên đề Hoà nhập cùng đất nước trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Thanh Hoá đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong nhiều lĩnh vực. Với tốc độ kinh tế phát triển nhanh, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, tình hình an ninh trật tự xã hội được đảm bảo. Song sự phát triển của nền kinh tế cũng nảy sinh và tồn tại những mặt trái của nó, đó là sự tha hoá trong lối sống, đạo đức, sự xuất hiện một bộ phận thanh thiếu niên có lối sống tiêu cực, lệch lạc về nhận thức, muốn hưởng thụ về vật chất nhưng lại không chịu lao động nên đã dấn thân vào con đường tội phạm. Đặc biệt là sự xuất hiện ngày càng nhiều các tệ nạn xã hội cũng như các hành vi phạm tội như trộm cắp, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản ... trong đó cướp tài sản là loại tội diễn ra khá phổ biến trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. Trước tình hình tội phạm nói chung và tội cướp tài sản nói riêng, bên cạnh việc đề cao cảnh giác, chúng ta cần có những biện pháp để ngăn chặn tình hình tội phạm và dần loại trừ hành vi phạm tội đó ra khỏi đời sống xã hội. Để góp phần nhỏ bé của mình vào công tác đấu tranh phòng chống loại tội phạm này, em đã mạnh dạn chọn đề tài "Thực trạng, nguyên nhân và các giải pháp phòng chống tội cướp tài sản ở địa phương" làm bài viết chuyên đề cuối khoá cho mình. Đề tài gồm có 4 phần, trong đó nêu rõ quá trình tìm hiểu thu thập thông tin, phương pháp thu thập và thực trạng của tội cướp tài sản xảy ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, qua đó tìm ra nguyên nhân và các giải pháp phòng chống loại tội phạm này một cách có hiệu quả. Đề tài còn nêu lên một số nhận xét và kiến nghị về hoạt động phòng ngừa của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hoá trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động phòng ngừa tội cướp tài sản trên địa bàn. Là một sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường, do kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn còn hạn chế, việc nghiên cứu thu thập tài liệu còn ở giới hạn nhất định nên chuyên đề không thể tránh khỏi những thiếu sót. Rất mong các thầy cô giáo và các bạn đóng góp ý kiến để chuyên đề của em được hoàn thiện hơn. Phần II I. Quá tRình thu thập, thời gian thu thập, phương pháp thu thập 1. Quá trình thu thập và thời gian thu thập tài liệu Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hoá (gọi tắt là VKS tỉnh) là địa điểm nơi em thực tập. Với vai trò thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, VKS tỉnh Thanh Hoá đã góp phần đảm bảo cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Với sự nỗ lực của toàn đơn vị cùng sự phối hợp với các cơ quan Công an, Toà án nhân dân, cơ quan thi hành án .... VKS tỉnh đã góp phần không nhỏ trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác, giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ tài sản, sức khoẻ, tính mạng của nhân dân. Vì chọn đề tài "Thực trạng, nguyên nhân và các giải pháp phòng chống tội cướp tài sản ở địa phương" nên ngay từ đầu thời gian thực tập tại VKS tỉnh Thanh Hoá, trên cơ sở những yêu cầu của chuyên đề thực tập, em đã nghiên cứu các hồ sơ vụ án, đọc cáo trạng, đồng thời chú trọng việc thu thập, nắm bắt các thông tin, số liệu về tình hình tội cướp tài sản trên địa bàn tỉnh. Từ đầu tháng 2/2008 là thời gian em nghiên cứu hồ sơ các vụ cướp tài sản của những năm trước trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. Qua nghiên cứu hồ sơ, đọc cáo trạng, em đã nắm bắt được tình hình cụ thể của tội cướp tài sản xảy ra trên địa bàn tỉnh. Đầu tháng 3/2008, được sự cho phép của Viện trưởng VKS tỉnh, em đã qua phòng thống kê lấy số liệu về tội cướp tài sản trong 3 năm 2005, 2006, 2007. Cuối tháng 3/2008, em qua phòng kiểm sát điều tra án kinh tế của VKS tỉnh xin các báo cáo tổng kết của các năm 2005, 2006, 2007 làm cơ sở để viết chuyên đề thực tập. Cùng với việc nghiên cứu, thu thập tài liệu để viết chuyên đề, những buổi đi cùng kiểm sát viên tham dự các phiên toà xét xử các vụ cướp tài sản và một số vụ án khác đã giúp em có những kiến thức thực tế rất bổ ích phục vụ cho chuyên đề thực tập của mình. Vì thời gian thực tập là 3 tháng (từ ngày 7/1/2008 đến 20/4/2008) nên quá trình thu thập và thời gian thu thập tài liệu có nhiều hạn chế, tuy nhiên đó cũng là khoảng thời gian cần thiết giúp em có thể thu thập được những thông tin chính xác phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu của mình. Tất cả các số liệu, thông tin mà em đã thu thập đều được VKS tỉnh Thanh Hoá thống kê đầy đủ. 2. Phương pháp thu thập Với thời gian nghiên cứu có hạn, để những thông tin đưa ra được đầy đủ, khách quan, bao quát được toàn bộ vấn đề cần tìm hiểu, em đã sử dụng phương pháp phân tích tổng hợp kết hợp với các phương pháp như : Thống kê, điều tra xã hội học dựa trên những kết quả khảo sát, thu thập và trao đổi với cán bộ phòng án kinh tế của VKS tỉnh Thanh Hoá để tổng kết thực trạng công tác phòng ngừa tội cướp tài sản trên địa bàn tỉnh. Từ đó đưa ra các giải pháp, kiến nghị mang ý nghĩa ứng dụng thiết thực vào công tác đấu tranh, phòng chống loại tội phạm này. II. Nguồn thu thập thông tin Với mong muốn chuyên đề thực tập của mình được hoàn chỉnh cũng như các con số được trình bày trong chuyên đề có sự chính xác, em đã thu thập thông tin từ rất nhiều nguồn. Nguồn để thu thập thông tin cho việc nghiên cứu đề tài này là các văn bản, tài liệu có liên quan đến các vụ cướp tài sản. Cụ thể là những văn bản, tài liệu sau: 1. Báo cáo tổng kết năm của phòng kiểm sát điều tra án kinh tế của VKS tỉnh Thanh Hoá trong năm 2005, 2006, 2007. 2. Bộ luật Hình sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 3. Bộ luật Tố tụng hình sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 4. Cáo trạng số 29/KSĐT ngày 29/11/2006 của VKS tỉnh Thanh Hoá. 5. Cáo trạng số 42/KSĐT ngày 18/11/2007 của VKS tỉnh Thanh Hoá. 6. Tạp chí Kiểm sát năm 2005, 2006, 2007. 7. Tội phạm ở Việt Nam - Nguyên nhân và giải pháp, NXB Công an nhân dân. 1. Các thông tin thu thập được Tại sổ thống kê các vụ án hình sự trong 3 năm 2005, 2006, 2007 của VKS tỉnh Thanh Hoá cho thấy: Năm 2005: VKS 2 cấp đã thụ lý kiểm sát điều tra mới 81 vụ với tổng số 178 bị can; đã giải quyết 75 vụ, 156 bị can và kiểm sát xét xử 72 vụ, 148 bị cáo. Về mức hình phạt: Tù từ 3 năm trở xuống có 68 bị cáo (trong đó có 46 bị cáo được hưởng án treo), tù từ 3 - 7 năm có 76 bị cáo, tù từ 7 - 15 năm có 3 bị cáo, tù trên 15 năm có 1 bị cáo. Năm 2006: VKS 2 cấp đã kiểm sát điều tra mới 83 vụ với tổng số 171 bị can, đã giải quyết 75 vụ, 157 bị can và kiểm sát xét xử 71 vụ, 133 bị cáo. Về mức hình phạt: Tù từ 3 năm trở xuống có 77 bị cáo (trong đó có 39 bị cáo được hưởng án treo), tù từ 3 - 7 năm có 48 bị cáo, tù từ 7 - 15 năm có 8 bị cáo. Năm 2007: Trong năm, VKS 2 cấp đã kiểm sát điều tra mới 72 vụ với tổng số 179 bị can; đã giải quyết 55 vụ, 125 bị can và và kiểm sát xét xử 51 vụ, 110 bị cáo. Về mức hình phạt: Tù từ 3 năm trở xuống có 42 bị cáo (trong đó có 20 bị cáo được hưởng án treo), tù từ 3 - 7 năm có 33 bị cáo, tù từ 7 - 15 năm có 35 bị cáo. Đa phần các bị cáo có tuổi đời còn rất trẻ từ 16 - 18, số còn lại từ 18 - 30. Các bị cáo đều có trình độ văn thấp, không có công ăn việc làm, trong đó có một số đối tượng nghiện hút, một số học sinh bỏ học... - Dưới đây là một vụ điển hình về tội cướp tài sản mà VKS tỉnh Thanh Hoá đã thụ lý giải quyết: Ngày 29/11/2006, VKS đã ra bản cáo trạng số 29/KSĐT truy tố trước Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hoá để xét xử đối với Nguyễn Sỹ Công (sinh ngày 30/03/1986, trình độ văn hoá 3/12) và Lê Cao Huy (sinh ngày 05/ 07/1986, trình độ văn hoá 5/12) đều trú tại thôn Trung Kỳ, phường Trung Sơn, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá về tội cướp tài sản được quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự. Theo cáo trạng thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Tối ngày 11/09/2006, sau khi ăn cơm ở nhà ông Biên ở thôn Trung Kỳ, phường Trung Sơn, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá xong, Nguyễn Sỹ Công và Lê Cao Huy đi xe đạp mang theo 02 tuýp nước (loại phi 15, dài 50cm) đi xuống khu vực xã Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn chơi. Khoảng gần một tiếng sau, Huy về nhà cất xe đạp, sau đó Huy và Công đi bộ xuống khu vực giáp ranh giữa phường Trung Sơn và xã Quảng Cư thuộc thị xã Sầm Sơn; Công và Huy vào nhà ông Kỳ lấy trộm bưởi đem ra đường ngồi ăn. Lúc đó có anh Trần Trí Do ở xã Quảng Tiến đi xe đạp đèo chị Vũ Thị Thanh ở xã Quảng Cư đi qua, Huy cầm quả bưởi đang ăn dở ném vào tay anh Do, anh Do nói "Bay làm gì đấy, tao kêu ông Vạn này !", ngay lập tức anh Huy và Công cầm gậy sắt đuổi theo anh Do và chị Thanh, Huy dùng gậy sắt đánh vào tay trái anh Do, cây sắt văng xuống đất, lúc đó Công tiếp tục dùng gậy sắt đánh anh Do làm anh bị choáng và chảy máu. Theo lời khai của Công và Huy, mục đích đánh anh Do là nhằm chiếm đoạt tài sản, nhưng anh Do và chị Thanh bỏ chạy nên bọn chúng chưa lấy được gì. Công và Huy tiếp tục đi xuống bờ biển phía Đông giáp ranh giữa xã Quảng Cư và thôn Trung Kỳ, phường Trung Sơn, quan sát thấy anh Ngô Hữu Loát ở xã Quảng Cư và chị Ngô Thị Hương ở xã Quảng Tiến đang ngồi tâm sự, Công và Huy tiến lại gần từ phía sau dùng gậy sắt đánh vào đầu và người anh Loát, Công nói "Có bao nhiêu tiền thì bỏ ra ngay". Do bị đánh, anh Loát lấy tiền trong túi đưa cho Huy 50.000 đồng, chị Hương thấy anh Loát bị đánh nên van xin Công và Huy. Công thấy chị Hương đeo đồng hồ ở tay trái liền dùng tay giật chiếc đồng hồ và xô chị Hương ngã. Chị Hương van xin "Đồng hồ là kỷ vật của mẹ em, các anh cho em xin". Công quay lại ném chiếc đồng hồ xuống bãi cát, sau đó chúng bỏ đi. Chưa dừng lại ở đó, Công và Huy lại tiếp tục đi xuống phía Nam giáp ranh giữa bãi biển thôn Trung Kỳ và Bắc Kỳ thuộc phường Trung Sơn, nhìn thấy anh Trần Trí Hậu và chị Bùi Thị Loan đều ở xã Quảng Tiến đang ngồi tâm sự, Công và Huy tiến lại gần từ phía sau anh Hậu, dùng gậy sắt đánh vào người, vào đầu anh Hậu. Do bị đánh bất ngờ, anh Hậu bỏ chạy, Công và Huy đuổi theo dùng gậy sắt đánh vào đầu anh Hậu làm anh ngã gục xuống bãi cát. Công và Huy lục soát túi quần, áo anh Hậu để lấy tiền nhưng không lấy được gì. Công quay lại chỗ chị Loan dùng tay vật chị Loan xuống bãi cát và nói "Mày có tiền không", chị Loan van xin rồi nói "Trong người có gì thì móc hết đi rồi tha cho anh ấy", lúc này Huy chạy lại lục soát túi quần chị Loan và lấy hết số tiền của chị (theo báo cáo của chị Loan tổng số tiền bị mất là 400.000 đồng). Sau khi lấy được tiền, Huy đưa cho Công cầm. Công và Huy quay lại chỗ anh Hậu, thấy anh Hậu vẫn nằm trên bãi cát, Công tháo dây thắt lưng của anh Hậu, sau đó chúng đi lại khu vực bãi sứa phía Bắc thì bị Công an bắt, thu giữ toàn bộ số tiền và tài sản mà Công và Hậu vừa chiếm đoạt được. Do bị Công và Hậu dùng gậy sắt tấn công các anh: Trần Trí Do, Ngô Hữu Loát, Trần Trí Hậu bị thương phải vào bệnh viện điều trị. Trong quá trình điều trị anh Do chi phí hết 1.350.000 đồng, gia đình các bị can đã bồi thường 800.000 đồng; anh Loát chi phí hết 987.862 đồng, gia đình các bị can đã bồi thường 800.000 đồng; anh Hậu chi phí hết 2.138.000 đồng, gia đình các bị can đã bồi thường 1.500.000 đồng; số tiền còn lại Công và Huy phải chịu trách nhiệm bồi thường cho các bị hại theo quy định của pháp luật. Trong vụ án này, Nguyễn Sỹ Công và Lê Cao Huy đều là những đối tượng không chịu học tập, lao động, rèn luyện, có nhận thức pháp luật kém. Hành vi của Công và Huy đã dùng gậy sắt là loại hung khí nguy hiểm tấn công nhiều người, liên tục trong một thời gian ngắn để chiếm đoạt tài sản của họ. Hành vi đó đã xâm phạm sức khoẻ, tài sản của người khác, do vậy cần phải được xử lý nghiêm trước pháp luật. Tại phiên toà, các bị cáo Nguyễn Sỹ Công và Lê Cao Huy đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Các bị cáo khai do chơi bời, đua đòi nên đã nảy sinh ý định cướp tài sản để lấy tiền chi tiêu cá nhân. Hành vi của các bị cáo đã phạm tội cướp tài sản quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự như quyết định truy tố của VKS tỉnh Thanh Hoá là hoàn toàn có căn cứ. Hội đồng xét xử Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hoá quyết định tuyên bố các bị cáo Nguyễn Sỹ Công và Lê Cao Huy phạm tội cướp tài sản. Chiếu theo khoản 2 Điều 133, các điểm g, h, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự: Xử phạt Nguyễn Sỹ Công 7 năm tù giam về tội cướp tài sản và Lê Cao Huy 7 năm tù giam về tội cướp tài sản. Thời hạn tù của 2 bị cáo tính từ ngày tạm giam 11/9/2006. Phần III I. Thực trạng tội cướp tài sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa 1. Số lượng vụ cướp tài sản trong những năm qua luôn có sự biến động Thời gian vừa qua tình hình tội phạm nói chung và tội cướp tài sản nói riêng diễn ra hết sức phức tạp và vẫn có chiều hướng gia tăng, thiệt hại cho xã hội ngày càng nghiêm trọng, có lúc tình hình tội phạm trở nên nhức nhối đáng báo động. Nhiều vụ phải mất rất nhiều thời gian, công sức mới phát hiện và triệt phá được vì phần lớn các bị can đều là những con nghiện, trình độ văn hoá thấp, không có công ăn việc làm lại có nhiều tiền án, tiền sự nên có tư tưởng chống đối, không khai báo và dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để che dấu hành vi phạm tội của mình. Từ năm 2005 đến năm 2007 số vụ cướp tài sản mà Toà án 2 cấp đã thụ lý cùng với số lượng bị cáo có sự biến động rõ rệt: Năm 2005 2006 2007 Thụ lý (vụ) 72 71 51 Bị cáo 148 133 110 Bảng 1: Thống kê của VKS tỉnh Thanh Hoá về việc xét xử các vụ cướp tài sản trên địa bàn trong các năm 2005, 2006, 2007. Theo thống kê của VKS tỉnh thì năm 2005, Toà án 2 cấp đã xét xử 72 vụ với 148 bị cáo, đến năm 2006 đã giảm xuống còn 71 vụ, 133 bị cáo. Như vậy, so với năm 2005, tỷ lệ số vụ cướp tài sản năm 2006 đã giảm xuống còn 98,6%. Qua đó cho thấy số vụ cướp tài sản của năm 2006 có giảm đi nhưng không đáng kể (giảm 1 vụ/15 bị cáo). Năm 2007, số vụ cướp tài sản đã giảm đi 20 vụ so với năm 2006 với tổng số 110 bị cáo. Như vậy so với năm 2006 thì năm 2007 tỷ lệ này đã giảm xuống rõ rệt chỉ còn 71,8%. Mặc dù về nguyên tắc đòi hỏi: "Mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời và xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật". Nhưng trên thực tế vẫn tồn tại tội phạm xảy ra nhưng chưa được phát hiện, điều tra. Theo số liệu thống kê của VKS tỉnh Thanh Hoá trong 3 năm cho thấy số vụ cướp tài sản chưa được phát hiện trong năm 2005 là 14 vụ, năm 2006 là 8 vụ và năm 2007 là 11 vụ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đó là do người dân không tố giác tội phạm, nạn nhân sợ việc tố giác sẽ bị trả thù hoặc không thích tiếp xúc với các cơ quan bảo vệ pháp luật ... Mặt khác, do chưa tìm ra được chứng cứ buộc tội đối với thủ phạm nên số lượng tội phạm ẩn vẫn còn rất nhiều. 2. Tội cướp tài sản thường xảy ra tại một số địa bàn trọng điểm. Thanh Hoá có 27 đơn vị hành chính cấp huyện, thị xã, thành phố và 24 huyện. Những vụ cướp tài sản thưởng xảy ra ở một số huyện như: Sầm Sơn, Bỉm Sơn, Tĩnh Gia, Cẩm Thuỷ, Thường Xuân ... Đây là các địa bàn tập trung đông dân cư và có nền kinh tế phát triển hơn so với các địa bàn khác trong tỉnh. Trên địa bàn huyện Tĩnh Gia - nơi có khu công nghiệp Nghi Sơn là địa điểm thu hút rất nhiều lao động tập trung về đây. Cùng với sự phát triển của khu công nghiệp là sự xuất hiện những dịch vụ giải trí không lành mạnh kéo theo những tệ nạn xã hội, làm cho tình hình an ninh trật tự trên địa bàn huyện mất ổn định. Tại khu vực thị trấn Còng của huyện Tĩnh Gia, trong năm 2005 đã xảy ra 4 vụ cướp tài sản. Các vụ cướp thường xảy ra vào ban đêm, các đối tượng cướp tài sản là những thanh niên thất nghiệp, bỏ học sớm, ăn chơi đua đòi và để có tiền tiêu sài, bọn chúng đã tụ tập thành nhóm rủ nhau đi cướp tài sản của người qua đường. Đặc biệt, trong năm 2006, VKS tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp cùng cơ quan điều tra khởi tố vụ án Lê Văn Tráng (ở xã Hải Bình - huyện Tĩnh Gia) cùng 18 đối tượng khác trong đó có 9 đối tượng là trẻ vị thành niên đã dùng hung khí nguy hiểm như dao, gậy, kiếm ra đường quốc lộ vào khoảng từ tháng 6/2005 đến tháng 8/2005, bọn chúng đã thực hiện 6 vụ cướp. Hiện nay đã khởi tố 13 bị can, còn các đối tượng khác đang điều tra để xử lý theo pháp luật. Tại huyện Cẩm Thuỷ, trong 2 năm 2005 và 2006 đã xảy ra 7 vụ cướp tài sản. Điển hình là vụ cướp Taxi tại thị trấn Cẩm Thuỷ: Vào khoảng 12h, ngày 12/10/2006, Nguyễn Văn Lâm, Nguyễn Văn Chiến và Lê Xuân Mai cùng trú tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thuỷ đã thuê xe Taxi Mai Linh (BKS - 4125) do anh Hồ Hữu Xâm điều khiển từ Thành phố Thanh Hoá đến thị trấn Cẩm Thuỷ thì bị 3 tên Lâm, Chiến và Mai dùng dao nhọn khống chế, cướp đi 1.300.000 đồng, 01 chiếc điện thoại di động, 01 chiếc nhẫn vàng cùng xe Taxi. Tất cả các vụ án trên đều đã được đưa ra xét xử, các đối tượng phạm tội đã phải chịu hình phạt thích đáng của pháp luật. Bên cạnh những địa bàn trọng điểm trên, các vụ cướp tài sản còn xảy ra rải rác ở một số huyện như Thọ Xuân, Triệu Sơn, Nga Sơn, Lang Chánh ... Tuy nhiên, nhiều vụ cướp có giá trị không lớn, gây hậu quả không nghiêm trọng và chỉ bị xử phạt hành chính. Qua các vụ án trên cho thấy, nhiều vụ án có đông người tham gia, có sự thống nhất, phân công kế hoạch rõ ràng và các bị can đều đồng phạm với nhau ở mức độ phức tạp, các đối tượng thực hiện hành vi cướp tài sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá chủ yếu là ở lứa tuổi thanh, thiếu niên. Các đối tượng này thường dùng thủ đoạn phạm tội như: Trực tiếp tấn công người bị hại, dùng các công cụ phạm tội nguy hiểm như thanh sắt, ống kim loại, dao, kiếm ... để thực hiện hành vi phạm tội của mình. Hành vi của bọn chúng rất táo bạo và liều lĩnh đối mặt với người bị hại, khống chế họ rồi chiếm đoạt tài sản như trường hợp của nguyễn Sỹ Công và Lê Cao Huy như đã nêu ở phần trên là một ví dụ điển hình. 3. Tính chất, mức độ và hậu quả của tội cướp tài sản Việc áp dụng hình phạt đối với các bị cáo phạm tội cướp tài sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá theo bảng thống kê sau: Năm Tổng số bị cáo Tù từ 3 năm trở xuống Tù từ 3 - 7 năm Tù từ 7 - 15 năm Tù trên 15 năm 2005 148 68 76 3 1 2006 133 77 48 8 0 2007 111 42 33 35 0 Bảng 2: Một số hình phạt Toà án áp dụng đối với các bị cáo phạm tội cướp tài sản trong năm 2005, 2006, 2007. Qua bảng thống kê cho thấy: Năm 2005: Số bị cáo bị áp dụng khung hình phạt tù từ 3 năm trở xuống và tù từ 3 - 7 năm chiếm tỷ lệ cao trong tổng số các bị cáo. Có 68 bị cáo bị phạt tù từ 3 năm trở xuống (trong đó có 46 án treo), chiếm tỷ lệ 45,9% và 76 bị cáo bị phạt tù từ 3 - 7 năm chiếm 39% tổng số bị cáo. Năm 2006: có 77 bị cáo bị áp dụng mức phạt tù từ 3 năm trở xuống (trong đó có 39 án treo) chiếm gần 58% trong tổng số bị cáo trong khi năm 2005 tỷ lệ này chỉ chiếm 45,5%, tù từ 3 - 7 năm chiếm 36%, tù từ 7 - 15 năm chiếm 6% trong tổng số các bị cáo. Năm 2007: Số bị cáo bị áp dụng khung hình phạt tù từ 3 năm trở xuống chiếm vị trí cao trong tổng số bị cáo - chiếm tỷ lệ 38%; số bị cáo bị áp dụng mức phạt tù từ 3 - 7 năm chiếm 30%, tù từ 7 - 15 năm chiếm 32% trong tổng số các bị cáo. Như vậy, trong thời gian qua do tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội nên những hình phạt mà Toà án áp dụng ngày càng nghiêm khắc đối với những đối tượng phạm tội cướp tài sản. Với thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, tính chất, mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng, hành vi cướp tài sản đã đe doạ trực tiếp đến quyền sở hữu, đến tính mạng, sức khỏe của người dân, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. Vì vậy, những hành vi đó cần phải được xử lý nghiêm khắc trước pháp luật. Trên đây là toàn bộ thực trạng của tội cướp tài sản xảy ra trên địa bàn tỉnh Thanh hoá trong các năm 2005, 2006, 2007. Dự báo trong những năm tới loại tội phạm này có chiều hướng gia tăng cả về số lượng, quy mô và tính chất. Vì vậy đòi hỏi các cơ quan chức năng mà đặc biệt là cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Toà án phải có sự phối hợp chặt chẽ trong việc tìm ra nguyên nhân phát sinh tội phạm. Đồng thời, đề ra giải pháp hữu hiệu để chủ động tấn công và phòng ngừa tội phạm, từ đó mới hạn chế được tội phạm và hậu quả có thể xảy ra. II. Nguyên nhân làm phát sinh tội cướp tài sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. Mỗi tội phạm xảy ra thường không phải do một nguyên nhân mà là kết quả của tập hợp hàng loạt các tình huống tác động đến con người cụ thể. Trong những năm qua, các vụ cướp tài sản trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, có năm giảm so với cùng kỳ năm trước, có năm lại tăng lên. Việc tăng, giảm các vụ án này do rất nhiều nguyên nhân. Qua những vụ cướp đã xảy ra và qua nghiên cứu hồ sơ tại VKS tỉnh, em nhận thấy nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh tội cướp tài sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá là do những nguyên nhân sau: 1. Nguyên nhân chủ quan Do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường đã ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng, tâm lý người phạm tội làm nảy sinh tiêu cực nhất là đạo đức, lối sống. Một bộ phận thanh niên đã đến tuổi lao động nhưng không tìm được việc làm hoặc công việc không ổn định dẫn đến chơi bời lêu lổng, sa vào các tệ nạn xã hội như nghiện hút, cờ bạc, mại dâm ... Từ đó dẫn đến thói quen sống buông thả và thích thụ hưởng, ăn chơi đua đòi không chịu lao động. Để có tiền đáp ứng những nhu cầu cá nhân của mình nên đã dấn thân vào con đường tội phạm. - Đa số các bị cáo đều có trình độ văn hoá thấp, nhiều bị cáo chưa học hết bậc tiểu học, phần đông các bị cáo ở lứa tuổi thanh, thiếu niên có nhận thức kém, thiếu hiểu biết pháp luật, không ý thức được hành vi của mình là phạm pháp nên đã bị các đối tượng xấu lôi kéo vào con đường phạm tội. 2. Nguyên nhân khách quan - Thứ nhất: Do tác động từ phía gia đình Đa số các vụ cướp xảy ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đều do các em ở độ tuổi vị thành niên gây ra. Nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của các em phần nào là do lỗi từ phía gia đình vì đây là môi trường gần gũi nhất bao bọc các em từ khi còn nhỏ. Nhưng ở một số gia đình, do phương pháp giáo dục không hợp lý, lối sống tiêu cực của chính các thành viên trong gia đình đã đẩy các em vào con đường phạm tội. Hầu hết các bị cáo đều xuất thân từ những gia đình không hạnh phúc hoặc bố mẹ mải lo làm ăn buông lỏng sự quản lý đối với con cái nên đã xảy ra những hậu qủa đáng tiếc. Đây cũng là bài học để các bậc cha mẹ phải xem xét và thấy được tầm quan trọng trong việc tạo dựng một gia đình văn hoá mẫu mực, hạnh phúc để các em có điều kiện phát triển tốt cả về thể chất cũng như nhân cách. - Thứ hai: Về phía nhà trường Hiện nay trong nhiều nhà trường vẫn chưa chú ý việc giáo dục, tuyên truyền cho học sinh những kiến thức pháp luật trong các giờ học hoặc có được tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật nhưng những bài học về tội phạm và phòng chống tội phạm chưa được đề cập đến nhiều. Chính vì vậy mà kiến thức pháp luật của học sinh còn rất hạn chế và một thực tế rất đáng lo ngại là một số lượng lớn các em bị "mù pháp luật". Có em phạm tội, khi đến cơ quan điều tra để lấy lời khai thì vừa khóc vừa nói "cháu chỉ biết rằng việc làm đó của cháu người ta gọi là đi ăn cướp chứ cháu đâu có biết làm như vậy là phạm tội hình sự và phải đi tù. Nếu biết vậy thì cháu đã không dám...". - Thứ ba: Do các tổ chức Đoàn, đội chưa phát huy được vai trò của mình. Sự kém hấp dẫn và thiếu tính thực tế trong các hoạt động của tổ chức đoàn, đội đã không mang lại hiệu quả mà đôi khi còn có kết quả ngược lại. Công tác giáo dục, tuyên truyền kiến thức pháp luật cho công dân cũng chưa được quan tâm đúng mức; nhiều huyện không có hoặc có nhưng rất ít các địa điểm, cơ sở tổ chức những buổi giáo dục, tuyên truyền pháp luật cho người dân nên đã dẫn đến tình trạng người dân không hiểu biết pháp luật hoặc hiểu một cách mờ nhạt. Vì vậy trên các địa bàn của tỉnh, công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm nói chung và tội phạm cướp tài sản nói riêng chưa thực sự có hiệu quả, dẫn đến tình hình tội phạm vẫn gia tăng nhanh. - Thứ tư: Về phía nhân dân Trong thời gian vừa qua, quần chúng nhân dân chưa thực sự phát huy được vai trò của mình cũng như tham gia vào công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm; người dân vì lý do nào đó mà không tố giác tội phạm hoặc sợ việc tố giác sẽ bị trả thù hoặc không thích tiếp xúc với các cơ quan bảo vệ pháp luật vì cho rằng Công an cũng không làm gì được ... nên khi phát hiện thấy tội phạm, nhân dân cũng chưa có sự phối hợp với cơ quan Công an, Viện kiểm sát ... để ngăn chặn hành vi phạm tội, cho nên nhiều tội phạm vẫn không được phát hiện và xử lý kịp thời nên chúng vẫn ngang nhiên sống ngoài vòng pháp luật. - Thứ năm: Do ảnh hưởng từ những mặt trái của sự phát triển xã hội. Trong quá trình phát triển nền kinh tế đất nước, đặc biệt là quá trình hội nhập sẽ không tránh khỏi việc xuất hiện những tệ nạn xã hội và tỉnh Thanh Hoá cũng không phải là một ngoại lệ. Ngày càng xuất hiện nhiều hơn các tụ điểm ăn chơi và những tụ điểm này chính là những " điểm xoáy" dễ cuốn các đối tượng ăn chơi đua đòi tập trung ở đây và để có tiền tiêu xài thì việc thực hiện hành vi phạm tội trong đó có hành vi cướp tài sản là điều không thể tránh khỏi. Một số tụ điểm ăn chơi tập trung ở một số địa phương như Sầm Sơn, Tĩnh Gia, Quảng Xương, Bá Thước... và đây cũng là những địa bàn thường xuyên xảy ra các vụ cướp tài sản. - Thứ sáu: Là do sự kém hiệu quả của công tác Tư pháp. Trong cuộc đấu tranh, phòng ngừa tội phạm thì các cơ quan Tư pháp chưa đánh giá đầy đủ tính chất phức tạp và nghiêm trọng của tội cướp tài sản nên biện pháp đấu tranh nhiều lúc còn bất cập, bị động, đối phó và buông lỏng dẫn đến tình hình tội phạm không hề giảm mà còn xu hướng tăng lên; sự phối kết hợp giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật với người dân còn thiếu chặt chẽ nên việc phát hiện, xử lý tội phạm gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, việc thi hành pháp luật chưa nghiêm, đội ngũ cán bộ còn hạn chế về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần đấu tranh với tội phạm chưa cao, chưa kiên quyết và triệt để; sự thiếu chặt chẽ trong phối hợp hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật đã dẫn đến tình trạng " thả nổi" cho các bị cáo. Nhiều trường hợp khi xét xử, Toà án nên cách ly một số đối tượng nguy hiểm, tái phạm nhiều lần ra khỏi đời sống xã hội một thời gian để các đối tượng này nhận thấy hậu quả từ hành vi phạm tội của mình. Nhưng thực tế, Toà án lại quyết định khung hình phạt quá nhẹ so với tội danh của các bị cáo với lý do là giúp đỡ họ sửa chữa những sai lầm, trở thành công dân có ích cho xã hội. Nhưng chính sự khoan dung của pháp luật đã tạo điều kiện để các bị cáo này sống ngoài vòng pháp luật và tiếp tục thực hiện các hành vi phạm tội của mình. Trên đây là một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc hình thành, phát sinh tội cướp tài sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. Mặc dù trên thực tế còn vô số các nguyên nhân khác nhưng qua nghiên cứu hồ sơ tại Viện kiểm sát tỉnh Thanh Hóa và qua thực tế xét xử các vụ cướp tài sản của Tòa án trong những năm qua cho thấy đây là những nguyên nhân cơ bản và trực tiếp nhất. Từ những nguyên nhân này, nếu chúng ta có sự khắc phục hợp lý và có những giải pháp kịp thời để ngăn chặn hành vi phạm tội thì sẽ hạn chế được tình hình tội phạm nói chung và tội phạm cướp tài sản nói riêng. III- Các giải pháp phòng chống tội cướp tài sản. 1. Dự báo tình hình tội cướp tài sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. Phòng ngừa tình hình tội phạm là biện pháp đấu tranh, phòng chống tội phạm có hiệu quả nhất. Để đạt được mục đích loại trừ tội phạm ra khỏi đời sống xã hội, Thanh Hoá đã coi công tác phòng ngừa tình hình tội phạm là hoạt động thường xuyên và cấp thiết nhằm khắc phục những nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm, đảm bảo an ninh trật từ trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, chương trình đấu tranh phòng chống tội phạm cũng như chiến lược, chiến thuật phòng ngừa tình hình tội phạm sẽ trở nên hình thức nếu như không được xây dựng trên cơ sở những dự báo tình hình tội phạm. Đây là một việc làm rất cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn quan trọng trong công tác đấu tranh và phòng ngừa tội phạm. Có dự báo tốt, chúng ta mới chủ động và có giải pháp kịp thời để ngăn chặn hành vi phạm tội, từ đó mới hạn chế được tội phạm và hậu quả có thể xảy ra. Trong điều kiện kinh tế, xã hội của tỉnh Thanh Hoá có thể cho phép dự báo tình hình tội phạm nói chung và tội cướp tài sản nói riêng trong thời gian tới vẫn tiếp tục gia tăng cả về số lượng, phức tạp về phương pháp, thủ đoạn phạm tội; tính chất, mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng. Xu hướng phạm tội có tính chất ổ nhóm có chiều hướng tăng, các đối tượng phạm tội cướp tài sản sẽ tập trung ở một số thanh, thiếu niên chưa có công ăn việc làm, các đối tượng nghiện hút ... Vì vậy, để nâng cao công tác đấu tranh, phòng ngừa tội cướp tài sản ở Thanh Hoá, trong thời gian tới các cơ quan Công an, Việm kiểm sát, Toà án phải và các cơ quan chức năng khác có sự phối hợp chặt chẽ với nhau và đề ra các giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn và đẩy lùi loại tội phạm này ra khỏi đời sống xã hội. 2. Một số biện pháp phòng ngừa tội cướp tài sản trên địa bàn tỉnh Thực hiện Nghị quyết 09/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới và Quyết định số 138/QĐ-TTg ngày 31/8/1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm và các đề án cụ thể, công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội cướp tài sản của tỉnh Thanh Hoá không thể tách rời các biện pháp chung của toàn xã hội và của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Tuy nhiên mỗi loại tội phạm đều có đặc điểm, phương thức, thủ đoạn hoạt động riêng nên với từng loại tội phạm phải có những biện pháp phòng ngừa tương ứng. Để đẩy mạnh hơn nữa công tác đấu tranh phòng chống tội cướp tài sản, giữ gìn trật tự trị an trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, chúng ta cần thực hiện các biện pháp sau: 1.1. Các biện pháp về kinh tế Biện pháp này đòi hỏi phải nâng cao đời sống nhân dân, mở rộng mạng lưới giáo dục xã hội, tổ chức việc làm cho người lao động (cho cả đối tượng là phạm nhân đang chấp hành hoặc người đã chấp hành xong hình phạt tù) nhằm từng bước giải quyết tình trạng thanh niên thất nghiệp, thiếu việc làm, tạo điều kiện cho họ có thu nhập để đảm bảo cuộc sống hàng ngày, từ đó sẽ phần nào hạn chế được tình trạng cướp tài sản trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra cần chú ý đến vấn đề dạy nghề cho các đối tượng ở trại giam, đưa chương trình việc làm vào các trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, hỗ trợ giải quyết việc làm cho các đối tượng đã mãn hạn tù, giúp họ hoà nhập lại cộng đồng. 1.2. Các biện pháp xã hội - Thường xuyên tổ chức quần chúng nhân dân tham gia phát hiện các biểu hiện nghi vấn của những đối tượng có khả năng gây án, tố giác tội phạm cướp tài sản hoặc chủ động báo cho các cơ quan chức năng ngăn chặn kịp thời hành vi phạm tội, không để bọn tội phạm gây án. - Cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho người dân để nâng cao ý thức pháp luật cho họ, đặc biệt là những người có độ tuổi từ 16 đến 30 vì đây là những đối tượng có khả gây án cao. Nếu làm tốt công tác này sẽ giúp người dân hiểu rõ và chấp hành pháp luật một cách nghiêm chỉnh đồng thời nâng cao ý thức cảnh giác đề phòng nạn cướp tài sản, bảo vệ an toàn tài sản của chính họ. Mặt khác, cần xây dựng lối sống văn minh, lành mạnh tại các cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh, trong nhà trường cũng như trong gia đình để các hành vi phạm tội không có " cơ hội" len lỏi vào trong cuộc sống. - Đẩy mạnh các hoạt động của đoàn thanh niên, hội phụ nữ.... đối với việc quản lý, giáo dục thanh niên trên địa bàn tỉnh, giáo dục những đối tượng có biểu hiện nghi vấn tại địa phương để họ tự nhận thức đúng đắn mà từ bỏ ý định phạm tội nhằm giúp đỡ và cảm hoá những người lầm lỗi, tạo điều kiện cho họ ra trình diện, khai báo với cơ quan điều tra về hành vi phạm tội của mình. - Đối với các đối tượng cướp tài sản là học sinh, người chưa thành niên thì gia đình, nhà trường cần phải quan tâm, giáo dục hơn nữa để họ có cơ hội sửa chữa sai lầm của mình, trở thành công dân tốt cho xã hội và điều quan trọng là để các em không quay lại con đường tội phạm. Mặt khác, gia đình phải thường xuyên giữ mối liên lạc với nhà trường để kịp thời phát hiện, uốn nắn và giáo dục các em sữa chữa những khuyết điểm, sai lầm đã mắc phải. 1.3. Các biện pháp về tổ chức - quản lý xã hội - Công tác xây dựng, bố trí lực lượng nhằm điều tra, phát hiện tội phạm nói chung và tội cướp tài sản nói riêng phải phù hợp với từng địa bàn trong tỉnh. Đội chuyên trách chống tội phạm cướp tài sản thuộc Công an tỉnh Thanh Hoá hay các đội tự vệ ở các xã, phường, thị trấn phải tăng cường tuần tra vào ban đêm ở những khu vực tập trung đông dân cư và các khu vực thường xuyên xảy ra các vụ cướp tài sản. 1.4. Đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ của cơ quan Công an và các cơ quan chức năng khác. - Để công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm có hiệu quả, ngoài các biện pháp trinh sát bí mật, cơ quan Công an cần tiến hành các biện pháp tuần tra và các biện pháp kỹ thuật khác. - Việc quản lý người phạm tội cũng phải được cơ quan chức năng tiến hành một cách chặt chẽ và thường xuyên. Lực lượng Công an và các đội tự vệ phải tập trung rà soát kỹ các đối tượng đã có tiền án, tiền sự về tội cướp tài sản, qua đó theo dõi nắm chắc tình hình hoạt động, phương thức, thủ đoạn phạm tội của các vụ cướp xảy ra trên địa bàn tỉnh. 1.5. Nâng cao vai trò của quần chúng nhân dân. Đấu tranh, phòng chống tội phạm là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, của các cấp chính quyền về bảo vệ tài sản của Nhà nước của nhân dân. Do vậy, trong quá trình đấu tranh, phòng chống tội cướp tài sản phải tổ chức quần chúng nhân dân tham gia vào một số hoạt động như: - Khi phát hiện thấy tội phạm, cần báo cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời. - Ngăn chặn tội cướp đang diễn ra. - Phối hợp với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội.... trên địa bàn mình sinh sống để thực hiện các chương trình phòng chống tội cướp tài sản. 1.6. Nâng cao vai trò của Toà án trong công tác xét xử. Trong cuộc đấu tranh, phòng chống tội phạm, Toà án nhân danh Nhà nước kết tội và tuyên án người phạm tội bằng bản án. Đối với các đối tượng phạm tội cướp tài sản, nhất là những đối tượng phạm tội có tính chất đồng phạm nguy hiểm, tái phạm nhiều lần gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội thì Toà án nên áp dụng khung hình phạt thích đáng, nghiêm minh, đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội nhằm cách ly các đối tượng này ra khỏi xã hội một thời gian cần thiết để họ tự nhận thức và sửa chữa sai lầm của mình, đồng thời việc đưa ra mức hình phạt thích đáng sẽ có tác dụng răn đe, cảnh báo cho những đối tượng khác có ý định phạm tội, từ đó phần nào hạn chế bớt loại tội phạm này. Trong quá trình xét xử, cùng với việc ra bản án, Toà án ra kiến nghị đối với các cơ quan, tổ chức áp dụng những biện pháp cần thiết để khắc phục những nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh tội phạm tại các cơ quan, tổ chức đó. Như vậy, công tác đấu tranh, phòng chống tội cướp tài sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đang là vấn đề cấp bách hiện nay. Nó đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa sự phối hợp của tất cả các cơ quan chính quyền, các ban ngành đoàn thể cùng toàn bộ nhân dân tham gia vào công tác này một cách tích cực. Đấu tranh, phòng chống loại tội phạm này cần thiết phải có sự chủ động, có kế hoạch dự liệu từ trước. Điều cơ bản là loại trừ trước các điều kiện phát sinh tội phạm chứ không phải là bị động chạy theo việc loại trừ các điều kiện để tội phạm tồn tại và gia tăng. Phần IV I. Nhận xét hoạt động của VKS tỉnh thanh hóa trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động phòng ngừa tội cướp tài sản. Hoạt động phòng ngừa tội phạm nói chung của VKS được đánh giá rất cao bởi vì chức năng của VKS thể hiện chủ yếu ở việc kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật, áp dụng pháp luật và nhất là phát hiện các vi phạm pháp luật và tội phạm cùng các cơ quan hữu quan khác làm sáng tỏ nguyên nhân, điều kiện của tình trạng tội phạm, phát hiện nhanh chóng, chính xác các tội phạm cụ thể. Trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, VKS tỉnh Thanh Hoá đã đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động phòng ngừa tình hình tội phạm nói chung và tội cướp tài sản nói riêng. Để thực hiện được yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, hàng năm VKS chủ trì các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Hội đồng nhân dân, Mặt trận tổ quốc cùng các ban ngành có liên quan họp đánh giá kết quả công tác phối hợp, đấu tranh phòng chống tội phạm và bàn phương hướng phối hợp trong giai đoạn mới. Thông qua việc giải quyết tin báo tố giác tội phạm, VKS đã yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố hoặc trực tiếp khởi tố yêu cầu cơ quan điều tra điều tra hàng trăm vụ cướp tài sản, góp phần hạn chế việc bỏ lọt tội phạm. Việc bắt giữ, xử lý tội phạm được tiến hành thận trọng hơn, số vụ việc chuyển khởi tố hình sự đạt tỷ lệ ngày càng cao, giảm đáng kể các trường hợp quá hạn điều tra, bỏ lọt tội phạm và khởi tố điều tra không đúng. VKS tỉnh đã kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết của cơ quan điều tra không để một tội phạm nào không được xử lý, quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đều có căn cứ, đúng pháp lụât. VKS tỉnh Thanh Hoá đã có những cải tiến, đổi mới trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ cướp tài sản nên chất lượng truy tố được nâng lên đồng thời tăng cường cán bộ, kiểm sát viên có năng lực, trình độ cho các bộ phận làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự. Những lý lẽ xác đáng trong bản cáo trạng của VKS có tác dụng rất cao đối với quần chúng nhân dân đồng thời định hướng cho công tác xét xử của Toà án được đúng người, đúng tội để đạt được bản án thấu tình đạt lý. Mặt khác, việc truy tố, xét xử và buộc kẻ phạm tội phải chịu hình phạt nghiêm khắc trước pháp lụât không chỉ có ý nghĩa phòng ngừa cá biệt mà còn răn đe đối với những đối tượng khác có ý định phạm tội. Kết thúc một năm, VKS tỉnh Thanh Hoá làm báo cáo tổng kết về tình hình tội phạm xảy ra trên địa bàn tỉnh trong năm vừa qua. Việc tổng kết hàng năm giúp cho VKS nắm được khá chính xác tình hình tội cướp tài sản, tìm ra những nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm, từ đó phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật khác đề ra chương trình phòng ngừa tội phạm cụ thể. Đây là một trong những phương hướng quan trọng trong vịêc đấu tranh, phòng ngừa tội cướp tài sản của VKS tỉnh Thanh Hoá. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn tồn tại những hạn chế và khó khăn trong đơn vị. Cụ thể là năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của một số cán bộ, kiểm sát viên chưa cao; việc chỉ đạo, phối hợp giải quyết án có nơi, có lúc còn yếu; cơ sở vật chất, phương tiện cũng như điều kiện làm việc của VKS mặc dù đã được tăng cường nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao. II. Kiến nghị VKS là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, góp phần đảm bảo cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Để thực hiện tốt vai trò của mình, VKS tỉnh Thanh Hoá cần chú ý các vấn đề sau: - Tập trung rút kinh nghiệm nâng cao trách nhiệm, kỹ năng nghiệp vụ của kiểm sát viên làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên toà hình sự, cần nghiên cứu hồ sơ vụ án, chuẩn bị dự kiến các nội dung để bảo vệ bản cáo trạng, chủ động xét hỏi để làm rõ các chứng cứ buộc tội cũng như các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Nếu thực hiện tốt vấn đề này thì chất lượng kiểm sát xét xử sẽ đạt kết quả cao. - Quan điểm xử lý, đề nghị mức hình phạt của VKS phải đảm bảo tính có căn cứ, phù hợp với chính sách hình sự. VKS cần chủ động trao đổi, thống nhất với Toà án tổ chức xét xử các vụ án, sau khi xét xử cả hai đơn vị cùng tiến hành rút kinh nghiệm, giải quyết kịp thời những tồn tại, hạn chế. - Trong quá trình giải quyết các vụ án cần quán triệt nguyên tắc không để lọt tội phạm nhưng đồng thời cũng không để oan, sai xảy ra. Để làm tốt vấn đề này đòi hỏi các cán bộ, kiểm sát viên phải có bản lĩnh nghiệp vụ vững vàng. - Trong thời gian tới, VKS cần phải chú trọng việc nâng cao năng lực, phẩm chất, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, kiểm sát viên đối với công việc. Trong công tác tuyển chọn đội ngũ cán bộ cần chú trọng thực hiện theo một quy trình chặt chẽ, nên tuyển chọn các kiểm sát viên có trình độ chuyên môn vững vàng, đủ sức để giải quyết các vấn đề phát sinh. Với số lượng kiểm sát viên còn ít, đơn vị cần bố trí, sắp xếp cho phù hợp với từng nhiệm vụ để họ có điều kiện hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đồng thời, đơn vị cũng cần tạo điều kiện động viên cán bộ tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phấn đấu đạt chuẩn hoá cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng những cán bộ giỏi, có năng lực làm nòng cốt trong đơn vị để hoàn thành tốt công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới. Mặt khác, phải thường xuyên kiểm tra đội ngũ cán bộ nói trên, nếu người nào vi phạm nghiệp vụ, có tiêu cực trong khi làm nhiệm vụ thì phải xử lý nghiêm minh. - Tuyên truyền pháp luật, đặc bịêt là tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa tình hình tội phạm qua các phương tiện thông tin đại chúng. Đây cũng là hướng hoạt động phòng ngừa tội cướp tài sản của VKS tỉnh. Việc làm này còn nhằm động viên, khích lệ nhân dân tham gia vào cuộc đấu tranh phòng chống loại tội phạm này. - VKS cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, Toà án ngay từ đầu giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, đảm bảo việc xét xử được diễn ra nhanh chóng, an toàn, đúng người, đúng tội. - Chế độ, chính sách đối với cán bộ kiểm sát cũng cần được quan tâm. Cần tăng cường cơ sở vật chất cho VKS để tạo ra một diện mạo mới cần thiết đối với một cơ quan pháp luật, đồng thời nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các kiểm sát viên để hạn chế tiêu cực trong khi làm nhiệm vụ, giúp họ yên tâm công tác, cống hiến hết mình cho sự nghiệp tư pháp. III. Kết luận Cướp tài sản là loại tội phạm có tính chất nguy hiểm cho xã hội, đe doạ đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của Nhà nước, của công dân, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh xã hội và trật tự công cộng. Vì vậy đấu tranh, phòng chống loại tội phạm này là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp thiết của toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay. Đây là cuộc đấu tranh lâu dài và đầy khó khăn, đòi hỏi phải có sự tham gia góp sức của toàn xã hội, trong đó các cơ quan Tư pháp là những lực lượng tiên phong trong công tác này, các cơ quan Tư pháp phải có sự phối hợp chặt chẽ với nhau, đồng thời phải có sự quyết tâm cao, tiếp tục nỗ lực khắc phục những khó khăn của đơn vị mình và kiên quyết đấu tranh với loại tội phạm nguy hiểm này. Mặt khác, để làm tốt công tác này, các cơ quan Tư pháp trong đó có Viện kiểm sát cần nghiên cứu những nguyên nhân và điều kiện cũng như thực trạng của tội cướp tài sản trên địa bàn mình, trên cơ sở đó dự báo tình hình tội phạm và hướng khắc phục trong tương lai. Với mong muốn có thể nâng cao hiệu quả của công tác và phần nào khắc phục những mặt hạn chế đó, em đã đưa ra một số giải pháp và kiến nghị cụ thể đối với công tác. Hy vọng những giải pháp và kiến nghị trên sẽ có ý nghĩa ứng dụng thiết thực vào công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm nói chung và tội cướp tài sản nói riêng trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. Trong một khoảng thời gian thực tập không dài, do điều kiện nghiên cứu và khả năng của bản thân có hạn, việc tích luỹ những kiến thức cơ bản chưa đạt được toàn diện. Chính vì vậy, chuyên đề thực tập không tránh khỏi những thiếu xót. Em rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của các thầy cô và các bạn cho chuyên đề có nội dung hoàn thiện hơn. Cuối cùng, em xin chân thành cảm ơn sự chỉ bảo của các thầy cô giáo, sự tận tình hướng dẫn của các cô, chú tại Viện kiểm sát tỉnh Thanh Hoá đã giúp đỡ em hoàn thành chuyên đề này và hoàn thành mọi công việc trong suốt quá trình thực tập. Danh mục tài liệu tham khảo 1. Báo cáo tổng kết công tác năm của phòng kiểm sát điều tra án kinh tế của VKS tỉnh Thanh Hoá trong năm 2005, 2006, 2007 2. Bộ luật Hình sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam 3. Bộ luật Tố tụng hình sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam 4. Cáo trạng số 29/ KSĐT ngày 29/11/2006 của VKS tỉnh Thanh Hoá 5. Cáo trạng số 42/KSĐT ngày 18/12/2006 của VKS tỉnh Thanh Hoá 6. Tạp chí Kiểm sát năm 2005, 2006, 2007 7. Tội phạm ở Việt Nam - Nguyên nhân và giải pháp, NXB Công an nhân dân. Mục lục Phần I: Giới thiệu chuyên đề 1 Phần II: 2 I. Quá trình thu thập, thời gian thu thập, 2 Phương pháp thu thập II. Nguồn thu thập tư liệu và các thông tin thu thập được 3 Phần III: 7 I. Thực trạng của tội cướp tài sản 7 II. Nguyên nhân làm phát sinh tội cướp tài sản 10 III. Các giải pháp để phòng chống tội cướp tài sản 14 Phần IV: 18 I. Nhận xét 18 II. Kiến nghị 19 III. Kết luận 21

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docThực trạng, nguyên nhân và các giải pháp phòng chống tội cướp tài sản ở địa phương.doc
Luận văn liên quan