Tiểu luận Vấn đề nợ công ở Việt Nam

Thứ năm, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý nợ công. Việc công khai, minh bạch nhằm tăng cường trách nhiệm trong quản lý, sử dụng các khoản nợ công và trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý nợ công. Để thực hiện tốt nguyên tắc quan trọng đó, nợ công cần phải được tính toán, xác định đầy đủ trong quyết toán ngân sách nhà nước và phải được cơ quan chuyên môn xác nhận. Thứ sáu, Kiểm toán Nhà nước với tư cách là cơ quan độc lập về kiểm tra tài chính nhà nước cần được quy định rõ nhiệm vụ kiểm toán nợ công trong Luật Quản lý nợ công và Luật Kiểm toán nhà nước. Kiểm toán Nhà nước kiểm tra, xác nhận số liệu nợ, đánh giá tính bền vững của nợ Chính phủ so với GDP, trong mối quan hệ với bảo đảm an ninh tài chính quốc gia; cơ cấu nợ, tỷ lệ vay nợ nước ngoài trong tổng số nợ; cơ chế quản lý nợ, mục đích sử dụng các khoản vay nợ (nhất là nợ nước ngoài); tính minh bạch và đầy đủ trong các khoản nợ giúp Chính phủ có số liệu xác thực và thực trạng trung thực để đề ra các giải pháp tổng thể bảo đảm bền vững của ngân sách trong tương lai. Kiểm toán nợ công cần được tiến hành thường xuyên để có thể kiểm soát kịp thời các rủi ro trong quản lý./.

docx31 trang | Chia sẻ: tienthan23 | Lượt xem: 6070 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Tiểu luận Vấn đề nợ công ở Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỤC LỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 30 CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ KHỦNG HOẢNG NỢ. Một số khái niệm về khủng hoảng nợ. Trước khi nói về khủng hoảng nợ thì chúng ta hãy xem xét khái niệm về nợ là gì. Nợ là một từ chung dùng để chỉ về nghĩa vụ của đối tượng này tới đối tượng khác. Tùy theo các đối tượng và nghĩa vụ đó là gì thì chúng ta sẽ có cách gọi nợ khác nhau. Trong bài phân tích này các đối tượng là quốc gia, chính phủ, các tổ chức tài chính quốc tế và nghĩa vụ là trả tiền nên nợ này được gọi là nợ quốc tế. Theo nghĩa rộng, nợ quốc tế là các khoản nợ của một quốc gia đối với các quốc gia hay các tổ chức tài chính quốc tế khác. Theo nghĩa hẹp, nợ quốc tế là nợ của chính phủ đối với các tổ chức, nếu đã là nợ của chính phủ thì lúc này nó còn tên gọi khác là nợ công. Như vậy thật chất nợ công cũng chính là nợ quốc tế. Do có hai cách gọi về nợ nên cũng có hai cách gọi về khủng hoảng nợ tương ứng là: Khủng hoảng nợ quốc tế là việc mất khả năng thanh toán của một quốc gia đối với tổ chức tài chính quốc tế, công ty đa quốc gia hay chính phủ các nước. Khủng hoảng nợ công là việc chính phủ của một nước mất khả chi trả các khoảng nợ, bao gồm nợ của chính phủ và các bảo lãnh nợ của chính phủ. Bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu những căn bản chung nhất theo nghĩa khủng hoảng nợ quốc tế để ta có cái nhìn chung nhất và phân tích thực trạng, giải pháp theo nghĩa hẹp (khủng hoảng nợ công), đều này có vẻ rất mâu thuẫn nhưng thực tế nó sẽ giúp dễ hiểu vấn đề hơn. Và vì lý do vấn đề thực tế hiện nay của kinh tế thế giới đó là nợ công, tâm điểm là cuộc khủng hoảng nợ công của Châu Âu. 1.2 Nguyên nhân của khủng hoảng nợ. 1.2.1 Thâm hụt tài khoản vãng lai. Khi một quốc gia thâm hụt tài khoản vãng lai lớn ( chi ngoại tệ cho việc nhập khẩu hàng hóa dịch vụ lớn hơn thu ngoại tệ từ việc xuất khẩu hàng hóa dịch vụ) điều đó dẫn đến thiếu ngoại tệ thanh toán cho nước ngoài. Nhiều quốc gia đang phát triển bắt đầu chịu sự thâm hụt của cán cân mậu dịch lớn, phần lớn là do cuộc suy thoái toàn cầu đã làm giảm nhu cầu của các nước phát triển đối với xuất khẩu của các nước đang phát triển, các cân mậu dịch thâm hụt lớn đã gây ra các điều kiện xấu đi ở các nước đang phát triển và các điều kiện xấu đi này làm cho mức nợ tăng. 1.2.2 Định giá đồng tiền bản tệ cao Nếu đồng bản tệ được định giá cao sẽ làm giảm khả năng xuất khẩu do đó làm giảm nguồn thu ngoại tệ. Mặc khác, nó có tác động khuyến khích nhập khẩu làm tăng chi ngoại tệ, tất cả các yếu tố này làm cho tài khoản vãng lai thâm hụt trầm trọng. 1.2.3.Hệ thống ngân hàng hoat động kém hiệu quả Việc cho vay kém hiệu quả của các ngân hàng thương mại nhất là các nguồn vốn huy động từ nước ngoài cũng là một nguyên nhân quan trọng đến mất khả năng thu hồi nợ, do đó mất khả năng thanh toán nợ nước ngoài. 1.2.4.Dòng vốn ngắn hạn nước ngoài vào quá nhiều Khi dòng vốn ngắn hạn nước ngoài vào quá nhiều, nều tình hình kinh tế chính trị một quốc gia bất ổn thì dòng vốn ngắn hạn sẽ đảo chiều nhanh,hâu quả là quốc gia tiếp nhận dòng vốn ngắn dễ rơi vào tình trạng khủng hoảng. 1.3 Tác động của khủng hoảng nợ. 1.3.1 Tác động của khủng hoàng nợ đối với MNC Khi một quốc gia được các tổ chức tài chính quốc tế như IMF,WB,ADB,..hỗ trợ cả gói (không kèm theo điều kiện) để khắc phục khủng hoảng tài chính , thì những quốc gia này có xu hướng thực hiện bảo hộ sản xuất trong nước hạn chế nhập khẩu, do đó, làm giảm thương mại quốc tế, hậu qua làm giảm danh thu bán hàng của các doanh ngiệp, nhất là các công ty MNC 1.3.2 Tác động của tỷ giá thả nổi và lãi xuất cho vai đối với cuộc khủng hoảng nợ Hầu hết các khoản vay nợ của các nước đang phát triển đều bằng USD , do đó khi USD tăng giá thì các nước đang phát triển sẽ gặp khó khăn khi trả nợ ngược lại người dân hoa kì sẽ thích sử dụng hàng của các nước đang phát triển sản xuất , do giá rẻ, điều đó sẽ giúp tài khoản vãn lai của các nước đang phát triển được cải thiện và tài khoản vãng lai của Hoa Kỳ bị thâm hụt. Các khoảng cho vay thường có lãi suất thả nổi, số tiền thanh toán nợ vay chịu ảnh hưởng của thay đổi lãi suất theo thời gian. Khi lãi suất tăng các khoảng vay với lãi suất thả nổi trở nên khó trả hơn. 1.4 Giải pháp khắc phục khủng hoảng nợ Thực hiện bảo hộ mậu dịch và phá giá tiền tệ:để tăng cường khả năng thanh toán nợ nước ngoài ,các nước phát triển để đẩy mạnh xuất khẩu ,hạn chế nhập khẩu ,bằng nhiều giải pháp ,trong đó có giải pháp phá giá tiền tệ và thu hút vốn đầu tư nước ngoài , nhất là đầu tư trực tiếp Bán các khoàn nợ vay của nươc đang phát triển :đây được xem là giải pháp cơ cấu lại các khoản đầu tư của ngân hàng nhằm hạn chế rủi ro Trích dự phòng tổn thất cho vay. Là giải pháp tìm nguồn bù đắp rủi ro của các ngân hàng bằng cách giảm lơi nhuận trước thuế Phòng ngừa các yếu tố rủi ro chính trị. Hình thức rủi ro chính trị sẽ là việc từ chối thanh toán nợ do mối quan hệ chính trị giữa nước vay với ngân hàng hay với các nước chủ nhà của ngân hàng này. Tuy nhiên có các hình thức rủi ro chính trị khác ít nghiêm trọng hơn, như một sự thay đổi trong chính sách thuế của chính phủ nước ngoài có thể tác động lớn đối với khả năng thanh toán nợ tồn đọng của một doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài ra, chính phủ của một quốc gia có thể quyết định quốc hữu hóa một doanh nghiệp. Một hình thức rủi ro chính trị gián tiếp hơn là chính phủ giám sát chặt chẽ việc bán ngoại tệ để thanh toán các khoản vay tính bằng đồng USD. Nếu một ngân hàng cho môt chính phủ nước ngoài vay, ngân hàng phải thẩm định cam kết thanh toán nợ của chính phủ đó. Vì đường lối chủ trương của chính phủ thay đổi qua thởi gian, một ngân hàng thẩm định khả năng có thể có một thay đổi trong quan điểm của chính phủ, có thể ảnh hưởng đến cam kết thanh toán nợ tồn đọng. vì vậy một quốc gia có sự ổn định chính trị sẽ có khả năng thu hút nguồn vốn quốc tế rất lớn. Các yếu tố rủi ro tài chính. Tổ chức thẩm định rủi ro quốc gia phải đánh giá một cách tỉ mỉ điều kiện tài chính của một nước ngoài, vì điều kiện này ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của chính phủ và các doanh nghiệp các nước đó. Chính phủ của một nước mạnh về tài chính thường sẽ thu nhập đủ từ thuế để thanh toán nợ vay cho nước ngoài.` CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG KHỦNG HOẢNG NỢ TRÊN THẾ GIỚI 2.1 Toàn cảnh nợ công của thế giới Trong quá khứ, khủng hoảng nợ công cũng đã được biết đến vào đầu thập kỷ 80 của Thế kỷ XX. Năm 1982, Mê-hi-cô là quốc gia đầu tiên tuyên bố không trả được nợ vay IMF. Đến tháng 10/1983, 27 quốc gia với tổng số nợ lên tới 240 tỷ USD đã tuyên bố hoặc chuẩn bị tuyên bố hoãn trả nợ. Như vậy vấn đề khủng hoảng nợ công đã xuất hiện từ lâu trong lịch sử chứ không phải mới xuất hiện gần đây. Nhưng cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay nghiêm trọng hơn, lớn hơn, kéo dài hơn và vẫn chưa có hướng giải quyết. Mỗi giây qua đi, một vài người trên thế giới nhận thêm nợ mới, kéo tổng nợ toàn cầu tăng thêm từ vài trăm nghìn tới vài triệu USD. Làm tình hình nợ công của các nước ngày càng nghiêm trọng, tỉ lệ nợ công cao và nhiều nước đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ như Hy Lạp( đã vỡ nợ), Tây Ban Nha, Ý, Nhật MƯỜI QUỐC GIA CÓ TỈ LỆ NỢ CÔNG CAO NHẤT THẾ GIỚI Với dữ liệu từ hãng định mức tín nhiệm Moody’s , trang 24/7 Wall Street đã điểm 10 quốc gia có tỷ lệ nợ công/GDP cao nhất thế giới hiện nay. Các dữ liệu đều được tính ở thời điểm cuối năm 2011, trừ GDP/đầu người là số liệu tính đến năm 2010. Thứ nhất: Nhật Bản Tỷ lệ nợ công/GDP: 233,1% Tổng nợ chính phủ: 13,7 nghìn tỷ USD GDP đầu người (đồng giá sức mua): 33.994 USD GDP danh nghĩa: 5,88 nghìn tỷ USD Tỷ lệ thất nghiệp: 4,6% Định mức tín nhiệm từ Moody’s: AA3 Tỷ lệ nợ công/GDP của Nhật Bản bỏ xa bất kỳ một nước phát triển nào trên thế giới. Tuy nặng nợ, kinh tế Nhật hiện vẫn chưa lâm vào thảm họa như Hy Lạp, phần lớn nhờ tỷ lệ thấp nghiệp thấp và trái phiếu chính phủ chủ yếu do các chủ nợ trong nước nắm giữ. Theo Chính phủ Nhật, 95% dư nợ trái phiếu của Tokyo hiện nằm trong tay của các nhà đầu tư trong nước, chỉ có 5% là do các chủ nợ nước ngoài nắm giữ. Thứ hai: Hy Lạp Tỷ lệ nợ công/GDP: 168,2% Tổng nợ chính phủ: 489 tỷ USD GDP đầu người (đồng giá sức mua): 28.154 USD GDP danh nghĩa: 303 tỷ USD Tỷ lệ thất nghiệp: 19,2% Định mức tín nhiệm từ Moody’s: CA Hy Lạp vẫn là tâm điểm của khủng hoảng nợ châu Âu, cho dù đã được EU và IMF giải cứu. Chính phủ nước này đang tiếp tục phải đưa ra những kế hoạch cải cách và cắt giảm chi tiêu ngặt nghèo nhằm đổi lấy khoản cứu trợ tiếp theo trị giá khoảng 130 tỷ Euro. Nếu không được bơm vốn, Hy Lạp sẽ vỡ nợ vào tháng 3 tới. Năm 2010, tỷ lệ nợ công/GDP của Hy Lạp là 143%. Năm ngoái, con số này đã tăng lên thành 163%. Thứ 3: Italy Tỷ lệ nợ công/GDP: 120,5% Tổng nợ chính phủ: 2,54 nghìn tỷ USD GDP đầu người (đồng giá sức mua): 31.555 USD GDP danh nghĩa: 2,2 nghìn tỷ USD Tỷ lệ thất nghiệp: 8,9% Định mức tín nhiệm từ Moody’s: A3 Khối nợ công khổng lồ của Italy càng trở nên nguy hiểm hơn khi tăng trưởng GDP của nước này diễn ra chậm chạp. Năm 2010, GDP của Italy chỉ tăng 1,3% sau 2 năm suy giảm liên tiếp. Vào tháng 12/2011, Chính phủ Italy đã thông qua một kế hoạch ngân sách khắc khổ nhằm hạ lãi suất vay vốn. Tuy nhiên, đầu tuần này, Moody’s vẫn hạ một bậc điểm tín nhiệm của Italy. Thứ tư: Ireland Tỷ lệ nợ công/GDP: 108,1% Tổng nợ chính phủ: 225 tỷ USD GDP đầu người (đồng giá sức mua): 39.727 USD GDP danh nghĩa: 217 tỷ USD Tỷ lệ thất nghiệp: 14,5% Định mức tín nhiệm từ Moody’s: Ba1 Ireland từng là một trong những nền kinh tế “khỏe mạnh” nhất của khối EU. Đầu thập niên 2000, nước này có tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn bất kỳ một nước công nghiệp phát triển nào, đồng thời GDP tăng trưởng hàng năm khoảng 10%. Tuy nhiên, khi suy thoái toàn cầu nổ ra, kinh tế Ireland chuyển sang suy giảm nhanh chóng. Năm 2006, thâm hụt ngân sách của Chính phủ Ireland là 2,9%, đến năm 2010, tỷ lệ này lên tới 32,4% GDP. Từ năm 2001 tới nay, nợ công của nước này tăng hơn 500%. Trái phiếu của Ireland hiện không nằm trong diện khuyến nghị đầu tư theo đánh giá của Moody’s. Thứ năm: Bồ Đào Nha Tỷ lệ nợ công/GDP: 101,6% Tổng nợ chính phủ: 257 tỷ USD GDP đầu người (đồng giá sức mua): 25.575 USD GDP danh nghĩa: 239 tỷ USD Tỷ lệ thất nghiệp: 13,6% Định mức tín nhiệm từ Moody’s: BA3 Nền kinh tế Bồ Đào Nha chịu ảnh hưởng lớn từ suy thoái toàn cầu, một phần vì nước này có GDP/đầu người thấp. Năm 2011, Bồ Đào Nha phải nhận 104 tỷ USD tiền cứu trợ từ EU và IMF do mức thâm hụt ngân sách lớn và nợ công leo thang mạnh. Chính phủ Bồ Đào Nha hiện có kế hoạch hạ thâm hụt ngân sách từ 9,8% GDP vào năm 2010 xuống còn 4,5% vào năm 2012 và xuống còn 3% theo trần của EU vào năm 2013. Theo xếp hạng tín nhiệm của Moody’s, trái phiếu của Bồ Đào Nha hiện không ở trong hạng được khuyến nghị đầu tư. Thứ 6: Bỉ Tỷ lệ nợ công/GDP: 97,2% Tổng nợ chính phủ: 479 tỷ USD GDP đầu người (đồng giá sức mua): 37.448 USD GDP danh nghĩa: 514 tỷ USD Tỷ lệ thất nghiệp: 7,2% Định mức tín nhiệm từ Moody’s: AA1 Tỷ lệ nợ công/GDP của Bỉ đạt đỉnh 135% vào năm 1993, sau đó giảm liên tục còn khoảng 84% vào năm 2007. Nhưng trong 4 năm kế tiếp, tỷ lệ này lại tăng lên trên 97%. Đầu năm nay, sau khi bị Moody’s hạ 2 bậc tín nhiệm vào cuối năm ngoái, Chính phủ Bỉ buộc phải cắt giảm 1,3 tỷ USD chi tiêu công để tránh bị khủng hoảng nợ gõ cửa. Thứ bảy: Mỹ Tỷ lệ nợ công/GDP: 85,5% Tổng nợ chính phủ: 12,8 nghìn tỷ USD GDP đầu người (đồng giá sức mua): 47.184 USD GDP danh nghĩa: 15,13 nghìn tỷ USD Tỷ lệ thất nghiệp: 8,3% Định mức tín nhiệm từ Moody’s: AAA Vào năm 2001, tỷ lệ nợ công/GDP của Mỹ mới là 45,6%. Đến năm 2011, sau một thập kỷ chi tiêu công gia tăng, nước Mỹ đã chứng kiến khối nợ “phình” lên 85,5% GDP. Vào năm 2001, chi tiêu công của Mỹ tương đương 33,1% GDP, đến năm 2010, tỷ lệ này là 39,1%. Năm 2005, Chính phủ Mỹ nợ 6,4 nghìn tỷ USD. Đến năm 2011, con số này tăng hơn gấp đôi lên 12,8 nghìn tỷ USD. Tháng 8 năm ngoái, Standard & Poor’s đã hạ điểm tín nhiệm của Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - từ AAA xuống AA+. Thứ tám: Pháp Tỷ lệ nợ công/GDP: 85,4% Tổng nợ chính phủ: 2,26 nghìn tỷ USD GDP đầu người (đồng giá sức mua): 33.820 USD GDP danh nghĩa: 2,76 nghìn tỷ USD Tỷ lệ thất nghiệp: 9,9% Định mức tín nhiệm từ Moody’s: AAA Pháp là nền kinh tế lớn thứ nhì trong khối Eurozone, sau Đức. Tháng 1 vừa qua, một cú sốc đã xảy đến đối với Pháp khi nước này bị hãng Standard & Poor’s tước hạng mức tín nhiệm AAA. Chính phủ Pháp không đồng tình với cách đánh giá này vì cho rằng nền kinh tế nước mình là ổn định như kinh tế Anh. Đầu tuần này, Moody’s cũng đã cảnh báo về khả năng hạ điểm tín nhiệm của Pháp từ mức AAA. Thứ chín: Đức Tỷ lệ nợ công/GDP: 81,8% Tổng nợ chính phủ: 2,79 nghìn tỷ USD GDP đầu người (đồng giá sức mua): 37.591 USD GDP danh nghĩa: 3,56 nghìn tỷ USD Tỷ lệ thất nghiệp: 5,5% Định mức tín nhiệm từ Moody’s: AAA Là nền kinh tế lớn nhất trong Liên minh châu Âu (EU) và có ảnh hưởng lớn về mặt tài chính trong khối này, Đức đặc biệt quan tâm tới việc duy trì sự ổn định trên thị trường nợ của riêng mình cũng như của toàn khối Eurozone. Bởi thế, nước này đã đóng góp một phần không nhỏ vào gói giải cứu tài chính trị giá 45 tỷ Euro mà IMF và EU dành cho Hy Lạp vào năm 2010. Dù có tỷ lệ nợ công/GDP cao, Đức là nền kinh tế mạnh và có tỷ lệ thất nghiệp gần như thấp nhất ở châu Âu. Thứ mười: Vương quốc Anh Tỷ lệ nợ công/GDP: 80,9% Tổng nợ chính phủ: 1,99 nghìn tỷ USD GDP đầu người (đồng giá sức mua): 35.860 USD GDP danh nghĩa: 2,46 nghìn tỷ USD Tỷ lệ thất nghiệp: 8,4% Định mức tín nhiệm từ Moody’s: AAA Dù có tỷ lệ nợ công/GDP cao thứ 10 thế giới, nước Anh vẫn nỗ lực giữ được một nền kinh tế ổn định. Anh không tham gia vào khối Eurozone và có ngân hàng trung ương riêng. Chính sự độc lập này đã giúp nước Anh giảm bớt ảnh hưởng từ khủng hoảng nợ châu Âu. Lợi suất trái phiếu chính phủ Anh cũng được giữ ở mức thấp. Nước Anh Đức Pháp Mỹ Bỉ Bồ Đào Nha Ireland Italy Hy Lạp Nhật Nợ công/gdp (%) 80.9 81.8 85.4 85.5 87.2 101.6 108.1 120.5 168.2 233.1 Bàng 1: Bảng số liệu nợ công/ GDP của 10 nước cao nhất thế giới Biểu đồ 1: tỉ lệ nợ công/ GDP của 10 nước cao nhất thế giới Hãy xem một số biểu đồ bên dưới để thấy rõ toàn cảnh bức tranh nợ công của thế giới Biểu đồ 2: Tổng nợ công toàn thế giới( đơn vị nghìn tỉ USD) Biểu đồ 3: Mật độ nợ công 2.2 Khủng hoảng nợ ở Hy Lạp Hy Lạp là một quốc gia thuộc khu vực đồng tiền chung Châu Âu, khủng hoảng nợ ở Hy Lạp là tiêu biểu và mở màng cho cuộc khủng hoảng nợ công của Châu Âu và thế giới. 2.2.1 Toàn cảnh khủng hoảng của Hy Lạp. Gia nhập khu vực đồng tiền chung euro năm 1/2001 là cơ hội lớn để Hy Lạp có thể tiếp cận với thị trường vốn quốc tế. Đáng buồn thay, đây lại là nguyên nhân khiến quốc gia này lâm vào cảnh nợ nần. Từ những ngày đầu gia nhập khu vực đồng tiền chung châu Âu, sau khi gây áp lực nhằm vượt qua tiêu chuẩn nợ công 3% GDP của eurozone, Hy Lạp có một thời kỳ dài thâm hụt ngân sách. Tăng trưởng GDP đạt 4,3% (2001 - 2007), cao hơn so với mức trung bình của eurozone là 3,1% nhưng chi tiêu chính phủ Hy Lạp tăng tới 87% trong khi mức thu chỉ tăng 37%. Sau công cuộc đầu tư "khủng" cho Thế vận hội Athens năm 2004 ( kỳ thế vận hội được hoành tráng nhất và cũng tốn kém nhất trong lịch sử. Chi 12 tỷ euro cao hơn tới 10 tỷ so với dự kiến nhưng không cho phép bất cứ một biển hiệu quảng cáo nào được xuất hiện trên đường phố) , Hy Lạp còn lại một ngân sách rỗng với tỷ lệ bội chi khoảng 8%, cao gấp gần 3 lần tiêu chuẩn của eurozone. Năm 2008, khi khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra, các ngành công nghiệp chủ đạo của Hy Lạp đều bị ảnh hưởng mạnh. Ngành du lịch và vận tải biển đều có mức sụt giảm doanh thu tới 15%. Nguồn thu để tài trợ ngân sách bị hạn chế, Chính phủ lại buộc phải tăng chi tiêu công nhằm kích thích tăng trưởng. Tính đến tháng 1/2010, nợ công của Hy Lạp ước đạt 216 tỷ euro, nợ lũy kế bằng 130% GDP. Trong gần một thập kỷ, chính phủ Hy Lạp liên tục bán trái phiếu để thu về hàng trăm tỷ USD và đầu tư dàn trải vào cơ sở hạ tầng trong khi không hề có kế hoạch trả nợ. Sự phụ thuộc vào nguồn tài chính nước ngoài khiến Hy Lạp dễ chịu tổn thương khi niềm tin nhà đầu tư thay đổi. "Giọt nước tràn ly" trong trường hợp của Hy Lạp là việc bị phanh phui những dối trá trong số liệu báo cáo của chính phủ tiền nhiệm. Ngày 20/10/2009, tân thủ tướng George Papandreou khẳng định thâm hụt ngân sách trong tài khóa 2009 phải ở mức 12,5%, gấp hơn 4 lần giới hạn cho phép của một quốc gia sử dụng đồng euro. Nhiều dự báo ngay lập tức được đưa ra cho thấy nợ công của Hy Lạp có thể tăng từ mức 113,4% GDP năm 2009 lên 121-125% GDP trong năm 2010. Hàng loạt tổ chức quốc tế tuyên bố hạ định mức tín nhiệm của Hy Lạp trên thị trường tài chính. Ngày 7/12/2009, S&P cho Hy Lạp điểm tín nhiệm A- với triển vọng kém lạc quan. Một ngày sau đó, Fitch đánh tụt điểm số của nền kinh tế này từ A- xuống còn BBB+. Không còn bức tranh kinh tế đầy màu hồng và những lời hứa hẹn về chính sách khắc phục tình trạng thâm hụt ngân sách, Hy Lạp tiếp tục bán trái phiếu để có tiền cho ngân sách. Lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2 năm của Hy Lạp liên tục tăng cao từ 3,47% vào tháng 1/2010, lên 9,73% thời điểm tháng 7/2010 và nhảy vọt lên 26,65% một năm vào tháng 7/2011. Biểu đồ 5: Lãi suất trái phiếu chính phủ thời hạn 10 năm. Những ngày cuối tháng 12/2010, Chính phủ Hy Lạp thông qua dự thảo ngân sách với dự báo thâm hụt 9,1%. Định mức tín nhiệm quốc gia này tiếp tục bị đánh tụt về mức BBB- của S&P. Một lần nữa, Quốc hội nước này lại điều chỉnh mức thâm hụt ngân sách về 8,7% và cắt giảm quỹ lương khoảng 4%. Từ đây, Hy Lạp rơi vào thời gian dài bất ổn xã hội do làn sóng biểu tình phản đối của người dân. Nội lực không đủ vực dậy nền kinh tế lớn thứ 27 thế giới, Hy Lạp trở thành mắt xích yếu nhất của eurozone. Châu Âu không thể để Hy Lạp vỡ nợ bởi những hệ lụy đổ vỡ hệ thống ngân hàng, mất khu vực đồng tiền chung và kéo theo nhiều quốc gia khác rơi vào hiệu ứng domino. Tháng 5/2010, các nhà lãnh đạo eurozone và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố gói cứu trợ kỳ hạn 3 năm trị giá 110 tỷ euro dành cho Hy Lạp. Sau đó, vào tháng 10/2010, IMF cho Hy Lạp vay thêm 2,5 tỷ euro (3,3 tỷ USD), nâng tổng giá trị các khoản vay khẩn cấp mà IMF dành để ngăn chặn khả năng vỡ nợ của nước này lên 10,58 tỷ euro (tương đương 13,98 tỷ USD). Từ tháng 5/2010 và 6/2011, Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã mua khoảng 45 tỷ euro trái phiếu chính phủ Hy Lạp. Ngoài ra, các khoản hỗ trợ thanh khoản mà ECB dành cho các ngân hàng Hy Lạp đã tăng từ mức 47 tỷ euro vào tháng 1/2010 lên mức 98 tỷ euro vào tháng 5/2011. Đáp lại, ngày 21/10, Hy Lạp thông qua chính sách tiết kiệm ngân sách mới bao gồm tăng thuế, cắt giảm trợ cấp, sa thải 30.000 công chức trước áp lực nợ công lên tới 162% GDP. Sau nhiều lần trì hoãn, gói cứu trợ thứ 2 trị giá 130 tỷ euro đã được thành viên cuối cùng của châu Âu là Đức thông qua nhằm giúp đưa nợ công quốc gia này giảm về gần 121% GDP vào năm 2020. Tháng 3/2012, các chủ nợ tư nhân đồng ý hoán đổi 85% nợ cho Hy Lạp, giúp cắt giảm khoảng 100 tỷ EUR nợ khỏi nghĩ vụ nợ của quốc gia này. Ngay lập tức, ngày 9/3, Fitch và Moody’s đồng loạt tuyên bố Hy Lạp đã vỡ nợ. Trước đó, vào ngày 28/2, Athens cũng bị một hãng định mức tín nhiệm hàng đầu khác là S& P xem là đã vỡ nợ một phần. 2.2.2 Nguyên nhân của khủng hoảng nợ của Hy Lạp Thứ nhất, tiết kiệm trong nước thấp dẫn tới phải vay nợ nước ngoài cho chi tiêu công. Thập niên 90 tỷ lệ tiết kiệm trong nước bình quân của Hy Lạp chỉ ở mức 11%, thấp hơn nhiều so với mức 20% của các nước như Bồ Đào Nha, Ý, Tây Ban Nha và đang có xu hướng sụt giảm nhanh chóng. Do vậy, đầu tư trong nước phụ thuộc khá nhiều vào các dòng vốn đến từ bên ngoài. Lợi tức trái phiếu liên tục giảm nhờ vào việc gia nhập liên minh châu Âu EU (năm 1981) và làn sóng bán tháo trái phiếu từ dân chúng cho thấy Hy Lạp đã để vuột khỏi tay một kênh huy động vốn sẵn có buộc chính phủ Hy Lạp tăng cường vay nợ tài trợ cho chi tiêu công. Thứ hai, chi tiêu công tăng cao dẫn đến thâm hụt ngân sách. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), chi tiêu cho quản lý công trong tổng số chi tiêu công của Hy Lạp năm 2004 đã cao hơn nhiều so với các nước thành viên OECD khác trong khi chất lượng và số lượng dịch vụ không được cải thiện nhiều. Năm 2008, khủng hoảng tài chính toàn nổ ra đã ảnh hưởng khá mạnh đến các ngành công nghiệp chủ chốt của Hy Lạp. Ngành du lịch và vận tải biển, doanh thu đều sụt giảm trên 15% trong năm 2009. Kinh tế Hy Lạp cũng lâm vào tình trạng khó khăn, nguồn thu để tài trợ cho ngân sách nhà nước bị co hẹp mạnh. Trong khi đó Hy Lạp lại phải tăng cường chi tiêu công để kích thích kinh tế. Tính đến tháng 01/2010, nợ công của Hy Lạp ước tính lên tới 216 tỷ Euro và mức nợ lũy kế đạt mức 130% GDP. Sự già hóa dân số và hệ thống lương hưu vào loại hào phóng bậc nhất khu vực châu Âu của Hy Lạp cũng được coi là một trong những gánh nặng cho chi tiêu công. Ước tính tổng số tiền chi trả cho lương hưu khu vực công của Hy Lạp sẽ tăng từ 11,5% GDP (2005) lên 24% (2050). Thứ ba, nguồn thu giảm sút cũng là một nhân tố dẫn tới tình trạng thâm hụt ngân sách và gia tăng nợ công. Trốn thuế và hoạt động kinh tế ngầm ở Hy Lạp là nhân tố làm giảm nguồn thu ngân sách. Theo đánh giá của WB, kinh tế không chính thức ở Hy Lạp chiếm tới 25 - 30% GDP(so với mức 15,6% GDP của Việt Nam; 13,1% GDP của Trung Quốc và Singapore; 11,3% GDP của Nhật Bản). Hệ thống thuế với nhiều mức thuế cao và bộ luật phức tạp cùng với sự điều tiết dư thừa và thiếu hiệu quả của cơ quan quản lý là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trốn thuế và kinh tế ngầm phát triển ở Hy Lạp. Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, Hy Lạp là một trong những nước có tỷ lệ tham nhũng cao nhất trong EU. Năm 2008, hơn 13% người Hy Lạp đã chi tới 750 triệu EUR tiền phong bì cho các lãnh đạo khu vực công và khu vực tư, trong đó có bác sĩ là những người đòi nhiều tiền hơn cho các cuộc phẫu thuật; các nhà quy hoạch thành phố và các quan chức ở địa phương cũng liên quan đến những vụ việc nhận hối lộ... Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou thừa nhận “tham nhũng mang tính hệ thống” là vấn đề cơ bản nhất dẫn đến tình trạng nợ công Hy Lạp. Thiệt hại mà tham nhũng gây ra cho Hy Lạp ước tính vào khoảng 8% GDP. Tham nhũng không chỉ gây ra trốn thuế, nó còn làm tăng chi tiêu chính phủ, nhắm tới duy trì mức lương cao cho công chức và thực hiện các dự án có vốn đầu tư lớn thay vì nhắm vào các dự án tạo ra nhiều việc làm và nâng cao năng suất lao động. Mức lương cao không chỉ tạo ra gánh nặng ngân sách mà còn làm cho tính cạnh tranh của nền kinh tế Hy Lạp yếu đi. Lương cao, đồng euro tăng giá từ mức 1 euro đổi hơn 0,8 USD lên đến 1 euro đổi 1,6 USD trong suốt giai đoạn từ 2000-2008 khiến sức cạnh tranh của hàng hóa Hy Lạp yếu và hệ quả tất yếu là một cán cân thương mại thâm hụt triền miên. Thứ tư, sự tiếp cận dễ dãi với nguồn vốn đầu tư nước ngoài và việc sử dụng nguồn vốn không hiệu quả. Bên cạnh đó, việc gia nhập Eurozone năm 2001 là cơ hội lớn để Hy Lạp có thể tiếp cận với thị trường vốn quốc tế với việc sử dụng một đồng tiền được những nền kinh tế lớn như Đức và Pháp bảo đảm cùng với sự quản lý chính sách tiền tệ của Ngân hàng TƯ châu Âu (ECB). Nhờ việc gia nhập Eurozone Hy Lạp nghiễm nhiên có được hình ảnh ổn định cao và chắc chắn trong mắt các nhà đầu tư, dễ dàng thu hút vốn đầu tư nước ngoài với mức lãi suất thấp. Gần một thập kỷ qua, Chính phủ Hy Lạp liên tục bán trái phiếu để thu về hàng trăm tỷ USD. Số tiền này lẽ ra có thể giúp kinh tế Hy Lạp tiến rất xa nếu chính phủ có kế hoạch chi tiêu hợp lý. Tuy nhiên, chính phủ Hy Lạp đã chi tiêu quá tay (phần lớn cho cơ sở hạ tầng) mà hầu như không quan tâm đến các kế hoạch trả nợ. Thứ năm, thiếu tính minh bạch và niềm tin của các nhà đầu tư. Sự thiếu minh bạch trong số liệu thống kê của Hy Lạp đã làm mất niềm tin của các nhà đầu tư mà quốc gia này đã tạo dựng được với tư cách là một thành viên của Eurozone và nhanh chóng xuất hiện các làn sóng rút vốn ồ ạt khỏi các ngân hàng của Hy Lạp, đẩy quốc gia này vào tình trạng khó khăn trong việc huy động vốn trên thị trường vốn quốc tế. Sự phụ thuộc vào nguồn tài chính nước ngoài đã khiến cho Hy Lạp trở nên rất dễ bị tổn thương trước những thay đổi trong niềm tin của giới đầu tư. Trong thời đại hội nhập, thì minh bạch luôn là một đòi hỏi lớn của các nhà đầu tư. Khủng hoảng nợ công của Hy Lạp do chính phủ không minh bạch các số liệu, cố gắng vẽ nên bức tranh sáng, màu hồng về tình trạng ngân sách về những chính sách sắp ban hành để khắc phục những khó khăn về ngân sách hay vấn đề kinh tế vĩ mô do vậy, hiệu lực của những chính sách đó sẽ bị hạn chế nhiều. 2.2.3 Lý do mà các nước cứu Hy Lạp. Thứ nhất: Nếu Hy Lạp từ bỏ đồng euro Hy Lạp ra khỏi eurozone và dùng lại đồng nội tệ drachma. Với giải pháp này, đồng euro đỡ được gánh nặng và Hy Lạp sẽ có nhiều tự do để xoay sở với đồng tiền riêng của mình. Nhưng giải pháp trên gặp một số trở ngại về mặt pháp lý vì theo Hiệp ước Lisbon không có chuyện trục xuất các nước thành viên ra khỏi eurozone. Những hợp đồng kinh tế, thương mại, ngân hàng với khu vực eurozone đều ký kết bằng đồng euro. Nếu Hy Lạp phải hoàn nợ với đồng nội tệ bị phá giá thì nền kinh tế nước này sẽ không chịu đựng nổi. EU phải tổ chức lại cả một hệ thống kỹ thuật trong các ngân hàng và chi phí này rất tốn kém. Hy Lạp phải quốc hữu hóa hệ thống ngân hàng, trong khi các ngân hàng, các hãng bảo hiểm tại Hy Lạp phần lớn là những chi nhánh của Pháp và Đức. Việc thu hồi tài sản của một thành viên eurozone vỡ nợ là sự cần thiết về mặt kinh tế nếu đồng tiền chung euro muốn tồn tại. Hy vọng lớn nhất hiện nay là EU kiểm soát được cuộc vỡ nợ. Thứ hai: Nếu eurozone tan rã Kịch bản tồi tệ nhất là một Hy Lạp hỗn loạn và đổ vỡ sẽ kéo theo Ireland, Bồ Đào Nha, Italia và Tây Ban Nha. Đó sẽ là một trận “đại hồng thủy” về kinh tế và không ai dám đoán trước hậu quả về chính trị. Một khi Hy Lạp bị đẩy tới bờ vực thẳm, nguy cơ vỡ nợ nhà nước và ngân hàng hàng loạt ở EU không thể tránh khỏi. Nó cũng gần đồng nghĩa với việc tất yếu eurozone sẽ tan rã. Hiện nay hầu hết các nền kinh tế eurozone đều đối mặt với trì trệ và giảm phát. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF) sẽ không thể kiểm soát lãi suất trái phiếu, hậu quả là các nước buộc phải đi vay với lãi suất cao không bền vững và vỡ nợ. Tiếp đến, nó sẽ kìm hãm hệ thống ngân hàng của họ và các chính phủ không thể huy động vốn cần thiết để giải cứu. Kịch bản tồi tệ nhất là một Hy Lạp hỗn loạn và đổ vỡ sẽ kéo theo Ireland, Bồ Đào Nha, Italia và Tây Ban Nha. Bị kẹt giữa vòng luẩn quẩn của giảm phát, không thể đáp ứng lãi suất và điều kiện vay vốn và buộc phải thực hiện các biện pháp tài khóa kìm hãm tăng trưởng cũng như các biện pháp khắc khổ khác theo yêu cầu của ECB và EFSF, những thành viên này sẽ không còn nhận được sự ủng hộ về mặt chính trị để tiếp tục là thành viên của eurozone. Một khi Tây Ban Nha hoặc Italia rời eurozone, khó ngăn chặn xu hướng tan rã của khu vực này. Các nhà đầu tư sẽ không chấp nhận Pháp như nền kinh tế “lõi” của eurozone nữa một khi tài chính công của Paris yếu và nợ nước ngoài lớn. Các nhà đầu tư tin rằng giảm lương và cắt giảm ngân sách sẽ không thể bền vững dưới góc độ chính trị. Tóm lại, Pháp sẽ rơi vào tình cảnh của Italy và Tây Ban Nha hiện nay. Thứ ba: Nếu các ngân hàng vạ lây Các ngân hàng lớn của Pháp có nguy cơ bị vỡ nợ vạ lây lớn nhất bởi cuộc khủng hoảng Hy Lạp và giới đầu tư chứng khoán tháo chạy cho dù các ngân hàng trung ương có bơm vốn hay không. Ước tính các ngân hàng Pháp có khoảng 60 tỷ euro bị "kẹt" trong các khoản nợ công 350 tỷ euro của Hy Lạp. Thực tế cho thấy BNP Paribas đang nắm giữ 3,5 tỷ euro nợ công của Hy Lạp và BNP có thể mất trắng số tiền đó, nếu Athens tuyên bố vỡ nợ. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm nay, BNP đã thu về 7,4 tỷ euro tiền lãi. Nói cách khác, cho dù có mất đứt nợ công của Hy Lạp, thiệt hại ấy cũng chỉ mới tương đương với 47% tiền lãi. Tương tự, Société Générale nắm gần một tỷ euro nợ công Hy Lạp. Nếu có mất, số tiền đó chỉ như "muối bỏ biển" vì tiền lãi hàng năm dao động 2-8 tỷ euro. Hơn nữa 1 tỷ euro đó chỉ tương đương chưa đầy 1% vốn của Société Générale. Riêng Crédit Agricole nắm tới 27 tỷ euro, một khoản tiền không nhỏ, nên khủng hoảng Hy Lạp ít nhiều cũng làm họ đau đầu. Nếu nhìn vào các số liệu đó không ai tin rằng Société Générale hay BNP sẽ lao đao vì khủng hoảng Hy Lạp. Nhưng các ngân hàng này bị rớt hạng tín nhiệm và cổ phiếu liên tục mất giá. Một là, Société Générale cũng như Crédit Agricole có chi nhánh tại Hy Lạp, mức độ rủi ro qua đó tăng theo. Lo ngại thứ hai là, khủng hoảng Hy Lạp lan rộng sang Italy, Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha. 2.3 Khủng hoảng nợ ở Mỹ Nền kinh tế Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhu cầu sử dụng vốn là rất lớn cho nên mức chi tiêu hàng năm của chính phủ là khổng lồ. Trước ngày 2/82011 mức trần nợ công của Mỹ là 14,294 nghìn tỷ USD. Nhưng ngày 31/3/2011 mức nợ của Mỹ đã là 14,214 nghìn tỷ USD, gần chạm mức trần cho phép. Nếu chính phủ Mỹ để cho mức nợ vượt trần thì Mỹ sẽ vỡ nợ và dẫn đến nhiều hậu quả xấu hàng loạt khoản chi tiêu ngân sách sẽ phải rút bớt, tạm hoãn hoặc dừng hẳn, trong đó có cả lương quân đội và trợ cấp về hưu, y tế, hoàn thuế... Ngày 16/5/2011 mức nợ công của Mỹ chính thức vượt trần. Đứng trước nguy cơ vỡ nợ, ngày 1/8/2011 quốc hội Mỹ đã quyết định nâng trần nợ công, giúp nước Mỹ thót khỏi nguy cơ vỡ nợ. Ngay sau đó Standard & Poor’s đã hạ xếp bậc tín nhiệm của Mỹ từ AAA xuống AA+, làm cho Mỹ phải bỏ thêm một số tiền lớn để chi trả lãi cho các trái phiếu. Hiện nay nợ công của nước này đã vượt ngưỡng 16.000 tỷ USD, tăng gần 1.000 tỷ USD so với năm ngoái và tương đương 104% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của Mỹ. Đây là con số đáng báo động vì đã gần chạm mức 16.390 tỷ USD, trần nợ công mà chính quyền Mỹ hồi năm ngoái đã rất khó khăn mới tăng lên được. Nợ công tăng đã khiến mỗi người dân Mỹ phải gánh khoản nợ hơn 50.000 USD và đây là năm thứ tư liên tiếp ngân sách liên bang nước này bị thâm hụt trầm trọng. Điều này cho thấy nợ của Mỹ sẽ vượt trần trong thời gian không xa, nếu đều này xảy ra Mỹ sẽ có nguy cơ vỡ nợ và một cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ sẽ diễn ra. 2.4 Khủng hoảng nợ ở Nhật. Không phải các quốc gia Châu Âu đang chìm trong cuộc khủng hoảng là những con nợ công lớn nhất mà chính là Nhật Bản, nền kinh tế số 2 của Châu Á. Trong một thống kê của Glassman Wealth Services Nhật Bản vượt qua Mỹ trở thành quốc gia có nợ công lớn nhất trên thế giới, với giá trị hơn 10 nghìn tỷ USD. Tỷ lệ nợ công trên GDP cao hơn 200% và nợ bình quân trên đầu người là hơn 86 nghìn USD. Mặc dù vậy, quy mô của các khoản nợ của Nhật Bản hiện tại không phải là vấn đề do chi phí đi vay rất thấp. Biểu đồ 4: quy mô và chi phí nợ một số nước. Ngoài ba quốc gia tiêu biểu đại diện cho ba châu lục khác nhau là Hy Lạp, Mỹ, Nhật thì còn Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý cũng đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng nợ công rất cao. Điều này cho thấy vấn đề nợ công của thế giới là rất lớn. 2.5 Các tác động của khủng hoảng nợ. Ngoài các tác động chính của khủng hoảng nợ nêu ở phần cơ sở lý luận thì còn một số tác động riêng. 2.5.1 Tác động của khủng hoảng nợ đến kinh tế thế giới. Thứ nhất: khủng hoảng nợ của một số nước đã gây ra hiệu ứng domino đến nhiều nước khác, làm cho nền kinh tế thế giới bao trùm trong nợ nần. Thứ hai: để đối phó với khủng hoảng nợ nhiều nước phải thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, điều này sẽ làm kinh tế nhiều nước bị suy thoái. Việc cắt giảm các khoản chi xã hội va cắt giảm lao động có thể dẫn đến các nguy cơ chính trị. Thứ ba: thương mại quốc tế sẽ giảm đáng kể do những bất ổn của các quốc gia. Thứ tư: thị trường tài chính quốc tế sẽ kém sôi động do những guy cơ rủi ro cao. 2.5.2 Tác động của khủng hoảng nợ đến Việt Nam Thứ nhất: Xuất khẩu khó khăn kéo GDP sụt Cuộc khủng hoảng nợ châu Âu kéo theo một loạt hệ quả tất yếu: tốc độ phục hồi kinh tế thế giới chậm lại, có thể theo hình chữ W thay vì chữ V, đặc biệt khu vực châu Âu sẽ phải chứng kiến tình hình thất nghiệp và lạm phát tăng cao, đồng Euro mất giá, tăng trưởng GDP giảm sút, làm cho thu nhập thực tế người dân và cầu tiêu dùng với hàng nhập khẩu giảm mạnh. Về vấn đề này, một số quan điểm cho rằng hàng hóa giá rẻ là ưu thế của Việt Nam do đó cuộc khủng hoảng nợ công sẽ giúp hướng người dân châu Âu chuyển từ hàng hóa cao và trung cấp sang hàng hóa do Việt Nam sản xuất. Thứ hai: Lãi suất cao, doanh nghiệp thiệt nặng Do lo ngại tác động tiêu cực từ khủng hoảng nợ công, nhiều ngân hàng trung ước các nước phát triển vẫn huy trì mức lãi suất sàn thấp lịch sử nhằm kích thích sự phục hồi kinh tế và chấp nhận lạm phát trong chừng mực nhất định. Lãi suất cơ bản tiệm cận 0% ở hầu hết các nước: FED (Mỹ): 0,25%; ECB (EU): 1%; BOE (Anh): 0,5%; Nhật Bản 0,1%. Ngược lại ở Việt Nam, lãi suất huy động lẫn lãi suất cho vay vẫn đứng ở mức cao. Các doanh nghiệp phải vay vốn với lãi suất khoảng 14-16%/năm với kỳ hạn ngắn và khoảng 14,5-17%/năm với kỳ hạn trung, dài hạn. Thứ ba: FDI suy giảm Khủng hoảng nợ công châu Âu có thể tạo ra hai tac động trái chiều hoàn toàn với luồng vốn FDI trên phạm vi toàn cầu. Trong những quốc gia có trình độ phát triển tương đương với các nước thuộc EU sẽ hưởng lợi do nguồn vốn FDI sẽ dịch chuyển từ châu Âu sang các quốc gia này khi nhà đầu tư muốn tránh thuế thu nhập doanh nghiệp đang có xu hướng tăng cao tại các quốc gia châu Âu. Ngược lại, các nước có trình độ phát triển thấp như Việt Nam lại hoàn toàn không được hưởng lợi từ việc dịch chuyển luồng vốn FDI khỏi châu Âu do sự chênh lệch quá lớn về trình độ công nghệ, trong khi luồng vốn từ các nhà đầu tư châu Âu vào các quốc gia này giảm sút do cuộc khủng hoảng nợ. Thứ tư: Giá vàng bùng nổ hút vốn đầu tư Các nhà đầu tư trên thế giới đang tìm vàng như một nơi trú ẩn an toàn trước nguy cơ cuộc khủng hoảng nợ châu Âu ngày một lan rộng, làm cho giá vàng trong thời gian qua tăng mạnh, lên mức trên 1.300 USD/ounce. Điều này phản ánh nhu cầu về dự trữ an toàn hơn so với đồng tiền giấy, sau khi nhiều cá nhân và tổ chức ở châu Âu, châu Á đua nhau mua vàng, mua bạch kim và bạc. Việc giá vàng tăng cùng với xu hướng tăng mạnh của đồng USD là điều ít khi xảy ra. Rất có thể sẽ tăng tới một kỷ lục mới trong thời gian tới và tạo sự tách biệt hoàn toàn giữa giá tài sản vàng và các tài sản khác. Điều này sẽ tác động xấu đến đầu tư toàn thế giới và Việt Nam bởi một khi vàng chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục đầu tư của các tổ chức thì cũng đồng nghĩa với việc các danh mục khác như cổ phiếu, trái phiếu sẽ bị giảm mạnh. Như vậy, luồng vốn đầu tư gián tiếp càng trở nên hạn chế. Thứ năm: Bảo hiểu rủi ro tín dụng (CDS) xu hướng tăng lên Vấn đề Hy Lạp đang làm cho các nhà đầu tư trên thế giới càng trở nên thận trọng hơn với các quốc gia có vấn nạn tương tự: 3 số liệu cảnh báo bao gồm: nợ quá nhiều, thể hiện ở tỷ lệ nợ trên GDP cao; chi tiêu quá mức, thể hiện ở mức thâm hụt ngân sách lớn so với GDP; và tốc độ tăng trưởng GDP sụt giảm. Hệ quả là Việt Nam với tỷ lệ nợ cao, thâm hụt ngân sách triển miên đang bị các tổ chức tài chính quốc tế xếp vào mục rủi ro cao, với mức CDS là 263, xếp ngay trên Hy Lạp (321) và Iceland (466). Điều này sẽ là một cản trở rất lớn trong việc thu hút các luồng vốn đầu tư gián tiếp, trực tiếp và cho vay từ nước ngoài. Thứ sáu: Tăng rủi ro hối đoái và biến động tỷ giá vào cuối năm Khủng hoảng nợ châu Âu cũng tạo ra những biến động khó lường về tỷ giá. Đồng USD và đặc biệt là đồng Yên sẽ tiếp tục đà tăng mạnh so với đồng Euro do tính an toàn từ phía các đồng tiền này. Từ khi cuộc khủng hoảng có dấu hiệu nghiêm trọng, đồng Euro mất giá tương đối so với USD. Sang tháng 6, tỷ giá USD/Euro chỉ còn 1,19, rất thấp so với mức xấp xỉ 1,4 của đầu tháng 3, do đó sẽ tạo ra những rủi ro nhất định trong việc vay, trả ngoại tệ cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng như cho hoạt động ngoại hối của các ngân hàng thương mại. 2.6 Các giải pháp giải quyết khủng hoảng nợ Các giải chung và căn bản đã được nêu ở phần cơ sở lý luận. Thêm một số giải pháp khác như: Tăng cường kỷ luật tài khóa Tái phân bổ các nguồn lực cho việc tạo công ăn việc làm (hỗ trợ thành lập doanh nghiệp mới, dạy nghề cho người lao động, ưu đãi tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng chỗ thực tập cho sinh viên tại doanh nghiệp) Giảm gánh nặng thủ tục hành chính Tăng khả năng di chuyển lao động qua biên giới thông qua việc điều chỉnh qui định về công nhận bằng cấp, chứng chỉ nghề nghiệp bao gồm cả việc cấp thẻ hành nghề châu Âu, hộ chiếu kỹ năng châu Âu, bổ sung các quyền hưu trí cho lao động nhập cư Phát triển thương mại điện tử bao gồm cả việc sử dụng chữ ký điện tử và giải quyết tranh chấp trực tuyến Thỏa thuận về tiêu chuẩn hóa Gỡ bỏ rào cản thương mại để khuyến khích xuất khẩu và đầu tư CHƯƠNG 3: VẤN ĐỀ NỢ CÔNG Ở VIỆT NAM 3.1 Tình hình nợ công ở Việt Nam Tại Việt Nam thời gian qua, nợ công đã đáp ứng được nhu cầu bổ sung vốn cho đầu tư phát triển và cân đối ngân sách nhà nước. Hiện tại, nợ công của Việt Nam vẫn đang trong giới hạn an toàn, phần lớn các khoản vay nước ngoài của Chính phủ có kỳ hạn dài, lãi suất cố định và ưu đãi. Theo đồng hồ nợ toàn cầu của tờ báo Anh nổi tiếng Economist, mỗi người Việt Nam hiện đang gánh số nợ công gần 760 USD. So với thế giới, nợ công của Việt Nam đang ở mức trung bình cả về giá trị tuyệt đối, bình quân đầu người, và cả tỷ lệ so với GDP. Việt Nam hiện nằm trong nhóm nước có mức nợ công trung bình của thế giới. Theo số liệu mà Economist đưa ra, tổng mức nợ công của Việt Nam hiện vào khoảng 67,6 tỷ USD, ương đương 50% GDP, tăng 11,2% so với năm 2011. Mức nợ công bình quân đầu người của Việt Nam đang là 756,9 USD. Theo dự báo của Economist, đến năm 2013, nợ công của Việt Nam sẽ tăng lên mức 75,7 tỷ USD, tương đương tăng 12%. Khi đó, nợ công bình quân đầu người của Việt Nam sẽ tăng lên mức hơn 840 USD, nhưng tỷ lệ nợ công/GDP sẽ giảm còn 48,7%. Theo Bộ Tài chính hiện các chỉ số nợ của Việt Nam đang ở mức an toàn và nợ công đang được quản lý chặt chẽ theo quy định của Luật Quản lý nợ công, các khoản nợ trong nước và nước ngoài đều được thanh toán đầy đủ, không có nợ xấu. Hàng năm ngân sách nhà nước bố trí trả nợ từ 14 -16% tổng số thu ngân sách (giới hạn cảnh báo là dưới 30%), bằng khoảng 4,5% xuất khẩu (giới hạn cảnh báo là dưới 15%). So với các nước đang phát triển có cùng hệ số tín nhiệm thì chỉ số nợ công và nợ nước ngoài của Việt Nam ở mức trung bình. Bảng 2: Số liệu nợ công của Việt Nam giai đoạn 2006 – 2012 3.2 Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam Nghiên cứu tình hình nợ công tại một số nước châu Âu có thể giúp rút ra một số nguyên nhân phổ biến dẫn tới khủng hoảng như sau: một là, tất cả các nước rơi vào vòng xoáy nợ công đều có kỷ luật tài khóa lỏng lẻo. Tình hình thực hiện ngân sách chi cuối năm luôn vượt xa Nghị quyết của Quốc hội về chi ngân sách được công bố đầu năm ; hai là, việc phân bổ nguồn vốn dễ bị ảnh hưởng bởi các mục tiêu chính trị nhiều hơn mục tiêu kinh tế (ví dụ : chi phí quốc phòng – an ninh, chi trợ cấp xã hội, chi trả lương hưu cho công chức, chi bù lãi suất ngân hàng cho các dự án công ích, chi lễ tân nhà nước hay các lễ kỷ niệm,); ba là, thời gian thực hiện dự án kéo dài. Hiếm có dự án công nào hoàn thành đúng tiến độ. Hậu quả là tiền lãi phải trả trên nợ vay tăng ; bốn là, hiệu quả sử dụng vốn thấp (thường thấp hơn các dự án vay vốn thương mại của khu vực tư) ; năm là, trách nhiệm người đi vay không cao vì những người tham gia quyết định vay nợ không hẳn là những người sẽ phải lo trả nợ nhất là khi người vay không có cơ hội tái đắc cử ; và sáu là, Chính phủ có khả năng che đậy các vấn đề bất cập của tình hình nợ công trong một thời gian khá dài (có thể tới 10 năm) nên việc điều chỉnh chính sách khắc phục không được kịp thời. Để không bị cuốn vào khủng hoảng nợ công, các nước đang phát triển cần tránh : Vay nợ quá nhiều, nhất là vay nợ nước ngoài. Tốt nhất là không để tỉ lệ nợ nước ngoài vượt quá 50% tổng số nợ công . Vay nợ mà không rõ hay không chắc khả năng trả nợ. Đây là nguyên nhân khiến các Chính phủ phải vay nợ mới để trả nợ cũ để rồi nợ ngày càng chồng chất với lãi suất ngày càng cao mà không tạo ra giá trị gia tăng mới. Chấp nhận lãi suất vay nợ công cao hơn lãi suất vay thương mại. Coi trọng mục tiêu chính trị ngắn hạn hơn hiệu quả kinh tế dài hạn. Ban hành các quyết định vay nợ trong một phạm vi hẹp những người có quyền lực mà thiếu phản biện và có trách nhiệm cá nhân đầy đủ. 3.3 Một số đề xuất về quản lý nợ công ở Việt Nam. Trên thực tế, trong những năm qua nợ công đã góp phần thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế- xã hội. Những năm gần đây nền kinh tế Việt Nam luôn có tốc độ tăng trưởng khá. Những năm tới, đối với Việt Nam nợ công vẫn là nguồn tài chính quan trọng bù đắp thâm hụt ngân sách để chi đầu tư cho các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc gia tăng liên tục vay nợ công cũng tạo ra rủi ro tiềm ẩn đối với ngân sách nhà nước, nhất là các rủi ro tài khoá. Để nợ công được quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng, giữ vững uy tín quốc gia, đảm bảo an ninh tài chính, hạn chế rủi ro, một số nội dung sau cần được nghiên cứu thực hiện: Thứ nhất, Chính phủ cần xây dựng kế hoạch vay nợ công phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch thu, chi ngân sách nhà nước trong từng giai đoạn, thời kỳ. Cần xác định rõ mục đích vay (để tài trợ thâm hụt ngân sách, tái cơ cấu nợ và cho vay lại, tài trợ cho các chương trình, dự án đầu tư quan trọng, hay nhằm đảm bảo an ninh tài chính quốc gia), mức huy động vốn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn theo từng đối tượng vay với hình thức huy động vốn và lãi suất thích hợp. Kế hoạch về vay nợ công cũng cần quy định rõ đối tượng sử dụng các khoản vay, hiệu quả dự kiến; xác định thời điểm vay, số vốn vay từng giai đoạn, tránh tình trạng tiền vay không được sử dụng trong thời gian dài hoặc chưa thực sự có nhu cầu sử dụng. Thứ hai, đảm bảo tính bền vững về quy mô và tốc độ tăng trưởng của nợ công, có khả năng thanh toán trong nhiều tình huống khác nhau và hạn chế rủi ro, chi phí. Muốn vậy, cần thiết lập ngưỡng an toàn nợ công; đồng thời thường xuyên đánh giá các rủi ro phát sinh từ các khoản vay nợ Chính phủ trong mối liên hệ với GDP, thu ngân sách nhà nước, tổng kim ngạch xuất khẩu, cán cân thương mại, dự trữ ngoại hối, dự trữ tài chính, quỹ tích lũy để trả nợ Thứ ba, kiểm soát chặt chẽ các khoản vay để cho vay lại và các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh. Chính phủ vay để cho vay lại và bảo lãnh vay thường phát sinh khi doanh nghiệp cần huy động một lượng vốn lớn trên thị trường vốn quốc tế, nhưng không đủ uy tín để tự mình đứng ra vay nợ. Khi đó, Chính phủ có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận được với các nguồn vốn quốc tế với quy mô lớn, lãi suất thấp. Các khoản vay và bảo lãnh này thực chất là nghĩa vụ ngân sách dự phòng, làm nảy sinh nguy cơ ngân sách nhà nước phải trang trải các khoản nợ khi doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc mất khả năng thanh toán. Do đó, việc vay về cho vay lại và bảo lãnh vay cần hết sức thận trọng, chỉ nên ưu tiên cho các chương trình, dự án trọng điểm của Nhà nước hoặc thuộc các lĩnh vực ưu tiên cao của quốc gia. Kiểm soát chặt chẽ các khoản vay nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh và việc cấp bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay nợ trong nước; khuyến khích phát triển mô hình hợp tác công - tư (PPP). Thứ tư, nâng cao hiệu quả và tăng cường kiểm soát việc sử dụng vốn vay, vốn được Chính phủ bảo lãnh. Đây là vấn đề cốt yếu đảm bảo cho khả năng trả nợ và tính bền vững của nợ công. Chính phủ là người đứng ra vay nợ, nhưng không phải là người sử dụng cuối cùng các khoản vốn vay, mà là các chủ dự án, các đơn vị thụ hưởng ngân sách, các doanh nghiệp... ; trong mọi trường hợp, ngân sách nhà nước phải gánh chịu hậu quả, rủi ro trong toàn bộ quá trình vay nợ. Để bảo đảm hiệu quả trong việc vay vốn và sử dụng vốn vay cần phải tuân thủ 2 nguyên tắc cơ bản là: không vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn, vay thương mại nước ngoài chỉ sử dụng cho các chương trình, dự án có khả năng thu hồi vốn trực tiếp và bảo đảm khả năng trả nợ; đồng thời kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thường xuyên quá trình sử dụng các khoản vay nợ, các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh, nhất là tại các đơn vị sử dụng trực tiếp vốn vay như: tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Thứ năm, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý nợ công. Việc công khai, minh bạch nhằm tăng cường trách nhiệm trong quản lý, sử dụng các khoản nợ công và trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý nợ công. Để thực hiện tốt nguyên tắc quan trọng đó, nợ công cần phải được tính toán, xác định đầy đủ trong quyết toán ngân sách nhà nước và phải được cơ quan chuyên môn xác nhận. Thứ sáu, Kiểm toán Nhà nước với tư cách là cơ quan độc lập về kiểm tra tài chính nhà nước cần được quy định rõ nhiệm vụ kiểm toán nợ công trong Luật Quản lý nợ công và Luật Kiểm toán nhà nước. Kiểm toán Nhà nước kiểm tra, xác nhận số liệu nợ, đánh giá tính bền vững của nợ Chính phủ so với GDP, trong mối quan hệ với bảo đảm an ninh tài chính quốc gia; cơ cấu nợ, tỷ lệ vay nợ nước ngoài trong tổng số nợ; cơ chế quản lý nợ, mục đích sử dụng các khoản vay nợ (nhất là nợ nước ngoài); tính minh bạch và đầy đủ trong các khoản nợ giúp Chính phủ có số liệu xác thực và thực trạng trung thực để đề ra các giải pháp tổng thể bảo đảm bền vững của ngân sách trong tương lai. Kiểm toán nợ công cần được tiến hành thường xuyên để có thể kiểm soát kịp thời các rủi ro trong quản lý./. TÀI LIỆU THAM KHẢO Giáo trình tài chính quốc tế_ Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TPHCM_ PGS.TS Phan Thị Cúc_ Năm 2010

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docxtieu_luan_431_3537.docx
Luận văn liên quan