Tóm tắt Luận án Hiệu quả chi ngân sách địa phương các tỉnh đồng bằng sông Hồng

Hiệu quả chi NSĐP cần được đánh giá toàn diện đa chiều, trong đó hai phương diện chủ yếu thường được các nghiên cứu xem xét là hiệu quả phân bổ và hiệu quả kinh tế. Do hạn chế về số liệu nên tác giả luận án tập trung phân tích hiệu quả chi tiêu ngân sách các tỉnh ĐBSH từ góc độ kinh tế. Trên cơ sở bám sát mục đích, nhiệm vụ, đối tượng, phạm vi nghiên cứu và vận dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu, luận án đã có những đóng góp mới sau đây: Về mặt lý luận: Hệ thống hóa làm sáng tỏ hơn cơ sở lý luận về hiệu quả chi NSĐP. Khung lý thuyết được xây dựng gồm: Chi NSĐP và hiệu quả chi NSĐP; Lý luận hiệu quả chi NSĐP bao gồm khái niệm; hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả chi tiêu NS địa phương; xác định và đo lường 7 nhân tố tác động đến hiệu quả chi NSĐP; đo lường hiệu quả kinh tế của chi NSĐP (chi cho đầu tư phát triển và chi thường xuyên) qua mô hình thu nhập quốc nội (GDP); Để làm rõ hơn những nhận định mang tính lý luận về hiệu quả chi NSĐP, luận án nghiên cứu về hiệu quả chi NSĐP ở một số nước trên thế giới, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm làm tăng hiệu quả chi NSĐP các tỉnh ĐBSH Về mặt thực tiễn: Khái quát, phân tích những đặc điểm thuận lợi và khó khăn về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của các tỉnh ĐBSH tác động đến hiệu quả chi NSĐP. Trên cơ sở các quy định về khung pháp lý, các nguồn tài liệu của chính quyền các tỉnh Đồng bằng sông hồng và các nguồn khác, luận án phân tích thực trạng hiệu quả chi NSĐP các tỉnh ĐBSH giai đoạn 2000 - 2016 và sử dụng mô hình hồi quy tuyến tính để đánh gía tác động của 7 nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả chi NSĐP các tỉnh ĐBSH ảnh hưởng thế nào đến hiệu quả chi NSĐP. Tác giả đã đánh giá kết quả, hạn chế hiệu quả chi NSĐP các tỉnh ĐBSH thời kỳ 2000- 2016, đồng thời chỉ ra những nguyên nhân.

pdf12 trang | Chia sẻ: yenxoi77 | Lượt xem: 494 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tóm tắt Luận án Hiệu quả chi ngân sách địa phương các tỉnh đồng bằng sông Hồng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
1 LỜI MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Chi ngân sách địa phương có vai trò quan trọng trong một nền kinh tế bởi các khoản chi này nhằm thực hiện các chức năng vốn có của Nhà nước trong việc cung cấp hàng hóa công, phục vụ lợi ích kinh tế - xã hội cho cộng đồng. Thông qua chi NSĐP, chính phủ còn có thể khuyến khích hoặc kìm hãm, nghiêm cấm phát triển hàng hóa và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội. Từ đó, việc nâng cao hiệu quả chi NSĐP luôn là vấn đề được đặc biệt quan tâm bởi không chỉ về phía các nhà điều hành chính sách, các nhà khoa học mà còn của cả cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế hoặc tổ chức hoạt động xã hội. Đặc biệt tại các địa phương, các khoản chi NSĐP đòi hỏi phải gắn trực tiếp nhu cầu thực tế và đánh giá đối ứng yếu tố đầu vào - kết quả đầu ra. Không có nhiều nghiên cứu trong nước và nước ngoài về hiệu quả chi NSĐP gắn với bối cảnh Việt Nam. Đây là khoảng trống nghiên cứu mà nghiên cứu sinh muốn bổ sung với ba trọng tâm: (i), hệ thống hóa hệ thống chỉ tiêu đo lường hiệu quả chi NSĐP; (ii), đánh giá tác động của các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả chi NSĐP; (iii), giải pháp nâng cao hiệu quả chi NSĐP các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Xuất phát từ những lý do trên, đề tài: “Hiệu quả chi ngân sách địa phương các tỉnh đồng bằng sông Hồng” được lựa chọn nghiên cứu. 2. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu Mục tiêu tổng quát: Xác lập căn cứ khoa học và thực tiễn và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả chi ngân sách địa phương các tỉnh đồng bằng sông Hồng Nhiệm vụ nghiên cứu: - Hệ thống hoá và phát triển thêm những vấn đề lý luận về hiệu quả chi ngân sách địa phương - Phân tích và đánh giá thực tiễn hiệu quả chi ngân sách địa phương các tỉnh đồng bằng sông Hồng - Đổi mới các giải pháp nâng cao hiệu quả chi ngân sách địa phương các tỉnh đồng bằng sông Hồng 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu: Những vấn đề lý luận và thực tiễn về hiệu quả chi NSĐP; các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả chi NSĐP. 2 Phạm vi nghiên cứu: - Phạm vi về nội dung nghiên cứu: Luận án chỉ đề cập đến hiệu quả chi ngân sách địa phương các tỉnh được phân cấp, không đề cập đến phần ngân sách trung ương thực hiện tại các tỉnh. - Phạm vi về không gian: Luận án nghiên cứu hiệu quả chi NSĐP các tỉnh đồng bằng sông Hồng bao gồm Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình vì các địa phương này có đặc điểm văn hóa - xã hội khá tương đồng mang tính lãnh thổ. - Phạm vi về thời gian: Các tài liệu được thu thập từ 2000 - 2016 và định hướng đến 2030. 4. Phương pháp nghiên cứu - Phương pháp luận: Để thực hiện mục tiêu, phù hợp với phạm vi, đối tượng nghiên cứu của đề tài, NCS sử dụng phượng pháp luận là nội dung của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử trong suốt quá trình nghiên cứu. - Phương pháp nghiên cứu: Trong quá trình nghiên cứu, luận án dựa trên sự kết hợp giữa nghiên cứu định tính và định lượng. Phương pháp định tính được sử dụng phân tích thực trạng chi NSĐP tại các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng, phỏng vấn chuyên gia khai thác đặc tính của biến số (phát triển thang đo). Phương pháp định lượng sử dụng trong kiểm định giả thuyết nghiên cứu, các kiểm định chất lượng mô hình nghiên cứu. Ngoài ra các luận án còn sử dụng nhiều phương pháp khác: So sánh đối chiếu, quy nạp, nghiên cứu tình huống 5. Kết cấu của luận án Ngoài phần mở đầu, kế luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, luận án được kết cấu thành 5 chương: Chương 1: Tổng quan nghiên cứu; Chương 2: Cơ sở lý luận về hiệu quả chi ngân sách địa phương; Chương 3: Thực trạng chi ngân sách địa phương các tỉnh đồng bằng sông Hồng; Chương 4: Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả chi ngân sách địa phương các tỉnh đồng bằng sông Hồng; Chương 5: Giải pháp tăng hiệu quả chi ngân sách địa phương các tỉnh đồng bằng sông Hồng. 3 CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU CÁC NGHIÊN CỨU NƯỚC NGOÀI Các nghiên cứu về hiệu quả chi ngân sách địa phương Hiệu quả chi ngân sách địa phương định hướng đầu vào Chi ngân sách được tiếp cận là một trong các yếu tố đầu vào để đạt kết quả đầu ra: tăng trưởng GDP, tăng thu nhập bình quân đầu người, tăng cường cung ứng các hàng hóa, dịch vụ công trong một số nghiên cứu như Afonso và Fernandes (2003), Hayes and Chang, 1990; Ibrahim and Karim, 2004, De Borger et al. (1994); Balaguer – Coll and Prior, 2009; ). Kết quả nghiên cứu cho kết luận khác nhau về chiều quan hệ giữa các biến số trong mối liên hệ với hiệu quả chi NSĐP Hiệu quả chi ngân sách địa phương định hướng đầu ra a). Chi ngân sách gắn với cải thiện dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe Chi NSĐP không những cần gắn với gia tăng giá trị kinh tế mà còn phải đảm bảo các khía cạnh văn hóa, xã hội của cộng đồng như vấn đề chăm sóc sức khỏe, y tế tại địa phương. Hiệu quả chi NSĐP thể hiện thông qua các minh chứng về quỹ được phân phối đúng, bên cạnh đó còn phản ánh qua việc đào tạo nhân lực và đảm bảo thu nhập đầy đủ cho nhân viên y tế. Mật độ dân cư có ảnh hưởng trực tiếp và có ý nghĩa thống kê với kỳ vọng sống của người dân (Chisholm và Evans, 2010; Kirigia và cộng sự, 2011; Aremo và Olanubi, 2016) b) Chi ngân sách gắn với cải thiện dịch vụ giáo dục Hiệu quả chi NSĐP cho giáo dục phụ thuộc vào số lượng giáo viên, kinh nghiệm giảng dạy và trang thiết bị giáo dục sẵn có, chi NSĐP bình quân trên một học sinh (Harbison và Hanushek,1992). Chi phí khác nhau tại hai hệ thống giáo dục công và tư tại địa phương và kết quả điểm thi khác nhau. c) Chi ngân sách địa phương gắn với các hàng hóa, dịch vụ công khác Ibrahim và Karim (2004) khẳng định từ kết quả nghiên cứu của mình, địa phương thiếu hiệu quả chủ yếu do sử dụng vượt quá chi ngân sách đầu vào. Điều đó hàm ý rằng, đã có một lượng tiền thừa không được chuyển hóa một cách hợp lý thành các dịch vụ công trong các địa phương được nghiên cứu. d). Hiệu quả chi ngân sách gắn với gia tăng giá trị kinh tế Tác động của chi ngân sách tới tăng trưởng kinh tế (xét theo khía cạnh hiệu quả kinh tế) còn nhiều kết luận trái chiều nhau và cần có thêm các nghiên cứu chuyên sâu ứng với bối cảnh, điều kiện riêng mỗi quốc gia (Grier&Tullock, 1989). Một số nhà nghiên cứu cho rằng tác động của chi 4 NSNN lên tăng trưởng kinh tế là tiêu cực hoặc không có mối liên hệ (Akpan, 2005; Laudau, 1983), một số nghiên cứu khác khẳng định chi NSNN có tác động tích cực lên tăng trưởng kinh tế (Christoph A. Schaltegger và Benno Torgler, 2004; Korman & Barahmasrene, 2007). Các nghiên cứu về những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả chi ngân sách địa phương Theo Tiebout (1956), áp lực cạnh tranh liên tục tăng lên giữa các chính quyền địa phương sẽ dẫn tới tăng hiệu quả Pareto trong dịch vụ công và cải thiện hiệu quả chi NSĐP. Oates (1993) cho rằng, các chính quyền địa phương có lợi thế trong thu thập thông tin và có khả năng đại diện về chuyển quyền đối với các khoản thu và chi ngân sách từ trung ương tới địa phương ứng với ưu tiên mà người dân địa phương mong đợi, từ đó hiệu quả kinh tế có thể nâng cao. Bên cạnh đó, Hayes và cộng sự (1998), khẳng định rằng, sự không hiệu quả trong chi của Chính phủ là kết quả của hành vi tự định, ưu tiên cho lợi ích nhóm. Qian và Roland (1998) kết luận rằng, sự cải cách trong phân quyền tài chính tại quốc gia này đã tạo thuận lợi cho nền kinh tế định hướng theo cơ chế thị trường và cải thiện hiệu quả kinh tế. Zhang Jun và Jin Yu (2005) khẳng định với hệ thống phân cấp tài chính, chi tiêu ngân sách của các chính quyền địa phương đã cải thiện đáng kể năng suất. Thu nhập đầu người và giáo dục từng cấp là các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả chi NSĐP (Afonso, Schuknecht và Tanzi, 2006; Borger và Kerstens, 1996; Rayp và Sijpe, 2007; Afonso và Fernandes, 2008). Liên hệ giữa hiệu quả và phân cấp quyền lực ở các chính quyền địa phương, Balaguer‐Coll et al. (2010b) kết luận là một số đô thị (phạm vi nghiên cứu là Tây Ban Nha những năm 1995 và 2000) có khả năng quản lý nguồn lực tài nguyên tốt hơn khi được cấp thêm quyền lực. Hiệu quả thu được từ phân cấp quyền lực cũng tăng lên qua thời gian. Phát hiện này đồng thuận quan điểm với các nghiên cứu trước rằng hệ thống phân quyền có khả năng tốt hơn để phù hợp cung cấp dịch vụ theo các khu vực bầu cử, từ đó có thể cung ứng dịch vụ công hiệu quả hơn (Klugman, 1994; Rodriguez – Pose and Bwire, 2004). Alegre và cộng sự (2011) đề cập hiệu quả NSĐP cần gắn liền với minh bạch ngân sách của chính quyền địa phương. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các yếu tố quyết định đến minh bạch ngân sách gồm tỷ lệ thất nghiệp (có ý nghĩa thống kê), mối quan hệ tiêu cực giữa liên minh chính quyền và minh bạch ngân sách; tác động tích cực của nợ trên phần thứ nhất của chỉ số minh bạch; thâm hụt ngân sách tác động tiêu cực tới minh bạch ngân sách 5 Nghiên cứu của Corrado (2013) được thực hiện bằng việc phân tích hiệu quả hành chính của chính quyền địa phương tại 103 đô thị lớn của Italia theo hai xu hướng chính: (i), sáp nhập các đô thị địa phương với hy vọng tổ chức hành chính tập hợp lại dẫn đến giảm chi ngân sách và tăng hiệu quả theo quy mô; (ii), sự phân cấp làm tăng quyền lực hành chính, trách nhiệm tài chính và hành chính từ trung ương đến địa phương. Kết quả cho thấy, 43 đô thị có quy mô kém hiệu quả, đặc biệt là 34 đô thị giảm thu nhập theo quy mô, trong khi 9 đô thị tăng thu nhập theo quy mô ở mức thấp. Phân tích sâu hơn, mức chi NSĐP không hợp lý là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả chi ngân sách. Tuy nhiên, kết quả của thu nhập giảm theo quy mô là do dân số trung bình của nhóm đô thị có lợi tức tăng lên nhỏ hơn nhóm có lợi tức giảm theo quy mô (93,961 so với 97,889), từ đó chi phối đến thang đo về hiệu quả chi ngân sách. Qua đó, hiệu quả chi NSĐP chịu ảnh hưởng bởi quy mô chi NSĐP. Qua tổng quan các nghiên cứu nước ngoài giúp nổi bật hai đặc trưng chính: (1), Không giống như quốc gia phát triển, hiệu quả chi ngân sách địa phương tại các nước đang phát triển còn chịu ảnh hưởng nhiều bởi các đặc điểm chính quyền địa phương và (2) nhiều nhân tố khác nhau ảnh hưởng đến hiệu quả chi tiêu ngân sách địa phương, nhưng còn thiếu sự đồng thuận về mức độ và chiều quan hệ, do đó cần có những nghiên cứu cụ thể theo bối cảnh cụ thể khẳng định lại. Tổng quan nghiên cứu về tiếp cận và phương pháp đo lường hiệu quả chi tiêu NSĐP Hai cách tiếp cận chính: hiệu quả phân bổ hoặc hiệu quả kỹ thuật đều đề cập đến mối quan hệ giữa yếu tố đầu vào và đầu ra. Hai kỹ thuật phân tích chính được sử dụng trong nhiều nghiên cứu trước Kỹ thuật phân tích đơn tiêu chí và Kỹ thuật phân tích đa tiêu chí. CÁC NGHIÊN CỨU TRONG NƯỚC Các nghiên cứu về tài chính công Các nghiên cứu về quản lý ngân sách và chi NSNN Các nghiên cứu về hiệu quả chi ngân sách địa phương Các nghiên cứu trong nước chủ yếu đề cập đến phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến quản lý NSĐP (Trần Quốc Vinh (2009), phân tích 5 nhân tố khách quan và 6 nhân tố chủ quan tác động đến quản lý NSĐP), ba nhân tố chủ quan, Trịnh Thị Thúy Hồng (2012) chỉ ra bốn nhân tố khách quan có ảnh hưởng tới quản lý chi NSNN khi tiếp cận nghiên cứu theo chu trình ngân sách); đến các yêu cầu trong quản lý NSĐP (Trần Văn Lâm (2009), khẳng định: Các khoản chi phải đúng mục đích, đúng định mức chi tiêu và được các thủ trưởng đơn vị chuẩn chi. Những thay đổi trong phương thức 6 quản lý chi NSNN, cụ thể là hướng tới kết quả đầu ra)); nghiên cứu về các chỉ tiêu đánh giá hiệu lực, hiệu quả (Nguyễn Thị Huệ (2012), nghiên cứu đến tăng cường hiệu quả thông qua chống thất thoát, Bùi Thị Quỳnh Thơ (2013) đo lường hiệu quả theo quan điểm hiệu quả chi NSNN so sánh kết quả với số tiền mà Nhà nước bỏ ra tương ứng với 1 công viêc cụ thể, nhưng hiệu quả quản lý chi NSNN được thể hiện bằng việc so sánh giữa kết quả công tác quản lý chi NSNN thu về ứng với số chi phí mà nhà nước đã chi ra cho công tác quản lý NSNN). Khoảng trống nghiên cứu Các nghiên cứu trong nước và quốc tế chủ yếu tập trung kiểm tra các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý của chính quyền địa phương, thay vì kiểm tra hiệu quả chi NSĐP từ góc độ bản chất là một bộ phận quan trọng của hệ thống tài chính liên quan đến quá trình phân bổ và sử dụng quỹ NSNN. Các phát hiện trên mẫu cụ thể tại các nghiên cứu hiện có vẫn tồn tại: (1) thiếu sự đồng thuận về chiều hướng và mức độ ảnh hưởng của các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả chi NSĐP và (2) không đại diện cho các tỉnh của nền kinh tế đang phát triển có đặc thù chi NSĐP rất khác với các vùng/tỉnh được nghiên cứu ở các nước phát triển. Về phương pháp đánh giá, các nghiên cứu trong nước chưa đánh giá đầy đủ nội dung chi NSĐP. Đặc biệt, hiếm nghiên cứu tiếp cận từ góc độ hiệu quả chi NSĐP theo yếu tố đầu ra. Xét về yêu cầu thực tế của từng địa phương, đặc biệt là các địa phương của nhóm quốc gia đang phát triển có nền tảng kinh tế thấp hơn và tính cấp thiết trong giải quyết các vấn đề xã hội cao hơn như xóa đói giảm nghèo, giảm tệ nạn xã hội, nâng cao dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe tại tuyến dưới ít được đề cập tại các nghiên cứu quốc tế. Nghiên cứu này giải quyết việc đánh giá hiệu quả chi NSĐP gắn với một số yếu tố đại diện cho kết quả đầu ra. Qua tổng quan nghiên cứu, tác giả mong muốn hoàn thiện khoảng trống nghiên cứu trên, trong đó tập trung vào các nội dung chính gồm: đánh giá chỉ tiêu đánh hiệu quả chi NSĐP theo đại diện kết quả gắn với bối cảnh cụ thể tại khu vực các tỉnh đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2000 - 2016; xác định các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả chi NSĐP, đánh giá hiệu quả chi NSĐP gắn tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng nhằm đề xuất các giải pháp phù hợp. Tiểu kết chương 1 Trong chương 1, nghiên cứu sinh đã tổng quan các công trình nghiên cứu theo từng nhóm khía cạnh nghiên cứu: hiệu quả chi NSĐP theo yếu tố đầu vào (tổng chi NSĐP, chi thường xuyên NSĐP); hiệu quả chi NSĐP 7 với sự gia tăng kết quả đầu ra (y tế, giáo dục, các dịch vụ công cộng khác, kinh tế); các yếu tố ảnh hưởng đến chi NSĐP (bảy yếu tố chính liên quan đến hiệu quả chi NSĐP); phương pháp đo lường hiệu quả chi NSĐP Qua tổng quan nghiên cứu, tác giả luận án đã rút ra được khoảng trống nghiên cứu về hiệu quả chi NSĐP. CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ HIỆU QUẢ CHI NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG LÝ LUẬN CHUNG VỀ CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC VÀ HIỆU QUẢ CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC Chi ngân sách nhà nước - Khái niệm - Đặc điểm - Phân loại chi NSNN - Vai trò của chi NSNN Hiệu quả chi ngân sách nhà nước “Hiệu quả chi NSNN là quan hệ tỷ lệ giữa lợi ích hành chính, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại với số tiền mà NSNN bỏ ra”. Đương nhiên, lợi ích của mỗi lĩnh vực có khác nhau. Nói chung đa phần lợi ích mang tính định tính khó xác định được bằng con số cụ thể. Đây cũng là khái niệm được tác giả luận án sử dụng xuyên suốt trong nghiên cứu này. CHI NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG VÀ HIỆU QUẢ CHI NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG Chi ngân sách địa phương Hiệu quả chi ngân sách địa phương xét từ khía cạnh lý luận Khái niệm hiệu quả chi NSĐP a) Khái niệm hiệu quả chi NSĐP theo cách tiếp cận của các nhà nghiên cứu ngoài nước Hiệu quả chi NSĐP đề cập đến mối quan hệ tương đối (tỷ lệ) giữa kết quả đầu ra với yếu tố đầu vào (các nguồn lực liên quan đến chi NSĐP) được đối chiếu với tiêu chuẩn (mục tiêu) được coi là tối ưu (Lonti và Woods 2008, Rueda Lopez 2006, 2009). Nói cách khác, hiệu quả chi NSĐP phản ánh năng suất so với giới hạn biên đầu vào hoặc mức đạt được về kết quả đầu ra một cách khả thi so với quy mô đầu vào đã thực hiện tại một địa phương nhất định (Mandl, Dierx và Ilzkovitz, 2008). b) Khái niệm hiệu quả chi NSĐP theo cách tiếp cận của các nhà nghiên cứu trong nước Hiệu quả chi tiêu ngân sách phải được phản ánh trong mối quan hệ giữa khối lượng nguồn lực mà nó sử dụng và các kết quả đầu ra tổng thể 8 cho xã hội trong một khoảng thời gian thích hợp (Bùi Đại Dũng, 2007). Có thể khái quát lại: Hiệu quả chi NSĐP là mối quan hệ giữa lợi ích đạt được và số tiền NSĐP chi cho các lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại theo quy định của Nhà nước thể hiện trong các văn quy phạm pháp luật về quản lý tài chính và ngân sách. Các tiêu chí đánh giá hiệu quả chi NSĐP Tiêu chí định lượng: Hệ số hiệu quả tài chính Là chỉ tiêu xuyên suốt được áp dụng trong đánh giá hiệu quả chi ngân sách địa phương, để so sánh mối quan hệ giữa yếu tố đầu ra với các yếu tố đầu vào tương ứng. Do đó, công thức xác định hiệu quả chi NSĐP như sau: Trong đó: : Hệ số hiệu quả tài chính (mức độ đáp ứng nhu cầu phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh và cung ứng dịch vụ trên cơ sở vốn đầu tư đã sử dụng); : Giá trị đầu ra (Output) thu được do thực hiện khoản chi j tại địa phương n; : Giá trị chi tiêu khoản mục j đã thực hiện để tại ra kết quả đầu ra trên tại địa phương n. Nhóm tiêu chí định tính Các chỉ tiêu định tính được phát triển trên cơ sở đo lường sự phù hợp và hoàn thành vai trò của chi NSĐP. Như vậy, đánh giá hiệu quả NSĐP có thể được xét theo các từng khâu của chu trình ngân sách và sự kết hợp của các khâu: phân cấp ngân sách, phê chuẩn ngân sách, chấp hành ngân sách, quyết toán ngân sách; đánh giá theo tiêu chí tuân thủ; đánh giá theo kết quả cung ứng các loại dịch vụ công Các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả chi NSĐP Tùy theo cách nhìn nhận khái niệm hiệu quả chi NSĐP mà có cách tiếp cận các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả chi NSĐP khác nhau. Luận án tập trung theo tám nhân tố cơ bản: (1) Phân cấp chi NSĐP cho các địa phương; (2) Quy mô chi NSĐP; (3) Thể chế quản lý chi NSĐP - căn nguyên chủ yếu của tình trạng chi NSĐP thiếu hiệu quả; (4) Năng lực và tổ chức bộ máy quản lý chi NSĐP; (5) Tính công khai, minh bạch trong quản lý chi NSĐP; (6) Trách nhiệm giải trình và tính liêm chính của cơ quan quản lý và thực hiện chi NSĐP; (7) Cơ chế kiểm tra, giám sát trong quản lý chi NSĐP; 9 Điều kiện cần thiết để thực hiện chi NSĐP đạt hiệu quả MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ CHI NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG Một số mô hình nghiên cứu đánh giá hiệu quả chi ngân sách địa phương a. Nghiên cứu của Al Gifari Hasnul Nghiên cứu của Al Gifari Hasnul (2015) đánh giá hiệu quả chi ngân sách nhà nước qua mối quan hệ giữa chi tiêu công và tăng trưởng kinh tế tại Malaysia, sử dụng bộ số liệu từ năm 1970-2014 b. Nghiên cứu của Sử Đình Thành Sử Đình Thành (2011) nghiên cứu mối quan hệ giữa chi tiêu công và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam bằng kiểm định nhân quả trong mô hình đa biến c. Nghiên cứu của Nguyễn Quang Trung và Trần Phạm Khánh toàn Nguyễn Quang Trung và Trần Phạm Khánh Toàn (2014) trong nghiên cứu tác động của chi tiêu công đến tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia Đông Nam Á d. Nghiên cứu của Saad và cộng sự Saad và cộng sự (2014), đã đánh giá mối quan hệ giữa chi tiêu NSNN và tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh của Arap Xêút giai đoạn 1969 - 2010 e. Một số nghiên cứu khác Một số nghiên cứu thực nghiệm chi ngân sách cho các nội dung cụ thể (chi cho giáo dục, y tế, vốn con người) đến tăng trưởng kinh tế. Adam và Ahmed (2010) kiểm định tác động của chi ngân sách cho giáo dục và y tế đối với phát triển kinh tế ở Pakistan. Maku (2009) sử dụng bộ dữ liệu thời gian giai đoạn 1977 – 2006 ở Nigeria và một số quốc gia đang phát triển. Vanden Eeckhaut và cộng sự (1993) và De Borger cùng cộng sự (1994) đã tập trung tập tích từ khía cạnh nghĩa vụ pháp lý của các chính quyền địa phương trong việc cung cấp các dịch vụ xã hội Mô hình nghiên cứu đánh giá hiệu quả chi ngân sách địa phương tại Việt Nam Tham khảo theo mô hình đánh giá hiệu quả chi NSĐP của Zhang và Zou (1998); mô hình nghiên cứu của Saad và cộng sự (2014). Tác giả phát triển giả thuyết nghiên cứu với mô hình viết lại sau: GDP = f (TOP, BI, BC, FDI, L) Trong đó: GDP là thu nhập quốc nội, TOP đại diện cho độ mở kinh tế (đo bằng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu), BI là chi ngân sách cho đầu tư; BC là chi ngân sách thường xuyên, FDI đại diện cho vốn đầu tư; L là lượng lao động của mỗi tỉnh 10 KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VỀ HIỆU QUẢ CHI NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG VÀ BÀI HỌC ĐỐI VỚI VIỆT NAM Kinh nghiệm về tăng hiệu quả chi ngân sách địa phương thông qua phân cấp ngân sách Nhật Bản gắn hiệu quả chi ngân sách với việc khai thác nguồn thu và kích thích các đơn vị thụ hưởng ngân sách chi tiêu tiết kiệm, phù hợp và đảm bảo chức năng và nhiệm vụ của đơn vị; đã tiến hành chuyển từ hệ thống phê chuẩn sang hệ thống tư vấn; Trung Quốc chú trọng phân định rõ quyền chi ngân sách và quyền xây dựng cơ sở hạ tầng giữa trung ương và địa phương, vừa làm rõ trách nhiệm và quyền lợi tương ứng giữa các cấp ngân sách. Kinh nghiệm quản lý chi tiêu NSNN theo kết quả đầu ra Chính phủ Singapore đã kiềm chế chặt chẽ chi tiêu trong giới hạn của nguồn thu, tạo ra sự thặng dư ngân sách vừa phải trong khoảng thời gian dài. Từ 1989 đến nay, Singapore tiến hành lập kế hoạch chi ngân sách theo kết quả đầu ra. Cơ sở xây dựng kế hoạch ngân sách theo kết quả đầu ra tại Đức căn cứ vào Luật ngân sách Liên bang, xác định theo cả hai khía cạnh: chất lượng và số lượng. Kinh nghiệm về tăng cường hiệu quả chi ngân sách thông qua giám sát bằng pháp luật Việc huy động nguồn lực tài chính trong nền kinh tế Hoa Kỳ là do thị trường quyết định. Quốc hội và Chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục ban hành đạo luật Omnibus kể từ sai khủng hoảng cuối những năm 80, đầu những năm 90 với mục đích kiểm soát thu, chi ngân sách một cách nghiêm ngặt hơn. Đạo luật quy định, có tăng thu thì mới tăng chi. Bài học đối với Việt Nam Năm bài học đối với Việt Nam từ kinh nghiệm quốc tế về tăng cường hiệu quả chi NSĐP: (1), Cần phải xác định vai trò và cấu trúc của nhà nước để xác định lại vai trò của nhà nước trong nền kinh tế; Trong các chương trình chi NSĐP, (2), tăng cường phân cấp cho chính quyền địa phương, tăng quyền tự chủ tài chính cho chính quyền địa phương, tăng cường tính công khai, minh bạch của chi NSĐP, tăng quyền và trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách; (3), quản lý ngân sách nhà nước theo kết quả đầu ra, qua đó trao cho người chịu trách nhiệm chính về nhiệm vụ chi, chương trình chi hay hoạt động chi; (4), quyền tự chủ sử dụng ngân sách với phạm vi rộng hơn. Việc phân bổ cũng được dựa vào mục tiêu, kết quả đầu ra và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sử dụng ngân sách; (5), 11 công khai, minh bạch về chi NSĐP; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các chương trình chi. CHƯƠNG 3: THỰC TRẠNG CHI NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG CÁC TỈNH ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG SƠ LƯỢC VỀ CÁC TỈNH ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG KHÁI QUÁT VỀ TÌNH HÌNH CHI NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG TẠI CÁC TỈNH ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG Quy mô chi ngân sách địa phương tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng Chi NSĐP của các tỉnh đồng bằng sông Hồng có tỷ trọng khá ổn định so với các vùng khác trong 2 giai đoạn: 1993 đến 1999 (trung bình khoảng 21%); từ 2000 đến 2009 (trung bình khoảng 21%), nhưng tăng cao trong những năm gần đây từ 2010 đến 2015 (trung bình khoảng 25%). Hà Nội là tỉnh có mức chi NSĐP lớn nhất, sau đó là các tỉnh Quảng Ninh, Vĩnh Phúc và Hải Phòng. Nhìn chung, các tỉnh đồng bằng sông Hồng đều có quy mô chi tăng lên, tăng mạnh từ 2009 đến 2015, sau đó có xu hướng duy trì hoặc tăng nhẹ các năm 2016, 2017. Phân bổ chi NSĐP vào các lĩnh vực của tỉnh, thành phố Chi đầu tư phát triển thường chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi trong cân đối NSNN (từ 35 đến 45%, thậm chí lên đến 50%). Đây là lĩnh vực quan trọng liên quan đến cơ sở hạ tầng của các địa phương các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Chi thường xuyên các tỉnh đồng bằng sông Hồng tăng dần qua các năm. Các tỉnh có mức chi thường xuyên lớn nhất là Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng. Xét về tỷ trọng chi tiêu thường xuyên của các tỉnh (theo năm 2011) cho thấy, các tỉnh Hà Nam và Bắc Ninh chỉ chiếm từ 3% đến 4% chi tiêu thường xuyên toàn khu vực đồng bằng sông Hồng nhưng chỉ riêng Hà Nội và Quảng Ninh, mức chi tiêu thường xuyên đã chiếm đến một nửa tổng chi tiêu thường xuyên của toàn bộ 11 tỉnh, thành phố (chiếm 49%). Nghiên cứu thực trạng chi của NSĐP các tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng có thể rút ra một số nhận xét cơ bản sau đây: - Cùng với tốc độ phát triển kinh tế, xã hội ngày càng tăng, tốc chi NSĐP của các tỉnh đồng bằng Sông Hồng cũng tăng lên đáng kể, năm sau thường cao hơn năm trước. - Do tốc độ đô thị hóa nhanh nên tỷ trọng các khoản chi NSĐP ở khu vực thành thị lớn hơn ở khu vực nông thôn. 12 - Cơ cấu chi NSNN có sự chuyển biến tích cực, song tỷ trọng chi thường xuyên luôn lớn hơn chi đầu tư phát triển, trong chi đầu tư phát triển, chi xây dựng cơ bản tăng cơ sở vật chất kỹ thuật cho phát triển kinh tế, xã hội vẫn là lớn nhất. THỰC TRẠNG HIỆU QUẢ CHI NSĐP CÁC TỈNH ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG Luận án chỉ tập trung đánh giá hiệu quả chi NSĐP theo ba khía cạnh: quan hệ giữa chi NSĐP với tăng trưởng kinh tế; chi NSĐP với xóa đói giảm nghèo và chi NSĐP với thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Phân tích định tính hiệu quả chi NSĐP các tỉnh đồng bằng sông Hồng Về mối quan hệ giữa chi NSĐP với tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo và thu hút nguồn FDI Thứ nhất, chi NSĐP của các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng giai đoạn qua nhìn chung có tỷ lệ thuận với GDP bình quân các tỉnh này. Thứ hai, cũng thông qua số liệu của bảng trên, với giả thiết các yếu tố khác không thay đổi cho thấy khi chi NSĐP, đặc biệt các khoản chi NSĐP phân bổ cho mục đích xóa, giảm nghèo chiếm tỷ trọng cao tổng các khoản chi NSĐP thì tốc độ giảm nghèo nhanh. Thứ ba, đối với vấn đề thu hút nguồn FDI của nước ngoài, chi NSĐP của các tỉnh đồng bằng sông Hồng trong giai đoạn qua có những tác động tích cực nhất định. Về sự tuân thủ và kết quả cung ứng các loại dịch vụ công Qua nghiên cứu quản lý NSĐP tại một số tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng trong thời gia vừa qua, nhất là từ khi có Luật NSNN năm 2002, về cơ bản việc tuân thủ chính sách chế độ quản lý NSNN tại các địa phương này đã được thể hiện khá nghiêm túc. Theo đánh giá của các chuyên gia, các nhà quản lý cũng như qua khảo sát thực tế tại các tỉnh ĐBSH thời gian qua cho thấy việc cung ứng dịch vụ hành chính công bước đầu đã có nhiều chuyển biến tích cực. Mối quan hệ giữa chi NSĐP với GDP, xóa đói giảm nghèo, thu hút FDI Mô hình nghiên cứu Coi GDP là đại diện đầu ra kết quả, tức Output (hiệu quả kinh tế). Các yếu tố đầu vào (Inputs) được xây dựng trên cơ sở lý thuyết gốc về chi tiêu chính quyền địa phương với tăng trưởng. Mô hình 1: GDP = f (TOP, BI, BC, FDI, L) (3.1) Mô hình 1’: GDP = f (TOP, BI, BC, FDI, L) [DUM] (3.2) 13 Trong đó: TOP là tổng kim ngạch xuất khẩu, đại diện cho độ mở kinh tế. Biến chi thường xuyên (BC) và chi đầu tư (BI) được lấy theo giá trị thực (giá so sánh 2010). Lao động là tổng số người trong độ tuổi lao động (từ 15 tuổi trở lên), nguồn Cục thống kê các tỉnh. Mô hình 1’ được thực hiện trong điều kiện xảy ra với DUM bằng 0 và DUM bằng 1 ứng với thời gian trước và sau khi Luật NSNN 2002 có hiệu lực. Các biến giá trị TOP, BI, BC, FDI, L được chuyển sang dạng giá trị Logarit ở ước lượng nhằm bằng phẳng hóa khuynh hướng thời gian của các chuỗi. Các giả thuyết nghiên cứu: H1: Sự thay đổi TOP (độ mở kinh tế) tác động thuận chiều với sự thay đổi của GDP tỉnh H2: Thay đổi BI tác động thuận (hiệu quả) hoặc nghịch chiều (kém hiệu quả) với GDP tỉnh H3: Thay đổi của BC có tác động thuận chiều (hiệu quả) hoặc nghịch chiều (kém hiệu quả) với GDP tỉnh H4: Sự thay đổi của lao động có tác động tích cực đến GDP tỉnh H5: Sự thay đổi của vốn đầu tư (lấy đại diện FDI) có tác động tích cực đến GDP tỉnh Dữ liệu và thang đo các biến Nghiên cứu sử dụng dữ liệu bảng của 11 tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình trong khoảng thời gian từ 2000 đến 2016. GDP (Thu nhập quốc nội): GDP thực tế và được chuyển sang dạng Logarit, ký hiệu lngdp, nguồn Tổng Cục thống kê. Độ mở kinh tế được tính toán bằng giá trị nhập khẩu và xuất khẩu theo giá so sánh 2010 và được chuyển sang dạng Logarit. BI (Chi đầu tư phát triển): Biến BI được chuyển sang dạng Logarit, ký hiệu lnbi. Chi thường xuyên (BC): Biến BC được chuyển sang dạng Logarit, ký hiệu lnbc. FDI (Đầu tư trực tiếp nước ngoài): Biến FDI được chuyển sang dạng Logarit, ký hiệu lnfdi. Kết quả kiểm định Kết quả ước lượng hiện quả chi NSĐP các tỉnh đồng bằng sông Hồng theo hiệu quả kinh tế thông qua mô hình đánh giá hiệu ứng cố định được thể hiện ở bảng 3.8. Bảng 3.8. Kết quả ước lượng mô hình hồi quy với tác động cố định 14 Kết quả mô hình với tác động cố định cho thấy chi tiêu ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển (lnbi) có tác động tỷ lệ thuận với lngdp, với mức độ tin cậy là 95%. Kết quả kiểm định cho thấy, khi chi tiêu cho đầu tư phát triển cấp tỉnh tăng 1% dẫn đến sự thay đổi tổng sản lượng là 0,086%. Chi tiêu thường xuyên cấp tỉnh có quan hệ thuận chiều với LnGDP, với độ tin cậy 95%. Khi chi tiêu thường xuyên cấp tỉnh tăng 1% dẫn đến tăng lên lnGDP tương ứng 0,159%. Các biến còn lại cũng có mối quan hệ thuận chiều với lnGDP. Sự ảnh hưởng từ thấp đến cao của các biến là chi tiêu thường xuyên cấp tỉnh, độ mở kinh tế, chi tiêu đầu tư, đầu tư trực tiếp nước ngoài và lao động. Tuy nhiên, kết quả ước lượng cũng cho thấy biến lao động không đạt được mức ý nghĩa thống kê trong mô hình tác động cố định và mô hình robust FEM. Bảng 3.9. Kết quả ước lượng các mô hình hồi quy Các kiểm định cho thấy việc lựa chọn mô hình tác động cố định (FEM) và mô hình hiệu chỉnh sai số của REM (fe_robust1) là phù hợp, mức R_sq đạt mức cao (91,383%). Biến lao động không đạt ý nghĩa thống kê được xem xét để loại bỏ nhằm có được mô hình tốt hơn 15 Bảng 3.10: Kết quả ước lượng mô hình hồi quy trước và sau khi loại bỏ biến Kết quả hồi quy theo tác động cố định khẳng định hiệu quả kinh tế của chi NSĐP cấp tỉnh. Sự tăng lên chi NSĐP về đầu tư phát triển và chi tiêu thường xuyên tác động tích cực lên GDP mỗi tỉnh. Kết quả nghiên cứu thống nhất với phát hiện của Đặng Văn Cường và cộng sự (2014). Để đánh giá sự ảnh hưởng của những chuyển biến hiệu quả kinh tế (GDP) kể từ khi Luật NSNN năm 2002 có hiệu lực, tác giả luận án đánh giá FEM với biến giả DUM với kỳ vọng nhận được sự thay đổi tích cực trong mối quan hệ này. Bảng 3.11: Kết quả ước lượng mô hình hồi quy với điều kiện biến giả 16 Như vậy, việc cho biến giả DUM, đại diện cho sự thay đổi trong phân cấp ngân sách bởi mức độ chi NSĐP sẽ có khác biệt lớn do tăng tính tự chủ của địa phương. Cột (4) bảng phản ánh giá trị các hệ số ước lượng trong mô hình nghiên cứu lựa chọn FE với điều kiện DUM gán giá trị bằng 1. Cột (5) là mô hình hiệu chỉnh sai số của mô hình cột (4). Như vậy, so sánh mô hình với DUM=1 và mô hình với DUM=0 cho thấy các hệ số ước lượng của các biến độc lập đều có ý nghĩa thống kê, trừ Lnfdi. Kết quả này hàm ý, sự thay đổi của trong chuyển biến phân cấp, đại diện theo mốc thời gian Luật NSNN năm 2002 có hiệu lực (năm tài khóa 2004) đã có ảnh hưởng đến sự thay đổi của Lngdp, các dấu của hệ số đều dương phản ánh rằng, các biến độc lập trong mô hình đều tác động tích cực đến Lngdp. Kết quả này đồng thuận quan điểm với lý thuyết và phần lớn nghiên cứu thực nghiệm khác. Với mô hình thực nghiệm, tác động của chi NSĐP, phân tích thành chi thường xuyên và chi đầu tư và phát triển theo phương diện kinh tế (đại diện là GDP) là tích cực, có ý nghĩa thống kê 1% đến 5%. Sự thay đổi của GDP cũng chịu tác động của độ mở kinh tế, FDI thực hiện (với α=10%), chưa tìm thấy tác động của lao động đến GDP tại mỗi địa phương ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ HIỆU QUẢ CHI NSĐP CÁC TỈNH ĐỒNG ĐBSH Đánh giá định tính Thứ nhất, hiệu quả chi NSĐP chưa cao, thậm chí đang có phản ứng nghịch chiều giữa chi NSĐP và tăng trưởng kinh tế. Thứ hai, xét từ giác độ hiệu quả xã hội gắn với tiêu chí giảm tỷ lệ hộ nghèo, chi NSĐP các tỉnh đã góp phần vào những chuyển biến tích cực về tiêu chí này. Thứ ba, chi NSĐP góp phần thúc đẩy FDI thực hiện tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Đánh giá định lượng Thứ nhất, đối với chi công cho đầu tư. Kết quả nghiên cứu nhận được từ mô hình tổng sản lượng (GDP) các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng và chi NSĐP cấp tỉnh giai đoạn 2000 – 2016 đã khẳng định mối quan hệ thuận chiều của chi cho đầu tư phát triển với GDP. Thứ hai, đối với chi NSĐP cho các hoạt động thường xuyên. Các khoản chi thường xuyên có tỷ trọng lớn như giáo dục – đào tạo, quản lý nhà nước, y tế, chi sự nghiệp kinh tế. 17 CHƯƠNG 4: PHÂN TÍCH CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HIỆU QUẢ CHI NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG CÁC TỈNH ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU a. Mô hình nghiên cứu Luận án xây dựng mô hình kiểm định mối quan hệ giữa các nhân tố tới hiệu quả chi NSĐP tại 11 tỉnh đồng bằng khu vực sông Hồng. Trong đó, mô hình gồm biến phụ thuộc là hiệu quả chi NSĐP của địa phương, chịu tác động bởi nhân tố chính (7 biến độc lập): phân cấp chi NSĐP; quy mô chi NSNN địa phương; thể chế quản lý chi NSĐP; Năng lực và bộ máy quản lý chi NSĐP tại địa phương; Tính công khai, minh bạch thông tin; trách nhiệm giải trình và tính liêm chính; kiểm tra, giám sát trong quản lý chi NSĐP. b. Giả thuyết nghiên cứu Giả thiết 1: Tồn tại mối quan hệ thuận chiều giữa phân cấp chi NSĐP với hiệu quả chi NSĐP các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng. Giả thiết 2: Tồn tại mối quan hệ thuận chiều giữa quy mô chi NSĐP với hiệu quả chi NSĐP các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng. Giả thiết 3: Tồn tại mối quan hệ thuận chiều giữa thể chế quản lý chi NSĐP với hiệu quả chi NSĐP các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng. Giả thiết 4: Tồn tại mối quan hệ thuận chiều giữa Năng lực và tổ chức bộ máy quản lý chi NSĐP với hiệu quả chi NSĐP các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng. Giả thiết 5: Tồn tại mối quan hệ thuận chiều giữa Tính minh bạch thông tin trong quản lý chi NSĐP với hiệu quả chi NSĐP các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng. Giả thiết 6: Tồn tại mối quan hệ thuận chiều giữa Trách nhiệm giải trình và tính liêm chính trong quản lý chi NSĐP với hiệu quả chi NSĐP các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng. Giả thiết 7: Tồn tại mối quan hệ thuận chiều giữa Cơ chế kiểm tra, giám sát trong quản lý chi NSĐP với hiệu quả chi NSĐP các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng. THIẾT KẾ NGHIÊN CỨU a. Phương pháp nghiên cứu Về định tính: Tác giả đã thực hiện phỏng vấn sâu (thảo luận 5 chuyên gia thực hiện chi tiêu ngân sách; 5 nhà quản lý chi tiêu ngân sách nhà nước và 5 đại diện cho các bên hưởng thụ kết quả của chi tiêu ngân sách nhà nước) tại mỗi tỉnh. 18 Về định lượng: thực hiện thông qua khảo sát bảng hỏi thuộc ba đối tượng có chức trách/công việc liên quan đến chi NSĐP tại các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng. Toàn độ phiếu khảo sát được phát ra là 362 phiếu, trong đó thu về được 362 phiếu. Các phiếu được rà soát lại cách thức trả lời theo yêu cầu và đều cho kết quả hợp lệ. b. Quy trình nghiên cứu Quy trình nghiên cứu được thực hiện theo ba bước: (1), nghiên cứu sơ bộ; (2), nghiên cứu thử nghiệm; (3), nghiên cứu chính thức. c. Mẫu nghiên cứu Để chọn kích thước mẫu nghiên cứu, một mặt tác giả cân đối số lượng tham số ước lượng trong mô hình (có 7 biến độc lập ứng với 59 chỉ báo; mặt khác, đối tượng trả lời bảng khảo sát phản đảm bảo tính ngẫu nhiên về vấn đề được hỏi nên quy mô mẫu thực hiện tối thiểu đạt 59*5 = 295 quan sát. Thang điểm Likert 5 thể hiện mức độ đồng thuận của người trả lời với quan điểm nghiên cứu đưa ra (điểm 1-5 tương ứng từ mức Hoàn toàn không đồng ý) được sử dụng để đánh giá quan điểm. Thang điểm này thường được sử dụng trong đánh giá bảng hỏi tại Việt Nam. d. Thang đo sử dụng trong nghiên cứu Thang đo hiệu quả chi tiêu ngân sách nhà nước (HQL), Thang đo về phân cấp ngân sách (ký hiệu PC), Thang đo về quy mô ngân sách (Ký hiệu QM), Thang đo về thể chế quản lý chi NSĐP (ký hiệu TC), Thang đo Năng lực và tổ chức bộ máy quản lý chi NSĐP (ký hiệu NL1), Thang đo Tính công khai minh bạch (Ký hiệu MB), Thang đo Trách nhiệm giải trình và tính liêm chính (Ký hiệu TN), Thang đo Cơ chế kiểm tra, giám sát trong quản lý chi NSĐP (ký hiệu GS) e. Phương pháp xử lý dữ liệu Quy trình xử lý và phân tích số liệu được thực hiện qua bốn bước: (1), Làm sạch và mã hóa số liệu; (2), Phân tích độ tin cậy của thang đo; (3), Phân tích hồi quy mức độ ảnh hưởng của các nhân tố; (4), Phân tích phương sai cho các biến nhân khẩu học. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU Thống kê mẫu nghiên cứu Mẫu nghiên cứu gồm 326 quan sát tương ứng với số người trả lời khảo sát (các cán bộ quản lý, nhân viên đảm trách công việc quản lý và thực hiện chi NSĐP tại các tỉnh, người đại diện và cá nhân người thụ hưởng từ chi NSĐP). Kết thúc quá trình điều tra, số phiếu thu về là 326, đạt tỷ lệ trả lời 100%, không có phiếu lỗi hoặc trả lời thiếu thông tin theo tính chất phân bổ đều cho các tỉnh (29 phiếu), riêng Hà Nội với diện tích rộng và quy mô chi NSĐP lớn hơn được tăng 7 phiếu tức là 36 phiếu. 19 Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả chi NSĐP các tỉnh đồng bằng sông Hồng Kiểm định độ tin cậy của thang đo Tất cả các biến quan sát của các thang đo đều thỏa mãn điều kiện hệ số tương quan biến tổng lớn hơn 0.3 và hệ số Cronbach Alpha > 0.6. Bảy thang đo về các nhân tố ảnh hưởng được thể hiện bằng 59 quan sát. Các thang đo này có Cronbach alpha đạt yêu cầu. Phân tích nhân tố khám phá EFA Kết quả phân tích nhân tố EFA cho thang đo của các nhân tố ảnh hưởng cho thấy có 7 nhân tố được trích tại giá trị Eigen là 3.548 và phương sai trích được là 66.050%. Như vậy phương sai trích đạt yêu cầu Sau hai lần thực hiện xoay nhân tố ta có bảng 3.11 về phân tích nhân tố. Kết quả phân tích nhân tố cho thấy thang đo các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả chi NSĐP có 7 nhân tố với 59 chỉ báo cụ thể Phân tích tương quan Bảng ma trận tương quan cho thấy thang đo HQ đều có tính tương quan có ý nghĩa với các nhân tố độc lập trong mô hình. Hệ số tương quan giữa các nhân tố phụ thuộc và nhân tố độc lập đều có giá trị Sig < 0,05. Có thể kết luận, không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến trong mô hình. Phân tích hồi quy tuyến tính Kết quả thực hiện hồi quy được trình bày dưới bảng 4.13 và kết quả thực hiện phân tích ANOVA: Bảng 4.13: Kết quả hồi quy Nguồn: Nghiên cứu của NCS Kết quả kiểm định sự phù hợp của mô hình hồi quy (ANOVA) cho thấy hệ số Sig < 0,05. Điều này hàm ý rằng các nhân tố có tính phù hợp trong mô hình nghiên cứu. Mô hình hồi quy tuyến tính đa biến (dạng chuẩn hóa) được biểu diễn như sau: 20 BÌNH LUẬN KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU (1) Về phân cấp trong quản lý hiệu quả chi NSĐP: Cơ chế mở để chính quyền địa phương tăng quyền tự chủ trong các quyết định phân bổ nguồn lực, sử dụng nguồn lực theo các ưu tiên của địa phương và có được sự chủ động về cách thức thực hiện là nội dung cần được quan tâm nhất để nâng cao hiệu quả chi NSĐP tại địa phương. So với các cách thức về định hướng phân cấp ngân sách, các ý kiến đều ủng hộ việc phân cấp quản lý ngân sách hướng theo kết quả đầu ra trong kế hoạch ngân sách trung hạn hơn là phân cấp quản lý ngân sách theo các khoản mục đầu vào. (2) Về quy mô chi NSĐP gắn với hiệu quả chi NSĐP: Sự ảnh hưởng của quy mô chi NSĐP đến hiệu quả chi NSĐP vẫn ràng buộc bởi năng lực đầu vào (tính theo tỷ trọng trên GDP). (3) Về nhân tố thể chế quản lý hiệu quả chi NSĐP: Thể chế có thể tổng hợp trên ba vấn đề cơ bản: (i), cần xây dựng cơ chế quản lý ba bên (theo TC1); (ii), cần tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát đầy đủ, chính xác các nội dung, quy trình chi NSĐP trong đó vai trò đánh giá, giám sát lớn nhất thuộc về người thụ hưởng. (4) Về nhân tố năng lực và tổ chức bộ máy quản lý chi NSĐP: Chi NSĐP được đánh giá hiệu quả khi thời gian hoàn thành công việc và thực thi tốt cơ chế một cửa. Chỉ báo NL6 (Chi phí vận hành bộ máy quản lý chi tiêu và thực hiện chi NSĐP là tiết kiệm, hợp lý) là chỉ báo có giá trị bình quân thấp nhất và gần bằng 3. Điều này hàm ý rằng, không rõ được mối liên hệ giữa chi tiêu tiết kiệm với hiệu quả chi NSĐP. (5) Về nhân tố Minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình trong quản lý chi NSĐP: Vấn đề minh bạch thông tin đang là điểm yếu trong quản lý NSNN nói chung và hiệu quả chi NSĐP nói riêng. Minh bạch thông tin kém đang làm mất đi tính tự chủ, quyền quyết định của bên quyền lực thứ tư (người dân), hiệu quả chi NSĐP không được đảm bảo. (6) Về trách nhiệm giải trình và tính liêm chính trong chi NSĐP: Hiệu quả chi NSĐP các tỉnh đồng bằng theo tiêu chí trách nhiệm giải trình, tính liêm chính trong chi NSĐP còn thấp. Các văn bản giải trình về các vi phạm trong chi NSĐP không được công bố theo định kỳ theo tháng, 6 tháng một lần hoặc cuối năm như các trụ cột mà OECD đề xuất. (7) Về cơ chế quản lý giám sát, kiểm tra trong quản lý chi NSĐP tại địa phương với hiệu quả chi NSĐP Hàm ý chính sách là cần hoàn thiện cơ chế giám sát theo tính chất công khai, nhiều bên tham gia. 21 NHỮNG HẠN CHẾ VỀ HIỆU QUẢ CHI NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG TẠI CÁC TỈNH ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG - Thứ nhất, sự phát triển của vùng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của các tỉnh trong vùng - Thứ hai, Hiệu quả chi NSNN tại các tỉnh ĐBSH chưa cao NGUYÊN NHÂN CỦA HẠN CHẾ - Một số tỉnh trong khu vực ĐBSH nhận thức chưa đúng về tầm quan trọng, trách nhiệm quản lý ngân sách địa phương. - Việc thực hiện chu trình quản lý chi NSNN còn nhiều bất cập CHƯƠNG 5: GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CHI NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG CÁC TỈNH ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG ĐỊNH HƯỚNG, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI ĐỊA PHƯƠNG VÀ YÊU CẦU VỀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CÁC TỈNH ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG Mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh đồng bằng sông Hồng đến năm 2030 Từ nay đến 2030, các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng tiếp tục chuyển dịch mạnh cơ cấu ngành từ nông nghiệp sang phát triển dịc vụ, thương mại, công nghiệp và xây dựng. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu về văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng (như tỷ lệ hộ nghèo giảm, số bác sỹ/vạn dân tăng; an sinh xã hội, bảo vệ môi trường) đều đặt quyết tâm phải cải thiện hơn so với giai đoạn từ 2010 – 2020. Yêu cầu nâng cao hiệu quả chi NSĐP các tỉnh đồng bằng sông Hồng Để đảm bảo hiệu quả và hiệu lực chi NSĐP, cách tiếp cận chính là Nhà nước hoặc chính quyền các cấp tại địa phương phải cung cấp hàng hóa công với mức chi phí hợp lý để đạt được hiệu quả kinh tế xã hội cao nhất. GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CHI NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG CÁC TỈNH ĐỒNG BĂNG SÔNNG HỒNG Giải pháp và gợi ý chính sách từ kết quả nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả chi ngân sách địa phương các tỉnh đồng bằng sông Hồng Gợi ý chính sách từ kết quả nghiên cứu nhân tố phân cấp quản lý chi tác động đến hiệu quả chi NSĐP Kết quả nghiên cứu này gợi ý các chính sách hoàn thiện, đổi mới phân cấp quản lý chi NSĐP, đặc biệt là đẩy mạnh phân cấp ngân sách cho chính quyền địa phương 22 Gợi ý chính sách từ kết quả nghiên cứu nhân tố quy mô chi NSĐP có ảnh hưởng tới hiệu quả chi NSĐP Tiếp tục cải cách hành chính trong khâu cấp phép, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư tại tỉnh.Ứng dụng và cập nhật phần mềm dịch vụ công, đặc biệt phổ cập và triển khai hiệu quả phần mềm cung cấp dịch vụ công cấp độ 3 trong thẩm quyền giải quyết của tỉnh Gợi ý chính sách từ kết quả nghiên cứu nhân tố thể chế quản lý tác động đến hiệu quả chi NSĐP Để có thể tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thể chế quản lý chi NSĐP các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng, giải pháp quan trọng đầu tiên là phải tổ chức đánh giá quá trình thực hiện các văn bản trên trong thực tiễn. Gợi ý chính sách về kết quả nghiên cứu nhân tố năng lực và tổ chức bộ máy quản lý có ảnh hưởng đến hiệu quả chi ngân sách địa phương Đổi mới cơ chế phân phối NSNN và phân phối chi NSĐP cho các địa phương: Cơ chế phân phối chi NSĐP cho các địa phương hiện nay tuân thủ theo các nguyên tắc thống nhất, công bằng .... theo chu trình NSNN Gợi ý chính sách về kết quả nghiên cứu nhân tố minh bạch thông tin trong quản lý chi NSĐP a. Thực hiện tốt nguyên tắc công khai, minh bạch trong quản lý chi ngân sách địa phương b. Nâng cao tính công khai minh bạch trong phân cấp chi ngân sách địa phương với các tỉnh đồng bằng Sông Hồng Gợi ý chính sách về kết quả nghiên cứu nhân tố trách nhiệm giải trình và tính liêm chính trong chi NSĐP Kết quả nghiên cứu của luận án gợi ý chính sách để nâng cao vai trò của trách nhiệm giải trình và tính liêm chính trong chi NSĐP, do đó, kỷ luật tài khóa cần được thực hiện nghiêm túc Gợi ý chính sách về kết quả nghiên cứu nhân tố cơ chế quản lý giám sát, kiểm tra trong quản lý chi NSĐP tại địa phương ảnh hưởng tới hiệu quả chi NSĐP Kết quả này gợi ý các chính sách nhằm nâng cao vai trò của cơ chế quản lý giám sát, kiểm tra trong quản lý chi NSĐP; trong bối cảnh hiện nay, cần có các giải pháp tăng cường giám sát của nhân dân về chi NSĐP Một số giải pháp khác Nâng cao vai trò của HĐND cấp tỉnh, thành phố trong việc quyết định NSĐP Để nâng cao vai trò của HDND cấp tỉnh, thành phố cần chú trọng nâng cao năng lực, sự hiểu biết về chuyên môn của các thành viên HĐND 23 nói chung và của các cán bộ tham mưu cho HĐND nói riêng về lĩnh vực tài chính, ngân sách. Sử dụng hiệu quả nguồn lực góp phần thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, xóa đói giảm nghèo phát triển kinh tế các tinh ĐBSH Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải được các cấp chính quyền các tinh ĐBSH đặc biệt quan tâm, tiết kiệm được khẳng định là quốc sách. Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng và thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, các địa phương. KẾT LUẬN Hiệu quả chi NSĐP cần được đánh giá toàn diện đa chiều, trong đó hai phương diện chủ yếu thường được các nghiên cứu xem xét là hiệu quả phân bổ và hiệu quả kinh tế. Do hạn chế về số liệu nên tác giả luận án tập trung phân tích hiệu quả chi tiêu ngân sách các tỉnh ĐBSH từ góc độ kinh tế. Trên cơ sở bám sát mục đích, nhiệm vụ, đối tượng, phạm vi nghiên cứu và vận dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu, luận án đã có những đóng góp mới sau đây: Về mặt lý luận: Hệ thống hóa làm sáng tỏ hơn cơ sở lý luận về hiệu quả chi NSĐP. Khung lý thuyết được xây dựng gồm: Chi NSĐP và hiệu quả chi NSĐP; Lý luận hiệu quả chi NSĐP bao gồm khái niệm; hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả chi tiêu NS địa phương; xác định và đo lường 7 nhân tố tác động đến hiệu quả chi NSĐP; đo lường hiệu quả kinh tế của chi NSĐP (chi cho đầu tư phát triển và chi thường xuyên) qua mô hình thu nhập quốc nội (GDP); Để làm rõ hơn những nhận định mang tính lý luận về hiệu quả chi NSĐP, luận án nghiên cứu về hiệu quả chi NSĐP ở một số nước trên thế giới, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm làm tăng hiệu quả chi NSĐP các tỉnh ĐBSH Về mặt thực tiễn: Khái quát, phân tích những đặc điểm thuận lợi và khó khăn về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của các tỉnh ĐBSH tác động đến hiệu quả chi NSĐP. Trên cơ sở các quy định về khung pháp lý, các nguồn tài liệu của chính quyền các tỉnh Đồng bằng sông hồng và các nguồn khác, luận án phân tích thực trạng hiệu quả chi NSĐP các tỉnh ĐBSH giai đoạn 2000 - 2016 và sử dụng mô hình hồi quy tuyến tính để đánh gía tác động của 7 nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả chi NSĐP các tỉnh ĐBSH ảnh hưởng thế nào đến hiệu quả chi NSĐP. Tác giả đã đánh giá kết quả, hạn chế hiệu quả chi NSĐP các tỉnh ĐBSH thời kỳ 2000- 2016, đồng thời chỉ ra những nguyên nhân. 24 Về giải pháp: Trên cơ sở đánh giá thực trạng hiệu quả chi NSĐP các tỉnh ĐBSH giai đoạn 2000 - 2016, tác giả đề xuất 5 quan điểm định hướng và 3 yêu cầu, sau đó là nhóm giải pháp của Trung ương (bao gồm 3 giải pháp) và nhóm giải pháp của chính các Tỉnh ĐBSH (7 giải pháp). Nghiên cứu vẫn còn những hạn chế nhất định, xuất phát từ những khó khăn khách quan và chủ quan trong quá trình nghiên cứu. Có khá nhiều biến kiểm soát trong mô hình tăng trưởng kinh tế nhưng tác giả mới tiếp cận bằng các biến cơ bản nhất, hơn nữa các biến đều xem xét dưới dạng tuyến tính trong khi có thể đăc trưng biến có thể ở các dạng hàm khác. Do phạm vi nghiên cứu chỉ là các tỉnh đồng bằng sông Hồng, tình hình kinh tế xã hội của đất nước có nhiều thay đổi nhanh chóng, vì thế kết quả nghiên cứu của luận án khó tránh khỏi hạn chế. Tác giả kính mong nhận được sự chỉ dẫn của các nhà khoa học và các bạn đọc quan tâm đến đề tài. Tác giả xin trân trọng cám ơn.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdftom_tat_luan_an_hieu_qua_chi_ngan_sach_dia_phuong_cac_tinh_d.pdf
Luận văn liên quan