Tóm tắt Luận án Liên kết viện - Trường trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật - cơ sở khoa học, thực tiễn và định hướng phát triển

- Nghiên cứu sâu hơn về quan hệ V-T trong Hệ thống đổi mới quốc gia, trong đó chú trọng đến cơ chế vận hành hệ thống và việc xây dựng hệ thống chính sách nhằm đảm bảo đổi mới và liên kết hiệu quả. - Nghiên cứu liên kết Viện nghiên cứu-Trường Đại học-Doanh nghiệp, trong đó viện, trường có thể như những thực thể độc lập hay thực thể liên kết trong hệ thống đổi mới quốc gia. - Nghiên cứu liên kết Viện-Trường-Doanh nghiệp trong các lĩnh vực Y Dược, Khoa học Xã hội và Nhân văn, - Nghiên cứu phát triển liên kết quốc tế nói chung và liên kết qua mạng điện tử.

doc27 trang | Chia sẻ: toanphat99 | Lượt xem: 1953 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Tóm tắt Luận án Liên kết viện - Trường trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật - cơ sở khoa học, thực tiễn và định hướng phát triển, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ QUỐC PHÒNG HỌC VIỆN KỸ THUẬT QUÂN SỰ NGUYỄN ĐĂNG HẢI LIÊN KẾT VIỆN - TRƯỜNG TRONG LĨNH VỰC KHOA HỌC KỸ THUẬT - CƠ SỞ KHOA HỌC, THỰC TIỄN VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN Chuyên ngành: Chỉ huy, quản lý kỹ thuật Mã số: 62.86.02.14 TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ QUÂN SỰ HÀ NỘI - 2014 CÔNG TRÌNH ĐƯỢC HOÀN THÀNH TẠI HỌC VIỆN KỸ THUẬT QUÂN SỰ Người hướng dẫn khoa học: GS.TSKH Phạm Thế Long Phản biện 1: PGS.TS Nguyễn Ngọc Thanh Phản biện 2: PGS.TS Trần Thái Bình Phản biện 3: TS Phạm Hữu Giục Luận án được bảo vệ tại Hội đồng đánh giá luận án cấp Học viện theo Quyết định số 1960/QĐ-HV ngày 28 tháng 7 năm 2014 của Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự, họp tại Học viện Kỹ thuật Quân sự hồigiờ ngày tháng năm 2014. Có thể tìm hiểu Luận án tại: - Thư viện Quốc gia - Thư viện Học viện Kỹ thuật Quân sự MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Từ cuối thế kỷ XX xu thế hội nhập kinh tế quốc tế là một xu thế tất yếu không thể đảo ngược, kéo theo sự hội nhập về GD&ĐT và KH&CN trên phạm vi quốc gia và thế giới. KH&CN ngày nay là động lực phát triển KT-XH. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2 Khóa VIII (1996), kết luận của Hội nghị Trung ương 6 Khóa IX (2002) và Luật KH&CN năm 2000 đã khẳng định điều đó. Liên kết là cách thức để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của hoạt động GD&ĐT, NCKH, PTCN và đổi mới. Liên kết ĐT-NCKH-SXKD là xu thế không thể đảo ngược. Nhưng ở Việt Nam (VN) và trong Quân đội (QĐ), vì nhiều lý do khác nhau, mối liên kết này vẫn chưa đi vào cuộc sống. Vì vậy, nghiên cứu về đề tài của Luận án là có ý nghĩa thực tiễn và cấp thiết. 2. Mục tiêu nghiên cứu Trên cơ sở nghiên cứu (NC) lý luận và phương pháp luận chung về liên kết, làm rõ những những nội dung lý luận và đặc điểm liên kết Viện-Trường (V-T) ở Việt Nam và trong Quân đội; đề xuất mô hình định hướng phát triển liên kết phù hợp với điều kiện Việt Nam, đồng thời đề xuất các giải pháp để phát triển và duy trì liên kết Viện-Trường bền vững trong điều kiện Quân đội. 3. Nhiệm vụ nghiên cứu Tổng quan về liên kết V-T trên thế giới và trong nước; Nghiên cứu lý luận và thực tiễn liên kết V-T ở Việt Nam; Nghiên cứu định hướng phát triển liên kết V-T ở Việt Nam; Đề xuất các giải pháp thúc đẩy liên kết V-T bền vững trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật (KHKT) do BQP quản lý. 4. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu chính của Luận án là lý luận về liên kết V-T thông qua liên kết ĐT-NCKH-SXKD và định hướng phát triển bền vững và hiệu quả liên kết V-T và ứng dụng trong lĩnh vực KHKT quân sự Việt Nam. 5. Phạm vi nghiên cứu Nội dung nghiên cứu lý luận của Luận án hạn chế trong phạm vi liên kết của các nhà trường và viện nghiên cứu thuộc lĩnh vực KHKT ở Việt Nam, không đề cập đến liên kết V-T thuộc lĩnh vực Khoa học Xã hội, Nhân văn và Quân sự. Vận dụng lý luận về liên kết V-T bền vững ở Việt Nam vào liên kết V-T trong lĩnh vực KHKT do BQP quản lý. 6. Phương pháp nghiên cứu Phương pháp điều tra, khảo sát thực tiễn; nghiên cứu tài liệu và phương pháp chuyên gia; các cách tiếp cận Duy vật-Biện chứng, Lịch sử-Lôgic và Hệ thống-Cấu trúc để có các số liệu trung thực, chính xác và đầy đủ. Trên cơ sở đó tiến hành phân tích, tổng hợp và lập luận lôgic để có được những kết luận khách quan và khoa học. 7. Đóng góp của Luận án Phân tích và làm rõ cơ sở lý luận về liên kết V-T với những đóng góp khoa học mới: Xây dựng khái niệm về liên kết V-T; Bản chất, những nguyên tắc cơ bản và nội dung chủ yếu của liên kết V-T; Phân tích và đánh giá thực tiễn của việc xác định những quan điểm, mục tiêu đối với hoạt động liên kết V-T ở cơ quan và một số đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT và Bộ Quốc phòng; Đề xuất định hướng liên kết V-T ở Việt Nam với việc xác định mô hình liên kết, mục tiêu, yêu cầu, nội dung và lộ trình thực hiện liên kết; Đề xuất hệ thống các giải pháp thúc đẩy, phát triển liên kết trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật do BQP quản lý. Các giải pháp đề xuất góp phần định hướng cho hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động R&D, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra trong tình hình hiện nay đối với các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học. 8. Cấu trúc của Luận án Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, cấu trúc Luận án được bố cục thành 4 chương. Chương I: Tổng quan Chương II: Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng liên kết V-T Chương III: Phát triển liên kết V-T ở Việt Nam Chương IV: Kiểm tra kết quả nghiên cứu và bàn luận Chương I TỔNG QUAN Liên kết Viện-Trường-Doanh nghiệp (V-T-DN) cho phép khắc phục những yếu kém về nguồn lực nhờ sử dụng kết hợp hiệu quả các nguồn lực của các đơn vị thành viên; đảm bảo hiệu quả Đào tạo, NC và SXKD. Tuy vậy, liên kết cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Cần nghiên cứu hoàn thiện lý luận. 1.1. Nghiên cứu liên kết giữa các trường đại học và viện nghiên cứu ở nước ngoài Trình bày những nội dung chính mà quốc tế đã nghiên cứu, gồm: 1.1.1. Những nghiên cứu về vai trò, vị trí của liên kết Viện-Trường: Đối với KT-XH; trong hoạt động R&D; trong một nước và liên kết quốc tế. 1.1.2. Những công trình nghiên cứu liên quan trực tiếp đến quan hệ liên kết, đối tác Viện-Trường: về đối tác và nội dung liên kết; về tổ chức và mô hình liên kết; về mô hình liên kết ảo; liên kết quốc tế; về những vấn đề hoàn thiện quan hệ liên kết. 1.1.3. Những nghiên cứu liên quan đến cơ chế chính sách của Nhà nước (NN) đối với liên kết Viện-Trường: của một số nước như Úc, Hàn Quốc, Canada,... 1.1.4. Một số nghiên cứu về những liên kết cụ thể của các tổ chức và doanh nghiệp: Nghiên cứu hai trường hợp Viện CIMA liên kết với Trường ESC Lille của Pháp và trường hợp Liên kết của 4 phòng thí nghiệm của các nước Châu Âu đã phát triển và có kết quả tốt. 1.1.5. Một số vấn đề rút ra từ nghiên cứu liên kết Viện-Trường ở nước ngoài: - Liên kết V-T ở nước ngoài có ý nghĩa to lớn và liên kết vừa là nhu cầu vừa là xu hướng tất yếu của thời đại hiện nay. - Liên kết ĐT-NCKH-SXKD đã được nghiên cứu, áp dụng và phát triển một cách hệ thống từ nhiều giác độ khác nhau ở nhiều nước phát triển trên khắp thế giới. - Thủ tục và kỹ năng xây dựng và điều hành liên kết cũng đã được NC một cách toàn diện và chi tiết, nhưng sự vận dụng vào các lĩnh vực, trường hợp cụ thể vẫn là vấn đề cần được nghiên cứu tiếp. 1.2. Nghiên cứu liên kết Viện-Trường của Việt Nam và Quân đội Nhà nước có chủ trương liên kết ĐT-NCKH-DN; nhưng chưa có văn bản cụ thể. Các viện, trường đều coi trọng liên kết V-T và liên kết V-T-DN đã được hình thành trên thực tiễn và đã có một số kết quả, nhưng tản mạn và không bền vững. Liên kết V-T chưa trở thành một phương thức thường xuyên và hiệu quả trong hoạt động của các viện, trường. 1.2.1. Một số nghiên cứu về liên kết Viện-Trường ở Việt Nam - Mới chỉ một vài tác giả đề cập một cách chưa sâu về liên kết. - Đã có những cuộc Hội thảo về chủ đề liên kết; các phương tiện thông tin đại chúng cũng có nhiều bài đề cập đến vấn đề này. 1.2.2. Liên kết Viện-Trường trong trong Quân đội Nhân dân Việt Nam Bộ Quốc phòng đã có chủ trương về liên kết V-T trong Quân đội để tăng tính hiệu quả của hoạt động ĐT, NCKH và SXKD. Nhiều liên kết giữa viện, trường trong BQP và với các viện, trường nhà nước đã được thực hiện, mang lại kết quả nhất định. Tuy nhiên, còn rất nhiều hạn chế do nhận thức chưa thật đầy đủ và thiếu cơ chế cụ thể khuyến khích liên kết. 1.2.3. Một số vấn đề rút ra từ nghiên cứu liên kết Viện-Trường ở Việt Nam Ở Việt Nam và trong Bộ Quốc phòng, liên kết V-T đã được thực hiện và đã có những kết quả nhất định trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực và chất lượng NCKH, ĐT và SXKD. Tuy vậy, nghiên cứu về liên kết V-T còn nhiều hạn chế: Thiếu vắng các nghiên cứu cụ thể về nội dung, phương pháp, kỹ năng tổ chức và điều hành liên kết; thiếu các NC về định hướng chính sách, về SHTT, CGCN liên quan đến liên kết. 1.3. Phương hướng nghiên cứu của luận án Từ những vấn đề rút ra từ nghiên cứu về liên kết V-T trên thế giới và trong nước cho thấy cần tiến hành đi sâu vào nghiên cứu về cơ sở lý luận và thực tiễn về liên kết V-T gắn với HTĐMQG, gắn với việc đảm bảo quyền SHTT và các điều kiện khác để đảm bảo liên kết bền vững và hiệu quả trong điều kiện của Việt Nam; đề xuất các nguyên tắc căn bản, mô hình phát triển liên kết theo các mức (cấp) độ khác nhau; vận dụng lý luận đã đạt được vào việc đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển liên kết V-T một cách bền vững trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật do BQP quản lý. Để đạt được mục tiêu, nội dung đề ra, luận án xác định các nội dung nghiên cứu tiếp theo gồm: - Nghiên cứu về cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng liên kết Viện-Trường ở Việt Nam; - Nghiên cứu định hướng phát triển liên kết V-T ở Việt Nam; - Đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển liên kết V-T trong lĩnh vực Khoa học kỹ thuật do Bộ Quốc phòng quản lý. Kết luận chương I Liên kết giữa ĐT-NCKH-SXKD, liên kết V-T là một xu thế tất yếu và mang lại hiệu quả cao. Lý luận và phương pháp luận liên kết đã đã được nghiên cứu và phát triển trên thế giới, tuy vậy, vẫn còn phải tiếp tục nghiên cứu; liên kết nói chung và liên kết V-T nói riêng là một bộ phận không thể tách rời khỏi HTĐMQG; Nhà nước và quản lý Nhà nước có vai trò tạo môi trường pháp lý và điều kiện thuận lợi cho liên kết V-T phát triển. Liên kết V-T ở Việt Nam và trong lĩnh vực KHKT quân sự có những đặc điểm riêng đòi hỏi việc nghiên cứu vận dụng kinh nghiệm quốc tế một cách sáng tạo. Chương II CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN XÂY DỰNG LIÊN KẾT VIỆN - TRƯỜNG Những kiến thức cơ bản về liên kết sẽ là cơ sở để thống nhất nhận thức và hành động trong hoạt động thực tiễn về liên kết. 2.1. Chủ trương của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng về liên kết Viện-Trường 2.1.1. Chủ trương của Đảng Luận án đã viện dẫn Nghị quyết số 20-NQ/TW: “Tăng cường liên kết giữa tổ chức KH&CN với DN trong việc thực hiện nhiệm vụ NC ứng dụng, đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực. Thí điểm thực hiện cơ chế hợp tác công - tư, đồng tài trợ thực hiện nhiệm vụ KH&CN” và các văn bản quy phạm pháp luật khác thể hiện rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước về liên kết. 2.1.2. Một số chính sách quan trọng của Nhà nước: Luận án đã viện dẫn một số văn bản pháp quy của Nhà nước như: Quyết định 1244/QĐ-TTg (2011), Quyết định 375/QĐ-TTg (2011), Quyết định 19/QĐ-GD&ĐT (2005), trong đó đều khẳng định các chính sách quan trọng của Nhà nước đối với việc định hướng phát triển liên kết V-T thông qua hoạt động liên kết ĐT-NCKH-SXKD. 2.1.3. Chủ trương của Bộ Quốc phòng (BQP) Đối với BQP, chủ trương liên kết V-T đã được Bộ và các cơ quan Bộ quán triệt trong chỉ đạo về hoạt động của các viện, trường trong ĐT, NCKH và SXKD. Báo cáo “Tổng kết công tác Khoa học, Công nghệ và Môi trường 5 năm 2006-2010, phương hướng nhiệm vụ công tác Khoa học, Công nghệ và Môi trường giai đoạn 2011-2015” đã đề xuất với Bộ về việc tiếp tục khuyến khích liên kết V-T nhằm nâng cao hiệu quả của công tác ĐT, NCKH và Huấn luyện. 2.2. Cơ sở lý luận về liên kết Viện-Trường Trong phần này, Luận án đã nghiên cứu và làm rõ những nội dung cơ bản quan trọng của lý luận về liên kết V-T sau đây: 2.2.1. Khái niệm về liên kết Viện-Trường Liên kết là thực hiện chia sẻ nguồn lực, công việc, trách nhiệm, ra quyết định, quyền lực, lợi ích, rủi ro Chức năng cơ bản liên kết là: Tư vấn hoặc cố vấn; Đóng góp; Thực thi; Hợp tác chia sẻ. Liên kết V-T là một dạng liên kết, trong đó, các đối tác tham gia có thể là các Viện nghiên cứu và các trường đại học hoặc các bộ phận làm công tác đào tạo, NCKH, SXKD hay dịch vụ thuộc viện hoặc trường. Liên kết Viện-Trường thực hiện mọi chức năng thuộc nội hàm của liên kết. Liên kết Viện-Trường là loại liên kết có nội hàm rộng, bao gồm liên kết để thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, NCKH, CGCN hay SXKD. Liên kết luôn có 2 mặt: Tích cực và tiêu cực, nhưng tích cực là chính. Tiêu cực có thể khắc phục khi có giải pháp đúng. Mặt tích cực: Tận dụng nguồn lực tốt hơn; mở rộng phạm vi và đa dạng hóa NC, ĐT; nâng cao năng lực; tạo thành những hệ thống thực hiện nhiệm vụ mạnh; khắc phục sự thiếu cán bộ giỏi; gắn NC với ĐT và SXKD; tăng khả năng tìm kiếm giải pháp cho vấn đề phức tạp; tạo ra động lực mạnh mẽ để hỗ trợ cho sự đổi mới. Mặt tiêu cực như: Khó đồng nhất về mục tiêu; có thể phải chia sẻ hoặc thiệt hại tài chính; dễ xẩy ra xung đột lợi ích, lãnh đạo; phải chia sẻ quyền lực, chia sẻ lợi ích; . 2.2.2. Bản chất của liên kết Viện-Trường 2.2.2.1. Liên kết Viện-Trường với tư cách là một tổ chức KH&CN Quan hệ liên kết trong thực hiện nhiệm vụ là một tổ chức KH&CN; mỗi nhiệm vụ cần xây dựng một tổ chức thích hợp. Trong mục này, Luận án đã viện dẫn Luật KH&CN Việt Nam năm 2000 (sửa đổi năm 2005), nghiên cứu và chỉ rõ các thành phần chủ yếu của một tổ chức trong quan hệ liên kết V-T, gồm: Các tổ chức nghiên cứu, đào tạo và dịch vụ. 2.2.2.2. Xây dựng quan hệ liên kết Viện-Trường bền vững Cùng với lựa chọn đối tác, xây dựng tổ chức và cơ chế, chính sách, điều hành hoạt động liên kết, để liên kết V-T phát triển bền vững, có hiệu quả, luận án đã đề cập và trình bày chi tiết những vấn đề sau đây: a. Nâng cao vai trò Nhà nước, Bộ, Ngành và địa phương đối với liên kết Viện-Trường. b. Lồng ghép một cách hữu cơ liên kết Viện-Trường trong Hệ thống đổi mới quốc gia. c. Xây dựng kế hoạch liên kết có kết hợp chặt chẽ với nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài của tổ chức thông qua chiến lược phát triển của đơn vị. d. Làm tốt vấn đề Sở hữu trí tuệ (SHTT) trong liên kết V-T. e. Khắc phục tư tưởng ngại thay đổi và xây dựng lòng tin. f. Yếu tố văn hóa tổ chức. 2.2.3. Những nguyên tắc cơ bản của liên kết Viện-Trường Để liên kết V-T phát triển bền vững, luận án đã đề xuất và phân tích những nguyên tắc chính sau: 2.2.3.1. Liên kết phải có tính mở 2.2.3.2. Liên kết phải dựa trên cơ sở tự nguyện 2.2.3.3. Liên kết từ trong ra ngoài; từ cụ thể, đơn giản đến phức tạp 2.2.3.4. Nguyên tắc lợi ích và sự công bằng trong phân chia lợi ích 2.2.3.5. Đảm bảo tính tự chủ của mỗi đơn vị thành viên liên kết. 2.2.3.6. Nguyên tắc chịu trách nhiệm trong liên kết. 2.2.3.7. Linh hoạt, mềm dẻo trong liên kết. 2.2.3.8. Đảm bảo sự hỗ trợ của chính quyền các cấp. 2.3. Cơ sở thực tiễn về liên kết Viện-Trường 2.3.1. Liên kết Viện-Trường ở một số đơn vị cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học quan trọng của Việt Nam 2.3.1.1. Liên kết Viện-Trường của Đại học Quốc gia Hà Nội GS-TS Mại Trọng Nhuận: “Từ lâu, ĐHQGHN coi sự hợp tác Trường - Viện nghiên cứu - Doanh nghiệp như là một đặc trưng của mô hình ĐH nghiên cứu. Đó vừa là phương thức vừa là mục tiêu hướng tới sự phát triển của từng đối tác và cả sự phát triển chung của ba bên”. Thực tế, ĐHQGHN đã thực hiện liên kết V-T trong nội bộ, với các VNC và Trường trong nước và liên kết quốc tế. 2.3.1.2. Liên kết Viện-Trường của Đại học Bách khoa Hà Nội ĐHBKHN cũng lấy sự kết hợp đào với NCKH và SXKD là cơ sở nền tảng hoạt động của Trường thông qua việc thành lập một loạt các Viện chuyên ngành vừa có chức năng đào tạo, vừa có chức năng nghiên cứu và CGCN. Bách Khoa Hà nội cũng đã thiết lập một mạng lưới liên kết tương đối rộng ở trong và ngoài nước. 2.3.2. Liên kết Viện-Trường thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT 2.3.2.1. Khái quát về Quyết định 98/2006/QĐ-BNN ngày 30 tháng 10 năm 2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Đây là Bộ duy nhất có Quyết định riêng về liên kết V-T đã được triển khai và đánh giá tương đối toàn diện, đây cũng là bài học chung cho nghiên cứu liên kết V-T ở Việt Nam. 2.3.2.2. Kết quả khảo sát đánh giá hai năm thực hiện liên kết Viện-Trường của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Luận án đã nghiên cứu và phân tích một cách khá chi tiết các kết quả việc thực thi Quyết định 98/QĐ-BNN thông qua tổng kết của Bộ NN&PTNT vào năm 2009 sau hai năm thực hiện trên các khía cạnh: nhận thức của các viện, trường về liên kết và thực trạng liên kết của các viện, trường thuộc Bộ NN&PTNT. 2.3.2.3. Nhận xét khái quát về những tồn tại và nguyên nhân Qua nghiên cứu và khảo sát luận án đã rút ra: - Những tồn tại: Chủ trương liên kết của Nhà nước chưa được triển khai cụ thể; tất cả viện và trường đều nhận thức rằng liên kết là cần thiết nhưng chưa được quan tâm đúng mức; cơ chế chính sách về tổ chức, quản lý nhân sự, tài chính và về SHTT và lợi ích chưa phù hợp; liên kết nội bộ chưa bài bản; nhận thức và hiểu biết chung về liên kết còn rất đơn giản; hợp tác trong nước chưa phát triển; liên kết quốc tế chưa mạnh. - Những nguyên nhân cơ bản: Vai trò của quản lý Nhà nước còn mờ nhạt; nhận thức của lãnh đạo các viện, trường chưa sâu sắc; hệ thống chính sách chưa đủ mạnh, còn nhiều bất cập; hệ thống các chương trình, đề tài, dự án còn ít và chưa hỗ trợ, thúc đẩy liên kết; giữa Viện, Trường hàm chứa những yếu tố không tích cực; tính ỳ còn lớn; nguồn lực còn nhỏ bé; viện, trường chưa có chiến lược liên kết; lý thuyết và thực tiễn liên kết chưa được nghiên cứu đầy đủ. Những tồn tại và nguyên nhân này đồng thời cũng là những tồn tại và nguyên nhân của liên kết V-T trong cả nước. 2.3.3. Liên kết Viện-Trường của Bộ Quốc phòng (BQP) Khẳng định chủ trương tăng cường liên kết giữa các tổ chức KH&CN với doanh nghiệp của Đảng và Nhà nước đã được triển khai trong BQP. Qua tổng kết hoạt động KH&CN 2006-2010 cho thấy, BQP có chủ trương liên kết NCKH-ĐT-SXKD và khuyến khích việc đó. Từ chủ trương của Bộ về liên kết, các Học viện, nhà trường, các viện nghiên cứu cả trong lĩnh vực KHKT, Y dược đều có thiết lập các liên kết trong đào tạo, NCKH hay CGCN giữa học viện, nhà trường với Viện nghiên cứu trong quân đội; giữa các học viện, nhà trường, viện nghiên cứu, với các trường đại học, viện nghiên cứu ngoài quân đội và quốc tế. 2.3.3.1. Nhu cầu và điều kiện liên kết Viện-Trường của BQP Qua nghiên cứu cho thấy: Nhu cầu nghiên cứu, đào tạo để cải tiến và chế tạo vũ khí, trang thiết bị quân sự mới cũng như tiềm lực con người và tài chính mà quân đội dành cho vấn đề này là rất lớn. Luận án đã đi sâu nghiên cứu thực trạng liên kết V-T của các viện và trường điển hình trong lĩnh vực KHKT của BQP như: Học viện KTQS, Viện KH&CNQS, Học viện Quân y, Viện YHCT Quân đội, các bệnh viện tuyến chiến lược của Quân đội như Bệnh viện 108, 103, 175,... về liên kết nội bộ, liên kết với bên ngoài trong lĩnh vực ĐT, NCKH và CGCN. Kết quả nghiên cứu cho thấy tất cả các đơn vị trên đều đã thực hiện liên kết giữa các lĩnh vực ĐT, NCKH và SXKD (dịch vụ) và đã có những kết quả đáng khích lệ. 2.3.3.2. Thực trạng hoạt động liên kết của một số Viện nghiên cứu, Học viện, nhà trường Quân đội Để làm sâu sắc thêm về liên kết V-T đối với các trường và VNC KHKT trong quân đội, Luận án đã tiến hành một cuộc điều tra lấy ý kiến của các đơn vị nói trên và của các chuyên gia có uy tín về 3 lĩnh vực: Thực trạng liên kết của các đơn vị; Ý kiến về những vấn đề chung của liên kết V-T và Những kiến nghị với lãnh đạo các cấp về định hướng phát triển và giải pháp chính sách thúc đẩy phát triển liên kết V-T trong lĩnh vực KHKT do BQP quản lý. Kết quả điều tra cho thấy: Có sự thống nhất nhận thức về sự cần thiết của liên kết; Các viện, trường đều thực hiện liên kết nội bộ và với bên ngoài, nhưng chưa trở thành một phương thức thường xuyên; Hệ thống chính sách còn thiếu và bất cập; Điều kiện cho liên kết bền vững còn nhiều bất cập; Lực lượng chưa đủ mạnh, trong khi còn thiếu lý luận và phương pháp luận; Viện, Trường chưa có quy chế nội bộ; chưa có sự liên kết giữa các tổ chức trong nước để hợp tác với nước ngoài. 2.3.3.3. Khảo sát ý kiến Viện, Trường và chuyên gia Quân đội về liên kết Viện-Trường Luận án đã tiến hành lập bảng câu hỏi điều tra đối với một số trường, viện hàng đầu của Quân đội và các chuyên gia có uy tín về ba lĩnh vực: i) Thực trạng liên kết V-T; ii) Những vấn đề chung của liên kết (sự cần thiết, nội dung liên kết, cơ chế, chính sách,) và iii) Những kiến nghị đối với các cấp lãnh đạo. Kết quả ý kiến rất thống nhất về vai trò quan trọng của liên kết và các nội dung khác. 2.4. Những hạn chế và các yếu tố ảnh hưởng đến liên kết Viện-Trường ở Việt Nam 2.4.1 Những hạn chế trong liên kết Viện-Trường và nguyên nhân Trên cơ sở khảo sát và điều tra thực tiễn về liên kết V-T ở Việt Nam và trong BQP luận án đã đi đến kết luận rằng, tuy liên kết V-T đã được thực hiện nhưng quy mô và chất lượng liên kết chưa cao, chưa thành thói quen, phương thức hành động thực sự. Nguyên nhân: (1) Nhận thức về tầm quan trọng của liên kết V-T ở tất cả các cấp lãnh đạo chưa đầy đủ, chưa sâu sắc. (2) Chủ trương của Đảng, Nhà nước chưa được triển khai thành hệ thống cơ chế, chính sách và các kế hoạch hành động cụ thể và có hiệu quả. (3) Sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về liên kết V-T còn chưa cụ thể, chưa có các biện pháp mạnh mẽ để thúc đẩy liên kết. (4) Hệ thống chính sách chưa thể hiện được việc khuyến khích, thúc đẩy liên kết V-T. (5) Nếp suy nghĩ và cách làm việc cũ còn nhiều. (6) Các dạng nguồn lực đều bị hạn chế chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. (7) Thói quen làm việc thiếu kế hoạch chiến lược, thiếu tầm nhìn xa của các viện, trường ảnh hưởng không tốt đến phát triển liên kết V-T. (8) Ý thức và năng lực đổi mới sáng tạo của đội ngũ cán bộ khoa học và quản lý chưa cao. 2.4.2. Những đặc điểm của viện, trường ở Việt Nam và trong Quân đội có ảnh hưởng đến liên kết Viện-Trường Để đề xuất mô hình cũng như các định hướng phát triển liên kết việc nắm chắc những yếu tố này là hết sức quan trọng. Cụ thể là: 2.4.2.1. Những đặc điểm của hệ thống viện, trường của Việt Nam Luận án đã chỉ ra và phân tích những đặc điểm cơ bản của hệ thống viện, trường ở Việt Nam, gồm các đặc điểm: a. Sự giao thoa về chức năng nhiệm vụ của viện và trường vừa có tính cản trở vừa có tính thúc đẩy liên kết, nhưng ở Việt Nam, tình cản trở đang còn trội hơn. b. Thói quen hoạt động độc lập, thiếu gắn kết giữa ĐT-NCKH-SXKD là yếu tố đặc trưng của viện và trường ở Việt Nam c. Nhân lực vừa thiếu vừa yếu, không đồng bộ, phân tán. d. Viện, Trường thiếu nhiệm vụ nghiên cứu e. Tài chính cho các hoạt động ĐT, NCKH vừa hạn hẹp, vừa dàn trải và nhiều bất cập. f. Cơ chế, chính sách quản lý hoạt động KH&CN nói chung và liên kết V-T nói riêng chưa tạo điều kiện thúc đẩy liên kết. 2.4.2.2. Những đặc điểm riêng của viện, trường trong Quân đội Quân đội là tổ chức đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng và Quân ủy TW; kỷ luật nghiêm minh, hoạt động của viện, trường được quản lý chặt chẽ; cơ cấu tổ chức được xác định rõ, không thay đổi tùy tiện. Mặt khác, hoạt động của quân đội cùng tuân theo pháp luật và trong môi trường KT-XH của Việt Nam, do vậy ngoài việc có những đặc điểm chung với hệ thống Viện, Trường của Việt Nam thì những yếu tố riêng của liên kết V-T trong quân đội phải kể đến: (1) Sự quản lý chặt chẽ về tổ chức, con người và nhiệm vụ sẽ cần có cách tiếp cận thích hợp; (2) Việc quản lý chặt chẽ và nghiêm minh cũng tạo điều kiện để phát triển quan hệ liên kết mạnh mẽ; (3) Ý thức tổ chức và ý chí chiến đấu cao của các tổ chức và quân nhân đảm bảo cho liên kết V-T dễ thành công. Kết luận chương II Xây dựng và duy trì hoạt động liên kết V-T là việc làm phức tạp, liên quan đến nhận thức, các điều kiện về tổ chức, cơ chế chính sách và công tác quản lý, đồng thời cũng cần dựa trên thực trạng hiện có, cả về nhận thức và thực tiễn hoạt động liên kết. Luận án đã NC xây dựng cơ sở lý luận làm rõ khái niệm, bản chất và nguyên tắc xây dựng, duy trì liên kết V-T bền vững; tiến hành khảo sát thực tiễn, chỉ ra các mặt tích cực và những hạn chế cùng các yếu tố ảnh hưởng tới liên kết V-T ở Việt Nam và trong BQP làm cơ sở cho việc ra các quyết định về liên kết V-T sát với điều kiện cụ thể của Việt Nam và Quân đội. Các kết quả trên là sự đảm bảo những vấn đề cơ bản về lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng định hướng phát triển liên kết V-T ở Việt Nam cũng như đề xuất các giải pháp cho liên kết V-T trong Quân đội. Chương III PHÁT TRIỂN LIÊN KẾT VIỆN-TRƯỜNG Ở VIỆT NAM 3.1. Định hướng phát triển liên kết Viện-Trường ở Việt Nam 3.1.1. Mô hình liên kết Viện-Trường ở Việt Nam: 3.1.1.1. Mô hình liên kết Viện-Trường ở Việt Nam: Luận án đã đề xuất mô hình đa cấp gồm: Liên kết nội bộ; Liên kết trong nước và Liên kết quốc tế. Trong đó phân tích làm rõ việc: (1) Gắn liên kết V-T với SXKD, lấy SXKD làm mục tiêu phục vụ; (2) Đặt liên kết V-T trong Hệ thống đổi mới quốc gia. 3.1.1.2. Trình tự thực hiện liên kết: Trình tự thông thường là thực hiện liên kết nội bộ trước, lấy liên kết nội bộ làm nền tảng để liên kết với bên ngoài và sau đó thực hiện kết kết quốc tế. Trình tự này đảm bảo cho các bước đi vững chắc, khai thác hiệu quả. 3.1.2. Xác định mục tiêu, yêu cầu, nội dung liên kết và các bước đi thích hợp đối với liên kết Viện-Trường ở Việt Nam: Thực hiện liên kết ở Việt Nam cần có lộ trình thích hợp, dựa trên các căn cứ nội tại và khách quan đối với mỗi đơn vị. Để xây dựng liên kết V-T bền vững, luận án đã phân tích làm rõ mục tiêu, yêu cầu, nội dung liên kết và xác định các bước đi thích hợp, trong đó: Bước 1 - Xây dựng và thực thi liên kết nội bộ. Đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm thực thi liên kết. Bước 2 - Phát triển các liên kết với các đối tác bên ngoài và quốc tế. 3.1.3. Tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ trong liên kết Viện-Trường ở Việt Nam Luận án đã đề xuất, phân tích làm rõ các nội dung cơ bản về Tổ chức hoạt động KH&CN trong liên kết V-T, bao gồm: 3.1.3.1. Xây dựng Tổ chức quản lý hoạt động liên kết Viện-Trường Dưới dạng phòng hoặc ban. Giúp Viện trưởng hay Hiệu trưởng hoạch định kế hoạch chiến lược về liên kết; phối hợp với các đơn vị nội bộ và với đối tác để xác định các nhiệm vụ cụ thể; quản lý, kiểm tra các hoạt động liên kết; tổ chức rút kinh nghiệm;... 3.1.3.2. Các lĩnh vực liên kết chính Được trình bày trong luận án, gồm: a) Hoạt động NCKH và phát triển công nghệ; b) Hoạt động đào tạo; c) Hoạt động chuyển giao kiến thức và công nghệ; d) Liên kết xây dựng các tổ chức KH&CN mới; e) Hoạt động hợp tác quốc tế. 3.1.4. Công tác chuẩn bị thiết lập mối quan hệ liên kết Nhiều công trình nghiên cứu vạch ra những nội dung và trình tự chuẩn bị thiết lập quan hệ đối tác cũng như những kỹ năng cần thiết để duy trì quan hệ liên kết V-T bền vững. Đó là: 3.1.4.1. Xác định những điều kiện giúp liên kết có hiệu quả; 3.1.4.2. Điều tra khảo sát về môi trường liên kết; 3.1.4.3. Xem xét các đối tác tiềm năng; 3.1.4.4. Hiểu biết về bản chất của quan hệ đối tác; 3.1.4.5. Xác định những nội dung sẽ thực hiện liên kết; 3.1.4.6. Kiểm tra các điều kiện để thành lập quan hệ liên kết; 3.1.4.7. Đánh giá sự sẵn sàng về nhân sự, tổ chức và cộng đồng; 3.1.4.8. Lựa chọn người lãnh đạo cho mỗi quan hệ đối tác; 3.1.4.9. Trao đổi thông tin. 3.1.5. Các giai đoạn triển khai nhiệm vụ liên kết trong quan hệ đối tác Viện-Trường ở Việt Nam Trong Luận án, tác giả đã đề xuất và trình bày ba giai đoạn sau: 3.1.5.1. Giai đoạn triển khai ban đầu. Bao gồm: a) Xác định tầm nhìn quan hệ đối tác; b) Xác định mục tiêu của đối tác; c) Đánh giá cụ thể tình hình hiện tại; d) Kết luận cam kết về quan hệ đối tác; e) Đánh giá những ảnh hưởng của quan hệ đối tác. 3.1.5.2. Giai đoạn triển khai công việc. Bao gồm: a) Triển khai kế hoạch hành động thực hiện các mục tiêu. b) Nguồn lực và Tài nguyên; c) Vai trò và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân; d) Xây dựng năng lực; e) Thực hiện kế hoạch. 3.1.5.3. Giai đoạn đánh giá kết quả và thiết lập định hướng tương lai. Bao gồm: a) Đánh giá kết quả, ưu nhược điểm; b) Thiết lập định hướng tương lai. 3.1.6. Giải quyết tranh chấp trong quan hệ hợp tác/đối tác Xung đột lợi ích trong quá trình thực thi liên kết là vấn đề quan trọng và đòi hỏi phải có kỹ năng giải quyết tốt. Trong luận án đã trình bày rõ các vấn đề sau: 3.2.6.1. Những lợi ích có khả năng xung đột trong liên kết. Gồm: Tranh chấp dân sự và Tranh chấp kinh tế. 3.2.6.2. Những nguyên tắc và hình thức giải quyết tranh chấp trong quan hệ hợp tác/đối tác hiệu quả: Cần ghi trong hợp đồng. Chỉ ra bốn bước giải quyết tranh chấp: (1) Xác định bản chất vấn đề; (2) Tìm hiểu kỹ nguyên nhân, nội dung và mức độ; (3) Xác định những phương thức giải quyết có thể áp dụng (4) Lựa chọn phương thức và hành động theo phương thức đó. 3.2. Các nhóm giải pháp thúc đẩy liên kết Viện-Trường trong lĩnh vực Khoa học kỹ thuật do Bộ Quốc phòng quản lý 3.2.1. Nhóm giải pháp tăng cường vai trò của Nhà nước đối với liên kết Viện-Trường Liên kết là một bộ phận trong Hệ thống đổi mới quốc gia, trong đó Nhà nước giữ vai trò chỉ đạo, định hướng và tạo môi trường. Hoạt động NCKH, đào tạo, SXKD và liên kết trong BQP cần tận dụng và đề cao vai trò này của Nhà nước. Cụ thể: 3.2.1.1. Nâng cao nhận thức, thống nhất quan điểm về sự cần thiết và định hướng phát triển liên kết Viện-Trường. Đây là điều tiên quyết để liên kết V-T đi vào cuộc sống và thành công. 3.2.1.2. Nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước đối với hoạt động liên kết trong Hệ thống đổi mới quốc gia. Cụ thể cần: (1) Coi liên kết là một bộ phận quan trọng có tính cốt lõi của HTĐMQG, gắn kết Đổi mới sáng tạo (ĐMST) và liên kết trong cùng một hệ thống chính sách. (2) Định hướng liên kết, lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện; (3) Lồng ghép kế hoạch (KH) chiến lược về liên kết V-T trong các KH phát triển KT-XH; (4) Xây dựng và thực thi hệ thống chính sách toàn diện thúc đẩy ĐMST và liên kết, trong đó cần: (5) Xây dựng các chương trình quốc gia về phát triển KT-XH và KH&CN, gắn với các hoạt động NC, ĐT và thúc đẩy ứng dụng KH&CN vào SXKD. Thực hiện đánh giá ảnh hưởng của các chương trình KT-XH và KH&CN; (6) Khuyến khích và tạo điều kiện cho mở rộng hợp tác quốc tế; (7) Thúc đẩy nghiên cứu và ban hành hướng dẫn về liên kết Cùng với Nhà nước, BQP và các cơ quan của Bộ, lãnh đạo các đơn vị cơ sở viện, trường, doanh nghiệp của Bộ, tuy mỗi thực thể giữ một vai trò riêng không thể thay thế, nhưng có sự tương tác như một thể thống nhất trong việc tạo ra môi trường và các yếu tố kích thích để đạt được mục tiêu chung thông qua đổi mới và liên kết toàn diện. 3.2.1.3. Hoàn thiện quá trình hoạch định chính sách đổi mới sáng tạo (ĐMST) và liên kết. Bao gồm: a) Xác định cách tiếp cận đổi mới, gắn với liên kết; b) Vấn đề phân cấp chính sách đổi mới và liên kết; c) Thực hiện việc thẩm định, đánh giá chính sách đổi mới và liên kết; d) Chính sách cần thể hiện rõ vai trò quản lý của nhà nước, vai trò chủ động, sáng tạo của các thành phần thực hiện đổi mới và liên kết; e) Hoạch định các chương trình phát triển KT-XH, phát triển KH&CN gắn với liên kết, đổi mới; f) Hoạch định chính sách phát triển và quản lý KH&CN cần chú ý đến bốn mặt của chính sách KH&CN. 3.2.1.4. Hoàn thiện môi trường trực tiếp cho đổi mới và liên kết. Bao gồm: a) Đảm bảo quyền SHTT; b) Các biện pháp tài chính cho hoạt động đổi mới và liên kết; c) Hình thành và phát triển doanh nghiệp dựa trên công nghệ mới; d) Chú trọng chính sách “cụm” và “mạng lưới quan hệ”; e) Hình thành và phát triển cơ sở hạ tầng hỗ trợ đổi mới, liên kết; f) Phát triển nguồn nhân lực theo hướng phục vụ SXKD; g) Làm cho giới doanh nghiệp hiểu rõ về đổi mới và liên kết. 3.2.2. Nhóm giải pháp thúc đẩy liên kết Viện-Trường trong lĩnh vực Khoa học kỹ thuật của Bộ Quốc phòng 3.2.2.1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể của Bộ Quốc phòng về liên kết Viện-Trường trong lĩnh vực ĐT-NCKH-SXKD Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể của Bộ có tính quyết định đến sự thành bại của chủ trương liên kết; thống nhất với Nhà nước, coi liên kết V-T là một bộ phận quan trọng có tính cốt lõi không thể tách rời khỏi HTĐMQG, thông qua một hệ thống chính sách và các quy định cụ thể thống nhất và đồng bộ. 3.2.2.2. Nghiên cứu vận dụng đúng và sáng tạo lý luận và phương pháp luận về liên kết Viện-Trường trong điều kiện của BQP Chú ý những nội dung sau: a) Đảm bảo các nguyên tắc liên kết; b) Xác định rõ mục tiêu của liên kết; c) Xác định các lĩnh vực và nội dung liên kết về NCKH, PTCN, đào tạo, CGCN; d) Thực hiện các bước chuẩn bị cho ký kết một quan hệ liên kết. 3.2.2.3. Thực hiện những bước đi cụ thể trong thực hiện chiến lược phát triển liên kết Viện-Trường Gồm các nội dung: a) Tạo cơ sở pháp lý cho liên kết V-T. Cần thiết có chủ trương của Quân ủy Trung ương và quyết định của BQP về liên kết V-T; b) Bộ cần tăng cường hỗ trợ chính sách để đảm bảo việc thực thi quyết định của Bộ về liên kết V-T một cách có kết quả; c) Xác định chức năng, nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan Bộ về liên kết V-T; d) Thành lập hoặc giao nhiệm vụ cho một trong các cơ quan của Bộ chịu trách nhiệm chính quản lý hoạt động liên kết; e) Tổ chức các cuộc hội thảo về liên kết; f) Xây dựng hướng dẫn về hoạt động liên kết đối với các tổ chức KHKT thuộc BQP; g) Xây dựng các quy chế, quy định liên quan đến liên kết; h) Đưa liên kết thành một nội dung được xem xét hàng năm; i) Xây dựng các chương trình KHKT và công nghệ có lồng ghép các nội dung và điều kiện để khuyến khích và thúc đẩy liên kết; j) Khuyến khích và có chính sách cụ thể hỗ trợ việc xây dựng vườn ươm công nghệ, doanh nghiệp KH&CN, gắn với liên kết V-T; k) Thành lập các tổ chức quản lý quyền SHTT và CGCN từ Bộ xuống đến các đơn vị cơ sở. 3.2.2.4. Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan Bộ Quốc phòng đối với phát triển liên kết Viện-Trường Trên cơ sở chủ trương liên kết V-T của Bộ Quốc phòng, Luận án đã đề nghị trao trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan của Bộ quản lý hoạt động liên kết như: Cục Cán bộ, Cục Nhà trường, Cục Khoa học Quân sự,... với chức năng, nhiệm vụ cụ thể. 3.2.2.5. Phối hợp thực hiện chiến lược phát triển liên kết trong Đào tạo-Nghiên cứu khoa học-Sản xuất kinh doanh Cụ thể gồm các nội dung: 1) Nhận thức đầy đủ và sâu sắc về đổi mới sáng tạo và mối quan hệ giữa đổi mới sáng tạo và liên kết. 2) Làm rõ trách nhiệm và quyền hạn chung của viện và trường đối với hoạt động liên kết, hợp tác; 3) Xác định nhiệm vụ cụ thể của viện đối với hoạt động liên kết V-T; 4) Nhiệm vụ cụ thể của trường đối với hoạt động liên kết V-T. (đã trình bày kỹ trong Luận án) Kết luận chương III Việc nghiên cứu các định hướng và các giải pháp phát triển liên kết V-T phù hợp với điều kiện của Việt Nam sao cho liên kết đó đi vào cuộc sống là vấn đề không đơn giản. Để giải quyết vấn đề này, Luận án đã lựa chọn cách tiếp cận kết hợp việc nghiên cứu phát triển lý luận, phương pháp luận xây dựng và duy trì liên kết bền vững với việc xem xét những điều kiện và mô hình cụ thể cũng như những yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động liên kết V-T của Việt Nam nói chung và BQP nói riêng. Các kết quả chính của chương là: - Nghiên cứu định hướng phát triển liên kết Viện-Trường ở Việt Nam. Trong đó: Xác định mô hình, mục tiêu, yêu cầu, nội dung và các bước đi thích hợp để thiết lập và triển khai phát triển liên kết V-T một cách chung nhất cho các quan hệ liên kết. - Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển liên kết V-T trong lĩnh vực KHKT do BQP quản lý. Các giải pháp được chia thành hai cụm lớn: Giải pháp liên quan đến Nhà nước và các giải pháp trong phạm vi BQP. Chương IV KIỂM TRA KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ BÀN LUẬN 4.1. Kiểm tra kết quả nghiên cứu Thực hiện nghiên cứu đề tài “Liên kết Viện-Trường trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật - Cơ sở khoa học, thực tiễn và định hướng phát triển”, luận án đã sử dụng kết hợp nhiều phương pháp, trong đó các phương pháp chủ chốt đã được thực hiện là thu thập, đọc và phân tích tài liệu trong và ngoài nước, phỏng vấn trực tiếp các chuyên gia, điều tra bằng bảng câu hỏi và phương pháp hội thảo khoa học nhằm thẩm định những ý tưởng và kết quả nghiên cứu trong từng giai đoạn thực hiện luận án. 4.1.1. Về tham khảo tài liệu Đọc và phân tích một một lương tương đối lớn tài liệu (111) để rút ra những vấn đề cần quan tâm giải quyết đối với luận án. 4.1.2. Các hình thức, nội dung thẩm định bằng phương pháp chuyên gia Các kết quả nghiên cứu trong từng giai đoạn và kết quả cuối cùng của luận án đã được tác giả thẩm định bằng phương pháp chuyên gia trên ba hình thức: trao đổi trực tiếp, tổ chức hội thảo, điều tra bằng phiếu trưng cầu ý kiến. 4.2. Bàn luận Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, luận án đã tiếp tục bàn luận làm rõ thêm một số điểm sâu đây: 4.2.1. Về việc vận dụng lý luận chung về liên kết Viện- Trường vào điều kiện Việt Nam Luận án đã chỉ rõ, do có sự khác nhau của hệ thống viện, trường Việt Nam và thế giới nên việc làm rõ những sự khác nhau là cơ sở quan trọng để vận dụng sáng tạo lý luận liên kết Viện-Trường vào Việt Nam. 4.2.2. Nghiên cứu tiếp thu và phát triển lý luận về liên kết Viện-Trường Trình bày những nội dung mà Luận án đã tiếp thu và vận dụng sáng tạo trong việc đề xuất mô hình, nguyên tắc, nội dung liên kết, xác định các định hướng phát triển và các bước đi cần thiết cũng như vận dụng để đề xuất các giải pháp phù hợp với môi trường KHKT do Bộ Quốc phòng quản lý. 4.2.3. Vận dụng lý luận và kinh nghiệm liên kết Viện-Trường để xây dựng mô hình và các định hướng phát triển liên kết Viện-Trường ở Việt Nam và trong Quân đội Luận án đã đề xuất mô hình liên kết Viện-Trường ba cấp với tính chất là gắn với và lấy SXKD làm mục tiêu phục vụ và đặt trong hệ thống đổi mới quốc gia, đồng thời đề ra trình tự hợp lý nhất cho việc phát triển liên kết Viện-Trường. 4.2.4. Đề xuất các giải pháp thúc đẩy sự phát triển liên kết Viện-Trường trong lĩnh vực Khoa học kỹ thuật do Bộ Quốc phòng quản lý Đây là phần vận dụng cụ thể nhất, nhằm đến việc thúc đẩy liên kết Viện-Trường trong Quân đội, đáp ứng nhu cầu Đào tạo và NCKH trong lĩnh vực KHKT của Bộ Quốc phòng. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ 1. Kết luận 1.1. Kết quả đạt được của luận án Bằng cách nghiên cứu lý luận và thực tiễn hoạt động liên kết V-T của các quốc gia phát triển; nghiên cứu một cách có hệ thống thực trạng liên kết V-T ở Việt Nam, vận dụng một cách sáng tạo những kiến thức đã đạt được, Luận án đã góp phần hình thành những lý luận, phương pháp luận liên kết V-T lần đầu ở Việt Nam một cách tương đối toàn diện, với những kết quả chính chính đạt được sau đây: (1) Thực hiện tổng quan về nghiên cứu lý luận và phương pháp luận Liên kết V-T trên thế giới và trong nước. Trong đó làm rõ vai trò, vị trí của liên kết ĐT-NCKH-SXKD chứng tỏ liên kết vừa là một nhu cầu vừa là xu thế tất yếu của thời đại, đồng thời những tồn tại trong NC về liên kết V-T trên thế giới và ở Việt Nam còn tiếp tục phải được nghiên cứu. (2) Nghiên cứu và trình bày một cách hệ thống lý luận và phương pháp luận xây dựng và duy trì liên kết ĐT-NCKH-SXKD bền vững, chú trọng đến liên kết trong các điều kiện của Việt Nam. Trong đó làm rõ bản chất, nguyên tắc và nội dung của liên kết V-T và những vấn đề liên quan đảm bảo để liên kết V-T phát triển bền vững. (3) Nghiên cứu thực trạng liên kết V-T ở Việt Nam nói chung và trong Quân đội nói riêng, qua đó làm rõ những tiến bộ đã đạt được và những bất cập cần khắc phục để đảm bảo việc xây dựng và duy trì liên kết V-T bền vững và hiệu quả. (4) Đề xuất mô hình liên kết V-T chung ở Việt Nam và riêng cho lĩnh vực KHKT quân sự; hệ thống các giải pháp chính sách cấp Nhà nước và cấp BQP mang tính toàn diện và có tính khả thi cao để thúc đẩy phát triển liên kết V-T trong lĩnh vực KHKT do BQP quản lý. 1.2. Những đóng góp mới của Luận án Những dự kiến về cống hiến khoa học của Luận án đã được thực hiện bằng các nội dung của các công trình khoa học cụ thể sau đây: (1) Phân tích và làm rõ cơ sở lý luận về liên kết V-T với những đóng góp khoa học: Xây dựng khái niệm về liên kết V-T; Bản chất và những nguyên tắc cơ bản của liên kết V-T [Công trình số 8]. (2) Phân tích và đánh gíá thực tiễn của việc xác định những quan điểm, mục tiêu, các điều kiện đối với việc xây dựng, duy trì và phát triển bền vững quan hệ liên kết V-T ở Việt Nam và trong lĩnh vực KHKT quân sự thông qua nghiên cứu hoạt động liên kết V-T ở một số cơ sở viện, trường thuộc Bộ NN&PTNT và Bộ Quốc phòng; phân tích những yếu tố tác động đến liên kết V-T ở Việt Nam làm cơ sở cho định hướng phát triển và đề xuất các giải pháp đối với liên kết V-T ở Việt Nam và trong Quân đội [Công trình số 7, 10]. (3) Đề xuất các định hướng liên kết V-T ở Việt Nam với việc xác định mô hình liên kết V-T ở Việt Nam (mục 3.1.1) và Quân đội (mục 3.2.2.2); xác định quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, nội dung trong mối quan hệ đối với HTĐMQG và quản lý KH&CN [Công trình số 3, 4, 5, 6]; đề xuất lộ trình thực hiện liên kết [Công trình số 9]. (4) Đề xuất hệ thống các giải pháp thúc đẩy, phát triển liên kết V-T trong lĩnh vực KHKT quân sự. Các giải pháp mà luận án đề xuất có tính toàn diện, hệ thống và có tính khả thi cao, thúc đẩy nhanh chóng việc thực thi hoạt động liên kết V-T trong BQP, góp phần định hướng cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động NCKH, PTCN, đáp ứng yêu cầu hiện nay và trong tương lai của Bộ Quốc phòng [Công trình số 11, 12]. 1.3. Hướng nghiên cứu tiếp theo - Nghiên cứu sâu hơn về quan hệ V-T trong Hệ thống đổi mới quốc gia, trong đó chú trọng đến cơ chế vận hành hệ thống và việc xây dựng hệ thống chính sách nhằm đảm bảo đổi mới và liên kết hiệu quả. - Nghiên cứu liên kết Viện nghiên cứu-Trường Đại học-Doanh nghiệp, trong đó viện, trường có thể như những thực thể độc lập hay thực thể liên kết trong hệ thống đổi mới quốc gia. - Nghiên cứu liên kết Viện-Trường-Doanh nghiệp trong các lĩnh vực Y Dược, Khoa học Xã hội và Nhân văn, - Nghiên cứu phát triển liên kết quốc tế nói chung và liên kết qua mạng điện tử. 3. Khuyến nghị Luận án đã có những khuyến nghị cụ thể với Nhà nước, BQP và các viện nghiên cứu, trường đại học để đảm bảo rằng những giải pháp mà Luận án đã đề ra nhanh chóng trở thành hiện thực. DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ 1. PGS.TS Nguyễn Duy Bảo, ThS Trần Văn Phác, ThS Nguyễn Đăng Hải (2003), “Vì sao KH&CN nước ta chưa đưa vào cuộc sống”, Tạp chí Khoa học và Tổ quốc, Số 23-2003 (228) ngày 05/12/2003, tr.14-15. 2. ThS Nguyễn Đăng Hải (2011), “Bàn về các khái niệm trong NCKH và phát triển công nghệ”, Tạp chí Hoạt động Khoa học (Bộ KHCN), Số tháng 4.2011 (623) năm thứ 52, tr.41-44. 3. ThS Nguyễn Đăng Hải (2011), “Tổ chức KH&CN nhìn từ góc độ liên kết NCKH-Đào tạo-SXKD”, Tạp chí Kinh tế và phát triển, Năm thứ mười bảy, Số 169 (II) tháng 7/2011, tr.71-75. 4. ThS Nguyễn Đăng Hải, GS.TSKH Phạm Thế Long (2011), “Tổ chức hoạt động KH&CN trong liên kết Viện-Trường”, Tạp chí Kinh tế và phát triển, Năm thứ mười bảy, Số 172 tháng 10/2011, tr.15-19. 5. ThS Nguyễn Đăng Hải, PGS.TS Nguyễn Duy Bảo (2012), “Sở hữu trí tuệ trong liên kết viện trường và các giải pháp quản lý”, Tạp chí Hoạt động Khoa học (Bộ KHCN), Số tháng 6.2012 (637) năm thứ 53, tr.57-60 6. ThS Nguyễn Đăng Hải, PGS.TS Hướng Xuân Thạch (2012), “Liên kết Viện-Trường trong hệ thống đổi mới quốc gia: Những nguyên tắc, nội dung và các yếu tố ảnh hưởng”, Tạp chí Kinh tế và phát triển, Năm thứ mười tám, Số 185 tháng 11/2012, tr.133-138. 7. ThS Nguyễn Đăng Hải, PGS.TS Hướng Xuân Thạch (2012), “Những yếu tố đặc thù tác động đến xây dựng quan hệ liên kết/hợp tác viện trường ở Việt Nam”, Tạp chí Kinh tế và phát triển, Năm thứ 18, Số 186 tháng 12/2012, tr.129-133. 8. ThS Nguyễn Đăng Hải, GS.TSKH Phạm Thế Long (2013), “Những nguyên tắc căn bản của liên kết Viện-Trường ở Việt Nam”, Tạp chí Khoa học Thương mại, Năm thứ 12, Số 55 tháng 3/2013, tr.54-58. 9. ThS Nguyễn Đăng Hải, GS.TSKH Phạm Thế Long (2013), “Quá trình triển khai quan hệ đối tác trong hoạt động liên kết Trường ĐH-Viện NC ở Việt Nam mô hình và phương pháp nghiên cứu”, Tạp chí Khoa học Thương mại, Năm thứ 12, Số 56 tháng 4/2013, tr.68-72. 10. ThS Nguyễn Đăng Hải (2013), “Nghiên cứu thực trạng kiên kết trong lĩnh vực KHKT Quân sự”, Tạp chí Kỹ thuật & Trang bị - TCKT, Năm thứ 14, Số 153 tháng 6/2013, tr.25-30. 11. ThS Nguyễn Đăng Hải (2013), “Các giải pháp thúc đẩy liên kết Viện-Trường trong Quân đội”, Tạp chí Kỹ thuật & Trang bị-TCKT, Năm thứ 14, Số 159 tháng 12/2013, tr.27-32. 12. ThS Nguyễn Đăng Hải (2013), “Vai trò của Nhà nước trong hoạt động đổi mới và liên kết” Tạp chí Khoa học Thương mại, Năm thứ 12, Số 59 tháng 7/2013, tr.58-64.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • doc6_tom_tat_luan_an_6754.doc