Tóm tắt Luận án Nghệ thuật công cộng nghiên cứu trường hợp đô thị Hà Nội từ 1975 đến nay

Hà Nội cũng như các đô thị ở Việt Nam đều đang trong quá trình phát triển. Quá trình này nếu không ý thức đầy đủ sẽ làm tổn hại đến các công trình văn hóa truyền thống và phá vỡ kết cấu dân sinh tự nhiên, hoặc đi khai thác quá mức NTCC dưới dạng trưng bày di sản, mỹ nghệ phục vụ cho du lịch. Môi trường, rác thải, giao thông, nhà ở, việc làm tất cả đều là những đòi hỏi ở mức độ bức thiết của đô thị. Chúng khiến đô thị lúc nào cũng trong trạng thái căng thẳng bề bộn, mất đi tính chất thơ mộng và đẹp đẽ của thành phố vốn là thành tựu của nghệ thuật kiến trúc. NTCC có thể bù đắp những khiếm khuyết đó khi được nhìn nhận đúng với vai trò của nó, cho dù cuối cùng nó chỉ là một hoạt động tinh thần.

pdf27 trang | Chia sẻ: toanphat99 | Lượt xem: 1960 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Tóm tắt Luận án Nghệ thuật công cộng nghiên cứu trường hợp đô thị Hà Nội từ 1975 đến nay, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM -------------- Nguyễn Thị Lan Hương NGHỆ THUẬT CÔNG CỘNG NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP ĐÔ THỊ HÀ NỘI TỪ 1975 ĐẾN NAY Chuyên ngành: Lý luận & Lịch sử Mỹ thuật Mã số: 62 21 01 01 TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGHỆ THUẬT Hà Nội - 2016 Công trình được hoàn thành tại VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Lê Bá Dũng Phản biện 1: PGS. Lê Anh Vân – Trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam. Phản biện 2: TS. Vũ An Khánh – Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Phản biện 3: PGS.TS Nguyễn Văn Cương – Trường Đại học Văn hóa. Luận án sẽ được bảo vệ tại Hội đồng chấm luận án cấp Viện, tổ chức tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam Vào hồi...........giờ, ngày............tháng.........năm 2016. Có thể tìm luận án tại: 1. Thư viện Quốc gia Việt Nam 2. Thư viện Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam. 1 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, nghệ thuật công cộng (NTCC) chỉ mới được nhìn nhận và quan tâm trong vài năm trở lại đây, trong khi ở những quốc gia phát triển, NTCC từ lâu đã được xem là một yếu tố quan trọng, tất yếu trong kiến trúc và không gian đô thị (ĐT). Tình trạng NTCC hiện thời ở Hà Nội nói chung khá ảm đạm, chúng không đáp ứng đúng và đủ nhu cầu thẩm mỹ của cư dân ĐT, không phát huy được vai trò kết nối không gian kiến trúc, thậm chí chúng còn trở thành chủ đề bức xúc trong dư luận xã hội. Hiện tại chưa một nghiên cứu chuyên sâu nào có cái nhìn tổng thể về lý thuyết NTCC ở Việt Nam để đánh giá về tình trạng NTCC ở các đô thị Việt nói chung và Hà Nội nói riêng, kể cả về hình thức biểu hiện lẫn vai trò của NTCC trong những lĩnh vực mà nó có mối quan hệ mật thiết như chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, con người, công nghệ thời đại... Với tất cả những lý do nêu trên, vấn đề “Nghệ thuật công cộng (Nghiên cứu trường hợp đô thị Hà Nội từ 1975 đến nay)” đã trở thành chủ đề nghiên cứu của luận án. 2. Mục đích nghiên cứu Luận án đưa ra một cái nhìn tổng thể, đặc biệt ở cấp độ lý thuyết lý luận về NTCC, khẳng định vai trò của NTCC trong quy hoạch , trong không gian văn hóa, đời sống xã hội đô thị, trong bối cảnh kinh tế đô thị. Áp dụng lý thuyết vào trường hợp NTCC Hà Nội từ 1975 đến 2014 để nhìn nhận ra một cách khái quát thực trạng NTCC Hà Nội nói riêng và đô thị Việt Nam nói chung hiện nay, từ đó đưa giải pháp phù hợp. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng: Đối tượng là một số tác phẩm tiêu biểu của NTCC thế giới và Việt Nam; đặc biệt là NTCC Hà Nội, gồm tác phẩm mỹ thuật ngoài 2 trời, công trình nghệ thuật kiến trúc là điểm nhấn đô thị, một số hình thức của design thẩm mỹ đô thị. Phạm vi: NTCC ở Hà Nội từ 1975 đến 2014 (cùng một số thành phố khác đối chứng so sánh để làm rõ mục tiêu nghiên cứu). 4.Phương pháp nghiên cứu Luận án nghiên cứu “NTCC (Nghiên cứu trường hợp đô thị Hà Nội từ 1975 đến nay)” dựa trên phương pháp chính là phương pháp liên ngành cùng các phương pháp khác như: Phương pháp nghiên cứu tài liệu, phân tích tổng hợp, trừu tượng hóa khoa học, chuyên gia chuyên khảo để giải quyết các vấn đề của luận án. 5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài - Xác định cơ sở lý luận khoa học về NTCC ở Hà Nội nói riêng (các đô thị Việt nói chung). - Xác định vị trí của NTCC trong sự phát triển của đô thị về mặt xây dựng hình ảnh đô thị, kinh tế, văn hóa và xã hội của đô thị. - Tìm ra những nguyên tắc sáng tạo nghệ thuật thích hợp với thị hiếu thẩm mỹ và văn hóa của cư dân Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. - Khảo sát, phân tích và đánh giá NTCC Hà Nội một cách tổng thể; chỉ ra những mặt tích cực cũng như bất cập, hạn chế của NTCC Hà Nội. - Đề xuất một số giải pháp cho NTCC để phù hợp với đặc trưng văn hóa riêng của Hà Nội (và của các đô thị Việt Nam nói chung). 6. Cấu trúc luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung luận án gồm ba chương: Chương 1: Cơ sở lý luận của NTCC. Chương 2: Những vấn đề cơ bản của NTCC. Chương 3: NTCC Hà Nội từ 1975 đến 2014. 3 NỘI DUNG Chương 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA NGHỆ THUẬT CÔNG CỘNG 1.1. Giới thuyết khái niệm NTCC và một số khái niệm liên quan NTCC là loại hình nghệ thuật phục vụ công chúng, hoặc là nghệ thuật được đặt trong KGCC đô thị, nên luận án cần giới thuyết khái niệm NTCC và một số khái niệm liên quan. 1.1.1.Thuật ngữ NTCC: NTCC vốn là một thuật ngữ có nguồn gốc “ngoại nhập”, bởi nó được chuyển ngữ trực tiếp từ một cụm từ là public art. Theo như tổng kết riêng của nghiên cứu, xét về mặt thuật ngữ, NTCC là cụm từ được sử dụng để chỉ tất cả các tác phẩm nghệ thuật, được làm bằng mọi chất liệu và kỹ thuật chế tác, được cài đặt ở những địa điểm công cộng nhằm phục vụ mọi người dân trong các cộng đồng xã hội một cách miễn phí. 1.1.2 Khái niệm ĐT : Là nền tảng cho sự ra đời của NTCC nên đây là một khái niệm quan trọng cần được làm rõ. 1.1.3 Khái niệm KGCC: KGCC là điều kiện tồn tại của NTCC. Tính chất của nó có quan hệ mật thiết với các hình thức biểu đạt của NTCC. 1.2. Đặc trưng của NTCC NTCC là một loại thẩm mỹ xã hội đặc biệt. Nó chịu sự chi phối của đặc tính xã hội của không gian công cộng. Nghệ thuật công cộng mang đặc thù cởi mở, khoáng đạt đối với mọi đối tượng quần chúng nhân dân trong xã hội. Quần chúng có thể tham gia đóng góp những ý kiến của mình với người nghệ sĩ và với các cơ quan chức năng, góp 4 phần đưa ra những phương án tốt nhất, hiệu quả nhất cho NTCC. Bởi thế, cũng có thể nói, đặc trưng của NTCC là nghệ thuật được sáng tạo trong không gian công cộng của các xã hội có nền chính trị dân chủ. 1.3. Sơ lược lịch sử phát triển của NTCC 1.3.1. Sơ lược lịch sử phát triển NTCC trên thế giới: Ở phần này, ngoài nguồn gốc NTCC, luận án tập trung chủ yếu vào những biến đổi trong bối cảnh kinh tế, xã hội đô thị hiện đại từ những năm 80 của thế kỷ trước; những ý tưởng, chính sách, kế hoạch nhằm phát triển nghệ thuật công cộng ở một số nước hay thành phố có sự đột phá mang tính tiên phong về mọi mặt của NTCC. Đây chính là phần quan trọng trong lịch sử NTCC mà luận án cần khai thác. 1.3.2. Lịch sử NTCC Việt Nam: Phần này, tuy luận án đề cập đến lịch sử NTCC trong cả nước, nhưng NTCC Hà Nội chiếm phần lớn trong đó. Bởi, dù thuật ngữ NTCC mới chỉ xuất hiện ở nước ta trong vài năm trở lại đây, nhưng những biểu hiện NTCC chủ yếu tập trung ở Hà Nội từ những năm đầu thế kỷ XX, khi người Pháp tiến hành cải tạo và xây dựng các đô thị ở Việt Nam theo phong cách các đô thị phương Tây. 1.4. Các loại hình NTCC Theo nghĩa rộng, có thể gộp NTCC thành các nhóm bao gồm: Nghệ thuật kiến trúc ,design công cộng, nghệ thuật tạo hình công cộng, điện ảnh, sân khấu, âm nhạc công cộng, nghệ thuật đường phố, các sản phẩm mỹ thuật truyền thông đa phương tiện dành cho công chúng nói chung. Luận án tập trung đề cập đến khu vực tạo hình thẩm mỹ công cộng và design công cộng cố định (những tác phẩm kiến trúc nghệ thuật, những tạo hình thẩm mỹ mang tính không gian gắn với kiến trúc, tượng vườn, tượng đài, tranh tường hoành tráng, tranh đường phố, các biểu trưng xã hội, các vật dụng đường phố, tạo hình giải trí). 5 1.5. Phân biệt NTCC với một số loại hình nghệ thuật liên quan 1.5.1. NTCC và nghệ thuật tạo hình NTCC chính là nghệ thuật tạo hình nhưng được thể hiện với một số điều kiện đặc biệt (là sáng tác đặt hàng, loại trừ tính cá nhân, tương thích với không gian công cộng, vật liệu phụ thuộc vào công nghệ thời đại) 1.5.2. NTCC không phải là nghệ thuật cộng đồng Nghệ thuật cộng đồng thiên về các hoạt động của nhiều tầng lớp trong xã hội, sinh ra từ chính nhân dân, không nhất thiết mang phong cách cá nhân, tổ chức trong những dịp nhất định, cũng không cần lưu giữ lâu dài. Trong khi đó NTCC, tuy để phục vụ chung cho xã hội nhưng luôn nằm trong quy hoạch cao của đời sống đô thị, là diễn đàn cho các tranh luận tự do của xã hội, do các tác giả có tên tuổi sáng tạo, lưu giữ lâu dài trong các công trình công cộng, có ý nghĩa như biểu tượng xã hội. 1.5.3. NTCC và mỹ thuật môi trường Mặc dù có chung mục đích làm đẹp cho các KGCC, phục vụ cuộc sống của con người trong xã hội, có chung ngôn ngữ biểu hiện và hình thức biểu thị. Nhưng nếu NTCC hướng tới việc sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật vừa là làm đẹp, vừa có khả năng hình tượng hóa lịch sử quốc gia trong các KGCC, được xây dựng để tác động đến những lĩnh vực khác nhau của lợi ích xã hội và có mối quan hệ sâu sắc đến không gian cụ thể mà nó được đặt định; thì mỹ thuật môi trường lại hướng tới việc tổ chức bài trí các thành phần tự nhiên và nhân tạo của đô thị trong KGCC đô thị chung mang tính khái quát. Tiểu kết Được ra đời từ nhu cầu kiến trúc đô thị và đời sống xã hội đô thị, NTCC là một loại thể nghệ thuật đặc biệt, gắn liền với sự phát triển của các đô thị. Xét trên phương diện lý thuyết, NTCC được hiểu là nghệ thuật trong KGCC – một không gian trong đó tồn tại một phương thức công khai công cộng dành cho nhu cầu của nhiều người. NTCC không hạn chế đối tượng nó phục vụ, nó là nghệ thuật miễn phí và 6 công chúng của nó là tất cả mọi người dân. Tính phóng khoáng, cởi mở và năng động của không gian công cộng là nguyên do khiến NTCC không hạn chế về mặt hình thức, thể loại, chất liệu, kỹ thuật tạo hình. Mọi tác phẩm nghệ thuật, khi được sáng tạo và được đặt trong không gian công cộng đều là những tác phẩm NTCC. NTCC không đơn thuần chỉ là những tác phẩm nghệ thuật. Bản thân nó đã hàm chứa trong nó tính phản biện xã hội. NTCC sử dụng nghệ thuật như là một công cụ, một phương tiện truyền thông cho chính quyền, là một diễn đàn xã hội của các cộng đồng cư dân đô thị. Đây cũng chính là sự khác biệt cơ bản đã dẫn đến những khác biệt trong thực hành của NTCC với các loại nghệ thuật khác kể cả các loại nghệ thuật vốn có ranh giới khá mờ nhạt đối với NTCC như nghệ thuật cộng đồng, mỹ thuật môi trường Chương 2 NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN CỦA NTCC 2.1. Tính chất cơ bản của NTCC 2.1.1. Tính dân chủ Từ trong lịch sử, NTCC có địa điểm cài đặt chuyên biệt là các quảng trường (Agora), nơi kết nối mô hình xã hội dân chủ nên NTCC trng không gian này mang đặc tính đầu tiên là tính dân chủ. 2.1.2. Tính đại diện NTCC đại diện cho một khu vực có thể mang đặc điểm liên quan đến địa điểm đó hoặc không, miễn là hình ảnh của nó gây dấu ấn riêng biệt. 7 2.1.3. Tính giao tiếp xã hội NTCC có khả năng mang lại sự giao tiếp. Không gian NTCC là một không gian giao tiếp và NTCC đại diện hình ảnh của các luồng tư tưởng giao tiếp nhau. 2.1.4. Tính tham dự NTCC có khả năng kết nối cộng đồng vào chung một ý tưởng bằng việc tạo điều kiện cho cộng đồng tham dự vào tác phẩm. 2.1.5. Tính chuyên biệt địa điểm NTCC có thể truyền tải đặc tính chuyên biệt của địa điểm. Nó có khả năng tham chiếu các thông tin toàn thế giới để đưa ra một hình thức mà cư dân đô thị đó có thể tìm thấy, nhận diện được mình trong hình ảnh khái quát đó. 2.1.6. Tính phi vật chất NTCC đôi khi không cần không cần sự hiện diện vật lý cụ thể của tác phẩm trong không gian. Nó tồn tại bằng cảm nhận nghệ thuật của những ý niệm, tư tưởng, thông điệp của nghệ sĩ truyền tới khán giả bằng các hình thức như văn bản, ánh sáng, kỹ thuật số, cảm giác đụng chạm. 2.1.7. Tính độc lập theo thời gian Trong thế giới phẳng với sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông, sự độc lập của tác giả và tác phẩm NTCC được xác định bởi giá trị thời gian chứ không nhất thiết được xác định bởi hiển thị vật chất của tác phẩm trong KGCC vật lý. 2.2. Mục đích, giá trị của NTCC trong đô thị 2.2.1 Mục đích của NTCC Một trong những mục đích quan trọng nhất của NTCC là hạn chế nhược điểm và tăng tính hấp dẫn cho các KGCC đô thị. Mục đích thứ 2 của NTCC là gợi mở tự do tiếp cận. Mục đích thứ 3 là biểu hiện nghệ thuật hóa các tư tưởng chính quốc và đưa nó đến gần với đời sống của người dân, trên cơ sở nhà nước lấy dân làm trọng tâm của sự phát triển. 8 Mục đích thứ 4 của NTCC là thu hút sự chú ý của người xem và tạo ra một diễn đàn đối thoại, tranh luận. 2.2.2. Giá trị của NTCC * Giá trị văn hoá và nhận dạng cộng đồng đô thị của NTCC Mỗi thành phố, mỗi khu đô thị đều có vị trí địa lý và môi trường tự nhiên khác nhau, bối cảnh lịch sử và quá trình phát triển khác nhau, tính cách, hình tượng và dáng dấp đặc thù khác nhau. Tuy nhiên, khi sự phát triển xã hội loài người mang tính toàn cầu, cùng với quá trình đô thị hoá, nét đặc thù của các đô thị ngày càng mờ nhạt dần. Trong bối cảnh đó, với năng lực có thể làm biến đổi cảnh quan môi trường xung quanh nó, NTCC, rõ ràng, có thể giúp cho đô thị lấy lại nét đặc thù vốn có của nó. * Giá trị xã hội và hợp tác của NTCC Sự xuất hiện của một tác phẩm NTCC không chỉ mang ý nghĩa đơn thuần của một tác phẩm nghệ thuật mà còn có khả năng tham gia vào quá trình tổ chức lại không gian sinh hoạt xã hội đô thị ở một trình độ cao hơn trong mối tương quan hài hòa của các yếu tố môi trường thẩm mỹ thời đại mới. Sự phát triển như vậy của các tác phẩm NTCC tất yếu sẽ dẫn đến một hình thức tiếp nhận mới về nghệ thuật nói chung. NTCC có khả năng hướng con người vào sự thăng bằng và hài hòa, đưa đến những biểu hiện cảm thức lành mạnh. NTCC cùng không gian xung quanh nó có khả năng tạo dựng nên mối quan hệ hài hoà giữa nhịp điệu cuộc sống của con người với xã hội. Xã hội, nhờ đó mà ổn định và phát triển. * Giá trị kinh tế và tái sinh đô thị của NTCC Theo thuyết kinh tế học văn hóa của Richard Florida, văn hóa nghệ thuật có khả năng thúc đẩy sự phát triển của kinh tế và xã hội đô thị, thậm chí nó làm trẻ hóa những hình thức kinh doanh văn hóa đã từng bị gạt ra ngoài lề của sự phát triển công nghiệp. Đây chính điểm hạn chế lớn nhất của các đô thị Việt Nam trong cái được gọi là tái sinh 9 đô thị, tức là dùng văn hóa nghệ thuật để tạo ra không gian sống hấp dẫn, thu hút được các trí thức, doanh nhân đến làm việc, định cư bởi chính họ sẽ là các nhà đầu tư, các nguồn tri thức mang lại kinh tế và công nghệ hiện đại cho đô thị. 2.3. Vai trò chức năng của NTCC 2.3.1. NTCC điều tiết các không gian đô thị Trong quy hoạch không gian đô thị, NTCC có vai trò rất lớn. Nó có thể tạo thành một hệ thống gồm các quảng trường, các tuyến giao thông có những điểm nhấn là công trình kiến trúc độc đáo, tượng đài hay nghệ thuật đường phố, các design đô thị, các vật dụng đô thị... tạo nên một cấu trúc chứa đựng tính nghệ thuật lớn mang hình ảnh đặc trưng của đô thị đó. 2.3.2 NTCC và chức năng giải trí, giải tỏa tâm lý, giáo dục tinh thần nhân văn Đối tượng phục vụ mà NTCC hướng tới là quần chúng nên NTCC không nhất định phải là một hình thức nghệ thuật được chính trị hóa, lịch sử hóa một cách cứng nhắc. Nó cần hướng về các giá trị nhân văn rộng rãi trong đời sống xã hội hàng ngày. Tinh thần nhân văn phải là nội dung chính của NTCC vì giá trị lớn nhất của NTCC nằm ở đây. 2.3.3. Vai trò của NTCC trong nhận dạng đô thị * NTCC bộc lộ bản sắc văn hóa đô thị * NTCC là điểm tựa hình ảnh của đô thị 2.3.4. Vai trò của NTCC trong phổ cập giáo dục thẩm mỹ cho công chúng Mục đích của NTCC là san bằng khoảng cách xã hội ở thành phố và đối tượng hướng tới là người dân. Các thành phố càng phát triển hiện đại thì khoảng cách giữa các tầng lớp trong xã hội càng lớn, cho dù con người luôn cố gắng sáng tạo ra các hình thức cấu trúc đô thị nhằm thỏa mãn nhu cầu của mọi cư dân sống trong đô thị. NTCC luôn hướng tới mục đích lớn này. 10 2.4. Động lực phát triển của NTCC 2.4.1. Động lực từ phương diện xã hội và quy hoạch đô thị Cùng với sự mở rộng nhanh về diện tích và nhu cầu đời sống tinh thần ngày càng cao của cư dân là những hiển thị dè dặt thiếu bao quát các vấn đề xã hội của NTCC. Đây chính là động lực cho NTCC Hà Nội phát triển. 2.4.2. Động lực của chính bản thân nghệ thuật Thành phố càng lớn mạnh thì nghệ thuật càng phải phát triển để đảm đương được vai trò quan trọng của nó trong việc khẳng định hình ảnh riêng của thành phố, đó chính là động lực tự thân của NTCC. Hơn nữa, bản thân nghệ thuật luôn có xu hướng đi tìm cái mới để khẳng định đỉnh cao của nó nên phát triển NTCC là sự thay đổi và làm mới của chính NTCC. 2.4.3 Động lực từ nhân tố công chúng của NTCC * Công chúng với tư cách là nhân tố hoàn thiện tác phẩm * Công chúng NTCC với tư cách công dân 2.4.4. Động lực từ nghệ sĩ sáng tạo NTCC Trong sáng tạo NTCC, từ việc xây dựng dự án, kế hoạch, tranh luận quan điểm, quyết định và thực hiện dự án, cũng như hoàn thành toàn bộ quá trình xây dựng tác phẩm, người nghệ sĩ bao giờ cũng đóng vai trò chủ chốt. Động lực phát triển của NTCC chính là tư tưởng và tri thức của người nghệ sĩ. 2.4.5. Động lực từ chính sách phát triển văn hóa và kinh tế tư nhân cho NTCC Các chính sách phát triển văn hóa luôn dẫn đường cho mọi hoạt động văn hóa nghệ thuật trong đó có NTCC. Sự có mặt của vốn đầu tư tư nhân cho NTCC cũng rất quan trọng. Cho dù mục đích của tư nhân luôn là kinh doanh và lợi nhuận, nhưng cũng chính vì mục đích đó mà các nhà đầu tư có thể trang hoàng cho khu thương mại, ẩm thực, vui chơi trở nên hấp dẫn. 11 2.4.6 Động lực từ sự phát triển của khoa học công nghệ và chất liệu nghệ thuật Những thành quả của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và công nghệ như phim ảnh, kỹ thuật số ngày nay đã làm thay đổi kiểu cảm nhận trực quan truyền thống của con người và cung cấp nguồn chất liệu vô tận cho NTCC. Khoa học kỹ thuật và công nghệ càng phát triển thì NTCC càng có nhiều ý tưởng nghệ thuật độc đáo ra đời. 2.5. Mối quan hệ giữa NTCC với đô thị 2.5.1. Quan hệ giữa KGCC và NTCC Luận án nhấn mạnh nguyên tắc trong kiến tạo không gian cho NTCC là KGCC được quy hoạch trước cho phù hợp kiến trúc sau mới là NTCC. NTCC cần có kích thước và các biểu hiện phù hợp với 5 loại hình không gian trong đô thị như luận án tổng kết. 2.5.2. Quan hệ không gian NTCC và con người KGCC dành cho mọi tầng lớp trong xã hội đến để giao lưu, thể hiện quyền dân chủ, nhưng trên thực tế không hoàn toàn như vậy bởi tâm lý xã hội và đôi khi là trường hợp giao KGCC cho tư nhân quản lý. Ở Việt Nam các hình thức NTCC cần thân thiện hơn để lôi kéo người dân tới những không gian này giao tiếp và thụ hưởng các giá trị của tác phẩm. 2.6. Ngôn ngữ của NTCC 2.6.1 Ngôn ngữ của NTCC (hình tượng, hình thể, không gian) Ba yếu tố này không tách rời nhau trong sáng tạo NTCC. Hình tượng là sự cô đọng từ hiện thực kết hợp tư tưởng mà tác phẩm hướng tới. Hình thể thể hiện hình tượng bằng tài năng của nghệ sĩ. Sự tương tác của tác phẩm với môi trường tự nhiên và xã hội nơi nó đặt định là yếu tố hoàn thiện tác phẩm. Công nghệ hiện đại đã cho phép các nghệ sĩ thể hiện hình tượng nghệ thuật bằng nhiều hình thức mới lạ. 2.6.2. Ngôn ngữ của nghệ thuật truyền thống trong NTCC * Không gian nghệ thuật truyền thống 12 * Tính tổng hợp của nghệ thuật truyền thống * Các thủ pháp nghệ thuật truyền thống Tiểu kết Đây là chương quan trọng nhất của luận án. Thông qua các phương pháp nghiên cứu, luận án đã đưa ra một hệ thống lý thuyết lý luận về NTCC trong bối cảnh Việt Nam. Từ đó, luận án đi đến khẳng định mối quan hệ gắn bó giữa NTCC với không gian tự nhiên và xã hội đô thị, là một thành tố quan trọng trong phát triển đô thị. Nó có thể là điểm tựa hình ảnh, biểu thị bản sắc văn hóa, truyền tải tư tưởng chính trị, giáo dục đời sống nhân văn, điều tiết không gian, giải tỏa tinh thần cho cư dân đô thị Chương 3 NGHỆ THUẬT CÔNG CỘNG HÀ NỘI TỪ 1975 ĐẾN 2014 3.1. NTCC giai đoạn 1975-1986 3.1.1. Bối cảnh xã hội giai đoạn 1975-1986 Sau đại thắng mùa xuân 1975, cùng với cả nước, Hà Nội bắt tay vào công cuộc khôi phục đất nước, thực hiện đường lối xây dựng CNXH. NTCC cũng như nghệ thuật Việt Nam nói chung thời kỳ này phát triển chậm và mang tính một chiều tương đối thuần khiết. Phần lớn các tác phẩm NTCC ở thời kỳ này đều được thực hiện theo phong cách hiện thực XHCN. 3.1.2. Design chung của đô thị Thời gian này, một cách tự nhiên, người ta chú trọng đến design đường phố dù khái niệm design chưa xuất hiện trong xã hội đương thời. Các vườn hoa tạc tượng trang trí bằng cây, các ghế nghỉ bằng xi- 13 măng soải người thong thả. Các cột đèn, cây xanh đơn giản...tạo vẻ đẹp đường phố, các khu công cộng, các mậu dịch quốc doanh được quan tâm hơn cả về hình thức trang trí bên ngoài. Câu khẩu hiệu Hà nội lịch sự văn minh sạch đẹp xuất hiện từ thời đó. Đường phố Hà nội rất đẹp với nét đặc trưng dù không có mỹ thuật công cộng cụ thể như tranh tượng bây giờ. 3.1.3. NTCC dưới hình thức tranh cổ động NTCC trong không gian đường phố Hà Nội thời kỳ này chủ yếu là các panô áp phích tranh cổ động. Nhìn trên phương diện xã hội, chúng là sự kết hợp hoàn hảo ngẫu nhiên của nền chính trị Việt Nam giai đoạn 1975-1986 với nhu cầu cần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, vật chất cho người dân, cung cấp môi trường văn minh cho toàn thể người dân cùng hưởng thụ. Có thể nói tranh cổ động đã thoát ly ra khỏi cái bóng tháp ngà biểu tượng, vươn tới không gian công cộng, đến gần hơn với công chúng Thủ đô bằng sức sáng tạo của mình. 3.1.4. Điêu khắc ngoài trời Hà Nội Trong suốt một thập niên, kể từ sau ngày thống nhất đất nước, do đời sống kinh tế khó khăn và do một số nguyên nhân khác, mà nghệ thuật công cộng dưới hình thức điêu khắc vẫn chưa được phát triển mạnh, mối quan hệ giữa tác phẩm với môi trường vẫn chưa được chú ý đúng mức. 3.2. NTCC Hà Nội từ 1986 đến nay 3.2.1. Bối cảnh xã hội và quy hoạch đô thị * Bối cảnh xã hội từ 1986 đến nay Bước vào thời kỳ Đổi Mới, Hà Nội cũng như các đô thị Việt Nam đã phát triển về mọi mặt và ngày càng tăng hơn trong thời kỳ Hội nhập. Cấu trúc không gian đô thị nói chung, KGCC Hà Nội nói riêng cũng có sự thay đổi lớn và kéo theo sự thay đổi khá cơ bản về thuộc tính xã hội của KGCC Hà Nội. Xu hướng tư nhân hóa và thương mại hóa được thấy rõ trong tất cả các KGCC đô thị. 14 3.2.2. Mối quan hệ giữa NTCC với MTĐT Hà Nội * NTCC trong mô hình phát triển quy hoạch đô thị Trong thời đại ngày nay, mô hình của thành phố hiện đại khó có thể phát triển từ một ý tưởng duy nhất như thời kỳ phong kiến.Thành phố có ý nghĩa là một thực thể văn hóa nhiều hơn là chỉ dành cho việc mưu sinh. NTCC rõ ràng sẽ có vị trí quan trọng trong những đô thị như vậy. Xu hướng thành phố hiện đại luôn cần được định hướng phong cách. Ở Việt Nam, chưa bao giờ xuất hiện định hướng tiêu chí thẩm mỹ trong quy hoạch cho một thành phố được hình thành mới hay mở rộng. Hà Nội trước tiên cần xác định trở thành một trung tâm chính trị, văn hóa, khoa học hay kinh tế. Các vấn đề design môi trường sẽ được giải quyết trong định hướng thẩm mỹ chung và trong quá trình Hà Nội phát triển để hoàn thiện hình ảnh của nó. * Design công cộng và quảng cáo Khi các thành phố đều đã được mở rộng như hiện nay, các KGCC và NTCC trở nên vô cùng cần thiết. NTCC không chỉ là tranh tượng ngoài trời mà nó còn nằm trong design thẩm mỹ của đô thị. NTCC Hà Nội cần được chú trọng hơn nữa từ cái nhìn chung của design đô thị đến các loại hình thức cụ thể như chiếu sáng, quảng cáo, vật dụng đường phố * NTCC đường phố Hà Nội NTCC đường phố được chính quyền thành phố quan tâm đặc biệt từ Đại lễ kỷ niệm năm 2010. Thông qua các không gian mở của các chợ đêm hay nghệ thuật đường phố, tinh thần cộng đồng, tính dân chủ của mỗi người dân Hà Nội có cơ hội được phát huy. Quyền lực của người dân trong sở hữu KGCC cũng được thể hiện. NTCC có thêm được không gian để phát triển đa dạng hơn về hình thức. * Tranh, tượng và trang trí trên đường phố Hà Nội Mặc dù rất quan tâm chú ý đến sự phát triển các lễ hội đường phố, nhưng Hà Nội lại gần như lãng quên sự phát triển của tranh, tượng 15 đường phố ngoài một tác phẩm mới gần đây là Con đường gốm sứ với rát nhiều trắc trở trong các bước thực hiện và bảo quản. Design công cộng (nghế nghỉ, đèn đường, tạo hình cây xanh, thùng rác, khu vệ sinh công cộng, biển hiệu) cũng chưa đổi mới theo nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của người dân. * NTCC ở quảng trường Hiện nay, Hà Nội đã có đủ các loại quảng trường thường được thấy ở các đô thị Phương Tây nhưng sắc thái Hà Nội hầu như không tìm thấy ở kiến trúc quảng trường này. NTCC không được chú trọng và cũng không phát huy được vai trò tạo ra đặc trưng đô thị, là điểm nhấn đô thị của nó. * NTCC ở các vườn hoa, công viên và các khu di tích lịch sử Hình thức NTCC phổ biến trong không gian các vườn hoa, công viên và khu di tích lịch sử ở Hà Nội hiện nay là điêu khắc với chủ đề và hình thức còn đơn điệu cũng như khả năng kết hợp hài hòa với môi trường kiến trúc xung quanh là rất thiếu. Hà Nội cần có cái nhìn mang tầm chiến lược tạo hình ảnh đặc trưng đô thị trong khu vực NTCC này. 3.3. NTCC là điểm tựa hình ảnh đô thị và biểu thị bản sắc văn hóa thành phố 3.3.1. NTCC Hà Nội trong tạo dựng hình ảnh đô thị Một đô thị thành công về mặt tạo dựng hình ảnh cần tất cả các yếu tố quy hoạch, kiến trúc, design, mỹ thuật thống nhất với nhau trong một tổng thể chung để tạo dựng hình ảnh đậm đà một phong cách, hoặc các yếu tố này tương tác với nhau để tạo ra hình ảnh đặc biệt, đa dạng về văn hóa và mang tính nổi bật. Xu hướng tạo lập hình ảnh của Hà Nội sẽ như những đô thị hiện đại đi theo hướng phát triển phù hợp trên cơ sở chấp nhận sự đa dạng văn hóa. Trong hiện tại, NTCC Hà Nội hiện nay chưa có khả năng trở thành điểm tựa hình ảnh theo đúng nghĩa của nó so với sự mở rộng của thành phố. 16 3.3.2. Bản sắc văn hóa trong NTCC Hà Nội Trong bối cảnh của thủ đô hiện nay, NTCC cần phát huy vai trò của nó trong việc tạo dựng cho Hà Nội một bản sắc riêng khi Hà Nội đã và đang là một thành phố của sự tương phản trong văn hóa và lối sống. Bản sắc ấy cần được hướng đến mục tiêu hài hòa và cuộc sống tốt đẹp cho tất cả người dân thành phố bằng các hình thức của NTCC. NTCC Hà Nội vẫn chưa phát huy được các đề tài và phương thức biểu hiện trong lĩnh vực này. Nhìn tổng thể, nó vẫn chỉ mang dáng dấp chung giống như NTCC ở nhiều thành phố khác trong nước. 3.4. Ngôn ngữ trong NTCC Hà Nội (hình tượng -hình thể - không gian ) Trong quan hệ trong ngôn ngữ của tác phẩm NTCC (quan hệ giữa ba yếu tố: hình tượng- hình thể- không gian) thì yếu tố hình tượng là hết sức quan trọng. Hình tượng là tinh thần ẩn sau các lớp của hình thức, tương thích với không gian của tác phẩm. Nó là yếu tố quyết định chính đến sự thành bại của tác phẩm đó. NTCC Hà Nội luôn chú trọng hình tượng nghệ thuật, nhưng cảm quan chung về các hình tượng này gần như không có gì ấn tượng. Kết quả này không phải do hình tượng có vấn đề gì, mà ở chỗ người ta đã xây dựng hình tượng như thế nào. Tính chính trị và lịch sử đương nhiên phải có, nhưng nó phải nằm trong nghệ thuật một cách tinh tế chứ không phải là cái váng nổi lên bề mặt, khiến các tác phẩm NTCC Hà Nội giống như những bức tranh cổ động bằng bê tông. 3.5. Người Hà Nội với NTCC 3.5.1. Không gian NTCC và cư dân Hà Nội Các KGCC khá chật hẹp và nếu có đủ trong những khu đô thị mới cũng không đáp ứng được với nhu cầu cư dân trong thành phố. Đây là lý do để người ta phải cải tạo các khu vực công cộng thật tốt bằng các biện pháp, mà trong đó hữu hiệu nhất là NTCC. NTCC thực ra có vai trò rất lớn trong đời sống đô thị, đó là khả năng nghệ thuật hóa các tư 17 tưởng của nhà nước, nhắc nhở lịch sử, trau dồi thẩm mỹ, tạo một không gian sinh hoạt văn hóa nghệ thuật bình đẳng chung, mang con người xích lại gần nhau hơn trong xã hội nhiều giai tầng phức tạp của đô thị hiện đại. NTCC của thành phố Hà Nội ít chú ý đến điều này mà hầu như chỉ đề cao tính chính trị của các không gian đó. 3.5.2. Nguồn nghệ sĩ sáng tạo Hiện nay chưa có một cơ sở đào tạo chuyên sâu nào về nghệ thuật không gian trong Hà Nội cũng như cả nước. Thực tế trên cho thấy Hà Nội đang thiếu những nghệ sĩ có đầy đủ khả năng nghiên cứu, trình bày, thực hành ý tưởng và dùng nghệ thuật của mình can thiệp vào đời sống xã hội, mang lại cho quần chúng những giá trị tinh thần, có khả năng giải tỏa tâm lý và đưa lại một môi trường sống mang tính nhân văn. 3.5.3. Công chúng của NTCC Hà Nội Mục tiêu cuối cùng của mọi tác phẩm nghệ thuật là đến với công chúng. Thành công của các tác phẩm nghệ thuật công cộng phụ thuộc rất nhiều vào sự hiểu biết và sự chủ động tham gia của công chúng đối với các tác phẩm nghệ thuật công cộng. Hà Nội đang cần những công chúng nghệ thuật bởi họ có khả năng đánh giá các tác phẩm, định hướng dư luận và tạo ra môi trường thưởng thức nghệ thuật trong đại chúng. 3.5.4. Chính sách phát triển văn hóa và vai trò tư nhân đối với NTCC Hà Nội Ở bất kỳ một quốc gia nào, trong thời đại nào thì NTCC cũng chịu sự chi phối của chính quyền về hai mặt: tư tưởng và kinh tế. Việc phát huy vai trò sáng tạo của kinh tế tư nhân ở những không gian NTCC mang tính giải trí để thu hút dân chúng tham gia vào trò chơi, thưởng ngoạn nghệ thuật cũng bắt đầu khởi sắc. Tuy những mô hình kiểu này này vẫn còn nhiều hạn chế nhưng đây cũng là những trường hợp nên nghiên cứu và phát triển vì nó hoàn toàn thích hợp với cuộc sống của cư dân ĐT Việt hiện nay. 18 3.6. Công nghệ, Vật liệu trong NTCC Hà Nội Một tác phẩm NTCC được coi là biểu tượng của thành phố thường là sự tích tụ công nghệ của thời đại mà một quốc gia hay thành phố đó đạt tới được ở thời kỳ nào đó. NTCC Hà Nội chưa có dược điều này. Phần lớn tượng đài ở Hà Nội đến nay vẫn được thể hiện bằng các chất liệu thô. Cách xây dựng tác phẩm thường không thể hiện được các khối và chất cảm phức tạp. 3.7. Những vấn đề đang tồn tại của NTCC Hà Nội Vấn đề về design chung của đô thị; Vấn đề các không gian chung đang bị sử dụng sai mục đích; Vấn đề về nội dung tư tưởng và hình thức các tác phẩm; Vấn đề về mối quan hệ của tác phẩm NTCC với không gian và đời sống đô thị; Vấn đề trong công nghệ chế tác, trong đầu tư và chính sách. 3.8. Một số đề xuất và giải pháp cho NTCC Hà Nội 3.8.1. Sử dụng nghệ thuật truyền thống làm động lực cho sự phát triển bền vững của NTCC Hà Nội Mỗi nền văn hóa sản sinh ra các quy luật sáng tạo nghệ thuật dựa trên những đặc thù của mình. Nằm ở vùng châu thổ sông Hồng, Hà Nội là nơi lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của người Việt, vì vậy thừa hưởng quy luật sáng tạo nghệ thuật truyền thống của dân tộc Việt chính là lợi thế của NTCC Hà Nội. 3.8.2. Công nghệ hiện đại trong NTCC và xu hướng “trở về với tự nhiên” Nhìn vào lịch sử, Hà Nội hoàn toàn có thể tự hào với những di sản nghệ thuật - kiến trúc của mình bởi hòa hợp và thuận theo tự nhiên vốn là một đặc trưng nổi bật của văn hóa truyền thống Hà Nội. Xây dựng các dự án NTCC bằng công nghệ hiện đại nhưng theo xu hướng trở về với tự nhiên chính là sử dụng các thủ pháp về không gian của nghệ thuật truyền thống mà NTCC Hà Nội cần tiếp thu và sáng tạo trong các hình thái không gian mới của ĐT. 19 3.8.3. Xây dựng chế độ phần trăm và đẩy mạnh kinh tế tư nhân cho NTCC Ở hầu hết các quốc gia phát triển, do nhận thức được tầm ảnh hưởng quan trọng của NTCC trong ĐT trên mọi phương diện, các nước này đã đưa ra chính sách dành 1% chi phí của tổng công trình xây dựng cho NTCC. Hà Nội hiện nay chưa có quỹ dành riêng cho NTCC, mặc dù hiện thời một hình thức của NTCC là tượng đài và tranh hoành tráng đã có mặt trong một văn bản mang tính pháp quy do Bộ Văn hóa thông tin ban hành ngày 29/3/2000. Hà Nội cần có cái nhìn thực tế trong lĩnh vực này. 3.8.4. Dành lại KGCC, đưa NTCC vào dự án quy hoạch, NTCC cho khu dân cư NTCC là nghệ thuật tồn tại trong KGCC. Hà Nội muốn phát triển NTCC, trước hết, phải dành lại những KGCC đang bị sử dụng không đúng mục đích. Hà Nội cũng đang thiếu hẳn mảng nghệ thuật nhỏ, tinh tế trong những khu ở dành cho người lao động; Và để làm tăng sức sống cho các con phố Hà Nội, tăng khả năng kinh tế khu vực, tạo những dấu ấn mang bản sắc đặc trưng, thì trước hết Hà Nội cần phải giải quyết tốt việc quy hoạch và quản lý các KGCC, đồng thời mang NTCC đến gần với đời sống cư dân. 3.8.5. Tạo diễn đàn công khai và xây dựng đội ngũ chuyên gia cho dự án NTCC NTCC tạo ra đời sống dân chủ trong không gian chung của ĐT. Qua tác phẩm, người dân cảm nhận được vấn đề của xã hội, đất nước và NTCC cho phép họ đưa ra quan điểm của mình một cách công khai. Hơn nữa, một công trình NTCC luôn là giá trị sáng tạo của nhiều ngành liên quan. Các dự án NTCC Hà Nội hầu như thiếu hẳn phần cơ bản đó. Hà Nội cần nhìn nhận vấn đề của NTCC theo một chiều hướng tích cực hơn, có nghĩa không coi nó chỉ đơn giản là thành phần làm đẹp cho ĐT. 20 3.8.6. Giáo dục nghệ thuật và ý thức bảo vệ NTCC cho công chúng NTCC muốn tồn tại, nó rất cần sự chấp thuận, đồng cảm của công chúng. Để xã hội có mặt bằng chung về kiến thức nghệ thuật, đủ để thưởng thức cái đẹp của nghệ thuật hay phê phán nó, chính quyền của nhiều thành phố trên thế giới đã tìm cách đưa giáo dục nghệ thuật vào các cơ quan, trường học, trường chuyên nghiệp với nhiều hình thức khuyến khích cũng như bắt buộc. Hà Nội cần quan tâm đến vấn đề này để tạo ra những lớp công chúng nghệ thuật có chất lượng. Tiểu kết Thời gian từ 1975-1986, KGCC Hà Nội ít có sự thay đổi so với trước đó. Mọi hoạt động nghệ thuật trong đó có NTCC được tiến hành dưới sự trợ cấp kinh phí hoạt động của Nhà nước nhằm phục vụ đối tượng công chúng là công – nông – binh theo phong cách hiện thực XHCN. Ngôn ngữ điêu khắc ngoài trời Hà Nội thời kỳ này tương đối đơn giản, mối quan hệ giữa tác phẩm với môi trường xung quanh chưa được chú ý đúng mức. Công cuộc Đổi Mới (1986) cùng sự xuất hiện của nền kinh tế thị trường đã khiến cho KGCC Hà Nội thời kỳ này có nhiều biến đổi cả về hình thức và ý nghĩa. Theo sự biến động của quá trình kinh tế hóa, đô thị hóa, người dân đô thị Hà Nội ngày càng trở nên thực tế hơn với nhiều nhu cầu hưởng thụ tinh thần. Các tác phẩm NTCC ngày càng tiếp cận hơn với cuộc sống thường nhật, tạo điều kiện để người dân trực tiếp thể nghiệm nghệ thuật và tham gia các hoạt động thẩm mỹ. Tuy nhiên, Hà Nội chưa khai thác hết chức năng của NTCC trong các không gian của nó. Nhìn về tương lai, Hà Nội vừa là mảnh đất lý tưởng để phát triển, vừa là thách thức cho các sáng tạo NTCC. 21 KẾT LUẬN NTCC luôn là vấn đề lớn ở khắp các đô thị trên thế giới. Ở Việt Nam, sự nhìn nhận về NTCC trên bình diện toàn xã hội vẫn chưa đầy đủ. Đó là nguyên nhân dẫn đến NTCC ở các đô thị Việt hiện nay chưa thể hiện được vai trò quan trọng của nó. Luận án lần đầu tiên đưa ra được cái nhìn tổng thể về NTCC, lấy NTCC Hà Nội làm trường hợp nghiên cứu điển hình, từ đó đưa ra nhận thức mang tính khoa học về động lực phát triển, mục đích, giá trị của NTCC trong không gian đô thị. Luận án cũng đồng thời đề xuất một số giải pháp phát triển bền vững cho NTCC ở Hà Nội nói riêng (các đô thị Việt nói chung) và xây dựng mô hình phát triển cho NTCC Việt trong xu thế toàn cầu hóa. 1. Những nhận thức chung về NTCC Nếu như trước kia, quan niệm về mỹ thuật (hay nghệ thuật tạo hình) công cộng hạn chế trong tranh tượng ở KGCC đô thị, thì ngày nay cách hiểu đó cần thay đổi và mở rộng. Khái niệm mỹ thuật ở đây bị hạn hẹp, mà nên dùng khái niệm NTCC, được hiểu là nghệ thuật thị giác công cộng trong đô thị. Lĩnh vực này bao gồm kiến trúc công cộng, design công cộng, nghệ thuật tạo hình công cộng, nghệ thuật sử dụng quang học (chiếu sáng tạo hình), sắp đặt đường phố, graffiti NTCC có mối quan hệ mật thiết với nền tảng kinh tế và nhu cầu xã hội. Khác biệt rõ nhất giữa NTCC với các nghệ thuật khác, chính là NTCC hướng đến đối tượng là toàn thể công chúng trong xã hội và nó lấy không gian công cộng làm không gian nghệ thuật của nó. Mỗi không gian công cộng bao giờ cũng có những nét sắc thái riêng, được biểu thị đậm rõ ở tác phẩm NTCC được cài đặt. NTCC cũng vì thế mà được xem là hình thức biểu thị bản sắc của một đô thị. Do đặc tính riêng biệt của nó, để thực hiện một tác phẩm NTCC người ta luôn cần có sự kết hợp giữa kiến trúc sư, nhà điêu khắc (có chuyên môn về hoành tráng), họa sỹ và nhà design, nhà công nghệ (kỹ 22 sư), nhà lịch sử, văn hóa, xã hội. Tuy vậy điều quan trọng quyết định NTCC đô thị lại là ý tưởng quy hoạch phát triển đô thị. Đây là điều kiện tiên quyết, sau đó mới là kiến trúc, không gian, giao thông, design đô thị và NTCC nằm trong tổng thể đó. 2. Thực trạng NTCC Hà Nội Phần này, luận án tóm lược lại những khảo sát về KGCC Hà Nội, về NTCC trong mối quan hệ với môi trường, cộng đồng với những mặt tích cực và hạn chế của nó. Vấn đề hình thức biểu đạt, công nghệ chế tác và bảo quản tác phẩm cũng được đặt ra nhằm đưa một cái nhìn tổng thể chung về thực trạng NTCC Hà Nội hiện nay. 3. Bàn về tính mới của luận án 3.1. Luận án đã đưa ra một cách có hệ thống khái niệm về NTCC; những vấn đề cơ bản của NTCC, những khác biệt của nó với một số nghệ thuật có ranh giới mỏng manh với nó (như nghệ thuật cộng đồng và nghệ thuật môi trường). Hệ thống lý luận này đã được luận án kiểm chứng thông qua thực tế của lịch sử phát triển NTCC trên thế giới và Việt Nam: NTCC là sản phẩm của bối cảnh xã hội tổng hợp gồm công nghiệp hóa, thể chế dân chủ, xã hội dân sự, hình thái đô thị hiện đại. Nếu tách khỏi bối cảnh này thì NTCC sẽ mất đi ý nghĩa cơ bản của nó. Tiền đề xã hội của NTCC là chế độ dân chủ, tiền đề kinh tế của NTCC là quá trình sản xuất Công nghiệp hóa, nền tảng sự tồn tại của nó là đô thị hiện đại và đối tượng phục vụ của nó là toàn bộ công chúng trong xã hội. Từ đó, luận án đưa ra những đánh giá về vai trò và chức năng của NTCC đối với sự phát triển của đô thị, cũng như đối với đời sống của người dân đô thị, để làm sáng tỏ hơn mối quan hệ giữa NTCC và kiến trúc đô thị trong sự phát triển của mỗi đô thị. 3.2. Từ cách tiếp cận liên ngành, động lực phát triển của NTCC được qui chiếu vào thành các nhân tố tham gia quá trình hình thành một tác phẩm NTCC. Những yếu tố này vừa tương hỗ, đòi hỏi; vừa đào thải, chọn lọc. Đó là đô thị, đời sống xã hội đô thị - với tư cách là 23 cái nôi của NTCC; Công chúng – với tư cách người tiêu thụ (thưởng thức) tác phẩm NTCC; Nghệ sĩ – với tư cách người sản xuất trực tiếp ra tác phẩm; Chính sách và kinh tế - với tư cách là thành tố quyết định đến xu hướng sáng tạo và sự thành bại của các tác phẩm; Khoa học và công nghệ với tư cách là nhân tố cấu thành lực lượng sản xuất (chất liệu ngôn ngữ của tác phẩm) ra tác phẩm ; Nghệ thuật truyền thống – với tư cách là nhân tố cấu thành ngôn ngữ biểu hiện của tác phẩm NTCC. 3.3. Bằng việc phân tích và đánh giá các tác động của những nhân tố nêu trên trong việc hình thành và phát triển tác phẩm NTCC, luận án đã xác định và làm rõ tiềm lực và khả năng thích ứng của NTCC với các hình thái đô thị, với những công dân có tri thức và tư tưởng thời đại mới. Luận án đưa ra quan điểm rằng : NTCC Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực và cơ sở để phát triển hòa chung vào dòng chảy của NTCC thế giới mà vẫn giữ được sắc thái riêng của mình nếu được nhìn nhận đúng với vai trò của nó trong đô thị, đời sống đô thị. 3.4. Đô thị Việt Nam đang trong xu hướng toàn cầu hóa. Có lẽ thành phố này khác thành phố kia chỉ còn là bản sắc văn hóa và những công trình NTCC vĩnh viễn mang tính lịch sử. Cho nên, việc nhận thức đúng vai trò của NTCC là hết sức quan trọng để giữ lại bản sắc văn hóa, bộc lộ lý tưởng của thành phố và tạo ra hình ảnh riêng biệt cho thành phố. Luận án cũng đã sử dụng cách tiếp cận liên ngành để khảo sát, phân tích và đánh giá những thành tựu và hạn chế của hình thức NTCC đang được phát triển ở thủ đô Hà Nội. Trên cơ sở đó, luận án đề xuất phương án tốt nhất cho NTCC ở Hà Nội nói riêng hay các đô thị Việt Nam nói chung 3.5. Trong mô hình phát triển đô thị tương lai (mô hình 3T) của Richard Florida talent - tolerant - technology (Tài năng - Khoan dung - Công nghệ) [1, tr. 533], mà ở đó nghệ thuật được nhìn nhận bằng mối quan hệ giữa ba yếu tố: nhân học - công nghệ - nghệ thuật, thì NTCC 24 đóng vai trò chủ chốt trong sáng tạo hình ảnh đô thị, thể hiện đời sống nhân văn và sử dụng công nghệ để chế tạo hình thức. Việc đầu tư cho NTCC không phải là một loại hình đầu tư hoạt động sản xuất ra hàng hóa mà nó chỉ sản xuất những giá trị tinh thần. Nhưng, điều đó mới đúng nghĩa với sự phát triển thành phố là nơi tập trung văn minh nhân loại. Công nghệ không mang tính bản sắc, hay dân tộc, mà ở bất cứ đâu người ta cũng có thể dùng công nghệ như mọi nơi đang dùng. Nhân học vừa mang tính nhân loại, vừa mang tính bản sắc dân tộc cụ thể. NTCC thể hiện cái bản sắc nhân văn đó bằng ngôn ngữ chung của nghệ thuật thế giới, với cảm quan cá nhân và đặc trưng dân tộc sâu sắc. Ba mặt hòa quyện vào nhau trong một quá trình sáng tạo riêng. Những hiển thị của NTCC vừa có tính tự thân của chính nó trong sự hình thành của thành phố, vừa nằm trong hoạt động của thời kỳ hiện tồn nào đó của một chính thể, một quốc gia, một thời kỳ của cư dân đô thị. Các thành phố trải qua quá trình lịch sử cũng sinh ra và chết đi như văn minh nhân loại có sự phát triển và suy thoái, nhưng NTCC vĩnh viễn là tồn tại và nhắc nhở những thế hệ mãi sau này. Hà Nội cũng như các đô thị ở Việt Nam đều đang trong quá trình phát triển. Quá trình này nếu không ý thức đầy đủ sẽ làm tổn hại đến các công trình văn hóa truyền thống và phá vỡ kết cấu dân sinh tự nhiên, hoặc đi khai thác quá mức NTCC dưới dạng trưng bày di sản, mỹ nghệ phục vụ cho du lịch. Môi trường, rác thải, giao thông, nhà ở, việc làm tất cả đều là những đòi hỏi ở mức độ bức thiết của đô thị. Chúng khiến đô thị lúc nào cũng trong trạng thái căng thẳng bề bộn, mất đi tính chất thơ mộng và đẹp đẽ của thành phố vốn là thành tựu của nghệ thuật kiến trúc. NTCC có thể bù đắp những khiếm khuyết đó khi được nhìn nhận đúng với vai trò của nó, cho dù cuối cùng nó chỉ là một hoạt động tinh thần. DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 1. Nguyễn Thị Lan Hương (2014), Con đường gốm sứ - nhìn từ nghệ thuật chạm khắc đình làng, Tạp chí Văn hóa học (6), tr.82-100. 2. Nguyễn Thị Lan Hương (2014), “Vài nét so sánh về nghệ thuật công cộng và nghệ thuật cộng đồng”, Tạp chí Nghiên cứu mỹ thuật, (04), tr. 33-38. 3. Nguyễn Thị Lan Hương (2015), Hình tượng con người từ chạm khắc đình làng đến điêu khắc tượng đài Việt Nam hiện đại, Tạp chí lý luận phê bình vă học nghệ thuật, (30), tr. 38-45. 4. Nguyễn Thị Lan Hương (2015), Con đường gốm sứ - nhìn từ nghệ thuật công cộng, Tạp chí lý luận phê bình vă học nghệ thuật, (30), tr. 71-74. 5. Nguyễn Thị Lan Hương (2015), “Về nghệ thuật công cộng”, Tạp chí Văn hóa học, (19), tr. 81 - 85

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf03_tom_tat_luan_an_tv_bia_231.pdf
Luận văn liên quan