Trang phục truyền thống của người Mông ở thôn Cát Cát, xã San Xả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai

DẪN LUẬN Trang phục bao gồm hai thành tố: y phục và đồ trang sức. Trong y phục hay trang sức lại bao gồm những thành tố và bộ phận khác nhau. Trong đó, y phục là những thứ dùng để che đậy, bảo vệ cơ thể, góp phần làm đẹp cho con người. Đồ trang sức là những vật dụng mang theo trên mình với mục đích làm đẹp cho con người hoặc các mục đích khác theo quan niệm truyền thống hay đương đại của từng tộc người. Đồ trang sức bao giờ cũng mang tính thẩm mĩ và tính biểu trưng. Ngoài yếu tố cộng đồng, nó còn phụ thuộc rất nhiều vào cá nhân sử dụng nó với vị thế, khả năng và quan niệm của chính cá nhân đó. Với tư cách là một thành tố cả văn hoá tộc người, bộ trang phục truyền thống của người Mông ở Cát Cát là một nguồn tư liệu quý để góp phần tìm hiểu về lịch sử, văn hoá và điều kiện môi sinh (tự nhiên và xã hội) của người Mông nơi đây. Nhiều kết quả nghiên cứu về người Mông trước đây đã cho thấy sự đóng góp quan trọng của văn hoá Mông trong quá trình giao thoa, hội nhập làm phong phú và phát triển văn hoá của cộng đồng các dân tộc anh em. Hiện nay, khi giao lưu và hội nhập trên nhiều bình diện của đời sống xã hội diễn ra mạnh mẽ, đời sống xã hội của người Mông ở Cát Cát trong đó có trang phục đang biến đổi không ngừng. Việc nghiên cứu trang phục của người Mông nói chung, người Mông ở Cát Cát nói riêng sẽ góp phần vào quá trình nghiên cứu để bảo tồn và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chuyên đề Bộ trang phục truyền thống của người Mông ở thôn Cát Cát, xã San Xả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai nhằm mục đích đó. Chuyên đề nằm trong đề tài Bảo tồn nghề dệt cổ truyền, thuộc dự án Đầu tư bảo tồn làng truyền thống dân tộc Mông – làng Cát Cát, xã San Xả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Chuyên đề áp dụng các phương pháp dân tộc học truyền thống để phân tích và xử lý tư liệu. Nguồn tài liệu được chúng tôi sử dụng là nguồn tư liệu thu được trong quá trình điền dã tại địa bàn nghiên cứu. MỤC LỤC Dẫn luận . 1 1. Khái quát về nghề trồng lanh dệt vải của người Mông ở thôn Cát Cát 2 2. Bộ trang phục cổ truyền của người Mông ở thôn Cát Cát . 3 2.1. Bộ nữ phục . 3 2.1.1. Thường phục 3 2.1.2. Lễ phục . 7 2.2. Bộ nam phục 9 2.2.1. Thường phục 9 2.2.2. Lễ phục . 10 2.2.3. Trang phục trẻ em 11 2.2.4. Trang phục của thầy cúng 13 3. Đố trang sức 14 3.1. Khuyên tai 14 3.2. Vòng cổ 15 3.3. Vòng tay . 16 3.4. Nhẫn 16 3.5. Răng vàng 17 3.6. Vòng chân 17 3.7. Vòng vía . 18 4. Ý nghĩa của việc sử dụng trang phục trong một số nghi lễ đặc biệt 19 4.1. Trang phục trong cơ cấu kinh tế cổ truyền 19 4.2. Trang phục trong lối sống, nếp sống tộc người . 20 4.3. Trang phục trong sự phân công lao động xã hội 20 4.4. Trang phục trong sự phản ánh trình độ thẩm mĩ dân gian . 21 4.5. Trang phục trong một số nghi lễ tín ngưỡng 21 5. Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống 25 5.1. Quan điểm về việc bảo tồn và phát huy giá trị bộ trang phục truyền thống của người Mông ở Cát Cát . 25 5.2. Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị bộ trang phục truyền thống của người Mông ở Cát Cát 26 Kết luận . 28

doc28 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 5352 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Trang phục truyền thống của người Mông ở thôn Cát Cát, xã San Xả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
15.000 đồng/đôi dành cho trẻ em. 2.1.2. Lễ phục: - Lễ phục mặc trong đám cưới: Trong đám cưới, cô dâu người Mông ở Cát Cát vẫn ăn vận giống như ngày thường gồm có: áo dài tay, tạp dề, xà cạp, dây lưng nhuộm chàm có trang trí hoa văn ở phía sau lưng, đeo đồ trang sức. Chỉ khác là, chiếc áo này được thêu thùa và ghép vải rất công phu và thường chỉ được mặc 2 lần trong đời là trong đám cưới (mặc về nhà chông) và trong đám tang (mặc về với tổ tiên). Ngoài ra, cô dâu Mông ở Cát Cát trong ngày cưới còn váy và mặc thêm áo khoác ra bên ngoài, đầu cuốn thêm khăn đen. Vòng cổ ngoài những vòng cổ vẫn đeo thường ngày còn phải đeo thêm loại vòng có nhiều mắt xích và tua toòng teng. Khuyên tai và vòng tay cũng được đeo nhiều hơn ngày thường. Hoa văn được thêu trên áo trong ngày cưới cầu kỳ và tốn nhiều công sức hơn thêu hoa văn trên váy. Hoa văn thêu trên cổ, vai và tay áo thường giống nhau. Trong các hoạ tiết, nổi bật là hoa văn xoáy vuông góc từng cặp đôi, cặp bốn. Các hình xoáy này kết hợp với nhau trong một ô vuông tạo thành mô típ trang trí có 4 hoặc 8 hình xoắn vuông góc với nhiều biến dạng khác nhau mà người Mông ở Cát Cát gọi là câuv jiv. Ngoài ra, trên áo cô dâu của người Mông ở Cát Cát còn xuất hiện hoa văn hình đồng tiền làm nền cho hoa văn hình xoáy ốc nói trên. Xen kẽ các mảng hoa văn hính xoắn ốc, trên chiếc áo cưới của cô dâu người Mông ở Cát Cát thường thêu các hình chữ thập mà theo họ là cái guồng thu sợi hoặc những ô hình chữ nhật nhỏ được giải nghĩa là con tằm… Vải được cắt thành những đường nhỏ ghép bao quanh các mảng hoa văn này và cắt thành những ô hình vuông hoặc tam giác nhỏ khâu đè lên nhau, tạo thành hoa văn hình học. Dây lưng thêu hoa văn (hlangz sôngx): là loại dây lưng may bằng vải lanh nhuộm chàm, dây lưng này có tiết diện dài 70 – 100 cm (tuỳ theo kích cỡ vòng eo của người đeo), rộng khoảng 10 – 15 cm, thêu hoa văn chủ yếu bằng chỉ trắng có điểm xuyết chỉ mầu. Kỹ thuật trang trí chủ yếu là thêu xoắn mũi và chéo mũi. Ngoài ra ở mép dưới của dây lưng còn có thể được đính những tua hạt cườm nhỏ dài khoảng 10 cm. Loại dây lưng này thường dùng để thắt ra bên ngoài váy và tạp dề trong những dịp lễ tết, hội hè hoặc trong đám cưới, ngoại trừ lúc chết. Hoa văn trên dây lưng giống như hoa văn trang trí trên vai và tay áo dài tay. Theo tập quán truyền thống của người Mông ở Cát Cát, bộ váy áo cưới đã được cô gái chuẩn bị từ trước. Người Mông ở Cát Cát đánh giá tài năng, vẻ đẹp của người phụ nữ qua khả năng thêu thùa thể hiện trên bộ trang phục mặc trong lễ cưới, nên các thiếu nữ Mông dành hết thời gian, tâm sức cho bộ váy áo cưới của mình. Mức độ thành thạo trong việc dệt vải, thêu thùa cũng là một phần thước đo giá trị của người phụ nữ. Người giỏi thêu thùa được cả cộng đồng mà trước hết là gia đình nhà chồng đề cao, coi trọng. Vì vậy, nếu trang phục mặc trong những ngày bình thường được may, thêu đơn giản bao nhiêu thì bộ trang phục mặc trong ngày cưới lại được may, thêu hết sức cầu kỳ với nhiều loại hoa văn bấy nhiêu. Ngoài ra, cô dâu người Mông ở Cát Cát còn phải cầm thêm chiếc ô đen. Chiếc ô đen ấy không chỉ tượng trưng cho người con gái mà còn tạo nên sự hài hoà với bộ y phục. Loại ô này có thể do người Mông ở Cát Cát tự làm lấy từ giấy, nan tre, trúc hoặc mua ô vải có gọng và cán sắt được bán sẵn trên thị trường với giá 50.000 đồng/cái. - Lễ phục mặc trong đám tang (trang phục mặc cho người chết): Nếu người chết là đàn bà thì vẫn mặc váy, áo, tạp dề, dây lưng như ngày thường nhưng phải may bằng vải lanh. Nếu là áo dài tay thì phải là áo dài tay thêu hoặc in sáp ong (không mặc áo khoác), chân váy phải có mầu đỏ. Nếu là người chết trẻ thì có thể mặc chân váy mầu đen với ý nghĩa là cuộc đời chưa được trọn vẹn nên chưa thể mặc váy có chân váy mầu đỏ được. Khác với lúc sống mặc xà cạp mầu đen, người Mông ở Cát Cát có tục khi chết thì phải cuốn xà cạp màu trắng và đi giầy may bằng vải lanh, đế giầy lót bằng mo cau giống như hình cái thuyền, trên đầu có trang trí và thêu biểu tượng mào gà. Đầu cuốn khăn đen hoặc khăn đen bên trong, khăn kẻ sọc bên ngoài (tuỳ từng dòng họ). Mặt đắp khăn đen, đỏ hoặc trắng, có khi không đắp khăn (tuỳ từng dòng họ), đầu gối lên khăn gối đầu. Khăn gối đầu dành cho người chết của người Mông ở Cát Cát là một miếng vải vuông rộng từ 25 – 30 cm may 2 lớp, lớp ngoài viền vải đỏ khoảng 3 – 5 cm; lớp trong thêu, ghép vải hoặc in hoa văn bằng sáp ong. Hoa văn trên khăn gối đầu cho người chết nếu thêu thì chủ yếu là hoa văn hình xoắn ốc, guồng thu sợi, con tằm. Nếu in hoa văn bằng sáp ong thì thường là các đường kỷ hà. Vải được ghép thành các đường viền bao quanh hoặc chồng lên nhau thành các hình vuông hay tam giác. Xen kẽ là các hoa văn thêu hoặc in sáp ong. 2.2. Bộ nam phục: 2.2.1. Thường phục: Bộ thường phục của nam giới người Mông ở Cát Cát gồm có: khăn đội đầu, áo ngắn dài tay, áo khoác cộc tay, quần, dây lưng và dép. - Khăn đội đầu: tiếng Mông gọi là fuav: là một mảnh vải lanh nhuộm chàm có tiết diện: dài 1,5 – 2,5 m, rộng khoảng 30 – 40 cm, không trang trí hoa văn, gấp làm tư và quấn quanh đầu theo chiều quấn từ trái qua phải. Tuy nhiên, ngày nay, nam giới người Mông ở Cát Cát không dùng khăn đội đầu trong những ngày thường mà chỉ dùng trong những dịp đại sự hay hội hè. - Áo: tiếng Mông gọi là yao. Áo thường phục của nam giới người Mông ở Cát Cát có 2 loại là áo ngắn dài tay và áo khoác cộc tay. + Áo ngắn dài tay: tiếng Mông gọi là yao tês zơưs. Đây là loại áo ngắn nhuộm chàm mầu đen sẫm, dài tay, có viền vải xanh ở cổ tay, xẻ nách, không có cổ, có khuy cài bên cạnh sườn. Áo không có trang trí hoa văn. Ở mặt trong của áo, người ta may thêm một chiếc túi nhỏ với tiết diện ≈ 8 x 10 cm để người mặc cất tiền hay những vật nhỏ gọn. Vị trí may túi là ở thân trước phía bên trái, ngang tầm giữa ngực và bụng người mặc. + Áo khoác cộc tay: tiếng Mông gọi là yao khuôv. Chiếc áo này giống với chiếc áo khoác nữ đã mô tả ở phần trên. Ngày thường, nam giới người Mông ở Cát Cát ít mặc mà chủ yếu mặc vào mùa đông giá rét, mặc đi chơi và mặc vào những dịp đại sự, hội hè. - Quần: tiếng Mông gọi là tris. Quần của nam giới người Mông ở Cát Cát là loại quần may kiểu chân què, cạp rộng kiểu lá toạ, đũng thấp và được may bằng vải lanh nhuộm chàm sẫm nên có mầu đen (đen chàm). Do cạp rộng nên khi mặc được co lại cho vừa với kích cỡ vòng eo của người mặc, phần thừa được giắt sang một bên rồi dùng dây lưng thắt lại cho chặt. - Dây lưng: tiếng Mông gọi là hlangz tris dùng để thắt cạp quần. Nam giới người Mông ở Cát Cát trước kia dùng một dải vải lanh nhỏ mầu đen chàm, có tua ở hai đầu như dây lưng loại mặc hàng ngày của phụ nữ. Nhưng hiện nay họ hầu như không dùng loại dây lưng này nữa mà dùng dây lưng bằng da hoặc giả da mua ở chợ. - Dép: tiếng Mông gọi là khâu. Dép của nam giới người Mông ở Cát Cát cũng giống như dép của nữ giới đã mô tả ở phần trên. 2.2.2. Lễ phục: - Lễ phục mặc trong ngày cưới: Trong ngày cưới, chú rể người Mông ở Cát Cát mặc giống như ngày thường, những là quần áo mới và bắt buộc phải mặc thêm áo khoác ra bên ngoài áo ngắn dài tay. Đầu cuốn khăn 2 lớp: lớp khăn bên trong bằng vải lanh trắng; lớp khăn bên ngoài bằng vải lanh nhuộm chàm đen giống khăn của cô dâu nhưng vành khăn nhỏ hơn, tay cầm khăn mặt. Phù rể ăn mặc giống chú rể. Cũng giống như chú rể, chủ hôn (là đàn ông) và bố chú rể cũng mặc giống như ngày thường nhưng phải là quần áo mới và khoác thêm áo khoác cộc tay ra bên ngoài áo ngắn dài tay. Riêng ông chủ hôn nhà trai còn phải mang theo một cái ô có buộc khăn, trước kia là buộc vải lanh trắng, hiện nay buộc khăn tổ ong tượng trưng cho người con dâu (ý là răn dạy người con dâu sau này sẽ phải chăm chỉ dệt may quần, váy, áo cho chồng và gia đình nhà chồng) và một cái điếu cày tượng trưng cho người con trai (vì con trai sau này sẽ trở thành chủ gia đình và thường phải tiếp khách). Nếu cô dâu trong ngày cưới là gái tân (chưa lấy chồng lần nào) hoặc đã bỏ chồng thì trong lễ hỏi, ông mối nhà trai phải hỏi có cần phải mang ô không. Trường hợp cô dâu trong ngày cưới là người đã từng có chồng và chồng trước đã mất (cô dâu đi tái giá) thì chủ hôn không cần phải mang ô theo. Ngoài ra, chiếc ô còn phải là vật làm tin. Trong lễ ăn hỏi và đám cưới nếu giữa hai họ nhà trai và nhà gái đi đến sự thống nhất, ông chủ hôn nhà gái sẽ nhận chiếc ô do chủ hôn nhà trai trao cho và treo ở bên vách gian giữa phía bàn thờ tổ tiên, gần bên bếp lò; còn nếu không đồng ý thì sẽ treo ở phía đối diện. Khi về đến nhà trai, chiếc ô lại tiếp tục đợc treo như vật ở nhà chú rể cho đến khi tổ chức xong đám cưới những là gần bên bếp khách. - Lễ phục mặc trong đám tang (mặc cho người chết): Khi người đàn ông chết, ông ta vẫn được mặc áo ngắn dài tay ở bên trong, quần, dây lưng như ngày thường nhưng bên ngoài phải mặc áo nữ dài tay (loại áo có thêu hoặc in hoa văn bằng sáp ong; tạp dề đen; chân quấn vải lanh trắng (dài một sải rưỡi), đi giày may bằng vải lanh, đế giày được lót bằng mo cau giống như hình cái thuyền, trên đầu có trang trí và thêm biểu tượng mào gà. Mặt có thể đắp khăn đen, đỏ hoặc trắng hoặc không đắp tuỳ từng dòng họ; đầu gối khăn gối đầu. Theo quan niệm về kiếp luân hồi của người Mông, khi người đàn ông chết sẽ lại trở thành đàn bà; ngược lại đàn bà sau khi chết lại trở thành đàn ông nên đàn ông lúc chết phải mặc áo, tạp dề của đàn bà. Theo sự giải thích của cụ Má A Trư, sinh năm 1927, trú tại đội III, thôn Cát Cát thì ngày xưa trong chiến tranh giữa người Hán và người Mông, người Hán chỉ giết đàn ông chứ không giết đàn bà nền đàn ông người Mông khi chết phải cải trang thành đàn bà, mặc áo và để tóc dài như đàn bà để khi đi đường về với tổ tiên mới không bị ma người Hán làm hại. Vì thế cho nên ngày nay đàn ông người Mông ở Cát Cát khi chết vẫn mặc chiếc áo và chiếc tạp dề của phụ nữ. 2.2.3. Trang phục trẻ em: Từ khi đứa trẻ sinh ra cho đến 3 ngày sau - trước khi làm lễ đặt tên, đứa trẻ chưa được mặc áo vì người ta quan niệm lúc này đứa trẻ mới chỉ có xác mà hồn chưa về (Đó là lý do tại sao những đứa trẻ mới sinh ra đã chết thì không được tổ chức đám tang). Trong những ngày này, trẻ sơ sinh được ủ trong một cái tã cắt ra từ cái tạp dề cũ của mẹ mình. Đến ngày thứ ba, gia đình tổ chức lễ đặt tên – ru hồn (gênh plì) cho trẻ. Sau đó đặt tên và mặc áo do người mẹ may cho đứa trẻ. Từ đây, đứa trẻ chính thức là một con người. Nếu chẳng may bị chết cũng được làm đám tang. Nếu có người lạ đến nhà trước khi có người đẻ, sau 3 ngày người đó sẽ được mời đến dùng bữa cơm trong lễ gọi hồn và phải cho đứa bé một sợi dây lanh buộc vào cổ tay để bảo vệ cho đứa bé khoẻ mạnh. Khi đứa trẻ đầy tháng, phải làm lại lễ ru hồn như trên một lần nữa. Lúc này, ông bà ngoại sẽ mang tặng cho vợ chồng con gái một cái địu (nếu bố mẹ không có thì chị gái phải cho). Việc tặng địu chỉ diễn ra một lần khi con gái sinh con đầu lòng; còn những lần sinh tiếp sau thì do người khác tặng hoặc người mẹ tự làm lấy. Khi đứa con được tròn 1 tuổi, vợ chồng con cái phải mổ con lợn khoảng 50 kg mời bố mẹ đẻ đến để làm lễ cảm ơn, mời họ hàng hai bên đến ăn mừng cho đứa trẻ; lễ này được gọi là lễ tạ ơn cái địu (tav hlang nhax). Thầy cúng được mời về nhà làm lễ trước bàn thờ (xưv cangz). Khi có đứa con đầu lòng, người đàn ông mới được công nhận là trưởng thành và được đặt cho tên đệm mới. Lễ đặt tên đệm mới (tên già) của người cha vào dịp con đầu lòng tròn một tuổi và trong lễ tạ ơn cái địu. “Tên già” của người cha sẽ do ông bà ngoại đặt cho. - Địu: tiếng Mông gọi là hlangz nhas hoặc nhas âur nhuôs. Địu của người Mông ở Cát Cát gồm có hai nửa ghép lại với nhau, nửa nhỏ hình chữ nhật rộng khoảng 35 – 37 cm, cao khoảng 25 cm. Nửa to hình vuông rộng khoảng 40 cm, có dây buộc ở phía trên nửa nhỏ hơn. Mỗi nửa gồm hai lớp; lớp ngoài cả hai nửa đều được thêu hoặc in sáp ong, xung quanh viền ghép vải: nửa trên ghép vải đen, nửa dưới ghép vải đỏ. Ở lớp trong: nửa trên là một mảnh vải đen không trang trí hoa văn, nửa dưới có thêu hoặc in hoa văn bằng sáp ong giống như nửa dưới lớp ngoài. Khi trời lạnh có thể kéo nửa dưới lớp ngoài đè lên nửa trên lớp ngoài của địu để giữ ấm cho đứa trẻ. Tuỳ theo sự khéo léo của người mẹ mà địu được trang trí các hoa văn khác nhau. Chiếc địu ngoài việc sử dụng để địu con thì trong quan niệm của người Mông ở Cát Cát, nó còn là tượng trưng cho cái kén. Vì thế cho nên trên địu trang trí rất nhiều hoa văn khác nhau như một cái kén bảo vệ cho đứa bé ở bên trong, không để cho con ma làm hại đứa trẻ. Trong thời gian dưới 1 tuổi này, trẻ em người Mông ở Cát Cát còn được làm cho một cái mũ đội đầu và chỉ mặc áo, tã lót, không mặc quần (nếu là con trai) hay váy (nếu là con gái). - Mũ: tiếng Mông gọi là maov. Mũ của trẻ em người Mông được may bằng những mảnh vải nhuộm chàm đen hình tam giác xếp lại với nhau, phần trên chụm lại tạo thành hoa văn chóp mũ. Thân mũ có thêu hoa văn và ghép các đồng xu, hạt cườm. Nếu đứa bé không được khoẻ, bà nội bé còn làm cho bé một cái mũ với trang trí những đồng xu nhỏ bằng bạc, râu dê và túi thuốc hình tam giác may bằng vải – trong túi thuốc có hạt kê, hạt tiêu rừng, thảo quả và nhiều loại hạt khác mà chỉ có người làm túi mới biết (mỗi người có cách sử dụng các loại hạt khác nhau để làm túi thuốc)… Đồng bào cho rằng làm như thế ma nhìn thấy sẽ sợ mà không dám làm hại trẻ con. Trên 1 tuổi, trẻ em người Mông ở Cát Cát mới được cho mặc quần, áo. Từ 3 tuổi trở lên, yếu tố giới tính mới được thể hiện qua trang phục. Theo đó, các em trai được cho mặc áo, quần; các em gái được cho mặc áo, váy và tạp dề. Trang phục của các em hoàn toàn được phỏng theo trang phục của người lớn. Chỉ khác là kích cỡ nhỏ hơn và hoa văn trang trí đơn giản hơn trang phục của người lớn rất nhiều. 2.2.4. Trang phục của thầy cúng: Người Mông ở Cát Cát ngoài tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng đa thần và vạn vật hữu linh còn rât phổ biến loại hình tín ngưỡng phù thuỷ - saman giáo. Thầy saman là những người hành nghề cúng bái mà gọi theo tiếng Mông là chí nênh. Theo quan niệm của người Mông ở Cát Cát, khi cúng (uô nênh), người hành nghề thầy cúng có khả năng đưa mình vào trạng thái hôn mê mà chúng ta vẫn gọi là hiện tượng xuất hồn. Khi đó, thầy cúng có khả năng trực tiếp giao tiếp được với các thế lực siêu nhiên. Thầy cúng có thể là đàn ông hoặc đàn bà. Họ không có bộ y phục riêng khi hành lễ mà vẫn mặc như trong sinh hoạt hàng ngày nhưng có thêm hoặc không có thêm khăn che mặt làm bằng vải đen hoặc giấy bản tuỳ theo họ thuộc loại thầy cúng nào dưới đây: - Thầy cúng trùm khăn (nênh sâu trông hoặc nênh trứ dềnh): Đây là dạng thầy dúng có khả năng nhìn thấy và giao tiếp được với các thế lực siêu nhiên khi che một tấm vải đen hoặc một tờ giấy bản trước mắt trong lúc cúng. Tấm vải hoặc tờ giấy này có tác dụng đưa người thầy cúng thoát ra khỏi thế giới trần tục để đi vào thế giới siêu nhiên. Thầy cúng ở dạng này thường truyền nghề trong nội bộ gia đình từ đời này sang đời khác (cha truyền con nối). Điều đó có nghĩa là trong một gia đình nào đó nếu thế hệ trước có ít nhất một người làm thầy cúng thì thế hệ sau trong gia đình đó thế nào cũng có ít nhất một người kế tục. Trong trường hợp một người nào đó đang bình thường mà tự nhiên rung lên bần bật, hai chân đập mạnh xuống đất và tạo ra những âm thanh như tiếng vó ngựa, mắt nhắm nghiền lại và miệng nói liên hồi những lời không ai hiểu là gì và không thể nào dừng lại được kể cả khi có ai đó đập mạnh vào người thì có nghĩa là người ấy đang bị hồn của thầy cúng đã mất về rủ đi làm thầy cúng và đó cũng là hồn thầy cúng đã mất đang dạy cho người đó cách làm cúng. Trường hợp người này cứ tái diễn như vậy nhiều lần chứng tỏ hồn thầy cúng đã mất quyết chí chọn người này làm người kế nghiệp của mình. Gặp trường hợp như vậy, người “có duyên” phải mời thầy cúng về làm lễ, lập bàn thờ và trở thành thầy cúng, hướng dẫn cho “người mới vào nghề” về thế giới siêu nhiên. - Thầy cúng không trùm khăn: tiếng Mông gọi là nênh mùa đơ hoặc nênh cớ công. Thầy cúng ở dạng này không có khả năng nhìn thấy linh hồn và các thế lực siêu nhiên nên khi cúng không được dùng khăn hoặc giấy bản để che mặt. Họ biết nghề là do học được ở những thầy cúng trùm khăn. Họ có thể được nâng thêm cấp bậc theo thời gian nhưng không bao giờ có thể trở thành thầy cúng trùm khăn được. 3. ĐỒ TRANG SỨC Trong quan niệm của người Mông ở Cát Cát, đồ trang sức không chỉ có chức năng thẩm mỹ hay biểu hiện cho sự giầu sang mà còn có tác dụng ngăn chặn ma tà, dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ cho người mang trang sức. Đồ trang sức cổ truyền của người Mông ở Cát Cát chủ yếu làm bằng bạc, gần đây một số nơi mới sử dụng đồ trang sức bằng hợp kim nhôm, kẽm, đồng. Bộ đồ trang sức của người Mông ở Cát Cát thường có khuyên tai (câux nhas), vòng cổ, (pâux chax đangz), vòng tay (pâux tês), bộ xà tích (lăngx hliaz), nhẫn (ntir blaiz) và răng vàng (nar cul). 3.1. Khuyên tai: Khuyên tai - gọi theo tiếng Mông là câux nhas. Đây là loại trang sức chỉ dành riêng cho phụ nữ. Khuyên tai của người Mông khá to, hình tròn hoặc gần tròn, chu vi khoảng 12 – 15 cm, tiết diện bẹt, có 2 đầu, to bản ở giữa và một đầu; còn đầu bên kia thì hẹp. Khuyên tai của người Mông ở Cát Cát có 5 loại: - Loại có hình dáng như dấu hỏi gọi là “…”: Loại này có dáng cách điệu, thanh mảnh nên thường được các thiếu nữ ưa chuộng, đặc biệt là với những người có khuôn mặt bầu tròn khi đeo loại khuyên tai có hình dáng này sẽ làm cho khuôn mặt trông có vẻ thon dài, cân đối hơn. Loại này nếu được mua ở chợ huyện sẽ có giá là …/đôi (đối với loại làm bằng bạc) và …/đôi (đối với loại làm bằng nhôm). - Loại khuyên tai có 3 đường xoắn ốc giống kiểu ốc xên gọi là “…”: Đây cũng là loại khuyên tai cách điệu nên cũng được các thiếu nữ thường dùng. Ngược lại với loại trên, loại khuyên tai này do có dạng chảy dài nên phù hợp với những khuôn mặt có dạng thon dài nên khi đeo, nó sẽ làm cho khuôn mặt người đeo trở lên tròn, mập hơn. Loại này được bán ở chợ huyện với giá …/đôi (đối với loại làm bằng bạc) và …/đôi (đối với loại làm bằng nhôm). - Loại khuyên tai có hình trăng lưỡi liềm gọi là “…”: Loại khuyên tai này được cả các thiếu nữ và phụ nữ trung niên ưa dùng bởi nó phù hợp với nhiều dạng khuôn mặt ở các lứa tuổi từ 25 – 40. Loại này được bán ở chợ huyện với giá …/đôi (đối với loại làm bằng bạc) và …/đôi (đối với loại làm bằng nhôm). - Loại khuyên tai có hình tròn, mỏng, mặt có khắc hoa văn hình học gọi là “…”: Loại này không được giới trẻ ưa chuộng nhưng lại được các phụ nữ trung niên ưa dùng vì trông nó chững trạc, đứng đắn. Hơn nữa, nó lại làm tôn thêm vẻ lịch lãm, mặn mà của người đeo. Loại này được bán ở chợ huyện với giá …/đôi (đối với loại làm bằng bạc) và …/đôi (đối với loại làm bằng nhôm). - Loại khuyên tai hình tròn có gắn thêm miêng bạc đánh theo hình chìa khoá có treo một số vòng xích gọi là “…”: Đây là loại khuyên tai thường được sử dụng bởi những người phụ nữ trên 40 tuổi trở lên. Loại khuyên tai này thường nặng nên khi đeo, nó kéo xệ rái tai của người đeo xuống. Có những cụ bà người Mông đeo khuyên tai này lâu ngày, rái tai xệ xuống đến gần ngang má làm cho khuôn mặt càng thêm phần phúc hậu. Loại khuyên tai này được bán ở chợ huyện với giá …/đôi (đối với loại làm bằng bạc) và …/đôi (đối với loại làm bằng nhôm). Đặc điểm chung nhất của các loại khuyên tai kể trên là khuyên tai để hở và có móc ở hai đầu; đầu lớn có 2 móc: một móc ngoặc ra ngoài vòng tròn và một móc ngoặc vào trong giống như hai con ốc xoáy theo chiều từ nhỏ đến lớn. Đường kính vòng lớn thường khoảng 1 cm, còn đường kính vòng nhỏ chỉ khoảng 0,2 – 0,3 cm để có thể dễ dàng luồn vào lỗ sâu khuyên ở dái tai. Đầu nhỏ đeo vào tai, khi đeo người ta thường xâu từ phía sau ra phía trước. Người Mông ở Cát Cát quan niệm rằng nếu người phụ nữ không đeo khuyên tai là tự làm mất đi vẻ đẹp của mình. Bé gái khi mới được 2 – 3 tuổi đã được bố mẹ xâu lỗ tai. Đến khoảng 7 – 8 tuổi sẽ bắt đầu đeo khuyên tai. Trẻ em chưa đến tuổi trưởng thành thường chỉ đeo một đôi khuyên tai. Đến tuổi trưởng thành, mỗi phụ nữ Mông có thể đeo từ 2 – 4 đôi khuyên tai, tuỳ theo điều kiện kinh tế và sở thích của từng người. 3.2. Vòng cổ: Vòng cổ - gọi theo tiếng Mông là pâux chax đangz. Đây là loại trang sức dùng cho cả phụ nữ và nam giới; gồm có nhiều loại như: loại vòng có 2 đầu chim mỏ dài được khắc hoạ đặc tả ở cặp mắt, mỏ. Loại vòng cổ hình trăng lưỡi liềm được khắc hình con bướm, hình xoáy ốc… Mỗi chiếc vòng cổ thường có tiết diện rộng từ 3 – 5 cm, đường kính chu vi khoảng từ 45 – 50 cm. Trên mặt nhiều chiếc vòng được khắc mô típ xoáy ốc ở trung tâm, các hoa lá ở hai bên và các rìa cạnh hoa văn, khắc vạch hình tam giác. Xung quanh chiếc vòng có gắn thêm các sợi tua bạc hình hoa bí. Nhiều vòng cổ còn có dây xích toòng teng gắn xung quanh. Đặc biệt xưa kia có người còn đeo loại dây xích dài đến tận thắt lưng. Thường ngày, đàn ông ít khi đeo vòng cổ, phụ nữ chỉ đeo một chiếc. Đôi khi trong các dịp lễ tết, cưới xin cả đàn ông và đàn bà thường đeo từ 2 – 7 chiếc. Vòng cổ được người Mông ở Cát Cát đeo trên cổ suốt cả ngày lẫn đêm. Vòng đeo thường ngày chỉ có một chiếc, còn vòng đeo vào ngày hội hay tết có từ hai đến bảy chiếc. Cả con gái lẫn con trai đều đeo vòng như nhau. Vì vậy, vòng cổ được coi là thứ đồ trang sức cả ngày thường lẫn ngày hội của người Mông ở Cát Cát. 3.3. Vòng tay: Vòng tay - tiếng Mông gọi là pâux tês. Đây cũng là loại trang sức dành cho cả đàn ông và đàn bà, người già và người trẻ cũng như cả trẻ em. Vòng tay truyền thống của người Mông ở Cát Cát có hai loại: loại vòng bản dẹt và loại vòng có tiết diện tròn. Loại vòng tay bản dẹt có bề mặt vòng rộng khoảng 1,5 – 2 m, trên mặt vòng khắc hình hoa lá, hình con bướm… theo lối tả thực. Loại vòng tay này được sử dụng ít hơn loại có tiết diện tròn. Loại vòng tay có tiết diện tròn được đeo nhiều và ngày càng phổ biến hơn. Trong những ngày thường, người phụ nữ Mông thường chỉ đeo một đôi vòng tay, còn trong ngày lễ họ có thể đeo 2 – 3 đôi. Vòng tay đa dạng hơn so với vỏng cổ và được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau: bạc, đồng đỏ, đồng thau và nhôm. Trong đó, vòng bạc trước đây phổ biến hơn cả. Nay do nguyên liệu bạc khan hiếm, vòng nhôm và đồng đỏ, đồng thau dần chiếm ưu thế. Vòng bằng đồng được đúc một cách cầu kỳ hơn, trên bề mặt nhấp nhô và không trơn như vòng bạc. Vòng tay bằng đồng cũng thường do người thợ Mông tự làm (nếu không là người trong thôn thì cũng là người ở các thôn lân cận). Do quan niệm đeo vòng không chỉ cho đẹp mà còn có tác dụng trừ ma nên người phụ nữ Mông khi có thai thường đeo để không cho ma tà xâm nhập làm hại thai nhi. Ngoài ra, người Mông ở Cát Cát cũng có loại vòng đồng rất mỏng, thường chỉ đeo cho đẹp. Vòng tay bằng nhôm cũng được người Mông ưa thích, những vòng tay này do các thợ người Mông tự làm hoặc mua của người Kinh ở chợ. 3.4. Nhẫn: Nhẫn - tiếng Mông gọi là ntir blaiz là loại trang sức được cả nam giới và nữ giới người Mông ở Cát Cát ưa chuộng. Nhẫn được làm bằng bạc, đồng, nhôm và cá biệt có cả nhẫn làm bằng vàng. Đồng bào thường đeo nhẫn ở ngón tay trỏ của bàn tay trái. Nhẫn của người Mông ở Cát Cát có 2 loại là loại nhẫn có tiết diện tròn và loại nhẫn có tiết diện dẹt. Trong đó: - Loại nhẫn có tiết diện tròn là dấu hiệu của những người còn độc thân (trai chưa vợ, gái chưa chồng) hoặc đã goá vợ/chồng và đang có ý định tái giá. Người phụ nữ có chồng thường đeo hai nhẫn trên một ngón tay. - Loại nhẫn có tiết diện dẹt chỉ dành riêng cho phụ nữ. Mặt nhẫn là một miếng bạc hình thoi dài khoảng 3 – 4 cm, trên mặt nhẫn có trạm khắc trang trí hình hoa lá, con bướm theo lối tả thực giống như loại vòng tay bản dẹt. 3.5. Răng vàng: Nam nữ người Mông ở Cát Cát nhìn chung thích trồng răng vàng, kể cả những thanh niên nam nữ. Gọi là răng vàng vì răng có ánh màu vàng, nhưng trên thực tế đó chỉ là một thứ hợp kim được pha chế từ nhiều kim loại khác nhau rồi được đúc giống như một chiếc răng thực nhưng rỗng ở giữa để lắp (bọc) vào răng thật. Người Mông ở Cát Cát khi đến tuổi trưởng thành mới bọc răng vàng. Họ thường thích bọc hai chiếc răng vàng ở hai phía đầu hàm răng trên. Do trong cộng đồng người Mông ở Cát Cát cũng như ở các thôn, xã lân cận không có người làm nghề trồng răng nên đồng bào thường phải ra thị trấn hoặc xuống thành phố để trồng răng vàng. 3.6. Vòng chân: Đối với người Mông ở Cát Cát, vòng chân thực tế không phải là vật trang sức thuần tuý (mặc dù nó cũng có chức năng làm đẹp nhưng đó chỉ là chức năng phụ ngoài ý muốn của người đeo). Đây là loại trang sức liên quan đến hệ thống tín ngưỡng của người Mông, chỉ dùng để đeo cho người ốm trong trường hợp thầy cúng xem bói xong và phán là người ốm phải đeo vòng chân mới hết bệnh. Lúc đó, gia đình người ốm mới đi đặt làm vòng chân về để thầy cúng (thầy saman) làm lễ cúng chữa bệnh cho người ốm. Vòng chân của người Mông ở Cát Cát có hai loại: Loại thứ nhất được làm bằng đồng và nhôm hoặc đồng và bạc xoắn lại với nhau. Họ làm vậy để cho chiếc vòng có nhiều mầu khác nhau giống như hình con rắn. Theo quan niệm dân gian của người Mông ở Cát Cát, chiếc vòng như vậy có tác dụng trừ ma và khi đeo vào chân sẽ làm thay đổi hình dạng người ốm, ma không nhớ được người đó. Do vậy mà không làm hại người đeo vòng được. Loại thứ hai được làm bằng bạc hoặc nhôm, đánh thành các vòng tròn nhỏ, móc vào nhau như sợi dây xích, dùng để đeo khi bị đau chân hay mắc các bệnh tê thấp. Vòng không rộng, chỉ vừa khít chân của người ốm. Trước khi đeo vòng chân, người ta phải làm lễ cúng, có thầy saman đuổi ma ra khỏi nhà, sau đó tự tay thầy saman sẽ đeo vòng vào chân của người bị ốm. 3.7. Vòng vía: Vòng vía của người Mông ở Cát Cát được dùng để đeo cho trẻ sơ sinh, khi trẻ bị ốm và cho người lớn. Vòng vía cho người lớn và trẻ bị ốm thường là vòng được làm từ ba dây: đồng, bạc và sắt xoắn lại với nhau. Theo quan niệm của người Mông ở Cát Cát, ma quỷ thường đi theo đường thẳng, nếu đeo vòng xoắn thì ma quỷ sẽ không xâm nhập vào cơ thể được mà chúng sẽ bị mắc lại trong những chỗ xoắn của vòng vía. Căn cứ vào vị trí đeo vòng, chúng ta có thể phân chia vòng vía của người Mông ở Cát Cát thành 3 loại là vòng chân, vòng cổ và vòng tay. Căn cứ vào cách đeo vào hay tháo ra của vòng, chúng ta chia vòng vía của người Mông ở Cát Cát thành 2 loại là vòng kín và vòng hở. Vòng kín là loại vòng không có chỗ mở; khi đeo phải chui qua cơ thể người ở bộ phận đeo vòng (cổ, cổ tay hoặc cổ chân). Vòng hở là loại vòng có thể mở ra, đóng vào. Hai đầu vòng được buộc bằng những sợi vải khác nhau và cũng được làm xoắn lại. Khi đeo phải cởi dây vải ra và luồn vào cổ, cổ tay hoặc cổ chân người ốm. Khi đã luồn xong mới buộc dây lại. Lúc này, vòng hở trở thành vòng kín, ma không xâm nhập được vào cơ thể để làm hại người ốm và hồn vía người ốm không đi ra ngoài được. Người ốm không được tự đeo vòng vía cho mình mà phải mời thầy cúng về làm lễ và đeo vòng cho. Vòng vía cho những đứa trẻ sơ sinh được làm bằng bạc trắng với kiểu dáng giống vòng của người lớn nhưng kích thước nhỏ hơn. Một sự khác biệt cơ bản nữa của vòng vía của trẻ sơ sinh so với vòng vía của người lớn là vòng của trẻ bao giờ cũng có thêm những túi vải nhỏ hình tam giác bằng vải chàm đen, trong có chứa một số loại hạt mà chỉ có người làm túi đó mới biết bên trong đó là những hạt gì và không bao giờ người ta nói ra. Túi này được người ta quan niệm là túi thuốc, túi vía, túi đựng hồn. Túi này được buộc vào vòng vía cho trẻ nhỏ. Những người bị ốm đau nặng đôi khi cũng được đeo những chiếc vòng vía có buộc những cái túi như vậy nếu như thầy cúng phán là phải đeo. Ngoài ra, một số người khi đi chơi hội, đi chơi chợ, đi đám cưới còn đeo thêm một bộ xà tích bên hông (Xà tích gọi theo tiếng Mông là lăngx hliaz). Đó là một tổ hợp gồm vài dây xích, một con dao nhỏ, vài dây toòng teng, nhíp kim loại và vài cái “tăm” kim loại… Xà tích trước đây chủ yếu làm bằng bạc. Nay được thay thế nhiều bằng nhôm hoặc inox. Hoa văn trên đồ trang sức của người Mông ở Cát Cát rất đa dạng với nhiều kiểu loại. Vòng cổ có các kiểu: loại có 2 đầu chim mỏ dài được khắc hoạ đặc tả ở cặp mắt, mỏ. Loại có hình trăng lưỡi liềm được khắc hình con bướm, hình xoắn ốc. Một số khác khắc hình hoa lá, hình tam giác ở hai bên và rìa cạnh. Khuyên tai có trang trí giống như hình dấu hỏi, hoặc hình ốc ở đầu. Trên khuyên tai thường khắc hình quạt, đồi núi, lá cây hoặc hình mặt trăng, mặt trời… Vòng tay thường khắc hình hoa lá, hình con bướm cách điệu. Loại vòng tay tiết diện tròn phổ biến hơn nhưng lại không có hoa văn trang trí. Nhẫn của phụ nữ thường được chạm khắc hình hoa lá, hình con bướm… còn nhẫn của nam giới lại thường để trơn, không tra trí. 4. Ý NGHĨA CỦA VIỆC SỬ DỤNG TRANG PHỤC TRONG MỘT SỐ NGHI LỄ ĐẶC BIỆT CỦA NGƯỜI MÔNG Ở CÁT CÁT Việc chế tác trang phục cổ truyền của người Mông ở Cát Cát là một hoạt động nội tại trong đời sống tộc người, mang nội dung văn hoá phong phú, đa dạng; tạo ra những vật phẩm mang yếu tố văn hoá cộng đồng. Đó là thành quả của quá trình lao động lâu dài, bền bỉ, khéo léo, là một phần trong quá trình tạo ra những giá trị văn hoá của đồng bào trong môi trường tự nhiên và không gian xã hội cụ thể. 4.1. Trang phục trong cơ cấu kinh tế cổ truyền Trang phục là kết quả cuối cùng của một quy trình sản xuất với các công đoạn kỹ thuật khác nhau, được thực hiện chủ yếu bằng phương pháp thủ công. Trang phục có thể tạm tính được bằng công thức như sau: Trang phục = nguyên liệu + Công cụ thủ công + Sức lao động cơ bắp và khoa học + Kỹ năng được rèn luyện qua thực tiễn. Trong cơ cấu kinh tế truyền thống của người Mông ở Cát Cát, các nghề thủ công tuy không phải là ngành nghề chính, chỉ mang tính chất bổ trợ nhưng lại chúng nằm trong một chỉnh thể, có vai trò quan trọng và không thể thiếu được. Các thành viên của cộng đồng người Mông nơi đây, đặc biệt là những người phụ nữ, vừa là những người nông dân thực thụ giỏi việc nương rẫy, lại vừa là thợ thủ công lành nghề. Thông qua trang phục của họ, chúng ta có thể thấy ở họ về trình độ, kỹ năng, kỹ xảo, nghệ thuật tài hoa và những ý tưởng mà họ gửi gắm thông qua các hoạ tiết hoa văn trang trí trên trang phục. CŨng như nhiều ngành thủ công các, các kỹ năng làm ra trang phục, cách sử dụng và nghệ thuật trang trí trang phục được các thế hệ người Mông trao truyền, tiếp nối. Đây chính là một hình ảnh của mô hình giáo dục cộng đồng được duy trì từ nhiều đời ở nhiều dân tộc. Nó góp phần bảo lưu các giá trị văn hoá truyền thống, các đặc điểm mang tính tộc người thể hiện qua trang phục. 4.2. Trang phục trong lối sống, nếp sống tộc người Trang phục của người Mông ở Cát Cát có nhiều loại, mỗi loại đều mang những đặc trưng phù hợp với tâm lý, giới tính, lứa tuổi, trạng thái sinh hoạt. Điều đó thể hiện khả năng thích ứng, cách ứng sử với môi trường xung quanh của đồng bào. Trong những dịp hội hè hay lễ tết, cưới xin… trang phục cũng bừng sắc như vui cùng con người. Người Mông ở Cát Cát coi trang phục không chỉ là vật bảo vệ con người theo ý nghĩa sinh học thông thường, mà còn là vũ khí bảo vệ cơ thể con người, chống mọi loại ma tà hay giúp cho con người có thêm sức lực. Trang phục khẳng định yếu tố người khác thế giới động vật. Đồng bào coi nó là nơi cất giữ linh hồn (trẻ chưa được ba ngày – chưa có hồn, chưa được mặc áo; người chết được mời về với gia đình cũng phải thông qua chiếc áo/váy; thầy cúng muốn nhìn thấy thế giới bên kia phải dùng khăn che mặt.v.v…). Thứ hồi môn quý nhất mà người con gái mang về nhà chồng là trang phục. Trang phục cũng là một trong những thứ quà tặng thể hiện lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, thể hiện sự quan tâm của cha mẹ đối với con cái. Ngoài ra, sản phẩm của nghề dệt nói chung, trang phục nói riêng còn được coi là thứ tài sản quý của mỗi gia đình, một tiêu chí để đánh giá, phân biệt giàu nghèo. 4.3. Trang phục trong sự phân công lao động xã hội Sự phân công lao động trong xã hội truyền thống của người Mông ở Cát Cát thể hiện rõ nét trong trang phục. Trong gia đình, người phụ nữ là chủ thể sáng tạo ra trang phục cho mình và các thành viên khác trong gia đình. Vẻ đẹp và chất lượng của các bộ trang phục mà họ làm ra phản ánh sâu sắc kỹ năng lao động của mỗi người, là bằng chứng cụ thể để đánh giá khả năng lao động và đức tính cần cù, xác định phẩm chất của người phụ nữ. Người phụ nữ giỏi cầm canh, thêu thùa được cả cộng động tôn trọng; trái lại sẽ bị coi thường. Cùng với điều đó, trang phục còn phản ánh nội dung tổ chức cuộc sống trong mỗi gia đình và cộng đồng, phản ánh mối quan hệ sâu sắc giữa các thành viên trong gia đình và xã hội (nam giới cày nương, săn bắt; nữ giới trồng trọt, thêu thùa…). 4.4. Trang phục trong việc phản ánh trình độ thẩm mĩ dân gian Trang phục của người Mông ở Cát Cát không chỉ có giá trị sử dụng mà còn phản ánh, ghi dấu trình dộ phát triển cao của thẩm mĩ dân gian của cộng đồng cư dân nơi đây. Màu sắc trên trang phục được xử lý tinh tế, hài hoà. Bố cục các màu sáng - tối, nóng - lạnh cân đối, mang phong cách riêng và không kém phần hiện đại. Với sự kết hợp cả ba hình thức trang trí tạo ra cho trang phục không chỉ sống động về màu sắc, mô típ hoa văn cũng rất phong phú, phản ánh thế giới quan sâu sắc của họ. Ngoài các hoạ tiết dưới dạng đường thẳng, đoạn thẳng, người Mông ở Cát cát còn thành thục trong việc bố cục đồ án hoa văn hình tròn, đường cong, hình xoáy trôn ốc, hay biến thể của nó là 2 hình xoáy trôn ốc được bố trí đối xứng tạo thành hình móc, hoặc đối xứng trục quay thành chữ S. Những loại hoạ tiết có đường cong, đường xoáy thanh thoát, nhịp nhàng, uyển chuyển như vậy tạo cho bố cục của mỗi mảng hoa văn trở nên hài hoà hơn và tránh được sự đơn điệu. 4.5. Trang phục trong một số nghi lễ tín ngưỡng - Trong tang lễ Bộ trang phục mặc cho người chết bao giờ cũng được làm từ 100% chất liệu lanh truyền thống và giữ nguyên vẹn những mô típ và sắc màu hoa văn cổ truyền. Do vậy, có thể nói, bộ y phục mặc cho người chết hiện còn giữ được nhiều yếu tố truyền thống nhất trong các loại trang phục của người Mông ở Cát Cát hiện nay. Ngoài ra, bộ y phục mặc cho người chết cùng các sản phẩm từ may mặc khác phục vụ trong tang lễ còn có nhiều nội dung, ý nghĩa sâu sắc phản ánh về nhân sinh quan của người Mông ở Cát Cát. Vì vậy, chúng tôi đã tiến hành đi sâu, tìm hiểu vấn đề này ở Cát Cát. Kết quả thu được như sau: Người Mông ở Cát Cát quan niệm chết là về sống với tổ tiên và ở “bên kia thế giới”, con người vẫn sống, vẫn lấy vợ, sinh con đẻ cái, lao động làm ăn như ở “thế giới bên này”. Ngày đầu tiên khi bắt đầu tổ chức tang lễ, tang gia không cho người lạ vào nhà. Nếu người chết là trẻ em hoặc đàn bà, tang quyến sẽ lấy một cái áo cũ của chủ nhà (có dòng họ thì chỉ là bất cứ một miếng vải hoặc miếng giấy nào cũng được) che bàn thờ (xưr cangz). Nếu không, người chết sẽ phản lại chủ nhà, 3 ngày sau sẽ có người chết nữa. Vì vậy, nhiều khi tang gia còn tháo cả bàn thờ cất đi, hết đám tang mới bày lại như cũ. Trường hợp gia chủ chết thì tang gia không phải che bàn thờ mà phải tháo bàn thờ cũ đốt đi, tro đốt bàn thờ được gói lại rồi ném vào huyệt vì chủ nhà chính là chủ ma. Có dòng họ lại có “cái lý” là khi người chết là phụ nữ thì không được quàng xác ở gần bàn thờ (xưr cangz) mà phải làm một cái giá để ở cửa ra vào. Lấy một tấm vải lanh trắng mới dệt cắt thành hình vuông có chiều rộng theo khổ vải (khoảng từ 20 – 35 cm) làm khăn lau mặt và người chết. Sau đó, mặc quần áo mới cho người chết. Người chết dù là trẻ em mới 1 ngày tuổi hay người già đều được mặc trang phục may bằng vải lanh. Theo quan niệm của người Mông ở Cát Cát, người chết phải được mặc vải lanh, kể cả giầy cũng phải được may bằng vải lanh thì khi về với thế giới bên kia, tổ tiên của họ mới nhận diện được con cháu của mình. Nếu không có trang phục vải lanh, phần hồn của người chết sẽ không được tổ tiên chấp nhận, không được siêu thoát, trở thành ma đói, ma ác và sẽ quay trở về quấy nhiễu gia đình và cộng đồng để “đòi ăn” gây những thiệt hại khó lường cho những người còn sống. Do đó, người chết nhất thiết phải được mặc trang phục bằng vải lanh theo đúng phong tục truyền thống. Khi bố mẹ đã già, con gái có trách nhiệm may cho bố mẹ mỗi người một bộ (áo dài tay nữ và váy hoặc áo nam, áo dài tay nữ và quần) và một cái khăn gối đầu thêu hoặc in hoa văn bằng sáp ong để dùng lúc chết. Những thứ đồ dùng này gọi là đồi dối già (trôngx lâul) bằng cách mổ một con lợn khoảng 50 kg mời con gái và con rể đến ăn. Nếu con gái và con rể chưa kịp làm cho bố mẹ từ trước thì lúc bố mẹ chết phải mang đến, không có thì cũng phải đi vay mượn cho bằng được. Khi bố mẹ chết, mỗi người con trai đã có vợ phải mổ một con trâu hoặc bò để cúng bố mẹ. Người con gái sau khi lấy chồng, ngoài việc may mặc quần áo cho chồng, con và gia đình nhà chồng phải lo cho cha mẹ đẻ và cha mẹ chồng mỗi người một bộ y phục mặc lúc chết để bầy tỏ lòng hiếu thảo của mình. Mỗi cô con dâu trả ơn bố mẹ bằng một bộ y phục (áo dài tay nữ + váy đối với mẹ chồng hoặc áo nam hay áo dài tay nữ và quần đối với bố chồng), một cái khăn gối đầu (là một tấm vải vuông rộng từ 25 – 30 cm) may 2 lớp, lớp ngoài viền vải đỏ khoảng 3 – 5 cm; lớp trong thêu ghép vải hoặc in hoa văn bằng sáp ong và 6 sải vải lanh trắng. Hoa văn trên khăn gối đầu cho người chết nếu thêu thì chủ yếu là hoa văn hình xoắn ốc, guồng thu sợi, con tằm. Nếu in sáp ong thì thường là các hình kỷ hà. Vải được ghép thành các đường viền bao quanh, hoặc các mảnh vải mầu hình vuông hay tam giác chồng lên nhau, xen kẽ với hoa văn thêu hoặc in sáp ong. Người chết có bao nhiêu người con sẽ được mặc bấy nhiêu bộ y phục bằng vải lanh và gối từng đó khăn gối đầu do các con dâu, con gái làm cho. Các bộ y phục này sẽ lần lượt được mặc bên trong, còn bộ ngoài cùng là do người vợ làm cho nếu người chết là người chồng, gồm áo dài tay nữ có hoa văn, quần, thắt lưng, tạp dề, khăn quấn đầu, xà cạp, giầy. Nếu người chết là đàn bà thì bộ quần áo ngoài cùng bao gồm áo dài tay nữ có hoa văn, váy, thắt lưng, tạp dề, khăn quấn đầu, xà cạp, giầy. Trong đó, chiếc váy phải do chính mẹ đẻ làm, tặng khi đi lây chồng. Theo quan niệm của người Mông ở Cát Cát, nếu không mặc chiếc váy này, người me sẽ không nhận ra con ở thế giới bên kia. Ngoài ra, khi chết, bất cứ người Mông nào ở Cát Cát cũng phải có khăn gối đầu do các con làm cho. Nhìn vào số khăn gối đầu có thể biết được người chết có bao nhiêu người con. Nếu như trong các dịp lễ hội và cưới xin, người Mông ở Cát Cát đeo rất nhiều đồ trang sức vì đồ trang sức tượng trưng cho sự giầu có thì trong tang lễ, người ta lại kiêng đeo đồ trang sức cho người chết. Đồng bào cho rằng người chết đeo đồ trang sức sẽ không sang được thế giới bên kia, linh hồn người đó sẽ còn lởn vởn để làm hại người sống. Điều này thật trùng khớp với những kết quả mà khoa học hiện đại đã cho thấy nếu chôn kim loại theo thi hài thì kim loại sẽ làm cho thi hài khó phân huỷ được. Đây cũng là một lý do khiến cho công tác vận động người phụ nữ Mông ở Cát Cát đi đặt vòng tránh thai - thực hiện kế hoạch hoá gia đình gặp nhiều khó khăn bởi đồng bào lập luận rằng: nếu đặt kim loại vào trong cơ thể người sống lúc chết sẽ không tháo được ra, linh hồn sẽ không siêu thoát được và sẽ quay về làm hại người sống. - Trong lễ ma bò (nhux đăngz) Đây là nghi lễ được tổ chức sau khi người chết đã chết được 3 năm trở lên và lễ này chỉ được tổ chức cho những người chết có con trai. Lễ vật dâng cúng là một con bò hoặc một con trâu. Hầu hết diễn trình của nghi lễ diễn ra trước bàn thờ (xưr cangz). Thầy cúng lấy một cái áo (nếu người đã chết là đàn ông) hoặc một cái váy (nếu người đã chết là đàn bà) đi ra đường mời hồn người chết về. Sau đó đặt áo lên một tấm ván trước bàn thờ, bên cạnh đặt 1 bát cơm, 1 cái thìa, lấy 1 cái bát úp xuống để cạnh chiếc váy hoặc áo. Chủ nhà mời người đến thổi khèn, đánh trống, để 1 đêm trong nhà rồi “thả ma” ra ngoài mổ trâu. Thầy cúng mang tấm áo hoặc váy ra ngoài, làm 1 cái nhà nhỏ bằng tre lợp mái gianh, trải chiếu xuống đất rồi đặt váy hoặc áo lên, lấy 1 sợi dây lanh buộc vào cổ trâu và nối đến chỗ áo hoặc váy có ý là trao trâu cho “ma” rồi mới tiến hành mổ trâu. - Trong lễ ma lợn (buô đăngz) Đây là nghi lễ được thực hiện khoảng 20 – 30 năm sau khi có người chết mà trong nhà sảy ra nhiều điềm báo của tổ tiên do bị đói mà về đòi con cháu cho ăn. Điềm báo đó là những điều trái với lẽ tự nhiên như lợn mẹ hay ăn lợn con, chó nhảy lên giường… thì người ta mổ lợn cúng. Trong lễ này, người ta dâng cúng cho tổ tiên 1 con lợn. Nghi lễ diễn ra trên cột ma. Tổ tiên trong lễ này được tượng trưng bằng 1 cái áo (nếu tổ tiên về đòi ăn là đàn ông) hoặc 1 cái váy (nếu tổ tiên đòi ăn là đàn bà) đem ra ngoài mời hồn về rồi đặt lên một tấm ván cạnh cột ma để cho tổ tiên hưởng lễ. - Trong việc bảo vệ và kéo dài tuổi thọ Người Mông ở Cát Cát trước kia còn làm những loại trang phục đặc biệt để bảo vệ sức khoẻ của con người. Đồng bào quan niệm trẻ em và người già cần được chăm sóc và bảo vệ nhất. Vì vậy, trẻ em bao giờ cũng có mũ, địu, vòng vía. Những người thường xuyên bị ốm đau, bệnh tật thì được làm cho vòng vía. Những người già còn được con dâu hoặc con gái làm cho áo kéo dài tuổi thọ, hay còn gọi là áo thêm phúc thêm hồn (yao jin tia hay yao saox jin tơ) là một chiếc áo được cắt may bình thường, nhưng phía sau lưng áo có đắp thêm 2 miếng vải đen chéo nhau như hình chữ thập hoặc hình chữ thập chéo. Đồng bào quan niệm: Con người khi từ trên trời xuống chỉ mang đủ rượu, gạo ăn cho đến 60 tuổi. Vì vậy, muốn sống thêm nữa thì phải sửa lại áo. Vì vậy, từ 50 tuổi trở lên, những người già được con dâu hoặc con gái may cho chiếc áo này. Ngày con dâu hay con gái may áo thêm phúc cho bố mẹ phải mời thầy cúng về làm lễ trước bàn thờ. Áo đã được chuẩn bị sẵn nhưng chưa được gắn thêm 5 đồng xu đằng sau. Thầy cúng cầm áo và vải, hướng dẫn con dâu hay con gái vị trí gắn các đồng xu. Vì vậy, lễ này còn được gọi là lễ sửa lại áo hay vá áo (txưr saox) cho người già mặc để có thêm sức khoẻ. Qua tìm hiểu về bộ trang phục Mông ở Cát Cát, chúng ta có thể nhận xét trong quá khứ có thể trang phục giữa nam và nữ đã từng có một thời kỳ giống nhau, không phân theo giới tính. Áo kiểu ban đầu có thể chỉ là áo xẻ ngực, không có cổ, không có ống tay (vốn được phát triển từ loại áo bằng vỏ cây đập dập vẫn còn thấy ở một số dân tộc vùng Trường Sơn – Tây Nguyên), sau đó tiến tới có tay và có cổ. Có thể chỉ đến khi chịu ảnh hưởng của trang phục Hán, chiếc áo mới bắt đầu được chia theo giới tính: nam giới mặc áo ngắn xẻ ngực, có cài khuy; nữ giới mặc áo dài xẻ ngực, không cài khuy. Trong quá trình phát triển, bộ trang phục dần thay đổi về kiểu dáng và màu sắc. Chiếc áo được may ngắn lên hay dài ra, cổ tay dần được thu nhỏ lại. Chiếc váy nữ ban đầu khi mới sáng tạo ra, do chưa tìm được màu nhuộm nên có màu trắng (dấu vết còn lại trên cạp váy và phần trên của thân váy). Qua quá trình phát triển, chiếc váy mới được nhuộm màu sắc và tạo hoa văn như ngày nay. * Như vậy, trong quá trình phát triển, người Mông ở Cát Cát đã tạo cho mình một bộ trang phục mang những kiểu dáng và đặc điểm riêng. Mặc dù đã có sự biến đổi trên một số bình diện nhưng do có sự động lập tương đối bởi sự chi phối của phong tục cộng đồng và tâm lý của mỗi cá nhân… nên trang phục của họ hiện nay nhìn chung vẫn bảo lưu đậm nét các yếu tố truyền thống, thể hiện tính thống nhất nhưng lại có đặc trưng riêng. Trang phục của người Mông ở Cát Cát mang tính xã hội cao. Ngoài giá trị vật chất phù hợp với môi cảnh và điều kiện sống, trang phục còn thể hiện sâu sắc những giá trị văn hoá, xã hội truyền thống mang đặc trưng văn hoá tộc người. Nó thể hiện tư tưởng, tình cảm, quan điểm thẩm mỹ, niềm tin tôn giáo và đạo đức cảu cộng đồng. Hình tượng và nghệ thuật trang trí trên trang phục phản ánh một phần cuộc sống của người Mông nơi đây, phản ánh thế giới quan, tư duy, quan niệm và ước vọng của họ về cuộc sống. Thông qua kỹ thuật cắt may và ý nghĩa của trang phục trong đời sống văn hoá đã cho thấy nét đặc sắc trong văn hoá của họ. Đó là những biểu hiện và thể hiện của thái độ và phương cách ứng xử văn hoá của con người với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội mà ở đó họ sinh sống. Trang phục của họ cũng phản ánh trình độ phát triển khá cao, đời sống xã hội ngày càng tiến bộ, đổi mới. 5. GIẢI PHÁP BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG 5.1. Quan điểm về việc bảo tồn và phát huy giá trị bộ trang phục truyền thống của người Mông ở Cát Cát Trang phục của người Mông ở Cát Cát với những đặc trưng và giá trị nêu trên đã hình thành và tồn tại qua suốt trường kỳ lịch sử, là dòng chảy xuyên suốt quá khứ, hiện tại và tương lai. Vì vậy, trong quá trình kế thừa những giá trị truyền thống của trang phục sẽ không có sự thay thế mà chỉ có sự thích nghi sao cho phù hợp… Kế thừa là một trong những tính quy luật của sự phát triển văn hoá, kế thừa là tất yếu khách quan; nhưng việc kế thừa nếu không dựa vào các yếu tố truyền thống, không bám rễ vào những kinh nghiệm, kỹ năng, kỹ xảo dân gian thì không thể phát triển. Trang phục truyền thống của người Mông ở Cát Cát là sản phẩm của lịch sử và mang tính lịch sử, tính giai cấp, có những yếu tố phù hợp với xã hội hiện nay nhưng cũng có những yếu tố lỗi thời, lạc hậu với yêu cầu cuộc sống hiện đại. Vì vậy, khi kế thừa, chúng ta không thể bê nguyên si cái cũ vào cuộc sống mới mà phải kế thừa có chọn lọc theo tiêu chí: những yếu tố truyền thống có khả năng thích ứng và phù hợp với xã hội mới cả về thẩm mĩ, lịch sử, đạo đức và nhân văn có tính nhân loại, bền vững và lâu dài thì cần phát huy, những gì lỗi thời, lạc hậu, kìm hãm sự phát triển thì cần loại bỏ. Qua khảo sát thực tế của chúng tôi, quy trình sản xuất các sản phẩm may mặc của người Mông nơi đây hiện đang diễn ra trên cả bốn dạng thức như sau: Trồng lanh Chế biến sợi Dệt vải Nhuộm vải Trang trí hoa văn Cắt may trang phục bằng tay Mua sợi công nghiệp Mua vải công nghiệp mầu trắng Mua vải công nghiệp mầu đen, hoặc một số mầu khác May trang phục bằng máy khâu 1 2 3 4 Nhìn vào sơ đồ trên, ta thấy có khá nhiều công đoạn trong nghề dệt vải và may mặc của người Mông đã biến đổi theo hướng công nghiệp hoá. 5.2. Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống của người Mông ở Cát Cát - Giáo dục tính tự hào dân tộc cho người Mông ở Cát Cát, đặc biệt là thế hệ trẻ. Điều này không có nghĩa là bắt buộc đồng bào phải mặc trang phục truyền thống một cách cứng nhắc. Cũng không nên giữ nguyên những quan niệm cũ như người phụ nữ cả đời chỉ gắn bó với thêu, ghép vải, in sáp ong… Hay lối tư duy kiểu duy tâm là nếu không mặc đúng bộ y phục của mình thì ma sẽ không nhận; lối tư duy kiểu bảo thủ như con gái khi về nhà chồng thì phải mang theo những bộ áo váy đựoc tự tay thêu, dệt, in… nếu không sẽ bị chê cười.v.v… mà cần phải có nhận thức đúng đắn, trân trọng những giá trị của cha ông để lại. Một dân tộc thực sự phát triển khi biết duy trì và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống một cách tự giác dựa trên nền tảng dân trí cao, khẳng định giá trị dân tộc mình trong cuộc sống đương đại bằng nét đẹp văn hoá truyền thống. - Tạo ý thức, thói quen dùng trang phục truyền thống để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là trong các dịp lễ hội, cưới xin. Hiện nay, việc biến đổi trong trang phục của người Mông ở Cát Cát chưa thực sự lớn. Vì vậy, không chỉ trong các dịp hội hè hay các dịp đại sự khác mà cả trong cuộc sống hàng ngày, đồng bào vẫn duy trì thói quen ăn vận trang phục của mình. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể lơ là việc tuyên truyền ý thức cho đồng bào bằng các kênh thông tin hiệu quả. Bởi lẽ, nếu chỉ đến khi nó đã mai một, đã biến tướng hoặc đã mất đi hoàn toàn mới lo khôi phục thì sẽ tốn kém rất nhiều tiền của, công sức mà tính hiệu quả chưa chắc đã được như mong muốn. - Bảo tồn trang phục truyền thống một cách bền vững bằng phương pháp nghiên cứu việc áp dụng các thành tựu của khoa học công nghệ gắn với truyền thống trong quá trình tạo ra trang phục với mục đích sản xuất ra những chi tiết hoặc bộ trang phục tương đương những bộ trang phục truyền thống về chất liệu, kiểu dáng, mẫu mã và hình thức trang trí nhưng giá thành hạ để đồng bào có thể chấp nhận được cả về nội dung và giá cả. Thực tế cho thấy kinh tế thị trường phần nào đã thúc đẩy một vài công đoạn trong quá trình này. Việc còn lại là tiếp tục nghiên cứu nhằm hoàn thiện nốt những công đoạn còn chưa được sản xuất một cách hợp lý so với thực tế cuộc sống hiện nay. Và, một điều hết sức quan trọng đó là phải hết sức cẩn trọng trong việc chèo lái hướng đi của nội dung này để nó không đi lệch hướng. Nếu không sẽ tạo ra một hiệu quả trái ngược. - Kế thừa các kỹ thuật dân gian truyền thống vào định hướng giá trị trang phục hiện đại của đồng bào Mông ở Cát Cát. Giữ gìn và phát huy vốn tri thức dân gian truyền thống sẽ tạo nên phong cách mới trong cắt may và trang trí hoa văn trên trang phục phù hợp với cuộc sống đương đại. Không tiếp thu một chiều, bê nguyên si cái cũ vào trang phục hiện đại; nhưng cũng không hoàn toàn du nhập phong cách mới, lai căng, không phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Mông. - Khôi phục và phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Giải pháp này nói cách khác là biến di sản thành tài sản văn hoá. Biến những giá trị văn hoá dân gian thành nguồn lợi có thể khai thác để tạo ra thu nhập. Dùng thu nhập đó để nuôi sống con người và nuôi sống những giá trị văn hoá dân gian, tạo động lực cho sự kế thừa, phát huy và phát triển các giá trị văn hoá trong đời sống đương đại. KẾT LUẬN Mỗi một dân tộc đều thể hiện những sắc thái văn hoá độc đáo của mình thông qua trang phục. Trang phục được xếp vào loại hình văn hoá vật thể nhưng lại có quan hệ mật thiết với loại hình văn hoá phi vật thể. Trang phục không chỉ phản ánh những đặc điểm về tộc người như kinh tế, tôn giáo tín ngưỡng, phong tục tập quán, thị hiếu thẩm mĩ… mà còn phản ánh cả yếu tố tự nhiên, lịch sử, đẳng cấp, địa vị xã hội… của mỗi tộc người, mỗi nhóm địa phương. Trang phục của người Mông ở thôn Cát Cát là một thành tố quan trọng trong đời sống văn hoá của đồng bào, thể hiện không chỉ trong đời sống hàng ngày mà còn cả trong những dịp lễ hội cộng đồng và đại sự của gia đình, cá nhân. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, nhiều yếu tố trên trang phục của người Mông thôn Cát Cát đã có những biến đổi nhất định cho phù hợp với điều kiện sống, nhưng nhìn chung vẫn giữ được cái cốt cách ban đầu; đặc biệt là ở kỹ thuật dệt, nhuộm vải và chế tác đồ trang sức.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docTrang phục truyền thống của người Mông ở thôn Cát Cát, xã San Xả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.doc
Luận văn liên quan