3 vụ việc tranh chấp về quyền tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự

MỤC LỤC Trang A. MỞ ĐẦU 1 B. NỘI DUNG . 1 I. Vụ việc thứ nhất 1 1. Tóm tắt nội dung vụ việc .2 2. Quyết định của Tòa án .3 3. Bình luận về cách giải quyết của Tòa án và phương hướng giải quyết của nhóm 5 II. Vụ việc thứ 2 .6 1. Tóm tắt nội dung sự việc .6 2. Quyết định của Tòa án .7 3. Nhận xét cách giải quyết vụ việc của Tòa án 8 4. Cách giải quyết vụ án của nhóm 9 III. Vụ việc thứ 3 . 11 1. Tóm tắt nội dung vụ việc 11 2. Nội dung giải quyết của đoàn Tòa án .12 3. Bình luận của nhóm về cách giải quyết của Tòa án .13 4. Quan điểm và cách giải quyết của nhóm 13 C. KẾT LUẬN . 14

doc18 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3453 | Lượt tải: 5download
Bạn đang xem nội dung tài liệu 3 vụ việc tranh chấp về quyền tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BỘ TƯ PHÁP TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI BÀI TẬP NHÓM SỐ 1 Môn: Luật Dân sự Việt Nam – module 2 ĐỀ SỐ 2 Tìm hiểu 03 vụ việc có tranh chấp về quyền tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự NHÓM : 01 LỚP : N 09 – TL 3 Hà Nội, 2011 A. ‘/MỞ ĐẦU Như chúng ta đã biết, xã hội ngày càng phát triển, các mối quan hệ ngày càng phức tạp hơn, các mâu thuẩn tranh chấp cũng tăng theo. Đặc biệt các tranh chấp về giao dịch dân sự. Việc xác lập và thực hiện các giao dịch dân sự trước hết là dựa vào sự tự giác của các bên, nhưng trong thực tế, không phải bất cứ ai khi tham gia giao dịch đều có thiện chí trong việc thực hiện nghiêm chỉnh các nghĩa vụ của mình. Nhằm nâng cao trách nhiệm của các bên trong thực hiện nghĩa vụ dân sự, pháp luật cho phép các bên có thể thỏa thuận đặt ra các biện pháp bảo đảm việc giao kết hợp đồng cũng như việc thực hiện các nghĩa vụ dân sự. Đối tượng của các biện pháp bảo đảm là những lợi ích vật chất và thường là một tài sản (vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản hoặc là một công việc phải làm). Nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng các biện pháp bảo đảm trong giao dịch dân sự, nhóm chúng em xin chọn đề tài 02 liên quan đến một trong những đối tượng được dùng trong các biện pháp bảo đảm là quyền tài sản: “Tìm hiểu 03 vụ việc có tranh chấp về quyền tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự”. Yêu cầu : Tóm tắt nội dung vụ việc (chỉ rõ nơi xảy ra sự kiện, chủ thể của quan hệ và những vấn đề tranh chấp); Tòa án đã giải quyết tranh chấp đó hay tranh chấp đó chưa được tòa án giải quyết? Nội dung giải quyết của Tòa án? Kết luận của Tòa án? Bình luận của nhóm về việc áp dụng pháp luật và quyêt định của Toà án? Nếu vụ việc chưa được giải quyết tại Tòa án nhân dân thì nhóm của anh chị hãy trình bày ý kiến giải quyết của mình. B. NỘI DUNG I. Vụ việc thứ nhất: Nguyên đơn: Ông Nguyễn Quang Thuật, sinh năm 1964; trú tại nhà số 217 Lê Duẩn, thành phố Hà Nội. Bị đơn: 1. Ông Soudent Thavixay, sinh năm 1947, Quốc tịch Thái Lan và Lào; 2. Bà  Nguyễn Thị Tuyết Hoa (vợ ông Soudent Thavixay) sinh năm 1976; Đều trú tại nhà số 12-22-34 Lô I, phường Cống Vị nay là nhà số 16, ngõ 71, phố Linh Lang, phường Cống Vị, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội; ủy quyền cho ông Vũ Quang Huy đại diện (văn bản ủy quyền ngày 22-12-2004). 1. Tóm tắt nội dung vụ việc: ● Theo đơn khởi kiện đề ngày 01-11-2004 và trong quá trình giải quyết vụ án, Nguyên đơn ông Nguyễn Quang Thuật trình bày: Năm 1990, ông và ông Soudent Thavixay có quen biết nhau qua kinh doanh, từ đó quan hệ giữa hai người trở nên thân thiết như anh em. Từ năm 1995, ông Soudent rất cần vốn kinh doanh bất động sản và đầu tư một số dự án lớn nên muốn ông cùng hùn vốn đầu tư, nhưng ông chưa đồng ý. Ông Thuật đã huy động vốn để cho ông Soudent vay nhiều lần, có lần ông Soudent viết giấy nhận tiền, có lần không. Để xác nhận, tổng hợp các khoản nợ trong nhiều lần vay, ngày 18-8-2000 tại nhà riêng của vợ chồng ông Soudent, ông Soudent và ông lập “Giấy vay nợ” có nội dung: vợ chồng ông Soudent có vay của ông tổng cộng là 19.200.000.000 đồng và 550.000 đô la Mỹ (USD); cam đoan sẽ hoàn trả đầy đủ số tiền đã vay trước ngày 30-10-2000; ông Soudent thay mặt bà Hoa ký trước mặt ông; vợ chồng ông Soudent và ông thống nhất hủy bỏ tất cả các giấy vay nợ từ trước và lấy “Giấy vay nợ” này là duy nhất có giá trị thanh toán. Đến ngày 18-11-2000, ông đã nhiều lần yêu cầu trả tiền, nhưng ông Soudent chưa trả tiền nên đã ký “Cam kết trả nợ” và gán căn nhà số 68 Mai Hắc Đế, Hà Nội cho ông và hứa sẽ làm thủ tục sang tên căn nhà đó cho ông. Sau đó, ông Thuật sửa chữa nhà và dọn đến đây ở, nhưng vợ chồng ông Soudent không sang tên nhà cho ông và phủ nhận việc gán nợ ngôi nhà 68 Mai Hắc Đế. Ngày 01-8-2003, ông Soudent khởi kiện đòi nhà 68 Mai Hắc Đế với lý do ông là người ở nhờ nhà của vợ chồng ông Soudent. Việc vay nợ của vợ chồng ông Soudent trong thời gian dài (từ năm 1995 đến năm 2000) đã thể hiện trong “Giấy vay nợ” và “Cam kết trả nợ”, nhưng vợ chồng ông Soudent chưa trả nợ. Vì vậy, ông yêu cầu Tòa án buộc vợ chồng ông Soudent phải trả cho ông số nợ gốc và lãi theo quy định của pháp luật; đồng thời, đề nghị kê biên, phát mãi một số tài sản hiện có của vợ chồng ông Soudent như: nhà số 68 Mai Hắc Đế, Hà Nội; nhà số I12, I22, I34 phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội để bảo đảm cho quá trình xét xử và thi hành án. ● Bị đơn là ông Soudent Thavixay và bà Nguyễn Thị Tuyết Hoa (do ông Vũ Quang Huy đại diện theo ủy quyền) trình bày: “Giấy vay nợ” ghi ngày 18-8-2000, nhưng ngày đó ông không có mặt ở Việt Nam. Ông Thuật cho rằng, ông đã dùng con dấu của Công ty BKS, nhưng ông không biết công ty này. Trong thời gian làm Giám đốc Công ty Liên doanh khách sạn Hạ Long Dream, do thường xuyên đi công tác xa nên ông Soudent đã ký khống vào một số giấy tờ để nhân viên chủ động dùng trong công việc. Ông Thuật là nhân viên của Công ty, đã lợi dụng một số giấy tờ ký khống của ông để điền nội dung không đúng sự thật rằng ông đã vay nợ ông Thuật. Cùng với thủ đoạn như trên, ông Thuật đã làm giấy “Cam kết trả nợ” đề ngày 18-11-2000 nhằm chiếm đoạt căn nhà 68 Mai Hắc Đế của vợ chồng ông. Việc ông Thuật vu khống cho vợ chồng ông cam đoan trả nợ là rất rõ, đó là: cam kết trả nợ được làm ngày 18-11-2000, trong khi đó đến ngày 05-11-2001 thì vợ chồng ông mới được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà này, nên vợ chồng ông không thể mang tài sản chưa thuộc sở hữu của mình để gán nợ cho ông Thuật. Ông Thuật là nhân viên cũ trong Công ty liên doanh khách sạn Hạ Long Dream, vì tình cảm nên ông đã cưu mang ông Thuật và nhận vào Công ty làm việc; lúc đó ông Thuật không có nhà ở; trước năm 2000 ông Thuật lấy đâu ra một lượng tiền lớn như vậy để cho ông vay. Ông Thuật có mâu thuẫn với vợ chồng ông trong vụ đòi nhà số 68 Mai Hắc Đế, do bị xử thua kiện nên đã tìm cách tạo dựng tài liệu không có thật để chiếm đoạt tài sản của vợ chồng ông, hành vi của ông Thuật có dấu hiệu của tội phạm hình sự. Ông yêu cầu xác định nguồn gốc số tiền mà ông Thuật có để cho ông vay; giám định “Giấy vay nợ” và “Cam kết trả nợ”, xác minh Công ty BKS có thật không. Đồng thời, vợ chồng ông bác bỏ toàn bộ yêu cầu của ông Thuật. 2. Quyết định của Tòa án: Tại bản án dân sự sơ thẩm số 37/2005/DSST ngày 05-8-2005, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định: - Chấp nhận yêu cầu đòi tiền cho vay của ông Thuật đối với ông Soudent và bà Hoa; buộc vợ chồng ông Soudent và bà Hoa phải thanh toán cho ông Thuật số tiền 19.200.000.000 đồng và 550.000 đô la Mỹ (USD) tương đương 8.706.500.000 đồng. Và khoản lãi được tính bằng 19.200.000.000 đồng x 56 tháng x 0,3% = 3.335.600.000 đồng. Tổng cộng số tiền ông Soudent và bà Hoa phải thanh toán cho ông Thuật là 31.132.100.000 đồng. - Kể từ ngày xét xử sơ thẩm 05-8-2005, ông Soudent và bà Hoa không được dịch chuyển mua bán diện tích nhà 68 Mai Hắc Đế để đảm bảo việc thi hành án. Ngoài ra, bản án còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo. Ngày 08-8-2005, ông Soudent kháng cáo không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm với lý do Tòa án buộc ông phải trả tiền theo “Giấy vay nợ” giả mạo. Ngày 15-8-2005, ông Thuật kháng cáo, yêu cầu áp dụng biện pháp phong tỏa đối với ngôi nhà 12-22-334 lô I Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội của ông Soudent và bà Hoa để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ. Tại bản án dân sự phúc thẩm số 86/2006DST ngày 20-4-2006, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã quyết định: - Chấp nhận yêu cầu đòi tiền vay của ông Thuật đối với ông Soudent và bà Hoa do ông Vũ Quang Huy đại diện. - Buộc vợ chồng ông Soudent và bà Hoa do ông Huy đại diện phải thanh thoán trả nợ cho ông Thuật số tiền 19.200.000.000 đồng và 550.000 đô la Mỹ (USD) tương đương 8.706.500.000 đồng và khoản lãi được tính bằng 19.200.000.000 đồng x 56 tháng x 0,3% = 3.225.600.000 đồng. Tổng cộng số tiền ông Soudent và bà Hoa phải thanh toán cho ông Thuật là 31.132.100.000 đồng. - Kể từ ngày xét xử sơ thẩm 05-8-2005, ông Soudent và bà Hoa không được chuyển dịch mua bán diện tích nhà 68 Mai Hắc Đế, Hà Nội và kể từ ngày xét xử phúc thẩm (20-4-2006) ông Soudent và bà Hoa không được chuyển dịch mua bán diện tích ngôi nhà số 12,22,34, lô I, phường Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội để đảm bảo việc thi hành án. Ngoài ra, bản án còn quyết định về án phí. Tại quyết định kháng nghị số 236/2007/KN-DS ngày 28-12-2007, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm số 86/2006/DSPT ngày 20-4-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm nêu trên và bản án sơ thẩm số 37/2005/DSST ngày 05-8-2005 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm lại. Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị số 236/2007/KN-DS ngày 28-12-2007 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và căn cứ vào khoản 3 Điều 291, khoản 3 Điều 297, khoản 2 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự để đưa ra quyết định: - Hủy bản án dân sự phúc thẩm số 86/2006/DSPTngày 20-4-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội và bản án dân sự sơ thẩm số 37/2005/DSST ngày 05-8-2005 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội về vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Quang Thuật với bị đơn là ông Soudent Thavixay và bà Nguyễn Thị Hoa. - Giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật. 3. Bình luận về cách giải quyết của Tòa án và phương hướng giải quyết của nhóm: Quyết định hủy bản án dân sự sơ thẩm và phúc thẩm, yêu cầu xét xử sơ thẩm lại của Tòa án tại phiên tòa giám đôc thẩm là hoàn toàn chính xác. Vì chưa có đủ cơ sở để kết luận có việc vay tài sản giữa bị đơn và nguyên đơn như Tòa án các cấp đã xác định. Trước hết là chưa có giám định chữ ký của ông Soudent tại giấy cam kết trả nợ; Tòa án cũng chưa xác minh nguồn tiền ông Thuật cho vay là từ đâu; con dấu BKS là của công ty nào? Ông Soudent không thừa nhận là đã ký tại Phiếu chuyển tiền đề ngày 21-8-2000. Bà Hoa không liên quan đến việc vay nợ, nhưng Tòa án lại lấy tài sản chung của vợ chồng để thi hành án là không đúng. “Giấy vay nợ” đề ngày 18-8-2000, nhưng vào ngày này ông Soudent không có mặt tại Việt Nam (tại công văn số 80/P2 ngày 11-3-2005, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Bộ Công an đã xác nhận ông Soudent xuất cảnh khỏi Việt Nam ngày 15-8-2000 và nhập cảnh vào Việt Nam ngày 27-8-2000). Ông Thuật cho rằng ông Soudent ký giấy vay nợ sau khi đi nước ngoài về, còn ngày 18-8-2000 ghi trên giấy vay nợ là để tính liên tục về thời gian (làm tròn ngày tính nợ); nhưng ông Thuật không xuất trình được chứng cứ để chứng minh lý giải này là có căn cứ. Ngoài ra còn không có người làm chứng, con dấu được đóng trên chữ ký chưa được xác định là của công ty nào. Trong quá trình Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội giải quyết vụ đòi nhà số 68 Mai Hắc Đế giữa bà Hoa, ông Soudent với ông Thuật, ông Thuật không xuất trình “Cam kết trả nợ” để yêu cầu Tòa án buộc vợ chồng ông Soudent giao nhà này như đã cam kết, mà vẫn cho rằng vợ chồng ông Soudent cho ông Thuật căn nhà số 68 Mai Hắc Đế. Trong quá trình giải quyết vụ án ông Soudent yêu cầu giám định chữ ký của ông Soudent trong phiếu chuyển tiền ngày 21-8-2000 tại Ngân hàng ANZ (Phiếu này do ông Thuật xuất trình để chứng minh ngày 21-8-2000 ông Soudent có mặt tại Việt Nam), xác định con dấu trên “Giấy vay nợ” là con dấu Công ty nào; nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không tiến hành xác minh làm rõ. Như vậy, nếu chỉ căn cứ vào “Giấy vay nợ” đề ngày 18-8-2000. “Cam kết trả nợ” đề ngày 18-11-2000 và chữ ký của ông Soudent trên Phiếu chuyển tiền ngày 21-8-2000 thì chưa đủ cơ sở cho rằng có việc ông Thuật cho vợ chồng ông Soudent vay 19.200.000.000 đồng và 550.000 USD. Về nguồn gốc số tiền cho vợ chồng ông Soudent vay, ông Thuật trình bày rằng do vợ chồng ông Thuật dành dụm được và huy động vốn từ người thân ông Thuật (trong đó, mẹ ông Thuật để lại cho ông hơn 300 cây vàng và hơn 100.000.000 đồng, bà Nguyễn Thị Châu và ông Nguyễn Hữu Ngọc ở nước ngoài chuyển tiền về cho ông gần 500.000 USD và 5.000.000.000 đồng), còn bà Hương xác nhận là ông Thuật vay 3.700.000.000 đồng, khoảng 25.000 USD và vàng. Việc vay tiền và chuyển ngoại tệ từ nước ngoài về với số lượng lớn như vậy, nhưng ông Thuật lại không xuất trình được tài liệu chứng cứ chứng minh; trong khi đó, trong quá trình tố tụng, ông Soudent yêu cầu xác minh nguồn gốc số tiền nêu trên, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa làm rõ được. Ngoài ra, “Giấy vay nợ” có ghi vợ chồng ông Soudent dùng số tiền vay của ông Thuật để mua sắm, tạo dựng nhà cửa và gửi Ngân hàng Vietcombank để chờ đầu tư dự án, nhưng bà Hoa không ký vào “Giấy vay nợ” này; đồng thời, cũng chưa có tài liệu nào thể hiện vợ chồng ông Soudent vay tiền cùa ông Thuật sử dụng vào mục đích chung của gia đình, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm  buộc bà Hoa có trách nhiệm cùng với ông Soudent trả nợ cho ông Thuật là không đúng. Từ những phân tích trên, cần  hủy bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm nêu trên để xét xử sơ thẩm lại, theo hướng thu thập thêm chứng cứ để làm rõ nội dung nêu trên, nếu ông Thuật không xuất trình được thêm chứng cứ chứng minh yêu cầu khởi kiện của mình thì phải bác yêu cầu của ông Thuật. II. Vụ việc thứ 2: tại huyện Yên Thành – tỉnh Nghệ An Nguyên đơn: anh Phạm Quang Bình – 33 tuổi; trú tại Khối 1, thị trấn Yên Thành – tỉnh Nghệ An. Bị đơn: anh Ngô Văn Sỹ, 36 tuổi; trú tại xóm Văn Thiên, xã Văn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Người có quyền và nghĩa vụ liên quan: chị Nguyễn Thị Phương, 28 tuổi, Khối 3 thị trấn Yên Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. 1. Tóm tắt nội dung sự việc: Ngày 3/6/2008, anh Phạm Quang Bình có làm hợp đồng vay tiền với anh Ngô Văn Sỹ để làm vốn mở đại lí. Số tiền vay là 490.000.000đ. Hai bên thỏa thuận mức lãi suất, hạn trả là ngày 3/6/2010. Trong hợp đồng, anh Sỹ có ghi dùng mãnh đất diện tích 150 m2 tại Ngã ba cầu Bùng – thị trấn Diễn Châu (thuộc quyền quản lý và sử dụng của anh Sỹ) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ trước anh Bình. Đến hạn trả, do làm ăn buôn bán không được thuận lợi nên anh Sỹ đã không trả được khoản nợ trên cho anh Bình. Ngày 25/7/20010, anh Bình làm đơn khởi kiện đề nghị Tòa án nhân dân huyện Yên Thành giải quyết buộc anh Sỹ phải thưc hiện nghĩa vụ trả nợ. Ngày 4/8/2010, Tòa án nhân dân huyện Yên Thành đã thụ lý giải quyết vụ việc. Trước đó, ngày 2/6/2010, anh Sỹ đã lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với mãnh đất 150m2 nói trên cho chị Nguyễn Thị Phương. Hợp đồng này được chị Phương đưa đi công chứng, chứng thực ngày 25/8/2010; sau đó được gửi đến phòng tài nguyên và môi trường huyện Yên Thành để thực hiện việc đăng ký quyền sử dụng đất. Ngày 27/8/2010, anh Bình đã gửi đơn yêu cầu Tòa án nhân dân huyện Yên Thành áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để tạm dừng việc đăng ký đối với hợp đồng chuyển nhượng nói trên, đồng thời anh Bình trình bày về việc mảnh đất đó đã được anh Sỹ ghi trong hợp đồng vay tiền là dùng để bảo đảm cho việc trả nợ của anh Sỹ. 2. Quyết định của Tòa án: Theo yêu cầu của anh Bình, ngày 29/8/2010, Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời với nội dung: Cấm anh Ngô Văn Sỹ chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với thửa đất nói trên để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Sau khi nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, phòng tài nguyên môi trường huyện Yên Thành đã tạm dừng lại việc đăng ký đối với hợp đồng chuyển nhượng đất nói trên. Tại bản án nhân dân sơ thẩm số 87/DSST ngày 15/9/2010, Tòa án nhân dân huyện Yên Thành đã quyết định buộc anh Ngô Văn Sỹ phải thanh toán cho B số tiền đã vay anh Phạm Quang Bình, đồng thời tuyên bố không công nhận giao dịch bảo đảm ghi trong hợp đồng vay tiền giữa anh Ngỗ Văn Sỹ và anh Phạm Quang Bình, với lý do vi phạm về hình thức. Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, ngày 5/12/2010, anh Bình làm đơn yêu cầu thi hành án. Ngày 9/12/2010, Chi cục thi hành án dân sự huyện Yên Thành đã ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án cho B với lý do: người thi hành án là anh Ngô Văn Sỹ không có tài sản để thi hành. Ngày 26/2/2011, anh Phạm Quang Bình có đơn khởi kiện gửi tới Tòa án với nội dung “Không công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã ký giữa anh Ngô Văn Sỹ và chị Nguyễn Thị Phương”. Hiện tại vụ án dân sự đang trong quá trình xem xét, giải quyết. 3. Nhận xét cách giải quyết vụ việc của Tòa án: Trong vụ án trên, chúng ta thấy anh Ngô Văn Sỹ vay tiền của anh Phạm Quang Bình bằng một hợp đồng vay tài sản, mà tài sản vay ở đây là tiền. Rõ ràng hai bên đã thỏa thuận hạn trả nhưng người vay là anh Sỹ đã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ khi đến hạn ghi trong hợp đồng. Do đó, anh Bình hoàn toàn được khởi kiện ra Tòa án, yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi cho mình. Hơn nữa, theo qui định của pháp luật dân sự về hợp đồng vay tài sản thì tại Điều 474 BLDS 2005 đã qui định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay, theo đó “Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn…”. Như vậy, Tòa án nhân dân huyện Yên Thành thụ lý giải quyết vụ việc và tại bản án sơ thẩm Tòa án buộc A phải thanh toán cho B số tiền đã vay là hoàn toàn hợp lý và đúng pháp luật. Đồng thời tuyên bố không công nhận biện pháp bảo đảm ghi trong hợp đồng vay tiền của anh Bình và anh Sỹ với lý do vi phạm về hình thức là hoàn toàn đúng. Bởi vì, biện pháp bảo đảm thế chấp quyền sử dụng đất là một trong các trường hợp mà pháp luật quy định phải thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm, đồng thời theo quy định của pháp luật về đất đai (khoản 1 Điều 130 Luật đất đai năm 2003): “Hợp đồng thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất phải có chứng nhận của công chứng nhà nước; trường hợp hợp đồng thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân thì được lựa chọn hình thức chứng nhận của công chứng nhà nước hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất”. Về việc Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với anh Sỹ: Theo qui định tại Điều 120 BLTTDS thì Tòa án có quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, trong đó có biện pháp “Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.” (khoản 7), “phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ” (khoản 11), và “Cấm và buộc đương sự thực hiện những hành vi nhất định” (Khoản 10). Điều 109 BLTTDS quy định: “Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp cho người khác.” Điều 114 BLTTDS qui định: “Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài sản và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc bảo đảm cho việc thi hành án.” Điều 115 BTTDS qui định: “Cấm hoặc buộc thực hiện một số hành vi nhất định được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy đương sự hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác thực hiện hoặc không thực hiện một số hành vi nhất định làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hoặc quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có liên quan trong vụ án đang được Tòa án giải quyết.” Như vậy, trong vụ án này, Tòa án nhân dân huyện Yên Thành ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với anh Ngô Văn Sỹ với nội dung cấm A chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với thửa đất nói trên để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả nợ là hợp lí và đúng với qui định của pháp luật. 4. Cách giải quyết vụ án của nhóm: Thứ nhất, việc anh Phạm Quang Bình có đơn yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và đã được Tòa án chấp thuận, tuy nhiên, trong trường hợp này, tại BLTTDS có qui định: Người yêu cầu Tòa án áp dụng một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời phải gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá do Tòa án ấn định nhưng phải tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ phải thực hiện để bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và ngăn ngừa sự lạm dụng quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời từ phía người có quyền yêu cầu. Và theo qui định tại Điều 120 BLTTDS thì anh Bình cũng là đối tượng phải thực hiện nghĩa vụ này (người đưa ra yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp “cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp” phải thực hiện biện pháp bảo đảm). Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP ngày 27 tháng 4 năm 2005 của hội đồng thẩm phán toà án nhân dân tối cao thì “nghĩa vụ tài sản” là nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại thực tế có thể xảy ra cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba do việc yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng. Còn “người có nghĩa vụ phải thực hiện” là người có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng. Như vậy, trong trường hợp này Tòa án nhân dân huyện Yên Thành cần áp dụng qui định trên của pháp luật để yêu cầu anh Bình gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá do toàn án ấn định tương đương để đảm bảo “nghĩa vụ tài sản” (nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại thực tế có thể xảy ra cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba do việc yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng). Bởi vì, đây là qui định bắt buộc của pháp luật tố tụng dân sự, cho dù việc anh Bình yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp này là hợp lý, không trái pháp luật. Thứ hai, Vì anh Sỹ và chị Phương chưa hoàn thành việc chuyển giao quyền sử dụng đối với mảnh đất nói trên nên về mặt pháp lý, mảnh đất đó vẫn thuộc quyền sử dụng của anh Sỹ; bởi vì theo qui định tại Điều 692 BLDS: “Việc chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai”. Mặc dù, biện pháp bảo đảm mà anh Sỹ và anh Bình thỏa thuận trong hợp đồng vay tiền đã vi phạm hình thức, không được Tòa án nhân dân huyện Yên Thành công nhận để giải quyết trực tiếp quyền của nguyên đơn, nhưng trong trường hợp này, Tòa án vẫn phải bảo vệ quyền lợi của nguyên đơn là anh Phạm Quang Bình. Đối tượng thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong trường hợp này lại đang là đối tượng mà Tòa án thực hiện biện pháp khẩn cấp tạm thời. Do đó, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa anh Sỹ và chị Phương mặc dù đã được công chứng chứng thực nhưng Tòa án vẫn có thể tuyên bố vô hiệu. Về chủ thể có quyền gửi đơn yêu cầu tòa án tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng trên là vô hiệu thì với tư cách là bên có quyền lợi liên quan nên theo quy định của pháp luật thì anh Bình hoàn toàn có quyền gửi đơn yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên là vô hiệu. Như vậy, trong trường hợp này, theo chúng em, Tòa án có thể ra quyết định không công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã ký và đã được công chứng giữa anh Ngô Văn Sỹ và chị Nguyễn Thị Phương”. Có thể áp dụng biện pháp kê biên tài sản để bán đấu giá để giải quyết quyền lợi cho anh Phạm Quang Bình. III. Vụ việc thứ 3: về tranh chấp quyền sử dụng đất đã được thế chấp giữa ngân hàng công thương Nghệ An (Vietin Bank Nghe An) vs Công ty cổ phần thương mại Nghệ An. 1. Tóm tắt nội dung vụ việc: Các bên có liên quan: - Ngân hàng công thương Nghệ An (Vietin Bank Nghe An) - Công ty cổ phần thương mại Nghệ An - Công ty TNHH Bình Minh (Công ty Bình Minh) Tháng 2/1996, Công ty Bình Minh sử dụng Quyết định giao đất số 1638/QĐ-UB ngày 14/11/1994 của UBND tỉnh Nghệ An và tài sản trên đất của Công ty để thế chấp vay 1,5 tỷ đồng và 280 nghìn USD tại Ngân hàng Công Thương Nghệ An. Tuy đất và tài sản trên đất cùng quyết định giao đất đã thế chấp cho ngân hàng nhưng ngày 5/8/1997 Công ty Bình Minh vẫn có Công văn số 25 VP/CT đề nghị UBND tỉnh Nghệ An cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Đến ngày 27/12/1997, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định cấp GCNQSDĐ với diện tích 10.000 m2 cho công ty tại xã Nghi Kim, huyện Nghi Lộc (nay thuộc thành phố Vinh). Sau khi được cấp GCNQSDĐ, ngày 10/1/2001, Công ty Bình Minh ký hợp đồng mua bán tài sản và chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Công ty CPTM với số tiền 4,65 tỷ đồng. Đến ngày 4/9/2001, với nhiều lý do, Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An đã thông báo thu hồi, hủy bỏ Giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh và xoá tên doanh nghiệp trong sổ đăng ký kinh doanh đối với công ty Bình Minh. Mặc dù đã bị xoá tên doanh nghiệp, nhưng ngày 5/3/2002, Công ty Bình Minh vẫn có tờ trình số 75/TTr-CT gửi  Vietin Bank Nghệ An về việc tự nguyện bàn giao tài sản để xử lý nợ cho ngân hàng. Ngày 5/6/2003, Vietin Bank Nghệ An ký hợp đồng bán đấu giá tài sản của công ty Bình Minh đang thế chấp để thu hồi nợ. Tuy nhiên, hợp đồng đã không thể thực hiện vì Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản Nghệ An phát hiện số tài sản này Công ty Bình Minh đã chuyển nhượng cho Công ty CPTM. Ngày 1/12/2008, UBND tỉnh Nghệ An ban hành quyết định số 5330/QĐ-UBND.KT về việc thành lập đoàn thanh tra liên ngành (gồm đại diện Sở Tư pháp, Thanh tra tỉnh, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường) nhằm kiểm tra, xác minh, kết luận nội dung tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản giữa Vietin Bank Nghệ An và công ty CPTM. 2. Nội dung giải quyết của đoàn Tòa án: Sau khi đoàn thanh tra liên ngành có báo cáo và căn cứ vào các văn bản của Vietin Bank Nghệ An và của Công ty CPTM cùng các văn bản quy định khác của pháp luật, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 4482/QĐ.UBND.KT về việc giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản giữa 2 đơn vị này. Tại điều 2 của Quyết định nêu rõ : “Giao Ngân hàng Công Thương Nghệ An trực tiếp ký hợp đồng với Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp Nghệ An để tổ chức bán đầu giá toàn bộ số tài sản và quyền sử dụng 10.000 m2 đất của Công ty TNHH Bình Minh có tại xã Nghi Kim, Tp Vinh đã thế chấp cho Ngân hàng Công Thương Nghệ An theo đúng trình tự quy định của pháp luật để thu hồi nợ cho ngân hàng Công Thương Nghệ An và thanh toán số tiền mua tài sản, đầu tư xây dựng thêm của Công ty cổ phần thương mại Nghệ An...”. Vụ việc tranh chấp kéo dài nhiều năm, lẽ ra các bên liên quan phải cùng nhau hợp tác để giải quyết dựa trên những điều quy định của văn bản có hiệu lực pháp luật đó là Quyết định số 4482/QĐ.UBND.KT của UBND tỉnh Nghệ An.  Tuy nhiên, trong khi  VietinBank  tích cực hợp tác để đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ việc thì  công ty CPTM lại tỏ ra bất hợp tác. Ngay sau khi Quyết định số 4482/QĐ-UBND.KT có hiệu lực, ngày 9/10/2009, Vietin Bank có văn bản uỷ quyền cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá (TTDVBĐG) Nghệ An để thành lập Hội đồng định giá tài sản QSDĐ và tài sản của Công ty Bình Minh. Tuy nhiên, ngày 14/10/2009, TTDVBĐG tổ chức buổi định giá tài sản của Công ty Bình Minh nhưng không thành do Công ty CPTM không hợp tác, lãnh đạo công ty không có mặt tại thời điểm định giá. Ngày 15/10/2009, VietinBank Nghệ An phát văn bản gửi công ty CPTM yêu cầu giải tỏa kho Bình Minh để tổ chức định giá tài sản nhưng công ty CPTM cũng không thực hiện. Ngày 19/11/2009, UBND tỉnh Nghệ An nhận được Văn bản số 1830/CTCPTMNA ngày 19/11/2009 của Công ty CPTM về việc đề nghị không bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản kho của công ty Bình Minh và đề nghị UBND tỉnh xem xét lại Quyết định (theo điều 355 BLDS) Trả lời kiến nghị này của Công ty CPTM, tại Công văn số 8068/UBND.KT ngày 30/11/2009, UBND tỉnh Nghệ An cho rằng : “Việc Công ty cổ phần Thương mại Nghệ An có Văn bản số 1830/CTCPTMNA ngày 19/11/2009 đề nghị không bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản kho Bình Minh tại xã Nghi Kim, Tp Vinh và xem xét lại quyết định giải quyết tranh chấp số 4482/QĐ.UBND.KT ngày 8/9/2009 của Chủ tịch UBND tỉnh là không có căn cứ, thiếu thiện chí trong giải quyết tranh chấp và mâu thuẫn với chính các ý kiến của mình đã đưa ra trước đó”. Cũng tại Công văn này, UBND tỉnh đã yêu cầu VietinBank và Công ty CPTM nghiêm túc thực hiện Quyết định số 4482/QĐ.UBND.KT. 3. Bình luận của nhóm về cách giải quyết của Tòa án: Vụ việc liên quan đến viếc tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản kho của công ty Bình Minh giữa ngân hàng Viettin Nghệ An với Công ty CPTM Nghệ An. Trong vụ việc này bên có liên quan là công ty Bình Minh đã thực hiện hành vi không hợp pháp đó là bán tài sản đang trong thế chấp cho công ty cổ phần thương mại Nghê An mà chưa có sự đồng ý của bên nhận thế chấp là ngân hàng Viettin (vi phạm khoản 4 điều 348 và khoản 4 điều 349 BLDS). Chính vì điều này đã gây nên việc tranh chấp giữa ngân hàng Viettin với công ty CPTM Nghệ An. Để giải quyết tranh chấp này UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 4482/QĐ.UBND.KT về việc giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản giữa 2 đơn vị này. Quyết định này của UBND Nghệ An là hợp lí. Theo đó toàn bộ tài sản thế chấp của công ty Bình Minh sẽ được giao cho ngân hàng Viettin để ngân hàng bán đấu giá (theo điều 355 BLDS) vì công ty Bình Minh đã không thực hiện được việc trả nợ cho ngân hàng và đã có tờ trình số 75/TTr-CT gửi VietinBank Nghệ An về việc tự nguyện bàn giao tài sản để xử lý nợ cho ngân hàng. Tuy nhiên công ty CPTM lại không hợp tác thực hiện Quyết định của UBND tỉnh Nghệ An thể hiện ở việc công ty không bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản kho Bình Minh tại xã Nghi Kim, Tp Vinh. Việc làm này của công ty CPTM là không đúng bởi theo như quyết định số 4482/QĐ.UBND.KT của UBND tỉnh Nghệ An công ty CPTM sẽ được thanh toán số tiền mua tài sản, đầu tư xây dựng thêm của Công ty cổ phần thương mại Nghệ An. Cách giải quyết của UBND là thỏa đáng với phần tài sản công ty CPTM đã bỏ ra để mua tài sản của công ty Bình Minh. Công ty CPTM không có quyền giữ lại toàn bộ tài sản mà công ty Bình Minh đã chuyển nhượng vì tài sản đó đã được công ty BM thế chấp ngân hàng từ trước khi chuyển nhương cho công ty CPTM và có giấy tờ giao cho ngân hàng để xử lí nợ với ngân hàng khi công ty BM không thể trả nợ cho ngân hàng. 4. Quan điểm và cách giải quyết của nhóm: Thứ nhất, Về mặt pháp lý và cả mặt thực tế, việc công ty Bình Minh thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của công ty cho ngân hàng Viettinbank cũng đã được lập thành văn bản và đưa đi đăng ký giao dịch bảo đảm, công chứng chứng thực. Do đó, trong trường hợp này cần phải áp dụng quy định của BLDS quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm, theo đó, tại khoản 1 Điều 325 quy định: “Trong trường hợp giao dịch bảo đảm được đăng ký thì việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm được xác định theo thứ tự đăng ký”. Hơn nữa, theo qui định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định 163 về giao dịch bảo đảm thì: “Trong trường hợp bên thế chấp bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh mà không có sự đồng ý của bên nhận thế chấp thì bên nhận thế chấp có quyền thu hồi tài sản thế chấp”. Như vậy, trong trường hợp này, ngân hàng Viettinbank hoàn toàn có quyền thu hồi tài sản đã thế chấp của công ty Bình Minh là quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của công ty này. Thứ hai, Cũng tại điểm a khoản 1 Điều 20 Nghị định 163 quy định rằng: Trong trường hợp bên thế chấp bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh mà không có sự đồng ý của bên nhận thế chấp thì bên nhận thế chấp có quyền thu hồi tài sản thế chấp, nhưng trừ trường hợp “Việc mua, trao đổi tài sản được thực hiện trước thời điểm đăng ký thế chấp và bên mua, bên nhận trao đổi tài sản thế chấp ngay tình”. Có nghĩa rằng, chúng ta đối chiếu với trường hợp này, công ty CPTM và công ty Bình Minh đã thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất sau thời điểm mà công ty Bình Minh đăng ký thế chấp tài sản của mình trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do đó, trong trường hợp này pháp luật trước hết sẽ bảo vệ quyền lợi cho ngân hàng Vieettinbank. Có nghĩa rằng tài sản sau khi bán đấu giá thì phải thanh toán hết khoản nợ của công ty Bình Minh đối với ngân hàng Viettinbank, rồi sau đó mới giải quyết việc thanh toán số tiền mua tài sản, đầu tư xây dựng thêm của Công ty cổ phần thương mại Nghệ An. KẾT LUẬN Trên đây là phần tìm hiểu của nhóm về 3 vụ việc tranh chấp về quyền tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Từ việc tìm hiểu 3 vụ án trên, chúng em đã hiểu biết thêm về việc áp dụng từ luật ra thực tế về việc dùng quyền tài sản trong bảo đảm nghĩa vụ dân sự. Các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ tuy chỉ mang tính chất bổ sung cho nghĩa vụ chính nhưng nó thực sự quan trọng . Thông qua các biện pháp này, bên người có quyền có thể chủ động tiến hành các hành vi của mình để tác động trực tiếp đên tài sản của bên kia nhằm thỏa mãn quyển của mình khi đến thời hạn mà bên kia không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ của mình. Và việc sử dụng quyền tài sản để đảm bảo cho giao dịch dân sự ngày càng nhiều và các tranh chấp liên quan đến nó cũng nhiều lên và càng ngày càng phức tạp. Chính các quy định về quyền tài sản còn nhiều bất cập nên việc áp dụng quy định tài sản vào giao dịch dân sự còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khi có tranh chấp xảy ra. Từ đó đặt ra vấn đề phải hoàn thiện pháp luật hơn. Chính việc quy định chặt chẽ về pháp luật sẽ giúp cho việc áp dụng pháp luật trở nên dễ dàng hơn, kéo theo đó làm giảm số lượng các tranh chấp xảy ra. MỤC LỤC Trang A. MỞ ĐẦU……………………………………………………………….….…..1 B. NỘI DUNG………………………………………………………………….…1 I. Vụ việc thứ nhất…………………………………………………….…...…..1 1. Tóm tắt nội dung vụ việc………………………………………………….2 2. Quyết định của Tòa án………………………………………………....….3 3. Bình luận về cách giải quyết của Tòa án và phương hướng giải quyết của nhóm……………………………………………………........5 II. Vụ việc thứ 2………………………………………………………..……...6 1. Tóm tắt nội dung sự việc………………………………………………….6 2. Quyết định của Tòa án…………………………………………………….7 3. Nhận xét cách giải quyết vụ việc của Tòa án……………………………..8 4. Cách giải quyết vụ án của nhóm……………………………………….….9 III. Vụ việc thứ 3…………………………………………………………...…11 1. Tóm tắt nội dung vụ việc…………………………………………………11 2. Nội dung giải quyết của đoàn Tòa án…………………………………….12 3. Bình luận của nhóm về cách giải quyết của Tòa án…………....………...13 4. Quan điểm và cách giải quyết của nhóm…………………………………13 C. KẾT LUẬN………………………………………………………………...…14 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật dân sự Việt Nam. Tập 2, Nxb. CAND, Hà Nội, 2009; Lê Đình Nghị (chủ biên), Giáo trình luật dân sự Việt Nam, Tập 2, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2009; Bộ luật dân sự 2005; Bộ luật đất đai 2003; Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • doc3 vụ việc tranh chấp về quyền tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.doc