Ấn Độ: Từ bán lẻ trí thức tiến lên đại học đẳng cấp quốc tế

Ấn độ là một trong năm quốc gia lớn nhất thế giới xét về lãnh thổ, dân số, và thị phần. Hơn thế nữa, Ấn độ ngày nay còn là một nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Họ tập trung vào những ngành công nghệ kỹ thuật cao như công nghệ thông tin và công nghệ sinh học để đưa đất nước đến thịnh vượng một cách nhanh chóng. Dưới áp lực của Tổ chức Thương mại Thế giới, Ấn độ đã phải tuyên bố sẽ không tiếp tục sản xuất những dược phẩm rẻ tiền không có đăng ký bằng sáng chế hoặc không được cấp phép như trước nữa. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp Ấn độ thật khó lòng cạnh tranh được với các công ty đa quốc gia, nếu họ không có được một lực lượng khoa học gia có tầm cỡ. Hệ thống giáo dục đại học yếu kém trở thành gót chân Achilles của đất nước này. Ấn độ đang tụt hậu khá xa không chỉ so với các cường quốc giáo dục đại học Hoa Kỳ và châu Âu mà còn so với các đối thủ truyền thống của họ: Trung Quốc, Singapore và Hàn Quốc. Chỉ rất gần đây thôi, từ tháng 6 năm 2007, vấn đề xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế (ĐHĐCQT) mới được đặt ra và chính phủ Ấn độ mới bắt đầu lên kế hoạch xây dựng 14 trường như thế. Nghiên cứu bối cảnh của Ấn độ và những chiến lược nhằm xây dựng ĐHĐCQT của họ là một việc rất có ý nghĩa đối với Việt Nam trong quá trình xây dựng các đại học có chất lượng quốc tế. Khái quát về giáo dục đại học ở Ấn độ Ấn độ là nước có số lượng sinh viên đại học đứng thứ ba trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Hoa Kỳ, nhưng có rất ít trường hoặc khoa, ngành, hay trung tâm nghiên cứu có chất lượng cao. Với 323 trường đại học và 14.050 trường cao đẳng, Ấn độ sản xuất ra 2,5 triệu người tốt nghiệp đại học hàng năm, trong đó có 350.000 kỹ sư, gấp đôi số lượng kỹ sư mà Hoa Kỳ đào tạo ra. Tuy vậy, chỉ có 10% những người trong độ tuổi là được học đại học, một tỉ lệ khá thấp theo tiêu chuẩn quốc tế, nếu so với con số trên 50% ở các nước phát triển công nghiệp hóa và 15% ở Trung Quốc Trong 323 trường đại học hiện nay của hệ thống giáo dục đại học Ấn độ, có 178 trường tổng hợp thuộc các tiểu bang và 18 trường tổng hợp thuộc trung ương, 18 trường y, 40 trường nông nghiệp, 52 trường “được xem như đại học” (deemed-to-be-universities), 12 trường có tầm quan trọng lớn với quốc gia, và 5 trường được thành lập theo quy định của tiểu bang. Các trường đại học này cùng với 13,150 trường cao đẳng và 900 trường bách khoa đang sử dụng 411.600 giảng viên và đào tạo 8,4 triệu sinh viên. Tuy nhiên, thật nghịch lý là hệ thống giáo dục đại học Ấn độ lớn như thế và đã trải qua lịch sử hơn 150 năm phát triển nhưng khó lòng có thể tìm thấy một trường đại học nghiên cứu. Những nhà khoa học Ấn độ nổi tiếng thế giới có thể đếm được trên đầu ngón tay: chỉ ba người đạt giải Nobel trong khoa học và một người trong kinh tế. Hầu hết những nhà khoa học tài năng và có uy tín của Ấn độ đang làm việc ở nước ngoài. Các tạp chí khoa học ở Ấn độ không được xem là có chất lượng quốc tế và có rất ít những công bố khoa học của người Ấn trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín.

doc11 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 2718 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Ấn Độ: Từ bán lẻ trí thức tiến lên đại học đẳng cấp quốc tế, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ẤN ĐỘ: TỪ “BÁN LẺ TRI THỨC” TIẾN LÊN ĐẠI HỌC ĐẲNG CẤP QUỐC TẾ? Ấn độ là một trong năm quốc gia lớn nhất thế giới xét về lãnh thổ, dân số, và thị phần. Hơn thế nữa, Ấn độ ngày nay còn là một nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Họ tập trung vào những ngành công nghệ kỹ thuật cao như công nghệ thông tin và công nghệ sinh học để đưa đất nước đến thịnh vượng một cách nhanh chóng. Dưới áp lực của Tổ chức Thương mại Thế giới, Ấn độ đã phải tuyên bố sẽ không tiếp tục sản xuất những dược phẩm rẻ tiền không có đăng ký bằng sáng chế hoặc không được cấp phép như trước nữa. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp Ấn độ thật khó lòng cạnh tranh được với các công ty đa quốc gia, nếu họ không có được một lực lượng khoa học gia có tầm cỡ. Hệ thống giáo dục đại học yếu kém trở thành gót chân Achilles của đất nước này. Ấn độ đang tụt hậu khá xa không chỉ so với các cường quốc giáo dục đại học Hoa Kỳ và châu Âu mà còn so với các đối thủ truyền thống của họ: Trung Quốc, Singapore và Hàn Quốc. Chỉ rất gần đây thôi, từ tháng 6 năm 2007, vấn đề xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế (ĐHĐCQT) mới được đặt ra và chính phủ Ấn độ mới bắt đầu lên kế hoạch xây dựng 14 trường như thế. Nghiên cứu bối cảnh của Ấn độ và những chiến lược nhằm xây dựng ĐHĐCQT của họ là một việc rất có ý nghĩa đối với Việt Nam trong quá trình xây dựng các đại học có chất lượng quốc tế. Khái quát về giáo dục đại học ở Ấn độ   Ấn độ là nước có số lượng sinh viên đại học đứng thứ ba trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Hoa Kỳ, nhưng có rất ít trường hoặc khoa, ngành, hay trung tâm nghiên cứu có chất lượng cao. Với 323 trường đại học và 14.050 trường cao đẳng, Ấn độ sản xuất ra 2,5 triệu người tốt nghiệp đại học hàng năm, trong đó có 350.000 kỹ sư, gấp đôi số lượng kỹ sư mà Hoa Kỳ đào tạo ra. Tuy vậy, chỉ có 10% những người trong độ tuổi là được học đại học, một tỉ lệ khá thấp theo tiêu chuẩn quốc tế, nếu so với con số trên 50% ở các nước phát triển công nghiệp hóa và 15% ở Trung Quốc Trong 323 trường đại học hiện nay của hệ thống giáo dục đại học Ấn độ, có 178 trường tổng hợp thuộc các tiểu bang và 18 trường tổng hợp thuộc trung ương, 18 trường y, 40 trường nông nghiệp, 52 trường “được xem như đại học” (deemed-to-be-universities), 12 trường có tầm quan trọng lớn với quốc gia, và 5 trường được thành lập theo quy định của tiểu bang. Các trường đại học này cùng với 13,150 trường cao đẳng và 900 trường bách khoa đang sử dụng 411.600 giảng viên và đào tạo 8,4 triệu sinh viên. Tuy nhiên, thật nghịch lý là hệ thống giáo dục đại học Ấn độ lớn như thế và đã trải qua lịch sử hơn 150 năm phát triển nhưng khó lòng có thể tìm thấy một trường đại học nghiên cứu. Những nhà khoa học Ấn độ nổi tiếng thế giới có thể đếm được trên đầu ngón tay: chỉ ba người đạt giải Nobel trong khoa học và một người trong kinh tế. Hầu hết những nhà khoa học tài năng và có uy tín của Ấn độ đang làm việc ở nước ngoài. Các tạp chí khoa học ở Ấn độ không được xem là có chất lượng quốc tế và có rất ít những công bố khoa học của người Ấn trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín.   Ấn độ gần như không có những trường đỉnh cao, hầu hết các trường chỉ vận hành với một chất lượng rất khiêm tốn theo kiểu “bán lẻ tri thức” (“retailing knowledge”). Phần lớn hệ thống đào tạo ở các nước có hình chóp: một số ít trường chất lượng cao (top-tier) ở trên đỉnh của hệ thống, còn lại là số lớn những trường có tính chất “đại chúng” nằm ở phần đáy. Ấn độ có rất ít những trường nổi bật ở đỉnh cao như thế. Không một trường nào đủ mạnh để đứng vững trên đỉnh hình chóp, vì phần lớn mạnh điểm này thì lại yếu điểm khác.  Những trường khá nhất là Indian Institutes of Technology (IITs), the Indian Institutes of Management (IIMs), India Institute of Medical Sciences và Tata Institute of Fundamental Research. Các trường đại học Ấn độ, trừ vài ngoại lệ, đang trở thành quá lớn, được cung cấp tài chính quá ít, và rất khó kiểm soát. Đầu tư vào thư viện, phòng nghiên cứu, hạ tầng thông tin…đều ở mức thấp khó lòng thực hiện việc nghiên cứu và đào tạo ở trình độ cao. Số lượng giảng viên bán thời gian (part-time) tăng lên và gần như có rất ít cơ hội được bổ nhiệm vào những vị trí biên chế và cơ hữu, ở nhiều trường những vị trí ấy vẫn cứ y như thế nhiều năm không thay đổi. Tình hình này đã góp phần làm nhụt nhuệ khí của giới giảng viên và cán bộ nghiên cứu cũng như khiến họ thiếu gắn bó với nhà trường. Quản trị đại học yếu kém khiến hoạt động nghiên cứu và giảng dạy hiếm khi được đánh giá. Các trường có rất ít hình thức khuyến khích để giảng viên phấn đấu đạt đến chất lượng cao nhất. “Bán lẻ tri thức” là cụm từ tuyệt đối chính xác để miêu tả giáo dục đại học Ấn độ: đào tạo thực hành là chức năng chủ yếu, có rất ít nghiên cứu đỉnh cao được thực hiện, nghiên cứu khoa học cơ bản lại càng không. Cũng giống như những nước đang phát triển khác như Trung Quốc, Malaysia, Việt Nam, Ấn độ cũng đang phải đương đầu với hiện tượng mở rộng số lượng kéo theo nhiều vấn đề về chất lượng đào tạo. Có thể minh họa điều này qua vài con số về đào tạo sau đại học: trong hai thập kỷ qua, tính trung bình các trường đại học Ấn đã sản xuất ra 10.000 tiến sĩ mỗi năm. Năm 1999-2000 có 11.296 tiến sĩ ra lò, trong đó có 37,89% trong ngành khoa học nhân văn và 34,39% trong khoa học tự nhiên, còn lại là kinh tế. Trong số đó 72% là giảng viên ở các trường đại học. Sở dĩ như thế vì bằng tiến sĩ hiện nay là yêu cầu bắt buộc để giảng dạy ở đại học, những giảng viên chưa có bằng được tạo điều kiện thời gian để làm tiến sĩ. Tuy vậy, hệ thống này đang nhấn mạnh đến bằng cấp thay vì quan tâm đến chất lượng thực sự, cho nên nhìn vào danh sách các đề tài luận văn tiến sĩ, có thể thấy phần lớn các đề tài mang tính chất điều tra khảo sát hay lặp lại những đề tài đã cũ, không có mấy liên quan đến những vấn đề nóng bỏng mà thực tiễn đang đặt ra. Đối với nhiều người, lấy được tấm bằng tiến sĩ là chấm hết việc nghiên cứu. Luận án của họ nằm phủ bụi trong thư viện hay trung tâm lưu trữ. Bởi vậy khó mà nói rằng số lượng đào tạo sau đại học của Ấn độ là một chỉ báo của trình độ phát triển cao trong nghiên cứu. Một vấn đề khác ở Ấn độ là tình trạng chảy máu chất xám. Nhiều người được đào tạo tốt trong lĩnh vực khoa học công nghệ đã không lựa chọn con đường đóng góp cho sự phát triển khoa học công nghệ ở Ấn. Gần một nửa sinh viên tốt nghiệp những trường công nghệ tốt nhất của Ấn đã ra nước ngoài để tiếp tục học ngay sau khi tốt nghiệp, và phần lớn đã không trở về cố hương.  86% sinh viên Ấn lấy bằng đại học trong các ngành khoa học công nghệ ở Hoa Kỳ đã không trở về ngay sau khi học xong. Sự quyến rũ của những vị trí nghề nghiệp tại nước ngoài cũng như của thành phần kinh tế tư nhân càng khiến các trường khó lòng giữ được những người tài giỏi nhất trụ lại với việc giảng dạy. Ở Ấn độ, rất ít người quan tâm suy nghĩ một cách sáng tạo về giáo dục đại học. Không có bộ môn nghiên cứu về giáo dục đại học ở Ấn. Không có một trung tâm nghiên cứu độc lập về giáo dục đại học nào tồn tại ở Ấn, trong lúc ở Trung Quốc có hàng chục trung tâm nghiên cứu giáo dục đại học và nhiều tổ chức chính phủ liên quan đến việc hoạch định chính sách giáo dục đại học. Các nhà lãnh đạo ngành giáo dục và chính phủ Ấn xem ra hài lòng với việc “bổn cũ soạn lại” và không thấy cần phải đổi mới. Vấn đề ĐHĐCQT ở Ấn độ Ấn độ đã tồn tại với một hệ thống giáo dục tầm thường như thế qua nhiều thập kỷ, nhưng ngày nay họ đã nhận ra rằng họ không thể tiếp tục tồn tại như thế được nữa. Cho đến nay, Ấn độ đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc phát triển kinh tế nhờ vào đa số dân được đào tạo tốt về kỹ năng nghề nghiệp. Nhưng quá trình toàn cầu hóa về kinh tế và cuộc cạnh tranh quyết liệt trên phạm vi toàn cầu đòi hỏi Ấn độ phải có những người tài năng và sáng tạo, chứ không phải chỉ những người thừa hành, do vậy vấn đề chất lượng giáo dục đại học đang ngày càng trở nên quan trọng và bức thiết hơn, nhất là khi những quốc gia Châu Á khác như Trung Quốc, Đài loan, Malaysia  đang đầu tư rất mạnh để nâng cấp giáo dục đại học của họ với tham vọng có được những trường ĐHĐCQT. Sự ý thức về nhu cầu cải cách giáo dục đại học và đầu tư cho nghiên cứu này bắt đầu từ khoảng tháng 5 năm 2004, khi Ủy ban Tài trợ các Trường Đại học (University Grants Commission-UGC) đệ trình một dự án chi tiết về việc xây dựng bốn trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia tại các trường Đại học Allahabad University, Utkal University, Anna University và Pune University. Ngân sách dự kiến cho mỗi trung tâm là 745 triệu rupi. Nhưng dự án này đã rơi vào sự im lặng của chính phủ. Trong một bài báo trên mạng Rediff tháng 12 năm 2005 nhan đề “Ấn độ không hề có kế hoạch nâng cấp giáo dục”, Subhash Kak đã so sánh vị trí của giáo dục Ấn độ so với các quốc gia khác qua số lượng các trường lọt vào danh sách 500 trong kết quả xếp hạng SJTU năm 2005 như sau: Quốc gia Top 100 Top 200 Top 300 Top 400 Top 500 USA 53 90 119 140 168 UK 11 19 30 36 40 Germany 5 16 23 33 40 Japan] 5 19 13 24 34 China 0 2 6 15 18 India 0 0 0 1 3 Những trường tốt nhất của Ấn độ trong danh sách này là Indian Institute of Science được xếp hạng trong khoảng 301-400 và and IIT Kharagpur,  University of Calcutta trong khoảng 401-500. Trung Quốc có 18 trường trong top 500, trong khi Ấn độ chỉ có 3, vậy mà Trung Quốc vẫn đang đầu tư rất mạnh cho các đại học hàng đầu của họ nhằm tiến lên vị trí ĐHĐCQT, trong lúc đó Ấn độ chẳng hề có một kế hoạch tương tự. Tác giả bài báo trên cho rằng các trường đại học đang bị nhà nước kiểm soát và hoàn cảnh của họ gần giống như các doanh nghiệp Ấn độ trước cuộc cải cách năm 1991. Ủy ban Tài trợ Đại học đang vừa đề ra quy định vừa giám sát việc phân phối ngân sách nhà nước cho các trường thông qua một tổ chức của họ là Hội đồng Đánh giá và Kiểm định Quốc gia, và cơ chế tập quyền này khiến việc sử dụng ngân sách thành ra không hữu hiệu.   Đến năm 2008, vị trí của các trường đại học Ấn độ cũng không khá gì hơn. Chỉ hai trường của Ấn độ là Indian Institute Science và Indian Institute Technology Kharagpur lọt vào thứ hạng từ 300-400 trong danh sách của SJTU trong lúc vị trí thống trị trên danh sách 500 này vẫn là Hoa Kỳ với 159 trường, trong top 10 thì Hoa Kỳ chiếm hết 9, và trong top 20 thì Hoa Kỳ là 17. Còn trong danh sách 200 trường của THES từ 2005 đến 2008, không có một trường nào của Ấn. Trường của Ấn đạt thứ hạng cao nhất trong bảng xếp hạng 2008 của THES là Indian Institute of Technology Dehli, xếp thứ 154. Còn lại một số trường như Indian Institute of Technology (IIT) Kanpur, IIT Madras, University of Dehli, IIT Roorkee xếp hạng 242, 274, 303, và 401-500 theo thứ tự.  Phát biểu tại Diễn văn kỷ niệm ngày độc lập ngày 23-6-2007, thủ tướng Ấn độ Manmohan Singh tuyên bố đất nước này sẽ xây dựng 14 trường ĐHĐCQT để cạnh tranh với những trường như Harvard hay Cambridge. Đây có thể xem là một điểm mốc đánh dấu quá trình bắt đầu vươn lên ĐHĐCQT của Ấn độ. Ngày 29-3-2008, Bộ Phát triển Nguồn Nhân lực công bố kế hoạch cụ thể và vị trí của 8 Viện Khoa học Công nghệ mới và 7 Viện Nghiên cứu Quản lý cùng với 30 trường trung ương trong đó có 14 trường ĐHĐCQT sẽ được xây dựng trong Kế hoạch Lần thứ 11 của Ấn. Ở ba tiểu bang, một số trường công hiện tại sẽ được đặt dưới sự chỉ đạo của nhà nước trung ương để chuyển đổi thành ĐHĐCQT. Mỗi viện khoa học công nghệ sẽ cần có 7,6 tỉ rupi (khoảng 165 triệu USD) và viện nghiên cứu quản lý cần khoảng 2,4 tỉ rupi (54,4 triệu USD) để đi vào hoạt động. Thủ tướng cũng nói rằng nhà nước bảo đảm cho những trường này một đội ngũ giảng viên tốt nhất, những nguồn lực vật chất tuyệt vời nhất, để họ xây dựng nhiều phạm vi chuyên ngành rộng và có một đội ngũ sinh viên đa dạng. Ấn độ thậm chí đã đề nghị Anh giúp về tài chính và kỹ thuật để xây dựng một trường ĐHĐCQT Vấn đề nguồn lực  Người Ấn biết rằng họ cần phải đầu tư vào giáo dục đại học để tồn tại trong cuộc cạnh tranh toàn cầu, và muốn vậy trước hết cần có nguồn lực của nhà nước. Ngay cả ở Mỹ nơi có rất nhiều trường tư hoạt động, 70% các trường có tài trợ của ngân sách nhà nước. Ở các trường tư, phần lớn kinh phí nghiên cứu có được do các hợp đồng nghiên cứu cũng là từ nguồn tài chính công. Ở những nước thu nhập trung bình và thấp, chỉ có những trường được nhà nước tài trợ mới có khả năng tiến hành các nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học cơ bản. Tuy vậy, cần thấy rằng Ấn độ đang đầu tư 73 triệu USD để xây dựng 12 trường ĐHĐCQT, một con số quá nhỏ so với Trung Quốc khi họ đầu tư 700 triệu USD cho chỉ một trường, và càng nhỏ bé hơn nữa khi so với ngân sách hoạt động chỉ trong năm 2008 của Trường Đại học Harvard: 2,996 tỷ USD! Những lực cản từ bên trong: vấn đề văn hóa thuộc địa            Nhưng khó khăn của Ấn độ không chỉ nằm trong vấn đề nguồn lực hạn chế. Rào cản lớn nhất ở Ấn độ là di sản của thời kỳ thuộc địa: trường đại học là nơi bán lẻ tri thức thay vì đáng lẽ phải là nơi kiến tạo tri thức mới. Nền tảng của hệ thống giáo dục Ấn ngày nay được bắt đầu dưới chế độ thuộc địa của Anh khoảng giữa thế kỷ XIX, dựa trên quan niệm coi việc phát triển giáo dục ở các thuộc địa là nhằm phục vụ cho kinh tế, chính trị, và lợi ích của chính quốc, nhất là để củng cố và duy trì sự thống trị của Anh ở những thuộc địa này. Hệ thống này nghiêng về đào tạo ngôn ngữ và các bộ môn khoa học nhân văn hơn là khoa học kỹ thuật, và điều này vẫn còn kéo dài đến tận ngày nay: phân tích số liệu nhập học năm 2001 ở Ấn cho thấy gần 70% sinh viên nhập học trong các ngành nghệ thuật, thương mại, giáo dục, luật…và chỉ khoảng 20% học các ngành khoa học tự nhiên. Trong kỷ nguyên thuộc địa, việc nghiên cứu trong các trường đại học không được xem trọng. Những nhà khoa học, những học giả Ấn lỗi lạc nhất đã ra nước ngoài ngay sau khi độc lập, phần lớn là đến Anh quốc để tiếp tục công việc ở những trường đại học nghiên cứu có chất lượng cao.            Sau khi đất nước giành được độc lập, các trường đại học Ấn cũng vẫn khư khư duy trì tính chất “bán lẻ tri thức” của mình. Bất chấp sự tăng trưởng về số lượng các trường và về ngân sách dành cho nghiên cứu và phát triển (tăng gấp 16 lần trong thời gian từ năm 1980 đến năm 2000), số lượng các công trình nghiên cứu vẫn không có bước tiến nào đáng kể. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2000, số lượng bài báo khoa học trong cả khoa học tự nhiên và xã hội của Ấn chỉ tăng từ 13.623 năm 1981 đến 14.883 năm 1995, tức là chỉ tăng 9,25% trong vòng 15 năm, trong lúc cùng thời gian ấy, Trung Quốc tăng từ 1.293 lên đến 11.435, tức 784,34%!   Thành công lớn nhất của hệ thống giáo dục đại học Ấn độ cho đến nay là của các Viện Khoa học công nghệ. Ngay sau khi độc lập, Ấn độ đã đặt khoa học kỹ thuật lên hàng ưu tiên trong lịch trình phát triển kinh tế của mình. Viện Kỹ thuật Công nghệ Ấn độ  đầu tiên được thành lập năm 1951 ở Kharagpur, (West Bengal) với sự hỗ trợ của UNESCO, dựa trên mô hình của MIT.  Viện Kỹ thuật Công nghệ Ấn độ (IIT) thứ hai được thành lập ở Bombay (nay là Mumbai) năm 1958 với sự trợ giúp của Liên bang Xô viết thông qua UNESCO. Năm 1959, IIT Madras (nay là Chennai) được thành lập với sự trợ giúp của nước Đức; và IIT Kanpur với sự giúp đỡ của Tập đoàn các trường Đại học Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp Anh và chính phủ UK hỗ trợ việc thành lập IIT Delhi năm 1961.  Năm 1994, IIT Guwahati được thành lập hoàn toàn thông qua những nỗ lực bản địa. Năm 2001, Trường Đại học University of Roorkee được đưa vào hệ thống các trường IIT trở thành trường thứ bảy như thế. Quốc hội Ấn Độ chỉ định những trường ấy như những đơn vị tối quan trọng của đất nước. Các trường công được tận hưởng tối đa tự do học thuật và tự chủ trong quản lý- đưa ra những ngành đào tạo chất lượng cao và có ‎ nghĩa rất quan trọng trong công nghệ, kỹ thuật, các khoa học ứng dụng, và khoa học quản lý ở cấp đại học, cao học, và tiến sĩ, đồng thời cấp bằng của chính họ. Việc tuyển sinh được thực hiện nghiêm ngặt dựa trên phẩm chất và thành tích thông qua một kỳ thi tuyển sinh hết sức cạnh tranh. Ngày nay, các trường này thu hút những sinh viên giỏi nhất có quan tâm đến công nghệ và khoa học ứng dụng. Nhiều cựu sinh viên các trường IIT nắm giữ những vị trí cao nhất trong giáo dục, nghiên cứu, kinh doanh và đổi mới ở nhiều nơi trên thế giới. Năm 2005, THES xếp hạng IITs là trường kỹ thuật tốt vào hàng thứ ba trên toàn thế giới, chỉ sau MIT và University of California, Berkeley. Lúc đầu IITs bị phê phán là góp phần vào nạn chảy máu chất xám khi khoảng 40% sinh viên tốt nghiệp của họ ra nước ngoài làm việc. Ngày nay, với sự tăng trưởng nhanh và mở rộng của kinh tế Ấn Độ, “điểm yếu” này trở thành thế mạnh to lớn cho hợp tác và đầu tư quốc tế.  Tuy nhiên ngay cả những trường này cũng vẫn chỉ là những cửa hàng bán lẻ tri thức chứ chưa bao giờ được coi là các trường đại học nghiên cứu. Phần vì đó là do di sản kế thừa của nền giáo dục thuộc địa như đã nói trên, phần vì Ấn độ vẫn là một nước nghèo (thu nhập bình quân đầu người chỉ 700 USD/năm so với Hoa Kỳ 28.000 USD/năm), khao khát nhanh chóng thoát nghèo khiến họ tập trung vào những lĩnh vực nghề nghiệp có thể nhanh chóng nắm được kỹ năng làm việc và đi làm kiếm tiền ngay. Văn hóa thuộc địa tạo ra tinh thần nô lệ và chấp nhận hiện trạng, phù hợp với ý muốn của chế độ thực dân là đào tạo ra những cái máy có thể làm việc được ngay trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Ấn độ không còn là thuộc địa nhưng di sản ấy thì vẫn còn đến tận ngày nay.  Những khó khăn từ hệ thống quản trị đại học: chính sách gia đình trị và hệ thống toàn trị Về mặt quản trị, những áp lực xã hội và chính trị cũng không khuyến khích sự nổi bật cá nhân. Sự phân biệt đẳng cấp xã hội đã ngăn cản những sinh viên thuộc tầng lớp thấp theo đuổi việc học tập và nghiên cứu ở đỉnh cao, thông qua những can thiệp của nhà nước trong chính sách tuyển sinh và tuyển chọn cán bộ giảng viên. Chính sách gia đình trị và truyền thống toàn trị ở Ấn đã dẫn tới kiểu quản lý chuyên quyền, độc đoán, đòi hỏi mọi thứ phải tuân theo quy tắc ưu tiên. Bởi vậy sinh viên Ấn có kỹ năng rất đáng khen trong việc áp dụng các quy tắc nhưng gần như không khi nào đặt dấu hỏi với bản thân các quy tắc. Trong quản trị đại học ở Ấn, vai trò của các hiệu trưởng không được xem trọng. Văn hóa quản lý ở Ấn khiến các công chức có thể thay đổi vị trí của nhau một cách dễ dàng và không ai được phép “cao” hơn người khác. Văn hóa “bonsai” này quả là không lành mạnh vì xưa nay trong lịch sử, những trường đại học lớn luôn luôn được dẫn dắt bởi những hiệu trưởng vĩ đại. Lãnh đạo các trường đại học Ấn không ủng hộ tự do và những phẩm chất chuyên môn, vì chính họ cũng không có được những thứ ấy. Thậm chí, các giảng viên cũng chẳng cần quan tâm đến việc trường mình có người lãnh đạo hay không. Một số trường thuộc University of Dehli không có hiệu trưởng trong một thời gian rất dài, có lúc trong suốt bốn năm. Năm 2005, IIT Dehli không có người lãnh đạo trong 9 tháng liền. Nhà nước quyết định không gia hạn nhiệm kỳ của Hiệu trưởng cũ từ nhiều tháng trước khi nhiệm kỳ này kết thúc, nhưng cũng không làm gì để có người thay thế ngay. Tương tự như thế, All India Council of Technology Education cũng không có người lãnh đạo trong một thời gian dài. Trong lúc đó, ở phương Tây, một vị trí lãnh đạo như thế có thể được quyết định trước khi thực hiện cả năm trời, như trường hợp I.G Patel được bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường Kinh tế London hai năm trước khi  chính thức nhậm chức. Sự can thiệp của các cơ quan hành pháp trong quản trị đại học ở Ấn là một hiện tượng tồn tại từ lâu và chưa từng thấy trên thế giới. Nếu như ở Hoa Kỳ, Tòa án Tối cao chỉ can dự những vấn đề hết sức lớn lao, thì ở Ấn, Tòa án tối cao sẵn sàng xem xét từ việc viết cái gì lên bưu thiếp trở đi, và quá trình xem xét này có khi kéo dài hai ba chục năm, đẩy các nhà quản lý vào một tình trạng bế tắc. Mãi đến gần đây, Tòa án Tối cao vẫn quyết định những vấn đề như học phí, số lượng tuyển sinh, cơ cấu tuyển sinh (bao nhiêu em, từ những đẳng cấp nào sẽ được nhận vào học), vân vân..Những phán quyết này có hiệu lực toàn quốc, nhưng điều kiện ở các địa phương khác nhau rất nhiều khiến tòa án luôn phải xem xét và điều chỉnh lại. Tòa án tối cao ở Ấn có khi còn phải giải quyết những trường hợp lệch lạc ở cả trường công lẫn trường tư. Chẳng hạn chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử chính quyền bang Chastirgarh, 157 trường đại học tư được cấp phép thành lập. Các nhà đầu tư học hành nửa mùa tự bổ nhiệm mình làm hiệu trưởng, giao cho vợ họ làm trưởng phòng đào tạo, thành viên gia đình họ làm Hội đồng quản trị. Chuyện này biến thành “xì căng đan” đến nỗi Tòa án phải ra lệnh giải thể tất cả các trường này, nhưng lúc đó đã có hơn mười ngàn sinh viên nhập học. Mãi đến nay những trường hợp này vẫn chưa tìm được cách giải quyết cho thỏa đáng.  Ở Ấn, công đoàn giáo viên có ảnh hưởng mạnh đối với chính sách nhập học hay chủ trương hiện đại hóa chương trình giảng dạy. Lãnh đạo công đoàn giáo viên là những nhân vật có ảnh hưởng chính trị trong trường, họ thường không ủng hộ việc đổi mới chương trình vì chỉ muốn lặp lại cái cũ cho nhàn thân. Tổ chức lãnh đạo cao nhất của một trường đại học, Hội đồng Điều hành thường dành hết thời gian để thảo luận những thứ vớ vẩn thay vì phải thảo luận về chính sách đào tạo. Hệ thống ấy loại ra ngoài cuộc chơi những giảng viên tài năng và bị dẫn dắt bởi những giảng viên – nhà chính trị khiến hệ thống đại học Ấn tê liệt. Những trường hợp giảng viên sắp xếp lịch giảng dạy của mình chỉ hai hay ba ngày trong tuần để họ có thể vắng mặt những ngày còn lại không phải chuyện hiếm. Không có gì đáng ngạc nhiên khi chương trình đào tạo ở nhiều trường đại học Ấn không hề thay đổi trong nhiều thập kỷ qua.  Chính phủ trung ương ở Ấn có sự tôn trọng nhất định với quyền tự chủ của các trường nhưng chính quyền các bang thì can thiệp vào công việc nội bộ của các trường nhiều hơn. Tuy vậy chính quyền trung ương cũng xen vào việc lựa chọn lãnh đạo các trường, thường là với một kết quả không lấy gì làm hay cho lắm. Trường đại học bị coi như một cơ quan nhà nước và mức độ tự chủ của nó tùy theo quan điểm và phương hướng của chính quyền các bang, cho dù nó không nhận tài trợ của ngân sách nhà nước, nhưng nếu có cấp bằng nó sẽ phải chịu sự quản lý của chính quyền bang. Chính vì vậy mà Trường Kinh doanh Ấn độ không nhận tài trợ ngân sách cũng không cấp bằng nốt! Các Viện Khoa học công nghệ cũng thế, nhiều thập kỷ qua họ không hề cấp bằng cử nhân, và Viện Khoa học Quản lý thậm chí cho đến nay cũng vẫn không cấp bằng cho người học. Nhiều công ty đa quốc gia ở Ấn có tài trợ cho các chương trình đào tạo sau đại học cho các trường, tuy nhiên số tiền này trước hết phải được nộp cho nhà nước rồi sau đó nhà nước sẽ quyết định nhà trường được làm gì với số tiền ấy.  Bài học Ấn độ            Nếu như con đường xây dựng các ĐHĐCQT ở Trung Quốc đã cho chúng ta thấy rõ nguồn lực không đủ để tạo nên chất lượng và uy tín, và kinh nghiệm Malaysia cho thấy một thể chế hạn chế quyền tự chủ của nhà trường sẽ trở thành lực cản đối với mọi nỗ lực đổi mới như thế nào, thì trường hợp Ấn độ có thể minh họa rất rõ điều này: một khi trường đại học đã được lập trình để hoạt động như một cửa hàng bán lẻ tri thức thay vì phải thực hiện sứ mạng của nó là kiến tạo tri thức và là động lực của mọi đổi mới và tiến bộ, thì nó không có khả năng trở thành một trường ĐHĐCQT. Giáo dục đại học Ấn độ rất thành công trong việc tạo ra một lực lượng lao động có kỹ năng, và điều này là tuyệt đối cần thiết trong kinh tế công nghiệp, kể cả kinh tế tri thức, nhưng như vậy chưa đủ để được công nhận uy tín “đẳng cấp quốc tế”. Có một sự đồng thuận rất cao trong giới học thuật về việc ĐHĐCQT gần như chắc chắn phải là một đại học nghiên cứu. Chính vì thế mà trong tiêu chí xếp hạng của SJTU, kết quả nghiên cứu và số lượng công bố khoa học chiếm một tỷ trọng áp đảo. Bảng xếp hạng THES chú trọng hơn điểm đẳng duyệt, nhưng thực chất điểm số này cao hay thấp cũng là do uy tín của nhà trường quyết định, mà uy tín ấy được hình thành chủ yếu là từ các kết quả nghiên cứu và được biết đến là do các công bố khoa học. Điều này không phải là không có lý. Nó dựa trên một quan niệm phổ biến về vai trò và sứ mạng cốt lõi của trường đại học: giữ gìn, truyền bá và sáng tạo tri thức.            Khó khăn của các trường đại học Ấn độ trên đường tiến lên đẳng cấp quốc tế đến từ nhiều nhân tố khác nhau, từ nguồn lực đến văn hóa và thể chế, nhưng có thể nói chừng nào triết lý “bán lẻ tri thức” chưa thay đổi thì những nhân tố ấy chưa thể cải thiện và Ấn độ chưa thể có được những trường đại học nghiên cứu thực sự. Kết luận           Con đường tiến đến vị trí đẳng cấp thế giới của các trường đại học trong những nước đang phát triển có muôn ngàn thử thách, con đường của Ấn độ còn khó khăn hơn bội phần, vì nhiều lý do: 1/ Văn hóa thuộc địa ăn sâu trong lề lối suy nghĩ của người Ấn và gắn chặt vào hệ thống giáo dục đại học của Ấn độ, một nền văn hóa thiên về chấp nhận hiện trạng và một nền giáo dục đào tạo ra những người phục vụ tức thời cho sự phát triển nền kinh tế thay vì đào tạo ra những người sáng tạo và làm chủ xã hội; 2/một hệ thống quản trị mang tính chất toàn trị với sự can thiệp quá sâu của nhà nước vào công việc nội bộ của các trường; 3/một nguồn lực quá yếu so với Trung Quốc hay Hoa Kỳ. Nếu như vai trò của một trường đại học thực sự theo khuôn mẫu lâu đời ở phương Tây là giữ gìn, truyền bá và sáng tạo tri thức, thì Ấn độ cho đến nay chỉ làm được việc giữ gìn và truyền bá tri thức. Từ bán lẻ tri thức tiến đến ĐHĐCQT là một chặng đường rất xa và so với các nước đang phát triển khác, Ấn độ còn thiếu cả cái quyết tâm mạnh mẽ, dù rằng quyết tâm của chính phủ là điều rất quan trọng nhưng vẫn chưa đủ để tạo ra chuyển biến có ý nghĩa cho các trường đại học Ấn. TÀI LIỆU THAM KHẢO  Altbach G. Philip (2005). “Higher Education in India”. Hindu April 12 Altbach G. Philip (2007). “World-Class Country without World-Class Higher Education: India's 21st Century Dilemma” Basu, A. 2002. “Indian Higher Education: Coloniaslism and Beyond” In From dependence to autonomy; The development of Asian Universities. Ed. P.G. Altbach, Boston College N. Jayaram (2008). “Beyond Retailing Knowledge: Prospect of Research Oriented Universities in India”. for_India_1426/ CHARU SUDAN KASTURI. “India at foreign door for varsity - Appeal for help after half a century”. The Telegraph 28-5-2008

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docẤn Độ- Từ bán lẻ trí thức tiến lên đại học đẳng cấp quốc tế.doc
Luận văn liên quan