MỤC LỤC
I. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ ĐÔ THỊ HÓA 1
1. Khái niệm và đặc điểm về đô thị. 1
1.1 Một số khái niệm. 1
1.2 Những đặc điểm kinh tế xã hội của đô thị. 1
2. Khái niệm và đặc điểm đô thị hoá. 2
2.1 Khái niệm đô thị hoá: 2
2.2 Đặc điểm đô thị hóa: 3
3. Đất đô thị. 3
3.1 Khái niệm: 3
3.2 Đăc điểm của đất đô thị: 4
II. ẢNH HƯỞNG CỦA QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA ĐỐI VỚI CÁC HỘ DÂN BỊ MẤT ĐẤT Ở NGOẠI THÀNH HÀ NỘI 4
1.Ảnh hưởng tích cực 4
2. Ảnh hưởng tiêu cực. 9
2.1. Ảnh hưởng tới việc làm của người dân ở ngoại thành : 9
2.2 Ảnh hưởng tới môi trường, môi sinh và diện tích đất canh tác : 11
2.3. Ảnh hưởng tới văn hóa Làng và làng nghề truyền thống : 13
III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP 16
1. Kinh tế: 17
2. Văn hóa 17
3. Xã hội 17
20 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3929 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Ảnh hưởng đô thị hóa đến các hộ nông dân bị mất đất ở Ngoại Thành Hà Nội, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
I. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ ĐÔ THỊ HÓA
1. Khái niệm và đặc điểm về đô thị.
1.1 Một số khái niệm.
Đô thị là một không gian cư trú của cộng đồng người sống tập trung và hoạt động trong những khu vực kinh tế phi nông nghiệp (Từ điển Bách khoa Việt Nam, NXB Hà Nội, 1995).
Đô thị là nơi tập trung dân cư, chủ yếu lao động phi nông nghiệp, sống và làm việc theo kiểu thành thị (Giáo trình quy hoạch đô thị, ĐH Kiến trúc, Hà Nội).
Đô thị là điểm tập trung dân cư với mật độ, chủ yếu là lao động nông nghiệp, cơ sơ sở hạ tầng thích hợp, là trung tâm tổng hợp hay trung tâm chuyên ngành có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của một vùng trong tỉnh hoặc trong huyện (Thông tư 31/TTLD, ngày 20/11/1990 của liên Bộ Xây dựng và ban tổ chức cán bộ chính phủ).
Như vậy, đô thị là điểm dân cư tập trung với mật độ cao, chủ yếu là lao động phi nông nghiệp, có hạ tầng cơ sở tích hợp, là trung tâm tổng hợp hay chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của cả một miền đo thị, của một đô thị, một huyện hoặc một đô thị trong huyện.
1.2 Những đặc điểm kinh tế xã hội của đô thị.
Thứ nhất, đô thị là nơi tập trung nhiều vấn đề và có tính toàn cầu:
- Vấn đề môi trường: Tốc độ tăng quá nhanh về công nghiệp hoá và đô thị hoá dấn đến phá huỷ một phần môi trường sinh thái, gây ô nhiễm môi trường...trong khi khắc phục các sự cố rất chậm chạp, không đầy đủ vì nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân quan trọng là tài chính hạn chế, nhận thức chưa đầy đủ.
- Vấn đề dân số: Tốc độ gia tăng quá nhanh về dân số và dân số đô thị, hai hướng chuyển dịch dân cư là chuyển dịch theo chiều rộng và theo chiều sâu diễn ra song song.
- Vấn đề tổ chức không gian và môi trường: Quy mô dân số đô thị tập trung quá lớn so với trình độ quản lý, dẫn đến không điều hoà gây bế tắc trong tổ chức môi trường sống đô thị.
Thứ hai, quan hệ thành thị và nông thôn luôn tồn tại, ngày càng trở nên quan trọng.
Thứ ba, hệ thống thị trường đô thị với những đặc trưng riêng biệt:
- Thị trường đô thị là một hệ thống hoặc địa điểm, ở đó diẽn ra việc mua bán, trao đổi hàng hoá và dịch vụ.
- Những thị trường chủ yếu của đô thị bao gồm: Thị trường lao động, thị trường đất và bất động sản, thị trường giao thông, thị trường hạ tầng đô thị, thị trường dịch vụ, thị trường tài chính.
Thứ tư, đô thị như một nền kinh tế quốc dân: Vì đô thị cũng được giới hạn về mặt hành chính, hoạt động của nó có tính độc lập tương đối.
Thứ năm, đô thị mang tính kế thừa của nhiều thế hệ cả về cơ sở vật chất, kinh tế và văn hóa. Nền văn hoá được kế thừa và phát triển với bản sắc dân tộc Việt Nam.
2. Khái niệm và đặc điểm đô thị hoá.
2.1 Khái niệm đô thị hoá:
Đô thị hoá chứa đựng nhiều hiện tượng và nhiều biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, vì vậy có thể nêu khái niệm dưới nhiều góc độ.
- Trên quan điểm một vùng: đô thị hoá là một quá trình hình thành, phát triển các hình thức và điều kiện sống theo kiểu đô thị. Theo quan điểm này thì tốc độ đô thị hóa, trình độ đô thị hoá nhằm mô tả diến biến, tình trạng của quá trình. Tốc độ đô thị hoá có thể có hai nghĩa:
+ Trên góc độ thống kê người ta thường so sánh quy mô đô thị về mặt dân số, so sánh kinh tế giữa các thời kỳ để xác định quy mô tăng thêm trong thời kỳ nhất định.
+ Trên góc độ kinh tế - xã hội ta có thể hiểu nó như là tỷ lệ dân số đô thị trong tổng dân số ở một thời điểm nhất định.
- Trên quan điểm kinh tế quốc dân: Đô thị hoá là một quá trình biến đổi về sự phân bố các yếu tố lưc lượng sản xuất, bố trí dân cư những vùng không phải đô thị thành đô thị.
Đô thị hoá là sự quá độ từ hình thức sống nông thôn lên hình thức sống đô thị. Kết thúc thời kì quá độ thì các điều kiện tác động đến đô thị hoá cũng thay đổi và xã hội sẽ phát triển trong điều kiện mới... đặc biệt là thay đổi cơ cấu dân cư.
2.2 Đặc điểm đô thị hóa:
- Đô thị hoá mang tính xã hội và lịch sử và là sự phát triển về quy mô, số lượng, nâng cao vai trò của đô thị trong khu vực và hình thành các chùm đô thị.
- Đô thị hoá gắn liền với sự biến đổi sâu sắc về kinh tế - xã hội của đô thị và nông thôn trên cơ sở phát triển công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, dịch vụ...do vậy, đô thị hoá không thể tách rời với chế độ kinh tế - xã hội.
- Đô thị hoá nông thôn: Là xu thế bền vững có tính quy luật, là quá trình phát triển nông thôn và phổ biến lối sống thành phố cho nông thôn. Thực chất đấy là tăng trưởng đô thị theo xu hướng bền vững.
- Đô thị hoá ngoại vi: Là quá trình phát triển mạnh vùng ngoại vi của thành phố do kết quả phát triển công nghiệp, và cơ sở hạ tầng... tạo ra các cụm đô thị... góp phần đẩy nhanh đô thị hoá nông thôn.
- Đô thị hoá giả tạo: Là sự phát triển thành phố do tăng quá mức dân cư đô thị và do dân cư từ các vùng khác đến, đặc biệt là từ nông thôn... dẫn đến tình trạng thất nghiệp, thiếu nhà ở, ô nhiễm môi trường, giảm chất lượng cuộc sống...
3. Đất đô thị.
3.1 Khái niệm:
- Trên phương diện luật pháp: Đất đô thị là đất được các cấp thẩm quyền phê duyệt cho việc xây dựng đô thị.
- Trên phương diện chất lượng: Đất đô thị là đất có mạng lưới hạ tầng cơ sở về đường sá, cống thoát nước, hệ thống cấp nước sạch, cấp điện.
Trên phương diện hành chính, đất đô thị chia ra: Đất nội thành, nội thị, thị trấn, thị tứ.
3.2 Đăc điểm của đất đô thị:
- Đất thuộc sở hữu Nhà nước.
- Việc sử dụng đất ở Việt Nam tuân theo Luật đất đai năm 1993.
- Đất đô thị là tư liệu sản xuất đặc biệt, thể hiện ở diện tích có hạn, đất không di chuyển được, không thuần nhất về chức năng, vị trí, không bị hao mòn.
- Trên một lô đất có thể sử dụng vào các chức năng khác nhau, giá trị mỗi lô đất chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, trong đó có cả chức năng của cả các lô đất xung quanh.
- Trên cùng mảnh đất có thể có nhiều đối tượng cùng hưởng lợi: chủ đất, chủ nhà .
- Việc sự dụng đất đô thị phải tuân theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt, tôn trọng các quy định về môi trường, mỹ quan đô thị.
- Xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật khi sử dụng.
- Mức xây dựng nhà ở của mỗi hộ phải tuân theo quy định của Chính phủ. Chính phủ quy định diện tích đất tối đa cho mỗi hộ tuỳ theo từng đô thị, từng khu vực.
II. ẢNH HƯỞNG CỦA QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA ĐỐI VỚI CÁC HỘ DÂN BỊ MẤT ĐẤT Ở NGOẠI THÀNH HÀ NỘI
1.Ảnh hưởng tích cực
Quá trình đô thị hoá làm cho đất đai thu hẹp dần. Tuy nhiên, bên cạnh những ảnh hưởng tiêu cực còn có những mặt tích cực tác động đến 5 huyện ngoại thành Hà Nội bị ảnh hưởng bởi mất đất do quá trình đô thị hoá mang lại.
Để có thể thấy được các tác động của quá trình đô thị hóa, ta sẽ xem xét vấn đề này trên nhiều khía cạnh như: về kinh tế, về chính trị, về cơ sở hạ tầng và về văn hoá xã hội.
-Về kinh tế: Mặc dù bị mất đất kéo theo tình trạng thất nhiệp ngày một tăng nhưng đó chỉ là một mặt của vấn đề. Có thể dễ dàng nhận thấy ngay được rằng đô thị hoá đã mang lại cho các huyện ngoại thành Hà Nội một diện mạo kinh tế mới như: xuất hiện các khu công nghiệp tập trung, nhiều nhà máy được xây dựng lên...một số lao động được giải quyết việc làm ngay tại địa phương mình nên có điều kiện rất thuận lợi. Mặt khác, do có nhiều khu công nghiệp nên thu hút được lao động của cả những địa phương khác tạo ra lợi thế so sánh cho chính các vùng này so với các vùng xung quanh, nhu cầu về nhà ở cho thuê cũng tăng tạo ra các dịch vụ về nhà ở và dich vụ ăn uống phát triển góp phần làm tăng thu nhập của những hộ dân bị mất đất và giải quyết được tình trạng thất nghiệp tạm thời khi họ nhận được tiền từ việc bị thu hồi đất mà chưa biết làm gì để chuyển đổi nghề nghiệp. Một ưu điểm nữa đó là cơ cấu các ngành kinh tế đang dần có những chuyển biến tích cực theo xu hướng chung: tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Nói chung trong tương lai thì tỷ trọng lao động phi nông nghiệp sẽ cao hơn hiện tại.
“Theo điều tra cơ bản, toàn quận Long Biên có hơn 131.000 lao động, chiếm 72% dân số, trong đó số người thất nghiệp chiếm 5,84% và số người đang đi học là 18,81%.
Để tạo việc làm cho số lao động này, nhất là ở khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh, người dân bị mất đất sản xuất, quận Long Biên dự kiến sẽ phát triển thêm một số trung tâm thương mại, thiết lập hệ thống thông tin giữa các nhà tuyển dụng với người lao động và đầu tư xây dựng các trung tâm dạy nghề thuộc quận. Dự kiến năm 2005 quận sẽ tạo việc làm cho 4.200 đến 4.500 người; năm 2006 là 5.000 người và đến năm 2010 sẽ là trên 8.000 người.”
“Thành phố Hà Nội tập trung đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp vừa và nhỏ tại các huyện ngoại thành.
Khu công nghiệp tập trung vừa và nhỏ Vĩnh Tuy được xây dựng trên địa bàn huyện Thanh Trì có diện tích 12 ha, tổng vốn đầu tư là 34,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố hỗ trợ 5,9 tỷ đồng.
Ở huyện Gia Lâm có Khu công nghiệp vừa và nhỏ Phú Thị, diện tích 14,82 ha, tổng vốn đầu tư hơn 31,1 tỷ đồng, ngân sách thành phố hỗ trợ gần 4,6 tỷ đồng. UBND thành phố đã cấp giấy chấp nhận địa điểm, diện tích đất cho thuê 19 doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư 139,4 tỷ đồng.
Huyện Đông Anh có Khu công nghiệp vừa và nhỏ tại xã Nguyên Khê, diện tích giai đoạn 1 là 18,5 ha, vốn 47 tỷ đồng.”
- Về chính trị: Tình hình chính trị tại các huyện ngoại thành cũng có nhiều nét mới. Đô thị hoá là một quá trình chuyển đổi từ những cái cũ sang cái mới, từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, từ lạc hậu đến hiện đại và văn minh, vì thế những yêu cầu trong công tác chính trị cũng cần được thay đổi cho phù hợp với sự thay đổi của cả vùng để quản lý tốt việc phát triển địa phương trong quá trình đô thị hoá. Cụ thể là mỗi địa phương đã và đang hoàn thiện về công tác Đoàn thể, công tác Đoàn Thanh niên xây dựng và củng cố chính quyền địa phương vững mạnh để đối phó với các vấn đề nảy sinh trong quá trình đô thị hoá... Huyện Từ Liêm trước đây chủ yếu là đất nông nghiệp, từ khi thành phố Hà Nội quy hoạch một phần diện tích đất ở đây để xây các công trình trọng điểm Quốc gia như: Trung tâm Hội nghị Quốc gia, sân vận động Quốc gia Mỹ Đình thì vấn đề an ninh và chính trị cũng được sự quan tâm của chính quyền thành phố dành cho huyện Từ Liêm.
- Về cơ sở hạ tầng: Do được sự đầu tư mạnh mẽ của các đơn vị đầu tư vào việc xây dựng các khu công nghiệp mà vấn đề giao thông và hệ thống cấp thoát nước, lưới điện là vấn đề cấp bách mang tính sống còn đối với các doang nghiệp nên hệ thống cơ sở hạ tầng ở đây rất phát triển. Hệ thống đường giao thông nông thôn trước kia toàn là đất đá không đảm bảo về mặt kỹ thuật thì giờ đây hầu hết những tuyến giao thông trong địa phương đã được bê tông hoá hoàn toàn, điện và nước máy sạch được cung cấp đến từng hộ dân, dân cư tập trung đông ở quanh các cụm công nghiệp kéo theo dịch vụ về nhà ở, ăn uống, giải trí...phát triển mạnh mẽ. Nhà ở cố định và các công trình kiến trúc phục vụ đời sống dân cư được tạo ra ngày càng nhiều, đặc biệt là cỏ sở hạ tầng thông tin như: trường học, bệnh viện, dịch vụ internet, khách sạn, quán bar, nhà nghỉ, bưu điện, công viên... Cơ sở hạ tầng không những được đầu tư nhiều mà còn thể hiện được tính quy hoạch dài hạn trong tương lai.
“Nhìn lại 5 năm thực hiện chương trình 12 của Thành uỷ (khoá XIII) về phát triển kinh tế ngoại thành và từng bước hiện đại hoá nông thôn giai đoạn 2001-2005, có thể nhận xét chung là kinh tế ngoại thành đã phát triển rõ nét. Cơ sở hạ tầng được cải thiện; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, dần hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung; đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được cải thiện rõ rệt. Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế ngoại thành 5 năm qua tăng bình quân 13,13%/năm. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch theo hướng tiến bộ, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.”
“Huyện Từ Liêm cũng đang hoàn thành kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp vừa và nhỏ tại xã Minh Khai, diện tích đất 21 ha, tổng số vốn đầu tư 67,8 tỷ đồng.”
- Về văn hoá-xã hội: Các hoạt động văn hoá ngày càng đa dạng và phong phú, đưa các chương trình văn nghệ quần chúng vào phong trào chung của mỗi làng, xóm, thôn, xã, thực hiện tốt cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, tăng cường kiểm tra các hoạt động văn hoá. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp các trạm phát lại truyền hình, trạm phát sóng FM ở các huyện, mở rộng đến một số trung tâm cụm xã, phủ sóng phát thanh vùng lõm, khôi phục lại hệ thống phát thanh ở thôn, xã; nâng cao số hộ được nghe đài tiếng nói Việt Nam và xem truyền hình Việt Nam.
Xây dựng phong trào thể dục thể thao quần chúng rộng khắp, đào tạo và bồi dưỡng được một số môn có thành tích cao là thế mạnh của địa phương; quy hoạch, xây dựng từng bước sân vận động, sân thể thao ở trung tâm các huyện.
Đẩy mạnh các hoạt động y tế dự phòng, xây dựng và nâng cấp trang thiết bị cơ sở y tế tương đối hiện đại cho các bệnh viện và phòng khám đa khoa, trang bị đủ trang thiết bị cho trạm xá xã theo tiêu chuẩn quy định. Thực hiện xã hội hoá lĩnh vực y tế theo hướng khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện mở bệnh viện hoặc phòng khám chữa bệnh. Thực hiện xã hội hoá lĩnh vực y tế theo hướng khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện mở bệnh viện hoặc phòng khám chữa bệnh. Tăng cường công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, phòng chống dịch bệnh, giải quyết tốt vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ y tế cho các xã nghèo, đảm bảo công bằng trong khám chữa bệnh cho nhân dân; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống 25,5%. Thực hiện tốt chương trình dân số - kế hoạch hoá gia đình, tăng cường công tác truyền thống, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ sinh sản ở các xã, vùng đặc biệt khó khăn; bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; phấn đấu giảm tỷ lệ sinh 0,5%, tỷ lệ tăng dân số 1,05%.
Thực hiện các giải pháp tăng nhanh khả năng thu hút lao động đi đôi với điều chỉnh từng bước cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn lao động. Khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân chuyển giao kỹ thuật sản xuất mới, phát triển ngành nghề, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Mở rộng hình thức đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn. Lồng ghép có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, huy động tốt các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, các xã nghèo; tăng vốn tín dụng cho vay ưu đãi hộ nghèo, vốn giải quyết việc làm, tiến hành xây dựng một số mô hình xoá đói giảm nghèo, thực hiện tốt các chính sách xã hội đối với hộ nghèo. Tăng cường các biện pháp trấn áp mạnh mẽ, tạo ra những chuyển biến lớn trong công tác phòng chống tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma tuý, mại dâm; phát động phong trào toàn dân tham gia phòng chống các tệ nạn xã hội, truy quét mạnh các ổ, nhóm, tổ chức tội phạm liên quan tới ma tuý, mại dâm.
2. Ảnh hưởng tiêu cực.
Quá trình đô thị hóa đã và đang diễn ra mạnh mẽ, đây là một bước quan trọng trong công cuộc Công nghiệp hóa - Hịên đại hóa đất nước. Tuy vậy, bên cạnh những tác động tích cực mà quá trình này đem lại, Đô thị hóa vẫn đang trực tiếp tạo ra rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực, và trực tiếp ảnh hưởng tới những người dân mất đất ở ngoại thành. Sau đây nhóm nghiên cứu chúng tôi sẽ phân tích những tác động tiêu cực này trên ba phương diện :
Việc làm
Môi trường, môi sinh và diện tích canh tác
Văn hóa làng truyền thống
2.1. Ảnh hưởng tới việc làm của người dân ở ngoại thành :
Đại đa số người dân ở ngoại thành là nông dân, họ sinh sống và làm ăn trên những thửa ruông trồng lúa, hoa màu ...Quá trình đô thị hoá đã làm cho đất đai thu hẹp dần. Cùng với đó, người nông dân vốn đã quen với các công việc của nghề nông nay rơi vào cảnh không biết tìm việc gì phù hợp để kiểm sống… Hiện nay, cùng với tốc độ đô thị hoá, hình thành các khu công nghiệp (KCN) thì số nông dân không còn đất canh tác ngày càng nhiều. Chỉ tính riêng 115 KCN ở 42 tỉnh, thành phố đã mất 23.000 ha đất trồng trọt, phần lớn bờ xôi, ruộng mật, làm ăn dễ dàng, giao thông thuận lợi… Theo dự kiến, diện tích đất bị thu hồi giai đoạn 2006 – 2010 sẽ là 331.430 ha, cũng có nghĩa là sẽ có 2,5 triệu nông dân mất việc.
Theo Hội Nông dân Việt Nam, trong những năm qua, do quá trình đô thị hoá, đất đai thu hẹp dần, nhiều nông dân trở nên mất đất. Tình trạng thiếu việc làm trở nên bức xúc đối với hội viên nông dân. Đơn cử như huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội, trong quy hoạch sẽ có 11.500 ha đất nông nghiệp bị thu hồi, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có hàng nghìn lao động thiếu việc làm.Tại tỉnh Hà Tây, thống kê cho thấy chỉ có 30% lao động trong vùng bị thu hồi đất có việc làm. Ở xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, trong số 1.200 lao động bị thu hồi đất, mới có 150 người có việc làm ổn định. Còn ở khu công nghiệp Quốc Oai và Chương Mỹ, mới có 50 lao động trên tổng số 2.000 lao động có nhu cầu làm việc được khu công nghiệp tiếp nhận.
Vậy do đâu mà có tình trạng các khu công nghiệp thì mở ra ồ ạt, lao động thiếu trong khi nông dân lại không có việc làm. Điều đầu tiên được nêu ra, đó chính là do sự đòi hỏi về chất lượng của nguồn cung lao động, tức là lao động được đào tạo bài bản và có trình độ tay nghề cao, còn người nông dân thì lại không đáp ứng được yêu cầu đó.
Theo ông Phạm Văn Châm, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện Đông Anh, khi các dự án khu công nghiệp hình thành, huyện yêu cầu Ban quản lý các dự án ưu tiên sử dụng lao động địa phương nơi bị thu hồi đất, bố trí họ vào làm các công việc phù hợp. Lao động vào làm trong khu công nghiệp cần phải được đào tạo đến nơi đến chốn. Huyện Đông Anh đã thành lập trung tâm đào tạo nghề cho nông dân, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở văn phòng tuyển lao động tại chỗ, đào tạo nghề cho nông dân để tránh thông qua các khâu trung gian. Tuy nhiên, số lao động tham gia rất ít bởi nhiều người đã quá tuổi đào tạo. Mặc khác, một số đông lao động sau khi đào tạo xong vào làm ở các nhà máy có thu nhập rất thấp.Còn ở tỉnh Hoà Bình, hiện nay đa số lao động đã quen với công việc của nghề nông. Vì vậy, khi đào tạo để làm việc trong khu công nghiệp đã gặp nhiều khó khăn. Chỉ đơn cử đào tạo vào làm nghề may, có tới 80% số lao động phải đào tạo lại. Ở xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, khi xây dựng dự án sân golf, xã mất 300 ha đất, nhưng hiện nay số lao động được đào tạo nghề có việc làm không đáng kể.
Các cấp chính quyền đã có biện pháp khắc phục và hợp tác với chủ đầu tư các khu công nghiệp để cùng nhau giải quyết vấn đề việc làm cho người nông dân. Nhưng như một thực trạng nhức nhối , nông dân vẫn thiếu việc làm trầm trọng sau khi ruộng đất nông nghiệp của họ bị thu hồi hay chuyển đổi mục đích sử dụng. Tại huyện Đông Anh, trước khi lấy đất, chính quyền địa phương và các chủ doanh nghiệp đều hứa và hơn thế còn cam kết là sẽ nhận tỷ lệ khá cao thanh niên và người lao động trên địa bàn vào làm việc tại doanh nghiệp. Nhưng phần lớn lời hứa đều “gió bay”, các chủ đầu tư thường “ngoảnh mặt”, không nhận lao động tại địa phương theo cam kết, nếu có nhận chỉ là chiếu lệ rồi lại sa thải không thương tiếc bởi cái cớ là họ không có tay nghề, không đáp ứng được công nghệ mới; nên phải tuyển lao động các nơi khác đến. Một số chủ dự án đầu tư vào Hoà Bình cho biết: lao động có tay nghề ở địa phương này rất thiếu, khi tiếp nhận vào phải đào tạo thời gian dài hơn, ý thức kỷ luật của những người dân cũng rất hạn chế. Điều này cũng không thể đổ trách nhiệm hoàn toàn cho các chủ dự án, bởi vì rõ ràng là nông dân Việt Nam ý thức làm việc theo giờ giấc và tác phong công nghiệp chưa cao. Bên cạnh đó, còn có một thực tế là người nông dân cũng không có dự định đi học nghề. Theo khảo sát của Sở Lao động - Thương binh - Xã hội tỉnh Bắc Ninh, một tỉnh có khá nhiều đất nông nghiệp bị thu hồi, người dân ở đây sử dụng phần lớn số tiền đền bù vào xây dựng nhà cửa, mua sắm phương tiện sinh hoạt chứ không dùng để đào tạo, chuyển nghề. Điều này rất đáng lo ngại cho những người nông dân mất đất sản xuất.Tương tự, ở xã Phụng Công (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), khi dự án xây dựng khu đô thị Thương mại - Du lịch, sẽ có 600/800 mẫu đất bị thu hồi, hàng trăm lao động nơi đây sẽ rơi vào cảnh không biết tìm việc gì để mưu sinh. Đó là chưa nói đến nhiều nơi sau khi được nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng, thiếu việc làm đã nảy sinh tệ nạn xã hội làm mất đi sự yên tĩnh của một vùng quê. Hầu hết các hộ nông dân sau khi bị thu hồi ruộng đất đời sống khó khăn do không có việc làm, mà “miệng ăn núi lở”.Nếu không có giải pháp giúp bà con nông dân đồng hành cùng quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá thì chính người nông dân là đối tượng phải chịu thiệt thòi nhất trong quá trình phát triển của đất nước.
2.2 Ảnh hưởng tới môi trường, môi sinh và diện tích đất canh tác :
Bây giờ đi ra các vùng ngoại thành Hà Nội sẽ thấy một sự thay đổi đến chóng mặt: ruộng, hồ, ao đang dần bị san lấp để xây dựng. Nhà cửa mọc lên san sát. Hình ảnh êm đềm của làng quê sau lũy tre làng không còn nữa. Việc xây dựng đang trong tình trạng tự phát, không theo một qui hoạch nào khá rõ. Qúa trình đô thị hóa trong thời gian vừa qua có phần vô tổ chức đã làm cho Hà Nội trở thành một đô thị có mức độ ô nhiễm ngày càng cao, môi trường xung quanh con người trở nên ngột ngạt, khả năng tiếp xúc với thiên nhiên trong đô thị ngày càng giảm. Các không gian nghỉ ngơi, giải trí cận kề khu ở đang bị "đánh cắp" ngang nhiên và gần như biến mất cùng với sự xây dựng bừa bãi.
Ở một số tỉnh thành phố khác như Điện Biên , Tp Hồ Chí Minh thì lại có một thực tế như sau.Thành phố Điện Biên Phủ là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá của tỉnh, hiện đang trong thời kỳ xây dựng, phát triển. Diện tích tự nhiên của thành phố chiếm 0, 63 %, đã đưa vào sử dụng xây dựng cở sở hạ tầng, quy hoạch sản xuất nông nghiệp, trồng rừng, nuôi trồng thuỷ sản. Năm 2005, diện tích tự nhiên tăng thêm 912 ha do điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính. Để xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, quan điểm của lãnh đạo thành phố là khai thác triệt để quỹ đất, mở rộng ra 4 hướng với các khu chức năng: công nghiệp, dịch vụ công cộng, du lịch nghỉ dưỡng, công viên cây xanh. Ông Nguyễn Đức Đuyện, Phó chủ tịch UBND thành phố cho biết: đến năm 2015, dân số thành phố có 51.000 người, 1.600 hộ phát sinh nhu cầu sử dụng đất. Hiện tại quỹ đất rất hạn hẹp, nên phải chuyển đổi 650 ha đất nông nghiệp, lâm nghiệp sang phát triển đô thị, tạo thêm sức ép mới cho công tác quy hoạch sử dụng đất. Như vậy, trước mắt người dân một số khu vực ngoại thành bị mất đất sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống. Còn ở TP Hồ Chí Minh, theo PGS TS Trần Thị Thu Lương cho biết, từ năm 2000 đến nay, tỷ lệ đất nông nghiệp ở vùng ven và ngoại thành như quận 2, 9, 7, Thủ Đức, Bình Tân… giảm mạnh. Trong tình hình đó, đất phi nông nghiệp tăng đáng kể, trong đó có đất đô thị, nhà ở. Theo thống kê, danh sách các quận huyện có diện tích đất ở lớn hơn 1.000 ha đều nằm ở các quận mới như quận 2 (1.402 ha), quận 7 (1.267 ha), Bình Tân (1.219 ha), Thủ Đức (1.321 ha)…
Kèm theo đó, mảng xanh của TP cũng bị “teo” đáng kể. PGS TS Nguyễn Minh Hòa cho rằng, sự tồn tại của phần nông nghiệp, nông thôn trong một đô thị lớn như TPHCM là rất cần thiết, nhưng vấn đề là tồn tại như thế nào. Đến nay, thành phố vẫn chưa có một chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn trong đô thị một cách hoàn chỉnh. Ông Hòa nhấn mạnh: Chúng ta đã quá vội vã nên đã làm mất vành đai xanh và khái niệm ngoại thành không còn nữa. “Nông dân” ở những vùng này đón nhận sự đô thị hóa như thế nào? Theo số liệu tại cuộc hội thảo, qua nghiên cứu ở ngoại thành TPHCM và các tỉnh lân cận, có đến 30% nông dân không muốn trở thành thị dân như kiểu hiện nay mặc dù họ muốn hưởng các thành tựu của công nghiệp như điện, nước, dịch vụ xã hội… Nhiều nước trên thế giới đang diễn ra phong trào “chạy trốn đô thị”, họ tiếc vì ta đã vội vàng xóa bỏ mảng cây xanh, những vùng đất yên bình trong lòng TP mà có thể đến khi cần thì phải đi xa mới có được.
2.3. Ảnh hưởng tới văn hóa Làng và làng nghề truyền thống :
Vùng đồng bằng Bắc Bộ nơi có con sông Hồng chảy qua trải rộng trên diện tích 17000m2. Để chiếm lĩnh vùng châu thổ này, con người đã bỏ ra biết bao mồ hôi và cả nước mắt trong việc chế ngự dòng nước tạo ra địa bàn sản xuất và cư trú qua nhiều nghìn năm. Công cuộc trị thuỷ trên địa bàn rộng lớn này là cả một cuộc đấu tranh đầy cam go để có thể tạo dựng nên các làng xóm, làm nên môi trường cư trú chứa đựng cả một bộ phận to lớn các cộng đồng dân cư với tất cả lề lối làm ăn và sinh sống. Chính từ đây nảy sinh một nền văn hoá lúa nước rất phong phú, làm nên những giá trị quan trọng nhất của văn hoá Việt Nam.
Quá trình định cư tại vùng châu thổ này được triển khai sớm ở phần phía Bắc (Việt Trì, Phú Thọ, Vĩnh Yên) và dần dần mở rộng về phía Nam cho tới vùng giáp biển. Tại Việt Trì, thành phố nằm cách bờ biển 160km nhưng độ cao địa hình cũng chỉ ở mức 15m. Vậy nên toàn vùng châu thổ là một vùng đất thấp, sông ngòi có nhiều khúc uốn lượn đã tạo nên quá trình bồi đắp và những dải đất nhô cao để theo đó con người tạo dựng nơi cư trú của mình. Đó chính là cơ sở cho sự hình thành các làng nghề truyền thống ở nước ta, nơi còn chứa đựng tới trên 70% dân cư của toàn vùng.
Phương thức sống dựa trên nền tảng nghề trồng cấy lúa nước qua nhiều nghìn năm đã trở thành yếu tố đặc trưng cho phối những quan hệ ứng xử của người dân từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội. Đó cũng chính là những đặc trưng của văn hoá xóm làng, của cộng đồng đã có tầm ảnh hưởng rộng lớn và chi phối đến diện mạo xã hội, chi phối những cách thức và truyền thống tổ chức quốc gia và cũng từng bước định hình tính cách con người Việt Nam. Xóm làng ở nước ta đã có nhiều kiểu thức tập hợp với các dạng tổ chức cộng đồng hết sức phong phú như tập hợp theo truyền thống, theo địa vực, theo nghề nghiệp, theo giới hoặc theo lứa tuổi, theo những cộng đồng cùng quyền lợi khác.
Sống với nghề trồng lúa nước, các làng xóm cùng đồng bằng Bắc Bộ luôn gắn bó với cánh đồng của mình. Đây cũng chính là nơi đã làm ra của cải vật chất cho xã hội, là cơ sở chủ yếu cho sự trường tồn của quốc gia. Tuỳ theo địa hình cao thấp mà cách thức canh tác có khác nhau nhưng mối quan tâm để có được nguồn nước tưới bao giờ cũng nằm ở vị trí hàng đầu. Chính từ trên địa bàn này, với đức tính cần cù, siêng năng “một nắng hai sương”, người nông dân cần cù là động lực chính cho sự phát triển về mọi mặt kinh tế và văn hoá của xã hội. Vì vậy khi nhìn nhận về cấu trúc quy hoạch làng truyền thống không thể xét đến địa bàn sản xuất như một nhân tố sống còn của làng. Làng có thịnh vượng hay không một phần quan trọng là từ cánh đồng này, và nay khi việc phát triển công nghiệp đã xâm lấn vào các cánh đồng thì đó cũng chính là một nguy cơ cho sự sống còn của chính ngôi làng gắn với cánh đồng đó.
Khai thác các nguồn lợi từ đất đai thông qua cây lúa đã tạo ra nguồn sống chính cho làng xóm và đây cũng là cơ sở để hình thành nên những ngôi làng thuần nông.
Bên cạnh đó người ta còn biết khai thác từ đất các nguồn lợi khác như các sản vật mây, tre, gỗ, cây thực phẩm và cây ăn quả, các nguồn lợi thuỷ sản và thậm chí ngay cả từ chính các khoáng vật từ đất. Đó chính là cơ sở hình thành các làng nghề: mây tre, đan lát, dệt vải, gốm sứ... Cơ sở sản xuất của các làng nghề có thể nằm trên cánh đồng hoặc xen lẫn trong khu cư trú và từ đó trong cấu trúc quy hoạch làng xóm. Một bộ phận thứ hai không kém phần quan trọng đó là các cơ sở sản xuất thủ công với nhiều loại nghề khác nhau. Nhiều làng đã giùa lên chính nhờ vào các nghề thủ công này. Nó giúp cho người làm ruộng sử dụng được triệt để hơn sức lao động của mình bởi việc trồng lúa nước mang tính thời vụ và có nhiều lúc rảnh rỗi, tức thời gian nông nhàn. Tuy nhiên khi đi vào quá trình đô thị hoá thì nghề thủ công trong các làng nghề truyền thống cũng đang đứng trước các thử thách của việc sống còn mà không phải mọi loại hình nghề thủ công nào đều có thể vượt qua được. Chuyện tồn tại của làng nghề thủ công là phụ thuộc vào khả năng cạnh tranh của các sản phẩm được làng sản xuất ra. Mặc dù đã có nhiều cố gắng cải tiến mẫu mã nhưng thực tế cho thấy số làng nghề cạnh tranh được không phải là nhiều lắm. Phần lớn các làng tiến hành sản xuất với công nghệ lạc hậu kéo theo hậu quả nặng nề về ô nhiễm môi trường, là một khó khăn lớn mà rất ít làng đã vượt qua được. Nhiều tài liệu điều tra đã cung cấp những hình ảnh không mấy sáng sủa về tương lai tồn tại và phát triển của các làng nghề truyền thống.
Việc nhìn nhận về sự thu hẹp diện tích canh tác và khả năng cạnh tranh kém của các sản phẩm thủ công chính là để làm rõ mối nguy cơ của làng truyền thống trong qúa trình xã hội đi vào thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Tình trạng người nông dân không có đủ việc làm chính là mối nguy cơ lớn nhất đe doạ sự tồn tại của các làng nghề truyền thống.
Mọi biện pháp nhằm tăng thêm việc làm ở khu vực nông thôn giúp cho nông dân mất đất sản xuất nhưng vẫn không bỏ làng đi vào thành phố kiếm việc làm đang được nhiều địa phương triển khai nhưng khó khăn gặp phải không ít, vì thế nguy cơ làng truyền thống mất đi các giá trị truyền thống vẫn là một nguy cơ to lớn.
Trên thực tế, tình hình mất đất sản xuất đã dẫn tới việc đảo lộn về đời sống người nông dân và cũng là nguyên nhân dẫn tới việc phá vỡ cấu trúc của ngôi làng truyền thống. Người nông dân có đất bị thu hồi (đối với đất sản xuất) hoặc được mua lại qua phương thức chuyển nhượng trong tay, không ít người đã dùng tiền đó vào việc xây lại phần nhà ở còn lại của mình theo những kiểu cách “đô thị hoá” đã làm mất đi dáng vẻ truyền thống của ngôi nhà nông thôn. Đó là một trong những nguyên nhân của việc phá vỡ bộ phận quan trọng nhất trong cấu trúc của làng truyền thống, đó là phần nhà ở trong ngôi làng.
Có tiền trong tay không ít người đã chuyển sang kinh doanh các dịch vụ ăn uống, giải khát và vui chơi mà không ít trong số đó hoàn toàn không phù hợp với lề thói văn hoá truyền thống của làng xưa. Trong khi đó thì có khá nhiều các kiến trúc văn hoá gắn với tín ngưỡng vốn là một phần quan trọng trong cấu trúc của làng lại bị xâm lấn cho những mục đích khác, cũng là một nguyên nhân phá vỡ cấu trúc ngôi làng truyền thống.
Qua các nội dung nêu trên có thể thấy rõ mối nguy cơ cấu trúc ngôi làng truyền thống bị phá vỡ trong quá trình đô thị hoá là chuyện nhãn tiền. Tuỳ theo điều kiện địa lý và lịch sử ở từng nơi mà quá trình này diễn ra có khác nhau. Một cách khái quát có thể thấy tại những nơi nằm trong tầm ảnh hưởng của thành phố lớn thì quá trình này diễn ra nhanh hơn. Đó là trường hợp các làng xóm ở ven nội và ngoại thành Thủ đô Hà Nội.
Vậy, qua các vấn đề trên, có một câu hỏi được đặt ra và đòi hỏi bức xúc, đó là làm thế nào để song song với quá trình Đô thị hóa thì người nông dân được đảm bảo việc làm, đảm bảo cuộc sống; môi trường cảnh quan và môi sinh được bảo vệ, văn hóa dân tộc hàng nghìn năm được giữ gìn và phát huy, nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững trong quá trình xây dựng đất nước đi lên Chủ nghĩa xã hội, trong công cuộc Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước mà quá trình Đô thị hóa là một tất yêu khách quan ?
III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP
Do tác động của đô thị hóa tới nông thôn và ảnh hưởng tới nhiều mặt của người dân nơi đây. Để giải quyết cơ bản được vấn đề thì ta phải xem xét đô thị hóa đã tác động như thế nào đến sinh hoạt cua người dân. Có thể thấy đô thị hóa đã tác động đến rất nhiều mặt gồm kinh tế – văn hóa – xã hội. Và trên cơ sở đó các giải pháp sau cũng hướng vào giải quyết từng lĩnh vực:
1. Kinh tế:
- Thành lập các quỹ học nghề nhận các học viên là người địa phương với mức phí hỗ trợ sau đó cấp chứng chỉ để họ có khả năng làm việc như sửa xe, may vá…
- Thành lập các quỹ, kêu gọi ngân hàng cho các hộ nông dân vay vốn với mức lãI suất ưu đãi để họ có cơ hội kinh doanh phát triển sản xuất.
- Thành lập các chợ, các đầu mối trung tâm buôn bán để thúc đẩy giao lưu kinh tế với các địa phương khác.
- Hướng đi mà nhiều địa phương cũng đã thực hiện và mang lại một số kết quả khả quan là xuất khẩu lao động, tuy vậy đây cũng chưa phaỉ là giải pháp hay vì cũng chỉ giải quyết vấn đề trước mắt.
2. Văn hóa
- Thành lập các tổ chức, các hội để cho mọi người dân, thành phần lứa tuổi có mong muốn được tham gia. Những hoạt động đó làm người dân sống gắn bó,tình cảm với nhau hơn tránh xa được các tệ nạn do quá trình đô thị hóa không mong muốn đem lại.
3. Xã hội
- Tăng cường tuyên truyền cho nhân dân để họ hiểu về các hoạt động đang diễn ra ở địa phương mình. Làm họ nhận thức và hiểu được tầm quan trọng của việc làm như vậy họ sẽ có động lực để phấn đấu.
- Kèm theo đó là bộ phận chính quyền ở địa phương phải tâm huyết, phải thực tế và hiểu người dân họ muốn gì và họ cần phải làm gì.
Mỗi lĩnh vực có những giải pháp riêng song chúng có quan hệ mật thiết với nhau và nhiều giải pháp có thể cùng giải quyết 1 vấn đề. Tuy nhiên giải pháp thuộc nhóm kinh tế vẫn là chủ yếu.
MỤC LỤC
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Ảnh hưởng đô thị hóa đến các hộ nông dân bị mất đất ở Ngoại Thành Hà Nội.docx