Bài tập hành chính học kì

Tóm lại từ những đánh giá phân tích về tính hợp lý của pháp luật về những quy định trong thẩm quyền và thủ tục xử phạt vi phạm hành chính nêu trên, chùng ta có thể rút ra nhận xét rằng bên cạnh những ưu điểm và những mặt tích cực thì cũng còn rất nhiều thiếu sót cũng như những điểm chưa hợp lý trong các văn bản luật quy định về vấn đề này. Việc nhận ra những thiếu sót này sẽ là tiền đề để các nhà lập pháp có những sửa đổi bổ sung cần thiết và góp phần vào công việc cải cách nền hành chính ở nước ta hiện nay.

docx10 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3528 | Lượt tải: 5download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bài tập hành chính học kì, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐẶT VẤN ĐỀ Xử phạt vi phạm hành chính là hoạt động của các chủ thể có thẩm quyền, căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành, quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính khác (trong trường hợp cần thiết, theo quy định của pháp luật) đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính (theo quan điểm của Giáo trình Luật hành chính Việt Nam của Trường Đại học Luật Hà Nội 2009). Dựa vào định nghĩa nêu trên, chúng ta có thể thấy rằng xử phạt vi phạm hành chính có ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích của những chủ thể nhất định. Do đó việc pháp luật có quy định về thẩm quyền cũng như thủ tục xử phạt vi phạm hành chính cũng nhằm mục đích đảm bảo cho hoạt động Nhà nước tiến hành hợp lý cũng như bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cá nhân, tập thể và Nhà nước. Từ những lý do trên, đề tài “Đánh giá tính hợp lý của pháp luật về thẩm quyền và thủ tục xử phạt vi phạm hành chính” đã được chọn nhằm đưa ra những đánh giá cá nhân của tác giả để từ đó cung cấp cho người đọc một cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về vấn đề này. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ. I. Cơ sở lý luận. Vi phạm hành chính có thể hiểu là hành vi do cá nhân, tổ chức thực hiện với lỗi cố ý hoặc vô ý, vi phạm các quy định cảu pháp luật về quản lí nhà nước mà không phải là tội phạm theo quy định của pháp luật bị xử phạt hành chính. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được giao cho nhiều cơ quan, cán bộ có thẩm quyền khác nhau. II. Tính hợp lí của pháp luật về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt hành chính được quy định tại Điều 42 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2008) như sau: 1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại các điều từ Điều 31 đến Điều 40d của Pháp lệnh này có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực, ngành mình quản lý. Trong trường hợp vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người, thì việc xử phạt do người thụ lý đầu tiên thực hiện. 2. Thẩm quyền xử phạt của những người được quy định tại các điều từ Điều 28 đến Điều 40d của Pháp lệnh này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể. 3. Trong trường hợp xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt được xác định theo nguyên tắc sau đây: a) Nếu hình thức, mức xử phạt được quy định đối với từng hành vi đều thuộc thẩm quyền của người xử phạt, thì thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc người đó; b) Nếu hình thức, mức xử phạt được quy định đối với một trong các hành vi vượt quá thẩm quyền của người xử phạt, thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt; c) Nếu các hành vi thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người thuộc các ngành khác nhau, thì quyền xử phạt thuộc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền xử phạt nơi xảy ra vi phạm.” 2. Vai trò của những quy định của pháp luật về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2008) và các văn bản khác về xử phạt vi phạm hành chính như các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các Bộ trưởng là cơ sở pháp lý để xác định cơ quan, cá nhân nào có thẩm quyền xử phạt để từ đó góp phần loại trừ tình trạng hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức bị xử phạt bởi người không có thẩm quyền; người có thẩm quyền áp dụng hình thức phạt nào đó nhưng lại vượt quá mức cho phép, thậm chí áp dụng hình thức xử phạt mà pháp luật không cho phép. Hơn nữa, những quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính còn là cơ sở để ngăn ngừa sự lạm quyền trong quá trình xử phạt, đảm bảo việc xử phạt được tiến hành nhanh chóng, kịp thời, công minh. 3. Đánh giá những ưu điểm tính hợp lí của pháp luật về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. – Về cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, Pháp lệnh năm 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2008) đã dành riêng một chương (Từ Điều 28 đến Điều 42) quy định về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính. Các cơ quan được xác định có thẩm quyền này bao gồm: UBND các cấp, các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực (Hải quan, kiểm lâm, cảnh sát, quản lý thị trường), TAND các cấp, cơ quan thi hành án. Như vậy, theo Pháp lệnh thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính chủ yếu thuộc về các cơ quan hành chính Nhà nước, trong đó cơ quan hành chính Nhà nước có thẩm quyền chung ở địa phương (Ủy ban nhân dân các cấp) có thẩm quyền xử phạt đối với mọi vi phạm hành chính xảy ra trên địa bàn quản lý của mình, còn các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực có thẩm quyền xử phạt đối với các vi phạm hành chính xảy ra trong ngành, lĩnh vực mình phụ trách. Việc Pháp lệnh tập trung giao quyền xử phạt vi phạm hành chính cho các cơ quan hành chính (người có thẩm quyền) là hợp lý. Với tư cách là thiết chế hoạt động thường xuyên, liên tục, cơ quan hành chính đủ điều kiện đảm bảo xử lý nhanh chóng, có hiệu quả các vi phạm hành chính. Hơn nữa, vi phạm hành chính xảy ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, mà trên bất cứ địa bàn nào, dù ở cấp cơ sở cũng đều có sự hiện diện của các cơ quan quản lý. Nhờ đó mà các cơ quan này có điều kiện phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm hành chính. – Quy định về các cơ quan có thẩm quyền xử phạt đã thể hiện rõ việc phân cấp về xử phạt, cụ thể là mỗi người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được quyền áp dụng các hình thức phạt, mức phạt khác nhau. Để đảm bảo việc xử lý không chồng chéo, hoặc có thể một vi phạm do nhiều người xử lý Pháp lệnh năm 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2008) đã dành riêng một điều quy định về nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt (Điều 42). Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp khác nhau có quyền áp dụng các hình thức và mức phạt khác nhau. Tương tự, đối với cơ quan thanh tra cũng có sự phân định về mức phạt, hình thức phạt. Quy định này là hợp lý vì các cơ quan quản lý nhà nước, với vị trí pháp lý khác nhau, phạm vi thẩm quyền khác nhau thì không thể áp dụng các hình thức phạt, mức phạt giống nhau. 4. Đánh giá những nhược điểm tính hợp lí của pháp luật về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Có thể thấy rằng bên cạnh những mặt tích cực như đã nêu ở trên thì vẫn còn nhiều hạn chế trong những quy định của pháp luật về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Những hạn chế này sẽ được thể hiện qua phần trình bày dưới đây: – Còn có sự mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật với nhau. Hiện nay, thẩm quyền xử phạt VPHC được quy định tại nhiều văn bản khác nhau như: Pháp lệnh xử phạt VPHC, Luật Thanh tra và trong rất nhiều Nghị định quy định chi tiết các luật chuyên ngành. Các quy định này chồng chéo, mâu thuẫn lẫn nhau vì cơ quan nào cũng muốn được quyền xử phạt trong lĩnh vực mình quản lý: + Luật Thanh tra không quy định thẩm quyền của Chánh thanh tra tổng cục, thanh tra cục, nhưng các Nghị định lại quy định. Ví dụ như Điều 42 Nghị định 117/2009/NĐ-CP về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có quy định về thẩm quyền xử phạt VPHC của Thanh tra chuyên ngành Tài nguyên và Môi trường. + Nghị định 40/2009/NĐ-CP xử phạt VPHC trong lĩnh vực thú y quy định thanh tra thú y có thẩm quyền xử phạt, nhưng thanh tra thú y mới chỉ có ở cấp Bộ, cấp tỉnh mà chưa có thanh tra ở cấp huyện, cơ sở nên nhiều vi phạm ở cơ sở đã không bị xử lý. + Nghị định 90/2009/NĐ-CP xử phạt VPHC trong lĩnh vực hóa chất đã tách thẩm quyền xử phạt về ngành Công Thương, nhưng chức năng, nhiệm vụ theo dõi lĩnh vực này từ trước đến nay lại thuộc lực lượng quản lý thị trường (Bộ Tài chính). – Quy định về thẩm quyền xử phạt trong các văn bản pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn. Trong nhiều trường hợp nếu thực hiện đúng thẩm quyền theo luật định thì phần lớn các trường hợp vi phạm ở xã, phường chỉ được lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện vi phạm và lập biên bản, rồi báo cáo UBND quận, huyện, khiến cấp quận huyện bị quá tải. Sở dĩ như vậy vì quy định là sau 10 ngày lập biên bản phải ra quyết định xử phạt nên các cơ quan quản lý cứ phải gồng mình lên để xử lý. Còn nếu lập biên bản mà không ra quyết định xử phạt thì sẽ làm giảm hiệu lực quản lý của chính quyền địa phương. Nhiều địa phương đã đề nghị nâng mức phạt thuộc thẩm quyền của UBND xã, phường vì theo quy định hiện nay, tuy thẩm quyền xử phạt của cấp xã đã nâng lên 2 triệu nhưng cấp xã vẫn không phạt được vì phần lớn các hành vi vi phạm đều có mức phạt cao hơn mức này, nên lại phải chuyển lên cấp quận, huyện để xử phạt. Hơn nữa, xuất phát từ sự khác biệt về kinh tế xã hội của địa bàn xã, phường, mức phạt trên đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã là phù hợp. Song, với Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, đây là mức phạt quá thấp, không phù hợp với đặc điểm địa bàn phường là nơi các hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại – dịch vụ diễn ra sôi động, tình hình trật tự xã hội phức tạp. – Một số quy định của pháp luật còn chung chung, chưa rõ ràng, minh bạch. Ví dụ: Điều 12 và Điều 13 Pháp lệnh năm 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2008) quy định về các hình thức phạt cảnh cáo và phạt tiền, song chưa có sự phân biệt thế nào là vi phạm hành chính nhỏ để áp dụng hình thức phạt cảnh cáo hay phạt tiền. Hơn nữa, quy định về mức phạt tiền tối thiểu và tối đa còn có khoảng cách quá xa, điều này sẽ dẫn tới tình trạng có những vi phạm hành chính với tính chất, mức độ như nhau nhưng các cơ quan có thẩm quyền XPVPHC lại quyết định các mức phạt khác nhau. 5. Một số giải pháp nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật về thẩm quyền xử phạt hành chính – Trước hết, cần quy định lại hợp lý hệ thống các cơ quan có thẩm quyền XPVPHC. Việc quy định về các cơ quan có thẩm quyền XPVPHC phải dựa trên cơ sở: bất cứ hành vi vi phạm hành chính ở lĩnh vực nào cũng cần có chủ thể xử lý kịp thời, nhanh chóng, đúng pháp luật. Người có thẩm quyền quản lý ngành, lĩnh vực nào thì có thẩm quyền xử lý các vi phạm hành chính phát sinh trong ngành, lĩnh vực đó. Cần xác định chủ thể ra quyết định xử phạt là cá nhân có thẩm quyền để bảo đảm xử lý đúng đắn các vi phạm hành chính đồng thời quy định rõ trách nhiệm của họ trong việc ra quyết định xử phạt. – Thẩm quyền xử phạt không chỉ thể hiện ở việc xác định cơ quan nào có quyền phạt mà trước hết thể hiện ở hình thức và mức phạt. Quy định về hình thức, mức phạt mà người có thẩm quyền áp dụng phải phù hợp với đặc thù quản lý ngành, lĩnh vực, với tình hình thực tế. Lĩnh vực quản lý nào càng quan trọng, càng phức tạp, hành vi vi phạm trong lĩnh vực đó càng nguy hiểm, mức phạt phải càng cao thì mới bảo đảm tác dụng răn đe, trừng phạt, phòng ngừa. – Quy định của pháp luật về hình thức phạt tiền cho thấy mức phạt tối thiểu và tối đa có khoảng cách khá xa. Để việc áp dụng mức phạt tiền được đúng đắn, trong các văn bản về XPVPHC cần cụ thể hóa hơn nữa các dấu hiệu của vi phạm hành chính. Cụ thể, cần chia nhỏ khung phạt tiền để tránh tình trạng các vi phạm hành chính có tính chất, mức độ như nhau nhưng người có thẩm quyền áp dụng các mức phạt rất khác nhau. III. Tính hợp lí của pháp luật về thủ tục xử phạt vi phạm hành chính. Các loại thủ tục xử phạt vi phạm hành chính. Thủ tục đơn giản. Theo quy định tại Điều 54 Pháp lệnh XLVPHC (sửa đổi, bổ sung năm 2008), thủ tục đơn giản là trường hợp xử phạt mà người có thẩm quyền xử phạt không lập biên bản mà ra quyết định xử phạt tại chỗ. Những trường hợp được tiến hành xử phạt theo thủ tục đơn giản bao gồm: – Hành vi vi phạm hành chính mà mức phạt quy định là cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 200.000 đồng; – Nhiều hành vi vi phạm hành chính do một người thực hiện mà hình thức và mức phạt quy định đối với mỗi hành vi đều là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 200.000 đồng. Thông thường thủ tục đơn giản được áp dụng đối với vi phạm nhỏ, rõ ràng, không có tình tiết phức tạp, cần phải xác minh thêm như vượt đèn đỏ, đi vào đường ngược chiều. Đối với những trường hợp này, người có thẩm quyền xử phạt có thể ra quyết định xử phạt ngay, cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể nộp phạt tại chỗ, vụ việc được giải quyết nhanh chóng, trật tự quản lý cũng được nhanh chóng khôi phục. Do vậy, vẫn cần duy trì thủ tục đơn giản khi xây dựng Luật XLVPHC vì tính hiệu quả của nó trong việc xử phạt đối với những vi phạm nhỏ, đơn giản trong một số lĩnh vực như trật tự, an toàn giao thông đô thị, vệ sinh đường phố. Thủ tục có lập biên bản. Thủ tục này được áp dụng đối với những vi phạm tương đối nghiêm trọng mà hành vi vi phạm được quy định mức phạt tiền từ 200.000 đồng trở lên. Thủ tục này khác thủ tục đơn giản ở chỗ khi phát hiện hành vi vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt không ra quyết định ngay mà phải lập biên bản vi phạm hành chính. Sở dĩ trong trường hợp này cần phải lập biên bản vì: – Hành vi vi phạm phức tạp nên trong thời gian ngắn (ngay khi phát hiện vi phạm) và với những biểu hiện bên ngoài của vi phạm được phân biệt một cách trực tiếp thường không đủ để đánh giá chính xác loại vi phạm, tính chất, mức độ của vi phạm nên không thể ra quyết định xử phạt ngay. Trong khi đó, xử phạt vi phạm hành chính phải đúng người, đúng vi phạm nên viêc ghi lại các sự kiện, hiện tượng, tình tiết số liệu liên quan đến vi phạm (lập biên bản) làm căn cứ để sau đó xử phạt là rất cần thiết. – Hành vi vi phạm hành chính được phát hiện nhưng người phát hiện không đủ thẩm quyền lại xử phạt, người có thẩm quyền lại không có mặt tại hiện trường chứng kiến hành vi vi phạm xảy ra nên cần lập biên bản để cung cấp thông tin cho người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt. Như vậy, nếu thủ tục đơn giản tạo điều kiện xử lí vi phạm hành chính nhanh gọn thì thủ tục có biên bản đảm bảo xử phạt có cơ sở. Mặt khác, biên bản vi phạm hành chính cũng là cơ sở để người xử phạt khiếu nại, khởi kiện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết vụ việc khiếu nại và xét xử vụ kiện đối với quyết định xử phạm vi phạm hành chính. 2. Một số vấn đề bất cập liên quan đến thủ tục xử phạt vi phạm hành chính a. Một số hạn chế trong những quy định về thủ tục đơn giản Như đã nói ở trên, điều kiện để áp dụng thủ tục dơn giản là vi phạm phải đơn giản, rõ ràng để ngay khi phát hiện hành vi vi phạm, người có thảm quyền có thể ra quyết định xử phạt ngay và hình thức, mức xử phạt phải thuộc vào thẩm quyền của người phát hiện vi phạm thì mới được quyết định tại chỗ, không cần lập biên bản để lưu giữ thông tin chi tiết về vụ vi phạm. Mức phạt được xác định để áp dụng thủ tục đơn giản là mức phạt cụ thể được áp dụng đối với từng hành vi, trong khi đó mức phạt để xác định thẩm quyền của người bị xử phạt là mức cao nhất của khung tiền phạt. Như vậy, sẽ có trường hợp mức phạt nằm trong giới hạn phạt theo thủ tục đơn giản nhưng người phát hiện hành vi lại không có thẩm quyền xử phạt. Ví dụ: Chiến sĩ công an nhân dân phát hiện hành vi để xe ô tô ở lòng đường không đúng quy định (khung phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng). Nếu hành vi này không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ thì mức phạt được áp dụng là 100.000 đồng và theo quy định của pháp luật thì sẽ phạt theo thủ tục đơn giản, nhưng vì mức cao nhất của khung phạt tiền là 120.000 đồng nên chiến sĩ công an nhân dân không có quyền phạt mà phải chuyển vụ việc lên cấp trên. Khi đó không thể áp dụng thủ tục đơn giản vì không thể ra quyết định tại chỗ và nếu không lập biên bản thì người có thẩm quyền xử phạt không có căn cứ để ra quyết định. b. Một số hạn chế trong những quy định về thủ tục có lập biên bản – Về nội dung của biên bản: Điều 55 quy định nội dung của biên bản đã thể hiện rõ tính khoa học, chặt chẽ và phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, một số quy định của Nghị định số 134/2003/NĐ-CP (hướng dẫn thi hành Pháp lệnh XLVPHC năm 2002) và mẫu biên bản để xử phạt (ban hành kèm theo Nghị định) lại quá dài, mất nhiều thời gian ảnh hưởng đến kết quả xử lý vi phạm. Trong nhiều trường hợp, người có trách nhiệm xử lý đã chuyển vụ việc về giải quyết theo thủ tục đơn giản với mức phạt thấp hơn nhiều để tránh thủ tục lập biên bản, dẫn đến lọt nhiều hành vi vi phạm không được xử lý thoả đáng. Qua thực tiễn thi hành pháp luật xử phạt vi phạm hành chính, nhiều Bộ, ngành, địa phương cho rằng, các mẫu quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm, mẫu quyết định xử phạt, mẫu biên bản đều rườm rà, chưa phù hợp với thực tế; biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, theo quy định phải có hai người làm chứng, trên thực tế áp dụng rất khó, đề nghị chỉ nên quy định một người làm chứng. Mẫu biên bản vi phạm hành chính chưa hợp lý, vừa thừa, vừa thiếu, cụ thể: phần nội dung về điều, khoản quy định hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân chỉ in một dòng nên khi có hai hành vi vi phạm thì phải lập hai biên bản. – Về quyết định xử phạt, nội dung của quyết định xử phạt: Điều 56 Pháp lệnh 2002 quy định ba loại thời hạn: 10 ngày đối với vụ việc đơn giản; 30 ngày đối với vụ việc phức tạp; đối với vụ việc phức tạp, cần có thời gian xác minh thêm, thì người có thẩm quyền xử phạt được xin gia hạn thêm 30 ngày nữa. Quá các thời hạn này, người có thẩm quyền xử phạt không được ra quyết định xử phạt, trừ trường hợp xử phạt trục xuất. Điều 21 Nghị định số 134/2003/NĐ-CP còn quy định cụ thể các trường hợp mà quá thời hạn, người có thẩm quyền xử phạt không được ra quyết định xử phạt: trường hợp đã quá các thời hạn ra quyết định xử phạt, đã hết thời hạn mà người có thẩm quyền xử phạt không xin gia hạn hoặc đã xin gia hạn nhưng không được cấp có thẩm quyền cho phép gia hạn. Quá trình thực hiện pháp luật XPVPHC đã cho thấy, quy định này là phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, cũng còn ý kiến cho rằng, thời hạn 30 ngày là quá ít vì nhiều vụ việc cần phải có thời gian để xác minh, thu thập tài liệu liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều địa bàn hoặc một số đối tượng vi phạm hành chính sau khi lập biên bản vi phạm hành chính đã bỏ đi khỏi địa phương trong thời gian dài, gây khó khăn cho việc xử lý. Một khó khăn khi thực thi Điều 56 là việc Pháp lệnh và Nghị định số 134/2003/NĐ-CP chưa quy định cụ thể thủ trưởng trực tiếp có quyền gia hạn thêm thời hạn ban hành quyết định xử phạt vi phạm. – Về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính: Mặc dù các biện pháp cưỡng chế cũng như thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế đã được quy định cụ thể tại Điều 66 và Điều 67 Pháp lệnh XLVPHC, nhưng việc cưỡng chế vẫn gặp những khó khăn nhất định do chưa có sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện các biện pháp cưỡng chế. Một khó khăn khác trong việc thực hiện các biện pháp cưỡng chế là cơ quan có thẩm quyền xử phạt không có lực lượng chuyên trách để thi hành các quyết xử phạt vi phạm hành chính vì theo quy định tại Điều 67 Pháp lệnh XLVPHC năm 2002 và Nghị định số 37/2005/NĐ-CP thì những người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế và có nhiệm vụ tổ chức việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm của mình và của cấp dưới, các cơ quan chức năng của UBND có trách nhiệm thi hành quyết định cưỡng chế của Chủ tịch UBND cùng cấp theo sự phân công của Chủ tịch, lực lượng cảnh sát nhân dân chỉ có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế của Chủ tịch UBND cùng cấp hoặc quyết định cưỡng chế của cơ quan khác của Nhà nước khi được các cơ quan đó yêu cầu. Tuy nhiên, quy định này khó khả thi vì cơ quan xử phạt, cơ quan chuyên môn thuộc UBND không đủ lực lượng để tổ chức cưỡng chế. 3. Một số ý kiến nhằm hoàn thiện các quy định về thủ tục xử phạt vi phạm hành chính. a. Về thủ tục đơn giản. Theo quan điểm cá nhân em, mức tiền được xử phạt theo thủ tục đơn giản cần nâng lên, có thể đến 500.000 đồng vì các khung tiền phạt được quy định cho thủ tục đơn giản là rất ít hoặc không có. Chỉ có một số ít nghị định như Nghị định số 150/2005/NĐ-CP quy định XPVPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Nghị định số 146/2007/NĐ-CP ngày 14/3/2007 quy định XPVPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ có nhiều mức phạt tiền có thể xử phạt theo thủ tục đơn giản. Nếu không nâng mức tiền xử phạt theo thủ tục đơn giản thì phần lớn các vụ vi phạm sẽ bị xử phạt theo thủ tục có lập biên bản và như vậy, thủ tục đơn giản có cũng như không, không đảm bảo được yêu cầu của cải cách thủ tục hành chính. b. Về thủ tục có lập biên bản. – Về mẫu biên bản và mẫu quyết định xử phạt, mẫu tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm: Nên chấp nhận kiến nghị của nhiều Bộ, ngành, địa phương là không nên tiếp tục ban hành các loại mẫu, mà nên giao cho Bộ, ngành, căn cứ quy định của pháp luật để ban hành các loại mẫu cho phù hợp với lĩnh vực, ngành mình quản lý vừa đảm bảo yêu cầu của thực tiễn, vừa đúng pháp luật. Pháp lệnh chỉ nên quy định nội dung bắt buộc đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn việc xây dựng mẫu cụ thể do từng ngành hướng dẫn thực hiện. – Về vấn đề cưỡng chế thi hành quyết định XPVPHC: Có thể thấy rằng các cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh và các phòng chuyên môn của UBND cấp huyện nói riêng, cũng như các cơ quan và người có thẩm quyền xử phạt (ví dụ: Chánh thanh tra, Thanh tra viên cấp Bộ và cấp Sở) không có lực lượng để cưỡng chế. Do đó, kiến nghị của một số cơ quan có thẩm quyền xử phạt về sự cần thiết tổ chức lực lượng chuyên trách để cưỡng chế thi hành quyết đinh XPVPHC là có cơ sở. Tuy nhiên, để không tăng thêm tổ chức, có thể xem xét và cân nhắc giao thêm nhiệm vụ này cho cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh và cấp huyện. C. KẾT THÚC VẤN ĐỀ. Tóm lại từ những đánh giá phân tích về tính hợp lý của pháp luật về những quy định trong thẩm quyền và thủ tục xử phạt vi phạm hành chính nêu trên, chùng ta có thể rút ra nhận xét rằng bên cạnh những ưu điểm và những mặt tích cực thì cũng còn rất nhiều thiếu sót cũng như những điểm chưa hợp lý trong các văn bản luật quy định về vấn đề này. Việc nhận ra những thiếu sót này sẽ là tiền đề để các nhà lập pháp có những sửa đổi bổ sung cần thiết và góp phần vào công việc cải cách nền hành chính ở nước ta hiện nay. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật hành chính Việt Nam, Nxb CAND, Hà Nội, 2009. Học viện hành chính quốc gia, Giáo trình thủ tục hành chính, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2005. Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (sửa dổi, bổ sung năm 2007, 2008). Nghị định của Chính phủ số 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 5. Nghị định của Chính phủ số 37/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docxBài tập hành chính học kì.docx
Luận văn liên quan