Bài tập Hình sự - Đề bài số 6

Trần Văn M. (18 tuổi) và Bùi Văn D. (15 tuổi) đều là học sinh đã bỏ học. Trưa ngày 4/3/2000, khi đang ngồi uống nước chè tại hàng bán nước rong trong công viên, M và D thấy cách đó khoảng 10 mét có một đôi nam nữa thanh niên (anh T và chị H) đang ngồi “tâm sự”. Cho rằng đôi nam nữ này có hành vi quá trớn giữa “thanh thiên bạch nhật ở nơi chốn công cộng”, M và D nảy sinh ý định tròng ghẹo. Hai tên này đi lại gần nơi đôi nam nữ đang ngồi. M vung chân đá vào anh T hai cái. Thấy người không quen biết kiếm chuyện gây sự, anh T và chị H đứng dậy phản ứng. D vòng tay ôm ngang người giữ anh T. M rút từ trong vạt áo một con dao nhọn (theo lời khai của M là luôn mang theo bên mình để phòng thân) rồi nhanh như cắt đâm một nhát vào cổ anh T. Nạn nhân ngã vật xuống đất, máu chảy giàn giụa. M lạnh lùng rút dao ra khỏi cổ nạn nhân rồi lững thững đi thẳng về phía quán hàng nước. Lúc này D đã nổ xe máy chờ sẵn. Hai tên lên xe máy chạy mất. Chị H và người bán hàng nước hô hoán mọi người đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng chỉ dìu đi được khoảng 15m thì anh T ngã vật xuống đường và tắc thở. 7 ngày sau, 2 đối tượng M và D đến cơ quan công an đầu thú. Tại đây, chúng đã khai nhận hành vi đâm chết anh T; hai tên không bàn bạc trước sẽ đâm chết nạn nhân; nguyên nhân là “nhìn thấy ghét và đâm cho bõ tức”. HỎI: 1. Xác định tội danh và định khung hình phạt cần áp dụng đối với hành vi phạm tội của M (2 điểm). 2. Trường hợp phạm tội của M và D có bị coi là đồng phạm hay không (1 điểm). 3. Giả sử T không chết mà chỉ bị thương tích 40% thì tội danh của M được xác định như thế nào (2 điểm). 4. Giả sử M 17 tuổi thì hình phạt cao nhất có thể áp dụng đối với M là bao nhiêu (2 điểm).

doc7 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 2850 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bài tập Hình sự - Đề bài số 6, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BÀI 6 Trần Văn M. (18 tuổi) và Bùi Văn D. (15 tuổi) đều là học sinh đã bỏ học. Trưa ngày 4/3/2000, khi đang ngồi uống nước chè tại hàng bán nước rong trong công viên, M và D thấy cách đó khoảng 10 mét có một đôi nam nữa thanh niên (anh T và chị H) đang ngồi “tâm sự”. Cho rằng đôi nam nữ này có hành vi quá trớn giữa “thanh thiên bạch nhật ở nơi chốn công cộng”, M và D nảy sinh ý định tròng ghẹo. Hai tên này đi lại gần nơi đôi nam nữ đang ngồi. M vung chân đá vào anh T hai cái. Thấy người không quen biết kiếm chuyện gây sự, anh T và chị H đứng dậy phản ứng. D vòng tay ôm ngang người giữ anh T. M rút từ trong vạt áo một con dao nhọn (theo lời khai của M là luôn mang theo bên mình để phòng thân) rồi nhanh như cắt đâm một nhát vào cổ anh T. Nạn nhân ngã vật xuống đất, máu chảy giàn giụa. M lạnh lùng rút dao ra khỏi cổ nạn nhân rồi lững thững đi thẳng về phía quán hàng nước. Lúc này D đã nổ xe máy chờ sẵn. Hai tên lên xe máy chạy mất. Chị H và người bán hàng nước hô hoán mọi người đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng chỉ dìu đi được khoảng 15m thì anh T ngã vật xuống đường và tắc thở. 7 ngày sau, 2 đối tượng M và D đến cơ quan công an đầu thú. Tại đây, chúng đã khai nhận hành vi đâm chết anh T; hai tên không bàn bạc trước sẽ đâm chết nạn nhân; nguyên nhân là “nhìn thấy ghét và đâm cho bõ tức”. HỎI: 1. Xác định tội danh và định khung hình phạt cần áp dụng đối với hành vi phạm tội của M (2 điểm). 2. Trường hợp phạm tội của M và D có bị coi là đồng phạm hay không (1 điểm). 3. Giả sử T không chết mà chỉ bị thương tích 40% thì tội danh của M được xác định như thế nào (2 điểm). 4. Giả sử M 17 tuổi thì hình phạt cao nhất có thể áp dụng đối với M là bao nhiêu (2 điểm). GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG I. XÁC ĐỊNH TỘI DANH VÀ KHUNG HÌNH PHẠT CẦN ÁP DỤNG ĐỐI VỚI HÀNH VI PHẠM TỘI CỦA M. 1. Xác định tội danh. 1.1. Khẳng định: M phạm tội giết người theo Điều 93 Bộ luật Hình sự. 1.2. Chứng minh: 1.2.1. Khách thể của tội phạm. Hành vi phạm tội của M đã xâm phạm đến khách thể được luật hình sự bảo vệ. Đó là quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng. Đối tượng tác động ở đây là anh T – là người đang sống, trước khi bị M đâm vào cổ. 1.2.2. Chủ thể của tội phạm. Chủ thể của tội phạm trong tình huống này là M – là người có năng lực trách nhiệm hình sự, 18 tuổi và đã thực hiện hành vi phạm tội cụ thể. 1.2.3. Mặt khách quan của tội phạm. - Hành vi khách quan của tội phạm: Trong tình huống này, hành vi khách quan được M thực hiện thông qua hành động dùng dao nhọn nhanh như cắt đâm vào cổ anh T. Hành vi này có khả năng gây ra cái chết, chấm dứt sự sống của anh T. Hành vi này cũng không thuộc trường hợp được pháp luật cho phép, như phòng vệ chính đáng (Điều 15 BLHS) hay trường hợp thi hành án tử hình. Vì vậy, khẳng định được đây là hành vi tước đoạt trái pháp luật tính mạng của anh T. - Hậu quả của tội phạm: anh T chết – hậu quả chết người xảy ra (dìu được khoảng 15cm thì anh T ngã vật xuống đường và tắt thở). - Quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan và hậu quả chết người: Thứ nhất, hành vi trái pháp luật của M xảy ra trước hậu quả anh T chết về mặt thời gian. Thứ hai, hành vi M dùng dao nhọn đâm vào cổ anh T, chứa đựng khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả anh T chết. Hay nói cách khác, hậu quả anh T chết là do hành vi khách quan của T gây ra. 1.2.4. Mặt chủ quan của tội phạm. Lỗi của M trong trường hợp này là lỗi cố ý trực tiếp, thể hiện qua hai khía cạnh: - Về lí trí: Với khả năng nhận thức bình thường ở một người trưởng thành, M biết và buộc phải biết tính chất nguy hiểm từ hành vi “dùng dao nhọn đâm vào cổ” và thấy trước hậu quả anh T sẽ chết hoặc có thể chết do hành vi đó gây ra. Dựa trên đặc điểm công cụ mà M sử dụng là một chiếc dao nhọn – có khả năng sát thương cao, cùng với vị trí đâm vào cổ – vùng nguy hiểm trên cơ thể con người. - Về ý chí: M mong muốn hậu quả T chết xảy ra. Ở đây, sở dĩ không đặt vấn đề mong muốn hay không mong muốn hành vi, bởi khi đã nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm mà vẫn thực hiện chứng tỏ M mong muốn thực hiện hành vi đó. Còn việc mong muốn hậu quả xảy ra, dựa trên tình tiết sau khi đâm, mặc cho nạn nhân đau đớn, M “lạnh lùng rút dao ra khỏi cổ nạn nhân rồi lững thững đi thẳng về phía quán hàng nước. Lúc này D đã nổ máy xe chờ sẵn. Hai tên lên xe máy chạy mất”. Qua thái độ “lạnh lùng rút dao”, “lững thứng đi thẳng”, thấy rõ M mong muốn T chết, hắn không hề có hành vi khắc phục hậu quả hay thể hiện sự ăn năn hối lỗi đối với hành vi trái pháp luật của mình. 2. Định khung hình phạt cần áp dụng đối với hành vi của M. 2.1. Khẳng định: Trường hợp phạm tội của M thuộc tình tiết định khung tăng nặng tại điểm n, khoản 1 Điều 93 BLHS: “Giết người có tính chất côn đồ”. Vì vậy, khung hình phạt cần áp dụng đối với M là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân, tử hình. 2.2. Chứng minh: Phạm tội có tính chất côn đồ là trường hợp giết người mà tất cả những tình tiết của vụ án thể hiện người phạm tội có tính hung hãn cao độ, quá coi thường tính mạng của người khác, sẵn sàng giết người vì nguyên cớ nhỏ nhặt. Trong tình huống này, thấy rõ, M và anh T không có mối quan hệ nào hay thù hằn từ trước, tuy nhiên chỉ vì ngứa mắt khi thấy đôi nam nữ ngồi “tâm sự” giữa “thanh thiên bạch nhật” (nguyên nhân nhỏ nhặt, không đáng có) mà M sẵn sàng rút từ vạt áo một con dao nhọn nhanh như cắt đâm vào cổ anh T. Không chỉ vậy, sau khi thực hiện hành vi phạm tội, M “lạnh lùng rút dao”, “lững thững đi về phía quán nước” – thản nhiên bỏ đi như không có chuyện gì. Thấy rõ, M có hành vi ngang ngược, cố tình sử dụng nguyên cớ nhỏ nhặt để giết người. Ở đây, còn tình tiết sau 7 ngày gây án, M đến cơ quan công an đầu thú. Theo hướng dẫn tại Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10/6/2002 “về việc giải đáp các vấn đề về nghiệp vụ”: “Đầu thú” là có người đã biết mình phạm tội, nhưng biết không thể trốn tránh được nên đến cơ quan có thẩm quyền trình diện để cơ quan có thẩm quyền xử lí theo quy định của pháp luật”. Nếu có người đã biết hành vi phạm tội của người phạm tội nhưng biết không thể trốn tránh được nên người phạm tội đến cơ quan có thẩm quyền trình diện thì áp dụng khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 để xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nếu Tòa án coi tình tiết là đầu thú là tình tiết giảm nhẹ và ghi rõ điều này trong bản án. II. TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỦA M VÀ D CÓ BỊ COI LÀ ĐỒNG PHẠM HAY KHÔNG? 1. Khẳng định: Trường hợp phạm tội của của M và D có bị coi là đồng phạm. 2. Chứng minh: Điều 20 Bộ luật Hình sự quy định: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. Theo đó, để xác định M và D là đồng phạm cần phải dựa vào những dấu hiệu sau: 2.1. Những dấu hiệu về mặt khách quan. Về mặt khách quan, trường hợp của M và D thỏa mãn hai dấu hiệu: Một là, có hai người và cả M, D đều đủ điều kiện của chủ thể tội phạm. M 18 tuổi, D 15 tuổi, đều không thuộc tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (Điều 13) và không trong trạng thái say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác (Điều 14). Hai là, M và D cùng thực hiện tội phạm (cố ý). M là người thực hành – thực hiện hành vi khác quan được mô tả trong cấu thành tội phạm tội giết người Điều 93 (hành vi đâm), D là người giúp sức thông qua hành vi “vòng tay ôm ngay người giữ anh T” và “nổ máy xe chờ sẵn” để tẩu thoát. Thấy rõ, hành vi của mỗi người là điều kiện để hỗ trợ hoạt động chung. M là người trực tiếp thực hiện tội phạm còn D chỉ có hành vi góp phần vào việc thực hiện tội phạm. 2.2. Những dấu hiệu về mặt chủ quan. Về mặt chủ quan, đồng phạm đòi hỏi những người cùng thực hiện tội phạm đều có lỗi cố ý, xét trên hai khía cạnh: - Về lí trí: Mỗi người đều biết hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và đều biết người khác cũng có hành vi nguy hiểm cho xã hội cùng với mình. Trong trường hợp này, M biết rõ hành vi đâm anh T của mình là nguy hiểm, có thể dẫn đến chết người và D cũng nhận thức được hành vi của M và hành vi giúp M của mình là trái pháp luật. Đồng thời, cả hai đều thấy trước hậu quả anh T chết có thể xảy ra hoặc sẽ xảy ra. - Về ý chí: M và D cùng mong muốn hậu quả xảy ra. Như đã phân tích ở trên, M phạm tội giết người với lỗi cố ý trực tiếp, vì vậy chắc chắn M mong muốn hậu quả xảy ra. Còn về phía D, khi thấy M dùng dao nhọn đâm vào cổ anh T, nếu không mong muốn hậu quả xảy ra thì D sẽ có phản ứng, ăn năn hối cải,… Nhưng ngược lại, khi thấy M thực hiện hành vi trái pháp luật, D đã nổ máy xe chờ sẵn để cùng bỏ trốn. Tình tiết này chứng tỏ, D đã tiếp nhận ý chí của M và cũng mong muốn hậu quả chết người xảy ra. III. GIẢ SỬ T KHÔNG CHẾT MÀ CHỈ BỊ THƯƠNG TÍCH 40% THÌ TỘI DANH CỦA M ĐƯỢC XÁC ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO? Khẳng định: Nếu T không chết mà chỉ bị thương thích 40% thì M phạm tội giết người chưa đạt đã hoàn thành. 2. Chứng minh: Điều 18 Bộ luật Hình sự quy định: “Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội”. Căn cứ vào thái độ tâm lí của người phạm tội đối với hành vi mà họ đã thực hiện, phạm tội chưa đạt được chia thành phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành và phạm tội chưa đạt đã hoàn thành. Cụ thể, trong trường hợp này ta xác định M phạm tội giết người ở giai đoạn chưa đạt đã hoàn thành dựa trên những dấu hiệu sau: Thứ nhất, M đã bắt đầu thực hiện tội phạm. Sự bắt đầu này thể hiện ở chỗ, M đã thực hiện hành vi tước đoạt tính mạng anh T (đã dùng dao đâm) là hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm tội giết người (Điều 93 Bộ luật Hình sự). Thứ hai, M đã cố ý thực hiện tội phạm, nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm, sẽ gây ra hoặc có thể gây ra cái chết cho anh T và mong muốn hậu quả đó xảy ra. Thứ ba, M đã thực hiện xong hành vi phạm tội và bỏ đi, hậu quả anh T không chết mà chỉ thương tích 40% xảy ra là do nguyên nhân ngoài ý muốn (những người xung quanh hô hoán, đưa đi cấp cứu kịp thời,…), không phải do M tự nguyện chấm dứt thực hiện tội phạm. Vì vậy, theo quy đinh tại Điều 18 Bộ luật Hình sự: “Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm về tội phạm chưa đạt”, M phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người nhưng ở giai đoạn chưa đạt đã hoàn thành. IV. GIẢ SỬ M 17 TUỔI THÌ HÌNH PHẠT CAO NHẤT CÓ THỂ ÁP DỤNG ĐỐI VỚI M LÀ BAO NHIÊU. 1. Khẳng định: Nếu M 17 tuổi thì hình phạt cao nhất có thể áp dụng đối với M là 18 năm tù. 2. Chứng minh: Theo quy định tại Điều 68 Bộ luật Hình sự: “Người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này, đồng thời theo những quy định khác của Phần chung Bộ luật không trái với những quy định của chương này”, thì M phạm tội giết người theo Khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự và thuộc trường hợp người chưa thành niên phạm tội. Khung hình phạt được áp dụng đối với tội danh của M là khung tăng nặng có mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Do vậy, nếu M là người đã thành niên thì mức hình phạt cao nhất có thể áp dụng đối với M là hình phạt tử hình. Tuy nhiên, vì M là người chưa thành niên nên khi quyết định hình phạt Toàn án phải tuân thủ nguyên tắc: “Việc xử lý hành vi phạm tội của người chưa thành niên chủ yếu nhằm giáo dục giúp đỡ họ sửa đổi sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội” (Điều 69). Do đặc thù của người chưa thành niên, về tâm sinh lí chưa ổn định và khả năng nhận thức còn hạn hẹp, cụ thể hóa nguyên tắc nói trên Khoản 5 Điều 69 Bộ luật Hình sự quy định: “Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội” và Khoản 1 Điều 74 quy định: “Đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng qui định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười tám năm tù”. Vì vậy, mặc dù phạm tội theo khoản 1 Điều 93, có mức hình phạt cao nhất là hình phạt tử hình, nhưng do M mới 17 tuổi nên mức hình phạt cao nhất có thể áp dụng với M là 18 năm tù ./.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docBT nhóm Hình sự - đề bài số 6 (8đ).doc
Luận văn liên quan