Bài tập hình sự - Đề bài số 7

Nguyễn Trung N. (24 tuổi) chơi cá độ bóng đá nên nợ một khoản tiền lớn. Để có tiền trả nợ, lợi dụng lúc bà H.T.H (dì của N) đi chợ vắng, ngày 23/11, N đã cậy cửa vào nhà lấy 1.500 USD. Sợ bị phát hiện nên hai ngày sau (25/11), N rủ bạn là Hà Dũng T dàn cảnh bịt kín mặt, xông vào nhà bà H. (đường Phạm Văn Hai, Tân Bình) dùng dao khống chế chiếm đoạt thêm được 1 triệu đồng. Câu hỏi: a. Tội danh đối với Nguyễn Trung N và Hà Dũng T là gì? Hãy giải thích (2 điểm) b. Giả sử ở vụ 25/11 N và T không lấy được gì thì tội danh của chúng là gì? Tại sao? (2 điểm) c. Giả sử trong vụ 25/11 sau khi lấy được 1 triệu đồng, khi N và T rút chạy thì bà H.T.H kêu cứu, thấy vậy N bảo T: “Mày làm cho con mụ đó câm miệng đi”, T quay lại đâm bà H một nhát trúng tim và bỏ chạy. Bà H chết ngay. N có được coi là đồng phạm với T về hành vi giết người không? Tại sao.(2 điểm) d. Giả sử T đâm bà H vào ngực chỉ gây thương tích 35%, không chết thì tội danh của T và H có thay đổi không? (1 điểm)

doc11 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 2578 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bài tập hình sự - Đề bài số 7, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐỀ BÀI Nguyễn Trung N. (24 tuổi) chơi cá độ bóng đá nên nợ một khoản tiền lớn. Để có tiền trả nợ, lợi dụng lúc bà H.T.H (dì của N) đi chợ vắng, ngày 23/11, N đã cậy cửa vào nhà lấy 1.500 USD. Sợ bị phát hiện nên hai ngày sau (25/11), N rủ bạn là Hà Dũng T dàn cảnh bịt kín mặt, xông vào nhà bà H. (đường Phạm Văn Hai, Tân Bình) dùng dao khống chế chiếm đoạt thêm được 1 triệu đồng. Câu hỏi: a. Tội danh đối với Nguyễn Trung N và Hà Dũng T là gì? Hãy giải thích (2 điểm) b. Giả sử ở vụ 25/11 N và T không lấy được gì thì tội danh của chúng là gì? Tại sao? (2 điểm) c. Giả sử trong vụ 25/11 sau khi lấy được 1 triệu đồng, khi N và T rút chạy thì bà H.T.H kêu cứu, thấy vậy N bảo T: “Mày làm cho con mụ đó câm miệng đi”, T quay lại đâm bà H một nhát trúng tim và bỏ chạy. Bà H chết ngay. N có được coi là đồng phạm với T về hành vi giết người không? Tại sao.(2 điểm) d. Giả sử T đâm bà H vào ngực chỉ gây thương tích 35%, không chết thì tội danh của T và H có thay đổi không? (1 điểm) BÀI LÀM I. TỘI DANH ĐỐI VỚI NGUYỄN TRUNG N VÀ HÀ DŨNG T LÀ GÌ? HÃY GIẢI THÍCH (2 ĐIỂM). 1. Khẳng định. Trong vụ ngày 23/11, N phạm tội trộm cắp tài sản theo Điều 138 Bộ luât hình sự. Trong vụ ngày 25/11, N và T phạm tội cướp tài sản theo Điều 133 Bộ luật hình sự. 2. Chứng minh. 2.1. Ngày 23/11, N phạm tội trộm cắp tài sản theo Điều 138 Bộ luật hình sự. 2.1.1. Khách thể của tội phạm. Hành vi phạm tội của N đã xâm phạm đến khách thể được luật hình sự bảo vệ đó là quan hệ sở hữu. Nói cách khác, đó là hành vi xâm phạm các quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản của bà H.T.H – chủ sở hữu. Đối tượng tác động của tội phạm trong trường hợp này là tiền (1.500 USD). Trước khi bị N lấy cắp, số tiền này thuộc quyền sở hữu của bà H.T.H. 2.1.2. Mặt khách quan của tội phạm. Tội trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đang có chủ và thuộc một trong các trường hợp sau: - Tài sản trộm cắp có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên; - Gây hậu quả nghiêm trọng; - Đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản; - Đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản và chưa được xóa án tích. Thấy rõ, hành vi khách quan của N thỏa mãn các dấu hiệu được nêu trong cấu thành tôi phạm, thể hiện rõ trên hai phương diện: a) Dấu hiệu hành vi. Đó là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đang có chủ. Cụ thể, dấu hiệu của tội trộm cắp tài sản là dấu hiệu hành vi chiếm đoạt tài sản, cùng với hai dấu hiệu khác thể hiện tính chất hành vi chiếm đoạt và tính chất của đối tượng bị chiếm đoạt – dấu hiệu lén lút và dấu hiệu tài sản đang có chủ. Thứ nhất, về dấu hiệu chiếm đoạt; chiếm đoạt là hành vi cố ý chuyển dịch trái pháp luật tài sản đang thuộc sự quản lí của chủ tài sản thành tài sản của mình. Trong tình huống này, thấy rõ việc N cậy cửa vào nhà bà H.T.H lấy 1.500 USD là hành vi trái pháp luật, cố ý lợi dụng sơ hở lúc bà H.T.H đi vắng, lấy số tiền của bà H.T.H thành tiền của mình để đi trả nợ cá độ bóng đá. Đồng thời, tội trộm cắp của N đã hoàn thành, vì N đã lấy được số tiền đó và đem ra khỏi nhà bà H.T.H. Thứ hai, về dấu hiệu lén lút; sự lén lút ở đây vừa chỉ đặc điểm khách quan của hành vi chiếm đoạt tài sản vừa chỉ ý thức chủ quan của N. Về đặc điểm khách quan của hành vi chiếm đoạt; ta thấy hành vi cậy cửa nhân lúc bà H.T.H đi vắng, đã nhằm để bà H.T.H không biết N vào nhà trộm cắp. Đồng thời, về ý thức chủ quan của bản thân, khi thực hiện tội phạm N đã cố ý che giấu hành vi đang thực hiện của mình. Ý thức lén lút, che giấu này có thể là che giáu toàn bộ hành vi phạm tội hoặc chỉ che giấu tính chất phi pháp của hành vi. Trong tình huống này, N đã che giấu toàn bộ hành vi phạm tội như đối với bà H.T.H – chủ tài sản và có thể đối với cả những người xung quanh. Thứ ba, về dấu hiệu tài sản đang có chủ, tức là tài sản đang ở trong sự chiếm hữu của người khác hoặc tài sản đang còn trong khu vực quản lí, bảo quản của chủ tài sản. Trong tình huống này, số tiền 1.500 USD đang nằm trong sự chi phối về mặt thực tế của bà H.T.H. Và chắc chắn N biết số tiền này có chủ sở hữu vì nó đang được để trong nhà của bà H.T.H (không phải tài sản không có chủ). b) Dấu hiệu hậu quả. Ngoài hành vi lén lút trộm cắp tài sản đang có chủ, để cấu thành tội trộm cắp tài sản cần phải thỏa mãn một trong bốn trường hợp đã nêu ở trên. Trong tình huống này, hành vi phạm tội của N đã thỏa mãn trường hợp, tài sản trộm cắp có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên (1.500 USD tương đương 31.500.000 đồng). Đồng thời, giữa hành vi khách quan của N và hậu quả bà H.T.H bị mất 1.500 USD có mối quan hệ nhân quả, thể hiện trên 3 khía cạnh: Một là, hành vi chiếm đoạt tài sản của N xảy ra trước hậu quả bà H.T.H bị xâm phạm quyền sở hữu về mặt thời gian. Cụ thể, trước khi N cậy cửa vào nhà lấy 1.500 USD và H.T.H vẫn chiếm hữu, quản lý số tiền này. Sau khi N lấy 1.500 USD, bà H.T.H đã không thể thực hiện quyền của chủ sở hữu tài sản là chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản trên thực tế. Hai là, hành vi trái pháp luật của N chứa đựng khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Cụ thể, hành vi của N đã dịch chuyển trái phép tài sản ra khỏi sự quản lý của chủ sở hữu. Ba là, hậu quả xảy ra đúng là sự hiện thực hóa khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả của hành vi trái pháp luật. Cụ thể, số tiền 1.500 USD của bà H.T.H bị mất, khiến bà không thể thực hiện quyền của chủ sở hữu là do hành vi phạm tội của N gây ra. 2.1.3. Chủ thể của tội phạm. Khoản 1 Điều 12 quy định: “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm”. Vì vậy, N 24 tuổi; không thuộc các trường hợp không có năng lực trách nhiệm hình sự (Điều 13), phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác (Điều 14) và đã thực hiện hành vi phạm tội cụ thể đã thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm. 2.1.4. Mặt chủ quan của tội phạm. N phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp, thể hiện trên hai khía cạnh: - Về lí trí: N nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và thấy trước hậu quả của hành vi đó. Đó là sự nhận thức được rằng, bằng thủ đoạn cậy cửa vào thời gian bà H.T.H đi chợ, N sẽ dễ dàng lấy được số tiền 1.500 USD. Đồng thời, với khả năng nhận thức của một người bình thường, N cũng thấy rõ hậu quả thiệt hại về tài sản cho bà H.T.H nếu mình lấy đi số tiền đó. - Về ý chí: N mong muốn hậu quả phát sinh. Nói cách khác, việc lấy được 1.500 USD hoàn toàn phù hợp với mục đích ban đầu – phù hợp với sự mong muốn của N (lấy được tiền để trả nợ cá cược). Động cơ, mục đích phạm tội của N trong tình huống này có tính tư lợi. N phạm tội nhằm mục đích chiếm đoạt 1.500 USD. 2.2. Ngày 25/11, N và T phạm tội cướp tài sản theo Điều 133 Bộ luật hình sự. 2.2.1. Khách thể của tội phạm. Hành vi phạm tội của N và T xâm phạm đồng thời hai quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Đó là quan hệ nhân thân và quan hệ sở hữu. Bằng hành vi phạm tội của mình, N và T trước hết đã xâm phạm đến thân thể, tự do của bà H.T.H để qua đó có thể xâm phạm được quyền sở hữu về tài sản của bà H.T.H. 2.2.2. Mặt khách quan của tội phạm. a) Hành vi khách quan. Theo quy định của Điều 133 Bộ luật hình sự, có 3 dạng hành vi khách quan được coi là hành vi phạm tội của tội cướp tài sản. Đó là: hành vi dùng vũ lực; hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc và hành vi làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được. Trong tình huống này, N và T có hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc đối với bà H.T.H. Bằng việc dàn cảnh bịt mặt, xông vào nhà bà H, N và T đã dùng dao khống chế bà H, nếu như bà H chống cự bọn chúng sẽ dùng vũ lực “ngay tức khắc”. Thấy rõ, hành vi dùng dao khống chế có tính chất mãnh liệt làm cho bà H cảm thấy vũ lực sẽ xảy ra ngay. Vì bà H chỉ có một mình, còn N và T là hai thanh niên khỏe mạnh và có dao, sự đe dọa này đã làm cho ý chí của bà H bị tê liệt. Do đó, chúng khống chế bà H đã chiếm đoạt được thêm 1 triệu đồng. Ở đây, cần thấy rằng dấu hiệu “ngay tức khắc” chỉ đòi hỏi N và T đã có hành vi thể hiện ra bên ngoài là sẽ dùng vũ lực ngay tức khắc mà không đòi hỏi chúng phải thực sự có ý định dùng vũ lực ngay tức khắc cũng như phải có đủ điều kiện để dùng vũ lực ngay tức khắc. b) Hậu quả. N và T chiếm đoạt được 1 triệu đồng. Ngoài ra, hành vi đe dọa dùng vũ lực của N và T còn gây ra những thiệt hại về tinh thần, thể chất cho bà H. c) Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan và hậu quả. Thứ nhất, hành vi chiếm đoạt tài sản của N và T xảy ra trước hậu quả bà H.T.H bị xâm phạm quyền sở hữu và quyền nhân thân về mặt thời gian. Thứ hai, hành vi trái pháp luật của N và T chứa đựng khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Cụ thể, hành vi của N và T chứa đựng khả năng xâm phạm quyền sở hữu và quyền nhân thân được pháp luật bảo vệ. Thứ ba, hậu quả xảy ra đúng là sự hiện thực hóa khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả của hành vi trái pháp luật của N và T. 2.2.3. Chủ thể của tội phạm. Chủ thể của tội phạm trong tình huống này là N và T, đã trên 18 tuổi, có năng lực trách nhiệm hình sự (không thuộc các trường hợp tại Điều 13 và Điều 14 Bộ luật Hình sự) và đã thực hiện hành vi phạm tội cụ thể. 2.2.4. Mặt chủ quan của tội phạm. a) Lỗi. N và T phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp, thể hiện trên hai khía cạnh: - Về lí trí: Với khả năng nhận thức bình thường ở một người trưởng thành, N và T biết rõ mình có hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc sẽ làm cho bà H.T.H lâm vào tình trạng không thể chống cự được. Đồng thời, N và T cũng thấy trước rằng hậu quả có thể xảy ra hoặc sẽ xảy ra. - Về ý chí: N và T mong muốn hậu quả phát sinh. Bởi vì khi đã nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm mà vẫn thực hiện chứng tỏ N và T mong muốn thực hiện hành vi đó. Khi dùng dao khống chế bà H, N và T mong muốn hành vi đó có thể làm tê liệt sự chống cự của bà H, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chúng chiếm đoạt tài sản. b) Mục đích. N và T phạm tội nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. II. GIẢ SỬ Ở VỤ 25/11 N VÀ T KHÔNG LẤY ĐƯỢC GÌ THÌ TỘI DANH CỦA CHÚNG LÀ GÌ? TẠI SAO? (2 ĐIỂM). 1. Khẳng định. Giả sử ở vụ 25/11 N và T không lấy được gì thì tội danh của chúng vẫn là cướp tài sản (Điều 133). 2. Chứng minh. Như đã biết, dựa vào đặc điểm cấu trúc của các dấu hiệu thuộc mặt khách quan có thể chia cấu thành tội phạm thành cấu thành tội phạm vật chất và cấu thành tội phạm hình thức: Cấu thành tội phạm vật chất là cấu thành tội phạm có các dấu hiệu của mặt khách quan là hành vi, hậu quả, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Cấu thành tội phạm hình thức là cấu thành tội phạm có một dấu hiệu của mặt khách quan là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Thấy rõ, tội cướp tài sản theo Điều 133 Bộ luật hình sự có cấu thành tội phạm hình thức. Vì, chỉ riêng hành vi dùng vũ lực; đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hay hành vi làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được; đã thể hiện đầy đủ tính chất nguy hiểm của tội phạm. Vì vậy, tội cướp tài sản hoàn thành ngay khi người phạm tội đã thực hiện hành vi phạm tội. Cụ thể, trong tình huống này, hành vi của N và T đã thỏa mãn dấu hiệu hành vi của tội cướp tài sản. Đó là việc N và T đã thực hiện hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc với bà H.T.H. Điều này thể hiện ở chỗ: N và T dàn cảnh bịt kín mặt, xông vào nhà bà H và dùng dao khống chế bà H. Hành vi này đã thể hiện ra bên ngoài, rằng: - Nếu bà H có ý định chống cự, N và T sẽ dùng vũ lực ngay tức khắc. - Hành vi đe dọa, khống chế khiến bà H tê liệt không thể chống cự (dựa trên tương quan lực lượng giữa bên đe dọa là N, T và bên bị đe dọa – chỉ có bà H, hoàn cảnh không gian và thời gian,…). Sự khống chế này, làm cho chúng dễ dàng thực hiện được hành vi chiếm đoạt tài sản. Qua những phân tích trên, ta khẳng định được; vì N và T đã thực hiện hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm tội cướp tài sản; cho nên dù không lấy được gì, N và T vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản theo Điều 133 Bộ luật hình sự. III. GIẢ SỬ TRONG VỤ 25/11 SAU KHI LẤY ĐƯỢC 1 TRIỆU ĐỒNG, KHI N VÀ T RÚT CHẠY THÌ BÀ H.T.H KÊU CỨU, THẤY VẬY N BẢO T: “MÀY LÀM CHO CON MỤ ĐÓ CÂM MIỆNG ĐI”, T QUAY LẠI ĐÂM BÀ H MỘT NHÁT TRÚNG TIM VÀ BỎ CHẠY. BÀ H CHẾT NGAY. N CÓ ĐƯỢC COI LÀ ĐỒNG PHẠM VỚI T VỀ HÀNH VI GIẾT NGƯỜI KHÔNG? TẠI SAO? (2 ĐIỂM). 1. Khẳng định. N được coi là đồng phạm với T về hành vi giết người. 2. Chứng minh. Khoản 1 Điều 20 quy định: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. Theo quy định này, để xác định M và D là đồng phạm cần phải dựa vào những dấu hiệu sau: 2.1. Những dấu hiệu về mặt khách quan. Về mặt khách quan, đồng phạm đòi hỏi có hai dấu hiệu: Một là, phải có hai người trở lên và những người này có đủ điều kiện của chủ thể tội phạm. Cụ thể, N và T đã trên 18 tuổi, có năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ và đã thực hiện hành vi phạm tội. Hai là, N và T phải cùng thực hiện tội phạm (cố ý). Cùng thực hiện tội phạm tức là N và T phải tham gia vào tội phạm với một trong bốn hành vi như thực hiện tội phạm, tổ chức thực hiện tội phạm, xúc giục hoặc giúp sức người khác thực hiện tội phạm. Cụ thể: - T là người thực hành – thực hiện hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm tội giết người Điều 93 (hành vi dùng dao đâm một nhát trúng tim bà H). - N là người tổ chức – thông qua hành vi thành lập nhóm đồng phạm và điều khiển trực tiếp hoạt động của nhóm. Điều này thể hiện ở 2 tình tiết sau: N đã rủ T dàn cảnh bịt kín mặt, xông vào nhà bà H. Khi N và T rút chạy thì bà H kêu cứu, N giao trách nhiệm vụ cho T: “Mày làm cho con mụ đó câm miệng đi”. Việc làm cho bà H im lặng là để nhằm mục đích hỗ trợ cho việc tẩu thoát của N và T sau khi thực hiện hành vi cướp. Tuy N không ra lệnh trực tiếp rằng T phải đâm chết bà H, nhưng N không đặt ra giới hạn cho hành vi của T. Nói cách khác, có thể hiểu câu nói của N như sau: “Mày làm cái gì đó cũng được miễn là con mụ đó không kêu la được là xong”. Nếu người đồng phạm để cho người thực hành tự do hành động miễn là đạt được mục đích thì sẽ không có hành vi vượt quá của người thực hành. Tuy hậu quả bà H chết nằm ngoài kế hoạch ban đầu của N và T khi thực hiện việc cướp tài sản, nhưng không thể coi việc T đâm chết bà là hành vi vượt quá của người thực hành. Dù trước đó N và T không có bàn bạc với nhau về việc đâm chết bà H, nhưng khi T đâm bà H – là dì của N, N không hề tỏ ra hối hận, hay có ý thức khắc phục hậu quả và hai tên cùng bỏ chạy. Hành vi này cho thấy giữa N và T đã có sự tiếp tiếp nhận ý chí của nhau ở ngay hiện trường. 2.2. Những dấu hiệu về mặt chủ quan. Về mặt chủ quan, đồng phạm đòi hỏi những người cùng thực hiện tội phạm đều có lỗi cố ý, xét trên hai khía cạnh: - Về lí trí: Mỗi người đều biết hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và đều biết người khác cũng có hành vi nguy hiểm cho xã hội cùng với mình. Trong tình huống này: Thứ nhất, với nhận thức của một người đầy đủ năng lực TNHS, T biết và buộc phải biết hành vi đâm vào ngực bà H của mình là nguy hiểm, có thể dẫn đến chết người. Thứ hai, N tuy không trực tiếp ra lệnh cho T giết bà H, nhưng khi yêu cầu T: ““Mày làm cho con mụ đó câm miệng đi”, N đã không đặt ra giới hạn cho hành vi của T. Khi đưa ra yêu cầu đó, N buộc phải thấy trong tình trạng đang cần tẩu thoát nhanh, với một con dao trên tay, để buộc cho bà H im lặng một cách nhanh nhất, T có thể có hành động đe dọa tính mạng bà H. - Về ý chí: Những người đồng phạm cùng mong muốn có hoạt động chung và cùng mong muốn hoặc cùng có ý thức để mặc cho hậu quả phát sinh. Trong trường hợp này: Thứ nhất, T hoàn toàn tự do ý chí trong việc lựa chọn biện pháp khác để buộc bà H im lặng mà không xâm phạm đến tính mạng của bà. Trên thực tế T đã chọn cách dùng dao đâm chết bà H. Điều này chứng tỏ T mong muốn hậu quả xảy ra. Thứ hai, N không trực tiếp ra lệnh cho T giết bà H nhưng N để cho T tự do hành động miễn là đạt được mục đích. Và khi T đâm bà H, N và T cùng nhau bỏ chạy, không có ý thức khắc phục hậu quả. Như đã phân tích ở trên, tình tiết này chứng tỏ, N đã tiếp nhận ý chí của T và cũng mong muốn hậu quả chết người xảy ra. è Như vậy, trong vụ 25/11 ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản (Điều 133); N và T còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo Điều 93 Bộ luật hình sự. IV. GIẢ SỬ T ĐÂM BÀ H VÀO NGỰC CHỈ GÂY THƯƠNG TÍCH 35%, KHÔNG CHẾT THÌ TỘI DANH CỦA N VÀ T CÓ THAY ĐỔI KHÔNG? 1. Khẳng định. Nếu T đâm bà H vào ngực chỉ gây thương tích 35%, không chết thì tội danh của N và T không thay đổi. Tức là, trong vụ 25/11 N và T vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản (Điều 133) và tội giết người ở giai đoạn chưa đạt đã hoàn thành (Điều 93). 2. Chứng minh. Điều 18 Bộ luật Hình sự quy định: “Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội”. Căn cứ vào thái độ tâm lí của người phạm tội đối với hành vi mà họ đã thực hiện, phạm tội chưa đạt được chia thành phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành và phạm tội chưa đạt đã hoàn thành. Cụ thể, trong trường hợp này ta xác định N và T phạm tội giết người ở giai đoạn chưa đạt đã hoàn thành dựa trên những dấu hiệu sau: Thứ nhất, T đã bắt đầu thực hiện tội phạm thông qua hành vi tước đoạt trái pháp luật tính mạng bà H (dùng dao đâm vào ngực). Đây là hành vi được mô tả trong cấu thành tội giết người. Thứ hai, cả T và H đều đã cố ý thực hiện tội phạm, chúng nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm (đâm vào ngực bà H, vị trí đâm là ngực – vùng nguy hiểm của cơ thể), sẽ gây ra hoặc có thể gây ra cái chết cho bà H và hơn hết chúng mong muốn hậu quả chết người xảy ra. Thứ ba, sau khi T đâm vào ngực bà H, hai tên đã cùng nhau bỏ chạy, không hề có ý thức khắc phục hậu quả. Chúng đã thực hiện được hết hành vi được cho là cần thiết, việc bà H không chết mà chỉ bị thương tích 35% là do nguyên nhân ngoài ý muốn, không phải do chúng tự nguyện chấm dứt thực hiện tội phạm. Vì vậy, theo quy định tại Điều 18 BLHS: “người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm về tội phạm chưa đạt”, N và T vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo Điều 93 ở giai đoạn chưa đạt đã hoàn thành. KẾT LUẬN. I. Tội danh đối với Nguyễn Trung N và Hà Dũng T là: Nguyễn Trung N phạm tội trộm cắp tài sản (ngày 23/11) và tội cướp tài sản ngày (25/11) theo Điều 138 và Điều 133 Bộ luật hình sự. Hà Dũng T phạm tội cướp tài sản theo Điều 133 Bộ luật hình sự. II. Giả sử ở vụ 25/11 N và T không lấy được gì thì tội danh của chúng vẫn không thay đổi. N và T phạm tội cướp tài sản theo Điều 133 Bộ luật hình sự. III. Giả sử trong vụ 25/11 sau khi lấy được 1 triệu đồng, khi N và T rút chạy thì bà H.T.H kêu cứu, thấy vậy N bảo T: “Mày làm cho con mụ đó câm miệng đi”, T quay lại đâm bà H một nhát trúng tim và bỏ chạy. Bà H chết ngay. N có được coi là đồng phạm với T về hành vi giết người. IV. Giả sử T đâm bà H vào ngực chỉ gây thương tích 35%, không chết thì tội danh của N và T không thay đổi.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docBài tập nhóm hình sự - đề bài số 7 (8đ).doc
Luận văn liên quan