Bài tập hình sự - Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
A gửi xe đạp vào bãi trông giữ xe và mang vé gửi ra ngoài. Vé gửi mang số 511. Chờ ở ngoài khoảng 30 phút A quay lại bãi gửi xe cùng với một viên phấn đã chuẩn bị từ trước. Khi vào trong bãi A chọn một chiếc xe đạp ngoại còn mới, xóa số cũ trên yên xe, điền số 511 rồi dắt ra ngoài. Khi ra ngoài cửa soát vé thì hành vi của A bị phát hiện. A bị Tòa án kết án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 1 điều 139 Bộ luật hình sự và tuyên 18 tháng tù. Hỏi : a. Căn cứ vào khoản 3 điều 8 Bộ luật hình sự thì loại tội mà A thực hiện thuộc loại tội gì? Tại sao? b. Hành vi phạm tội của A thuộc trường hợp cấu thành tội phạm cơ bản, cấu thành tội phạm tăng nặng hay cấu thành tội phạm giảm nhẹ? Tại sao? c. Nếu A là người nước ngoài thì A có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Tại sao? d. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại điều 139 Bộ luật hình sự đã được sửa đổi bổ sung nội dung gì theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS ngày 19 tháng 6 năm 2009.
7 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 5388 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bài tập hình sự - Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề số 5 :
A gửi xe đạp vào bãi trông giữ xe và mang vé gửi ra ngoài. Vé gửi mang số 511. Chờ ở ngoài khoảng 30 phút A quay lại bãi gửi xe cùng với một viên phấn đã chuẩn bị từ trước. Khi vào trong bãi A chọn một chiếc xe đạp ngoại còn mới, xóa số cũ trên yên xe, điền số 511 rồi dắt ra ngoài. Khi ra ngoài cửa soát vé thì hành vi của A bị phát hiện.
A bị Tòa án kết án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 1 điều 139 Bộ luật hình sự và tuyên 18 tháng tù.
Hỏi :
a. Căn cứ vào khoản 3 điều 8 Bộ luật hình sự thì loại tội mà A thực hiện thuộc loại tội gì? Tại sao?
b. Hành vi phạm tội của A thuộc trường hợp cấu thành tội phạm cơ bản, cấu thành tội phạm tăng nặng hay cấu thành tội phạm giảm nhẹ? Tại sao?
c. Nếu A là người nước ngoài thì A có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Tại sao?
d. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại điều 139 Bộ luật hình sự đã được sửa đổi bổ sung nội dung gì theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS ngày 19 tháng 6 năm 2009.
Bài Làm
a. Căn cứ vào khoản 3 điều 8 Bộ luật hình sự thì loại tội mà A thực hiện thuộc loại tội gì? Tại sao?
Căn cứ vào khoản 3 Điều 8 Bộ luật Hình sự thì loại tội mà A thực hiện thuộc loại tội ít nghiêm trọng.
Tại vì:
Khoản 3 Điều 8 BLHS quy định: “Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.”
Mà hành vi của A là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã vi phạm vào Khoản 1 Điều 139 Bộ Luật Hình Sự.
Khoản 1 Điều 139 Bộ Luật Hình sự “ Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”
Khung hình phạt của Khoản 1 Điều 139 là “bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”, mức cao nhất của khung hình phạt là ba năm. Chiếu theo Khoản 3 Điều 8 Bộ Luật hình Sự “Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù” thì loại tội mà A thực hiện thuộc loại tội ít nghiêm trọng.
b. Hành vi phạm tội của A thuộc trường hợp cấu thành tội phạm cơ bản, cấu thành tội phạm tăng nặng hay cấu thành tội phạm giảm nhẹ? Tại sao?
Hành vi phạm tội của A thuộc trường hợp cấu thành tội phạm cơ bản.
Vì :
– Cấu thành tội phạm cơ bản là cấu thành tội phạm chỉ có dấu hiệu định tội – dấu hiệu mô tả tội phạm và cho phép phân biệt tội này với tội khác.
– Cấu thành tội phạm tăng nặng là cấu thành tội phạm mà ngoài dấu hiệu định tội còn có thêm dấu hiệu phản ánh tội phạm có mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội tăng lên một cách đáng kể (so với bình thường).
– Cấu thành tội phạm giảm nhẹ là cấu thành tội phạm mà ngoài dấu hiệu định tội còn có thêm dấu hiệu phản ánh tội phạm có mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội giảm xuống một cách đáng kể (so với bình thường).
Trong tình huống, hành vi của A là : gửi một chiếc xe đạp vào bãi gửi xe, lấy vé xe đi ra ngoài, chờ 30 phút sau vào bãi chọn một chiếc xe đạp ngoại còn mới, xóa số cũ trên yên xe, điền số vé xe của mình vào.
Như vậy, hành vi của A là dùng thủ đoạn gian dối để lấy chiếc xe đạp của người khác có giá trị hơn. Những hành vi của A cho thấy những dấu hiệu rất đặc trưng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 1 điều 139 Bộ luật hình sự : “ Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến ba năm”.
Những hành vi phạm tội đó là những dấu hiệu cơ bản để định tội của A.
Hơn nữa, trong các hành vi của A không có dấu hiệu làm cho tính nguy hiểm cho xã hội tăng lên hay giảm xuống một cách đáng kể nên hành vi phạm tội của A không phải là cấu thành tội phạm tăng nặng hay cấu thành tội phạm giảm nhẹ.
Do vậy, hành vi phạm tội của A trong trường hợp này là cấu thành tội phạm cơ bản.
c. Nếu A là người nước ngoài thì A có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Tại sao?
Nếu A là người nước ngoài thì A có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 5 của bộ luật Hình Sự.
Vì :
Đạo luật hình sự Việt Nam có hiệu lực trong khoảng không gian nhất định và đối với một số người nhất định.
Xuất phát từ nguyên tắc chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và tuyệt đối của quốc gia đã được lập pháp quốc tế thừa nhận rộng rãi, luật hình sự Việt Nam có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Nghĩa là bất kì tội phạm nào thực hiện trên vùng đất, vùng nước, vùng trời của nước cộng hòa XHCN Việt Nam cũng đều bị xét xử theo luật hình sự Việt Nam.
Tội phạm được coi là thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam khi tội phạm ấy có một trong những giai đoạn thực hiện tội phạm được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam. Nghĩa là, tội phạm ấy được bắt đầu hoặc diễn ra hoặc kết thúc trên lãnh thổ Việt Nam.
Áp dụng trong trường hợp này, ta thấy A thực hiện tội phạm trên lãnh thổ Việt Nam. Theo khoản 1 điều 5 Bộ luật hình sự Việt Nam thì mọi hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều phải chịu sự áp dụng của Bộ luật hình sự Việt Nam. Nên cho dù A là công dân của bất cứ nước nào hay là người không Quốc tịch đã phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam thì đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự Việt Nam.
Nói A “có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự” theo Bộ luật hình sự Việt Nam là vì:
Trong trường hợp A được hưởng quyền đặc miễn tư pháp quốc tế thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao với chính phủ nước họ theo quy định tại khoản 2 điều 5 BLHS: ” Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam kí kết hoặc tham gia hoặc theo tập quán quốc tế thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao”.
d. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại điều 139 Bộ luật hình sự đã được sửa đổi, bổ sung nội dung gì theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS ngày 19 tháng 6 năm 2009.
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại điều 139 Bộ luật hình sự đã được sửa đổi, bổ sung một số điểm như sau:
– Bỏ hình phạt tử hình ở điều 139.
Sửa đổi cụm từ “hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình” thành cụm từ “hai mươi năm hoặc tù chung thân” ở khoản 4 điều 139.
Khoản 4 điều 139 quy định :
“Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.”
– Sửa đổi mức định lượng tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 điều 139.
Sửa đổi cụm từ “năm trăm nghìn đồng” thành cụm từ “hai triệu đồng” tại khoản 1 điều 139.
Khoản 1 điều 139 quy định:
“Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Bt nhóm hình sự- A gửi xe đạp vào bãi trông giữ xe và mang vé gửi ra ngoài Vé gửi mang số 511 Chờ ở ngoài khoảng 30 phút A quay lại .doc