Bài tập học kì môn luật hình sự 2 về vụ án trộm cắp tài sản
Dạng hành vi khách quan thứ ba của tội cướp tài sản là hành vi làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được. Hành vi ở dạng thứ ba này tuy không phải là vũ lực cũng như không phải là lời đe dọa nhưng có khả năng như những hành vi đó - khả năng làm cho người bị tấn công không thể ngăn cản được việc chiếm đoạt.
Ở tình huống này, H và Q thực hiện tội phạm chỉ xâm hại đến quan hệ sở hữu mà không xâm hại đến quan hệ nhân thân. H và Q chỉ tác động vào tài sản –số nữ trang bằng vàng của chị. Như vậy H và Q đều không có một trong 3 dạng hành vi khách quan của tội cướp tài sản như đã phân tích ở trên.
7 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 5476 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bài tập học kì môn luật hình sự 2 về vụ án trộm cắp tài sản, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BÀI LÀM:
LỜI MỞ ĐẦU
Quyền sở hữu tài sản là một trong những quyền cơ bản của công dân, vậy mà tội phạm xâm phạm sở hữu lại chiếm một số lượng không nhỏ. Tội trộm cắp tài sản là một minh chứng điển hình, đó là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đang có chủ. Tuy là một tội phạm phổ biến nhưng biểu hiện khách quan của tội phạm này khá đa dạng, trong thực tiễn có nhiều trường hợp phạm tội gây tranh cãi, thậm chí nhầm lẫn giữa tội trộm cắp tài sản với các tội xâm phạm sở hữu khác. Tình huống sau đây là một ví dụ:
“ A, B, K uống rượu say, đi loạng choạng và ngã ở dọc đường, H và Q phát hiện chị B cùng với hai người bạn nằm bên đường. Thấy chị B đeo nhiều nữ trang bằng vàng, H và Q lấy đi toàn bộ tài sản trị giá 10 triệu đồng. Gần sáng cơn say hết, chị B tỉnh giấc mới biết mình bị mất tài sản và đi báo công an.”
NỘI DUNG
Sở dĩ kết luận H, Q phạm tội trộm cắp tài sản được quy định tại điều 138 BLHS năm 1999 là do hành vi của H và Q đã thỏa mãn cấu thành tội phạm của tội này:
a,Mặt khách quan:
Dấu hiệu của tội trộm cắp tài sản là dấu hiệu hành vi chiếm đoạt tài sản cùng với hai dấu hiệu thể hiện tính chất của hành vi chiếm đoạt và tính chất của đối tượng bị chiếm đoạt – dấu hiệu lén lút và dấu hiệu tài sản đang có chủ. Hành vi chiếm đoạt trong CTTP của tội trộm cắp tài sản được thực tiễn xét xử từ trước tới nay hiểu là chiếm đoạt được. Với cách hiểu như vậy, tội trộm cắp tài sản chỉ được coi là hoàn thành khi người phạm tội chiếm đoạt được tài sản. Để đánh giá người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản hay chưa, đã làm chủ được tài sản hay chưa phải dựa vào đặc điểm, vị trí tài sản chiếm đoạt được. Hành vi chiếm đoạt của tội trộm cắp tài sản có hai dấu hiệu để phân biệt với hành vi chiếm đoạt của của những tội khác: Dấu hiệu lén lút và dấu hiệu tài sản đang có chủ.
-Hành vi chiếm đoạt tài sản được coi là lén lút nếu được thực hiện bằng hình thức mà hình thức đó có khả năng không cho phép chủ tài sản biết có hành vi chiếm đoạt khi hành vi này xảy ra. Ý thức chủ quan của người phạm tội là lén lút nếu khi thực hiện hành vi chiếm đoạt người phạm tội có ý thức che giấu hành vi mình đang thực hiện của mình. Đối với những người khác, ý thức chủ quan của người trộm cắp tài sản có thể vẫn là công khai. Nhưng trong thực tế, ý thức chủ quan của người phạm tội trong phần lớn các trường hợp cũng là lén lút, che giấu đối với người khác. Ý thức lén lút, che giấu có thể là:
Che giấu toàn bộ hành vi phạm tội như che giấu đối với chủ tài sản hoặc
Chỉ che giấu tính chất phi pháp của hành vi. Ví dụ: Lợi dụng thủ kho đi vắng, mở cửa kho chuyển hàng lên ô tô một cách đàng hoàng như có việc xuất hàng bình thường. Trong trường hợp này, người phạm tội không che giấu hành vi chiếm đoạt thực tế mà chỉ che giấu tính chất phi pháp của hành vi. Những người không phải là chủ tài sản vẫn biết sự việc xảy ra nhưng không biết đó là hành vi trộm cắp tài sản.
-Tài sản là đối tượng của tội trộm cắp tài sản là tài sản đang có chủ. Hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản ở tội trộm cắp tài sản phải là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đang có chủ. Hành vi lấy tài sản của mình hoặc đang do mình quản lí cũng như hành vi lấy tài sản không có hoặc chưa có chủ đều không phải là hành vi trộm cắp.
Trong tình huống nêu trên, H và Q đã thực hiện hành vi: Hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản: H và Q đã lợi dụng tình trạng chị B và hai bạn của chị say rượu mê mệt nằm bên đường. Với tình trạng này H và Q đã trộm cắp số nữ trang bằng vàng trị giá 10 triệu đồng của chị B. Chị B hoàn toàn không biết số nữ trang bị đánh cắp khi H và Q tiến hành phạm tội, cụ thể, “đến sáng khi tỉnh rượu chị mới phát hiện số nữ trang này đã mất và đi báo công an”. Dấu hiệu tài sản đang có chủ: Số nữ trang bằng vàng trị giá 10 triệu đồng mà H và Q chiếm đoạt thuộc sở hữu của chị B. Trước khi H và Q tiến hành hành vi phạm tội thì số vàng này chị B đang đeo trên mình.
b. Về mặt khách thể:
Tội trộm cắp tài sản xâm phạm đến quan hệ sở hữu tài sản của công dân được Luật hình sự bảo vệ. Cụ thể trong tình huống này, đối tượng tác động là tài sản mà H và Q đã dịch chuyển bất hợp pháp, đó là toàn bộ số nữ trang trị giá 10 triệu đồng. Chị B – chủ tài sản mất quyền sở hữu với tài sản của mình.
c. Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của tội phạm này cũng như các tội xâm phạm sở hữu khác là chủ thể thường có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ độ tuổi luật định.
d. Mặt chủ quan của tội phạm:
Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Ở đây, H và Q cùng nhau thực hiện hành vi lén lút chiếm đoạt số nữ trang bằng vàng mà chị B đang đeo ở trên người và cùng mong muốn hậu quả xảy ra là lấy số vàng vào tay của mình.
Lỗi của người phạm tội trong tội trộm cắp tài sản là lỗi cố ý trực tiếp. Tội phạm được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý trực tiếp và dấu hiệu bắt buộc của tội phạm. Người phạm tội khi thực hiện hành vi trộm cắp tài sản nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn cho hậu quả xảy ra. Khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội biết rằng đang thực hiện một hành động Nhà nước cấm và xã hội lên án. Người phạm tội cũng nhận thức được về tình trạng sở hữu của tài sản, biết được rằng tài sản họ chiếm đoạt là tài sản của người khác, hành động chiếm đoạt đó là trái pháp luật.
Xét tình huống đặt ra, lỗi của H và Q cũng là lỗi cố ý trực tiếp. Khi nhìn thấy chị B và số nữ trang của chị B vì có ý định chiếm đoạt nên chúng đã lấy đi. Mặc dù biết rõ hành vi của mình là phạm pháp nhưng H và Q vẫn cố ý thực hiện hành vi phạm tội và mong muốn cho hậu quả xảy ra là lấy đi được tài sản mà không để cho chị B phát hiện.
Kết luận: Vậy hành vi của H và Q hoàn toàn thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội trộm cắp tài sản theo Điều 138 BLHS năm 1999.
Hành vi của H và Q cấu thành tội trộm cắp tài sản chứ không cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, vì:
Các tội xâm phạm sở hữu nói chung đều xâm phạm tới quan hệ sở hữu, tuy nhiên về mặt khách quan của các tội lại khác nhau. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản khác với tội trộm cắp tài sản như sau:
Khoản 1 Điều 137 BLHS quy định: “Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Có thể hiểu về công nhiên chiếm đoạt tài sản như sau: “Công nhiên chiếm đoạt tài sản là lợi dụng lúc chủ tài sản không có khả năng ngăn cản để công nhiên chiếm đoạt tài sản của họ”. Cụ thể, hành vi khách quan của tội này được biểu hiện là hành vi “chiếm đoạt tài sản một cách công nhiên”. Hành vi này có tính chất công khai. Và hành vi này xảy ra trong hoàn cảnh người chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản. Người phạm tội không cần và không có ý định có bất cứ thủ đoạn nào khác đề đối phó với người có trách nhiệm với tài sản, người phạm tội không cần dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác để uy hiếp tinh thần chủ tài sản, cũng như không cần chạy trốn, nhanh chóng tẩu thoát, v.v….
Còn đối với tình huống trên, H và Q cũng thực hiện việc chiếm đoạt tài sản là số trang sức của chị B trong hoàn cảnh chị B đang nằm mê mệt vì say rượu, và lợi dùng hoàn cảnh của chị B đang không có khả năng chống cự, phản kháng mà H và Q đã không cần có bất cứ tác động ngoài nào khác lấy đi toàn bộ số nữ trang.
Tuy nhiên, vấn đề cần xem xét ở trong tình huống trên là phải phân biệt được người chủ tài sản là người không có điều kiện ngăn cản và người chủ tài sản là người không có khả năng nhận thức để chống cự. Đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, người chủ tài sản phải là người không có điều kiện ngăn cản, chứ không phải là người không có khả năng nhận thức để chống cự, tức là chủ tài sản vẫn nhận biết được việc mình đang bị chiếm đoạt tài sản, nhưng vì một lý do khách quan, một trở ngại nào đó nên dù biết cũng không có cách nào ngăn chặn.
Ví dụ, hành vi chiếm đoạt tài sản có thể thực hiện khi chủ sở tài sản đang ở cách xa tài sản như người thợ điện đang sửa chữa điện trên cột điện và anh ta bị chiếm đoạt chiếc xe máy để ở dưới gốc cây gần đó. Như vậy, cần phải hiểu hành vi chiếm đoạt tài sản một cách công nhiên là chiếm đoạt ngay dưới sự nhận thức và quan sát của chủ sở hữu.
Còn trong tình huống này, do lâm vào tình trạng say rượu, nên chị B nằm mê man mà hoàn toàn không có khả năng nhận thức được là mình đang bị chiếm đoạt số nữ trang của mình. Chỉ khi đến gần sáng, khi cơ say hết thì chị B mới biết mình bị mất tài sản và đi báo công an. Nhưng đến lúc này thì hành vi phạm tội của H và Q đã kết thúc và tội phạm của H và Q cũng đã hoàn thành.
Do đó, hành vi chiếm đoạt tài sản của H và Q trong tình huống này cũng không thể coi là công nhiên chiếm đoạt tài sản.
Hành vi của H và Q cũng không phải là tội cướp tài sản vì Theo qui định của điều 133 BLHS có 3 dạng hành vi khách quan được coi là hành vi của tội cướp tài sản:
- Hành vi dùng vũ lực được hiểu là hành vi dùng sức mạnh vật chất (có hoặc không có công cụ phạm tội) tác động vào người khác nhằm đè bẹp hoặc làm tê liệt sự chống cự của người này chống lại hành vi chiếm đoạt. Hành vi dùng vũ lực trước hết phải nhằm vào con người. Người bị tấn công ở đây có thể là chủ tài sản hoặc người có trách nhiệm quản lí hay bảo vệ tài sản nhưng có thể là bất kì ai mà người phạm tội cho rằng người này đã hoặc đã có khả năng sẽ ngăn cản việc chiếm đoạt của mình.
Hành vi dùng vũ lực trong tội cướp tài sản phải ở mức độ có khả năng đè bẹp hoặc làm tê liệt sự chống cự, nghĩa là có khả năng làm cho sự chống cự về mặt thực tế không xảy ra được hoặc xảy ra nhưng không có kết quả hoặc làm cho người bị tấn công bị tê liệt về mặt ý chí, không dám chống cự.
- Dạng hành vi thứ hai của tội cướp tài sản là hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc. Đây là trường hợp người phạm tội bằng lời nói hoặc cử chỉ (hoặc cả hai) dọa sẽ dùng vũ lực ngay tức khắc nếu chống cự lại việc chiếm đoạt. Vũ lực đe dọa sẽ thực hiện có thể nhằm vào chính người bị đe dọa nhưng cũng có thể nhằm vào người có quan hệ thân thuộc với người bị đe dọa. Dấu hiệu “ngay tức khắc" ở đây có ý nghĩa quan trọng để phân biệt hành vi đe dọa dùng vũ lực ở tội cướp với hành vi đe dọa dùng vũ lực ở tội cưỡng đoạt tài sản. Dấu hiệu này vừa để chỉ sự nhanh chóng về mặt thời gian sẽ xảy ra và vừa dùng để chỉ sự mãnh liệt của hành vi đe dọa. Hành vi đe dọa dùng vũ lực ở tội cướp tài sản có tính chất mãnh liệt là làm cho người bị đe dọa thấy rằng vũ lực sẽ xảy ra ngay, họ không hoặc khó có điều kiện tránh khỏi. Sự đe dọa đã làm ý chí của người bị đe dọa tê liệt. Dấu hiệu ngay tức khắc chỉ đòi hỏi người phạm tội đã có hành vi, cử chỉ, thái độ thể hiện ra bên ngoài là sẽ dùng vũ lực ngay tức khắc. Như vậy những trường hợp chỉ làm ra vẻ sẽ dùng vũ lực ngay tức khắc nhưng không có ý định hoặc không có điều kiện để dùng vũ lực nay tức khắc cũng bị coi là cướp tài sản.
- Dạng hành vi khách quan thứ ba của tội cướp tài sản là hành vi làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được. Hành vi ở dạng thứ ba này tuy không phải là vũ lực cũng như không phải là lời đe dọa nhưng có khả năng như những hành vi đó - khả năng làm cho người bị tấn công không thể ngăn cản được việc chiếm đoạt.
Ở tình huống này, H và Q thực hiện tội phạm chỉ xâm hại đến quan hệ sở hữu mà không xâm hại đến quan hệ nhân thân. H và Q chỉ tác động vào tài sản –số nữ trang bằng vàng của chị. Như vậy H và Q đều không có một trong 3 dạng hành vi khách quan của tội cướp tài sản như đã phân tích ở trên.
Vì vậy H và Q không phạm tội cướp tài sản.
KẾT LUẬN
Qua phân tích cấu thành tội phạm kết hợp với so sánh đối chiếu có thể khẳng định được hành vi của H và Q thực hiện đủ các dấu hiệu cấu thành tội trộm cắp tài sản theo điều 138 BLHS năm 1999, tình huống này cho thấy một dạng thức khác của hành vi, do trạng thái không thể nhận thức được của nạn nhân, cũng giống như tên trộm lẻn vào khi chủ nhà đang ngủ. Vì vậy, cần nắm rõ đặc điểm của hành vi phạm tội để không bị nhầm lẫn giữa các tội xâm phạm sở hữu với nhau.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Bài tập học kì môn Luật Hình sự 2 (8 điểm)về vụ án trộm cắp tài sản.docx