Bài tập học kì môn sở hữu trí tuệ - Về bảo hộ sáng chế, bí mật kinh doanh
Anh A là nhân viên Công ty X (công ty này chuyên sản xuất các mặt hàng công nghiệp) và là tác giả của phương pháp xử lý nước thải từ các nhà máy công nghiệp. Tuy nhiên, giữa anh A và Công ty X xảy ra bất đồng trong việc xác định tác giả của phương pháp này. Theo anh/chị:
a. Tác giả của phương pháp này là anh A hay Công ty X?
b. Anh A/Công ty X nên đăng ký bảo hộ sáng chế hay bảo mật phương pháp với ý nghĩa là một bí mật kinh doanh?
9 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 11079 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bài tập học kì môn sở hữu trí tuệ - Về bảo hộ sáng chế, bí mật kinh doanh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề bài: Số 13
Anh A là nhân viên Công ty X (công ty này chuyên sản xuất các mặt hàng công nghiệp) và là tác giả của phương pháp xử lý nước thải từ các nhà máy công nghiệp. Tuy nhiên, giữa anh A và Công ty X xảy ra bất đồng trong việc xác định tác giả của phương pháp này. Theo anh/chị:
a. Tác giả của phương pháp này là anh A hay Công ty X?
b. Anh A/Công ty X nên đăng ký bảo hộ sáng chế hay bảo mật phương pháp với ý nghĩa là một bí mật kinh doanh?
a. Tác giả của phương pháp xử lý nước thải từ các nhà máy công nghiệp là anh A chứ không phải Công ty X vì:
Quá trình tạo ra các tác phẩm văn học, nghệ thuật, các công trình khoa học là quá trình hoạt động sáng tạo của cá nhân. Tác giả của các tác phẩm văn học, nghệ thuật, các công trình khoa học chỉ có thể là những con người cụ thể, họ đã bằng lao động sáng tạo của mình để trực tiếp tạo ra tác phẩm. Điều 736 BLDS 2005 có quy định như sau:
"1. Người sáng tạo tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học (sau đây gọi chung là tác phẩm) là tác giả của tác phẩm đó. Trong trường hợp có hai người hoặc nhiều người cùng sáng tạo ra tác phẩm thì những người đó là các đồng tác giả.
2. Người sáng tạo ra tác phẩm phái sinh từ tác phẩm của người khác, bao gồm tác phẩm được dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn là tác giả của tác phẩm phái sinh đó."
Theo quy định tại Điều 8 NĐ 100/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật dân sự, Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan thì tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học bao gồm: "Cá nhân Việt Nam có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả".
Như vậy, trong tình huống nêu trên thì anh A chính là cá nhân bằng sức lao động của mình trực tiếp tạo ra tác phẩm. Để tạo ra phương pháp xử lý nước thải từ các nhà máy công nghiệp nêu trên thì anh A đã phải bỏ sức lao động và khả năng sáng tạo của mình để tìm hiểu, nghiên cứu và chế tạo ra phương pháp đó. Và như tình huống đã nêu ở trên, Công ty X chỉ là cơ quan chủ quản của anh A chứ không hề tham gia vào một phần nào trong việc tạo ra tác phẩm khoa học của anh A.
Ngoài ra, anh A còn đáp ứng được những yêu cầu mà tác giả của tác phẩm cần có:
- Thứ nhất, anh A là người trực tiếp thực hiện các hoạt động sáng tạo để tạo ra phương pháp xử lý nước thải từ các nhà máy công nghiệp. Hoạt động sáng tạo của tác giả là sự lao động trí óc để tạo ra các tác phẩm một cách sáng tạo hay nói cách khác, các tác phẩm phải là kết quả của hoạt động sáng tạo được thể hiện trên hình thái vật chất hoặc được thể hiện thông qua hình thức nhất định, có tính độc lập tương đối, mang tính mới về nội dung, ý tưởng hoặc mang tính mới về sự thể hiện tác phẩm. Có thể nói, ở đây anh A đã phải sử dụng trí óc của bản thân mình để đưa ra các phương pháp hợp lý cho việc xử lý nước thải công nghiệp. Tuy anh A có thể chế tạo phương pháp xử lý nước thải đó là dựa trên kinh phí, vật chất, phương tiện, tư liệu hoặc những ý kiến đóng góp của Công ty X nhưng ở đây, Công ty X cũng không được công nhận là tác giả của phương pháp đó. Căn cứ theo Khoản 2 Điều 8 NĐ 100/2006/NĐ-CP: "2. Tổ chức, cá nhân làm công việc hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo ra tác phẩm không được công nhận là tác giả.".
- Thứ hai, người tạo ra tác phẩm phải ghi tên thật hoặc bút danh của mình trên tác phẩm được công bố. Vì tác phẩm của anh A chưa được công bố nên không thể biết được anh A có ghi tên thật hay bút danh của mình trên tác phẩm không. Nhưng vì anh A là nhân viên của Công ty X nên chỉ được thực hiện những việc mà Công ty X đã giao, khi anh A muốn chế tạo phương pháp xử lý nước thải đó thì chắc chắn anh A phải đưa ra được bản đề án thuyết phục được Công ty X. Và trong bàn đề án đó chắc chắn phải có đề tên thật và chứ ký của anh A.
- Thứ ba, phương pháp xử lý nước thải từ các nhà máy công nghiệp được tạo ra là kết quả của quá trình lao động sáng tạo trong lĩnh vực khoa học. Phương pháp đó là một công trình khoa học thông qua việc nghiên cứu và thử nghiệm mới có thể tạo ra được.
Như vậy, có thể khẳng định anh A là tác giả của phương pháp xử lý nước thải từ các nhà máy công nghiệp đã nêu trên.
b, Công ty X nên đăng ký bảo hộ sáng chế thay vì bảo mật phương pháp với ý nghĩa là một bí mật kinh doanh vì:
Dựa vào mối quan hệ lao động trong quá trình tạo ra phương pháp xử lý nước thải từ các nhà máy công nghiệp thì anh A là tác giả của phương pháp nhưng không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả. Trong tình huống trên, Công ty X là công ty chuyên sản xuất các mặt hàng công nghiệp và anh A là nhân viên của Công ty X. Như vậy, công việc của anh A là công việc dựa trên nhiệm vụ được phân công hoặc theo hợp đồng. Anh A chế tạo ra phương pháp xử lý nước thải đó trong thời gian làm việc ở công ty và bằng chi phí vật chất của Công ty X nên Công ty X mới là chủ sở hữu quyền tác giả. Chính vì là chủ sở hữu quyền tác giả nên Công ty X mới có quyền lựa chọn hình thức bảo hộ cho phương pháp xử lý nước thải đó.
Việc lưạ chọn bảo hộ theo cách nào tùy thuộc vào sự lựa chọn của Công ty X nhưng trước khi quyết định hình thức bảo hộ cần cân nhắc đến hiệu quả cuả mỗi hình thức, đồng thời phải kiểm tra xem giải pháp kỹ thuật có đáp ứng điều kiện bảo hộ hay không. Dưới đây là một số điều cần biết về bảo hộ sáng chế và bảo hộ bí mật kinh doanh:
Bảo hộ Sáng chế:
Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Khoản 1 Điều 58 LSHTT 2005 quy định:
"1. Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có tính mới;
b) Có trình độ sáng tạo;
c) Có khả năng áp dụng công nghiệp."
Có thể thấy rằng, để được cấp một bằng sáng chế, đòi hỏi giải pháp kỹ thuật đó phải đáp ứng các điều kiện như: Có tính mới, có tính sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp. Như vậy, không phải đối tượng nào cũng có thể bảo hộ với danh nghĩa sáng chế, chẳng hạn: cách thức thể hiện thông tin, giải pháp chỉ mang tính thẩm mỹ, hay như các quy trình sản xuất thực vật, động vật chỉ mang bản chất sinh học mà không phải là quy trình vi sinh... (Điều 59 LSHTT 2005).
Theo Điều 93 LSHTT 2005 quy định về hiệu lực của văn bằng bảo hộ thì sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp bằng độc quyền và hiệu lực cuả bằng sáng chế là 20 năm. Bằng sáng chế không cấp cho những ý tưởng mơ hồ mà chỉ cấp cho những giải pháp kỹ thuật được trình bày cụ thể, chi tiết. Người yêu cầu cấp bằng sáng chế phải công bố trước công chúng một cách chi tiết những bí quyết kỹ thuật và phải nêu rõ phạm vi bảo hộ hợp lý.
Theo hình thức bảo hộ sáng chế thì Công ty X có quyền độc quyền tối cao trong việc sử dụng sáng chế cuả mình trong vòng 20 năm, nhưng đổi lại công ty phải công bố bí quyết cuả mình để mọi người có thể hiểu và học hỏi được từ những giải pháp kỹ thuật đó. Sau thời hạn bảo hộ, bất cứ ai cũng có quyền sử dụng phương pháp xử lý nước thải đó.
Bảo bộ Bí mật kinh doanh:
Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh. Căn cứ theo Điều 84 LSHTT 2005 thì để được bảo hộ theo dạng bí mật kinh doanh, cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;
- Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó;
- Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.
Về lý thuyết, bí mật kinh doanh được bảo hộ vô thời hạn và không cần làm thủ tục đăng ký.
Ưu điểm của hình thức bảo hộ này là:
- Không bị hạn chế về mặt thời gian (sáng chế thường chỉ được kéo dài đến 20 năm). Nó sẽ còn được kéo dài tới chừng nào bí mật đó còn chưa bị bộc lộ ra công chúng.
- Không đòi hỏi chi phí đăng ký (mặc dù có thể phải bỏ chi phí để bảo mật thông tin đó). Việc bảo hộ bí mật kinh doanh không đòi hỏi phải tuân theo những hình thức như bộc lộ thông tin cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Ngày nay, vấn đề bảo hộ kinh doanh đang được các doanh nghiệp hết sức quan tâm do nhiều yếu tố. Trong đó, mức độ cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt nên các đối thủ chắc chắn không hề muốn chia sẻ thông tin cho nhau. Hơn nữa, khi người lao động có quyền tự do lựa chọn và thay đổi nơi làm việc, sẽ có khả năng rất cao là họ mang theo thông tin đến nơi làm việc mới mà thông thường là các đối thủ cạnh tranh của công ty cũ. Vì vậy, nếu lựa chọn hình thức bảo hộ này thì Công ty X sẽ không phải giải trình công khai các thông tin bí mật, các doanh nghiệp khác sẽ không biết được các thông tin đó.
Tuy nhiên, bảo hộ bí mật kinh doanh không đơn giản. Muốn bảo hộ bí mật kinh doanh phải tìm những biện pháp cần thiết để hạn chế việc phổ biến thông tin. Chẳng hạn như: Phải hạn chế sự ra vào nơi làm việc; tránh sự tiếp cận với các tài liệu, thông tin bí mật; hạn chế nghiêm ngặt số lượng người có thể tiếp cận các thông tin cạnh tranh quan trọng; phải giáo dục nhân viên chủ chốt và phải giám sát rất kỹ các buổi thuyết trình, giới thiệu sản phẩm... Việc bảo hộ bí mật kinh doanh rất tốn kém và phần lớn phải dưạ vào các cơ quan pháp luật.
Như những gì đã tìm hiểu ở trên thì để Công ty X có được nhiều lợi ích nhất thì nên đăng ký hình thức bảo hộ sáng chế. Việc sử dụng độc quyền sở hữu sáng chế của Công ty X dù chỉ trong một thời hạn nhất định (20 năm) nhưng cũng có thể đạt được lợi nhuận rất cao nhờ vào việc chuyển giao quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng sáng chế với giá cao.
Hơn nữa, với sự cạnh tranh khốc liệt thì sự bảo hộ độc quyền sáng chế có ý nghĩa rất quan trọng giúp các Công ty X nhanh chóng thu được lợi nhuận để có thể đứng vững và phát triển trong môi trường cạnh tranh, rủi ro và năng động.
Ngoài ra, khi phương pháp xử lý nước thải từ các nhà máy công nghiệp được cấp văn bằng bảo hộ, Công ty X có thể sử dụng nó như tài sản có giá trị để thương thảo trong các thoả thuận về kinh tế và là công cụ phát tín hiệu cho các nhà đầu tư, cổ đông, ngân hàng và khách hàng về giá trị của tài sản vô hình.
Sử dụng hình thức bảo hộ sáng chế còn có lợi ích công cộng khác. Vì sợ bộc lộ thông tin, nhiều sản phẩm đã không bao giờ xuất hiện, nhất là những sản phẩm có vốn đầu tư lớn, bởi khi sản phẩm được bán ra thị trường, các đối thủ cạnh tranh có thể dễ dàng bắt chước. Nhưng nếu cứ giữ bí mật mãi những sáng chế đó thì những sáng chế không được công bố này sẽ bị mai một đi. Việc cấp bằng sáng chế còn thúc đẩy sự phát triển công nghệ và thúc đẩy sự sáng tạo của con người.
Bảo hộ sáng chế là giải pháp lựa chọn khá hữu hiệu giúp giải quyết thất bại thị trường do bản chất công ích của tri thức gây ra. Khả năng bảo hộ thông qua việc cấp Bằng độc quyền sáng chế đã hoạt động hàng trăm năm qua và đã đạt được tín nhiệm cao của cả thế giới do đã thúc đẩy tiến bộ về công nghệ trong quá trình phát triển của nhân loại.
Tuy nhiên, cũng như nhiều công cụ chính sách khác, việc bảo hộ sáng chế cũng mang trong mình các nhược điểm và hạn chế. Vì vậy, các nhà làm luật nên hoàn thiện hơn nữa hệ thống bảo hộ sáng chế trong tương lai vì mục tiêu cân bằng lợi ích của doanh nghiệp và xã hội trong hoạt động đổi mới công nghệ.
Danh mục tài liệu tham khảo:
Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật SHTT Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2009.
Lê Đình Nghị và Vũ Thị Hải Yến (chủ biên), Giáo trình luật SHTT, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2009.
Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2005.
Luật SHTT năm 2005.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT năm 2009
Nghị định của Chính phủ số 100/2006/NĐ-CP ngày 21/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật dân sự năm 2005 và Luật SHTT về quyền tác giả và quyền liên quan.
Nguyễn Thái Mai, “Xác định các điều kiện bảo hộ đối với bí mật kinh doanh - Một nội dung pháp lí quan trọng trong khi giải quyết các vụ việc về xâm phạm bí mật kinh doanh tại toà án”, Tạp chí toà án nhân dân, số 18 (9/2009), tr. 40 – 43.
Nguyễn Thị Quế Anh, “Bí mật kinh doanh và các tiêu chí bảo hộ, Tạp chí thương mại”, số 22 tháng 6/2003, tr. 5-6.
Tạ Doãn Trịnh, "Bảo hộ độc quyền sáng chế ở doanh nghiệp: nhìn từ góc độ kinh tế học"
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Bài tập học kì môn sở hữu trí tuệ - về bảo hộ sáng chế, bí mật kinh doanh.doc