LỜI MỞ ĐẤU
NỘI DUNG
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM HIỆN HÀNH VỀ ĐỊA VỊ PHÁP LÝ CỦA BỊ CAN, BỊ CÁO:
1. Địa vị pháp lý của bị can:
1.1 Những quy định về quyền của bị can:
1.2. Những quy định về nghĩa vụ của bị can:
2. Địa vị pháp lý của bị cáo:
2.1. Những quy định vể quyền của bị cáo:
2.2. Những quy định về nghĩa vụ của bị cáo:
II. THỰC TRẠNG VIỆC THỰC HIỆN CÁC QUYỀN LỢI CỦA BỊ CAN, BỊ CÁO:
1. Thực tiễn thực hiện quyền tự bào chữa của bị can, bị cáo:
2. Thực tiễn thực hiện quyền nhờ người khác bào chữa của bị can, bị cáo:
3. Thực tiễn thực hiện quyền thay đổi NTHTT của bị can, bị cáo:
4. Thực tiễn thực hiện các quyền khác của bị can, bị cáo:
III. GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT NHẰM ĐẢM BẢO THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA BLTTHS VỀ QUYỀN LỢI CỦA BỊ CAN, BỊ CÁO:
1. Kiến nghị sửa đổi, bố sung những quy định của BLTTHS 2003 về địa vị pháp lý của bị can, bị cáo và những quy định liên quan:
2. Các giải pháp khác:
KẾT LUẬN
17 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 2889 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bài tập học kỳ môn tố tụng hình sự địa vị pháp lí của bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự và việc hoàn thiện pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi của bị can, bị cáo, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỤC LỤC
LỜI MỞ ĐẤU
NỘI DUNG
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM HIỆN HÀNH VỀ ĐỊA VỊ PHÁP LÝ CỦA BỊ CAN, BỊ CÁO:
1. Địa vị pháp lý của bị can:
1.1 Những quy định về quyền của bị can:
1.2. Những quy định về nghĩa vụ của bị can:
2. Địa vị pháp lý của bị cáo:
2.1. Những quy định vể quyền của bị cáo:
2.2. Những quy định về nghĩa vụ của bị cáo:
II. THỰC TRẠNG VIỆC THỰC HIỆN CÁC QUYỀN LỢI CỦA BỊ CAN, BỊ CÁO:
1. Thực tiễn thực hiện quyền tự bào chữa của bị can, bị cáo:
2. Thực tiễn thực hiện quyền nhờ người khác bào chữa của bị can, bị cáo:
3. Thực tiễn thực hiện quyền thay đổi NTHTT của bị can, bị cáo:
4. Thực tiễn thực hiện các quyền khác của bị can, bị cáo:
III. GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT NHẰM ĐẢM BẢO THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA BLTTHS VỀ QUYỀN LỢI CỦA BỊ CAN, BỊ CÁO:
1. Kiến nghị sửa đổi, bố sung những quy định của BLTTHS 2003 về địa vị pháp lý của bị can, bị cáo và những quy định liên quan:
2. Các giải pháp khác:
KẾT LUẬN
DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT
BLTTHS : Bộ luật Tố tụng hình sự
BLHS: Bộ luật Hình sự
VKS: Viện kiểm sát
CQTHTT: Cơ quan tiến hành tố tụng
NTHTT: Người tiến hành tố tụng
CQĐT: Cơ quan điều tra
NBC: Người bào chữa
LỜI MỞ ĐẤU
Bị can, bị cáo là hai trong số những người tham gia tố tụng có quyền lợi và nghĩa vụ pháp lý liên quan đến vụ án. Bộ luật tố tụng hình sự quy định như thế nào là bị can, như thế nào là bị cáo? Và địa vị pháp lí của bị can, bị cáo như thế nào?
Để hiểu rõ được những câu hỏi trên, em đã lựa chọn đề tài: “Địa vị pháp lí của bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự và việc hoàn thiện pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi của bị can, bị cáo?” để giải quyết cho bài tập lớn học kì của mình.
NỘI DUNG
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM HIỆN HÀNH VỀ ĐỊA VỊ PHÁP LÝ CỦA BỊ CAN, BỊ CÁO:
1. Địa vị pháp lý của bị can:
1.1 Những quy định về quyền của bị can:
Quyền của bị can được quy định tại khoản 2 Điều 49 BLTTHS 2003, theo đó bị can có các quyền:
(1) Được biết mình bị khởi tố về tội gì:
Không phải vô cớ mà các nhà làm luật đặt quyền này lên đầu tiên khi xây dựng các quy định pháp luật về quyền của bị can, bởi đây là quyền rất quan trọng, quyền đầu tiên và quyền ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các quyền khác của bị can. Bị can là người đã bị khởi tố về hình sự, mốc xác định tư cách bị can là lúc có quyết định khởi tố bị can đã có sự phê chuẩn của VKS. Do đó, bị can cần phải được biết mình bị khởi tố về tội gì, theo điều nào của BLHS để từ đó có thể tiến hành tự bào chữa hoặc nhờ NBC cho mình.
Tuy nhiên, quyền được biết mình bị khởi tố về tội gì của bị can có được bảo đảm trên thực tế hay không lại phụ thuộc vào rất nhiều vào hoạt động của CQTHTT và NTHTT, thông qua việc giao và giải thích các quyết định tố tụng cũng như giải quyết các quyền và nghĩa vụ cho bị can. Bị can được biết mình khởi tố về tội gì thông qua quyết định khởi tố bị can. Quyết định khởi tố bị can của cơ quan có thẩm quyền phải có đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật tại khoản 2 Điều 126 BLTTHS và phải được tống đạt đến bị can. CQĐT có trách nhiệm phải giao ngay quyết định khởi tố bị can và giải thích các quyền và nghĩa vụ cho bị can.
Quyền được biết mình bị khởi tố về tội gì của bị can thể hiện sự công bằng, bình đẳng và tiến bộ của pháp luật xã hội chủ nghĩa. Bởi vì Nhà nước có quyền lực trong tay và các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước sử dụng quyền lực đó để tiến hành các hoạt động tố tụng với bị can, nên bị can cần phải được biết mình bị khởi tố về tội gì một cách công khai, minh bạch để có thể trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua NBC, người đại diện hợp pháp để bảo đảm quyền lợi của mình.
Tuy nhiên trên thực tế việc thực hiện quyền này của bị can chưa được bảo đảm vì nhiều lí do. Có thể kể đến như do NTHTT đã không giải thích và cho bị can được biết mình bị khởi tố về tội gì, cũng nhiều trường hợp do chính nhận thức của bị can về pháp luật còn chưa cao. Việc không biết mình bị khởi tố về tội gì khiến bị can không có sự chuẩn bị về những tài liệu, đồ vật, lời khai hay tìm nhân chứng, tìm sự trợ giúp về pháp luật để bào chữa cho mình. Do vậy, việc tiến hành tố tụng có thể đi đến những kết quả sai với sự thức khách quan của vụ án.
(2) Được giải thích về quyền và nghĩa vụ:
Trong điều kiện nhận thức về pháp luật của nhiều người dân Việt Nam chưa cao thì việc tuyên truyeền phổ biến pháp luật nói chung là rất quan trọng. Đặc biệt trong trường hợp một công dân bị truy cứu trách nhiệm hình sự (một loại trách nhiệm mà chế tài nặng nhất có thể ảnh hưởng đến cả quyền được sống của một công dân) thì việc giải thích quyền và nghĩa vụ cho họ là điều vô cùng cần thiết. Việc giải thích quyền và nghĩa vụ cho bị can cũng chính là CQTHTT, NTHTT đã chỉ ra cho bị can hiểu rõ địa vị pháp lý của mình. Từ đó họ có thể biết mình đang trong tình trạng pháp lý nào, đang có quyền và phải có nghĩa vụ gì.
Theo quy định tại khoản 6 Điều 126 BLTTHS 2003 thì CQĐT phải bảo đảm việc giao quyết định khởi tố bị can và giải thích quyền, nghĩa vụ cho bị can được thực hiện. Việc giải thích quyền và nghĩa vụ ở đây không đơn thuần chỉ là việc nêu lên các quy định của pháp luật mà phải có sự giải thích cặn kẽ cho bị can nắm được. Bị can có quyền được yêu cầu giải thích về các quyền và nghĩa vụ mà mình chưa nắm rõ cũng như hỏi về cách thức thực hiện các quyền mà pháp luật đã quy định cho họ để từ đó khi TGTT, họ có thể bảo vệ quyền lợi của mình một cách hợp pháp.
Ngoài việc được giải thích về quyền, bị can cũng có quyền được giải thích về nghĩa vụ của mình để có thể hoàn thành tốt cá nghĩa vụ mà pháp luật đã quy định. Trong thực tế có nhiều trường hợp bị can không hề được giải thích về nghĩa vụ của mình (mà chủ yếu là nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền), dẫn đến nhiều trường hợp bị can vi phạm nghĩa vụ này nên bị truy nã, áp giải trong khi bị can không hề có ý định bỏ trốn.
(3) Trình bày lời khai:
Lời khai của bị can là một trong số các nguồn chứng cứ quan trọng để giải quyết vụ án. Là đối tượng bị buộc tội, bị can có quyền bào chữa, gỡ tội. Một trong các hình thức để bào chữa cho mình là việc bị can trình bày lời khai của mình. Bị can có quyền trình bày các tình tiết, sự việc có liên quan đến vụ án để đưa ra những bằng chứng chứng minh cho mình trước sự buộc tội của CQTHTT.
Việc khai báo, tình bày lời khai là một quyền chứ không phải là nghĩa vụ của bị can. Do đó bị can có thể khai báo hoặc không khai báo trước CQTHTT, NTHTT. Pháp luật không đặt ra trách nhiệm cho bị can trong trường hợp bị can không khai báo hay khai báo không đúng sự thật. Tuy nhiên bị can được pháp luật khuyến khích khai báo sự thật một cách thành khẩn để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho mình (điểm p khoản 1 Điều 46 BLTTHS 2003). Bị can thường trình bày về những tình tiết có lợi cho mình, nhằm chứng minh là mình vô tội hoặc phạm tội nhẹ hơn tội đã bị khởi tố, đưa ra những tình tiết, lý do để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho mình. Cơ quan điều tra cần phải tôn trọng quyền trình bày lời khai của bị can để có thể xác định sự thật một cách khách quan, không phiến diện, không được dùng những biện pháp trái pháp luật để buộc tội bị can phải khai báo, điều đó vi phạm quyền của bị can và có thể dẫn tới sai lầm trong kết quả điều tra.
(4) Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu:
Bị can có quyền cung cấp những tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án. Cơ quan điều tra khi nhận được các tài liệu, đồ vật do bị can cung cấp phải tiến hành kiểm tra, đánh giá cách khách quan để xác định các tài liệu, đồ vật đó có phải là chứng cứ trong vụ án hay không. Bị can cũng có quyền đưa ra những yêu cầu như yêu cầu trưng cầu giám định, giám định bổ sung hoặc giám lại, yêu cầu điều tra lại …
(5) Đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch:
Bị can có quyền đề nghị thay đổi những người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch nếu có căn cứ rõ ràng để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ, việc họ tiến hành hoặc tham gia tố tụng có thể làm cho vụ án được giải quyết theo hướng không có lợi cho bị can. Các cơ quan tiến hành tố tụng phải xem xét, giải quyết yêu cầu của bị can nếu đề nghị đó là có căn cứ.
(6) Tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa:
Bị can có quyền tự bào chữa, bị can có thể dùng những lí lẽ và những chứng cứ để gỡ tội và để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Quyền bào chữa không chỉ là một quyền độc lập, tách rời với các quyền khác của bị can bị cáo mà có thể hiểu quyền bào chữa là tổng hòa các quyền của bị can. Ngoài việc đưa ra những lí lẽ biện hộ cho mình bị can còn thực hiện quyền bào chữa thông qua các quyền khác như quyền trình bày lời khai, quyền đưa ra tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu… Các quyền khác của bị can cũng nhằm mục đích thực hiện việc gỡ tội và bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của bị can. Việc quy định quyền bào chữa của bị can nhằm mục đích nhấn mạnh quyền được chống lại việc buộc tội, quyền tự bảo vệ mình của bị can trước cơ quan tiến hành tố tụng.
Bị can có thể nhờ người khác bào chữa, trong trường hợp bị can là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án phải yêu cầu Đoàn luật sư cử người bào chữa cho họ, bị can và đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa. Các cơ quan tiến hành tố tụng phải tôn trọng và đảm bảo quyền bào chữa của bị can.
(7) Được nhận cac quyết định, văn bản tố tụng:
Được nhận quyết định khởi tố; quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, bản kết luận điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; bản cáo trạng, quyết định truy tố; các quyết định tố tụng khác theo quy định của luật tố tụng hình sự.
Bị can có quyền nhận các quyết định tố tụng có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Quyết định này nhằm tạo điều kiện cho bị can có thể thực hiện tốt quyền bào chữa cũng như các quyền và nghĩa vụ tố tụng khác của mình. Đồng thời quyết định này cũng đòi hỏicác cơ quan tiến hành tố tụng phải giải quyết vụ án theo đúng thủ tục pháp luật, các quyết định phải được đưa ra với hình thức văn bản, có căn cứ và đúng pháp luật.
(8) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng:
Bị can có quyền khiếu nại các quyết định và hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng. Điều này bắt buộc các chủ thể nói trên phải tuân thủ pháp luật trong khi tiến hành tố tụng, phải tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của bị can. Bị can có thể khiếu nại các quyết định và hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng đến các chủ thể có thẩm quyền giải quyết. Các chủ thể này phải xem xét và giải quyết trong thời hạn luật định, kết quả xem xét, giải quyết phải được thông báo bằng văn bản cho bị can biết.
1.2. Những quy định về nghĩa vụ của bị can:
Bị can là đối tượng bị buộc tội, còn các CQTHTT là chủ thể có nghĩa vụ phải chứng minh hành vi phạm tội và đưa ra kết luận cuối cùng để giải quyết vụ án, do đó pháp luật không quy định nhiều về nghĩa vụ của bị can, trong khi trách nhiệm và nghĩa vụ của NTHTT lại rất lớn.
Bị can phải có mặt theo giấy triệu tập của CQĐT, VKS. Trong trường hợp bị can được tại ngoại, khi cần triệu tập bị can để tiến hành các hoạt động điều tra hoặc các hoạt động tố tụng khác, các cơ quan tiến hành tố tụng phải triệu tập bị can bằng giấy triệu tập theo đúng thủ tục luật định, trong đó phải ghi rõ thời gian địa điểm bị can phải có mặt. Bị can có nghĩa vụ phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng, nếu vắng mặt không có lý do chính đáng thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã. Bị can đang bị tạm giam được triệu tập thông qua Ban giáo thị trại tạm giam.
2. Địa vị pháp lý của bị cáo:
2.1. Những quy định vể quyền của bị cáo:
Với một tư cách tố tụng khác bị can, bị cáo là người đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử. Bị cáo tham gia vào tố tụng từ khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử đến khi bản án hoặc quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Cũng như khái niệm bị can, bị cáo cũng là khái niệm mang tính hình thức, căn cứ vào văn kiện tố tụng được áp dụng đối với người đó. Một người sẽ trở thành bị cáo khi bị tòa án quyết định đưa ra xét xử, quyết định đó có thể đúng nhưng cũng có thể sai. Vì vậy, khái niệm bị cáo không đồng nghĩa với khái niệm chủ thể tội phạm và ngược lại. Bị cáo cũng không phải là người có tội, bị cáo chỉ trở thành người có tội nếu sau khi xét xử họ bị Tòa án ra bản án kết tội và bản án đó đã có hiệu lực pháp luật. Theo quy định tại khoản 2 Điều 50 BLTTHS thì bị cáo có quyền:
(1) Được nhận các quyết định, văn bản tố tụng:
Được nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử, quyết định áp dụng thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, quyết định đình chỉ vụ án, bản án, quyết định của Tòa án, các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Quyền được nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử là quyền quan trọng của bị cáo. Dựa vào nội dung của quyết định đưa vụ án ra xét xử, bị cáo được biết tội danh họ bị đưa ra xét xử, thời gian, địa điểm mở phiên tòa, tên của những người tham gia tiến hành tố tụng, vật chứng cần xem xét tại phiên tòa … Trên cơ sở đó, họ mới có thể thực hiện các quyền của mình như quyền tham gia phiên tòa, quyền đề nghị thay đổi người tiến hành hoặc tham gia tố tụng, quyền yêu cầu xem xét thêm vật chứng mới … và nhất là quyền được bào chữa. Quyết định đưa vụ án ra xét xử phải được giao cho bị cáo chậm nhất là 10 ngày trước khi mở phiên tòa. Nếu không được đảm bảo quyền này, bị cáo có quyền yêu cầu hoãn phiên tòa.
Bị cáo cũng có quyền được nhận các quyết định khác có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của bị cáo như quyết định áp dụng, thây đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án, bản án; quyết định của Tòa án và các quyết định khác theo quy định của pháp luật. Các quyết định này là căn cứ pháp lý để bị cáo thực hiện các quyền và nghĩa vụ có liên quan đến các quyết định đó.
(2) Tham gia phiên tòa:
Tại phiên tòa, bị cáo bình đẳng với Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng khác trong việc đưa chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ tại phiên tòa. Vì vậy, việc bị cáo có quyền tham gia phiên tòa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc bị cáo thực hiện quyền bào chữa và bảo vệ các quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình. Tòa án phải đảm bảo quyền bình đẳng trước Tòa án của bị cáo và chỉ có thể xử vắng mặt bị cáo trong những trường hợp luật định, những trường hợp khác phải hoãn phiên tòa.
(3) Được giải thích về quyền và nghĩa vụ:
Chủ tọa phiên tòa phải giải thích quyền và nghĩa vụ cho bị cáo trong thủ tục bắt đầu phiên tòa. Bị cáo cần phải được biết họ có các quyền và nghĩa vụ gì để họ có thể thực hiện các quyền và nghĩa vụ đó theo đúng quy định của pháp luật.
(4) Đề nghị thay đồi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự:
Bị cáo là đối tượng được đưa ra xét xử, là đối tượng buộc tội trong vụ án hình sự, việc xét xử như thế nào ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của bị cáo, vì vậy bị cáo có quyền được đề nghị thay đổi NTHTT, người giám định, người phiên dịch khi có căn cứ rõ ràng để cho rằng những người này có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ. Bị cáo có thể thực hiện quyền này trước hoặc tại phiên tòa xét xử trước khi Hội đồng xét xử hỏi. Chánh án Tòa án Hội đồng xét xử phải xem xét và giải quyết yêu cầu của bị cáo, khi cần thiết phải hoãn phiên tòa.
(5) Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu:
Bị cáo có quyền đưa ra tài liệu, đồ vật tại phiên tòa xét xử. Những tài liệu, đồ vật mà bị cáo đưa ra thông thường có ý nghĩa gỡ tội cho bị cáo, chứng minh bị cáo không phạm tội hoặc chứng minh những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Hội đồng xét xử phải kiểm tra, xác minh và đánh giá các đồ vật, tài liệu đó có phải là chứng cứ trong vụ án không và giá trị của nó trong việc xác định sự thật của vụ án.
Bị cáo cũng có quyền đưa ra những yêu cầu như yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng hoặc yêu cầu đưa thêm vật chứng, tài liệu xem xét, yêu cầu hoãn phiên tòa … Các yêu cầu này phải được Tòa án xem xét giải quyết.
(6) Tự bào chữa hoặc nhời người khác bào chữa:
Quyền bào chữa được thực hiện ngay từ khi một người bị khởi tố về hình sự, khi họ trở thành đối tượng buộc tội và được thực hiện quyền trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhưng quyền này được thể hiện rõ nét nhất qua việc bị cáo tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa tại phiên tòa. Trong khi tranh luận, bị cáo trình bày lời bào chữa, nếu bị cáo có người bào chữa thì người này bào chữa cho bị cáo, bị cáo có quyền bổ sung ý kiến của mình. Tòa án phải tông trọng quyền bào chữa của bị cáo. Việc tôn trọng quyền bào chữa của bị cáo không chỉ là đảm bảo quyền lợi cho bị cáo, thể hiện tính nhân đạo và dân chủ trong tố tụng hình sự mà còn là đảm bảo quan trọng để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ.
(7) Trình bày ý kiến, tranh luận tại phiên tòa:
Bị cáo có quyền đưa ra ý kiến, những lập luận của mình và đối đáp với những ý kiến không thống nhất của các chủ thể khác.
(8) Nói lời sau cùng trước khi nghị án:
Sau khi Hội đồng xét xử kết thúc xét xử và tranh luận, bị cáo được nói lời sau cùng trước khi nghị án. Pháp luật quy định quyền này là tạo điều kiện để bị cáo có cơ hội được bày tỏ thái độ và nguyện vọng của mình trước khi Hội đồng xét xử đưa ra những quyết định đối với vụ án. Trong khi nói lời sau cùng, bị cáo có quyền trình bày mọi vấn đề liên quan đến vụ án, tỏ thái độ của mình đối với việc buộc tội… Hội đồng xét xử phải chú ý và tôn trọng quyền nói lời sau cùng trước khi nghị án. Nhiều trường hợp, khi nói lời sau cùng, bị cáo lại đưa ra những tình tiết có ý nghĩa quan trọng đối với vụ án, khi đó, Hội đồng xét xử phải quay lại việc xét hỏi.
(9) Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án:
Kháng cáo là quyền chống lại bản án và quyết định của Tòa án, yêu cầu được xét xử lại. Bị cáo có quyền kháng cáo bản án và các quyết định đình chỉ và tạm đình chỉ vụ án chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Khi kháng cáo của bị cáo là hợp lệ, Tòa án cấp phúc thẩm phải xem xét và giải quyết quyền kháng cáo của bị cáo. Để bị cáo có thể yên tâm thực hiện quyền kháng cáo, luật tố tụng hình sự quy định, nếu chỉ có kháng cáo của bị cáo mà không có kháng cáo, kháng nghị theo hướng tăng nặng nào khác thì Tòa cấp phúc thẩm không có quyền sửa án theo hướng bất lợi hơn cho bị cáo.
(10) Khiếu nại quyết định hành vi của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng:
Bị cáo có quyền khiếu nại quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Những quyết định này không thuộc đối tượng kháng cáo như quyết định áp dụng, thay đổi hủy bỏ biện pháp ngăn chặn… Bị cáo cũng có quyền khiếu nại hành vi tố tụng của cơ quan, người tiến hành tố tụng nếu các hành vi đó là trái pháp luật
2.2. Những quy định về nghĩa vụ của bị cáo:
Bị cáo phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án, trong trường hợp vắng mặt không có lí do chính đáng thì có thể áp giải, nếu bỏ trốn thì bị truy nã
II. THỰC TRẠNG VIỆC THỰC HIỆN CÁC QUYỀN LỢI CỦA BỊ CAN, BỊ CÁO:
1. Thực tiễn thực hiện quyền tự bào chữa của bị can, bị cáo:
Tự bào chữa là một trong những hình thức để bị can, bị cáo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật. Tự bào chữa là quyền năng tố tụng đặc thù của bị can, bị cáo được pháp luật ghi nhận và bảo đảm cho phép bị can, bị cáo tự mình thực hiện các hành vi tố tụng và biện pháp bào chữa theo quy định của pháp luật nhằm minh oan, bác bỏ sự buộc tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho mình. Là người bị buộc tội nhưng trong thực tế vì những lí do khác nhau mà bị can, bị cáo thường tự mình thực hiện quyền bào chữa chứ không nhờ người khác bào chữa cho mình. Theo số liệu thống kê thì trong thời gian vừa qua số vụ án mà bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa của mình bằng hình thức tự bào chữa chiếm gần 90% so với tổng số vụ án mà các toà án đã xét xử. Số vụ án có người bào chữa tham gia chiếm tỉ lệ rất thấp. Nguyên nhân của tình trạng bị can, bị cáo không nhờ người khác bào chữa cho mình rất đa dạng.
- Thứ nhất, nhân dân ta chưa có thói quen nhờ người bào chữa và chưa thấy rõ được vai trò của người bào chữa trong các vụ án hình sự.
- Thứ hai, nhiều người biết nhưng lại không có tiền hoặc sợ tốn kém nên không mời người bào chữa.
- Thứ ba, trình độ hiểu biết pháp luật của một số bị can, bị cáo hiện nay là quá thấp nên mặc dù được cơ quan tiến hành tố tụng giải thích nhưng họ vẫn không hiểu. Ngược lại, có trường hợp bị can, bị cáo không được cơ quan tiến hành tố tụng giải thích một cách rõ ràng.
Vụ án Tăng Muộn phạm tội bức tử ở Quảng Ngãi là một ví dụ. Tăng Muộn là người đàn ông hết mực thương yêu vợ, con. Chỉ vì lỡ tay tát vợ một lần khi vợ cãi vã, người vợ giận chồng uống thuốc tự tử. Bị cáo Tăng Muộn bị toà án nhân dân huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi tuyên án phạt tù về tội bức tử. Vụ án được đưa ra xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm vì có sai lầm trong việc áp dụng bLHS. Uỷ ban thẩm phán toà án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã mở phiên toà giám đốc thẩm và tuyên bố Tăng Muộn vô tội. Được hỏi sao không kháng cáo ngay sau khi xét xử sơ thẩm, Tăng Muộn đã trả lời: “Sau khi vợ chết, em thấy mình có lỗi vì quá nóng giận, với lại suốt ngày đi đốn củi đong gạo nuôi con, có biết gì về pháp luật đâu”.
Và còn nhiều trường hợp tương tự như vậy. Bị can không biết mình có quyền nhờ người bào chữa và sử dụng nó như là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền lợi cho mình. Bùi Minh Hải người đã hơn một năm tù oan ở Đồng Nai cho biết, anh hoàn toàn không biết mình có quyền đó, cứ nghĩ khi bị khởi tố thì quyền sinh, quyền sát thuộc về cơ quan điều tra, còn luật sư anh tưởng cứ phải ra toà mới giúp. Những người hoàn toàn không biết như bùi Minh Hải và Tăng Văn Muộn không phải là những trường hợp hiếm trong thực tiễn tố tụng hiện nay. Nguyên nhân chủ yếu là do trình độ hiểu biết pháp luật tố tụng của họ về quyền của bị can, bị cáo còn hạn chế. Không mấy ai biết được người bào chữa có quyền tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can, vì vậy tuyệt đại đa số họ không nhờ người bào chữa từ thời điểm này. Có những bị cáo khi được tuyên vô tội cho biết: Nếu ngay từ khi khởi tố bị can mà họ được biết có thể mời luật sư thì số phận pháp lí của họ không phải long đong như vậy. Bởi lẽ, các biên bản hỏi cung họ không hề được đọc lại do không rành tiếng Việt nhưng vẫn buộc kí tên. Chính những biên bản hỏi cung mà họ không rành nội dung ấy đã hại họ những ngày tháng bị giam khổ sở.
Thường những trường hợp bị can, bị cáo tự bào chữa thì chất lượng không cao. Thậm chí có trường hợp bị kết tội oan nhưng họ vẫn cam chịu và không biết phải làm thế nào để có thể minh oan. Trong những vụ án trên, nếu có sự tham gia của người bào chữa thì chắc chắn sẽ hạn chế được việc huỷ và sửa án, số bị cáo bị oan sai giảm, quyền và lợi ích hợp pháp của họ được bảo vệ.
2. Thực tiễn thực hiện quyền nhờ người khác bào chữa của bị can, bị cáo: Cùng với sự phát triển về số lượng và chất lượng của đội ngũ luật sư trong những năm gần đây, số vụ án có người bào chữa tham gia mặc dù còn là con số rất khiêm tốn nhưng so với trước đây thì ngày càng tăng. Trong thời gian gần đây, 70% phiên toà không có luật sư tham gia, trong đó bao gồm cả phiên toà hình sự. Nguyên nhân là số vụ án nhiều, trong khi số luật sư hành nghề thì ít, đối tượng phải ra toà thường nghèo hoặc chưa tin cậy luật sư. Theo thống kê thì ít khi luật sư tham gia các phiên toà do tòa án nhân dân cấp huyện xử. Số vụ án hình sự có người bào chữa tham gia chiếm tỉ lệ hết sức khiêm tốn, chiếm khoảng hơn 10% so với tổng số vụ án mà các toà án đã xử và chủ yếu là bào chữa theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.
Thực tiễn xét xử các vụ án có sự tham gia của người bào chữa cho thấy sự tham gia tố tụng của người bào chữa đã thực sự mang lại những hiệu quả cho bị can, bị cáo. Nó không hề mang tính hình thức như một số người vẫn thường nghĩ, kể cả người tiến hành tố tụng. Việc tham gia tố tụng của người bào chữa đã góp phần vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cuả bị can, bị cáo giúp cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ. Mặc dù còn có những khó khăn nhất định nhưng sự tham gia của người bào chữa nói chung đã đáp ứng được yêu cầu bào chữa và đạt được những kết quả đáng kể. Trong đó có những trường hợp toà án đã xử nhẹ hơn so với mức đề nghị của viện kiểm sát hoặc tuyên bố bị cáo không phạm tội; đổi tội danh nhẹ hơn hoặc yêu cầu điều tra bổ sung… Đặc biệt có một số trường hợp luận điểm bào chữa của luật sư không được toà án cấp sơ thẩm chấp nhận nhưng lại được toà án cấp phúc thẩm chấp nhận.
3. Thực tiễn thực hiện quyền thay đổi NTHTT của bị can, bị cáo:
Theo thống kê số liệu ngành Tòa án tỉnh Lai Châu từ năm 2005 đến nay thì chưa có trường hợp thay đổi NTHTT nào. Vì lý do đội ngũ cán bộ, NTHTT ở Lai Châu rất ít, một Tòa chỉ có một vài thẩm phán với số lượng công việc khá lớn. Điều tra Viên hay Kiểm sát viên cũng trong trường hợp tương tự, phải kiêm nhiệm nhiều công việc, chức vụ. Việc thay đổi NTHTT trong một vụ án hình sự là rất khó khăn vì hầu như không thể bố trí được NTHTT khác để thay thế. Do vậy, quyền yêu cầu thay đổi NTHTT của bị can, bị cáo chưa có điều kiện thực hiện trên thực tế. Đa số việc tham gia của luật sư từ giai đoạn điều tra là không được thực hiện trên thực tế. Nguyên nhân là do không có luật sư tham gia tố tụng và không loại trừ nguyên nhân từ Cơ quan điều tra.
4. Thực tiễn thực hiện các quyền khác của bị can, bị cáo:
Đối với các quyền khác của bị can, bị cáo cũng còn bị xâm phạm khá nhiều như: NTHTT không giải thích đầy đủ về quyền và nghĩa vụ cho bị can, bị cáo; Ở các tỉnh miền núi thì do đi lại khó khăn, thông tin liên lạc kém phát triển nên nhiều trường hợp bị can, bị cáo không nhận được các quyết định tố tụng theo quy định … Quyền khiếu nại đối với hành vi tố tụng, quyết định tố tụng của NTHTT của bị can, bị cáo cũng chưa được đảm bảo vì công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trên thực tế còn rất yếu kém. Pháp luật chỉ quy định cho bị can, bị cáo nghĩa vụ duy nhất là có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền, tuy nhiên, trên thực tế cho thấy, bị can, bị cáo thường xuyên vi pham nghĩa vụ này, khiến CQĐT phải ra lệnh áp giải và quyết định truy nã đối với họ.
Tại tỉnh Lai Châu, trong những năm gần đây, số bị can, bị cáo bị truy nã có xu hướng tăng. Số đối tượng truy nã phát sinh từ 01/10/2004 đến 30/6/2009 tổng số: 153 đối tượng, trong đó: nguy hiểm có 44 đối tượng, đặc biệt nguy hiểm có 35 đối tượng, truy nã thường là 74 đối tượng.
Nguyên nhân là do ý thức pháp luật của công dân là rất kém, hiểu biết về pháp luật của bị can, bị cáo là rất thấp dẫn đến việc bị can, bị cáo không biết mình có các quyền và nghĩa vụ gì trong quá tình tố tụng để thực hiện. Tại Lai Châu và các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, do trình đọ dân trí và đặc điểm kinh tế xã hộ mà sự hiểu biết về pháp luật và vận dụng pháp luật là hết sức khó khăn.
việc hoàn thiện pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi của bị can, bị cáo.
III. GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT NHẰM ĐẢM BẢO THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA BLTTHS VỀ QUYỀN LỢI CỦA BỊ CAN, BỊ CÁO:
Từ thực trạng thực hiện quyền và nghĩa vụ của bị can, bị cáo trong TTHS ở phần trên và qua việc phân tích những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó, em xin đưa ra những ý kiến đóng góp nhằm nâng cao việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của bị can, bị cáo trong công tác tố tụng như sau:
1. Kiến nghị sửa đổi, bố sung những quy định của BLTTHS 2003 về địa vị pháp lý của bị can, bị cáo và những quy định liên quan:
Do pháp luật quy định chỉ mới khái quát rằng “bị can là người bị khởi tố về hình sự” gây khó khăn cho việc xác định thời điểm chuyển hóa tư cách bị can thành bị cáo, nên cần có hướng dẫn chi tiết cho quy định này trong các văn bản dưới luật hoặc sửa đổi lại khoản 1 Điều 49 BLTTHS theo hướng quy định rõ thời điểm xác định tư cách bị can.
Nên sửa đổi quy định tại Điểm b khoản 1 Điều 179 BLTTHS thành “khi có căn cứ cho rằng bị can, bị cáo phạm một tội khác hoặc có đồng phạm khác” để tránh tình trạng không xác định được thời điểm chuyển tư cách từ bị can sang bị cáo.
Vì người bào chữa có quyền lợi, nghĩa vụ trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của bị can, bị cáo. Do đó tăng cường quyền của người bào chữa cũng chính là tăng cường quyền lợi của bị can, bị cáo.
Theo điểm b khoản 2 Điều 58 BLTTHS thì người bào chữa phải đề nghị CQĐT báo trước về thời gian và địa điểm “hỏi cung” bị can, vì vậy, CQĐT không có trách nhiệm thông báo cho người bào chữa nếu như không có yêu cầu và nếu chỉ thông báo mà không phải là thông báo “hợp lệ” qua email, nhắn tin, fax hoặc chuyển văn bản qua đường bưu điện thì người bào chữa nhiều khả năng không nhận được thông báo. Mặt khác, quy định này chỉ yêu cầu thông báo về lịch “hỏi cung” còn các hoạt động tố tụng khác thì CQĐT không phải thông báo. Cần phải sửa đổi bổ sung những quy định này nhằm nâng cao hơn nữa các quyền khác cho người bào chữa.
Luật không quy định cụ thể CQTHTT phải chịu chế tài thế nào nếu không tạo điều kiện cho luật sư hành nghề nên nhiều quyền của người bào chữa không được thực hiện và hầu như bị vi phạm. Do vậy cần quy định các chế tài đối với các hành vi cản trở của Điều tra viên cũng như CQĐT đối với sự tham gia của luật sư.
2. Các giải pháp khác:
Để bị can, bị cáo thực hiện tốt được cac quyền và nghĩa vụ của mình thì việc nâng cao nhận thức và kiến thức pháp luật cho không chỉ bị can, bị cáo mà cho đông đảo quần chúng nhân dân là vô cùng cần thiết. Công tác tuyên truyền, phổ biến và giải thích pháp luật có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa bộ luật vào thực hiện trên thực tế. Do vậy cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, thực hiện trợ giúp pháp lý cho người dân thông qua các trung tâm tư vấn pháp luật. Sự hỗ trợ về các dịch vụ pháp lý miễn phí cho bị can, bị cáo có hoàn cảnh khó khăn là rất thiết thực.
Ngoài ra, công tác đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ NTHTT cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm quyền và nghĩa vụ của bị can, bị cáo. Những chủ thể này là người bảo vệ pháp luật, nhưng cũng chính những người có khả năng xâm phạm đến quyền của bị can, bị cáo là cao nhất nếu như chính họ không nhận thức rõ trách nhiệm tuân thủ pháp luật của mình.
Đảng và Nhà nước cần đưa ra những chủ trương chính sách thu hút nguồn nhân lực có năng lực lên công tác tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa để có thể cải thiện trình độ dân trí cũng như năng lực của đội ngũ cán bộ ngành tư pháp. Đặc biệt là chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để thu hút các luật sư có năng lực làm việc tại khắp các tỉnh thành trên cả nước mà không chỉ tập chung ở các thành phố lớn. Có như vậy quyền lợi của bị can, bị cáo mới được bảo đảm cho dù bị can, bị cáo đó tham gia tố tụng tại bất cứ địa phương nào trên cả nước.
KẾT LUẬN
Từ địa vị pháp lí của bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự, bài viết trên của em cũng đã chỉ rõ những thực trạng vẫn đang tồn tại trong việc thực hiện các quyền lợi của bị can, bị cáo và đã phân tích những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó. Ngoài ra, bài viêt của em đã đưa ra những ý kiến đóng góp nhằm nâng cao việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của bị can, bị cáo theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do nhận thức còn hạn chế nên khi tiếp cận vấn đề không tránh khỏi những sái sót. Kính mong nhận được sự bổ sung, đánh giá của các thầy, cô giáo để bài viết được hoàn thiện hơn.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Trường ĐH Luật Hà Nội, Giáo trình Luật tố tụng hình sự Việt Nam, NXB Tư pháp, Hà Nội – 2006.
Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam năm 2003.
Vũ Thị Quyên, “Địa vị pháp lí của bị can, bị cáo trong pháp luật tố tụng hình sự và việc thực hiện trong hoạt động tố tụng hình sự tại tỉnh Lai Châu”, Khóa luận tốt nghiệp, Hà Nội – 2010.
Bình luận khoa học tố tụng hình sự Việt Nam.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Bài tập học kỳ môn Tố tụng hình sự Địa vị pháp lí của bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự và việc hoàn thiện pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi của bị .doc