Ngày nay, mỗi Nhà nước, mỗi hệ thống pháp luật trên thế giới lại có những qui định khác biệt về cùng một vấn đề của pháp luật dân sự là “hình thức của di chúc”. Hình thức của di chúc là phương thức biểu hiện ý chí của người lập di chúc; là căn cứ pháp lí làm phát sinh quan hệ thừa kế theo di chúc, là chứng cứ để bảo vệ quyền lợi cho người được chỉ định trong di chúc. Vì vậy, di chúc phải được lập dưới một hình thức nhất định; mặt khác, hình thức của di chúc lại rất đa dạng và phong phú, tùy thuộc vào qui định của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, tựu trung lại thì hầu hết các nước trên thế giới trong đó có cả Việt Nam chỉ công nhận hai hình thức chính của di chúc đó là chúc thư và chúc ngôn hay còn gọi là di chúc bằng văn bản và di chúc miệng: Di chúc phải được lập bằng văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng (Trích Điều 649. BLDS).
20 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3676 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bài tập lớn Dân sự 1 - Hình thức của Di chúc, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
A. Lời nói đầu
Di chúc đã xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử nhân loại, với đủ các hình thức khác nhau. Trong Kinh Cựu Ước – bộ sách lớn nhất, cổ nhất và nguyên vẹn nhất còn được lưu truyền đến ngày nay; người xưa đã chép lại rằng bản di chúc của Noe đã được viết bằng tay, rồi được ông đóng con dấu của mình lên để chứng thực; hay như việc Jacob, bằng lời nói, đã để lại cho Joseph phần tài sản gấp đôi so với những người con khác của mình... Có thể câu chuyện từ trong kinh sách tôn giáo không thể là một bằng chứng xác thực cho bất cứ một vấn đề mang tính thực tiễn nào, nhưng ít nhất từ những mẩu chuyện như thế, chúng ta cũng có thể nhận thấy rằng: ngay trong lòng thế giới cổ đại, di chúc đã xuất hiện, và xuất hiện với rất nhiều hình thức đa dạng khác nhau, có thể bằng bản viết tay, cũng có thể chỉ bằng lời nói.
Ngày nay, mỗi Nhà nước, mỗi hệ thống pháp luật trên thế giới lại có những qui định khác biệt về cùng một vấn đề của pháp luật dân sự là “hình thức của di chúc”. Hình thức của di chúc là phương thức biểu hiện ý chí của người lập di chúc; là căn cứ pháp lí làm phát sinh quan hệ thừa kế theo di chúc, là chứng cứ để bảo vệ quyền lợi cho người được chỉ định trong di chúc. Vì vậy, di chúc phải được lập dưới một hình thức nhất định; mặt khác, hình thức của di chúc lại rất đa dạng và phong phú, tùy thuộc vào qui định của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, tựu trung lại thì hầu hết các nước trên thế giới trong đó có cả Việt Nam chỉ công nhận hai hình thức chính của di chúc đó là chúc thư và chúc ngôn hay còn gọi là di chúc bằng văn bản và di chúc miệng: Di chúc phải được lập bằng văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng…
(Trích Điều 649. BLDS).
B. Nội dung
I. Hình thức di chúc miệng:
1. Những qui định của pháp luật:
Di chúc miệng là một trong hai hình thức di chúc được pháp luật dân sự nước ta ghi nhận trong bộ luật dân sự năm 2005. Bộ luật dân sự Việt Nam qui định về di chúc miệng tại Điều 651 và tại khoản 5 Điều 652: “1. Trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. 2. Sau ba tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc miệng còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ”.
(Điều 651. BLDS)
“Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng kí tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực.”
(Khoản 5. Điều 652. BLDS)
Như vậy, quyền lập di chúc miệng của công dân chỉ phát sinh trong những trường hợp cực kì đặc biệt theo qui định của pháp luật. Trường hợp đặc biệt đó được pháp luật qui định là: bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản. Do vậy, nếu một người bị cái chết đe dọa nhưng họ vẫn có thể lập di chúc bằng văn bản mà người đó lại di chúc miệng thì di chúc miệng đó không được pháp luật công nhận (không có giá trị pháp lí).
Di chúc miệng chỉ được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng này ghi chép lại, cùng kí tên hoặc điểm chỉ và phải đem đi công chứng hoặc chứng thực trong thời hạn năm ngày kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng. Như vậy, người làm chứng đóng một vai trò đặc biệt quan trọng đối với di chúc miệng; có thể nói người làm chứng có ý nghĩa quyết định đến hiệu lực cũng như tính hợp pháp của di chúc miệng. Số lượng người làm chứng ít nhất phải là hai người. Ngoài ra, những người làm chứng phải thực hiện các hành vi như: ghi chép lại, cùng kí tên hoặc điểm chỉ, đem đi công chứng hoặc chứng thực sau khi được nghe di chúc miệng.
Do là một hình thức di chúc đặc biệt nên pháp luật qui định về hình thức di chúc miệng với thủ tục hết sức chặt chẽ. Sau ba tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng, nếu người di chúc miệng còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì mặc nhiên di chúc miệng bị hủy bỏ (coi như không có di chúc miệng). Như vậy, vấn đề về thời gian, vấn đề về nhận thức cũng như vấn đề về trạng thái thể chất, trạng thái tinh thần của người di chúc miệng sau khi có di chúc miệng là những vấn đề quan trọng, nó cũng quyết định đến hiệu lực của di chúc miệng. Xét về mặt sinh học: nếu người di chúc miệng chỉ sống được dưới ba tháng kể từ thời điểm di chúc miệng thì di chúc miệng có giá trị (nếu đã thỏa mãn các điều kiện, các qui định khác của pháp luật). Sau ba tháng kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc miệng còn sống thì giá trị cũng như hiệu lực của di chúc miệng phụ thuộc vào khả năng nhận thức của người di chúc miệng; cụ thể, có các khả năng sau có thể xảy ra:
- Nếu người di chúc miệng còn minh mẫn nhưng không sáng suốt thì di chúc miệng không mặc nhiên bị hủy bỏ.
- Nếu người di chúc miệng sáng suốt nhưng không minh mẫn thì di chúc miệng cũng không mặc nhiên bị hủy bỏ.
- Nếu người di chúc miệng còn minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng bị hủy bỏ.
Tóm lại, theo các qui định của Bộ luật dân sự 2005 thì di chúc miệng được coi là hợp pháp khi đáp ứng và đảm bảo được đầy đủ các điều kiện sau:
- Di chúc miệng chỉ được lập trong tình trạng một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản được.
- Người di chúc miệng phải thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng.
- Ngay sau khi nghe người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì những người làm chứng phải ghi chép lại, kí tên hoặc điểm chỉ và đem đi công chứng hoặc chứng thực trong thời hạn năm ngày kể từ có di chúc miệng.
- Di chúc miệng chỉ có giá trị khi mà người di chúc miệng sống không quá được ba tháng kể từ ngày di chúc miệng hoặc người di chúc miệng sống trên ba tháng nhưng không còn minh mẫn sáng suốt.
2. Nhận xét:
Sau khi đã phân tích những qui định chung của pháp luật về hình thức di chúc miệng ở trên thì sau đây là một vài suy nghĩ của người viết về vấn đề này:
Khoản 1 Điều 651 BLDS có qui định “1. Trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.” Theo đó, một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật thì qui định như vậy là quá hiển nhiên và không có gì phải bàn cãi thế nhưng về qui định một người bị cái chết đe dọa do “các nguyên nhân khác” thì có rất nhiều cách hiểu và cũng chưa có hướng dẫn cụ thể của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Tại khoản 5 Điều 652 có qui định: “Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng kí tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực.” Vậy, “ngay sau đó” được qui định tại Điều luật này sẽ được hiểu như thế nào \? Vấn đề này cũng chưa được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền qui định. Tuy nhiên, theo cách hiểu chung thì “ngay sau đó” được hiểu là khoảng thời gian rất gần; thế nhưng, khoảng thời gian đó là gần như thế nào và có giới hạn là bao nhiêu thì cũng cần phải có những hướng dẫn, những qui định cụ thể của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài ra, theo các qui định trong bộ luật dân sự 2005 thì có nhiều cách hiểu liên quan đến việc: “Khi di chúc miệng đã được lập đúng theo các qui định của Bộ luật dân sự thì di chúc đó có được coi là di chúc bằng văn bản được công chứng, chứng thực hay không?”. Có quan điểm cho rằng di chúc miệng và di chúc bằng văn bản được công chứng, chứng thực là như nhau bởi lẽ, xét về mặt nội dung thì di chúc miệng và di chúc bằng văn bản được công chứng, chứng thực đều thể hiện quyền định đoạt của chủ sở hữu tài sản nhằm chuyển tài sản cho người khác sau khi chết; đều thể hiện ý chí tự nguyện của người có di chúc. Xét về mặt hình thức: trong số các loại di chúc bằng văn bản chỉ có di chúc bằng văn bản không có người làm chứng thì người lập di chúc mới phải tự tay viết di chúc; còn các loại di chúc bằng văn bản khác thì pháp luật không bắt buộc điều này. Di chúc bằng văn bản được công chứng, chứng thực chỉ khác di chúc miệng ở chỗ là đối với di chúc bằng văn bản được công chứng, chứng thực thì người lập di chúc phải kí vào di chúc còn di chúc miệng thì người di chúc miệng không thể kí vào di chúc bởi nguyên nhân khách quan (bị cái chết đe dọa…). Hơn thế nữa, di chúc miệng đã được cơ quan công chứng chứng thực nên độ tin cậy, bảo đảm của nó cũng tương đương như di chúc bằng văn bản được công chứng, chứng thực.
Tuy nhiên, cách hiểu trên là chưa hoàn toàn hợp lí với tinh thần của điều luật này nói riêng và tinh thần chung của Bộ luật dân sự 2005. Bản chất của vấn đề ở đây chính là di chúc miệng là một loại di chúc đặc biệt, chỉ ra đời trong những trường hợp cụ thể theo qui định của pháp luật. Chính vì vậy, bản thân nó có những qui định riêng hết sức chặt chẽ để nhằm phân biệt với các hình thức khác của di chúc. Hơn thế nữa, việc pháp luật qui định di chúc miệng phải được công chứng, chứng thực không có nghĩa là di chúc miệng và di chúc bằng văn bản được công chứng, chứng thực có hình thức như nhau; mà việc pháp luật qui định di chúc miệng phải được công chứng, chứng thực chỉ nhằm mục đích xác nhận sự kiện pháp lí: “có di chúc miệng” mà thôi. Ngoài ra, đối với di chúc bằng văn bản thì người lập di chúc phải đọc di chúc hoặc được nghe đọc di chúc (nếu không biết chữ) và phải kí tên hoặc điểm chỉ vào di chúc. Còn đối với di chúc miệng thì pháp luật không qui định người di chúc miệng phải đọc hay nghe đọc di chúc. Chính vì thế độ tin cậy, đảm bảo thể hiện đúng ý chí của người lập di chúc bằng văn bản cao hơn đối với di chúc miệng. Thêm vào đó, di chúc bằng văn bản được công chứng, chứng thực không bị mất hiệu lực bởi thời gian, cũng như nhận thức hay trạng thái thể chất, tinh thần của người lập di chúc kể từ thời điểm lập di chúc. Còn yếu tố thời gian, nhận thức và trạng thái thể chất, tinh thần của người di chúc miệng lại có ý nghĩa quyết định đến hiệu lực, giá trị của di chúc miệng như đã phân tích ở trên.
Việc nhận thức đúng và hiểu đúng các qui định về di chúc miệng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong cả lí luận và thực tiễn bởi vì nó liên quan đến việc đánh giá hiệu lực của di chúc để từ đó làm cơ sở cho việc giải quyết, phân chia di sản thừa kế theo di chúc hay theo pháp luật. Chính vì vậy, cần có sự phân biệt rõ, tránh đồng nhất giữa di chúc miệng và di chúc bằng văn bản được công chứng, chứng thực như quan điểm đầu tiên.
Một điểm cần phải quan tâm nữa, đó chính là Bộ luật dân sự 2005 không qui định cụ thể về phạm vi đối tượng được đem di chúc miệng đến cơ quan công chứng, chứng thực. Phải chăng khi pháp luật không có qui định thì bất cứ người nào cũng có thể đem di chúc miệng đi công chứng, chứng thực? Mặt khác, Bộ luật dân sự 2005 chỉ mới qui định về hình thức của di chúc miệng mà chưa qui định cụ thể về mặt nội dung của di chúc miệng phải thể hiện như thế nào. Hiện nay, Bộ luật dân sự chỉ mới qui định về nội dung của di chúc bằng văn bản tại điều 653 và có thể nói những qui định này là khá chặt chẽ và cần thiết. Trong quá trình đi vào cuộc sống thì những qui định đó đã là những cơ sở pháp lí quan trọng góp phần cho việc xác định đúng người lập di chúc, người được thừa kế theo di chúc,… Vì vậy để đảm bảo thể hiện trung thực, đúng ý chí của người để lại di sản đồng thời để di chúc miệng được rõ ràng, tránh những cách hiểu khác nhau dẫn tới những tranh chấp không đáng có thì yêu cầu cấp thiết là phải có những qui định cụ thể về mặt nội dung của di chúc miệng hay chí ít thì cũng phải có thêm một vài dòng để qui định về nội dung của di chúc miệng khi được những người làm chứng ghi chép lại phải đảm bảo các qui định về nội dung như di chúc bằng văn bản được qui định tại điều 653 của Bộ luật này.
II. Hình thức di chúc bằng văn bản:
Là hình thức di chúc được thể hiện dưới dạng chữ viết (viết tay, đánh máy, in) có chứng nhận hoặc không có chứng nhận của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Hình thức di chúc bằng văn bản bao gồm các loại sau:
Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng (Điều 655 BLDS).
Di chúc bằng văn bản có người làm chứng (Điều 656 BLDS).
Di chúc bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực (Điều 657 BLDS).
Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng:
Đây là một trong các loại di chúc bằng văn bản được pháp luật dân sự nước ta công nhận. Bộ luật dân sự Việt Nam 2005 qui định về hình thức di chúc bằng văn bản không có người làm chứng tại Điều 655: “Người lập di chúc phải tự tay viết và kí vào bản di chúc. Việc lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng phải tuân theo qui định tại Điều 653 của Bộ luật này”.
So với các bộ luật dân sự khác trên thế giới, Bộ luật dân sự Việt Nam cũng là một trong số các bộ luật có các qui định và công nhận hình thức di chúc bằng văn bản không có người làm chứng. Có lẽ, các nhà làm luật của nước ta đã dự liệu trước được rằng: vì thiếu những điều kiện khách quan hoặc các điều kiện chủ quan khác mà công dân không thể lập được di chúc bằng văn bản có chứng nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Hoặc là trên thực tế, có rất nhiều trường hợp do người lập di chúc không am hiểu pháp luật hay có nhiều lí do khác nhau mà họ không thể đến cơ quan công chứng, Ủy ban nhân dân để làm thủ tục chứng nhận. Cho nên pháp luật vẫn công nhận việc họ lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng là hợp pháp, nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện khác mà pháp luật qui định. Ví dụ: người lập di chúc phải có năng lực chủ thể, người lập di chúc tự nguyện, nội dung và hình thức của di chúc không trái với qui định pháp luật cũng như đạo đức xã hội.
Bởi các lí do như trên nên việc pháp luật có những qui định hết sức chặt chẽ và khắt khe đối với hình thức di chúc bằng văn bản không có người làm chứng là chuyện hết sức dễ hiểu. Đối với hình thức di chúc này thì pháp luật qui định rằng: “người lập di chúc phải tự tay viết và kí vào bản di chúc”. Đây là một qui định hết sức cô đọng, gọn nhẹ mà lại bao hàm đầy đủ những nội dung cần thiết. Do di chúc này là loại di chúc không có người làm chứng nên yêu cầu đầu tiên là phải xác định xem di chúc đó có đúng, có chính xác là di chúc của người chết để lại hay không? Như vậy, việc xác định ai người lập ra di chúc này sẽ phải dựa trên cơ sở nào? Pháp luật đã dự liệu, đã đưa ra một cơ sở duy nhất để xác định, đó chính là “chữ viết” và “chữ kí” của người để lại di chúc. Có thể xem “chữ viết, chữ kí” của người để lại di chúc là các dấu hiệu nhân thân quan trọng còn lại, làm cơ sở cho việc xác định người lập ra di chúc. Theo đó, những ai muốn để lại di chúc bằng văn bản không có người làm chứng mà lại không tự tay viết hay đánh máy thì bản di chúc đó không có giá trị và không được pháp luật công nhận. Như đã trình bày ở trên thì “chữ viết và chữ kí” là cơ sở duy nhất còn sót lại, là dấu hiệu nhân thân quan trọng cho việc xác định người lập ra di chúc; bản di chúc viết tay đó sẽ được đem ra đối chiếu, so sánh với chữ viết trong các tài liệu khác của người để lại di chúc, như vậy sẽ dễ dàng trong việc xác định chủ nhân của di chúc.
Ngoài ra, một bản di chúc không có người làm chứng muốn hợp pháp và có giá trị thì phải tuân theo qui định tại Điều 653 của Bộ luật dân sự. Đó chính là các qui định về nội dung của di chúc bằng văn bản – di chúc phải ghi rõ ngày, tháng, năm lập di chúc; họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc; họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản…; di sản và nơi có di sản; chỉ định nghĩa vụ, nội dung nghĩa vụ; di chúc không được viết tắt, kí hiệu…vv.
Di chúc bằng văn bản có người làm chứng:
Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2005 qui định về di chúc bằng văn bản có người làm chứng tại điều 656: “Trong trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc thì có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải kí hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ kí, điểm chỉ của người lập di chúc và kí vào bản di chúc. Việc lập di chúc phải tuân theo qui định tại Điều 653 và Điều 654 của Bộ luật này”.
Trong những trường hợp mà người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc vì một số lí do nhất định nào đó thì pháp luật vẫn công nhận họ có quyền lập di chúc nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện khác theo luật định. Trên thực tế có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc một người không thể tự mình viết bản di chúc; có thể do không biết chữ (trình độ học vấn), do mù lòa hoặc do tay chân không lành lặn dẫn đến không thể tự tay mình viết được bản di chúc (do yếu tố thể chất, sức khỏe)… Tuy nhiên, họ vẫn được pháp luật công nhận cho quyền được lập di chúc của riêng mình. Nếu họ không thể tự mình viết thì có thể nhờ người khác viết hộ nhưng phải có ít nhất hai người làm chứng. Một lần nữa, chúng ta lại thấy được sự cần thiết, quan trọng và cần phải có của những người làm chứng trong các hình thức di chúc nói riêng và trong bộ luật dân sự nói chung. Hai người làm chứng này là cơ sở cho việc thẩm định tính đúng đắn, tính xác thực của di chúc hay nói một cách chính xác thì họ sẽ là những người kiểm tra xem người viết hộ di chúc có thể hiện lại đầy đủ, nguyên văn ý chí của người lập di chúc hay không.
Ngoài hai người làm chứng ra thì pháp luật còn yêu cầu người lập di chúc phải kí hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ kí, điểm chỉ của người lập di chúc và kí vào bản di chúc. Như vậy, ngoài những điều kiện khách quan ra (những người làm chứng) thì pháp luật còn yêu cầu thêm những nét chủ quan cần có của người lập di chúc, đó chính là các dấu hiệu nhân thân tương đối riêng biệt của họ: chữ kí hoặc điểm chỉ.
Việc lập di chúc còn phải tuân thủ theo các qui định tại Điều 653 và Điều 654 của bộ luật này. Đó chính là các qui định về nội dung của di chúc bằng văn bản – di chúc phải ghi rõ ngày, tháng, năm lập di chúc; họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc; họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản…; di sản và nơi có di sản; chỉ định nghĩa vụ, nội dung nghĩa vụ; di chúc không được viết tắt, kí hiệu. Ở đây tiêu chuẩn của người làm chứng cũng được pháp luật qui định. Những người sau đây sẽ không thể làm chứng cho việc lập di chúc: người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan đến nội dung di chúc; người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự.
3. Di chúc bằng văn bản có công chứng, chứng thực:
Điều 650 Bộ luật dân sự đã chia ra bốn loại di chúc bằng văn bản; trong đó có sự phân tách giữa hai hình thức di chúc bằng văn bản có công chứng và hình thức di chúc bằng văn bản có chứng thực. Trong bài này, cá nhân người viết gộp hai loại di chúc này lại bởi chúng có những nét tương đồng, những nét tương tự nhau.
Di chúc bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực được qui định tại Điều 657 của Bộ luật dân sự: “Người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực bản di chúc”.
So với các hình thức di chúc khác thì có lẽ đây là hình thức di chúc phổ biến nhất, hay gặp nhất trong đời sống xã hội. Thứ nhất, thủ tục của nó không rườm rà và tốn nhiều công sức như các hình thức di chúc khác. Thứ hai, di chúc có công chứng hoặc chứng thực bởi Ủy ban nhân dân dù sao đi chăng nữa vẫn mang tính pháp lí cao hơn so với các hình thức di chúc khác khi bản thân nó đã có sự chứng nhận hoặc chứng thực của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (xét một cách tương đối) và nếu có tranh chấp xảy ra thì hình thức di chúc này là cơ sở pháp lí vững chắc nhất, tin cậy nhất để giải quyết sự việc.
Theo qui định của Điều 657: “Người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực bản di chúc” thì sẽ có các khả năng sau có thể xảy ra:
Thứ nhất, người lập di chúc có thể lập di chúc tại nhà sau đó tự tay mình đem di chúc của mình đến cơ quan công chứng hoặc Ủy ban nhân dân để xác nhận.
Thứ hai, người lập di chúc lập di chúc ngay tại cơ quan công chứng hoặc tại Ủy ban nhân dân.
Thứ ba, người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng viên tới chỗ của mình để lập di chúc. (Thủ tục lập di chúc tại chỗ ở được tiến hành như thủ tục lập di chúc qui định ở Điều 658 Bộ luật dân sự).
Khi người lập di chúc muốn công chứng hoặc chứng thực bản di chúc của mình thì việc lập di chúc tại cơ quan công chứng hoặc ủy ban nhân dân phải tuân theo những thủ tục được qui định tại Điều 658 Bộ luật dân sự:
- Người lập di chúc tuyên bố nội dung di chúc trước công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân; công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố. Người lập di chúc kí hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực cũng phải kí vào bản di chúc.â - Trong trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không kí hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải kí xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân. Sau đó, công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng.
Ngoài các điều kiện và thủ tục trên, pháp luật còn có qui định về vấn đề: hạn chế đối với người không được công chứng, chứng thực di chúc. Điều 659 qui định những người sau đây không được công chứng, chứng thực di chúc: người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; người có cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật; người có quyền, nghĩa vụ về tài sản liên quan đến nội dung di chúc.
Ngoài ra, theo Điều 660 Bộ luật dân sự qui định thì di chúc bằng văn bản có giá trị như chúc đã được chứng nhận, chứng thực còn bao gồm:
- Di chúc của quân nhân tại ngũ có xác nhận của thủ trưởng đơn vị từ cấp đại đội trở lên, nếu quân nhân không thể yêu cầu công chứng nhà nước chứng nhận hoặc Ủy ban nhân dân chứng thực.
- Di chúc của người đang đi trên tàu biển, máy bay có xác nhận của người chỉ huy phương tiện đó.
- Di chúc của người đang điều trị tại bệnh viện, cơ sở chữa bệnh, điều dưỡng có xác nhận của người phụ trách bệnh viện, cơ sở đó.
- Di chúc của người đang làm công việc khảo sát, thăm do, nghiên cứu ở vùng rừng núi, hải đảo có xác nhận của người phụ trách đơn vị.
- Di chúc của công dân Việt Nam đang ở nước ngoài có chứng nhận của cơ quan lãnh sự, đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước đó.
- Di chúc của người đang bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, người đang chấp hành biện pháp xử lí hành chính tại cở giáo dục, cơ chữa bệnh có xác nhận của người phụ trách cơ sở đó.
III. So sánh các qui định pháp luật của một số quốc gia trên thế giới về hình thức của di chúc:
Bộ luật Dân sự Pháp (hay còn được gọi là Bộ luật Napoleon) qui định rất chi tiết về hình thức di chúc, từ Điều 967 đến Điều 1001. Hình thức di chúc bao gồm ba dạng, là: di chúc viết tay, công chứng thư và di chúc bí mật (Điều 969).
Di chúc viết tay chỉ có giá trị nếu người lập di chúc tự mình viết toàn bộ phần nội dung, đề ngày, tháng, năm và kí tên. Di chúc này không bị bắt buộc về mặt hình thức trình bày (Điều 970).
Công chứng thư phải do 2 công chứng viên hoặc 1 công chứng viên và 2 người làm chứng thừa nhận. Người lập di chúc đọc cho công chứng viên viết tay, hoặc giao cho người khác viết tay, hoặc đánh máy chữ. Sau khi viết xong thì phải đọc lại cho người lập di chúc nghe (Điều 972). Sau đó, người lập di chúc kí tên trước mặt công chứng viên và người làm chứng (Điều 973). Cuối cùng, công chứng viên và người làm chứng phải ký tên vào văn bản (Điều 974). Chỉ khi nào tuân thủ đủ các điều kiện cũng như các thủ tục nêu trên thì một di chúc dưới dạng công chứng thư mới có hiệu lực.
Di chúc bí mật là di chúc mà tờ giấy ghi nội dung di chúc hoặc tờ giấy làm phong bì (nếu có) phải được dán kín, đóng dấu và niêm phong. Người lập di chúc đưa bản di chúc đã được dán kín, đóng dấu và niêm phong của mình cho công chứng viên và 2 người làm chứng (hoặc dán kín, đóng dấu và niêm phong ngay trước mặt họ) và tuyên bố rằng nội dung ghi trong tờ giấy đó là di chúc của mình, do tự mình viết hoặc do nhờ người khác viết nhưng đã được mình kiểm tra nội dung. Trong mọi trường hợp, người lập di chúc đều phải chỉ rõ lối chữ đã được dùng, là viết tay hay đánh máy. Sau đó, công chứng viên sẽ viết bản chứng nhận ghi rõ ngày, tháng, năm, nơi lập và mô tả rõ phong bì và con dấu cùng tất cả các thể thức trên đây. Cuối cùng, người lập di chúc, công chứng viên và người làm chứng cùng kí vào một bản chứng nhận. Nếu một di chúc bí mật không tuân thủ đủ các thể thức đã nêu trên thì nó không phải là di chúc bí mật, nhưng nếu vẫn thỏa mãn điều kiện của di chúc viết tay thì nó vẫn được công nhận là di chúc viết tay.
Ngoài ra, nhà làm luật còn dự liệu một số trường hợp đặc biệt về hình thức di chúc, như di chúc của quân nhân, lính thủy và nhân viên quốc phòng, của người bị ốm hoặc bị thương đang được điều trị trong bệnh viện hoặc các cơ sở quân y... (giống như qui định trong Điều 660 Bộ luật dân sự Việt Nam 2005). Trong những trường hợp này, cấp chỉ huy hoặc y sĩ trưởng có thể là người chứng nhận cho bản di chúc (Điều 981, 982).
Và đặc biệt, trong mọi trường hợp, di chúc miệng đều không được công nhận.
Bộ luật dân sự Nhật Bản quy định về hình thức di chúc từ các Điều 967 đến Điều 984. Di chúc có các hình thức là viết tay hoặc qua công chứng hoặc dưới một dạng tài liệu bí mật trừ trong một số trường hợp đặc biệt thì pháp luật cho phép lập di chúc theo thể thức khác (Điều 967).
Một di chúc viết tay là di chúc được người lập di chúc viết bằng chính bàn tay mình, có toàn bộ ngày, tháng, năm, họ tên và đóng dấu vào đó (Điều 968).
Để lập di chúc thông qua công chứng thì cần phải có đủ các thể thức sau: có 2 người làm chứng, người lập di chúc đọc miệng nội dung di chúc cho công chứng viên chép lại, và công chứng viên đọc nó lại cho người lập di chúc và các nhân chứng nghe. Người lập di chúc và từng người làm chứng phải kí và đóng dấu vào bản chép này sau khi tin chắc rằng nó được chép chính xác. Cuối cùng công chứng viên xác nhận bổ sung để cho văn bản được xác lập phù hợp với các thủ tục được nêu ở trên và kí tên đóng dấu ( Điều 969).
Để thực hiện việc lập di chúc dưới hình thức văn bản bí mật thì cần có các thể thức sau: người lập di chúc phải kí tên, đóng dấu vào văn bản, rồi dán văn bản và đóng dấu lên phong bì bằng chính con dấu đó, việc này phải được thực hiện trước công chứng viên và ít nhất 2 người làm chứng, và tuyên bố rằng đây là văn bản di chúc của mình cũng như tên họ, nơi thường trú của người viết di chúc này. Sau đó công chứng viên viết lên phong bì đã được đóng dấu ngày, tháng lập văn bản và ngày tháng mà người lập di chúc tuyên bố và đồng thời công chứng viên, người lập di chúc và nhân chứng phải kí tên và đóng dấu của mình vào đó (Điều 970).
Trong một số các trường hợp đặc biệt theo luật định thì pháp luật chấp nhận hình thức di chúc miệng. Điều 976 chỉ rõ: người nào bị bệnh nặng hay trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng muốn để lại di chúc thì có thể để lại di chúc miệng trước 3 người làm chứng bằng cách đọc cho một trong số họ nghe nội dung di chúc, người này phải ghi chép lại. Từng nhân chứng sau khi tin chắc văn bản đã được chép đúng thì kí tên và đóng dấu vào đó. Di chúc này chỉ thực sự có hiệu lực khi trong khoảng thời gian 20 ngày kể từ ngày lập, nó được người làm chứng hoặc cá nhân có liên quan đưa ra tòa hôn nhân – gia đình xin công nhận. Ngoài ra, trong trường hợp quy định tại Điều 978, khi người lập di chúc đang trên một con tàu sắp đắm, và có nguy cơ chết ngay thì có thể lập di chúc miệng chỉ với 2 người làm chứng.
Bộ luật dân sự và thương mại Thái Lan qui định về hình thức di chúc từ Điều 1655 đến Điều 1672 với 5 loại hình thức di chúc khác nhau.
Di chúc văn bản có người làm chứng là di chúc có ghi rõ ngày, tháng, năm lập di chúc và phải được người lập di chúc kí trước sự làm chứng của ít nhất 2 người, và những người làm chứng sau đó cũng ký xác nhận vào bản di chúc đó (Điều 1656).
Di chúc viết tay là di chúc do người lập di chúc tự mình viết toàn bộ từ nội dung di chúc tới ngày, tháng, năm và kí. Di chúc này không bị ràng buộc về hình thức trình bày (Điều 1657).
Di chúc văn bản công là di chúc được người lập di chúc đọc miệng cho "Kromakarn Amphoe" (một hình thức công chứng viên của Thailand) viết lại trước sự chứng kiến của ít nhất 2 người, sau khi đã được nghe đọc lại và đã xác định chắc chắn văn bản này phù hợp với những tuyên bố của người lập di chúc, người lập di chúc và người làm chứng cùng ký tên mình vào di chúc. Viên chức "Kromakarn Amphoe" điền ngày, tháng, năm và kí vào văn bản bằng tên của mình để chứng nhận rằng di chúc đã được lập hoàn toàn phù hợp với các quy định trên (Điều 1658).
Di chúc bí mật là di chúc đã được người lập di chúc kí tên vào, dán kín lại và ký tên dọc theo chỗ dán. Khi xuất trình văn bản dán kín này cho "Kromakarn Amphoe" và ít nhất 2 người làm chứng khác nữa xem, người lập di chúc phải tuyên bố rõ ràng văn bản đó bao gồm việc định đoạt theo di chúc của người đó. Sau khi viên chức "Kromakarn Amphoe" ghi lên vỏ bọc ngoài của văn bản tên, lời tuyên bố của người lập di chúc và ngày tháng năm xuất trình và đóng dấu của mình lên đó, thì người lập chúc và người làm chứng phải ký tên lên đó (Điều 1660).
Trong trường hợp đặc biệt như đang có nguy hiểm chết người, hoặc đang trong thời gian chiến tranh hay có dịch bệnh, một người bị ngăn trở trong việc lập di chúc bằng bất cứ dạng nào đã được kể ra trên đây, thì có thể lập di chúc miệng. Việc lập di chúc này được thực hiện bằng cách tuyên bố ý định về nội dung di chúc trước mặt ít nhất 2 nhân chứng vào cùng lúc. 2 nhân chứng này phải trình bày ngay lại nội dung di chúc cho "Kromakarn Amphoe", cũng như ngày, tháng, năm và hoàn cảnh đặc biệt mà di chúc đã được lập. "Kromakarn Amphoe" ghi nhận lời khai của người làm chứng bằng văn bản, và 2 người làm chứng phải kí vào văn bản đó để xác nhận.
Luật pháp Hoa Kỳ không có những qui định chung thống nhất trên phạm vi toàn liên bang điều chỉnh về hình thức di chúc, mà ở mỗi tiểu bang lại có sự quy định khác nhau về vấn đề này.
Bộ luật bang Indiana ghi nhận: "Mọi di chúc, trừ chúc ngôn, đều phải được trình bày dưới dạng văn bản", tức là người Indiana thừa nhận chúc ngôn là một hình thức di chúc hợp pháp; pháp luật bang Texas quy định khá chi tiết về trường hợp này là: "Không một chúc ngôn nào có hiệu lực, trừ khi nó được làm ra trong thời điểm ốm yếu của bệnh tật, tại nhà của người đó, hay tại nơi mà người đó đang ở trước đó trong vòng 10 ngày... với sự chứng kiến của 3 nhân chứng, với 1 trong số họ là người chép lại nội dung di chúc đó " ; trong khi đó luật bang Montana lại khẳng định dứt khoát: di chúc phải ở dưới dạng văn bản( Điều 72-2-522 Bộ luật bang Montana, điểm (a)).
Về chúc thư ở mỗi bang cũng có sự khác biệt. Nếu như ở đa số các bang số lượng người làm chứng đủ để khiến một di chúc là hợp pháp là 2, thì riêng tại bang Vermont con số này là 3. Nếu như bang Louisiana yêu cầu rằng người lập di chúc phải kí vào tất cả các trang của di chúc, và quá trình thực hiện bản di chúc của nguời lập di chúc phải được giám sát bởi một công chứng viên thì luật pháp bang Pennsylvania không đòi hỏi bản di chúc phải được công chứng, mà chỉ cần có 2 người đứng ra làm chứng cho bản di chúc này.
Nếu như ở đa số các bang hình thức di chúc dưới dạng tự bút được công nhận phổ biến, nhưng ở một số bang khác lại chỉ chấp nhận hình thức này cho một số cá nhân, như quân nhân, thủy thủ...
Nói tóm lại, trong hệ thống pháp luật Hoa Kỳ tồn tại những hình thức di chúc như sau:
- Di chúc tự bút do người lập di chúc viết tay hoàn toàn, từ nội dung di chúc tới điền ngày, tháng, năm và kí tên. Di chúc này được công nhận khi xác định được chữ viết trong di chúc thực sự là chữ của người lập di chúc.
- Di chúc đánh máy, thông thường là các biểu mẫu di chúc do các chính quyền bang phát, hoặc là các di chúc do luật sư soạn thảo. Loại di chúc này thường chỉ cần người lập di chúc điền ngày, tháng, năm lập di chúc và ký tên. Di chúc có hiệu lực khi có ít nhất 2 người làm chứng hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm chứng.
- Di chúc miệng, thường chỉ được áp dụng khi người lập di chúc không thể thực hiện được các hình thức khác, hoặc chỉ được công nhận đối với một số cá nhân nhất định.
- Di chúc phi văn bản khác, loài này thường là các băng đĩa ghi âm, ghi hình. Trên lý thuyết phần lớn bộ luật các bang đều không thừa nhận đây là một hình thức di chúc, nhưng trong thực tế xét xử, các tòa án vẫn coi đây là một di chúc đặc biệt, chỉ cần nó thỏa mãn được các điều kiện: nội dung có liên quan trực tiếp đến sự việc; di chúc được làm với tình trạng đầy đủ sức khỏe và minh mẫn tình thần của người lập di chúc, thể hiện được ý chí cá nhân của người lập di chúc, và được tòa án xác nhận là hoàn toàn phù hợp.
Sau khi xem xét quy định về hình thức di chúc của các nước như đã trình bày ở trên đây, ta có thể thấy một số điểm tương đồng đáng lưu ý như sau:
1. Phần lớn các quốc gia đều thừa nhận có 2 hình thức di chúc chủ yếu, là hình thức văn bản và hình thức lời nói.
Thực tế không phải lúc nào người ta cũng có thể viết được di chúc dưới dạng văn bản. Có thể do trình độ học vấn(mù chữ), có thể do yếu tố thể chất, sức khỏe(mù lòa, què cụt, dị tật,…), có thể do truyền thống, tập tục dân tộc( người dân vẫn quen với cách thức thừa kế như từ xưa), và chủ yếu là do yếu tố bất ngờ, cấp thiết của tình huống( lâm bệnh nặng, bị thương nặng dẫn đến không còn khả năng viết, lập di chúc; có mặt trên con tàu đang đắm...) ... chính những nguyên nhân như vậy đã buộc nhà làm luật phải chấp nhận cho chúc ngôn là một hình thức di chúc, bên cạnh hình thức có giá trị cao hơn, là chúc thư, dù đã ràng buộc nó với nhiều điều kiện khác nhau.
2. Cũng xuất phát từ những yếu tố khó khăn như đã kể ra trên, luật của các quốc gia đều có qui định về các trường hợp lập chúc thư mà không cần có người làm chứng, hoặc không cần có sự chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thông thường, yêu cầu quan trọng nhất của chúc thư trong mọi hệ thống pháp luật đều là phải tuân thủ đủ 3 nguyên tắc: người lập di chúc phải có năng lực chủ thể, tức là phải đạt đến một độ tuổi nhất định, có sự phát triển hoàn toàn bình thường về thể chất và tinh thần...; người lập di chúc hoàn toàn tự nguyện, không chịu sự tác động từ bất cứ người nào, không bị lừa dối, đe dọa hay cưỡng ép; nội dung (có thể kèm theo hình thức) của bản di chúc không đi trái lại các qui định của pháp luật, không chống lại các nguyên tắc đạo đức chung của toàn xã hội.
Tuy nhiên, giữa mỗi quốc gia cũng có những sự khác biệt tương đối giữa các qui định về hình thức di chúc.
- Luật của Pháp không thừa nhận chúc ngôn là hình thức di chúc hợp pháp, không giống như ở đa số các nước khác. Một vài bang ở Hoa Kỳ không thừa nhận chúc ngôn, nhưng trong thực tiễn ở tòa án, các án lệ về chúc ngôn vẫn được dẫn chiếu tới để xét xử. Nguyên nhân của hiện tượng này, có thể bắt nguồn từ tình hình xã hội lúc biên soạn các bộ luật ( thời điểm năm 1804, lúc Bộ luật dân sự Pháp được biên soạn, đó là một thời kỳ của tập quán chính trị - pháp lý địa phương ( Lousiana là bang ở Hoa Kỳ không công nhận chúc ngôn, bắt nguồn từ việc luật pháp của bang này rối ren, phức tạp với chiến tranh liên miên, nên việc chấp nhận di chúc chỉ bằng một lời nói khó hội tụ đủ các căn cứ xác đáng, dễ dẫn đến tình trạng kiện tụng kéo dài ).
IV. Một vài nhận xét và kiến giải với vấn hoàn thiện các qui định về hình thức của di chúc trong pháp luật Việt Nam:
Có thể nhận thấy qui định về việc vẫn công nhận hình thức di chúc miệng là một qui định hết sức tiến bộ và mang tính chất “đón đầu”, bởi nó đáp ứng được nhu cầu rất phức tạp của đời sống xã hội, ngoài ra lại phù hợp với suy nghĩ của dân ta là ngại chuyện giấy tờ phức tạp.
Chúc thư bí mật được một số nước công nhận, còn một số nước thì không (trong đó có Việt Nam chúng ta). Điều này có nguồn gốc tùy vào phong tục tập quán của mỗi dân tộc và đặc điểm, nhu cầu riêng của từng xã hội.
Xem xét trong bối cảnh nước ta hiện nay, có thể khẳng định là không cần đến chúc thư bí mật, bởi nó không phù hợp với phong tục, truyền thống, tập quán của người dân Việt Nam ta, vả lại điều này cũng là không cần thiết khi pháp luật đã cho phép người lập di chúc có thể tự viết di chúc mà không cần công chứng, làm chứng thì cũng có thể đảm bảo được tính bí mật của bản di chúc.
Các loại hình di chúc phi văn bản khác, như băng đĩa ghi hình, ghi âm, mới chỉ được chấp nhận ở một số bang ở Hoa Kỳ. Đó là do đây là hình thức ghi lại ý chí của con người mới xuất hiện trong thời gian gần đây; việc xác định băng đĩa là rất khó: khó xác định được thời gian, khó xác định thông tin là chính xác hay giả mạo... Hơn thế nữa, việc giả mạo này là hoàn toàn đơn giản và dễ dàng đối với trình độ công nghệ kĩ thuật như thời nay.
Tuy vậy, dù hình thức di chúc này chưa được phổ biến trên thế giới, nhưng nước ta cũng nên nghiên cứu để áp dụng, bởi sử dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật là đòi hỏi bức thiết của ngày nay, nhằm theo kịp sự biến đổi rất nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội.
C. Lời kết:
“ Hình thức di chúc là phương tức biểu hiện ý chí của người lập di chúc; là căn cứ pháp lý làm phát sinh quan hệ thừa kế theo di chúc, là chứng cứ để bảo vệ quyền lợi cho người được chỉ định trong di chúc ”. Bởi vậy, nghiên cứu về hình thức di chúc có ý nghĩa và vai trò không nhỏ trong việc hoàn thiện chế định về thừa kế trong pháp luật dân sự Việt Nam.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Bài tập lớn Dân sự 1- Hình thức của Di chúc.doc