Bài tập lớn học kì luật đất đai
Bà C hiện ở trên mảnh đất 120m2. Hiện diện tích đất này đang có tranh chấp về ranh giới sử dụng với hộ bà N sử dụng đất liền kề. Do tuổi già, bà C làm giấy ủy quyền cho ông H là người bà con họ hàng xa thay mặt mình giải quyết việc tranh chấp ranh giới sử dụng đất với bà N. Năm 2007, bà C không để lại di chúc. Ông H làm đơn gửi Ủy ban nhân dân xã X đề nghị được đứng tên chủ sử dụng mảnh đất này. Ủy ban nhân dân xã X không đồng ý và ra quyết định thu hồi mảnh của bà C với lý do bà không có người thừa kế. Ông H không đồng ý với quyết định thu hồi đất này đã viết đơn khiếu nại gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện.
Hỏi:
Anh (chị) hãy bình luận về các việc làm của Ủy ban nhân dân xã X.Ông H có được đứng tên chủ sử dụng mảnh đất này không? Vì sao?Ông H gửi đơn khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện là đúng hay sai? Vì sao?Theo anh (chị) vụ việc này cần được giải quyết như thế nào?
7 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3697 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bài tập lớn học kì luật đất đai, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TÌNH HUỐNG
Bà C hiện ở trên mảnh đất 120m2. Hiện diện tích đất này đang có tranh chấp về ranh giới sử dụng với hộ bà N sử dụng đất liền kề. Do tuổi già, bà C làm giấy ủy quyền cho ông H là người bà con họ hàng xa thay mặt mình giải quyết việc tranh chấp ranh giới sử dụng đất với bà N. Năm 2007, bà C không để lại di chúc. Ông H làm đơn gửi Ủy ban nhân dân xã X đề nghị được đứng tên chủ sử dụng mảnh đất này. Ủy ban nhân dân xã X không đồng ý và ra quyết định thu hồi mảnh của bà C với lý do bà không có người thừa kế. Ông H không đồng ý với quyết định thu hồi đất này đã viết đơn khiếu nại gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện.
Hỏi:
Anh (chị) hãy bình luận về các việc làm của Ủy ban nhân dân xã X.
Ông H có được đứng tên chủ sử dụng mảnh đất này không? Vì sao?
Ông H gửi đơn khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện là đúng hay sai? Vì sao?
Theo anh (chị) vụ việc này cần được giải quyết như thế nào?
GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG
1. ANH (CHỊ) HÃY BÌNH LUẬN VỀ CÁC VIỆC LÀM CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ X
Việc làm của Ủy ban nhân dân xã X bao gồm hai việc: Thứ nhất là không đồng ý cho ông H được đứng tên chủ sử dụng mảnh đất của bà C; thứ hai là ra quyết định thu hồi mảnh đất của bà C với lý do bà không có người thừa kế.
Thứ nhất, việc Ủy ban nhân dân xã X không đồng ý cho ông H đứng tên chủ sử dụng mảnh đất là đúng vì bà C không để lại di chúc hay giấy tờ gì chứng minh mảnh đất đó sẽ thuộc về ông H. Ông H là người họ hàng xa nên đương nhiên không nằm trong diện thừa kế theo pháp luật theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2005. Mặt khác bà C lại không có người thừa kế (do Ủy ban nhân dân xã xác nhận) nên ông H sẽ không được đứng tên chủ sử dụng mảnh đất của bà C.
Thứ hai, việc Ủy ban nhân dân xã X thu hồi mảnh đất trên với lý do bà C không có người thừa kế là sai và sai ở 2 điểm:
Một là, mảnh đất của bà C vẫn còn đang tranh chấp về ranh giới sử dụng mà vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa, tức là ranh giới sử dụng đất của bà C chưa được xác định rõ ràng nên cơ quan có thẩm quyền chưa được thu hồi.
Hai là, Ủy ban nhân dân xã X đã vượt quá quyền hạn của mình trong việc thu hồi đất. Luật Đất đai năm 2003 quy định về thẩm quyền thu hồi đất tại Điều 44 như sau:
“1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thu hồi đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 điều này.
2. Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh quyết định thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được mua nhà gắn liền với quyền sử dụng đất ở Việt Nam.
3. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này không được ủy quyền.”
Như vậy, việc thu hồi đất của cá nhân bà C thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện, mà Ủy ban nhân dân huyện lại không được ủy quyền nên việc làm của Ủy ban nhân dân xã X đã vượt quá phạm vi quyền hạn của mình. Cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất theo quy định của pháp luật trong trường hợp này phải là Ủy ban nhân dân cấp huyện mà xã X trực thuộc. Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ có thể quản lý đất đó sau khi đất đã thu hồi (Khoản 3 Điều 41 Luật Đất đai 2003 và Khoản 5 Điều 36 Nghị định số 181/2004/NĐ – CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ quy định: “Nhà nước thu hồi đất đối với trường hợp quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 và 12 Điều 38 của Luật Đất đai và giao cho Ủy ban nhân dân xã quản lý nếu đất đã thu hồi thuộc khu vực nông thôn, giao cho tổ chức phát triển quỹ đất quản lý nếu đất đã thu hồi thuộc khu vực đô thị và khu vực có quy hoạch phát triển đô thị”).
2. ÔNG H CÓ ĐƯỢC ĐỨNG TÊN CHỦ SỞ HỮU MẢNH ĐẤT NÀY KHÔNG? VÌ SAO?
Thứ nhất, nếu ông H muốn được sử dụng mảnh đất đó với tư cách đại diện: Ông H tham gia tranh chấp với bà N với tư cách là người đại diện theo ủy quyền của bà C nên về nguyên tắc, ông chỉ có quyền, nghĩa vụ giải quyết các công việc trong tranh chấp đó mà không có quyền định đoạt tài sản của bà C là quyền sử dụng mảnh đất 120m2. Hơn nữa, sau khi bà C chết, tư cách đại diện của ông H cũng sẽ mất theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 147 Bộ luật Dân sự năm 2005:
“Điều 147: Chấm dứt đại diện của các nhân:
2. Đại diện theo ủy quyền của cá nhân chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
c. Người ủy quyền hoặc người được ủy quyền chết, bị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết”.
Do đó, nếu ông H muốn được sử dụng mảnh đất đó với tư cách đại diện thì ông không được đứng tên chủ sở hữu mảnh đất này.
Thứ hai, nếu ông H muốn được sử dụng mảnh đất đó với tư cách người thừa kế của bà C: Vì bà C chết mà không để lại di chúc nên tài sản của bà sẽ được chia theo pháp luật (theo Điểm a Khoản 1 Điều 675 Bộ Luật Dân sự 2005). Khoản 1 Điều 676 Bộ luật này quy định:
“Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại’
Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại”.
Như vậy, ông H là người họ hàng xa nên không nằm trong diện thừa kế theo pháp luật. Mặt khác bà C lại không có người thừa kế (do Ủy ban nhân dân xã xác nhận) nên mảnh đất đó đương nhiên bị nhà nước thu hồi theo Khoản 7 Điều 38 Luật Đất đai 2003 về các trường hợp thu hồi đất: “Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp ... cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế”. Do đó, dù với tư cách nào thì ông H cũng không có quyền sử dụng mảnh đất này.
3. ÔNG H VIẾT ĐƠN GỬI CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN LÀ ĐÚNG HAY SAI? VÌ SAO?
Vì không đồng ý với quyết định thu hồi đất của Ủy ban nhân dân xã X nên ông H đã viết đơn khiếu nại đến chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, việc làm này là sai.
Trước hết, mục đích việc viết đơn khiếu nại của ông H đến chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện là vì ông nhận thấy quyết định thu hồi đất của Ủy ban nhân dân xã X không đúng, trái pháp luật và xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của ông, có thể ông H biết việc làm của Ủy ban nhân dân xã X là vượt quá quyền hạn và ông cho rằng ông phải được hưởng thừa kế quyền sử dụng đất của bà C, như vậy mục đích của ông H là đúng với việc viết đơn khiếu nại.
Tuy nhiên, cái sai ở đây là ông H viết đơn và gửi không đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Điều 33 Luật Khiếu nại, Tố cáo năm 2004 quy định như sau: “Người khiếu nại lần đầu phải khiếu nại với người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có cán bộ, công chức có hành vi vi phạm hành chính mà người khiếu nại có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”. Đồng thời, Điều 19 Luật này cũng quy định: “Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình trong lĩnh vực quản lý đất đai”. Vì vậy, ông H sẽ không có quyền khiếu nại đến chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện và nếu có khiếu nại thì Ủy ban nhân dân huyện sẽ không có trách nhiệm giải quyết khiếu nại này. Ông H phải khiếu nại lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã X trước để được giải quyết lần đầu.
4. THEO ANH (CHỊ) VỤ VIỆC NÀY NÊN GIẢI QUYẾT NHƯ THẾ NÀO?
Trong vụ việc này, điểm mấu chốt là ở chỗ bà C chết mà không có người thừa kế, trong khi di sản mà bà C để lại là quyền sử dụng đất vẫn còn đang tranh chấp. Việc Ủy ban nhân dân xã X thu hồi đất chứng tỏ có cơ sở để khẳng định rằng mảnh đất 120m2 đó thuộc quyền sử dụng của bà C, tuy nhiên lại chưa thể khẳng định rõ ràng về ranh giới sử dụng đất. Như vậy, để có thể hoàn thành việc thu hồi đất của Ủy ban nhân dân huyện, cũng như giải quyết một cách hợp tình, hợp lý thì phải làm rõ được ranh giới diện tích sử dụng đất của bà C, bà N.
Trước tiên, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần làm rõ ranh giới sử dụng đất cho 2 hộ sử dụng đất liền kề là bà C và bà N dựa trên những cơ sở pháp lý, lịch sử và các bằng chứng được cung cấp bởi 2 bên là bà N và bà C trước khi chết (mà đại diện là ông H). Bà N và ông H có trách nhiệm cung cấp những điều mình biết một cách trung thực nhằm giúp cho việc điều tra, làm rõ được thuận lợi. Trong trường hợp đã làm sáng tỏ về ranh giới sử dụng đất, Ủy ban nhân dân huyện sẽ tiến hành thu hồi phần đất thuộc quyền sở hữu của bà C ứng với phần ranh giới đã được làm sáng tỏ trước đó. Nếu dựa trên nhưng điều kiện đã nêu mà cơ quan chức năng vẫn không thể làm sáng tỏ về ranh giới sử dụng đất của 2 hộ do thiếu bằng chứng thì Ủy ban nhân dân huyện sẽ tiến hành thu hồi mảnh đất 120m2 của bà C. Việc thu hồi trong trường hợp này chưa thể gọi là giải quyết triệt để, hợp tình hợp lý nhưng là phương án tối ưu trong hoàn cảnh không thể làm rõ ranh giới sử dụng đất của bà C.
KẾT LUẬN
Tình trạng khiếu kiện, tranh chấp xảy ra liên tục với số lượng lớn trong lĩnh vực đất đai không chỉ bởi sự thiếu hiểu biết về luật của người dân mà còn bởi sự thiếu chuyên nghiệp, trình độ còn non kém của không ít các cán bộ trực thuộc các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Chính vì vậy, để đảm bảo lợi ích của Nhà nước cũng như đảm bảo lợi ích của các đối tượng sử dụng đất, cần phải có sự nâng cao, tăng cường giáo dục pháp luật cho đông đảo người dân cũng như cần không ngừng bồi dưỡng nghiệp vụ, phẩm chất cho các cán bộ có thẩm quyền ở trung ương và địa phương. Có như vậy, pháp luật nói chung, pháp luật đất đai nói riêng mới thực sự phát huy tác dụng của mình trong đời sống.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
***
Luật Đất đai năm 2003.
Bộ luật Dân sự năm 2005.
Luật Khiếu nại, Tố cáo năm 2004.
Nghị định số 181/2004 ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 17/2006 ngày 27/1/2006).
Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Đất đai, Nxb. CAND, Hà Nội, 2008.
Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Dân sự - Tập 1, Nxb. CAND, Hà Nội, 2010.
Hỏi – đáp Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2005.
Trần Quang Huy, Pháp luật đất đai - Bình luận và giải quyết tình huống, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2005.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Bài tập lớn học kì luật đất đai.doc