Trong lịch sử xã hội loài người, dư luận xã hội đã từng đóng vai trò điều hoà các mối quan hệ xã hội, định hướng hành vi xã hội của con người ngay cả khi trong xã hội chưa có sự phân hoá giai cấp, chưa xuất hiện nhà nước và pháp luật, cũng có nghĩa là chưa có ý thức pháp luật đó là xã hội nguyên thuỷ. Ph.Ăngghen đã nhận xét rằng, trong chế độ xã hội này không hề có các phương tiện ép buộc nào khác ngoài dư luận xã hội. Từ lập trường của chủ nghĩa duy vật lịch sử, triết học Mác - Lênin đã chỉ rõ vai trò to lớn, sự tác động mạnh mẽ của các yếu tố tinh thần đối với hoạt động sống của con người, trong đó có dư luận xã hội. Sức mạnh to lớn của dư luận xã hội xuất phát từ vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong lịch sử.
13 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 4819 | Lượt tải: 5
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bài tập lớn xã hội học, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỤC LỤC
Trang
LỜI MỞ ĐẦU…………………………………………………………...2
NỘI DUNG
I. Định nghĩa dư luận xã hội………………………………………………………..2
II. Các bước hình thành dư luận xã hội……………………………………………..2
2.1. Giai đoạn hình thành thuộc ý thức cá nhân
2.2. Giai đoạn trao đổi thông tin giữa mọi người
2.3. Giai đoạn tranh luận có tính chất tập thể về các vấn đề quan trọng
2.4. Giai đoạn đi từ dư luận xã hội đến thành công thực tiễn
III. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành dư luận xã hội……………………....5
3.1. Tính chất của các sự kiện, sự việc, hiện tượng xã hội, quá trình xã hội đang
diễn ra trong xã hội
3.2. Hệ tư tưởng, trình độ học vấn, kiến thức, hiểu biết, kinh nghiệm thực tế xã hội
của con người.
3.3. Thông tin đại chúng
3.4. Những nhân tố thuộc về tâm lí xã hội
IV. Tác dụng của dư luận xã hội đối với lĩnh vực pháp luật…………………….....7
4.1. Sự tác động của dư luận xã hội đến hệ tư tưởng pháp luật.
4.2. Sự tác động của dư luận xã hội đến tâm lý pháp luật.
4.3. Sự tác động của dư luận xã hội đối với hoạt động xây dựng pháp luật
KẾT LUẬN……………………………………………………………..12
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO…………………………….....13
LỜI MỞ ĐẦU
Trong cuộc sống hàng ngày, trên các sách báo, tạp chí, trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta vẫn thường bắt gặp những từ ngữ như “dư luận”, “dư luận xã hội’, “dư luận trong nước”….Vậy dư luận xã hội là gi? Dư luận xã hội là hiện tượng thuộc lĩnh vực tinh thần của xã hội. Dư luận xã hội đã xuất hiện và tồn tại từ lâu trong lịch sử, nó hình thành, tồn tại và phát triển của bản thân xã hội loài người
NỘI DUNG
I.Định nghĩa dư luận xã hội
Dư luận xã hội là hiện tượng tinh thần của xã hội, là hiện tượng phức tạp nên khó có thể lột tả hết được nội hàm của nó trong một số dòng định nghĩa ngắn gọn. Kết hợp vai trò, ý nghĩa thực tiễn của dư luận xã hội, có thể định nghĩa dư luận xã hội như sau: “ Dư luận xã hội là tập hợp các ý kiến, thái độ có tính chất phán xét, đánh giá của các nhóm xã hội hay của xã hội nói chung trước những vấn đề mang tính thời sự, có liên quan tới lợi ích chung, thu hút được sự quan tâm của nhiều người và được thể hiện trong các nhận định hoặc hành động thực tiễn của họ”.
Như vậy, dư luận xã hội không phải là ý kiến của cá nhân một con người cụ thể mà là ý kiến đánh giá phán xét chung của nhiều người trong xã hội thông qua trao đổi, bàn bạc, tác động qua lại giữa các ý kiến.
II.Các bước hình thành dư luận xã hội
2.1.Giai đoạn hình thành thuộc ý thức cá nhân
Trong xã hội hàng ngày hàng giờ có rất nhiều các sự việc, sự kiện, hiện tượng xảy ra xung quanh chúng ta. Các các nhân trong cộng đồng xã hội được tiếp xúc với những thông tin đó bằng nhiều cách khác nhau: trực tiếp chứng kiến, nghe kể lại….Từ đó họ tìm kiếm, sưu tập thêm thông tin, trao đổi những thông tin đó cho những người khác, mỗi người sẽ có những suy nghĩ, quan điểm, tình cảm, nhận định, những ý kiến ban đầu về những khía cạnh khác nhau của sự việc, sự kiện đó. Đây là những ý kiến, suy nghĩ riêng của từng người nên thuộc lĩnh vực ý thức cá nhân.
2.2. Giai đoạn trao đổi thông tin giữa mọi người
Trong giai đoạn này, các ý kiến của cá nhân sẽ được đưa ra chia sẻ, trao đổi và bàn luận trong một nhóm xã hội cụ thể cùng quan tâm tới vấn đề đó. Qúa trình thảo luận trong nhóm xã hội nảy dựa trên cơ sở lợi ích chung của cả nhóm và hệ thống các giá trị, chuẩn mực xã hội đang chi phối các khuôn mẫu tư duy và khuôn mẫu hành vi cuả các thành viên trong nhóm. Thông qua quá trình trao đổi, bàn luận các suy nghĩ, các ý kiến của các cá nhân với nhau xung quanh đối tượng của dư luận, mọi người được tiếp nhận thêm các thông tin mà mình chưa biết về đối tượng, trình bày suy nghĩ của mình cũng như lắng nghe các quan điểm của những người khác về vấn đề đang trao đổi. Từ những trao đổi đó, cá nhân tự hoàn thiện các thông tin mà mình có được về đối tượng, có cái nhìn tổng quát nhất cũng như đưa ra những nhận định đúng đắn nhất về vấn đề tranh luận; nhóm xã hội cùng tranh luận vấn đề này sẽ tập hợp những nhận xét của các cá nhân để đưa ra nhận xét chung nhất, quan điểm thể hiện ý kiến của cả nhóm. Như vâỵ, ở giai đoạn này ý kiến đã được trao đổi chuyển dần từ lĩnh vực ý thức cá nhân sang lĩnh vực ý thức xã hội.
2.3. Giai đoạn tranh luận có tính chất tập thể về các vấn đề quan trọng.
Các thông tin, vấn đề không quan trọng, không phù hợp hoặc những thông tin nhiễu về đối tượng sẽ bị loại bỏ trong giai đoạn này. Bởi các thông tin này gây lãng phí thời gian, khiến các thông tin quan trọng, phức tạp bị mờ nhạt, không được quan tâm thỏa đáng dẫn đến không giải quyết, không đưa ra được nhận xét cuối cùng có tính chất quan trọng nhất hoặc đưa ra nhưng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố phụ đối với vấn đề đem ra tranh luận. Các nhóm cần trao đổi, tranh luận với nhau về những nội dung quan trọng, mang tính chất cốt lõi, đưa ra các ý kiến khác nhau và thống nhất lại xung quanh các quan điểm cơ bản, những quan điểm nào hợp lý cần được công nhận, những ý kiến nào chưa có cơ sở, thiếu xác thực thì phải loại bỏ, cùng tìm đến những điểm chung trong quan điểm và ý kiến. Từ đó hình thành cách phán xét, đánh giá chung thỏa mãn được ý chí của đại đa số các thành viên trong cộng đồng người. Cơ sở cho quá trình tranh luận này vẫn là lợi ích chung va hệ thống các giá trị, chuẩn mực xã hội chung cùng được các nhóm xã hội chia sẻ và thừa nhận.
2.4. Giai đoạn đi từ dư luận xã hội đến thành công thực tiễn
Những đánh giá, phán xét chung từ các giai đoạn trước không phải chỉ hình thành rồi để đấy mà trên thực tế các nhóm xã hội và cộng đồng xã hội đi tới hành động thực tiễn, thống nhất, đề xuất những kiến nghị, những biện pháp hoạt động thiết thực nhất trước thực tế cuộc sống nhất định.
III. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành dư luận xã hội
Sự hình thành dư luận xã hội phụ thuộc vào nhiều điều kiện, yếu tố khác nhau, cả chủ quan và khác quan về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, trình độ nhận thức, tâm lí xã hội….Dưới đây là những yếu tố chính tác động đến sự hình thành dư luận xã hội:
3.1. Tính chất của các sự kiện, sự việc, hiện tượng xã hội, quá trình xã hội đang diễn ra trong xã hội
Trong thực tế xã hội luôn diễn ra đa dang, phong phú, phức tạp, luôn biến đổi không ngừng với nhiều sự việc, sự kiện, hiện tượng xã hội hay quá trình xã hội. Mà dư luận xã hội là hiện tượng tinh thần phản ánh sự tồn tại của xã hội. Sự phản ánh đó phụ thuộc vào quy mô, cường độ và tính chất của sự việc, sự kiện, hiện tượng xã hội mà nó phản ánh; phụ thuộc vào ý nghĩa của các sự việc, sự kiện đó đối với các nhu cầu, lợi ích về vật chat hay tinh thần của cộng đồng người mang dư luận. Cách thức để họ thực hiện điều này là bày tỏ sự tán thành, ủng hộ đối với những sự việc, sự kiện phù hợp với nhu cầu, lợi ích của mình và lên tiếng phê phán hay phản đối những sự việc, sự kiện đi ngược lại, xâm hại tới lợi ích của chính họ.
Qua thực tế, một sự việc, sự kiện xảy ra trong xã hội có thể ảnh hưởng tới một nhóm xã hội nhất định nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến nhiều nhóm xã hội. Khi đó, các nhóm xã hội sẽ bước vào cuộc trao đổi ý kiến, thảo luận tại các thời điểm khác nhau.
3.2. Hệ tư tưởng, trình độ học vấn, kiến thức, hiểu biết, kinh nghiệm thực tế xã hội của con người.
Hệ tư tưởng, trình độ học vấn, kiến thức, hiểu biết, kinh nghiệm thực tế xã hội của các cá nhân, các nhóm xã hội là mức độ chuẩn bị của cộng đồng người để tiếp nhận các sự việc, sự kiện, hiện tượng cần thiết. Con người càng có hiểu biết, thông tin về đối tượng bao nhiêu thì tranh luận càng ít kéo dài bấy nhiêu, thông tin không đầy đủ thì sẽ dẫn đến tranh luận sẽ kéo dài, không hình thành dư luận xã hội. Khuynh hướng, chiều sâu, tính chất phản ánh đúng hay sai của các ý kiến, các quan điểm phán xét, đánh giá đối với các sự việc, sự kiện cũng chịu ảnh hưởng của yếu tố này. Nhóm xã hội có trình độ học vấn thấp có thể dễ dàng tin tưởng vào những tin tức thất thiệt, tham gia vào những tin đồn nhảm, gây hậu quả xấu cho xã hội. Ngược lại, nhóm xã hội có trình độ học vấn cao có thể tiếp cận dễ dàng nguồn thông tin, phân tích một cách khoa học về các sự việc, sự kiện…đưa ra những phán xét, đánh giá phù hợp góp phần hình thành dư luận xã hội tích cực.
3.3. Thông tin đại chúng
Hệ thống các thông tin đại chúng bao gồm báo, tạp chí, phát thanh, truyền hình, ấn phẩm in, mạng máy tính...Chúng có ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự hình thành dư luận xã hội, thể hiện trên ba phương diện:
Các phương tiện thông tin đại chúng cung cấp thông tin, truyền tải kịp thời và đầy đủ thông tin về các mặt, các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Các phương tiện thông tin đại chúng là diễn đàn ngôn luận công khai
Các phương tiện thông tin đại chúng điêù chỉnh, định hướng sự phát triển của dư luận xã hội.
3.4. Những nhân tố thuộc về tâm lí xã hội
Trạng thái tâm lí xã hội biểu hiện ở thói quen, nếp sống, ý chí, tâm trạng hay tình cảm của nhóm xã hội, cộng đồng người đã được hình thành do ảnh hưởng trực tiếp của điều kiện sống, sinh hoạt hàng ngày hoặc do tác động của công tác tuyên truyền, giáo dục. Ảnh hưởng của nhân tố này có nhiều mặt đôi khi khó nhận bết, tùy từng thời điểm, tâm trạng của con người…Người đang trong tâm trạng chán nản, bi quan thì nội dung phán xét, đánh giá về sự kiện, hiện tượng xã hội khác với người đang trong tâm trạng phấn chấn, hồ hởi.
3.5. Hoàn cảnh sinh hoạt sinh hoạt chính trị - xã hội
Mức độ dân chủ hóa đời sống xã hội, khả năng và sự tham gia thực tế của người dân vào các sinh hoạt chính trị - xã hội của đất nước có ảnh hưởng rất quan trọng tới sự hình thành dư luận xã hội. Xã hội có dân chủ thì người dân mới sẵn sàng thẳng thắn, cởi mở, bộc lộ ý kiến, quan điểm của mình, tham gia bàn bạc vấn đề chung do vậy dư luận xã hội có điều kiện hình thành thuận lợi. Ngược lại, xã hội thiếu dân chủ, thông tin nghèo nàn thì dư luận xã hội hình thành khó kkhăn, chậm chạp.
3.6. Các phong tục tập quán, hệ thống các giá trị, chuẩn mực xã hội đang hiện hành trong xã hội.
Về cơ bản, các phong tục tập quán, hệ thống các giá trị, chuẩn mực xã hội đang hiện hành tạo ra những khuôn mẫu tư duy, hành động làm cơ sở cho việc phán xét, đánh giá của dư luận xã hội về các sự việc, sự kiện, hiện tượng, quá trình xã hội đang diễn ra trong xã hội. Trong cùng xã hội, các nhóm có thể đưa ra các phán xét, đánh giá khác nhau về cùng vấn đề.
IV.Tác dụng của dư luận xã hội đối với lĩnh vực pháp luật.
Trong bất kỳ một xã hội nào, dư luận xã hội đều có ảnh hưởng nhất định và trong nhiều trường hợp còn có tác động mạnh mẽ đến các quá trình chính trị, xã hội, đến việc lãnh đạo và quản lý xã hội. Trong lịch sử xã hội loài người, dư luận xã hội đóng vai trò là yếu tố điều hoà các mối quan hệ xã hội và điều chỉnh hành vi của con người. Trong xã hội chưa có giai cấp, nhà nước và pháp luật, dư luận xã hội chỉ tồn tại với tư cách những ý kiến, quan điểm. thái độ, sự phán xét chung của cộng đồng người, giữ vai trò vừa là phương tiện giáo dục vừa là công cụ định hướng, đieèu tiết hành vi của con người. Trong xã hội có giai cấp, vai trò điều hòa các quan hệ xã hội của dư luận xã hội được thể hiện cùng với pháp luật.
4.1. Sự tác động của dư luận xã hội đến hệ tư tưởng pháp luật.
Hệ tư tưởng pháp luật là tổng hợp các tư tưởng, quan điểm, quan niệm có tính chất lý luận và khoa học về pháp luật, phản ánh về pháp luật và các hiện tượng pháp luật một cách sâu sắc, tự giác dưới dạng các khái niệm, các phạm trù khoa học.
Dư luận xã hội tác động trực tiếp và gián tiếp đến sự hình thành và phát triển của hệ tư tưởng pháp luật. Với tư cách một hiện tượng xã hội, dư luận xã hội phản ánh tồn tại xã hội nói chung, đồng thời phản ánh các sự kiện, hiện tượng pháp lý xảy ra trong đời sống xã hội. Sự bàn luận, trao đổi ý kiến giữa các thành viên trong xã hội về các sự kiện, hiện tượng pháp lý đưa tới kết quả là, họ đạt tới sự nhận thức chung, thống nhất trong các phán xét, đánh giá về sự việc, sự kiện pháp. Khi đã hình thành, dư luận xã hội biểu thị thái độ, quan điểm, cảm xúc, ý chí tập thể của đại đa số người trong cộng đồng xã hội trước thực tiễn đời sống pháp luật của xã hội, thể hiện trình độ nhận thức cao, có tính hệ thống về các vấn đề mang tính bản chất của pháp luật và các hiện tượng pháp luật.
Như vậy, dư luận xã hội làm nảy sinh trong nhận thức của mọi người những khái niệm cơ sở, mang tính bề ngoài, ngẫu nhiên và sau đó là những tri thức phản ánh đúng đắn bản chất của các hiện tượng pháp lý. Từ đó, hình thành nên các quan điểm, quan niệm, tư tưởng phản ánh những vấn đề có liên quan đến pháp luật và các hiện tượng pháp luật một cách sâu sắc, có tính hệ thống trong xã hội. Điều đó nói lên sự tác động mạnh mẽ của dư luận xã hội đối với quá trình hình thành và phát triển của hệ tu tưởng pháp luật.
Một trong những đặc điểm cơ bản của dư luận xã hội là tính lan truyền. Dư luận xã hội lan truyền càng rộng thì càng có xu hướng thống nhất về nội dung các phán xét, đánh giá, càng làm cho mọi người trong xã hội nhận thức sâu sắc hơn những vấn đề mang tính bản chất của pháp luật và các hiện tượng pháp luật. Do đó, dư luận xã hội tham gia vào việc phổ biến, tuyên truyền trong các tầng lớp xã hội những giá trị pháp luật, các tư tưởng, quan điểm pháp luật.
Hệ tư tưởng pháp luật chính thống của một xã hội nhất định bao giờ cũng là hệ tư tưởng của giai cấp thống trị. Khi giai cấp thống trị là lực lượng tiến bộ trong xã hội, có lợi ích giai cấp phù hợp với lợi ích cơ bản của các lực lượng xã hội khác thì tính dân chủ, tính khoa học và tính xã hội của hệ tư tưởng pháp luật sẽ thể hiện nổi trội, rõ nét. Trong điều kiện như vậy, ý chí của giai cấp cầm quyền có nhiều nét tương đồng với dư luận xã hội của các tầng lớp nhân dân. Qua đó, dư luận xã hội có tác động mạnh mẽ và tích cực tới sự hình thành, phát triển và phổ biến hệ tư tưởng pháp luật trong xã hội.
Đối với đại đa số quần chúng nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc luôn có tầm quan trọng hàng đầu. Dư luận xã hội đóng vai trò là "người lính canh giữ", bảo vệ những quyền lợi, các giá trị phổ biến của xã hội, cũng như các giá trị, lợi ích cá nhân chính đáng của con người. Mỗi khi quyền lợi, các giá trị của quốc gia, dân tộc bị xâm hại thì dư luận xã hội lập tức xuất hiện với thái độ lên án, phản đối gay gắt. Mỗi khi các cá nhân hoặc nhóm xã hội nào đó có hành vi xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, dư luận xã hội cũng lập tức lên án, gây sức ép nhằm ngăn chặn hành vi đó.
4.2. Sự tác động của dư luận xã hội đến tâm lý pháp luật.
Tâm lý pháp luật hình thành một cách tự phát dưới dạng tình cảm, cảm xúc, tâm trạng của các cá nhân và các nhóm xã hội đối với pháp luật, cũng như những hiện tượng pháp lý diễn ra trong đời sống xã hội. Tâm lý pháp luật là sự phản ánh trực tiếp các sự kiện, hiện tượng bên ngoài có liên quan đến pháp luật. Những sự kiện, hiện tượng pháp luật đồng thời cũng là đối tượng phản ánh của dư luận xã hội. Vì vậy, ảnh hưởng của dư luận xã hội đến tâm lý pháp luật được thể hiện trên các phương diện sau:
Dư luận xã hội có tác động mạnh mẽ tới tình cảm pháp luật. Tình cảm pháp luật là yếu tố cơ bản của tâm lý pháp luật, thường được hình thành một cách tự phát dưới ảnh hưởng của hoạt động giao tiếp hàng ngày của con người với môi trường pháp lý xung quanh. Và do là yếu tố mang tính tự phát, chịu sự chi phối của phong tục, tập quán, kinh nghiệm sống và nếp sống của con người, nên tình cảm pháp luật có thể được bộc lộ dưới dạng các phản ứng tích cực, cũng như tiêu cực của mỗi người trước những sự kiện, hiện tượng pháp lý diễn ra trong thực tế như thái độ phản ứng lại các hành vi vi phạm pháp luật, yêu công lý, đề cao công bằng xã hội, đề cao trách nhiệm pháp lý... cũng có thể biểu hiện dưới dạng tiêu cực, như cổ vũ cho hành vi phạm pháp, chống đối người thi hành .công vụ, làm ngơ trước người bị hại... Tất cả những biểu hiện đó của tình cảm pháp luật đều là đối tượng phán xét, đánh giá của dư luận xã hội.
Trong thực tiễn đời sống pháp luật, dư luận xã hội thường nảy sinh và biểu hiện ở hai xu hướng: khen ngợi, biểu dương tinh thần đấu tranh trước các hành vi vi phạm pháp luật, ủng hộ những việc làm phù hợp với quyền và nghĩa vụ pháp lý của công dân và phê phán, lên án các hành vi sai trái, phạm pháp, phạm tội. Về mặt tình cảm, không ai muốn mình trở thành đối tượng phán xét của dư luận xã hội. Mỗi cá nhân đều mong muốn có thể kiểm soát, điều chỉnh tình cảm và hành vi của mình sao cho phù hợp với ý chí chung của cộng đồng xã hội. Với ý nghĩa đó, dư luận xã hội tác động mạnh mẽ tới tình cảm pháp luật, góp phần định hướng cho sự hình thành tình cảm pháp luật tích cực, đúng đắn của mỗi công dân.
Dư luận xã hội tác động tới tâm trạng của con người trước luật pháp. Tâm trạng của con người trước luật pháp là sự thể hiện trạng thái tâm lý của các cá nhân trước các sự kiện, hiện tượng pháp lý diễn ra trong đời sống xã hội thường ngày. Đây là yếu tố rất linh động, dễ thay đổi của tâm lý pháp luật. Do sự tác động, ảnh hưởng của các yếu tố, như điều kiện sống, lao động, sinh hoạt hàng ngày mà tâm trạng của con người thường được thể hiện ra ở các trạng thái đối lập: hưng phấn - ức chế, lạc quan - bi quan, hy vọng - thất vọng... trước thực tiễn cuộc sống. Tuỳ thuộc đang trong tâm trạng hưng phấn, nhiệt tình, người ta dễ có những phản ứng mạnh mẽ, tích cực trước các hành vi vi phạm pháp luật ở nơi công cộng, còn khi không tin tưởng vào sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật, người ta thường thờ ơ trước các sự kiện pháp lý... Những tâm trạng đó được bộc lộ trong nội dung các phán xét, đánh giá của dư luận xã hội và qua đó, dư luận xã hội tác động tới tâm trạng của con người trước luật pháp.
Dư luận xã hội có thể tác động, làm nảy sinh trong mỗi người tâm trạng xúc động trước hành vi thể hiện ý thức tự giác chấp hành pháp luật. Thông qua việc tạo ra những "khuôn mẫu tư duy", "khuôn mẫu hành động" cho các thành viên trong xã hội, dư luận xã hội hướng con người theo gương người tốt, việc tốt trong lĩnh vực chấp hành pháp luật. Điều đó nói lên rằng, dư luận xã hội có ảnh hưởng tích cực tới tâm trạng của con người trước luật pháp.
Thông qua dư luận xã hội, các cá nhân tự đánh giá về hành vi ứng xử của mình trong phạm vi điều chỉnh của các quy phạm pháp luật hiện hành. Cách thức mà mỗi cá nhân tự đánh giá về hành vi ứng xử của mình có thể biểu hiện dưới dạng cảm xúc, như tự hào, phấn khởi hay e ngại, xấu hổ, lo lắng... Những phán xét, đánh giá (khen - chê, biểu dương - lên án...) của dư luận xã hội đối với hành vi của các cá nhân, ở một mức độ nào đó, đều tham gia vào việc điều chỉnh hành vi pháp luật của cá nhân. Nói cách khác, dư luận xã hội, trong trường hợp này, là "tấm gương" để mỗi cá nhân tự soi mình vào đó mà định hướng, điều chỉnh hành vi ứng xử của bản thân. Sức mạnh đặc trưng của dư luận xã hội khiến cho mỗi cá nhân luôn phải suy nghĩ, xem xét trước khi thực hiện một hành vi pháp luật nào đó. Điều đó cho thấy, dư luận xã hội luôn có tác động tới cách thức mà mỗi cá nhân tự đánh giá về hành vi ứng xử của mình.
4.3.Sự tác động của dư luận xã hội đối với hoạt động xây dựng pháp luật: thể hiện ở các phương diện sau:
Dư luận xã hội là sự thể hiện lợi ích chung thông qua tiếng nói chung của nhân dân, nên nó là điều kiện cần thiết để các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ, mở rộng nền dân chủ xã hội, tích cực tham gia vào hoạt động xây dựng pháp luật. Các tầng lớp nhân dân là chủ thể rộng rãi của hoạt động xây dựng pháp luật. Hiến pháp Nhà nước ta đã khẳng định nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, đảm bảo cho việc thực thi quyền lực nhà nuóc phục vụ cho lợi ích của nhân dân và nằm dưới sự kiểm soát của nhân dân. Nhân dân thực thi quyền lực nhà nước thông qua hai hình thức cơ bản là dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Dân chủ trực tiếp là hình thức hữu hiệu tạo cho nhân dân, với tư cách là chủ thể tối cao và duy nhất của quyền lực nhà nước, khả năng tham gia tích cực và chủ động vào các hoạt động của Nhà nước, trong đó có hoạt động xây dựng pháp luật. Qua hình thức dân chủ đại diện, nhân dân thực hiện quyền lực nhà nuóc, vận hành theo quy định của Hiến pháp. Nhân dân bầu ra cơ quan đại diện một cách trực tiếp. Đây là cơ quan quyền lực nhà nước, trong đó Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
Dư luận xã hội là nguồn thông tin phản hồi có ý nghĩa quan trọng và thiết thực đối với quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và v ăn bản quy phạm pháp luật dưới luật, đối với việc ban hành các quyết định của các cá nhân, nhà chức trách có thẩm quyền. Để có các văn bản pháp luật sát thực tế, đúng đắn ,có tính khả thi cao, trước khi xây dựng, soạn thảo các dự án luật hay ban hành các quyết định, các cơ quan quản lí, hành pháp phải nắm bắt thực trạng tư tưởng, tâm lý của các đối tượng xá hội mà văn bản pháp luật, quyết định nhằm vào. Chỉ có hợp lòng dân, được nhân dân ủng hộ thì các chủ trương, chính sách pháp luật mới có thể trở thành hiện thực. Dư luận xã hội là một trong những thông tin phản hồi phát hiện những thiếu hụt, khe hở trong các văn bản quy phạm pháp luật từ đó Nhà nước có biện pháp sửa đổi, bổ sung và điều chỉnh một cách kịp thời.
Dư luận xã hội không mang tính pháp lý nhưng nó có sức mạnh to lớn trong định hướng và điều chỉnh hành vi, hoạt động cảu các thành viên trong xã hội. Trong khi xây dựng pháp luật, các nhà làm luật phải biết lắng nghe dư luận xã hội một cách nghiêm túc và phân tích khoa học để có thể rút ra được những kết luận chính xác về thực của những lĩnh vực quan hệ xã hội đang cần có pháp luật điều chỉnh. Nhờ đó, Nhà nước ban hành pháp luật một cách kịp thời, đồng bộ và hiệu quả, đúng phạm vi, đúng đối tượng; góp phần tăng cường vai trò và hiệu lực của công tác quản lỷ xã hội bằng pháp luật.
KẾT LUẬN
Trong lịch sử xã hội loài người, dư luận xã hội đã từng đóng vai trò điều hoà các mối quan hệ xã hội, định hướng hành vi xã hội của con người ngay cả khi trong xã hội chưa có sự phân hoá giai cấp, chưa xuất hiện nhà nước và pháp luật, cũng có nghĩa là chưa có ý thức pháp luật đó là xã hội nguyên thuỷ. Ph.Ăngghen đã nhận xét rằng, trong chế độ xã hội này không hề có các phương tiện ép buộc nào khác ngoài dư luận xã hội. Từ lập trường của chủ nghĩa duy vật lịch sử, triết học Mác - Lênin đã chỉ rõ vai trò to lớn, sự tác động mạnh mẽ của các yếu tố tinh thần đối với hoạt động sống của con người, trong đó có dư luận xã hội. Sức mạnh to lớn của dư luận xã hội xuất phát từ vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong lịch sử.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Trường Đại học Luật Hà Nội, Ngọ Văn Nhân (chủ biên), Tập bài giảng xã hội học, Nxb. CAND, Hà Nội, 2010.
Ngọ Văn Nhân, Xã hội học pháp luật, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2010.
Trường Đai học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, Phạm Tất Dong – Lê Ngọc Hùng (đồng chủ biên), Xã hội học, Nxb. ĐHQG Hà Nội, Hà Nội, 2007.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Bài tập lớn xã hội học.doc