Bài tập số 2:
Anh A và 3 đồng nghiệp cùng trong công ty X (có trụ sở chính tại Gia Lâm Hà Nội) được công ty cử đi công tác tại Bắc Giang từ ngày 1/4/2009 đến ngày 6/4/2009. Đoàn công tác sẽ đi bằng ô tô của công ty lên Bắc Giang vào chiều ngày 31/3/2009.
Do gia đình có việc bận nên anh A đã không đi ô tô với đoàn công tác vào chiều ngày 31/3/2009. Sáng sớm hôm sau, anh tự đi bằng xe máy lên Bắc Giang. Dọc đường đi, do trời tối và thiếu ngủ, anh A đã tự đâm vào thanh chắn đường quốc lộ số 1 (Hà Nội - Lạng Sơn). Hậu quả là anh A bị tai nạn gãy 2 chân và chấn thương sọ não.
Để tạo thuận lợi cho anh A trong việc làm thủ tục hưởng các chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, công ty X đã xác nhận cho anh A là bị tai nạn trên đường đi công tác.
Sau 3 tháng điều trị ổn định tại bệnh viện, anh A được xuất viện với tỷ lệ giám định thương tật mất 56% sức lao động. Anh A làm đơn đề nghị công ty bố trí việc làm cho anh phù hợp với mức độ suy giảm sức lao động của anh.
Xét thấy không có việc nào trong công ty phù hợp với sức khoẻ của anh A, công ty đã từ chối bố trí việc làm cho anh A và đề nghị chấm dứt hợp đồng lao động không xác định thời hạn với anh A do anh A không đủ sức khoẻ để làm tiếp công việc theo hợp đồng đó.
Hỏi:
1. Việc anh A bị tai nạn có thể coi là tai nạn lao động hay không?
2. Theo quy định của pháp luật lao động hiện hành, công ty có trách nhiệm phải giải quyết những quyền lợi gì cho anh A sau khi đã xác nhận anh A bị tai nạn trên đường đi công tác?
3. Công ty có nghĩa vụ phải bố trí công việc phù hợp với mức độ suy giảm khả năng lao động cho anh A hay không?
4. Giả sử anh A được công ty bố trí làm công việc bảo vệ, nhưng do thương tật nên anh A không hoàn thành công việc thì công ty có thể chấm dứt họp đồng lao động với anh A được không? Muốn chấm dứt hợp đồng lao động với anh A trong trường hợp này, công ty cần lưu ý những vấn đề gì
10 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3407 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bài tập nhóm lao động 2, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Bài tập số 2:
Anh A và 3 đồng nghiệp cùng trong công ty X (có trụ sở chính tại Gia Lâm Hà Nội) được công ty cử đi công tác tại Bắc Giang từ ngày 1/4/2009 đến ngày 6/4/2009. Đoàn công tác sẽ đi bằng ô tô của công ty lên Bắc Giang vào chiều ngày 31/3/2009.
Do gia đình có việc bận nên anh A đã không đi ô tô với đoàn công tác vào chiều ngày 31/3/2009. Sáng sớm hôm sau, anh tự đi bằng xe máy lên Bắc Giang. Dọc đường đi, do trời tối và thiếu ngủ, anh A đã tự đâm vào thanh chắn đường quốc lộ số 1 (Hà Nội - Lạng Sơn). Hậu quả là anh A bị tai nạn gãy 2 chân và chấn thương sọ não.
Để tạo thuận lợi cho anh A trong việc làm thủ tục hưởng các chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, công ty X đã xác nhận cho anh A là bị tai nạn trên đường đi công tác.
Sau 3 tháng điều trị ổn định tại bệnh viện, anh A được xuất viện với tỷ lệ giám định thương tật mất 56% sức lao động. Anh A làm đơn đề nghị công ty bố trí việc làm cho anh phù hợp với mức độ suy giảm sức lao động của anh.
Xét thấy không có việc nào trong công ty phù hợp với sức khoẻ của anh A, công ty đã từ chối bố trí việc làm cho anh A và đề nghị chấm dứt hợp đồng lao động không xác định thời hạn với anh A do anh A không đủ sức khoẻ để làm tiếp công việc theo hợp đồng đó.
Hỏi:
1. Việc anh A bị tai nạn có thể coi là tai nạn lao động hay không?
2. Theo quy định của pháp luật lao động hiện hành, công ty có trách nhiệm phải giải quyết những quyền lợi gì cho anh A sau khi đã xác nhận anh A bị tai nạn trên đường đi công tác?
3. Công ty có nghĩa vụ phải bố trí công việc phù hợp với mức độ suy giảm khả năng lao động cho anh A hay không?
4. Giả sử anh A được công ty bố trí làm công việc bảo vệ, nhưng do thương tật nên anh A không hoàn thành công việc thì công ty có thể chấm dứt họp đồng lao động với anh A được không? Muốn chấm dứt hợp đồng lao động với anh A trong trường hợp này, công ty cần lưu ý những vấn đề gì?
GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG
1. Việc anh A bị tai nạn có thể coi là tai nạn lao động hay không?
Để xét xem anh A bị tai nạn có thể được xem là tai nạn lao động không, trước hết ta phải hiểu thế nào là tai nạn lao động. Điều 105 Bộ luật Lao động quy định: “Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể người lao động hoặc gây tử vong, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động…”.
Thời gian làm việc ở đây được hiểu là kể cả thời gian giải quyết các nhu cầu cần thiết trong thời gian làm việc theo Bộ Luật Lao động quy định như: nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh, thời gian chuẩn bị và kết thúc công việc.
Các trường hợp được coi là tai nạn lao động theo quy định của pháp luật gồm:
Bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc;
Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động;
Bị tai nạn trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc (trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lí);
Theo quy định tại Điều 39, Luật BHXH năm 2006, người lao động tức anh A bị tai nạn coi là tai nạn lao động khi có đủ hai điều kiện sau:
- Một là, bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp đã kể trên.
- Hai là, suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn nêu trên.
Khoản 3 Điều 19 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP, ngày 22/12/2006, hướng dẫn một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, quy định về trường hợp bị tai nạn trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý. Theo đó, khoảng thời gian hợp lý là khoảng thời gian cần thiết để đến nơi làm việc trước giờ làm việc hoặc trở về sau giờ làm việc. Tuyến đường hợp lý là tuyến đường thường xuyên đi và về từ nơi thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú đến nơi làm việc và ngược lại.
Căn cứ theo quy định của pháp luật, xét theo trường hợp của anh A ta thấy: Anh A được công ty của đi công tác cùng 3 đồng nghiệp tại Bắc Giang từ ngày 1/4/2009 đến ngày 6/4/2009. Đoàn công tác sẽ đi bằng ô tô của công ty lên Bắc Giang vào chiều ngày 31/3/2009. Do gia đình có việc bận nên anh A không đi cùng với đoàn công tác vào chiều ngày 31/3/2009 mà đi vào sáng sớm ngày 1/4/2009. Anh tự đi bằng xe máy lên Bắc Giang. Dọc đường do trời tối và thiếu ngủ, anh A đã tự đâm vào thanh chắn đường quốc lộ số 1 (Hà Nội – Lạng Sơn). Hậu quả là anh A bị gãy 2 chân và chấn thương sọ não.
Xét về mặt không gian: Anh A đi làm việc ở ngoài nơi làm việc và ngoài giờ làm việc nhưng do yêu cầu của giám đốc công ty, cử anh A và 3 người khác đi công tác ở Bắc Giang. Mặc dù ngoài nơi làm việc thường ngày nhưng ở đây A đi theo yêu cầu của giám đốc công ty.
Về quãng đường: Anh A đi đúng quãng đường cần thiết, hợp lí để đi Bắc Giang công tác, đó là quốc lộ số 1 Hà Nội – Lạng Sơn.
Về thương tật do tai nạn: Anh A được xác định là gãy hai chân và chấn thương sọ não, sau ba tháng điều trị, tỷ lệ giám định thương tật là mất 56% sức lao động. Như vậy thương tật của A cũng đủ điều kiện xét là tai nạn lao động.
Xét về mặt thời gian: Anh A đi công tác, thời gian công tác được quy định là từ ngày 1/4/2009 đến ngày 6/4/2009. Đáng ra anh A sẽ cùng đi với đoàn công tác vào chiều 31/3/2009, nhưng anh không đi cùng do gia đình có việc bận và anh đã tự đi bằng xe máy vào sáng sớm hôm sau. Trường hợp này anh vẫn chưa vi phạm thời gian lao động, tức là anh A không đi làm muộn hơn so với thời gian bắt đầu làm việc ở nơi anh phải làm việc. Như vậy về mặt thời gian anh A không có vi phạm gì.
Nhưng ở đây xảy ra hai trường hợp:
+ Nếu anh A không đi cùng đoàn công tác và có sự đồng ý của giám đốc công ty: Trường hợp này, anh A không đi vào chiều ngày 31/3/2009 mà đi vào sáng sớm ngày 1/4/2009; anh có xin phép và được sự cho phép của giám đốc công ty X. Như vậy, ta thấy A vẫn đi làm ngoài chỗ làm việc, trên tuyến đường phù hợp để đi từ nhà ở tới chỗ làm việc, với thời gian không chậm hơn thời gian bắt đầu làm việc của chuyến công tác, theo yêu cầu của công ty và việc đi vào sáng ngày hôm sau của anh được sự cho phép của giám đốc, tỷ lệ thương tật giám định là 56%. Như thế nên A bị tai ạn hoàn toàn thỏa mãn yêu cầu, và trường hợp này, A bị tai nạn được coi là tai nạn lao động.
+ Nếu anh A không đi cùng đoàn công tác và không có sự đồng ý của giám đốc công ty: Việc A không đi công tác bằng ô tô cùng với đoàn công tác vào chiều ngày 31/3/2009 không được sự đồng ý của giám đốc công ty mà tự ý đi bằng xe máy lên Bắc Giang vào sáng sớm hôm sau. Từ đây có thể nhận ra, A tự ý lựa chọn việc đi bằng xe máy lên nơi công tác, không có sự đồng ý của ai vì lí do là công việc riêng của gia đình. Gỉa sử như A đi cùng đoàn công tác theo yêu cầu của công ty thì A đã không bị tai nạn. Do đó, khi chưa có sự đồng ý của cấp trên mà A đã tự ý đi sau đoàn công tác, trường hợp này việc A xảy ra tai nạn không được xem là tai nạn lao động vì nó không tuân thủ yêu cầu của giám đốc công ty.
Kết luận: Trong tình huống này việc A bị tai nạn coi là tai nạn lao động nếu A có xin phép và được sự đồng ý của giám đốc công ty X và ngược lại.
2. Theo quy định của pháp luật lao động hiện hành, công ty có trách nhiệm phải giải quyết những quyền lợi gì cho anh A sau khi đã xác nhận anh A bị tai nạn trên đường đi công tác?
Sau khi xác nhận rằng anh A bị tai nạn lao động, công ty X sẽ có trách nhiệm giải quyết những quyền lợi dưới đây cho anh A:
Thứ nhất, theo quy định tại khoản 2 Điều 107 BLLĐ sửa đổi, bổ sung thì người sử dụng lao động (công ty X) sẽ phải chịu toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị xong (3 tháng mà anh A nằm viện) cho anh A. Sau khi điều trị ổn định thương tật, công ty X có trách nhiệm lập hồ sơ và giới thiệu anh A đi giám định khả năng lao động tại Hội đồng Giám định Y khoa (anh A bị mất 56% sức lao động).
Thứ hai, theo quy định tại khoản 1 Điều 143 BLLĐ sửa đổi bổ sung thì trong thời gian 3 tháng anh A nghỉ việc để chữa trị vì tai nạn lao động thì người sử dụng lao động là công ty X vẫn phải trả đủ 3 tháng tiền lương đó cho anh A.
Thứ ba, theo quy định tại Mục II Thông tư số 10/2003/TT-BLĐTBXH về hướng dẫn việc thực hiện chế độ bồi thường và trợ cấp đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì khi bị tai nạn lao động, người lao động sẽ được hưởng tiền bồi thường hoặc trợ cấp. Cụ thể, khi xảy ra tai nạn lao động mà theo kết luận của biên bản điều tra tai nạn lao động là do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động sẽ được bồi thường; còn nếu đó là lỗi của người lao động thì người lao động sẽ được hưởng trợ cấp.
Trong tình huống trên, có thể thấy rằng việc anh A bị tai nạn giao thông và đâm phải thanh chắn đường quốc lộ khi đang trên đường đi Bắc Giang thực hiện công tác là do trời tối cộng với việc thiếu ngủ. Do vậy, việc tai nạn xảy ra hoàn toàn là do lỗi của anh A, vì thế anh A sẽ được hưởng trợ cấp tai nạn lao động.
Vì anh A bị mất 56% sức lao động tức là trên 10% nhưng vẫn nhỏ hơn 81% nên mức trợ cấp sẽ được tính như sau:
* Ttc = Tbt x 0,4
Trong đó:
Ttc: Mức trợ cấp cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ trên 10% trở lên
Tbt: Mức bồi thường cho người bị suy giảm khả năng lao động từ trên 10% trở lên.
Số tiền bồi thường lại được tính theo công thức sau:
* Tbt = 1,5 + {(a - 10) x 0,4}
Trong đó:
1,5: Mức bồi thường khi suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%;
a: Tỷ lệ (%) suy giảm khả năng lao động của người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
0,4: Hệ số bồi thường khi suy giảm khả năng lao động tăng 1%.
Áp dụng công thức trên, ta tính được số tiền bồi thường là Tbt = 1,5 + (56 -10) x 0,4 = 19,9 tiền tháng lương.
Như vậy, số tiền trợ cấp anh A được hưởng là Ttc = 19,9 x 0,4 = 7,96 tiền tháng lương.
Tiền lương làm căn cứ tính tiền trợ cấp như trên là tiền lương theo hợp đồng lao động, được tính bình quân của 6 tháng kề trước khi tai nạn lao động xảy ra. Nếu trong trường hợp thời gian làm việc không đủ để tính tiền lương theo hợp đồng bình quân của 6 tháng liền kề, thì lấy mức tiền lương của tháng liền kề hoặc tiền lương theo hình thức trả lương tại thời điểm xảy ra tai nạn lao động để tính trợ cấp. Số tiền trợ cấp phải được công ty thanh toán một lần cho anh A trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày ra quyết định trợ cấp của công ty.
Ngoài ra, nếu công ty X chưa tham gia loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì công ty phải trả cho người lao động một khoản tiền ngang với mức quy định trong Điều lệ bảo hiểm xã hội.
3. Công ty có nghĩa vụ phải bố trí công việc phù hợp với mức độ suy giảm khả năng lao động cho anh A hay không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 107 BLLĐ: “Người tàn tật do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định ý khoa để xác định thương tật, xác định mức độ suy giảm khả năng lao động và được phục hồi chức năng lao động; nếu còn tiếp tục làm việc, thì được sắp xếp công việc phù hợp với sức khoẻ theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa lao động”.
Dựa trên căn cứ pháp lý trên, chúng ta có thể khẳng định rằng công ty X có nghĩa vụ phải bố trí công việc mới phù hợp với mức độ suy giảm khả năng lao động 56% của anh A.
Theo đề bài, xét thấy không có công việc nào phù hợp với sức khoẻ của anh A nên công ty đã từ chối bố trí việc làm cho anh A và đề nghị chấm dứt HĐLĐ không xác định thời hạn với anh A do anh không đủ sức khoẻ để làm tiếp công việc theo hợp đồng đó. Có thể thấy ở tình huống này công ty đã tìm công việc cho anh A song không có công việc nào phù hợp. Do đó, công ty chấm dứt HĐLĐ với anh A là đúng. Khi chấm dứt hợp đồng thì công ty phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo hiểm lao động, được hưởng trợ cấp lao động theo Điểm 2 mục II thông tư số 10/2003/TT-BLĐTBXH hướng dẫn việc thực hiện chế độ bồi thường và trợ cấp đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
4. Giả sử anh A được công ty bố trí làm công việc bảo vệ, nhưng do thương tật nên anh A không hoàn thành công việc thì công ty có thể chấm dứt HĐLĐ với anh A được không? Muốn chấm dứt HĐLĐ với anh A trong trường hợp này, công ty cần lưu ý những vấn đề gì?
Thứ nhất, theo danh mục các công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành thì công việc bảo vệ không nằm trong danh mục các công việc trên. Hơn nữa, kết quả giám định thương tật của anh A là mất 56% sức lao động, nghĩa là chưa mất hoàn toàn khả năng lao động, và nếu công ty thấy công việc bảo vệ phù hợp với anh A thì công ty vẫn có thể bố trí cho anh A làm việc này được. Như vậy, xét trên cơ sở pháp lí thì việc công ty phân công anh làm công việc bảo vệ là hợp pháp.
Thứ hai, sau khi bị suy giảm sức lao động, anh A đã đề nghị với công ty bố trí công việc phù hợp với sức lao động của anh, công ty đã bố trí cho anh làm bảo vệ, anh đã làm công việc này nghĩa là anh đã đồng ý với sự sắp xếp của công ty hay nói cách khác là việc làm bảo vệ cũng đã được sự nhất trí và thỏa thuận từ phía anh với công ty.
Thứ ba, chúng ta có thể thấy rằng anh A đã không hoàn thành công việc bảo vệ mà công ty giao cho, do đó lý do hợp lý duy nhất mà công ty có thể đưa ra để chấm dứt hợp đồng chính là “người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc trong hợp đồng” theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 38 BLLĐ. Trong đó, “thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng” được cụ thể hoá trong khoản 1 Điều 12 Nghị định 44/2003 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của BLLĐ về HĐLĐ là “không hoàn thành định mức lao động hoặc nhiệm vụ do yếu tố chủ quan và bị lập biên bản hoặc nhắc nhở bằng văn bản ít nhất hai lần trong một tháng, mà sau đó vẫn không khắc phục”. Như vậy, trong trường hợp này, công ty cần phải lập biên bản hoặc đưa ra nhắc nhở đối với anh A ít nhất hai lần trong một tháng. Nếu sau đó anh A vẫn không khắc phục được mà tiếp tục không hoàn thành công việc thì công ty có quyền chấm dứt HĐLĐ đối với anh A. Còn nếu việc không hoàn thành công việc của anh A như trong đề bài nêu không thoả mãn điều kiện trên thì công ty không thể chấm dứt HĐLĐ với anh A.
Về mặt thủ tục, muốn chấm dứt HĐLĐ với anh A, công ty X cần phải báo trước một thời hạn hợp lý theo quy định của pháp luật. Do đề bài không nói rõ hợp đồng làm việc bảo vệ mà công ty ký với anh X là hợp đồng loại gì nên chúng ta sẽ xét 3 trường hợp sau:
– Nếu hợp đồng mà công ty ký với anh A là hợp đồng không xác định thời hạn thì công ty phải báo trước ít nhất 45 ngày
– Nếu hợp đồng mà công ty ký với anh A là hợp đồng xác định thời hạn từ một năm đến ba năm thì công ty phải báo trước ít nhất 30 ngày.
– Nếu hợp đồng mà công ty ký với anh A là hợp đồng theo mùa vụ, theo một công việc nhất định mà thời hạn dưới một năm thì công ty phải báo trước ba ngày.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 38 BLLĐ thì trước khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ với lý do nêu trên thì công ty X sẽ phải trao đổi, nhất trí với Ban chấp hành công đoàn công ty. Trong trường hợp không nhất trí, hai bên phải báo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Sau 30 ngày kể từ ngày báo cáo cho cơ quan lao động biết, công ty X mới có quyền đưa ra quyết định chấm dứt HĐLĐ với anh A và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Trường Đại học luật Hà Nội, Giáo trình Luật lao động Việt Nam, Nxb CAND, Hà Nội, 2010.
Bộ luật lao động năm 1994 (sửa đổi, bổ sung năm 2002, 2006, 2007).
Nghị định của Chính phủ số 44/2003/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về hợp đồng lao động.
Luật BHXH năm 2006
Nghị định của Chính phủ số 06/CP ngày 20/01/1995 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về an toàn lao động, vệ sinh lao động
Nghị định của Chính phủ số 110/2002/NĐ-CP ngày 27/12/2002 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/CP ngày 20/01/1995
Thông tư số 10/2003/TT-BLĐTBXH hướng dẫn việc thực hiện chế độ bồi thường và trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Bài tập nhóm lao động 2 Bài số 2.doc