Bài tập nhóm số 2 luật thương mại 2 về tranh chấp thương mại

ĐỀ BÀI TM2.NT2-4 Ngày 29/3/2008, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng SUN (sau đây gọi là Bên A) ký hợp đồng mua 223 tấn thép loại phi 28 của Công ty cổ phần Xuất Nhập Khẩu thép MOON (sau đây gọi là Bên B). Trong hợp đồng mua thép hai bên đã thỏa thuận: “Mọi tranh chấp phát sinh từ hợp đồng này được giải quyết chung thẩm tại Trung tâm trọng tài thương mại theo thủ tục tố tụng trọng tài quy định tại Pháp lệnh trọng tài thương mại (2003)”. Sau khi giao tiền và nhận đủ 223 tấn thép tại kho của Bên B, ngày 6/4/2008 khi số thép này được tập kết tại kho của Bên A thì Bên A mới phát hiện Bên B đã giao chủng loại thép phi 26 chứ không phải là thép phi 28 như thỏa thuận trong hợp đồng. Ngay sau khi phát hiện ra sự việc, Bên A đã thông báo bằng văn bản và yêu cầu Bên B thực hiện đúng hợp đồng. Bên B đã xác nhận sự việc này và trả lời vào ngày 10/4/2008 sẽ giao đúng chủng loại thép tại kho của mình cho Bên A. Tuy nhiên, đến hạn giao hàng, Bên B vẫn không thực hiện được hợp đồng. Ngày 22/4/2008, Bên A đã làm đơn kiện Bên B và gửi đến Trung tâm Trọng tài thương mại Hà Nội có trụ sở tại quận HBT, thành phố HN. Ngày 24/4/2008, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại HN đã ra quyết định thành lập Hội đồng trọng tài bao gồm ba trọng tài viên để giải quyết vụ tranh chấp thương mại này. Ngày 15/5/2008, Hội đồng trọng tài mở phiên họp giải quyết vụ tranh chấp này và ra phán quyết buộc Bên B thực hiện đúng hợp đồng và phải bồi thường thiệt hại 293 triệu đồng cho Bên A. Ngày 25/5/2008, Bên B đã làm đơn yêu cầu Tòa án nhân dân quận HBT, thành phố HN tuyên bố hủy quyết định trọng tài vì phán quyết trọng tài yêu cầu Bên B phải bồi thường 293 triệu đồng nhưng trong Hợp đồng mua bán thép không có thỏa thuận về việc này. Ngày 26/5/2008, Tòa án nhân dân quận HBT đã thụ lý đơn yêu cầu hủy quyết định trọng tài. Ngày 20/6/2008, một Hội đồng thẩm phán gồm ba thẩm phán đã mở phiên tòa để xét đơn yêu cầu hủy quyết định trọng tài của Bên B. Hội đồng xét xử đã ra quyết định không hủy quyết định trọng tài với lý do là chế tài bồi thường thiệt hại là chế tài đương nhiên, không cần các bên phải thỏa thuận điều đó trong hợp đồng. Yêu cầu: Căn cứ vào pháp luật hiện hành, hãy cho biết: 1. Việc xác định thẩm quyền của Trung tâm Trọng tài thương mại HN. 2. Việc thành lập Hội đồng trọng tài của Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại HN có hợp pháp không? 3. Tòa án nhân dân quận HBT, thành phố HN có thẩm quyền thụ lý đơn yêu cầu hủy quyết định trọng tài của Bên B không? 4. Lý do Hội đồng xét xử ra quyết định không hủy quyết định trọng tài có hợp pháp không? Vì sao?

docx11 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 6990 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bài tập nhóm số 2 luật thương mại 2 về tranh chấp thương mại, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LỜI MỞ ĐẦU Tranh chấp thương mại hay tranh chấp kinh doanh là thuật ngữ quen thuộc trong đời sống kinh tế xã hội ở các nước trên thế giới. Khái niệm này mới được sử dụng rộng rãi và phổ biến ở nước ta trong mấy năm gần đây cùng với sự nhường bước của khái niệm tranh chấp kinh tế - một khái niệm quen thuộc của cơ chế kế hoạch hóa đã ăn sâu trong tiềm thức và tư duy pháp lý của người Việt Nam. Pháp lệnh trọng tài thương mại ngày 25 tháng 02 năm 2003 không trực tiếp đưa ra định nghĩa về tranh chấp thương mại song với sự hiện diện của khái niệm “hoạt động thương mại” theo nghĩa rộng đã tạo ra sự tương đồng trong quan niệm về “thương mại” và “tranh chấp thương mại” của pháp luật Việt Nam với chuẩn mực chung của pháp luật và thông lệ quốc tế. Với bài tập nhóm tháng 2 này, nhóm em xin tìm hiểu pháp luật hiện hành về trọng tài thương mại, cụ thể là Pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội số 08/2003/PL-UBTVQH11 ngày 25 tháng 02 năm 2003 về trọng tài thương mại và Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao số 05/2003/NQ-HĐTP ngày 31 tháng 7 năm 2003 hướng dẫn thi hành một số quy định của Pháp lệnh trọng tài thương mại. Để hiểu rõ nhất về vấn đề này, nhóm em sẽ giải quyết đề TM2.NT2-4. Mong thầy cô và các bạn có những đóng góp để em có thể hệ thống tốt kiến thức cho mình. Chúng em xin chân thành cảm ơn! NỘI DUNG 1. Việc xác định thẩm quyền của Trung tâm Trọng tài thương mại HN. Trọng tài thương mại được thành lập là để giải quyết các tranh chấp thương mại. Khoản 1 Điều 2 Pháp lệnh trọng tài thương mại 2003 quy định: “Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại được các bên thỏa thuận và được tiến hành theoo trình tự, thủ tục tố tụng do Pháp lệnh này quy định”. Nhưng tranh chấp thương mại cũng chỉ có thể thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại nếu các bên có tranh chấp có thỏa thuận trọng tài và thỏa thuận này có hiệu lực. Như vậy, một tranh chấp sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại khi có hai điều kiện sau: Thứ nhất, tranh chấp được gửi đến trọng tài thương mại phải là tranh chấp thương mại; Thứ hai, giữa các bên có tranh chấp phải có thỏa thuận trọng tài. Nếu thiếu một trong hai điều kiện trên, vụ việc sẽ không thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại. Đối chiếu với tình huống đưa ra để xem có đáp ứng các điều kiện trên không: Ngày 29/3/2008, Bên A ký hợp đồng mua 223 tấn thép loại phi 28 của Bên B. Trong hợp đồng mua thép hai bên đã thỏa thuận: “Mọi tranh chấp phát sinh từ hợp đồng này được giải quyết chung thẩm tại Trung tâm trọng tài thương mại theo thủ tục tố tụng trọng tài quy định tại Pháp lệnh trọng tài thương mại (2003)”. Sau khi giao tiền và nhận đủ 223 tấn thép tại kho của Bên B, ngày 6/4/2008 khi số thép này được tập kết tại kho của Bên A thì Bên A mới phát hiện Bên B đã giao chủng loại thép phi 26 chứ không phải là thép phi 28 như thỏa thuận trong hợp đồng. Ngay sau khi phát hiện ra sự việc, Bên A đã thông báo bằng văn bản và yêu cầu Bên B thực hiện đúng hợp đồng. Bên B đã xác nhận sự việc này và trả lời vào ngày 10/4/2008 sẽ giao đúng chủng loại thép tại kho của mình cho Bên A. Tuy nhiên, đến hạn giao hàng, Bên B vẫn không thực hiện được hợp đồng. Ngày 22/4/2008, Bên A đã làm đơn kiện Bên B và gửi đến Trung tâm Trọng tài thương mại Hà Nội có trụ sở tại quận HBT, thành phố HN. Với điều kiện thứ nhất: tranh chấp được gửi đến trọng tài thương mại phải là tranh chấp thương mại. Tranh chấp thương mại là tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại. Theo khoản 3 Điều 2 Pháp lệnh trọng tài thương mại 2003 quy định: “Hoạt động thương mại là việc thực hiện một hay nhiều hành vi thương mại của cá nhân, tổ chức kinh doanh bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; phân phối; đại diện, đại lý thương mại; ký gửi; thuê, cho thuê; thuê mua; xây dựng; tư vấn; kỹ thuật; li – xăng; đầu tư; tài chính, ngân hàng; bảo hiểm; thăm dò, khai thác; vận chuyển hàng hóa, khách hàng bằng đường hàng không, đường biển, đương sắt, đường bộ và các hành vi thương mại khác theo quy định của pháp luật”. Những tranh chấp phát sinh khi một hay nhiều hành vi thương mại nói trên của cá nhân, tổ chức kinh doanh là tranh chấp thương mại. Có nghĩa, giữa Bên A và Bên B đã có hoạt động mua bán hàng hóa và Bên B không giao hàng đúng chủng loại thép phi 28, đúng thời hạn mà giữa Bên A và Bên B xảy tranh chấp. Do đó, có thể khẳng định được tranh chấp phát sinh giữa Bên A và Bên B là tranh chấp thương mại. Với điều kiện thứ hai: giữa các bên có tranh chấp phải có thỏa thuận trọng tài. Như đã nói ở trên, chỉ giải quyết trọng tài khi các bên có thỏa thuận hay khoản 2 Điều 2 Pháp lệnh trọng tài thương mại 2003 quy định: “Thỏa thuận trọng tài là thỏa thuận giữa các bên cam kết giải quyết bằng trọng tài các vụ tranh chấp có thể phát sinh hoặc có thể phát sinh trong hoạt động thương mại”. Ngày 29/3/2008, Bên A ký hợp đồng mua 223 tấn thép loại phi 28 của Bên B. Trong hợp đồng mua thép hai bên đã thỏa thuận: “Mọi tranh chấp phát sinh từ hợp đồng này được giải quyết chung thẩm tại Trung tâm trọng tài thương mại theo thủ tục tố tụng trọng tài quy định tại Pháp lệnh trọng tài thương mại (2003)”. Đây chính là thỏa thuận trọng tài mà hai bên đã thỏa thuận khi ký hợp đồng mua bán thép. Theo ý kiến của nhóm, thỏa thuận trọng tài này của Bên A và Bên B không thuộc “thỏa thuận trọng tài vô hiệu” quy định Điều 10 Pháp lệnh trọng tài thương mại 2003. Ngày 22/4/2008, Bên A đã làm đơn kiện Bên B và gửi đến Trung tâm Trọng tài thương mại Hà Nội có trụ sở tại quận HBT, thành phố HN đó là đúng theo thỏa thuận và Bên B cũng không có ý kiến hay phản đối gì. Vậy, nhóm em xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp thương mại giữa Bên A và Bên B của Trung tâm Trọng tài thương mại HN. 2. Việc thành lập Hội đồng trọng tài của Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại HN có hợp pháp không? Đến hạn giao hàng, Bên B vẫn không thực hiện được hợp đồng. Ngày 22/4/2008, Bên A đã làm đơn kiện Bên B và gửi đến Trung tâm Trọng tài thương mại Hà Nội. Ngày 24/4/2008, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại HN đã ra quyết định thành lập Hội đồng trọng tài bao gồm ba trọng tài viên để giải quyết vụ tranh chấp thương mại này. Việc thành lập Hội đồng trọng tài của Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại HN là không hợp pháp. Vì: - Quy định của pháp luật: Theo Điều 25 Pháp lệnh Trọng tài thương mại 2003 việc thành lập Hội đồng trọng tài tại trung tâm trọng tài thương mại phải tuân thủ những quy định sau: + Trường hợp các bên không có thỏa thuận khác thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn kiện, Trung tâm trọng tài phải gửi cho bị đơn bản sao đơn kiện, tên trọng tài viên mà nguyên đơn chọn và các tài liệu kèm theo cùng với danh sách trọng tài viên của trung tâm trọng tài. Nếu các bên không có thỏa thuận khác thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn kiện và các tài liệu kèm theo do Trung tâm trọng tài gửi đến, bị đơn phải chọn có tên trong danh sách trọng tài viên của Trung tâm trọng tài và báo cáo cho trung tâm trọng tài biết hoặc yêu cầu Chủ tịch Trung tâm trọng tài chỉ định trọng tài viên cho mình. Hết thời hạn này, nếu bị đơn không chọn trọng tài viên thì trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày hết hạn quy định tại khoản này, Chủ tịch Trung tâm trọng tài chỉ định trọng tài viên có tên trong danh sách trọng tài viên của Trung tâm trọng tài cho bị đơn. Thời hạn để chọn được hai trọng tài viên cho Bên A và Bên B trong khoảng thời gian từ 5-42 ngày (tối thiểu nếu ngày làm việc không trùng với ngày nghỉ, ngày lễ tết). + Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hai trọng tài viên được các bên chọn hoặc được Chủ tịch Trung tâm trọng tài chỉ định các trọng tài viên này phải chọn trọng tài viên thứ ba có tên trong danh sách trọng tài viên của Trung tâm trọng tài làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài. Hết thời hạn này, hai trọng tài viên được chọn hoặc được chỉ định không chọn được trọng tài viên thứ ba thì trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày hết hạn, theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Chủ tịch Trung tâm trọng tài chỉ định trọng tài viên thứ ba có tên trong danh sách trọng tài viên của Trung tâm trọng tài làm chủ tịch Hội đồng trọng tài. Khi đã chọn được hai trọng tài viên cho Bên A và Bên B, chỉ chọn được trọng tài thứ ba trong khoảng 1-22 ngày (tối thiểu nếu ngày làm việc không trùng với ngày nghỉ, ngày lễ tết). Để có thể thành lập được Hội đồng trọng tài gồm 3 trọng tài viên thì thời gian tối thiểu mất khoảng 6 ngày nếu ngày làm việc không trùng với ngày nghỉ, ngày lễ tết. - Xem xét tình huống đề bài: Ngày 22/04/2008, bên A đã làm đơn kiện bên B và gửi đến Trung tâm trọng tài thương mại Hà Nội, có trụ sở quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Ngày 24/04/2008, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Hà Nội đã ra quyết định thành lập Hội đồng trọng tài gồm ba trọng viên để giải quyết vụ tranh chấp thương mại này. Ta thấy ngay, từ ngày Bên A khởi kiện Bên B ra Trung tâm Trọng tài thương mại đến ngày Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại thành lập Hội đồng Trọng tài trong vòng tối đa 2 ngày nếu như không ngày trùng với ngày nghỉ, ngày lễ tết. Trong thời gian ngắn như vậy, liệu Chủ tịch Trung tâm trọng tài có đưa ra quyết định hợp pháp không? đúng luật không? Căn cứ vào điều luật đã viện dẫn ở trên và tình huống đưa ra, ta thấy Chủ tịch trung tâm trọng tài thương mại Hà Nội đã không áp dụng đúng thời hạn giải quyết. Do vậy, quyết định thành lập Hội đồng trọng tài của Chủ tịch Hội đồng trọng tài Hà Nội là bất hợp pháp. 3. Tòa án nhân dân quận HBT, thành phố HN có thẩm quyền thụ lý đơn yêu cầu hủy quyết định trọng tài của Bên B không? Ngày 15/5/2008, Hội đồng trọng tài mở phiên họp giải quyết vụ tranh chấp này và ra phán quyết buộc Bên B thực hiện đúng hợp đồng và phải bồi thường thiệt hại 293 triệu đồng cho Bên A. Ngày 25/5/2008, Bên B đã làm đơn yêu cầu Tòa án nhân dân quận HBT, thành phố HN tuyên bố hủy quyết định trọng tài vì phán quyết trọng tài yêu cầu Bên B phải bồi thường 293 triệu đồng nhưng trong Hợp đồng mua bán thép không có thỏa thuận về việc này. Ngày 26/5/2008, Tòa án nhân dân quận HBT đã thụ lý đơn yêu cầu hủy quyết định trọng tài. Tòa án nhân dân quận HBT, thành phố HN không có thẩm quyền ra quyết định không hủy quyết định trọng tài của bên B. Theo Điều 50 Pháp lệnh trọng tài thương mại 2003: “Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được quyết định trong tài, nếu có bên không đồng ý với quyết định của trọng tài thì có quyền làm đơn gửi Tòa án cấp tỉnh nơi Hội đồng Trọng tài ra quyết định trọng tài, để yêu cầu hủy quyết định của trọng tài. Trường hợp gưi đơn quá hạn vì có sự kiện bất khả kháng thì thời gian có sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hạn yêu cầu hủy quyết định của trọng tài”. Tình huống đưa ra, Bên B không đồng ý với quyết định trọng tài đã làm đơn yêu cầu Tòa án nhân dân quận HBT, thành phố HN tuyên bố hủy quyết định trọng tài vì phán quyết trọng tài yêu cầu Bên B phải bồi thường 293 triệu đồng nhưng trong Hợp đồng mua bán thép không có thỏa thuận về việc này. Nhưng theo quy định trên, thẩm quyền hủy quyết định trọng tài thương mại thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Hội đồng Trọng tài ra quyết định, “nếu có bên không đồng ý với quyết định của trọng tài”. Vậy, ngày 25/5/2008, Bên B làm đơn yêu cầu Tòa án nhân dân quận HBT, Hà Nội tuyên bố hủy quyết định trọng tài là không đúng thẩm quyền. Do đó, thẩm quyền hủy quyết định trọng tài không thuộc Tòa án nhân dân quận HBT, thành phố HN. Thẩm quyền thụ lý đơn yêu cầu hủy quyết định của trọng trong trường hợp này phải là Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội. 4. Lý do Hội đồng xét xử ra quyết định không hủy quyết định trọng tài có hợp pháp không? Vì sao? Ngày 15/5/2008, Hội đồng trọng tài mở phiên họp giải quyết vụ tranh chấp này và ra phán quyết buộc Bên B thực hiện đúng hợp đồng và phải bồi thường thiệt hại 293 triệu đồng cho Bên A. Ngày 25/5/2008, Bên B đã làm đơn yêu cầu Tòa án nhân dân quận HBT, thành phố HN tuyên bố hủy quyết định trọng tài vì phán quyết trọng tài yêu cầu Bên B phải bồi thường 293 triệu đồng nhưng trong Hợp đồng mua bán thép không có thỏa thuận về việc này. Như đã khẳng định phần 3: Tòa án nhân dân quận HBT, thành phố HN không có thẩm quyền thụ lý đơn yêu cầu hủy quyết định trọng tài của Bên B thì Hội đồng xét xử của Tòa án nhân dân quận HBT, thành phố HN không được ra quyết định hủy quyết định trọng tài. Trường hợp, nếu Hội đồng xét xử của Tòa án nhân dân thành phố HN thụ lý đơn của Bên B hợp pháp thì Hội đồng xét xử đã ra quyết định không hủy quyết định trọng tài với lý do là chế tài bồi thường thiệt hại là chế tài đương nhiên, không cần các bên phải thỏa thuận điều đó trong hợp đồng. Theo ý kiến của nhóm, lý do Hội đồng xét xử ra quyết định không hủy quyết định trọng tài không hợp pháp. Pháp lệnh trọng tài thương mại 2003 ở Điều 54 có quy định “căn cứ để hủy quyết định trọng tài” như sau: “Tòa án ra quyết định hủy quyết định trọng tài nếu bên yêu cầu chứng minh được rằng Hội đồng trọng tài đã ra quyết định trọng tài thuộc một trong những trương hợp sau đây: 1. Không có thỏa thuận trọng tài; 2. Thỏa thuận trọng tài vô hiệu theo quy định tại Điều 10 của Pháp lệnh này; 3. Thành phần Hội đồng trọng tài, tố tụng trọng tài không phù hợp với thỏa thuận của các bên theo quy định của Pháp lệnh này; 4. Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài; trong trường hợp quyết định trọng tài có một phần không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì phần quyết định này bị hủy; 5. Bên yêu cầu chứng minh được trong quá trình giải quyết vụ tranh chấp có Trọng tài viên vi phạm nghĩa vụ của Trọng tài viên quy định tại khoản 2 Điều 13 của Pháp lệnh này; 6. Quyết định trọng tài trái với lợi ích công cộng của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Vì Bên B đã làm đơn yêu cầu Tòa án nhân dân quận HBT, thành phố HN tuyên bố hủy quyết định trọng tài vì phán quyết trọng tài yêu cầu Bên B phải bồi thường 293 triệu đồng nhưng trong Hợp đồng mua bán thép không có thỏa thuận về việc này. Yêu cầu này của Bên B không thuộc trong các trường hợp là căn cứ để hủy quyết định trọng tài. Do đó, nhóm em quyết định Hội đồng xét xử ra quyết định không hủy quyết định trọng tài là đúng. Nhưng lý do để ra quyết định không hủy quyết định trọng tài lại không đúng. Ý kiến của nhóm đưa ra là Hội đồng xét xử ra quyết định không hủy quyết định trọng tài yêu cầu của Bên B không thỏa mãn các trường hợp quy định ở Điều 54 Pháp lệnh trọng tài thương mại 2003 nói trên. KẾT LUẬN Trọng tài là một tổ chức phi chính phủ, quyết định không mang tính quyền lực nhà nước và cũng không đương nhiên được thi hành bằng biện pháp cưỡng chế. Giải quyết trọng tài thương mại là hình thức giải quyết tranh chấp thương mại thể hiện rõ ý trí của các bên tham gia tranh chấp. Ở nước ta hiện nay, việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại ít phổ biến, không có thỏa thuận giải quyết trọng tài và dù có cũng ít hợp pháp. Việc giải quyết trọng tài thương mại cần được phát huy và các bên nên tìm hiểu để áp dụng một cách thành thục vì cách giải quyết này có rất nhiều lợi thế. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật thương mại (tập II), Nxb CAND, Hà Nội, 2006. 2. Pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội số 08/2003/PL-UBTVQH11 ngày 25 tháng 02 năm 2003 về trọng tài thương mại (Pháp lệnh trọng tài thương mại 2003). 3. Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao số 05/2003/NQ-HĐTP ngày 31 tháng 7 năm 2003 hướng dẫn thi hành một số quy định của Pháp lệnh trọng tài thương mại (Nghị quyết 05). 4. Luật thương mại 2005. 5. Bộ luật dân sự 2005. MỤC LỤC

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docxBài tập nhóm số 2 luật thương mại 2 về tranh chấp thương mại.docx