Bài tập nhóm tháng 2 - Luật Hình sự 1

A là nhân viên bảo vệ kho hàng (của doanh nghiệp nhà nước). Trong một ca trực đêm, do một người vắng mặt nên A phải trực một mình. Vào lúc 1 giờ sáng, trong khi đang làm nhiệm vụ thì bất ngờ A bị ba tên côn đồ B, C, D xông tới kề dao vào cổ dọa giết chết nếu không giao chìa khóa kho hàng cho chúng. Trong tình trạng đó, A buộc phải giao chìa khóa cho chúng. Bọn côn đồ trói A lại, nhét khăn vào miệng A, sau đó chúng đã chiếm đoạt số hàng hóa trị giá khoảng 300 triệu đồng. Ngày hôm sau vụ việc được phát hiện. Tòa án xác định B, C, D phạm tội cướp tài sản (Điều 133 BLHS). Hỏi: Căn cứ vào Khoản 3 Điều 8 BLHS hãy xác định trường hợp phạm tội theo Khoản 3 Điều 133 BLHS thuộc loại tội phạm nào?Phân tích khách thể và đối tượng tác động của tội phạm trong trường hợp nêu trên.Nếu D 15 tuổi thì D có phải chịu trách nhiệm hình sự đối với việc cùng tham gia cướp tài sản trong trường hợp này không? Tại sao?Truờng hợp này, A có phải chịu trách nhiệm hình sự (về việc mất tài sản của Nhà nước) không? Tại sao?

doc8 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3585 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bài tập nhóm tháng 2 - Luật Hình sự 1, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TÌNH HUỐNG A là nhân viên bảo vệ kho hàng (của doanh nghiệp nhà nước). Trong một ca trực đêm, do một người vắng mặt nên A phải trực một mình. Vào lúc 1 giờ sáng, trong khi đang làm nhiệm vụ thì bất ngờ A bị ba tên côn đồ B, C, D xông tới kề dao vào cổ dọa giết chết nếu không giao chìa khóa kho hàng cho chúng. Trong tình trạng đó, A buộc phải giao chìa khóa cho chúng. Bọn côn đồ trói A lại, nhét khăn vào miệng A, sau đó chúng đã chiếm đoạt số hàng hóa trị giá khoảng 300 triệu đồng. Ngày hôm sau vụ việc được phát hiện. Tòa án xác định B, C, D phạm tội cướp tài sản (Điều 133 BLHS). Hỏi: Căn cứ vào Khoản 3 Điều 8 BLHS hãy xác định trường hợp phạm tội theo Khoản 3 Điều 133 BLHS thuộc loại tội phạm nào? Phân tích khách thể và đối tượng tác động của tội phạm trong trường hợp nêu trên. Nếu D 15 tuổi thì D có phải chịu trách nhiệm hình sự đối với việc cùng tham gia cướp tài sản trong trường hợp này không? Tại sao? Truờng hợp này, A có phải chịu trách nhiệm hình sự (về việc mất tài sản của Nhà nước) không? Tại sao? GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG CĂN CỨ VÀO KHOẢN 3 ĐIỀU 8 BLHS HÃY XÁC ĐỊNH TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI THEO KHOẢN 3 ĐIỀU 133 THUỘC LOẠI TỘI PHẠM NÀO? Trả lời: Căn cứ vào khoản 3 Điều 8 BLHS thì trường hợp phạm tội theo Khoản 3 Điều 133 BLHS thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Giải thích: Theo quy định tại Khoản 3, Điều 8 BLHS 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009), tội phạm được phân loại dựa vào mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, bao gồm tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng: “Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình”. Trở lại tình huống trên, theo Điều 133 BLHS, tội cướp tài sản là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Các nhà làm luật đã phân loại đối với những hành vi cướp tài sản có tính chất và mức độ khác nhau thường xảy ra trong thực tế và ấn định khung hình phạt cụ thể đối với các hành vi phạm tội cùng tính chất. Theo Khoản 3 Điều 133 BLHS về tội cướp tài sản: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng”. Như vậy, người phạm tội cướp tài sản theo quy định tại Khoản 3 Điều 133 BLHS có thể phải chịu hình phạt cao nhất là đến hai mươi năm. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 BLHS, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Như vậy, căn cứ vào Khoản 3 Điều 8 BLHS thì trường hợp phạm tội theo Khoản 3 Điều 133 BLHS thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. PHÂN TÍCH KHÁCH THỂ VÀ ĐỐI TƯỢNG TÁC ĐỘNG CỦA TỘI PHẠM TRONG TRƯỜNG HỢP NÊU TRÊN. Khách thể của tội phạm Khách thể của tội phạm là những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm hại. Khoa học luật hình sự Việt Nam phân biệt ba loại khách thể của tội phạm: Khách thể chung, khách thể loại và khách thể trực tiếp. Các khái niệm này đều chỉ các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm hại nhưng ở mức độ khái quát khác nhau. Khách thể chung của tội phạm là tổng hợp các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ khỏi sự xâm hại của tội phạm. Trong trường hợp nêu trên, hành vi phạm tội của B, C, D đã xâm phạm khách thể chung của tội phạm được quy định tại Khoản 1 Điều 8 BLHS. Cụ thể, hành vi phạm tội của B, C, D đã xâm phạm “quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức” và “tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tự do, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân”. Khách thể loại của tội phạm là nhóm quan hệ xã hội cùng tính chất được nhóm các quy phạm pháp luật hình sự bảo vệ khỏi sự xâm hại của nhóm tội phạm. Trong trường hợp nêu trên, hành vi phạm tội của B, C, D đã xâm phạm quan hệ xã hội là “quan hệ sở hữu” được pháp luật bảo vệ. Khách thể trực tiếp của tội phạm là quan hệ xã hội cụ thể bị loại tội phạm cụ thể trực tiếp xâm hại. Trong trường hợp nêu trên, bản chất nguy hiểm của hành vi cướp tài sản của B, C, D được thể hiện đầy đủ qua cả sự xâm hại quan hệ nhân thân và xâm hại quan hệ sở hữu. Quan hệ sở hữu và quan hệ nhân thân là khách thể trực tiếp của hành vi cướp tài sản. Trong đó khách thể bị xâm phạm trước là quan hệ nhân thân, thông qua việc xâm phạm đến nhân thân mà người phạm tội xâm phạm đến quan hệ tài sản (dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản), nếu không xâm phạm đến quan hệ nhân thân thì người phạm tội cướp tài sản không thể xâm phạm đến quan hệ tài sản được. Đối tượng tác động của tội phạm Đối tượng tác động của tội phạm là bộ phận của khách thể của tội phạm, bị hành vi phạm tội tác động đến để gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Tội cướp tài sản của B, C, D đã tác động đến các loại đối tượng sau đây: Con người (A) là đối tượng tác động của tội cướp tài sản: B, C, D đã dùng vũ lực với A: Kề dao vào cổ dọa giết chết A uy hiếp tinh thần A buộc A giao chìa khóa kho hàng cho bọn chúng. Hành vi này đã gây tổn hại đến sức khỏe, đe dọa tước đoạt tính mạng của A cũng như gây tổn hại đến tinh thần của A. Sau khi A đã giao chìa khóa, B, C, D trói A lại, nhét khăn vào miệng A. Hành vi này không những gây tổn hại đến sức khỏe của A mà còn xúc phạm nhân phẩm của A, tước đoạt quyền tự do của A. Số hàng hóa bị B, C, D chiếm đoạt trị giá 300 triệu đồng là đối tượng tác động của tội phạm: Pháp luật hình sự quy định tất cả những hành vi làm biến đổi tình trạng bình thường của tài sản một cách trái pháp luật đều là những hành vi gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu. Sự làm biến đổi tình trạng này có thể do những loại hành vi khác nhau gây ra như hành vi chiếm đoạt, hành vi chiếm giữ, hành vi sử dụng tài sản… Trong trường hợp nêu trên, hành vi cướp tài sản của B, C, D đã làm biến đổi tình trạng bình thường của số hàng hóa trị giá 300 triệu đồng. Cụ thể qua hành vi cướp, B, C, D đã chiếm đoạt số hàng trên. Số hàng trên không được để trong kho của doanh nghiệp nữa mà đã bị chúng vận chuyển đi nơi khác. Hoạt động bình thường của A và của doanh nghiệp là đối tượng tác động của tội phạm: Hành vi cướp tài sản của B, C, D đã làm biến dạng xử sự của A. Với tư cách là bảo vệ, A có trách nhiệm phải bảo vệ kho hàng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, do bị B, C, D uy hiếp tinh thần, A đã không hoàn thành được nhiệm vụ của mình mà buộc phải giao chìa khóa kho hàng cho B, C, D. Ngoài ra, hành vi của B, C, D còn gây cản trở đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp: gây ra tâm lý hoang mang lo lắng cho nhân viên trong doanh nghiệp; gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp... NẾU D 15 TUỔI THÌ D CÓ PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ ĐỐI VỚI VIỆC CÙNG THAM GIA CƯỚP TÀI SẢN TRONG TRƯỜNG HỢP NÀY KHÔNG? TẠI SAO? Trả lời: Nếu D 15 tuổi thì D phải chịu trách nhiệm hình sự đối với việc cùng tham gia cướp tài sản trong tình huống trên. Giải thích: Dựa vào tình tiết của tình huống nêu trên, B, C, D phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản theo Khoản 3 Điều 133 BLHS, với dấu hiệu định khung là chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; cụ thể là 300 triệu đồng. Như đã trình bày trong phần 1, căn cứ vào Khoản 3 Điều 8 BLHS, mức cao nhất của khung hình phạt trong Khoản 3 Điều 133 BLHS là 20 năm tù, vậy trường hợp phạm tội của B, C, D thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Theo nguyên tắc chịu trách nhiệm chung về toàn bộ tội phạm, luật hình sự Việt Nam đã xác định: Tất cả những người đồng phạm đều bị truy tố, xét xử về cùng tội danh, theo cùng điều luật và trong phạm vi những chế tài điều luật ấy quy định. Các nguyên tắc chung về việc truy cứu trách nhiệm hình sự, về quyết định hình phạt, về thời hiệu đối với loại tội những người đồng phạm đã thực hiện được áp dụng chung cho tất cả. Đối chiếu với Điều 12 BLHS quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự: “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”. Như vậy, nếu D 15 tuổi thì đã đủ tuổi để chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và D sẽ bị truy tố, xét xử về cùng tội danh, theo cùng điều luật và trong phạm vi những chế tài điều luật ấy quy định giống với B và C. TRƯỜNG HỢP NÀY A CÓ PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ (VỀ VIỆC LÀM MẤT TÀI SẢN CỦA NHÀ NƯỚC) KHÔNG? TẠI SAO? Trả lời: Trong trường hợp này, A không phải chịu trách nhiệm hình sự về việc làm mất tài sản của Nhà nước. Giải thích: Trách nhiệm hình sự được hiểu là “Trách nhiệm của người phạm tội phải chịu những hậu quả pháp lý bất lợi về hành vi phạm tội của mình”. Theo Điều 2 BLHS thì “chỉ người nào phạm một tội đã được BLHS quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Để kết luận hành vi đã được thực hiện của người nào đó có phải là tội phạm không và tội đó là tội gì, hình phạt áp dụng đối với họ ra sao, cần phải xác định hành vi đó đã thoả mãn những dấu hiệu của cấu thành tội phạm cụ thể chưa? Nếu thỏa mãn tức là người ấy đã thực hiện tội phạm được quy định cụ thể trong BLHS và người thực hiện hành vi ấy phải chịu trách nhiệm hình sự (hình phạt). Như vậy, cấu thành tội phạm là cơ sở pháp lý của trách nhiệm hình sự, là điều kiện cần và đủ của trách nhiệm hình sự. Trở lại tình huống trên, khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ kho hàng của doanh nghiệp Nhà nước thì A bất ngờ bị ba tên côn đồ B, C, D xông tới kề dao vào cổ doạ giết chết nếu không giao chìa khoá kho hàng cho chúng. Trong tình trạng đó A buộc phải giao chìa khoá cho chúng. Hành vi giao chìa khoá của A là hành vi gián tiếp để bọn tội phạm cướp tài sản của Nhà nước, tuy nhiên, cần phải thấy rằng, hành vi mà A thực hiện là do A bị cưỡng bức về thân thể và tinh thần (bị ba tên côn đồ kề dao vào cổ doạ giết chết, sau khi A đưa chìa khoá cho chúng thì chúng đã trói A lại). Rõ ràng, A hoàn toàn nhận thức được hành vi "đưa chìa khoá" cho bọn cướp và nhận thức được hậu quả là chúng sẽ lấy tài sản, thế nhưng, khả năng để A có thể điều khiển hành động của mình là không thể. Mỗi công dân có quyền được hành động trong tình thế cấp thiết khi có “... một nguy cơ đang thực tế đe dọa ... quyền, lợi ích chính đáng của mình...”. Do đó, để bảo vệ tính mạng của mình, A buộc phải gây thiệt hại đối với tài sản nhà nước (trị giá 300 triệu đồng – tài sản có giá trị nhỏ hơn thiệt hại bị đe dọa gây ra – đó là tính mạng con người). Chưa kể, A phải trực 1 mình trong khi đó là ca trực của 2 người nên không đảm bảo được sự an toàn trong khi làm nhiệm vụ. Như vậy A đã gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước trong tình thế cấp thiết. Theo Điều 16 BLHS: “Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm”. Từ đó, ta có thể kết luận: A không phải chịu trách nhiệm hình sự về việc làm mất tài sản của Nhà nước. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO *** Bộ Luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Nxb. Lao động, Hà Nội, 2010. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự, 2009. Trường đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật hình sự Việt Nam, tập 1, Nxb. CAND, Hà Nội, 2010. Khoa Luật – Đại học quốc gia Hà Nội, Giáo trình luật hình sự Việt Nam phần chung, Nxb. ĐHQG, 2001. Đinh Văn Quế, Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 1999, phần chung, Nxb. TPHCM, 2006. Đinh Văn Quế, Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 1999, tập II, bình luận chuyên sâu, Nxb. TPHCM, 2006. Trường đại học Luật Hà Nội, Trách nhiệm hình sự và hình phạt, Nxb. CAND, Hà Nội, 2001.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docBài tập nhóm tháng 2 - Luật Hình sự 1.doc
Luận văn liên quan