Bài tập nhóm tháng (đề 8) - Luật Hình sự 1
Vì có thù với B, A đã dùng dao nhọn đâm vào B nhiều nhát và đã gây thương tích cho B. Kết quả giám định pháp y cho thấy thương tích mà A gây ra cho B là 61%. Hành vi phạm tội của A thuộc trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 104 BLHS có mức phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
Hỏi:
a. Căn cứ vào khoản 3 Điều 8 BLHS hãy xác định trường hợp phạm tội của A theo khoản 3 Điều 104 BLHS thuộc loại tội phạm nào?
b. Nếu tính đến ngày phạm tội A mới 15 tuổi thì A có phải chịu TNHS về tội này không? Tại sao?
c. Khoản 3 Điều 104 BLHS là CTTP cơ bản, tăng nặng hay giảm nhẹ? Tại sao?
d. Hãy xác định khách thể và đối tượng tác động của tội phạm trong trường hợp này?
11 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 4450 | Lượt tải: 5
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bài tập nhóm tháng (đề 8) - Luật Hình sự 1, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỤC LỤC
Đề bài
a/ VẤN ĐỀ 1: Phân loại tội phạm với trường hợp phạm tội của A
1
b/ VẤN ĐỀ 2: Xác định trách nhiệm hình sự của A nếu A mới 15 tuổi
2
c/ VẤN ĐỀ 3: Khoản 3 Điều 104 BLHS là CTTP cơ bản, tăng nặng hay giảm nhẹ
4
d/VẤN ĐỀ 4: Khách thể và đối tượng tác động của tội phạm
6
Danh mục tài liệu tham khảo
Đề bài số 8
Vì có thù với B, A đã dùng dao nhọn đâm vào B nhiều nhát và đã gây thương tích cho B. Kết quả giám định pháp y cho thấy thương tích mà A gây ra cho B là 61%. Hành vi phạm tội của A thuộc trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 104 BLHS có mức phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
Hỏi:
a. Căn cứ vào khoản 3 Điều 8 BLHS hãy xác định trường hợp phạm tội của A theo khoản 3 Điều 104 BLHS thuộc loại tội phạm nào?
b. Nếu tính đến ngày phạm tội A mới 15 tuổi thì A có phải chịu TNHS về tội này không? Tại sao?
c. Khoản 3 Điều 104 BLHS là CTTP cơ bản, tăng nặng hay giảm nhẹ? Tại sao?
d. Hãy xác định khách thể và đối tượng tác động của tội phạm trong trường hợp này?
Bài làm
a/ VẤN ĐỀ 1: Phân loại tội phạm với trường hợp phạm tội của A.
Tội phạm, hiểu theo nghĩa khái quát nhất là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, có lỗi, trái pháp luật hình sự và phải chịu hình phạt. Tội phạm tuy có chung các dấu hiệu như trên, nhưng nó là một hiện tượng có tính đa dạng thể hiện không chỉ ở các loại tội phạm khác nhau mà còn ở chỗ tội phạm được thực hiện bởi những con người cụ thể khác nhau với những tình tiết, diễn biễn không giống nhau. Điều này dẫn đến tính chất, mức độ nguy hiểm của mỗi loại tội phạm và mỗi người phạm tội có sự cao thấp khác nhau. Do vậy, để có căn cứ xác định mức độ nguy hiểm của một tội phạm một cách chính xác và triệt đáp ứng yêu cầu của nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự và cá thể hoá hình phạt, từ đó hoạt động áp dụng pháp luật có hiệu quả. Do vậy, tại khoản 2 Điều 8 Bộ luật hình sự, tội phạm đã được phân thành bốn nhóm khác nhau: Tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Không dừng lại ở đó, để việc áp dụng pháp luật được thống nhất, trong khoản 3 Điều 8 có nêu rõ dấu hiệu cần thiết để phân loại tội phạm, cụ thể là:
“Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hiểm không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt của tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội gây nguy hiểm lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.”
Như vậy, theo nội dung Khoản 3 Điều 8, các nhóm tội phạm được phân biệt với nhau bởi cả dấu hiệu về mặt nội dung chính trị, xã hội và cả dấu hiệu về mặt hậu quả pháp lý.
Áp dụng với hành vi phạm tội của A. Hành vi của A cấu thành tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104, theo đó:
“Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm”
Nhận thấy, khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự quy định cho hành cố ý gây thương tích của A gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt là đến mười lăm năm tù, đối chiếu với khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự nêu trên thì trường hợp phạm tội của A thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng.
b/ VẤN ĐỀ 2: Xác định trách nhiệm hình sự của A nếu A mới 15 tuổi.
Con người không phải khi sinh ra đã có năng lực TNHS. Năng lực TNHS là năng lực của tự ý thức được hình thành trong quá trình phát triển của cá thể về mặt tự nhiên và xã hội. Như vậy, năng lực TNHS chỉ được hình thành khi con người đã đạt độ tuổi nhất định. ở Việt Nam, căn cứ vào thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm và trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước khác, Nhà nước ta đã xác định trong BLHS tuổi 14 là tuổi bắt đầu có năng lực TNHS và tuổi 16 là tuổi năng lực TNHS đầy đủ.
A đã 15 tuổi do vậy ta khẳng định A đã đến tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình theo khoản 2 Điều 12 BLHS:
“Người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu TNHS về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.
Như vậy để xác định xem A có phải chịu TNHS không ta cần xem xét hình thức lỗi của hành vi mà A thực hiện và trường hợp của A thuộc loại tội phạm nào.
Thứ nhất, như đã phân tích ở trên, trường hợp phạm tội của A thuộc loại tội rất nghiêm trọng. Trong trường hợp này, A chỉ bị phải chịu TNHS nếu hành vi phạm tội của A là cố ý.
Thứ hai, hình thức lỗi ở trường hợp phạm tội của A là lỗi cố ý trực tiếp theo khoản 1 Điều 9 BLHS: “Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra”. Có thể khẳng định như vậy là vì:
- Về lí trí, A dùng dao nhọn đâm B nhiều nhát. Rõ ràng, A đã nhận thức rõ hành vi của mình gây nguy hiểm cho xã hội mà ở đây là gây thương tích cho con người (cụ thể là B). Mặt khác, đâm nhiều nhát mà lại dùng vật có tính sát thương cao là “dao nhọn” thì cho thấy A hoàn toàn thấy trước được hậu quả gây nên thương tật cho B.
- Về ý chí, mục đích của A gây thương tích cho B để trả thù. Như vậy, A đã có sự chuẩn bị từ trước cho hành vi phạm tội của mình. A đã đâm B nhiều nhát liên tiếp, hành động ở đây là rất dứt khoát, cương quyết chứng tỏ A có ý định thực hiện hành vi phạm tội đến cùng của mình.
Với tất cả phân tích ở trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 8, khoản 1 Điều 9, khoản 2 Điều 12, khoản 3 Điều 104 ta khẳng định A phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình. TNHS của A sẽ được Tòa án xem xét, với tính chất của người chưa thành niên phạm tội, mức hình phạt được áp dụng đối với A sẽ nhẹ hơn so với trường hợp người thành niên phạm tội, điều này để đảm bảo cho họ có cơ hội sửa chữa lỗi lầm trở về với cuộc sống lương thiện.
c/ VẤN ĐỀ 3: Khoản 3 Điều 104 BLHS là CTTP cơ bản, tăng nặng hay giảm nhẹ.
Cấu thành tội phạm (CTTP) là những dấu hiệu chung có tính chất đặc trưng cho loại tội phạm cụ thể được quy định trong luật hình sự. Các yếu tố cấu thành tội phạm bao gồm: khách thể, mặt khách quan, mặt chủ quan và chủ thể của tội phạm. Căn cứ vào mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội được cấu thành tội phạm phản ánh, có thể chia CTTP thành: CTTP cơ bản; CTTP tăng nặng; CTTP giảm nhẹ.
CTTP cơ bản là cấu thành tội phạm chỉ có dấu hiệu định tội – dấu hiệu mô tả tội phạm và cho phép phân biệt tội này với tội khác.
CTTP tăng nặng là cấu thành tội phạm mà ngoài dấu hiệu định tội còn có thêm dấu hiệu phản ánh tội phạm có mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội tăng lên một cách đáng kể (so với trường hợp bình thường).
g CTTP tăng nặng = CTTP cơ bản + tình tiết tăng nặng định khung.
CTTP giảm nhẹ là cấu thành tội phạm mà ngoài dấu hiệu định tội còn có thêm dấu hiệu phản ánh tội phạm có mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội giảm xuống một cách đáng kể (so với trường hợp bình thường).
g CTTP giảm nhẹ = CTTP cơ bản + tình tiết giảm nhẹ định khung.
Các tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ định khung mang tính cá biệt, với mỗi tội phạm cụ thể lại có những tình tiết định khung khác nhau được quy định tại điều luật cụ thể của Phần các tội phạm Bộ luật hình sự. Do vậy, để xác định CTTP nào là CTTP tăng nặng thì ta cần xác định xem CTTP đó có quy định các tình tiết tăng nặng định khung hay không, nếu có thì đó là CTTP tăng nặng.
Dễ thấy, khoản 1 Điều 104 là CTTP cơ bản vì nó có chỉ chứa các dấu hiệu định tội. Các tình tiết đã là dấu hiệu định tội rồi thì không còn là tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ định khung nữa.
Khoản 3 Điều 104: “Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp qui định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm”. Rõ ràng ở khoản 3 Điều 104 này có quy định các tình tiết tăng nặng định khung:
- tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên
- dẫn đến chết người
- tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp qui định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, ví dụ như: gây cố tật nhẹ cho nạn nhân, có tổ chức, có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm…
Thêm vào đó, sau khi đã xác định được CTTP cơ bản của của một tội cụ thể, ta có thể dựa vào khung hình phạt như là một dấu hiệu để xác định CTTP tăng nặng. Như định nghĩa ở trên, CTTP tăng nặng phản ánh tội phạm có mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội tăng lên một cách đáng kể (so với CTTP cơ bản), do đó, chắc chắn trách nhiệm hình sự đặt ra với hành vi được mô tả trong CTTP tăng nặng sẽ nặng hơn hành vi được mô tả trong CTTP cơ bản. Theo đó, khung hình phạt áp dụng với trường hợp phạm tội ở CTTP tăng nặng sẽ nặng hơn, tăng lên một cách đáng kể so với trường hợp phạm tội ở CTTP cơ bản.
Áp dụng Điều 104, khoản 1(CTTP cơ bản) có khung hình phạt “tù từ sáu tháng đến ba năm”, còn khoản 3 có khung hình phạt “tù từ năm năm đến mười lăm năm”. Rõ ràng so với khoản 1 thì khung hình phạt ở khoản 3 đã có sự tăng lên một cách đáng kể.
Với những phân tích ở trên, khoản 3 Điều 104 hoàn toàn thỏa mãn các dấu hiệu của CTTP tăng nặng, ta khẳng định khoản 3 Điều 104 là CTTP tăng nặng.
d/VẤN ĐỀ 4: Khách thể và đối tượng tác động của tội phạm.
* Khách thể của tội phạm.
Cũng giống như các hoạt động khác của con người, hoạt động phạm tội cũng nhằm vào những khách thể cụ thể, tồn tại ngoài ý thức và độc lập với ý thức của chủ thể nhưng không phải là cải biến khách thể mà là gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho chính những khách thể đó.
Khách thể của tội phạm được hiểu là quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm hại.
Theo luật hình sự Việt Nam , những quan hệ được coi là khách thể bảo vệ của luật hình sự là những quan hệ xã hội đã được xác định tại khoản 1 Điều 8 BLHS, bao gồm: độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội , quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, sở hữu, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân,…
Quay trở lại với tình huống. Để xác định khách thể của tội phạm trong trường hợp phạm tội của A thì ta cần chứng minh quan hệ xã hội đó phải được luật hình sự bảo vệ và phải bị hành vi thực tế của A xâm hại tới.
Thứ nhất, Điều 71 Hiến pháp 92 khẳng định: “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm”. Như vậy, quyền bảo hộ về sức khỏe của con người là quyền nhân thân, là một trong những quyền cơ bản, không thể thiếu của công dân. Đối chiếu với Điều 1, khoản 1 Điều 8 BLHS thì ta khẳng định quyền bảo hộ về sức khỏe của con người là quan hệ xã hội được luật hình sự Việt Nam bảo vệ.
Thứ hai, quan hệ xã hội này bị hành vi phạm tội xâm hại tới. Quan hệ xã hội (QHXH) bao gồm: chủ thể của QHXH, nội dung của QHXH, khách thể của QHXH. Trong tình huống này, chủ thể của tội phạm là A đã thực hiện hành vi phạm tội thỏa mãn khoản 3 Điều 104, đã tác động đến chủ thể của QHXH (là con người), A dùng dao nhọn đâm B nhiều nhát, hành vi đâm của A thông qua phương tiện là dao đã tác động đến thân thể của B làm cho sức khỏe của B bị suy giảm, cụ thể ở đây là gây thương tật cho B tới 61%. Rõ ràng, bằng hành vi cụ thể của mình A đã vi phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của con người, đã tự ý trái phép làm tổn hại đến sức khỏe của người khác.
Như vậy, ta khẳng định khách thể của tội phạm trong trường hợp này là quyền bảo hộ về sức khỏe của con người.
* Đối tượng tác động của tội phạm.
Đối tượng tác động của tội phạm là bộ phận khách thể của tội phạm, bị hành vi phạm tội tác động đến để gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho những quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ. Đối tượng tác động của tội phạm có thể là:
- Chủ thể của quan hệ xã hội: Con người.
- Nội dung của quan hệ xã hội: Là hoạt động của các chủ thể khi tham gia vào các quan hệ xã hội.
- Khách thể của quan hệ xã hội: Đối tượng vật chất mà qua đó các quan hệ xã hội phát sinh và tồn tại.
Sự gây thiệt hại cho khách thể dù ở hình thức cụ thể nào cũng luôn diễn ra trên cơ sở hành vi phạm tội làm biến đổi tình trạng của các đối tượng tác động – các bộ phận cấu thành của quan hệ xã hội.
Như đã phân tích ở trên, khách thể của tội phạm trong trường hợp phạm tội của A là quyền bảo hộ về sức khỏe của con người, do vậy chủ thể của quan hệ xã hội này chỉ có thể là con người và muốn xâm hại tới khách thể này thì chỉ có thể gây thiệt hại cho chủ thể của nó.
A dùng dao đâm B nhiều nhát. Rõ ràng, thông qua phương tiện là con dao, A đã tác động trực tiếp vào chủ thể của khách thể là con người (cụ thể là B), gây thiệt hại cho khách thể qua việc làm chủ thể của nó bị suy giảm về sức khỏe làm biến đổi tình trạng bình thường.
Như vậy, đối tượng tác động của tội phạm trong trường hợp này là con người, cụ thể là B, hành vi phạm tội của A trực tiếp tác động vào B gây tổn hại sức khỏe của B, qua đó gây thiệt hại đến khách thể của tội phạm - quyền bảo hộ về sức khỏe của con người.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bộ luật hình sự Việt Nam đã sửa đổi bổ sung 2009.
Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1992.
Nguyễn Ngọc Hòa, Tội phạm và cấu thành tội phạm, Nxb Công an nhân dân, 2006.
Đinh Văn Quế, Bình luận khoa học bộ luật hình sự phần các tội phạm. Tập 1, Các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người, Nxb.TP. Hồ Chí Minh, 2002.
danluat.thuvienphapluat.vn
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Bài tập nhóm tháng (đề 8) - Luật Hình sự 1.doc