Vâng thưa quý khách! Bên cạnh hàng loạt các công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật và tính thẩm mỹ cao còn có gần 600 ô chữ chạm khắc các bài thơ trên Bi Đình, Hiển Đức Môn, điện Sùng Ân và Minh Lâu cũng là những kiệt tác vô giá. Đó là một bảo tàng thơ chọn lọc của nền thi ca Việt Nam đầu thế kỷ XIX.
Bên trong La Thành, các công trình kiến trúc được bố trí đối xứng nhau từng cặp qua trục chính xuyên tâm lăng. Tất cả được xếp đặt theo một trật tự chặt chẽ, có hệ thống giống như tình trạng xã hội đương thời, một xã hội được tổ chức theo chính sách Trung ương tập quyền của chế độ quân chủ tôn sùng Nho học đến mức tối đa. Bố cục kiến trúc ấy cũng nói lên cá tính, phong cách và bản lĩnh của vị vua tài ba nhà Nguyễn. Hiện nay các công trình như Tả Tùng Phong trên Tịnh Sơn, Hữu Tùng phòng trên Ý Sơn, nhà nuôi hươu nai, Tuần Lộc Hiên trên Đức Hóa Sơn, Linh Phương Các - nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi của nhà vua cùng các phi tần mỗi khi lên thăm lăng trên Đảo Thống Sơn, nhà đọc sách Truy Tư Trai trên Phúc Ấm Sơn, nơi vua thư giãn, câu cá, ngắm sen Quan Lan Sở, Hư Hoài Tạ trên đảo Trấn Thủy đều không còn tồn tại mà chỉ còn lại nền móng thôi. Các công trình ở lăng bị tàn phá chủ yếu vì thời tiết, thiên nhiên, nắng mưa, bão lũ, mối mọt, sự xâm thực của cây cối, sự thờ ơ của con người, đặc biệt là chiến tranh
17 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 4524 | Lượt tải: 5
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bài thuyết minh Lăng Minh Mạng trong hệ thống lăng tẩm Huế, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TRƯỜNG ĐẠI HOẠC QUẢNG NAM
KHOA VĂN HÓA – DU LỊCH
BÀI THUYẾT MINH LĂNG MINH MẠNG
Nhóm sinh viên thực hiện và mức độ tham gia:
Sinh viên thực hiện Mức độ tham gia
Lê Đình Đông A
Nguyễn Luật B
Nguyễn Hoàng Vinh B
Lê Thị Kim A
Trần Thị Kim Anh B
Phạm Thị Phượng A
SulyVông B
Lăng Minh Mạng
Xin chào Quý khách, hôm nay tôi rất vui khi được dẫn đoàn chúng ta đến thăm quan lăng vua Minh Mạng. Tôi xin tự giới thiệu tôi tên là Lê Đình A, là Hướng dẫn viên của công ty du lịch Hội An Travel , chúc cả đoàn sức khỏe, có một chuyến đi thú vị và bổ ích.
Bây giờ thì xe của đoàn chúng ta đang lăn bánh trên thành phố Huế chỉ còn ít phút nữa thôi chúng ta sẽ có mặt tại lăng Minh Mạng.
Lăng Minh Mạng tọa lạc trên bờ sông hương, thuộc huyện Hương Trà nay là thành phố Huế, thỉnh Thừa Thiên Huế.
Vâng! như quý khách đã biết Huế là nơi còn bảo lưu khá nguyên vẹn hệ thống các thành quách cung điện, lăng tẩm của triều đại nhà Nguyễn. Nếu tham quan Đại Nội, người ta gọi đó là “Hoàng cung thứ nhất” dành cho 13 vị vua triều Nguyễn từ vua Gia Long đến vị vua cuối cùng là Bảo Đại thì đi ngược dòng sông Hương về phía Tây của thành phố Huế là các khu lăng tẩm, nơi yên nghỉ của các vua được xem là “Hoàng cung thứ hai” khi về cõi vĩnh hằng.
Trải qua 143 tồn tại (1802-1945), triều Nguyễn có tất cả 13 vị vua. Nhưng do những lí do lịch sử khác nhau nên chỉ có 7 vị vua có lăng tẩm, đa số các lăng này đều tọa lạc ở bờ Nam sông Hương.
Trải qua một chặng đường dài cuối cùng đoàn chúng ta cũng đã đến với lăng Minh Mạng.
Giờ đây thì đoàn nhà mình đang đứng trên địa phận lăng Minh Mạng. Trước tiên tôi xin giới thiệu tổng quát về lịch sử xây dựng lăng:
Vâng thưa đoàn nhà mình! Thời đó thì vua Gia Long là Vị Vua đầu tiên của triều Nguyễn ông lên ngôi vua năm 1802 đến 1820 làm vua được 18 năm nhà vua mất. Sau khi Vua Gia Long mất thì con trai thứ 4 là Minh Mạng lên ngôi lấy niên hiệu là vua Minh Mạng. Minh Mạng là một người rất thông minh, hiếu học, tài kiêm văn võ, ông lên ngôi vua năm 30 tuổi và trị vì trong vòng 20 năm từ năm 1820 đến 1840, thọ 50 tuổi.
Việc cân nhắc xây dựng lăng của vua Minh Mạng cũng như các ông vua khác là luôn chú trọng đến địa lý phong thủy để xây lăng với ước muốn con cháu mình sau này sẽ tiếp nối vương đế. Ngoài yếu tố địa lý phong thủy, theo tập quán chung của các triều đại, các vua thường đề cao Dịch lý: “Thánh nhân Nam diện nhi thính thiên hạ, hướng minh nhi trị”, có nghĩa “Vua quay mặt về hướng Nam để cai trị thiên hạ, hướng về lẽ sáng để làm việc nước”. Vì vậy mà toàn bộ công trình xây dựng các Lăng của các ông vua triều Nguyễn đều theo một trục căn bản quay về hướng Nam, một phong tục mà không chỉ vua chúa Việt Nam mà cả Trung Hoa, Triều Tiên và Nhật Bản đều chọn trong chương trình thiết kế Kinh đô hay Lăng tẩm.
Cũng như vua cha là Gia Long sau khi qua đời vua Minh Mạng cũng cho xây dựng nơi yên nghĩ cuối cùng của của mình. Sau khi làm vua được 7 năm, Minh Mạng cho người đi tìm đất để xây dựng Sơn lăng cho mình. Quan Địa lý Lê Văn Đức đã chọn được một chỗ đất tốt ở địa phận núi Cẩm Kê, gần ngã ba Bằng Lãng, nơi hợp lưu của hai nguồn Tả Trạch và Hữu Trạch để tạo thành con sông Hương thơ mộng. Nhưng phải ròng rã 14 năm cân nhắc, chọn lựa, đến năm 1840, nhà vua mới quyết định cho xây dựng lăng tẩm của mình ở nơi này. Nhà vua cho đổi tên núi Cẩm Kê (thuộc ấp An Bằng, huyện Hương Trà) thành Hiếu Sơn và gọi tên lăng là Hiếu Lăng. Đích thân nhà vua xem xét, phê chuẩn họa đồ thiết kế do các quan Bùi Công Huyên, Trương Đăng Quế và Giám thành vệ dâng lên. Tháng 4 năm 1840, công cuộc kiến thiết Hiếu Lăng bắt đầu. Vua sai các quan Lê Đăng Danh, Nguyễn Trung Mậu và Lý Văn Phức điều khiển lính và thợ thuyền lên đây đào hồ đắp La thành. Tháng 8 năm 1840, Minh Mạng lên kiểm tra thấy công việc đào hồ Trừng Minh không vừa ý nên giáng chức các quan trông coi và đình chỉ công việc. Một tháng sau, công việc vừa được tiếp tục thì Minh Mạng lâm bệnh qua đời vào tháng 1 năm 1841. Vua Thiệu Trị lên nối ngôi, chỉ một tháng sau (tháng 2-1841) đã sai các quan đại thần Tạ Quang Cự, Hà Duy Phiên, Nguyễn Tri Phương chỉ huy gần 10.000 lính và thợ thi công tiếp công trình theo đúng họa đồ của vua cha để lại. Ngày 20 tháng 8 năm 1841, thi hài vua Minh Mạng được đưa vào chôn ở Bửu Thành, nhưng công việc xây lăng mãi đến đầu năm 1843 mới hoàn tất. Để xây dựng lăng vua huy động gần 1 vạn lính thợ trước tiên vua Minh Mạng cho đào hồ Trừng Minh, đổ đá cho có kẻ hở để dẫn nước từ núi Cẩm Khê vào 2 hồ theo thế Chi huyền thủy ( tức là nước trong hồ chảy từ trái sang phải theo hình chữ “Chi“ ), sau này là hồ Trừng Minh và hồ Tân Nguyệt. Bên cạnh coi trọng mạch nước, các vua nhà Nguyễn quan niệm mạch nước là huyết mạch của rồng, đất là thịt rồng, đá là xương và hoa lá là râu tóc của rồng nên cảnh quan của lăng vẫn giữ được cho đến ngày hôm nay.
Trước khi tham quan cụ thể lăng Minh Mạng tôi xin giới thiệu tổng quát về bố cục kiến trúc của lăng:
Vâng! trước mắt đoàn chúng ta sơ đồ tham quan lăng Minh Mạng
Nhìn vào sơ đồ thì Lăng Minh Mạng có bố cục kiến trúc cân bằng đối xứng, xung quanh một trục kiến trúc là đường thần đạo, xuyên qua một loạt các hạng mục công trình gồm: cửa chính, sân chầu, nhà bia, sân tế, Hiển Đức môn, điện Sùng Ân (thờ vua Minh Mạng và Hoàng hậu), hồ Trừng Minh, Minh Lâu, hồ Tân Nguyệt (trăng non), cổng tam quan Quang Minh Chính Trực, Trung Đạo kiều và cuối cùng là Bửu thành (mộ vua Minh Mạng). Lăng có diện tích 18 ha (nhưng diện tích cấm địa quanh lăng là 475 ha), xung quanh lăng có La thành bao bọc. Cửa chính của lăng tên là Đại Hồng môn, là cửa chỉ để rước linh cữu của vua nhập lăng. Hai bên cửa chính là hai cửa Tả Hồng môn và Hữu Hồng môn. Hồ Trừng Minh gồm hai nửa nối thông với nhau ở phía sau điện Sùng Ân nơi có ba cây cầu đá bắc qua, giống như hai lá "phổi xanh", bao bọc lấy điện Sùng Ân và các kiến trúc vòng ngoài nằm trên trục thần đạo (khu vực tưởng niệm). Ở giữa hai hồ Trừng Minh và Tân Nguyệt, trên đường thần đạo, là Minh Lâu. Hồ Tân Nguyệt hình vầng trăng non ôm lấy một phần khu mộ vua (Bửu thành). Bửu thành là một quả đồi thông hình tròn, bao quanh bởi tường thành, bên trong, sâu bên dưới là mộ vua. Ở chính giữa hồ Tân Nguyệt có một cây cầu mang tên Trung Đạo kiều, nối Minh Lâu với Bửu thành và đường dạo quanh lăng. Phía sau Bửu Thành là rừng thông xanh thẳm, đem lại một cảm giác u tịch. Trên mặt cắt kiến trúc dọc theo đường thần đạo, các công trình cao thấp theo một nhịp điệu vần luật nhất quán, âm dương xen kẽ, tạo nên nét đẹp riêng cho công trình kiến trúc lăng tẩm này. Bố cục kiến trúc đăng đối của các hạng mục chính trong lăng đem lại cho lăng một vẻ uy nghiêm cần có của công trình lăng mộ. Tuy vậy, ở ngoài rìa, men theo con đường dạo quanh co vòng quanh hai hồ nước và viền xung quanh lăng, xen lẫn với cây cối có các công trình kiến trúc nhỏ dùng để nghỉ chân ngắm cảnh như: đình Điếu Ngư, gác Nghênh Phong, hiên Tuần Lộc, sở Quan Lan, Tạ Hư Hoài ... làm cho toàn bộ quần thể lăng uy nghiêm nhưng vẫn hài hòa với thiên nhiên và duyên dáng tráng lệ.
Lăng Minh Mạng là tổng thể kiến trúc bao gồm 40 công trình lớn nhỏ được bao bọc bởi vòng La thành dài 1.750 m, lăng gồm cung điện, lâu đài, đình tạ được bố trí đăng đối trên một trục dọc theo đường Thần đạo dài 700 m, bắt đầu từ Đại Hồng Môn đến chân La thành sau mộ vua. Hình thể lăng tựa dáng một người nằm nghỉ trong tư thế thoải mái, đầu gối lên núi Kim Phụng, chân duỗi ra ngã ba sông ở trước mặt, hai nửa hồ Trừng Minh như đôi cánh tay buông xuôi tự nhiên.
Từ ngoài vào trong các công trình được phân bố trên ba trục song song với nhau mà Thần đạo là trục trung tâm xen giữa những công trình kiến trúc là hồ nước ngát hương sen và những quả đồi phủ mượt bóng thông, tạo nên một phong cảnh vừa hữu tình vừa ngoạn mục . Các công trình trong lăng được bố trí rất khoa học. Lăng được quy hoạch thành 4 khu: Nhà Bia, Điện thờ, Minh Lâu và cuối cùng là khu Mộ-Bửu Thành
Bây giờ xin quý khách theo tôi, chúng ta sẽ vào tham quan lăng Minh Mạng một cách cụ thể hơn.
Khu vực đầu tiên mà đoàn chúng ta tham quan là khu Nhà Bia, được bắt đầu bởi Đại Hồng Môn mà quý khách đang nhìn thấy. Đại Hồng Môn mở đầu cho đường thần đạo của lăng, là cổng chính vào lăng, xây bằng vôi gạch, cao hơn 9 m, rộng 12 m. Cổng này có ba lối đi với các đồ án trang trí cá chép hóa rồng, long vân... được coi là tiêu biểu của loại cổng tam quan đời Nguyễn. Cổng có màu đỏ tượng trưng cho sự sống và sự trường tồn của vương triều Nguyễn. Điều đặc biệt cổng chỉ mở một lần để đưa quan tài của vua vào trong lăng, sau đó được đóng kín, ra vào phải qua hai cổng phụ là Tả Hồng Môn và Hữu Hồng Môn. Và tháng 8-1841 thi hài của vua Minh Mạng đã được đưa qua cổng này để vào chôn ở Bửu Thành.
Mời quý khách theo tôi, chúng ta sẽ theo cửa Tả Hồng Môn để vào bên trong khu vực nhà Bia
Giờ đây, thì đoàn chúng ta đang đứng tại nhà bia hay còn gọi là bi đình. Đứng trên nhà bia nhìn xuống chúng ta sẽ thấy một sân rộng còn được gọi là Sân Chầu, lát gạch Bát Tràng (sân rộng 45 x 45 m), hai bên có hai hàng tượng quan văn võ, voi ngựa bằng đá đứng chầu. Bởi vì, trong quan niệm của ông vua Nguyễn ngày xưa, khi sống ở trên đời có người phục vụ hầu hạ thì khi về thế giới bên kia cũng phải có người theo hầu. Và tượng này bao giờ cũng được bố trí theo một nguyên tắc nhất định là ông quan Văn bao giờ cũng đứng trước ông quan Võ tính từ trong ra gọi là “tiền văn hậu võ”, cuối cùng mới đến ngựa và voi kiến ngày xưa. Dân gian mới có câu “ Trâu buộc lại ghét trâu ăn, quan võ lại ghét quan văn dài quần.
Nhà bia mà chúng ta đang tham quan là một ngôi nhà cô lầu, hình vuông ba tầng, bên trong có bia “Thánh đức thần công” ghi bài văn bia của vua Thiệu Trị dựng năm 1842 kể về tiểu sử và công đức của vua cha. Trên nhà bia có khắc 8 chữ lớn “Thánh nhân, thần võ, chí nhân, đại đức” để ca ngợi công đức của vua cha “Như thần, như thánh”. Vì theo thông lệ, sau khi vua băng hà thì người con trai kế vị sẽ làm bia cho cha của mình. Nói tới công lao của 13 vị vua nhà Nguyễn thì Minh Mạng được xem là ông vua văn võ song toàn, thời kỳ trị vì của vua được xem là thời kỳ phát triển phồn thịnh nhất, công lao lớn nhất của ông chính là đã xác định được chủ quyền của dân tộc, vẽ được sơ đồ nước Đại Nam, mở mang bờ cõi. Vua Minh Mạng là vị vua rất sùng bái nho học và là một ông vua kiên quyết độc tài nhưng là người rất có trách nhiệm đối với đất nước. Nếu như vua Gia Long được đánh giá là người có công trong việc kiến lập nên vương triều Nguyễn thì vua Minh Mạng là người được đánh giá rất cao trong việc kiến thiết vương triều.
Vua Minh Mạng là người có nhiều đóng góp nhất định trong việc củng cố chế độ quân chủ tập quyền, ổn định bờ cõi, chia nước ta ra làm 31 tỉnh, hoàn thành xây dựng Kinh đô Huế, đổi tên nước ta là Đại Nam, lập Viện Cơ Mật để bàn việc, tổ chức lại bộ máy nhà nước thống nhất từ Trung Ương đến làng xã, nhằm tránh sự chuyên quyền của tướng lĩnh và sự lộng hành của hậu cung. Nhà vua chủ trương Tứ bất lập: không lập Tể tướng, không lập Hoàng hậu, không lập Thái tử, và không lấy đỗ Trạng nguyên, đối với Thái giám nhà vua ban chỉ dụ chỉ được hầu hạ trong cung chứ không cho giữ chức quyền.
-Về nhà nước: khuyến khích phát triển Nông nghiệp, giảm tô thuế cho nông dân, hoàn chỉnh hệ thống đê điều ở Bắc Bộ, tiêu biểu là 2 huyện mới ở Thái Bình, đẩy mạnh khai hoang ở miền Nam, hoàn thiện kênh đào Vĩnh Tế.
-Về giáo dục: coi trọng hiền tài, mở khoa thi hội, thi đình, khắc tên những người đổ Tiến sĩ tại bia Văn Miếu (làng Hương Hồ), lập Quốc Sữ Quán. Minh Mạng cho lập Tôn Nhân Phủ để trông coi người trong họ ngày một đông và lập Ngọc Phả để phân biệt dòng chính hay dòng thứ. Năm 1823, Vua đã làm bài Đế Hệ Thi và 10 bài Phiên Hệ Thi để quy định các chữ lót đặt tên cho con cháu các thế hệ sau.
- Về Ngoại giao: đối với nhà Thanh nhà vua hết sức tôn trọng và tiếp thu đường lối trị quốc của nhà Thanh; đối với Ai Lao, Chân lạp, nhà vua bảo vệ cho hai nước này. Hạn chế lớn nhất của nhà vua là với tư tưởng tôn sùng đạo Nho, chỉ xem Trung Hoa là nước văn minh nhất, lại thực hiện chính sách cấm đạo Thiên Chúa hà khắc đã để lại nhiều hậu quả cho đất nước sau này.
Không chỉ là một ông vua giỏi việc nước Minh Mạng còn là ông vua giỏi về thơ văn, trên Bi Đình có rất nhiều bài thơ của ông.
Với 20 năm trị vì Vua Minh Mạng có rất nhiều cung tần. Vì vậy ông có tới 142 người con, với 68 Hoàng nam, và 74 Hoàng nữ.
Rời khỏi nhà bia đi qua một khoảng sân rộng đoàn chúng ta sẽ tiếp tục tham quan khu thứ hai của lăng đó là khu điện thờ còn gọi là điện Sùng Ân là nơi thờ Vua và Hoàng hậu.
Vâng! trước mắt các bạn đang nhìn thấy đó là Hiển Đức Môn mở đầu cho khu vực tẩm điện, được giới hạn trong một lớp thành hình vuông biểu trưng mặt đất (từ ý niệm trời tròn, đất vuông). Hiển Đức Môn bây giờ đã được trùng tu theo tài trợ chính của tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam bởi vì Minh Mạng là người có công cho khai phá nền Than khoáng sản Việt Nam, để tưởng nhớ công lao đó, Công ty đã đầu tư một số tiền hơn 5 tỷ đồng để trùng tu lại cổng.
Bước qua cửa Hiển Đức Môn tôi sẽ đưa đoàn chúng ta đến điện Sùng Ân (nghĩa là “sùng bái ân đức”) nơi thờ tự vua Minh Mạng và hoàng hậu, được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ gồm 5 gian 2 nóc và 1 nền, trên bờ nóc cổ diềm đều có các ô trang trí bằng pháp lam. Đáng chú ý là các tiểu cảnh của Nho, Phật, Lão đều có mặt đầy đủ, xen giữa là các ô chữ có các bài thơ tứ tuyệt hay ngũ ngôn, toàn bộ điện ghép lại có khoảng 37 bài thơ tứ tuyệt và hai cặp câu đối. Nói đến thơ thì Minh Mạng rất giỏi, thơ ông viết chủ yếu ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên quê hương và đất nước, trong 37 bài thơ tứ tuyệt đó có một bài thơ với tựa đề “hoa sen” ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên:
Sen đẹp như người đẹp
Chuối tơ màu lục non
Gió mát tình dào dạt
Ngắm hoa ý thơ tràn
(Tấn Hoài dịch).
Ngoài ra còn có bài thơ tả xóm thôn giàu có sung túc:
"Thương dĩ doanh thu cốc
Dã tương mậu hạ hoà
Minh già vô thú thán
Kích dưỡng hữu nông ca”
Dịch nghĩa: “Vụ thu thóc đã đầy kho
Ngoài đồng mùa hạ lúa ngô bời bời
Không lo lính thú nên vui
Say sưa đập đất hát bài nhà nông”
Qua hai bài thơ cho ta thấy tâm hồn thi sĩ và lãng mạng trong tính cách của vua Minh Mạng. Làm thơ nhiều như thế, nhưng Vua Minh Mạng không coi mình là nhà thơ: "Thơ ta làm ra là để làm vui khi rỗi việc đó thôi...". Ông còn nói: "Nước lấy dân làm gốc, dân lấy cái ăn là Trời. Tuy có cảnh tình, mây lành, chim phụng kỳ tập, kỳ lân ra đời, chẳng bằng được mùa là điềm lành trên hết!".
Gian giữa từ ngoài vào là án thờ dưới dạng long sàng thay vì đặt trên ngai vàng, trên án thờ cố đặt bài vị của vua Minh Mạng và bà Tá Thiên Nhân Hoàng Hậu (Hồ Thị Hoa mẹ của vua Thiệu Trị sau này) trên án thờ bài vị vua được đặt bên tả( trái) bài vị hoàng hậu đặt bên hữu (phải), nhìn vào bàn thờ chắc hẳn đoàn chúng ta hiểu hơn về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của ông cha ta. Tá Thiên Hoàng Hậu Hồ Thị Hoa là vợ của vua Minh Mạng, Bà là một người hiếu đức hiền thục và cũng là con của một công thần nên Bà đã được Vua Gia Long và Thuận Thiên Hoàng Hậu tuyển chọn đưa vào cung Tiềm để hầu hạ cho Hoàng tử con mình. Hoàng tử là vua Minh Mạng sau này. Bà được tiến cung năm 1806 khi vua Minh Mạng chưa được tấn phong làm Thái tử (1815-1820). Năm 1807, bà sinh được một người con trai là vua Thiệu Trị sau này nhưng chỉ mới 13 ngày sau khi sinh thì bà qua đời. Sau khi bà mất, đến năm 1821 lúc Minh Mạng vừa mới lên ngôi vua được một năm, bà được sách tặng chức “Chiêu Nghi”, và vào năm 1836, bà được sách tặng là “Thân Phi”. Đến năm 1841, bà được Vua Thiệu Trị, con ruột của bà, phong tặng chức “Tá Thiên Nhân Hoàng Hậu”. Điện Sùng Ân được trùng tu nhiều lần, tất cả các cây cột ở đây được sơn son thiếp vàng, bao trùm không gian điện là màu vàng lan tỏa tượng trưng cho sự ấm cúng và uy nghi cho ngôi điện.
Rời khỏi khu vực điện thờ sẽ dẫn đoàn chúng ta sang khu vực thứ ba của lăng đó là khu Minh Lâu. Trước cổng vào khu Minh Lâu là cổng Hoằng Trạch Môn, Hoằng Trạch Môn chỉ có một lối ra vào với hai tấm cửa lúc nào cũng mở rộng, khác với Đại Hồng Môn và cũng khác Hiển Đức Môn, Hoằng Trạch Môn gây ấn tượng lên cao bởi 3 lớp mái, để rồi từ đây mở ra một không gian của hoa lá và mây nước phía sau. Bước xuống 18 bậc đá di chuyển qua 3 chiếc cầu Tả Phù(trái), Trung Đạo(giữa), Hữu Bật( phải) bắc ngang qua Hồ Trừng Minh, Hồ Trừng Minh giống như hai lá "phổi xanh", bao bọc lấy điện Sùng Ân và các kiến trúc vòng ngoài nằm trên trục thần đạo (khu vực tưởng niệm).
Giờ đây thì chúng ta đang đứng trước Minh Lâu. Minh Lâu tọa lạc trên quả đồi có tên là Tam Tài SơnMinh Lâu (nghĩa là lầu sáng) - nơi nhà vua suy tư và làm thơ vào những đêm hè trăng thanh gió mát, là nơi đi về của linh hồn tiên đế - thể hiện cách lý giải về vũ trụ và nhân sinh quan của người xưa. Là một ngôi nhà hai tầng, bốn mặt, tám mái.
Đoàn chúng ta sẽ lên Minh Lâu Để tìm hiểu kỹ hơn. Như chúng ta đã biết, Minh Lâu là tòa nhà này hình vuông, hai tầng, tám mái, là một biểu trưng của triết học phương Đông. Lầu có hai tầng là biểu trưng cho lưỡng nghi, 4 mặt lầu là tứ tượng, 8 lá mái là bát quái đó chính là 8 quẻ trong kinh dịch: “Vô cực sinh thái cực, thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh ra tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái”. Và từ 8 yếu tố vận hành trong vũ trụ để sinh ra muôn loài muôn vật. Minh Lâu càng có ý nghĩa hơn bởi vua Minh Mạng là người giỏi chữ hay thơ. Nhà vua để lại cho hậu thế 6 tập thơ, mỗi tập tới hàng trăm bài. Ở Minh Lâu có khắc bài thơ do Minh Mạng sáng tác miêu tả về cảnh đêm thôn quê vô cùng cảm khái và tinh tế:
“Thanh thanh thuỳ thuý mạc
Diệu diệu quải kim luân
Tứ dã nghiêm sương túc
Cửu tiên trạm lộ tân”
Dịch nghĩa:
"Đêm xanh buông thả tấm màn
Lửng lơ treo bánh xe vàng trên cao
Ruộng đồng sương đọng từ lâu
Trời con gieo tiếp giọt châu trong ngần"
(Nguyễn Trong Tạo dịch)
Ngoài ra ở trong điện Minh Lâu, lăng Minh Mạng có một bài thơ vịnh ngôi nhà người đạo sĩ ở ẩn rất đẹp:
"Long lanh ngọc đính trên sa
Thảnh thơi một mái khuất xa thị thành
Thú vui cao sĩ ẩn mình
Nằm trong mây khói bồng bềnh cuối thu"
(Hoàng Phủ Ngọc Tường dịch).
Hợp với Minh Lâu ở 2 bên hồ là Nghênh Lương Quán (Lầu đón gió) và Điếu Ngư Đình (Đình câu cá) nơi nhà vua câu cá, ngắm cảnh, làm thơ hiện nay thì không còn nữa.
Đoàn chúng ta chú ý nhìn về phía Sau Minh Lâu sẽ thấy hai trụ biểu xây bằng gạch khá cao dựng đối xứng trên Bình Sơn và Thành Sơn. Hai trụ biểu ở đây có rất nhiều ý nghĩa. Ý nghĩa thứ nhất, báo hiệu đây là vùng đất cấm người khác xâm nhập vào. Thứ hai, là biểu tượng cho uy quyền, sức mạnh của nhà vua. Thứ ba, là biểu hiện cho sự trường tồn của Vương triều Nguyễn. Thứ tư, tượng trưng như hai ngọn đuốc tỏa sáng để đưa linh hồn người quá cố về thế giới bên kia. Thứ năm, là nhà vua đã “bình thành công đức” trước khi về cõi vĩnh hằng.
Bây giờ chúng ta rời Minh Lâu để đến với khu vực cuối cùng của lăng là mộ vua còn gọi là Bửu Thành.
Trước mắt chúng ta là Cầu Thông Minh Chính Trực, cầu bằng sắt bên cầu có chân lan can sắt. Điều gây ấn tượng với đoàn chúng ta là ở mỗi đầu cầu có dựng một cửa nghi môn, kiểu nghi môn rất đặc biệt bồn trụ cột lớn bằng đồng chạm rồng nổi, trên đầu hoa sen. Ở chính giữa hai nghi môn có 4 chữ hán dịch sang tiếng Việt là “Chính Đại Quang Minh” thể hiện đường lối cai trị của nhà vua luôn thông minh và chính trực. Điều đặc biệt ở hai Nghi Môn là mỗi nghi môn có 4 chân cột lớn bằng đồng chạm rồng nổi có 4 chân, trên đầu hoa sen tượng trưng cho những ngọn đuốc thắp sáng khu mộ vua. Tại sao lại khắc Rồng mà Rồng ở đây lại chỉ có 4 chân? Bởi vì, Rồng ở đây tượng trưng cho vua người có quyền lực và cao quý ngồi trên ngai vàng, Rồng có 4 chân theo quan niệm là Rồng chưa được tiến hóa mới ở dạng thuồng luồng cai trị ở trần gian, còn Rồng 5 chân lại là Rồng tiên quá cao quý không hợp với một vị vua đang làm bá chủ dưới trần gian.
Cầu Thông Minh Chính Trực được bắc ngang qua hồ Tân Nguyệt (nghĩa là trăng non), hồ này uốn thành một vòng cung ôm lấy Bửu thành. Mộ vua được an táng trong Bửu Thành (tòa thành quý). Đây là hình ảnh của thế giới vô biên. Hồ hình trăng non ví như yếu tố “âm” bao bọc, che chở cho yếu tố “dương” là Bửu Thành - biểu tượng của mặt trời. Kết cấu kiến trúc này thể hiện quan niệm của cố nhân về sự biến hóa ra muôn vật, là yếu tố tác thành vũ trụ.
Đoàn chúng ta chú ý nhìn từ cổng Nghi Môn xa xa đó là mộ Vua hay còn gọi là Bửu Thành là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của nhà vua nằm giữa một quả đồi mang tên Khai Trạch Sơn được giới hạn bởi Bửu thành hình tròn chu vi gần 250m. Hình tròn này nằm giữa những quả đồi đồng tâm, biểu tượng của trời. Và hình ảnh mặt trời lặn biểu thị khái niệm vua băng hà. Hình tròn này tạo nên từ hồ Tân Nguyệt, La Thành, núi non và đường chân trời như muốn thể hiện khát vọng ôm choàng trái đất và ước muốn làm bá chủ vũ trụ của vị vua quá cố, Phía trước Bửu thành có trổ một cửa vào lòng cửa rộng 2.1m, cao 2.65m, phía trên có khắc 3 chữ hán: Bửu Thành Môn, cánh cửa bằng đồng có khóa quanh năm đóng kín chỉ mở vào tiết thanh minh để con cháu vào sửa sang, dọn dẹp, còn du khách đến đây không được vào tham quan vì bên trong trồng rất nhiều thông dễ xảy ra hiện tượng cháy nổ, và đó cũng là nơi có mộ vua, không cho du khách dẫm đạp biểu hiện sự trân trọng, tôn kính đối với thi hài của người đã khuất, đặc biệt đối với vị vua của một triều đại.
Bên trong Bửu Thành là núi đất cao 22m so với mặt nước hồ lúc bình thường, trên núi trồng rất nhiều thông - một biểu hiện của sự trường tồn vĩnh cửu và tính cách của người quân tử. Thi hài nhà vua được đưa lên chôn ở Bửu Thành bằng đường sông, rõng rã 7 tháng trời. So với lăng Gia Long nằm lộ thiên 2 ngôi mộ, ở đây ta không biết ngôi mộ vua nằm ở chỗ nào cả vì kể từ vua Minh Mạng trở về sau việc chôn cất vua phải cẩn mật. Theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên XXIII thì linh cửu vua được chuyển từ thuyền rồng đậu bên bờ sông Hương vào một ngôi nhà lợp cỏ bên phải Bửu Thành rồi đặt theo đường toại đạo qua 3 cửa đá vào vị trí an táng, chỉ có người con trai nối ngôi - Vua Thiệu Trị và một số đại thần tin tưởng nhất mới biết được thi hài vua Minh Mạng được đưa vào bằng con đường nào. Con thì không bao giờ nói thi hài vua nằm chỗ nào còn viên quan thì phải giữ điều bí mật, khi chết thì chôn theo với mình, tuyệt đối không nói ra cho người khác biết, nếu nói thì gia đình viên quan này sẽ bị tru di cửu tộc chứ không phải là tam tộc nữa... Lý do giấu thi hài đi có hai nguyên nhân chính. Bản thân vua cũng có thể sống ở thế giới bên kia nên quan tài vua chôn rất nhiều của cải, người ta sợ bị đào bới. Lý do thứ hai, mọi người đều cho là logic nhất đó là sự trả thù lẫn nhau giữa các triều đại, người ta không tin rằng triều Nguyễn sẽ mãi mãi trường tồn mà một triều đại khác sẽ lên thay và dĩ nhiên tất cả những gì được xây dựng bởi triều Nguyễn sẽ bị đào vứt đi nơi khác, đó là một sự trả thù để con cháu không còn thờ cúng.
Vâng thưa quý khách! Bên cạnh hàng loạt các công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật và tính thẩm mỹ cao còn có gần 600 ô chữ chạm khắc các bài thơ trên Bi Đình, Hiển Đức Môn, điện Sùng Ân và Minh Lâu cũng là những kiệt tác vô giá. Đó là một bảo tàng thơ chọn lọc của nền thi ca Việt Nam đầu thế kỷ XIX.
Bên trong La Thành, các công trình kiến trúc được bố trí đối xứng nhau từng cặp qua trục chính xuyên tâm lăng. Tất cả được xếp đặt theo một trật tự chặt chẽ, có hệ thống giống như tình trạng xã hội đương thời, một xã hội được tổ chức theo chính sách Trung ương tập quyền của chế độ quân chủ tôn sùng Nho học đến mức tối đa. Bố cục kiến trúc ấy cũng nói lên cá tính, phong cách và bản lĩnh của vị vua tài ba nhà Nguyễn. Hiện nay các công trình như Tả Tùng Phong trên Tịnh Sơn, Hữu Tùng phòng trên Ý Sơn, nhà nuôi hươu nai, Tuần Lộc Hiên trên Đức Hóa Sơn, Linh Phương Các - nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi của nhà vua cùng các phi tần mỗi khi lên thăm lăng trên Đảo Thống Sơn, nhà đọc sách Truy Tư Trai trên Phúc Ấm Sơn, nơi vua thư giãn, câu cá, ngắm sen Quan Lan Sở, Hư Hoài Tạ trên đảo Trấn Thủy đều không còn tồn tại mà chỉ còn lại nền móng thôi. Các công trình ở lăng bị tàn phá chủ yếu vì thời tiết, thiên nhiên, nắng mưa, bão lũ, mối mọt, sự xâm thực của cây cối, sự thờ ơ của con người, đặc biệt là chiến tranh…
Vâng ! Bây giờ thì đoàn chúng ta sẽ tự do tham quan lăng để có sự trải nghiệm riêng, chắc có lẽ qua buổi sáng tham quan lăng ngày hôm nay tất cả ai trong chúng ta cũng hiểu rõ phần nào cuộc đời của vua Minh Mạng, đặc biệt hiểu rõ hơn về kiến trúc lăng tẩm Triều Nguyễn, đặc biệt hiểu rõ hơn về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt.
Đoàn chúng ta sẽ có 60 phút để tự do tham quan, chụp ảnh. Sau đó đoàn sẽ tiếp tục hành trình đến với chùa Thiên Mụ. Quý khách nào có thắc mắc gì xin cứ liên hệ với tôi, tôi rất vui lòng được giải đáp các câu hỏi từ quý khách. Một lần nữa xin chúc cho đoàn ccó một trải nghiệm đầy thú vị và bổ ích tại lăng Minh Mạng.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Bài Thuyết minh Lăng Minh Mạng trong hệ thống lăng tẩm Huế.doc