Báo cáo Thực tập tại công ty Xi Măng Hoàng Thạch

Trong thời gian thực tập từ ngày 3/1/2006 đến ngày 16/2/2006, vì đúng vào thời gian cuối năm nên trong thời gian này em được tham gia cùng với các cô, các chú trong phòng lập báo cáo tổng kết cuối năm 2005; báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2005 và mục tiêu kế hoạch năm 2006; báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh tháng 12-2005.

pdf26 trang | Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 4298 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Báo cáo Thực tập tại công ty Xi Măng Hoàng Thạch, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TIỂU LUẬN: Báo cáo thực tập tại công ty Xi Măng Hoàng Thạch I.Quá trình hình thành và phát triển của công ty Xi Măng Hoàng Thạch: Cách đây 30 năm, nước ta vốn là một nước công nghiệp chậm phát triển lại vừa trải qua cuộc chiến tranh lâu dài, gian khổ, ác liệt, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn. Công nghiệp, nông nghiệp còn lạc hậu, quy mô nhỏ bé và thiếu thốn về cơ sở vật chất. Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước hoạch định chiến lược phát triển kinh tế xã hội trong đó sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất xi măng. Ngày 15/12/1976, Phó Thủ Tướng Chính Phủ Đỗ Mười ký quyết định 474/TTg “phê chuẩn nhiệm vụ thiết kế nhà máy Xi Măng Hoàng Thạch” (cho phép xây dựng nhà máy) với tên gọi: Nhà Máy Xi Măng Hoàng Thạch. Địa điểm xây dựng tại thôn Hoàng Thạch (xã Minh tân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) và thôn Vĩnh Tuy (xã Vĩnh Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Hơn 3 năm, kể từ ngày Thủ Tướng Chính Phủ ra quyết định phê chuẩn nhiệm vụ thiết kế, xây dựng Nhà Máy Xi măng Hoàng Thạch. Các đơn vị tham gia thi công nhà máy đã xây dựng các hạng mục công trình được Thủ Tướng Chính Phủ giao. Để có bộ máy lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ từng bước tiếp các hạng mục công trình , tiến tới tiếp nhận toàn bộ nhà máy. Ngày 04/04/1980, Bộ Trưởng Bộ Xây Dựng Đồng Sỹ Nguyên ký quyết định số 333/BXD-TCCB về việc thành lập nhà máy Xi Măng Hoàng Thạch. Nhà máy xi măng Hoàng Thạch đặt trụ sở tại thôn Hoàng Thạch, xã Minh Tân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Nhà máy là đơn vị sản xuất kinh doanh có tư cách pháp nhân, kinh doanh theo chế độ hạch toán kinh tế, với các nhiệm vụ tổ chức sản xuất các loại xi măng theo kế hoạch của Liên Hiệp các xí nghiệp xi măng (nay là Tổng Công Ty Xi Măng Việt Nam), bảo đảm kỹ thuật, chất lượng sản phẩm và an toàn lao động. Cùng với tiến trình đổi mới và đi lên của đất nước, nhà máy xi măng Hoàng Thạch ngày càng trưởng thành và phát triển. Từ khi bước vào sản xuất, nhà máy luôn hoàn thành kế hoạch, sản lượng năm sau cao hơn năm trước, giữ được tín nhiệm của thị trường. Để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, ngày 24/09/1992, chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng Võ Văn Kiệt ký quyết định số 353/CT phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật: Mở rộng Nhà máy xi măng Hoàng Thạch trên mặt bằng nhà máy hiện có, với diện tích dây chuyền II là 10 ha. Ngày 28/12/1993, Nhà máy đã khởi công xây dựng dây chuyền II với công suất thiết kế 1,2 triệu tấn xi măng/năm, đưa công suất của Nhà Máy từ 1,1 triệu tấn xi măng/năm lên 2,3 triệu tấn xi măng/năm. Như vậy, nhà máy xi măng Hoàng Thạch trở thành một cơ sở sản xuất xi măng lớn nhất cả nước. Sau 10 năm đi vào sản xuất kinh doanh, Nhà Máy ngày càng lớn mạnh, đòi hỏi phải có sự thay đổi trong quy mô sản xuất. Ngày 12/08/1993, Bộ trưởng Bộ xây dựng ra quyết định số 363/QĐ-BXD thành lập “Công ty xi măng Hoàng Thạch” trên cơ sở hợp nhất công ty kinh doanh Xi măng số 3 Hoàng Thạch với Nhà máy xi măng Hoàng Thạch. Nhiệm vụ của công ty xi măng Hoàng Thạch lúc này không chỉ đơn thuần là sản xuất xi măng mà còn có nhiệm vụ tổ chức kinh doanh tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn 6 tỉnh phía Bắc và thủ đô Hà Nội. Đi đôi với việc triển khai thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch được giao, Đảng bộ và Ban lãnh đạo công ty còn triển khai thực hiện chỉ thị số 227/XMVN-ĐMQLDN của tổng công ty Xi măng Việt Nam ngày 02/04/1999 về việc cổ phần hoá xưởng may bao. Ngày 08/01/1999, Thủ tướng chính phủ đã ra quyết định số 04/1999/QĐ-TTg về việc chuyển xưởng May Bao thuộc công ty xi măng Hoàng Thạch thành công ty Cổ phần bao bì Hoàng Thạch, theo đề nghị của Hội đồng quản trị Tổng công ty xi măng Việt Nam. Với tổng số vốn điều lệ là 6 tỷ đồng, trong đó cổ phần Nhà nước là 1,21 tỷ đồng. Sau khi tiến hành cổ phần hoá xưởng may bao thuộc công ty Xi măng Hoàng Thạch thành công ty cổ phần bao bì Hoàng Thạch, được sự chỉ đạo trực tiếp cuả Tổng công ty xi măng Việt Nam, công ty xi măng Hoàng Thạch tiếp tục cổ phần hoá Đoàn vận tải thuỷ thành công ty cổ phần thương mại-dịch vụ-vận tải với tổng số vốn điều lệ trên 6 tỷ đồng trong đó cổ phần Nhà nước 3,354 tỷ đồng. Căn cứ Nghị quyết số 29/NQ-ĐU, ngày 18/02/2002 của Đảng uỷ công ty xi măng Hoàng Thạch về công tác tổ chức công ty cổ phần thương mại-dịch vụ-vận tải chính thức được thành lập và đi vào hoạt động. Sau 25 năm sản xuất và kinh doanh, công ty xi măng Hoàng Thạch đã thực sự trưởng thành. Giai đoạn bắt đầu sản xuất, công ty có 979 cán bộ công nhân viên, trong đó Đại học 86 người, Trung học 89 người, công nhân kỹ thuật 664 người, đến nay công ty có 2802 cán bộ công nhân viên, trong đó Đại học trên 477 người, công nhân kỹ thuật tay nghề từ bậc 4 trở lên là 1656 người. Với đội ngũ công nhân viên chức tích luỹ được nhiều kinh nghiệm, nâng cao trình độ đã vươn lên làm chủ thiết bị công nghệ, công tác sản xuất ngày càng được chủ động đảm bảo vận hành cả 2 dây chuyền an toàn hiệu quả sản lượng năm sau cao hơn năm trước. Mỗi năm công ty sản xuất ra hàng triệu tấn xi măng có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn ISO 9001 và ISO 14001 được các cơ quan chức năng trong nước và quốc tế thừa nhận. Công ty xi măng Hoàng Thạch đã đạt được những thành tích to lớn; được Đảng và Nhà nước; các Bộ, ngành ở Trung ương, được các tỉnh uỷ, UBND hai tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh tặng hàng chục huân chương các loại, hàng trăm bằng khen, cờ luân lưu, đặc biệt làn ngày 6/1/2005 công ty được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới”. II. Đặc điểm của công ty xi măng Hoàng Thạch: 1.Đặc điểm quy trình công nghệ: Hoàng Thạch là một trong những nhà máy xi măng lớn và hiện đại nhất Việt Nam, có tầm cỡ quốc tế. Công ty xi măng Hoàng Thạch có lò nung Clinker kiểu quay, sản xuất theo phương pháp khô, theo một chu trình khép kín với các giai đoạn sau: a.Giai đoạn chuẩn bị nguyên liệu: Các nguyên liệu chính để sản xuất xi măng là đá vôi và đá sét được khai thác ở các mỏ gần công ty, ngoài ra còn sử dụng nguyên liệu điều chỉnh là quặng sắt và quặng bô xít, lượng quặng sắt và quặng bô xít cho vào nhiều hay ít tuỳ thuộc vào thành phần hoá học có trong đá vôi và đá sét như: SiO2; CaO; Fe2O3; Al2O3… Đá vôi được khai thác bằng phương pháp khoan nổ cắt tầng theo quy trình và quy hoạch khai thác, đảm bảo chất lượng ổn định. Sau đó được vận chuyển tới trạm đập nghiền và đưa vào kho chứa đồng nhất. Quặng sắt và quặng bô xít được mua ngoài, vận chuyển bằng đường sông, tập kết vào kho. b.Giai đoạn nghiền liệu và đồng nhất: Đá vôi, đá sét cùng các nguyên liệu điều chỉnh được đưa vào máy nghiền liệu qua hệ thống cân cấp liệu tự động theo tỷ lệ kỹ thuật cho phép. Bột liệu sau khi nghiền mịn được đưa tới hệ thống si lô, các si lô này vừa có tác dụng để chứa đồng thời còn để đồng nhất bột liệu. c.Giai đoạn nung Clinker: Nhiên liệu để nung Clinker là dầu FO và than cám 3B. Phần than nguyên khai có chất bốc cao được đưa vào máy sấy khô và chuyển về máy nghiền, nghiền thành bột than mịn sau đó bằng hệ thống bơm khí nén về các đường ống dẫn chuyền về két chứa ở lò nung, nó được phun vào lò dưới dạng bột khí linh động nhiều hay ít tuỳ theo yêu cầu kỹ thuật của từng giờ. Dầu FO chỉ dùng để đốt sấy lò khi lò mới trở lại hoạt động sau một thời gian dừng sửa chữa bảo dưỡng, còn sau khi lò hoạt động ổn định người ta chỉ dùng than cho rẻ. Bột liệu từ các si lô chứa trước khi cho và lò được đưa qua hệ thống sấy nóng đến nhiệt độ 500-600oC mới đưa vào lò nung luyện vừa để tiết kiệm thời gian, vừa tiết kiệm được than dầu. Khí nóng dùng để sấy bột liệu được tận dụng từ khí thải trong lò ra của quá trình nung luyện trước đó. Bột liệu được nung đến vê viên nhờ các vòng quay của lò và được vận chuyển, làm lạnh, rồi đưa tới si lô chứa Clinker. Silô này vừa có tác dụng chứa, vừa có tác dụng ủ cho clinker đạt được các khoáng quy định, vừa làm nguội clinker. c.Giai đoạn nghiền xi măng: Ở giai đoạn này có thêm nguyên liệu để nghiền clinker thành xi măng là thạch cao với tỷ lệ 5% để điều chỉnh quá trình liên kết của xi măng trong thi công, còn thêm một số phụ gia pha vào xi măng như sỉ than, đá silíc, đá đen…vừa có tác dụng làm cho xi măng có màu đẹp, vừa thêm một số tính năng tác dụng khác như chịu kiềm, chịu axít…và đặc biệt là pha thêm để hạ giá thành sản phẩm xi măng. Các loại thạch cao và phụ gia kể trên đều được mua ngoài qua phương tiện đường thuỷ và vận chuyển tập kết vào kho. Clinker từ si lô chứa, thạch cao, phụ gia được tập kết vào các két chứa trước các máy nghiền. Các nguyên, vật liệu này được đưa vào nghiền qua các cân tự động theo tỷ lệ kỹ thuật quy định. Hỗn hợp này được nghiền mịn thành xi măng ở nhiệt độ 120- 150oC. Xi măng ra khỏi máy nghiền được vận chuyển tới hệ thống silô chứa xi măng, vừa để chứa, vừa làm nguội và để ủ xi măng và chờ đóng bao xuất xưởng. d.Giai đoạn xuất xi măng: Xi măng bột từ các xilô chứa được đưa tới 8 máy đóng bao (nếu xuất xi măng bao), hoặc xuất thẳng nếu xuất xi măng rời. Xi măng sau đóng bao được đưa thẳng tới các phương tiện vận tải đường bộ, thuỷ, sắt để xuất xưởng. Công ty xi măng Hoàng Thạch sản xuất xi măng theo phương pháp khô, tiên tiến hơn phương pháp ướt truyền thống mà các nhà máy xi măng đương thời đang sử dụng, vì phải đồng nhất phối liệu trong môi trường nước rồi mới sấy khô. Do vậy, phương pháp khô tiết kiệm được nước, nhiên liệu, thời gian. Toàn bộ dây chuyền sản xuất từ khâu cấp nguyên liệu đến công đoạn nghiền, đóng bao và xuất xi măng được điều khiển tự động hoàn toàn từ phòng điều khiển trung tâm của công ty thông qua hệ thống các máy tính điện tử và thiết bị vi xử lý. Kết quả thành phẩm nguyên liệu được phân tích quang phổ bằng tia Rơnghen, xác định mỗi một giờ một lần, trên cơ sở đó máy tính điện tử sẽ phân tích tính toán và điều chỉnh tỷ lệ phối liệu cho giờ tiếp theo. Gần 300 thông số công nghệ như: nhiệt độ, áp suất, lưu lượng, vòng quay, tỷ lệ các thành phần nguyên liệu, dòng điện, điện áp…được liên tục chỉ báo và ghi chép một cách tự động tại phòng điều khiển nhờ hệ thống các đồng hồ tự ghi, giúp người vận hành theo dõi, kiểm tra và xử lý khi cần thiết. Ngoài ra tại đây còn có hệ thống các sơ đồ công nghệ được gắn đèn tín hiệu thể hiện tình trạng hoạt động của từng thiết bị cùng với hệ thống Camera và truyền hình công nghiệp quan sát được trên 10 vị trí trọng yếu của dây chuyền sản xuất giúp người vận hành phát hiện các sự cố và phối hợp xử lý kịp thời. SƠ ĐỒ QUY TRÌNH CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT XI MĂNG GIAI ĐOẠN 1: SẢN XUẤT BỘT LIỆU GIAI ĐOẠN 2:SẢN XUẤT CLINKER Đất sét Đập búa Cầu trục Đập búa Đá vôi Kho đồng nhất sơ bộ đá vôi và đất sét Kho -Cát -Xỉ -Than Cấp cát và xỉ Sấy nghiền than Két than mịn Kho đồng nhất sơ bộ đá vôi và đất Sấy nghiền liệu Si lô chứa Clinker Sấy dầu Cấp liệu vào lò Lò nung Clinker Si lô đồng nhất Sà lan dầu FO Bể dầu FO Cảng nhập GIAI ĐOẠN 3: SẢN XUẤT XI MĂNG 2.Đặc điểm tổ chức bộ máy quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh: Công ty xi măng Hoàng Thạch là một doanh nghiệp nhà nước có quy mô tài chính lớn ở Việt nam hiện nay, vấn đề quản lý vốn, kinh doanh sao cho có hiệu quả tốt nhất đòi hỏi phải có một bộ máy quản lý tổ chức lãnh đạo giỏi, vừa chuyên sâu từ các vấn đề tài chính, cung cấp vật tư, nguyên, nhiên, vật liệu cho sản xuất đến kế hoạch sản xuất và tiêu thụ. Hiện tại để đáp ứng được yêu cầu đó, bộ máy tổ chức quản lý của công ty xi măng Hoàng Thạch sử dụng phương thức tổ chức quản lý theo hình ô; tức là có sự phân quyền lãnh đạo, các cấp lãnh đạo không tập trung hết quyền lực trong tay mà giao một phần cho các bộ phần chức năng. Mô hình này sẽ giúp công ty có tính chất linh hoạt cao, phản ứng nhanh với sự thay đổi của thị trường. Kho -Phụ gia -Thạch cao Két thạch cao Két phụ gia Xilô chứa clinker xuất bao ôtô xuất bao đường thủy xuất bao đường sắt Xuất xi măng rời xilô xi măng Nghiền xi măng máy đóng bao cảng nhập Đứng đầu bộ máy quản lý là Giám đốc công ty: Giám đốc công ty do tổng giám đốc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật theo đề nghị của Tổng Giám Đốc. Giám đốc là đại diện pháp nhân của công ty và chịu trách nhiệm trước tổng công ty và pháp luật về điều hành hoạt động của công ty, Giám đốc có quyền điều hành cao nhất trong công ty. Giúp việc Giám đốc trong công tác quản lý là các phó giám đốc phụ trách theo lĩnh vực công tác được phân công bao gồm: -Phó giám đốc khai thác mỏ: chịu trách nhiệm quản lý chuyên sau kỹ thuật khai thác đá, vận tải và tổ chức chỉ đạo công tác kỹ thuật, nghiệp vụ đối với xưởng xe máy, xưởng khai thác đá và phòng kỹ thuật mỏ. -Phó giám đốc cơ điện: Chịu trách nhiệm quản lý chuyên sâu về cơ khí, điện-điện tử, tự động hoá và tiến bộ kỹ thuật để tổ chức sửa chữa và bảo dưỡng chế tạo, thay thế, vận hành các thiết bị trong dây chuyền sản xuất xi măng và các thiết bị khác đảm bảo thiết bị hoạt động ổn định, liên tục, đồng bộ, chất lượng tốt. Tổ chức chỉ đạo công tác kỹ thuật nghiệp vụ đối với xưởng cơ khí, xưởng điện-điện tử, phòng kỹ thuật cơ điện. -Phó giám đốc sản xuất: chịu trách nhiệm quản lý chuyên sâu về công nghệ, tiến bộ kỹ thuật để tổ chức sản xuất clinker, xi măng từ các nguyên liệu đá vôi, đá sét, xỉ, thạch cao, than dầu và các loại vật tư khác, đảm bảo chất lượng sản phẩm nhằm phục vụ nhiệm vụ sản xuất và kinh doanh của công ty đạt hiệu quả cao nhất. Tổ chức chỉ đạo công tác kỹ thuật nghiệp vụ đối với xưởng xi măng, xưởng đóng bao, xưởng nguyên liệu, phòng kỹ thuật sản xuất. -Phó giám đốc kinh doanh-hành chính: chịu trách nhiệm về mọi hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, quản lý phòng kinh doanh và trong lĩnh vực hành chính quản trị, đời sống, y tế. Các phó giám đốc giúp việc giám đốc theo sự phân công hoặc uỷ quyền của giám đốc, chịu trách nhiệm trước giám đốc và pháp luật về nhiệm vụ được giám đốc phân công hoặc uỷ quyền. Kế toán trưởng giúp việc giám đốc công ty chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác kế toán, thống kê, tài chính của công ty và có nhiệm vụ quyền hạn theo quy định của pháp luật. Sau đó là đến các phòng ban chuyên môn, nghiệp vụ có chức năng, nhiệm vụ tham mưu giúp việc cho Giám đốc bao gồm: +Phòng kỹ thuật sản xuất: Quản lý chuyên sâu về công nghệ, tiến bộ kỹ thuật để tổ chức sản xuất clinker, xi măng từ các nguyên liệu đá vôi, sét, xỉ, thạch cao, than, dầu, và các loại vật tư khác, đảm bảo chất lượng sản phẩm nhằm phục vụ nhiệm vụ sản xuất và kinh doanh của công ty đạt hiệu quả cao nhất. +phòng kỹ thuật cơ-điện: Có chức năng quản lý chuyên sâu về cơ khí, điện-điện tử, tự động hoá và tiến bộ kỹ thuật để tổ chức sửa chữa và bảo dưỡng, chế tạo thay thế, vận hành các thiết bị trong dây chuyền sản xuất xi măng và các thiết bị khác đảm bảo thiết bị hoạt động ổn định, liên tục, đồng bộ, chất lượng tốt nhằm phục vụ nhiệm vụ sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất. +phòng Kỹ thuật mỏ: có chức năng quản lý chuyên sâu kỹ thuật khai thác đá, vận tải và tổ chức chỉ đạo công tác kỹ thuật, nghiệp vụ đối với xưởng xe máy và xưởng khai thác đá, nhằm nâng cao hiệu quả công tác khai thác vận chuyển, sửa chữa phương tiện thiết bị xe máy dáp ứng kịp thời cho sản xuất kinh doanh của công ty. +phòng tổ chức lao động: có chức năng quản lý tổ chức nhân sự, lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trình độ nghiệp vụ tay nghề. Xác định mức lao động và theo dõi thời gian làm việc, theo dõi chi trả lương của cán bộ công nhân viên trong toàn công ty. +phòng kế hoạch: có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, theo dõi thực hiện kế hoạch cung ứng vật tư, sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm; tiến hành hợp đồng kinh tế với các chủ thể ngoài công ty. Đồng thời tham mưu cho ban giam đốc chỉ đạo kịp thời các kế hoạch dài hạn, ngắn hạn với hiệu quả cao nhất. +phòng vật tư: có nhiệm vụ mua sắm vật tư và tiếp nhận nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ sản xuất. Tham gia tư vấn cho ban giám đốc về lĩnh vực vật tư, phụ tùng, nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào. + phòng hành chính quản trị: có chức năng quản lý nghiệp vự và tài sản thuộc lĩnh vực hành chính, văn thư, quản trị dịch vụ và các loại phương tiện vận tải đưa đón cán bộ lãnh đạo đi làm việc, công tác. +Phòng kế toán: Có chức năng quản lý tài chính và giám sát mọi hoạt động kinh tế tài chính trong công ty, tổ chức chỉ đạo thực hiện toàn bộ công tác kế toán-thống kê- thông tin kinh tế và hạch toán kinh tế tài chính của nhà nước tại công ty. +Phòng đời sống: có chức năng quản lý và tổ chức các nhà ăn phục vụ cho 2 bữa ăn chính của công nhân viên ở tập thể, các bữa ăn giữa ca, bữa ăn của khách đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, vệ sinh sạch sẽ, đồng thời quản lý các nhà trẻ mẫu giáo, nuôi dạy trẻ. +phòng y tế: có chức năng nhiệm vụ quản lý chăm sóc sức khoẻ, tổ chức phòng bệnh, phòng dịch, vệ sinh môi trường, cấp cứu, khám bệnh và điều trị cho cán bộ, công nhân theo khả năng chuyên môn và phân cấp của ngành y tế, phục vụ tốt việc điều trị tại chỗ nhằm duy trì sức khoẻ cho toàn thể công nhân viên. +Phòng điều khiển trung tâm: là trung tâm điều khiển toàn bộ máy móc và hoạt động của nhà máy bằng hệ thống máy tính và các máy móc tự động hoá. +Phòng thí nghiệm-KCS: chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng sản phẩm xuất ra và nguyên liệu đầu vào. +Phòng kinh doanh: có chức năng nhiệm vụ tổ chức, điều tra, nghiên cứu thị trường, chịu trách nhiệm quản lý và tổ chức mọi hoạt động kinh doanh tại công ty. +Phòng bảo vệ quân sự: có chức năng nhiệm vụ bảo vệ trật tự an ninh, tài sản và hạ tầng cở sở của công ty. +Ban kỹ thuật an toàn: có chức năng nhiệm vụ quản lý về an toàn kỹ thuật và an toàn môi trường. +Tổng kho: chịu trách nhiệm quản lý tất cả các kho lưu trữ vật tư, thiết bị, nguyên vật liệu. +Tổ thẩm định: có chức năng trợ giúp giám đốc trong việc thẩm định lại giá vật tư, phụ tùng, nguyên vật liệu mua vào, các hồ sơ đấu thầu xem có đúng với luật pháp quy định hay không. +Ban quản lý dự án dây chuyền 3: có chức năng quản lý và tổ chức toàn bộ hoạt động liên quan đến việc xây dựng dây chuyền Hoàng Thạch 3. +Xưởng điện-điện tử: chịu trách nhiệm sửa chữa thiết bị điện trong công ty. +Xưởng cơ khí: chịu trách nhiệm sửa chữa thiết bị, máy móc phần cơ khí. +Xưởng nước: Quản lý và sửa chữa các trạm bơm nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của cán bộ công nhân viên trong công ty. +Xưởng đóng bao, Xi măng, lò nung, nguyên liệu: quản lý và sửa chữa hệ thống công nghệ thuộc công đoạn đóng bao, nghiền xi măng, lò nung, và nguyên liệu đầu vào. +Xưởng khai thác: chịu trách nhiệm và tổ chức các hoạt động nổ mìn khai thác đá vôi, đá sét. +Xưởng xe máy: có chức năng quản lý và sửa chữa xe, máy xúc, xe vận chuyển trong công ty. Tất cả các phòng ban chức năng trong bộ máy quản lý của công ty đều có thể tham gia, tư vấn, góp ý kiến cho ban giám đốc về các lĩnh vực thuộc phạm vi đơn vị mình quản lý, phụ trách; sao cho ban giám đốc ra được các quyết định chính xác, hợp lý phục vụ cho công tác sản xuất kinh doanh của công ty đạt hiệu quả cao nhất. III. Thực trạng hoạt động của công ty Xi Măng Hoàng Thạch đến năm 2005: Công ty Xi Măng Hoàng Thạch đã và đang hoạt động được 25 năm, trong đó năm 2005 là năm thứ 22 công ty sản xuất kinh doanh tiêu thụ sản phẩm theo chỉ tiêu định hướng của nhà nước. Năm 2005 là năm kỷ niệm 25 năm ngày thành lập công ty và đón nhận danh hiệu anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới…đồng thời vì mục tiêu cùng với các đơn vị thành viên trong tổng công ty xi măng giữ ổn định chất lượng, đáp ứng đủ và nhằm ổn định thị trường tiêu thụ xi măng trong nước, tình hình hoạt động của công ty diễn ra như sau: 1.Tình hình sản xuất-kinh doanh đến năm 2005: Khoảng 10 năm trở lại đây, công ty luôn sản xuất vượt mức kế hoạch đặt ra, năm sau cao hơn năm trước. Công tác lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch luôn được chú trọng. Để đảm bảo hiệu quả sản xuất, cùng với kế hoạch sản xuất tổng thể các bản kế hoạch cụ thể về các mảng như: xây dựng cơ bản, sửa chữa lớn, vận chuyển, mua sảm thiết bị lẻ, phụ tùng…. được song song lập và thực hiện để đảm bảo thực hiện được kế hoạch sản xuất tổng thể. Cụ thể tình hình sản xuất- kinh doanh của công ty trong năm 2005 như sau: Kết quả sản xuất và tiêu thụ của năm 2005: -Tổng sản lượng tiêu thụ đạt 3.534.205,211 tấn, bằng 100,4% kế hoạch năm. Trong đó: +xi măng : KH năm = 3.520.000 tấn; Thực hiện= 3.495.205,211 tấn, bằng 100,4%. +Clinker: KH năm= 40.000 tấn; Thực hiện= 30.000 tấn, bằng 97,5%. -Nộp ngân sách ước đạt: 135 tỷ đồng, bằng 103,8% kế hoạch năm. -Lợi nhuận ước đạt: 275 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch năm. a.về sản xuất: Công ty đã tăng cường công tác quản lý, theo dõi bảo dưỡng thiết bị để xử lý nhanh những sự cố về cơ, điện, công nghệ trên dây chuyền sản xuất để đưa thiết bị trở lại hoạt động ổn định. Đồng thời công ty cũng tổ chức giám sát chặt chẽ hệ số phối liệu từ khâu khai thác nguyên liệu đến khâu vận hành thiết bị để giữ phối liệu ổn định. Công ty hiện nay đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng hệ thống đếm bao tự động nên đã tiết kiệm nhân lực và đảm bảo tính chính xác trong từng khâu xuất hàng. Kế hoạch cung cấp phụ gia đồng thời cân đối từng loại phụ gia, thử nghiệm khả năng hoạt tính, khả năng cải thiện màu sắc để xác định tỷ lệ pha tối ưu đang được tích cực triển khai. Ngoài ra, công ty cũng đã triển khai sản xuất thử thành công Clinker mác cao, tiến tới sản xuất đại trà để tăng tỷ lệ pha phụ gia, giảm giá thành sản phẩm. Hiện nay, công ty đã sản xuất xi măng PCB40 để đưa vào tiêu thụ tại thị trường miền nam nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường đồng thời để đảm bảo giữ vững, ổn định thị trường truyền thống và từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ hơn nữa… (bắt đầu từ tháng 10/2005 ). Ngoài ra, trong năm 2005, công ty còn tổ chức được nhiều chuyên đề khoa học có giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn cho sản xuất của công ty như: đề tài sử dụng quặng sắt Lạng Sơn, đề tài pha phụ gia từ 15%- 20% trong sản xuất xi măng PCB40, đề tài nghiên cứu chế tạo lắp đặt lò đốt phụ cho nghiền than K2… Về sản phẩm gạch chịu lửa vẫn chưa mở rộng được thị trường tiêu thụ, các công ty thành viên trong tổng công ty chưa quen sử dụng gạch nội và giá thành sản xuất cao do giá nguyên vật liệu đầu vào cao, nên sản lượng tiêu thụ của nhà máy vật liệu chịu lửa kiềm tính chưa cao. Nhưng nhà máy vật liệu chịu lửa kiềm tính vẫn khắc phục những khó khăn do phải dừng sản xuất nhiều ngày để sửa chữa và những khó khăn do nguồn nguyên vật liệu cung cấp cho sản xuất để tiếp tục sản xuất, sản lượng vật liệu chịu lửa sản xuất và tiêu thụ đều đạt vượt kế hoạch đề ra. b. về sửa chữa thiết bị: Trong năm 2005, công ty đã quản lý tốt khâu sửa chữa thiết bị từ việc xây dựng kế hoạch đến tổ chức thực hiện đúng qui trình , phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật để rút ngắn thời gian, đảm bảo chất lượng và tiết kiệm vật tư trong sửa chữa. Khi dừng lò sửa chữa với khối lượng công việc lớn, công ty đã chủ động kết hợp với công ty lắp máy và xây dựng 69.3, 69.1, công ty xây dựng 201 và các đơn vị gia công chế tạo phụ tùng để tiến hành sửa chữa. Vì vậy các đợt dừng sửa chữa đều đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chất lượng và đúng tiến độ đề ra. Chủ động duy trì công tác vệ sinh, bảo dưỡng góp phần đưa thiết bị hoạt động ngày một ổn định hơn, dài ngày hơn. Ngoài việc sửa chữa thiết bị trong dây chuyền sản xuất chính, công ty thường xuyên quan tâm kết hợp sửa chữa đồng thời các công trình kiến trúc, các thiết bị xe máy, khai thác mỏ theo đúng kế hoạch tổng công ty giao góp phần ổn định sản xuất. c.công tác vật tư, phụ tùng: Căn cứ vào kế hoạch sản xuất hàng tháng, tiến độ và thời gian sửa chữa lớn thiết bị, công ty đã đảm bảo đầy đủ nguyên, nhiên vật liệu, vật tư, phụ tùng cho sản xuất và sửa chữa thiết bị. Chất lượng vật tư, phụ tùng, nguyên nhiên vật liệu nhập về được kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo yêu cầu. Công tác phụ tùng luôn đợc quan tâm theo dõi chặt chẽ, các đơn hàng phụ tùng nhập ngoại được rà xét và triển khai sớm kịp thời phục vụ sản xuất. Phụ tùng đặt hàng trong nước chất lượng ngày một nâng cao do tận dụng ưu thế về chất lượng từng loại phụ tùng đối với từng đơn vị gia công chế tạo. Luôn tổ chức rà soát lại toàn bộ hệ thống thiết bị công nghệ, thiết bị cơ, điện để có kế hoạch đặt hàng phụ tùng thay thế hợp lý đáp ứng kịp thời nhu cầu sửa chữa. Trong quá trình mua vật tư, phụ tùng, công ty luôn bám sát giá cả thị trường để chỉ đạo việc mua sắm đảm bảo giá cả hợp lý theo đúng quy định của nhà nước và chỉ đạo của tổng công ty xi măng Việt Nam. Ngoài những đối tượng và thị trường mua sắm vật tư truyền thống, để đảm bảo mua được hàng với chất lượng tốt và giá cả hợp lý, công ty đã mở rộng đối tượng và thị trường mua sắm thông qua chào giá cạnh tranh và mời thầu rộng rãi góp phần làm hạ giá thành sản phẩm. Trong năm 2005, công ty đã tổ chức kiểm kê, rà soát toàn bộ số vật tư, phụ tùng tồn kho lâu ngày, mất, kém chất lượng, không sử dụng. Đã hợp đồng thuê thẩm định chất lượng, thẩm định giá và dã bán thu hồi vốn về cho công ty. d.về kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm: Trong năm 2005, giá cả xi măng trên thị trường ổn định , không có biến động về giá, đồng thời công ty đã thực hiện tiết kiệm chi phí bán hàng bình quân trên 10.000đ/tấn xi măng theo chỉ đạo của tổng công ty. Mới đây, ngoài thị trường truyền thống , công ty còn mở rộng thêm thị trường tại Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng và Hà Tây, đề ra biện pháp tiêu thụ tại các chi nhánh phù hợp với cơ chế như: giao cho các chi nhánh ký kết với các đại lý hoa hồng, đồng thời giao khoán gọn chi phí vận tải, bốc xếp và thu tiền trước khi xuất hàng, tổ chức hội nghị khách hàng để đúc kết kinh nghiệm, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thành viên trong tổng công ty…vì vậy, mà thu hồi vốn nhanh, không để xảy ra nợ tồn đọng lâu hoặc thất thoát tài chính và hoàn thành kế hoạch tiêu thụ đề ra. e.về công tác xây dựng cơ bản: Trong những năm qua, công ty đã thực hiện theo đúng các hạng mục công trình được duyệt và theo đúng trình tự qui định hiện hành của nhà nước. Cụ thể năm 2005, tổng giá trị đầu tư xây dựng là: 175,545 tỷ đồng, theo kế hoạch đã được tổng công ty duyệt là 16,723 tỷ đồng, thực hiện cả năm 2005 là: 14,726 tỷ đồng, bằng 88,058% kế hoạch tổng công ty giao. Trong đó: Dây chuyền I và các công trình đồng bộ đạt 4,328 tỷ, bằng 82,28% KH; dây chuyền II đạt 9,258 tỷ, bằng 89,6% KH; dây chuyền II đạt 1,140 tỷ đồng, bằng 100% KH tổng công ty giao. Trong năm 2005, công ty tiếp tục triển khai thi công các công trình chuyển tiếp từ năm 2004 sang và đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng các công trình như: cải tạo mương thoát nước từ cổng chính nhà máy đến công trình 19.1, nhà làm việc xưởng xi măng, gói thầu mua sắm thiết bị số 5 và số 7 cho xưởng khai thác. Đồng thời công ty tiếp tục đôn đốc các công trình đang thi công dở dang như: nhà xưởng điện-điện tử, lọc bụi 48.3 đảm bảo tiến độ bàn giao đưa vào sử dụng, tiếp tục giải quyết các vướng mắc và hoàn chỉnh thiết kế, dự toán bổ xung kiến thiết cơ bản mỏ Áng Dâu để bàn giao đưa vào sử dụng từ đầu năm 2006. Dây chuyền Hoàng Thạch 3 về cơ bản đã xét thầu xong gói thầu thiết bị chính giai đoạn 2. f. công tác tổ chức, đào tạo và lao động tiền lương: *Công tác tổ chức: Công ty đã thành lập tổ giám sát hợp đồng lixăng thuộc phòng kinh doanh công ty từ tháng1/2005; chuyển giao nhiệm vụ phòng xây dựng cơ bản và một phần của ban quản lý công trình cho các phòng kế hoạch, phòng kĩ thuật cơ điện, phòng kĩ thuật sản xuất, phòng khai thác mỏ từ 01/6/2005; quyết định đổi tên xưởng xây dựng cơ bản nội bộ thành xưởng sửa chữa công trình. Đã sắp xếp, điều động, đề bạt, ổn định tổ chức phù hợp với tình hình hoạt động của cả 2 dây chuyền như: +Bổ nhiệm mới 16 cán bộ gồm: 01 quản đốc; 04 phó quản đốc; 04 phó phòng ban chi nhánh; 01 trưởng chi nhánh; 06 trưởng ca; thực hiện điều động luân chuyển 04 cán bộ. Bổ nhiệm lại 31 trưởng phó phòng ban chi nhánh, quản đốc và phó quản đốc; 12 trưởng ca. +Tiếp nhận thêm 23 kỹ sư các ngành (điện, silicát, luật, trắc địa, cơ khí, kinh tế..); 23 công nhân kỹ thuật, nghề vận hành thiết bị sản xuất xi măng; tuyển 06 lao động hợp đồng ngắn hạn để bổ sung cho số lao động nghỉ hưu tại phòng đời sống công ty; tuyển dụng 21 con cán bộ công nhân viên công ty để đào tạo công nhân kỹ thuật xây vá lò. *công tác lao động, tiền lương: Công ty đã thực hiện việc giao khoán đơn giá tiền lương năm 2005 cho các đơn vị trong công ty đồng thời thực hiện tốt công tác chuyển đổi lương mới cho cán bộ công nhân viên theo nghị định 205/2005NĐ/CP; duyệt và trình duyệt quyết toán tiền lương, thưởng cho cán bộ công nhân viên nhanh, đảm bảo tiến độ. g.công tác quản lý tài chính: Hoạt động tài chính trong năm 2005 của công ty luôn ổn định và lành mạnh. Đồng vốn được bảo toàn và phát triển, quản lý và sử dụng đúng mục đích, đạt được hiệu quả cao. Không để thất thoát tài sản, vật tư, tiền vốn, không để phát sinh công nợ dây dưa, khó đòi. Trả nợ vay ngân hàng kịp thời, giảm số dư nợ vay vốn lưu động. Thực hiện thanh toán nợ phải trả đối với khách hàng đúng quy định của hợp đồng, không có nợ quá hạn. Cụ thể năm 2005 các chỉ tiêu tài chính ước đạt ở mức cao, hoàn thành kế hoạch được giao. Lợi nhuận ước đạt 275 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch năm, cao hơn thực hiện năm 2004 là 47,752 tỷ đồng; nộp ngân sách ước đạt 135 tỷ đồng, bằng 103,8% kế hoạch năm và cao hơn thực hiện năm 2004 là 5,104 tỷ đồng. h.công tác tiết kiệm: Để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và hạ giá thành sản phẩm để tăng cường sức cạnh tranh, công ty đã chỉ đạo và áp dụng nhiều biện pháp tiết kiệm như: Tiết kiệm trong chi phí lưu thông, tiết kiệm trong mua vật tư, phụ tùng và tiết kiệm trong chi phí văn phòng… Công ty đã đặc biệt chú trọng trong việc tiết kiệm dầu, tăng tỷ lệ chạy than, tiết kiệm điện trong giờ cao điểm và làm tốt công tác phối liệu để duy trì lò chạy dài ngày với năng suất cao. Nên năm 2005 giá trị tiết kiệm dự tính đạt được khoảng 30 tỷ đồng. 2. Những vấn đề lớn còn tồn tại: Trong thời gian hoạt động, công ty đã đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng kiểm điểm vào từng việc còn có những thiết sót tồn tại cần được khắc phục như sau: Trong những năm gần đây, tình hình kinh tế-xã hội của đất nước tương đối ổn định , tốc độ đầu tư xây dựng tăng mạnh dẫn đến nhu cầu tiêu thụ xi măng liên tục tăng. Trong khi đó điều kiện thiết bị dây chuyền 1 sau thời gian hoạt động trên 20 năm đã xuống cấp và nhiều thời điểm phải hoạt động trên công suất thiết kế mới đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của thị trường nên đã gây áp lực cho tình hình sản xuất của công ty. Hơn thế nữa, đợt hạn hán trong năm 2005 vừa qua dẫn đến việc cung cấp điện không ổn định, điều đó đã gây khó khăn đáng kể cho tình hình sản xuất của công ty. Cùng lúc đó, trên thị trường giá vật tư đầu vào cho sản xuất liên tục tăng (xăng dầu, sắt thép, vỏ bao…); Trong điều kiện kinh tế cạnh tranh hiện nay, thực hiện chỉ đạo của tổng công ty, về việc hỗ trợ các đơn vị thành viên trong tổng công ty đã làm tăng giá thành sản phẩm sản xuất của công ty nhưng theo chỉ đạo của chính phủ thì sản phẩm xi măng vẫn không được tăng giá nên đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến một số chỉ tiêu tài chính của công ty. Do là một thành viên trong tổng công ty xi măng Việt Nam nên vùng tiêu thụ sản phẩm của công ty được tổng công ty chỉ định trước, chính điều này đã làm hạn chế tính chủ động của công ty. Hoạt động tiêu thụ của công ty xi măng Hoàng Thạch đang rất thụ động: giá cả, số lượng sản phẩm sản xuất và khách hàng đang khá phụ thuộc vào tổng công ty. Ví dụ: năm 2005 vừa qua công ty tiếp tục thực hiện hợp đồng Li xăng với công ty xi măng Hoàng Mai theo chỉ đạo của tổng công ty, công ty đã nhường lại một phần thị trường khu vực miền trung cho sản phẩm xi măng Li măng, nên đã ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ sản phẩm sản xuất tại công ty. Năm 2005, trên thị trường xuất hiện nhiều thương hiệu xi măng mới cùng tham gia với cơ chế hết sức linh hoạt, cạnh tranh một cách gay gắt với công ty. Tuy rằng, hiện nay tổng công ty xi măng Việt Nam vẫn gần như là một tổ chức độc quyền nên sẽ có lợi thế là chưa bị cạnh tranh về giá, nhưng nếu trong năm tới nước ta gia nhập WTO thì các liên doanh sản xuất xi măng với nước ngoài sẽ xuất hiện ngày càng nhiều, hoạt động rộng rãi thì họ sẽ là những đối thủ cạnh tranh vô cùng nguy hiểm do trình độ về công nghệ sản xuất và quản lý tốt nên giá thành 1 bao xi măng của họ sẽ thấp hơn. Ví dụ: công ty xi măng Phúc Sơn tại Kinh Môn- Hải Dương (liên doanh công nghệ Nhật Bản ), công ty xi măng Nghi Sơn tại Thanh Hoá (công nghệ Nhật Bản )… Nhưng trong khi đó, công tác nghiên cứu thị trường tại công ty không được xem trọng mà các chỉ tiêu sản xuất đề ra chỉ dựa vào các bản báo cáo và sản lượng tiêu thụ của kì trước. Nếu công ty không sớm có các biện pháp Marketing thì trong tương lai việc mất dần thị trường là điều đáng lo ngại. Bên cạnh đó do giá xăng dầu và một số loại vật tư tăng cao cũng đã ảnh hưởng đến công tác tiêu thụ sản phẩm. Các biện pháp của công ty để đẩy nhanh tiến độ sản xuất mà vẫn đảm bảo chất lượng chỉ nghiêng về mặt kỹ thuật chứ không chú ý đến việc lập kế hoạch sản xuất một cách logic, khoa học và tận dụng triệt để lợi ích do kế hoạch sản xuất đem lại. Do vậy, bản kế hoạch sản xuất chỉ đơn thuần là đưa ra mức sản phẩm phải hoàn thành trong một kì, chứ chưa được dùng để theo dõi tiến độ, để lên kế hoạch nhu cầu sản xuất. Việc theo dõi tiến độ được tiến hành tại phòng điều hành trung tâm, việc cung cấp các nguyên liệu cho nhu cầu sản xuất tiến hành theo công suất của máy móc thiết bị khoan khai thác, chứ không được lập thành một bản kế hoạch khoa học để theo dõi và điều chỉnh tại phòng kế hoạch. Một phần nguyên nhân của vấn đề này là do cán bộ quản lý của công ty đều là những cán bộ được đào tạo chuyên ngành kỹ thuật, các cán bộ thuộc phòng kế hoạch hầu hết đều là những người được đào tạo theo các chuyên ngành khác như: , kĩ thuật, xây dựng, ngoại ngữ, kinh tế quản trị kinh doanh… chứ không phải chuyên ngành kinh tế kế hoạch. Các cán bộ quản lý tuy đã được bồi dưỡng thêm nghiệp vụ về kinh tế nhưng hiện nay các biện pháp về lập kế hoạch vẫn chưa được áp dụng nhiều. Hiện nay, khách hàng của công ty hầu hết đều là khách hàng chỉ định (công ty vật tư kĩ thuật xi măng, công ty xi măng vật liệu xây dựng Đà Nẵng, công ty kinh doanh thạch cao xi măng) và khách hàng nhỏ, lẻ. Còn khách hàng là các công trình xây dựng lớn trên toàn quốc là rất ít. Nguyên nhân của vấn đề này là do phương thức thanh toán của công ty không cho phép nợ tồn đọng quá lâu, giá xi măng của công ty hiện nay là khá cao nên gây tâm lí e ngại cho các chủ thầu xây dựng. Tình hình thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt thấp so với nghị quyết đề ra do chưa triển khai xây dựng dây chuyền HT3 (còn đang trong giai đoạn xét thầu). Các công trình đồng bộ phải sửa đổi nhiều lần do các qui định của nhà nước thay đổi. Cụ thể nguyên nhân dẫn đến công tác đầu tư xây dựng không đạt mục tiêu đề ra là do: hầu hết các hạng mục đầu tư xây dựng của năm đang ở bước chuẩn bị đầu tư. Trong khi đó các Nghị định, thông tư hướng dẫn đầu tư xây dựng lại có nhiều thay đổi, bổ sung theo yêu cầu của luật xây dựng mới được ban hành nên thủ tục một số công trình phải điều chỉnh, sửa đổi hoặc làm lại nhiều lần gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Dây chuyền HT3 cơ bản đã xét xong gói thầu thiết bị chính giai đoạn 2, nên chưa triển khai ký được hợp đồng mua thiết bị, hợp đồng khảo sát, thiết kế xây dựng, trong khi nguồn vốn kế hoạch đầu tư xây dựng HT3 đã được dự kiến cho việc thực hiện các công việc này. Do sản phẩm gạch chịu lửa vẫn chưa mở rộng được thị trường tiêu thụ , do tâm lý của các công ty thành viên trong tổng công ty chưa quen sử dụng sản phẩm nội cho nên sản lượng tiêu thụ của nhà máy vật liệu chịu lửa kiềm tính chưa cao. Hơn thế nữa do thời gian dừng sản xuất để sửa chữa nhiều ngày và do nguồn nguyên vật liệu cung cấp cho sản xuất gặp rất nhiều khó khăn vì vậy năng suất của nhà máy vật liệu chịu lửa kiềm tính thấp. IV. Công việc tham gia ở nơi thực tập và đề xuất hướng đề tài: Trong thời gian thực tập từ ngày 3/1/2006 đến ngày 16/2/2006, vì đúng vào thời gian cuối năm nên trong thời gian này em được tham gia cùng với các cô, các chú trong phòng lập báo cáo tổng kết cuối năm 2005; báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2005 và mục tiêu kế hoạch năm 2006; báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh tháng 12-2005. Bản báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2005 và mục tiêu kế hoạch năm 2006 gồm 2 phần: Phần I: tình hình sản xuất- kinh doanh năm 2005 Phần II: phương hướng, nhiệm vụ năm 2006 Trong đó, phần I bao gồm các nội dung về: I.Đặc điểm tình hình của công ty năm 2005 II.Kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất-kinh doanh năm 2005: 1.Tổng sản lượng sản xuất và tiêu thụ: 2.Nộp ngân sách ước đạt 3.Lợi nhuận ước đạt. III. Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch: 1.Về sản xuất 2.về sửa chữa thiết bị 3.Công tác vật tư, phụ tùng 4.Về kinh doanh tiêu thụ sản phẩm 5. Về công tác xây dựng cơ bản 6.Công tác tổ chức, đào tạo và lao động tiền lương 7.Công tác quản lý tài chính 8.Công tác tiết kiệm 9.Các mặt công tác khác Phần II: phương hướng nhiệm vụ năm 2006 bao gồm các nội dung về: I.Dự kiến kế hoạch sản xuất-kinh doanh năm 2006 II. Những biện pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch năm 2006: 1.Biện pháp công nghệ: bao gồm các biện pháp liên quan đến khâu nguyên liệu, bán thành phẩm đến thanch phẩm trong quá trình sản xuất; qui hoạch và tổ chức khai thác6 2.Biện pháp về sửa chữa và đầu tư thiết bị 3.Công tác vật tư, phụ tùng 4.Công ác tiêu thụ sản phẩm 5.Công tác quản lý 6.Công tác bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ công nhân viên. 7.Công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng cháy chữa cháy. 8.Công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Tất cả các con số trong các bản báo cáo tổng kết được tính toán dựa trên việc tính toán sản lượng sản xuất và tiêu thụ thực tế. Các số liệu đó thu thập từ bản báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch hàng tháng và hàng quí tại công ty và do các chi nhánh gửi đến. Sản lượng dự kiến sản xuất năm 2006, dựa trên năng lực sản xuất của máy móc thiết bị trên cả hai dây chuyền sản xuất sau khi được cân đối. Dựa vào nội dung công việc đã tham gia và những tình hình của công ty xi măng Hoàng Thạch, em xin đưa ra 3 hướng đề tài như sau: -Giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty xi măng Hoàng Thạch. -Giải pháp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của công ty xi măng Hoàng Thạch. -Kế hoạch tài chính ( kế hoạch này thuộc phòng Tài Vụ làm chuyên sâu hơn, phòng kế hoạch chỉ có những con số sơ bộ). MỤC LỤC I.Quá trình hình thành và phát triển của công ty Xi Măng Hoàng Thạch: ....................... 1 II. Đặc điểm của công ty xi măng Hoàng Thạch:............................................................ 4 1.Đặc điểm quy trình công nghệ: ................................................................................... 4 a.Giai đoạn chuẩn bị nguyên liệu: .................................................................................. 4 b.Giai đoạn nghiền liệu và đồng nhất: ............................................................................ 5 c.Giai đoạn nung Clinker: .............................................................................................. 5 c.Giai đoạn nghiền xi măng: .......................................................................................... 6 d.Giai đoạn xuất xi măng: .............................................................................................. 6 2.Đặc điểm tổ chức bộ máy quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh: .............................. 9 III. Thực trạng hoạt động của công ty Xi Măng Hoàng Thạch đến năm 2005: .............. 14 1.Tình hình sản xuất-kinh doanh đến năm 2005: .......................................................... 14 a.về sản xuất: ............................................................................................................... 15 b. về sửa chữa thiết bị: ................................................................................................. 16 c.công tác vật tư, phụ tùng: .......................................................................................... 16 d.về kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm: ............................................................................. 17 e.về công tác xây dựng cơ bản: .................................................................................... 17 f. công tác tổ chức, đào tạo và lao động tiền lương:...................................................... 18 g.công tác quản lý tài chính: ........................................................................................ 19 h.công tác tiết kiệm: ..................................................................................................... 19 2. Những vấn đề lớn còn tồn tại: .................................................................................. 20 IV. Công việc tham gia ở nơi thực tập và đề xuất hướng đề tài: ................................... 23

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf564_919.pdf
Luận văn liên quan