Mục lục
A. ĐẶT VẤN ĐỀ Error! Bookmark not defined.
B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ 1
I. Vấn đề chung về biện pháp ngăn chặn bắt người 1
1.Khái niệm 1
2.Mục đích và ý nghĩa của biện pháp bắt người trong tố tụng hình sự 1
2.1.Mục đích 1
2.2. Ý nghĩa của biện pháp bắt người 1
II. Quy định của pháp luật tố tụng hình sự về các trường hợp bắt người 2
1.Bắt bị can, bị cáo để tạm giam. 2
2.Bắt người trong trường hợp khẩn cấp. 4
3.Bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã 6
4.Bắt người trong một số trường hợp đặc biệt 7
4.1. Bắt Đại biểu quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân phạm tội 7
4.2.Bắt người chưa thành niên phạm tội 8
4.3.Bắt người nước ngoài phạm tội. 9
5.Những việc cần làm sau khi bắt hoặc nhận người bị bắt. 9
III. Thực trạng thực hiện biện pháp ngăn chặn bắt người 10
1.Những điểm đã đạt được. 10
2.Những điểm chưa đạt được: 11
IV. Một số ý kiến và vấn đề hoàn thiện biện pháp ngăn chặn bắt người trong LTTHS. 12
1. Hoàn thiện một số quy định của LTTHS. 12
2. Hoàn thiện các cơ quan có thẩm quyền bắt người. 14
3. Một số biện pháp khác 15
C.KẾT THÚC VẤN ĐỀ 15
Danh mục tài liệu tham khảo 17
Danh mục viết tắt
Bộ luật tố tụng hình sự BLTTHS
Cơ quan điều tra CQĐT
Viện kiểm sát nhân dân VKSND
Tòa án nhân nhân TAN
18 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3498 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Biện pháp ngăn chặn bắt người, một số vấn lý luận và thực tiễn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Mục lục
Danh mục viết tắt
Bộ luật tố tụng hình sự BLTTHS
Cơ quan điều tra CQĐT
Viện kiểm sát nhân dân VKSND
Tòa án nhân nhân TAN
ĐẶT VẤN ĐỀ
Bắt người là biện pháp ngăn quan trọng được quy định tại Chương VI Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Đây là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất trong hệ thống biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự, là cơ sở pháp lý để cơ quan tiến hành tố tụng và người có thẩm quyền có thể tác động một cách hợp pháp đến một số quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp và pháp luật quy định và bảo hộ nhằm ngăn chặn tội phạm, ngăn ngừa tội phạm trốn tránh pháp luật hoặc có hành vi gây khó khăn trong tố tụng hình sự cũng còn là một phương tiện góp phần đảm bảo thực hiện các quyền tự do dân chủ của công dân, hạn chế và ngăn ngừa sự xâm phạm một cách tùy tiện trái pháp luật đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Tuy nhiên trong quy định của pháp luật còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc nhất định cùng với nhận thức của những người áp dung biện pháp này mà còn tồn tại những trường hợp áp dụng không phù hợp với quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Chính vì vậy em chọn đề tài “bắt người trong tố tụng hình sự và việc hoàn thiện pl nhằm nâng cao hiệu quả nhằm áp dụng biện pháp này”
B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
I. Vấn đề chung về biện pháp ngăn chặn bắt người
1.Khái niệm
Bắt người là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự, do người có thẩm quyền áp dụng, tạm thời hạn chế tự do thân thể đối với bị can, bị cáo hoặc người chưa bị khởi tố( trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang) theo những trình tự, thủ tục mà pháp luật tố tụng hình sự quy định, nhằm ngăn chặn tội phạm, người thực hiện tội phạm chốn tránh pháp luật, bảo đảm cho việc tiến hành hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án Ts. Trần Quang Tiệp. Về tự do cá nhân và biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự. Tr 73
2.Mục đích và ý nghĩa của biện pháp bắt người trong tố tụng hình sự
2.1.Mục đích
-Nhằm kịp thời ngăn chặn tội phạm;
- Ngăn chặn việc bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử;
- Ngăn chăn để bị can, bị cáo không tiếp tục phạm tội;
- Ngăn chặn hành vi gây khó khăn, cản trở việc thi hành án.
2.2. Ý nghĩa của biện pháp bắt người
- Biện pháp ngăn chặn bắt người thể hiện sự chuyên chính của nhà nước xã hội chủ nghĩa trong việc đấu tranh, phòng chống tội phạm. Thể hiện đường lối, chính sách của nhà nước ta trong việc xử lý những hành vi phạm tội. Việc quy định biện pháp bắt người thể hiện thái độ kiên quyết, triệt để của nhà nước trong việc đấu tranh phòng ngừa tội phạm.
- Biện pháp ngăn chặn bắt người đảm bảo cho hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng được thuận lợi, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Trong nhiều vụ án do tính chất phức trạp, người phạm tội cố tình trốn tránh, gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Việc bắt các đối tượng này là phương tiện hữu hiệu góp phần quan trọng hạn chế tình trạng đó.
- Biện pháp ngăn chặn bắt người là phương tiện giúp việc ngăn chặn tội phạm được kịp thời và hiệu quả: Việc này có ý nghĩa rất lớn trong việc giảm bớt hậu quả của tội phạm. Kịp thời ngăn chặn tội phạm không những bảo vệ được đối tượng tác động của tội phạm mà còn ngăn chặn và hạn chế hậu quả do tội phạm gây ra
- Việc quy định một cách cụ thể, rành mạch các trường hợp bắt người về đối tượng, về thẩm quyền, căn cứ và thủ tục bắt còn có ý nghĩa là cơ sở pháp lý để xử lý những hành vi vi phạm pháp luật khi áp dụng biện pháp bắt người
II. Quy định của pháp luật tố tụng hình sự về các trường hợp bắt người
1.Bắt bị can, bị cáo để tạm giam.
Bắt bị can, bị cáo để tạm giam được quy định tại điều 80 BLTTHS năm 2003. Theo đó: “bắt bị can, bị cáo để tạm giam là bắt người đã bị khởi tố về hình sự hoặc người đã bị tòa án quyết định đưa ra xét xử để tạm giam nhằm ngăn chặn bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự” Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật tố tụng hình sự Việt Nam, Tr 206
.
Đối tượng: Theo quy định này thì trường hợp bắt người này chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo- những người đã bị khởi tố về hình sự hoặc đã bị tòa án quyết định đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên BLTTHS không quy định cụ thể những bị can, bị cáo này có thể bị bắt tạm giam trong những trường hợp nào, nhưng mục đích của biện pháp bắt người trong trường hợp này là để tạm giam vì vậy thực tế chỉ áp dụng biện pháp này khi đã xem xét thật kỹ có cần thiết bắt bị can, bị cáo để tạm giam hay không và có thuộc các trường hợp bị tạm giam quy định tại Khoản 1 Điều 88 hay không, đó là:
Một là, đối với bị can, bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt ngiêm trọng
Hai là, đối với bị can, bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng nhưng có hình phạt tù trên 2 năm và có căn cứ cho rằng đối tượng có thể trốn tránh hoặc cản trở điều tra, truy tố, xét xử hoặc tiếp tục phạm tội.
Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ những trường hợp sau: bị can, bị cáo bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã hoặc đang áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở đến việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc bị can, bị cáo phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ cho rằng nếu không áp dụng biện pháp tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia nên đối tượng thuộc trường hợp này có thể bị bắt tạm giam.
Căn cứ bắt bị cáo, bị can để tạm giam cũng không được quy định cụ thể trong điều luật. Tuy nhiên bắt bị can, bị cáo để tạm giam là một trong những biện pháp ngăn chặn nên cần thỏa mãn các căn cứ áp dụng theo điều 79 BLTTHS
Thẩm quyền ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 80 những người có thẩm quyền bắt bao gồm:
-Viện trưởng, phó viện trưởng VKSND và viện kiểm sát quân sự các cấp;
-Chánh án, phó Chánh án TAND và Tòa án quân sự các cấp;
-Thẩm phán giữ chức vụ chánh tòa, phó chánh tòa Tòa phúc thẩm TANDTC, Hội đồng xét xử;
-Thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp. Trong trường hợp này lệnh bắt phải được viện trưởng VKS cùng cấp phê chuẩn trước khi tiến hành.
Có thể nói, quy định về thẩm quyền ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam cho các cơ quan tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng như trên là hoàn toàn phù hợp, đảm bảo được sự chủ động và độc lập cho các cơ quan này thực hiện nhiệm vụ tố tụng trong các giai đoạn khác nhau của quá trình giải quyết vụ án, đáp ứng kịp thời với tình hình thực tiễn đặt ra trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Tuy nhiên trường hợp cơ quan điều tra ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam thì phải được VKS phê chuẩn trước khi thi hành. Sự phê chuẩn của VKS là thủ tục pháp lý bắt buộc nhằm kiểm tra tính có căn cứ và hợp pháp của lệnh bắt để đảm bảo hiệu lực của lệnh bắt. Trong thời hạn 3 ngày kể từ khi nhận được đề nghị xét phê chuẩn lệnh bắt bị can để tạm giam kèm theo các tài liệu, căn cứ có trong hồ sơ, VKS ra quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn.
Trình tự, thủ tục bắt bị can, bị cáo để tạm giam: Theo quy định tại khoản 2 điều 80 BLTTHS thì khi áp dụng biện pháp bắt bị can, bị cáo để tạm giam phải tuân theo trình tự, thủ tục tố tụng sau: phải có lệnh bắt của người có thẩm quyền, trong đó ghi rõ ngày, tháng, năm, họ tên, chức vụ của người ra lệnh, địa chỉ của người bị bắt và lý do bắt, lệnh bắt phải có chữ ký của người ra lệnh và có đóng dấu. Người thi hành lệnh bắt phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt. Nội dung biên bản bắt người phải ghi rõ ngày, tháng, năm, giờ, địa điểm, nơi lập biên bản, những việc đã làm, tình hình diễn biến trong khi thi hành lệnh bắt, những đồ vật, tài liệu tạm giữ, những khiếu nại của người bị bắt. Biên bản phải đọc cho người bị bắt, người chứng kiến nghe và cùng ký tên. Nếu có ý kiến khác hoặc không đồng ý với nội dung biên bản thì phải ghi ý kiến đó hoặc lý do vào biên bản và ký tên. Ngoài ra đối với lệnh bắt của người có thẩm trong cơ quan điều tra phải được VKS cùng cấp phê chuẩn mới có giá trị.
Ngoài ra điều luật còn quy định rõ: “khi tiến hành bắt người tại nơi cư trú phải có người đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng của người bị bắt chứng kiến. khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến. khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã phường, thị trấn nơi tiến hành bắt”. Quy định này nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch của việc bắt người, vừa gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương với việc đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm đồng thời tăng cường giáo dục, tuyên truyền pháp luật hay hỗ trợ giúp sức khi cần thiết để thi hành lệnh bắt được thuận lợi.
Việc bắt bị can, bị cáo để tạm giam không mang tính chất cấp bách như bắt người trong trường hợp khẩn cấp, quả tang hay truy nã, vì vậy đảm bảo chính đáng quyền lợi của người bị bắt, của thân nhân, của cơ quan, tổ chức nơi người đó là việc, tránh gây căng thẳng do việc bắt người gây ra, Khoản 3 Điều 80 BLTTHS quy định: “không được bắt người vào ban đêm”. Ban đêm được tính từ 22 giờ tối hô trước đến 6 giờ sáng hôm sau.
2.Bắt người trong trường hợp khẩn cấp.
Theo quy định tại điều 81 BLTTHS có thể hiểu: bắt người trong trường hợp khẩn cấp là trường hợp bắt người chuẩn bị thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nhằm ngăn chặn kịp thời hành vi phạm tội của họ hoặc bắt người sau khi thực hiện tội phạm mà người đó bỏ trốn, cản trở việc điều tra, khám phá tội phạm hoặc bắt người mà cơ quan điều tra thấy dấu vết tội phạm ở người hoặc chỗ ở của họ. Đây là trường hợp bắt người có tính chất cấp bách, nếu không thực hiện sẽ không thể kịp thời ngăn chặn việc thực hiện tội phạm, không chặn đứng được hành vi trốn tránh, gây khó khăn, cản trở việc điều tra.
Đối tượng áp dụng: Đối tượng áp dụng của bắt người trong trường hợp này là người chưa bị khởi tố về hình sự. Nhưng bên cạnh đó không loại trừ cả người đã bị khởi tố hay đã bị tòa án quyết định đưa ra xét xử với tư cách là bị can, bị cáo của vụ án khác nếu hành vi của họ thuộc một trong ba trường hợp mà khoản 1 Điều 81 BLTTHS quy định làm căn cứ để bắt khẩn cấp
Căn cứ áp dụng:
Căn cứ thứ nhất, khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng: Theo đó căn cứ khẳng định một người đang chuẩn bị thực hiện tội phạm tức là người đó có hành vi tạo ra những điều kiện vật chất hoặc tinh thần cho việc thực hiện hành vi phạm tội xảy ra hoặc có thể xảy ra đươc thuận lợi, dễ dành như: tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ta những điều kiện cần thiết khác để thực hiện tội phạm; tội phạm đang được chuẩn bị thực hiện phải là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn trong trường hợp này để ngăn ngừa không cho tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng đang được chuẩn bị được xảy ra, gây những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội.
Căn cứ thứ hai, khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần phải ngăn chặn ngay người đó bỏ trốn: Theo đó, phải có người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trong thấy và xác nhận đúng người đã thực hiện tội phạm. Như vậy, theo quy định của luật hiện hành, trường hợp một người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm nhưng không tận mắt chứng kiến hành vi phạm tội hoặc không có mặt tại nơi xảy ra tội phạm nhưng được người khác trực tiếp chứng kiến mô tả lại, kể lại cũng không được coi là có căn cứ để bắt khẩn cấp. Pháp luật cũng quy định nếu xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó bỏ trốn, tức là người đã thực hiện hành vi phạm tội đang có hành động trốn hoặc chuẩn bị trốn hoặc xét thấy có khả năng để cho rằng người đó có thể trốn, khó có thể triệu tập khi cần thiết thì có thể áp dụng biện pháp bắt người trong trường hợp khẩn cấp.
Căn cứ thứ ba, khi có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ chủ người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần thiết ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ: Trường hợp này cơ, cơ quan, người có thẩm quyền có những tài liệu, chứng cứ nghi một người thực hiện tội phạm và qua quá trình điều tra đã phát hiện những vật, những tài liệu có liên quan đến tội phạm hoặc những dấu vết khác do tội phạm để lại. Và xét thấy cần ngăn chặn việc người đó bỏ trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ, cơ quan, người có thẩm quyền phải căn cứ và đánh giá một cách toàn diện các mặt như: nhân thân người bị bắt, tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội và loại tội phạm được thực hiện mà thực tiễn cho thấy người phạm tội thường trốn như tội trộm cắp tài sản, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cướp tài sản, tội giết người…
Thẩm quyền ra lệnh bắt: Theo quy định tại khoản 2 Điều 81 BLTTHS, những người sau đây có thẩm quyền ra lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp:
- Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp;
- Người chỉ huy đơn vị bộ đội độc lập cấp trung đoàn và tương đương, người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới;
- Người chỉ huy tàu bay, tàu biển, khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng.
Thủ tục bắt người trong trường hợp khẩn cấp: Khoản 3 Điều 81 BLTTHS quy định thủ tục bắt người trong trường hợp khẩn cấp cũng được tiến hành như trường hợp bắt bị can, bị cáo để tạm giam. Người thi hành lệnh bắt phải đọc, giải thích lệnh và phải lập biên bản về việc bắt. Khi tiến hành bắt người, phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc đại diện cơ quan, tổ chức nơi người bị bắt cư trú hoặc làm việc và người láng giềng chứng kiến. Tuy nhiên quy định như vậy nhiều khi rất khó thực hiện bởi vì trong một số trường hợp nhất định như quy định tại điểm C, khoản 2 Điều 81 chẳng hạn, trường hợp này không thể có đầy đủ thành phần tham giam khi thực hiện lệnh bắt được, vì vậy quy định này của pháp luật rất khó thực hiện và không khả thi.
Với tính chất và đặc điểm của việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp nên luật quy định việc bắt người trong trường hợp này không cần có sự phê chuẩn trước của VKS. Tuy nhiêm nhằm đảm bảo cho tính chính xác và tránh lạm dụng bắt khẩn cấp, luật quy định, trong mọi trường hợp việc bắt khẩn cấp phải báo ngay cho VKS cùng cấp bằng văn bản kèm theo tài liệu liên quan đến việc bắt khẩn cấp để xét phê chuẩn (Khoản 4 Điều 81 BLTTHS). Về tài liệu liên quan đến việc bắt khẩn cấp được quy định tại Điểm 3.3 Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-VKSTC-BCA-BQP. Trong trường hợp có nghi ngờ về tài liệu, chứng cứ hoặc còn thấy băn khoăn trong việc quyết định phê chuẩn như lý do bắt khẩn cấp không rõ ràng, người bị bắt không nhận tội, người bị bắt là người nước ngoài, người có chức sắc trong tôn giáo…thì VKS có thể trực tiếp tiến hành việc hỏi người bị bắt để làm rõ những nghi ngờ và củng cố những căn cứ ra lệnh bắt khẩn cấp. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được đề nghị xét phê chuẩn và tài liệu liên quan đến việc bắt khẩn cấp, VKS phải ra quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn. Nếu VKS quyết định không phê chuẩn thì người đã ra lệnh bắt phải trả tự do ngay cho người bị bắt. Việc bắt khẩn cấp được tiến hành bất kỳ lúc nào, không kể ban ngày hay ban đêm.
Tuy nhiên quy định về thẩm quyền xét phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp thuộc về VKS cùng cấp cũng có những bất cập, vướng mắc nhất định. Như trong trường hợp “Người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng”. Đối với những trường hợp này việc xác đinh VKS cùng cấp là rất khó khăn khi tàu bay, tàu biển đang ở trên bầu trời, tàu biển đang ở ngoài biển cả. Vì vậy cần phải quy định rõ hơn về thẩm quyền của VKS trong trường hợp này.
3.Bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã
Bắt người phạm tội quả tang là “bắt người khi người đó đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt.” Trần Quang Tiệp, Về tự do cá nhân và biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự, Tr 95
Bắt người đang bị truy nã là “ bắt bị can, bị cáo hoặc người bị kết án trốn tránh việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đang bị lung bắt theo quyết định truy nã của cơ quan điều tra được thông báo trên các phương tiên truyền thông đại chúng, niêm yết công khai tại trụ sở chính quyền xã phường, thị trấn và các công cộng” Trần Quang Tiệp, Về tự do cá nhân và biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự, Tr 99
Đối tượng: Bất kể người nào đang thực hiện tội phạm hoặc sau khi thực hiện tội phạm bị phát hiện và đuổi bắt.
Bị can, bị cáo hoặc người bị kết án có hành vi trốn tránh việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và đối với họ có quyết đinh truy nã của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Căn cứ áp dụng:
Khoản 1 Điều 82 quy định: “ đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt, cũng như người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân nhan nơi gần nhất. Cơ quan này phải lập biên bản và giải ngay người bị bắt đến cơ quan điều tra có thẩm quyền”. Theo đó căn cứ bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã bao gồm:
Đối với trường hợp bắt người phạm tội quả tang thì BLTTHS quy định những căn cứ sau:
Căn cứ thứ nhất, người đang thực hiện tội phạm thì bị phát hiện. Đây là trường hợp người phạm tội đang thực thực hiện hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm. bị phát hiện và bắt quả tang. Đối với những hành vi phạm tội được thực hiện trong một thời gian dài, không bị gián đoạn như tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, tang trữ trái phép chất nổ, chất độc… thì trong suốt thời gian đó bị coi là đang thực hiện hành vi phạm tội. Chính vì vậy thời điểm nào phát giác thì cũng bị coi là bắt người phạm tội quả tang
Căn cứ thứ hai, ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện. Đây là trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội xong, người phạm tội chưa kịp chạy trốn, hoặc đang cất giấu công cụ, phương tiện phạm tội, đang xóa dấu vết thì bị phát hiện. Trong trường hợp này khi bắt người phạm tội quả tang cần có căn cứ chứng minh người phạm tội vừa thực hiện hành vi phạm tội xong, chưa kịp chạy trốn và sự phát hiện, bắt giữ người phạm tội phải xảy ra không gián đoạn về mặt thời gian.
Căn cứ thứ ba, người sau khi thực hiện hành vi phạm tội thì bị đuổi bắt. Đây là trường hợp vừa thực hiện hành vi phạm tội xong thì bị lộ, chạy trốn và bị đuổi bắt. Việc đuổi bắt này diễn ra liền ngay sau hành vi chạy trốn, giữa hành vi bỏ chạy và hành vi chạy trốn không bị gián đoạn về mặt thời gian.
Đối với trường hợp bắt người đang bị truy nã. Đây là trường hợp bắt đối với người đã có hành vi phạm tội, đã bị phát hiện, bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang được tại ngoại nhưng trốn tránh hoạt động điều tra, truy tố, xét xử hay đang chấp hành hình mà bỏ trốn hoặc là người phạm tội đã có lệnh bắt nhưng chưa bắt được, đã bỏ trốn và bị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định truy nã. Việc truy nã bị can được quy định cụ thể tại Điều 161 BLTTHS: “khi bị can trốn hoặc không biết bị can đang ở đâu thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã bị can…”
Thẩm quyền:
Do tính chất cấp bách của việc ngăn chặn tội phạm hoặc hành vi trốn tránh pháp luật, cũng như phát huy tính tích cực của nhân dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm, thẩm quyền bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã theo pháp luật tố tụng hình sự quy định cho bất cứ người nào. Khoản 1 Điều 82 BLTTHS quy định: “ đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt cũng như người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất”. Nhằm đảm bảo an toàn cho những người tham gia bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã, Khoản 2 Điều 82 quy đinh “ khi bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt”
Thủ tục bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã:
Khác với trường hợp bắt bị can, bị cáo để tạm giam và bắt người trong trường hợp khẩn cấp, việc bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã không cần lệnh của cơ quan, người có thẩm quyền. Mọi công dân đều có quyền bắt và tước vũ khí, hung khí của người bị bắt và giải ngay đến Công an, VKS, và Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản và giải ngay đến cơ quan điều tra có thẩm quyền.
4.Bắt người trong một số trường hợp đặc biệt
4.1. Bắt Đại biểu quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân phạm tội
Xuất phát từ vị trí và xuất thân của đại biểu quốc hội là những công dân ưu tú trong các lĩnh vực của nhà nước và xã hội, được nhân dân tín nhiệm và bầu ra thông qua tổng tuyển cử. Vì vậy để đảm bảo cho hoạt động của đại biểu quốc hội, Hiến pháp năm 1992, Luật tổ chức quốc hội quy định Đại biểu quốc hội có quyền bất khả xâm phạm. Điều 99 Hiến pháp 1992 quy định “không có sự đồng ý của Quốc hội và trong thời gian quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban thường vụ quốc hội thì không được bắt giam, truy tố đại biểu quốc hội. Nếu phạm tội quả tang mà Đại biểu quốc hội bị tạm giữ thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ quốc hội xét và quyết định”. Điều 58 Luật tổ chức quốc hội còn quy định “không được khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu quốc hội, việc đề nghị bắt giam, truy tố, khám xét nơi ở, nơi làm việc của đại biểu quốc hội thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao”
Đối với Đại biểu Hội đồng nhân dân xuất phát từ địa vị pháp lý là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân địa phương nên trong trường hợp những người này phạm tội thì việc bắt người cũng cần tuân theo những quy định trong Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003, cụ thể, Điều 44 quy định “ trong thời gian Hội đồng nhân dân họp, nếu không được sự đồng ý của chủ tọa kỳ họp thì không được bắt giữ đại biểu Hội đồng nhân dân. Nếu vì phạm tội quả tang hoặc trong trường hợp khẩn cấp mà đại biểu hội đồng nhân dân bị tạm giữ thì cơ quan ra lệnh tạm giữ phải báo cáo ngay với chủ tọa kỳ họp. Giữa hai kỳ họp của Hội đồng nhân dân, nếu cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra lệnh tạm đại biểu Hội đồng nhân dân thì phải thông báo cho chủ tịch Hội đồng nhân dân cùng cấp biết”
4.2.Bắt người chưa thành niên phạm tội
Người chưa thành niên theo quy định của pháp luật là người chưa đủ 18 tuổi, mà theo quy định của pháp luật hình sự thì một người phải chịu trách nhiệm hình sự khi đạt đến độ tuổi nhất định, theo đó độ tuổi bắt đầu chịu trách nhiệm hình sự là 14 tuổi. Ở độ tuổi này họ có những đặc điểm riêng về tâm, sinh lý, khả năng nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội còn hạn chế và đặc biệt đôi khi còn chịu sự tác động mạnh mẽ từ điều kiện bên ngoài. Xuất phát từ đó mà BLTTHS năm 2003 quy định hẳn một chương riêng( chương XXXII), trong đó quy định các biện pháp cưỡng chế, vì vậy ngoài các giai đoạn chung được quy định tại các điều 80, 81, 82 về trường hợp bắt người đối với trường hợp bình thường. Khi tiến hành bắt người là người chưa thành niên thì theo quy định tại Điều 303 BLTTHS thì có 2 trường hợp:
+ người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể bị bắt nếu có các căn cứ quy định tại các điều 80, 81, 82, 86, 88 và 120 BLTTHS, nhưng chỉ trong những trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
+ người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị bắt nếu đủ căn cứ quy định tại các điều 80,81, 82, 86, 88, 120 nhưng chỉ trong những trường hợp phạm tội nghiêm trọng do cố ý, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Về thủ tục bắt đối với người chưa thành niên, thì theo quy định tại Khoản 3 Điều 303, cơ quan ra lệnh bắt phải thông báo cho ra đình, người đại diện hợp pháp của họ biết ngay sau khi bắt.
4.3.Bắt người nước ngoài phạm tội.
Xuất phát từ đặc điểm nhân thân của người nước ngoài, nên ngoài việc tuân theo quy định từ Điều 79 đến 82 thì còn phải tuân theo các văn bản pháp luật khác. Bắt người nước ngoài phạm tội được chia thành 2 trường hợp:
Thứ nhất, Đối với người nước ngoài được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi, miễn trừ về lãnh sự
Theo quy định tại Điều 10 pháp lệnh về quyền ưu đãi miễn trừ giành cho cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam năm 1993 thì viên chức ngoại giao được hưởng quyền bất khả xâm phạm về thân thể, họ không thể bị bắt dưới bất kỳ hình thức nào. Nếu họ phạm tội quả tang thì cơ quan có thẩm quyền chỉ lập biên bản, thu giữ vật chứng, sau đó trả tự do cho họ và báo cáo ngay lên Bộ công An, cơ quan đại diện ngoại giao biết để phối hợp quản lý
Đối với viên chức lãnh sự, nếu thực hiện hành vi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam thì khi áp dụng biện pháp bắt người phải tuân thủ quy định tại điều 27 pháp lệnh về quyền ưu đãi miễn trừ giành cho cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam năm 1993. Tuy nhiên phạm vi này hẹp hơn viên chức ngoại giao, theo đó, viên chức lãnh sự không được hưởng quyền bất khả xâm phạm về thân thể trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng theo quy định của pháp luật Việt Nam và bị bắt, bị tạm giam theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc phải thi hành một bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật về hình phạt tù hoặc hình phạt hạn chế tự do thân thể.
Bên cạnh đó việc bắt một thành viên của cơ quan lãnh sự phải thông báo cho người đứng đầu cơ quan lãnh sự biết, trường hợp bắt người này áp dụng đối với người đứng đầu cơ quan lãnh sự thì Bộ ngoại giao Việt Nam phải thông báo cho nước cử lãnh sự biết.
Thứ hai, đối với người nước ngoài không được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao và lãnh sự thì tuy từng thời kỳ mà có văn bản pháp luật điều chỉnh khác nhau, như: công văn số 318/CV-BNV ngày 29/3/1992 của Bộ Công An về việc báo cáo xin ý kiến trước khi bắt, tạm giữ một số đối tượng đặc biệt, công văn số 81 ngày 10/6/2002 của TANDTC và hiện nay là quyết định số 1044/QĐ-BCA ngày 05/9/2007 về phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong hoạt động điều tra của cớ quan cảnh sát điều tra. Theo đó thủ tục cũng được tiến hành như quy định của BLTTHS, bên cạnh đó sau khi bắt những đối tượng này, các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực tế thường có văn bản thông báo cho sở ngoại vụ theo dõi, xác định đối tượng đó có quốc tịch nước nào và thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao nước đó biết để phối hợp quản lý.
5.Những việc cần làm sau khi bắt hoặc nhận người bị bắt.
Theo quy định tại Điều 83, 84, 85 BLTTHS năm 2003 thì:
Sau khi bắt người phải tiến hành giao nhận người bị bắt cho cơ quan điều tra có thẩm quyền. Ví dụ trong trường hợp bắt người phạm tội quả tang thì su khi bắt đối tượng này thì người đã trực tiếp bắt phải giải ngay đến cơ quan công an, VKS hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất và cơ quan này phải lập biên bản và giải ngay người bị bắt đến cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Sau khi nhận người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang, cơ quan điều tra phải lấy lời khai ngay và trong thời hạn 24 giờ phải ra quyết định tam giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt. Tại điểm 4.1 thông tư số 05/2005/TTLT-VKSTC-BCA-BQP Về quan hệ phối hợp giữa CQĐT và VKS trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định việc Cơ quan điều tra thụ lý vụ việc phải lấy lời khai ngay và có quyền ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt, không phải chờ VKS phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp. Do đó, trường hợp CQĐT tự do cho người bị bắt thì thông báo ngay cho VKS để không phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp; trường hợp CQĐT đã ra quyết định tạm giữ nhưng không có căn cứ để phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp thì VKS yêu cầu cơ quan điều tra ra quyết định huỷ bỏ quyết định tạm giữ và trả tự do ngay cho người bị tạm giữ Thông tư 05/2005/TTLT-VKSTC-BCA-BQP Về quan hệ phối hợp giữa cơ quan điều tra và viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2003
Đối với người bị bắt trong trường hợp truy nã, CQĐT nhận người bị bắt phải lấy lời khai, lập danh chỉ bản, chụp ảnh người bị bắt và gửi ngay thông báo kèm theo danh chỉ bản, ảnh của người đó cho cơ quan đã ra quyết định truy nã để đến nhận người bị bắt. Trường hợp xét thấy cơ quan ra quyết định truy nã không thể đến nhận ngay người bị bắt thì cơ quan diều tra nhận người bị bắt ra quyết định tạm giữ và gửi ngay quyết định tạm giữ cho VKS cùng cấp. Nếu cơ quan đã ra quyết định truy nã vẫn chưa đến nhận người bị bắt thì chậm nhất trước khi hết thời hạn tạm giữ 12 giờ, CQĐT nhận người bị bắt phải chuyển hồ sơ kèm theo Công văn đề nghị VKS cùng cấp gia hạn tạm giữ đối với người bị bắt. Thời hạn gia hạn tạm giữ và việc xét phê chuẩn tạm giữ được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 87.
Bên cạnh đó luật hiện hành cũng quy định việc thông báo cho gia đình chính quyền địa phương nơi người bị bắt cư trú, cơ quan, tổ chức nơi người bị bắt làm việc biết về việc bắt và lý do bị bắt. Tuy nhiên, trong một số trường hợp việc thông báo có thể gây cản trở việc điều tra vụ án, thì người ra lệnh bắt, cơ quan điều tra nhận người bị bắt có thể chưa thông báo về việc bắt. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2005 không quy định thời gian được phép chưa thông báo về việc bắt nhưng cũng quy đinh rõ là khi xét thấy việc thông báo không còn cản trở việc điều tra thì cơ quan ra lệnh bắt phải thông báo ngay
III. Thực trạng thực hiện biện pháp ngăn chặn bắt người
1.Những điểm đã đạt được.
Như chúng ta đã biết việc bắt người là một biện pháp quan trọng trong việc phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm. Khác với Điều luật trước kia, việc bắt người chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.... Quy định này nhằm góp phần hạn chế tối đa việc lạm dụng chức vụ, quyền hạn làm ảnh hưởng đến quyền tự do của người dân và thể hiện tư tưởng tiến bộ của các Nhà làm Luật.
2.Những điểm chưa đạt được:
Tình trạng bắt người khẩn cấp vẫn còn cao, bắt hình sự rồi xử lý hành chính vẫn còn nhiều, cá biệt còn có nơi có lúc bắt người không đúng người đúng tội. Bên cạnh những vi phạm trong bắt người ở một số địa phương cũng còn có những trường hợp rụt rè, hữu khuynh, thiếu kiên quyết trong việc bắt những phần tử tội phạm nguy hiểm cần phải bắt giữ và xử lý, làm cho quần chúng nhân dân thiếu tin tưởng vào cơ quan bảo vệ pháp luật.
Bộ Luật tố tụng Hình sự đã qua 3 lần sửa đổi, bổ sung tuy nhiên qua các lần bổ sung, điều mà mọi người quan tâm là trách nhiệm của những cán bộ thực thi trong các cơ quan tiến hành tố tụng gây ra oan sai cho người dân sẽ bị xử lý như thế nào thì còn chưa được quy định một cách thuyết phục
Những năm gần đây bắt, giam, giữ là vấn đề thu hút sự chú ý của nhiều cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, và đông đảo quần chúng nhân dân. Việc bắt người tuỳ tiện, bắt oan người không có tội, tạm giữ, tạm giam người không có Lệnh đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Trường hợp xảy ra ngày 18/2/2006 tại quán bia trên đường Mạc Đĩnh Chi, Quận 1, TP.HCM. Đông đảo thực khách tại đây đã rất bất bình trước hình ảnh gây phản cảm: Khoảng ba bốn người (báo chí phản ánh là công an) dẫn giải một người bị còng tay từ trên xe (biển số xanh) bước xuống và vào quán. Mọi người ngồi vào bàn ăn, người thanh niên ngồi bên cạnh, tay phải bị còng chặt vào chân ghế gỗ... Đây là trường hợp do không tôn trọng quyền lợi hợp pháp của người bị dẫn giải, không giữ đúng lề lối, tác phong công an nhân dân nên một số cán bộ, chiến sĩ khi bắt, dẫn giải người vi phạm pháp luật đã xâm hại đến danh dự nhân phẩm của con người.
Một vụ việc thể hiện bắt người tùy tiện, không đúng trình tự thủ tục luật định đã xảy ra tại xã Thanh Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Diễn tiến của vụ việc có thể tóm tắt như sau: Bà Vuốt có hai con là anh Quý và anh Sửu. Chị Toan là vợ anh Quý bị Nguyễn Tùng Lâm trêu ghẹo và chặn đánh. Ông Chứ (chồng bà Vuốt) cũng bị Lâm hành hung. Khoảng 21h30 Lâm kéo vài chục người đến vây nhà, ném gạch đá, dùng kiếm đâm thủng cửa nhà ông Chứ. Ông Chứ ném gạch xuống không cho Lâm và đồng bọn đến gần, sau đó nhóm của Lâm bỏ chạy. Hôm sau, mẹ và chú của Lâm đến nhà ông Chứ bắt đền vì làm gẫy răng của Lâm (và phải đền mỗi cái đến hai triệu đồng). Vụ việc được đưa đến cơ quan pháp luật. Sáng ngày 25/10/2005 anh Quý đến trụ sở công an huyện Yên Mỹ theo giấy triệu tập và bị bắt giam tại trại tạm giam công an tỉnh Hưng Yên, mãi tới 22 giờ cùng ngày công an huyện mới thông báo cho gia đình bà Vuốt. Trước đó ngày 20/6/2005 anh Sửu (em trai anh Quý) đang lao động tại trại nuôi lợn của nhà thì bị ba cán bộ công an huyện mặc thường phục đến chở thẳng lên công an huyện Yên Mỹ bắt giam. Trường hợp này các cán bộ công an đã vi phạm các quy định của Luật Tố tụng Hình sự về việc bắt, giam giữ người. Cán bộ thực hiện bắt người không có lệnh bắt, khi bắt không tôn trọng trình tự thủ tục bắt, bắt người không có sự chứng kiến của chính quyền, không lập biên bản khi bắt. Những việc làm này làm ảnh hưởng nghiêm trọng quyền con người, quyền công dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
IV. Một số ý kiến và vấn đề hoàn thiện biện pháp ngăn chặn bắt người trong LTTHS.
1. Hoàn thiện một số quy định của LTTHS.
Một là: Điều 80 quy định bắt bị can, bị cáo để tạm giam nhưng mới chỉ quy định về thẩm quyền ra lệnh, về nội dung lệnh bắt, trình tự, thủ tục bắt và thời điểm bắt nhưng chưa có quy định về điều kiện đối với bị can, bị cáo bị bắt để tạm giam có nghĩa là chưa quy định những trường hợp cụ thể nào thì bị can, bị cáo bị bắt để tạm giam, khi áp dụng biện pháp ngăn chặn này cơ quan tiến hành tố tụng lại phải căn cứ vào quy định tại khoản 1, khoản 2 điều 88 quy định về điều kiện đối với bị can, bị cáo có thể bị tạm giam, trong khi đó tại điều 80 không viện dẫn về điều kiện đối với bị can, bị cáo có thể bị bắt để tạm giam được quy định tại điều 88 BLTTHS. Như vậy không có sự liên hệ logic giữa các điều luật mà buộc người thực hiện phải tự nghiên cứu tìm hiểu trong Bộ Luật.
- Trường hợp bị can, bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng mà BLHS quy định hình phạt tù dưới 2 năm thì không bị bắt để tạm giam; nhưng đối với các trường hợp bị can, bị cáo không có nơi cư trú rõ ràng hoặc có nơi cư trú nhưng ở cách xa CQĐT hoặc có tiền án tiền sự hoặc là lưu manh có biểu hiện trốn, cản trở hoạt động điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bắt tạm giam. Mặc dù, quan điểm hiện nay nên giảm thiểu các trường hợp bắt bị can, bị cáo để tạm giam, nhưng việc quy định bắt tạm giam đối với đối tượng này là cần thiết cho hoạt động điều tra của CQĐT
- Khoản 3 Điều 80 BLTTHS quy định “Không được bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp bắt khẩn cấp, phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã”quy định tại các Điều 81 và Điều 82 của Bộ luật này” theo em là chưa chính xác, không thống nhất mà phải quy định rõ “không được bắt tạm giam bị can, bị cáo vào ban đêm”.
Hai là: Đối với việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp quy định tại điều 81 BLTTHS cũng có những vướng mắc nhất định. Tại Khoản 3 Điều 81 quy định về nội dung lệnh bắt và việc thi hành lệnh bắt phải theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 80 nhưng ở trên tàu bay, tàu biển không thể đủ thành phần chứng kiến như khỏa 2 điều 80 được, vì vậy cần phải bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế thi hành bắt khẩn cấp
Về khoản 4 Điều 81 BLTTHS có quy định về thẩm quyền xét phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp thuộc về VKS cùng cấp. Tuy nhiên, đối với trường hợp người có thẩm quyền ra lệnh bắt khẩn cấp là “Người chỉ huy đơn vị quân đội độc lập cấp trung đoàn và tương đương; người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới” và “Người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng” quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 81 của Bộ luật này thì rất khó xác định được VKS cùng cấp như khi tàu bay đang bay trên bầu trời, tàu biển đang ở ngoài biển... Do đó, em cho rằng cần quy định bổ sung trong khoản 4 Điều 81 với nội dung “đối với trường hợp quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều luật này, thẩm quyền để xét phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp là Viện Kiểm sát nơi có sân bay hoặc bến cảng trở về đầu tiên hoặc nơi tàu bay, tàu biển đó được đăng ký”.
Một điểm cần lưu ý là trên thực tế vấn thường xảy ra trường hợp mang lệnh bắt khẩn cấp đi bắt đối tượng nhưng không bắt được ngay vì nhiều nguyên nhân khách quan. Đối với việc bắt bị can, bị cáo để tạm giam cũng gặp trường hợp tương tự. Mặc dù đã có lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam nhưng khi triển khai bắt thì lại không bắt được vì bị can, bị cáo lẩn trốn, có trường hợp phải sau thời gian dài mới bắt được. Trong cả hai trường hợp này, thời hạn bắt theo lệnh không phải là vô tận. Vậy thời hạn là bao nhiêu ngày cần phải quy định cụ thể trong BLTTHS.
Ba là: BLTTHS 2003 quy định việc bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã trong cùng một điều luật tại Điều 82 BLTTHS.Về phương diện lý luận cũng như thực tiễn áp dụng quy định này cho thấy: Quy định chung việc bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã vào cùng một điều luật là không phù hợp, vì đối tượng và thủ tục áp dụng, những việc cần làm sau khi tiếp nhận người bị bắt trong hai trường hợp này không giống nhau.
Trước hết về đối tượng: Người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang chưa phải là bị can, bị cáo; còn người bị bắt trong trường hợp đang bị truy nã là người đã có lệnh bắt hoặc đã bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam hay đang chấp hành án phạt tù thì bỏ trốn mà cơ quan có thẩm quyền đã ra quyết định truy nã.
Về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn: Đối với người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang họ có thể bị giam giữ hoặc không bị giam giữ theo Điều 86 BLTTHS; còn người bị bắt trong trường hợp đang bị truy nã thì sau khi bị bắt, CQĐT có thẩm quyền phải áp dụng biện pháp tạm giữ hoặc tạm giam đối với họ.
Điều 82 BLTTHS hiện hành chỉ quy định thủ tục bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã mà thiếu các quy định về việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với người bị bắt, các vấn đề cần phải giải quyết sau khi tiếp nhận người bị bắt. Những nội dung này lại được quy định trong Điều 83 BLTTHS: Khoản 1 quy định những vấn đề cần phải làm sau khi tiếp nhận người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang; khoản 2 quy định những việc cần phải làm sau khi tiếp nhận người bị bắt trong trường hợp đang bị truy nã. Thiết nghĩ, nên quy định các nội dung này trong một điều luật cho rõ căn cứ bắt, thẩm quyền, thủ tục bắt trong từng trường hợp và những việc cần làm sau khi bắt. Việc làm này bảo đảm tính khoa học về mặt kỹ thuật lập pháp, góp phần hạn chế được những thiếu sót khi xây dựng pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật
Mặt khác, khoản 2 Điều 82 BLTTHS chỉ quy định: “Người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt”, trong khi trên thực tế nhiều trường hợp người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã thường có vũ khí và rất dễ chống trả ngay nếu bị bắt giữ.Vì vậy, theo em thấy cần quy định thêm nội dung bất kỳ người nào cũng có quyền “lục soát tước vũ khí, hung khí của người bị bắt” trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, để phân biệt với biện pháp khám người theo quy định tại Điều 182 BLTTHS.
Về tên gọi trường hợp bắt người đang bị truy nã theo quy định tại Điều 82 BLTTHS, em cho rằng nên quy định tên điều luật là “bắt người theo quyết định truy nã” sẽ chính xác hơn.
Bốn là: Bắt người trong trường hợp khẩn cấp và bắt bị can, bị cáo để tạm giam là các biện pháp ngăn chặn, việc thi hành các lệnh bắt là hoạt động tố tụng nhưng nếu không có các biện pháp nghiệp vụ thì trong một số trường hợp gặp khó khăn vì đối tượng bị bắt thường lẩn trốn và tìm cách chống trả những người thi hành lệnh bắt. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 chỉ quy định chung chung là “người thi hành lệnh phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phảo lập biên bản về việc bắt” còn đọc lệnh trước hay sau khi bắt lại không được quy định rõ, thiết nghĩ vấn đề này cần phải quy định rõ ràng hơn.
Khoản 1 Điều 84 biên bản về việc bắt. Với những quy định như vậy luật đã liệt kê tương đối đầy đủ các điều kiện, nội dung, yêu cầu... của biên bản. Tuy vậy đây mới chỉ là điều kiện cần mà còn thiếu điều kiện đủ; Luật mới chỉ đề ra các quy định nhìn từ góc độ bảo đảm các quyền của Nhà nước mà chưa xem xét từ góc độ bảo đảm quyền của người bị bắt. Do vậy biên bản về việc bắt người cần bổ sung thêm “biên bản cần được lập làm hai bản và người bị bắt phải được giao một bản” để nhằm tránh sự thất lạc, mất mát sai soát, tùy tiện của chủ thể tiến hành tố tụng và thể hiện sự tôn trọng người bị bắt.
Năm là: Điều 85 Thông báo về việc bắt. Để đảm bảo quy định pháp luật được rõ ràng, thuận tiện cho việc áp dụng và bảo đảm được quyền của người bị bắt, Luật cần quy định rõ hơn trường hợp nào bị coi là cản trở việc điều tra, trường hợp nào không cản trở điều tra để thông báo theo quy định pháp luật về việc bắt người đối với gia đình người bị bắt.
Sáu là: BLTTHS 2003 chưa có điều luật nào quy định việc bắt người là đại biểu dân cử; đảng viên; cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân; người có chức sắc trong các tôn giáo; người thủ lĩnh, người có danh tiếng, có uy tín lớn trong các dân tộc ít người; tri thức, nhân sĩ có tên tuổi, văn nghệ sĩ có tiếng tăm được trong nước và thế giới chú ý tới và người nước ngoài. Trong khi đó việc bắt những “đối tượng đặc biệt” này được quy định trong một số văn bản pháp luật của Nhà nước, văn bản của Đảng và Bộ Công an, như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân; Công văn số 318/CV-BNV(V11) ngày 29/3/1992 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) về việc xin ý kiến trước khi bắt, giam, giữ một số đối tượng đặc biệt…Vì vậy em cho rằng cần phải ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất, chi tiết việc bắt các đối tượng nêu trên cho phù hợp.
2. Hoàn thiện các cơ quan có thẩm quyền bắt người.
- Đối với cơ quan công an, các điều tra viên cũng như những áp dụng khác cần phải thường xuyên học tập bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, ý thức chính trị, đề cao ý thức tổ chức kỷ luật. nắm chắc các quy định của pháp luật về bắt người, hiểu rõ tính chất, đảm bảo khi thực hiện bắt người phải có lệnh và có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát, hạn chế tình trạng “tiền trảm hậu tấu” khi bắt người; tôn trọng và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bắt, phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tham gia quá trình bắt người khi giải quyết vụ án. - Đối với VKS chỉ phê chuẩn lệnh bắt khi đã xác định rõ căn cứ chứng tỏ bị can bị cáo sẽ gây khó khăn cho hoạt động tố tụng. VKS phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, nghiên cứu kỹ tài liệu vụ án, gặp trực tiếp hỏi kỹ càng điều tra viên, những người có liên quan đến vụ án, và cả người bị bắt về các tình tiết của vụ án để quyết định phê chuẩn hay không phê chuẩn lệnh bắt. Trong trường hợp bắt người không có căn cứ thì VKS kiên quyết không phê chuẩn lệnh bắt. Mỗi kiểm sát viên cần phải luôn đề cao trách nhiệm, ý thức pháp luật, ý thức chính trị trong quá trình thực thi công vụ của mình.
- Các cơ quan khác khi bắt người cần phối hợp với CQĐT giúp cho việc bắt được dễ dàng và đúng người hơn.
3. Một số biện pháp khác
Xử lý kiên quyết và nghiêm minh những vi phạm pháp luật trong áp dụng biện pháp bắt người: Cần có những chế tài thích hợp, kiên quyết với những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động bắt người, những hành vi vi phạm pháp luật phải được phát hiện kịp thời, giải quyết nhanh chóng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Và có những chế tài thích hợp đối với người có hành vi vi phạm pháp luật, trong một số trường hợp nhất đinh không loại trừ áp dụng chế tài hình sự đối với người có hành vi vi phạm.
Tăng cường sự hướng dẫn, chỉ đạo và nâng cao chất lượng công tác kiểm sát tuân thủ pháp luật trong việc áp dụng biện pháp bắt người: Cần nâng cao năng lực, trách nhiệm của hệ thống cơ quan kiểm sát, cán bộ tham gia hoạt động bắt người, Viện kiểm sát phải nâng cao năng lực, trách nhiệm của mình trong việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động bắt người phát hiện kịp thời những hành vi vi phạm có các cơ quan, chủ thể có thẩm quyền áp dụng biện pháp này để có những điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với quy định của pháp luật.
Trang bị và nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật trong quần chúng nhân dân để họ hiểu biết được vấn đề bắt người để từ đó có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích của mình trong trường hợp có vi phạm pháp luật xâm phạm đến quyền và lợi ích của họ. Tuyên truyền ý nghĩa của việc bắt người tới đông đảo người dân. Nhà nước cần có những chính sách tạo điều kiện cho người dân cùng tham gia với các cơ quan có thẩm quyền vào quá trình bắt người.
C.KẾT THÚC VẤN ĐỀ
Có thể nói, biện pháp ngăn chặn bắt người là biện pháp nhằm hạn chế một số quyền của công dân, quyền con người của người bị bắt. Mục đích của các biện pháp này là để đảm bảo cho các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong công tác đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, đảm bảo trật tự pháp luật và pháp chế. Các biện pháp ngăn chặn nhằm bảo vệ các quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân nhưng khi áp dụng chúng cũng rất dễ tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đến quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Bởi vì, một số hoạt động tố tụng có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền tự do, quyền bất khả xâm phạm về thân thể... của người bị bắt. Nắm vững nội dung, thẩm quyền, thủ tục bắt, tạm giữ, tạm giam sẽ bảo đảm cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng áp dụng đúng pháp luật, tránh vi phạm các quy định pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền công dân khi thực thi công vụ. Quy định của pháp luật hiện nay còn có những hạn chế nhất định trong việc áp dụng biện pháp này, vì vậy trong thời gian tới cần phải có những thay đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
PHỤ LỤC
Số lệnh bắt khẩn cấp, bắt tạm giam của cơ quan điều tra không được Viện kiểm sát phê chuẩn từ 2005-2009
Năm
2005
2006
2007
2008
2009
Bắt khẩn cấp
105
134
128
93
44
Bắt tạm giam
394
350
329
298
-
Số người bị bắt, tạm giữ và tỉ lệ khởi tố vụ án hình sự năm 2004-2009
Năm
Khẩn cấp
Quả tang
Truy nã
Tự thú
Đầu thú
Tổng khởi tố
Tỉ lệ
2004
12.950
26.747
5508
45.285
40.995
91,70 %
2005
13.700
28.906
2851
2388
47.845
44.973
95,07 %
2006
16.160
29.953
3598
3521
53.234
50.224
95,43 %
2007
15.674
30.325
3160
4272
53.331
50.368
95,77 %
2008
17.791
36.597
3855
4203
62.446
58.331
95,30 %
2009
16.347
32.838
3831
5578
58.594
56.126
95,30 %
(Nguồn: Báo cáo tổng kết công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù- Vụ 4 VKSNDTC)
Danh mục tài liệu tham khảo
1. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003
2. Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-VKSTC-BCA-BQP ngày 07/9/2005 về quan hệ phối hợp giữa cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2003
3. Trường đại học luật Hà Nội Giáo trình luật tố tụng hình sự Việt Nam. Nxb CAND, Hà Nội năm 2006.
4. Trần Quang Tiệp, về tự do cá nhân và biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự, Nxb CTQG, Hà Nội 2005
5. Vũ Gia Lâm. Bắt người trong tố tụng hình sự Việt Nam. Luận văn thạc sỹ luật học. Hà Nội năm 2000;
6. Nguyễn Hồng Ly. Biện pháp ngăn chặn bắt người và thực tiễn áp dụng của cơ quan cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát nhân dân Thành Phố Hải Phòng. Luật văn thạc sỹ Luật học, năm 2011
7. Lê Thanh Bình. Căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự Việt Nam. Luận văn thạc sỹ luật học
8. Bảo đảm quyền con người trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam – Nguyễn Tiến Đạt – Đại học An ninh nhân dân. Thành phố Hồ Chí Minh
9. GVC. Hoàng Thị Sơn & Ths. Bùi Kiên Điện, mô hình Luật tố tụng hình sự Việt nam, Nxb CAND.
10. Tạp chí nhà nước và pháp luật số 06/134 năm 1999
11. Tạp chí Tòa án nhân dân số 17 năm 2006
12. Nguyễn Vạn Nguyên, 100 câu hỏi – đáp về bắt, giam, giữ và khám xét
13. www.thongtinphapluat.vn.com
14. www.kilobook.com
15.
16.
17.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Biện pháp ngăn chặn bắt người Một số vấn lý luận và thực tiễn.docx