Bình luận vai trò của tổ chức thương mại quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế
MỤC LỤC
LỜI NÓI ĐẦU 1
NỘI DUNG 1
I. WTO VỚI VIỆC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ 1
1. Khái niệm tranh chấp thương mại quốc tế 1
2. Giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế của WTO 2
II. Bình luận vai trò của Tổ chức Thương mại Quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế 3
1. Mặt tích cực của WTO trong việc giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế 3
2. Hạn chế của WTO trong việc giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế 6
KẾT LUẬN 7
PHỤ LỤC: 9
TÀI LIỆU THAM KHẢO
11 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 4419 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bình luận vai trò của tổ chức thương mại quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỤC LỤC
TÀI LIỆU THAM KHẢO………………………………………………………..10
LỜI NÓI ĐẦU
Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) chính thức ra đời kể từ ngày 1/1/1995 là kết quả của Vòng đàm phán Urugoay (1986-1995) với tiền thân là Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT 1947). WTO được coi như một thành công đặc biệt trong sự phát triển thương mại và pháp lý cuối thế kỷ XX với một hệ thống đồ sộ các hiệp định, thoả thuận, danh mục nhượng bộ thuế quan điều chỉnh các quyền và nghĩa vụ thương mại của các quốc gia thành viên. Là tổ chức quốc tế duy nhất điều hành hệ thống thương mại toàn cầu bằng các luật lệ do các nước và lãnh thổ thành viên đàm phán và thỏa thuận, sau đó được quốc hội các nước phê chuẩn, nhằm bảo đảm các dòng thương mại ngày càng trôi chảy, dễ dự đoán, tự do và công bằng, góp phần xây dựng một thế giới thịnh vượng hơn, hòa bình hơn và có trách nhiệm hơn. Để thực hiện mục tiêu bao trùm đó, WTO có các chức năng: quản lý các hiệp định thương mại; làm diễn đàn cho các cuộc đàm phán thương mại; giải quyết tranh chấp thương mại; kiểm điểm chính sách thương mại của các quốc gia; trợ giúp các nước đang phát triển về chính sách thương mại; hợp tác với các tổ chức quốc tế khác. Có thể nói, chức năng giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế của WTO có vai trò đặt biệt quan trọng trong nền kinh tế hiện nay.
NỘI DUNG
I. WTO VỚI VIỆC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ
1. Khái niệm tranh chấp thương mại quốc tế
Tranh chấp thương mại quốc tế được giải quyết theo khuôn khổ giải quyết tranh chấp của WTO là tranh chấp giữa các thành viên WTO về thực hiện chính sách thương mại trên cơ sở việc thực thi cam kết của WTO – các hiệp định của WTO và cam kết gia nhập WTO.
Tranh chấp này có thể phát sinh do chính sách thươmg mại của một thành viên của WTO vi phạm những hiệp định của WTO và làm tổn hại đến lợi ích thương mại của các thành viên khác. Tranh chấp giữa các thành viên của WTO cũng có thể phát sinh do việc một thành viên áp dụng biện pháp tự vệ đối với hàng hoá nhập khẩu trái với các quy định của Hiệp định về các biện pháp, hoặc từ việc giải quyết vụ kiện chống bán phá giá trái với quy định của WTO.
2. Giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế của WTO
WTO chỉ cung cấp cơ chế giải quyết tranh chấp về thương mại giữa các nước thành viên (tức là ở cấp Chính phủ), không giải quyết các tranh chấp thương mại của các công ty, doanh nghiệp kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế các tranh chấp thương mại liên quan đến lợi ích chung của nhiều doanh nghiệp thường là khởi nguồn dẫn tới những tranh chấp ở cấp độ Chính phủ giữa các thành viên WTO.
Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO được xây dựng trên bốn nguyên tắc: công bằng, nhanh chóng, hiệu quả và chấp nhận được đối với các bên tranh chấp, phù hợp với mục tiêu bảo toàn các quyền và nghĩa, phù hợp với các hiệp định thương mại có liên quan trên cơ sở tuân thủ các quy phạm của luật tập quán quốc tế về giải thích điều ước quốc tế.
Về tổ chức thực hiện giải quyết tranh chấp của WTO, bao gồm Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO; quy chế "nhóm chuyên gia" và cơ quan phúc thẩm thường trực.
Trong trường hợp thành viên vi phạm quy định của WTO không có các biện pháp sửa chữa theo như quyết định của Hội đồng Giải quyết Tranh chấp, Hội đồng có thể ủy quyền cho thành viên đi kiện áp dụng các "biện pháp trả đũa" (trừng phạt thương mại).
Ngoài cơ chế của DSB, các nước thành viên WTO còn có thể sử dụng những phương thức giải quyết tranh chấp khác trong Công pháp quốc tế như trọng tài liên quốc gia , trung gian và hoà giải.
WTO có một Hiệp định riêng quy định một cơ chế chung giải quyết tranh chấp giữa các thành viên liên quan đến các vấn đề của WTO - Hiệp định về cơ chế giải quyết tranh chấp (Dispute Settlement Understanding-DSU). Ngoài ra, một số Hiệp định chuyên ngành của WTO có thể có các quy định đặc thù về giải quyết tranh chấp.
Các tranh chấp đều được tiến hành theo một quy trình cụ thể. Quy trình tiến hành giải quyết tranh chấp của WTO (xem Bảng 3 Phụ lục- trang 8).
II. Bình luận vai trò của Tổ chức Thương mại Quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế
1. Mặt tích cực của WTO trong việc giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế
1.1. Việc giải quyết tranh chấp của WTO bảo đảm một sân chơi bình đẳng cho tất cả các thành viên của tổ chức
Trong thương mại quốc tế, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà một trong các bên không thực hiện được nghĩa vụ của mình, điều này dẫn tới tranh chấp giữa các bên. Trong trường hợp như vậy, cơ chế giải quyết tranh chấp sẽ được vận hành để giải quyết mâu thuẫn giữa các bên.
Trong nhiều trường hợp, việc tranh chấp diễn ra giữa những thành viên có trình độ phát triển kinh tế không giống nhau. Do đó thường diễn ra sự không bình đẳng giữa các nước phát triển, các nước đang phát triển và những nước kém phát triển. Trên thực tế những nước có trình độ kinh tế cao luôn có ưu thế hơn so với những nước có nền kinh tế thấp. Tuy nhiên, Ngoài việc là diễn đàn đàm phán các quy định thương mại, WTO còn hoạt động như một trọng tài giải quyết các tranh chấp giữa các nước thành viên liên quan đến việc áp dụng quy định của WTO. WTO là nơi bảo vệ những quyền lợi chính đáng, phù hợp với những quy định của hiệp định và thoả thuận trong WTO cho tất cả các nước thành viên khi xảy ra những tranh chấp thương mại ở nhiều góc độ như thuế quan, chất lượng hàng hoá, phân biệt đối xử, phá giá, tự vệ, nhãn hiệu hàng hoá…
Điều này thể hiện qua những điểm sau:
Thứ nhất, bất kỳ nước thành viên nào đều có thể kiện lên Cơ quan Giải quyết Tranh chấp của WTO nếu như họ tin rằng một nước thành viên khác đã vi phạm quy định của WTO.
Điều này có thể nhận thấy trong số 352 vụ tranh chấp đã được đưa ra giải quyết tại WTO, thì có đến 179 vụ kiện liên quan đến Mỹ (bị kiện 95 vụ), tiếp theo sau là khối EC liên quan đến 130 vụ (bị kiện 54 vụ). Các nước phát triển khởi kiện khoảng hơn 120 vụ. Như vậy là các nước lớn hay nhỏ đều có quyền được kiện và có thể bị kiện như nhau. Các phán quyết của DBS không vì thế mà mất đi tôn chỉ đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các nước thành viên, tạo điều kiện cho các bên đàm phán đạt được thỏa thuận thích hợp theo thỏa thuận chung.
Một khi một quốc gia thành viên bị khiếu nại ra WTO, họ không có cơ hội lựa chọn nào khác là chấp nhận tham gia giải quyết tranh chấp theo các thủ tục của cơ chế này. Đây chính là điểm tạo nên sự khác biệt cũng như hiệu quả hoạt động của cơ chế giải quyết tranh chấp trong WTO so với các cơ chế giải quyết các tranh chấp quốc tế đang tồn tại (thẩm quyền giải quyết của các cơ chế truyền thống không có tính bắt buộc mà phụ thuộc vào sự chấp thuận của các quốc gia liên quan). Do đó, WTO có vai trò quan trọng để bảo vệ các lợi ích thương mại giữa các quốc gia khi xảy ra tranh chấp thương mại trong quan hệ thương mại quốc tế.
Thứ hai, Với cơ chế giải quyết tranh chấp đa phương WTO không cho phép các nước phát triển áp đặt luật của mình trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế. Thay vì việc bên mạnh có đủ khả năng quyết định kết quả của các mối quan hệ, mâu thuẫn như trước kia, với hệ thống giải quyết tranh chấp WTO, các tranh chấp đã được giải quyết trên cơ sở các quy định pháp luật quốc tế. Nhờ cơ chế giải quyết tranh chấp này, các thành viên WTO có thể đảm bảo rằng, các quyền của mình theo Hiệp định WTO được thực hiện. Ví dụ việc áp dụng đơn phương Ðạo luật 301 của Mỹ trong giải quyết tranh chấp thương mại với các nước.
Thứ ba, Khi một thành viên có sự không tuân thủ theo Hiệp định WTO, hệ thống giải quyết tranh chấp sẽ đưa ra cách giải quyết bằng một quyết định độc lập buộc phải thi hành ngay và nếu thành viên thua kiện không chịu thi hành thì sẽ có thể bị trừng phạt thương mại. Các biện pháp bồi thường và trả đũa có thể được áp dụng trong trường hợp bên thua kiện không thi hành phán quyết đóng vai trò răn đe những ý định vi phạm, góp phần hạn chế tranh chấp và nâng cao hiệu quả thi hành các phán quyết của DSB.
Như vậy, việc giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế của WTO là nơi bảo vệ những quyền lợi chính đáng, phù hợp với những quy định của hiệp định và thoả thuận trong WTO cho tất cả các nước thành viên khi xảy ra những tranh chấp thương mại ở nhiều góc độ như thuế quan, chất lượng hàng hóa, phân biệt đối xử, phá giá, tự vệ, trademark...
1.2. WTO giúp giải quyết tranh chấp nhanh chóng
Hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO bao gồm các thủ tục tương đối cụ thể về cả các bước tiến hành cũng như thời gian tương ứng. Có thể nói, hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO hoạt động tương đối nhanh và hơn rất nhiều so với hệ thống giải quyết tranh chấp trong nước hoặc các hệ thống tài phán quốc tế khác. Việc giải quyết được tiến hành thận trọng, qua hai bước bởi các cơ quan trung lập (Ban hội thẩm, Cơ quan phúc thẩm), đảm bảo giải quyết một cách chính xác các tranh chấp. Đây là lần đầu tiên trong một cơ chế tài phán giải quyết tranh chấp quốc tế xuất hiện một Cơ quan Phúc thẩm với các cơ hội xem xét lại quyết định ban đầu, đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia tranh chấp. Mặt khác, cơ chế này được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ với các thời hạn, ngắn, xác định. Điều này cho phép các tranh chấp được giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo ý nghĩa của các biện pháp giải quyết đưa ra đối với các bên, đặc biệt là bên thắng cuộc (bởi một cơ hội thương mại có thể không còn ý nghĩa nếu biện pháp giải quyết đưa ra quá muộn màng).
1.3.Việc giải quyết tranh chấp của WTO đối với các nước đang phát triển
So với GATT, hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO sẽ có lợi nhiều cho các nước đang phát triển vì nó thông thoáng hơn, ít tốn thời gian, trên cơ sở tự động và có tính ràng buộc. Thông thường, bước đầu tiên của quá trình giải quyết tranh chấp là quá trình tham vấn của các bên có mâu thuẫn thương mại. Nếu quá trình tham vấn này không giải quyết được mâu thuẫn của hai bên thì một ban hội thẩm sẽ được tự động thành lập. Nếu hai bên không nhất trí với quyết định cuối cùng của ban hội thẩm thì họ có thể đưa lên ban chung thẩm. Khoảng thời gian giữa các công đoạn được quy định rõ ràng và chặt chẽ để tránh tình trạng xử kiện kéo dài. Quyết định cuối cùng của ban chung thẩm hoặc hội thẩm chỉ có thể bị bác bỏ bằng sự đồng thuận của tất cả các thành viên, sự phủ quyết đơn lẻ của một thành viên là không có hiệu lực.
Đặc biệt, trong DSU của WTO đã có quy định cụ thể về những ưu đãi được dành cho các nước đang phát triển (bao gồm cả những nước kém phát triển nhất) trong quá trình giải quyết tranh chấp của WTO. Bên cạnh những quy định có liên quan đến những nước đang phát triển trong tưng hiệp định riêng lẻ, DSU có hàng loạt các quy địhn cụ thể trong việc giải quyết các vụ việc có liên quan đến các nước đang phát triển. Ở đây cần phải hiểu rằng việc giải quyết những tranh chấp này không phải là tuân theo một thủ tục riêng biệt, mà phải theo thủ tục chung của DSU và trong từng giai đoạn có tính đến các lợi ích của các nước đang phá triển theo quy định của các điều khoản có liên quan. DSU cũng như các qui định về giải quyết tranh chấp trong các hiệp định riêng lẻ dành một số ưu tiên về thủ tục dành cho các quốc gia đang phát triển. Đây có thể coi là một điểm nhấn quan trọng của cơ chế giải quyết tranh chấp trong WTO nhằm khuyến khích các nước đang phát triển, những thành viên vốn rất e dè trước các cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế do những hạn chế nhất định về khả năng tài chính cũng như trình độ pháp lý, sử dụng cơ chế này.
2. Hạn chế của WTO trong việc giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế
Thứ nhất, Theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, mặc dù các nước được áp dụng biện pháp trả đũa với những nước không tuân thủ quyết định phán quyết cuối cùng, nhưng việc thực hiện các biện pháp trả đũa này cũng không hiệu quả nếu nước thực hiện nó là nước nhỏ đang phát triển. Trong nhiều trường hợp, do sức ép chính trị hoặc văn hoá - xã hội mà nước vi phạm có xu hướng không thực hiện phán quyết cuối cùng của Ban giải quyết tranh chấp. Thậm chí, những nước vi phạm còn sẵn sàng chịu các biện pháp trả đũa của nước thắng kiện nếu những nước này là nước nhỏ và không phải là đối tác quan trọng. Do đó, có khi việc thực hiện các biện pháp trả đũa lại có tác dụng tiêu cực nhiều hơn đối với các nước nhỏ nếu họ áp dụng nó chống lại các nước lớn hơn.
Thứ hai, Một nhược điểm khác của cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO liên quan đến vai trò của Ban giải quyết mâu thuẫn thương mại đối với các trường hợp chống phá giá. Ðây là những trường hợp các nước đang phát triển thường gặp trong thương mại với các nước phát triển. Trong những trường hợp như vậy, Ban giải quyết không ra quyết định liệu những biện pháp chống phá giá có phù hợp với các quy định của WTO hay không mà chỉ xem xét liệu quá trình thu thập và đánh giá số liệu có hợp lý hay không.
Thứ ba, Giả sử cho rằng một nước đang phát triển có bất bình chính đáng về các tập quán thương mại của một nước phát triển. Liệu nước này có theo đuổi một cuộc tranh chấp tại WTO? Như ta đã biết các tranh chấp tại WTO là tốn kém. Một chính phủ nhỏ bé tại các nước đang phát triển có thể đã nhận ra là không đủ khả năng tranh chấp. Vì vậy, họ phải chấp nhận im lặng. Trong những hoàn cảnh này, điều tốt nhất có thể làm được là thương lượng song phương các vấn đề. Tuy nhiên, nếu Chính phủ của bên bị đơn biết rằng bên nguyên đơn không đủ khả năng để đệ trình một cuộc tranh chấp tại WTO, thì có rất ít khả năng họ thừa nhận sai phạm của mình. Lý do này đã dẫn tới những bất cập sau sau đây: những nước nghèo và những nước đang phát triển sẽ bị đánh giá không đúng mức tại cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO (với tư cách là nguyên đơn), và những bất bình chính đáng của họ sẽ không đến được WTO. Không một lý do nào cho thấy rằng các nước nghèo sẽ thắng lợi tại các cuộc tranh chấp với tư cách nguyên đơn. Cho dù, các nước đang phát triển nhận đuợc những ưu đãi đặc biệt trong cơ chế của GATT và WTO (nghĩa vụ của họ bớt khắt khe và việc thực thi của họ có một thời kỳ chiếu cố 5 năm trở lên), thì nhiều nước đã là mục tiêu của các nước phát triển tại các cuộc tranh chấp.
Thứ tư, nhiều qui định được xem là “ưu tiên” cho các nước đang phát triển trong hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO có ý nghĩa rất mờ nhạt trên thực tế: có qui định chỉ mang tính tuyên bố hơn là qui định thực tế (ví dụ qui định về nghĩa vụ của các Bên tranh chấp “đặc biệt lưu ý” đến quyền lợi của các nước đang phát triển: nội hàm của khái niệm “đặc biệt lưu ý” không được qui định rõ cũng không được xác định rõ trong các báo cáo của các ban hội thẩm hay của cơ quan phúc thẩm); có qui định trên thực tế rất ít hiệu quả (ví dụ trách nhiệm trợ giúp pháp lý của Ban Thư ký WTO trên thực tế do một số ít cá nhân thực hiện, không thể đáp ứng đủ nhu cầu to lớn về trợ giúp pháp lý của các nước đang phát triển là thành viên WTO).
Cuối cùng, trong những năm gần đây, do việc giải quyết tranh chấp ngày càng trở nên thiên về kỹ thuật đòi hỏi các nước đang phát triển phải có chuẩn bị kỹ càng, đặc biệt khi bên bị kiện là các nước phát triển. Đối với một số nước đang phát triển, quá trình thuần tuý kỹ thuật này rất khó đáp ứng do hạn chế về kinh nghiệm, kiến thức cũng như tài chính vì trong nhiều trường hợp, các nước đang phát triển phải thuê luật sư và chuyên gia của chính các nước phát triển.
KẾT LUẬN
Có thể nói, khi nhắc đến những thành tựu của vòng đàm phán Uruguay, người ta hay nhắc tới sự phát triển của cơ chế giải quyết tranh chấp của GATT/WTO. Từ chỗ chỉ là một cơ chế mang tính lỏng lẻo, thiếu độ tin cậy, đã hình thành một cơ chế giải quyết tranh chấp nhanh chóng, hiệu quả và có tính chuyên nghiệp cao. Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO đã thực sự góp phần vào quá trình điều chỉnh pháp lý các hoạt động thương mại thế giới, tạo niềm tin cho các nước khi tham gia vào tự do hoá thương mại. Mặc dầu vậy, cơ chế này chưa thể nói là hoàn thiện. Hoạt động thực tiễn trong 10 năm qua đã làm bộc lộ một số tồn tại sẽ phải được khắc phục trong thời gian tới. Việt Nam đã gia nhập WTO - bước vào một cuộc chơi lớn với những đối thủ cạnh tranh lớn. Do đó, chúng ta không chỉ cần nắm vững các luật lệ của WTO để tránh dẫn đến vi phạm các luật này, mà còn phải hiểu rõ hoạt động của cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức này, bởi đó chính là một công cụ hữu hiệu giúp chúng ta bảo vệ lợi ích của mình chống lại hành vi bất hợp pháp của các nước khác.Vì vậy, việc nghiên cứu các thủ tục giải quyết tranh chấp trong WTO và các án lệ của tổ chức này là điều cần thiết đối với chúng ta ngay từ thời điểm này.
PHỤ LỤC:
BẢNG 3 - QUY TRÌNH GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TRONG WTO
CÁC BƯỚC
THỦ TỤC
NỘI DUNG
Bước 1
Tham vấn, thương lượng
Các nước thành viên có tranh chấp trực tiếp đàm phán, thương lượng với nhau
Bước 2
Thành lập
Ban Hội thẩm
Nếu tham vấn thất bại, nước thành viên bị vi phạm có thể đề nghị Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO (DSB) thành lập Ban hội thẩm (gồm 3-5 chuyên gia độc lập)
Bước 3
Ban Hội thẩm lập Báo cáo giải quyết tranh chấp gửi các bên
Ban Hội thẩm tiến hành phân tích, điều trần…để xây dựng Báo cáo giải quyết tranh chấp; Báo cáo được gửi đến các bên tranh chấp
Bước 4
Gửi Báo cáo của Ban Hội thẩm đến tất cả các thành viên WTO
Báo cáo của Ban Hội thẩm được gửi đến tất cả các thành viên WTO (tất cả đều đồng thời là thành viên DSB)
Bước 5
Cơ quan giải quyết tranh chấp WTO (DSB-với thành phần là đại diện của tất cả các thành viên WTO) thông qua Báo cáo giải quyết tranh chấp
Báo cáo của Ban Hội thẩm được thông qua trong mọi trường hợp trừ khi tất cả các thành viên DSB phản đối
Bước 6
Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm
Nước thành viên không đồng ý với Quyết định giải quyết của DSB có thể kháng cáo ra Cơ quan Phúc thẩm
Bước 7
DSB thông qua báo cáo phúc thẩm
Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm về các vấn đề bị kháng cáo sẽ được thông qua trong mọi trường hợp trừ khi tất cả các thành viên DSB phản đối
Bước 8
Thực thi quyết định giải quyết tranh chấp
(i) Nước vi phạm tự nguyện thực hiện các Kiến nghị trong Quyết định giải quyết tranh chấp (rút lại biện pháp vi phạm); hoặc
(ii) Nếu (i) không được thực hiện thì Nước bị vi phạm yêu cầu được bồi thường hoặc Nước vi phạm tự đề nghị bồi thường;
(iii) Nếu (i) và (ii) đều không được thực hiện thì Nước bị vi phạm có thể yêu cầu DSB cho phép áp dụng biện pháp trả đũa bằng cách ngừng thực hiện các nghĩa vụ, cam kết (thường là nâng mức thuế suất đối với sản phẩm tương tự nhập từ nước vi phạm với trị giá tương đương với trị giá sản phẩm bị ảnh hưởng)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giáo trình luật quốc tế, Lê Mai Anh chủ biên; Trường Đại học Luật Hà Nội . - H : Công an nhân dân, 2004;
2. Cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế trong khuôn khổ tổ chức thương mại thế giới : công trình dự thi giải thưởng "sinh viên nghiên cứu khoa học", Trường Đại học Luật Hà Nội, 2006;
3. Cơ chế giải quyết tranh chấp trong WTO, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
4. Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO: Nhìn từ các nước đang phát triển; Lý Vân Anh; Tạp chí Nghiên cứu quốc tế 6/2005;
5. Giải quyết tranh chấp trong WTO- cơ chế bảo đảm sự bình đẳng chocác nước thành viên, ThS. Phan Thị Thành Dương, Pháp luật Việt Nam, Chuyên đề số 2 tháng 12/2007.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Bình luận vai trò của Tổ chức Thương mại Quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế.doc