Bộ luật Hình sự - Bài tập 6

BÀI TẬP 6 Vì ghen tuông, A có ý định giết B. A rủ B đi chơi, đến chỗ vắng, A rút dao đâm B 3 nhát. Tưởng rằng B đã chết, A bỏ đi. Do được phát hiện và cấp cứu kịp thời, B đã được cứu sống. Tòa án xác định A phạm tội giết người theo khoản 2 Điều 93 BLHS. Câu hỏi: 1. Căn cứ vào khoản 3 Điều 8 BLHS, hãy phân loại tội phạm đối với tội giết người. 2. Hành vi phạm tội của A thuộc giai đoạn phạm tội nào? Giải thích rõ tại sao. 3. Hãy chỉ ra đối tượng tác động của tội phạm và công cụ phạm tội trong vụ án. 4. Giả sử A mới đâm B một nhát, thấy B bị thương, máu ra nhiều, A sợ quá bỏ đi không tiếp tục đâm B đến chết. B bị thương tích với tỷ lệ thương tật là 21%. A có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Giải thích rõ tại sao? 5. Giả sử A đâm B ba nhát, tưởng rằng B đã chết, A bỏ đi nhưng do được phát hiện kịp thời, B đã được cứu sống. Tòa án áp dụng khoản 2 Điều 93 BLHS tuyên hình phạt đối với A là 13 năm tù thì hình phạt Tòa án áp dụng đối với A có đúng không? Giải thích rõ tại sao. 6. Giả sử A là người nước ngoài đang là nhân viên làm thuê cho một công ty liên doanh ở Hà Nội. Hành vi nói trên của A xảy ra ở Hà Nội thì A có bị xử lý theo luật hình sự Việt Nam không? Giải thích rõ tại sao.

doc10 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3214 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bộ luật Hình sự - Bài tập 6, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BÀI TẬP 6 Vì ghen tuông, A có ý định giết B. A rủ B đi chơi, đến chỗ vắng, A rút dao đâm B 3 nhát. Tưởng rằng B đã chết, A bỏ đi. Do được phát hiện và cấp cứu kịp thời, B đã được cứu sống. Tòa án xác định A phạm tội giết người theo khoản 2 Điều 93 BLHS. Câu hỏi: Căn cứ vào khoản 3 Điều 8 BLHS, hãy phân loại tội phạm đối với tội giết người. Hành vi phạm tội của A thuộc giai đoạn phạm tội nào? Giải thích rõ tại sao. Hãy chỉ ra đối tượng tác động của tội phạm và công cụ phạm tội trong vụ án. Giả sử A mới đâm B một nhát, thấy B bị thương, máu ra nhiều, A sợ quá bỏ đi không tiếp tục đâm B đến chết. B bị thương tích với tỷ lệ thương tật là 21%. A có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Giải thích rõ tại sao? Giả sử A đâm B ba nhát, tưởng rằng B đã chết, A bỏ đi nhưng do được phát hiện kịp thời, B đã được cứu sống. Tòa án áp dụng khoản 2 Điều 93 BLHS tuyên hình phạt đối với A là 13 năm tù thì hình phạt Tòa án áp dụng đối với A có đúng không? Giải thích rõ tại sao. Giả sử A là người nước ngoài đang là nhân viên làm thuê cho một công ty liên doanh ở Hà Nội. Hành vi nói trên của A xảy ra ở Hà Nội thì A có bị xử lý theo luật hình sự Việt Nam không? Giải thích rõ tại sao. 1. Căn cứ vào khoản 3 Điều 8 BLHS, phân loại tội phạm đối với tội giết người. Khoản 2 Điều 8 BLDS quy định căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi được quy định trong BLHS, tội phạm được phân thành 4 loại: Tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Khoản 3 Điều 8 quy định cụ thể như sau: - Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm không gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt cho tội ấy đến 3 năm tù. - Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy tới 7 năm tù. - Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là 15 năm tù. - Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Như vậy, căn cứ để phân loại tội phạm theo khoản 3 Điều 8 là mức độ nguy hiểm cho xã hội và lượng hình phạt áp dụng đối với từng tội phạm cụ thể. · Mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm là tiêu chí khách quan giúp phân biệt từng loại tội phạm, thể hiện ở mức độ gây thiệt hại (hoặc đe dọa gây thiệt hại) cho các quan hệ xã hội, các lợi ích của con người, của xã hội và của nhà nước được bảo vệ bằng pháp luật hình sự. Mỗi loại tội phạm cụ thể khác nhau thì có mức độ nguy hiểm cho xã hội khác nhau. Tính nguy hiểm cho xã hội được cụ thể hóa ở tội ít nghiêm trọng là không gây nguy hại không lớn cho xã hội, ở tội nghiêm trọng là tính nguy hại lớn cho xã hội, ở tội rất nghiêm trọng là tính nguy hại rất lớn cho xã hội và ở tội đặc biệt nghiêm trọng là tính nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội. · Lượng hình phạt áp dụng: Tương ứng và phù hợp với 4 mức độ phân hóa như trên, cũng có 4 mức cao nhất của khung hình phạt: đến 3 năm tù; đến 7 năm tù; đến 15 năm tù và trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Để phân loại tội phạm đối với tội giết người thì cần xác định được tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội cũng như mức cao nhất của khung hình phạt đối với trường hợp phạm tội trong từng khoản. Tội giết người được quy định tại Điều 93 BLHS Trích điều luật này tại phụ lục. gồm 3 khoản trong đó 2 khoản đầu quy định về các loại tội phạm, cụ thể: Tội giết người được quy định tại khoản 1 Điều 93 là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Khẳng định này được đưa ra dựa trên những căn cứ sau: + Hành vi giết người quy định tại khoản 1 Điều 93 có mức độ nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội.Hành vi giết người được thực hiện nhằm tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật tức là hành vi đó có khả năng gây ra cái chết cho con người, chấm dứt sự sống của họ. Như vậy, một hành vi nhằm cướp đoạt đi thứ quý giá nhất của con người là tính mạng của họ thì hành vi đó không thể coi là hành vi gây nguy hại không lớn cho xã hội. Bên cạnh đó, từ điểm a đến điểm q trong khoản 1 đã đưa ra các trường hợp giết người có tính chất nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội. Ví dụ như khoản a quy định trường hợp giết nhiều người, như chúng ta cũng biết, con người là tài sản của quốc gia, là đối tượng được pháp luật bảo vệ mọi mặt mà kẻ giết người vì lý do nào đó đã tước đi tính mạng của con người. Mà không chỉ một người mà từ hai người trở lên, vậy tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi này phải là đặc biệt lớn, hay điểm b quy định trường hợp giết phụ nữ mà biết có thai: Phụ nữ là đối tượng được pháp luật và cộng đồng bảo vệ mọi mặt và với sự ưu ái đặc biệt của nhà nước. kẻ gây hại đã liền một lúc giết hại hai tính mạng mà chúng biết rõ điều đó . Trường hợp giết người này được coi là trường hợp tăng nặng TNHS vì hành vi phạm tội xâm phạm đối tượng cần được xã hội quan tâm và bảo vệ đặc biệt. Hành vi giết phụ nữ mang thai thể hiện tính vô nhân đạo cao độ, rất khác so với trường hợp phạm tội giết người thông thường. Hành vi phạm tội không chỉ xâm phạm đến tính mạng của người mẹ mà còn xâm phạm đến sự sống trong tương lai của đưa con- đây là mầm mống tương lai của đất nước, là đối tượng mà được pháp luật và cộng đồng bảo vệ,… . Như vậy hành vi giết người được quy định tại khoản 1 Điều 93 thể hiện tính nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội. + Về lượng hình phạt: khoản 1 Điều 93 quy định: “… bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình”. Như vậy, mức cao nhất của khung hình phạt đối với trường hợp giết người theo quy định tại khoản 1 Điều 93 là hai mươi năm, chung thân hoặc tử hình, thuộc mức hình phạt cao nhất của loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Như vậy, dựa vào hai căn cứ trên có thể khẳng định tội giết người được quy định tại khoản 1 Điều 93 BLHS thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. - Khoản 2 Điều 93 quy định: “phạm tội không thuộc các quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm”. Như vậy, tội phạm được quy định tại khoản 2 Điều 93 mang tính chất và mức độ nguy hiểm thấp hơn so với tội phạm quy định tại khoản 1, cụ thể: + Tội phạm thực hiện hành vi giết người nhưng không có các tình tiết định khung tăng nặng (được quy định tại khoản 1), bằng chứng là tội mà người đó thực hiện chỉ thỏa mãn các dấu hiệu cơ bản của tội giết người, như hành vi giết, đối tượng là tính mạng (của 1 người),… + Mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với trường hợp phạm tội quy định tại khoản 2 Điều này là mười lăm năm tù, thỏa mãn mức cao nhất của khung hình phạt của loại tội phạm rất nghiêm trọng. Tóm lại, tội giết người được quy định tại khoản 2 Điều 93 thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng. Như vậy, tội giết người không có trường hợp nào thuộc loại tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng. Điều đó chứng tỏ tội phạm này có mức độ nguy hiểm rất lớn cho xã hội. 2. Hành vi phạm tội của A thuộc giai đoạn phạm tội nào? Giải thích rõ tại sao. Trước khi xét giai đoạn phạm tội của A, cần xác định A phạm tội gì? A (người phạm tội) đã có hành vi tác động trực tiếp đến thân thể của B (dùng dao nhọn đâm B 3 nhát liên tiếp vào ngực), mục đích của hành vi này là làm cho B chết. Thông thường với hành vi cố ý giết người thì hậu quả làm nạn nhân chết là một tất yếu, tuy nhiên trong tình huống này B đã không chết (do được cấp cứu kịp thời) mặc dù hành vi của A mang mầm mống của việc dẫn đến cái chết cho B. “Vì ghen tuông, A có ý định giết B”, như vậy ghen tuông chính là động cơ dẫn đến hành vi giết B của A, từ đó có thể khẳng định hành vi giết B là hành vi hoàn toàn được A kiểm soát bởi ý thức và điều khiển bởi ý chí. A mong muốn cho B chết, vì vậy, so với tội cố ý gây thương tích, sự cố ý của A có mức độ nguy hiểm cao hơn. Giai đoạn phạm tội của A là phạm tội chưa đạt. “Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội” (Theo điều 18 BLHS năm 1999 đã được sửa đổi bổ sung năm 2009). Hành vi phạm tội của A đã thỏa mãn ba dấu hiệu xác định trường hợp phạm tội chưa đạt: - Dấu hiệu thứ nhất: A đã bắt đầu thực hiện tội phạm bằng hành vi “cầm dao nhọn đâm ba nhát liên tiếp vào ngực của B” (khác với giai đoạn chuẩn bị phạm tội: chưa bắt đầu thực hiện tội phạm). Như vậy hành vi của A (đâm) là hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm mà cụ thể là cấu thành tội phạm tội giết người (Điều 93 BLHS). - Dấu hiệu thứ hai: A (người phạm tội) không thực hiện được tội phạm đến cùng. Cụ thể trong tình huống này, A đã thực hiện được hành vi khách quan là cầm dao nhọn đâm 3 nhát liên tiếp vào ngực B, tuy nhiên hậu quả mà A mong muốn đã không xảy ra (B không chết). - Dấu hiệu thứ ba: Nguyên nhân dẫn đến việc A không thực hiện được tội phạm đến cùng là do nguyên nhân ngoài ý muốn của A, mà cụ thể A đâm B nhưng B lại không chết, sở dĩ A dừng lại vì nghĩ rằng với hành vi tác động của mình, chắc chắn B sẽ chết và mục đích giết người của mình sẽ hoàn thành. Như vậy, những dấu hiệu trên chính là những minh chứng xác đáng cho việc khẳng định giai đoạn phạm tội của A: Phạm tội chưa đạt. Có hai trường hợp phạm tội chưa đạt là phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành và phạm tội chưa đạt đã hoàn thành. Trường hợp phạm tội của T là chưa đạt đã hoàn thành. “Phạm tội chưa đạt đã hoàn thành là trường hợp phạm tội chưa đạt nhưng người phạm tội đã thực hiện được hết các hành vi cho là cần thiết để gây ra hậu quả nhưng do nguyên nhân ngoài ý muốn, hậu quả vẫn chưa xảy ra (chưa đạt về hậu quả nhưng đã hoàn thành về hành vi)”. Ở đây, A định giết B và đã có hành vi đâm B 3 nhát liên tiếp vào ngực, sau khi thực hiện xong hành vi của mình, thấy B nằm im, tin chắc rằng B đã chết nên A đã chủ động dừng hành vi của mình lại. Nhưng hậu quả xảy ra lại nằm ngoài mong muốn của A (B đã không chết do được cấp cứu kịp thời). A bỏ đi mặc dù không còn gì ngăn cản nhưng không được coi là tự nguyện nửa chừng chấm dứt việc tội phạm vì người phạm tội đã hoàn toàn thoả mãn với hành vi của mình nhưng hậu quả mong muốn đã không xảy ra. 3. Hãy chỉ ra đối tượng tác động của tội phạm và công cụ phạm tội trong vụ án trên? - Về đối tượng tác động của tội phạm trong tình huống trên. “Đối tượng tác động của tội phạm là bộ phận của khách thể của tội phạm, bị hành vi phạm tội tác động đến để gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho những quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ” Trang 94, Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội. Tội giết người là một trong những loại tội phạm có cấu thành vật chất, tức là tội phạm chỉ được coi là đã hoàn thành nếu có hậu quả làm “chết người’ xảy ra. Đối tượng tác động của tội giết người nói chung là thân thể con người đang sống một cách bình thường Trang 197, Bình luận khoa học Bộ luật hình sự (được sửa đổi, bổ sung năm 2009). . Con người đang sống một cách bình thường được hiểu là một cơ thể sống độc lập, phát triển một cách bình thường. Trước khi bị tội phạm xâm hại về tính mạng, đối tượng bị giết không có biểu hiện của một người đã chết, hành vi của tội phạm giết người là nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết cho đối tượng tác động. Đối tượng tác động của tội phạm trong tình huống trên là B, có thể khẳng định trước khi A thực hiện hành vi “đâm”, B vẫn còn sống, bằng chứng các tình tiết trong tình huống ghi nhận sau khi A đâm B ba nhát, do được phát hiện và cứu chữa kịp thời, B đã được cứu sống. Như vậy, hành vi của A đã tác động lên thân thể của B “đâm B ba nhát” nhưng không gây ra cái chết cho B được. - Công cụ phạm tội trong tình huống trên là “một con dao nhọn”, loại dao có khả năng đâm sâu và gây sát thương lớn, đây là loại công cụ thường được lựa chọn để thực hiện hành vi “đâm”. Một câu hỏi được đặt ra: Tại sao A lại lựa công cụ này mà không phải một loại khác có tính chất nguy hiểm cao hơn? Để trả lời cho câu hỏi này, ta phải xét đến các đặc tính của loại công cụ này: “Dao nhọn” là loại dao nhỏ, dễ sử dụng, dễ tìm kiếm, có khả năng đâm sâu, bên cạnh đó loại công cụ này còn rất dễ phi tang. Chính những đặc điểm của loại dao này đã lý giải tại sao A lại lựa chọn nó để giết B mà không phải bất kỳ một công cụ nào khác. Trong tình huống, dao nhọn được A sử dụng để đâm B ba nhát liên tiếp, tuy nhiên B vẫn còn sống do được phát hiện và cấp cứu kịp thời. 4. Giả sử A mới đâm B một nhát, thấy B bị thương, máu ra nhiều, A sợ quá bỏ đi không tiếp tục đâm B đến chết. B bị thương tích với tỷ lệ thương tật là 21%. A có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Giải thích rõ tại sao? A không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người. Thứ nhất, có thể khẳng định trong tình huống trên, A đã có hành vi tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Khẳng định này được đưa ra dựa vào quy định tại đoạn thứ nhất Điều 19 BLHS: “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản” và hành vi của A thỏa mãn các dấu hiệu của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Cụ thể: - Việc chấm dứt việc phạm tội của A là tự nguyện và dứt khoát. A định giết B, tuy nhiên A chỉ thực hiện hành vi “đâm” B một nhát, mức độ nguy hiểm tới tính mạng của hành vi này không lớn, bằng chứng kết quả của hành vi này chỉ làm B bị thương tích với tỷ lệ thương tật 21 %,. Việc A dừng lại hành vi đâm B (bỏ đi không tiếp tục đâm B đến chết) là do sau khi đâm nhát đầu tiên, máu ra nhiều và A thấy sợ. Như vậy, việc dừng lại không thực hiện tiếp tội phạm của A hoàn toàn do động lực bên trong chứ không phải do trở ngại khách quan. Sự chấm dứt này hoàn toàn mang tính tự nguyện do suy nghĩ bên trong của bản thân A (người phạm tội). Tại thời điểm A dừng hành vi đâm B, A hoàn toàn toàn nhận thức được rằng không hề có sự ngăn cản nào đối với A và hành vi của A không thể dẫn đến cái chết cho B, thể hiện ở từ khóa “không tiếp tục đâm B đến chết”. Việc nửa chừng chấm dứt việc phạm tội của A là hoàn toàn dứt khoát, sau khi đâm B một nhát, A bỏ đi, các tình tiết trong tình huống đã loại trừ khả năng A tạm ngừng việc phạm tội hoặc không dứt khoát trong việc bỏ đi. - Hành vi nửa chừng chấm dứt việc phạm tội của A xảy ra trong giai đoạn phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành, tức là thời điểm A dừng hành vi lại, hậu quả nguy hiểm cho xã hội chưa xảy ra và về chủ quan thì kết quả phạm tội mà chủ thể phạm tội đó mong muốn đã không xảy ra. Thứ hai, căn cứ vào đoạn 2 Điều 19 BLHS “Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm…”. Kết hợp hai căn cứ trên có thể khẳng định A không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người. A phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích. Đoạn 2 Điều 19 BLHS năm 1999 quy định: “Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế thực hiện đã đủ yếu tố cấu thành của môt tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này”. A đã tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội giết người nhưng hành vi thực tế của A đã cấu thành đầy đủ các yếu tố cấu thành của tội cố ý gây thương tích (gây thương tích cho B với tỷ lệ thương tật 21%), theo khoản 1 Điều 104 BLHS năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009): “Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn nguy hiểm gây nguy hại cho nhiều người; b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đ) Đối vớ ông, bà, cha,mẹ, người nuôi dưỡng, thày giáo, cô giáo của mình; e) Có tổ chức; g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng đưa vào cơ sở giáo dục; h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân” nên A phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích. 5. Giả sử A đâm B ba nhát, tưởng rằng B đã chết, A bỏ đi nhưng được phát hiện và cấp cứu kịp thời, B đã được cứu sống. Tòa án áp dụng khoản 2 Điều 93 BLHS tuyên hình phạt đối với A là 13 năm tù thì hình phạt Tòa án áp dụng đối với có đúng không? Giải thích rõ tại sao. Như đã phân tích ở ý 2, trong tình huống này, A phạm tội giết người ở giai đoạn phạm tội chưa đạt. Tòa án đã áp dụng khoản 2 Điều 93 BLHS để quyết định hình phạt đối với A là chưa chính xác, bởi lẽ, khoản 2 Điều 93 chỉ là cơ sở để xác định hình phạt đối với A trong trường hợp A thực hiện tội phạm ở giai đoạn hoàn thành (thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu của cấu thành tội phạm tội giết người). Tuy nhiên trong tình huống này, A thực hiện tội phạm ở giai đoạn chưa đạt, chính vì vậy việc xác định hình phạt đối với A phải áp dụng đồng thời khoản 2 Điều 93: “Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm” và khoản 3 Điều 52: “Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì chỉ có thể áp dụng các hình phạt này trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng; nếu tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định”. Như vậy mức hình phạt cao nhất mà Tòa án có thể tuyên đối với A chỉ có thể là ba phần tư của mười lăm năm tù [(3/4 x 15năm) = 11 năm 3 tháng] tức là 11 năm 3 tháng. Trong trường hợp có thêm các tình tiết tăng nặng được quy định tại Điều 48 thì mức hình phạt cao nhất cũng không được vượt quá mức là 11 năm 3 tháng (không được quá mức cao nhất của khung hình phạt). Trái lại Tòa án lại áp dụng khoản 2 Điều 93 BLHS tuyên hình phạt đối với A là 13 năm tù thì có thể khẳng định hình phạt Tòa án áp dụng đối với A là không đúng (vượt quá mức hình phạt cao nhất mà Tòa án có thể tuyên đối với A – 11 năm 3 tháng). Giả sử A là người nước ngoài đang là nhân viên làm thuê cho một công ty liên doanh ở Hà Nội. Hành vi nói trên xảy ra ở Hà Nội thì A có bị xử lý theo pháp luật Việt Nam không? A là người nước ngoài đang là nhân viên làm thuê cho một công ty liên doanh ở Hà Nội, như vậy chứng tỏ A đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, thực hiện hành vi giết người tại địa bàn Hà Nội, như vậy, theo nguyên tắc lãnh thổ “luật hình sự của mỗi quốc gia có hiệu lực đối với tất cả các tội phạm xảy ra trên lãnh thổ của mình, không kể người đó là công dân của quốc gia hay người nước ngoài hay người không quốc tịch” thì hành vi phạm tội của A trên lãnh thổ Việt Nam về nguyên tắc phải chịu sự điều chỉnh của Luật hình sự Việt Nam. Tuy nhiên khoản 2 Điều 5 BLHS năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) quy định các trường hợp người nước ngoài phạm tội được miễn trừ nghĩa vụ ngoại giao: “Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng các quyền miễn trừ nghĩa vụ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao”. Vấn đề đặt ra A có thuộc các đối tượng kể trên hay không? Thông thường những người được hưởng các quyền đặc miễn tư pháp là nhưng người đứng đầu nhà nước, các thành viên của chính phủ, những người đứng đầu các cơ quan ngoại giao, các thành viên của đoàn ngoại giao như đại sứ, tham tán đại sứ, bí thư, tùy viên… Tuy nhiên, trong tình huống trên, A chỉ là nhân viên làm thuê cho một công ty liên doanh ở Việt Nam, một nhân viên làm thuê không có dấu hiệu về nhân thân nào khác thì chắc chắn A không thuộc đối tượng được miễn trừ nghĩa vụ ngoại giao, do đó A vẫn bị xử lý theo pháp luật Việt Nam.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docBai tap 6 bai tap hoc ky hinh su 1 (8diem).doc