Trong khoa học pháp lý xuất hiện thuật ngữ “nguồn nguy hiểm cao độ” dùng để gọi chung cho các sự vật tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại như trên. Trên cơ sở đánh giá mức độ tiềm ẩn nguy cơ, mối liên quan giữa hành vi của con người với thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, pháp luật đã đề cập đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Dưới đây chúng ta sẽ đi vào tìm hiểu “bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra” dưới hai góc độ lý luận và thực tiễn, để có thể hiểu rõ hơn về trách nhiệm pháp lý đặc biệt này.
22 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 5531 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thực tiễn áp dụng tại Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT
BTTH : Bồi thường thiệt hại
BLDS : Bộ luật Dân sự
TAND : Tòa án nhân dân
MỤC LỤC
trang
ĐẶT VẤN ĐỀ 4
NỘI DUNG
A/ Một số vấn đề lý luận về bồi thường thiệt hại(BTTH) do
nguồn nguy hiểm cao độ gây ra :
I, Một số khái niệm cơ bản : 4
II, Đặc điểm của trách nhiệm BTTH do
nguồn nguy hiểm cao độ gây ra : 5
1. Cơ sở pháp lý : 6
2. Về chủ thể phải BTTH : 6
3. Điều kiện phát sinh trách nhiệm BTTH do
nguồn nguy hiểm cao độ gây ra : 6
III, Những quy định của pháp luật hiện hành về BTTH do
nguồn nguy hiểm cao độ gây ra :
1. Các quy định của pháp luật về nguồn nguy hiểm cao độ : 8
2. Các dấu hiệu để xác định
nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại : 9
3. Các quy định của pháp luật về trách nhiệm của
chủ thể trong BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra : 10
4. Ý nghĩa pháp lý của quy định về bồi thường thiệt hại do
nguồn nguy hiểm cao độ gây ra : 13
B/ Thực tiễn về bồi thường thiệt hại do
nguồn nguy hiểm cao độ gây ra : 14
I, Vụ việc thứ nhất : 14
II, Vụ việc thứ hai : 16
C/ Một vài ý kiến nhằm bổ sung và khắc phục những điểm
còn thiếu sót trong quy định của pháp luật về
BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra : 18
KẾT LUẬN 20
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 22
ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong cuộc sống ngày nay, chúng ta có thể thấy rằng hoạt động của những sự vật như máy móc, phương tiện, các hệ thống sản xuất trong các nhà máy, xí nghiệp…đã và đang đóng vai trò vô cùng quan trọng, thay đổi một cách căn bản cuộc sống của con người. Lợi ích mà những sự vật trên mang lại cho con người là hết sức to lớn. Tuy nhiên, cái gì cũng có mặt trái của nó, khi hoạt động, vận hành, những sự vật kể trên luôn ẩn chứa trong mình nguy cơ gây thiệt hại, đe dọa tới sự an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của con người. Những thiệt hại trên hoàn toàn mang tính khách quan, nằm ngoài sự kiểm soát của con người, dù cho con người đã tìm cách để vận hành, điều khiển chúng một cách an toàn nhất có thể. Chính từ nguyên nhân này, trong khoa học pháp lý xuất hiện thuật ngữ “nguồn nguy hiểm cao độ” dùng để gọi chung cho các sự vật tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại như trên. Trên cơ sở đánh giá mức độ tiềm ẩn nguy cơ, mối liên quan giữa hành vi của con người với thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, pháp luật đã đề cập đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Dưới đây chúng ta sẽ đi vào tìm hiểu “bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra” dưới hai góc độ lý luận và thực tiễn, để có thể hiểu rõ hơn về trách nhiệm pháp lý đặc biệt này.
NỘI DUNG
A/ Một số vấn đề lý luận về bồi thường thiệt hại(BTTH) do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra :
I, Một số khái niệm cơ bản :
* Bồi thường thiệt hại : là sự gánh chịu một hậu quả bất lợi bằng việc bù đắp tổn thất cho người khác (1) : Theo
.
* Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra : BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra được hiểu là trách nhiệm của chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại cho người khác, phải bồi thường thiệt hại kể cả trong trường hợp chủ sở hữu hay chiếm hữu hợp pháp nguồn nguy hiểm cao độ đó không có lỗi.
* Nguồn nguy hiểm cao độ : là những vật chất nhất định do pháp luật quy định luôn tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại cho con người, con người không thể kiểm soát được một cách tuyệt đối (2) : Theo Giáo trình Luật dân sự Việt Nam tập 2, TS. Lê Đình Nghị (chủ biên), Nxb. Giáo dục.
. Khoản 1 điều 623 Bộ luật dân sự(BLDS) 2005 có nêu : “Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định”(3) : Trích khoản 1 Điều 623 BLDS 2005, Nxb. Lao Động – Xã Hội.
. Theo quy định này, nguồn nguy hiểm cao độ là những vật, thú dữ… có tiềm ẩn những nguy cơ gây thiệt hại mà không phải bao giờ con người cũng có thể lường trước được và ngăn chặn.
II, Đặc điểm của trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra :
BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là một loại trách nhiệm pháp lý thuộc trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng. Ngoài những đặc điểm của trách nhiệm pháp lý nói chung, trách nhiệm BTHH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra còn có những đặc điểm riêng sau đây :
1. Cơ sở pháp lý :
Trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là một loại trách nhiệm dân sự và chịu sự điều chỉnh của pháp luật dân sự, được quy định trong (BLDS) 2005 tại điều 623 và tại Mục III Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng Tòa án Nhân dân Tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS 2005 về BTTH ngoài hợp đồng và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
2. Về chủ thể phải BTTH :
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu (mượn, thuê…), sử dụng (giao ô tô cho lái xe theo hợp đồng với chủ sở hữu) thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác, những thỏa thuận này không được vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức của xã hội.
3. Điều kiện phát sinh trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra :
* Có hoạt động gây thiệt hại trái pháp luật do chính nguồn nguy hiểm cao độ gây ra :
Việc gây thiệt hại trái phát luật là những thiệt hại do sự hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ tạo ra, pháp luật không cho phép. Những thiệt hại về tài sản của các tổ chức, của nhà nước ; những thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng của cá nhân là nhóm khách thể được pháp luật bảo vệ. Những thiệt hại về quyền, lợi ích chính đáng của chủ thể trong xã hội do chính sự hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ gây ra làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của các chủ thể có liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ đó. Ngay ở tên của điều 623 BLDS “Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra” đã cho thấy thiệt hại ở đây là do chính nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, do những hoạt động chủ quan nội tại của nguồn nguy hiểm đó dẫn đến thiệt hại, nếu thiệt hại liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ mà không phải do tự thân nguồn nguy hiểm đó gây thiệt hại thì trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra không phát sinh mà đây là trách nhiệm BTTH thông thường. Ta có thể thấy một số ví dụ về hoạt động tự thân nguồn nguy hiểm cao độ như xe ô tô đang đi trên đường thì bị mất phanh, cần cẩu đang bốc dỡ hàng thì bị gãy trục… Cũng phải nhìn nhận rằng để phát sinh trách nhiệm trên , nguồn nguy hiểm cao độ phải đang ở trạng thái “đang hoạt động”, vì khi ở trạng thái hoạt động, vận hành thì nguồn nguy hiểm cao độ mới có khả năng gây thiệt hại do những hoạt động nội tại. Ví dụ như một chiếc ô tô đang để trong gara (không hoạt động) bị đứt phanh với cũng chiếc ô tô ấy bị đứt phanh trên đường đi thì ở trường hợp sau mức độ nguy hiểm mà ô tô gây ra sẽ là rất lớn, còn mức độ nguy hiểm ở trường hợp trước gần như bằng không.
* Có thiệt hại xảy ra :
Trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cũng là một loại trách nhiệm BTTH, và vì vậy thiệt hại xảy ra được coi là điều kiện tiên quyết để phát sinh trách nhiệm BTTH. Nếu không có thiệt hại xảy ra thì sẽ không phát sinh trách nhiệm bồi thường. Tuy cũng là một loại trách nhiệm BTTH nhưng trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra có điểm khác so với trách nhiệm BTTH chung, đó là không có trách nhiệm bồi thường liên quan đến danh dự, nhân phẩm, vì nguồn nguy hiểm gây thiệt hại là do hoạt động của chúng, do vậy những thiệt hại gây ra chỉ có thể là tài sản, sức khỏe hay tính mạng. Nguồn nguy hiểm cao độ do tính chất nguy hiểm của nó có thể gây thiệt hại cho bất kỳ ai: chủ sở hữu, người đang chiếm hữu, vận hành, những người không có liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ… Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ chỉ được đặt ra khi nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại cho những “người xung quanh”, là những người khi xảy ra thiệt hại không có quan hệ lao động hoặc sở hữu liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ nhằm để bảo vệ quyền được bồi thường cho những người này.
* Có mối quan hệ nhân quả giữa sự hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ và thiệt hại xảy ra :
Quan hệ giữa sự hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ và thiệt hại xảy ra phải mang tính chặt chẽ, hoạt động của nguồn nguy hiểm là nguyên nhân trực tiếp gây thiệt hai, không có yếu tố lỗi của con người. Mối quan hệ nhân quả này chính là cơ sở xác định trách nhiệm bồi thường của chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ.
* Về điều kiện lỗi trong trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra không đặt ra bởi đây là trách nhiệm pháp lý đặc biệt, vẫn phát sinh khi có đủ 3 điều kiện ở trên mà không cần yếu tố lỗi, và chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp quy định tại khoản 3 điều 623 BLDS : “ a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”(4) : Trích khoản 3 điều 623 BLDS 2005, Nxb. Lao Động – Xã Hội.
III, Những quy định của pháp luật hiện hành về BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra :
1. Các quy định của pháp luật về nguồn nguy hiểm cao độ :
Đoạn 1 khoản 1 điều 623 BLDS không đưa ra một định nghĩa khái quát về nguồn nguy hiểm cao độ mà chỉ có quy định mang tính liệt kê như gồm các phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động… Khái niệm cụ thể của các loại nguồn nguy hiểm trên được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, như Luật Giao thông đường bộ 2008, Bộ Luật Hàng hải 2005, Luật Điện lực… Do không mang tính khái quát nên điều 623 còn đề cập đến “nguồn nguy hiểm cao độ khác” do pháp luật quy định. Đây là quy định mang tính mở của pháp luật, vì nguồn nguy hiểm cao độ trên thực tế rất đa dạng, khó có thể liệt kê hết được. Ở đây, theo điều 623 BLDS chúng ta có thể hiểu nguồn nguy hiểm cao độ là những vật đang tồn tại hiện hữu mà hoạt động vận hành, sản xuất, vận chuyển, bảo quản… chúng luôn chứa đựng khả năng gây thiệt hại cho môi trường và những người xung quanh. Tính nguy hiểm của nó thể hiện ở chỗ con người không thể kiểm soát được một cách tuyệt đối nguy cơ gây thiệt hại. Trên thực tế có những sự vật chưa được pháp luật quy định là nguồn nguy hiểm cao độ mặc dù có đặc điểm của nguồn nguy hiểm cao độ là ẩn chứa nguy cơ gây thiệt hại khi hoạt động, ví dụ như xe đạp điện, xe máy có dung tích xi lanh nhỏ hơn 50cm3, các loài ong độc, rắn độc… Theo đó, việc xác định một vật có được coi là nguồn nguy hiểm cao độ hay không ngoài căn cứ vào các quy định của pháp luật thì cũng cần căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của vật đó.
Ở đoạn 2 khoản 1 điều 623 BLDS quy định : “Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.”(5) : Trích khoản 1 điều 623 BLDS 2005, Nxb.Lao Động – Xã Hội.
, do tính chất tiềm ẩn khả năng gây thiệt hại của nguồn nguy hiểm cao độ, quy định này đòi hỏi chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật trong từng trường hợp, điều kiện và hoàn cảnh cụ thể.
2. Các dấu hiệu để xác định nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại :
Căn cứ quy định tại điều 623, trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra khi thỏa mãn hai dấu hiệu:
Một là, những sự vật được coi là nguồn nguy hiểm cao độ phải đang trong tình trạng vận hành, hoạt động, ví dụ như nhà máy công nghiệp đang sản xuất, hệ thống tải điện đang cung cấp điện… vì nguồn nguy hiểm cao độ không hoạt động , không vận hành thì không có khả năng gây thiệt hại.
Hai là, phải có thiệt hại thực sự xảy ra do chính sự tác động của bản thân nguồn nguy hiểm cao độ. Việc xác định nguyên nhân gây thiệt hại là do hành vi có lỗi của con người hay do tự thân nguồn nguy hiểm cao độ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc xác định trách nhiệm BTTH, vì trách nhiệm được áp dụng trong hai trường hợp này là hoàn toàn khác nhau.
3. Các quy định của pháp luật về trách nhiệm của chủ thể trong BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra :
* Trường hợp chủ thể phải chịu trách nhiệm bồi thường là chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ :
Khi có thiệt hại xảy ra do nguồn nguy hiểm cao độ, trước tiên phải nghĩ đến nghĩa vụ của chủ sở hữu hợp pháp nguồn nguy hiểm cao độ trong việc tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể bị thiệt hại, vì vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trước hết được đặt ra cho chủ sở hữu, trừ trường hợp chủ sở hữu chứng minh được trách nhiệm thuộc về người khác. Trong trường hợp chủ sở hữu đang trực tiếp chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ, căn cứ khoản khoản 2 Điều 623 BLDS 2005 cũng như khoản a Điều 2 Mục III Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/07/2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, chủ sở hữu hợp pháp của nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại.
Trong trường hợp chủ sở hữu chuyển giao quyền chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật cho người khác, áp dụng quy định tại khoản 2 điều 623 BLDS và khoản b điều 2 Mục III Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao số 03/2006/NQ-HĐTP, những người được chuyển giao quyền phải chịu trách nhiệm bồi thường khi nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại, trừ khi có thỏa thuận khác không trái pháp luật, đạo đức xã hội hoặc nhằm trốn tránh việc bồi thường.
Trên thực tế, có nhiều trường hợp chủ sở hữu đã chuyển giao quyền chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác nhưng thực tế vẫn là người khai thác công dụng, hưởng lợi từ tài sản đó mang lại, như trong trường hợp công ty vận tải chuyển giao xe cho các tài xế thuộc biên chế của công ty để thực hiện công việc, do đó, trường hợp nguồn nguy hiểm đã được chủ sở hữu giao cho người khác thì cần phải xác định trong trường hợp cụ thể đó người được giao nguồn nguy hiểm cao độ có phải là người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ hay không để xác định ai là người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản đ Điều 2 Mục III Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao số 03/2006/NQ-HĐTP. Trong trường hợp này nếu lái xe gây thiệt hại trong lúc thực hiện nhiệm vụ do công ty giao thì công ty vận tải ở đây là chủ thể phải chịu trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (chiếc xe), còn nếu lái xe gây thiệt hại không liên quan đến nhiệm vụ được giao thì lái xe phải chịu trách nhiệm BTTH theo điều 623 BLDS.
Nếu chủ sở hữu hợp pháp nguồn nguy hiểm cao độ đã chuyển giao quyền chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác nhưng sự chuyển giao này không tuân theo đúng các quy định của pháp luật và thông qua các giao dịch dân sự như cho thuê, cho mượn... thì khi có thiệt hại xảy ra trên thực tế do hoạt động nội tại của bản thân nguồn nguy hiểm cao độ thì căn cứ khoản b Điều 2 Mục III Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao số 03/2006/NQ-HĐTP, thì chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ sẽ là người phải chịu trách nhiệm bồi thường. Bởi khi chuyển giao nguồn nguy hiểm cao độ, chủ sở hữu đã biết trước tính nguy hiểm mà tài sản của mình có thể gây ra, đồng thời, về ý chí, chủ sở hữu hoàn toàn nhận thức được việc chuyển giao là trái pháp luật.
* Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong tình thế cấp thiết, sự kiện bất khả kháng hoặc do lỗi cố ý của người bị thiệt hại :
Lại nhắc lại về điều kiện phát sinh trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, thiệt hại xảy ra phải có mối quan hệ nhân quả với sự hoạt động tự thân của nguồn nguy hiểm cao độ, tuy nhiên trong trường hợp tình thế cấp thiết, sự kiện bất khả kháng hay do lỗi cố ý của người bị hại thì thiệt hại xảy ra hoàn toàn không bắt nguồn từ hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ. Do đó, theo khoản 3 điều 623 và khoản c điều 2 Mục III Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao số 03/2006/NQ-HĐTP, trong trường hợp thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong tình thế cấp thiết, sự kiện bất khả kháng hoặc do lỗi cố ý của người bị thiệt hại, chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp nguồn nguy hiểm cao độ không phải bồi thường thiệt hại
* Bồi thường thiệt hại trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật :
Chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ là hành vi chiếm hữu không có căn cứ pháp luật quy định tại Điều 183 BLDS 2005 ví dụ như: chuyển giao quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản thông qua giao dịch dân sự vi phạm các điều kiện có hiệu lực theo Điều 122 BLDS 2005; nguồn nguy hiểm cao độ có được do trộm, cướp, hoặc các hành vi chiếm đoạt tài sản khác; ... Khi nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật, khoản 4 Điều 623 BLDS 2005 và khoản d Điều 2 Mục III Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao số 03/2006/NQ-HĐTP quy định thành hai trường hợp sau :
Thứ nhất, “ người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, nếu chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp không có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật ( đã tuân thủ các quy định về bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật ).”(6): Trích điểm d khoản 2 Mục III Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng Tòa án Nhân dân Tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS 2005 về BTTH ngoài hợp đồng.
Như vậy, nếu nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng thông qua hành vi trái pháp luật bao gồm trộm, cướp hoặc các hình thức chiếm đoạt tài sản khác ví dụ như xe máy có được do trộm cắp, tàu thuyền cướp được ... thì khi có thiệt hại xảy ra do nguồn nguy hiểm cao độ thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ bất hợp pháp phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Thứ hai, “ khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.”(7): Trích khoản 4 Điều 623 BLDS 2005, Nxb. Lao Động – Xã Hội.
Nếu chủ sở hữu hợp pháp nguồn nguy hiểm cao độ đã không thực hiện đúng các quy định về bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ dẫn đến việc nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì cũng phải chịu một phần trách nhiệm trong việc BTTH do nguồn nguy hiểm bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây ra.
4. Ý nghĩa pháp lý của quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra :
Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là loại trách nhiệm đặc biệt bởi lẽ thiệt hại xảy ra không phải do hành vi và do lỗi của con người mà do hoạt động của những sự vật mà hoạt động của chúng luôn tiềm ẩn khả năng gây thiệt hại. Mặc dù chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu nguồn nguy hiểm cao độ có thể không có lỗi đối với thiệt hại nhưng để bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người bị thiệt hại, pháp luật vẫn buộc họ có trách nhiệm bồi thường. Việc pháp luật ghi nhận điều luật này buộc chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng đúng pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ phải có ý thức, trách nhiệm trong quá trình quản lý, sử dụng, bảo quản, vận hành các nguồn nguy hiểm cao độ này, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại mà các nguồn nguy hiểm này có thể gây ra cho môi trường và cho những người xung quanh.
B/ Thực tiễn về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra :
Để có thể hiểu hơn về việc áp dụng những quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, chúng ta hãy đi vào xem xét những ví dụ cụ thể dưới đây :
I, Vụ việc thứ nhất :
* Vụ việc: lúc 21g15 ngày 16/6/2007, anh Trần Hữu Cường (26 tuổi, ở thôn Mỹ Hòa, xã Hòa Hiệp Bắc, huyện Đông Hòa) điều khiển xe máy chở vợ là Lương Thị Qui đi trên đường Nguyễn Văn Linh, phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa). Do vừa chạy xe vừa mải mê nói chuyện với vợ, nên xe máy của anh Cường lấn sang phần đường bên trái, tông vào xe máy do anh Phạm Hồng Ngà (26 tuổi, ở thôn Phước Lộc, xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa) đang lưu hành ngược chiều. Vụ tai nạn khiến cho anh Ngà bị thương tích nặng, mù hai mắt, tỉ lệ thương tật do Tổ chức Giám định pháp y tỉnh Phú Yên kết luận là 97%. Sau khi khám nghiệm điều tra tại hiện trường, Công an TP Tuy Hòa xác định nguyên nhân vụ tai nạn hoàn toàn do lỗi của anh Trần Hữu Cường. Do đó, anh Cường bị truy tố, xét xử về tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện đường bộ.
Do người bị hại trong vụ tai nạn giao thông này là công nhân hàn gò bậc 3/7, đang làm việc tại Công ty Công nghiệp tàu thủy Phú Yên với mức lương mỗi tháng 1.247.000 đồng, nên ngoài việc yêu cầu bồi thường chi phí điều trị thương tích cho nạn nhân tại các bệnh viện, vợ anh Ngà là chị Nguyễn Thị Tính còn yêu cầu bồi thường các khoản mất thu nhập của nạn nhân trong thời gian nằm viện, tiền công chăm sóc người bệnh, tiền tổn thất tinh thần, chi phí tái phẫu thuật tại TP Hồ Chí Minh với tổng cộng hơn 104 triệu đồng. Ngoài các khoản nêu trên, đại diện bị hại còn yêu cầu người gây tai nạn và người có trách nhiệm liên đới phải bồi thường theo mức thu nhập tiền lương mỗi tháng anh Ngà đang hưởng 1.247.000 đồng và tiền công người chăm sóc mỗi tháng 800.000 đồng cho đến khi nạn nhân qua đời.
* Giải quyết của tòa : bản án sơ thẩm số 57/2008/HSST ngày 16/6/2008 của TAND TP Tuy Hòa xử phạt bị cáo Trần Hữu Cường 9 tháng tù. Về dân sự, buộc Cường bồi thường cho anh Ngà hơn 104 triệu đồng thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; bồi thường mức thu nhập tiền lương cho anh Ngà mỗi tháng 1.247.000 đồng, tiền công người chăm sóc anh Ngà mỗi tháng 800.000 đồng kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật cho đến khi anh Ngà chết.
* Bình luận : Trong vụ án nêu trên, việc TAND TP Tuy Hòa xác định trách nhiệm BTTH của anh Cường là BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (ở đây là chiếc xe máy) là đã có sự nhầm lẫn giữa bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của con người gây ra liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ với bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Ở đây, anh Cường đã có hành vi vừa chạy xe vừa mải mê nói chuyện với vợ, nên xe máy của anh Cường mới lấn sang phần đường bên trái, tông vào xe máy do anh Phạm Hồng Ngà gây tai nạn. Thiệt hại xảy ra ở đây hoàn toàn do hành vi trái pháp luật của anh Cường chứ không phải do hoạt động nội tại của nguồn nguy hiểm cao độ là chiếc xe máy gây ra. Vì vậy, trong vụ việc này cần xác định trách nhiệm BTTH của anh Cường là trách nhiệm BTTH thông thường do hành vi trái pháp luật của con người, áp dụng các điều 608, 609 BLDS để xác định trách nhiệm BTTH.
II, Vụ việc thứ hai :
* Vụ việc : Ông Kiên hiện đang đứng tên trong giấy đăng kí 1 chiếc xe ô tô tải. Ông Kiên đã bán chiếc xe này cho ông Đức, có hợp đồng mua bán do UBND xã chứng thực nhưng vẫn chưa sang tên, đổi chủ. Giữa ông Kiên và ông Đức lại có hợp đồng với nội dung: ông Đức cho ông Kiên tiếp tục thuê chiếc ô tô tải này với mức thuê 1 triệu đồng/ tháng. Ông Kiên kí hợp đồng với ông Cường (là người có bằng lái xe) với nội dung: Ông Kiên chịu trách nhiệm tìm việc (tìm nguồn hàng để vận tải). Mỗi khi có hợp đồng vận tải, ông Kiên sẽ báo cho ông Cường để ông Cường (lái xe) thực hiện. Hai bên cam kết: Khi xe ô tô đang trên đường thực hiện hợp đồng thì lái xe Cường phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về an ninh hàng hoá, an toàn giao thông trên đường... Hợp đồng này có chứng thực của UBND xã. Ông Kiên không bao giờ theo xe, mọi việc đều giao cả cho ông Cường. Trong một lần vận tải gần đây, ông Cường tự ý chuyển tay lái cho anh Toàn- phụ xe là người không có bằng lái. Và, tai nạn chết người xảy ra mà lỗi đã được kết luận là do xe tải. Vụ việc được đưa ra TAND TP Hải Phòng giải quyết.
* Giải quyết của tòa : Theo bản án sơ thẩm của TAND TP Hải Phòng, quyết định: về hình sự, phạt Toàn 3 năm tù về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo Điều 202 BLHS(đã bắt thi hành án); về dân sự, ông Kiên phải chịu hoàn toàn trách nhiệm bồi thường hơn 300 triệu đồng cho gia đình bị hại theo trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra quy định tại điều 623 BLDS .Ông Kiên có quyền khởi kiện bằng 1 vụ án khác để đòi ông Cường hoàn trả số tiền mà ông đã bồi thường; sau đó, ông Cường có quyền khởi kiện bằng 1 vụ kiện khác nữa đòi ông Toàn hoàn trả số tiền này.
* Bình luận : trong vụ việc nêu trên, TAND TP Hải Phòng đã xác định chưa chính xác trách nhiệm BTTH của ông Kiên. Ông Kiên trong trường hợp này vẫn là người chủ sở hữu của chiếc xe (do chưa sang tên, đổi chủ). Mặc dù chiếc xe gây tai nạn trong quá trình thực hiện công việc do ông Kiên giao cho ông Cường được giao kết trong hợp đồng lao động, ông Kiên là người được hưởng lợi tức từ việc khai thác, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ(chiếc xe tải), tuy nhiên trong hợp đồng lao động có ghi rõ ông Cường phải chịu toàn bộ trách nhiệm về an toàn giao thông trên đường, do đó ta có thể nhận định trách nhiệm BTTH trong trường hợp này sẽ phải do ông Cường gánh chịu(nguyên tắc tự thỏa thuận trong luật dân sự). Sau đó, ông Cường có quyền khởi kiện bằng 1 vụ kiện khác đòi ông Toàn hoàn trả số tiền này.
Trên đây chỉ là hai trong rất nhiều vụ việc bồi thường thiệt hại có liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ. Ta có thể thấy rằng ở vụ việc thứ nhất, tòa án đã có sự nhầm lẫn trong việc xác định loại trách nhiệm BTTH, còn ở vụ việc thứ hai là chủ thể phải chịu trách nhiệm BTTH. Tuy điều 623 BLDS và các quy định khác của pháp luật có liên quan quy định trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra khá chi tiết nhưng vẫn có những điểm còn thiếu và việc hướng dẫn thi hành điều luật này cũng có đôi chỗ chưa được rõ ràng, dễ dẫn đến nhầm lẫn trong thực tiễn xét xử. Trên cơ sở tham khảo các tài liệu và giáo trình, dưới đây em xin đưa ra một vài ý kiến nhằm bổ sung và khắc phục những điểm còn thiếu sót trong quy định của pháp luật về BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra :
C/ Một vài ý kiến nhằm bổ sung và khắc phục những điểm còn thiếu sót trong quy định của pháp luật về BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra :
Thứ nhất, về khái niệm thế nào là nguồn nguy hiểm cao độ. Như ở phần III đã nêu, khái niệm nguồn nguy hiểm cao độ được quy định trong Khoản 1 Điều 623 theo hướng liệt kê, không đầy đủ, dẫn đến tình trạng không bao quát hết được các nguồn nguy hiểm cao độ tòn tại trên thực tế, gây khó khăn trong việc áp dụng luật. Vì vậy, trong điều 623 không nên định nghĩa nguồn nguy hiểm cao độ theo hướng liệt kê mà chỉ cần xác định tiêu chí chung để được coi là nguồn nguy hiểm cao độ như tính nguy hiểm, tính gây thiệt hại tiềm tàng… của chúng.
Thứ hai, về điều kiện áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Hiện nay chưa có quy định nào phân định cụ thể: khi nào áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói chung và khi nào áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra dẫn đến có những cách hiểu và áp dụng không thống nhất trên thực tế. Như trường hợp đã nêu ở vụ việc 1 kể trên, tòa án thấy thiệt hại có liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ là áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, bất kể nguyên nhân gây thiệt hại là do con người hay do tự thân nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Đây chính là sự mâu thuẫn trong áp dụng pháp luật. Vì vậy, cần có quy định rõ ràng về việc trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra chỉ phát sinh khi thiệt hại là do sự tác động tự thân của nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
Thứ ba, về chủ thể chịu trách nhiệm BTTH, cần phân định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong trường hợp chủ sở hữu đã chuyển giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác chiếm hữu, sử dụng, cụ thể là trường hợp chuyển giao theo quan hệ lao động và chuyển giao theo quan hệ dân sự như sau :
Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ được chuyển giao cho người khác theo nghĩa vụ lao động: Nếu thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong quá trình người lao động quản lý, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo nhiệm vụ được giao thì trách nhiệm bồi thường thuộc về chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ. Nếu người được giao quản lý, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo nghĩa vụ lao động nhưng lại sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ vào mục đích khác không theo nhiệm vụ mà gây thiệt hại thì họ phải tự chịu trách nhiệm.
Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ được chuyển giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng theo một giao dịch dân sự: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trước tiên căn cứ vào sự thỏa thuận giữa các bên khi giao kết hợp đồng. Nếu các bên không có thỏa thuận ai phải chịu trách nhiệm bồi thường thì áp dụng nguyên tắc chung của pháp luật, bên mượn, thuê, nhận cầm cố, nhận gửi giữ, được ủy quyền quản lý tài sản là những người chiếm hữu, sử dụng tài sản có căn cứ pháp luật, vì vậy họ có nghĩa vụ trông coi, quản lý nguồn nguy hiểm cao độ, không để tài sản mình quản lý gây thiệt hại cho người khác. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại khi đang thuộc quyền chiếm hữu, quản lý của họ thì họ phải chịu trách nhiệm bồi thường. Ta có thể thấy một ví dụ cụ thể và rõ nhất cho vấn đề này là việc gửi giữ ô tô ở các nhà hàng, khách sạn, quán caffee… hiện nay, khi các nhà hàng, khách sạn yêu cầu khách đưa cả chìa khóa xe để nhân viên đưa xe vào bãi. Nếu trong quá trình xe di chuyển vào bãi mà gây thiệt hại, chiếu theo quy định về BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ hiện nay, rất khó khăn để xác định chủ thể phải bồi thường thiệt hại.
Thứ tư, hiện nay trách nhiệm bồi thường nguồn nguy hiểm cao độ trong tự nhiên chưa được đặt ra. Mặc dù những tài sản tự nhiên như vậy được quy định là thuộc sở hữu của nhà nước (theo điều 17 Hiến pháp 1992) nhưng trên thực tế không có văn bản nào quy định cơ quan nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ là tài sản của nhà nước gây ra, vì vậy quyền lợi hợp pháp của người bị thiệt hại không được đảm bảo. Do đó cần phải bổ sung những văn bản pháp lí quy định cụ thể trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước hoặc các bộ ngành liên quan trong trường hợp thiệt hại cho chủ thể do nguồn nguy hiểm cao độ trong tự nhiên gây ra, quy định cụ thể mức độ và trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp cơ quan Nhà nước chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ thuộc sở hữu của các cá nhân, tổ chức để phục vụ lợi ích công cộng như: trưng dụng, tạm giữ…
Thứ ba, cần một số biện pháp giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức pháp luật của người dân về nguồn nguy hiểm cao độ cũng như những thiệt hại mà nó có thể gây ra để có biện pháp phòng tránh. Vẫn biết những thiệt hại đó nằm ngoài sự kiểm soát của con người nhưng nếu mỗi người đều có trách nhiệm với tài sản của mình như bảo quản, sử dụng cẩn thận, thường xuyên kiểm tra… thì sẽ phần nào giảm bớt được nguy cơ thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
KẾT LUẬN
Xác định thiệt hại do tài sản gây ra nói chung và thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra nói riêng luôn là một vấn đề hết sức phức tạp bởi cho đến nay, BLDS và các văn bản hướng dẫn khác chưa thực sự quy định rõ. Với khả năng tiềm ẩn gây thiệt hại cho con người, môi trường xung quanh, vần đề bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là vấn đề quan trọng đòi hỏi các nhà làm luật phải tiếp tục hoàn thiện các quy định thống nhất để việc áp dụng được chính xác, cụ thể, bảo vệ một cách đầy đủ và toàn diện quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra sẽ phần nào nâng cao hơn ý thức của chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ hợp pháp trong việc sử dụng, vận hành tài sản là nguồn nguy hiểm của mình, nhằm giảm bớt những thiệt hại đáng tiếc về người và của có thể xảy ra.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Giáo trình Luật dân sự Việt Nam tập 2, trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2006.
Giáo trình Luật dân sự Việt Nam tập hai, TS.Lê Đình Nghị(chủ biên), Nxb. Giáo Dục.
Bộ Luật Dân Sự 2005, Nxb. Lao Động - Xã Hội.
Nghị quyết Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao số 03/2006/ NQ-HĐTP ngày 08/07/2006 Hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng về tài sản, sức khỏe và tính mạng, TS. Phùng Trung Tập, Nxb. Hà Nội, 2009.
Tìm hiểu về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, Lê Phước Ngưỡng, Tạp chí Kiểm sát số 1/2005.
Các trang thông tin điện tử
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thực tiễn áp dụng tại việt nam.doc