Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc đã có nhi ều cống hiến cho nền văn
chương nước nhà th ế kỷ XX. Với tư cách và tài năng của một nhà văn chiến
sĩ , ông đã góp vào nền văn học Vi ệt Nam hiện đại những tác phẩm , mang đậm
tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tấm lòng nhân ái giữa người với
người cùng thái độ không khoan nhượng với những gì đi ng ược lại các gi á tr ị
tốt đẹp của dân tộc. Đó cũng là tư tưởng nền tảng, quán triệt và chi phối cái
nhìn nghệ thu ật của ông, gắn liền với sự nghi ệp cách mạng mà ông theo đuổi
đến hơi thở cuối cùng. Những nội dung ấy là biểu hiện sâu sắc của l òng yêu
nước và tinh thần dân tộc trong văn chương Nam Xương -Nguyễn Cát Ngạc.
Qua đó, chúng ta hi ểu hơn về tài năng và nhân cách của nhà văn - chiến sĩ , về
động lực khiến ông tham gia và cống hi ến cuộc đời mình cho cách mạng và
dân tộc.
114 trang |
Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 2440 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Bước đầu nghiên cứu sự nghiệp văn chương của Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc (ở hai thể loại: kịch bản văn học và truyện ngắn), để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Cát Ngạc lại khai thác sự tha hoá
của tầng lớp trí thức thành thị, trước những cám dỗ của vật chất và những thú
ăn chơi phù phiếm. Nhân vật Thân vốn là kỹ sư nhà máy điện, đã bỏ vợ con
để đi theo một cô nhân tình làm gái nhẩy, với những cuộc chơi đàng điếm.
Trong Bụi phồn hoa, người vợ kinh hoàng nhận ra những đồng tiền chồng
mình mang về cho mình chăm chút nhan sắc kiềm diễm, mua những chuỗi
ngọc quý giá và sống trong nhung lụa, lại được lấy từ những cuộc chỉ điểm
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
85
(do một người bạn chồng vô tình cho biết: “Anh ấy đã tìm được mấy tay
“phiến loạn” quan trọng nên được thưởng một món tiền to”). Bụi phồn hoa đã
làm người chồng tha hoá, làm nhiều việc ác, và người vợ có lương tâm thấy
ghê sợ, kinh tởm: “Thanh Mai đang thấy kéo qua trước mắt nàng những thanh
niên anh tuấn da thịt tơi bời vì tra tấn, những cô nhi quả phụ nheo nhóc vì mất
cha mất chồng, những chuỗi đầu lâu đang lăn lóc và những máu đào đang
loang vì vì sự “buôn bán” ám muội của đức lang quân nàng.”
Ngòi bút Nguyễn Cát Ngạc còn quyết liệt hơn khi tố cáo tội ác tày đình,
sự đại bất hiếu của một kẻ “làm thông phán đầu toà sứ thành Vinh” trong
truyện ngắn Ngôi đất công khanh. Để leo một bước lên tới đầu thang danh
vọng, hắn thuê thầy địa lý đi tìm đất phát, sau ba tháng một thầy địa lý chỉ cho
hắn một ngôi đất phát công khanh, nhưng phải sinh táng mới phát được. Lòng
hám danh đã khiến y quyết định chôn sống người mẹ già đang ốm quặt quẹo
của mình, trong một đêm mưa to gió lớn. “Sau khi hỏi thăm qua quýt, hắn sai
hai lực sỹ bế sốc bà cụ sang buồng bên, trong đó một cỗ quan tài đã bày sẵn,
dưới đất giải một chiếc chiếu, trên chiếu, một chiếc vải liệm dày cồm cộp. Hai
lực sĩ đặt bà cụ vào giữa vải liệm rồi chẳng nói chẳng rằng, gói chặt bà cụ lại.
Bà cụ rãy rụa kêu inh ỏi. Hắn tự tay cầm nắm giẻ đút vào mồm bà cụ. Khi hai
lực sĩ đã đặt bà vào trong quan tài và đậy nắp, hắn mới chợt nhớ cần phải đút
vào miệng bà cụ một nắm gạo và chín đồng tiền. Hắn vạch đầu bà cụ rút giẻ
trong miệng ra rồi thay vào đó tiền và gạo. Nhân dịp đó, bà cụ nghẹo đầu
nghẹo cổ chửi bới hắn cho tới khi đậy nắp áo quan.
Ngay đêm hôm đó, sợ bà cụ chết ngạt trong áo quan thì phí của, hắn sai
đem áo quan đi chôn tại ngôi đất mà thày khách trỏ, mặc dầu sấm sét ầm ầm”.
Làm một việc táng tận lương tâm đến mức “trời không dung, đất không
tha” vậy mà sau đó, hắn vẫn oán trách bà mẹ già “không chịu khó nằm yên
mà chết”, nên hắn bị cách chức; và vẫn hy vọng “hòn đất sẽ giậy để hắn làm
tới công khanh”. Có thể khẳng định Ngôi đất công khanh là một trong những
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
86
truyện ngắn hay của Nguyễn Cát Ngạc. Tác phẩm đã đi tới sự tận cùng của sự
tha hóa con người. Với kẻ vô liêm sỉ và thiếu nhân tính, thì tình mẫu tử, đạo
hiếu nghĩa rút cục cũng chỉ là phương tiện phục vụ cho những mưu cầu cá
nhân xấu xa, nằm ngoài bản chất nhân văn mà con người cần phải xây dựng
cho mình. Nhà văn đã phơi bày sự tha hoá đến mức tột cùng của con người,
chỉ vì quyền lực, danh vọng mà phạm đến cả tội đại nghịch, đại bất hiếu.
Nhân vật chính được miêu tả trong lời kể và trong sự nguyền rủa của một
nhân vật khác, nhưng đã hiện ra với tất cả sự xấu xa, mà đạo lý dân tộc Việt
Nam và không một nền đạo đức nào có thể tha thứ được.
Tiếp nối cái nhìn phê phán sắc sảo về tầng lớp thống trị trong xã hội
đương thời từ khi viết Ông Tây An Nam, Nguyễn Cát Ngạc không bỏ qua bộ
mặt bi hài nhem nhuốc, thói đạo đức giả và những trò lố bịch của lớp trí thức,
quan chức bù nhìn trong xã hội đương thời. Những thầy thông phán, những
nhà văn, nhà báo, nhà cách mạng… hiện ra dưới ngòi bút của ông với những
thói xấu xa, trò lố bịch, và sự hiện diện của họ làm nên bức tranh châm biếm
về bộ máy thống trị đương thời. Tiêu biểu là chân dung của một nhà cách
mạng được ông vẽ lại bằng ngòi bút giễu nhại sắc sảo, lột tả được sự giả dối
của một kẻ nhân danh cách mạng để trục lợi và hưởng thụ - hình ảnh của
những kẻ ôm chân Pháp, “làm cách mạng đầu lưỡi” vốn xuất hiện khá nhiều ở
vùng tạm chiếm trong giai đoạn 1946 - 1954, trong truyện ngắn Một nhà cách
mạng. Hình ảnh nhà cách mạng Văn Giang, “tay phải dí miếng phó - mát
khổng lồ vào gần mũi cụ Ký, thay trái cầm quả chuối khuấy một vòng lên
không trung, Văn Giang nói:
- Tôi cho rằng cách mệnh phải ăn cho khoẻ mới có sức mà tranh đấu…a!
” được nhân vật cụ Ký bình luận:
“Thì ra tay phải hắn dí phó - mát vào mũi tôi, để nói rằng một tín điều
của hạng cách mệnh như hắn là nốc được nhiều phó - mát. Tay trái hắn khuấy
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
87
không khí của chiếc phòng rộng là để bảo cho tôi rằng: Trường hoạt động của
hạng cách mạng như hắn là một chiếc nhà lầu!”.
Những kẻ nhân danh nhân sĩ trí thức cũng trở thành nhân vật của Nguyễn
Cát Ngạc. Ông mỉa mai, chế giễu và mượn lời nhân vật tỏ thái độ khinh bỉ kẻ
dối trá, “leo thang công danh bằng cách vô liêm sỉ”. Như trong truyện ngắn
Vô sỉ, một viên chức làm nghề trắc địa, vì trình độ kém nhưng lại bị cấp trên
thử thách nên nửa đêm phải đến cầu cứu một người đồng nghiệp giỏi nghề.
Nhưng một thời gian sau, y quay ngoắt lại, dè bỉu người đã giúp mình là “Hắn
là bạn học của tôi! Nhưng tuy là bạn, mà hắn dốt hơn tôi nhiều! Xưa tôi dạy
hắn mà bây giờ tôi cũng nhiều khi phải bảo hắn làm việc! ”.
Những chuyện bi hài trong giới văn chương nghệ thuật cũng là chủ đề
mà Nguyễn Cát Ngạc hay khai thác. Có đến 5/37 truyện ngắn về chủ đề này,
đó là Nước Tri vi tri, Hội đồng vĩ nhân, Vẽ mặt văn khôi, Yêu nghệ thuật,
Nước Tự do. Mỗi truyện là một bức tranh hài hước về một góc bi hài của đời
sống văn nghệ sĩ, trí thức trong xã hội đương thời, qua cái nhìn giễu nhại của
nhà văn.
Với câu chuyện Yêu nghệ thuật, nhà văn châm chọc thói háo danh vốn
đồng hành với các văn sỹ bất tài. Đó là câu chuyện về một nữ thạc sĩ du học ở
Pháp về , hay chữ và đẹp nổi tiếng, rất say mê văn hoá dân tộc. Với mong
muốn tìm hiểu nền văn chương nước nhà, cô tìm được cuốn sách “Các danh sĩ
của thế kỷ XX” của Phó Văn Mát có những lời ca tụng hết lời về nhân sĩ Bách
Lang, tác giả tập thơ „Bên cầu”. Cô khao khát được tìm gặp, bèn nhờ sở mật
thám tìm giúp. Việc mật thám đến nhà làm vợ chồng nhân sĩ Bách Lang tá
hoả. Hỏi ra mới biết rằng nguồn cơn là từ cuốn sách của Phó Văn Mát, bà vợ
liền nói toạc ra sự thật: thì ra nhân sĩ nhà ta xui Phó Văn Mát ca tụng mình.
Ở một mức độ nào đó, thói háo danh của các văn sĩ gây ra những chuyện
bi hài, làm khổ người yêu nghệ thuật. Thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm
nằm trong lời than thở ngậm ngùi của cô Dorothy Lan: „Tôi chỉ tiếc là không
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
88
nghe lời các thầy tôi dạy dỗ nên sai lầm to!...Các thầy tôi dạy: thưởng thức
nghệ thuật mà để ý đến lợi riêng thì không sao nhận được vẻ đẹp. xây dựng
nghệ thuật mà cốt cho thu hoạch lợi riêng cũng chỉ di tới một kết qủa xấu xa.”
Nước Trivitri là câu chuyện hư cấu về những chuyện xung quanh chế độ
kiểm duyệt ở một nước có tên là Trivitri. Do Chính phủ thiết lập chế độ kiểm
duyệt quá gắt gao nên giới báo chí rủ nhau kiến nghị, rồi biểu tình. Nhưng
biểu tình vô hiệu, họ rủ nhau chạy sang nước láng giềng, xuất bản báo bằng
tiếng Trivitri đề công kích Thủ tướng và người có quyền hành kiểm duyệt,
dẫn đến sự bất hoà giữa hai nước, nên phải tổ chức Đại hội nghị quốc tế về
kiểm duyệt. Vì chia làm hai phe, một phe ủng hộ nước Trivitri, phe kia phản
đối, nên hay bên tuyệt giao rồi gây chiến với nhau, dẫn đến…đại chiến thế
giới. Với truyện ngắn này, nhà văn thể hiện thái độ châm biếm chế độ kiểm
duyệt hà khắc và ngu dốt trong xã hội đương thời.
Trong truyện Hội đồng vĩ nhân, thông qua trò bi hài ở một cuộc thi văn
chương, mà kết cục của nó là: giới báo chí, sau khi tiếp xúc với “thần đồng
”- người giành giải cao nhất, đã nhận ra rằng, “không phải các áng văn
chương của danh nhân thua áng văn của thần đồng, mà vì các áng văn trên
có ý tứ thâm trầm, khó hiểu, nên bị sổ toẹt, còn áng văn sau thì vừa tầm trí
thức của các giám khảo viên hơn”, bèn tặng cho hội đồng giám khảo tấm mi
môn thêu bốn chữ vàng “Hội đồng vĩ nhân”, nhưng “có cái nghĩa nhà quê là
người có đuôi, nghĩa là người không được giỏi” (Hội đồng vĩ nhân). Đọc
truyện ngắn này vào thời buổi mà “chân, giả” lẫn lộn, hư danh lên ngôi,
những văn nghệ sĩ “vĩ nhân”, “khinh người bằng nửa con mắt... hay làm thơ,
viết báo, tuy chỉ là một vài bài thơ ve gái, hay một vài bài phóng sự ô tô đổ,
nhưng ở một thành phố nhỏ, như thế là đủ nổi tiếng rồi” mà nhà văn châm
chọc, chúng ta không khỏi liên tưởng và suy ngẫm về một cái gì đó lớn hơn,
rộng hơn, mang ý nghĩa xã hội - con người.
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
89
Có thể nói, toàn bộ mảng truyện ngắn mang nội dung phê phán quyết
liệt sự tha hoá của con người làm nên một phần quan trọng về giá trị tư
tưởng của truyện ngắn Nguyễn Cát Ngạc. Thái độ phê phán và cái nhìn
châm biếm giễu nhại của ông thể hiện bản lĩnh, tài năng và nhân cách của
ông, khi nhìn rõ mặt trái của xã hội Việt Nam giai đoạn giao thời, ở đó
những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc đang bị đẩy lui bởi cái Ác, cái
xấu xa, vong bản. Những truyện ngắn của ông, nhất là tập Bụi phồn hoa,
phát hành trong vùng thực dân Pháp chiếm đóng, là ngọn roi quất vào xã hội
đương thời. Cùng thời với Nguyễn Cát Ngạc, các tác giả như Vũ Trọng
Phụng, Nguyễn Hồng, Nguyễn Công Hoan…, đặc biệt là Nam Cao đã mô tả
rất xuất sắc sự tha hóa của con người qua truyện ngắn và tiểu thuyết. Tất
nhiên, trong thực tế, sự tha hóa là muôn hình muôn vẻ. Điều đáng nói là nhà
văn đã nhận diện ra đâu là điều cần viết, và nên viết như thế nào. Hiển
nhiên, một cây bút đã từng viết Ông Tây An Nam như Nguyễn Cát Ngạc thì
không thể quay lưng với sự tha hóa ngày càng sâu - rộng trong đồng bào ông
và ông thấy cần mô tả để cảnh báo. Các nhân vật của Nam Xương mà chúng
tôi vừa phân tích trên đây đã đánh mất những phẩm chất tốt đẹp của người
Việt Nam, đó là yêu nước thương nòi, trọng tình trọng nghĩa, tôn thờ đạo
hiếu. Họ trở thành những kẻ méo mó, dị dạng, đáng ghê tởm về nhân cách,
thậm chí có kẻ không còn nhân tính. Nguyễn Cát Ngạc đã nhận ra điều đó.
Ông xây dựng được những hình tượng nhân vật tha hoá, dị dạng đáng kinh
tởm như những quái thai của xã hội đương thời, để nhằm phê phán một bộ
phận hiện hữu trong cộng đồng người Việt đương thời. Nhưng điều quan
trọng hơn, là ông phê phán chính cái xã hộ i xấu xa, vô nhân đạo đã đẻ ra
những loại người ấy. Xã hội ấy không thể là tốt đẹp, bác ái, xã hội ấy cần
phải bị phủ định, cần phải được thay thế bởi một xã hội khác tốt đẹp hơn,
nhân ái hơn. Đó là một trong những thông điệp mà nhà văn gửi gắm qua các
truyện ngắn của ông.
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
90
3.3. Một số đặc điểm nổi bật về nghệ thuật truyện ngắn của Nam Xƣơng
- Nguyễn Cát Ngạc
Về nghệ thuật truyện ngắn của Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc, nhà phê
bình văn học Nguyễn Hoà nhận xét: “những truyện ngắn được viết khá công
phu, được tổ chức theo lối kịch bản, có thắt nút cởi nút, đặc biệt tác giả
thường khai thác một cách tinh tế những tình huống có khả năng khắc họa
hình ảnh lố bịch của những kẻ bán nước hại dân... Về thời gian, để cho
chuyện kể có logich và thủ pháp cài đặt tình huống được tự nhiên, truyện
ngắn của Nguyễn Cát Ngạc thường chọn lối hồi ức hoặc dựng tình huống theo
cách kể một câu chuyện được lưu truyền trong xã hội. Lối viết này giúp người
đọc dễ theo dõi câu chuyện, tạo ra sự hấp dẫn và bài học về lòng yêu nước
được chuyển tải đến người đọc một cách giản dị, có sức thuyết phục”.[14]
Chúng tôi tán đồng với nhận xét của nhà phê bình văn học Nguyễn Hoà.
Là người nắm vững các nguyên tắc sáng tạo của nghệ thuật kịch nói, có lẽ khi
viết truyện ngắn, Nguyễn Cát Ngạc đã khai thác, vận dụng những ưu thế của
kịch nói cho sáng tác truyện ngắn. Vì vậy, truyện ngắn của ông thường được
tổ chức theo lối kịch bản, chú trọng đến cốt truyện và hành động của nhân vật
nhiều hơn là khai thác thế giới nội tâm của nhân vật. Lời văn nghệ thuật vì thế
cũng ít được chau chuốt theo lối hoa mỹ, mà thường được diễn đạt gọn gàng,
súc tích. Theo chúng tôi, tính hấp dẫn của truyện ngắn Nguyễn Cát Ngạc nằm
ở cốt truyện và các tình huống mà qua đó nhân vật bộc lộ tư tưởng, tính cách
của mình. Các truyện ngắn của ông theo chúng tôi là thành công hơn cả như
Một nhà cách mạng, Ngôi đất công khanh, Trên chòi Khâm Thiên là những
truyện tiêu biểu cho lối viết này.
Bên cạnh những đặc trưng nghệ thuật được Nguyễn Hoà phát hiện ở trên,
theo chúng tôi, truyện ngắn Nguyễn Cát Ngạc còn có những nét đặc trưng khác
nữa.
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
91
3.3.1.Nghệ thuật kết cấu truyện theo kiểu truyền thống và xây dựng
nhân vật theo lối “tỏ chí”.
Ở nghệ thuật tổ chức truyện, ông thường sử dụng lối kết cấu truyền
thống. Kết cấu bề mặt của các tác phẩm được tổ chức chủ yếu theo lối kết cấu
tuyến tính (theo trục thời gian), có 21/ 37 truyện ngắn kết cấu theo lối này. Ở
bề sâu, kết cấu hình tượng nhân vật theo lối song tuyến chính - tà, thiện - ác,
chính diện - phản diện.
Hầu hết truyện ngắn của Nguyễn Cát Ngạc đều có được tổ chức theo
kiểu thắt nút - mở nút, khi “nút” đã được “gỡ” thì mọi chuyện đều được giải
quyết theo hướng “có hậu”, tức là kết thúc theo theo kiểu cổ tích. Những kẻ
gian ác thường phải trả giá, người ở hiền sẽ gặp lành. Chưa kể những truyện
ngắn khai thác cốt truyện đã mang sẵn lối “kết thúc có hậu” trong dã sử, như
Lưu bình – Dương Lễ, Hoàng Trừu, thì trong truyện ngắn của Nguyễn Cát
Ngạc có 8 truyện tiêu biểu cho lối kết thúc này: Một nạn nhân, Ngôi đất công
khanh, Bụi phồn hoa, Vàng, Kiếp bình bồng, Một tấm lòng vàng, Có chí thì
nên, Tái hợp, Chữ Quý, Vô liêm sỉ. Lối tổ chức truyện theo kiểu truyền thống
cho thấy sự nhất quán về tư duy sáng tác của ông: dùng văn chương để “tỏ
chí”, gửi gắm tinh thần cách mạng, lòng yêu nước, trung thành với các giá trị
truyền thống của dân tộc. Ít tìm được truyện ngắn nào đi “chệch” lối đi truyền
thống này.
Tương ứng với tinh thần này, nghệ thuật xây dựng nhân vật của Nguyễn
Cát Ngạc cũng theo lối “tỏ chí”. Nguyễn Cát Ngạc thường sử dụng nhân vật
để nói thay suy nghĩ của mình, nhân vật là người phát ngôn tư tưởng của tác
giả, vì vậy ông thường xây dựng các nhân vật loại hình, mà ít xây dựng các
nhân vật tính cách. Thủ pháp này ảnh hưởng thi pháp cổ điển, bắt nguồn từ
quan niệm truyền thống về văn chương là “văn dĩ tải đạo”, cùng với mục đích
rất rõ của tác giả là dùng văn chương để truyền bá tri thức, tư tưởng tiên tiến,
tinh thần cách mạng của mình, góp phần giác ngộ công chúng. Vì vậy, trong
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
92
các truyện ngắn của ông, Nguyễn Cát Ngạc thường tìm cách đưa thông điệp
đến người đọc thông qua suy nghĩ, lời nói của một nhân vật nào đó.
Thông qua lời nhân vật Dorothy Lan, nhà văn đưa ra quan niệm và thái
độ về thưởng thức và sáng tạo nghệ thuật: “Thưởng thức nghệ thuật mà để ý
đến lợi riêng thì không sao nhận được vẻ đẹp. Xây dựng nghệ thuật mà cốt
cho thu hoạch lợi riêng cũng chỉ di tới một kết qủa xấu xa” (Yêu nghệ thuật).
Thông điệp này là sự công phá mạnh mẽ vào những kẻ lợi dụng nghệ thuật để
mưu danh lợi, đồng thời cũng là lời cảnh tỉnh những ai tiếp nhận, thưởng thức
nghệ thuật mà lại bắt đầu từ những yếu tố ngoài nghệ thuật.
Thông qua lời nhân vật Thanh Mai, tác giả thể hiện thái độ phê phán
xã hội đương thời đang nhiễm bẩn bởi lối sống phồn hoa:
“Một cơn gió tung cát, làm bẩn cả áo Thanh Mai, chị bạn nói:
- Ta hãy vào trong quán kia kẻo bụi bẩn cả.
- Có gió mát, hãy cứ đi, chị ạ. Bụi này tuy làm bẩn quần áo, nhưng
không đáng sợ bằng bụi phồn hoa, làm bẩn cả tâm hồn” (Bụi phồn hoa).
Hoặc tác giả lên án những kẻ hám danh lợi mà làm chuyện thất đức qua
lời cụ Ký: “Hẳn bây giờ ông không lấy làm lạ thấy tôi xua hắn như xua tà!
Một người vì lợi danh, đang tâm chôn sống mẹ, ai mà không tởm!” (Ngôi đất
công khanh).
Còn đây là lời trăng trối của Tâm, người thiếu phụ không giữ được lòng
trinh bạch trong một xã hội đầy ly loạn, nhưng cũng là thông điệp mà tác giả
gửi tới người đọc nhằm cảnh tỉnh về trách nhiệm đối với thế hệ tương lai:
“Không biết tự hào về mẹ, chúng sẽ không biết tự hào về cha ông, về nòi
giống, về tổ tiên, về lịch sử. Thù ghét xã hội, chúng có thể làm hại dân, hại
nước mà không đau lòng. Chúng sẽ sống trong vô danh dự” (Một nạn nhân).
Việc dựng chuyện theo lối truyền thống và sử dụng nhân vật làm “người
phát ngôn” của tác giả đã giúp ông thực hiện được dụng ý của mình, chuyển
tải được tư tưởng tác giả đến người đọc nhằm cảm hoá họ. Tuy nhiên, việc
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
93
làm này dễ dẫn đến tình trạng tác giả ít chú ý xây dựng tính cách và chiều sâu
nội tâm của nhân vật. Điều này phần nào đã trở thành hạn chế trong nhiều
truyện ngắn hiện thực của Nguyễn Cát Ngạc, ngoại trừ một số truyện như Một
nhà cách mạng, Ngôi đất công khanh, Trên chòi Khâm Thiên…
Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc cũng thường nói rõ lý do ra đời của tác
phẩm, bằng những lời “thưa trước” với người đọc, biến tác phẩm thành một kiểu
chứng minh cho luận đề. Nhà văn thường bộc lộ rõ ý đồ của mình (nói cách khác
là chủ đề - tư tưởng tác phẩm) trong phần nhập đề, dẫn chuyện. Ở nhiều truyện
ngắn của ông, phần nhập đề khá dài, thường là nêu ra một nhận xét khái quát nào
đó, và nội dung chuyện là minh chứng cho nhận xét ấy. Ví dụ:
“Chiến tranh đã gây ra bao nhiêu cảnh eo le. Nhưng mắt dân Hà - thành
nào biết là éo le! Quen nhìn những cảnh đó hàng ngày, nhất là khi chúng lại
được bao phủ bằng một nước sơn văn minh bóng nhoáng, người ta cho đó chỉ
là những cảnh tầm thường.
Những cảnh đó nhiều khi có những kết thúc bi thảm. Phải được chứng
kiến những điều bi thảm đó, mới hiểu được đạo đức của người Việt Nam vẫn
mạnh, có khi chồm dậy một cách bất ngờ, ngay trong số các người mà ta
tưởng chỉ biết sống điên cuồng cho vật dục.
Một chứng cớ là câu chuyện kể sau đây của một thiếu phụ rất mới đã
dung nạp được hết các phong thói tân kỳ mới nhập cảng...” (Một nạn nhân).
So với nhiều nhà văn xuất sắc cùng thời như Nam Cao, Nguyễn Công
Hoan, Thạch Lam về mặt thi pháp truyện ngắn thì Nguyễn Cát Ngạc chậm
thay đổi. Có lẽ bởi vì ông không phải người viết văn chuyên nghiệp. Mặt
khác, theo cách nhập đề, diễn giải khá nhiều, cách viết dung dị của tác giả, và
qua bút tích để lại cho thấy truyện của ông chủ yếu viết để in báo, chúng tôi
suy đoán rằng: đối tượng ông hướng tới có lẽ là tầng lớp công chúng bình
dân. Vì vậy cách viết theo “lối cũ” ở đa số truyện của ông là điều dễ hiểu, bởi
nó gần gũi với xu hướng tiếp nhận văn chương theo lối “tả thực” và giúp
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
94
người đọc bình dân thuận tiện hơn trong khi tiếp nhận ý nghĩa tư tưởng - thẩm
mỹ của tác phẩm.
3.3.2. Ảnh hưởng của phương pháp sáng tác kịch nói cổ điển và luật
“ba duy nhất” trong truyện ngắn
Bên cạnh những truyện ngắn có lối kết cấu cổ điển đã phân tích ở tiểu
mục trên, còn có những truyện ngắn chịu ảnh hưởng của phương pháp sáng
tác kịch nói cổ điển làm phong phú thêm nghệ thuật truyện ngắn của Nguyễn
Cát Ngạc.
Có thể thấy ảnh hưởng của phương pháp sáng tác kịch nói cổ điển và luật
“ba duy nhất” trong truyện ngắn Nguyễn Cát Ngạc khá rõ, khiến cho nhiều
truyện ngắn của ông mang dáng vẻ một vở kịch ngắn, và có thể dễ dàng
chuyển thể sang kịch ngắn. Nhân vật trong truyện ngắn của ông thường được
xây dựng với tính cách duy nhất, theo nguyên tắc bất biến, thể hiện trong lát
cắt hành động của nhân vật, tại một thời điểm, một hoàn cảnh nào đó. Ông sử
dụng thủ pháp nghệ thuật “lát cắt hành động” trong mối quan hệ với không
gian, thời gian nghệ thuật. Lát cắt ấy là một hành động trung tâm, có diễn biến
gắn liền với sự vận động của nhân vật. Với ông, “lát cắt” ấy không chỉ là một
phiến đoạn thông thường, mà có khả năng giúp người đọc hồi suy về quá khứ,
đồng thời lại gợi mở các liên tưởng về tương lai.
Trong truyện Bụi phồn hoa, tác giả lựa chọn không gian truyện là căn
nhà sang trọng của Thanh Mai, thời điểm xảy ra sự việc là lúc cô đang chuẩn
bị quần áo, trang sức lộng lẫy để chờ người chồng “giỏi giang” của mình về
nhà đón để cùng đi dự tiệc. Ngay lúc ấy, một người bạn chồng xuất hiện, vô
tình tiết lộ cho cô sự thật kinh hoàng về thủ đoạn làm giàu của người chồng.
Trong khoảnh khắc ấy, Thanh Mai đã nhận ra sự thật ấy, đã thay đổi nhận
thức và hành động. Đỉnh điểm của hành động là “nàng ngả dần tấm thân để
tránh cái mặt đó, nhưng không sao tránh được, nàng ẩy nó ra, rồi bỗng như
chớp nhoáng, hình như nàng không kìm hãm nổi tay, nàng tát cho nó một
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
95
chiếc nên thân”. Kết thúc truyện là một hành động tất yếu: Thanh Mai bỏ đi,
nhất quyết xa rời chốn phồn hoa bụi bặm; cho thấy cuộc đời nhân vật đã thay
đổi. Không gian nghệ thuật của truyện cũng thay đổi chuyển từ căn phòng
lộng lẫy với những đồ đạc sang trọng ra ngoài con đường gió bụi, nhưng như
lời của nhân vật, “Bụi này tuy làm bẩn quần áo, nhưng không đáng sợ bằng
bụi phồn hoa, làm bẩn cả tâm hồn”.
Ở Ngôi đất công khanh, câu chuyện lại được bắt đầu từ một cuộc “ngả
bàn đèn” của nhân vật phụ là cụ Ký trong “một căn buồng liền với phòng
khách”, dùng để hút thuốc phiện. Nhân vật “tôi” - người kể chuyện thứ nhất
đang trò chuyện với cụ Ký - người kể chuyện thứ hai - thì xuất hiện nhân vật
chính, một ông già “chạc 60 tuổi, gầy đét, mắt ốc nhồi, môi sám s ịt, mặc bộ
quần áo nâu rách, đội khăn lượt màu nước dưa sồng sộc bước nào, chắp tay
vái cụ Ký tới gần đất”. Sau khi mắng nhiếc và ném gói sảm cho nhân vật này,
rồi xua đi như xua tà, cụ Ký mới kể lại câu chuyện đáng ghê tởm mà nhân vật
chính gây ra và chịu hậu quả. Dòng suy tưởng về quá khứ mở ra một không
gian khác, thời gian khác, xen vào không gian thời gian hiện tại, làm cho câu
chuyện đa chiều hơn. Kết thúc câu chuyện, là không gian thực tại với lời bình
thể hiện thái độ của cụ Ký: “Một người vì lợi danh, đang tâm chôn sống mẹ,
ai mà không tởm!”
Ở một truyện ngắn khác là Giao lương sơn, tác giả chọn không gian là đỉnh
núi Giao lương sơn, vào thời điểm nhân vật “tôi” - người kể chuyện thứ nhất - trên
đường lên núi, thì suýt ngã xuống một cái rãnh lớn “sâu tới ba thước, nằm ngang
đường đi, vắt từ sườn núi bên này, sang sườn núi bên kia”. Hỏi người thổ dân dẫn
đường, thì anh ta trả lời rằng, “đây là vết dao của Cao Biền chém cổ rồng”. Và
người thổ dân - trong vai người kể chuyện thứ hai - bắt đầu kể về một cuộc chiến
bi hùng xảy ra trên đất này từ thời nhà Đường giữa người bản xứ và quân Tàu;
kết cục của nó là việc Cao Biền dùng phép thuật làm đứt cổ rồng, cắt đứt long
mạch khiến cho đối phương thua cuộc, vùng đất này cũng hết vượng khí.
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
96
Phù hợp với thủ pháp “lát cắt hành động”, Nguyễn Cát Ngạc sử dụng kết
cấu thời gian theo lối hiện tại - quá khứ - hiện tại trong xây dựng tác phẩm, mà
trung tâm (nói cách khác là điểm xuất phát của tác phẩm) thường là một hành
động nào đó trong hiện tại. Nghiên cứu các truyện ngắn của Nguyễn Cát Ngạc,
chúng tôi thấy ông khá chắc tay trong việc thiết lập quá trình hành động của
nhân vật, đẩy quá trình ấy đến đỉnh điểm và ở đó, bước ngoặt của số phận nhân
vật sẽ diễn ra như một điều tất yếu. Những truyện ngắn: Bụi phồn hoa, Một nhà
cách mạng, Vô liêm sỉ, Một tấm lòng vàng, Nước Trivitri, Đánh ghen trong mồ,
Hai lần ly biệt, Tình quê, Yêu nghệ thuật,… và nhiều truyện khác nữa đều sử
dụng thủ pháp này.
Phải chăng vì thế có thể nói rằng nghệ thuật kịch nói và những ảnh hưởng
của luật “ba duy nhất” làm cho truyện ngắn của Nguyễn Cát Ngạc hấp dẫn người
đọc về sự kiện, về logich của hành động hơn là diễn biến của chiều sâu tâm lý
nhân vật?
3.3.3. Nghệ thuật “hư cấu lịch sử” để thẩm mỹ hoá hình tượng nhân vật
lịch sử.
Phải khẳng định một đóng góp đáng kể của Nguyễn Cát Ngạc với văn
chương nước nhà là: ông là một trong số không nhiều nhà văn đương thời đưa
đề tài lịch sử vào văn chương, sử dụng nghệ thuật “hư cấu lịch sử” để thẩm
mỹ hoá hình tượng nhân vật lịch sử. Trong các truyện ngắn Trên chòi Khâm
Thiên, Huyền Trân công chúa, Nguyễn Thị Lộ,Lưu Bình - Dương Lễ... các
nhân vật lịch sử như Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Huyền Trân, Trần Khắc Chung,
Nguyễn Thị Lộ, Châu Long, Lưu Bình, Dương Lễ... hiện lên với diện mạo,
diễn biến tâm lý, tính cách rõ rệt, tạo được cảm xúc thẩm mỹ trong người đọc.
Với Lê Lợi (Trên chòi Khâm Thiên), ban đầu, Nguyễn Cát Ngạc “dụ”
người đọc vào một chân dung phàm tục qua cái nhìn của Trần Nguyên Hãn:
“một người chừng ba mươi tuổi, béo phục phịch, quần nâu lá toạ, để hở rốn sâu
hoắm, đang ngồi thái một khúc giò. Khi thái, thỉnh thoảng lại bốc một khoanh,
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
97
đút phồng mồm và nhai nhồm nhoàm rất là thô tục”. Hình ảnh này đã làm Trần
Nguyên Hãn và Nguyễn Trãi thất vọng sâu sắc, định bỏ về. Nhưng rồi sau đó
Nguyễn Trãi bắt gặp một Lê Lợi hoàn toàn khác: “Giữa chòi, một người ngồi
ngoảnh lưng về phía ông, bận áo dài đen, quấn khăn lượt, đang xem thiên văn
một cách im lặng chăm chú… Nét mặt thô tục biến đi đâu hết. Dáng dấp lợn ỷ tự
nhiên đổi thành đường bệ uy nghi. Lê Lợi đang như nghĩ ngợi thâm trầm, miệng
lẩm bẩm, tay bấm đốt có vẻ một triết nhân quân tử, khác hẳn với ông ngồi thái
giò lúc hoàng hôn. Rồi Lê Lợi ngồi xuống chiếu trước yên, sau khi thắp ba nén
nhang trên bệ. Bấy giờ Nguyễn Trãi mới hiểu: Lê Lợi sắp tính Thái Ất, là một
môn mà Nguyễn Trãi rất tinh thông”. Hai hình ảnh về Lê Lợi làm nên hai trạng
thái tâm lý của nhân vật, cũng là của người đọc.Và hình ảnh thứ hai xoá đi hình
ảnh ban đầu, chỉ còn lại một nhân vật uy nhi, đường bệ, giỏi giang, xứng đáng là
minh chủ của một cuộc chiêu binh vì nghĩa lớn. Đó là một thành công đáng ghi
nhận của nhà văn.
Trong truyện ngắn Nguyễn Thị Lộ, bà Nguyễn Thị Lộ hiện lên thật đẹp, từ
nhan sắc đến tâm hồn, khí phách. Dường như với mục đích chiêu tuyết cho một
người mà hơn sáu trăm năm nay chưa rửa được mối oan khuất, nhà văn đã dùng
hết khả năng miêu tả nhan sắc phụ nữ vốn không phải là sở trường của mình để tả
Nguyễn Thị Lộ trong cuộc gặp kỳ ngộ với Nguyễn Trãi ở Tây Hồ: “…dáng điệu
mềm mại uyển chuyển, và hai bàn tay xinh xinh trắng buốt đang đặ chiếc đòn
gánh trên bó chiếu và đang cầm vành nón để sắp quạt… khuôn mặt thanh tao lạ
lùng,da trắng nõn, càng thêm trắng bởi đôi mắt bồ câu đen láy… Đôi môi không
son mà thắm như san hô, hé ra một cách ý nhị, làm tươi gương mặt trái xoan kiềm
diễm đang đỏ bừng dưới ánh quái của chiều hôm”. Một vẻ đẹp thuần hậu, thánh
thiện. Lối đặc tả của nhà văn cho thấy sự trân trọng yêu quí của ông dành cho
nhân vật của mình.
Người thiếp xinh đẹp và tài hoa đã vâng lời chồng, lên kinh đô làm Lễ
nghi học sĩ. Vừa giúp vua trị nước, vừa cứu được Thứ phi Ngô Thị Ngọc
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
98
Giao, mà vẫn một lòng son sắt với Nguyễn Trãi ở quê nhà. Cho đến khi đối
mặt với cái chết bi thảm, nàng vẫn sẵn sàng hy sinh phẩm tiết của mình cho
viên thẩm sát với một điều kiện duy nhất là y tha cho Nguyễn Trãi. Tấm lòng
trung trinh của Nguyễn Thị Lộ cùng với nhan sắc và tài năng của bà làm nên
một vẻ đẹp hoàn thiện, và đó là chân dung nhân vật phụ nữ đẹp nhất trong
truyện ngắn của Nguyễn Cát Ngạc.
Hai nhân vật lịch sử khác cũng được ông xây dựng với sự quý trọng, đó
là công chúa Huyền Trân và thái tử - sau này là vua Chiêm - Chế Mân. Huyền
Trân là hình ảnh đẹp đẽ của một công chúa Đại Việt xinh đẹp, đức hạnh, tài
hoa, biết yêu thương nhưng cũng biết hi sinh vì danh dự dân tộc và quyền lợi
của đất nước. Còn Chế Mân, tuy không xuất hiện nhiều trong truyện Huyền
Trân công chúa, nhưng Chế Mân để lại ấn tượng tốt đẹp cho người đọc về
hình ảnh một vị vua dũng cảm, tài giỏi, hào hoa phong nhã, trọng chữ tín…
Còn nhiều nhân vật khác nữa, được Nguyễn Cát Ngạc chăm chút, phục
dựng lại chân dung, làm nổi bật vai trò trong lịch sử. Với một người thông thạo
lịch sử như ông, việc xác định vị trí lịch sử của các nguyên mẫu không khó
khăn lắm. Và đối với ông, vấn đề là ở chỗ từ những tư liệu lịch sử, từ những
truyền thuyết từng tồn tại lâu dài trong dân gian, từ ấn tượng về nhân vật đã
hình thành khá ổn định trong lịch sử… thì nhà văn phải khắc họa như thế nào.
“Thẩm mỹ hóa” các nhân vật lịch sử ấy, một mặt là cách thức giúp Nguyễn Cát
Ngạc tô điểm để “đẹp hóa” nhân vật, một mặt làm cho nhân vật đáng yêu hơn
dưới con mắt của người đọc, và dễ đem lại rung cảm thẩm mỹ lành mạnh. Quá
trình từ nguyên mẫu tới nhân vật văn học có tướng mạo, tính cách, tư duy, hành
động… là một quá trình khá phức tạp. Và cũng không dễ dàng khi nhân vật đó
lại đem tới xúc cảm thẩm mỹ cho độc giả. Với truyện dã sử của mình, Nguyễn
Cát Ngạc đã làm được điều đó. Đó cũng là điều thú vị mà truyện ngắn hiện
thực của ông ít “tới” được.
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
99
3.3.4. Nghệ thuật hư cấu tình huống, tạo tiền đề hài hước hoá nhân vật
từ góc nhìn châm biếm, giễu nhại
Đây cũng là một nét độc đáo của truyện ngắn Nguyễn Cát Ngạc. Tiếp nối
bút pháp châm biếm giễu nhại từ hai vở kịch nối tiếng Ông Tây An Nam và
Chàng Ngốc, các truyện ngắn như Nước Trivitri, Một nhà cách mạng, Vẽ mặt
văn khôi, Đánh ghen trong mồ, Hội đồng vĩ nhân... thể hiện sự tinh tế, khả
năng hài hước trong tạo dựng tình huống, miêu tả ngoại hình và hành vi nhân
vật. Như đoạn miêu tả dưới đây về “một nhà cách mạng”:
“Ông Văn Giang chừng năm mươi tuổi, béo phục phịch, da ngăm ngăm,
trán thấp, mắt híp, lông mày rậm, một tý ria in bóng xuống bộ môi dày. Trời
oi bức. Ông sai mở quạt trần vù vù, cởi áo tây tôbican vắt ghế, vén sơmi đến
khuỷu tay để lộ hai cánh tay đen sì và to như bắp chuối, giơ bàn tay chổi cùn
vuốt mái tóc rễ tre hoặc vẩy mồ hôi đang rỏ giọt quanh cái cổ bạnh to ngang
mặt… Văn Giang vẫy một cái. Một tên bồi, quần áo trắng bốp, bưng một cái khay
đặt trên bàn. Trên khay, một cốc càphê sữa, một chiếc bánh tây to, một đĩa bơ,
một miếng phomát khổng lồ và mấy quả chuối. Sau khi xin phép bạn già, Văn
Giang bắt đầu ăn lót dạ. Chỉ năm phút, Văn Giang nhồm nhoàm ăn hết bánh, uống
hết càphê và bắt đầu ăn phomát với chuối" (Một nhà cách mạng).
Một nhà “cách mạng” hiện lên như một kẻ phàm phu tục tử, từ ngoại hình đến
cử chỉ hành vi, một kẻ lấy hưởng thụ làm đầu, nhưng lại lên giọng dạy dỗ người
khác về cách mạng! Cách gọi trân trọng “một nhà cách mạng” và lối miêu tả chi tiết
về nhân vật để độc giả thấy rõ bản chất của y là cách mạng giả hiệu tạo ra sự tương
phản làm tăng thêm tính châm biếm giễu nhại của hình tượng nhân vật.
Ở truyện ngắn Nước Trivitri, nhà văn hư cấu những câu chuyện xung quanh
chế độ kiểm duyệt ở một nước có tên là Trivitri. Toà kiểm duyệt ở nước này do
Bút Văn Soá làm giám đốc. Ông giám đốc dốt nát nhưng cậy quyền thế, hành hạ
các báo, gây ra những tình huống dở khóc dở cười: “Báo nào chả có mục tiểu
thuyết. Trước khi cho in, ông cho một đội đặc vụ của ông đi điều tra xem truyện
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
100
trong tiểu thuyết đó là thực hay hư. Đã gọi là tiểu thuyết thì thực làm sao được?
Bởi thế, mục tiểu thuyết của hết thảy các báo đều bị xoá sổ”. Các báo bị kiểm
duyệt nhiều quá, đấu tranh bằng nhiều cách không được, rủ nhau sang nước láng
giềng Chung Nhạc Lạc viết báo bằng tiếng Tri vi tri công kích Bút Văn Soá và
Thủ tướng. Hai nước mâu thuẫn nhau, dẫn đến hai phe báo chí trên thế giới mâu
thuẫn với nhau rồi gây chiến, làm xảy ra… đại chiến thế giới! Rốt cuộc, nguyên
nhân “chỉ vì sự khắc nghiệt thái quá của Toà kiểm duyệt nước Trivitri”. Thông
qua câu chuyện hư cấu ấy, ông “chiếu” cái nhìn châm biếm sắc sảo vào chế độ
kiểm duyệt đương thời.
Cũng như vậy, truyện ngắn Nước Tự do tiếp tục “công phá” chế độ kiểm
duyệt. Nhà văn dựng lên một nước tên là nước Tự do, “ở dưới gầm trời Đông Nam
Á, xuất hiện sau hiệp ước Genève”. Đại sứ của nước này thường khoe với thế giới
rằng “nước họ có một chế độ tự do hoàn toàn”, khiến dân tứ xứ tìm đến. Và họ thấy
quả là ở nước này được tự do hoàn toàn khi đánh bạc, hành lạc, bắt cóc… Khi biết
đọc báo bằng tiếng Tự do, họ phát hiện ra rằng có những chân dung người chỉ có
một bên râu mép, có nhiều bài báo chỉ có một nửa. Hỏi ra, mới biết nước này còn
có “một quyền tự do thiêng liêng nữa, đó là tự do… kiểm duyệt!”.
Trong một truyện ngắn khác tên là Đánh ghen trong mồ, nhà văn cũng dựng
lên một cảnh hài hước, nhằm chế giễu những ông chồng đa thê, những bà vợ hay
ghen. Gia đình nhà giàu nọ có một ông hai bà, tiến hành xây lăng sẵn cho ba ông
bà, phòng khi về bên kia thế giới. Mặc cho bà hai van xin, bà cả nhất định không
cho vẽ chân dung bà hai với nhiều đồ trang sức, không cho vẽ tranh Phật ở lăng bà
hai, mà chỉ cho vẽ hai cánh cửa đóng kín, để sau này linh hồn bà hai bị… cầm tù
trong mồ!
Những tình huống hài hước, giễu nhại được tạo dựng một cách hợp lý,
với nhiều chi tiết sắc sảo, tinh tế, làm phong phú thêm hệ thống phương tiện
thẩm mỹ trong các truyện ngắn, nhất là truyện thế sự của nhà văn, và thể hiện
cái nhìn giễu cợt, thái độ bất bình của ông với xã hội, thời cuộc.
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
101
3.3.5. Nghệ thuật sử dụng bút pháp hiện thực kết hợp với bút pháp kỳ ảo.
Một nét đáng lưu tâm về nghệ thuật nữa là, trong những truyện Nguyễn
Cát Ngạc gọi là “kiến văn chí dị” như: Giống Waltrabar, Ma Hàng Giầy, Cái
chết của ông lang Doanh, Ma Hàng Cỏ, Cây đèn Khổng Minh, ông đã sử
dụng bút pháp hiện thực kết hợp với bút pháp kỳ ảo. Đó cũng là nét lạ ở văn
ông, mà nếu chỉ đọc các tác phẩm khác người ta sẽ dễ coi đó không phải
“tạng” của ông. Có lẽ, nó xuất phát từ quan niệm văn chương như ông từng
viết: “Truyện giải trí cốt làm cho độc giả vui, chỉ có vui thôi, không cần bổ
ích cho trí tuệ, không lo bổ dưỡng cho đạo đức chi hết” (Truyện giải trí).
Những truyện ngắn, kể lại những câu chuyện về ma, về cái chết kỳ dị của một
ông lang, những hình ảnh hư hư thực thực được kể bằng giọng điệu khá
nghiêm túc, tạo nên vẻ hấp dẫn và độ tin cậy nhất định cho người đọc.
Truyện Ma Hàng Cỏ viết về một căn buồng có ma ở một hàng cơm ở gần
ga Hàng Cỏ. Ai vào đó ngủ đêm cũng bị lật giường lật chiếu. Người chủ nhà treo
giải: nếu ai vào đó ngủ một đêm sẽ được 100 đồng. Có hai anh nghiện rủ nhau
vào. Nửa đêm có người đàn bà ma hiện về quấy nhiễu, khiến hai anh chết ngất.
Truyện Ma Hàng Giầy, người kể chuyện đứng ở ngôi thứ nhất để trần thuật về
việc đêm ngủ ở nhà mình trên phố Hàng Giầy, người nhà luôn nghe tiếng bước
chân đi lại, đèn điện thì mỗi chốc lại tắt rồi lại bật, sợ quá phải ra hè phố ngủ.
Bèn lập đàn tràng cúng cháo cho ma, cúng xong thì lấy roi quất tứ tung trong
nhà, vừa quất vừa đuổi. Từ đó không thấy tiếng guốc lọc cọc hay đèn tự tắt tự
bật nữa.
Truyện Cái chết của ông lang Doanh lại ly kỳ hơn. Ông lang Doanh -
còn gọi là đồ Doanh - bị ốm nặng, nhân vật “tôi” đến thăm, được người nhà
cho biết là ông bị ma làm, chưa chết được. “Tôi” liền ở lại qua đêm bên người
bệnh. Đêm đến, thấy ma là một con chó trắng lớn đến bắt mạch cho bệnh
nhân. Bèn thuật lại cho gia đình bệnh nhân biết. Ba hôm sau ông lang chết,
hỏi ra thì vì gia đình đã giết con chó trắng để ông được siêu thoát. Truyện
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
102
khép lại bằng những câu hỏi: “Linh hồn nào đã nhập vào con chó, khiến nó
biết đi, biết đội nón, cầm gạy, biết chẩn mạch? Tại sao nó lại cầm bệnh ông
Đồ? Vì oán cừu hay vì muốn giữ ông Đồ sống nữa?”
Truyện Cây đèn Khổng Minh khai thác chủ đề là tài năng tiên tri của nhà
quân sư tài ba Khổng Minh. Cây đèn do Khổng Minh làm ra sau 7 lần bắt rồi tha
Mạnh Hoạch, hàng trăm năm vẫn cháy sáng trên một sườn đồi, bỗng một hôm bị
tắt. Dân chúng rất lo lắng vì đèn tắt báo trước điềm xấu. Họ đào được một bia đá
khắc 4 câu thơ “Tứ hải nội/ Hữu quần anh/Lộc thì đáo/ Đăng tái minh”. Một
hôm có người khách du lịch tên là Lokes đi qua, thấy thế xin chữa hộ. Ông ta
chữa được cho cây đèn sáng trở lại. Mọi người mới hiểu ra lời tiên tri của Khổng
Minh đã ứng.
Điều thú vị là nguyên nhân cháy sáng hàng trăm năm của cây đèn thì nhà văn
giải thích ngay được bằng khoa học, còn việc đèn tắt, rồi một người tên Lộc đến
làm nó sáng trở lại, thì nhà văn để cho đọc giả tự ngẫm và thấy thích thú.
So với những truyện kinh dị của Thế Lữ, truyện ma của TCHYA (Đái
Đức Tuấn) thì truyện của Nguyễn Cát Ngạc còn đơn giản cả về kết cấu và
dung lượng (mỗi truyện chỉ dưới 1500 từ), bản thân ông cũng thừa nhận viết
truyện giải trí không phải là sở trường của mình, nhưng trong sự nghiệp văn
học của riêng ông, thì mảng “chí dị” cũng góp phần làm nên sự phong phú về
nội dung và nghệ thuật thể hiện.
Những nghiên cứu về truyện ngắn Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc được
trình bày trên đây trong điều kiện những tác phẩm của ông ít được giới nghiên
cứu và công chúng biết đến, việc khảo cứu tác phẩm của ông đến nay còn
nhiều khó khăn, nên chắc chắn là chưa đầy đủ. Có thể thấy rằng, so với hai vở
kịch ông đã đóng góp cho nền văn học và sân khấu nước nhà thì sự đóng góp
về truyện ngắn của ông vẫn còn khiêm tốn. Nhưng chúng ta cũng thấy được
một số nỗ lực cần ghi nhận của Nam Xương – Nguyễn Cát Ngạc ở thể loại
truyện ngắn:
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
103
Một là, về mặt nội dung tư tưởng, các truyện ngắn Nguyễn Cát Ngạc đã
đạt được giá trị cao trong việc thể hiện thành công tư tưởng yêu nước, niềm tự
hào với truyền thống đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Cùng với đó, là tình yêu quê hương xứ sở, sự cổ vũ cho những giá trị truyền
thống và tấm lòng nhân ái giữa người với người; là thái độ phê phán quyết liệt
với cái xấu, cái Ác trong xã hội thực dân nửa phong kiến. Đó là những biểu
hiện sâu sắc của tinh thần yêu nước và tinh thần dân tộc trong văn chương
Nguyễn Cát Ngạc nói chung, truyện ngắn của ông nói riêng.
Hai là, về mặt nghệ thuật, Nam Xương đã đạt được những thành công
nhất định trong các thủ pháp nghệ thuật như: nghệ thuật kết cấu truyện theo
kiểu truyền thống và xây dựng nhân vật theo lối “tỏ chí”, nghệ thuật “hư cấu
lịch sử” để thẩm mỹ hoá hình tượng nhân vật lịch sử‟, nghệ thuật hư cấu tình
huống, tạo tiền đề hài hước hoá nhân vật từ góc nhìn châm biếm, giễu nhại
khi phơi bày các tình huống lố lăng của xã hội,…
Tuy nhiên, về mặt thi pháp truyện ngắn, so với nhiều nhà văn xuất sắc
cùng thời như Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Lan Khai, Thạch Lam,… thì
Nguyễn Cát Ngạc chậm thay đổi, còn chịu ảnh hưởng của lối viết cũ. Mặc dù
vậy, như chúng tôi lý giải, Nam Xương là một nhà văn không chuyên nghiệp,
lại hướng tới công chúng bình dân. Chủ trương dùng văn học để “tải đạo”,
nên truyện ngắn của ông nói riêng, văn chương của ông nói chung thường
giản dị, ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với việc đăng báo để từ đó đến được với
đông đảo công chúng rộng rãi. Việc hướng tới người đọc rộng rãi chịu ảnh
hưởng trực tiếp của tư tưởng văn học mác xít “nghệ thuật vị nhân sinh”, nằm
trong hệ tư tưởng cách mạng mà ông theo đuổi.
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
104
KẾT LUẬN
Bước đầu nghiên cứu sự nghiệp văn học của Nam Xương - Nguyễn Cát
Ngạc, chúng tôi rút ra được những vấn đề sau:
1. Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc đã có nhiều cống hiến cho nền văn
chương nước nhà thế kỷ XX. Với tư cách và tài năng của một nhà văn chiến
sĩ, ông đã góp vào nền văn học Việt Nam hiện đại những tác phẩm, mang đậm
tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tấm lòng nhân ái giữa người với
người cùng thái độ không khoan nhượng với những gì đi ngược lại các giá trị
tốt đẹp của dân tộc. Đó cũng là tư tưởng nền tảng, quán triệt và chi phối cái
nhìn nghệ thuật của ông, gắn liền với sự nghiệp cách mạng mà ông theo đuổi
đến hơi thở cuối cùng. Những nội dung ấy là biểu hiện sâu sắc của lòng yêu
nước và tinh thần dân tộc trong văn chương Nam Xương -Nguyễn Cát Ngạc.
Qua đó, chúng ta hiểu hơn về tài năng và nhân cách của nhà văn - chiến sĩ, về
động lực khiến ông tham gia và cống hiến cuộc đời mình cho cách mạng và
dân tộc.
2. Văn chương Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc đã bước đầu đạt được
những thành công về nghệ thuật. Nổi trội nhất là về kịch bản văn học, trong
đó việc vận dụng sáng tạo phương pháp sáng tác cổ điển và luật “ba duy nhất”
của Châu Âu cùng những thủ pháp nghệ thuật xây dựng tình huống hài hước,
nghệ thuật khai thác và biểu hiện diễn biến tâm lý của nhân vật, đặc biệt là
nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình mà nhân vật “Ông Tây An Nam” là
những đặc điểm nổi bật. Về nghệ thuật truyện ngắn, tuy về mặt thi pháp chủ
yếu là ảnh hưởng thi pháp cổ điển, nhưng các thủ pháp nghệ thuật cụ thể, như
nghệ thuật kết cấu truyện theo kiểu truyền thống và xây dựng nhân vật theo
lối “tỏ chí”, nghệ thuật “hư cấu lịch sử” để thẩm mỹ hoá hình tượng nhân vật
lịch sử‟…cũng góp phần tạo ra những thành công trong việc biểu đạt một
cách sinh động những giá trị tư tưởng của tác phẩm.
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
105
3. Nhìn lại sự phát triển của kịch nói Việt Nam từ giai đoạn bắt đầu được
du nhập và sau đó là từng bước phát triển (đầu thế kỷ hai mươi đến năm
những năm ba mươi), có thể thấy rất rõ các cống hiến của Nam Xương -
Nguyễn Cát Ngạc trên phương diện văn hóa. Bởi trên cơ sở của sự tiếp biến
văn hóa một cách chủ động, ông đã cùng với thế hệ các tác giả kịch bản đầu
tiên tiếp thu tinh hoa văn hoá phương Tây và gạn lọc những yếu tố phù hợp
của sân khấu truyền thống Việt Nam. Từ đó có thể khẳng định rằng, Nam
Xương - Nguyễn Cát Ngạc là người thuộc thế hệ đầu tiên đưa kịch nói đến
với sân khấu Việt Nam trong tư cách là một thể loại mới, chưa từng có trong
lịch sử và từ đó, sân khấu Việt Nam hiện đại trở thành một hệ thống hoàn
chỉnh như hôm nay chúng ta thường nói, bao gồm: kịch nói, kịch hát với
tuồng, chèo, cải lương (có thể kể thêm thể loại kịch thơ?). Tuy không phải là
người đầu tiên có kịch bản được dàn dựng trên sân khấu, nhưng nhắc đến thế
hệ đầu tiên đóng vai trò mở đường để lập ra nền kịch nói Việt Nam, thì cùng
với những cái Vũ Đình Long, Nguyễn Hữu Kim, Vi Huyền Đắc… người ta
không thể không nhắc đến Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc một cách trân
trọng vì những sáng tạo thành công của ông ngay khi vừa xuất hiện. Đương
thời, sau khi vở kịch đầu tiên của ông - Chàng Ngốc - được công bố đã gây
tiếng vang trong đời sống xã hội. Và khi Ông Tây An Nam xuất hiện, thì tên
tuổi Nam Xương đã được khẳng định và phải nói rằng tên tuổi đó còn ở lại
với lịch sử kịch nói Việt Nam, bởi tính “độc sáng” của hình tượng nhân vật và
giá trị nhân văn của tác phẩm. Vở kịch trở thành một dấu ấn quan trọng, là lời
cảnh báo, đồng thời phản ánh một phương diện của quá trình tiếp nhận - biến
đổi các giá trị văn hóa - nghệ thuật trong giao lưu với văn hóa - văn minh thế
giới đã vượt ra khỏi giới hạn chật hẹp của quan hệ khu vực.
Từ góc độ văn hóa để xem xét, còn phải khẳng định rằng: với kịch bản
Ông Tây An Nam, tác giả Nam Xương là người đã sớm đưa ra lời cảnh báo về
sự hoành hành của thói “vong bản”, về khả năng mai một của một số giá trị
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
106
thuộc về bản sắc và truyền thống văn hóa nếu không được điều chỉnh kịp thời
vào thời điểm giao lưu quốc tế đã rộng mở. Điều này càng cho thấy tầm nhìn
của ông về thời đại, về những biến chuyển văn hóa - văn minh mới đã và đang
diễn ra ở Việt Nam trong hơn một thế kỷ qua; nhất là trong giai đoạn hiện nay,
khi mà công cuộc đổi mới đất nước đang diễn ra. Quá trình “mở cửa” giao lưu
kinh tế, giao lưu văn hóa với thế giới ngày càng rộng mở và sự xâm nhập của
các nền văn hoá khác nhau - trong đó một lần nữa lại là sự xâm nhập mạnh mẽ
của văn hoá – văn minh phương Tây – làm đảo lộn một số quan niệm và hành
vi xã hội - văn hóa của con người; bên cạnh những tác động tích cực, đã và
đang có những tác động tiêu cực làm băng hoại nền văn hoá - đạo lý dân tộc.
Ngược chiều thời gian để đánh giá sự nghiệp sáng tác kịch bản của Nam
Xương - Nguyễn Cát Ngạc, chúng ta càng thấy tác phẩm của ông - đặc biệt là
Ông Tây An Nam - đã có ý nghĩa to lớn không chỉ về phương diện nghệ thuật
mà còn cả về văn hóa - xã hội - con người.
4. Ở góc độ văn học sử, Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc đảm nhận vai
trò của một trong những người tiếp nối cho văn học hiện đại trong vùng tạm
chiếm. Theo những nghiên cứu của chúng tôi, bộ phận văn học Việt Nam phát
triển trong vùng tạm chiếm (1945 – 1954), và văn chương ở miền Nam giai
đoạn 1955 – 1960 còn lại đến nay là không nhiều và cũng chưa được nhiều
người chú ý nghiên cứu. Trong hoàn cảnh vừa hoạt động bí mật vừa sáng tác
văn học, thì những cố gắng của người chiến sĩ - nghệ sĩ Nam Xương - Nguyễn
Cát Ngạc là rất đáng trân trọng. Và cũng phải nói thêm rằng, tuy cùng mang
danh nghĩa là “trí thức di cư” vào miền Nam để hoạt động bí mật, nhưng nếu
các tác phẩm của Vũ Bằng như Thương nhớ mười hai, Miếng ngon Hà Nội
luôn là nỗi hoài nhớ xứ Bắc “ngàn năm văn vật” thì tác phẩm của Nam
Xương - Nguyễn Cát Ngạc lại tiếp tục cái lối đi mà ông đã chọn từ giai đoạn
trước, đó là sử dụng chủ nghĩa hiện thực để tố cáo bản chất xấu xa của xã hội
đương thời, đồng thời tố cáo và vạch mặt cái xấu, cái ác của xã hội, giúp
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
107
người đọc căm ghét nó mà có hành động phản kháng. Đó cũng chính là một
biểu hiện của tâm thế tinh thần mà Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc đã có
được từ ngày ông tự giác lựa chọn cho mình con đường đi theo lý tưởng cách
mạng.
Vì vậy, chúng tôi hy vọng việc nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp của
Nam Xương sẽ góp phần bổ sung vào bộ phận văn học vùng tạm chiếm (1945
– 1954) và văn chương miền Nam 1955 – 1960.
Chúng tôi mong muốn sẽ có một sự nghiên cứu đầy đủ hơn về tất cả các
tác phẩm thuộc các thể loại mà Nam Xương đã sáng tác để có thể phục dựng
một chân dung văn học của một nhà văn - chiến sĩ đã cống hiến cả cuộc đời
mình cho sự nghiệp cách mạng và nền văn học nước nhà./.
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
108
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lại Nguyên Ân, 150 thuật ngữ văn học, NXB Đại học quốc gia Hà Nội,
1999.
2. Vũ Bằng, Truyện ngắn chọn lọc, NXB Văn hoá thông tin, H., 2005.
3. Nam Cao, Tuyển tập Nam Cao tập 1, NXB Văn học, H., 1997
4. Nam Cao, Tuyển tập Nam Cao tập 2, NXB Văn học, H., 1997
5. Nguyễn Huệ Chi - Trần Hữu Tá, Từ điển văn học (Bộ mới), NXB Thế giới,
H.2005
6. Phan Cự Đệ (chủ biên) Văn học Việt Nam thế kỷ XX, NXB Giáo dục,
H.,2004.
7. Vi Huyền Đắc, Cô đầu Yến, NXB Thái Dương Văn Khố, 1930.
8. Vi Huyền Đắc, Nghệ sĩ hồn, NXB Thái Dương Văn khố, 1930.
9 Vi Huyền Đắc, Giê – su, đấng cứu thế, NXB Đại La, 1945.
10. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, Từ điển thuật ngữ văn học,
NXB Giáo dục, H., 2007.
11. Hoàng Ngọc Hiến, Tập bài giảng nghiên cứu văn học, NXB Giáo dục,
1997.
12. Đỗ Đức Hiểu (Chủ biên), Từ điển văn học, tập 2, NXB Khoa học Xã hội,
H.,1984.
13. Phan Kế Hoành - Huỳnh Lý, Bước đầu tìm hiểu Lịch sử kịch nói Việt Nam
trước cách mạng tháng Tám - NXB Văn hoá, H.,1978
14. Nguyễn Hòa, Về tác giả vở kịch nói Ông Tây An Nam, Tạp chí Nghiên
cứu văn học, số 7 - 2001.
15. Trần Đình Hượu – Lê Chí Dũng, Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời
1900 – 1930, NXB Đại học và giáo dục chuyên nghiệp, H., 1988.
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
109
16. Đinh Gia Khánh (chủ biên), Tổng tập văn học Việt Nam, tập 23, NXB
Khoa học xã hội, H.,1997.
17. Phương Lựu (chủ biên), Lý luận văn học, NXB Giáo dục, H., 1997.
18. Nguyễn Đăng Mạnh, Nhà văn – tư tưởng – phong cách, NXB Văn học,
H., 1983.
19. Nguyễn Đăng Mạnh, Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn ,
NXB Giáo dục, H., 2002.
20. Nguyễn Cát Ngạc, Bụi phồn hoa, NXB Quê hương, H.,1950.
21. Nguyễn Cát Ngạc, Bách Việt, NXB Quê hương, H., 1950.
22. Nhiều tác giả, Kịch nói Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, NXB Sân khấu, H.,
1997.
23.Nhiều tác giả, Kịch nói Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, NXB Sân khấu,
H.,1997
24. Nhiều tác giả, Kịch Việt Nam chọn lọc, NXB Sân khấu, H., 2000.
25. Trần Đình Sử, Một số vấn đề thi pháp học hiện đại, Vụ Giáo viên, H.,
1993.
26. Trần Thị Việt Trung, Lịch sử phê bình văn học Việt Nam (giai đoạn từ
đầu thế kỷ XX đến năm 1945), NXB Đại học quốc gia Hà Nội, H., 2004.
27. Nguyễn Trúc Thanh, Sử ký Việt Nam, NXB Liên hiệp, Sài Gòn, 1956.
28. Nam Xương, Chàng Ngốc, NXB Nam Định - Trường Phát,1930.
29. Nam Xương, Ông Tây An Nam, NXB Hà Nội - Nam Kỳ, 1931
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
110
MỘT SỐ HÌNH ẢNH
VỀ NHÀ VĂN NAM XƢƠNG - NGUYỄN CÁT NGẠC
Nhà văn Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc
(1905 – 1958 )
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
111
Ông bà Nguyễn Cát Ngạc cùng các con
Ông bà Nguyễn Cát Ngạc – Võ Thiện Ngôn
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
112
Gia đình nhà văn Nam Xương trên chiến khu Việt Bắc
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
113
Lễ truy điệu nhà văn Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc tại Hà Nội, năm 1976
Ông Nguyễn Hải Thoại – con cả nhà văn Nam Xương (đứng giữa), cùng
nhạc sĩ Văn Cao (bên trái), nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh (bên phải), tại Lễ
truy điệu nhà văn Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc.
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
114
Gia đình nhà văn Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc tại Lễ truy điệu ông
.
Bức thư cuối cùng của Nam Xương gửi con trai Nguyễn Mạnh Đàm.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- tailieutonghop_com_buoc_dau_nghien_cuu_su_nghiep_van_chuong_cua_nam_x_.pdf