Các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự nói chung và biện pháp kê biên tài sản của người phải thi hành án dân sự đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm hiệu lực các phán quyết dân sự về tài sản của Tòa án. Hiệu quả của việc kê biên tài sản của người phải thi hành án là cơ sở, là tiền để cho thành công, hiệu của quả một vụ thi hành án về tài sản mà đượng sự không tự nguyện thi hành. Dưới đây sinh viên xin trình bày những quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng biện pháp kê biên tài sản của người phải thi hành án.
12 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 13357 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự nói chung và biện pháp kê biên tài sản của người phải thi hành án dân sự đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm hiệu lực các phán quyết dân sự, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Lời mở đầu:
Các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự nói chung và biện pháp kê biên tài sản của người phải thi hành án dân sự đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm hiệu lực các phán quyết dân sự về tài sản của Tòa án. Hiệu quả của việc kê biên tài sản của người phải thi hành án là cơ sở, là tiền để cho thành công, hiệu của quả một vụ thi hành án về tài sản mà đượng sự không tự nguyện thi hành. Dưới đây sinh viên xin trình bày những quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng biện pháp kê biên tài sản của người phải thi hành án.
Một số vấn đề lý luận và những quy định của pháp luật hiện hành về biện pháp kê biên tài sản của người phải thi hành án dân sự:
Một số khái niệm và đặc điểm của biện pháp kê biên tài sản của người phải thi hành án:
Khái niệm biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự: là biện pháp thi hành án dân sự dùng quyền lực của Nhà nước buộc người phải thi hành án thực hiện nghĩa vụ thi hành án dân sự của họ, do chấp hành viên áp dụng trong trường hợp người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án. Trang 195 Giáo trình Luật thi hành án dân sự, trường Đại học Luật Hà Nội, 2010.
Khái niệm biện pháp kê biên tài sản của người phải thi hành án: là biện pháp cưỡng chế thi hành án do chấp hành viên áp dụng trong trường hợp người phải thi hành án có nghĩa vụ trả tiền theo bản án, quyết định có điều kiện thi hành án nhưng không tự nguyện thi hành. Trang 211 Giáo trình Luật thi hành án dân sự, trường Đại học Luật Hà Nội, 2010.
Điều 71 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 ( LTHADS) đã quy định 6 biện pháp cưỡng chế thi hành án, kê biên tài sản của người phải thi hành án kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ là một trong 6 biện pháp đó. Chính vì lẽ đó biện pháp kê biên tài sản của người phải thi hành án có những đặc điểm chung của các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự như sau:
Thể hiện quyền năng đặc biệt của Nhà nước và được đảm bảo thực hiện bằng sức mạnh của Nhà nước;
Được chấp hành viên áp dụng trong trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án nhằm buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ của mình theo bản án, quyết định của tòa án;
Đối tượng của các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự là tài sản hoặc hành vi của người phải thi hành án mà cụ thể đối tượng của biện pháp kê biên là tài sản của người phải thi hành án;
Người bị áp dụng thi hành án ngoài việc phải thực hiện các nghĩa vụ trong bản án, quyết định do tòa án tuyên họ còn phải chịu mọi chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự;
Biện pháp cưỡng chế được chấp hành viên quyết định áp dụng có hiệu lực đối với người phải thi hành án dân sự và các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan.
Biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản của người phải thi hành án chỉ được áp dụng khi có đủ các điều kiện dưới đây:
Theo bản án, quyết định của Tòa án, người phải thi hành án có nghĩa vụ trả tiền cho người được thi hành án;
Người phải thi hành án có tài sản để thi hành nghĩa vụ trả tiền cho người được thi hành án;
Đã hết thời gian tự nguyện do chấp hành viên ấn định nhưng người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án hoặc chưa hết thời gian tự nguyện nhưng cần ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại tài sản.
Ngoài ra biện pháp kê biên tài sản còn phải tuân thủ những nguyên tắc riêng như sau:
Mọi tài sản của người phải thi hành án đều có thể bị kê biên để thi hành án trừ những tài sản không được kê biên đã được quy định tại Điều 87 LTHADS;
Người phải thi hành án có quyền thỏa thuận với người được thi hành án về tài sản được kê biên để đảm bảo thi hành án; trong trường hợp không thỏa thuận được thì người phải thi hành án có quyền đề nghị thứ tự kê biên tài sản và Chấp hành viên phải chấp hành để nghị đó nếu đề nghị đó không cản trở việc thi hành án. Nếu người phải thi hành án không có đề nghị thì hiện nay có 2 nguyên tắc hay được áp dụng để kê biên tài sản dù hiện tại không có quy định cụ thể về thứ tự kê biên tài sản. Nguyên tắc thứ nhất: nếu người phải thi hành án không đề nghị kê biên tài sản nào trước thì tài sản thuộc quyền sở hữu riêng của người phải thi hành án được kê biên trước; nếu người phải thi hành án không có hoặc không đủ tài sản riêng để thi hành án thì mới kê biên đến tài sản chung của người phải thi hành án với người khác. Nguyên tắc thứ hại: trong số những tài sản thuộc diện kê biên thì kê biên bất động sản trước, sau khi kê biên hết các động sản mà vẫn không đủ để thi hành án thì kê biên các động sản.
Chấp hành viên chỉ được kê biên tài sản của người phải thi hành án tương ứng với nghĩa vụ thi hành án và các chi phí liên quan. Đó là các khoản phải thi hành theo quyết định của bán án; khoản lãi chậm thi hành án nếu có và các chi phí dự tính mà theo quy định người phải thi hành án phải chịu như chi phí kê biên, giám định chất lượng, định giá tài sản…Nếu người phải thi hành án chỉ có một tài sản duy nhất có giá trị lớn hơn nghĩa vụ phải thực hiện mà tài sản đó không thể phân chia được hoặc nếu phân chia sẽ làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thi Chấp hành viên vẫn có quyền kê biên tài sản đó.
Nếu tài sản của người phải thi hành án đã được cầm cố, thế chấp cho người khác nhưng tài sản đó có giá trị lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm bằng việc cầm cố, thế chấp hoặc người phải thi hành án không còn tài sản nào khác thì Chấp hành viên vẫn cò quyền kê biên tài sản này để thực hiện thi hành án. Đây là biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán tài sản thông qua một giao dịch dân sự khác.
Trường hợp có tranh chấp về tài sản kê biên thì Chấp hành viên vẫn tiến hành cưỡng chế và yêu cầu đương sự, người có tranh chấp khởi kiện ra tòa án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Cụ thể hơn tại Điều 75 LTHADS đã quy định biện pháp xử lý đối với tài sản khi cưỡng chế có tranh chấp.
Đối với tài sản kê biên thuộc diện phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đất hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật thì khi kê biên, xử lý tài sản đã kê biên Chấp hành viên phải thông báo cho các cơ quan liên quan biết.
Những quy định của pháp luật hiện hành:
. Những trường hợp tài sản của người phải thi hành án không được kê biên:
Điều 87 Luật THADS đã quy định một số tài sản của người phải thi hành án không được kê biên. Với việc quy định chi tiết những tài sản của người phải thi hành án không được kê biên so với quy định này tại Điều 42 Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 đã giúp cho quá trình thi hành án được diễn ra chính xác, nhanh gọn hơn rất nhiều.
Khoản 1 Điều 87 quy định nhóm tài sản thứ nhất không được kê biên gồm có: “tài sản bị cấm lưu thông theo quy định của pháp luật; tài sản phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng; tài sản do ngân sách nhà nước cấp cho cơ quan tổ chức”. Đối với cơ quan, tổ chức hoạt động bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp thì cơ quan thi hành án dân sự không kê biên các tài sản do ngân sách nhà nước trực tiếp cấp mà yêu cầu các cơ quan, tổ chức đó có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền hộ trợ tài chính để thi hành án. Trường hợp cơ quan, tổ chức có nguồn thu từ các hoạt động có thu nhập hợp pháp khác thì cơ quan thi hành án dân sự có quyền kê biên tài sản có được từ các hoạt động đó trừ những tài sản như phương tiện thuốc men chữa bệnh, phương tiện dụng cụ của trường học, các phương tiện thuộc cơ sở này.
Để đảm bảo cuộc sống bình thường của công dân, đảm bảo quyền lợi của Nhà nước và của cán bộ, công nhân làm việc tại doanh nghiệp trong trường hợp phải thi hành án, tại khoản 2 Điều 87 đã quy định cụ thể những tài sản của người phải thi hành án là cá nhân không được kê biên. Về cơ bản, quy định này vẫn giữ nguyên tinh thần như Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 nhưng được quy định cụ thể hơn. Trường hợp người phải thi hành án là cá nhân thì không được kê biên tài sản liên quan và cần thiết cho sự sống còn của người phải thi hành án và gia đình, đó là lương thực và thuốc men cần thiết cho người phải thi hành án và gia đình của họ. Chấp hành viên cũng không được kê biên công cụ lao động, quần áo, đồ dùng sinh hoạt thông thường cho người phải thi hành án và gia đình của họ nhằm đảm bảo duy trì cuộc sống bình thường và tương lai của họ. Công cụ lao động cần thiết không được kê biên ở đây được hiểu là công cụ thông thường cần thiết được dùng làm phương tiện sinh sống chủ yếu hoặc duy nhất của người phải thi hành án và gia đình như cày, bừa, xe đạp…; những công cụ lao động có giá trị lớn như xe ô tô, xe máy, máy cày…thì Chấp hành viên vẫn được kê biên, bán đấu giá để thi hành án nhưng có trích lại một khoản tiền để người phải thi hành án có thể thay thế bằng một công cụ lao động khác có giá trị thấp hơn. Đồ dùng thờ cúng thông thường theo tập quán ở địa phương cũng không được kê biên nhằm tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng cũng như truyền thống uống nước nhớ nguồn.
Khoản 3 Điều 87 quy định nhóm tài sản của người phải thi hành án là doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ không được kê biên. Quy định này hướng tới nhằm bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường.
. Thủ tục kê biên tài sản của người phải thi hành án:
Chấp hành viên chỉ có thể ra quyết định kê biên tài sản sau khi có kết quả xác minh về tài sản của người phải thi hành án. Chấp hành viên có nhiệm vụ thông báo cho những chủ thể liên quan biết về việc tổ chức kê biên tài sản trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định kê biên trừ trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tan, hủy hoại, trốn tránh việc thi hành án. Việc thông báo cưỡng chế kê biên tài sản được quy định tại Điều 38;39;88 Luật THADS. Đối tượng được nhận thông báo không chỉ là các bên đương sự để kịp thời giam gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình mà còn là các cơ quan có liên quan để thực hiện chức năng do Nhà nước quy định. Cụ thể Chấp hành viên phải thông báo trước và trực tiếp bằng văn bản cho người phải thi hành án, người được thi hành án, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; Ủy ban cấp xã nơi có tài sản kê biên; Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và tổ chức liên quan tới việc thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành án. Ví dụ:
Cục Hàng không Việt Nam trong trường hợp tài sản kê biên là tàu bay;
Cơ quan đăng ký tàu biển và thuyền viên khu vực, trong trường hợp tài sản kê biên là tàu biển.
Để việc kê biên được khách quan, khi kê biên tài sản phải có mặt của đương sự. Nếu người phải thi hành án hoặc người được đương sự ủy quyền đã được thông báo mà vẫn vắng mặt thì việc kê biên vẫn được tiến hành nhưng phải ghi rõ việc này vào biên bản kê biên đồng thời phải mời người làm chứng. Việc trước tiên Chấp hành viên thực hiện khi thực hiện việc kê biên tài sản là công bố quyết định cưỡng chế thi hành cho tất cả những người có mặt biết rồi giải thích cho người phải thi hành án quyền được đề nghị kê biên tài sản nào trước. Việc kê biên tài sản phải được lập biên bản ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm kê biên; họ tên Chấp hành viên, đương sự hoặc người được ủy quyền, người lập biên bản, người làm chứng và người có liên quan đến tài sản; diễn biến của việc kê biên; mô tả tình trạng từng tài sản, yêu cầu của đương sự và ý kiến của người làm chứng. Biên bản kê biên có chữ ký của đương sự hoặc người ủy quyền, người làm chứng; đại diện chính quyền cấp xã hoặc đại diện tổ dân phố nơi tổ chức cướng chế, chấp hành viên và người lập biên bản. Dưới đây là thủ tục kê biên tài sản trong một số trường hợp cụ thể bên cạnh việc tuân theo những quy định chung về thủ tục kê biên tài sản đã nêu trên:
Thủ tục kê biên quyền sở hữu trí tuệ của người phải thi hành án: được quy định tại Điều 84 LTHADS. Những quyền sở hữu trí tuệ thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án sau đây được chấp hành viên kê biên để thực hiện nghĩa vụ tài sản: quyền tác giả; quyền liên quan đến quyền tác giả; quyền sở hữu công nghiệp; quyền đối với giống cây trồng. Các quyền sở hữu trí tuệ đã nêu trên vẫn bị liệt kê ngay cả khi người phải thi hành án là chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ đã chuyền quyền sở hữu trí tuệ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Đối với từng đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ khác nhau mà Chấp hành viên thu giữ các giấy tờ có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ khác nhau của người phải thi hành án.
Thủ tục kê biên tài sản là đồ vật đang bị khóa hay đóng gói của người phải thi hành án:
Điều 93 LTHADS quy định: “Khi kê biên đồ vật đang bị khóa hoặc đóng gói thì Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án, người đang sử dụng, quản lý đồ vật mở khóa, mở gói; nếu họ không mở hoặc cố tình vắng mặt thì Chấp hành viên tự mình hoặc có thể thuê cá nhân, tổ chức khác mở khóa, phá khóa, mở gói. Trường hợp cần thiết, sau khi mở khóa, phá khóa, mở gói, Chấp hành viên niêm phong đồ vật và giao bảo quản theo quy định tại Điều 58 Luật này. Việc mở khóa, phá khóa, mở gói hoặc niêm phong phải lập biên bản, có chữ ký của những người tham gia và người làm chứng.” Trong trường hợp cần thiết sau khi mở khóa, mở gói Chấp hành viên niêm phong đồ vật và giao bảo quản cho người phải thi hành án; người thân thích của người thi hành án; hoặc người đang sử dụng bảo quản; cá nhân tổ chức có điều kiện bảo quản; hoặc Kho bạc nhà nước; bảo quản tại kho của cơ quan thi hành án dân sự tùy vào tình hình thực tế sự việc và tài sản đó là gì.
Trên thực tế, khi được lựa chọn các hình thức giao bảo quản tài sản kê biên, Chấp hành viên đã lựa chọn hình thức bảo quản (đối với tất cả các tài sản là động sản) tại kho của Cơ quan thi hành án. Việc bảo quản tài sản tại kho Cơ quan thi hành án có nhiều thuận lợi và thực sự đem lại hiệu quả trong công tác thi hành án dân sự, hạn chế được hiện tượng tẩu tán tài sản kê biên như trước đây. Đặc biệt đương sự đã thấy được sức mạnh, quyền lực của nhà nước của Cơ quan thi hành án nói chung, của Chấp hành viên nói riêng và thấy được tài sản của họ thực sự bị “mất”, buộc họ phải lựa chọn biện pháp thi hành có lợi cho họ, đó là việc tự nguyện thi hành để họ sớm nhận lại tài sản đang do Cơ quan thi hành án thu giữ.
Thủ tục kê biên tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án:
Điều 74 LTHADS đã quy định thủ tục kê biên tài sản thuộc sở hữu chung, kể cả tài sản chung của vợ chồng. Có 2 trường hợp xảy ra như sau:
Trường hợp thứ nhất: chưa xác định được phần sở hữu của các chủ sở hữu chung. Khi đó trước khi kê biên tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án với người khác, Chấp hành viên phải thông báo cho chủ sở hữu chung biết việc cưỡng chế. Chủ sở hữu chung có quyền khởi kiện yêu cầu tòa xác định phần sở hữu của họ đối với tài sản chung trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo. Nếu chủ sở hữu chung không khởi kiện thì người được thi hành án hoặc Chấp hành viên có quyền yêu cầu tòa án xác định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung.
Trường hợp thứ hai: tài sản kê biên thuộc sở hữu chung đã xác định được phần sở hữu của các chủ sở hữu chung. Nếu tài sản có thể chia được thì áp dụng biện pháp cưỡng chế phần tài sản tương ứng với phần sở hữu của người phải thi hành án. Nếu tài sản chung không chia được hoặc việc chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với toàn bộ tài sản và thanh toán lại cho chủ sở hữu chung còn lại giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ. Chủ sở hữu chung được quyền ưu tiên mua tài sản khi bán tài sản chung.
Tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng được xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.
Thủ tục kê biên tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ: Trường hợp này đã được quy định tại Điều 91 LTHADS, theo đó kể cả trong trường hợp tài sản được xác định bằng bản án, quyết định khác thì Chấp hành viên vẫn ra quyết định kê biên tài sản đó để thi hành án. Trong trường hợp người thứ ba không tự nguyện giao tài sản thì Chấp hành viên sẽ cưỡng chế buộc họ phải giao tài sản để thi hành án. Tài sản bị kê biên đang cho thuê thì người đang thuê tiếp tục được thuê theo hợp đồng đã giao kết.
Thủ tục kê biên vốn góp của người phải thi hành án: được quy định tại Điều 92 LTHADS. Theo đó, khi kê biên vốn góp thì cá nhân, cơ quan, tổ chức nơi người phải thi hành án có vốn góp phải cung cấp thông tin về phần vốn góp của người phải thi hành án cho Chấp hành viên. Trên cơ sở những căn cứ có được từ yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác định phần vốn góp của người phải thi hành án hoặc trưng cầu tổ chức cá nhân có chuyên môn xác định phần vốn góp của người phải thi hành án hoặc tự đương sự yêu cầu Tòa án xác định phần vốn góp của mình phải thi hành án, Chấp hành viên sẽ là quyết định kê biên phần vốn góp đó để thi hành án.
Thủ tục kê biên phương tiên giao thông của người phải thi hành án: được quy định tại Điều 96 LTHADS. Người phải thi hành án, người đang quản lý, sử dụng phương tiện giao thông phải giao giấy đăng ký phương tiện đó trong trường hợp kê biên phương tiện giao thông của người phải thi hành án để thực hiện nghĩa vụ. Chấp hành viên có thể thu giữ hoặc giao cho người phải thi hành án, người đang quản lý, người đang sử dụng, phương tiện giao thông đang được khai thác sử dụng nhưng họ không được cấm cố, chuyển nhượng hay thế chấp phương tiện đó. Ngoài ra Chấp hành viên có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấm chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp, cho thuê hoặc hạn chế giao thông đối với phương tiện bị kê biên. Việc kê biên đối với tàu bay để thi hành án được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh bắt giữ tàu bay năm 2010 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011; việc kê biên tàu biển để thi hành án được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển năm 2008;
Thủ tục kê biên tài sản gắn liền với đất và nhà ở của người phải thi hành án: được quy định tại Điều 94 và 95 LTHADS. Theo đó, khi kê biên tài sản là công trình xây dựng gắn liền với đất thì phải kê biên cả quyền sử dụng đất trừ trường hợp quyền sử dụng đất không được kê biên; hoặc việc tách rời tài sản kê biên và đất không làm giảm đáng kể giá trị tài sản đó.
Nếu nhà ở là nơi ở duy nhất của người phải thi hành án và gia đình thì Chấp hành viên chỉ được kê biên nếu đã xác định được người phải thi hành án không có tài sản nào khác hoặc có nhưng không đủ để thi hành án, trừ trường hợp người phải thi hành án đồng ý kê biên nhà để thi hành án. Nếu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất của người khác thì chỉ kê biên nhà ở và quyền sử dụng đất khi người có quyền sử dụng đất đồng ý; nếu người có quyền sử dụng đất không đồng ý thì chỉ kê biên nhà ở của người phải thi hành án nếu việc tách rời nhà ở và đất không làm giảm đáng kể giá trị nhà.
Thủ tục kê biên quyền sử dụng đất của người phải thi hành án: được quy định tại Điều 110 và Điều 111 LTHADS. Theo đó, Chấp hành viên chỉ kê biên được quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong trường hợp người đó có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc nếu chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng thuộc trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; hoặc thuộc diện quy hoạch phải thu hồi đất nhưng chưa có quyết định thu hồi đất. Các giấy tờ về quyền sử dụng đất phải được người phải thi hành án hoặc người đang quản lý giấy tờ về quyền sử dụng đất nộp đầy đủ cho cơ quan thi hành án dân sự. Nếu có tài sản của người phải thi hành án gắn liền với quyền sử dụng đất phải kê biên thì kê biên cả quyền sử dụng đất và tài sản đó. Ngược lại, nếu tài sản gắn liền với đất là của người khác thì chỉ kê biên quyền sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất bị kê biên đó sẽ được thông báo.
Biên bản kê biên quyền sử dụng đất phải ghi rõ vị trí, diện tích, ranh giới thửa đất được kê biên và phải có chữ ký của những người tham gia kê biên.
Ngoài ra tại Điều 112 đã quy định chi tiết về việc “Tạm giao quản lý, khai thác, sử dụng diện tích đất đã kê biên”. Trong thời hạn tạm giao quản lý, khai thác, sử dụng, tổ chức cá nhân được tạm giao không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho, để thừa kế, thế chấp hoặc góp vốn bằng cách chuyển quyền sử dụng đất; đồng thời không được làm thay đổi hiện trạng sử dụng đất và sử dụng đất trái mục đích. Về thủ tục xử lý tài sản gắn liền với đất được quy định tại Điều 113 LTHADS.
Thủ tục kê biên hoa lợi của người phải thi hành án: được quy định tại Điều 97 LTHADS. Nếu người phải thi hành án có tài sản mang lại hoa lợi thì Chấp hành viên sẽ kê biên hoa lợi để đảm bảo thi hành án. Nếu hoa lợi là lương thực, thực phẩm thì khi kê biên Chấp hành viên phải để lại một phần để người phải thi hành án và gia đình sinh sống. Quy định này thể hiện rõ tinh thần nhân đạo của pháp luật ta, phù hợp với quy định tại Điều 87 về “Tài sản không được kê biên”.
. Định giá tài sản kê biên của người phải thi hành án:
Tuân thủ nguyên tắc tự định đoạt và có quyền thỏa thuận, tại khoản Điều 98 đã quy định về quyền được thỏa thuận về giá tài sản hoặc chọn tổ chức thẩm định giá, quyền này được bảo đảm thực hiện trong 5 ngày kể từ ngày kê biên. Để bảo đảm giá trị của tài sản, không gây thiệt hại cho người phải thi hành án, đối với tài sản tươi sống, mau hỏng, hoặc có giá trị nhỏ (tại thời điểm xác định giá, sản phẩm cùng loại chưa qua sử dụng có giá bán trên thị trường không quá 2 triệu đồng) thì khi kê biên các đương sự phải thỏa thuận ngay về giá; nếu khi kê biên các bên không thỏa thuận được thì Chấp hành viên có trách nhiệm định giá ngay tài sản để bán. Ngoài ra tại khoản 2 Điều 98 đã quy định chi tiết những trường hợp mà Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản kê biên.
. Xử lý tài sản kê biên của người phải thi hành án:
Giao tài sản kê biên cho người được thi hành án:
Điều 100 LTHADS đã quy định về điều kiện và thủ tục giao tài sản kê biên cho người được thi hành án. Quy định này cho phép các đương sự có quyền thỏa thuận về việc nhận tài sản để trừ tiền thi hành án đã đảm bảo được quyền tự định đoạt của các bên đương sự và đảm bảo được kết quả được thi hành án, đồng thời tiết kiệm được thời gian và tiền bạc, rút ngắn quá trình tổ chức thi hành án. Trong trường hợp có nhiều người được thi hành án thì người nhận tài sản thi hành phải thanh toán cho những người được thi hành án còn lại số tiền tương ứng với tỷ lệ họ được nhận. Quy định này tuy thể hiện sự tôn trọng thỏa thuận của các bên nhưng vẫn phải có sự can thiệp của Chấp hành viên để đảm bảo trường hợp có nhiều người được thi hành án mà chỉ có một người đồng ý nhận tài sản. Chấp hành viên phải lập biên bản về sự thỏa thuận của đương sự và giao tài sản đã kê biên cho người được thi hành án để trừ vào nghĩa vụ thi hành án trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày thỏa thuận.
Bán tài sản đã kê biên để thi hành án:
Trong trường hợp người được thi hành án không đồng ý nhận tài sản đã kê biên thì tài sản này sẽ được bán thi hành án. Điều 101 LTHADS đã quy định cụ thể trong trường hợp nào tài sản đã kê biên được bán đấu giá, trường hợp nào bán không qua thủ tục đấu giá. Để đảm bảo tính khách quan thì các tài sản kê biên là động sản có giá trị từ trên 10 triệu đồng và bất động sản phải do tổ chức bán đấu giá thực hiện. Đối với động sản có giá trị từ 2 đến 10 triệu đồng thì Chấp hành viên có quyền chủ động bán đấu giá tài sản (trong thời hạn 30 ngày đối với động sản; 45 ngày đối với bất động sản tính từ ngày định giá tài sản hoặc từ ngày tổ chức đấu giá từ chối bán đấu giá) trong trường hợp tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi kê biên tài sản không có tổ chức đấu giá hoặc tổ chức đấu giá không ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản kê biên. Đối với những tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng hoặc là tài sản tươi sống, mau hỏng thì Chấp hành viên có quyền bán không qua thủ tục đấu giá. Người phải thi hành án trước khi mở cuộc bán đấu giá 1 ngày làm việc có quyền nhận lại tài sản nếu nộp đầy đủ tiền thi hành án và thanh toán các chi phi phát sinh từ việc cưỡng chế thi hành án và tổ chức bán đấu giá. Quy định này nhằm giảm những tổn phí không cần thiết cũng như bảo đảm quyền lợi của người phải thi hành án. Thủ tục bán đấu giá tài sản đã kê biên được thực hiện theo quy định tại Nghị định Số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 và Thông tư số 03/2005/TT-BTB ngày 04/5/2005 hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định 05/2005/NĐ-CP, theo đó những người sau đây không được tham gia mua tài sản đã kê biên: người trực tiếp xét xử vụ án có tài sản được đưa ra đấu giá; thành viên hội đồng định giá; chấp hành hành viên và công chức trực tiếp thi hành vụ việc; thủ trưởng cơ quan thi hành án nơi thi hành vụ việc; cha mẹ, vợ, chồng của những người đó và những trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Trả lại tài sản kê biên cho người phải thi hành án:
Việc trả lại tài sản kê biên cho người phải thi hành án khi tài sản đưa ra bán đấu giá nhưng không thể bán được được quy định tại Điều 104 LTHADS. Quy định về mức giảm mỗi lần không quá 10% giá đã định và giới hạn cho đến khi giá tài sản đã giảm thấp hơn chi phí cưỡng chế mà người được thi hành án không nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án thì tài sản được trả lại cho người phải thi hành án là một quy định mang tính thực tế và linh hoạt. Trong trường hợp người được thi hành án không nhận tài sản để thi hành án thì Chấp hành viên trả lại tài sản cho người phải thi hành án và áp dụng biện pháp cưỡng chế khác phù hợp nếu có điều kiện. Tuy nhiên trường hợp nếu người phải thi hành án không chịu nhận tài sản vẫn chưa có quy định cụ thể để áp dụng thi hành mà trong thực tế đã khiến các Chấp hành viên phải lưu giữ tài sản này trong kho của cơ quan thi hành án mà không có phương án xử lý.
Thực tiễn áp dụng biện pháp kê biên tài sản của người phải thi hành án và một số kiến nghị:
Những vướng mắc gặp phải trong thực tiễn áp dụng biện pháp kê biên tài sản của người phải thi hành án:
Vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự có trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ trong tình hình mới;
Nhiều Chấp hành viên vẫn chưa tích cực, quyết liệt đối với những vụ việc phức tạp, khó khăn, ngại va chạm; họ không sử dụng các biện pháp mạnh để tổ chức thi hành án dứt điểm;
Vẫn có những Chấp hành viên gây nhiễu, vòi vĩnh đương sự, gây cản trở hoạt động thi hành án; làm mất lòng tin của nhân dân vào đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước;
Những hạn chế tồn tại nêu trên xuất phát từ những lý do sau đây:
Chế độ đãi ngộ đối với Chấp hành viên, cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự chưa hợp lý. Không chỉ đối với những Chấp hành viên, cán bộ công tác trong ngành đã xin chuyển công tác thì mà đối với nhiều sinh viên khi ra trường cũng không muốn làm ngành thi hành án vì thu nhập quá thấp, bên cạnh đó đây còn là một ngành nghề rất phức tạp và mang tính rủi ro cao.
Một trong những lý do cơ bản dẫn tới tình trạng việc áp dụng biện pháp kê biên tài sản thiếu hiệu quả là người phải thi hành án chây ỳ, chống đối, cản trở việc thi hành án.
Mặc dù các cơ quan hữu quan đã thực hiện các quy định của pháp luật về việc phối hợp trách nhiệm trong công tác thi hành án dân sự nhưng phần lớn các quy định trên chưa được thực hiện thực sự tốt, chưa đầy đủ. Trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc thi hành án tỏ ra mờ nhạt, công tác bảo vệ cưỡng chế thi hành án có nơi chưa tốt, lực lượng cảnh sát còn có thái độ ngần ngại, né tránh tham gia.
Người phải thi hành án không có tài sản, thu nhập hợp pháp để thi hành án hoặc không xác định được nơi cư trú của đương sự; đặc biệt đối với trường hợp người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù, không có tài sản; người phải thi hành án có tài sản nhưng giá trị nhỏ không đáng kể để thi hành án, hoặc chỉ có tài sản để kê biên, phát mãi nhưng không bán được, mà người được thi hành án không đồng ý nhận để trừ vào số tiền được thi hành án và người phải thi hành án không còn tài sản nào khác.
Một số kiến nghị:
Chúng ta cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong công tác thi hành án, đặc biệt trong trường hợp cưỡng chế thi hành án. Bên cạnh đó cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện những văn bản pháp luật điều chỉnh công tác thi hành án dân sự. Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đi vào đời sống thay thế cho Pháp lệnh thi hành án năm 2004 là một trong những điểm tích cực, tuy nhiên để phù hợp với xã hội biến đổi không ngừng thì việc liên tục theo dõi để kịp thời có những chỉnh sửa phù hợp với thực tiễn cuộc sống và các văn bản pháp luật chuyên ngành khác là việc không thể thiếu. Ngoài ra đề án Thừa phát lại nên chăng được nhân rộng hơn trên khắp các tỉnh thành trên toàn quốc.
Riêng đối với Chấp hành viên tiến hành kê biên tài sản cần phải quy kết trách nhiệm một cách rõ ràng nhất là trong việc xác minh tài sản của người phải thi hành án. Bên cạnh đó cũng cần phải đáp ứng đầy đủ và kịp thời kinh phí hoạt động cho cơ quan thi hành án, tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động, đặc biệt là xây dựng trụ sở, hệ thống kho hàng của các cơ quan thi hành án. Thực hiện tiêu chuẩn hoá đội ngũ cán bộ cơ quan thi hành án; xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thi hành án, đảm bảo các chấp hành viên trước khi bổ nhiệm phải qua đào tạo nghề. Cần có chế độ chính sách đãi ngộ với chấp hành viên và cán bộ thi hành án một cách hợp lý giúp họ có thể yên tâm về đời sống để dốc sức phục vụ cho công tác.
Công tác tuyên truyên, giải thích pháp luật, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án và chỉ cưỡng chế khi cần thiết nếu được quan tâm triển khai chắc chắn sẽ góp phần thực hiện tốt công tác thi hành án dân sự.
Kết luận:
Ta có thể khẳng định biện pháp kê biên tài sản của người phải thi hành án có vai trò và ý nghĩa rất lớn đối với công tác thi hành án dân sự hiện nay. Từ những phân tích trên có thể thấy được việc áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản để thi hành án dân sự không hề đơn giản. Khi thực hiện cưỡng chế kê biên tài sản của người phải thi hành án một cách thuận lợi cũng có nghĩa là chúng ta đã phần nào thực hiện việc bảo vệ pháp luật, quyền và lợi ích của Nhà nước, tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Chính vì lẽ đó chúng ta cần phải sớm khắc mục những hạn chế còn tồn tại, đồng thời hoàn thiện hơn nữa pháp luật về cưỡng chế thi hành án nói chung và biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản của người phải thi hành án nói riêng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật thi hành án dân sự. Nxb Công An Nhân Dân, 2010;
Luật Thi hành án dân sự năm 2008;
Pháp lệnh bắt giữ tàu biển năm 2008;
Pháp lệnh bắt giữ tàu bay năm 2010;
Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của LTHADS về thủ tục thi hành án;
Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005
Bộ Tư pháp – Viên khoa học Pháp lý, Bình luận Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004. Nxb Tư pháp, 2006;
Môc lôc
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự nói chung và biện pháp kê biên tài sản của người phải thi hành án dân sự đóng vai trò quan trọng trong việc.docx