Cách thức hình thành bão nhiệt đới

Lý do chọn đề tài Bão nhiệt đới là một thiên tai dữ dội mà con người chỉ có khả năng chống cự một cách bị động. Hiện tượng tự nhiên này đã gây nên biết bao nỗi thương tâm và thiệt hại. Để có thể hiểu rõ hơn về cơ chế họat động của bão nhiệt đới, tôi xin phép được chọn đề tài này để nghiên cứu. 2. Nhiệm vụ của đề tài Nội dung của đề tài sẽ trình bày cách thức hình thành, đặc điểm của bão nhiệt đới và một số biện pháp dự báo cũng như phòng chống bão. 3. Mục đích của đề tài Đề tài nhằm mục đích cung cấp thông tin, kiến thức cơ bản về bão nhiệt đới. Từ đó, đem đến cái nhìn khái quát về bão nhiệt đới. 4. Phương pháp nghiên cứu Do hạn chế về phương tiện và một số lý do khác, do đó đề tài này chỉ được hoàn thành chủ yếu là nhờ vào việc thu thập tài liệu. 5. Giới hạn đề tài Đề tài tương đối rộng, và thời gian eo hẹp, vì vậy, tôi chỉ xin trình bày phần lớn về các cơn bão nhiệt đới được hình thành trên vùng biển phía Tây Thái Bình Dương (đây là trung tâm hình thành bão nhiều nhất thế giới).

doc23 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 7045 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Cách thức hình thành bão nhiệt đới, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TRƯỜNG ĐHSP TP.HCM KHOA ĐỊA LÝ – LỚP K32D ––– & ——— MÔN HỌC: ĐỊA LÝ TỰ NHIÊN CÁC LỤC ĐỊA BÃO NHIỆT ĐỚI GVHD : Thầy Trần Văn Tuấn SVTT : Phạm Thị Hồng Thủy TPHCM 2008 I. Phần mở đầu 1. Lý do chọn đề tài Bão nhiệt đới là một thiên tai dữ dội mà con người chỉ có khả năng chống cự một cách bị động. Hiện tượng tự nhiên này đã gây nên biết bao nỗi thương tâm và thiệt hại. Để có thể hiểu rõ hơn về cơ chế họat động của bão nhiệt đới, tôi xin phép được chọn đề tài này để nghiên cứu. 2. Nhiệm vụ của đề tài Nội dung của đề tài sẽ trình bày cách thức hình thành, đặc điểm của bão nhiệt đới và một số biện pháp dự báo cũng như phòng chống bão. 3. Mục đích của đề tài Đề tài nhằm mục đích cung cấp thông tin, kiến thức cơ bản về bão nhiệt đới. Từ đó, đem đến cái nhìn khái quát về bão nhiệt đới. 4. Phương pháp nghiên cứu Do hạn chế về phương tiện và một số lý do khác, do đó đề tài này chỉ được hoàn thành chủ yếu là nhờ vào việc thu thập tài liệu. 5. Giới hạn đề tài Đề tài tương đối rộng, và thời gian eo hẹp, vì vậy, tôi chỉ xin trình bày phần lớn về các cơn bão nhiệt đới được hình thành trên vùng biển phía Tây Thái Bình Dương (đây là trung tâm hình thành bão nhiều nhất thế giới). II. Phần nội dung 1. Một số khái niệm có liên quan đến bão nhiệt đới 1.1 Xoáy thuận nhiệt đới Xoáy thuận chia làm hai loại về vị trí địa lý, cấu trúc front và khối khí là: xoáy thuận ngoại nhiệt đới (xoáy thuận front) và xoáy thuận nhiệt đới. Xoáy thuận nhiệt đới là một hệ thống khí áp thấp ở vùng nhiệt đới. Áp suất khí quyển (khí áp) trong xoáy thuận nhiệt đới thấp hơn rất nhiều so với xung quanh. Vùng có khí áp nhỏ nhất được gọi là vùng trung tâm. Ở Bắc Bán cầu xoáy thuận nhiệt đới có hoàn lưu gió xoáy vào tâm theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, ngược lại ở Nam Bán Cầu gió xoáy vào tâm xoáy thuận nhiệt đới theo hướng thuận chiều kim đồng hồ. à Xoáy thuận nhiệt đới là xoáy thuận được cấu tạo bởi khối khí nóng ẩm và không có front. 1.2 Bão nhiệt đới Bão (typhoon) là tên gọi chung những xoáy thuận nhiệt đới (XTNĐ) trên Tây Bắc Thái Bình Dương khi tốc độ gió cực đại (Vmax) ở gần tâm duy trì liên tục từ 64 hải lý (gió cấp 12 ở nước ta) trở lên (hải lý: knot - kt, bằng 1,853 km/h).      Ở khu vực khác nhau bão được gọi bằng thuật ngữ khác nhau, như ở Đại Tây Dương, đông bắc Thái Bình Dương và đông nam Thái Bình Dương (phía đông 160oĐông) gọi bão là "hurricane", Trung Quốc dịch là "cụ phong" là gió bão. Theo Atkinson (1971): “Bão là xoáy thuận quy mô synôp không có front, phát triển trên miền biển nhiệt đới ở mực bất kỳ và có hoàn lưu xác định.”      Tổ chức khí tượng thế giới (WMO: World Meteorological Organization) quy định phân loại xoáy thuận nhiệt đới thành: 1/ Áp thấp nhiệt đới (Tropical depression): là xoáy thuận nhiệt đới với hoàn lưu mặt đất giới hạn bởi một hay một số đường đẳng áp khép kín và tốc độ gió lớn nhất ở gần vùng trung tâm từ 10,8 – 17,2m/s (cấp 6 - cấp 7). 2/ Bão nhiệt đới (Tropical storm): là xoáy thuận nhiệt đới với các đường đẳng áp khép kín và tốc độ gió lớn nhất ở vùng gần trung tâm từ 17,2 – 24,4m/s (cấp 8 - cấp 9). 3/ Bão mạnh (Severe Tropical storm): là xoáy thuận nhiệt đới với tốc độ gió lớn nhất gần trung tâm từ 24,5 – 32,6m/s (cấp 10- cấp 11). 4/ Bão rất mạnh (Typhoon/Hurricane): là xoáy thuận nhiệt đới với tốc độ gió lớn nhất vùng gần trung tâm từ 32,7m/s trở lên. Những cơn bão quá mạnh người ta gọi là "siêu bão" (supertyphoon). 1.3 Mắt bão Mắt bão là khu vực có khí áp nhỏ nhất trong bão, gần như lặng gió, quang mây, và có nhiệt độ cao hơn vùng xung quanh (do sự đốt nóng dòng không khí thăng lên), mắt bão có đường kính khoảng 30 – 60km. Thông thường chỉ có những cơn bão mạnh trưởng thành mới hình thành mắt bão rõ nét. Hình ảnh mắt bão chụp từ vệ tinh 2. Nội dung chính 2.1 Sự hình thành bão 2.1.1 Điều kiện hình thành bão Bão thường hình thành tập trung ở những vùng nhất định, gọi là "ổ bão". Bão được hình thành ở 6 ổ bão gồm: Vịnh Bengal và biển Ả Rập; tây bắc Thái Bình Dương; đông bắc Thái Bình Dương; tây bắc Đại Tây Dương; tây nam Ấn Độ Dương và vùng biển bắc Úc. Trong đó tây bắc Thái Bình Dương là ổ có nhiều bão nhất (chiếm 38% số bão trên toàn cầu). Khu vực hay  xảy ra bão trên thế giới và số bão trung bình hàng năm Bão là một xoáy thuận nhiệt đới được cấu trúc bởi khối khí nóng ẩm với dòng thăng rất mạnh xung quanh mắt bão, tạo hệ thống mây, mưa xoáy vào vùng trung tâm bão. Năng lượng bão là ẩn nhiệt ngưng kết của lượng hơi nước khổng lồ bốc hơi từ mặt biển, ngoài ra bão hình thành đòi hỏi không khí có tầng kết bất ổn định đảm bảo cho sự hình thành đối lưu sâu và dông. Bão chỉ có thể hình thành khi có đủ 3 điều kiện: Nhiệt, ẩm và động lực để tạo xoáy. Nhà khí tượng Erik Palmen đã tìm ra rằng bão chỉ có thể hình thành trên biển trong dải vĩ độ 5 - 20ovĩ hai bên xích đạo, nơi có nhiệt độ cao (từ 26 – 27oC trở lên) và lực Coriolis đủ lớn để tạo xoáy, tạo điều kiện thuận lợi cho bão hình thành. Sở dĩ bão không thể hình thành trong giải 0 – 5ovĩ về hai phía của xích đạo vì ở đó lực coriolis quá nhỏ, không đủ để tạo xoáy. Palmen (1956) đưa ra 3 điều kiện cơ bản cho sự hình thành bão: Khu vực đại dưong có diện tích đủ lớn với nhiệt độ mặt biển cao (từ 26 – 27oC) bảo đảm nước bốc hơi mạnh cung cấp năng lượng ngưng kết lớn cho hệ thống bão. Thông số Coriolis có giá trị đủ lớn tạo xoáy. Bão thường hình thành trong giới hạn bởi vĩ độ 5 – 20o hai bên xích đạo. Dòng cơ bản có độ đứt thẳng đứng của gió yếu, bảo đảm sự tập trung của dòng ẩm vào khu vực bão trong thời gian đầu của sự hình thành bão. Riehl (1948) bổ sung thêm 2 điều kiện: Ở trên cao, trường khí áp phải phân kỳ để đảm bảo giải tỏa khối lượng không khí hội tụ ở mặt đất và duy trì bão. Ở mặt đất phải có nhiễu động áp thấp ban đầu. 80% các cơn bão có liên quan đến dải hội tụ nhiệt đới. Dải hội tụ nhiệt đới ít họat động thì bão cũng ít. 2.1.2 Cấu tạo của bão: Cấu tạo của 1 cơn bão gồm các phần sau: mắt bão (the eye), thành mắt bão (the eyewall), dải mây (rainbands) và lớp mây ti dày đặc phía trên (the Dense Cirrus Overcast) Trong không gian ba chiều, bão là một cột xoáy khổng lồ, ở tầng thấp (khoảng 0 – 3km) không khí nóng ẩm chuyển động xoắn trôn ốc ngược chiều kim đồng hồ (ở Bắc Bán Cầu) hội tụ vào tâm, chuyển động thẳng đứng lên trên trong thành mắt bão và toả ra ngoài ở trên đỉnh theo chiều ngựơc lại. Ở chính giữa trung tâm của cơn bão không khí chuyển động giáng xuống, tạo nên vùng quang mây ở mắt bão. Có thể mô phỏng sơ bộ cấu trúc các trường khí tượng trong bão như sau: - Tham gia chuyển động xoay trong bão là một khối không khí khổng lồ có phạm vi ngang khoảng 200 – 1000km, phạm vi thẳng đứng lên đến lớp đỉnh tầng đối lưu (10 – 12km).Giá trị khí áp nhỏ nhất tại tâm bão và tăng dần ra phía rìa bão. Càng vào gần tâm, cường độ gió bão càng mạnh, khu vực tốc độ gió mạnh nhất cách tâm bão khoảng vài chục km. Vào vùng mắt bão gió đột ngột yếu hẳn, tốc độ gió gần bằng không. Khi qua khỏi vùng mắt bão gió lại đột ngột mạnh lên nhưng có hướng ngược lại, đây chính là tính chất ảnh hưởng nguy hiểm nhất của bão. Nếu nhìn từ trên cao xuống (ảnh mây bão chụp từ vệ tinh) mây bão có dạng gần tròn, hình xoáy trôn ốc ngược chiều kim đồng hồ (ở Bắc Bán Cầu):  Cấu trúc mây bão chủ yếu là hệ thống mây đối lưu, dòng thăng tập trung ở dải mây này, tốc độ dòng thăng trong bão rất lớn và có thể lên cao đến 10km, tạo thành cột không khí chuyển động xoáy rất mạnh và hình thành khối mây bão khổng lồ. Đến một độ cao nào đó dòng không khí thổi ngang từ thành mắt bão ra xung quanh tạo nên những màn mây mỏng toả ra rất xa ngoài vùng bão. Xung quanh mắt bão có mây bão dạng thành gần như thẳng đứng làm thành hình vành khăn (Thành mắt bão).   Bão Katrina Do ở mắt bão có chuyển động giáng, nhiệt độ không khí trong mắt bão lớn hơn xung quanh rất nhiều, vì thế người ta nói bão có lõi nóng. 2.1.3 Các giai đoạn phát triển của bão Thời gian tồn tại trung bình của bão khỏang 7 – 8 ngày đêm tính từ thời điểm hình thành cho đến khi đổ bộ vào bờ hoặc tan rã trên biển. Tuy nhiên, có một số cơn bão chỉ tồn tại vài giờ, và cũng có những cơn bão tồn tại trên 15 ngày hoặc lâu hơn nữa. Theo Riehl (1979) có thể chia quá trình hình thành và phát triển của bão thành 4 giai đọan: 1. Giai đoạn hình thành Bão Katrina 25/8/2005 Bão xuất hiện trực tiếp từ mặt biển với sự hình thành của những cụm mây tích lớn. Phần lớn bão hình thành từ một nhiễu động là áp thấp có trước trong trường áp nhiệt đới (tuy nhiên không phải nhiễu động nào trên dải hội tụ nhiệt đới cũng phát triển thành bão). Quá trình khơi sâu của áp thấp thường diễn ra chậm chừng vài giờ, đủ để gió tản mạn trong khu vực rộng lớn có thể sắp xếp lại, tạo thành các dòng khí xóay hội tụ đưa không khí nóng ẩm vào tâm. Trong giai đoạn hình thành (giai đọan áp thấp nhiệt đới), gió có cường độ bão chỉ thấy ở mực thấp. Và khi gió đạt tốc độ gió cực đại tại vùng trung tâm vượt quá 17,2m/s, áp thấp nhiệt đới trở thành bão. 2. Giai đoạn trẻ Không phải tất cả các XTNĐ đạt tốc độ gió cấp bão trong giai đọan hình thành đều phát triển thành bão, nhiều xoáy thuận tan đi sau 24h. Một số khác di chuyển trên một quãng đường dài như là một ấp thấp nhiệt đới. Nếu có sự tăng cường thì khí áp thấp nhất giảm nhanh xuống dưới 1000mb. Gió có cường độ bão hình thành một dải bao quanh trung tâm xoáy. Mô hình mây biến đổi từ dải đường tố sang dạng dải xoáy về phía trung tâm. Khối mây trung tâm càng trở nên có dạng tròn hơn, mắt bão càng rõ nét hơn. 3. Giai đoạn chín muồi Bão Katrina 12:16 trưa 29/8/2005 Đặc điểm của giai đoạn này là khí áp ở tâm bão không tiếp tục giảm và tốc độ gió cực đại cũng ngừng tăng lên. Phạm vi hoàn lưu bão mở rộng. Giai đọan chín muồi có khi kéo dài tới một tuần lễ. Nếu trong giai đoạn trẻ phạm vi gió mạnh, sức bão chỉ giới hạn trong phạm vi bán kình 30 -50km thì trong giai đoạn này có thể mở rộng trên 300km. Khu vực thời tiết xấu nhất nằm ở phía phải so với hướng dịch chuyển của bão. Bão trong giai đọan chín muồi cũng trải qua các thời kỳ tăng cường và suy yếu không đều, kéo dài trong vài ngày, thường do bão tương tác với hoàn lưu ôn đới. 4. Giai đoạn tan rã Khi bão di chuyển vào đất liền, do điều kiện địa hình, lực ma sát tăng lên và khả năng cung cấp ẩm cho bão bị mất đi nên kích thước của bão giảm rất nhanh. Sau một thời gian ngắn (khỏang từ 1 – 2 ngày) thì bão tan rã hoàn toàn, đôi khi có thể tồn tại dưới dạng một áp thấp nhiệt đới và cho mưa lớn trên một phạm vi rộng. Trên biển, bão cũng có thể bị tan rã khi gặp vùng nước lạnh như ở Tây Bắc Thái Bình Dương. 2.2 Sự di chuyển của bão Quỹ đạo của một cơn bão là đường nối các vị trí liên tiếp của cơn bão qua các giai đọan tồn tại của nó. Vị trí của bão được xác định theo trường áp, trường gió và theo ảnh mây vệ tinh. Quỹ đạo bão được xác định một cách chính xác hơn, được gọi là quỹ đạo chuẩn (best track). Ngay từ lúc cơn bão chưa bắt đầu, mới chỉ là vùng áp thấp nhiệt đới, các chuyên gia đã đưa một bản đồ dự báo hướng đi của bão, gọi là track of storm. Trên bảng này, người ta chia màu và cấp độ của bão theo chuẩn quốc tế để mọi người có thể đọc và hiểu. Ta có thể quan sát ở hình trên. Dựa vào bảng bên để xác định cấp độ, vị trí cùng màu sắc tương ứng của bão: Quỹ đạo thông thường của bão có dạng parabol, nó được quy định bởi cơ chế bão di chuyển theo dòng dẫn đường. Tuy nhiên nhiều cơn bão chỉ đi theo dòng dẫn đường trong một thời gian, sau đó đổ bộ vào đất liền và tan đi. Khi đó quỹ đạo hướng từ đông đông nam lên tây tây bắc có dạng gần thẳng như trong trường hợp các cơn bão từ tháng 8 đến tháng 12 ở Tây Bắc Thái Bình Dương và Biển Đông. Một số cơn bão có nội lực lớn chúng có thể di chuyển theo nhiều dạng quỹ đạo khác nhau, có khi thắt nút một hay nhiều lần. Giống như cơn IKE (1984) và WAYNE (1980) trên hình Khi đổ bộ vào đất liền bão sẽ suy yếu và tan dần. Một phần vì bị ma sát với cây cối, địa hình, một phần bão bị mất đi nguồn năng lượng rất lớn là độ ẩm và nhiệt độ do đại dương cung cấp. Đây chính là nguồn năng lượng chủ yếu gây mưa dông, kích thích hình thành cơn bão nên khi bão vào đất liền sẽ bị yếu và tan dần. 3. Hậu quả của bão 3.1 Tổng quan chung Sau đây là những hiện tượng thời tiết bất lợi do bão gây ra: Gió mạnh: gió mạnh trong bão từ cấp 8 trở lên gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Gió mạnh bắt đầu từ khi tâm bão còn cách xa 100 đến 150km. Gió mạnh nhất thường xảy ra ở ngay phía tây bắc của thành mắt bão. Gió bão thường suy giảm đi nhanh chính khoảng 12 giờ sau khi bão đổ bộ. Tuy nhiên gió vẫn có thể giữ được trên cấp 12 ngay cả khi bão đã vào sâu trong đất liền. Mưa lũ: Mưa lớn và nước lũ được đẩy từ biển vào do gió mạnh có thể gây nên lũ lụt lớn trong vòng 24 giờ. Khi đổ bộ, một cơn bão trung bình có thể gây nên tổng lượng mưa khoảng 100 đến 300mm. Nếu như cơn bão lớn và chuyển chậm thì lượng mưa gây nên sẽ lớn hơn nhiều. Khu vực mưa lớn thường nằm ở phía tây bắc của bão và thường xảy ra từ khoảng 6 giờ trước cho đến 6 giờ sau khi bão đổ bộ. Lượng mưa phụ thuộc vào kích thước của bão, tốc độ di chuyển và việc tương tác của bão với các hệ thống thời tiết khác. Nước dâng do bão: Nước dâng do bão là lượng nước bị đẩy vào bờ do hoàn lưu gió mạnh của cơn bão. Ở nước ta, nước dâng lên do bão thường xảy ra ở vùng ven biển phía bắc. Nước dâng kết hợp với thủy triều có thể nâng mực nước lên đến hơn 5m. Nước dâng do bão có sức tàn phá hết sức nguy hiểm, đặc biệt là khi kết hợp với triều cường khi bão đổ bộ. Dòng chảy gây ra bởi nước dâng do bão kết hợp với tác động của sóng có thể phá vỡ đê biển, làm sụt lở bờ biển và các đường giao thông ven biển. Dông và tố lốc: Các cơn bão mạnh có thể gây dông và tố lốc làm tăng mức độ tàn phá của bão. dông và tố lốc thường xảy ra ở phần phía trước bên phải hướng di chuyển của bão. Dông và tố lốc có thể xảy ra vài ngày sau khi bão đổ bộ, khi mà bão chỉ còn là một vùng thấp có hoàn lưu xoáy thuận. Một hình ảnh chi tiết của một cơn bão đổ bộ vào nước ta như sau: tâm bão đi vào tỉnh Thanh Hóa và các vùng ảnh hưởng với những tỉ lệ sức mạnh của bão: 3.2 Một số cơn bão mạnh gần đây Hàng vạn người đã chết vì những cơn bão này. Nó đã trở thành nỗi ám ảnh, nỗi kinh hoàng và cũng là nỗi đau của biết bao gia đình. Hãy cùng nhìn lại 5 trận bão khủng khiếp nhất thế giới trong thời hiện đại. 1) 2008: Cyclone Nargis đổ bộ vào Myanmar Cyclone Nargis đổ bộ vào Myanmar hôm thứ bảy (3/5/2008) với tốc độ gió đạt 190km/h và thủy triều dâng cao, phá vỡ các thị trấn và thành phố ven biển. Hàng vạn người đã chết và các nhà ngoại giao lo ngại rằng con số thương vong sẽ lên tới 100.000. Gần 1 tuần sau cơn bão, toàn bộ các làng ở vùng đồng bằng Irrawaddy của Myanmar vẫn ngập trong nước. Nargis được đánh giá là một trong những cơn bão gây chết chóc lớn nhất đổ bộ vào châu Á trong thời hiện đại. 2) 2007: Cyclone Sidr "làm nghiên ngả" Bangladesh Cơn bão nhiệt đới Cyclone Sidr đã đổ bộ vào miền nam Bangladesh ngày 15/11/2007 với sức gió mạnh nhất lên tới hơn 200km/h. Hàng trăm nghìn ngôi nhà đã bị phá hủy, mùa màng thất bát và khoảng chừng 3500 người bị mất nhà cửa. Con số thương vong có lẽ đã tăng cao nếu chính phủ không kịp thời sơ tán hơn 1.5 triệu người khỏi các ngôi làng ở vùng trũng trước khi cơn bão đổ bộ vào đất liền. 3) 2005: Katrina "tấn công" nước Mỹ Cơn bão Katrina lần đầu tiên đi qua miền nam Florida vào ngày 23/8/2005 và được dự báo là cơn bão cấp 1. Nhưng khi nó đi ngang qua Vịnh Mexico, nó đã trở nên mạnh hơn - thành cơn bão cấp 5 với sức gió lên tới 280km/h. Khi Katrina đổ bộ vào đất liền vào ngày 29/8/2005, nó đã suy yếu đi chút ít nhưng sức tàn phá vẫn rất lớn. Ít nhất 1.836 người đã bị chết. New Orleans đã bị ngập và nhiều vùng ven biển đã bị tàn phá. 4) 1999: Tidal làm ngập Ấn Độ Cơn lốc xoáy cấp cao trong ảnh đã quét qua bang Orissa ở miền đông bắc Ấn Độ vào ngày 29/10/1999 với tốc độ gió đạt 250km/h. Ít nhất 10.000 người bị thiệt mạng do cơn bão. Sóng triều dâng cao tới hơn 6m đã đi sâu vào đất liền tới gần 20km, ngang qua những vùng đồng bằng trũng. Gần 11.200km2 mùa màng đã bị phá hủy. Mưa xối xả và trận lụt phá kỷ lục đã khiến giao thông bị gián đoạn, đường sá không thể sử dụng được. Hàng triệu người đã lâm vào cảnh không nhà. 5) 1998: Mitch tàn phá Trung Mỹ Cơn bão Mitch đã ném những trận cuồng phong và mưa xối xả khi nó đổ bộ vào Trung Mỹ từ ngày 29/10 đến ngày 3/11/1998. Ít nhất 11.000 người đã chết ở Honduras, Nicaragua, El Salvador, Guatemala và Belize, những nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão. Hơn 3 triệu người đã phải dời bỏ nhà cửa khi những cơn mưa mang theo bùn từ các sườn đồi và cuốn trôi toàn bộ các ngôi làng như bức hình mà chúng ta nhìn thấy được chụp ở Honduras. Trước khi Mitch đổ bộ vào đất liền, cơn bão này đã đạt tốc độ gió cao nhất là 280km/h. Những cơn gió mạnh đã đạt tới đỉnh 320km/h. 4. Phát hiện bão Từ những năm đầu của thế kỷ 20, bão được phát hiện và theo dõi thông qua việc phân tích các bản đồ thời tiết dựa trên các số liệu khí áp, gió, mây, mưa v.v... thu nhận được từ lưới trạm quan trắc khí tượng ven bờ biển, trên các hải đảo và tàu biển trên các khu vực rộng lớn hoặc toàn cầu.     Đến nay, nhờ trạm quan trắc khí tượng không ngừng hoàn thiện và các tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt là các vệ tinh khí tượng cung cấp thường xuyên các ảnh mây đen trắng hoặc ảnh màu có độ phân giải cao bao trùm toàn bộ trái đất, các cơn bão có thể được phát hiện ngay từ khi chúng mới hình thành ở giữa đại dương cách xa đất liền hàng ngàn km. Ngoài ra, khi bão cách bờ biển vài trăm km, rađa thời tiết cũng là phương tiện hữu để theo dõi bão. Hiện nay, các cơn bão được các cơ quan khí tượng quốc tế, khu vực theo dõi sát sao từ khi bắt đầu hình thành, trong suốt quá trình di chuyển, phát triển đến khi hoàn toàn tan rã. Tuy nhiên, cũng có trường hợp bão phát sinh ngay sát bờ biển nước, di chuyển và đổ bộ vào đất liền chỉ trong khoảng từ vài giờ tới nửa ngày kể từ khi hình thành. Trong trường hợp này, thời gian dự báo sớm nhất cũng chỉ được từ vài giờ đến nửa ngày.     Phán đoán bão hoặc gió mạnh theo kinh nghiệm dân gian: Bão là một thiên tai nguy hiểm nên qua hàng ngàn năm lao động sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp và giao thông đường biển con người đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm nhận biết, phán đoán sự phát sinh của bão. Đến nay, nhiều kinh nghiệm đã được giải thích bằng các kiến thức khoa học, những kinh nghiệm này chủ yếu dựa vào những thay đổi trạng thái của bầu trời, mặt biển và những biểu hiện khác thường trong hoạt động sống của một số sinh vật...         a/ Trạng thái bầu trời     - Bầu trời quang đãng, không khí oi bức, ngột ngạt, lặng gió kéo dài vài ba ngày, sau đó xuất hiện mây ti tích (một loại mây tầng cao ở độ cao khoảng 7km trở lên, gồm các đám, màn hoặc lớp mây mỏng không có bóng, cấu thành từ những phần tử rất nhỏ có hình dạng trông như những hạt hay nếp nhăn) hội tụ về một hướng chân trời. Sau mây tầng cao xuất hiện mây vũ tích (một loại mây lớn và đặc, phát triển dữ dội theo chiều thẳng đứng trông như những dãy núi đồ sộ, giới hạn trên thường nhẵn lì hay dạng tơ sợi, hình dẹt như cái đe, chân mây đen và có kèm theo mây thấp rách xác xơ), gió tăng dần. Đây là dấu hiệu cho thấy bão có thể đang di chuyển từ hướng đó tới.         - Chớp xa xuất hiện liên tục, đều đặn, gây nhiễu âm, cản trở hoạt động của máy thu thanh. Hướng có chớp sáng nhất là hướng đang có bão hoạt động. Đối với vùng ven nước ta, trước khi bão tới thường xuất hiện chớp ở hướng Đông-Nam. Kinh nghiệm này đã được đúc kết thành ca dao:     “Đông Nam có chớp chéo nhau     Thấp sát mặt biển hôm sau bão về”         - Ngư dân vùng ven biển đồng bằng Bắc Bộ có kinh nghiệm: sáng sớm nhìn về phía Đông thấy mây ti tích dạng “vẩy tê tê” di chuyển từ phía Đông về phía Tây là dấu hiệu cho thấy có khả năng một vài ngày tới sẽ có bão, biển sẽ động mạnh. Kinh nghiệm này khá phù hợp với thực tiễn của mây bão, vì mây ti tích ở tầng cao thường tỏa rất xa về phía trước bão.     b/ Trạng thái mặt biển:     - Sự xuất hiện của sóng lừng, hướng lan truyền của sóng không trùng với hướng gió là dấu hiệu cho thấy có bão hoạt động ở cách xa hàng trăm km. Nhìn chung, hướng lan truyền của sóng gần trùng với hướng di chuyển của bão. Tuy nhiên, sóng lừng có thể không xuất hiện ở những vùng biển quá gần bờ hoặc có nhiều đảo.         - Mặt biển từ trạng thái lặng chuyển dần sang trạng thái động, mức độ tăng dần.     c/ Dấu hiệu khác thường của gió và sinh vật:     Nhiều kinh nghiệm đã được đúc kết thành các câu ca dao, tục ngữ về bão lưu truyền từ bao đời nay, chẳng hạn như:     "Tháng bẩy heo may/ Chuồn chuồn bay thì bão" Hoặc: "Kiến đắp thành thì bão/ Kiến ẵm con chạy ráo thì mưa".     Tháng bẩy trong câu ca dao trên là tháng bẩy âm lịch, thường là tháng tám dương lịch, là một trong những tháng chính của mùa bão ở miền Bắc nước ta. Trong tháng này, “gió bắc heo may”, tức là gió ở vùng phía trước của bão đang hoạt động ở ngoài biển khơi và có khả năng ảnh hưởng đến đất liền trong vài ba ngày tới. Kinh nghiệm dân gian có rất nhiều, song không phải mọi kinh nghiệm đều đúng và sử dụng được.      Cần lưu ý rằng, dự báo bão là một vấn đề rất khó, chưa có quốc gia nào đạt được mức chính xác tuyệt đối. Tuy nhiên, do hệ thống tổ chức và các phương án phòng tránh, chống đỡ ở các nước tiên tiến khá tốt nên thường chỉ cần được cảnh báo trước khoảng 3-6 giờ là đủ để triển khai các biện pháp sơ tán, chống đỡ có hiệu quả, nhằm tránh các thiệt hại lớn, đặc biệt là thiệt hại về tính mạng con người.  5. Các giải pháp phòng chống bão Trước mùa mưa bão (trước tháng 6): a. Nhà ở: -     Xây dựng các nhà ở kiên cố, thường xuyên chằng chống nhà cửa để tăng độ vững chắc nhằm đề phòng bão, áp thấp nhiệt đới. Ở các cửa biển, ven biển, nơi trống trải, nếu nhà ở lợp bằng lá, tôn tráng kẽm, fibro xi măng, ngói có thể dằn lên mái nhà các loại thanh nẹp bằng gỗ, sắt, dây kẽm cỡ lớn hoặc các bao chứa cát để hạn chế tốc mái khi có bão, áp thấp nhiệt đới. Kỹ thuật chằng chống tốc mái, đổ nhà -     Một số biện pháp chằng chống nhà cửa: .      Đối với nhà mái lá: dùng giằng chữ A và dây neo để chống tốc mái, đổ nhà.  ·      Đối với nhà mái tôn, fibro xi măng: +    Chống tốc mái tôn, fibro xi măng bằng bao cát: +    Đối với nhà mái ngói: -     Kinh nghiệm ở một số vùng thường xuyên có bão, áp thấp nhiệt đới để bảo đảm an toàn tính mạng, người ta làm hầm trú ẩn như sau: tìm một vùng đất cao không bị ngập nước, xung quanh không có cột điện, cây cối lớn. Sau đó đào sâu khu đất xuống khoảng 0,5m, dùng bao cát chắn xung quanh dày 2-3 lớp cao khoảng 1,5m, không nên chắn cao đề phòng gió cuốn, phía trên phủ bằng vật liệu nhẹ. Tùy theo độ rộng, mỗi hầm như vậy có thể cho vài chục người trú ẩn khá an toàn. b. Công trình xây dựng: sửa chữa những công trình xuống cấp không đảm bảo an toàn, nhất là chung cư cũ; khi xây dựng công trình mới cần tính toán đến khả năng chịu lực của công trình trước sự tác động của gió bão, áp thấp nhiệt đới. c. Cây xanh: chặt tỉa cành, nhánh của các cây cao, dễ gãy đổ, mục rỗng, nằm gần nhà ở, lưới điện…; có kế hoạch trồng cây xanh hợp lý, vừa đảm bảo tạo cảnh quan, môi trường sinh thái, vừa đảm bảo chống đỡ được gió bão, áp thấp nhiệt đới. d. Điện, viễn thông: duy tu, sửa chữa đường dây điện, đường dây viễn thông không đảm bảo an toàn và từng bước ngầm hóa hệ thống đường dây điện, đường dây viễn thông, nhất là ở khu vực nội thành. đ. Phương tiện, tàu thuyền: kiểm tra số lượng tàu thuyền, kiểm tra đăng kiểm, ngư trường hoạt động của tàu thuyền. Đối với các tàu thuyền không đạt tiêu chuẩn chất lượng, sẽ không gia hạn hoạt động; đối với các tàu thuyền không trang bị đủ các phương tiện an toàn thì buộc chủ tàu thuyền phải trang bị đủ mới được gia hạn hoạt động. Mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ đi biển, đào tạo thuyền trưởng hạng nhỏ cho ngư dân. e. Công trình phục vụ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp: kiểm tra, gia cố bờ vùng, bờ thửa, sửa chữa các đập, cống bọng, trang bị lại các nắp cống bị hư hỏng, bổ sung nắp cống còn thiếu; kiểm tra và sửa chữa các máy bơm, trạm bơm tiêu, nạo vét kênh mương… nhằm bảo vệ sản xuất, bảo vệ ao hồ nuôi trồng thủy sản. g. Giao thông: -     Kiểm tra hệ thống thoát nước, nạo vét các hố ga, cống rãnh bị bồi lắng, lắp đặt mới hệ thống cống… nhằm đảm bảo cho việc tiêu thoát nước trong mùa mưa bão; -     Kiểm tra, nâng cấp, sửa chữa các cây cầu yếu, không đảm bảo an toàn; -     Kiểm tra hoạt động của các bến đò ngang, đò dọc, nhất là việc trang bị các thiết bị an toàn và tải trọng cho phép của các đò… 2. Ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới: a. Đang ở trong nhà kiên cố: -     Bịt kín cửa và các khe cửa, cửa càng kín gió thì chống bão, áp thấp nhiệt đới càng tốt, vì vậy phải đóng kín cửa để tránh gió thổi tốc vào nhà. Nhà kiên cố vẫn có thể bị tàn phá, cho dù không bị sập.   -     Không ra ngoài khi có mưa to, gió mạnh để tránh bị cây ngã đổ đè lên người, gió quật ngã hay tôn bay chém vào người. Cần chú ý, khi tâm bão, áp thấp nhiệt đới đến thì gió và mưa ngừng hẳn, trời quang mây tạnh, nhưng ngay sau đó gió, mưa lại nổi lên với hướng ngược lại, vì vậy sau vài giờ bão, áp thấp nhiệt đới đi qua mới nên rời khỏi nhà. b. Đang ở trong nhà không kiên cố: -     Nên chủ động sơ tán đến các nhà kiên cố, các công trình công cộng kiên cố như trụ sở cơ quan nhà nước, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… để trú ẩn; tuyệt đối không ở lại trên các chòi canh, lồng bè nuôi trồng hải sản; -     Nếu có đào hầm trú ẩn thì phải nhanh chóng sơ tán xuống hầm. c. Đang đi trên đường: nhanh chóng chọn một nơi an toàn như trụ sở cơ quan nhà nước, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… để trú ẩn; tránh núp dưới bóng cây, nhà tạm bợ, những nơi có nhiều bảng hiệu quảng cáo… dễ gây tai nạn. d. Đang ở trên tàu thuyền: Thường xuyên theo dõi tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin, hệ thống tín hiệu báo bão, đồng thời chú ý quan sát bầu trời và mặt biển để nhận biết thời tiết. Khi nhận được tin bão, áp thấp nhiệt đới thì tùy thuộc vào vị trí của tàu thuyền đang hoạt động, vị trí cường độ hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới mà kịp thời cho tàu thuyền vào bờ hoặc tránh xa vùng ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới. e.Dự trữ thức ăn, nước uống cho gia đình tối thiểu 07 đến 10 ngày; chuẩn bị các loại đảm bảo ánh sáng như đèn dầu, đèn pin, hộp gaz, vì khi bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng có thể gây mất điện; chuẩn bị thuốc chữa bệnh thông thường để sử dụng, vì bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ sẽ gây mưa to, có thể gây ngập lụt làm nguồn nước bị ô nhiễm gây dịch bệnh… g. Chủ động thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm nuôi trồng thủy, hải sản trước khi bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ để giảm thiểu thiệt hại.  (Trích từ Sổ tay Hướng dẫn một số biện pháp phòng, tránh, ứng phó thiên tai trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh) 4. Kết luận Trong thập niên vừa qua, các nhà khoa học luôn cảnh báo thế giới rằng: khí thải càng nhiều càng gây hiệu ứng nhà kính, làm cho băng hai cực tan nhanh và Trái đất ấm dần lên. Trái đất đã tăng từ 1 – 2oC, trong khi đó nhiệt độ của đại dương chỉ cần tăng thêm 0,5oC, tức là trên 26oC ở những vùng nước sâu trên 50m, là bão có thể xảy ra. Do vậy, những năm gần đây bão xuất hiện rất nhiều và cường độ càng ác liệt hơn. Chính con người trong quá trình phát triển của mình đã gián tiếp gây ra bão. Giờ đây chúng ta đang phải gánh chịu sự trả thù của tự nhiên, đó cũng là quy luật tất yếu một khi chúng ta không tôn trọng nó, và kết quả là những cơn bão khủng khiếp vẫn đang hoành hành ở nơi này hay nơi khác.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docCách thức hình thành bão nhiệt đới.doc
Luận văn liên quan