Cách thức tổ chức bộ máy nhà nước thời lý trần
LỜI MỞ ĐẦU
Trong lĩnh vực lịch sử nhà nước Việt Nam thời phong liến thì vấn đề về cách thức tổ chức bộ máy nhà nước là một trong những vấn đề được tập trung nghiên cứu của các nhà khoa học. Ở đó, chúng ta thấy được cả một quá trình học tập, kế thừa, sáng tạo của các triều đại phong kiến Việt Nam trong tổ chức một bộ máy nhà nước, nhằm để hoàn thiện dần một bộ máy nhà nước không chỉ có hệ thống mà còn đảm bảo cho sự tồn tại lâu dài, cũng cố quyền lực cho triều đại mình.
Trong tiến trình lịch sử về nhà nước phong kiến Việt Nam, cách thức tổ chức bộ máy nhà nước thời Lý – Trần có là một trong những cách thức mang tính điển hình, thể hiện rất rõ những nét đặc trưng của bộ máy nhà nước phong kiến Việt Nam lúc bấy giờ.
MỤC LỤC
NỘI DUNG 1
1. Cách thức tổ chức bộ máy nhà nước thời Lý – Trần1
a. Chính quyền trung ương1
b. chính quyền địa phương2
2. Nhận xét, đánh giá về tổ chức bộ máy nhà nước quân chủ quý3
KẾT LUẬN.3
4 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 17804 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Cách thức tổ chức bộ máy nhà nước thời lý trần, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
NỘI DUNG
1. Cách thức tổ chức bộ máy nhà nước thời Lý – Trần.
Trải qua gần bốn thế kỉ, bộ máy quản lý đất nước thời Lý – Trần đã được xây dựng theo lối chính quy, bao quát khắp mọi cấp, mọi lĩnh vực và từng bước được hoàn thiện về mặt tổ chức từ trung ương đến địa phương. Để xây dựng một thể chế chính trị quân chủ quý tộc vững mạnh, triều đại Lý – Trần đã thiết lập bộ máy nhà nước dựa trên hai nguyên tắc cơ bản: nguyên tắc “liên kết dòng họ” kết hợp nguyên tắc “tôn quân quyền”.
a. Chính quyền trung ương.
Trong bộ máy chính quyền trung ương thời Lý – Trần, Hoàng đế là người nắm giữ toàn bộ vương quyền và thần quyền. Tuy nhiên, so với các triều đại trước, mức độ tập trung quyền lực của vua chưa cao tới mức chuyên chế. Mà quyền hành pháp được chuyển giao rộng rãi cho các chức vụ trung gian trong nhà nước, thường là các chức vị dưới vua như Tể tướng, Thừa tướng,…Riêng thời Trần, trên vua còn có Thái thượng hoàng – tức là nhà nước được xây dựng theo thể chế lưỡng đầu, thừa nhận sự tồn tại và phân chia quyền lực giữa hai vua, vừa nhằm củng cố quyền lực nhà nước vừa đảm bảo sự ổn định ngay trong nội bộ vương triều.
Theo cuốn “Lịch triều hiến chương loại chí”, bộ máy nhà nước triều Lý được xây dựng với đẳng cấp phân minh, biên chế chặt chẽ. Biểu hiện ở các chức quan cao cấp trong triều đình chia làm hai ngạch: ngạch văn và ngạch võ. Các đại thần ở ngạch văn bao gồm các chức Tam thái (Thái sư, Thái phó, Thái bảo) và Tam thiếu (Thiếu sư, Thiếu phó, Thiếu bảo) giữ trọng trách về hành pháp. Dưới hàng quan văn còn có chức Thượng thư – đứng đầu các bộ, các tả như Hữu tham tri, Hữu giám nghị…Ngạch võ – đứng đầu là Tể tướng nắm giữ quyền binh, dưới Tể tướng còn có các chức vị như Thái úy, Thiếu úy và một số chức quan khác. Dưới hàng quan võ còn có Đô thống, Nguyên súy, Tổng quản…Dưới thời Trần, chế độ trung ương tập quyền không những được khôi phục mà còn được tăng cường về mọi mặt. Quyền lực nhà nước được được phân chia rõ ràng thông qua các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp như Thẩm ti viện, Thẩm hình viện, Tam ti viện…
Bộ máy chính quyền thời Lý – Trần được xây dựng trên hình thức chính thể quân chủ quý tộc. Dựa trên nguyên tắc “liên kết dòng họ”, hoàng thân quốc thích là hậu thuẫn chính trị hùng mạnh cho quyền lực của nhà vua. Biểu hiện của nó là hầu hết các trọng trách ở bộ máy trung ương đều do tầng lớp quý tộc nắm giữ. Các hoàng tử được phong vương và được cử đi trấn trị ở các nơi trọng yếu. Quan lại các cấp phần lớn được tuyển lựa với hai phương thức chủ yếu là nhiệm cử và tuyển cử. Thể hiện ở việc quan lại trong bộ máy nhà nước phần lớn xuất thân từ tầng lớp con em quý tộc. Điều này còn được thể chế trong pháp luật dưới thời Trần Thái Tông: “Người có quan tước, con cháu được thừa ấn mới được vào làm quan; người giàu khỏe mạnh mà không có quan tước thì xung quân, đời đời làm lính”. Ngoài ra còn được thể hiện ở một số chính sách như vương hầu, tôn thất đều được trọng dụng và khuyến khích hôn nhân nội tộc vừa để củng cố sự vững chắc của vương triều vừa nhằm đảm bảo tính thuần nhất của dòng họ, bảo vệ ngôi vua được bền vững.
Tóm lại, thời Lý, các quan lại đều xuất thân từ tầng lớp quý tộc; sang thời Trần, tất cả các chức vụ quan trọng trong triều cũng đều giao cho vương hầu quý tộc nhà Trần nắm giữ. Bởi vậy nhà Trần nắm khá chắc toàn bộ công việc chủ chốt trong triều, quyền lực tập trung trong tay nhà nước trung ương; chế độ quân chủ trung ương tập quyền được củng cố thêm một bước; do đó nhà nước thời Lý - Trần là nhà nước quân chủ quý tộc. Nhà nước quân chủ quý tộc Lý – Trần là mô hình nhà nước được xây dựng trên cơ sở cao nhất là nguyên tắc “liên kết dòng họ”. Cách sử dụng, bổ nhiệm quan lại của nhà nước Lý - Trần đã phản ánh rõ nét tính đẳng cấp sâu sắc, nhất là dưới thời Trần. Nguyên tắc “tôn quân quyền” chỉ được thể hiện nhưng không đậm nét bằng nguyên tắc “liên kết dòng họ” trong tổ chức bộ máy chính quyền trung ương.
b. chính quyền địa phương
Việc phân cấp hành chính và tổ chức chính quyền địa phương các cấp trong tổ chức bộ máy nhà nước thời Lý – Trần có nhiều lần được sửa đổi và thay thế. Dưới thời Lý, chính quyền địa phương bao gồm 3 cấp: “lộ – trại” (đứng đầu là Thông phán – Chủ trại); “phủ – châu” (Tri phủ – Tri châu) và hương, xã, sách. Nhìn chung dưới thời Lý, các cấp cơ sở chưa thực sự được quan tâm, đốc thúc. Đến thời Trần, sau hai cuộc cải cách của vua Trần Thái Tông (1242) và vua Trần Thuận Tông (1397) về cơ bản, bộ máy chính quyền địa phương đã có một số thay đổi, tách nhập giữa các cấp. Chính quyền địa phương bao gồm 5 cấp: “lộ” (đứng đầu là An phủ chánh sứ), “phủ” (Trấn phủ sứ), “châu” (Thông phán), “huyện” (Lệnh úy), “xã” (Xã chính). Điều đó phản ánh nhà nước thời này đã đặc biệt quan tâm, trực tiếp với tay quản lý đến cấp cơ sở; một số chức vụ quan trọng trong chính quyền địa phương đều được vua giao cho các vương tôn quý tộc. Dưới thời Lý – Trần, lần đầu tiên có cấp hành chính huyện.
Trong quá trình tổ chức xây dựng chính quyền địa phương thời Lý-Trần còn có một số điểm đáng chú ý sau:
- Ở miền núi, các tù trưởng có thế lực rất lớn, thực sự nắm quyền quản lý cư dân thuộc tộc mình, các vua Lý-Trần thường gả công chúa và phong chức tước cho các tù trưởng qua đó biến các tù trưởng thành quan chức nhà nước nhằm cũng cố nhà nước trung ương tập quyền.
- Ở cấp lộ còn có các chức quan trông coi về đê điều, đồn điền của nhà nước: hà đê chánh sứ và hà đê phó sứ, đồn điền chánh sứ và đồn điền phó sứ.
- Triều đình đã bổ nhiệm quan chức đến cấp xã nhưng chắc chắn phải có một hình thức tổ chức quản lý truyền thống trong nội bộ làng, xã mà không thấy sử cũ ghi chép.Ở cấp lộ còn có các chức quan trông coi về đê điều, đồn điền của nhà nước. Triều đình đã bổ nhiệm quan chức đến cấp xã…
Từ thực tế trên cho phép đi đến một nhận định tổng quát ở thời Lý – Trần, quá trình xây dựng và củng cố bộ máy nhà nước có nhiều biến động; tổ chức bộ máy nhà nước ở địa phương được hoàn thiện hơn…
2. Nhận xét, đánh giá về tổ chức bộ máy nhà nước quân chủ quý tộc thời Lý – Trần.
Bỏ qua những biến thiên trong sắp đặt theo hướng củng cố, mở rộng bộ máy nhà nước qua hai vương triều Lý – Trần, tóm lược từ những nét lớn, có thể thấy bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương đã khá hoàn chỉnh và chặt chẽ. Đây là một bước phát triển vượt bậc trong lịch sử, thể hiện sự sáng tạo riêng biệt của giai cấp phong kiến Việt Nam trong tổ chức và xây dựng bộ máy nhà nước Không bị phụ thuộc hoàn toàn mà có sự thừa kế, sáng tạo khi tiếp thu mô hình quân chủ chuyên chế ở Trung Quốc.
Việc xây dựng mô hình quân chủ quý tộc trước hết góp phần củng cố địa vị của nhà vua, giúp vua quản lý đất nước. Cách sử dụng, bổ nhiệm quan lại của nhà nước Lý - Trần đã phản ánh rõ nét tính đẳng cấp sâu sắc, nhất là dưới thời Trần; điều này đem lại cơ sở vững chắc cho bộ máy nhà nước quân chủ quý tộc . Tuy nhiên việc trao quyền lực cho một tầng lớp vương hầu quý tộc cũng tiềm ấn một sự chuyên quyền, tiềm ẩn nguy cơ phân quyền cát cứ; đội ngũ quí tộc nắm trong tay nhiều quyền lực dần bị tha hóa, đồng thời trình độ, năng lực trị nước an dân không cao, không đáp ứng được nhu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội ngày càng cao. Đó là cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự tan rã của chế độ quân chủ quý tộc thời Lý-Trần.
KẾT LUẬN
Bộ máy nhà nước quân chủ quý tộc thời Lý – Trần đã đi vào lịch sử tổ chức bộ máy nhà nước phong kiến Việt Nam như một mô hình mang tính điển hình, độc đáo. Bởi không những có sự kế thừa từ buổi đầu dựng nước, những hệ quả từ thời Bắc thuộc mà còn tiếp thu chọn lọc mô hình quân chủ chuyên chế Trung Quốc, sự tác động của yếu tố đặc điểm lịch sử cụ thể, tâm lý dòng tộc...nên có sự sáng tạo riêng biệt trong cách thức tổ chức bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương. Đặc biệt, đến thời Lý – Trần chúng ta thấy rõ sự quan tâm tổ chức bộ máy nhà nước xuống tận cấp cơ sở, đây cũng có thể nói là một bước phát triển vượt bậc trong lịch sử. Việc làm này hẳn không ngoài mục đích quản lý có hiệu lực vì lợi ích của đội ngũ cầm quyền đồng thời còn để sát dân, gần dân, động viên huy động toàn dân dựng nước, giữ nước có kết quả. Vai trò của hương, giáp, xã trong kháng chiến chống giặc Tống vào thế kỷ XI và ba lần chống giặc Nguyên Mông vào thế kỷ XIII đã chứng minh rõ điều đó. Mặc dù là những cách thức tổ chức bộ máy nhà nước dưới thời phong kiến nhưng thực sự bộ máy nhà nước thời Lý – Trần vẫn còn để lại những giá trị về mặt kinh nghiệm và giá trị về lịch sử .
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Cách thức tổ chức bộ máy nhà nước thời lý trần.doc